November 2024 | Mon | Tue | Wed | Thu | Fri | Sat | Sun |
---|
| | | | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | | Calendar |
|
|
| Những câu chuyện ngắn ý nghĩa làm bạn phải cảm động | |
| | Tác giả | Thông điệp |
---|
P-C Khách viếng thăm
| Tiêu đề: Những câu chuyện ngắn ý nghĩa làm bạn phải cảm động Fri May 10, 2013 4:08 pm | |
| . Những câu chuyện ngắn ý nghĩa làm bạn phải cảm động 1. Cùng nghề
Thằng bé bảy tuổi ngây thơ hỏi: - Sao hôm nay nhà cô Lan đông học trò vậy bố? - Mùng ba tết, học trò đến thăm và chúc tết cô giáo của mình đấy. Ông bà xưa có câu mùng một tết cha mùng ba tết thầy đó mà. - Sao không thấy học trò thăm bố? - À, sáng nay bố trực tiếp khách ở trường, học trò đã đến chúc tết bố rồi. Thằng bé không biết bố nó nói dối. Chỉ vì cô Lan dạy Toán còn bố nó dạy Thể Dục...
2. Đêm
Dưới trời sương. Hai mẹ con nhìn trăng tròn treo trên những ngọn dừa và mái ngói ngủ yên. Người mẹ mơ có một mái ấm. Đứa con ước với được vầng trăng. Mười năm. Đứa con đã chạm tới đỉnh cao và nghĩ về tổ ấm. Người mẹ một mình nhìn trăng qua lỗ hổng mái nhà. Vầng trăng khuyết đi một nửa...
3. Câu chuyện chim non
Chim non đang bay về phía nam để tránh rét thì bị đông cứng và rơi xuống một cánh đồng. Trong khi nó đang nằm đó thì Bò cái tới và phóng uế lên người nó. Trong lúc bị đông cứng vì rét, bãi phân bò lại làm cho Chim non thấy ấm lên và tỉnh lại. Nó cất tiếng hót vì sung sướng thì một chú mèo đi qua nghe thấy. Mèo tìm đến bãi phân bò, lôi Chim non ra rồi ăn thịt.
Lời bình: 1) Không phải bất cứ ai vây bẩn lên bạn cũng đều là kẻ thù. 2) Không phải bất cứ ai kéo bạn ra khỏi chốn bẩn thỉu cũng đều là bạn. 3) Khi bạn đang ở sâu trong chốn bẩn thỉu, hãy im lặng.
4. Cho đi là hạnh phúc
Một hôm, một sinh viên trẻ có dịp đi dạo với giáo sư của mình. Vị giáo sư này vẫn thường được các sinh viên gọi thân mật bằng tên "người bạn của sinh viên" vì sự thân thiện và tốt bụng của ông đối với học sinh.
Trên đường đi, hai người bắt gặp một đôi giày cũ nằm giữa đường. Họ cho rằng đó là đôi giày của một nông dân nghèo làm việc ở một cánh đồng gần bên, có lẽ ông ta đang chuẩn bị kết thúc ngày làm việc của mình. Anh sinh viên quay sang nói với vị giáo sư: "Chúng ta hãy thử trêu chọc người nông dân xem sao. Em sẽ giấu giày của ông ta rồi thầy và em cùng trốn vào sau những bụi cây kia để xem thái độ ông ta ra sao khi không tìm thấy đôi giày." Vị giáo sư ngăn lại: "Này, anh bạn trẻ, chúng ta đừng bao giờ đem những người nghèo ra để trêu chọc mua vui cho bản thân. Nhưng em là một sinh viên khá giả, em có thể tìm cho mình một niềm vui lớn hơn nhiều nhờ vào người nông dân này đấy. Em hãy đặt một đồng tiền vào mỗi chiếc giày của ông ta và chờ xem phản ứng ông ta ra sao."
Người sinh viên làm như lời vị giáo sư chỉ dẫn, sau đó cả hai cùng trốn vào sau bụi cây gần đó. Chẳng mấy chốc người nông dân đã xong việc và băng qua cánh đồng đến nơi đặt giày và áo khoác của mình. Người nông dân vừa mặc áo khoác vừa xỏ chân vào một chiếc giày thì cảm thấy có vật gì cứng cứng bên trong, ông ta cúi xuống xem đó là vật gì và tìm thấy một đồng tiền. Sự kinh ngạc bàng hoàng hiện rõ trên gương mặt ông. Ông ta chăm chú nhìn đồng tiền, lật hai mặt đồng tiền qua lại và ngắm nhìn thật kỹ. Rồi ông nhìn khắp xung quanh nhưng chẳng thấy ai. Lúc bấy giờ ông bỏ đồng tiền vào túi, và tiếp tục xỏ chân vào chiếc giày còn lại. Sự ngạc nhiên của ông dường như được nhân lên gấp bội, khi ông tìm thấy đồng tiền thứ hai bên trong chiếc giày.
Với cảm xúc tràn ngập trong lòng, người nông dân quì xuống, ngước mặt lên trời và đọc to lời cảm tạ chân thành của mình. Ông bày tỏ sự cảm tạ đối với bàn tay vô hình nhưng hào phóng đã đem lại một món quà đúng lúc, cứu giúp gia đình ông khỏi cảnh túng quẫn, người vợ bệnh tật không ai chăm sóc và đàn con đang thiếu ăn. Anh sinh viên lặng người đi vì xúc động, nước mắt giàn giụa. Vị giáo sư lên tiếng: "Bây giờ em có cảm thấy vui hơn lúc trước nếu như em đem ông ta ra làm trò đùa không?" Người thanh niên trả lời: "Giáo sư đã dạy cho em một bài học mà em sẽ không bao giờ quên. Đến bây giờ em mới hiểu được ý nghĩa thật sự của câu nói mà trước đây em không hiểu: "Cho đi là hạnh phúc hơn nhận về". (Sưu Tầm) |
| | | P-C Khách viếng thăm
| Tiêu đề: Những Chuyện Thật Ngắn - Trịnh Tây Ninh Sun May 26, 2013 10:00 am | |
| .
Những Chuyện Thật Ngắn - Trịnh Tây Ninh Bộ quần áo cũ
Sống chung với một ông bố chồng già yếu, bướng bỉnh là chuyện không dễ. Ông hay than phiền, hỏi những câu không đúng lúc và từ chối các món ăn cần thiết. Ông hãnh diện về thời trai trẻ, cứ kể đi kể lại các câu chuyện của thời vàng son. Hồi đó, là chỉ huy trong quân đội...ông luôn đặt lý trí lên trên tình cảm. Tôi biết ông là người tốt, nhưng có cảm giác ông sống vì khối óc chứ không vì con tim, thiếu sự thông cảm. Hôm nay đưa ông đi lễ ở nhà thờ, một lần nữa ông lại mặc bộ đồ vest cũ sờn rách mang từ Việt Nam sang. Tôi nhẹ nhàng: -Bố nên thay bộ đồ con mua hôm trước, bộ quần áo này cũ quá. -Nhưng bố thích mặc bộ này! Tôi bắt đầu cau có: -Nhưng mặc như vậy đi chỗ đông người rất kỳ, người ta sẽ nghĩ tụi con bỏ bê không chăm sóc bố. Ông già buồn rầu, lập lại: -Bố thích bộ quần áo này lắm. Tôi cũng cương quyết: -Bố nên thay ngay kẻo trễ, con không thấy có lý do gì để bố thích nó. Ông già trả lời rất gọn ghẽ, chân thành, lâu nay ít khi nào tôi thấy ông minh mẫn như vậy: -Chính mẹ đã tặng bố bộ quần áo này để mặc ngày kỷ niệm thành hôn. Khi chồng con ra trường, bố cũng mặc bộ quần áo này. Ngày đưa mẹ con ra nghĩa trang, bố cũng mặc bộ đồ này, bố thấy thật vui và xúc động khi mặc nó. Nước mắt ông già hoen trên mi, rơi xuống gò má nhăn nheo. Tôi hụt hẫng và hết sức bối rối. Bố chồng tôi sống tình cảm và có lý hơn tôi nghĩ. Trước khi quyết đoán người nào đó khô khan không có trái tim, tôi nên xét lại trái tim mình đã.
Bệnh và Lười
Cũng như các bà vợ khác ở hải ngoại, vợ tui kỳ này làm biếng quá. Đi làm về là nằm trên giường xem phim bộ, chẳng chịu nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa gì ráo. Tôi có la, nó ấp úng trả lời: -Em thấy mệt quá, chẳng làm gì được cả. Nằm nhưng không ngủ được nên mới bật máy xem phim, chứ không cố ý xem phim. Con vợ tui chơi chữ ghê, xem mà không xem, nó biện hộ kiểu này ai nghe cho được. Tui định bụng hôm nay về mà bếp núc lạnh tanh, sẽ đập tan cái TV ra cho biết mặt. Về nhà, quả nhiên cơm canh không có, đứa con nhỏ hoảng hốt: -Ba ơi, anh Hai đưa má vào bệnh viện rồi, má bị xỉu phải cấp cứu. Tui vội vã vào nhà thương. Người ta đã chẩn bệnh xong. Vợ tui có lẽ bị ung thư xương. Hèn chi mấy tuần nay nó đau nhức, than thở mà tui nghĩ nó giả bộ nên không thèm nghe, cũng chẳng đưa đi bác sĩ. Bệnh ung thư phát mạnh quá, sau vài tuần, bác sĩ cho biết nó không còn ở với tui được bao lâu nữa. Ung thư ngực thì cắt vú, ung thư xương không biết cắt ở đâu! Phổi vợ tui cũng có “vấn đề”, vì bao năm qua phải hửi mùi thuốc lá tui hút. Tui không dám nói với nó tui đã nghĩ xấu và giận nó không chịu nấu cơm, dọn dẹp. Cô vợ đầu ấp tay gối bao nhiều năm mà nó đau đớn, bịnh nặng tui cũng không biết. Vậy mà nó vẫn cố gắng đi làm kiếm tiền, chỉ khi về mới nằm liệt ra thôi. Tui hối hận quá chừng, trốn vào nhà vệ sinh của bệnh viện khóc rấm rứt. Thằng Tây đen nhìn tui ái ngại, hỏi tui có OK không. Tui không biết than thở cùng ai, nên dù tiếng Anh dở ẹt, cũng sổ một tràng. Nó có vẻ thông cảm nhưng chỉ phán được một tiếng “sorry” rồi đi ra. Tui trở vào phòng thăm vợ. Mới mấy tuần mà nó ốm nhom xanh lè, tay chân dây rợ, kim chích chằng chịt. Nó thì thầm: -Ở đây buồn và ồn quá, em muốn về nhà. Em sẽ nấu món giả cày mà anh thích đó. Tui vỗ về: -Em ráng lo nghỉ ngơi, đừng bận tâm. Tui ráng nấu mấy món ngon đem vào nhà thương, nhưng nó không ăn được nữa. Tui lại khóc. Lạ ghê, trước giờ tui rất oai phong, la mắng vợ con mỗi ngày, uy quyền lắm mà bây giờ mít ướt quá sức …
Tình vợ chồng
Chị thắc mắc: -Anh có còn thương em không? -Tại sao phải hỏi? -Từ ngày lấy nhau, mình hết thơ mộng, anh hết tình tứ lãng mạn với em rồi. -Bận thấy mồ, còn lo cho con, nhưng anh chẳng thấy gì khác. -Em thấy khác! -Anh đi sửa cửa sổ đây. -Em ghét anh, anh giả bộ bận rộn. Trời bỗng đổ mưa, nước tạt vào nhà, may quá chồng chị vừa sửa xong cánh cửa.
Lời cầu nguyện
Tôi rất sợ phải nghe ba mẹ cãi nhau. Tôi thường phải làm quan tòa và lẫn lộn không biết nên nghĩ gì. Mẹ hay nói: -Con thấy ba kỳ cục không, nếu gặp người đàn bà khác, bà ta đã đập tan mọi thứ trong nhà ra rồi. Ngược lại ba hỏi: -Con gái, tuy con còn bé nhưng con thấy ba chịu đựng mẹ như thế nào. Ba phải làm sao đây? Tôi hay nhìn những tấm hình ba mẹ chụp thời mới cưới treo trên tường, hai người nhìn nhau tươi cười hạnh phúc làm sao. Họ đã từng yêu nhau thắm thiết, tại sao tình yêu lại thay đổi mau chóng và thê thảm như vậy. Họ rất khó quên, khi gây gỗ thường kể đi kể lại những chuyện giận hờn xảy ra năm xửa năm xưa, rồi từ từ nặng lời với nhau. Tôi và em gái cũng hay có chuyện vì giành đồ chơi, hay vì phân công dọn dẹp nhà cửa không đều, nhưng chỉ chút sau là chúng tôi quên và tiếp tục chơi với nhau vui vẻ. Tôi muốn gia đình hòa thuận, êm ấm như hồi tôi còn bé. Lâu rồi chúng tôi không được đi picnic, đi câu cá với nhau. Ngày ba tôi đập tan những tấm hình đám cưới treo trên tường, là ngày ông bà quyết định ly dị. Ba mẹ gọi hai chị em tôi vào phòng, chúng tôi đứng trên những mảnh vụn và được hỏi: -Hai đứa con phải quyết định, đứa nào muốn ở với mẹ, đứa nào muốn ở với ba. Chúng ta phải chia hai. Tôi và em gái chỉ biết khóc. Cách đây mấy tháng, tôi cũng giúp ý kiến thằng Tâm để nó chọn lựa bố hay mẹ. Bây giờ tới phiên nó sẽ giúp tôi?!!! Tôi biết Tâm rất khổ, trong lớp nó không còn muốn chơi với ai cả ngoại trừ tôi. Cô giáo và những bạn hiểu chuyện nói lời an ủi, thương hại cũng làm nó bực mình, muốn lẩn tránh. Nó trở nên ít nói và không cười nữa. Tôi sẽ phải trải qua những chuyện y như vậy. Tôi rất sợ. Đêm hôm đó tôi không ngủ được, chạy sang phòng em thấy nó còn thức, tôi rủ nó ra bàn thờ cùng đọc kinh. Chúng tôi chỉ thuộc kinh Lạy Cha và Kính Mừng, tôi ước gì có thể đọc được những kinh thật dài như người ta đã đọc trong nhà thờ để Chúa hiểu và lắng nghe chúng tôi hơn. Một chút sau ba má tôi cũng ra phòng khách cùng quỳ đọc kinh với chúng tôi - có lẽ vì nửa đêm tiếng cầu kinh của chị em tôi lớn quá làm họ không ngủ được. Thật là nhiệm mầu, ba má tôi xin lỗi nhau và quyết định không ly dị nữa. Tất cả chúng tôi cùng khóc. Tôi nghe mẹ tôi kể với bạn của bà, nhờ sự thành khẩn của hai đứa tôi trong lần đọc kinh đó mà bà đã suy nghĩ lại. Tình trạng gia đình tôi khá hẳn. Ba đã treo lại những tấm hình đám cưới lên tường và treo thêm tấm bốn người vừa chụp ở tiệm. Tôi tin lời cầu nguyện sẽ luôn được Chúa chấp nhận nếu mình cầu xin hết lòng và ở trong một hoàn cảnh thật sự cần giúp đỡ. Tôi cũng an tâm không cần phải học nhiều kinh dài và mới, Lạy Cha và Kính Mừng có thể tạm đủ.
Thiếu sót
Chúng tôi đi xem văn nghệ do trường Trung Học của con trình diễn. Mỗi năm trường đều có International Night để các học sinh thuộc các sắc dân phô bày văn hóa, âm nhạc đặc thù của dân tộc mình. Tôi thích thú theo dõi, tới phần học sinh Việt Nam, tôi bật cười vì thấy các cháu mặc áo dài đi cấy lúa. Có đứa lại mặc áo dài với quần jean, mang giày thể thao. Đa số các quan khách, học sinh ngoại quốc đều vỗ tay tán thưởng vì động tác nhịp nhàng, vành nón lá xinh tươi, âm nhạc vui nhộn ca ngợi cảnh thanh bình trên đồng lúa. Tối về, tôi hỏi: -Sao tụi con lại mặc áo dài đi cấy lúa. Dân quê phải mặc áo bà ba chứ. Cháu cười hồn nhiên: -Hôm rồi tổng dợt ở nhà mình, tụi con có mặc áo dài múa thử, sao lúc đó mẹ không nói? Tôi không trả lời được. Bận rộn quá, tôi đâu có giờ để ý. Trách nhiệm dạy con biết về quê hương, văn hóa cội nguồn không phải dễ, còn rất nhiều điều tôi đã thiếu sót.
Kỷ niệm Giáng Sinh
Tôi có đọc câu chuyện, đại khái người mẹ bị ung thư, phải chữa trị bằng chemo nên rụng hết tóc. Ngày con gái ở xa về thăm, bà sợ con buồn nên đội tóc giả. Đứa con biết mẹ bệnh, không còn tóc nên để tỏ lòng thông cảm, cô đã húi cua ngắn ngủn. Khi gặp nhau, hai mẹ con đều ứa nước mắt cảm động. Người đáng lẽ tóc dài thì lại cụt ngủn, người đáng lẽ trọc lóc lại có tóc giả thật dài. Giáng Sinh vừa qua hai mẹ con tôi cũng dở khóc dở cười. Con gái tôi cũng đi học xa, bận rộn và không đủ tiền nên quyết định không về nhà ăn Noel. Tôi thương con nên dù khó khăn, cũng ráng dành dụm tiền để mua vé máy bay đi thăm con. Tôi muốn cháu ngạc nhiên nên không cho cháu biết trước, nhưng cũng thật là ngạc nhiên, trước ngày tôi lên đường, cháu lại bất ngờ về nhà. Tôi phải bỏ vé máy bay của mình, tiếc tiền lắm nhưng cháu an ủi: -Mẹ con mình đã được gặp nhau, mình quan tâm cho nhau là chuyện quan trọng. Chút tiền có mất nhưng con sẽ nhớ mãi kỷ niệm này. Con không muốn mẹ ăn Giáng Sinh một mình, bên đó con còn có bạn, mẹ ở đây chẳng có ai! Tôi rưng rưng nước mắt. Cuộc đời người đàn bà bị chồng bỏ, phải nuôi con một mình cũng được chút ủi an.
Đôi giày trắng
Ngày cưới có lẽ là ngày bận rộn, có nhiều chuyện vui nhất trong đời. Tôi biết có cô dâu mang theo áo dài để thay, nhưng quên mang quần. Hôm đám cưới tôi, mọi người đều rộn ràng. Tôi cũng chiều vợ, sáng mặc bộ vest trắng đi nhà thờ, chiều thay bộ vest đen tới tiệc. Tới nhà hàng tôi mới hết hồn, vì biết mình quên không mang theo đôi giày đen. Chú rể xúng xính trong bộ đồ đen, chân mang giày trắng bóng, coi sao được! Chưa biết tính sao thì thằng bạn lên tiếng: -Trễ rồi, thôi mang giày của tui đi. Mới tậu hôm qua đó, chắc là vừa. Tôi mang ơn thằng bạn này hết sức. Cứu người như cứu hỏa. Nó cũng biết mắc cỡ, giấu đôi chân mang giày trắng dưới gầm bàn, không dám đi đâu, kể cả vào nhà vệ sinh vì nó cũng mặc vest đen. Sau này khi có đứa con trai đầu lòng, tôi nhờ thằng bạn này làm bố đỡ đầu. Nó rất vui và hãnh diện vì lần đầu tiên được lên chức “Godfather”, tôi chọc nó: -Hôm rửa tội con tui, nếu anh dám mặc đồ đen và đi giày trắng, tui sẽ đãi thêm một chầu seafood ở nhà hàng nổi tiếng Toronto. Nó nhìn tôi ấm ức, nhưng nó biết tôi vẫn nhớ và cám ơn thật nhiều. Giúp người vào lúc người đó gặp hoàn cảnh khó khăn, nguy ngập nhất là chuyện nên làm. Lý do, hậu quả như thế nào sẽ tính sau.
Nói thật
Thái ơi! Miên xấu hổ quá, không nói được nên viết email này cho Thái giải thích việc hôm qua nhé. Mình là bạn trai, bạn gái của nhau, đáng lẽ Miên nên thành thật nói rõ hơn về gia đình mình. Nhà Miên nghèo lắm, ba má mới sang Mỹ diện HO nên còn rất vất vả xây dựng cuộc sống. Người đàn ông cắt cỏ trước sân nhà Thái ngày hôm qua là ba của Miên đó. Khi tới nhà Thái chơi, Miên hoàn toàn không nghĩ tới chuyện gặp ba trong hoàn cảnh này. Ba trong bộ quần áo làm vườn cũ kỹ, cặm cụi cắt cỏ, tỉa cây. Khi Thái rủ Miên ra sân chơi trả tiền cho ba, Miên trốn vào nhà vệ sinh nói mình bị đau bụng và bỏ về. Tối qua Miên mất ngủ, vừa thấy mình có lỗi với ba, vừa xấu hổ vì đã nói dối với Thái. Miên tệ quá phải không? Bây giờ Thái biết sự thật rồi đó, Thái bỏ Miên, Miên cũng không buồn đâu. Miên sẽ cố gắng học giỏi để lo cho ba má, giúp gia đình vượt qua cái nghèo. Xứ này ai cố gắng thì sẽ thành công thôi. Chúc Thái luôn vui và tìm được người bạn khác xứng đáng hơn. Xin lỗi Thái thật nhiều...
Mày Tao
Có lần giận con quá vì nó nói dối, tôi đã quát to: - Mày là đứa nói láo, không ai thương mày nữa! Thằng nhỏ mếu máo trả lời: - Mẹ có thể đánh con, nhưng đừng gọi con là mày! Tôi giật mình, nó sanh ra và lớn lên ở Mỹ, tiếng Việt không giỏi nhưng sao hiểu được chữ «mày» là rất nặng, rất xấu. Tôi xấu hổ lắm và từ đó về sau không gọi con là mày nữa, dù giận tới đâu. Có những người chồng hay quát nạt, gọi vợ là mày, mắng chửi nặng lời. Nếu có quyền, tôi sẽ gạch bỏ chữ «mày, tao» trong tự điển tiếng Việt.
Hờ hững
Chị mỉm cười nhìn cô cháu gái được người yêu âu yếm nâng bàn chân lên xem, khi cháu đạp phải vật gì nhọn dưới đất. Chị nói với bạn bè chung quanh: -Thời của mình qua rồi, nhìn đôi tình nhân trẻ kia thấy mà ham, bây giờ mình có đạp phải đinh chảy máu mấy ổng cũng không quan tâm, có khi còn chửi mình sớn xác nữa! Hôm sau chị và chồng có dịp ghé thăm tiệm Nail của người bạn, anh ân cần quỳ xuống xem chân chị và hỏi ý chị bạn làm sao chữa được những cục chai trên bàn chân chị. Chị cảm động lắm và nhận ra mình rất nhậy cảm ở... bàn chân. Chồng chị không hờ hững như chị hằng nghĩ. Sau này mỗi lần đi ngang tiệm Nail, chị đều muốn được ghé vào, không phải để làm móng tay, nhưng để anh giúp chị làm mòn những cục chai. .
|
| | | P-C Khách viếng thăm
| Tiêu đề: 14 Chuyện Thật Ngắn của Trịnh Tây Ninh Thu Nov 07, 2013 6:20 pm | |
| .
14 Chuyện Thật Ngắn của Trịnh Tây Ninh
Ngạc nhiên
Chị vật vã: - Anh xài tiền phí quá, mấy tháng nay không có dư để trả thêm vào tiền nhà. Anh lại làm thêm nhiều giờ phụ trội, như vậy tiền đi đâu? Hay là anh dấu em làm việc gì, đi nuôi con nào? - Không phải em kiểm soát tất cả tiền bạc trong nhà sao? - Nhưng em rất thắc mắc! Thắc mắc đã được trả lời, vào ngày sinh nhật, anh đã surprise chị bằng đôi bông tai thật đẹp mà chị hằng ao ước.
Không quên
Hôm nay em tốt nghiệp Trung Học, được phần thưởng của trường, cả nhà đều vui mừng. Em cám ơn bố mẹ nhiều lắm, nhất là mẹ. Em nhớ hồi lớp 9, có lần em vô ý để quên homework ở nhà. Em sợ quá gọi về thì mẹ đã vội vàng lái xe đem bài tới cho em. Hôm đó em được điểm cao và không bị phạt vì nộp bài trễ. Em nhớ ơn mẹ vô cùng. Có những hy sinh, thông cảm của cha mẹ mà suốt đời con cái sẽ không quên.
Hột đậu phọng
Tôi ngồi may, hai đứa con trai nhỏ chơi bên cạnh. Thằng anh lấy phôn gọi vào hãng cho chồng tôi kể lể gì đó, thằng em đang ăn xen vào: - Anh Bi, em muốn cho bố ăn đậu phọng. Vừa nói cháu vừa gõ gõ hột đậu vào ống nghe, thằng anh la lên: - Đừng làm như vậy! Tôi nghĩ Bi sẽ nói muốn cho bố ăn thì phải chờ bố về, thức ăn không chuyển qua phôn được, nhưng cháu nói: - Em làm như vậy hột đậu phọng sẽ rớt vào lỗ tai bố đó! Mình không được làm đau tai bố! Tôi mỉm cười, các cháu thật ngây thơ và biết yêu thương bố mẹ. Tiếc là bây giờ các cháu đã lớn, tới tuổi “teenager” bướng bỉnh hay cãi, thỉnh thoảng nói những lời nghe thật chói tai. Không biết cháu có còn nhớ câu chuyện hột đậu phọng ngày xưa?
Khờ
Xóm tôi có một đứa con gái ít nói chậm chạp, theo người ta thì nó bị bệnh khờ. Nó không học được, không thể làm nổi một bài toán đơn giản, nên chỉ ở nhà dọn dẹp, giặt giũ. Sau ngày 30 tháng 4, cả xóm ai nấy trở nên nghèo khổ hơn, nó về quê với mẹ vất vả làm rẫy. Mấy chị nó khôn lanh nhưng đua đòi, ở lại thành phố theo đám thanh niên Khăn Quàng Đỏ ca hát, họp hành cả ngày, tháng tháng về quê thu tiền nó bán khoai, bán trái. Ngày mẹ nó chết, các chị nó vẫn liếc ngang liếc dọc, khóc lóc một cách hời hợt. Riêng nó quỳ yên lặng trước xác mẹ mấy ngày trời, cầm tay mẹ mà nước mắt đầm đìa. Các chị nó suốt ngày xăm soi chăm sóc sắc đẹp, nhưng chắc chẳng bao giờ soi gương nhìn lại tâm hồn mình. Còn nó ít khi để ý làm dáng, nhưng tâm hồn nó đẹp đẽ biết bao. Tôi tự hỏi giữa nó và những anh chị kia, ai khờ hơn ai.
Nhà hàng
Bố con nó rộn ràng sửa soạn, một chút cả nhà sẽ đi ăn nhà hàng mừng sinh nhật chồng tôi. Tôi mắc cuời, anh già rồi mà vẫn còn thích birthday, đòi phải ra ngoài ăn. Đi nhà hàng vừa tốn tiền vừa mất thì giờ, trong khi ăn ở nhà vừa rẻ vừa tiện, lại không sợ dầu mỡ bột ngọt. Tôi lại đang cố gắng gởi tiền về Việt Nam giúp ông anh sửa nhà, nhưng không dám nói vì dù sao cũng là ngày đặc biệt, cản thì chồng tôi lại buồn, trách tôi kẹo! Khi đến nhà hàng, tôi lặng người vì xúc động. Đây là một nhà hàng Tây sang trọng, có nhạc sống, có ánh nến lung linh. Cách đây mấy tháng khi xem TV, tôi có nói với chồng là phải chi mình được đi ăn ở khung cảnh như vậy cho biết. Nhưng tôi nói để mà nói, chứ thật sự không nghĩ tới chuyện phí phạm như vậy. Cô gái tóc vàng đánh piano thật hay, mười ngón tay cô như múa lượn trên phím ngà. Mấy anh bồi bàn to lớn nhưng lịch sự hết sức, không vội vàng đổ tháo như ở nhà hàng Tàu bình dân gần nhà. Rắc thêm có mấy hạt tiêu vào đĩa mà ông bồi cũng trịnh trọng hỏi ý, rồi xay tiêu nguyên hạt tại chỗ cho thơm chứ không dùng loại xay sẵn. Bây giờ tôi hiểu tại sao chồng tôi nhất định phải đi ăn, không phải vì anh ham vui mà vì tôi. Anh biết nếu không lấy lý do mừng sinh nhật, sức mấy tôi chịu đi! Tôi rưng rưng cảm động, nói vu vơ vài câu để che dấu cảm xúc, nhưng tôi biết mình sẽ nhớ mãi bữa ăn đặc biệt này.
Hũ đường thời thơ ấu
Tôi hảo ngọt từ lúc còn bé. Khoảng 6, 7 tuổi gì đó, tôi kiễng chân lên bếp với lấy hũ đường cát trắng của má định ăn vụng một miếng. Thấp và vụng về nên tôi làm rớt lọ đường xuống đất vỡ tan tành. Má lấy đũa cả đét đít tôi mấy roi, giảng dạy cho một hồi. Hư như vậy bị đòn là phải, nhưng xui thay lúc đó nhà thờ tan lễ, mấy đứa bạn tình cờ đi ngang đứng lại nhìn. Tôi khóc nức nở – không phải vì đau mà vì sĩ diện. Không hiểu sao mấy chục năm qua mà tôi vẫn nhớ câu chuyện này và cảm giác xấu hổ với bạn vẫn còn. Từ đó tôi học được kinh nghiệm không nên làm con cái hay bất cứ ai mất mặt trước đám đông.
Người không tim
Hắn quỳ thổn thức. Trưa hè thật vắng, nhà thờ chẳng có ai. Hắn thì thầm với Chúa, điều mà trước đây hắn chưa bao giờ làm. Chúa ơi! Hôm nay bác sĩ đã xác định thằng con trai của con bị autism – một chứng bệnh mới lạ, khó chữa. Hèn chi thằng nhỏ chẳng chịu nói và có nhiều biểu hiện khác lạ. Cô vợ hắn đã phải khổ sở biết bao để lo cho đứa con này. Muốn nó học một bài toán cộng, một chữ viết, không biết phải tốn bao nhiêu thì giờ, sức lực. Bệnh nó còn tương đối nhẹ, nên khó mà phân biệt được với đứa trẻ bình thường, nhất là khi cả hai vợ chồng hắn đều thiếu kinh nghiệm với con nít. Trước giờ hắn chỉ đi làm, tháng tháng hãnh diện đem cheque lương về thảy cho vợ là xong. Nếu nhà cửa dơ dáy, đứa con ngu xuẩn thì hắn trút hết lên đầu vợ. Hắn suy nghĩ cũng hợp lý thôi: Tại vợ hắn cưng con không biết cách giáo dục mà ra nông nỗi này. Thằng con vô tâm ích kỷ, suốt ngày chỉ lầm lì ôm cái computer rồi ăn cho mập ú, trong khi chính vợ hắn là người mua game computer về và suốt ngày nấu ăn, chăm sóc cho nó. Càng bực vợ ghét con, thằng nhỏ càng trốn tránh không muốn gần gũi hắn, vì vậy có mấy hắn đã hét và đuổi thằng nhỏ ra khỏi nhà. Hắn nhớ có lần vợ hắn đã khóc nức nở nói: Tại sao anh không hiểu cho em, cho con? Anh chỉ có khối óc chứ không có trái tim! Bây giờ hắn mới thấm thía câu nói này. Cô đi làm nhà máy đâu đuợc ngồi văn phòng như hắn, về nhà phải nấu ăn dọn dẹp, lo tất cả mọi việc. Vì trong hãng máy chạy ồn ào rồi về nhà phải la hét với đứa con riết thành thói quen, vợ hắn nói hơi to, hắn chửi vợ cái miệng như cái loa mà không tìm hiểu nguyên nhân. Hắn còn tỏ ra chán ngán khi so sánh vợ mình với vợ người khác. Hắn chỉ chờ dịp để moral, dạy vợ cách dạy con mà chính hắn chẳng làm điều gì thực tế cho gia đình. Vợ hắn gầy gò già trước tuổi trong khi hắn vẫn bảnh bao phơi phới, con gái có đứa mê! Hắn yên lặng nhìn tượng Chúa, thấy mình quả thiếu trái tim thông cảm, thiếu hành động yêu thương. Không khóc được, nhưng lồng ngực của người đàn ông không tim bỗng thổn thức…
Viết cho em
Em ạ, Chắc em ngạc nhiên lắm nếu biết anh đã âm thầm rửa tội tại một nhà thờ bé nhỏ nơi đây. Anh thật vui vì hiểu được Chúa là đấng an ủi đầy tình thương. Trước đây anh đã cứng lòng vô cùng. Anh còn giận Chúa vì cho rằng ngài không thương loài người. Anh bướng bỉnh tội lỗi bị phạt đã đành, còn em là con ngoan, đạo đức tốt lành như vậy mà Chúa vẫn để em khổ. Anh thầm thách thức là nếu ngày nào Chúa cho em thật sự hạnh phúc, ngày đó anh sẽ vào đạo để đút lót, tạ ơn Người! Nhưng anh thấy em vẫn cực khổ từ thể xác tới tinh thần. Anh thương em lắm – tiếc là em đã có chồng. Anh biết mình không được quấy rầy đời sống tình cảm, làm em khổ thêm, nên đã đi xa kẻo không kềm lòng được. Anh làm thiện nguyện cho một quốc gia nghèo khổ xa xôi. Thế rồi cuộc sống nơi đây đã dạy anh về tình thương, giúp anh hiểu được ý nghĩa cuộc đời. Anh vẫn nhớ và mến phục em, tối nào anh cũng viết cho em – dù không bao giờ gởi – xem như anh viết nhật ký cho chính mình. Em giỏi quá, em đẹp quá, em như thiên thần vui trong bổn phận và chấp nhận mọi khó khăn. Anh phải tập để từ từ được nhẹ nhàng hơn khi nghĩ về em. Ngày nào lòng anh thanh tịnh không còn ‘sân si’ khi nghĩ về em nữa, không thấy ghét chồng em nữa, anh sẽ về lại thành phố thăm em, mình sẽ mãi là bạn tốt em nhé…
Quà cưới
Trong một đám cưới sang trọng, mọi người hồi hộp chờ cô dâu mở món quà gia bảo. Đây là quà cưới đặc biệt lưu truyền từ mấy đời. Cô dâu bỗng phá ra cười, vì đó là một món nữ trang rẻ tiền làm bằng tay. Hạt ngọc trai bé nhỏ lu mờ trước viên kim cương trên ngón tay cô – dù trông cũng khá mỹ thuật. Cô không biết đây là kỷ niệm, là sính lễ của ông cố bên chồng ngày xưa. Ông đã chắt chiu để tự làm đôi bông tai này xin cưới bà cố, và đã xây dựng sự nghiệp để lại cho con cháu hôm nay bằng tất cả hy sinh, nhiệt huyết của mình. Mọi người xì xào bàn tán, con tôi cũng cười, cho là cô dâu này không hiểu biết giá trị tinh thần, rất là ngốc nghếch. Con ơi! Tự nhiên ba liên tưởng tới việc ba mẹ đã phải bỏ Việt Nam ra đi với hai bàn tay trắng, mà bây giờ di sản để lại cho con chỉ là Lá Cờ Vàng – biểu tượng của Tự Do và Tình Người, niềm hy vọng còn sót lại của cuộc đời Tị nạn. Ba yêu thương và trân trọng lá cờ này lắm, và muốn trao tặng lại cho con, con có cười ba không?
Đàn gà
Bé Khánh ngồi ngắm đàn gà con mới nở, chúng kêu chíp chíp, quanh quẩn bên gà mẹ dễ thương hết sức. Nhưng tội nghiệp, trong đàn có một chú gà con đang cố gắng đứng lên nhưng lạng quạng té lăn cù. Mấy ngày nay Khánh quan sát đàn gà rất kỹ. Chú Út này sanh sau nở muộn, chân lại bị tật bước thấp bước cao. Chú vừa định mổ một hạt thóc, thì bị các anh chị khỏe mạnh chạy tới cướp mất, có con lại mổ lên đầu chú một cách tàn nhẫn. Chú cất tiếng kêu yếu ớt. Khánh không chịu được, bắt riêng chú Út ra nhốt vào lồng và cho một khẩu phần đặc biệt. Chú ăn chậm chạp rồi lại nhìn quanh quất, tìm cách thoát ra khỏi lồng để được về bên mẹ và đàn. Lạ chưa! Chú được ăn no, an toàn nhưng hình như chú lại buồn hơn. Khánh hiểu ‘tâm sự’ gà con lắm, nhưng không dám thả ra, sợ chú bị ăn hiếp. Khánh chợt nhớ tới dì Hoan hôm rồi ở Canada về chơi. Dì thật sang trọng quý phái. Vượt biên từ lâu, nhưng dì bảo ở ngoại quốc buồn lắm, nếu không có Cộng sản, chắc dì sẽ về Việt Nam ở luôn. Khánh thắc mắc ghê, tại sao đồng bào cùng một nước mà lại tạo ra chiến tranh, để rồi những người như dì phải lưu vong trên xứ người. Khánh nhớ đôi mắt long lanh của dì khi nói “Chiều chiều ra đứng ngõ sau, ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều…” Khánh chợt thấm thía và thấy thương dì hơn bao giờ. Đôi mắt dì và tiếng kêu thê thiết của gà con theo Khánh suốt đêm, làm Khánh chập chờn khó ngủ.
Lựa lời
Hôm nay tôi không được khỏe, nổi nóng với cô bạn. Lời đã nói ra không lấy lại được. Tôi ra về mà lòng buồn vô cùng, giận mình hồ đồ, xấu miệng. Nói chuyện quả là một nghệ thuật. Nghe kể có người đang ăn trợ cấp xã hội, xin tiền trồng răng giả vì bị sún, dĩ nhiên sở Xã Hội từ chối vì không có ngân quỹ để làm chuyện thẩm mỹ. Người này khiếu nại, trình bày lý do làm răng không phải để cho đẹp, mà vì răng sún không phát âm tiếng Anh chính xác được, nên không tìm được việc làm. Nghe vậy welfare đã chấp thuận cho tiền làm răng. Khi làm việc trong sở, tôi cũng học được phải trả lời khách hàng một cách tích cực. Thay vì nói rằng rất tiếc, hàng không có cho tới cuối tuần, tôi phải nói hãng sẽ rất hân hạnh chuyển hàng vào cuối tuần. Cũng là một sự việc, một thời gian nhưng cách ăn nói dễ thương có kết quả hơn. Ai cũng có nhu cầu cần được quan tâm, hay ít nhất không bị tổn thương vì lời nói, hành động của người khác. Lỡ rồi, mai khi gặp bạn tôi sẽ xin lỗi chị.
Ngày Hiền Mẫu
Thật là khờ khạo. Ngày Mothers’ Day năm tôi chừng 7, 8 tuổi gì đó, hai chị em tôi thức dậy sớm tự làm món ăn sáng cho mình, để mẹ được ngủ thêm. Lần đầu tiên chúng tôi chiên trứng nướng bánh mì, vụng về rơi rớt khắp nơi. Khi mẹ thức dậy, chúng tôi tặng thiệp do chúng tôi vẽ, và khoe với mẹ chúng tôi đã ăn sáng xong. Ba tôi nói: - Ba mẹ đã dậy từ lâu, nhưng nghĩ tụi con làm mẹ ngạc nhiên bằng cách làm thức ăn sáng cho mẹ, nên bây giờ ba mẹ mới xuống! Tôi xấu hổ quá, chúng tôi chỉ nghĩ đến chuyện lo cho mình, mà quên làm thêm phần ăn sáng cho ba mẹ trong ngày hiền mẫu này. Mẹ không trách, chỉ cười xòa ôm chúng tôi vào lòng. Bây giờ tôi đã lớn, đã hiểu và thương ba mẹ nhiều hơn, nhưng tôi vẫn nghĩ về mình và không đặt quyền lợi, niềm vui của cha mẹ trên bản thân mình. Chẳng bao giờ chị em tôi có thể lo cho cha mẹ đến nơi đến chốn. Cũng may ba mẹ không bao giờ chấp và luôn hy sinh cho chúng tôi.
Giúp lễ
Tôi đâu có thích làm alter boy để giúp lễ. Phải mặc áo choàng thật nóng, phải chắp tay cung kính không dám ngủ gục. Thế nhưng khi tôi hỏi mẹ muốn được tặng gì trong ngày Noel, bà đã trả lời : - Con chẳng cần mua gì tặng mẹ, mẹ chỉ mong con gia nhập đội giúp lễ của nhà thờ Việt Nam. Tôi cố gắng vâng lời đi tập lần đầu tiên, nhưng chẳng vui vẻ chút nào. Thằng bạn lên mặt dạy tôi: - Phải làm thế này, thế này. Muốn giúp lễ phải giỏi tiếng Việt và rất là thông minh! Tôi tin mình giỏi tiếng Việt và thông minh, nhưng còn lúng túng nên đành im lặng. Thế nhưng chẳng bao lâu sau, tôi giúp lễ thật giỏi và được chọn làm trưởng đội. Có lần cha xứ bị ho, tôi biết tự động rót cho cha ly nước, sau lễ cha xoa đầu cảm ơn tôi. Tôi nhận ra chén dĩa Thánh không cần phải dùng xà bông và nước để rửa như mẹ rửa chén bát hằng ngày, mà chỉ cần lau rồi cất. Bánh Thánh cũng là món duy nhất không cần dùng muổng nĩa để ăn mà vẫn tôn kính, trang trọng. Hôm nay có thằng bạn vừa mới gia nhập vào đội giúp lễ, nó rụt rè chậm chạp, tôi phải dạy nó: - Phải làm thế này, thế này. Muốn giúp lễ phải giỏi tiếng Việt và rất là thông minh! Nó nhìn tôi thán phục, tôi thấy thật hãnh diện. Mẹ ôm tôi: - Con trai giỏi lắm, cám ơn con đã tặng mẹ món quà Noel quý nhất. Tôi rất vui. Được đi giúp lễ là món quà mẹ đã cho tôi, không phải là món quà tôi cho mẹ như tôi vẫn nghĩ.
Hãy khóc đi em…
Em thương, Như vậy là kết thúc cuộc hôn nhân của mình rồi phải không? Anh biết anh có lỗi, nhất là khi ra tay đánh em. Em ơi, anh tát em một cái, không phải vì anh nóng nảy không kềm hãm được cơn tức giận của mình, nhưng thật sự, anh muốn thấy em khóc. Em lì quá! Hồi xưa, anh yêu em vì cái ngổ ngáo, cái cá tính con trai mạnh mẽ của em. Nhưng thời gian qua, em bướng bỉnh quá. Em làm chủ gia đình, em sai khiến anh ngày này qua ngày khác, anh chịu không nổi. Mình cứ cãi nhau và cuối cùng chuyện đã xảy ra. Em gọi cảnh sát, anh bị bắt, bị rắc rối pháp lý. Tội đánh phụ nữ ở xứ Mỹ nặng lắm, dù chỉ là một cái tát tai. Anh biết em sẽ không bao giờ tha thứ cho anh, mà chính anh cũng không tha thứ cho mình. Anh biết em cứng rắn lắm, dù quyết định ly dị nhưng em vẫn không khóc. Anh để em giữ con và làm chủ căn nhà, anh ra đi tay không với nỗi buồn bất tận. Anh mong những người bạn, người thân của mình khôn ngoan hơn để không rơi vào hoàn cảnh như anh. Em ơi, anh biết em không khóc, nhưng anh đang khóc đây….
Trịnh Tây Ninh . |
| | | NTcalman
Posts : 614 Join date : 13/03/2012
| Tiêu đề: Re: Những câu chuyện ngắn ý nghĩa làm bạn phải cảm động Tue Jun 30, 2020 4:05 pm | |
| .
7 Chuyện Rất Ngắn - Trịnh Tây Ninh
Trễ quá rồi! Con vợ hắn thật là phiền phức, luôn thích làm chuyện ngược đời. Buổi tối lúc hắn cần yên tĩnh đọc sách, xem tin tức thì bả hút bụi, giặt sấy quần áo ồn ào không chịu được. Sáng đi làm bả bày đặt pha cà-phê mang theo, vụng về làm đổ hư hết xấp giấy tờ. Tội nghiệp mấy thằng con, bả “đè” ra cắt tóc dù không học qua khóa hớt tóc nào. Chúng không dám lên tiếng, nhưng nhìn thật giống Ngô Như Ý (y như ngố!). Dòng họ Trùm Sò, bả thuộc vanh vách tuần này chợ hạ giá món gì, thứ gì mua ở đâu mới rẻ, có khi mua nhằm của ôi chẳng xài được. Hể “quởn” thì phôn mấy bà bạn chỉ vẽ nhau đủ điều, toàn là chuyện đàn bà. Hắn còn việc đất nước đại sự, còn biết bao thú tiêu khiển thanh cao nên chẳng chấp làm gì. Bà làm việc như trâu, thế mà bỗng dưng lại lăn ra bệnh. Nhà thương chưa biết lý do gì, chỉ biết bệnh nặng có liên hệ tới phổi. Uả, bả có hút thuốc, có buồn phiền gì đâu mà tổn hại đến phổi. Hắn phì phèo ngày cả gói mà đã sao, hổng lẽ mấy thằng cha rỗi hơi nói về tai hại của người ngửi khói thuốc, second hand smokerlà có thiệt! Nằm bệnh viện, bà yếu ớt căn dặn: Anh ráng lo cho con, nấu cơm thì phải thế này thế này, giặt quần áo thì phải chờ tới khuya điện mới rẻ, trong giờ làm việc giá sẽ mắc gấp ba. Mới mấy tuần thiếu bả mà nhà ra như cái bãi rác. Bố con hắn ăn uống thất thường, ba đứa con tóc dài ngứa ngáy, hắn chở ra tiệm, họ tính tiền như cắt tóc người lớn. Hắn hay chê bà không biết nấu món ngon lạ miệng, nhưng thiếu canh rau hằng ngày hắn bỗng thấy thèm. Hóa đơn tiền nhà, tiền điện về, hắn ký trả mà ngẩn người ra – không hiểu sao bao nhiêu năm nay bả có thể lo với đồng lương ít ỏi, lại còn gởi về Việt Nam cho mẹ hắn xây nhà. Hắn nhớ ra có những cuối tuần bả dậy sớm sắp hàng để mua được đồ rẻ, chỉ dành riêng cho vài chục người tới sớm nhất. Lâu lâu đi tiệc, hắn hơi mắc cở vì bả không biết cách ăn mặc sang trọng, bây giờ hắn mới bắt đầu hiểu vì sao. Hắn bắt chước tự pha cà-phê cho đỡ tốn tiền, nhưng đã lỡ quen hương vị ly Starbucks thơm phức hằng ngày nên chịu thua. Hắn thầm van vái cho vợ mau khỏe lại. Kỳ này bà về, hắn sẽ cố gắng đổi thái độ. Hôm nay bác sĩ gọi hắn, giải thích dài dòng nhưng điểm chính là bảo hắn hãy lo hậu sự. Vợ hắn đã bắt đầu mê sảng. Hắn cầm tay muốn nói lời ngọt ngào xin lỗi nhưng miệng cứng đơ không nói nổi, mà có nói được thì bả cũng có hiểu đâu, trễ quá rồi! Tâm sự cái đồng hồ Tôi là cái đồng hồ báo thức trong nhà ông chủ. Những cái đồng hồ khác không biết thân phận ra sao, riêng tôi thì hẩm hiu lắm. Bà chủ không cần tôi, sáng nào bà cũng dậy sớm trước khi tôi reo, rồi vội vã đi làm. Tài thật, bà ốm nhom thường phải thức khuya, nhưng bản tính hay lo nên luôn bật dậy trước khi đồng hồ reo. Riêng ông chủ thì tôi có hét hò khản cổ ổng cũng cứ ngủ. May lắm thì ông mơ màng bật nút “snooze” ra lệnh cho tôi 15 phút nữa reo lại, nhưng inh ỏi bao nhiêu lần rồi cũng vô hiệu. Ông mệt quá mà, ngủ mới vài tiếng làm sao dậy nổi! Nhiều bữa biết ông có hẹn quan trọng, tôi ước mình có tay để khều vai ông, nhưng tôi chỉ là cái “đổng” bé nhỏ. Ông trễ hẹn thường xuyên và đổ thừa tại tôi không làm việc, định liệng tôi đi mua đồng hồ khác mắc tiền hơn, kêu to hơn. Lạ ghê, con người thường không thấy cái sai của mình, luôn tìm cách đổ lỗi cho kẻ khác! Ai nói tôi là vật vô tri vô giác, tôi cũng biết buồn đấy. Thấy ông bà chủ bận rộn bị tiền hành tôi xót ruột lắm chứ. Ông bà làm việc như điên, ngày nào cũng mười mấy hai chục tiếng. Có bữa ông chỉnh đồng hồ báo thức lúc 5 giờ sáng, tôi reo rất đúng giờ, nhưng ông thức trắng đêm lúc đó còn chưa ngủ, tiếng đánh thức của tôi trở nên lãng nhách! Ông bà ở nhà to, lái xe đẹp nhưng cực khổ hơn ai hết, lúc nào cũng quýnh quáng căng thẳng. Có lúc bà bực ông nên tức giận liệng tôi xuống đất, tôi đau điếng may mà không bể. Khi nhiều việc quá giải quyết không xuể, ông bà nóng nảy gây gỗ nhau, nặng lời với người chung quanh ai cũng ghét. Tôi chợt nghĩ nếu mình sinh ra làm thân con gà trống coi bộ ích lợi hơn. Sáng thì gáy ó o cũng làm công việc đánh thức của đồng hồ, trưa rảnh thì đi ve vãn các mụ gà mái, chết thì còn cho thịt nấu cháo gà, hầm cà-ri. Làm cái đồng hồ trong nhà ông chủ thật vô duyên. Ấy, hay vì tên tôi có dính líu tới chữ “Hồ” – tên của người mang chủ nghĩa Cộng Sản về làm hại dân hại nước – nên mới bị ghét, số phận mới ra như vậy?!!. Nhưng xét tới cùng, kiếp đồng hồ vẫn còn tốt hơn thân phận ông bà chủ tôi. Làm người mà tự chọn cho mình cuộc sống vô lý như vậy, không đáng tội nghiệp lắm sao? Tôi sinh ra làm kiếp đồ vật, tôi không thể làm gì hơn. Ông bà chủ làm người, chuyện này cũng không chọn lựa được, nhưng họ có thể tìm cho mình cách sống khôn ngoan hơn, chừng mực hơn chứ. Ôm đống tiền mà không có giờ xài, không giúp đỡ ai thì có tiền để làm gì!? Làm quá không có giờ ngủ rồi đổ bệnh thì sao. Tôi say sưa lý luận, khuyên can chưa hết ý thì ông chủ vói tay tắt đồng hồ ngủ tiếp, không cho tôi reo. Chia Anh và chị cãi vả, bất đồng ý kiến hằng ngàn lần, cuối cùng đi đến quyết định phải chia tay. Bắt đầu chuyện ly dị, chia của chia con, anh chị lại tiếp tục gây gỗ. Chị nghĩ anh lỗi, nên phải chịu thiệt một chút về tài sản, chị là đàn bà phải chắt bóp hơn để sau này còn chút tiền lo cho con. Đàn ông vài bữa có vợ khác, tội gì để mụ đàn bà ấy hưởng! Anh nghĩ chị lúc nào cũng tham lam, nhiều chuyện, đúng ra anh có thể nhường nhưng vì không thể tiếp tục để chị ngồi trên đầu, nên ra sức nói lý. Trong phòng riêng anh chị to tiếng, thậm chí anh đập bàn, chị bứt tóc tru tréo. Chia con thì tạm xong, anh lãnh đứa con gái lớn, chị muốn đứa con gái nhỏ vì nó bé cần mẹ hơn, chỉ có danh sách chia tài sản hai người làm mãi mà không xong, không ai thấy có sự công bằng. Ngoài phòng khách, hai đứa nhỏ buồn bã nói chuyện, chúng đã quá quen với cảnh cha mẹ cãi lộn, rồi cũng chia đồ đạc với nhau. Con chị nói với con em: - Cái game này em thích lắm, em lấy về ở với mẹ đi. Đứa em nhỏ nhẹ: - Không, em có nhiều sách rồi, chị lại cho em giữ con chó Lu, chị chơi game cho vui. - A, cái này dễ thương ghê, chị thích lắm, chị cho em nè. - Cám ơn chị, cái này em cho chị nhé! Nhìn hai đứa trẻ nhường nhịn yêu thương nhau, chúng cũng phải chia cái chúng có, nhưng chúng biết nghĩ tới nhau, không nhỏ nhen ti tiện, không to tiếng giành giật, anh chị bỗng xấu hổ cúi mặt. Cái vòng bằng thiếc Bà Hai thổi nến trên bánh sinh nhật, mỉm cười hạnh phúc trong tiếng vỗ tay, trong sự sum họp của con cháu, bạn bè. Tay bà đeo cái vòng bằng thiếc rất đơn sơ, đứa cháu gái ngây thơ hỏi: Bà ơi, sao bà đeo cái này xấu quá vậy! Khách tham dự chắc cũng thầm thắc mắc, gia đình bà giàu có tới mấy đứa con bác sĩ, tổ chức sinh nhật lớn như vậy, sao bà không đeo vòng vàng kim cương khoe của. Bà Hai nhìn cái vòng thương mến, ký ức lại hiện về… Ngày ấy ông Hai đi “cải tạo”. Thì cũng như bao nhiêu người đàn bà Việt Nam khác, bà Hai phải gồng gánh gia đình, chắt bóp tiền mua quà “thăm nuôi” chồng nơi trại Cải Tạo. Nhà thì cán bộ Cộng Sản đã tịch thu để làm Cơ Sở Uỷ Ban Quân Quản Thành Phố, may mà bên ông Hai còn chút đất trên rẫy, mẹ con bà kéo nhau ra đó lấy lá lợp nhà, làm rẫy sinh sống. Từ một bà Đại Uý, bản thân là y tá trở thành một nông dân không phải dễ, nhưng bà đã làm được. Cực nhục bao nhiêu bà cũng ráng chịu đựng, chỉ thương chồng nơi tù đày. Bà biết tánh ông rất cương trực, vào trại thế nào cũng bị đánh, bị biệt giam. Ngày 29 tháng 4, 1975 nếu không vì bà và đàn con, ông đã tuẩn tiết chết theo Tướng. Cấp bậc Đại Uý có thể được “khoan hồng” cho về sau 5, 10 năm, nhưng ông Hai mút mùa trong trại cải tạo 15 năm tròn, cũng vì không khuất phục, không làm ăng-ten hại bạn. Được thả về thì ông run rẩy như ông già, chỉ kéo dài mạng sống được vài tuần rồi mất. Món quà quý giá ông tặng bà khi còn trong trại là cái vòng này. Sau giờ “lao động” ông lượm được miếng thiếc, mài dũa gọt đẽo, khắc hình hoa lan là hoa bà thích trên cái vòng để tặng bà. Bà biết tất cả yêu thương, nhung nhớ ông Hai đã gởi gấm trong đó. Khi con cái bảo lãnh sang Mỹ, bà Hai đem theo cái vòng này, khi chết bà cũng sẽ mang theo… Ông Hai là hình ảnh của người chiến sĩ Việt Nam oai hùng, luôn vì dân vì nước. Bà Hai không hiểu một số người cũng từng trong Quân Lực VNCH xưa, sao qua tới hải ngoại lại thay đổi: không đoàn kết, không vì việc chung, chửi bới chụp mũ nhau chí chóe. Ông Hai nếu còn sống và qua được đất Mỹ, có sẽ như vậy hay không? Bà tin là không. Bà mong mọi người hãy nhớ về ngày xưa, ngày còn trong trại Cải Tạo, để kiên trì như chiếc vòng thiếc mỏng manh này, dù bao khó khăn thử thách vẫn luôn hiện hữu làm đẹp cuộc đời. Tuyết Hận Huy nhất định bỏ Montreal về Cali sinh sống, dù cháu đang có việc làm tốt, có người yêu, đang chuẩn bị mua nhà xây dựng tương lai tại xứ lạnh tình nồng này. Cháu còn trẻ, đi xa lập nghiệp cũng không sao, ngặt cái là Huy không có giấy tờ tại Mỹ, làm sao sinh sống hợp pháp? Còn mẹ của Huy nữa, đi xa như vậy làm sao thăm viếng ủi an? Khi tôi dè dặt khuyên can thì Huy uất ức trả lời: - Cháu hiểu dì thương cháu, dì nói đúng, nhưng cháu hận tuyết lắm, cháu phải sống nơi nào không có tuyết! Tôi thở dài. Tôi hiểu Huy, tôi cũng sợ tuyết, biết nói sao bây giờ. Ba của Huy vừa chết bất đắc kỳ tử. Hôm ấy Montreal bão lớn, tuyết phủ đầy. Vì không lường được sức khỏe mình, ráng hết sức xúc tuyết nên ba của Huy đứng tim chết tại chỗ. Trước đó ông có hỏi Huy giúp cào tuyết, nhưng Huy vội đi chơi với bạn, nên chỉ ậm ừ rồi lái xe đi mất. Tôi rất gần gũi với Huy nên hiểu cháu, cũng như bao thanh niên sanh ra và lớn lên ở hải ngoại này, nói chung các cháu ham chơi, chuyện gì cũng từ từ ít biết lo như bậc cha mẹ. Chuyện xảy ra chẳng ai ngờ, không ai muốn, cũng đâu phải lỗi của cháu. Tôi lại thở dài. Thật ra Huy không nên hận tuyết, nếu có thì nên suy nghĩ về tính lề mề, lười biếng của mình. Tôi cũng vậy, biết bao lần tôi đã trễ nải, ngại khó không làm việc tích cực. Hồi trẻ tôi cũng làm biếng có hạng, hằng ngày không chịu học bài, đến lúc gần thi thì uống cà-phê đặc quẹo, thức trắng cả tuần gạo bài mà vẫn không kịp. Nhiều chuyện cần làm, tôi ươn lười bỏ qua làm mất bao cơ hội. Biết bao lần tôi nhủ mình đi thăm người này, làm chuyện kia, nhưng rồi lại để quá trễ. Bây giờ mỗi khi nhìn tuyết, mỗi khi nhớ tới Huy, tôi sẽ ráng nhắc nhở mình siêng năng tích cực hơn. Tôi nhìn ra bầu trời tuyết trắng mênh mông, chắp tay cầu nguyện… Cái nhẫn đính hôn Vinh đẹp trai nhưng học không giỏi, có lẽ vì vậy nên công ăn chuyện làm lận đận, tìm mãi không ra việc tốt. Vinh dự trù mua cái nhẫn kim cương xin đính hôn với bạn gái nhiều lần mà chưa đủ tiền. Cũng có lần Vinh được hãng tốt nhận, nhưng không được bao lâu thì công ty lại hết việc. Cô bạn gái lo buồn lắm, nhưng biết làm sao hơn, cuộc sống xứ Âu Mỹ này là thế, ai bảo dễ! May thay lần này Vinh tìm được việc làm cũng tạm. Vinh mừng lắm nhưng muốn làm bạn gái ngạc nhiên nên quyết định dấu tin vui, âm thầm đi làm, âm thầm để dành tiền. Tưởng tượng ra lúc bất ngờ quỳ xuống trao nhẫn cầu hôn, chắc cô bạn gái sẽ vui đến cỡ nào, kinh ngạc tới mức nào. Hãng có bao nhiêu việc làm thêm giờ phụ trội, Vinh đều ghi tên làm cả, cố gắng đốt giai đoạn. Cái nhẫn mà bạn gái Vinh ước ao mắc quá, nhưng với tình yêu, Vinh sẽ làm được. Số Vinh trắc trở, có tiền rồi mà việc mua nhẫn cũng không trơn tru, Vinh mua “online” để giá được rẻ hơn mua ở tiệm nữ trang, nhưng công ty lại gởi về sai mẫu. Chờ đổi lại nhẫn khác cũng mất hai tuần, Vinh nôn nóng hơn bao giờ, lòng rộn ràng nghĩ tới việc mời thêm vài bạn thân chứng kiến cảnh “surprise”. Cuối cùng ngày ấy cũng đến, Vinh sắm bộ quần áo mới, đặt thêm bó hoa, chuẩn bị thứ Bảy này sẽ bất ngờ tới thăm và cầu hôn bạn gái. Tối thứ Sáu bạn gái của Vinh phôn, nói là có chuyện quan trọng muốn cho Vinh biết, chắc là Vinh sẽ ngạc nhiên. Vinh cũng úp úp mở mở, bảo là sẽ có việc ngạc nhiên, nhưng ngày mai mới nói. Điều “surprise” dành cho Vinh là cô gái đã có bạn trai khác, xin được chia tay. Người bồ mới cũng là bạn trong nhóm, nó không đẹp trai, nhưng học giỏi và có việc lương cao. Vinh đau lắm, hận người, hận tình nhưng nghĩ lại thì thấm thía. Nếu ngày còn ở trường Vinh bớt rong chơi, học hành chăm chỉ hơn thì chắc không đến nỗi. Con gái bây giờ rất khôn và thực tế, làm được gì bây giờ! Vinh buồn chết được nhưng từ từ rồi cũng nguôi ngoai. Vinh quyết tâm đi học lại, trễ nhưng cũng chưa đến nỗi quá muộn. Thiên thần Má tôi phải vào bệnh viện mổ chân, nên tôi lấy 2 tuần nghỉ hè vào nhà thương chăm sóc bà. Những ngày ở bệnh viện thật sướng, ngoài việc trò chuyện với bà, thông dịch với bác sĩ y tá, tôi mang theo cả đống sách báo để đọc. Má không ăn được thức ăn “Tây”, nên tôi mang cơm, mua phở vào cho bà, còn tôi thì “thầu” phần ăn của bà do nhà thương cung cấp. Ngoài khoai nghiền, thịt bò thịt gà bổ dưỡng, còn các món tráng miệng ngọt mát, lúc về bảo đảm tôi sẽ lên cân. Được biết trong bệnh viện có anh bạn nằm cả năm nay vì bị tai biến bán thân bất toại, nên những khi má ngủ tôi đến thăm anh. Anh thay đổi rất nhiều, chỉ một thời gian ngắn không gặp mà anh xuống sắc thấy rõ. Suốt ngày anh nằm trên giường, run run sử dụng được một tay, nói thì ngọng nghịu khó khăn. Có tôi tới trò chuyện anh vui lắm, say sưa kể chuyện, nào là thời oanh liệt trong quân đội, nào là lúc còn trẻ đi tán gái, phá phách trong trường như thế nào. Anh chia sẻ ước mơ muốn thành nhà văn của mình, nhưng với tình trạng sức khỏe này, giấc mơ sẽ không thành sự thật. Tôi cũng không biết nói gì hơn để an ủi anh, chỉ lắng nghe tán đồng, lòng thoáng ngậm ngùi. Hai tuần lễ rồi cũng trôi qua, má tôi đã bình phục nên chúng tôi chuẩn bị về nhà. Tôi lên chào từ giã anh, anh thoáng buồn nói: - Có em tới thăm anh thật vui, em như cô thiên thần Chúa gởi tới cho anh. Bây giờ thiên thần bay mất, anh lại tiếp tục nói chuyện một mình với Chúa. Lần đầu tiên có người ví mình như thiên thần. Tôi chợt nhớ hồi bé, Giáng Sinh năm ấy xứ đạo tôi chọn hai chị em sinh đôi xinh đẹp làm thiên thần quỳ bên hang đá. Nhìn hai chị với đôi cánh trắng muốt, tôi ước ao mình có lần được hóa trang làm thiên thần, nhưng đó chỉ là giấc mộng. Giờ đây bỗng nhiên tôi được phong làm thiên thần – dù không mang cánh. Mà muốn làm loại thiên thần này dễ lắm, không cần xinh đẹp, cũng chẳng phải làm gì, nói gì – chỉ cần yên lặng thông cảm lắng nghe. Trịnh Tây Ninh . | |
| | | NTcalman
Posts : 614 Join date : 13/03/2012
| Tiêu đề: Re: Những câu chuyện ngắn ý nghĩa làm bạn phải cảm động Thu Jul 02, 2020 9:25 am | |
| . 7 Chuyện Rất Ngắn Cho Quê Hương - Trịnh Tây Ninh
* Đọc chuyện rất ngắn tựa như những tiếng thở dài rất nhẹ...
1. Hình ảnh
Tui hổng khoái chụp hình chút nào, vì biết mình không đẹp trai cũng chẳng ăn ảnh. Hồi mới từ trại tị nạn sang Cali, bà xã xin riết nên tui có chụp một tấm gởi về Việt Nam. Vài năm sau vợ tui biên thơ xin nữa, nói là nhớ quá và muốn xem tui lúc này ra sao. Tui lục tủ gởi hình đi, sau đó bà xã cho biết tui đã gửi về tấm hình y hệt tấm trước! Lẫm đẩm mà đã gần 30 năm, tui đã bảo lãnh được vợ con sang Mỹ và nay đã có cháu. Hôm nay cháu ngoại hỏi xin tấm hình của ông để làm bài về gia đình nộp cho cô giáo, tui tìm mãi không ra tấm nào. Nhìn trong kiếng tui thấy ông già nào lạ hoắc nhìn mình. Chèn ơi tui đây sao, nhận hổng ra! Dù sao chắc cũng phải chụp một "bô", vừa đưa cho cháu làm bài, vừa để sẵn rủi chết có tấm hình chưng bàn thờ. Tui bỗng nhìn lại cuộc đời mình, không những hình dáng bên ngoài mà hình ảnh tui trong lòng mọi người coi bộ tệ quá. Vợ tui khóc riết vì tui luôn cho mình là gia trưởng có quyền làm vua làm chúa. Con tui hồi nhỏ cũng khổ sở vì tui khó tánh, không thông cảm với tuổi trẻ bên đây. Với cộng đồng thì tui rất dị ứng. Thiệt ra những năm trước tui cũng có tham gia sinh hoạt hội này hội kia, nhưng tui nóng thiên hạ nên chửi cho đã rồi rút lui. Ra khỏi Hội rồi mà tui còn tức, viết thơ nặc danh, kiếm chuyện trên diễn đàn làm nản lòng mọi người. Tui chẳng ưa ai nên có ai ưa tui đâu, chắc chỉ có bọn Cộng sản là thích vì tui đã vô tình làm lợi cho chúng. Hôm nay chạnh lòng nghĩ lại, tui thấy mình đã trên 60, chắc phải làm gì để hình ảnh trong lòng vợ con, bạn bè coi cho đỡ tệ một chút, coi vậy chứ tui cũng biết mắc cở. Ôi hình với ảnh! Tui quyết tâm sửa mình, để ráng thử xem sao!
2. Mộng dữ
Tôi không thể giải thích cho Michelle hiểu điều mình nghĩ, nên lặng lẽ nhìn em. Tôi thương vợ thật nhiều, những năm sống chung, tôi thường mang lại cho em những giây phút hụt hẫng, buồn sầu bất chợt vì tâm lý bất ổn của mình. Tôi sinh ra với tâm hồn mẫn cảm, thể chất yếu ớt, chưa lớn thì đất nước rơi vào tay Cộng sản. Cha trong trại tù cải tạo, mẹ cố gắng dành dụm để mang tôi đi vượt biên - chuyến hải trình đầy máu và nước mắt. Tôi vẫn thảng thốt ngồi bật dậy nửa đêm mà tưởng mình còn đang lênh đênh giữa biển. Bọn hải tặc đã chém người, cưỡng hiếp và bắt má đi. Lúc đó tôi là thằng bé 10 tuổi, chỉ biết khóc. Tôi yêu Michelle vì em có nụ cười giống hệt miệng cười của má, dù em là người Canada. Hôm nay Michelle rủ tôi đi du lịch Thái Lan, vé máy bay đang rất rẻ. Tôi lắp bắp: -Anh không đi Thái Lan. Michelle cười, không nhận ra tôi đang bị giao động: - Nước Thái đẹp lắm, lại có nhiều chùa chiền, anh thích đi Chùa lắm mà! Tôi muốn nói Thái Lan có nhiều Chùa, mà cũng có rất nhiểu hải tặc, nhưng tôi biết Michelle sẽ không hiểu. Sẽ không một dân tộc nào, không một ai hiểu được nếu chưa một lần qua cơn ác mộng như tôi. 3. Trị bệnh
Làm nghề trị bệnh tâm lý tính ra cũng khổ dù lương tương đối cao. Suốt ngày phải lắng nghe bệnh nhân ca kệ than thở, có khi mình cũng bị khủng hoảng tinh thần theo. Nhưng cái khó không phải ở chỗ nghe bệnh nhân nói, mà là làm sao để nắm được điều con bệnh chạy trốn sự thật, dấu diếm không dám nói ra. Khi trút được những gì thầm kín thì coi như có cơ hội chữa lành rồi. Lần này bệnh nhân của tôi là người Việt Nam. Chị rất dễ thương tuy ít nói và bị trầm cảm rất nặng. Chị dùng quá nhiều thuốc an thần nên người phờ phạc lơ láo. Chị bị chồng bỏ, nhưng tôi thấy rõ chị không bệnh vì tiếc chồng. Chị coi thường ông và sống rất tự lập sau ngày ly thân. Qua nhiều ngày theo dõi và gợi ý, tôi nhận ra chị bị khủng hoảng vì ông chồng đã nhắc lại chuyện chị bị cướp biển làm nhục trên đường vượt biên. Ông diễu cợt, bươi móc chuyện cũ để có lý do về Việt Nam lấy bồ nhí. Chị đau lắm vì những ám ảnh cũ lại hiện về làm mất ngủ, thậm chí chị trốn tránh không tiếp xúc với ai. Biết được nguyên nhân căn bệnh, tôi chuyển chị cho thầy tôi, một Bác sĩ Tâm Lý người Canada giàu kinh nghiệm. Chị năn nỉ: - Tôi thấy mến cô lắm, tiếng Anh lại không rành, cô giúp tôi đi đừng giao cho người khác. Tôi cười nghẹn ngào, tôi không thể nói mình không trị bệnh cho chị được vì chính bản thân cũng từng bị hải tặc dày vò. Bao nhiêu năm nay tôi vẫn còn sợ và không dám lấy chồng, cũng chưa hề thổ lộ chuyện này với người khác. Không trị bệnh cho mình được, tôi còn dám mong chữa trị cho ai! 4. Bố tôi
Bố tôi là một công chức thời Việt Nam Cộng Hòa, có tiếng là thanh liêm. Sau 30 tháng 4, 1975, căn nhà đang ở bị tịch thu làm cơ quan nhà nước, gia đình phải đi Kinh Tế Mới. Đi “cải tạo” nhiều năm về, bố yếu và buồn hơn bao giờ, nhưng ông vẫn luôn an ủi mẹ: Cả nước còn mất, thì những cái mình mất đâu thấm thía gì! Ông ra sức làm rẫy, chống chõi với cuộc sống khắc nghiệt. Cũng may, cuối cùng cả nhà được qua Mỹ theo diện HO, dù muộn màng nhưng chúng tôi rất vui bắt đầu cuộc sống mới. Bố đã già nên chỉ ở nhà lo các việc lặt vặt. Ông giành rửa chén vì mẹ đã phải nấu ăn, vì muốn để con dâu được rảnh rỗi lo cho cháu. Chúng tôi cũng xót ruột, nhưng ông bảo: Bố thấy mình vô tích sự, hãy để bố làm chút việc cho khuây khỏa. Ngày ngày ông đọc sách báo, xem tin tức trên computer, quan tâm tới sinh hoạt cộng đồng, tình hình tại quê nhà. Ông xót xa khi biết dân nghèo khổ, phải bán thân làm cô dâu Đài Loan, Đại Hàn, phải đi lao động nước ngoài rồi bị chèn ép. Ông đau lòng vì nạn hối lộ, bất công khắp nơi. Dân nghèo nằm la liệt tại hành lang các bệnh viện nhưng không được chữa vì không thuộc diện ưu tiên cán bộ. Chưa lúc nào cuộc sống tệ như bây giờ! Gần đây mắt quá kém không xem tin tức được, nên ông chờ chúng tôi đi làm về để hỏi thăm tình hình thế giới. Những ngày cuộc Cách mạng Hoa Lài bùng nổ tại Tunisia, Ai Cập, rồi lan qua Lybia, ông vui mừng ra mặt. Ngày nào cũng hồi hộp hỏi tin, mong ánh sáng lan tới Việt Nam. Tết năm nay, tôi mua tặng bố chậu bông lài, bố thích lắm ngày ngày chăm bón, mong lài trổ bông. Thế nhưng bố ra đi bất ngờ trong một cơn đau tim, để lại trong lòng chúng tôi nhiều thương tiếc. Mỗi khi đi thăm mộ, chúng tôi đều đem hương hoa tới cắm. Tôi mong có ngày Việt Nam thật sự đổi mới, để tôi được cắm trên mộ phần bố một bó hoa lài tươi trắng ý nghĩa, bố dưới suối vàng chắc cũng vui lây…
5. Đàn gà
Bé Khánh ngồi ngắm đàn gà con mới nở, chúng kêu chíp chíp, quanh quẩn bên gà mẹ dễ thương hết sức. Nhưng tội nghiệp, trong đàn có một chú gà con ốm yếu luôn lạng quạng sắp té. Mấy ngày nay Khánh quan sát đàn gà rất kỹ. Chú Út này sanh sau nở muộn, chân lại bị tật bước thấp bước cao. Chú vừa định mổ một hạt thóc, thì bị các anh chị khỏe mạnh chạy tới cướp mất, có con lại mổ lên đầu chú một cách tàn nhẫn. Chú cất tiếng kêu yếu ớt, Khánh không chịu được, bắt riêng chú Út ra nhốt vào lồng và cho một khẩu phần đặc biệt. Chú ăn chậm chạp rồi lại nhìn quanh quất, tìm cách thoát ra khỏi lồng để được về bên mẹ và đàn. Lạ chưa! Chú được ăn no, an toàn nhưng hình như chú lại buồn hơn, chú nhớ mẹ, nhớ bầy. Khánh hiểu “tâm sự” gà con lắm nhưng không dám thả ra, sợ chú bị gà anh gà chị ăn hiếp. Khánh chợt nhớ tới dì Hoan hôm rồi ở Canada về chơi. Dì thật sang trọng quý phái. vượt biên từ lâu nhưng dì bảo ở ngoại quốc buồn lắm, nếu không có Cộng sản chắc dì sẽ về Việt Nam ở luôn. Khánh thắc mắc ghê, tại sao đồng bào cùng một nước mà lại tạo ra chiến tranh, để rồi những người như dì phải lưu vong trên xứ người. Khánh nhớ đôi mắt long lanh của dì khi nói “Chiều chiều ra đứng ngõ sau, ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều…” Khánh chợt thấm thía và thấy thương dì hơn bao giờ. Đôi mắt dì và tiếng kêu thê thiết của gà con theo Khánh suốt đêm, làm Khánh chập chờn khó ngủ.
6. Món quà gia bảo
Trong một đám cưới sang trọng, mọi người hồi hộp chờ cô dâu mở món quà gia bảo: Đây là quà cưới đặc biệt lưu truyền từ mấy đời. Cô dâu bỗng phá ra cười, vì đó là một món nữ trang rẻ tiền làm bằng tay. Hạt ngọc trai bé nhỏ lu mờ trước viên kim cương trên ngón tay cô - dù trông cũng khá mỹ thuật. Cô không biết đây là kỷ niệm, là sính lễ của ông cố bên chồng ngày xưa. Ông đã chắt chiu để tự làm đôi bông tai này xin cưới bà cố, và đã xây dựng sự nghiệp để lại cho con cháu hôm nay bằng tất cả hy sinh, nhiệt huyết của mình. Mọi người xì xào bàn tán, con trai tôi cũng cười cho là cô dâu này hời hợt ngốc nghếch, không hiểu biết giá trị tinh thần. Con ơi! Tự nhiên ba liên tưởng tới việc ba mẹ đã phải bỏ Việt Nam ra đi với hai bàn tay trắng, mà bây giờ di sản để lại cho con chỉ là lá Cờ Vàng - biểu tượng của Tự Do và Tình Người, niềm hy vọng còn sót lại của cuộc đời Tị nạn. Ba yêu thương và trân trọng lá cờ này lắm, và muốn trao tặng lại cho con, con có cười ba không?
7. Cứu lụt
Thảo ôm chặt gói quà cứu trợ trong tay. Với thùng mì và gói gạo này, gia đình Thảo sẽ có được mấy ngày no bụng. Nạn lụt miền Trung năm nay lại làm khổ mọi người, nước mênh mông cuốn trôi nhà cửa vật dụng, may mà gia đình Thảo còn đông đủ chưa ai bị lũ cuốn đi. Chờ nước xuống, Thảo và gia đình lại trở về nhà cũ, vá víu xây dựng lại cuộc sống, bao nhiêu năm nay khổ sở cũng đã quen, biết trách ai bây giờ. Có mấy người trong ban Cứu Trợ đến để quay phim, phỏng vấn, Thảo vui vẻ trả lời và bày tỏ lòng biết ơn, ôm gói quà chuẩn bị đưa ba má cất giữ. Nhưng đoàn Cứu Trợ vừa đi khỏi, Thảo được cán bộ xã ra lệnh tịch thu quà lại, nói là sẽ có kế hoạch phân phối cho hợp lý sau! Vậy là cán bộ chỉ phát quà để quay phim, che mắt người tặng, sau đó họ thu hồi lại làm của riêng. Thảo không tin chuyện có thể xảy ra như vậy, nhưng biết có lên tiếng cũng chẳng được gì, họ nắm chính quyền, càng thắc mắc họ càng "đì" cho chết! Thảo đưa mắt nhìn đám cán bộ lăng xăng, lòng căm phẫn nhưng mắt ráo hoảnh, Thảo không khóc được. Ước gì có một ngày đời sống tốt hơn, chính phủ tốt hơn... .
| |
| | | NHViet
Posts : 595 Join date : 23/08/2012
| Tiêu đề: Re: Những câu chuyện ngắn ý nghĩa làm bạn phải cảm động Thu Jul 16, 2020 9:08 am | |
| .
7 truyện rất ngắn... chọn lọc!
1. Buông tay
Chạy xe trên đường, anh nói vài câu làm nó giận, nó buông vòng tay đang ôm anh. Anh vội vàng dừng xe, kéo 2 tay nó lại và nói: ”Giận thì nói, chứ đừng buông tay”. Nó mỉm cười hạnh phúc, và ôm anh thật chặt. Hôm nay cũng chạy xe trên đường mà lòng nó đau nhói! Tay nó chưa buông mà anh đã bên người khác.
2. Câu hát – Nguyễn Mỹ Nữ
Mưa. Hồi trước. Thấy tôi đến người yêu tôi vui mừng. Hai đứa ngây ngất trong vòng tay nhau, hạnh phúc. Cánh cửa bị hư chốt cài, gió thổi vào hung bạo. Vẫm ấm áp. Đưa tôi về. Người yêu tôi hát nhỏ: “Anh ước mong một chiều đông giá…” Mưa. Bây giờ. Thấy tôi đến người yêu tôi hững hờ. Hai đứa ngồi lại bên nhau trong căn phòng có gắn điều hòa và mở hết số. Vẫn lạnh run. Khi tôi về. Phố trắng xóa, mờ mịt. Lòng rưng rưng với câu hát cũ “… và quên đường về”.
3. LÒNG MẸ – HẢI ÂU
Nhà nghèo, chạy vạy mãi mới được suất hợp tác lao động. Thanh coi đó như cách duy nhất đề giúp đỡ gia đình. Nhưng ảo mộng chóng tan. Xứ người chẳng phải là thiên đường. Thanh chỉ còn biết làm quần quật và dành dụm từng đồng. Để nhà khỏi buồn, trong thư Thanh tô vẽ về một cuộc sống chỉ có ở trong mơ. Ngày về, mọi người mừng rỡ nhận quà, Thanh lại tiếp tục nói về cuộc sống trong mơ. Đêm. Chỉ còn mẹ. Hết nắn tay, nắn chân Thanh rồi mẹ lại sụt sùi. Thanh nghẹn ngào khi nghe mẹ nói: “Dối mẹ làm gì! Giơ xương thế kia thì làm sao mà sung sướng được hở con”
4. Bóng đá Euro
Euro lần trước nhằm lúc má đang bệnh. Nhà có mỗi cái ti vi là đáng giá, ba đem cầm để thuốc thang cho má. Hễ đến giờ trực tiếp, ba vừa lo canh thuốc vừa lắng nghe tiếng bình luận câu được câu mất ở ti vi nhà hàng xóm. Nhưng một năm sau, ba lại ra đi trước má. Euro lần này, tuy không hiểu thế nào là bóng đá nhưng đêm nào cũng vậy, đến giờ má lại thức mở ti vi và ngồi khóc một mình.
5. Xạo – Phùng Thành Chủng
Nhà thằng Bòng giàu có. Bữa nào cũng thịt, cũng cá, nhưng chẳng mấy ai chạm đũa. Thằng Còm nhà nghèo. Không muốn để con phải khổ, bữa nào bố mẹ nó cũng lo cho nó hoặc quả trứng, hoặc lạng thịt. Vô tình, không biết đó là tiêu chuẩn dành riêng cho mình, thằng Còm thấy bố mẹ nó chỉ ăn rau. Nó ăn không hết, mẹ nó lại cất đi. Một bữa, thằng Bòng bảo: - Nhà tao, thịt cá chẳng ai ăn… Thằng Còm buột miệng: - Nhà tao cũng thế! Thằng Bòng nhìn thằng Còm: “Xạo!”
6. Chiếc đồng hồ – Vũ Đức Nghĩa
Anh con trai đi làm được vài tháng, có dịp ghé thăm nhà. Bữa cơm chiều, anh cứ nhìn chòng chọc vào chiếc đồng hồ của cha. Người cha thầm nghĩ: “Chắc là con nó cần…” Ăn cơm xong, người cha gọi con trai ra bàn uống nước, ông bảo: ”Con mới đi làm, cũng cần biết giờ biết giấc”. Rồi ông tháo đồng hồ đưa cho con. Người con trai cầm đồng hồ, bấm lại hai nấc rồi đeo vào tay cha, rươm rướm nước mắt: - Dạo này ba gầy quá, dây đồng hồ tuột cả xuống bàn tay!
7. Võ sĩ – Duyên
Thầy dạy kèm Anh văn của tôi là hàng xóm. Khi thi lên đai Thái cực đạo rớt, anh kể cho tôi nghe. Lúc được tuyển vào đội tuyển quốc gia, anh lại giấu. Hát cho phường bị chê: kể; đoạt giải nhất karaoke: lại giấu… Có bạn trai, tôi kể, anh lặng thinh. Chia tay với bạn trai, tôi kể, anh cũng làm thinh… Khi nghe tôi nói đã từ hôn với gã Việt kiều, anh không làm thinh nữa: - Tại sao vậy? - Vì… em… yêu anh. Thầy dạy, ca sĩ, võ sĩ của tôi như bị knock-out, khuỵu chân xuống, rồi… khóc. . | |
| | | NHViet
Posts : 595 Join date : 23/08/2012
| Tiêu đề: Re: Những câu chuyện ngắn ý nghĩa làm bạn phải cảm động Mon Jul 20, 2020 9:06 am | |
| .
7 Truyện Thật Ngắn... Cảm động
1 - Khoe ... Ngày xưa, khi có ai hỏi con: "Bố làm nghề gì?" .... Bố thấy con không vui và không bao giờ chịu trả lời là bố làm nghề thợ hồ. Bố cố gắng làm việc nhiều hơn để nuôi con ăn học & mong sau này con có được 1 nghề mà mọi người nể trọng trong xã hội. Con thành đạt rồi lấy chồng. Mỗi lần khách đến chơi, câu đầu tiên bố thường nghe con khoe là "Nhà em làm luật sư nên lúc nào cũng bận." Bố buồn, chỉ ao ước được 1 lần nghe con khoe về nghề của bố...
2 - Nhạt Người đàn bà vội vã ra đi vào một chiều mưa tầm tã. Ngày ngày, chỉ còn lại người đàn ông lầm lũi bên xe mì gõ đầu hẻm. Chẳng hiểu vì lý do gì, khách đến ăn ngày một thưa dần rồi vắng hẳn... Ngày nọ, có người đàn bà sang trọng tìm về con hẻm xưa. Không ai còn nhận ra bà. Người đàn ông và xe mì gõ không còn ở đó nữa. Người ta bảo kể từ cái dạo vợ bỏ đi, mì ông nấu không còn ngon như trước và quá nhạt. Nhạt nên người ta không ăn mì của ông nữa...
3 - Đưa đón Nội từ quê vào thăm, mang quà quê vào cho cháu, nào là bánh đa gạo nếp, có cả chục trái dừa khô.Thấy nội lỉnh kỉnh vất vả, con trách bố: Sao không đón nội. Bố bảo: Bận quá. Ngoại nước ngoài về thăm quê. Các cậu, dì thuê hẳn một xe ôtô đi đón. Bố cũng đóng cửa hàng nghỉ buôn bán vài hôm, để cùng đi đón ngọai. Bố bảo: Ai cũng có mặt, bố không đi ngoại trách.
4 - Ba Học lớp 12, tôi không có thời gian về nhà xin tiền ba như 2 năm trước. Vì thế, tôi viết thư cho ba rồi ba đích thân lên đưa cho tôi. Từ nhà đến chỗ tôi trọ học chừng 15 km. Nhà nghèo không có xe máy, ba phải đi xe đạp. Chiếc xe gầy giống ba… Cuối năm, làm hồ sơ thi đại học, tôi lại nhắn ba. Lần này, sau khi đưa cho tôi một trăm ngàn, ba hỏi: ”Có dư đồng nào không con?”. Tôi đáp: “Còn dư bốn ngàn ba ạ”. Ba nói tiếp: ”Cho ba bớt hai ngàn, để lát về, xe có hư như lần trước thì có tiền mà sửa”. Ba về, tôi đứng đó, nước mắt rưng rưng…
5 - Ăn cơm Thằng Tèo ngồi tiu nghỉu. Tựa lưng vào cây trứng cá bên hông nhà, thỉnh thoảng nó giơ tay gạt nước mắt. Không biết chuyện gì? Cả buổi sáng nay ba má nó liên hồi ẩu đả. Bỏ ông táo lạnh tanh. Giờ mỗi người mỗi góc. Rồi cuộc chiến lại tiếp tục. Từ võ ba càng chuyển sang võ miệng. Bỗng má nó lớn giọng : - Ông ăn chả, tôi ăn nem. Mặc xác ông! Đến đây, cái bao tử thúc giục, Tèo tham chiến: - Con không thèm ăn thứ đó, con chỉ muốn ăn cơm thôi!
6 - Cha tôi Mẹ bỏ đi theo người khác. Cha ở vậy nuôi chúng tôi. Hơn 20 năm. Tôi và anh Hai đều có gia đình. Ngòai 60, bỗng cha tôi dường như trẻ lại. Ông năng chải chuốt, đi lại và xài tiền nhiều hơn. Chúng tôi nghĩ ông có nhân tình và đối xử có phần nghi ngại. Ông vẫn không nói. Tôi tìm đến bệnh viện, quyết định cho người tình của cha tôi một trận. Chợt tôi lặng người đi vì người cha đang chăm sóc là mẹ. Thấy tôi, ông gượng nói: "Ba sợ các con còn giận mẹ...".
7 - Ước mơ Chị mua dùm thằng bé mấy tờ vé số. Sau một hồi chọn lựa, chị hỏi nó: - Nếu cô trúng số con chịu cô mua cho con cái gì? Nó nhìn chị, xoay qua xoay lại rồi nói: - Cho con một chiếc xe đạp, có xe đi bán xong con chạy tới trường liền, không bị trễ học nữa. Di di những ngón chân xuống đất, nó hạ giọng: - Cho con thêm đôi dép nữa nghe cô, để con đi học. Dĩ nhiên là chị không trúng số. Tôi lại thấy nó mỗi ngày đi qua nhà với chân trần, đầu không nón.
(Sưu Tầm)
| |
| | | NHViet
Posts : 595 Join date : 23/08/2012
| Tiêu đề: Re: Những câu chuyện ngắn ý nghĩa làm bạn phải cảm động Sun Oct 18, 2020 10:00 am | |
| . NHỮNG CÂU CHUYỆN THẬT NGẮN VÀ THẬT ĐAU LÒNG (ST)
1- Ước mơ
Chị mua dùm thằng bé mấy tờ vé số. Sau một hồi chọn lựa, chị hỏi nó: - Nếu cô trúng số, con muốn cô mua cho con cái gì? Nó nhìn chị, xoay qua xoay lại rồi nói: - Cho con xin một chiếc xe đạp. Nếu có xe đi bán xong, con chạy tới trường liền, không bị trễ học nữa. Di di những ngón chân xuống đất, nó hạ giọng: - Cho con thêm đôi dép nữa nghe cô, để con đi học. Dĩ nhiên là chị không trúng số… Tôi vẫn thấy nó mỗi ngày đi ngang qua nhà tôi với chân trần, đầu không nón...
2- Nghỉ lễ
Cha nó xuôi ngược buôn bán trên chiếc ghe nhỏ để lo cho nó ăn học. Xong đại học, nó ở lại thành phố. Tết vừa rồi, tiễn nó đi, ông dặn: - “Con đi làm, ít về. Cha mẹ nhớ lắm. Nhưng ráng… đến dịp lễ rảnh con về thăm cha mẹ.” Nó hứa. Lễ đến, ông hớn hở chờ nó về. Nó điện thoại bảo không về được vì sinh nhật bạn gái. Nghe xong, ông trầm ngâm, lát sau nói với mẹ nó: - “Vậy là tết thằng nhỏ nó mới về. Còn đến bốn tháng nữa lựng…!”
3- Ngày cưới của cha
Anh hai làm ở thành phố, tổ chức đám cưới luôn trên ấy. Ba vượt hơn 200 cây số đường, quành quả các thứ lo đám cưới cho anh. Anh kế, rồi đến tôi đám cưới, ba lo lắng đến từng chi tiết, cả đến cách lạy, cách đi đứng như thế nào cho phải đạo... Mẹ mất sớm, ba sống cô đơn hàng chục năm. Khi các con đã yên bề cả, ba đi thêm bước nữa, ngày cưới của ba, cả ba anh em tôi đều viện cớ vắng mặt...
4- Lòng tin
Xe ngừng… - Mận ngọt đây..! - Bao nhiêu tiền bịch mận đó? - Dạ 2000. - Hổng có tiền lẻ! - Để con đổi cho! Cái bóng nhỏ lao đi. Năm phút, mười phút… - Trời! Đồ ranh! Nó cầm 5000 của tui đi luôn rồi! - Ai mà tin cái lũ đó chứ! - Bà tin người quá! ... Xe sắp lăn bánh… Cái bóng nhỏ hớt hải: - Dì ơi! Con gửi ba ngàn. Đợi hoài người ta mới đổi cho.
5- Lời hứa
Tết, anh chở con đi chơi. Về nhà, thằng bé khoe ầm với lũ bạn cùng xóm. Trong đám trẻ có thằng Linh, nhà nghèo, lặng lẽ nghe với ánh mắt thèm thuồng. Thấy tội, anh nói với nó: - “Nếu con ngoan, tết năm sau chú sẽ chở con đi chơi.” Mắt thằng Linh sáng rỡ. Ngày lại ngày. Cuộc đời lại lặng lẽ trôi theo dòng thời gian. Thoắt mà đã hết năm. Lại tết. Đang ngồi cụng vài ly với đám bạn thì thằng Linh cứ thập thò. Vẫy tay đuổi, nó đi được một chốc rồi lại lượn lờ. Cáu tiết, anh quát nó. Thằng Linh oà khóc nức nở. Tiếng nó nói lẫn trong tiếng nấc: - “Chú hứa chở con đi chơi… cả năm qua con ngoan… không hư một lần nào…”
6- Ba
Xưa, nội nghèo, Ba đi ở cho ông bá hộ, chăn trâu để chú được đi học. Thành tài, chú cưới vợ, ra riêng. Ngày hỏi vợ cho thằng Hai, chú mời mấy người cùng sở. Ai cũng com-lê, cà-ra-vát. Chú bảo: - “Anh Hai hay đau bao tử, ở nhà nghỉ cho khỏe.” Ba ừ, im lặng vác cày ra đồng. Mồ hôi đổ đầy người. Cũng những giọt mồ hôi ấy, xưa mặn nồng biết chừng nào, mà bây giờ, sao nghe chát cả bờ môi.
7- Khoe
Ngày xưa, khi có ai hỏi con: "Bố làm nghề gì?" Bố thấy con không vui và không bao giờ chịu trả lời là bố làm nghề thợ hồ. Bố cố gắng làm việc nhiều hơn để nuôi con ăn học và mong sau này con có được một nghề mà mọi người nể trọng trong xã hội. Con thành đạt rồi lấy chồng. Mỗi lần khách đến chơi, câu đầu tiên bố thường nghe con khoe là; - "Nhà em làm luật sư nên lúc nào cũng bận." Bố buồn, chỉ ao ước được một lần nghe con khoe về nghề của bố ...
8- Nhạt
Người đàn bà vội vã ra đi vào một chiều mưa tầm tã. Ngày ngày, chỉ còn lại người đàn ông lầm lũi bên xe mì gõ đầu hẻm. Chẳng hiểu vì lý do gì, khách đến ăn ngày một thưa dần rồi vắng hẳn. ... Ngày nọ, có người đàn bà sang trọng tìm về con hẻm xưa. Không ai còn nhận ra bà. Người đàn ông và xe mì gõ không còn ở đó nữa. Người ta bảo kể từ cái dạo vợ bỏ đi, mì ông nấu không còn ngon như trước và quá nhạt. Nhạt nên người ta không ăn của ông nữa...
9- Anh Hai
Năm 18 tuổi, anh quyết định nghỉ học đi phụ hồ. Bố Mẹ giận dữ, mắng: - “Sanh ra. Giờ cãi lời bố mẹ… phải chi nó ngoan, siêng học như bé Út…” Anh lặng thinh không nói năng gì. Bố mẹ mắng mãi rồi cũng thôi. Anh đã quyết thế! Ngày bé Út vào Đại Học, phải xa nhà, lên thành phố ở trọ. Anh tự ý bán đi con bò sữa, gia tài duy nhất của gia đình, gom tiền đưa cho bé Út. Biết chuyện, bố thở dài, mẹ lặng lẽ, bé Út khóc thút thít… anh cười, “Út ráng học ngoan nghen…” Miệt mài 4 năm đại học, Út tốt nghiệp loại giỏi, được nhận ngay vào công ty nước ngoài, lương khá cao… Út hớn hở đón xe về quê… Vừa bước vào nhà, Út sững người trước tấm ảnh của anh trên bàn thờ nghi ngút khói… Mẹ khóc: - “Tháng trước, nó bị tai nạn khi đang phụ hồ… lúc hấp hối, biết con đang thi tốt nghiệp, nó dặn đừng nói con biết…”
10- Đưa đón
Nội từ quê vào thăm, mang quà quê vào cho cháu, nào là bánh đa gạo nếp, có cả chục trái dừa khô. Thấy nội lỉnh kỉnh vất vả, con trách bố: - “Sao bố không đi đón nội.” Bố bảo: - “Bận quá.” Ngoại từ nước ngoài về thăm quê. Các cậu, dì thuê hẳn một xe ô-tô đi đón. Bố cũng đóng cửa hàng nghỉ buôn bán vài hôm, để cùng đi đón ngọai. Bố bảo: - “Ai cũng có mặt, bố không đi ngoại trách.”
11- Đợi
“Mẹ ơi, sao bà hay ngồi ngoài cửa chiều chiều thế mẹ? Bà lãng mạn quá mẹ nhỉ! ” Nó cười tít mắt, tưởng tượng vu vơ ở chân trời nào chả rõ. Mẹ chẳng nói gì, chỉ lặng im, lâu lâu lại ngẩng lên nhìn bà, mắt mẹ thoáng buồn, nó chẳng hiểu vì đâu… Sau đó, nó biết ông nó khi xưa đi chiến trường không về, bà thì luôn bảo ông “chưa” về nên hay ra ngồi ngoài ngõ đợi. Có lúc nó dỗi bà, bảo bà không chơi với nó mà cứ ngồi đợi ông “Ông không về đâu, ông chết rồi!” Nó hét lên giận dữ, khóc thảm thiết. Bà vuốt má nó nựng nịu, rồi cõng nó vào trong. Mãi sau này, khi bà mất đi, mẹ kể nó nghe rằng: Bà muốn đợi ông về, dẫn hồn ông đi kẻo lạc. Bà sợ năm tháng dài, mấy con ngõ trở thành xa lạ. Nó lặng im thẫn thờ, mắt thả về miên man… thấy nhớ bà vô hạn… Rồi chiều chiều, cũng tự khi nào không biết, nó ngồi trước hiên nhà, đợi bà đi ngang qua…
12- Xa xứ
Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học. Thư đầu viết: "Ở đây, đường phố sạch đẹp, văn minh bỏ xa lắc nước mình…" Cuối năm viết: "Mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm…" Mùa đông sau viết: "Em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ bến chợ xôn xao lầy lội… Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi có phải người Việt không…"
13- Bàn tay
Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả, em lòn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình đụng tay em... Mềm mại. Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em... Chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai. Tự trách, mấy lâu nay sao mình quá vô tình.
(Sưu Tầm). | |
| | | NHViet
Posts : 595 Join date : 23/08/2012
| Tiêu đề: Re: Những câu chuyện ngắn ý nghĩa làm bạn phải cảm động Thu Oct 22, 2020 8:10 am | |
| . NHỮNG CÂU CHUYỆN THẬT NGẮN VÀ THẬT ĐAU LÒNG (ST)
14- Ăn cơm (Nguyễn Thanh Bình) Thằng Tèo ngồi tiu nghỉu. Tựa lưng vào cây trứng cá bên hông nhà, thỉnh thoảng nó giơ tay gạt nước mắt. Không biết chuyện gì? Cả buổi sáng nay, ba má nó liên hồi ẩu đả. Bỏ ông táo lạnh tanh. Giờ mỗi người mỗi góc. Rồi cuộc chiến lại tiếp tục. Từ võ, ba càng chuyển sang võ miệng. Bỗng má nó lớn giọng: - “Ông ăn chả, tôi ăn nem. Mặc xác ông!” Đến đây, vì cái bao tử thúc giục, thằng Tèo tham chiến: - “Con không thèm ăn mấy thứ đó, con chỉ muốn ăn cơm thôi!”
15- Cha tôi (Nguyễn Minh Hiếu) Mẹ bỏ đi theo người khác. Cha ở vậy nuôi chúng tôi. Hơn 20 năm. Tôi và anh Hai đều có gia đình. Ngoài 60, bỗng cha tôi dường như trẻ lại. Ông năng chải chuốt, đi lại và xài tiền nhiều hơn. Chúng tôi nghĩ ông có nhân tình và đối xử có phần nghi ngại. Ông vẫn không nói. Tôi tìm đến bệnh viện, quyết định cho người tình của cha tôi một trận. Chợt tôi lặng người đi vì người cha đang chăm sóc là mẹ. Thấy tôi, ông gượng nói: - "Ba sợ các con còn giận mẹ..."
16- Mồ côi (Nguyễn Văn Hùng) Đêm đông, nằm cạnh bố, cu Hải co ro thì thầm: - “Giá như mẹ đừng ‘đi xa’, thì giờ này con được nằm giữa ấm biết mấy. Chứ có hai bố con mình, ai cũng lạnh.” Bố cu Hải vỗ về con, rồi nói: - “Con đừng lo, mẹ xa rồi, có dì thay mẹ chăm con.” Cu Hải không hiểu nhưng cũng thấy mừng, vì nhà có thêm người đỡ vắng lạnh. Mùa đông sau, Hải co ro nằm một mình lại nghĩ: “Giá như đừng có dì nhỉ, thì bây giờ mình cũng đỡ lạnh một bên...”
17- Lát nữa về (Phạm Thu Hiền) Anh chị lấy nhau được 5 năm. Gia đình bất hòa, nhưng có đứa con cũng đỡ phần nào. Ngày ngày, khi chị đi làm, đứa con nhỏ ba tuổi thường khóc đòi chị. Chị dỗ dành: - “Nín đi con! Lát mẹ về.” Năm sau, anh chị ly dị. Tòa cho anh nuôi đứa bé. Chị ôm nó khóc. Nó nhìn chị, ngây thơ: - “Nín đi mẹ! Con đi chơi với ba. Lát con về...”
18- Cần thiết (T.T.) Ngày cô theo gia đình định cư ở nước ngoài, Thầy buồn nhiều vì cảm thấy trống vắng, cô đơn. Nhiều năm trôi qua, Thầy vẫn ngày hai buổi ăn cơm tiệm, một mình một bóng đi về. Đã bao lần cô gợi ý đón Thầy sang, nhưng Thầy nhất quyết từ chối. Cuộc đời thầy gắn bó với trường lớp đã bao năm, làm sao nỡ dứt bỏ. Một lần gọi điện thoại về thăm, cô dè dặt hỏi: - "Anh có cần gì cứ nói, em sẽ gởi về liền." Cười buồn, Thầy ôn tồn đáp: - "Anh chỉ cần em."
19- Xót xa Tần tảo dành dụm những đồng tiền lẻ từ mớ rau, củ khoai, con cá con tôm bắt được để gởi lên cho chị Hai ăn học. Tốt nghiệp Đại học Văn hóa - Nghệ thuật - Du lịch, chị Hai ở luôn trên thành phố làm Phó giám đốc cho một công ty Đầu tư và phát triển Du lịch tại Sài Gòn. Mãi đến hôm nay, dễ chừng gần ba năm, chị Hai mới về. Cả nhà khôn xiết vui mừng. Má lật đật chèo xuồng đến chợ nổi mua đồ về làm bữa cơm thịnh soạn: - “Tội nghiệp chị Hai tụi bay, hồi giờ có được bữa ăn nào đàng hoàng, tử tế đâu?” Đang ăn, chị Hai bỗng giật mình, lấy đũa khều một sợi tóc từ trong đĩa lòng xào ra: - “Ai làm bê bối và cẩu thả thế này? Kiểu này ở nhà hàng họ đã đổ vào thùng nước cơm! Khách du lịch mà biết, chỉ có nước đóng cửa dẹp tiệm! Sạt nghiệp là cái chắc!” Nói xong, chị Hai đứng dậy, nhanh chân bước lên nhà trên. Từ nãy giờ, má ngồi đó, im lìm như tượng đá. Thằng Út cầm sợi tóc lên săm soi một lúc rồi la to lên, giọng còn ngọng nghịu: - Sợi tóc bạc hơn một nửa rồi má ơi!...
20- Đau Lòng (Chơn Phát) Mẹ làm gần nhà, về nhà ăn, nghỉ trưa. Me dấu Ba, thường đem ông Gia Nã Đại về mẹ hầu cơm trưa. Ba biết được; Cảnh cáo Mẹ. Một hôm Mẹ bảo Ba rằng Mẹ đã mua vé máy bay đưa các con đi Gia Nã Đại thăm ông bà ngoại. Quả thực Mẹ đưa các con về nhà ông bà ngoại ở, còn Mẹ đi đến nhà ông Gia Nã Đại đó (ông ta đã về nuớc). Môt hôm, quá nửa đêm, 3 giờ sáng cả gia nhà đang ngủ ngon, bỗng chuông điện thoại reo lên, Mẹ tung mền vội chạy tranh “phone” với con gái. Mẹ bảo “Phone” của Mẹ, của bạn mẹ ở sở. Người đàn ông nào ở sở gọi mẹ 3 giờ sáng? Ba không làm ồn ào. Mẹ năn nỉ Ba: - “Đừng gọi cho ông bà ngoại. Ông ngoại sẽ bị đứng tim khi nghe tin này.” Ba không gọi ông bà ngoại. Ba cũng không gọi cảnh sát, sợ ồn ào thì láng giềng coi nhà ta ra gì! Nếu gọi đến sở thì cả hai, mẹ và ông Gia Nã Đại, đều bị đuổi việc. Ba đành nín thinh vì danh giá của gia đình, và vì các con còn đang đi học. Ba bị bịnh tim mạch, cao máu, tiểu đường chểnh mảng công việc nhà… Mẹ đi rêu rao với anh chị em, bà con. Rồi Mẹ bỏ đi. Mẹ gọi về đòi ly dị vì lý do Ba không còn dọn dẹp nhà cửa tốt như xưa…
21- Nó (Thanh Hải) Ba nó bỏ đi lúc nó còn đỏ hỏn. Ngoại và mẹ nuôi nó trong nghèo khó. Đau khổ và cả hạnh phúc. Được vài năm, cái đói nghèo cướp mất ngoại. Thiếu hơi bà, nó ngằn ngặt khóc đêm. Mẹ chỉ ôm nó vào lòng, để tay lên ngực trái, dỗ dành: "Ngoại có đi đâu! Ngoại ở đây mà!" Vậy là nó nín. Rồi mẹ cũng theo bà. Hôm tang mẹ, thấy dì khóc, nó bảo: "Mẹ có đi đâu! Mẹ ở đây mà!" Rồi lấy tay đặt trên ngực trái, chỗ trái tim. Nó dỗ thế mà dì chẳng nín, lại ôm nó khóc to hơn.
22- Vòng cẩm thạch (st) Cha kể, cha chỉ ao ước tặng mẹ chiếc vòng cẩm thạch. Tay mẹ trắng nõn nà đeo vòng cẩm thạch rất đẹp. Mỗi khi cha định mua, mẹ cứ tìm cách từ chối, lúc mua sữa, lúc sách vở, lúc tiền trường... Đến khi tay mẹ đen sạm, mẹ vẫn chưa một lần được đeo. Chị em hùn tiền mua tặng mẹ một chiếc thật đẹp. Mẹ cất kỹ, thỉnh thoảng lại ngắm nghía, cười: "Mẹ già rồi, tay run lắm, chỉ nhìn thôi cũng thấy vui." Chị em không ai bảo ai, nước mắt rưng rưng.
23- Quà sinh nhật (st) Trong năm đứa con của má, chị nghèo nhất. Chồng mất sớm, con đang tuổi ăn học. Gần tới lễ mừng thọ 70 tuổi của má, cả nhà họp bàn xem nên chọn nhà hàng nào, bao nhiêu bàn, mời bao nhiêu người. Chị lặng lẽ đến bên má: "Má ơi, má thèm gì, để con nấu má ăn?" Chưa tan tiệc, Má xin phép về sớm vì mệt. Ai cũng chặc lưỡi: "Sao má chẳng ăn gì?" Về nhà, mọi người tìm má. Dưới bếp, má đang ăn cơm với tô canh chua lá me và dĩa cá bống kho tiêu chị mang đến...
24- Khóc (st) Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa. Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ. Hôm nay 40 tuổi, đọc tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc, anh nói: "Tội nghiệp mẹ. 40 năm qua chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh."
25- Cua rang muối (st) Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo: "Răng yếu." Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui: "Cua rang muối thật đó mẹ." Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém: "Còn răng đâu mà ăn?!"
26- Người yêu và mẹ (Nguyễn Hồng Ân) Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm. Tháng rồi, mẹ vào thăm. Mừng và thương. Mẹ khen: “Bạn gái con xinh lắm.” Cuối tháng, lãnh lương. Dẫn người thương đi “shopping.” Em bảo: “Mỹ phẩm của hãng này là tốt nhất. Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng vì có hại cho da; giống mẹ anh đó, da mặt mẹ bị nám hết anh thấy không…” Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn cái mặc, nào đã biết phấn son màu gì...
. | |
| | | NTcalman
Posts : 614 Join date : 13/03/2012
| Tiêu đề: Re: Những câu chuyện ngắn ý nghĩa làm bạn phải cảm động Tue Nov 03, 2020 12:05 am | |
| .
15 TRUYỆN CỰC NGẮN CỦA TRẦN HOÀNG TRÚC 1. NHÂN QUẢ Lũ to, nước trắng xóa. Chuột lóp ngóp bơi vớ được ván gỗ mục, trèo lên, bắt gặp Mối đang nằm phềnh. Đói run, Chuột cám cảnh: - Xưa, ta làm quan, lũ về, ta ăn biết bao nhiêu gạo. - Còn ta thì chuyên rút ruột công trình – Mối xoa bụng lép kẹp. Liền đó Bổ củi bơi đến, mổ côm cốp vào ván gỗ, Chuột la to: - Thằng này đích thị là lâm tặc! Chưa dứt lời, Chuột và Mối đều bị rơi xuống nước. 2. LIỆT Anh phất lên từ chứng khoán. Nhà, xe anh có được sau đợt sóng kịch trần. Khi người ta bắt đầu tháo lui, anh vẫn vay ngân hàng gom, hốt. Kinh tế lao đao, bạn bảo: “Giờ mà “hốt tất liệt”! Anh tự tin: “Phải biết tham khi người ta sợ”. Thị trường lao dốc, bạn khuyên: “Thà lỗ non hơn lỗ già”. Anh tuyên: “Đáy rồi sẽ đỉnh”. Cổ phiếu rớt sâu, anh bán đổ bán tháo, vẫn không giữ được nhà. Giờ muốn gặp anh, bạn phải vào bệnh viện. 3. DẠY CON Trong nỗi dày vò khôn nguôi, nàng thường ôm con vào lòng khuyên bảo: - Con ạ, luôn nhớ rằng, khi mình nói điều gì làm người khác vui thì nói, còn nói gì làm người khác buồn thì đừng nhé con. Con trai nhìn đôi mắt thẳm sâu của mẹ, gật đầu. - Còn nữa, nói làm người khác thương thì nói. Nói làm người khác ghét thì đừng! - Vậy mẹ đã nói gì mà bố im lâu thế? - Thằng bé hỏi ngây ngô. 4. TU HÚ Nửa đêm, con trai anh bị tai nạn giao thông nghiêm trọng. Anh lao vào bệnh viện, bác sĩ giục tiếp máu, nhưng anh không cùng nhóm với con. Chị đến sau, nghiệt ngã thay, cũng khác nhóm. Bác sĩ nhíu mày: Vậy là sao, mẹ không cùng thì bố phải cùng chứ? Chị quýnh quáng gọi điện. Anh choáng váng thấy sếp chị vào, cuống cuồng cho máu đứa con trai anh hết mực thương yêu. Tháng sau anh chị ly hôn. Đứa con trai òa khóc. 5. MŨI TÊN Đột ngột qua đời vì bạo bệnh, linh hồn nàng được an ủi khi anh đều đặn viếng thăm. Một ngày kia, nàng đau đớn thấy anh đưa người mới đến chào. Cố hết sức, nàng thổi lá khô tạo hình trái tim ứa máu. Song lá không đủ để nàng vẽ mũi tên. Đôi tình nhân mừng rỡ trông thấy một trái tim chúc phúc trên mộ phần. Từ đó họ thường đến thăm nàng. Nếu hôm ấy có mũi tên, điều đó sẽ chẳng xảy ra. Sự bao dung luôn đem lại hạnh phúc. 6. TỦI PHẬN Tình cờ gặp nhau trong cuộc họp, Phong bì trách Máy tính: - Sự ra đời của ngươi khiến ta không còn được chuyên chở những bức thư tình lãng mạn, được gìn giữ những ký ức đẹp của đời người. - Bây giờ ngươi toàn được giữ tiền, còn đòi gì nữa? Phong bì thở dài não nuột: - Thư tình luôn thơm phức. Khi nhận được, ai cũng trân trọng, nâng niu. Có khi còn hôn ta. Còn tiền thì chứa đủ mùi đời. Mỗi khi lấy tiền xong, con người lại vứt ta vào sọt rác. 7. TỘI NGHIỆP Một bầy chim én vừa tung cánh vào trời xanh vừa tự hào chíu chít: - Phía dưới bao người đang ngóng đợi chúng ta, những sứ giả của mùa xuân mang niềm vui đến muôn nhà. Bất giác chúng trông thấy vài con chim vật vã bay loạng choạng như sắp đứt hơi bèn lấy làm kinh ngạc: - Này, mùa xuân ấm áp đẹp tươi sao các bạn lại tả tơi đến thế? Một chú chim xơ xác thều thào: - Chúng tớ là chim phóng sinh. Sáng giờ được phóng 5 lần rồi. 8. CHÍNH NGHĨA Thắng được vụ kiện khó giúp thân chủ trắng án hiếp dâm, anh hoan hỷ vì sắp nhận một khoản kha khá. Song ánh mắt u uất của nguyên đơn cứ đuổi theo anh. Chiều nay, trên đường đón con đang học trường quốc tế, anh bàng hoàng được tin cô gái ấy đã trầm mình. Cửa xe bật mở, con trai anh hớn hở bước vào, giọng liếng thoắng: - Bạn con ai cũng biết bố là luật sư nổi tiếng, con ước sau này cũng như bố, bảo vệ chính nghĩa! 9. CỐ NHÂN Sau cuộc truy quét gái mại dâm, ngồi trên xe đưa các cô về phường, anh bắt gặp ánh nhìn thân thuộc. Ra là Quỳnh “tiểu thơ” cùng lớp năm nào - mối tình đơn phương thầm lặng chợt về xao xác trong anh. “ Cô… có phải…?” Anh buột miệng chưa kịp nghĩ suy. “ Không… không phải…” Cô quay đi, giấu cái nhìn tủi nhục. Thầm trách mình, tay anh xoắn vào nhau. … Ai đó đã bảo lãnh và gửi cho cô một phong bao. Mở ra xem… cô rung bần bật. Từ đó anh không còn gặp lại cô. 10. CHAT Bài tập vẫn chưa xong, con bé đã lướt tay trên bàn phím: - Nhớ em hok? - Nhớ, đi Thanh Đa chơi hem? - Thanh Đa tối qué. - Sợ j, hem tin anh hả? - Sợ mẹ hok cho. - Thì nói đi học thim. - Okie. - Mà em 17 tuổi thiệt hem? -Thiệt - con bé bặm môi. - Ok, hẹn em 6h, wán Chìu Tím. Con bé nhỏm dậy. Chọn một bộ đồ tối. Cố làm cho mình thật già rồi quảy túi xin mẹ đi học thêm. Mẹ nó gật, mắt không rời máy tính. 11. HOA MỸ Sinh nhật cô gái, chàng trai tặng cô một đóa hồng tuyệt đẹp. Tiếc thay, không phải hoa thật. Cô gái tỏ vẻ thất vọng : - Đến hoa tặng em, anh cũng chọn hoa giả, thì tình yêu của anh liệu có thật chăng? - Hoa thật sẽ úa tàn, còn tình yêu anh dành cho em vĩnh viễn thắm tươi như bông hoa này, em ạ! Họ kết hôn, rồi sau đó chia tay vì chàng trai phản bội. Bông hoa vẫn thắm tươi. Lẽ tự nhiên, sự dối trá bao giờ cũng có vẻ ngoài đẹp đẽ. 12. HỨA Trong khuôn viên trường mù có hai thằng bé đang chơi bài. Các quân bài được làm dấu phân biệt một cách khéo léo. Vừa chơi chúng vừa chuyện gẫu: - Người ta nói má tao đẹp lắm mày ơi! - Ừ, biết rồi, nói hoài. - Đẹp như hoa hậu luôn! - Đẹp thì sao, đẹp mà có bao giờ muốn rước mày về không? Thằng bé kia liệng bài xuống đất, nước mắt chan hòa: - Má tao hứa sang năm đón tao về mà! Nói xong nó òa khóc vì nhớ ra má nó đã hứa vậy từ rất lâu rồi. 13. TÌNH YÊU Bà Năm bị lãng tai nên hay lớn tiếng, trong nhà ai cũng sợ khi bị bà trách mắng. Có lần, ông Năm lén ghi âm lại để bà nghe mà điều chỉnh vôlum. Sau ngày bà mất. Ngôi nhà bỗng lặng câm, chẳng ai buồn nói một câu, rút về phòng đau đáu. Chợt có tiếng bà quát lên quen thuộc từ phòng ông. Các con chạy đến bồi hồi. Thấy bố ngồi như phỗng, nghe như nuốt từng lời. Từ ấy mỗi ngày tiếng quát của bà lại vang lên trong nhà ông Năm, như không thể thiếu. 14. BÀN TAY Anh luôn chê tay vợ mình thô ráp và so với người này người kia. Rồi một ngày, anh theo người mới có đôi tay trắng đẹp mịn màng. Nhưng bàn tay đẹp thì chẳng thể làm gì, dù chỉ một ngày osin nghỉ phép. Mọi việc nhà đều đến tay anh. Bàn tay đẹp không tết tóc cho con anh. Khi anh ốm đau, bàn tay ấy cũng không buồn nấu cháo. Chỉ miệt mài giũa móng sơn hoa. Nằm liệt giường, anh mơ có một bàn tay thô ráp, sờ trán anh âu yếm sẻ chia. 15. TẾT Tết năm kia, bố mẹ già tất bật nhặt lá mai, trang hoàng nhà đón chờ con cháu. Chợt xe bưu phẩm dừng trước cửa, người ta ôm vào đủ loại quà kèm bưu thiếp “Bố mẹ ăn Tết vui vẻ, sang năm chúng con sẽ về”. Tết năm sau lại hăm hở dọn nhà. Lại xe đỗ cửa. Lại quà ngổn ngang. Và lời chúc quen thuộc. Tết năm này, con cháu về, thấy nhà mình thiếu Tết. Cây mai nguyên lá. Mái nhà xanh rêu. Quà năm cũ còn nguyên, vương bụi. Thế mà bố mẹ rưng rưng: “Năm nay có Tết rồi!” . | |
| | | Sponsored content
| Tiêu đề: Re: Những câu chuyện ngắn ý nghĩa làm bạn phải cảm động | |
| |
| | | | Những câu chuyện ngắn ý nghĩa làm bạn phải cảm động | |
|
Trang 1 trong tổng số 1 trang | |
Similar topics | |
|
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| |