Tiêu đề: Thơ & Nhạc: CUỐI CÙNG CHO MỘT TÌNH YÊU Sat Sep 07, 2013 12:38 am
Thơ & Nhạc: CUỐI CÙNG CHO MỘT TÌNH YÊU
Ta dìu nhau đi trên con đường vắng Đường mưa bay cho phố vắng thêm sầu Ừ, thôi anh về dù mưa chưa dứt Mang theo nỗi buồn mong nhớ về em.
Cuối cùng cho một tình yêu Thơ: Trịnh Cung
ừ thôi em về chiều mưa giông tới bây giờ anh vui hai bàn tay đói bây giờ anh vui hai bàn chân mỏi thời gian nơi đây bây giờ anh vui một linh hồn rỗi tình yêu xứ này
một lần yêu thương một đời bão nổi giã từ giã từ chiều mưa giông tới em ơi, em ơi!
sầu thôi xuống đầy làm sao em nhớ mưa ngoài song bay lời ca anh nhỏ nỗi lòng anh đây
Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu - Khánh Hà
Thơ: Trịnh Cung Nhạc: Trịnh Công Sơn
Ừ thôi em về, chiều mưa giông tới Bây giờ anh vui, hai bàn tay đói Bây giờ anh vui, hai bàn chân mỏi Thời gian nơi đây
Bây giờ anh vui, một linh hồn rỗi Tình yêu xứ này Một lần yêu thương, một đời bão nổi Giã từ giã từ. Chiều mưa giông tới em ơi em ơi
Sầu thôi xuống đầy, làm sao em nhớ Mưa ngoài sông bay, lời ca anh nhỏ, nỗi lòng anh đầy Sầu thôi thôi đầy Sầu thôi xuống.... đầy.
Cuối cùng cho một tình yêu - Võ Tá Hân
.
Được sửa bởi NHViet ngày Sat Nov 02, 2013 9:48 am; sửa lần 1.
leminh Khách viếng thăm
Tiêu đề: Nhạc: Yêu Thương Mong Manh & Như Đã Dấu Yêu Sun Sep 08, 2013 2:07 am
Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu - Khánh Ly
Yêu Thương Mong Manh - Mỹ Tâm & Quang Dũng
Như Đã Dấu Yêu - Ngọc Lan
.
MHMai Khách viếng thăm
Tiêu đề: Cuối cùng cho một tình yêu, bình và dịch một bài thơ tình sầu Thu Sep 12, 2013 3:26 pm
Cuối cùng cho một tình yêu, bình và dịch một bài thơ tình sầu
Hàn Thuỷ
Thơ tình yêu hay, ở nước nào cũng nhiều, và mỗi thời mỗi khác. Hãy cứ xin giới hạn trong thơ Việt Nam hiện đại, kể từ phong trào thơ mới, và trong tầm hiểu biết vừa chủ quan vừa hạn hẹp của tại hạ, người viết bài này. Đọc vài câu chắc nhiều người nhớ, để thấy cái khác của mỗi thời.
Áo trắng đơn sơ, mộng trắng trong, Hôm xưa em đến, mắt như lòng. Nở bừng ánh sáng. Em đi đến, Gót ngọc dồn hương, bước tỏa hồng. (Huy Cận, Áo trắng)
Yêu là chết ở trong lòng một ít Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu. (Xuân Diệu, Yêu)
Thật ra thơ tình yêu của hai ông hoàng thơ mới này, không có gì sâu sắc. Họ nằm trong số những người có đóng góp rất lớn cho ngôn ngữ Việt, về cả cấu trúc câu văn xuôi lẫn bút pháp thơ, kế thừa ngôn ngữ thơ cổ điển của dân tộc và tiếp thu cái mới của thơ Pháp để hình thành một ngôn ngữ đẹp, từ đó biểu lộ được những tình cảm tinh tế... điều này nhiều học giả đã chỉ ra, ở một bài tản mạn này không dám nói nhiều. Nhưng trong tình yêu thì tinh tế chưa đủ, hình ảnh đẹp bóng bẩy cũng chưa đủ. Nhiều khi trong thơ tiền chiến người ta thấy tình yêu chỉ là cái cớ để nhà thơ... làm thơ, thí dụ như:
Chưa gặp em, tôi vẫn nghĩ rằng: Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng, Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại, Thăm thẳm nhìn tôi, không nói năng. (Đinh Hùng, Tự tình dưới hoa)
Chẳng thà như Nguyễn Bính, rất chân thật:
Cầm tay anh khẽ nói: -Khóc lóc mà làm chi? Hôn nhau một lần cuối, Em về đi, anh đi... (Nguyễn Bính, Hôn nhau lần cuối)
Nói sao cho rõ đây? có lẽ trừ vài bài ngoại lệ như Hai sắc hoa ti-gôn ; còn những bài thơ "tình cảm", hoặc "nói về tình yêu" của thời tiền chiến, rất hay, như Tiếng thu của Lưu Trọng Lư, Ngậm ngùi của Huy Cận, Ngập ngừng của Hồ Dzếnh, Vì sao của Xuân Diệu... với tại hạ, đó không phải là thơ tình yêu, vì trong đó tình yêu chỉ là cái cớ, đối tượng yêu chỉ là cái bóng. Trong nghĩa đó, văn chương của Trương Quỳnh Như và Phạm Thái là những tác phẩm tuyệt vời về tình yêu, từ hơn hai thế kỷ trước.
Tại hạ nghĩ là phải đến sau phong trào thơ mới, thơ tình yêu Việt Nam mới có nhiều bài hay. Hãy ghi nhận trong thời kháng chiến những bài thơ như Màu tím hoa sim... thời chiến, không có thì giờ tô điểm, lời thơ như lời kể chuyện, mà làm ta đau nhói:
Từ chiến khu xa Nhớ về ái ngại Lấy chồng thời chiến chinh Mấy người đi trở lại (…) Màu tím hoa sim tím chiều hoang biền biệt (Hữu Loan, Màu tím hoa sim)
Đến đây có lẽ không còn cần thú nhận nữa: một bài thơ tình hay, theo chủ quan của tại hạ, là một bài thơ về mối tình (có thể đơn phương, nhưng) liên quan đến hai con người, toát ra tình yêu chân thành, không lý luận, không lạm dụng những ẩn dụ, những hoa hoè bóng bảy... Thơ hay là những câu làm người ta tê tái như tím chiều hoang biền biệt, hay "hết hồn" luôn, như:
Lần đầu ta ghé môi hôn Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang (Trần Dạ Từ, Nụ hôn đầu)
***
Ô hay! tại hạ đang định tán về một bài thơ buồn mà. Vậy xin trở lại chủ đề: Cuối cùng cho một tình yêu
Bài hát này do Trịnh Công Sơn phổ thơ Trịnh Cung (1958), gần như giữ nguyên văn, trừ câu kết (và thêm cái coda tuyệt vời, nhưng điều ấy chỉ thuộc về bản nhạc), theo lời Đinh Cường:
... Sơn đã phổ nhạc bài thơ 4 chữ "Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu" của Trịnh Cung và sửa câu cuối: "Lời ca anh nhỏ, nỗi buồn hôm nay" thành "nỗi lòng anh đây"...
Từ đây xin quên bản nhạc để chỉ nói về bài thơ dưới đây, với câu cuối đã được Trịnh Công Sơn sửa đổi, bởi công chúng đã biết như thế và chắc Trịnh Cung đã chấp nhận, vả lại, bạn bè đề nghị đổi một hai chữ là chuyện tự nhiên.
Ừ thôi em về, câu mở đầu là một lời từ biệt quá đỗi bình thường giữa hai người có tình cảm thân thiết với nhau; câu hai cũng bình thường như thế, tại sao phải về? đơn giản là vì trời sắp mưa giông, Chiều mưa giông tới chỉ khác ngôn ngữ nói chút xíu, cô đọng cho hợp với khổ thơ. Hai câu thơ giản dị, mà bài thơ độc đáo chính ở sự khởi đầu giản dị đó. Tuy vậy, độc đáo không chắc đã hay! ở đây cái hay của nó chỉ ngấm dần khi người ta đọc toàn bài với những câu thơ kỳ lạ khác, rồi đọc lại lần nữa... bài thơ này không thể chỉ đọc một lần.
Tại sao? Bài thơ gần như dựa trên một thi pháp duy nhất, sự tỉnh lược (ellipse); thi pháp này có thể nói là phổ quát trong thi ca từ Đông sang Tây, từ cổ đến kim. Có hai mức độ tỉnh lược; ở mức thứ nhất nó cho phép bỏ bớt các từ đưa đẩy, miễn là ý đã rõ, đó là sự tỉnh lược văn phạm; ở mức thứ hai, sự tỉnh lược ý tưởng, thì ngay cả các ý tưởng liên hệ giữa các mệnh đề cũng có thể không cần viết ra, khi văn cảnh cho phép hiểu ngầm. Mà văn cảnh là cái không khí toát ra từ toàn bài, cho nên một bài thơ như bài thơ này, dùng cả hai loại tỉnh lược ở mức rất cao, thì không thể đọc nó một cách tuyến tính.
Loại thơ như thế đưa cảm nhận chủ quan của người thưởng thức ngày càng sâu hơn, một khi đồng cảm với tác giả. Bạn đã nghe bài thơ một lần rồi, qua một người phổ nhạc bạn thân của thi sĩ, và qua một giọng ca truyền cảm tinh tế, vậy xin trở lại từ chỗ bắt đầu bài thơ, khung cảnh thời gian và không gian của nó.
Bên bờ sông Hương xứ Huế, cuối những năm 50, người con gái và người con trai ngồi bên nhau. Họ vẫn yêu nhau nhưng phải nói với nhau lời chia tay lần cuối, trời sắp mưa giông và đã đến lúc người con gái phải về nhà.
Thời tiền chiến, sự giao thoa văn hoá Việt Pháp đã thúc đẩy một phần nào trong thanh niên tinh thần tự do luyến ái theo văn minh tây phương. Đã cho con gái đi học đến tú tài hay đại học, thì cấm cửa là không thể. Tuy vậy, từ truyền thống văn hoá, gia đình, xã hội, đến bản thân người thanh niên, đều chỉ chấp nhận một mức độ tự do có giới hạn; có thể gặp, có thể yêu ngoài môn đăng hộ đối (và nếu gia đình biết chuyện thì cuộc sống của người con gái không hề dễ dàng), nhưng thường dừng ở mức thuần khiết (platonique) trước khi người con gái đi lấy chồng. Khi ấy nảy ra bi kịch phải từ tạ nhau tuy vẫn yêu nhau. Không đổ vỡ, không giận dữ, không hy sinh cao cả như khi người con trai ra trận... nhưng vẫn phải chấp nhận tình yêu tan đắm. Dĩ nhiên đây chỉ là nói chung, không mối tình cụ thể nào không có những nét riêng.
Tới thời điểm của bài thơ, có lẽ tình cảnh "tiền chiến" nói trên chỉ còn xẩy ra trong xứ Huế. Miền Nam là vùng khẩn hoang, từ lâu đã thoáng hơn nhiều ; và Hà Nội sau 54 đã nằm trong một không khí khác hẳn rồi.
Khung cảnh xã hội và tâm thức ấy soi sáng bài thơ, và giải thích tại sao sự tỉnh lược của tác giả lại tự nhiên không giả tạo. Không có nó bài thơ trở nên rất khó hiểu, tình cảm của người trong cuộc dễ bị hiểu sai, hoặc bài thơ bị tưởng rằng gồm những lời siêu thực, hiểu sao cũng được.
Đó là lời của người con trai sau khi người yêu nói lời từ tạ cuối, trong lòng rất đau, chỉ thốt ra được những cảm tình mãnh liệt nhất, những điều khác đã chìm sâu để chi phối lời thơ một cách vô thức.
Tại hạ không dám đi sâu vào nhạc điệu của bài thơ vì sợ không tách ra khỏi nhạc của Trịnh Công Sơn được; nhưng quả tình, như anh Đặng Tiến cho biết, có nhiều điều đáng nói. Đại đa số các câu trong bài thơ có toàn chữ với âm bằng, trừ chữ vần thì lại trắc (thí dụ 8 câu đầu), và dùng toàn vần thông (âm không giống nhau hoàn toàn: tới/đói/mỏi/rỗi/nổi...); như một cái gì nhói lên rồi lại nhói lên, nhói lên nữa, trên cái nền trầm buồn của tâm tình. Thơ hay vì thế, rất cô đọng mà truyền cảm, vì nội dung cùng nhạc điệu đều toát ra tâm trạng, và khi cảm thông được với tâm trạng tác giả, ta không còn thấy đâu là sự tỉnh lược nữa.
Ừ, thôi em về (để ý dấu phảy ngầm trong diễn tả của Khánh Ly), 'Ừ' bây giờ là sự chấp nhận trong đau đớn, 'thôi' hằn lên ý nghĩa của sự gián đoạn thời gian, và 'thôi' còn là tự ý buông rời. Quá khứ có nhau, tương lai thôi không có nhau. Và câu tiếp theo, chiều mưa giông tới, không đơn giản chỉ là một lý do thời tiết, nó còn là một ẩn dụ.
Đau như vậy, mà sao nói bây giờ anh vui? Đó chỉ là lời nói dối để xoa dịu người yêu. Người yêu, sau khi nói ra quyết định phải chia tay, sợ người con trai quá buồn. Vì vậy phải trả lời như thế; trả lời như thế, nhưng lại nói tiếp theo (riêng cho mình?) hai bàn tay đói. 'Đói' là sao? là từ đây đôi tay anh vẫn rất thèm, nhưng không còn được cầm tay em hay ôm vai em nữa – lúc đầu tại hạ dịch là mes mains avides, cám ơn Đỗ Tuyết Khanh đã tặng cho chữ orphelines, quá hay. Lại tiếp tục phủ nhận bây giờ anh vui, và lại tiếp tục phủ nhận cái phủ nhận ấy: hai bàn chân mỏi; đúng thế, khi tâm tình rung động mãnh liệt thì người ta tự nhiên có cảm tưởng mệt mỏi rã rời. Phủ nhận của phủ nhận, trong tiếng Pháp có chữ 'si' đầu câu, rất thích hợp.
Ở đoạn hai tác giả mới thực sự tìm cách tự an ủi mình. Vì sống ở đây và lúc này nên không sao, dù tan nát nhưng linh hồn sẽ được cứu rỗi bởi tình yêu xứ Huế hay/và tình yêu của xứ Huế!
Tự an ủi được như thế nên trong đoạn ba, mặc dù bi thiết, tác giả đã có bước lùi xa hơn để nhìn nhận chung về cuộc tình và nói ra được lời từ giã. Một lần yêu thương / một đời bão nổi, tám chữ, mô tả một tình yêu đầy giông tố, không đổ vỡ mà không thành, của thanh niên nam nữ một nơi, một thời.
Câu đầu của đoạn cuối Sầu thôi xuống đầy... thật là... thần sầu. Chỉ cảm được mà khó lòng diễn tả, đừng nói đến dịch được cho hết ý; không đơn giản là một ghi nhận khẳng định! nó gợi nhớ câu thơ Kiều, Sầu đong càng lắc càng đầy, chữ 'thôi' này vừa van xin vừa kháng cự: "Hỡi nỗi sầu, hãy thôi rơi xuống như mưa rơi ngoài kia, để thôi lấp đầy tâm hồn ta, tâm hồn người yêu, và thôi lấp đầy không gian". Để người yêu vừa chia tay sẽ nhớ tâm tình của ta, ở đây, hôm nay, với cơn mưa này. Để tâm tình nàng thấm sâu một lời ca nhỏ.
Nhạc điệu cuối cùng chuyển thoát khỏi các đoạn trước, nó trở nên miên man nhờ ở ba vần bằng đầy/bay/đây lặng lẽ trồi lên khoả lấp cái nhói đau của hai vần trắc nhớ/nhỏ. Không biết bạn có để ý? đây cũng là vần của đoạn thơ về linh hồn được cứu rỗi.
Sẽ không còn gặp nhau ngoài đời, nhưng vẫn miên man hy vọng gặp nhau trong tâm tưởng.
Thơ hay tự nó không có tính phi thời gian; nó trở thành phi thời gian, chính vì nó là một tuyệt cú đại diện cho một khoảng thời - không nhất định, trước không có, sau cũng không.
***
Dưới đây là bản dịch tiếng Pháp, hy vọng qua đó nói rõ được hơn với bạn đọc quen tiếng Pháp cảm nhận của người dịch về bài thơ, tuy rằng làm việc này đúng là hơi liều. Tại hạ đã cố sử dụng phong cách tỉnh lược của tác giả, nhưng tiếng Pháp dù sao cũng cần tuân theo logic chặt chẽ của nó; cho nên vẫn bớt mông lung.
Xin cám ơn anh Đặng Tiến, các bạn Mai Ninh và Phan Huy Đường, đã góp ý ; và nhất là cám ơn Đỗ Tuyết Khanh, đã nhiều lần chỉnh lý tiếng Pháp, cả về từ ngữ, văn phạm và phong cách của mấy phiên bản khác nhau mà người dịch đề nghị.
Dernières paroles pour un amour
Oui, il est temps que tu rentres Ce soir l'orage menace Si, je suis bien Mes mains orphelines Si, je suis bien Mes pieds las
Vivre en ce lieu et ce temps Je suis bien maintenant Mon âme est sauvée L'affection de cette terre
Une fois un amour Une vie de tempêtes Adieu, je te dis adieu Ce soir l'orage menace Mon aimée, adieu
Qu'importe ma tristesse Si tu ne les as pas oubliés Cette pluie sur la rivière Ce cœur qui crie tout bas Ma chanson que voilà
Bản dịch Hàn Thuỷ
Cuối cùng cho một tình yêu
Ừ thôi em về Chiều mưa giông tới Bây giờ anh vui Hai bàn tay đói Bây giờ anh vui Hai bàn chân mỏi
Thời gian nơi đây Bây giờ anh vui Một linh hồn rỗi Tình yêu xứ này
Một lần yêu thương Một đời bão nổi Giã từ, giã từ Chiều mưa giông tới Em ơi em ơi
Sầu thôi xuống đầy Làm sao em nhớ Mưa ngoài sông bay Lời ca anh nhỏ Nỗi lòng anh đây
Thơ Trịnh Cung
levu Khách viếng thăm
Tiêu đề: Trịnh Cung nói về... “Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu” Wed Sep 18, 2013 1:05 pm
Trịnh Cung nói về... “Cuối Cùng Cho Một Tình Yêu” Thủy Tiên, Việt Weekly
LTS: Bài phỏng vấn dưới đây do Mimi Thủy Tiên thực hiện tại Việt Nam, trong dịp nghỉ thường niên trong tháng 2, 2005 vừa qua, với họa sĩ Trịnh Cung, một trong những người bạn thân, cùng thời với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bài thơ “Cuối cùng cho một tình yêu” đã hôn phối với nhạc Trịnh thế nào, mặc dù đã nhiều lần hoạ sĩ Trịnh Cung đã nói, đã kể, tuy nhiên, nhân dịp giỗ lần thứ 4 của TCS, một lần nữa, Trịnh Cung dành cho VW một lần kể, với một cảm xúc mới và những chi tiết mới mà ký ức của ông có thể cho phép nghĩ lại, nhớ về người bạn tài hoa một thời, đã để lại một dấu ấn không phai mờ trong hàng triệu triệu trái tim người Việt trong lẫn ngoài nước.
Việt Weekly: Họa sĩ Trịnh Cung cho biết về bài thơ Cuối cùng cho một tình yêu đã được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ nhạc. Trịnh Cung: Về hai bài thơ của tôi đã được Trịnh Công Sơn phổ nhạc. Trước hết tôi nói về bài Cuối cùng cho một tình yêu. Từ năm bài thơ đã được phổ nhạc cho đến nay, chỉ thiếu 3 năm là được nửa thế kỷ. Năm 1958, tôi viết bài thơ Cuối cùng cho một tình yêu, và cũng ngay năm đó, Trịnh Công Sơn phổ nhạc. Cho đến nay, nó đã sống gần nửa thế kỷ. Câu chuyện về bài thơ này cũng đã có một số người hỏi tôi về nguồn gốc tại sao nó ra đời, câu chuyện tình trong đó nói về ai. Riêng ca sĩ Khánh Ly trong một lần nói chuyện với hãng băng đĩa Asia có kể về câu chuyện tình này. Khánh Ly kể rằng là trong một đêm thức dậy, tôi đốt tập thơ tôi, tôi khóc hu hu. Lúc đó Trịnh Công Sơn thường từ B’lao về ở với tôi trong một căn phòng rất nhỏ, chỉ vừa cho 3 người ngủ trên 1 chiếc chiếu. Trịnh Công Sơn nghe tôi khóc mới bật dậy, thấy tôi đốt tập thơ mới chụp lại và giữ được 1 bài thơ, đó là bài Cuối cùng cho một tình yêu, Trịnh Công Sơn đã phổ nhạc bài thơ đó. Ðó là câu chuyện mà Khánh Ly đã kể. Có lẽ Khánh Ly đã nghe Trịnh Công Sơn kể và sau đó do thời gian thế nào, đã có một câu chuyện hấp dẫn về bài thơ này. Nhưng đây là những tháng ngày, cũng gần như là cuối đời của tôi, tôi rất cám ơn Khánh Ly đã kể câu chuyện ấy với quí vị, nhưng hôm nay tôi muốn nói thật về bài thơ này.
Sự việc tôi đốt tập thơ là có thật bởi vì đó là một thái độ mà tôi cần có để tôi tập trung cho hội họa, tôi không muốn dịnh líu đến thơ ca vì tôi có một quan niệm là làm cái gì làm cho tới nơi, hai ba thứ nó lôi thôi lắm, cho nên tôi quyết định hủy bỏ làm thơ để tập trung cho hội họa. Nói về vấn đề bài thơ do Trịnh Công Sơn phổ nhạc. Năm tôi đốt thơ là năm 1963, nhưng Trịnh Công Sơn đã phổ nhạc bài thơ này vào năm 1958, không có nghĩa như câu chuyện Khánh Ly đã kể. Bài thơ này tôi làm khi tôi ra Huế, “học trò trong Quảng ra thi, thấy cô gái Huế chân đi không đành”. Tất cả hình ảnh của cô gái Huế thời đó vẫn còn cực kỳ thơ mộng và không thay đổi được. Vào thời đó, những nữ sinh trường Ðồng Khánh, tầm tan trường, họ như là những cánh bướm trắng bay trong những công viên ở trước bờ sông Hương và tôi lạc lõng giữa những đàn bướm ấy. Lẽ dĩ nhiên là không bao giờ tiếp cận được họ đâu vì họ có một cung cách rất Huế, rất thiêng, rất kín đáo và mình chỉ có biết đi theo, nhìn ngắm họ rồi mơ mộng về họ và bài thơ này tôi viết về họ. Hình ảnh một cô gái Huế chung chung thôi và tôi hư cấu thành một chuyện tình. Tôi ngông cuồng để cho thấy rằng mình không phải là “học trò trong Quảng ra thi” mà mình cũng là một cái gì, cũng có thể từ khước họ, cho oai. Một lối hờn dỗi của một người không chạm được đến tình yêu, nên bày ra cái trò là… Ừ thôi em về, cứ về đi, tại vì có được đâu mà bảo ở lại, cho nên thôi để cho oai hơn là cứ… Ừ thôi em về. Nhưng em về rồi, thì sao? Em về rồi thì… bàn tay đói… Em ra khỏi tay rồi, em đâu có trong vòng tay, mà em đâu có bao giờ trong vòng tay tôi đâu… thành ra hai vòng tay tôi, hai bàn tay tôi luôn luôn đói, đói khát vì một hình ảnh và tôi cứ mãi đi theo những cuộc tan trường vào những buổi chiều, buổi trưa như vậy, nên… chân phải mỏi thôi.
Nhưng Có anh bạn làm thơ ở Sàigòn lại có một suy nghĩ khác về “hai bàn chân mỏi” rất là vui, chưa bao giờ có một hình ảnh sex đến như vậy. Tại sao lại có hai bàn chân mỏi, chỉ có yêu quá đáng mới mỏi thôi! Nhưng thật ra vào thời của chúng tôi, vào thập niên 50-60, tình yêu rất là thánh thiện, toàn là mơ mộng, toàn là tưởng tượng, không dám chạm đến bàn tay của người con gái mình yêu thích thì làm gì có chuyện sex với xiếc. Thế thì câu chuyện của bài thơ đó là bài thơ hoàn toàn hư cấu nhưng dựa trên cung cách của những cô gái Huế thời đó. Lẽ dĩ nhiên nó thuộc về những cô gái đẹp của thời đó, cũng là chuyện bình thường thôi. Cái gì mà con người ta dâng hiến thì thường dâng hiến cho những gì tốt nhất, đẹp nhất. Lẽ dĩ nhiên là đẹp nhất đối với mình. Ở đây không có nghĩa là những cô gái xấu kia không đẹp, tại vì là chưa chắc tôi đã nhìn ra những cái đẹp của họ, họ có thể đẹp dưới cái nhìn của những người đàn ông khác. Thành ra, nếu có phạm vào điều gì cũng cho tôi xin lỗi. Dẫu sao những cô gái đó ngày nay đã thành bà, bà nội, bà ngoại rồi, phải không? Cho tôi gởi lời thăm hỏi những cô gái Huế, vẫn đẹp trong lòng tôi cho đến ngày hôm nay.
VW: Vậy chỉ có một phần câu chuyện của Khánh Ly kể là đúng thôi, còn 9 phần còn lại là sai hết? TC: Những phần khác có lẽ do câu chuyện Khánh Ly thương tôi muốn cho câu chuyện nó hấp dẫn hơn hoặc là do anh bạn tôi Trịnh Công Sơn kể lại một cách biến tấu. Nhưng mà chuyện có thật là tôi có đốt tập thơ. Bìa tôi định in cho tập thơ của tôi, sau đó trở thành bìa của tập thơ rất hay của nhà thơ Hoàng Trúc Ly “Trong cơn yêu dấu”. Ðó là bìa tôi vẽ cho tập thơ của tôi và sau đó tôi tặng lại cho nhà thơ Hoàng Trúc Ly để làm bìa.
VW: Còn về bài Thiên sứ bâng khuâng. TC: Bài Thiên sứ bâng khuâng tôi mới làm vào năm tôi sang Mỹ lần thứ 2. Tôi gặp lại một người yêu cũ của Trịnh Công Sơn. Hôm ấy, cô ấy mời tôi đi ăn ở South Coast Plaza, ở Macy, ở đó có một cửa hàng open air, ăn ở ngoài trời, dưới những cây dù. Lần đầu tiên tôi thấy chim bay, những con chim sẻ đậu quanh cô ấy, và cô ấy thả cho nó những ruột bánh mì và từng con một nhảy gắp những mẩu bánh mì… Tôi thấy thú vị quá! Bởi vì thời đó chúng tôi ở thành phố Sàigòn không còn chim, người ta bắn chim. Cho nên, sang Mỹ tôi thấy chim ở khắp mọi nơi, con người ở đâu, chim ở đó. Tôi đã xúc cảm và viết bài Thiên sứ bâng khuâng… có câu là
Con chim về đậu bên người, là thiên sứ đó là tôi cũng chừng, vô tình em thả bâng khuâng, tôi làm chim nhặt để phần mai sau.
Tôi đã làm bài thơ ấy, với một ngẫu hứng như vậy, tôi trở về Sàigòn lại. Năm sau tôi lại sang Mỹ, tôi có thân với một ca sĩ ở Orange County, cô ấy với tôi có một thời gian là bạn. Chúng tôi chia sẻ với nhau về văn nghệ và về đời sống bên ngoài. Cô ấy là một niềm an ủi của tôi trong thời gian tôi ở Mỹ, tôi lại viết thêm 2 câu thơ nữa để tặng cho cô ấy. Có nghĩa là bài thơ này làm nhân một bữa ăn với một người bạn cũ, người yêu cũ của Trịnh Công Sơn, nhưng sau đó nó lại kết vào một người tôi mới kết bạn. Tôi thêm 2 câu sau là
Mai sau thiên sứ về trời, còn tôi ở lại bên người tôi yêu.
Nhưng mà số phận của bài thơ này không dừng ở đó, khi tôi về Việt Nam ở luôn sau cơn bạo bệnh, để mà chết, tôi gặp một người con gái khác. Trịnh Công Sơn đã viết một bài về vấn đề và số phận của bài thơ này đăng trên tờ tạp chí Heritage của hãng Hàng không Việt Nam, có tựa là Số phận của một bài thơ. Mỗi tác phẩm có một số phận riêng, nó làm cho người này, nhưng nó lại kết vào người khác. Và đây là bài thơ mà Trịnh Công Sơn phổ trước khi anh qua đời vào năm 2000, năm anh đón nhận thiên niên kỷ mới. Tôi phá vỡ thông lệ, định chỉ để một bài Cuối cùng cho một tình yêu được phổ nhạc. Nhưng khi Sơn đọc bài thơ này, Sơn rất là thú vị, anh coi như là một kỷ niệm để chia tay với thế kỷ cũ và anh đã phổ nhạc. Bài này rất ít phổ biến, chỉ có Trần Thu Hà hát ở Sàigòn, Tuấn Ngọc hát ở Mỹ, chưa có thâu băng đĩa. Tôi cũng muốn coi đó như một kỷ niệm của đời tôi với một người bạn thân đã qua đời và nếu nó còn ở lại với mọi người thì cũng như tôi vừa mới trình bày, mỗi bài đều có số phận riêng, nó hoàn toàn phụ thuộc vào định mệnh của nó.
VW: Như vậy bài Thiên sứ bâng khuâng có 3 đoạn, thuộc về 3 giai nhân? TC: Có thể nói là như vậy. Bài Thiên sứ bâng khuâng bắt đầu là một cảm hứng vào năm 1998 chỉ có 4 câu. Sau đó nó trở thành một bài lục bát 6 câu, để nói về ước mơ của tôi, muốn phá bỏ cái hạn kéo dài đời tôi là Cuối cùng cho một tình yêu, tôi lỡ phát ngôn là “Ừ thôi em về”. Tôi dại dột đã nói với người đẹp là “Ừ thôi em về”. Cho nên từ đó tôi rất là cô đơn, bây giờ tôi không muốn còn sự cô đơn nữa, tôi mới nói “Mai sau thiên sứ về trời, còn tôi ở lại bên người tôi yêu”, đó là vào năm 1999. Ðoạn cuối làm vào năm 2000. Nhưng cuối cùng, họ cũng bỏ tôi đi, cái hạn vẫn còn ở lại với tôi.
VW: Cuộc sống tình yêu hiện tại của họa sĩ Trịnh Cung như thế nào? TC: Cũng chưa biết nó sẽ như thế nào. Nhưng tôi đón nhận nó như một ân huệ để bù lại những năm cô đơn của tôi. Ðây là một cái duyên lạ, không chờ đợi, tôi không hề biết trước và tự họ bay đến. Tôi không có cách nào khác là đón nhận. Tôi không thể từ khước được vì nó cho tôi rất nhiều sức sống. Nó là nguồn sống, nguồn sáng tác của tôi bây giờ. Còn chuyện ngày mai, tôi không thể biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Tôi không quan tâm tới ngày mai vì đối với tôi còn được sống như thế này là đã có quá nhiều ân huệ rồi. Tôi không dám mơ tưởng ngày mai nó sẽ như thế nào.
Thủy Tiên
.
Sponsored content
Tiêu đề: Re: Thơ & Nhạc: CUỐI CÙNG CHO MỘT TÌNH YÊU