Tiêu đề: Suy tư về kiếp người - Về Cùng Cát Bụi Tue Dec 25, 2012 2:52 am
NGHĨ SUY VỀ CÁI CHẾT
Chúng ta cần phải biết học cách đối mặt với cái chết, và làm nhiều điều ý nghĩa hơn cho cuộc sống, cho cộng đồng trước khi nhắm mắt xuôi tay…
Có một lần, ghé thăm blog của cậu bạn cùng tuổi, thấy bạn có một bài thơ nói về những nguy hiểm luôn rình rập mỗi chúng ta trong cuộc sống này, tôi bất giác nhận ra trong nhịp sống của xã hội hiện đại này, không ít người luôn mang trong mình một cảm giác chông chênh khi cảm nhận được về ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.
Chẳng phải vậy sao, khi ngày nào mỗi chúng ta cũng nghe nhan nhản trên đài báo, tivi tin tức về những người đang lặng lẽ nói lời từ tạ trần gian… Có người chết vì tai nạn, vì cãi cọ, đâm chém, thù hằn; vì thất tình, chán nản; vì bon chen kèn cựa, cạnh tranh nhau một quyền lợi hay một vị thế nào đó trong cuộc sống dẫn đến hãm hại lẫn nhau; vì bệnh tật hiểm nghèo không cách chữa – và thậm chí là có thể chữa nhưng gia đình quá nghèo, không thể trang trải nổi, đành bất lực nhìn những người thân của mình từ từ ra đi…
***
Rồi lại có những cái chết đớn đau vì miếng cơm manh áo – giống như trường hợp của một đôi vợ chồng trẻ mà hôm vừa rồi về thăm quê, tôi được nghe mọi người kể lại: Xe máy chất đầy mấy bao tải rau, chồng chất lên nhau, vợ ngồi ở đằng khung xe trước, đi trên đoạn đường nhỏ, gặp một đống gạch nhà ai đó xếp cản lối, người chồng đánh tay lái ra để tránh, chẳng may xe trượt ngã, lao đầu xuống một con mương thoát nước nhỏ bên đường... Đầu xe cắm xuống bùn cùng hai con người bất hạnh, và những tải rau nặng đè lên, không thể thoát được ra. Hai vợ chồng nọ chết ngạt – với một thai nhi 2 tháng tuổi trong bụng và để lại giữa cuộc đời một đứa con khác mới lên 2 tuổi. Và không chỉ dừng lại ở đó, vẫn luôn có những cái chết vô hình rình rập xung quanh mỗi chúng ta, đến từ hiểm họa ô nhiễm môi trường sống, từ nguồn nước cho tới bầu không khí – toàn những thứ thiết yếu và gắn chặt với hơi thở của con người… (Không băn khoăn, không hoảng sợ sao được khi mà đọc trên báo chí, thấy thông tin về mức độ bụi ô nhiễm trong không khí ở thủ đô Hà Nội – trái tim của cả nước là vượt quá 3 lần so với nồng độ bụi cho phép bình thường trong không khí?).
Có phải vì cuộc sống này quá chật chội và ngột ngạt như thế, đầy những sự ích kỷ và tham lam nên luôn có người chọn cách đi ra khỏi thế gian, tìm cho mình một chốn khác bình yên hơn chăng?
***
Có một lần, ông thầy dạy của tôi đã kể cho nghe câu chuyện về một người đàn ông may mắn thoát chết trong một chuyến bay do trục trặc của một bộ phận nhỏ trên máy bay. Chỉ khi hạ cánh an toàn trên mặt đất, nhịp tim ông mới đập bình thường trở lại được. Ông vội vã về nhà, gặp vợ và con gái đang cắm nến sinh nhật. Ông kể cho vợ và con nghe về chuyến bay định mệnh vừa rồi, về sự lo lắng không chỉ cho tính mệnh của mình mà cho cả cuộc sống của vợ và con... Vợ ông mỉm cuời với một câu nói: - Mọi chuyện cuối cùng đều đã qua, tốt đẹp rồi phải không anh? Anh lên gác chuẩn bị rồi xuống đón khách với mẹ con em. Người đàn ông lê từng bước chậm chạm lên gác, ngồi giữa căn phòng tối cô đơn… Ông chợt nhận ra, vợ và con gái không hề quan tâm tới câu chuyện mà mình vừa kể... Trong khoảnh khắc ông thấy mình cô đơn ghê gớm, như bị bỏ quên, lạc lõng giữa thế gian, và ngay trong căn nhà nhỏ ấm cúng của mình. Cho đến khi chị vợ chờ lâu mà không thấy chồng xuống, chạy lên thì thấy ông đã treo mình lủng lẳng trên một sợi dây thừng...
Câu chuyện muốn nói về sự quan tâm dành cho nhau trong cuộc sống là cần thiết biết bao nhiêu. Không cứ phải là những điều gì quá ư là lớn lao và to tát. Chính những cử chỉ, những sự quan tâm bình dị, giản đơn lại mang lại cho người khác nhiều cảm động và trân trọng!
Con người ta trong cuộc sống này, ai cũng mải mê chạy theo nhiều ham muốn, tham vọng để thỏa mãn bản thân, mà sự quan tâm dành cho chính con người – là người thân, bạn bè – đôi khi thật ít ỏi. Và chỉ đến khi không còn sự hiện hữu của một ai đó trên cuộc đời này, trong cuộc sống của ta, ta mới nghĩ nhiều về họ, mới nhận thấy mình đã vô tình và bỏ qua rất nhiều những khoảnh khắc mà có thể mang lại hạnh phúc, sự ấm áp sưởi ấm trái tim nhau…
Sự hiện hữu trong tôi khi nghĩ về cái chết – luôn là những tiếng kèn đưa đám ai oán, thê lương…. Tôi sợ - sợ thứ âm thanh ấy. Nó như khơi, như cứa vào ruột gan người nghe… Nó nhắc nhớ trong tôi về một buổi sớm mùa đông đường đồng lạnh lẽo đưa bà nội tôi về nơi an nghỉ tại nghĩa địa của làng; nhắc nhớ những giọt nước mắt lã chã đã rơi khi tôi chít khăn và đứng đáp lễ trước hài cốt của người chú ruột hi sinh khi mới 19 tuổi mà tự tay tôi đã mang về từ chiến trường ngày xưa – dẫu chưa hề gặp mặt và chú không có một tấm hình nào để lại, nhưng vẫn cứ thấy đau, biết đang tiễn một người thân rời xa mình vĩnh viễn…
Và mới đây thôi, tôi lại chứng kiến nỗi nghẹn ngào của cô bạn lớp trưởng học cùng THPT trước linh cữu của người cha đột ngột ra đi. Cha bạn đã không đủ kiên nhẫn, không chờ đợi được thêm một vài hôm nữa để ngắm con gái mình trong màu áo cưới ngày vu quy… Ngồi bên bạn, trước linh cữu người cha thân yêu của bạn nằm lặng yên giữa căn nhà trong ánh nến bập bùng và khói hương nghi ngút, tôi bất giác rùng mình, nhận ra một điều: tôi và tất xả những người trẻ khác trên thế giới này, rồi lần lượt đều sẽ phải trải qua những cảm giác, những khoảnh khắc giống như cô bạn của tôi đang phải trải qua kia – chứng kiến những người thân và bạn bè quanh mình lần lượt rồi sẽ rời bỏ chúng ta đi mãi trước sự phôi pha đổ đầy theo năm tháng của thời gian… Còn rất nhiều, vô vàn những sự chia tay rời bỏ khỏi thế gian này mà tôi đã được nghe hoặc tận mắt chứng kiến trong đời, của cả những người trong họ hàng, làng xóm cho đến sự ra đi của những người lạ thoáng gặp qua trên đường đời hay qua màn ảnh nhỏ tivi…
Và như thế, rõ ràng con người chúng ta là loài cô đơn nhất giữa nhịp sống, khi mà từng ngày trôi qua là từng ngày đang nhích dần đến cái thời điểm những người quanh ta sẽ rời xa mãi mãi, nhích dần đến với ranh giới của sự cô đơn…
Tuổi 25 – ngồi viết về cái chết, suy nghĩ về cái chết – hẳn sẽ có người cười nói tôi lo xa, hão huyền… Nhưng quả thực, không lo không được khi mà tôi cứ thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết trong cuộc sống này thật mong manh. Vì bản thân cuộc sống của chúng ta bây giờ luôn đầy những nguy hiểm, bất trắc như thế… Từng giây từng phút xung quanh chúng ta đều có những người phải nói giã từ với cuộc sống này mà có thể vẫn còn đó rất nhiều băn khoăn, dự định chưa được thỏa mãn, hoàn thành – trong đó có những người mà ta yêu quý…
Cái chết - chúng ta cần phải biết học cách đối mặt với cái chết, và làm nhiều điều ý nghĩa hơn cho cuộc sống, cho cộng đồng trước khi nhắm mắt xuôi tay… Và đã không ít lần tôi tự hỏi lòng: con người sống với nhau không được bao nhiêu như vậy, sao cứ phải trao cho nhau những mỏi mệt, oán thù, mà không phải là tình yêu và sự bình yên???
LƯƠNG ĐÌNH KHOA
huetim Khách viếng thăm
Tiêu đề: Triết lý về sự Chết Thu Jan 03, 2013 7:00 pm
Triết lý về sự Chết
Đặt vấn đề
Chết là gì? Hình như nó vẫn còn rất xa lạ với những người trẻ tuổi đang sống bình thản và vô tư trong cuộc đời, họ chả quan tâm gì đến cái chết, ai chết thì chết nhưng ta cứ sống khỏe mạnh để hưởng thụ và bon chen trong cuộc đời là ok, từ đó nảy sinh ý nghĩ phải chăng suy niệm về cái chết chỉ dành cho những người sắp gần đất xa trời?
Tôi đã tham dự thánh lễ tại tại các nước châu Âu và Mỹ… thì thấy nhà thờ chỉ toàn là những ông già bà cả, nảy sinh 2 khía cạnh làm người ta suy nghĩ, một là vấn đề suy thoái tôn giáo hai là phải chăng những ông bà già sợ chết nên đến các nơi linh thiêng nhằm tìm kiếm 1 cái gì đó bảo hiểm cho cái chết sắp đến?
Nhưng trong thực tế thì cũng có rất nhiều tình trạng lá vàng khóc lá xanh rơi xảy ra trong cuộc sống mà người ta vô tình hay cố ý không để tâm đến? như vậy cái chết đã đến mà ko hề phân biệt tuổi tác, giới tính, trình độ hay địa vị xã hội...
“Lá vàng thì ở trên cây Lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời”
Nhưng hễ nghĩ đến cái chết là ai cũng thấy sợ hoặc hoang mang? Tại sao thế? nó có mang một ý nghĩa gì không?
Khi cái chết đến, không điều gì có thể ngăn cản nó. Dù bạn là ai, có loại thân thể nào, dù bạn có đắc đạo hay chưa, cái chết sẽ chắc chắn phải xảy ra.
Một quan niệm đúng đắn về cái chết có lẽ sẽ giúp ý thức rõ hơn giá trị của cuộc sống, giúp sống lành mạnh tốt hơn và hiệu quả hơn, đó là lí do của bài viết.
Chết là gì?
- Theo quan điểm khoa học
Từ điển bách khoa Britannica ấn bản đầu tiên (1768), định nghĩa đơn giản cho cái chết là “sự chia tách giữa phần hồn và phần xác”. Định nghĩa này cho thấy mối quan hệ giữa cái chết và các yếu tố tâm linh, nhưng nó không làm thỏa mãn với những người theo chủ nghĩa duy vật, không công nhận có linh hồn.
Nhà sinh lý học người Pháp Claude Bernard phát biểu: “Sinh vật lớn lên, suy tàn và chết” phát biểu này giống như quan điểm sinh bịnh lão tử của Phật giáo, cũng chưa phải là định nghĩa rõ ràng về cái chết và đến thế kỉ thứ 19, người ta đã có thể phát biểu rõ ràng dưới góc độ khoa học là “chết là khi não gặp phải những tổn thương không thể phục hồi được, đẩy tình trạng tim phổi ngừng hoạt động thành trạng thái “chết lâm sàng”. Ở người, thân não điều khiển các hoạt động như hô hấp, cử động và nói năng. Theo như định nghĩa này, một người được xem là đã chết về mặt pháp lý nếu não của người đó mất hoàn toàn tất cả các chức năng thần kinh đối với cơ thể. Nhưng việc xác định xem một bộ não phải bị tổn thương ở mức độ nào mới được tính là đã chết cũng còn nhiều tranh cãi.
Như vậy, ngoài cái chết lâm sàng ra, còn 1 cái chết nữa là chết thật sự, khi các mô không còn hoạt động được nữa và bắt đầu phân hủy, cái chết này không gây tranh cãi gì nữa cho các nhà khoa học, ở đây bài viết muốn nói đến một cái chết thật sự.
Tóm lại, có thể thấy rằng theo quan điểm y học thì một người được định nghĩa là chết khi (1) hệ thống hô hấp và tuần hoàn ngưng (2) những công năng của não bộ, kể cả vành não chấm dứt.
-Theo quan điểm tôn giáo
Phật giáo cho rằng khi hơi thở chấm dứt là con người sẽ chết, nó là một trong 4 khâu của định luật "thành, trụ, hoại, diệt". Bất cứ sự vật nào thuộc thế giới hiện tượng, nghĩa là có hình có tướng, đều phải trải qua bốn giai đoạn của hiện hữu: Thành (từ chưa có trở nên có), Trụ (tồn tại một thời gian), Hoại (bị hư hoại, yếu dần, suy thoái), và Diệt (cuối cùng bị tiêu diệt, mất đi, không còn tồn tại nữa). Chết chính là khâu cuối cùng của 4 giai đoạn hiện hữu trên cho mọi vật sống.
Còn Thiên Chúa giáo thì cho rằng chết là hồn lìa khỏi xác, chờ sự phán xét của Thiên Chúa và linh hồn sẽ đi vào 3 cõi: luyện ngục (nếu mang những tội nhẹ), hỏa ngục (mang tội trọng) và thiên đàng (nếu có công đức trong khi sống). Trong ngày tận thế thì xác con người sẽ sống lại gắn liền với linh hồn con người trong 3 cõi nói trên.
Điều gì xảy ra sau khi chết? hay những quan niệm về kiếp sau
Không ai có kinh nghiệm về cái chết nên cũng chẳng ai dám khẳng định về điều này, người ta chỉ có thể có những kinh nghiệm về cận tử (Near death ) mà thôi, có thể tóm tắt những kinh nghiệm lâm tử như sau: ý thức là đã chết, cảm thấy đã rời khỏi thân xác và từ bên trên nhìn xuống thể xác của mình, đi vào đường hầm hun hút, thấy ánh sáng cuối đường hầm, gặp lại những người thân yêu… thấy lâng hạnh phúc… sau đó quay trở lại thân xác và hồi tỉnh. Nhưng cũng chẳng có gì là đảm bảo những kinh nghiệm cận tử này sẽ thật sự xảy ra khi con người chết, nó có thể do tình trạng thiếu oxy não tạo ra những ảo giáo vừa kể?
Tất cả các quan điểm thuộc loại này đều phải tìm từ các tôn giáo.
Thiên Chúa giáo tin rằng chết không phải là hết mà chỉ là một chuyển tiếp để bước vào đời sống vĩnh cửu, kinh Tiền tụng lễ cầu cho người chết đã diễn tả niềm tin này: “Lạy Chúa, đối với những người tin kính Chúa, sự sống không bị hủy diệt nhưng được biến đổi, và khi thời gian sống của họ trên trái đất này chấm dứt, họ có được 1 nơi cư ngụ vĩnh viễn trên trời”, do vậy người Công giáo cho rằng chết là được gọi về nhà Cha. Sách giáo lý Công giáo đã khẳng định rằng:" Chết là kết thúc cuộc lữ hành trần thế, kết thúc thời gian Thiên Chúa gia ân và xót thương để mỗi người thực hiện cuộc sống theo ý định của ngài, và sẽ không trở lại những kiếp sống khác nơi trần gian này nữa. Con người sẽ được phục sinh vào ngày tận thế.
Theo thánh Phao Lô, mặc dù chết là số phận đau khổ chung của loài người nhưng nó không nằm trong kế hoạch nguyên thủy của Thiên Chúa, mà là kết quả của tội lỗi của Adam và Eva trong vườn địa đàng, chính 2 người này đã để tội lỗi xâm nhập trần gian gây nên cái chết. Và qua cái chết trên thập giá, Đức GiêSu Kitô đã giải thoát con người khỏi tội lỗi.
Phật Giáo quan niệm chết không phải là chấm dứt, và đau khổ không chấm dứt sau khi chết, nhưng vẫn tiếp tục cho đến khi nào giải được tất cả ác nghiệp. Luân hồi trả nghiệp là quan điểm không những của Phật giáo mà còn là quan điểm của các tôn giáo Ấn Độ khác trước khi đạo Phật ra đời (Ấn Độ, Bà La Môn giáo). Chết không phải là hết mà chỉ là sự thay đổi cảnh giới từ người sang những cảnh giới khác (Thiên đàng, địa ngục, A tu La, Người, Ngạ quỷ, súc sinh - gọi chung là Lục đạo).
Tại sao người ta sợ chết?
Cũng bắt nguồn từ các quan điểm trên thì việc sợ chết do các nguyên nhân sau:
- Sợ thân xác đau đớn trước khi chết
Các nhà khoa học đã tìm thấy nguyên nhân làm cho não bị chết là do không được cung cấp đủ oxy dẫn đến 1 sự đau đớn cho một con người sắp ra đi vĩnh viễn - bị mất cảm giác và dường như không thể hít thở được. Hơi thở người đó sẽ trở nên nặng nhọc và xen giữa là các khoảng dừng có vẻ rất đau đớn khổ sở.
Bardo của một người đang chết rất đau đớn bởi vì tiến trình của cái chết liên hệ đến đau đớn và đau khổ. Mặc dù tiến trình của sự chết nhiều khi rất nhanh chóng và chúng ta nghĩ người chết không có cảm thấy gì, nhưng chắc chắn là luôn có sự đau đớn. Ngay cả khi người chết trong khi còn hôn mê hay trong lúc bất tỉnh, tâm não bao giờ cũng kinh nghiệm đau đớn tế vi trong một biến cố thường được gọi là sự ngắt quãng của dòng sinh lực (Chokyi Nyima Rinpoche). Nhưng đây không phải là nguyên nhân chính của cái gọi là sợ chết.
- Sợ mất đi sự hiện hữu (cái có), để trở về cái không
Tôi đang có gia đình, bạn bè, tài sản rồi bỗng dưng tôi mất hết đề chết và tôi không biết được chết sẽ ra sao? Phải chăng là trở về hư không cát bụi, ngay khi sống mà vẫn tưởng tượng ra chết rồi mà cũngcó thể nối lại liên lạc với người sống, như ca từ của cố nhạc sĩ TCS:
“Người chết nối linh thiêng vào đời…” (nối vòng tay lớn), chết vẫn còn hy vọng mang theo nhà cửa, xe cộ, tiền bạc,… (tập tục đốt vàng mã trong dân gian đã thể hiện điều này).
- Sợ cô độc và cô đơn, chết ra nghĩa địa nằm 1 mình cô đơn vắng lặng, cái cô đơn luôn ám ảnh con người, con người luôn sợ nó ngay cả khi lúc còn sống, vì thế mà công nghệ giải trí đua nhau mọc lên nhằm khỏa lấp sự cô đơn của con người. Tâm thức của con người chỉ ưa thích những cái đã biết và quen thuộc, còn những cái chưa biết thì thường là nó sẽ thấy hoảng sợ, chết là một khái niệm rất xa lạ và không thể kinh nghiệm nên người ta cảm thấy lo sợ khi đối diện với nó.
- Người ta chưa hoàn thành được trách nhiệm với một ai đó trong cuộc sống thì cái sợ chết sẽ gia tăng hơn nữa, người mẹ trẻ bị ung thư sợ chết sớm để con thơ bơ vơ trên cuộc đời không nơi nương tựa…
- Con người bị ám ảnh bởi tôn giáo, khái niệm địa ngục, hỏa ngục càng làm gia tăng sự sợ hãi của con người trước cái chết, ai mà không có tội, chết thì phải xuống địa ngục thì sao? Những hình ảnh tra tấn linh hồn trong 18 tầng địa ngục, khái niệm hỏa ngục vĩnh viễn không mấy thích thú cho con người khi cái chết gần đến.
Ý nghĩa của sự chết
Có sợ hay không thì cuối cùng con người cũng phải chết, vậy thay vì sợ chết ta nên đi tìm ý nghĩa của nó.
Sự chết luôn gắn liền với con người, nên cái chết đã mang 1 ý nghĩa nhân bản. Trước sự ra đi của người thân yêu, con người ta trở nên sầu muộn và đau khổ, Triết gia Heidegger coi cái chết là 1 hiện tượng mang tính cá nhân nhất, không ai chết 2 lần mà cũng chẳng ai chết thay được cho ai mỗi người phải chết cho cái chết riêng tư của mình trong sự cô quạnh, đìu hiu. Sự sống đã mang 1 giá trị đến nỗi con người ta thà chấp nhận sống đau khổ còn hơn là chết, vẫn thích án chung thân hơn là tử hình, Albert Camus cho rằng “sự sống là giá trị của mọi giá trị”, nếu không có sự sống làm sao có tình yêu, có trí tuệ có tranh đấu, cho nên bằng mọi giá con người níu kéo sự sống, bịnh sắp chết cũng ráng chữa với quan niệm còn nước còn tát. Một hình ảnh của con người bằng mọi cách giữ lại tính mạng của những người thân yêu không thể không làm xúc động lòng người
Dưới góc độ của tiến hóa tâm linh thì sự chết tạo cơ hội cho con người ta tiến vào những cảnh giới tốt đẹp hơn (thiên đàng, niết bàn…), nếu ta sống hoài không chết thì còn gì là ý nghĩa cuộc đời, tất cả các giá trị đạo đức sẽ sụp đổ, còn ai sợ gì đâu mà ko tranh giành, bon chen, lấn lướt trên tinh thần mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé…
Krishnamurti cho rằng ta phải để quá khứ chết đi, tập trung sống trọn vẹn trong giây phút hiện tại, chỉ như vậy mới cảm nhận được cái bao la khôn cùng của cảnh giới niết bàn nơi trần thế, sống hôm nay là chết đi với những cái hôm qua, sống giây phút này là chết đi với giây phút trước, sống và chết giao nhau trong từng giây phút. Hạnh phúc thực sự sẽ xuất hiện khi con người biết chết đi với quá khứ.
Khi cảm nghiệm thường xuyên cái chết của chính mình hay của những người thân quen sẽ giúp ý thức sâu sắc hơn về tính vô thường của cuộc sống, nó có thể làm giảm bớt sự bám víu vật chất nơi con người.
Thái độ của con người trước cái chết
Có rất nhiều thái độ trước cái chết. Theo dòng Lịch sử Triết học, có một số triết gia duy vật cho rằng, chết là hết, không có gì để nói hay suy tư gì nữa.Triết gia Hy Lạp Epicure nhìn cái chết theo 1 chiều hướng rất lạnh lùng: "khi chúng ta sống cái chết vắng mặt, và khi chết là ta không còn sống nữa", vậy chả có gì phải lo lắng suy nghĩ, thật đơn giản. Còn triết gia Socrates bình thản uống chén thuốc độc trong lúc tranh luận về tính bất tử của linh hồn.
Ông bà ta thì cho rằng, chết là một cuộc hành trình trở về quê hương đích thực (sinh ký tử quy), không sử dụng từ chết mà sử dụng từ qui tiên, qua đời, từ trần, tạ thế,… khoác 1 chiếc áo đẹp cho những khái niệm chẳng đẹp gì cả, đây là tính chất tế nhị của dân ta chăng? Có nhiều cụ thản nhiên chờ giờ về với ông bà, thậm chí mua hòm để sẵn trong nhà, rồi thỉnh thoảng vào nằm thử xem ra sao? từ đó có thể thấy, chết không quan trọng mà sống ngay lành, trong sạch, hoàn tất trách nhiệm mới là vấn đề để có thể an nghỉ nhắm mắt ngàn thu.
Lại có người có thái độ bất mãn với cái chết, nhà thơ Du Tử Lê trước sự chứng kiến cái chết của những người thân đã đặt ra những câu hỏi vô cùng thống khổ: "Chưa bao giờ tôi thấy kiếp sống con người lại có thể vô nghĩa đến thế?"
Thái độ của người Ki Tô giáo thì luôn dọn mình sạch sẽ trước phút ra đi, càng sạch càng tốt, vì sợ phải vào luyện ngục hay hỏa ngục, đây cũng là một thái độ mang tính nhân bản, giúp cho xã hội được tốt hơn, đẹp hơn, làm đẹp xã hội sẽ là phương tiện giúp cho người Ki Tô giáo thẳng bước lên thiên cung đời đời hạnh phúc.
Còn Phật tử cũng thế, cố gắng tạo nhiều công đức để sinh thiên, để đầu thai trong những cảnh giới tốt đẹp và thuận lợi hơn. Đó cũng là mặt tích cực của việc sợ chết, suy niệm về cái chết có thể giúp con người sống tốt hơn.
Kết luận
Bài viết không đề cập tới sự đúng sai của các quan niệm về cái chết mà chỉ muốn hướng tới thái độ tích cực của con người khi triết lý về nó. Qua suy nghĩ về cái chết con người sẽ nhận ra giới hạn của kiếp người, tính bất định của sự sống, qua đó có thể sống tốt hơn, làm lợi cho tha nhân nhiều hơn, và bình thản đón nhận cái chết, mặc dù chưa biết nó sẽ đi về đâu, chỉ hy vọng là được lên thiên đàng, hay vào những cảnh giới tốt đẹp hơn sau khi chết, bao nhiêu đó cũng quá đủ để giảm thiểu sự đau khổ của kiếp người. Tuy nhiên, cần phải ý thức rằng hạnh phúc thiên đàng hay niết bàn không phải là một thứ hạnh phúc được lập trình sẵn, trong đó con người như là những robot, mà cần thiết phải hành động và dấn thân trong niềm thương yêu con người thật sự, không nên coi anh em như là 1 công cụ để đạp lên trên con đường tiến tới niết bàn hay thiên đàng gì đó sau khi chết....
hoangnguyen
. Tài liệu tham khảo:
Krishnamurti- Ý nghĩa thời gian đau khổ và sự chết Kinh thánh - Tân Cựu ước LM. Nguyễn Thái Hợp - Chết - giới hạn tất nhiên của kiếp người Lê Tôn nghiêm - LS Triết học Tây phương Cái chết dưới góc nhìn khoa học (Bảo Trung tổng hợp) Raymond Moody - Life after life Thích Chơn Quang - Nghiệp và kết quả
PVChuong Admin
Posts : 673 Join date : 25/04/2012
Tiêu đề: Re: Suy tư về kiếp người - Về Cùng Cát Bụi Fri Jul 29, 2016 10:52 am
Về Cội, Về Cùng Cát Bụi
26/07/2016 Bùi Văn Phú
Cuối tuần đọc báo tiếng Việt ở California thường thấy có đăng cáo phó, phân ưu. Đây là một nét đặc trưng của truyền thông Việt, đúng ra là của truyền thông Việt Nam Cộng hòa, vì ở miền Bắc Việt Nam trước đây, và sau ngày thống nhất đất nước dưới chế độ cộng sản, chỉ có các quan chức cao cấp của nhà nước khi qua đời mới được báo của đảng đăng cáo phó kèm chương trình tang lễ.
Đọc kỹ những cáo phó tôi thấy bây giờ nhiều người Việt qua đời được đem đi hỏa thiêu, và trong số những nhà quàn được nhiều người Việt ở California biết đến có Peek Funeral Home ở Quận Cam và nhà quàn Oak Hill trên San Jose. Tại hai nơi đó cũng có nghĩa trang với những khu dành riêng cho người Việt để sống chết có nhau trong tình đồng hương.
Trong nếp sống Mỹ, sau khi chết, theo nguyện ước của người quá cố thì thân xác có thể được bảo quản như ướp xác, được chôn vào lòng đất, được hỏa táng hay có khi được hiến cho các trung tâm y khoa để nghiên cứu.
Báo tiếng Anh cũng có đăng cáo phó về người chết, trong những cột báo nhỏ, nhưng ít khi nhắc đến việc người quá cố được chôn cất ra sao, ở đâu.
Nghi thức hỏa táng nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng ở nhà quàn Oak Hill, San Jose. (ảnh Bùi Văn Phú)
Ngày mới qua Mỹ, nhà thơ Du Tử Lê viết bài thơ “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển” và bài thơ đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ thành ca khúc mang cùng tên. Lúc đó nghe qua tưởng lạ, nhưng đối với người Mỹ khi qua đời được hỏa thiêu và tro than đem rải ra biển là chuyện bình thường. Tro bụi lại trở về cùng bụi tro, như trong Thánh kinh Ki-tô giáo đã nói về con người xác phàm.
Lời thơ của Du Tử Lê mang mang nỗi đau cuộc sống lưu vong cùng niềm mơ ước được trở về quê cũ mà chưa được toại nguyện, vì đường qui cố hương khi đó còn quá xa xăm mờ mịt.
Vì muốn được trở lại quê nhà nên chỉ còn một cách như thế. Sau khi chết đem tro cốt thả trôi ra biển, cho sóng đẩy đưa rồi cũng cập bến cũ, nhập lại với hồn xưa, còn hơn nằm lại nơi đất khách quê người cô quạnh.
Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển Đời lưu vong không cả một nấm mồ Vùi đất lạ thịt xương không tan biến Hồn không đi sao trở lại quê nhà …
Nỗi lòng của nhà thơ, sự chết và biển cả, lại như điều tiên liệu cho sinh mệnh hàng trăm nghìn người Việt sau ngày 30 tháng Tư 1975 đã phải gửi thân xác vào lòng biển cả, không phải để được trở về mà chạy trốn.
Suốt hai thập niên kể từ tháng Tư oan nghiệt đó, biết bao xác người Việt đã nổi trôi trên biển, còn hồn vật vờ không đến được bến bờ. Chết trên đường tị nạn vào tháng Tư trên biển ở Đà Nẵng, ở Nha Trang, trên sông Sài Gòn vào cuối tháng Tư nghiệt ngã ấy.
Cho đến nhiều năm sau, xác người Việt vẫn nổi trôi trên biển. Năm 1988 một con tàu nhỏ rời bỏ Việt Nam ra đi với 110 người. Khi cập bến chỉ còn một nửa vì bị lạc phương hướng, thuyền nhân lần lượt chết khát, chết đói. Nhiều người được thủy táng, có thuyền nhân đã phải ăn thịt người để sống sót. Câu chuyện đau thương đó được đạo diễn Nguyễn Đức ghi lại trong phim Bolinao 52.
Đoạn đường thương đau giờ đã qua. Ra đi rồi cũng có ngày về cội vì giờ đây đường về đã thênh thang mở lối.
Bia ghi tên người vượt biển tử nạn tại Đài Tưởng niệm Thuyền nhân trong Westminster Memorial Park ở Quận Cam. (ảnh Bùi Văn Phú)
Nhưng được về cội có phải là sẽ chết, được chôn dưới gốc đa đầu làng, được an nghỉ bên cạnh mộ phần tổ tiên?
Nhiều người Việt cao tuổi ở Mỹ rồi cũng sẽ dần bước qua bến bờ tử sinh. Nhưng không biết có bao nhiêu người muốn được đem thân xác về chôn cất ở quê xưa? Đọc những trang cáo phó trên báo, tôi nghĩ là không nhiều.
Hồi đầu thập niên 1990, một người tôi quen có mẹ qua đời, và ước nguyện của cụ bà là được chôn cất ở Việt Nam. Khi đó chưa có bang giao hai nước nên thủ tục giấy tờ còn nhiều rắc rối, nhưng cuối cùng gia đình cũng thực hiện được điều trăng trối của người quá cố. Khi quan tài đưa cụ bà về đến Sài Gòn, báo chí đều đưa tin vì đó là một sự kiện lạ. Nếu chôn cất ở Mỹ, tổn phí ma chay cũng bằng với giá đem quan tài về nước.
Quan niệm “về cội” có trong văn hóa Việt từ nhiều đời qua, như trong câu nói “lá rụng về cội”. Như nhà thơ Nguyễn Chí Thiện từng mơ ước: “về với miếu đường / mồ mả gia tiên”, nhưng rồi ông đã mất ở Mỹ, được hỏa thiêu và tro than gửi trong một nghĩa trang ở Quận Cam.
Nhiều lãnh đạo của Việt Nam Cộng hòa qua đời ở nước ngoài cũng gửi nắm xương tàn nơi đất khách, từ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Đại tướng Dương Văn Minh, Đại tướng Cao Văn Viên, Đại tướng Nguyễn Khánh, Trung tướng Đặng Văn Quang, Trung tướng Nguyễn Chánh Thi, Thiếu tướng Bùi Đình Đạm đến Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn, Bộ trưởng Giáo dục Ngô Khắc Tỉnh.
Nghĩa trang ở làng quê Nam Định, miền Bắc Việt Nam. (ảnh Bùi Văn Phú)
Chỉ có Trung tướng Ngô Quang Trưởng sau khi qua đời ở Mỹ, xác được hỏa thiêu và gia đình đã mang tro than về rải trên quê hương Việt Nam.
Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã có khoảng thời gian về với cội nguồn, tưởng sẽ được mồ yên mả đẹp nơi quê nhà nhưng ông qua đời ở Malaysia, được hỏa thiêu và tro cốt được đem về Mỹ gửi trong một ngôi chùa ở nam California.
Tôi biết một vài gia đình ở Mỹ đã đem tro than của người thân về gửi trong các chùa, nhà thờ trong nước.
Trong hơn 40 năm qua, người Việt ra nước ngoài sinh sống đã lên đến vài triệu, trong số đó có bao nhiêu người bây giờ muốn thực sự về cội để được yên nghỉ nơi quê cha đất tổ?
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi Để một mai tôi về làm cát bụi…
Đó là ca từ nhạc Trịnh mà nhiều người thường nghĩ đến khi dự đám tang. Cát bụi ở đâu cũng chỉ là cát bụi. Chết đi, thân xác con người dù ở đâu thì cũng trở về cùng cát bụi. Còn hồn về đâu nào ai biết được.
[nguồn: VOA]
PVChuong Admin
Posts : 673 Join date : 25/04/2012
Tiêu đề: Re: Suy tư về kiếp người - Về Cùng Cát Bụi Wed Feb 01, 2017 12:04 am
Chiếc lá thu phai – Suy tư về kiếp người
Với những ca khúc như Lời thiên thu gọi, Còn tuổi nào cho em, Diễm xưa, Chiếc lá thu phai… Trịnh Công Sơn như gởi tới mọi người những suy tư, trăn trở của Trịnh về cả một kiếp người trong cuộc sống.
“Mùa xuân quá vội Mười năm tắm gội Giật mình ôi chiếc lá thu phai Người đâu mất người đời tôi ngốc dại Tự làm khô héo tôi đây”
Chiếc lá thu phai của Trịnh Công Sơn, là một trong những sáng tác Trịnh Công Sơn viết vào giai đoạn nửa sau của cuộc đời, khi dâu bể, thăng trầm đã đi qua để lại trải nghiệm sâu sắc về con người, tình yêu và số phận… “Thân người hữu hạn nhưng tình yêu thì vô cùng”… Đó là lời phát biểu của Trịnh Công Sơn khi được hỏi về hoàn cảnh ra đời của “Chiếc lá thu phai”.
Cuộc đời vốn vô thường và kiếp sống của con người chỉ là những ngày ngắn ngủi “ở trọ trần gian” mà thôi. Cho nên một kiếp người cũng mong manh như là một “chiếc lá thu phai”, một chiều nào đó rụng cành trong cảm giác hư hao, nhỏ bé. Cái lẽ hợp tan, còn mất, hạnh phúc hay khổ đau là tất yếu. Bởi một ngày nào đó, một buổi chiều buồn tênh thức dậy sau giấc ngủ dài / sau giấc ngủ vừa thấy “chập chờn lau trắng trong tay” của sự ra đi nay mai…
“Chiếc lá thu phai” là một ca khúc mang đậm triết lý về thân phận con người, về cái đời sống hằng thường, nhỏ bé của con người trong cái vô thường, bất tận của đời. Ngủ quên trong bao bộn bề ngổn ngang và nỗi nhớ, ta chợt nhận ra dòng chảy cuộc đời vẫn vô tư trôi, không đợi chẳng chờ. Đã mấy mùa xuân qua, đã bao mùa thu lại, ta vẫn thế… đơn côi. Chỉ bởi lòng ta luôn cố chấp, cố giữ bóng người. Ôm lấy những hư ảo mênh mông không lối thoát, để hôm nay đôi chân bỗng mỏi mòn. Ta thèm lắm được một phút nghỉ ngơi, bởi phía trước là con đường đầy xa ngái. Ngay từ mở đầu bài hát, ta đã thấy một tâm trạng nhiều tiếc nuối, ngậm ngùi trong khoảnh khắc ngoảnh lại, đoái nhìn cuộc đời đã qua:
Về đây đứng ngồi Đường xa quá ngại. Để lòng theo chút nắng bên ngoài. Mùa xuân quá vội Mười năm tắm gội Giật mình ôi chiếc lá thu phai.
Cảm giác trỗi nhất mà những ca từ này đem lại là cảm giác về thời gian – thời gian trôi chảy không ngừng. Mười năm trôi đi nhanh chóng với bao biến thiên, mùa xuân cũng vội vàng qua. Ngồi nhìn lại khoảng thời gian trôi đi và những gì đã mất, ta chợt giật mình thấy đời cũng mong manh như một chiếc lá thu phai, như một hạt bụi nhỏ nhoi. Thân phận và cả sự hiện hữu của mỗi cá nhân cũng thật hư ảo. Người về ngoái nhìn lại chặng đường đã đi qua với bao ngại ngùng, nhớ tiếc. Cuộc đời thật quá ngắn ngủi và tất cả rồi sẽ phôi pha, tàn tại. Sự hiện hữu của kiếp người cũng như trăm ngàn thứ khác chỉ là khoảnh khắc. Tất cả rồi sẽ lụi đi, rồi sẽ rơi tàn để thành ảo ảnh. Nghe những ca từ này, ta chợt nhớ tới những lời thơ của Vạn Hạnh Thiền sư dạy đệ tử:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô Vạn vật xuân vinh, thu hựu khô (Thân như bóng chớp có rồi không Cây cối xuân tươi thu não nùng)
Không có gì là miên viễn trong cuộc đời này. Nhìn lại hành trình đã qua và hành trình sắp tới chỉ là những cuộc lãng du kéo dài. Chút nắng bên ngoài kéo ta ra khỏi cái thực tại, đưa ta về cơn mộng vê, đi lại trên đường ranh giới của thời gian thực tại và quá khứ. Và trong cơn giật mình bừng tỉnh kia, ta biết ta đã mất đi nhiều lắm, ta mới chiêm nghiệm thấy những nghĩa lý sâu xa của đời sống:
Người đâu mất người Đời tôi ngốc dại Tự làm khô héo tôi đây. Chiều hôm thức dậy Ngồi ôm tóc dài Chập chờn lau trắng trong tay.
Thời gian thật ngắn ngủi và đời người cũng chẳng dài thay. Mọi thứ qua đời ta như bao phủ một lớp sương dày, lãng đãng khiến bao ngày mê man. 10 năm hay 10 mùa xuân như thế đã tàn, ta chỉ sống với những nhu cầu tồn tại, để rồi thảng thốt “giật mình ôi chiếc lá thu phai”… “Chiếc lá thu phai” đã mang theo bao mùa xuân sắc, chỉ còn chút hơi tàn, gầy guộc đến mong manh. Người cũng đi tìm đến bến yên lành, chỉ có tôi “ngốc dại” nên đành bơ vơ, biến mình thành “khô héo” như cánh vạc buồn rong ruổi miên man một cõi. Tóc đã phai bao mùa chẳng nhớ người ơi…
Trong vòng xoáy vô cùng tận của số phận, trong cái lẽ vô thường của cuộc đời, trong cái sự chảy trôi nghiệt ngã của thời gian thì không có gì vĩnh viễn. Tình yêu đi, người tình xa, hạnh phút mất. Và cả một phần con người ta cũng bị bào mòn, phai nhạt theo thời gian. Những tiếc nuối và những nỗi đau, những tổn thương và mất mát, những đắng cay và hạnh phúc đã đưa ta đến cuộc đời này, cho ta nếm trải. Để rồi ta mất tất cả, để rồi tất cả tan biến. Ta quá hữu hạn và bé nhỏ, ta quá ngốc dại để chạy theo những ảo tưởng mông lung, để đi tìm những gì xa xôi, lý tưởng. Ta cứ đi loanh quanh cho đời mỏi mệt.
Và ta đánh mất người, đánh mất ta, ta xa anh, xa em, xa ta trong khoảnh khắc. Ta ngốc dại và tự làm khô héo ta. Ta chỉ là một cây sậy mong manh với trí nghĩ nhỏ nhoi làm sao nhận ra lẽ vô thường của đời, làm sao biết sống trong từng sát na của đời sống thường nhật. Ta đánh mất tình và đánh mất ta để rồi một ngày ta u hoài, than thở trong “tình nhớ”, “tình sầu” vì “tình xa”. Một buổi chiều, tóc trắng như vôi ta mới thảng thốt nhận ra cái thân phận mong manh của một – kiếp – sống – con – người. Hình ảnh “Chiều hôm thức dậy/ ngồi ôm tóc dài/ Chập chờn lau trắng trong tay” gợi ta nhớ đến những ca từ trong “Cát bụi”:
“Bao nhiêu năm làm kiếp con người Chợt một chiều tóc trắng như vôi Lá úa trên cao rụng đầy Cho trăm năm vào chết một ngày”
Trong cảm thức thời gian và thân phận con người của Trịnh Công Sơn, ta luôn luôn bắt gặp hình ảnh một con người đi và về trên hành trình vô tận, trong một bi kịch tâm trạng của những lỡ làng, xót tiếc. Phải chăng vì thế mà ông đã viết hẳn một ca khúc là “Một cõi đi về”? Và ở “Chiếc lá thu phai” ta cũng gặp cái hành trình đi về trên con đường đời thiên lý, vô tận đó. Dĩ nhiên, cái vế đi đã bị giấu kín, chỉ được gợi ra trong cái vế của con người trở về:
Về thu xếp lại Ngày trong nếp ngày Vội vàng thêm những lúc yêu người. Cuồng phong cánh mỏi Về bên núi đợi Ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay.
Dường như cái bi kịch lỡ làng của tâm trạng kia là khởi nguồn từ những muộn màng trong đời. Khi anh trở về thì thu đã xếp lại, mùa đã qua, chỉ còn héo úa, tàn tạ. Vội vàng yêu người rồi đành nhìn người ra đi, chấp nhận nỗi đau mất người. Dù có vội vàng, cuống quýt đến mấy thì anh cũng đâu níu giữ được người, níu giữ được đời, níu giữ được chính bản thân anh. Những ca từ như trĩu xuống, như một tiếng thở dài than van, buồn bã, đầy cô đơn và tuyệt vọng. Tất cả đã trở nên mỏi mệt, rã rời. Cuồng phong cánh cũng đã mỏi. Tất cả bây giờ chỉ còn là đợi chờ, đợi chờ một kết thúc, đợi chờ một ngày sau cho “sỏi đá cũng cần có nhau”.
Mỏi mòn vì chờ đợi nên đá cũng đáng thương vì đá mang nỗi ngậm ngùi ngàn năm. Hình ảnh này gợi ta liên tưởng đến những đá Vọng Phu ngàn năm chờ chồng đi xa làm nên những núi đợi. Những cuồng phong của cuộc đời đã quét sạch tất cả những hạnh phúc, những lúc yêu người. Chính lúc con người bừng tỉnh cũng là lúc họ nghĩ đến kết thúc cuộc đời mình, họ đã thấy lau trắng chập chờn trong tay. Và họ… trở về. Ta như cảm nghe được ở đâu đó những âm thanh ngân vang của ca khúc “Phôi pha” dội về đây:
Thôi về đi Đường trần đâu có gì Tóc xanh mấy mùa Có nhiều khi Từ vườn khuya bước về Bàn chân ai rất nhẹ Tựa hồn những năm xưa
Nhưng ở “Chiếc lá thu phai”, kết cấu ca từ có đặc biệt hơn bởi có hai đoạn điệp khúc khác nhau. Bản thân ca khúc không có hai lời nhưng lại có đoạn điệp khúc thứ hai như nhấn vào những cảm xúc, cảm giác của con người được bật lên từ những dư âm, những dư ảnh và dư tình trong quá vãng. Quá vãng trở về trong hiện tại, hòa trộn với cái thực tại. Ảo – thực đan xen với nhau để lại những nỗi niềm nhói buốt đến tái tế:
Nằm nghe giữa trời Giòn vang tiếng cười Điệu kèn ai buốt trong tôi. Mùi hương phấn người Một hôm nhớ lại Hẹn ngày sau sẽ mua vui.
Vẫn tiếng cười, vẫn điệu kèn ấy nghe sao mà sắc buốt tâm can. Phải chăng vì nó đã quá xa, rồi nó cũng sẽ chẳng còn mảy may là một bóng hình, hay một dư vang. Tiếng kèn gọi tâm hồn con người trở về thực tại để đi đến cái điểm kết thúc một hành trình đời, một thân phận bé nhỏ, phù du của chúng sinh. Một thoáng hương xưa, cũng là chút dư tình còn sót lại chợt dâng lên trong một ngày tình nhớ khiến con người thấy ấm áp. Một cuộc đời, một kiếp sống khép lại nhưng những hẹn hò thì không hẳn đã khép. Lời chia tay đã nói nhưng biết đâu ngày sau sẽ hạnh ngộ. “Hẹn ngày sau sẽ mua vui” – cũng là hẹn hò một cuộc đời mới, một cuộc tình mới. Dẫu biết rằng cuộc đời là khoảnh khắc, thân phận là mong manh, cả tình yêu và hạnh phúc như loài hoa sớm nở tối tàn, nhưng cuộc đời vẫn luôn mở ra nhiều niềm vui và hạnh phúc. Cho nên chính Trịnh Công Sơn đã viết:
“Có những ngày tuyệt vọng cùng cực, tôi và cuộc đời đã tha thứ cho nhau. Từ buổi con người sống quá rẻ rúng tôi biết rằng vinh quang chỉ là điều dối trá. Tôi không còn gì để chiêm bái ngoài nỗi tuyệt vọng và lòng bao dung. Hãy đi đến tận cùng của tuyệt vọng để thấy tuyệt vọng cũng đẹp như một bông hoa…”
“Chiếc lá thu phai” đã mang theo bao mùa xuân sắc, chỉ còn chút hơi tàn, gầy guộc đến mong manh. Người cũng đi tìm đến bến yên lành, chỉ có tôi “ngốc dại” nên đành bơ vơ, biến mình thành “khô héo” như cánh vạc buồn rong ruổi miên man một cõi. Tóc đã phai bao mùa chẳng nhớ người ơi…
“Người đâu mất người Đời tôi ngốc dại Tự làm khô héo tôi đây”
Người đi một chút hương xưa còn xót lại, mùa thu cũ năm nào cũng đã phôi phai. Ta im lặng nghe giữa đời đau nhói, giờ mỉm cười hẹn hội ngộ mai sau.
(bacsiletrungngan)
Admin Admin
Posts : 164 Join date : 20/10/2011
Tiêu đề: SỐNG LÀ CHUẨN BỊ CHẾT Sun Jan 09, 2022 4:25 am
Suy tư về cái chết là suy tư về cái sống. Chết là một phần của sự sống bỡi lẽ trong sự sống đã có sự chết. Nó là cánh cửa nối liền hai thế giới như cửa sông đưa giòng nước vào nguồn biển rộng mênh mông. Nó là người bạn trung thành nhất của chúng ta. Nó là người bạn duy nhất không bao giờ quên chúng ta và nó có thể đến viếng thăm chúng ta bất cứ lúc nào, vào sáng sớm tinh sương hay vào lúc đã về xế chiều. Chúng ta không cần nói đến những cái chết đến với chúng ta từ những nguyên nhân bên ngoài như do tai nạn, sự mưu sát, hay một nguyên nhân nào khác không cần biết. Chỉ cần nói đến sự chết đang nằm sẵn trong bản tính con người chúng ta. Như một hoa trái đang chín dần,
mỗi ngày sống là một bước đi chúng ta đang tiến dần về với cái chết đang chờ đợi mỗi người chúng ta. Bên cạnh đó, trong cuộc sống hằng ngày cũng còn có rất nhiều những mất mát, những thua thiệt khiến chúng ta cũng đã chết đi phần nào trong con người chúng ta như mỗi khi chúng ta phải lựa chọn hay mỗi khi phải ra đi. Mỗi lúc lựa chọn là mỗi lúc phải quyết định từ bỏ. Từ bỏ khiến chúng ta phải mất đi một phần những cái thuộc về chúng ta và điều đó làm chúng ta đau khổ và chết đi không ít. Mỗi khi chúng ta phải lên đường ra đi vì công việc hay vì cuộc sống cũng vậy. Chúng ta phải dứt bỏ tình cảm quen thuộc, dứt bỏ sự quyến luyến tự nhiên mà một khi đã quen nhau chỉ muốn ở gần nhau. Sự ra đi lúc nầy quả thật là một sự thương đau và cũng là một sự chết đi trong lòng không ít cho người phải ra đi, vì không có ra đi nào không làm lòng mình tê tái, cũng không có ra đi nào không để lại nỗi nhớ thương. Nhưng chưa hết, không phải chỉ lúc chúng ta ra đi chúng ta mới cảm thấy đau thương mà cả sự ra đi của những người thân yêu chúng ta cũng để lại những cảm giác thương đau rất nhiều. Mỗi người chúng ta thảy đều có kinh nghiệm nầy: cứ mỗi lần có một người bạn thân hay một người trong gia đình chúng ta vĩnh viễn ra đi, chúng ta thấy gì trong con người chúng ta? Chúng ta cảm thấy con người chúng ta cũng chết đi với họ, bằng chứng là chúng ta thấy mất hẳn sinh lực, mất hẳn tinh thần, cũng như mất hẳn niềm vui để sống.
Cứ theo định luật tự nhiên, con người được sinh ra, lớn lên, già đi và chết. Đó là định luật chung của con người. Không ai có thể sống mãi mà không chết ngay dầu các vua chúa ngày xưa đã cố gắng đi tìm thuốc trường sinh bất tử nhưng họ cũng không tránh khỏi định luật khắc nghiệt ấy. Vì thế, chối từ sự chết là lừa dối chính mình. Để sống cách trọn vẹn, người ta phải can đảm chấp nhận sự sống lẫn sự chết. Sự sống quá tự nhiên đến nỗi chúng ta không nghĩ đến ngày nó kết thúc.
Thái độ của con người đối với sự chết luôn là một sự giằng co giữa sự lôi cuốn và sự khước từ. Mọi người đều nhận ra rằng sự sống là mỏng manh, là ngắn ngủi và nó có thể kết thúc bất cứ lúc nào.
Chính những tư tưởng về sự chết đưa chúng ta đến vấn nạn nầy: Cái gì là chính yếu, là trường cửu đối với con người chúng ta? Chúng ta cần phải làm gì để đối đầu với cái chết đang đến với chúng ta? Vì thế, phản ảnh về sự chết là học cách chúng ta phải sống hôm nay.
Người xưa đã sống đời sống như có một sự sống khác quan trọng hơn là cuộc sống ở đây và bây giờ, khiến họ sống cách xa cuộc sống hiện tại. Nhưng đối với giới trẻ hôm nay, họ không thể chấp nhận cuộc sống như thế.
Thật vậy, nếu chối từ cuộc sống chúng ta đang sống hiện tại hoặc chỉ chú trọng đến cuộc sống hôm nay mà không nghĩ đến ngày mai chúng ta sẽ chết, cả hai đều không thực tế. Vì thế, một số các nhà tâm lý học có khuynh hướng KiTô giáo hiện đại đang có khuynh hướng nầy: Sống là chuẩn bị cho con người đi về với cái Chết. Chính tư tưởng nầy đã giúp rất nhiều người thoát khỏi khủng hoảng trầm trọng khi con người đối diện với cái chết, và nhờ đó cũng đã giúp nhiều người chuẩn bị sẵn sàng để lên đường ra đi cách an bình về với Thiên Chúa và về với những người thân yêu của họ bên kia thế giới. Cũng chính những tư tưởng nầy đã giúp rất nhiều nhà giàu sang phú quí thực thi đức bác ái, biết dùng của cải đời nầy để mua lấy nước trời bằng cách chia xẻ phần nào những của cải của họ cho những người nghèo khổ và nhờ thế nhiều người bất hạnh đã có được một đời sống tương đối xứng đáng với phẩm giá con người hơn.
Nói đến đây, tôi nhớ đến câu chuyện về hành vi thiếu bác ái của một người bạn đồng nghiệp của tôi. Câu chuyện xem ra quá bình thường nhưng đã để lại một ký ức không mấy tốt đẹp cũng như đã để lại một sự hối hận suốt đời cho người bạn già của tôi. Hy vọng nó có thể giúp chúng ta có thêm kinh nghiệm sống cho những ngày còn lại của chúng ta trên trần gian nầy.
Trong chuyến du hành sang Hy Lạp, trên con đường từ Athens đến Kalambaka, người bạn già của tôi đã kể cho tôi nghe câu chuyện của ông như sau:
Chiều hôm đó, khi đi ngang qua một làng nhỏ của người da đen trong sa mạc Sahara. Như thường lệ, khi có một người khách đến, mọi người trong làng chạy ra vây bao quanh xe khách hoặc tò mò, hoặc để giành lấy những thực phẩm mà du khách thường mang theo để tặng họ. Hôm đó, tôi có nhìn thấy một ông lão già đang run lập cập vì lạnh. Nói về cái lạnh trong sa mạc xem ra là khó tin nhưng thực tế là thế. Sahara thường được gọi là xứ lạnh vào đêm nhưng rất nóng dưới ánh quang mặt trời. Mặt trời lặn rồi, ông lão lạnh cóng. Bấy giờ, tôi có ý nghĩ cho ông ta một trong những chiếc mền của tôi, nhưng tôi lại để tư tưởng đó qua đi vì tôi nghĩ đêm đến tôi cũng sẽ cóng lạnh như vậy. Dầu tôi lý luận: ông có thể quen với thời tiết ở đây hơn tôi, nhưng một chút bác ái trong tôi cũng đã khiến tôi suy nghĩ lần nữa, tốt hơn là cho ông ta một chiếc dẫu tôi có lạnh hơn một chút. Tuy vậy, khi tôi rời bỏ ngôi làng, những chiếc mền vẫn còn nằm nguyên vẹn trên chiếc xe của tôi. Bấy giờ, lương tâm tôi bắt đầu cắn rứt.
Khi đến nơi tôi có ý định đến, tôi rảo một vòng đi tìm một chỗ để yên nghỉ và tôi đã tìm được một nơi vừa ý thích. Tôi cố gắng nằm yên tựa chân lên một hòn đá lớn, nhưng rồi tôi vẫn không yên tâm được. Tôi nhớ cách đó một tháng, một người da đen đã bị nghiền nát bởi một tảng đá to rơi xuống. Nên tôi đã ngồi dậy để xem tảng đá chỗ tôi đang nằm có bảo đảm không. Tôi thấy nó không được cân bằng cho lắm nhưng không đến nỗi nguy hiểm.
Tôi lại nằm xuống. Nếu tôi kể lại điều mà tôi mơ thấy, có lẽ bạn sẽ cảm thấy lạ lùng. Điều đáng buồn cười là tôi mơ thấy tôi đang ngủ dưới một hòn đá lớn và rồi vào một lúc, tôi thấy hòn đá di động và rơi xuống trên tôi. Tôi nghe thấy tiếng xương kêu răng rắc và tôi cảm thấy mình sắp chết vì cả thân xác bị nghiền nát dưới tảng đá ấy. Nhưng tôi ngạc nhiên vì không cảm thấy mình đau đớn gì cả, chỉ có một điều là không thể cử động được. Bấy giờ tôi thấy ông lão đang run rẩy trước mặt tôi. Không do dự một chút nào cả, tôi vội vàng lấy ngay một chiếc mền không được dùng đến đang nằm đàng sau tôi để trao cho ông. Tôi cố gắng giang tay ra để đưa nó cho ông. Nhưng viên đá khổng lồ ấy khiến tôi ngay cả một cử động nhỏ cũng không thể làm được. Tôi sợ quá nên chợt tỉnh giấc. Chính cơn ác mộng ấy đã giúp tôi suy nghĩ và hiểu được luyện ngục là gì, cũng như đã hiểu được nỗi khổ đau của các linh hồn là không còn có thể làm được điều mà trước đây họ có thể và lẽ ra nên làm.
Có ai biết được bao nhiêu năm trời sau đó tôi cứ phải bị ám ảnh và ray rứt trong lương tâm mỗi khi nhìn thấy chiếc mền như một bằng chứng cho sự ích kỷ của tôi cũng như cho sự chưa đủ trưởng thành của tôi để vào nước của Tình Yêu?
Tôi cố gắng nghĩ đến bao lâu tôi đã phải ở dưới hòn đá khổng lồ ấy? Và có sự đáp trả cho tôi rằng cho đến khi tôi có thể làm được một hành động của tình yêu trọn vẹn. Bấy giờ, tôi cảm thấy mình hoàn toàn bất lực.
Tôi đưa mắt hướng nhìn đi nơi khác và tôi đã nhìn thấy những bia đá đang nằm trước mặt tôi không gì khác hơn là những nấm mồ của những người đã nằm xuống. Họ cũng vậy, cũng bị xét xử theo hành động trọn vẹn của tình yêu của họ, và giờ đây họ nằm ở đó đang mong chờ Vị Cứu Thế đến giải cứu họ trong ngày sau hết.
Hành động trọn vẹn của tình yêu là gì? Là Chúa Giêsu đi lên đỉnh đồi Calvê để chết cho hết thảy chúng ta. Như những phần tử của nhiệm thể, chúng ta cũng sẽ được hỏi để cho thấy chúng ta có đủ tình yêu trọn vẹn ấy để theo Ngài lên đỉnh đồi Calvê không? Sự khước từ làm những việc bác ái cho những người anh em chúng ta nói lên cho chúng ta thấy rằng chúng ta còn có cả một con đường dài nữa phải đi. Nếu chúng ta đã có thể đi qua một người anh em đang run rẩy vì lạnh, một người anh em đang gặp hoạn nạn bên vệ đường, làm cách nào chúng ta có thể dám chết đi cho những người anh em khác như Chúa đã chết đi cho hết thảy chúng ta.
Nếu chúng ta không muốn nằm lâu bất động dưới những viên đá khổng lồ đó thì bây giờ ngay khi còn sống, hãy làm những gì chúng ta có thể làm được cho những người anh em chúng ta để làm hành trang chuẩn bị sẵn sàng cho ngày Chúa gọi chúng ta lên đường về bên kia thế giới.
LM Lê Văn Quảng
Sponsored content
Tiêu đề: Re: Suy tư về kiếp người - Về Cùng Cát Bụi