Tiêu đề: Cholesterol có Xấu không nhỉ? Wed Apr 17, 2013 7:49 pm
Cholesterol có Xấu không nhỉ?
BS Nguyễn Ý Đức Câu Chuyện Thầy Lang
Sau tiệc tùng trong dịp lễ Tết thì cũng không ít bà con mình sẽ để ý tới vấn đề sức khỏe liên quan tới việc ăn uống. Một trong các ưu tư đó là liệu có cần đi bác sĩ để coi xem mỡ cholesterol trong máu của mình có lên cao sau những linh đình liên hoan với thịt mỡ, dưa hành, heo vịt quay béo ngậy. Vì cholesterol vốn đã được gán cho là gây ra nhiều bệnh cho trái tim thân yêu của con người. Cholesterol có thật sự “xấu” như vậy không? Xin cùng tìm hiểu.
1. Cholesterol là gì?
Cholesterol là một chất béo được bao bọc bởi một lớp đạm hiện diện trong cơ thể của các loại động vật kể cả con người. Mặc dù bị mang tiếng là không tốt, nhưng cholesterol là một phần cần thiết của màng các tế bào, được dùng để sản xuất một số kích thích tố, tạo ra sinh tố D trên da bằng tia nắng cũng như tạo ra acit mật để tiêu hóa chất béo. Cholesterol chiếm 70% các chất cấu tạo tế bào của não bộ.
2. Có mấy loại cholesterol?
Có 2 loại cholesterol:
a. Cholesterol trong máu: Thử máu cho ta biết số lượng cholesterol lưu hành trong máu. 85% cholesterol trong máu là do gan sản xuất, 15% còn lại là do thức ăn có cholesterol mà ta tiêu thụ như trứng, chất béo từ gà, vịt, heo, bò. Vì gan sản xuất nhiều cholesterol cho nên một số người dù ăn thực phẩm có nhiều cholesterol mà cholesterol trong máu vẫn thấp. Ngược lại một số người khác ăn ít cholesterol mà cholesterol vẫn cao.
Vì là chất hòa tan trong dầu mỡ, cho nên cholesterol không tự lưu hành trong máu. Để luân lưu, cholesterol được một loại chất đạm là lipoprotein mang đi. Có 2 loại lipoprotein: LDL (Low density lipoprotein) mang 2/3 tổng số cholesterol và HDL (high density lipoprotein) chuyên chở 1/3 cholesterol còn lại. Về kích thước LDL lớn hơn HDL.
Có giải thích nói HDL được coi như phần tử hiền lành tốt bụng vì y ta vừa không cho cholesterol bám vào thành động mạch mà còn đưa cholesterol ở máu vào gan để rồi được loại ra khỏi cơ thể qua ruột. Nhờ đó bớt mỡ lưu thông trong máu, làm giảm nguy cơ đóng mỡ ở thành động mạch, giảm nguy cơ bệnh vữa xơ động mạch. Ngược lại cô em song sinh LDL thì láo lếu hơn vì đương sự để cholesterol bám vào thành động mạch, gây ra vữa xơ tắc nghẽn và tăng rủi ro bệnh tim.
Ngoài ra còn một loại thứ ba gọi là VLDL, very low density lipoprotein, chuyên trở một lượng rất ít cholesterol và một chất béo khác gọi là triglyceride.
b. Cholesterol do thực phẩm có nguồn gốc động vật cung cấp. Xin nhớ là thực phẩm Thực vật không có cholesterol nhưng vẫn có chất béo.
3. Cholesterol trong cơ thể từ đâu mà ra?
Như đã nói ở trên, trong cơ thể, 85% cholesterol là do gan sản suất, khoảng 1000 mg/ ngày, vừa đủ để thỏa mãn nhu cầu của cơ thể, vì thế đúng ra ta cũng không cần tiêu thụ thêm cholesterol từ thực phẩm. Ngoài ra, khi ta tiêu thụ nhiều cholesterol thì gan tự động giảm sản xuất.
4. Làm sao biết có cholesterol trong máu?
Đo cholesterol trong máu cho biết số lượng cholesterol toàn phần, HDL, LDL và VDRL. Cholesterol các loại được đo bằng đơn vị phần ngàn của gram ( milligram) mg trên phần mười lít (decilitre) dl máu. Viện Sức khỏe Quốc Gia Hoa Kỳ đã đưa các chỉ số sau đây để dùng làm tiêu chuẩn:
Lý tưởng Tạm được Không tốt
Tổng số Cholesterol Dưới 200 mg/dl 200- 240 mg/dl Trên 240mg/dl HDL cholesterol Trên 45mg/dl 35- 45 mg/dl Dưới 35mg/dl LDL cholesterol Dưới 130 mg/dl 130- 160 mg/dl Trên 160mg/dl
Sau 20 tuổi, nên đo cholesterol mỗi 5 năm một lần; đo thường hơn khi cholesterol lên cao.
c- Ngoài ra chất Triglyceride và VLDL cũng cần được theo dõi. Mặc dù vai trò của chúng trong nguy cơ gây bệnh tim chưa được xác định, nhưng nhiều chứng minh cho là khi chất này lên cao thì đều không tốt cho tim.
Lượng Triglyceride dưới 200mg/ dl được coi như bình thường. Nó thường lên cao trong bệnh tiểu đường, bệnh thận. 5. Cholesterol có gây nguy hại cho sức khỏe không?
Chất béo cũng như cholesterol không phải là chất có hại đối với cơ thể mà là chất sinh tử cho mọi tế bào động vật. Cho nên thực là không công bằng khi gán cho mỡ béo danh vị thực phẩm “xấu”. Nhưng một chế độ dinh dưỡng không cân bằng, kém đa dạng, quá nhiều chất béo có thể đưa tới hậu quả bệnh tật cho con người.
Xin nhắc lại là để hoạt động hữu hiệu, các mạch máu, cũng như các bắp thịt, cần được tốt mạnh, uyển chuyển và giữ đàn tính. Lòng mạch máu cần trơn tru để máu dễ dàng lưu thông. Trong bệnh vữa xơ động mạch, thành động mạch có những bựa gồm có cholesterol và tế bào máu đóng vào, khiến nó trở nên thu hẹp gây trở ngại cho sự vận chuyển của máu. Máu huyết tới tim giảm, tim kém được nuôi dưỡng, giảm hoạt động rồi một lúc nào đó đưa đến cơn kích tim. Những miếng bựa có thể bứt rời thành mạch máu, ngao du khắp cơ thể theo hệ tuần hoàn rồi gây ra nghẽn mạch. Lên đến não nó tạo ra tai biến mạch máu não, tới tim nó gây ra nhồi máu cơ tim.
Ngoài ra cholesterol trong máu lên cao theo số tuổi; khi cân quá nặng nhất là béo mập ở vùng bụng; khi có các bệnh tiểu đường, cao huyết áp; di truyền cao cholesterol từ bố mẹ; khi có nếp sống không lành mạnh như lạm dụng rượu, thuốc lá, có đời sống quá tĩnh tại hoặc có nhiều mối lo âu, bất mãn.
6. Làm sao giảm cholesterol?
- Điểm cần để ý trước hết là giảm tiêu thụ cholesterol không ảnh hưởng nhiều tới lượng cholesterol trong máu bằng khi ta bớt tiêu thụ thực phẩm có chất béo bão hòa. - Thứ hai là trong thực phẩm, tất cả cholesterol đều giống nhau, không có loại xấu loại tốt. Nhưng trong máu thì cholesterol trở nên tốt hay xấu là tùy theo loại lipoprotein chuyên chở nó. -Thứ ba là chất béo bất bão hòa đơn hoặc đa dạng từ thực vật không gây ra sự vữa như cháo của chất mỡ trong lòng động mạch.
Sau đây là một số gợi ý để chúng ta cùng nhau hạ thấp cholesterol trong máu:
1-Giảm tiêu thụ thực phẩm có nhiều mỡ béo như kem, bơ, sữa nguyên chất, cheese, da gà, mỡ trên thịt nạc, mỡ heo. 2-Giảm thiểu thực phẩm có nhiều cholesterol như lòng đỏ trứng, gan. Lòng trắng trứng không có cholesterol. Một lòng đỏ trứng có tới 250mg cholesterol. 3-Giảm dầu dừa, dầu hạt cọ (palm), vì có nhiều béo bão hòa. Dầu này thường có trong kẹo súc cù là, bánh bích quy. 4- Dùng nhiều hơn dầu bắp, safflower. dầu olive, dầu canola, trái bơ avocado, vừng, dầu đậu phọng, vài loại cá vì chúng có tác dụng làm hạ cholesterol. 5- Giảm trans fatty acid như margarine thỏi vì tác dụng làm gia tăng cholesterol trong máu. Margarine mềm ít hại hơn. 6- Tăng tiêu thụ omega 3 fatty acid, có nhiều trong cá thu (mackerel), cá chình americain eel, cá ngừ (tuna), cá trích (atlantic herring), cá sardines, cá hồi (trout). 7-Tăng lượng chất xơ có trong ngũ cốc, rau trái, mì ống mì sợi vì các chất này có rất ít béo bão hòa, cholesterol và cho ít năng lượng. 8- Giữ sức nặng cơ thể ở mức trung bình, tránh bị mập phì nhất là mập ở vùng bụng. 9- Tập luyện cơ thể đều đặn để làm tăng cholesterol hiền lành HDL, làm giảm cholesterol lếu láo LDL, giảm kí, hạ huyết áp cao. 10- Đôi khi với tất cả các đề phòng kể trên, cholesterol trong máu vẫn còn cao vì ảnh hưởng của gene, vì vui miệng ăn nhiều mỡ béo thì phải cầu cứu tới dược phẩm.
Việc dùng các dược phẩm này cần được bác sĩ cân nhắc kỹ càng tùy theo từng trường hợp, vì khi đã uống thì phải uống trong nhiều năm, có khi suốt cuộc đời. Thuốc lại rất đắt tiền và vài loại thuốc có những tác dung phụ mạnh, chẳng hạn là làm hại tới lá gan.
Kết luận:
Các tài liệu về chất béo-cholesterol có quá nhiều, đôi khi làm ta bối rối. Sau hơn 50 năm, khoa học đã làm sáng tỏ một phần nào vai trò của cholesterol cao trong máu đối với bệnh vữa xơ động mạch, một nguyên nhân đưa tới tử vong và bệnh hoạn vì nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Nhưng nguyên lý sinh bệnh của vữa xơ này còn nhiều điều cần được khai sáng tiếp. Khi đó, việc điều trị và ngừa bệnh này hy vọng sẽ dễ dàng và công hiệu hơn Hơn nữa, ta không thể gạt bỏ chất béo khỏi khẩu phần dinh dưỡng vì cơ thể cần năng lượng từ chất béo, cần sinh tố tan trong mỡ, cần chất béo để cấu tạo màng tế bào, mô thần kinh, tim...
Cho nên giản dị hơn cả là khi muốn tránh bệnh tim mạch do các chất béo này gây ra, ta chỉ việc bớt tiêu thụ thực phẩm do động vật gia súc như thịt, sữa và phó sản; tăng thực phẩm từ thực vật và vận động cơ thể.
Để bảo toàn trái tim thân thương cũng như sức khỏe tổng quát.
Cholesterol có mặt trong mỗi tế bào của cơ thể. Chất này trông giống như mỡ và là một thành phần quan trọng của các màng tế bào và là một “viên đá” tạo dựng cho một số hoóc-môn. Nhưng cơ thể chúng ta tự sản xuất tất cả cholesterol cần dùng nên bất cứ cholesterol nào chúng ta ăn vào đều dư thừa.
Khi cholesterol trong máu quá dư thừa thì chúng sẽ đóng thành mảng mỡ trong mạch máu và các mảng này gây trở ngại cho dòng máu chảy trong các động mạch. Máu có oxygen sẽ không chảy đủ tới tim và như vậy nguy cơ bị lên cơn đau tim sẽ tăng. Nếu máu chạy lên não mà thiếu.thì sẽ gây ra đột quỵ (stroke).
Mảng cholesterol (cholesterol plaque) đóng trên thành đông mach vành (coronary arteries) gây ra cục đông máu (blood clot) làm nghẽn dòng máu tải oxygen tới các cơ tim. Trên hình ta thấy phẩn cơ tim bị chết (dying muscle)
Máu chuyển oxygen lên não bị nghẽn vì cục đông máu (blood clot) trong động mạch. Trên hình ta thấy hình vẽ phần não bị tổn thương vì thiếu máu
Chứng bệnh dư cholesterol huyết (hypercholesterolemia) không có triệu chứng gì,chỉ có thử máu mới phát hiện đươc.
Nhưng đáng mừng là chứng bệnh này rất dễ phòng ngừa. Chúng ta chỉ cần ăn uống cho lành mạnh, tập thể dục đều đặn và thay đổi nếp sống là có thể giàm đươc. cholesterol. Đôi khi chúng ta cũng cần phải uống thuốc.
I- ĂN UỐNG LÀNH MẠNH
Dưới đây là năm loại thức ăn chính giúp giảm cholesterol:
1- Bột và cám yến mach (oatmeal and bran) Yến mạch chứa các chất sợi hoà tan (soluble fibers) làm giảm lipoprotein mật đô thấp (low density lipoprotein - LDL) tức là cholesterol “xấu”. Những thưc phẩm khác như đậu lửa (kidney bean), táo (apple), lê (pear), psyllium, lúa mạch (barley) và mận (prune) cũng có. chất sợi hoà tan. Chất sợi hoà tan nói trên giảm sự hấp thu cholesterol qua đường ruột. Mười gram chất sợi hoà tan hoặc nhiều hơn mỗi ngày sẽ hạ bớt cholesterol toàn phần và LDL cholesterol (xấu). Một tách rưỡi yến mạch nấu chín cung cấp 6 gram chất sơi hoà tan, nên ăn thêm trái cây như chuối chẳng hạn để phụ thêm 4 gram nữa thì đủ số 10 gram mỗi ngày.
2-Hạt óc chó, hạnh nhân… (walnut, almonds…) Thí nghiệm cho biết hạt óc chó giảm đáng kề cholesterol trong máu. Vì chứa nhiều acid đa không bão hòa nên hạt óc chó còn giữ cho các mach máu đươc lành mạnh và đàn hồi. Hạt hạnh nhân cũng có tác dụng tương tự và chỉ cần ăn hạnh nhân trong bốn tuần là thấy kết quả liền.
Một thực chế giảm cholesterol mà 20 phần trăm calori do hạt óc chó cung cấp có thể giảm tới 12 phẩn trăm cholesterol LDL (xấu). Vì tất cả các loại hạt nói trên đểu chứa nhiều calori nên chỉ cần ăn một vốc là đủ ( dưới 2 ounce hay 57 gram). Cũng như đối với bất cứ thực phẩm nào, ăn quá nhiều sẽ làm lên cân, mà nếu mập quá thì rủi ro bị bệnh tim lại tăng. Muốn tránh lên cân bạn hãy thay thế các thực phẩm chứa nhiểu chất béo bão hoà bằng các loại hạt, tỉ dụ như thay vì dùng pho-mát, thịt hay các mảnh bánh mì nướng để làm sà-lách thì bạn hãy thêm vào sà lach môt nắm hạt óc chó hay hạnh nhân.
3-Cá và các acid Omega-3 Nghiên cứu đã xác nhận lợi ích giảm cholesterol của cá có mỡ vì loại cá này chứa nhiều acid béo Omega-3. Các acid béo Omega-3 cũng còn giúp ích cho tim bằng cách hạ huyết áp và giảm rủi ro bị cục đông máu. Đối với những người đã bị lên cơn đau tim thì dẩu cá hay các acid béo Omega-3 còn giảm đáng kể rủi ro bị chết đột ngột.
Các bác sĩ khuyên nên ăn ít nhất hai khẩu phần cá mỗi tuần. Các cá thu (mackerel), cá hương (lake trout), cá trích (herring), cá mòi (sardine), cá ngừ (albacore tuna) và cá hồi (salmon) chứa nhiều acid béo Omega-3 nhất. Tuy nhiên muốn bảo đảm sự lợi ích của cá đối với tim thì cá nên đươc bò lò hay nướng vỉ. Bạn nào không thích ăn cá thì có thể ăn hạt lanh xay (ground flax seed) hay dùng dầu canola.
Bạn cũng có thể uống thuốc bổ sung Omega-3 hay dầu cá nhưng như vậy bạn chỉ hưởng đươc một số lợi ích mà thôi và không có đươc những chất dinh dưỡng khác từ cá như selenium. Nếu bạn quyết định uống thuốc bổ sung thì bạn nên cẩn thận trong ăn uống và chỉ ăn thịt nạc hay rau thay cho cá
4-Dầu ô-liu Dầu ô-liu chứa một hỗn hợp các chất chống oxi-hóa mạnh có thể hạ mức cholesterol LDL (xấu) mà không ảnh hưởng gì tới mức cholesterol tốt (HDL)
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dươc phẩm (FDA) khuyên nên dùng 2 muỗng súp dầu ô-liu (23 gram) mỗi ngày để có thể hưởng lợi ích của dầu này. Bạn có thể dùng dầu ô-liu để xào rau, thêm vào nước sốt marinat hay trộn với dấm làm nước sốt cho sà-lách. Bạn cũng có thể dùng dầu ô-liu để thay cho bơ phết lên thịt
Theo một số nghiên cứu thì lợi ích hạ cholesterol của dầu ô-liu còn nhiều hơn nữa nều dùng dẩu loại “extra virgin” tức là dầu ít biến chế và chứa nhiểu chất chống oxi hoá tốt cho tim. Nên tránh dùng dầu loại “light” vì loại này biến chế nhiều, tuy mầu nhạt hơn nhưng lượng chất béo hay calori vẫn cao.
5-Thực phẩm tăng cường sterol thực vật hay stanol Hiên nay trên thị trường có bán những thực phẩm tăng cường sterol hay stanol là những chất chiết từ thảo mộc có công dụng ngăn chặn sự hấp thu cholesterol.
Margarine, nước cam vắt, hay yogurt tăng cường sterol thực vật có thể giảm tới hơn 10 phần trăm cholesterol. Muốn có kết quả thì mỗi ngày cần ít nhất 2 gram sterol thực vật , tương đương với 237 millilít (khoảng 2 lần 8 ounce) nước cam vắt tăng cường sterol thực vât,
Sterol thực vật hay stanol trong thực phẩm tăng cường không có ảnh hưởng lên các mức triglycerides và HDL cholesterol (tốt) mà cũng không làm xáo trộn sư hấp thu các vitamin hoà tan trong mỡ như vitamin A,D,E và K.
Hội American Heart Association khuyên các người có mức cholesterol LDL (xấu) cao hơn 160 mg/ decilit (4.1 mmol/L) nên ăn các thực phẩm tăng cường sterol thực vật.
Chú giải: Khi muốn thay đổi chế độ ăn uống, bạn cần nghĩ tới việc cắt giảm các loại và số lương chất béo làm tăng cholesterol.mà bạn đang ăn. Như vậy bạn sẽ cải thiện đươc mức cholesterol nói riêng và sức khoẻ của bạn nói chung.
Khi cắt giảm chất béo, bạn nên chú trong vào các chất béo bão hoà và chất béo trans fat. Các chất béo bão hòa trong thịt và một số dầu làm tăng cholesterol toàn phần. Các chất béo trans fat - đôi khi dùng làm bánh qui và bánh ngọt --- đăc biệt không tốt vì làm tăng cholesterol xấu LDL và làm giảm cholesterol tốt HDL. Bạn nên cố gắng giới han số calori cung cấp bởi chất béo bão hoà xuống dưới 10 % một ngày và loai bỏ càng nhiểu chất béo trans fat càng tốt,
II- NẾP SỐNG LÀNH MẠNH
Dưới đây là năm thay đổi hàng đầu vể nếp sống để giảm cholesterol
1- Giảm cân Nặng hơn tiểu chuẩn vài pound cũng đủ làm cholesterol tăng. Do đó chỉ cần gầy đi từ 5 tới 10 pound (2.3 tới 6 kg) cũng đủ hạ thấp mức cholesterol
Bạn hãy thẳng thắn duyệt xét thói quen ăn uống và công việc thuờng làm hàng ngày rồi cân nhắc nhu cầu phải giảm cân và phương cách để thực hiện điều đó
Nếu tới giờ ăn bạn cảm thấy bực bội hay chán nản thì bạn hãy đi dạo một vòng. Nếu buổi trưa nào bạn cũng phải mua đổ ăn nhanh thì bạn hãy chiụ khó mang theo từ nhà môt ít thức ăn lành mạnh mà ăn cho tốt. Khi ngổi xem ti vi bạn hãy ăn vài củ cà-rốt thay vì vừa xem vừa nhai khoai chiên. Ngoài ra bạn nên tìm cách vận động nhiểu hơn trong khi làm công viêc hàng ngày, tỉ như leo cầu thang thay vì đi thang máy. Bạn nên nhớ là vận đông - nhiều lẩn một ngày, mỗi lần chỉ chừng mười phút thôi cũng đủ giúp bạn giảm cân. Điều chính yếu là môt khi đã quyết định thay đổi thì bạn đừng có đồi ý.
2- Ăn những thức ăn bổ dưỡng cho tim Ngay cả nếu trong nhiều năm qua bạn ăn uống bừa bãi mà bây giờ bạn thay đổi nếp sống thỉ vẫn có thể giảm cholesterol và cải thiện sức khỏe của tim
- Lựa chọn những chất béo lành manh hon. Chất béo bão hòa trong thịt đỏ và sản phẩm bơ sữa làm tăng cholesterol toàn phẩn và cholesterol xấu (LDL) Nói chung, bạn không được dung nạp mỗi ngày quá 10 phẩn trăm calori từ chất béo bão hòa. Bạn hãy chọn những miếng thit nạc, những sản phẩm bơ sữa có ít chất béo,và những chất béo đơn không bão hoà thường có trong ô liu, đậu phọng và dầu canola.
-Loai bỏ các chất béo trans fat Chất béo trans fat có trong các thức ăn chiên và nhiểu sản phẩm bầy bán ngoài chợ như bánh qui, bánh qui dòn, bánh ngọt snack. Ban đừng tin vào nhãn “trans fat free” (không có trans fat) dán trên bao bì vì tại Hoa kỳ nếu một thực phẩm chứa dưới 0.5gram trans fat cho mỗi khẩu phần thì đươc coi là không có trans fat. Tuy rằng số lượng thấy nhỏ vậy nhưng nó sẽ tích luỹ nhanh chóng nếu bạn ăn quá nhiểu các thức ăn ấy. Bạn nhớ phải đọc kỹ bảng liệt kê thành phẩn nếu thấy có ghi chữ “dầu hydrogen hóa” (hydrogenated oil) thì chắc chắn thức ăn ấy có trans fat.
-Hạn chế lượng cholesterol dung nạp Lượng cholesterol dung nap không nên vượt quá 300 mg /ngày - hoặc dưới 200mg cho người bị bệnh tim. Đồ lòng gia súc, lòng đỏ trứng và các sản phẩm sữa nguyên chất chứa nhiều cholesterol nhất. Bạn hãy lựa chọn thit nạc, trứng “giả” và sữa đã lấy hết kem.
- Lựa chọn ngũ cốc nguyên hạt Nhiểu chất dinh dưỡng khác nhau trong ngũ cốc nguyên hạt có lợi cho tim. Bạn hãy ăn bánh mì nguyên hạt, mì nguyên hạt, bột lúa mi nguyên hạt và gạo lức.
- Dự trữ trái cây và rau. Trái cây và rau chứa nhiểu chất sợi có công dung giảm cholesterol. Mùa nào thì bạn nên ăn trái cây mùa nấy. Nếu bạn thích trái cây khô thì chỉ nên ăn mỗi ngày một vốc bằng nắm tay thôi (khoảng một hay hai ounce) vì trái cây khô có nhiều calori hơn trái cây tươi
- Ăn các thực phẩm có nhiều acid béo Omega-3 Các acid béo Omega-3 giúp giảm cholesterol xấu (LDL). Một số loại cá như cá hồi, cá thu, cá kèo chứa nhiều acid béo Omega-3. Các nguồn Omega -3 khác gồm có hạt óc chó (walnut), hạt hạnh nhân và hạt lanh xay.
3- Tập thể dục mỗi ngày Dù bạn có béo hay không, tập thể dục vẫn giúp giảm cholesterol. Hơn nữa các hoạt động thể lực vừa phải có thể làm tăng cholesterol tốt (HDL). Nếu bác sĩ đổng ý, bạn có thể tập từ 30 tới 60 phút mỗi ngày.Bạn hãy đi bộ nhanh vào giờ nghỉ trưa. Bạn hãy đi làm bằng xe đạp. Bạn hãy bơi vài vòng. Bạn hãy chơi một môn thê thao ưa thích. Muốn có động cơ thúc đẩy, bạn nên kiểm một bạn cùng tập hoặc gia nhâp một nhóm nào đó. Và bạn nên nhớ bất cứ hoạt động nào cũng đều hữu ích. Ngay cả khi bạn leo cẩu thang thay vì dùng thang máy hoặc làm vài động tác đứng lên ngổi xuống trong khi xem TV cũng đem lại lợi ích cho sức khoẻ.
4- Bỏ hút thuốc Nếu bạn đang hút thuốc thì nên ngưng liền. Bỏ thuốc sẽ giúp cải thiện mức cholesterol tốt (HDL). Và lợi ich không phải chỉ có thế đâu. Chỉ 20 phút sau khi bỏ thuốc, huyếp áp sẽ giảm. Trong vòng 24 tiếng rủi ro bị lên cơn đau tim cũng giảm. Sau một năm rủi ro bị bệnh tim chỉ bằng phân nửa so với người nghiện thuốc. Sau 15 năm rủi ro sẽ tương tự như nguời chưa bao giờ hút thuốc
5- Uống rươu có điều độ Uống rượu điều độ có liên hệ với mức cholesterol HDL (tốt) cao, nhưng lợi ích không đủ nhiều để khuyến khích những người chưa bao giờ uống rượu Nếu bạn thích rượu thi chỉ nên uống có chừng mực tức lá không quá môt ly mỗi ngày cho phụ nữ và một tới hai ly cho đàn ông. Uống quá nhiều rượu có thể dẫn tới những vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ như cao huyết áp, trụy tim hay đột quỵ
Chú thích Nhiều khi thay đổi nếp sống cho lành mạnh không đủ để hạ mức cholesterol. Khi thay đổi nếp sống bạn phải lựa chọn nếp sống nào mà bạn có thể tiếp tuc duy trì sự thay đổi lâu dài và bạn đừng nên nản lòng khi không thấy kết quả ngay. Nếu bác sĩ khuyên bạn nên uống thuốc để hạ mức cholesterol thì bạn hãy làm theo như chỉ dẫn
III- CHỮA TRỊ
Thay đổi nếp sống có thể cải thiện mức cholesterol. Nếu sau những thay đổi quan trọng như ăn uống lành mạnh hơn, vận động thể lực đều đặn và tránh không hút thuốc mà mức cholesterol toàn phần của bạn--đặc biệt là mức cholesterol xấu LDL - vẫn cao thì bạn sẽ đươc bác sĩ kê toa thuốc để uống.
1- Làm sao biết mức cholesterol vẫn còn cao? Bác sĩ sẽ gởi bạn tới phòng thí nghiệm để lấy máu kiểm tra các mức cholesterol. Thử nghiệm máu này đươc gọi là lipid panel/ lipid profile và cho biết - cholesterol toàn phần - LDL cholesterol - HDL cholesterol - Triglycerides (một loại chất béo trong máu) Muốn chính xác bệnh nhân không đươc ăn uống gì (ngoại trừ uống nước lã) từ 9 đến 12 tiếng trước khi lấy máu.
Kết quả thử nghiệm đươc lý giải như sau
Cholesterol toàn phần Dứơi 200 mg/dL mong muốn 200 – 239 mg/dL mấp mé cao 240 mg/dL hay hơn cao
LDL cholesterol dưới 70 mg/dL tối ưu cho người có rủi ro bị bệnh tim rất cao dưới 100mg/dL tối ưu cho những người có rủi ro bị bênh tim 100 – 129 mg/dL gần tối ưu 130 - 159 mg/dL mấp mé cao 160 - 189 mg/dL cao 190 mg/dL rất cao
HDL cholesterol dưới 40 mg/dL kém 40 – 59 mg/dL khá hơn 60 mg/dL hay hơn tốt nhất
Triglycerides dưới 150 mg/dL mong muốn 150 – 199 mg/dL mấp mé cao 200 – 499 mg/dL cao 500 mg/dL hay hơn rất cao
Vì LDL cholesterol (xấu) có liên kết trực tiếp với bệnh tim nên trị liệu nhắm chính yếu vào việc giàm mức cholesterol LDL này. Điều này không phài đơn giản như biễu đồ cho thấy bởi vỉ mức LDL có thể thay đổi tùy theo rủi ro bị bệnh tim mạch của mỗi ngưởi.
Đối với đại đa số thì mức LDL phải dưới 130 mg/dL. Nếu người nào có những yếu tố rủi ro khác về bệnh tim thì mức LDL có thể dưới 100 mg/dL. Nếu rủi ro bị bệnh tim rất cao thì mức LDL có thể hạ xuống tới dưới 70mg/dL
Vậy những ai đươc coi là có rủi ro rất cao? Đó là những người đã có lần bị lên cơn đau tim hay những người bị bệnh tiểu đường. Ngoài ra hai hoặc trên hai yểu tố rủi ro dưới đây cũng liệt một người vào loại có rủi ro rất cao
-hút thuốc lá -cao huyết áp -HDL cholesterol (tốt) thấp. -gia đình có tiểu sử bị bệnh tim lúc trẻ -đàn ông trên 45 tuổi, đàn bà trên 55 tuổi.
2-Các loại thuốc giảm cholesterol Việc lựa chọn thuốc hay kết hợp các thuốc khác nhau phụ thuộc vào nhiểu yếu tố như các yếu tố rủi ro cá nhân, tuổi tác, tình trạng sức khoẻ và các tác dụng phụ của thuốc,
Thông thường bác sĩ có những lựa chọn sau đây:
-Statins Statins - là thuốc thông dụng nhất - có công dụng phong bế một chất mà gan cần tới để sàn xuất cholesterol. Cholesterol trong các tế bào gan bị giảm làm cho gan phài hút cholesterol từ máu. Statins còn giúp tái hấp thu cholesterol từ các chất lắng đọng trên thành động mạch và như vậy có thể đảo đổi bệnh động mạch vành. Các chất statins chính là atorvastatin (Lipitor), fluvastatin (Lescol), lovastatin (Altoprev, Mevacor), pravastatin (Pravachol), rosuvastatin (Crestor) và simvastatin (Zocor)
-Bile-acid-binding resins Gan sử dụng cholesterol để làm ra các acid mât cần thiết cho sự tiêu hoá. Các thuốc cholestyramine (Prevalite, Questran), colesevelam (WelChol) và colestipol (Colestid) giảm cholesterol một cách gián tiếp bẳng cách bám dính vào các acid mật. Điều này ép buộc gan phải sử dụng cholesterol dư thừa để sản xuất thêm acid mật, và do đó làm giảm cholesterol trong máu
-Cholesterol absorption inhibitors Ruột non hấp thu cholesterol từ thức ăn rồi phóng thích vào máu. Thuốc esetimibe (Zetia) giúp giảm cholesterol trong máu bằng cách hạn chế sự hấp thu cholesterol mang tới bởi thức ăn.
-Combination cholesterol absorption inhibor and statin Thuốc kết hợp ezetimibe-simvastatin (Vytorin) giảm cả sự hấp thu cholesterol bởi ruột non và cả sư sản xuất cholesterol trong gan
Nếu mức triglycerides cũng cao thì bác sĩ có thể kê các thuốc sau đây
-Fibrates Các thuốc fenofibrate (Lofibra, Tricor) và gemfibrozil (Lopid) giảm triglycerides bẳng cách cản trở gan sản xuất ra lipoprotein mật độ rất thấp (VLDL cholesterol) và tăng tốc việc lấy triglycerides ra khỏi máu. VLDL cholesterol chứa phần lớn triglycerides.
-Niacin Niacin (Niaspan) giảm triglycerides bẳng cách han chế khả năng sản xuất cholesterol LDL và VLDL của gan. Niacin mua theo toa bác sĩ mới thích hợp vì thuốc dinh dưỡng bổ sung có chứa niacin bán tự do không có hiệu quả hạ mức triglycerides.
Tất cả các thuốc trên đều đươc cơ thể dung nạp tốt nhưng hiệu năng thay đổi tùy theo bệnh nhân. Các tác dụng phụ thông thường là đau nơi da dày, táo bón, buồn nôn và tiêu chảy, Khi uống thuốc cholesterol, bác sĩ sẽ kiểm tra đinh kỳ chức năng của gan xem gan có bị ảnh hưởng của thuốc không.
3-Các sản phẩm thiên nhiên giúp giảm cholesterol Môt số ít sản phẩm thiên nhiên đã đươc chứng tỏ là có thể giảm cholesterol,. Nều được bác sĩ đồng ý, bạn có thể thử các chất bổ sung và sản phẩm giảm cholesterol sau đây: - trích ly của atisô - lúa mạch - beta-sitosterol (có bán dưới dạng thuốc bổ sung và có trong một số loại margarine như Take Control) - blond psyllium (có trong vỏ hạt và các sản phẩm như Metamucil) - trích ly của tỏi. - cám yến mạch (oat bran) (có trong bột yến mạch và yến mạch nguyên hạt) - sitostanol ( cóbán dưới dạng thuốc bổ sung và có trong một số margarine như Benecol)
Khi dùng những sản phẩm thiên nhiên này bạn cần cho bác sị trị liệu biết.
Triglycerides, chất mỡ trung tính, là một trong những dạng mỡ được tìm thấy trong máu khi làm thử nghiệm về Lipid (Lipid bao gồm cholesterol, triglycerides, lipoprotein mật độ cao (HDL) và lipoprotein mật độ thấp (LDL).
Triglycerides được tạo ra trong cơ thể phần lớn từ các thức ăn. Khi ăn, một số calories tiêu thụ được sử dụng cho năng lượng, và một số khác được chuyển đổi thành chất mỡ trung tính (triglycerides) và được lưu trữ trong các tế bào mỡ. Chúng được sử dụng khi cơ thể cần đến năng lượng.
Trong những năm gần đây, qua kết quả của các nghiên cứu, mọi người đã được khuyến cáo nên lưu ý về lượng triglycerides trong cơ thể. Khi có quá nhiều chất triglycerides trong máu, nếu không chữa trị có thể gây ra những biến chứng nguy hại đến sức khoẻ sau này.
Những điều cần biết về Triglycerides:
- Mọi người đều có ít hay nhiều triglycerides trong cơ thể. - Nếu như ăn nhiều calories hơn sức tiêu thụ của cơ thể một cách thường xuyên thì mức triglycerides có thể gia tăng rất cao. - Nếu như bị bệnh tiểu đường, thì có thể có nguy cơ với mức triglycerides rất cao. - Những người có mức triglycerides cao thường có nguy cơ khác như cao LDL cholesterol (mỡ xấu) và thấp lượng HDL cholesterol (mỡ tốt cần thiết cho cơ thể).
Triglycerides và cholesterol có liên quan như thế nào?
Cholesterol và triglycerides cả hai đều là chất mỡ trong máu. Cholesterol được sử dụng để cấu tạo nên các tế bào và một số kích thích tố. Cholesterol được tìm thấy tự nhiên trong cơ thể và trong thức ăn cho dù chỉ ăn một lượng nhỏ. Cả hai đều rất nguy hại đối với sức khoẻ khi ở mức độ cao.
Một điểm hơi khác biệt là người có mức triglycerides cao chưa hẳn có mức cholesterol cao, nhưng ngược lại người có mức cholesterol cao thường có mức triglycerides cao.
Bảng đánh giá về mức độ cholesterol và triglycerides trong cơ thể :
1. Tổng số Cholesterol (mg/dL):
- Nếu ít hơn 200 : bình thường - 200-239 : cao - Từ 240 trở lên : quá cao
2. LDL Cholesterol (mg/dL) :
Nếu ít hơn100 : bình thường - 100-129 : hơi cao hơn mức bình thường - 130-159 : tương đối cao - 160-199 : cao - Từ 200 trở lên được xem là quá cao
3. HDL Cholesterol (mg/dL)
- Nam giới nếu ít hơn 40 : thấp - Nữ giới nếu ít hơn 50 : thấp - Từ 60 trở lên : tốt
4. Triglycerides (mg/dL)
- Ít hơn 150 : bình thường - 150-199 : cao - 200-499 : quá cao
* Công thức để tính tổng số Cholesterol và LDL :
Tổng số Cholesterol = HDL+ LDL+ (Triglycerides x 0,20) LDL = Tổng số Cholesterol - HDL - (Triglycerides x 0,20) LDL (Low–density lipoprotein) : mật độ lipoprotein thấp. Lượng LDL cao sẽ góp phần làm gia tăng nhưng mảng bám trong thành động mạch, có thể gây tắc nghẽn dẫn đến đau tim và đột quỵ. HDL (High–density lipoprotein) : mật độ lipoprotein cao giúp loại bỏ cholesterol khỏi cơ thể, do đó được xem là chất mỡ tốt.
Khi triglycerides cao sẽ tác hại đến cơ thể như thế nào?
Mức triglycerides được xem là bình thường khi ít hơn 150 mg/dL. Từ 500mg/dL trở lên thì được xem là quá cao và cần phải điều trị nếu không sẽ dễ mắc phải những chứng bệnh khác về sau.
Các triệu chứng:
« Mức triglycerides cao không gây ra triệu chứng có thể nhìn thấy ở bên ngoài cơ thể, tuy nhiên nếu đây là nguyên nhân gây ra bởi yếu tố di truyền, bệnh nhân có thể nhìn thấy lớp mỡ đóng dưới da gọi là xanthomas.
Trong một số trường hợp hiếm hoi, những người có mức triglycerides rất cao có thể phát triển viêm tuyến tuỵ (viêm tuỵ) khiến cho có thể bị đau bất ngờ, nặng bụng, buồn nôn, chán ăn, ói mửa và sốt.
Nguyên nhân gây ra Triglycerides cao:
“Thông thường khi khám bệnh nhân có mức triglycerides cao, thì bác sĩ cũng sẽ kiểm tra và tìm hiểu xem bệnh nhân có những bệnh liên quan khác như tiểu đường, cholesterol cao, cao huyết áp, bệnh béo phì, suy giáp (hypothyroidism), bệnh thận, và hội chứng chuyển hoá (metabolic syndrome) khác hay không để điều trị, vì đây cũng là những nguyên nhân làm tăng triglycerides ở mức rất cao.
Theo tài liệu trên webmd thì một số loại thuốc sau cũng có thể làm tăng chất triglycerides trong máu : Tamoxifen, steroids, Beta-blockers, thuốc lợi tiểu (diuretics), thuốc ngừa thai, estrogen.
Ngoài ra ăn uống cũng ảnh hưởng rất cao đến mức triglycerides nếu như:
- Thường xuyên ăn nhiều calories hơn sự cần thiết của cơ thể. - Ăn hoặc uống nhiều chất ngọt (đường) - Uống rượu nhiều.
Trong một vài trường hợp, triglycerides cao cũng có thể là do yếu tố di truyền trong gia đình.
Phương pháp điều trị:
Có hai phương pháp được áp dụng để điều trị triglycerides cao trong máu : - Thuốc - Thay đổi cách sống (ăn uống, vận động)
1. Thuốc
Thông thường trước khi ghi toa thuốc cho bệnh nhân, bác sĩ thường tìm hiểu thêm về nguyên nhân gây ra của căn bệnh:
- Tiểu sử bệnh lý của bệnh nhân - Đang uống những loại thuốc nào - Yếu tố di truyền trong gia đình - Cân lượng của bệnh nhân - Cách thức ăn uống của bệnh nhân.
Trên thị trường ngày nay có rất nhiều loại thuốc tuy nhiên vì thuốc có thể gây nhiều phản ứng phụ không tốt đối với cơ thể nhất là hại đến gan, nên bác sĩ thường đề nghị bệnh nhân nên thử máu lại sau 3 tháng để xem kết quả như thế nào sau khi dùng thuốc. Nhất là ảnh hưởng của thuốc đối với gan để thay đổi thuốc cho thích hợp.
Cũng chính vì lý do này nên đôi khi bác sĩ cần phải cân nhắc lợi hại trước khi cho bệnh nhân dùng thuốc. Nếu trong trường hợp bệnh nhân có nhiều nguy cơ đến động mạch vành (CAD : coronary artery disease), thì bác sĩ có thể tìm cách làm hạ thấp mức LDL (xấu) cholesterol và nâng cao mức HDL ("tốt") cholesterol trước khi cho bệnh nhân uống thêm thuốc để giảm chất triglycerides.
Ngoài ra bác sĩ có thể cũng sẽ điều chỉnh hoặc tạm ngưng cho bệnh nhân uống bất kỳ loại thuốc nào có thể làm tăng cao mức triglycerides.
2. Thay đổi lối sống
Thay đổi cách ăn uống và lối sống là những bước đầu tiên giúp hạ thấp mức triglycerides.
- Giữ trọng lượng cơ thể ở mức cân đối, hay ăn uống hạn chế để giảm cân. - Hạn chế uống rượu.
“Rượu đặc bịệt có ảnh hưởng rất lớn đối với triglycerides. Uống quá nhiều rượu thường xuyên có thể gây ra một sự gia tăng triglycerides đáng kể. Hoặc uống một lần quá nhiều cũng sẽ làm gia tăng chất triglyceride một cách bất ngờ, khiến có thể bị chứng viêm tuỵ (pancreatitis)”.
- Không hút thuốc lá. - Nếu bị tiểu đường thì nên kiểm soát lượng đường ở mức giới hạn. - Tránh ăn những chất béo và carbohydrate không lành mạnh. - Nên ăn cá ít nhất 2 lần một tuần hoặc uống thêm omega-3 bổ sung. Dầu cá với rất nhiều axít béo omega-3 được tìm thấy trong cá hồi, cá ngừ, và cá thu. Dầu cá omega-3 fatty acids có thể giúp hạ thấp mức triglycerides trong máu. - Hoạt động và năng tập thể dục, thể thao nhiều hơn.
Nói tóm lại, trilycerides là một dạng chất mỡ cung cấp năng lượng cho cơ thể khi cần đến. Nếu như ở mức độ thấp ít hơn 150 mg/dl thì được xem là tốt nhưng nếu ở mức độ cao sẽ ảnh hưởng nguy hại đến sức khoẻ.
Nếu như thử nghiệm với kết quả cao trên 500 mg/dl thì cũng không nên quá lo sợ, bởi vì mức triglycerides có thể giảm khá nhanh trong một thời gian ngắn nếu như biết điều trị đúng cách.
Nên dùng thuốc để giúp hạ thấp mức triglycerides trước tiên nếu như có mức độ quá cao, nếu không nó có thể ảnh hưởng đến gan, lá mía và tim mạch.
Những phương pháp sau nếu được áp dụng thường xuyên cũng có thể giúp hạ thấp mức triglycerides trong cơ thể :
- Điều quan trọng nhất là phải kiêng cử rượu trong thời gian điều trị. - Bớt ăn đồ ngọt. - Nên kiêng ăn thịt heo, thịt bò (thịt đỏ nói chung) và thay thế bằng thịt gà. - Nên ăn cá thay cho thịt. - Nên ăn thêm rau cải cũng như trái cây tươi.
Lưu ý : ăn trái cây cũng nên ăn vừa phải vì đường của trái cây là fructose, nếu dư nhiều cũng biến thành triglycerides.
- Thay gạo trắng bằng gạo lức và cũng nên áp dụng phương pháp thực dưỡng Osawa (ăn gạo lức với muối mè) trong một thời gian. - Tránh ăn thức ăn có nhiều chất mỡ và tinh bột. - Ăn uống chừng mực và áp dụng phương pháp 2-3-1. Sáng ăn tương đối, trưa ăn nhiều và ăn ít vào buổi tối. - Nên vận động nhẹ như tập thể dục, dưỡng sinh khí công, đi bộ nhanh... ít nhất là 30 phút mỗi ngày. - Có thể tập thêm phất thủ liệu pháp từ 30 – 60 phút vào mỗi tối trước khi ngủ. để giúp cơ thể đốt bớt calories thặng dư sau buổi ăn. ...
Và điều cuối cùng là phải có sự quyết tâm trong việc điều trị. Bài viết trên được viết dựa theo các tài liệu y khoa liên quan đến triglycerides trên các trang mạng và chỉ có tính cách tham khảo.
Nên gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
Nguyễn Quang Đạt
leminh Khách viếng thăm
Tiêu đề: Re: Cholesterol có Xấu không nhỉ? Sat Sep 27, 2014 4:44 pm
Đề tài: Đôi điều về Cholesterol
Bác sĩ của bạn - Chương trình do Bác sĩ NGUYỄN TRẦN HOÀNG phụ trách. Thực hiện: phóng viên Thiên An (Người-Việt TV). Phát hình vào mỗi thứ Ba hàng tuần.
PVChuong Admin
Posts : 673 Join date : 25/04/2012
Tiêu đề: Re: Cholesterol có Xấu không nhỉ? Thu Jul 06, 2017 11:07 am
Con dế, cholesterol, và bệnh mất trí nhớ
BS. Hồ Ngọc Minh
Nhà văn Tô Hoài mới mất vào ngày 6 Tháng Bảy năm 2014. Hồi nhỏ tôi chỉ biết lờ mờ tên ông Tô Hoài vì say mê đọc truyện “Dế mèn phiêu lưu ký” của ông. Nói thật, thời tôi còn nhỏ, đó là một trong những sách truyện rất hiếm, viết cho con nít. Phần còn lại, tôi đã tập làm quen rất sớm với những pho truyện Tàu như Tây Du Ký, Thuỷ Hử, hoặc các pho truyện Kiếm Hiệp của Kim Dung.
Nhắc đến con dế mèn, tôi lại nhớ đến một mẫu chuyện khôi hài khác về một kết luận mà một khoa học gia nọ rút tỉa được khi nghiên cứu về… con dế. Chuyện kể rằng, có một nhà bác học kia, đặt con dế trên mặt bàn, và vỗ tay, thế là con dế nhảy tưng lên. Kế đến, ông bèn bẻ một chân của con dế (tàn nhẫn quá!), và ông lại vỗ tay. Lần này con dế nằm vạ một chỗ. Thế là nhà thông thái, sau khi đã bẻ chân nhiều con dế như thế, bèn đúc kết một kết luận: “Khi ta bẻ chân con dế, não bộ của nó sẽ bị hư hại và nó sẽ bị… điếc!”
Từ từ, bạn hãy kiên nhẫn đọc tiếp, và sẽ hiểu tại sao tôi kể chuyện con dế ở đây.
Tôi đã viết nhiều về liên hệ giữa cholesterol và bệnh tim mạch, và cũng viết về triệu chứng của bệnh mất trí nhớ. Tuy nhiên, tôi chưa trình bày về mối liên hệ giữa cholesterol và bệnh mất trí nhớ. Một mối liên hệ nghịch: cholesterol càng cao thì nguy cơ bị mất trí nhớ… càng thấp!
Hồi nhỏ, thỉnh thoảng, mẹ tôi có mua não bò, đem chưng cách thủy, để ăn với muối tiêu và rau răm. Ăn thì ăn, nhưng tôi thấy nghẹn cổ họng vì nó quá béo, ngầy ngậy. Não người cũng thế, tuy nhỏ, chỉ chiếm 2% sức nặng của cơ thể, nhưng nó chứa 25% tổng số cholesterol trong người. Gần đây, rất nhiều bệnh tật, khiếm khuyết của não bộ, thí dụ như bệnh mất trí nhớ, bệnh run Parkinson… nguy cơ tăng cao vì thiếu cholesterol. Trên thực tế, người trên 70 tuổi, cholesterol càng cao, càng sống lâu, càng ít bị truỵ tim và càng minh mẫn hơn.
Các tế bào thần kinh, cũng như các tế bào khác trong cơ thể, cần cholesterol làm nguyên liệu cấu trúc cho màng tế bào. Những vỏ bọc tế bào thần kinh, neuron, cũng được cấu tạo từ cholesterol, và, những “mạch điện” thần kinh liên lạc với nhau, truyền tín hiệu cũng nhờ vào cholesterol. Không có cholesterol thì những mạng thần kinh nầy sẽ bị “chạm điện” và bị “mát dây”.
Ở đây, xin nói thêm về cholesterol một chút.
Chúng ta thường lầm tưởng là có hai loại choleterol, LDL là loại xấu và HDL là loại tốt. Thực ra chỉ có một loại cholesterol duy nhất là… cholesterol! LDL (low-density lipoprotein) hay HDL (high-density lipoprotein) chỉ là tên gọi của chất protein chuyên chở cholesterol mà thôi. Người ta cho rằng HDL là loại tốt vì nó chở cholesterol dư thừa về trở lại trong lá gan, như thế là làm sạch mạch máu, còn LDL là loại xấu vì nó chở choleterol ra ngoài, làm dơ mạch máu. Gần đây những nghiên cứu mới cho biết, HDL cũng không hẳn là tốt: người có HDL cao vẫn bị bệnh tim, như thường.
Thật ra LDL có nhiều kích thước khác nhau, và trước LDL còn có những “xe chuyên chở” khác nữa như VLDL (very low density, loại nhẹ) và IDL (intermediate density, loại trung bình). Để dễ hiểu, mạch máu của bạn là một xa lộ, HDL là những xe tải 18 bánh chở cholesterol dư thừa đi ngược chiều về lá gan. Còn các loại xe khác, to nhỏ như xe đạp, xe gắn máy, xe ba bánh, xe bốn bánh, xe thồ, xe lam… chở cholesterol, tiếp liệu ra… mặt trận. Như thế, một khi tuyến đường bị nghẽn, không phải là vì cholesterol mà vì đường xá bị hư hại, bị “ổ gà”, bị bom mìn khủng bố chẳng hạn. Những xe nhỏ VLDL, IDL, LDL thường dễ bị sụp hố và làm nghẽn đường mạch máu. Trong trường hợp bị gãy cầu xa lộ thì xe 18 bánh HDL cũng gây ra tai nạn, như chơi.
Tháng 2 năm 2012, chính cơ quan FDA công nhận rằng, thuốc giảm cholesterol statins có thể làm tăng nguy cơ bị lú lẫn và mất trí nhớ. Đồng thời một nghiên cứu trong Tháng Giêng năm 2012, cho thấy phụ nữ dùng statins có nguy cơ bị bệnh tiểu đường tăng 42%. Người bị bệnh tiểu đường, lại có nguy cơ bị bệnh mất trí nhớ tăng gần gấp 3 lần. Khi đường thặng dư trong máu sẽ gây ra hiệu ứng “ làm mứt” hay “thắng đường, rim tôm” những phân tử cholesterol, làm cho chúng dính chùm với nhau và dính vào các chỗ lở loét trong mạch máu. Tương tự như mạch máu tim, não bộ đã thiếu cholesterol lại còn bị nghẽn mạch máu não, sẽ đưa đến tình trạnh hao mòn sớm, gây ra các chứng bệnh về hệ thần kinh.
Khoảng thập niên 1970, lượng cholesterol 240 mg/dL được xem là bình thường. Sau khi thuốc statins ra đời, mức độ ấy giảm xuống còn 200mg/dL, với LDL dưới 130 mg/dL. Nếu bạn có người thân trong gia đình bị truỵ tim, nhiều bác sĩ sẽ bắt bạn uống statins để giảm chỉ số ấy xuống dưới 180mg/DL, và LDL phải dưới 70 mg/dL! Từ khi thuốc statins ra đời đến nay, chỉ số bị truỵ tim cho những người dùng thuốc, giảm từ 3% xuống còn 2%, trong khi tỉ số bị bệnh mất trí nhớ tăng gần gấp ba.
Sẵn đang nói về xe và xa lộ, dường như cách chữa bệnh xe nhả ra khói (cholesterol cao) hiện nay là bằng cách, bịt ống khói hoặc là huỷ bớt một, hai xy-lanh (uống statins kinh niên) để cho xe chạy bớt ra khói, thay vì làm sạch đường ống dẫn xăng và thay xăng dầu (thể dục thể thao, cải thiện thức ăn, bớt đường và tinh bột).
Đến đây bạn đã hiểu tại sao tôi kể chuyện nhà khoa học gia và con dế, phải không?
** Bác Sĩ Hồ Ngọc Minh chuyên khoa về hiếm muộn, vô sinh, và lựa chọn trai gái theo ý muốn. Phòng mạch tọa lạc trong khuôn viên bệnh viện Fountain Valley, CA 92708.