Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon

Diễn Đàn của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Keywords
linh chất quốc chẳng bich truyện sáng nguyet nhac không thuoc quynh Trung ngam Chung ngắn Nhung quang Nguyen VNCH hoang quan chuyen trong phải Saigon
Latest topics
» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:38 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» qua đi thôi bão nổi
Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeSat Mar 11, 2023 3:11 am by Admin

» Cụ Hoang Xuân Hãn
Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeSun May 08, 2022 10:37 pm by Admin

» Giáo dục VNCH - Giáo dục con đường khai phóng
Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeMon Jan 10, 2022 4:06 am by Admin

» Suy tư về kiếp người - Về Cùng Cát Bụi
Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeSun Jan 09, 2022 4:25 am by Admin

» AI ĐÃ HẠ GỤC CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN?
Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeSat Jan 08, 2022 2:41 am by Admin

» NHẠC THIỀN - Cõi Thiền trong Âm Nhạc
Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeThu Jan 06, 2022 4:11 am by Admin

May 2024
MonTueWedThuFriSatSun
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  
CalendarCalendar
Affiliates
free forum

Affiliates
free forum


 

 Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già

Go down 
3 posters
Tác giảThông điệp
ĐViếtCư
Khách viếng thăm




Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeFri Aug 23, 2013 1:41 am

.

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Image

Bơ Vơ Phận Già

Tôi đang đứng lơ mơ ở cột đèn giao thông chờ băng qua đường, bất chợt một bà bác chống gậy khập khiểng bước đến cạnh tôi lên tiếng hỏi:
- Cô ơi ! cho tôi hỏi thăm một chút.
- Dạ, có chuyện chi đó bác?
Tôi quay lại sốt sắng hỏi. Bà bác với dáng điệu tất tả hoang mang khẩn khỏan nói:
- Tui muốn kiếm phòng mạch bác sĩ Hòang Mai, người ta chỉ tôi ở lối này nè mà không biết là căn nào. Với lại tui cũng muốn biết phòng mạch này ở dưới đất hay trên lầu. Nãy giờ tui đứng đây chờ coi có ai người Việt đi ngang để hỏi. Cô biết không làm ơn chỉ giùm tui đi.
Đèn xanh vừa bật lên cho khách bộ hành qua đường nhưng tôi đứng nán lại chờ nghe bác nói tiếp:
- Chân cẳng tui không thể lên cầu thang được cho nên muốn kiếm bác sĩ nào có phòng khám bệnh dưới lầu. Bác sĩ Mai này làm việc ‘’dưới đất’’ phải không cô?
Tôi chỉ căn nhà không xa phía trước nói:
- Con chưa từng đi bác sĩ này nhưng biết phòng mạch ở đằng trước kìa, chỉ cách đây mấy căn, để con dẫn bác đi và hỏi thử coi sao.
- Cám ơn cô quá, may là gặp cô tử tế, nói thiệt tui không biết chữ, cứ nhắm hướng đi cầu may rồi đi tới đâu hỏi tới đó thôi.
Nghe vậy, tôi nắm cánh tay bác vừa dìu đi vừa hỏi:
- Bác đi được không, ủa mà con cái bác đâu sao không đưa bác đi mà để bác đi một mình vậy? Nhà bác ở đâu, từ nhà ra đây bác đi bằng cái gì?
- Tụi nó bận đi làm hết rồi, tui đi bộ, chống gậy đi từ từ, nói nào ngay sau khi mổ đầu gối một thời gian, tui đi lại được, chỉ không lên thang lầu được thôi. Hôm qua con gái tui có hỏi ‘’má muốn đi bác sĩ hông tui chở cho đi’’ nhưng tui thấy tui đi được, không muốn phiền tụi nó nên nói không, thằng rể tui nó khó lắm cô à ! Tui buồn lắm, nhiều lúc muốn bỏ đi mà không biết đi đâu bây giờ. Thân già này đâu còn làm lụng gì được nữa đâu cô.
Vừa lúc tới trước cửa phòng mạch, tôi đẩy cửa dẫn bác vào gặp cô thơ ký. Tưởng ai xa lạ, ai dè cô này tên Chi, trước kia đã từng làm ở phòng mạch bác sĩ gia đình của tôi nên rất quen. Tôi hỏi:
- Bác sĩ Mai làm dưới lầu phải không Chi? Bà bác đây muốn khám bệnh mà sợ phải leo lầu vì chân yếu.
Chi nói:
- Dạ ở đây có hai bác sĩ, một nam một nữ đều làm ở từng dưới hết, bác muốn gặp bác sĩ nào vậy chị?
Tôi chưa kịp nói gì thì bà bác đã nhanh nhẩu trả lời huề vốn:
- Bác sĩ nào cũng được miễn là ở dưới đất thôi.
- Con đã nói là bác sĩ nào cũng làm ở từng dưới, bác phải nói rõ muốn gặp người nào mới được để con làm hồ sơ.
Chi hơi cau mày khó chịu. Tôi quyết định giùm cho bác:
- Cho gặp bác sĩ Hòang Mai đi Chi.
- Vậy bác cho biết ngày sanh và đưa con cái thẻ medicare đi bác.
Bà ngẩn người nói:
- Ngày sanh hả? Tui đâu có biết, ba má tui chết sớm, còn tui thì không biết chữ, làm sao biết ngày sanh. Tui chỉ biết năm nay tui 85 tuổi thôi.

Tôi và Chi đều lấy làm lạ, Chi sẵng giọng nói:
- Ủa sao kỳ vậy, mỗi khi làm giấy tờ gì người ta cũng cần phải biết ngày sanh tháng đẻ của đương sự, nếu bác không có ngày sanh thì đâu ai làm hồ sơ cho bác. Ai cũng phải có ngày sanh, dù ngày sanh thật hay ngày sanh giả gì cũng phải có một ngày để điền vô giấy tờ chớ. Vậy bác có giấy nhập quốc tịch hay passport gì mang theo không, cho con mượn coi đi.
Bà ngập ngừng ú ớ :
- Tui, tui cũng không biết, giấy tờ con tui nó cất hết cho tui. Bị tui già quá rồi, chắc nó sợ tui bỏ mất.
- Vậy thôi bác về hỏi lại con bác đi chớ không có ngày sanh con không giúp gì được cho bác hết.
Tôi đề nghị với Chi:
- Hay là Chi gọi văn phòng Medicare hỏi ngày sanh giùm bác đi khỏi mắc công bác trở đi trở lại. Chị cũng biết chuyện đó là confidential nhưng mình cứ thử coi sao.
Chi nhấc phone bấm số vừa gọi vừa nhăn nhó nói:
- Em cũng đang nghĩ tới chuyện đó nè nhưng chắc người ta không chịu nói hay nói đúng là không có quyền tiết lộ đâu chị à.

Quả thật hopeless. Chi gác điện thọai rồi bỗng phát sùng bâng quơ trách móc người nhà của bà:
- Mấy người này kỳ thiệt, biết má mình vậy sao không ghi sẵn một tấm giấy với đầy đủ chi tiết cho bà bỏ túi đi. Thiệt hết nói. Em đã biết là không được mà.
Thấy tình hình không giải quyết được gì, bà lấy cái hộp thuốc không trong túi xách ra đưa cho tôi và Chi coi rồi phân trần:
- Tui chỉ muốn gặp bác sĩ là để xin thuốc này thôi chớ không cần khám bệnh. Hồi trước tui đi bác sĩ Dũng bên kia đường kìa, nhưng bây giờ ổng dời đi chỗ khác xa quá tui đi không tới, nếu không được thì thôi để bữa khác tui trở lại. Thôi cám ơn hai cô nghe.
Tôi nhìn cái hộp thuốc rồi một tia sáng chợt lóe lên trong đầu, tôi hỏi bà:
- Bác mua thuốc này ở tiệm nào, có thể ở đó người ta có record ngày sanh của bác. Đi, con dẫn bác đi hỏi thử, biết đâu được.
Bà ái ngại nói:
- Nãy giờ tui làm mất giờ cô quá, thôi để tui đi một mình được rồi, tiệm thuốc cũng ở gần đây thôi. Cô lo đi công việc của cô đi, cô thiệt tốt bụng, tui cám ơn cô lắm.
- Không có gì đâu bác. Con cũng còn cha mẹ già cở tuổi bác, con rất hiểu sự buồn tủi, nỗi khổ của người già, nhứt là trong hòan cảnh bệnh tật không thể tự săn sóc mình. Như bản thân con đây từ từ rồi cũng sẽ tới giai đọan đó, chỉ cầu mong lúc đó có ai thưong tình ban bố cho chút tình người, đừng hất hủi đuổi xô mình là đủ an ủi rồi.
Nghe tôi thành thật tỏ bày, bà cũng tủi thân sụt sùi kể lể:
- Con tui nó bảo lãnh tui qua hồi năm 93. Tui có bốn thằng con trai một đứa con gái. Lúc đầu con cái tụi nó còn nhỏ, tụi nó còn cần tui coi cháu, giữ nhà. Bây giờ cháu lớn hết rồi, tụi nó thấy tôi hết xài, dư thừa chướng mắt cho nên đẩy tui qua hết đứa này tới đứa nọ. Con trai thì sợ vợ, con gái thì nể chồng, hiện giờ tui ở với con gái út, nó cũng thương tui nhưng thằng rể tui khó khăn quá, ai muốn tới thăm tui nó cũng không vui, riết rồi tui không còn bạn bè gì hết. Nếu có chuyện gì cực chẳng đả nhờ nó thì nó nói nhà này không có ai ở không.
Tui biết đứa nào cũng phải lo đời sống của nó, tui đâu có dám đòi hỏi gì nhiều đâu . Tại tui sanh tụi nó ra thì phải nuôi nấng làm tròn bổn phận người mẹ chớ thiệt tình tui không trông mong gì tụi nó đền ơn báo hiếu cả, nhưng ngặt một nỗi ở xứ này cái gì tui cũng không biết thành ra phải sống nương tựa tụi nó đó thôi. Nếu lúc trước biết vậy thì tui đâu có qua đây làm gì, bây giờ trở về thì nhà cửa đâu mà ở. Nhiều khi tui cầu trời khẩn Phật cho tui chết quách cho xong cái thân già vô dụng này để khỏi làm phiền con cái, tui không hiểu sao có nhiều người lại ham sống thọ, thọ để làm gì, sống càng lâu càng thêm khổ chớ vui sướng gì mà chúc thọ cho nhau.
Tôi hưởng ứng:
- Con cũng nghĩ như bác vậy. Những người bạn cở tuổi con ai cũng nói trong ba chữ ‘’Phước Lộc Thọ’’ chỉ cần một chữ ‘’Phước’’ là đủ rồi. Chớ ham chi chữ ‘’Thọ’’, sống dai dẳng mà bệnh triền miên cũng là vô phước. Ai cũng “chơi khôn’’ cầu xin cho mình ngủ rồi được đi luôn êm thắm cho khỏe, kêu là chết tốt, không bị bệnh hành vật lên vật xuống khổ thân đó bác. Mà con thấy hiếm có người được phước như vậy lắm.
Khi tới tiệm thuốc, gặp hai vợ chồng chủ tiệm người Việt Nam, tôi trình bày:
- Chị à, bác đây muốn đi bác sĩ xin toa thuốc mà vì không nhớ ngày sanh nên không thể lập hồ sơ được. Tôi dẫn bác lại đây hỏi thử chị coi trong record mua thuốc của bác có ghi birthday của bác không.
Bà vợ bảo ông chồng đi lục hồ sơ ra coi và nói với bà bác:
- Nếu bác hết thuốc uống thì tụi con cho bác mượn trước một hộp rồi khi nào xin được toa bác sĩ, bác đưa lại cho con sau cũng được. Bác không cần phải có toa ngay bây giờ đâu.
Bà khóat tay phân bua:
- Thật ra tui còn thuốc ở nhà, chỉ muốn đi bác sĩ xin hờ để đó, hồi trước tui đi bác sĩ Dũng mà bây giờ ổng dời đi xa quá, tui định kiếm đại một bác sĩ nào ở gần đây để xin thuốc tiếp tục thôi, ai dè cô thơ ký nói phải có ngày sanh. Gặp cô này tử tế, cổ nhứt định dẫn tui đi phăng ra cho được.
Ông chồng chủ tiệm sau khi coi lại record bèn nói:
- Trong record chỉ có số mật mã pensioner chớ không có ngày sanh của bác, nếu bác hết thuốc thì con đưa trước cho bác dùng còn chuyện ngày sanh thì chắc bác phải về kêu con bác coi lại trong giấy tờ nào đó.
Tôi còn rán làm tài khôn:
- Tôi biết kiếm ở đâu rồi. Chắc chắn là trong hồ sơ của bác sĩ Dũng. Anh chị có số phone của bác sĩ Dũng không? Nếu có thì gọi giùm cho bác hỏi cô thơ ký ở đó thì tìm ra chớ gì.
- Rất tiếc là chúng tôi không có.
Nghe bà chủ chemist nói vậy, bà bác bảo tôi:
- Thôi thôi khỏi làm phiền nữa đâu cô à, để bữa khác tui trở lại. Tui còn thuốc uống mà, nãy giờ cô dẫn tui đi vòng vòng mất cả tiếng đồng hồ của cô rồi, tui ngại lắm, thiệt là cám ơn cô hết sức.
Tôi buồn tình xuôi xị nói:
- Dạ không có chi đâu bác, con muốn giúp bác cho được mà hết cách rồi. Vậy thôi bác về nói với con bác ghi một tờ giấy với đầy đủ chi tiết tên tuổi ngày sanh, địa chỉ và số điện thọai nhà cho bác bỏ sẵn trong túi để khi bác đi đâu một mình rủi có chuyện gì, người ta còn biết đường mà liên lạc với người nhà của bác. Nhớ nghe bác.
Dặn dò bác xong tôi đi lo công chuyện của tôi. Trông người mà ngẫm đến ta, vừa đi tôi vừa tư lự nghĩ thầm, rồi đây một mai già yếu bệnh họan chắc gì mình thóat khỏi tâm trạng buồn tủi bơ vơ như bà bác này. Phải chăng đây là viễn ảnh tương lai, là cảnh ngộ chung của phận già, những kẻ sắp kết thúc một cuộc hành trình đầy gian khổ để về tới cõi quê hương vĩnh hằng, xác thân đã phờ phạc rã rời, như một chiếc lá vàng khô héo chỉ chờ một cơn gió nhẹ thỏang qua sẽ rơi rụng lìa cành yên ngủ thiên thu. Người đời thường nói ‘’Mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi mẹ tính tháng tính ngày’’cũng đúng thôi. Chua chát thay! một bà mẹ có thể hy sinh cả cuộc đời chịu thương chịu khó để nuôi nấng đùm bọc năm mười đứa con nhưng năm mười đứa con không đủ sức cưu mang một mẹ già hay một người cha yếu trong tuổi già không còn khả năng tự săn sóc. Bởi vì nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi chớ có đâu mưa từ dưới đất mưa ngược lên trời, đó là lẽ đương nhiên!
Sinh thì phải dưỡng, kẻ sinh thành tất nhiên phải có trách nhiệm ‘’dưỡng nhi’’ đến nơi đến chốn, còn chuyện ‘’đãi lão’’ thì tùy ở lương tri và quan niệm báo hiếu của mỗi người con. Những người làm con chắc gì họ đã muốn có mặt ở thế gian này, chỉ tại cha với mẹ bắt họ ra đời, bất đắc dĩ họ phải tranh đấu vật lộn với cuộc sống đầy thử thách cam go mà biết đâu trong một lúc nào đó quá chán chường tuyệt vọng, họ đã không khỏi than thở kêu trời:

Ai có thể cho tôi lời đáp
Vì sao tôi hiện hữu cõi này
Tôi không xin nhập cảnh vào đây
Hà cớ bỗng dưng tôi có mặt !?

Nếu kẻ làm cha mẹ thấu đạt tình lý đó thì mới mong tránh khỏi sự buồn tủi thất vọng khi một ngày nào đó bị con cái ruồng rẫy bỏ rơi. Hơn nữa cho dù con cái có hiếu thảo với cha mẹ đến đâu cũng không ai có thể trường kỳ phụng dưỡng cha mẹ đến chóang hết thời gian mà họ có thể dành riêng để hưởng thụ hoặc thực hiện hòai bảo gì đó của họ trong đời. Và điều đáng nói thêm là nếu cha mẹ sống thọ đến tám chín mươi thì tuổi đời của những người con cũng đã lên đến sáu bảy chục, cũng đã đi vào giai đọan lão bệnh thì sức khỏe đâu mà báo hiếu đỡ đần ngày này qua ngày nọ. Đó là chưa kể người già thường hay khó tánh, ít có người con nào có thể nhẫn nại chìu chuộng đến ngày cha mẹ qua đời.

Kinh nghiệm bản thân đã cho tôi thấy rõ điều đó. Lúc nhỏ tôi được ba má thương yêu cưng chìu, lớn lên lập gia đình rồi tôi cũng vẫn được ba má bảo bọc sống chung một nhà. Giờ đây khi ông bà già yếu đi đứng khó khăn thì tôi cũng đã tới tuổi bệnh, đau nhức quanh năm bốn mùa không một ngày biết khỏe. Vì vậy cho dù muốn phụng dưỡng đáp đền thì lực cũng bất tòng tâm. Tôi chỉ có thể nấu những món ăn mà ba má tôi thích, thăm viếng thường xuyên cho ba má vui, còn việc chăm sóc đỡ đần hằng ngày thì phải nhờ vào cô em gái mà thôi. Biết vậy cho nên tôi rất thông cảm với những người con còn cha mẹ già và tôi cũng không kỳ vọng gì con cái mình báo hiếu về sau.

Tôi vẫn thấy mỗi năm cứ đến ngày Hiễn Mẫu, ngày Từ Phụ hay là nhân dịp lễ Vu Lan, trên diễn đàn báo chí hay trang mạng, ôi thôi biết bao là lời hay ý đẹp ngợi ca vinh danh công ơn trời biển của đấng sinh thành. Mẹ là tất cả trên đời không còn gì có thể thay thế hoặc so sánh hơn được. Do đó, bất cứ văn nhân thi sĩ nào cũng đều dốc hết tâm tư đề cao tình phụ mẫu thiêng liêng bằng những vần thơ thắm thiết tận đáy lòng khiến những người con nào dù vô tình đến đâu đi nữa cũng phải chạnh lòng ăn năn…

Nhưng thực tế đời thường, chắc gì chính bản thân những tác giả đó đã có lấy một ngày chăm sóc phụng dưỡng song thân họ. Ai cũng than thở vì nghịch cảnh thế này thế nọ, không có cơ hội ở gần để phụng dưỡng báo hiếu, chỉ có thể bày tỏ bằng lời. Nói thì hay thì dễ nhưng giả sử như họ sống chung với cha mẹ, phải nuôi bệnh người cha mang chứng Alzheimer mất trí hay người mẹ bị stroke bại xuội nằm liệt giường, mỗi ngày phải canh giờ cho uống thuốc, đút ăn, thay tả, rửa ráy vệ sinh thì chừng đó chắc gì họ còn tinh thần thỏai mái để mà nhả ngọc phun châu?! Trong bản năng tiềm thức con người, có ai mà không biết ‘’thờ cha kính mẹ mới là đạo con’’. Nhưng nói là một chuyện, thực hành lại là một chuyện khác không dễ chi vuông tròn !


Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Hinh+Rose
Người Phương Nam
Về Đầu Trang Go down
hoangvu
Khách viếng thăm




Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeMon Feb 02, 2015 3:14 pm

.

Nước Mắt Chảy Xuôi - Người Già Việt ở Phương Tây

Người Việt có câu “Mười con không nuôi được cha mẹ”, nhưng bao giờ “Nước mắt (cũng) chảy xuôi”. Có lẽ đó cũng là kiếp luân hồi của con người.

Đã có bao câu chuyện buồn về những người già ở phương Tây, nhưng với văn hoá, đạo lý truyền thống của người Việt dường như nỗi buồn đó còn là nỗi đau gấp bao lần vì những người già phải xa quê hương, nguồn cội... Bài tạp văn của Huy Phương mang đến cho bạn đọc một nỗi niềm đau đáu khó quên...


Cứ mỗi lần có dịp phải vào nhà dưỡng lão để thăm người quen hay bạn bè, tôi thường có những suy nghĩ và ám ảnh, liệu rồi sau này lúc già yếu, bệnh hoạn, tôi có phải vào nằm ở đây không, mà ví như cha mẹ tôi còn sống, tôi có khả năng nuôi nấng săn sóc cha mẹ tôi ở nhà không hay lại phải đưa quý cụ vào đây?

“Nước mắt chảy xuôi” là thành ngữ Việt Nam nói đến tình thương chỉ có thể từ cha mẹ dành cho con cái, theo dòng thuận của đời người, từ cao xuống thấp, để khuyên chúng ta đừng đòi hỏi một sự báo đáp từ con cái. Nhưng sự thật, các bậc cha mẹ cũng buồn lòng khi thấy con cái đối xử với mình tệ bạc, nhất là đến tuổi già, bệnh tật, có khi bị bỏ quên, cha mẹ cô đơn, cần sự an ủi, săn sóc.

Trong một bài viết về nỗi niềm của cha mẹ già bị bỏ quên trong xã hội hôm nay, tôi nhận được lá thư của một vị cao niên ở tận miền đông, bày tỏ ý kiến của cụ:

“Tôi đã khóc, khóc cho chính mình và cho ai trong tuổi già ở xứ này. Ông kể lại có cụ già đã chết cả một hai tuần, không ai biết. Con cái ở đâu? Đó là những người có con mà còn vậy, còn những người không con thì chắc phải vô trường hợp này quá. Vì tôi không con gái, chỉ hai “đực rựa”, một ở Cali, một ở gần đây, nhưng ít khi kêu, và có khi không kêu hỏi thăm được một tiếng, lúc cần tiền hay cần gì đó mới kêu.

Có lúc tôi nghĩ: hay mình bất hiếu với cha mẹ nên con cái nó bạc với mình chăng? Ở Florida này cũng có một bà Việt Nam ở riêng, mỗi tuần có cậu con trai mang đồ ăn tới. Hôm đó cậu ta kêu cửa, nhưng không thấy mẹ ra mở. Cậu ta tưởng bà cụ đi vắng bèn treo gói đồ ăn vào hàng rào cổng. Mấy ngày sau trở lại, thấy gói đồ ăn vẫn còn, mới khám phá ra bà mẹ đã chết. Thật là thảm!”.

Câu chuyện như trên có thể xảy ra bất cứ ở đâu, nhưng chắc chắn là chuyện có thể tránh được. Nếu mẹ ở nhà riêng, con nên có một cái chìa khoá nhà để dùng lúc cần thiết. Đem thức ăn đến cho mẹ, khi mẹ đi vắng, dù bận thế nào đi nữa, thì cũng vào nhà, để thức ăn vào tủ lạnh cho mẹ. Nếu mẹ ngủ thì cũng vào nhà xem mẹ có khoẻ không? Điện thoại cho mẹ nhiều lần mà không nghe trả lời thì phải nhờ người ở gần, đến gõ cửa nhà mẹ xem sao, hay vội vàng chạy lại xem sự thể thế nào?

Trái tim của người mẹ có nhiều chỗ dành cho đứa con, như đôi cánh của một con gà mẹ có thể dang ra che kín mười đứa con bé dại, nhưng người mẹ có chỗ nào trong trái tim của con? Ngày xưa, mẹ chưa bao giờ biết nói tiếng “bận” với con. Khi đang ăn mà con “làm bậy” cũng phải buông đũa đứng dậy. Nửa đêm dù đau yếu, mỏi mệt nghe tiếng con khóc cũng phải mở mắt, vỗ về và ôm con vào lòng. Sao các con bây giờ vẫn thường nói tiếng “bận” với cha mẹ. Vì bận nên các con đưa cha mẹ già lú lẫn vào nursing home, vì bận, nên theo lời một cô y tá cho biết, nhiều gia đình bỏ cha mẹ vào đây rồi không bao giờ lui tới thăm viếng.

Cô cho biết nhiều người đã ở đây năm sáu năm rồi, không hề có ai lai vãng. Có bao nhiêu lý do để những đứa con có thể nêu ra để không còn chỗ nào trong lòng, nhớ đến cha mẹ. Nếu là đàn ông chúng ta nên vui, vì hiện nay trong các nhà dưỡng lão 70% là quý bà, vì các ông đã quy tiên sớm hơn vợ mình, thông thường ít nhất là 6 năm, để ngày nay khỏi phải chịu cảnh cô đơn, buồn tẻ.

Trước ngày Giáng Sinh tôi có dịp vào viếng thăm một người bạn sắp qua đời trong một nursing home. Trên hành lang dẫn vào phòng người bạn, và ngay trước chỗ làm việc của nhân viên ở đây, tôi thấy nhiều ông bà cụ ngồi trên những chiếc xe lăn, nhìn những người qua lại. Các cô y tá đã sắp xếp cho các cụ ra ngồi trên hành lang đối điện với văn phòng làm việc, một phần để trông chừng các cụ, một phần cho các cụ đỡ buồn.

Nhưng các cụ nhìn sự vật một cách dửng dưng, đôi mắt đờ đẫn, có người đã gục đầu xuống ngủ. Giá mà có người đẩy xe lăn đưa các cụ đi dạo một vòng ngoài trời nắng ấm kia, chắc hẳn các cụ vui hơn và biết đâu cuộc sống sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa. Giờ này trong công viên hay trên những con đường trong thành phố nhiều người mẹ đang đẩy chiếc xe đưa con đi dạo, nhưng vài mươi năm nữa ai sẽ đẩy xe lăn cho bà? Phải chăng định luật của cuộc sống và tình thương là “nước mắt chảy xuôi”, sẽ không bao giờ có một dòng nước chảy ngược về nguồn?


Người Âu Mỹ thường thèm địa vị của các bậc cha mẹ người Á Đông lúc về già vẫn còn được con cái lui tới săn sóc, nhưng họ cũng nên nhớ lại, họ chỉ nuôi con cho đến năm 18 tuổi là hết bổn phận, trên pháp lý, không ai trừng phạt gì họ được, mà trên mặt tình cảm cũng không có gì phải cắn rứt lương tâm. Trong xã hội văn minh này, một đứa trẻ bỏ học, đi lang thang ngoài đường hay bị đối xử tàn tệ, cha mẹ có thể ra toà và mất quyền nuôi dưỡng, còn những cụ già vô gia cư, đói khát bị bỏ bên lề đường, không ai có trách nhiệm và chẳng có ai phải ra toà.

Điều đáng nói là các cụ già cũng như những đứa trẻ, đều yếu đuối, không có khả năng tự bảo vệ và rất dễ xúc động, buồn vui. Trong một xã hội đáng gọi là văn minh, các trẻ em và người cao niên đều được che chở, bảo vệ và săn sóc chu đáo. Các cụ có các cơ quan xã hội lo thuốc men, thực phẩm nhưng với nỗi cô đơn, phiền muộn ai là người lo cho các cụ, trong khi những đứa trẻ có người an ủi, vỗ về và nói với nó những lời dịu ngọt.

Ngân khoản của Liên bang cấp để ngăn ngừa tình trạng lạm dụng có đến 90% dành cho việc ngăn ngừa lạm dụng trẻ con, 7% để ngăn ngừa bạo hành trong gia đình nhưng chỉ có 2% sử dụng trong việc ngăn ngừa ngược đãi người già. Không biết có bao nhiêu đạo luật và ngân khoản dành cho việc chống lại việc ngược đãi súc vật?

Cứ vào “Pet-Abuse.com” chúng ta sẽ tìm thấy hàng nghìn trường hợp công dân Mỹ, già và trẻ, đàn ông lẫn đàn bà bị tù tội, phạt tiền vì bạc đãi, bỏ đói, đánh đập hoặc giết những con vật thân yêu trong nhà. Bỏ quên một bà mẹ già trong nhà dưỡng lão nhiều năm có phải là một trường hợp ngược đãi không? Chẳng lẽ là không? Vì nếu có, luật pháp đã bắt đứa con phải phạt vạ hay vào nhà tù.

Theo người xưa, tuổi thọ là một ơn Trời và là một phúc đức lớn cho gia đình nào có cha mẹ tuổi thọ cao, trước nhất là của chính người cao tuổi nhưng đồng thời cũng là cho con cháu, bởi vì cha mẹ có sống lâu, con cháu mới có cơ hội được thể hiện lòng hiếu thảo. Có ba điều người ta thường mong ước ở đời là Phước, Lộc và Thọ. Phước có chỗ đứng cao hơn hết, Lộc thì phù du mà Thọ chưa hẳn đã là may mắn.

Huy Phương

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Mhtr17%252814%2529
Về Đầu Trang Go down
NTcalman




Posts : 614
Join date : 13/03/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeMon Aug 13, 2018 12:16 am

.
Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Amerasian_4


Cô Nhi Viện và Viện Dưỡng Lão
Trần Thiện Phi Hùng


Từ xưa đến nay, tôi chưa bao giờ có ý tìm lại cha mẹ. Tôi hiểu rằng những đứa con lai, nhất là lai Mỹ đen như tôi, là những đứa con ngoài ý muốn; hầu như ít khi biết thực sự cha của đứa trẻ là ai.
Tôi bị Mẹ của tôi bỏ sau khi sinh ra mới có 48 giờ ở tại nhà thương. Tôi lớn lên trong cô nhi viện và trốn ra khỏi cô nhi viện năm 13 tuổi, ra giang hồ bữa đói bữa lạnh; sau cùng ghép hộ làm con một gia đình có 4 em 2 trai 2 gái để ra đi sang Mỹ theo diện Con Lai.

Tôi đến Mỹ năm 20 tuổi và đi làm ngay góp phần nuôi 4 đứa em đi học. Sau 18 năm các em 2 đứa là bác sĩ, 2 đứa là kỹ sư; Tôi bị ba má nuôi đuổi ra khỏi nhà vì gia đình sợ mang tiếng với suôi gia nhà trai nhà gái của 4 đứa em tôi. Tôi chưa được đến trường ngày nào trên đất Mỹ.
Mới 40 tuổi mà mắt đã mờ! Tôi đến gặp Bác sĩ gia đình, xin giấy giới thiệu gặp Bác sĩ chuyên khoa để có đốt hay mổ gì thì họ đưa đi hay chữa cho khỏi mất công.
20 năm rồi trên đất Mỹ, nhưng tiếng Mỹ của tôi chưa đầy lá mít,  nên tôi nhờ cô thư ký ở văn phòng bác sĩ gia đình tìm Clinic nào có người nói được tiếng Việt. May sao có clinic lớn mà chỉ đợi có 2 tuần, nhưng lại phải là giờ cuối cùng sắp đóng cửa!
Tôi đến sớm trước giờ hẹn nửa tiếng, đưa giấy giới thiệu cho một bà Mỹ già rồi ngồi ở phòng đợi chờ tới phiên. Tôi nhìn quanh coi có ai là Việt Nam mình không, nhưng chẳng thấy ai.  Bệnh nhân lần lần được gọi vào phòng khám rồi ra về gần hết vì sắp đến giờ đóng cửa. Sau cùng thì tôi cũng được gọi tên do một cô gái có nét Việt Nam mà từ nảy giờ tôi chưa hề thấy. Cô ta nói tiếng Anh với tôi từ lúc gọi tên đến lúc bảo ngồi ghế nhìn đọc. Tôi không hiểu rõ hết được nên hỏi cô có nói được tiếng Việt Nam không? Cô ta tỏ ra ngạc nhiên.
- Anh không phải là người Mỹ sao?
- Tôi là người Việt Nam.
- Nhưng Anh đâu có nét nào giống người Việt đâu?
Như biết mình lỡ lời, cô ta nói thêm tiếng “Sorry“.
- Chị không phải Sorry, nhiều người nói như thế mà! Tại tôi giống Mỹ Đen. Chị quê ở đâu ở Việt Nam?
- Ba tôi người Mỹ Tho, Mẹ ở Bình Dương nhưng tôi sinh ra ở Miền Trung, Nha Trang. Anh tôi và tôi đều sinh ở Nha Trang vì cha là Hải Quân  phục vụ ở Quân Trường Nha Trang.
- Tôi cũng sinh ở Nha Trang; nhưng rất tiếc là không biết cha mẹ của Tôi là ai?
- Anh sinh năm mấy? Cô ta vừa hỏi nhưng nhớ lại hình như câu hỏi có hơi thừa. Hồ sơ bệnh của tôi đang để trên bàn nên cô ta nhìn và ngạc nhiên nói:
- Ngày tháng năm sinh của anh giống y như của tôi! Có phải anh sinh ở nhà Bảo sinh Quân đội Nha Trang hay không?
- Đúng rồi, sau cô biết vậy?
- Ba má tôi có kể cho tôi nghe và tôi còn nhớ. Tôi sinh ra lúc 12 giờ trưa thì khoảng 8 giờ tối có một bà nữa sinh một bé trai. Sáng hôm sau, khi cha tôi vào thăm, mẹ tôi nói là bà mẹ sinh tối hôm qua muốn cho con của bà. Ba tôi nói, vậy mình xin, sẵn nuôi luôn có gì mướn thêm người giúp việc có sao đâu. Mẹ tôi nói Mỹ đen đó. Cha tôi nghe vậy, có đến nhìn thằng bé, rồi trở lại bảo nó cũng không đen lắm, trông rất dễ thương. Nhưng mẹ tôi không đồng ý, nói sợ người ta đàm tiếu. Cha tôi bảo: Anh bất cần thiên hạ. Chỉ cần em chịu là anh xin ngay. Nhưng cuối cùng mẹ tôi không chịu và nói mình đã có một trai một gái đủ rồi.
Thấy tôi chú ý nghe câu chuyện, cô ta nói thêm:
- Nếu anh là Mỹ trắng, có lẽ mẹ tôi đồng ý nuôi anh, và anh đã là em của tôi.
Sau phần làm thủ tục, tôi phải vào gặp bác sĩ chuyên khoa, khi xong thì cô ta đã về rồi.

Tôi về nhà mà vẫn bị ám ảnh vì câu chuyện do cô y sĩ nhãn khoa kể lại.
Ba của cô ta là người thế nào? Sau ông ta lại có ý tưởng xin tôi để nuôi? Phải tìm gặp ông ta mới được, tôi tự nhủ.
Ít ngày sau, tôi trở lại tìm gặp cô y sĩ khám bệnh cho tôi hôm trước và xin được gặp Ba của cô ta. Cô ta bằng lòng ngay, viết cho tôi địa chỉ. Nhìn địa chỉ tôi hơi ngạc nhiên với 3 chữ “Viện Dưỡng lão”. Cô ta như đoán biết nên nói:
- Ba của tôi mới được đưa vào Viện Dưỡng Lão hôm tháng rồi.
Ngay Chủ nhật tuần đó, tôi vào Viện Dưỡng Lão xin gặp cái ông đã từng muốn nhận tôi làm con. Nếu tôi là con của ông ta, chắc tôi cũng sẽ như ba đứa con của ông đều tốt nghiệp Đại học cả, vì dù sao những kẻ có lòng tốt không để Tôi thất học.
Tôi chọn cái ghế nhìn được suốt dãy hành lang từ phòng khách đến phòng ăn để dễ nhìn người qua lại bên trong.

Một Ông chừng 65 là cùng mặc dù người tôi muốn gặp nay đã 71. Ông ta đi còn nhanh nhẹn lưng không khòm tay chân nhịp đi đúng là người lính nhiều năm trong quân ngũ năm xưa; chẳng có vẻ gì là một cụ già đến độ phải vào Viện Dưỡng lão để chờ chết!
Hình như được con gái báo trước nên ông ta đi thẳng đến đưa tay bắt tay tôi và từ giới thiệu:
- Chú tên là Hùng, cứ gọi tên và gọi Chú cho bớt già hơn là gọi Cụ hay Bác.
Ông ta còn lanh lẹ, tiếng nói còn uy nghi rành rọt không có chút gì run rẩy hay khàn giọng của người già.
Ông ta hỏi: Tôi dành bao nhiêu thì giờ để gặp ông ta. Tôi nói cả ngày hôm nay cũng được. Ông ta hỏi tôi có uống cà phê và hút thuốc được không. Tôi nói được cả hai.
Ông ta đến nói với người quản lý xin được tiếp tôi ở phòng riêng để mời người bạn trẻ ly cà phê; rồi ông bảo tôi đi theo ông ta.

Theo ông ta về phòng riêng, tôi đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác.
Căn phòng có mùi dầu thơm chứ không khai và hôi như thiên hạ thường nói về nơi người già sống. Cái bàn Computer có cả máy in TV DVD player và Multimedia player với mấy chồng CD và DVD ca nhạc. Ông ta bắt đầu nấu nước pha cà phê phin; vừa làm vừa giải thích đây là cà phê Ý pha với cà phê Ban Mê Thuộc cho có đủ vị đắng và thơm.
Xong hai ly cà phê, ông bảo tôi “Đi, mình ra vườn. Ra bằng cửa này.” Cửa hông từ trong phòng riêng của ông mở thẳng ra vườn.  Ông nói, áp phe lắm mới được phòng nầy ăn thông ra vườn để trốn ra ngồi hút thuốc.
Khu vườn thoáng mát, vắng vẻ. Ông lấy ra bao thuốc Vogue mời tôi một điếu. Đây là loại thuốc điếu nhỏ chỉ bằng phân nửa điếu thuốc thường nhưng dài hơn và nặng hơn. Ông đốt thuốc cho Ông và đưa quẹt gaz cho tôi để tự tôi đốt lấy. Hớp xong hớp cà phê ông hỏi:
- Vừa không Cháu?
- Dạ ngon và thơm lắm, Chú.
- Nào giờ thì cháu muốn biết gì cứ hỏi. Chú nhớ được gì sẽ nói nấy.
- Cháu không có mục đích tìm cha hay mẹ, vì có muốn chắc cũng không bao giờ tìm được mà tìm để làm gì! Chú biết được nhớ được gì cháu cũng muốn biết hết.
- Con trai lớn của chú và con gái đều sinh ở bảo sinh viện Quân đội thành phố Nha Trang. Con gái của chú sinh lúc 12 giờ trưa. Chú bận nên 2 giờ chiều mới vào thăm sau đó đi làm và chiều vào thăm vợ con đến gần 7 giờ thì về. Sáng hôm sau chú vào thăm vợ con sớm trước khi đi làm thì phòng bên có thêm một sản phụ mới. Vợ chú nói bà ta mới sinh lúc 9 tối, nhưng không muốn nuôi nên cho con.

Chú bước sang đứng cửa phòng bên nhìn vào hơi tối nhưng cũng thấy mặt được cháu bình thường như bao trẻ khác nhưng đẹp hơn con gái chú nhiều; vì khi mới sinh con bé của chú trán nhăn ba lằn, giống y như chú, mũi gãy trán cao gần như vồ. Chú trở lại nói với vợ là mình có thể xin đứa bé. Nếu nuôi luôn 2 đứa chú sẽ mướn thêm người giúp việc. Nhưng vợ chú nói “Con Mỹ đen đó. Anh không sợ nhưng Em sợ miệng đời. Chú nói, không lẽ sinh đôi mà một đứa con Việt nam còn đứa kia là con Mỹ hay sao mà sợ. Vợ chú nói thôi, nếu trắng em mới nuôi. Chú Sorry với cháu. Tại chú cháu mình không có cái duyên làm cha con với nhau!
Thấy tôi chăm chú nghe nhưng không nói gì, ông kể tiếp:
- Chiều hôm đó Chú vào thăm thì thấy Má của cháu đi lại nhanh nhẹn chứ không nằm liệt như vợ của chú. Mẹ của cháu là người cao lớn, đẹp, coi mạnh khỏe và lanh lợi hơn vợ của chú. Nghe nói mẹ cháu ở đâu ngoài Chu Lai hay Qui Nhơn gì đó vào Nha Trang sinh; Chồng bà ta là Trung Úy Biệt Kích đi hành quân vùng Một ít khi về thăm. Có lẽ Má của cháu làm sở Mỹ có quan hệ trong sở, nên khi có bầu không biết là con của chồng mình hay với ai nên cứ sinh rồi mới tính. Nếu là con Việt thì đem về nuôi mà là con lai thì cho luôn. Sáng hôm sau, khi chú vào thăm thì vợ chú cho biết người đàn bà đó đã bỏ con và rời nhà thương lúc nửa đêm; nên nhà thương giao cháu cho Ban Xã hội của Quân Đội lo. Hầu hết là đem vào Viện Mồ Côi. Chú chỉ biết bao nhiêu đó. Cháu còn muốn biết đìều gì thì cho biết,  nếu chú có thể giải thích thì chú sẽ nói cho Cháu biết.

Tôi nói với ông:
- Chú đã nói ra tất cả những gì cháu thắc mắc. Bấy lâu cháu thắc mắc “Tại sao không muốn sinh con mà không phá thai; sinh ra để bỏ thì sinh làm gi?” Nay chú nói cùng môt lúc sống với chồng mà còn phải sống với Mỹ thì làm sao biết con của ai nên cứ phải sinh ra rồi mới tính thì có lẽ là cách giải thích hợp nhứt cho trường hợp của cháu. Cháu hận mẹ hận cha mặc dù cháu không biết họ là ai;  Từ thời thập niên 60 đến 1975 không biết đã có bao nhiêu trẻ mồ côi như cháu. Cháu hận bà mẹ, hận đàn bà nên đến nay mà cháu vẫn chưa lập gia đình!

Ông ta mồi thêm điếu thuốc và để gói thuốc cạnh tôi ra dấu mời. Tôi xoa tay từ chối trong im lặng. Ông ta đột nhiên cười khá lớn rồi ngó vào mắt tôi hỏi:
- Cháu có biết Viện Dưỡng Lão để làm gì không?
- Thì để cho người già sống.
- Ừ! Cả miền Nam Việt Nam trước 75 chú chỉ biết có một Viện Dưỡng lão ở Thị Nghè gần Xa Lộ Biên Hoà; nhưng cũng chỉ có mấy chục người, gồm những người không nhà, không con cháu không thân nhân mà người ta gọi là tứ cố vô thân. Tại Việt Nam trước đây, hầu hết người già sống nhờ vào con cháu nuôi vì bởi cha mẹ còn trẻ làm nuôi con cháu đến khi già thì nuôi lại coi như trả hiếu hay trả công. Xứ tư bản này, mỗi tiểu bang có mấy chục Viện Dưỡng lão. Già thì dù có con hay không con, có nhà hay không nhà giàu sang cũng như nghèo cũng đều phải vào Viện Dưỡng lão, bởi lý do con cháu ai cũng bận đi làm, không chăm sóc được.

Ông thở khói rồi tiêp:
- Chú có ba người con, ba cháu nội thì còn quá nhỏ không tính; nhưng cả đời, chưa bao giờ chú để các con của Chú đói lạnh. Sau 75 khổ sở thế nào Con của Chú vẫn không bị ăn độn. Sau đó chú đi vượt biên để được sống tự do và Vợ Con của Chú sang đây bằng máy bay do Chú bảo lãnh.
Ngày xưa chú còn trẻ sinh con bận bịu tại sao chú không gởi vào Viện Mồ Côi để được rảnh đi làm và hưởng thụ cái tuổi hoa mộng của Chú. Bận rộn đi làm lắm khi đói khổ vẫn không bỏ các Con; (một câu than nhẹ nhưng buốt thấu tâm can; suy nghĩ, học và hành cả một đời cũng không hiểu hết tình cha) nhưng Cháu có biết tại sao Chú còn mạnh khỏe đáng lý chưa đến độ vào đây; thế mà chú lại ở đây! Chú cũng còn là con người biết đủ hỷ nộ ái ố lạc, 71 tuổi là già nhưng Chú chưa mất trí còn tự mình chăm sóc được nhưng Chú bị tai biến mạch máu; Tim ngừng đập nên xe cứu thương đưa vào bệnh viện. Từ bệnh viện có thể đưa trực tiếp người già vào viện dưỡng lão ít có xét hồ sơ hay phỏng vấn phiền toái coi thực sự già lú lẫn hay chưa như trường hợp ở nhà muốn gởi vào Viện Dưỡng lão.
Người già nào hay nói ra người trẻ cũng lắm khi quên tắt lửa lò bếp hay quên chìa khóa hay quên bóp; nhưng già mà bị tố là có lắm cái quên như thế thì bị kết tội là “lú lẫn”. Chú bị đưa thẳng vào Viện Dưỡng lão trong trường hợp nầy cho dễ hơn nếu sau nầy chú về nhà thì khó có được sự dễ dàng để vào đây nên các con của chú tố chú lú lẫn để bỏ luôn chú vào đây một cách dễ dàng sớm hơn dự định của Chú.
Có con nhưng chúng bận rộn đi làm, chúng có đời sống riêng nên không chăm sóc cho cha mẹ già được. Cháu thấy lý do nầy hợp lý chứ? (một câu hỏi nhẹ nhưng buốt thấu tâm can; suy nghĩ và tự mỗi người làm con tại hải ngoại sẽ tìm câu trả lời cho chính mình.

Nghe ông hỏi, tôi không biết trả lời ra sao. Ông tiếp tục châm thuốc, tiếp tục nói, vẫn với giọng tỉnh queo:
- Tuổi trẻ chú bận vừa đời lính ... lại khi VC chiếm Miền Nam thì cơ cực lầm than dễ gì đủ ăn no lòng; sao chú khờ dại không bỏ con mà chạy lấy thân để vui cuộc đời Việt Kiều độc thân. Tại sao phải thí mạng vượt biên rồi còn bảo lãnh con, nuôi con cho nên người để rồi các con cũng có thời tuổi trẻ bận như mình. Chúng bỏ mình nhưng ngày xưa mình lại không biết bỏ chúng. Cháu biết tại sao không? Là tại mình ngu.
Ông ta cười lớn nhưng sao cái cười quá chua chát:
- Cháu về bỏ hết, quên hết đi cái đời mồ côi của cháu đi mà vui sống. Vì cháu nên người ta mới lập “Viện Mồ Côi.” Và cũng vì có chú nên người ta mới lập “Viện Dưỡng lão.”

Lời an ủi của người từng có ý định làm cha nuôi của tôi làm tôi thấy mềm lòng. Nhìn ông, người cha bị con cái thành đạt bỏ vô viện dưỡng lão, tôi thật cũng muốn nói điều gì đó an ủi ông, nhưng không biết phải nói ra sao.
.
Về Đầu Trang Go down
PVChuong
Admin



Posts : 673
Join date : 25/04/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeFri Sep 07, 2018 11:48 am

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Images?q=tbn:ANd9GcSAyqSUt78HkRMkdCeCt_3_Oe_zV9tSxpxeMjGZ91zcxtN0VNQM


Cụ Già Tây, Cụ Già Ta
BS Đỗ Hồng Ngọc


Già Tây nhìn khó biết.
Hỏi tuổi là một điều tối kỵ, nhất là hỏi tuổi phụ nữ.
Nói chung già Tây trang điểm thật khéo (cả đàn bà lẫn đàn ông), ăn mặc đúng mốt và dáng dấp cử chỉ, luôn có vẻ nhanh nhẹn không thua một người trẻ, không để cho đám trẻ nhận ra mình già. Chỗ mỡ thừa nếu có thì họ đã nhanh chóng lóc bỏ (ở các thẩm mỹ viện), nên chỉ khi họ ở ngoài bãi biển mới có thể thấy những sẹo dọc sẹo ngang của họ.

Già Ta thì khác.
Già Ta hay làm bộ… già hơn tuổi thiệt của mình, họ cũng thường xưng tuổi, so tuổi, hỏi tuổi của nhau (kể cả phụ nữ), để coi ai lớn tuổi hơn ai vì lớn tuổi thì thường được kính trọng. Khi tính tuổi còn cộng thêm tuổi nằm trong bụng mẹ gọi là “tuổi ta”, hơn tuổi tây một tuổi, cho mau gìa thêm một chút.
Già Ta ít trang điểm, ít làm dáng, ăn mặc xuề xòa sao cũng được và nếu là đàn ông thường để bộ râu vuốt tới vuốt lui, đi đứng đường bệ, nói năng chậm rãi, tằng hắng ho hen đôi ba tiếng cho có vẻ… già làng, lão làng, cho tụi nhỏ nể nang ở chỗ đông người.

Hình ảnh già Tây dễ sợ. Già như cái gì đó gớm ghiếc, xấu xa. Phim ảnh, tiểu thuyết, kịch nghệ, ngay cả truyện cổ, truyện cười… hễ có một ông già thì thường là người biển lận, bủn xỉn, còn nếu là một bà già thì thường là mụ phù thủy độc ác.

Già Ta ngược lại, hình ảnh thường là tiên phong đạo cốt. Phúc Lộc luôn đi với Thọ, luôn là hình ảnh râu tóc bạc phơ, cháu con đầy đàn, tượng trưng cho hạnh phúc. Ông Bụt hiện ra, ông Tiên trong cổ tích nhất định phải là một ông già có bộ mặt phúc hậu với chòm râu dài, bạc trắng; bà Tiên cũng vậy, là một người hiền lành, tốt bụng, xinh đẹp. Ngay cả con lân râu bạc trong đám múa lân ngày Tết, mỗi khi xuất hiện thì các con lân khác cũng phải cung kính cúi chào.

Già Tây kể như hết thời bởi vì ở đó xã hội tôn trọng tuổi trẻ, sức mạnh, nhan sắc. Già cũng ráng làm bộ trẻ. Trừ những người giàu có còn thì phải sống cách ly với con cháu, thường được gởi vào nhà nuôi người già, thỉnh thoảng con cháu ghé thăm mà thường thì bỏ quên. Trong những nhà đó, họ sống quanh quẩn với những người già khác, có người tàn phế, tật nguyền, ngày nào cũng chỉ thấy rụng rơi tàn úa.

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Images?q=tbn:ANd9GcR1MiBtIbah2bVKII_WwfrqWviPl02aXv24ItOkBLfo61yq_Q2z

Già Ta thường được xã hội tôn trọng, với tập quán “kính lão đắc thọ”, nên chưa già lắm cũng làm bộ già. Tục ngữ có câu “Kính già già để của cho”… của đây không hẳn là tiền của mà là những kinh nghiệm quý báu. “Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ” cũng vậy, tôn trọng kinh nghiệm của người già! 

Già Ta thường sống chung với con cháu, đôi khi cả ba bốn thế hệ cùng chung sống dưới một mái nhà (tứ đại đồng đường), hằng ngày người già được chơi đùa với trẻ con, được thấy những mầm non vươn lên. Già Ta tuy có bận bịu, vất vả nhưng vui, thấy mình còn có ích.

Già là một vấn đề văn hóa hơn là sinh học.
Tuổi nào thì già, thế nào là già thì không thể xác định được. Ở một nền văn hóa tôn trọng tuổi già người ta thích già sớm, có khi phải sắm vai… già; ở một nền văn hóa tôn trọng tuổi trẻ, sức mạnh, nhan sắc, người ta ráng che giấu tuổi già, sắm vai trẻ.

Tổ chức Sức khỏe Thế giới khuyến khích một tuổi già năng động, sáng tạo, sống hữu ích cùng với con cháu trong một gia đình thì tốt hơn là cách ly họ, xa lánh họ.
“Già không phải là một gánh nặng mà là một nguồn lực”.

Trong một thế giới “toàn cầu hoá” như hiện nay thì sự phân biệt già Tây gìa Ta không còn rõ nét như xưa nữa. Và tại những nước có tuổi thọ rất cao hiện nay như Nhật, Thụy Điển thì người ta có những chương trình chăm sóc cho người già khá tốt cả về mặt sức khoẻ cũng như về tâm lý xã hội.

Ngoài chuyện rèn luyện thể lực để duy trì sức khoẻ, dinh dưỡng đúng cách để tránh bênh mạn tính dễ gây tàn phế, người gìa còn được học vi tính để có thể giao du với bạn bè trên khắp thế giới qua mạng… Họ vừa có thể  sống trong gia đình với con cháu, lại vừa sống với  nhóm bạn cùng lứa tâm đầu ý hợp, có thể kết bạn tâm tình mà không phải kết hôn… lôi thôi.

Nói cho cùng, cũng có những người có điều kiện bắt chước Uy Viễn Tướng Công tủm tỉm cười trong màn:
“Ngũ thập niên tiền nhị thập tam ".

BS Đỗ Hồng Ngọc
Về Đầu Trang Go down
NTcalman




Posts : 614
Join date : 13/03/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeWed Sep 12, 2018 2:18 pm

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  C1663b365e2e4bcbb7895e3b539fab98

Quá đỗi vô tình!
Tạp ghi Huy Phương


Tuần rồi tôi có dịp đi thăm hai người, một người bạn đang nằm trong quan tài tại nhà quàn, và một bà cô đang nằm trong nhà dưỡng lão. Người bạn không biết tôi là ai đã đành, vì người ấy đã chết, nhưng bà cô còn sống cũng không biết tôi là ai vì bà đã mất trí nhớ! Người bạn này ngày hôm trước còn vui vẻ chuyện trò với bạn bè, nhưng sáng hôm sau, người nhà không thấy thức dậy, vào phòng thì thấy ông đã chết. Bà cô, một đời giàu có lẫy lừng, giờ cũng trắng tay, vào chỗ nghỉ cuối cùng cũng đã hơn năm.

Cả hai người không ai thấy khổ, một người đã qua bên kia thế giới, chỉ còn lại xác thân rồi cũng tan rữa trong lòng đất hay thành tro bụi rải xuống lòng biển; người còn lại phần trí nhớ đã là một khoảng không gian mờ mịt, chỉ sống theo bản năng, hít thở hay biết đói, đau, đâu còn nhìn ra mặt người quen nữa.

Trong khoảng thời gian gần đây, tôi thấy bạn bè, hay người quen biết bỏ thế giới nay ra đi khá nhiều, và nhiều lúc ra đi quá đột ngột. Những điều chúng ta thường nghĩ là không ngờ, nhưng lại xảy ra, nhiều lúc có cái cảm giác là chuyện phi lý, nhưng thật ra là chuyện rất thường vẫn xảy ra trong cuộc đời thường.

Mấy tuần trước, trong bữa ăn sáng với một người bạn cùng đơn vị cũ, bỗng dưng tôi chợt nhớ đến một anh bạn làm chung phòng, hơn 15 năm nay, sau khi bị stroke, chỉ quanh quẩn trong nhà. Tôi đề nghị với bạn khác, ăn sáng xong sẽ ghé qua thăm kia, kẻo lâu ngày quá không gặp bạn cũ. Bạn tôi chần chừ: – “Hay để bữa khác đi anh. Hôm nay tôi phải chạy về nhà có chút việc”.

Tuần sau, điện thoại reo, tôi mở máy, bạn tôi cho biết: “Sơn chết rồi anh!”. Tôi la lên: “Đã nói mà, phải chi hôm nọ đi thăm thì đâu phải hối hận như bây giờ!”. Bạn tôi còn vớt vát: “Hôm đó đi thăm thì Sơn cũng đã vào bệnh viện rồi! Bây giờ thì đã quá trễ, tang lễ mới cử hành cách đây ba hôm. Theo sở nguyện của người chết, gia đình không đăng cáo phó”. Bạn tôi biết tin vì vừa đọc được tên Sơn trên trang phân ưu.

Tôi bắt đầu nổi cáu: “Thì ít ra vào bệnh viện, cũng gặp nó một lần trước khi nó chết!”.
Tôi đăng một mẩu chia buồn ngắn ngủi trên một tờ nhật báo, mở đầu bằng câu: “Quá đỗi vô tình, được tin trễ… ”. Nhưng người chết đâu có xem được trang báo và biết cho nỗi hối tiếc của chúng tôi.

Nói ra thì buồn trong khi nhiều người đang vui! Mới nghe tin trễ, vợ một người bạn qua đời đã hai tháng nay, bà trối trăn, ngoài gia đình, đừng tin cho ai biết. Gọi một số bạn đi thăm thì lại nghe tin một người bạn tháng trước mới đưa vợ vào phòng cấp cứu, và nay đang ở trong nursing home.

Thật cũng quá vô tình, trách cuộc sống bận rộn, hay trách mình ít khi nghĩ đến người khác, số phận thiệt thòi, bất hạnh hơn mình. Nghĩ đến việc gì, nên làm ngay, thời gian không đợi mình, và người bạn tôi cũng không còn thời gian để... nằm chờ. Đã có thời gian nằm bệnh viện, rồi nơi phục hồi, tôi biết nỗi cô đơn của người bệnh là to lớn như thế nào.

Tôi được xem một cuốn phim Mỹ, trong đó một vị linh mục khuyên một người trai trẻ, nếu có cơ hội nên đi viếng thăm tang lễ của người quá cố, người bệnh trong nhà thương, người kém may mắn trong nhà tù. Đó là những việc lành. Và với tôi, xin thêm, những người già, kẻo không còn kịp nữa!

Hôm qua tôi vừa được điện thoại của một người bạn đã về hưu, nghĩa là cũng đã đến tuổi già, ở miền Đông nước Mỹ. Anh cho biết anh đang có một chương trình đi vòng quanh nước Mỹ và cả Canada để thăm những người bạn thân, bệnh tật và già yếu. Anh cho biết thêm, chỉ trong vòng nửa tháng, anh đã mất đi ba người bạn, lớn cũng như nhỏ tuổi, bệnh tật hay không, nên bây giờ có thời giờ nên thăm viếng, gặp gỡ nhau, kẻo “một mai bóng xế trăng lu, con ve kêu mùa hạ, biết mấy thu mới gặp chàng!”.

Tôi biết ở Mỹ này, nhiều người vì sinh kế phải đi làm ở tiểu bang xa, không có thời gian trở về thăm cha mẹ. Vào những dịp Lễ Tạ Ơn, Giáng Sinh và Tết Nguyên Đán, cha mẹ vẫn ngóng đợi con về. Con thì có bao nhiêu công việc bận rộn ở sở, cuối tuần phải cắt cỏ, dọn dẹp nhà xe, đưa con đi học đàn, học võ, mùa hè phải đi vacation, vắng nhà không có ai săn sóc con chó, con mèo hay bầy cá Koi trong hồ, ai cho ăn.
Đến khi nghe cha mẹ mất mới hối hả, mua vé máy bay về phục tang và khóc lóc. Để làm chi nữa!

Chuyện kể, một cụ già, góa vợ, sống cô đơn, buồn rầu sau khi nghe điện thoại của con gái và các cháu nói rằng sẽ không trở về thăm cha vào dịp Giáng Sinh năm nay. Người con khác cũng hứa hẹn sẽ cố gắng để về thăm cha vào năm tới, thế nhưng đã ba mùa Giáng Sinh trôi qua, người cha vẫn cô đơn mòn mỏi ngóng đợi những đứa con về.
Những người con sau đó đột ngột được thân nhân báo tin cha qua đời, lúc này, họ mới bàng hoàng nhận ra mình có một người cha trên đời nay, và hôm nay cha đã không còn nữa. Lòng tràn đầy hối hận và đau đớn, mắt rướm lệ, những đứa con vội vàng trở về nhà để tham dự tang lễ.

Bước vào nhà, họ ngạc nhiên khi thấy một bàn tiệc đã sắp sẵn. Người cha già bất ngờ bước ra, và câu nói đầu tiên của ông là: “Xin thứ lỗi cho cha. Cha chẳng còn cách nào khác để gọi các con trở về thăm cha”.

Bày ra bông hồng trắng, bông hồng đỏ mà chi? Nhiều lúc chúng ta quên chúng ta còn cha mẹ ở ngay trong nhà, trong thành phố, trong một tiểu bang xa, hay cả trong một nhà dưỡng lão. Xin hãy thăm viếng, trang trải tấm lòng, lo lắng, đừng để một mai kia rềnh rang nghi lễ “làm văn tế ruồi!”.

Huy Phương
(nguoi-viet.com – Sept. 24 - 2017)

Về Đầu Trang Go down
PVChuong
Admin



Posts : 673
Join date : 25/04/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeSun Sep 23, 2018 1:28 pm

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  42e7b9c0f1434c79ae2b43fa34508553

Những Bệnh… Vô Duyên!
BS. Đỗ Hồng Ngọc


Tuy già không phải là một bệnh nhưng già thì thường có bệnh. Bệnh thì có bệnh nặng, bệnh nhẹ, bệnh có duyên và bệnh... vô duyên. Ai cũng biết thầy thuốc là người được học hành cẩn thận để giúp ta chữa trị bệnh tật, vậy mà thầy thuốc cũng có thể gây bệnh cho ta, dù là ngoài ý muốn, cái đó gọi là bệnh do thầy thuốc gây r a (iatrogenic) mà theo GS. Phạm Khuê, một chuyên gia về Lão khoa, Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam thì có đến hơn một phần tư các bệnh ở người già là do thầy thuốc gây ra! (Bệnh học tuổi già, Phạm Khuê, NXB Y Học, 1998, trang 364). Những bệnh... vô duyên còn có thể do chính bản thân mình, người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm, hoặc các nhân viên tâm lý xã hội gây ra nữa!
Bà cô của một bác sĩ bạn tôi trên 80 tuổi kêu lúc nào trong người cũng nóng bức, miệng khô nên đã mua rễ tranh, mía lau, mã đề ngoài chợ về nấu "nước mát" uống. Mát đâu không thấy, thấy đi tiểu liên tục gây thêm tình trạng mất nước trong cơ thể, lại thấy nóng bức, thấy khô miệng, lại uống thêm "nước mát"! Thì ra "rễ tranh, mía lau, mã đề" là những loại thuốc lợi tiểu (diuretics).

Một ông bác gầy còm nghe hàng xóm bày vẽ có loại tễ mập, bèn mua uống mấy cây. Mập thiệt! Nhưng người béo bệu, cơ thể bạc nhược! Thì ra, thuốc tễ đó chỉ là bột mì trộn với mật ong và Corticoil, một thứ thuốc uống vào lâu ngày gây hội chứng Cushing, ứ nước, làm mập bệu và gây ra vô số những tác dụng tai hại khác như giảm sức đề kháng, mọc lông, loãng xương, loét bao tử, cao huyết áp... Ta cũng biết thuốc chữa đau khớp có thể gây loét dạ dày; thuốc điều trị cao huyết áp có thể gây hạ huyết áp đột ngột; thuốc trị tiểu đường làm hạ đường huyết; thuốc uống cho đỡ bị đái són ở người già thì gây khô miệng, đỏ da, mờ mắt, chóng mặt...

Một đặc điểm sinh học của người cao tuổi là khả năng thích ứng dần kém đi. Hấp thu thuốc đã chậm mà đào thải cũng chậm. Tác dụng phụ của thuốc lại thiên hình vạn trạng, tùy từng người, từng lúc, có thuốc người này dùng thì tốt mà bày cho người khác không xong, uống vào bị phản ứng ngay. Cho nên dùng thuốc ở người già phải dò dẫm trên từng trường hợp, giảm liều, giảm lượng, đắn đo tính toán trước sau, nào bệnh trước mắt, nào bệnh tiềm tàng; thuốc chữa được bệnh này nhưng có gây ra bệnh khác không, có làm bộc phát một bệnh cũ nào đó không, người bệnh ăn uống ra sao, tiêu tiểu ra sao và trạng thái tâm thần ra sao? Người cao tuổi cũng thường hay tự ý gia giảm thuốc, tin lời bày vẽ, ai mách gì cũng nghe, gây tương tác thuốc lung tung rất dễ sinh ra nhiều bệnh... vô duyên đáng tiếc.

Ngày càng có nhiều máy móc xét nghiệm và một số người cao tuổi cũng thường muốn được xét nghiệm này nọ. Báo Paris match của Pháp có đăng trường hợp một bà già bị rối loạn tiêu hóa đến khám ở một bác sĩ. Bác sĩ thấy không có gì nặng nhưng cũng gởi cụ làm thêm vài xét nghiệm cho chắc. Sau đó, bà cụ được tiếp tục làm thêm hàng loạt các xét nghiệm khác ngày càng phức tạp hơn vì xét nghiệm đơn giản không tìm ra bệnh: Siêu âm, nội soi, sinh thiết, chụp cắt lớp, chụp cản quang mạc treo... Sau hơn một tháng chuyển từ trung tâm này đến bệnh viện kia, nằm đợi trên những băng ca lạnh lẽo, đẩy từ hành lang này sang hành lang khác, tiếp xúc với những người mang khẩu trang chỉ chừa đôi mắt lạnh lùng, bà cụ rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý trầm trọng và tiêu tốn mất 35 ngàn quan Pháp. Cuối cùng các bác sĩ hội chẩn kết luận không có bệnh gì cả! Tây gọi những người sính xét nghiệm là "examinite".
 
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo hiện tượng over–investigation, "thăm dò quá mức cần thiết" này (Health of the Elderly, WHO, 1989). Một số người cao tuổi được chăm sóc bảo bọc quá đáng, được làm xét nghiệm thăm dò, theo dõi liên tục làm cho người bệnh muốn... hết bệnh cũng không được; không kể trong quá trình thăm dò, chọc hút, bơm tiêm, thụt tháo... không phải là không có nguy cơ. Dĩ nhiên nếu có bệnh thì cần phải làm để có chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả. Còn thăm dò chỉ để... thăm dò thì không nên. Các chuyên gia khuyên chỉ nên làm xét nghiệm cho người già khi nhằm để chẩn đoán một thứ bệnh có thể chữa được, có thể phục hồi được, có lợi cho người bệnh hoặc để chẩn đoán phân biệt tìm ra một bệnh có tiên lượng tốt hơn, điều trị có kết quả hơn, có lợi cho bệnh nhân và gia đình hơn mà thôi. Tóm lại, biết ơn mình thì cần thiết lắm mới phải làm xét nghiệm và phải có chỉ định của bác sĩ.

Thế nhưng có thứ không phải là thuốc, không phải là thủ thuật gì cả mà vẫn có thể gây ra những bệnh vô duyên: đó là lời nói! Có những lời nói gây hoang mang, lo lắng, làm mất ăn mất ngủ, gây kiêng cữ quá đáng làm cho tình trạng bệnh khó phục hồi hơn. Cái đó gọi là sự "dán nhãn" (labelling). Chẳng hạn như người không có chuyên môn, không đủ cơ sở khoa học chắc chắn mà "phán" cho một cái chẩn đoán kiểu như "nghi ung thư", "hơi bị lớn tim", hoặc một từ mơ hồ như "máu lộn mỡ, gan hơi nhiễm mỡ, viêm nhiễm phần phụ, rối loạn thần kinh thực vật"... hoặc "bị thư phù, bị người cõi trên nhập..." đều đem lại những kết quả tai hại không thể ngờ được! Ngay cả bị dán nhãn là già cả, già nua, già yếu, mất sức rồi bị ép phải nằm yên một chỗ, lúc nào cũng có người nâng đỡ chăm sóc thì sẽ ngày càng lệ thuộc, ngày càng suy nhược, mau loãng xương, bắp cơ thoái hóa, cứng khớp nhanh. Đáng sợ hơn cả là bị ép phải vào nằm viện, nằm nhà thương, nhà dưỡng lão, nhà nghỉ mất sức... khi vẫn còn có thể tự quản được. Thật ra đây chỉ là giải pháp cuối cùng vì một khi đã vào các cơ sở này rồi thì không hy vọng gì trở lại đời sống bình thường được nữa vì càng ngày càng thụ động, ỷ lại, lệ thuộc, suy sụp.

Các cơ sở chăm sóc cho người già thực ra rất cần thiết, miễn là phải giữ một số nguyên tắc như đảm bảo sự riêng tư, tôn trọng cá nhân, giúp tự chủ, tự quản, và tạo nhiều cơ hội cho họ tham gia sinh hoạt phù hợp với sở thích và sức khỏe. Tóm lại, không nên để người cao tuổi mắc thêm những bệnh... vô duyên!


.
Về Đầu Trang Go down
NTcalman




Posts : 614
Join date : 13/03/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeWed Oct 17, 2018 7:00 pm

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  1369152076_father-time1

Câu chuyện: Già "khú đế"
BS Đỗ Hồng Ngọc


1. “Già khú” là giai đoạn một, thêm một bước nữa thì gọi là “già khú… đế”. Khú, Từ diển tiếng Việt bảo là “để thâm lại và có mùi hôi”, thí dụ dưa khú, tức là một thứ dưa để lâu quá, sắp hư. Khú đế là “vua” của khú, hơn hẳn các khú!

Thật là một sai lầm lớn khi ta nghĩ rằng già sẽ đến từ từ, cứ từ từ mà thích nghi, mà giải quyết mọi chuyện lần lượt. Không đâu. Già nó xồng xộc trên trời rơi xuống, dưới đất vọt lên. Không những xồng xộc nó còn gia tốc, tàn bạo như cơn sóng vỗ vào bờ đá, vội vã để mau chóng nhập vào dòng nước cuồn cuộn đuổi theo sau. Nó mạnh mẽ và tàn nhẫn, tung tóe, tan tác, lắng chìm, không một chút xót thương. Nó lãnh đạm bởi nhiệm vụ nó phải thế. Nó thú vị bởi nó không phân biệt. Giàu nghèo sang hèn, da trắng da đen… Còn ta, ta chần chờ, chểnh mãn, làm ngơ… Hãy đợi đấy. Đi đâu mà vội… Không đâu! Một hôm già bỗng chuyển hệ sang già…khú, rồi khú đế đột ngột làm đảo lộn mọi thứ tính toan. Quên tuốt những ký ức, lẫn lộn điều nọ với điều kia, thứ này với thứ khác, tai không nghe rõ, nói không trôi chảy, mắt không nhìn tinh… như làn sóng đã bắt đầu tung tóe!
Già đến đột ngột và tàn bạo. Như một cơn động đất, không cần phải hỏi han, không cần báo trước. Như một cơn bão dữ, thổi ào qua, cuốn tất cả không thương tiếc. Khi nó khú đế, nó sẵn sàng làm ta trở nên lố bịch, buồn cười, ngớ ngẩn, đáng thương. Khi nhìn quanh những người già khú đế mà… còn khỏe, ta nghĩ ta chắc cũng sẽ như họ. Còn lâu. Số người như vậy rất hiếm.

Nhưng, như vậy phải chăng làm ta sẽ nhìn đời bi quan ? Không đâu. Trái lại. Nó làm cho cuộc sống của ta có chất lượng hơn, có ý nghĩa hơn. Người ta không cảm nhận được thời gian vì thực ra chẳng có thời gian.

2. Thỉnh thoảng gặp người bạn thân lâu ngày chưa gặp lại, thấy bạn sao mà nhăn nheo, già khú, hỏi mới biết còn nhỏ hơn mình vài tuổi! Bạn kể cho nghe chuyện đôi khi gặp lại « người xưa » của bạn, tưởng tình ngỡ đã quên đi như lòng cố lạnh lùng, người ngỡ đã xa xăm bỗng về quá thênh thang… Ai dè không vậy. Đôi mắt huyền xưa, chiếc mũi dọc dừa… bây giờ khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang; vai gầy guộc nhỏ, từng ngón xuân nồng bây giờ chuối ngự…. Còn ta thì sao? Nguyên Sa bảo ta chỉ có thể đo đếm tuổi mình qua ánh mắt cố nhân. Thử nhìn vào gương. Có gì khác lạ đâu nào? Ấy là bởi mình quen nhau quá rồi nên chẳng kịp thấy đổi thay. Thế nhưng, đã không còn những dấu chân chim ở khóe mắt mà hằn sâu như vạn lý trường thành… Khóe miệng thì nặng nề trễ xuống như bị sức hút của quả đất. Ở một nơi không có trọng lực chắc không đến nỗi?

Bạn nhắc toàn chuyện nửa thế kỷ trước… Nào đi cắm trại Suối Lồ Ồ với Nguiễn Ngu Í, Lê Phương Chi, Hồ Xích Tú, Nguyễn Công Thuần, Quách Giao…, nào lang thang chợ sách vỉa hè Saigon, “truy lùng” sách quý, nào cà phê chiều tím, chiều nhớ thương ai… Mấy đứa cháu nội mười bảy mười tám ra vòng tay chào bác, chào bác… Bạn quắc mắt: “Ông” chớ sao lại bác! Thấy chưa, tụi nó gọi ông bằng ông nội mà gọi tui bằng bác, thấy chưa?
Bạn có khoảng đất rộng chơi cây kiểng một thời. Cả một vườn mai vàng rực cho những ngày Tết nay đà xơ xác. Căn nhà rộng đã nhường cho các con, cất một mái nho nhỏ bên cạnh như một cái am cốc, một tủ sách, một cái TV, và nhất định không xài điện thoại di động, vi tính… Đủ rồi đó, nay mai, sẽ dọn dần về những căn nhà nhỏ hơn, nhỏ hơn nữa. Rồi cùng mà cười. Bạn nói đã làm xong di chúc. Và cũng đã căn dặn, rải xuống sông Soài Rạp, quê nhà.

Phone cho người bạn ở tận miền Trung xem bạn đã khú ra sao. Bạn đi vắng. Không biết đi đâu. Chị càu nhàu. Hỏi “tình hình” sao rồi? Chịu hổng nổi ổng. Chị nói. Tôi chỉ muốn “cắn” ổng mấy cái! Ấy, chớ, đừng. Đừng cắn. Chị mà cắn ổng người ta tưởng chị “mê” ổng lắm đó. Tục ngữ có câu: “Yêu nhau lắm cắn nhau đau” mà, nhớ không? Hồi xưa hai ông bà mê nhau như điếu đổ! Anh bạn làm thầy giáo, một nhà thơ rất dễ thương, lấy bút hiệu con gái để dễ đăng những bài thơ mượt mà trên các báo thời đó. Giờ anh đi lai rai chỗ bạn bè, em cháu, những chốn chùa chiền…

3. Nhân có bác sĩ Thịnh ở Mỹ về, chúng tôi ơi ới gọi nhau rôm rả ở một quán hải sản thành phố. Theo lời một anh bạn, quán hải sản có cấu trúc mỗi phòng như một khoang thuyền để mọi người lắc lư cùng sóng gió.
Thiệt là tay bắt mặt mừng. Nhiều khi ngớ ra. Biết mặt mà quên tên. Biết tên mà quên mặt. Học chung với nhau dưới mái trường y khoa Saigon đằng đẵng bảy năm trời, không thể không quen, vậy mà đôi lúc cũng ngỡ ngàng, chưng hửng! Người thì hom hem… người thì béo ị… người bạc trắng, người cà khêu… Ôi cái thời sinh viên y khoa hào hoa phong nhã, tếu táo vung trời! Có lẽ do cái sự học y dài lâu và nghiệt ngã, tiếp cận bao nỗi con người… nên bọn y khoa nổi tiếng là tiếu lâm hạng nhứt, mặc dù học hành nghiêm túc chẳng ai bằng!

Nhớ thời đó, ai vào y khoa cũng bị đặt cho một cái “biệt danh”, cái “hỗn danh”, cái “tục danh” chịu hổng nổi, rồi chết cứng với tên gọi đó suốt đời. Bạn bè gặp nhau chỉ cần kêu một tiếng thì cả một dĩ vãng ùa về…! Tên có thể quên chớ tục danh thì khó mà không nhớ. Thịnh, là Thịnh Văn Chương, “Chương còm”. Qua Mỹ mất tên, còn họ, “Doctor Thịnh”! Tại sao còm? Bởi còn có Chương “chuột”, rồi Cầm “chim”, Sơn “gà”…Tại sao chuột? Nhìn nó… chuột, thế thôi. Còm nay đã hết còm, chuột nay không còn chuột. Thế mà cái “tục danh” còn đeo đẳng mãi làm nhớ cái anh ốm nhom, lòm còm mà nhanh nhẹn, cái anh thấp lùn mà lém lĩnh, thông minh…. Còn anh bạn Mai cao nhòng, ngất ngưỡng, hình như có lúc làm ban đại diện lớp, được gọi là “Mai vói” (phát âm theo giọng Nam bộ!), bởi ai muốn nói chuyện với anh cũng phải vói lên một chút!. Rồi bạn C – có lẽ vì nghiêm trang, ít khi đùa giỡn – nên được gọi là “ C bặt”. Nhưng chuyện của anh bây giờ là một tấm gương luôn được bạn bè nhắc tới. Anh bị đủ thứ bệnh, toàn bệnh nặng, biến chứng tùm lum, mấy phen tưởng đã xong, thế rồi anh quyết định tự xây cho mình một cái kim tĩnh… Từ đó anh khỏe hẳn ra, không thèm bệnh, không thèm chết nữa!

Bỗng có bạn hỏi, Lộc bây giờ ở đâu? Lộc nào? Lộc nào? Nhao nhao lên. Lộc “tr” hả? Đang ở Úc, rồi Q heo, rồi H “nám”, để khác với H “Rhade”, H “mù”, H “con”… Rồi Cường “sùi”, Thăng “lùn”, Bá… kẻ còn người mất. Cả đám bác sĩ vào trường y nửa thế kỷ trước bây giờ đều trên dưới bảy mươi không mấy ai là không bệnh tật! Đã bệnh thì toàn thứ dữ. Bác sĩ mà! Nhồi máu cơ tim, nong, stent, by pass… tai biến mạch máu não, tiểu đường, thận, khớp,…

Nhưng thật lạ lùng, bạn bè cũ cứ ngồi với nhau một lúc nhắc những chuyện xưa bỗng dưng ai nấy đều trẻ lại không ngờ. Trẻ như không hề có thời gian.

Muốn tìm lại tuổi trẻ,
Cứ đi kiếm bạn già!
Chuyện xưa như pháo nổ,
Tuổi trẻ về tà tà
Thân người dùng quá đát,
Bệnh tật tới phà phà!!!
Chữa đây, nẩy ra đó?
Bực mình cười ha ha.
Chẳng chữa, xây kim tĩnh!
Quên quá, thì cứ khà,
Tụ tập khú và đế,
Bên nhau, ta với ta.

Đỗ Hồng Ngọc
Về Đầu Trang Go down
NTcalman




Posts : 614
Join date : 13/03/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeThu Oct 25, 2018 12:02 am

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  HXsiex2JtteiC9lg_fTrVEnpVwsO1GaJpoy2kyYY7a3GGoMoXSkN_7t32YtZgiGWArLR_1WSbfnBCc_-liaHBfnWPZk5zXorahnrEOeSa9TRy7Y-qttveeJMV3-U39INoJXykS6IZA=s0-d

Chuyến Taxi cuối cùng của đời người

 
Hai mươi năm trước đây, tôi lái xe tắc xi để kiếm sống.
Một đêm kia, có người gọi xe ở khu chung cư vào lúc 2 giờ 30 sáng. Tôi đến nơi, các dẫy nhà đều chìm lẫn trong bóng đêm ngoại trừ ánh sáng mù mờ từ khung cửa sổ kéo màn kín. Trong trường hợp này, các người lái xe thường nhấn còi một hay hai lần và chờ khoảng một phút, nếu không thấy động tĩnh gì là họ lái xe đi...

Nhưng tôi cũng biết rất nhiều người nghèo không có xe cộ gì cả và tắc xi là phương tiện di chuyển duy nhất mà họ trông cậy trong những hoàn cảnh đặc biệt hay trong những giờ giấc bất thường... Trừ khi linh cảm có gì nguy hiểm ngăn cản, tôi thường ra khỏi xe và đi đến tận cửa, tự nhủ biết đâu có người đang cần tôi giúp...

Nghĩ như thế tôi bước tới gõ cửa.
"Xin chờ một chút" giọng nói rõ ràng là của một người già nhưng vẫn có phần trong trẻo và tôi có thể nghe tiếng của các vật dụng dường như đang bị kéo đi trên sàn nhà...
Vài phút sau, cửa mở, một bà cụ khoảng 80 tuổi đứng ngay trước mặt tôi. Cụ mặc chiếc áo đầm dài in hoa, đội cái mũ trắng xinh xắn với giải lụa gài chung quanh, trông giống y như một người nào đó từ cuốn phim của những năm 1940 chợt bước ra, với chiếc va ly vải bên cạnh. Sau lưng cụ, căn phòng chung cư trống trải như quanh năm không có ai cư ngụ, tất cả bàn ghế đều được phủ kín bằng những tấm trải giường. Liếc nhìn qua vai cụ, không có bất kỳ vật dụng nào trên quầy trong bếp hay trên tường cả và sát chân tường trong góc phòng tôi có thể thấy mấy cái thùng giấy đầy những ly tách và khung ảnh sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp.

- Phiền ông mang giúp tôi cái va ly này ra xe.
Tôi đem chiếc va ly cất ở thùng xe phía sau và quay trở lại giúp bà cụ. Cụ nắm cánh tay tôi và từng bước một, tôi dìu cụ xuống đường hướng về chiếc xe... Cụ luôn miệng nói cám ơn...
“Không có chi, thưa cụ“ tôi nói, “cháu coi những người lớn tuổi như là mẹ của cháu vậy... ”
Cụ trả lời: “Ông tử tế lắm...”

Sau khi giúp cụ yên ấm trên băng ghế sau, tội ngồi vào ghế lái và nổ máy xe. Cụ đưa cho tôi tờ giấy ghi địa chỉ nơi cụ muốn đến và hỏi tôi, rất nhỏ nhẹ:
- Ông có thể chạy ngang qua dưới phố cho tôi một chút không...
Liếc mắt vào tờ giấy ghi địa chỉ, tôi buột miệng:
- Nếu lái xuống phố thì đường xa hơn và lâu hơn nhiều...
- Cứ thong thả, ông à, không có gì vội vã cả, Tôi chỉ đi tới hospice (nhà dành cho những người sắp từ giã cuôc sống) thôi...
Tôi ngước mắt nhìn, qua tấm gương chiếu hậu, đôi mắt cụ long lanh trong bóng tối.
- Tôi không còn ai thân thích trên cõi đời này, và bác sĩ đã nói tôi cũng chẳng còn bao lâu nữa, hai hay ba tuần là nhiều...
Với tay tắt cái máy ghi khoảng cách và tính tiền, tôi hỏi một cách: nhỏ nhẹ
- Thưa cụ muốn đi qua đường nào trước...

Trong hơn hai giờ kế tiếp, chúng tôi hầu như đi lanh quanh qua từng con đường trong các khu phố.
Cụ chỉ cho tôi toà nhà nhiều tầng mà một thời cụ đã làm người điều khiển thang máy.
Tôi lái xe qua một khu phố với những căn nhà nhỏ đã cũ nhưng xinh xắn, cụ nói với tôi ngày trước khi mới lập gia đình cụ đã ở trong khu này, và chỉ cho tôi căn nhà loang loáng dưới ánh đèn đêm...
Nhìn ánh mắt lưu luyến của cụ, tôi như thấy một trời quá khứ thương yêu đằm thắm của đôi vợ chồng trẻ.

Cụ ra hiệu cho tôi ngừng xe trước nhà kho của cửa tiệm bán giường tủ, bàn ghế, nhẹ nhàng bảo tôi trước đây chỗ này là một vũ trường sang trọng và nổi tiếng, cụ đã từng hãnh diện đến đây khiêu vũ lần đầu khi là một thiếu nữ mười sáu tuổi...
Trong giọng nói cụ tôi thấy thấp thoáng hình ảnh một thiếu nữ trẻ trung sáng ngời với bộ dạ phục xinh đẹp và nụ cười tươi tắn hân hoan... Đôi khi, cụ bảo tôi đậu xe trước một toà nhà nào đó hay ở một góc phố khuất nẻo không tên... và cụ im lặng thẫn thờ trong bóng tối như đắm chìm với cả một dĩ vãng xa xăm bao la và sâu thẳm...

Khi trời chập choạng trong ánh sáng đầu tiên của ban ngày, cụ nói với tôi khẽ khàng như một hơi thở nhẹ:
- Thôi, mình đi...
Tôi lái xe trong im lặng đến khu nhà hospice. Đó là một dẫy nhà thấp, kín đáo, ngăn nắp và gọn gàng. Tôi vừa ngừng xe là đã có hai người xuất hiện với chiếc xe lăn như là họ đã chờ đợi từ lâu rồi. Tôi bước xuống mở thùng xe phía sau để lấy chiếc va ly nhỏ của cụ mang tới để ngay cửa chính, xong quay trở ra đã thấy cụ đã được đỡ ngồi ngay ngắn trên chiếc xe lăn.
- Bao nhiêu tiền vậy cháu? Cụ vừa hỏi vừa mở cái bóp nhỏ...
“Cháu không lấy tiền bác đâu. ” tôi trả lời.
- Nhưng cháu phải kiếm sống chứ...
- Đã có những khách hàng khác, thưa bác...
Gần như không tính toán so đo, tôi cúi xuống ôm lấy bờ vai cụ. Đáp lại, cụ ôm tôi thật chặt:
- Cám ơn cháu đã cho cụ già này khoảng thời gian thật quý giá và đầy ý nghĩa.

Tôi xiết chặt tay cụ và quay bước đi trong ánh sáng mờ nhạt của một ngày mới đến. Sau lưng tôi có tiếng cửa đóng. Tôi cảm thấy như cả một cuộc đời vừa được khép lại phía sau.
Tôi không có thêm người khách nào khác trong buổi sáng đó. Tôi chạy xe loanh quanh không có mục đích và dường như tôi cũng chẳng biết mình đi đâu nữa...

Suốt cả ngày hôm đó hầu như tôi không thể nói được với ai lời nào cả... Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu cụ già gặp phải một người tài xế đang ở cuối buổi làm, nóng nẩy chỉ muốn chóng xong việc để còn về nhà...
Chuyện gì sẽ xẩy ra nếu tôi từ chối không nhận đón người khách là cụ hay tôi không bước xuống gõ cửa mà chỉ ngồi trên xe nhận kèn một lần rồi lái xe đi...
 
Tự nhiên, tôi bỗng nghiệm thấy trong quãng đời trẻ trung ngắn ngủi của mình, dường như là tôi chưa làm được chuyện gì có ý nghĩa hơn là chuyện tôi đã làm trong buổi sáng hôm ấy.
Chúng ta luôn luôn nghĩ rằng cuộc đời sẽ có những khúc quanh quan trọng, đánh dấu bằng những sự việc to lớn, dễ dàng ghi nhớ...
Nhưng thật ra, đẹp nhất vẫn là những phút giây nhỏ bé bất ngờ nhưng có xúc cảm mãnh liệt khiến ta phải bàng hoàng đến tê dại cả tâm hồn...

Xin chia xẻ câu chuyện nhỏ này với các bạn, hy vọng vì thế cuộc đời chung quanh chúng ta sẽ ấm cúng và có ý nghĩa hơn.
 

(Sưu tầm - Không biết tên tác giả)
Về Đầu Trang Go down
NTcalman




Posts : 614
Join date : 13/03/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeFri Nov 02, 2018 12:22 am

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Bia-sach-nuoc-non-nghin-dam

BUỔI ĐIỂM DANH CUỐI CÙNG

Huy Phương


  Ngày mới bước chân đến Mỹ, với tuổi mới trên 50, lo chuyện dựng vợ gả chồng cho con cái, tham gia niềm vui của con cháu mình và con cháu bạn bè, tháng nào chúng tôi cũng phải tham dự một hai tiệc cưới.
Bây giờ suýt soát tuổi 80, sắp lên chức “cố,” cả năm không còn khăn áo chỉnh tề, lên xe “phó hội” ký tên vào sổ vàng, tươi cười đóng hụi chết, mà áo trắng, cà vạt đen, mặt mày buồn thảm đi viếng tang cũng khá nhiều.

  Bạn bè, đơn vị cũ, một thời chinh chiến hay là long nhong thời thơ ấu, ông thì nằm trong nhà hưu dưỡng đã hơn năm, ông thì đi gậy chống, walker hay ngồi xe lăn, ông thì đã thành tro bụi chứa trong cái hũ có khắc tên để trên chùa, hay ra nằm ngoài nghĩa địa với bia mộ đề tên!
  Bây giờ không còn vào nhà hộ sinh để thăm cháu ra đời, hay chúc mừng hôn lễ của ai nữa, mà toàn đi nhà dưỡng lão, bệnh viện hay tang nghi quán!

    Có người bạn mới gặp ở quán cà phê, tươi vui, yêu đời, vài hôm sau vừa nghe tin đột qụy. Sau một vài tuần ở bệnh viện và trung tâm phục hồi trở về, bây giờ không còn nói được, tay chân lẩy bẩy, gặp nhau, ứa nước mắt, mà không khóc, sợ bạn buồn nản chí.
    Trong nhà hưu dưỡng, đi thăm một người bạn khác, gặp một người bạn biến chứng tiểu đường, mắt đã mù, nằm ở đây đã bốn năm, còn nhớ tiếng nói của bạn mà mừng, nhưng không còn trông thấy nhau nữa.. Rồi có người mang ống dẫn tiểu, có người mang tã, có người sống nhờ thức ăn chuyền thẳng vào bao tử, mà phải sống không chối từ, không thể dễ dàng chọn cái chết dù muốn chết.
    Tôi cũng biết có trường hợp, anh nằm đây đã trên 10 năm, sau lần “tai biến.” Anh mở lớn đôi mắt nhìn tôi, anh nhớ tôi hay không, tôi không rõ, đôi mắt đờ đẫn, mệt mỏi, đầy những chịu đựng. Lần nào vào thăm anh, tôi cũng thấy chị ngồi đó, theo anh suốt một cuộc hành trình dài lâu, mà vẫn như đi một mình. Nhan sắc chị đã tàn phai, thân gầy như xác ve, sức tàn, lực kiệt. Chỉ sợ một ngày nào đó, chị ra đi, bỏ anh lại cho ai? Rồi một ngày, nghe tin anh mất, buồn, nhưng mừng cho chị, từ nay được giải thoát.
    Nhưng chỉ ít lâu sau thôi, nghe tin chị cũng theo anh. Chút dầu còn lại trong cây đèn nhỏ đã cạn!

    Tuần rồi vào bệnh viện thăm một thằng bạn thời niên thiếu, cái thuở bạn bè mùa Hè nào cũng rong chơi, tinh nghịch mà vô tư, có đêm ngủ lại nhà nhau, mà bây giờ nó nằm đó, hôn mê. Cũng một thời hạnh phúc, cũng một thời đau khổ, cũng vật vã trong chiến tranh, cũng tủi nhục trong tù đày, giờ này đâu còn gì vui buồn mang theo nữa. Thôi ra đi bình yên!
    Những người lính cũ dự định tổ chức họp khóa, thời còn sung mãn, một năm một lần, bây giờ ba năm chưa muốn gọi nhau.. Ngày trước tập họp vài ba trăm có dư, nay là vài ba chục cũng khó kiếm. Trong điện thoại, ở xa, có bạn nói thều thào không ra hơi, có anh điếc ù phải đeo máy, có người kêu than đau chân đi không nổi, thì làm sao mà họp khóa, điểm danh với anh em được. Ở gần thì đau mắt, không lái xe được, cũng có nhớ bạn thương bè, nhưng sức đã tàn, lực đã kiệt, cũng chẳng còn vui thú gì những lúc gặp gỡ anh em. Thôi đành một tiếng “xin lỗi” là xong!

    Trước đó, thăm một anh bạn cùng khóa nhà binh, tuy già yếu, đau ốm trên giường bệnh, nhưng thấy còn lạc quan vui tươi: “Thế nào tháng sau, họp khóa, tôi cũng đến! Lâu quá không gặp anh em!” Lời hứa vui vẻ ấy không ngờ không bao giờ thực hiện được. Chúng tôi “họp khóa” năm ba thằng với anh tại nhà quàn trong ngày tiễn đưa. Rõ ràng là anh có hẹn với chúng tôi là anh sẽ đến, nhưng ở một nơi khác.
    Hôm nay họp khóa, chị đã trở thành bà quả phụ, nhận bó hoa từ anh em, nhắc lại như một lời chia buồn. Lần “điểm danh” này, vắng mặt quá nhiều anh em, trong đó có anh. Vắng mặt có lý do - Miễn tố!

    Quân số hôm nay đã hao hụt nhiều, phần lớn bất khiển dụng, hoặc được xếp loại 2, nhưng không bao giờ được bổ sung!
    Chắc các bạn còn nhớ giờ điểm danh cuối cùng, hay là buổi chào cờ cuối cùng trong đơn vị vào cái Tháng Tư nghiệt ngã của đất nước, rồi anh em, mỗi người một nơi. Có anh em may mắn trôi giạt, sống sót đến xứ người, có người thất thân lâm cảnh tù đày. Đã có bao người chết trong trại tù hung hãn, bao nhiêu người chìm sâu xuống đáy biển oan khiên.
    Bây giờ quê người lận đận, mà vẫn có đồng đội, rỗi công đi tìm người thất tán, tái cấu trúc, hay tái bố trí, gọi là đồng môn cùng quân trường, là khóa học, là binh chủng, là đơn vị! Họ gặp nhau, già yếu hơn xưa, tóc đã bạc phơ, câu chuyện ngày cũ, nhớ nhớ, quên quên. Họ gặp nhau mà nước mắt lưng tròng.. Nhưng những lần tập họp thưa thớt dần, xa dần, mệt mỏi dần trong ngày tháng phai tàn.
    Không phải là một lời nói bi quan, đây có thể là lần điểm danh cuối cùng. Ở tuổi ngoài bảy mươi, cuộc đời còn lại chỉ có thể tính bằng giờ. Nhiều đồng đội đã bỏ anh em đi xa, nhiều người đã không đến. Con số người mất cũng lớn bằng người còn. Răng, tóc, trí nhớ cùng với bạn bè đã bỏ chúng ta ra đi biền biệt.

    Tướng MacArthur đã để lại một câu nói để đời: “Old soldiers never die; they just fade away” (Người lính già không chết; họ chỉ phai nhạt dần đi).
    Tôi thích và yêu kính những người lính chết trận. Tôi không thích những người lính sống cũng như chết, sống như cái bóng ma. Phải có sự khác biệt của một người lính hy sinh trên chiến địa ngày xưa và một người lính cũ chết trong nhà dưỡng lão. Không thể coi họ như nhau.
    Sống mà phai nhạt dần, cho đến một ngày nào đó, không ai còn nhớ đến mình nữa, thì cuộc đời này buồn biết mấy!
    Mà thôi, chuyện gì rồi cũng qua, cái gì rồi cũng đến!

    Chúc sức khỏe.
    Huy Phương
.
Về Đầu Trang Go down
NTcalman




Posts : 614
Join date : 13/03/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeWed Nov 21, 2018 12:05 am

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Mail?url=https%3A%2F%2Fi2.wp.com%2Fwww.nguoi-viet.com%2Fwp-content%2Fuploads%2F2018%2F11%2FPN_Cuoi-doi.jpg%3Fresize%3D696%252C460%26ssl%3D1&t=1542319240&ymreqid=82d84ab2-29ba-c5ee-1cd2-df000301af00&sig=0rf2G.ESZoaBnN9

CHUẨN BỊ CHO CUỐI ĐỜI  
                                                 
BS Hồ Ngọc Minh


“Xuân, Hạ, Thu, Đông”, rồi thì, “Sinh, Lão, Bệnh, Tử”. Làm người ai cũng hiểu nguyên lý đó, nhưng rất ít người yêu mến mùa Đông, cũng như không mấy ai thích đề cập đến giai đoạn cuối của cuộc đời cả.

Trực diện với giai đoạn cuối của cuộc đời đòi hỏi nhiều quyết định không chỉ riêng cho bác sĩ, người thân mà ngay cho chính đương sự. Những quyết định ấy bao gồm quyền tự quyết của bệnh nhân về sự sống của chính họ, về y đức và những phương pháp chữa trị tối ưu có thể có, và về sự cân bằng giữa lý trí cũng như tình cảm dành cho người thân thuộc. Để rồi cuối cùng vẫn là phẩm chất của cuộc sống trong những ngày cuối đời sẽ đưa đến quyết định: nên hay không nên cúp hết những nguồn hỗ trợ cho sự sống.


Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Living%2Bwill

Rất nhiều tình huống đã xảy ra, gia đình thường rối rắm, không biết phải hành xử ra sao khi người thân của mình sắp sửa ra đi. Đa phần chỉ biểu lộ được qua những ân cần, những cử chỉ nhỏ nhặt như chải tóc, thoa dầu, nắm tay, hay vỗ về người sắp chết.

Hầu hết, không phải người ra đi mà chính là người ở lại phải chịu đựng, đau và khổ. Chính sự sợ hãi về cái chết của chính mình đã ảnh hưởng đến những suy nghĩ, thái độ và hành động, có khi dẫn đến những xung đột, hay đổ thừa trách nhiệm giữa những người thân trong gia đình với nhau. Ví dụ, người con ở xa thường hay trách móc người ở gần tại sao không hết lòng chăm lo cho bố hoặc mẹ và hay đòi hỏi bác sĩ phải làm đủ mọi thứ, có khi không thực tế. Đây là hội chứng có thật mà trong y khoa gọi là “Daughter from California syndrome” (tạm dịch nghĩa là, hội chứng “Người Con Gái từ California về”).

Cái chết là một tiến trình tự nhiên của cuộc sống khi mà cơ thể bắt đầu ngưng làm việc. Sau đây là một số dấu hiệu của người sắp ra đi. Tất cả các dấu hiệu dưới đây không nhất thiết phải xảy ra theo thứ tự, và xảy ra tùy mỗi trường hợp:


1. Nhiệt độ cơ thể lạnh hơn, nhất là tứ chi. Bàn tay và bàn chân lạnh hơn bình thường. Màu da cũng thay đổi và có vân giống như đá cẩm thạch. Nên tìm cách giữ cho họ được ấm bằng cách đắp chăn, mền.
2. Thiếu minh mẫn. Họ có thể không còn ý thức về thời gian và không gian và không nhận diện được tất cả người thân. Có khi, họ thường nhắc nhở đến những người không hiện diện hay đã khuất mặt. Khi nói chuyện với họ nên nhắc nhở mình là ai, tên gì.
3. Ngủ nhiều, không tỉnh táo. Đương sự có thể không nói được, á khẩu, và khó lay tỉnh. Trong tình trạng này, nên kiên nhẫn ngồi bên cạnh họ, nắm tay, và tiếp tục nói chuyện. Rất có thể họ vẫn còn nghe và hiểu được.
4. Không kiềm chế được tiểu tiện và đại tiện. Đây là dấu hiệu rất thông thường của người ở thời điểm cuối đời. Nên giữ cho người thân được sạch sẽ.
5. Bức rứt. Đương sự có thể có những động tác lặp đi lặp lại như cấu xé quần áo, chăn đắp. Đây là vì thiếu dưỡng khí trong máu, khi phổi không hấp thụ được oxygen. Không nên cản trở hay cột trói họ, mà nên dịu dàng như xoa đầu vuốt tóc, hay nếu được, hát nhỏ cho họ nghe.
6. Thở khò khè. Đương sự thở khó khăn, nghe như tiếng lục đục, rổn rang trong buồng phổi. Những dấu hiệu nầy không nhất thiết là họ bị đau đớn mà do phản xạ của hệ thống hô hấp không còn được hữu hiệu nữa. Nên giữ cho được sạch sẽ, lau miệng, lau mặt cho họ.
7. Đi tiểu ít. Nước tiểu có màu nước trà đậm do thiếu nước hay hai trái thận đã kiệt quệ. Nên liên hệ với bác sĩ hoặc y tá xem có cần truyền nước biển hay không.
8. Không ăn, không uống. Người thân sắp ra đi có thể không thèm ăn uống gì nữa. Cơ thể biết là không cần nhiều nguồn năng lượng nữa nên không cần đến thức ăn. Không nên ép buộc người ta ăn, nếu người ta không muốn ăn nữa.
9. Nhịp thở không điều hòa. Có khi họ thở không sâu, xen kẽ với nhiều giây đồng hồ ngưng thở, hoặc có khi thở rất nhanh và dồn dập. Nhịp thở nầy liên hệ đến sự ngưng trệ của hệ thống tuần hoàn, máu lưu thông không đều nữa. Áp suất máu và nhịp tim có thể bị rối loạn. Nên kê gối cho đương sự dễ thở hơn.
10. Bị sốt. Thay vì lạnh, có khi đương sự bị sốt. Lý do vì trung tâm điều khiển thân nhiệt không còn hoạt động bình thường nữa.

Khi phải đối diện với cái chết, câu hỏi thường được nêu ra là, “khi nào thì cái chết sẽ đến?”. Hoặc, “còn bao nhiêu thời gian nữa?” Ta thường nghe nói, “bác sĩ nói còn chừng đó ngày tháng, nhưng không phải vậy.” Bác sĩ chỉ cho một ước lượng chung chung để gia đình chuẩn bị mà thôi. Không một ai có thể trả lời được, cho dù rất cận kề.

Thường thường, có hai giai đoạn tiến đến sự chết: “giai đoạn mở đầu” và “giai đoạn động”. Giai đoạn mở đầu thường kéo dài đôi ba tuần, và giai đoạn động của giờ phút cuối kéo dài khoảng hai hay ba ngày. Một số trường hợp cả hai giai đoạn có thể kéo dài nhiều tháng.

Không ai biết được, chỉ có Trời mới biết.
Dường như chúng ta không bao giờ có thể chuẩn bị chu đáo cho cái chết, nhưng có thể dễ dàng hơn đôi chút nếu chúng ta hiểu rõ vấn đề. Chúng ta nên chuẩn bị tư tưởng cho chính mình, cho người thân yêu. Thí dụ, nên nói cho người thân, bác sĩ biết ước nguyện của mình trong trường hợp sẽ đối mặt với cái chết không thể tránh khỏi.
.
Về Đầu Trang Go down
PVChuong
Admin



Posts : 673
Join date : 25/04/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeSat Dec 08, 2018 12:15 pm

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Thatcher-hi-res

Tuổi xuân huy hoàng, tuổi già hiu quạnh

Cuộc đời của một chính trị gia khiến người ta nhận ra chân lý vĩnh hằng


Margaret Thatcher là nữ thủ tướng đầu tiên của Anh quốc, cũng là một trong những chính trị gia quyền lực nhất trong lịch sử, được truyền thông gọi là “Người đàn bà thép” (Iron Lady) của nước Anh. Nhưng đằng sau hào quang chính trị, “người phụ nữ thép” ấy lại phải chịu đựng nỗi buồn vô tận của sự cô độc và bi ai.

Có sự nghiệp và tình yêu, nhưng thất bại khi làm mẹ


Thatcher từng nói rằng, trong thế hệ của bà, sẽ không có một người phụ nữ nào trở thành thủ tướng. Nhưng chính bà lại làm được điều ấy. Bà không chỉ trở thành nữ thủ tướng đầu tiên ở Anh, chứng minh rằng phụ nữ có thể đặt chân lên bục vinh quang vốn thuộc về nam giới, mà còn làm được điều mà nam giới không thể làm.
Thời trẻ, Thatcher học hành rất chăm chỉ, nhờ vào nghị lực và sự kiên trì bền bỉ, bà đã thi đậu vào trường đại học Oxford. Thatcher đã trở thành nữ ứng cử viên của Đảng Bảo Thủ ở tuổi 25.
Vào thời điểm này, bà gặp Denis, một thương nhân giàu có đang điều hành tập đoàn của gia đình. Denis yêu Thatcher ngay từ cái nhìn đầu tiên, lúc ấy là một cô gái trẻ xinh đẹp và có đầu óc chính trị. Không lâu sau hai người tiến đến hôn nhân, sau hai năm kết hôn họ sinh được đôi long phụng – một trai, một gái.
Nhưng bà mẹ trẻ như Thatcher không có nhiều thời gian dành cho con cái. Khi cặp song sinh mới được hơn hai tuần tuổi, bà lập tức quay trở lại với sự nghiệp chính trị của mình. Lúc ấy, Denis luôn ở phía sau âm thầm ủng hộ vợ, Thatcher đạt được hạnh phúc viên mãn trong hôn nhân nhưng trong quan hệ với con cái bà lại là một người mẹ thất bại.

Bà bận rộn với các hoạt động chính trị, bỏ bê việc giáo dục con cái, cuối cùng trở thành trường hợp “mẫu từ tử bại”, ý nói mẹ tài giỏi nhưng con thì thất bại.
Những năm cuối đời, Thatcher từng nói rằng: “Nếu thời gian có thể quay ngược lại, tôi tuyệt đối sẽ không bước chân vào đấu trường chính trị, vì gia đình tôi đã phải trả giá quá đắt cho điều ấy”

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Thatcher-1
 
Bởi vì trong suốt sự nghiệp, Thatcher luôn bận rộn với các hoạt động chính trị, đến mức không còn thời gian và tâm trí dành cho con cái. Quan hệ giữa bà với cô con gái Carol vô cùng lạnh nhạt; mặc dù cậu con trai Mark gần gũi hơn nhưng lại không cho bà được nở mày nở mặt. Cậu bé ham chơi, lười học, chẳng những thành tích học tập kém mà còn ỷ lại vào quyền thế của mẹ mà tỏ ra cao ngạo, thường “xưng vương xưng bá” trong những năm học đường.
Sau khi trưởng thành, Mark tham gia cuộc đua xe Paris-Dakar Rally năm 1982, sau đó bị lạc nhiều ngày trong sa mạc Sahara. Đây là lần đầu tiên kể từ khi tiếp nhận vị trí thủ tướng, Thatcher rơi nước mắt trước mặt công chúng. Bà đã phải chỉnh cầu chính phủ các nước giúp đỡ để giải cứu con trai.

Sau khi được cứu, con trai của Thatcher lại tiêu phí một lượng rượu lớn trong khách sạn nhưng không chịu chi trả. Cậu cho rằng việc chính phủ giải quyết giúp mình là điều đương nhiên nên không ngừng tranh chấp với ban ngoại giao và các nhân viên khách sạn, cuối cùng cảnh sát phải đích thân can thiệp.
Những năm sau đó, Mark lại mượn địa vị của mẹ và tiền tài của vợ mà không ngừng chơi bời, tham gia các hoạt động mạo hiểm, tiêu tiền tốn của. Khi tham gia vào cuộc đảo chính ở Guinea, cậu bị bắt ở Nam Phi và bị kết án 4 năm tù treo cùng với khoản tiền phạt khoảng 313.000 bảng Anh. Bà Thatcher cũng buộc phải cầm tiền đi Nam Phi để chuộc con trai về.

Những năm cuối cùng khiến người đời cảm thán mãi không thôi


Thủ tướng Thatcher từng nói rằng, nhà là nơi mà bạn không cần phải làm bất cứ điều gì.
Trong ngày kỷ niệm 50 năm kết hôn, Thatcher bất ngờ đột quỵ và mất đi một phần ký ức. Hai năm sau chồng bà qua đời, đó là cú sốc mạnh đối với Thatcher khiến trí nhớ của bà ngày càng kém hơn, bà thường nghĩ rằng ông vẫn còn sống trên đời. Nỗi đau mất chồng không hề thuyên giảm theo thời gian, có một lần tỉnh dậy giữa đêm khuya, bà đã khoác lên mình một bộ quần áo trang trọng, rồi đi đến viếng mộ phần của ông.

Trong lễ sinh nhật lần thứ 77, Thatcher nhận được bốn tấm thiệp chúc mừng, bà bày chúng lên bàn và đăm chiêu ngắm nhìn. Lúc ấy, con trai bà sống ở Tây Ban Nha, con gái thì ở Thụy Sĩ, những đứa cháu đang ở Mỹ, tất cả những người thân yêu đều hiếm khi trở về thăm bà. Carol, con gái của Thatcher tâm sự: “Một người mẹ không thể mong đợi những đứa con đã trưởng thành của mình bỗng chốc trở nên vồn vã, nồng ấm – điều mà chúng không quen”.
Đánh đổi cho những năm tháng huy hoàng trên vũ trường chính trị là một tuổi già cô đơn, hiu quạnh. Bà không thể hy vọng được vui hưởng tuổi già bên con cháu, thậm chí một mơ ước con cái sẽ trở về thăm nhà cũng là mơ ước quá xa vời. Đời người giống như một vòng quay tuần hoàn, khoảng thời gian không có người thân bên cạnh ai ai cũng từng trải qua, với Thatcher là những năm cuối đời trống trải, còn với các con của bà là một tuổi thơ thiếu vắng hình bóng mẹ.


Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Thatcher-5
“Người phụ nữ thép” Margaret Thatcher

Vào lễ đại thọ ba năm sau, có lẽ vì quá tưởng nhớ đến những ngày tháng nhộn nhịp trước kia, nên bà đã tổ chức đại tiệc với 650 khách tham dự, ngay cả Nữ hoàng Elizabeth II, Hoàng tử Charles và Thủ tướng Tony Blair đều đến chúc thọ bà. Thatcher đã lấy lại phong thái năm xưa, vẫn là nụ cười tự tin như ngày nào, nhưng đáng tiếc tất cả chỉ giống như một ánh đèn loé lên trong phút chốc.
Còn lại bên bà, vẫn là màn đêm tịch mịch và những căn phòng hoang vắng không một bóng người thân.

Ở tuổi xế chiều, nhà mới là nơi cuối cùng chúng ta trở về

Trong những năm tháng dài dằng dặc cùng với nỗi cô độc lúc cuối đời, Thatcher lại bị đột quỵ. Mọi thứ đối với bà đều trở thành thử thách, ngay đến xem báo cũng rất khó khăn, vừa đọc câu sau đã quên câu trước. Ở tuổi xế chiều, Thatcher phải chịu nỗi khổ về tinh thần, cơ thể cũng bị bệnh tật tàn phá, lại còn phải chịu đựng sự lạnh nhạt và xa cách của con cái.
Trong phòng, bà đặt rất nhiều bức ảnh của chồng, con, và các cháu. Nhưng bên cạnh bà lại không có bất cứ người thân nào, làm bạn với bà chỉ có bác sĩ và y tá. Cho đến phút lâm chung, con trai, con gái cũng không có mặt kịp thời để lo lắng hậu sự cho bà.
Những năm cuối đời của Thatcher thật khiến người đời phải cảm thán, nhưng làm sao trách được mệnh Trời? Ai ai cũng phải sống cho xã hội, cho thân nhân, và cho chính mình. Những năm tháng son trẻ khiến con người ta chìm đắm trong sự nghiệp, trong danh vọng và hào quang của quyền lực. Nhưng khi ánh hào quang ấy qua đi, ta chỉ còn lại ta, chỉ còn lại cái thân xác đã hao mòn vì năm tháng. Vậy thì, đâu mới là cuộc sống đích thực của chúng ta? Là tuổi trẻ ước mơ hoài bão, là những năm tháng phồn hoa, là vinh quang tột đỉnh, hay là một tinh thần thản đãng và bình yên?

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Thatcher-4-1                                 
Đám tang của bà Margaret Thatcher  

Với cố thủ tướng Anh Margaret Thatcher, có lẽ bà là người thấu hiểu hơn ai hết rằng: Sự nghiệp có thể cho chúng ta danh tiếng, địa vị và cảm giác thành tựu. Nhưng đến lúc chúng ta cởi bỏ chiếc áo choàng danh vọng ấy, thì trong đêm khuya một mình thanh tĩnh cũng là lúc chúng ta hiểu rằng ai cũng sẽ dần dần già đi. Danh tiếng cuối cùng rồi cũng sẽ phai nhạt, cảm giác thành tựu rồi cũng dần tan biến. Tiền dẫu còn giữ lại được, thì khi già cả yếu ớt, cả núi vàng biển bạc cũng không thể mang lại hạnh phúc. Cuối cùng, chỉ có gia đình mới là nơi trở về, nơi cho ta nương tựa.
Lúc bị thương, nhà là một chiếc ô che mưa chắn gió, lúc vui vẻ nhà là nơi hạnh phúc ấm áp đong đầy. Sự nghiệp không thể nào thay thế cho tình người, công danh cũng không thể thay thế cho một gia đình hạnh phúc. Đáng tiếc đến giai đoạn cuối cùng của cuộc đời, rất nhiều tỷ phú và những chính trị gia quyền lực mới nhận ra điều này.

Mong rằng những ai đọc bài viết này sẽ hiểu được, tiền tài, danh tiếng chỉ là những thứ nhất thời, đều không thể đem lại cho chúng ta hạnh phúc lâu dài, chỉ có gia đình mới là nơi chúng ta dựa dẫm cả đời, là nơi đáng tin cậy và là nơi cuối cùng chúng ta đi về.
Nguyện cho những ai đọc bài viết này đều cùng gia đình sống hòa thuận, hạnh phúc một đời.

Theo Soundofhope
Về Đầu Trang Go down
PVChuong
Admin



Posts : 673
Join date : 25/04/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeWed Jan 02, 2019 10:37 pm

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  9k=

Sự Thăng Trầm của Tuổi Già
BS Nguyễn Ý Đức


Ước vọng sống lâu đã là điều mong muốn của con người từ ngàn xưa. Nó đứng trên cả tiền tài, danh vọng, đông con nhiều cháu. Chả thế mà thứ dân khi gặp nhau thì trang trọng chúc bách niên giai lão là thỏa mãn rồi. Còn vị quyền cao phủ chùm đất nước thì không bằng lòng với bách niên, mà đòi dân đen phải tung hô vạn tuế! vạn tuế! hoặc muôn năm! muôn năm!
           
Nhưng trăm người trăm ý, cho nên Á Đông ta có quan niệm “đa thọ, đa nhục”. Chateaubriand ví tuổi già như con tầu đắm.           
Horace than phiền: tuổi già buồn nản đang đến, giã từ những nụ cười vui, những tình yêu nồng nàn và những giấc ngủ an lành.          
Còn Hippocrate thì so sánh tuổi với  bốn mùa mà già là mùa đông băng giá.
Có lẽ là khi về già, con người, giống như mọi sinh vật khác, đều chịu những thay đổi về cấu tạo, về chức năng, đưa tới đau yếu, bệnh hoạn, mất sinh lực và ý chí. Vì vậy, người già cho rằng sống lâu mà suy yếu, thiếu thốn, chẳng qua cũng chỉ như cây tầm gửi,là gánh nặng cho gia đình và xã hội rồi chuốc cái nhục vào thân.
Rõ thực là:
“Khi vui thì muốn sống lâu,
Khi buồn lại muốn thác mau cho rồi”.
Nhân dịp tuổi thọ sắp tăng thêm một đơn vị, chẳng biết mình nên buồn hay nên vui. Thôi thì để biết người, biết mình, chúng tôi xin cùng quý vị ôn lại vài nét thăng trầm tuổi thọ của con người, lướt qua một phần phong tục tập quán của vài thời đại đã qua.


Người Già Việt Nam

Phong tục Việt Nam vốn trọng người già. Ta thường có câu nói:
“Triều đình thượng tước, Hương đảng thượng xỉ”
có ý nói là ở nơi triều đình thì chức tước cao được ngồi trên, còn tại chốn đình trung hương đảng thì người cao tuổi được coi trọng hơn. Vì được quý trọng nên dân ta đã có nhiều tục lệ tốt đối với người già.
Trong gia đình, Tết đến, con cháu tụ họp trước là để cúng bái gia tiên, sau là chúc tuổi thọ ông bà cha mẹ. Tăng thêm một tuổi là thêm thọ, một điều mà ai cũng mừng, cũng nhắc nhở chờ đợi:
“Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm” Anh Thơ.
Trẻ con cũng sốt ruột chờ đợi để được mừng tuổi, bằng tiền mặt phong bao, bằng những lời khen tặng hay ăn, chóng lớn.
Ngoài xã hội, nhất là nơi thôn ấp, các vị cao niên từ 50 tuổi trở lên thì được xếp vào hạng bô lão, trên cả các hương chức quyền thế tại địa phương.
Trong số bô lão, cụ nào cao tuổi hơn cả thì được tôn vinh là các Cụ Thượng, thường là trên 80.
Tuổi 40 được mở tiệc tứ tuần đại khánh; 60 tuổi trở lên thì các cụ đã ăn mừng thọ, từ tiểu thọ, trung thọ rồi đại thọ ở tuổi ngoài 80.

Vì quan niệm tuổi thọ là tuổi Trời ban cho, nên các vị cao tuổi đều được kính trọng.
Ra đường, gặp người già là mọi người phải cúi đầu chào hỏi cho lễ phép, phải nhường bước, phải nhường chỗ ngồi, phải đứng lên khi bô lão xuất hiện, không được ngắt lời bô lão khi thảo luận. Chương trình giáo dục từ lớp Đồng Ấu đã có những bài học Luân Lý chỉ dậy học trò cung cách đối xử với người lớn tuổi.

Trong làng xã thì có những tục rước lão, tiệc yến lão. Người già mặc quần áo đẹp, con cháu ôm cơi trầu, điếu ống theo hầu, được dân làng mang cờ quạt, võng cáng với trống chiêng tới đón mời lên Đình để hương chức và dân chúng chiêm ngưỡng, chúc tụng rồi dự yến tiệc. Mà yến tiệc thì các cụ chỉ dùng một ít, còn lại lấy phần về chia cho người trong tộc họ, hàng xóm để cùng hưởng lộc nhân dân.
Các cụ Ông cụ Bà đều được rước đón, nhưng tại nhiều địa phương, cụ bà không tham dự vì các cụ vẫn theo lời dậy từ ngàn xưa là đàn bà con gái không dính líu vào việc làng, việc nước. Các bà mẹ Việt Nam bao giờ cũng khéo lo xa.
Ngoài ra các cụ còn được làng xã dành cho một số quyền lợi về công điền, địa thổ, được miễn trừ hết sưu dịch. Quan niệm “kính già, già để tuổi cho” rất phổ biến. Vả lại, kính lão đắc thọ, mọi người cũng mong là khi mình đạt tới tuổi thọ đó sẽ được hưởng những vinh dự tương tự.

Cũng như người Trung Hoa, xã hội ta vẫn coi gia đình là một đơn vị nền tảng với tôn ti trật tự rõ rệt.
Chủ gia đình là người cao tuổi nhất, có toàn quyền quyết định về mọi sinh hoạt của thành viên. Con phải tuân theo lời bố, vợ phục tùng chồng, em phải nghe lời anh, và nàng dâu mới về là người chịu nhiều thiệt thòi, hành hạ từ nhà chồng. Nhưng khi đã tới tuổi cao thì uy quyền của bà ta cũng tăng đối với con cháu và có cơ hội hành hạ nàng dâu như bà đã từng bị đối xử khắt khe khi xưa.
Việc dựng vợ gả chồng hoàn toàn do người cao tuổi sắp đặt: cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Khi bố mẹ thất lộc thì người trai trưởng nắm quyền hành: quyền huynh thế phụ.
Nhờ con cái thấm nhuần tư tưởng
“Công Cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chẩy ra”,
Cho nên người già Việt Nam đều sống với gia đình và được thân nhân chăm sóc, phụng dưỡng cho tớí khi mãn phần. Chỉ khi nào vì quá nghèo lại không có thân nhân thì họ mới phải vào trong các nhà dưỡng lão do chính quyền hay các hội từ thiện tư nhân tài trợ. 


Hiện Trạng Người Già

Trong thế kỷ vừa qua, vấn đề người già đã là mối ưu tư lớn của mọi người. Sự gia tăng dân số kèm theo nhiều khó khăn của lớp người này trên thế giới đã được các quốc gia và tổ chức Liên Hiệp Quốc đặc biệt lưu tâm tìm biện pháp giải quyết giúp đỡ. Số người trên 60 tuổi đã mau chóng chiếm tỷ lệ cao trong tổng số dân cư trên thế giới, mà nhóm người trên  80 tuổi lại tăng lên mau nhất. Điều đáng ngại là sự gia tăng này lại xẩy ra nhiều hơn ở các quốc gia đang mở mang, chưa đủ phương tiện ứng phó.
Hiên nay số người cao tuổi trên toàn thế giới là gần sáu trăm triệu. Tới năm 2020, số này ước lượng có thể sẽ tăng lên một tỷ. Lý do sự gia tăng này gồm có việc giảm số tử vong do các bệnh truyền nhiễm, cải thiện điều kiện vệ sinh, dinh dưỡng, nhà ở, các phương pháp phòng ngừa bệnh, khám phá ra thuốc kháng sinh. Sự gia tăng tuổi thọ là dấu hiệu của sự tiến bộ cũng như sự hoàn tất sinh học quan trọng trong thế kỷ 20.

Người cao tuổi phải được coi như một nguồn lợi quý giá chứ không phải là gánh nặng cho xã hội, vì họ sẽ còn đóng góp nhiều cho đất nước bằng những kiến thức, kinh nghiệm của họ. Căn cứ trên quan niệm đó, Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi toàn thế giới lưu tâm tới những khó khăn đang ám ảnh người cao tuổi, đồng thời cũng đề nghị nhiều chương trình để bảo đảm sự an toàn về kinh tế, xã hội của khối người quan trọng và cần thiết này, cũng như tạo cơ hội cho họ đóng góp vào sự phát triển của mỗi quốc gia.
Liên Hiệp Quốc đề nghị một số nguyên tắc để giúp đỡ người cao tuổi như: Họ phải có cơ hội được xử dụng dễ dàng về thực phẩm, nước uống, nhà ở, chăm sóc y tế, việc làm và có một đời sống an toàn; họ phải được xử dụng các dịch vụ pháp lý, các phương tiện giáo dục, văn hóa, giải trí để phát triển mọi tiềm lực; phải được sống trong vinh dự, không bị khai thác, lợi dụng và được đối xử bình đẳng.
Ngoài ra, các quốc gia cũng cần tạo môi trường thuận lợi để khích lệ dân chúng dành dụm tiền cho tuổi về già; khuyến khích mọi lứa tuổi tham dự vào các chương trình, cũng như các cơ cấu đầu não có quyền quyết định chính sách chung; tăng cường các biện pháp và cơ chế để bảo đảm là người về hưu không rơi vào tình trạng nghèo khó, vì họ đã có công đóng góp nhiều cho sự phát triển  quốc gia khi trước.

Về phần mình, người cao tuổi có lẽ cũng cần hành xử làm sao để sống cuộc đời cuối với nhiều tích cực hơn.

Kết Luận


Trong một dịp luận đàm với vị Thượng Bô Lão 86 tuổi ở thành phố Houston, người viết có hỏi thăm cụ là với bí quyết gì mà cụ nom vẫn phong độ cả về thể xác lẫn tâm hồn; lại mỗi ngày vẫn lái xe đưa người này người khác đi công việc, vẫn tham dự các sinh hoạt chung, đôi khi lại còn đi múa đôi mỗi cuối tuần.
Thì cụ trả lời: “Nào có bí quyết gì đâu. Ông cứ chịu khó về dở lại những trang sách của cuốn Luân Lý Giáo Khoa Thư, in cách đây nửa thế kỷ, đọc hết chương “Bổn phận đối với bổn thân” là có hết. Nào là các bài học về biết trọng linh hồn, phải quý thân thể, về vệ sinh cơ thể, gìn giữ sức khỏe, ăn uống điều độ, vận động cơ thể, tới  những cách đối xử với nhân quần xã hội để sao cho có tâm thân an lạc. Nếu có thiếu họa chăng chỉ thiếu những chỉ dẫn thực tế về nhu cầu sinh lý, tình dục”

Người viết vội vàng vâng lời, tìm đọc sách Luân Lý Giáo Khoa Thư. Rồi thắc mắc: chả lẽ ngày xưa thiên hạ không có nhu cầu sinh lý. Hay là các cụ biết cả rồi, nên chẳng cần viết ra.

BS Nguyễn Ý Đức

Về Đầu Trang Go down
NTcalman




Posts : 614
Join date : 13/03/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeTue Jan 08, 2019 9:48 pm

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Images?q=tbn:ANd9GcS5BmsoSk9burKYYlewFKZYshZZSSi3E_gUfNSsQBRp0T8KM98Ivw

Lợi ích của việc đọc sách với người già

Việc đọc sách không chỉ đem lại lợi ích cho người già mà đối với mọi lứa tuổi sách không thể thiếu để duy trì tuổi già vui vẻ và khỏe mạnh. Dưới đây là những lợi ích không ngờ tới từ việc đọc sách hàng ngày đối với người già.

Đọc sách giúp người già suy nghĩ tích cực, giảm lo lắng

Tâm lý của người già thường rất dễ buồn, dễ tủi thân và những suy nghĩ tiêu cực dễ xuất hiện do thời điểm này người già cảm thấy mình không làm được gì, mình trở thành gánh nặng của người khác. Việc đọc sách sẽ rất tốt trong việc giảm những âu lo, muộn phền cho người già. Theo nghiên cứu của đại học Sussex, đọc sách giúp người già giảm lo lắng hiệu quả hơn rất nhiều hình thức giải trí khác. Bởi khi tập trung vào trang sách, người già sẽ không có tâm trí để suy nghĩ những điều khác nữa.

Cải thiện trí nhớ cho người già

Theo các chuyên gia Trường Cao đẳng điều dưỡng: Việc đọc sách rất tốt cho người già đang có trí nhớ kém. Nếu hàng ngày đều đọc sách sẽ cải thiện đáng kể. Người già ngay cả các vấn đề về sức khỏe và trí nhớ đều bị suy giảm. Vì thế bệnh suy giảm trí nhớ ở người già trở nên phổ biến và hầu như ai cũng sẽ mắc phải. Thế nhưng, nhờ sách người già có thể chủ động khắc phục vấn đề này, cải thiện tích cực trí nhớ của mình. Bệnh suy giảm trí nhớ ở người già không thể chữa khỏi dù với bất kì biện pháp nào nhưng có thể cải thiện và làm chậm lại chỉ nhờ những trang sách.

Thêm kiến thức

Đừng nghĩ rằng người già không cần mở mang kiến thức nhé. Tự đọc sách giúp người già hiểu hơn về tình hình xã hội, chính trị hiện nay. Từ đó kéo gần khoảng cách giữa các thế hệ để việc chung sống trong cùng 1 gia đình không còn nặng nề. Hay đơn giản hơn, khi người già tự đọc sách để nghiên cứu về sức khỏe hay các vấn đề về bệnh của mình sẽ giúp người già biết và tự biết cách chăm sóc sức khỏe của mình đúng nhất.

Đem đến những giấc ngủ ngon

Những ảnh hưởng của bệnh tật, tuổi tác, các tác động tâm lý cũng như môi trường bên ngoài… khiến cho người già thường khó đi vào giấc ngủ, chập chờn, hay thức giấc. Bí quyết để người cao tuổi đưa mình vào giấc ngủ tốt nhất là kết bạn với sách. Việc đọc sách giúp kích thích các dây thần kinh não bộ đồng thời giải tỏa căng thẳng, khiến người cao tuổi dễ vào giấc ngủ hơn.

(Sưu Tầm)


Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  55-danh-ngon-cuon-sach-moi-nguoi-deu-doc
Về Đầu Trang Go down
PVChuong
Admin



Posts : 673
Join date : 25/04/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeSun Feb 17, 2019 9:16 am

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Images?q=tbn:ANd9GcScf1J-qTOyT1lITIj4TUZtdK2NTye214w44oHyyjQofTht8yZ4

Tuổi Già Và Chuyện Lái Xe

- Tạp Ghi Huy Phương


Đối với người Việt Nam, đến tuổi 70 cũng chưa phải là già, kể cả những người lên 80, cũng không ai dám gọi là cụ ông, cụ bà, vẫn còn khả năng lái xe, nhưng đối với cảnh sát Mỹ thì chúng ta nên coi chừng, tuổi senior (từ 62 trở lên) là lớp tuổi dễ bị thu bằng lái nhất.

Các bạn già của tôi, hãy tưởng tượng đến lúc chúng ta không còn được phép lái xe, thì cuộc sống này trở nên bất tiện, buồn bã biết bao nhiêu. Ở Mỹ này không lái xe được xem như người què nằm một chỗ, nhất là ở những thành phố ít phương tiện giao thông công cộng. Chúng ta cũng không có được đời sống như ở Việt Nam, một bước lên xe xích lô, xe ôm hay gọi taxi đến tận nhà. Ở Mỹ đời sống tất bật, ngày thường bận đi làm, cuối tuần còn bao nhiêu việc nhà, con cái đâu có thời giờ để chúng ta đi nhờ xe, đến nơi này hay đi nơi nọ.

Tôi có một cô em họ, độc thân, 76 tuổi. Tuần rồi cô gây một tai nạn xe hơi. Thật ra không phải lỗi của cô. Cô đang lái xe trong lane sát lề bên tay mặt, thì một chiếc xe từ lane bên trái, xấn vào đầu xe của cô khá mạnh. Mất bình tĩnh, cô lái xe sang phải và đụng vào một chiếc xe khác đang đậu bên lề đường. Cô và người ngồi trên xe chỉ bị hoảng hốt, trầy trụa nhẹ, nhưng cả hai chiếc xe đều bị hư hại nặng (total loss). Cảnh sát đến lập biên bản, lấy bằng lái của cô để ghi chi tiết, nhưng cô không ngờ, đây là ngày cuối cùng cô được lái xe. Cô không có con cái, có nghĩa là từ đây, việc di chuyển của cô sẽ gặp nhiều khó khăn, và đời sống của cô bước sang một khúc ngoặt mới.
Chúng ta thử đặt mình vào hoàn cảnh của câu chuyện ở trên, để thấy giờ này mà chúng ta còn lái xe được, rong ruổi trên xa lộ, đi đây đó, hạnh phúc biết chừng nào!

Chiều ngày 16 tháng 7 năm 2003, cụ George Weller, 86 tuổi, đã lái chiếc xe Buick LeSabre năm 1992 của mình xuống đại lộ Arizona ở Santa Monica, California để đi tới khu mua sắm Third Street Promenade nổi tiếng ở đây. Cuối con đường, hôm đó người ta đã ngăn lại để dành cho một phiên chợ nông sản cuối tuần. Chiếc xe của cụ Weller đã chạy thẳng đâm xuyên những bảng chận đường, lao vào khu chợ đang đông người với tốc độ 60 miles/giờ, đã tông chết tại chỗ 10 người và đã làm 63 người khác bị thương. Weller nói ông đã đạp nhầm chân ga thay vì đạp thắng.
Ngày 8/11, năm 2011, tại một thị trấn Palm Coast, miền Bắc Florida, ông cụ Louis Nirenstein, một người “handicap” thường dùng xe lăn, lái xe hơi và lạc tay lái, chạy vào, cũng một chợ nông sản, làm bị thương 3 người. Cụ cho cảnh sát biết chân ga của cụ bị kẹt.
Cuối năm 2014, bà cụ Beryl Hughes, 84 tuổi đã bị giam giữ 24 tuần, đồng thời bị cấm lái xe 5 năm vì tội gây ra tai nạn chết người. Cụ lái chiếc Audi A3 đâm trực diện vào chiếc Honda Civic do ông Brian Bockmaster, 80 tuổi lái, khiến ông Brian phải nhập viện và qua đời một ngày sau đó. Trước khi gây ra vụ tai nạn, bà Hughes từng bị phạt vì lái quá tốc độ hạn định. Bản thân bà Hughes cũng thừa nhận nhiều năm trở lại đây, khả năng lái xe đã suy giảm.

Các vụ tai nạn đã thúc đẩy những cuộc tranh luận toàn quốc ở Hoa Kỳ về những tai nạn giao thông do những người lái xe cao tuổi gây ra.
Theo Cục Quản lý An toàn Giao thông Quốc gia (National Highway Traffic Safety Administration) những người lái xe lớn tuổi từ 65 tuổi trở lên đã gây ra 12.5% tai nạn giao thông trên đường phố.
Vấn đề được đặt ra là những người lái xe lớn tuổi có còn giữ được “an toàn trên xa lộ” không? Từ lâu, Anh quốc có quy định bắt buộc bằng lái xe của những người từ 70 tuổi trở lên đều bị thu hồi. Để có thể tiếp tục lái xe, họ cần phải kiểm tra sức khỏe và thi lại bằng lái trước ngày sinh nhật lần thứ 70 và liên tục phải đổi bằng lái mỗi ba năm. Ở Mỹ, người lái xe trên 70 tuổi vẫn được cấp bằng lái có hiệu lực 5 năm, đến kỳ hạn 5 năm, họ chỉ việc thi lại bằng viết và kiểm tra lại thị lực, nhưng trong thời gian này, nếu gây ra tai nạn, chắc chắn bằng lái sẽ bị thu hồi.

Tuy nhiên, việc có nên cấm hẳn người già lái xe hay không luôn là chủ đề được bàn tán sôi nổi. Năm 2010, tỉ lệ người trên 70 tuổi lái xe trên toàn quốc tăng gấp 4 lần so với năm 1975. Ở California có hơn 5.5 triệu người trên 55 tuổi đang lái xe, và hơn 2.5 triệu người trên 70 tuổi.
Tại Anh Quốc, phụ nữ cao tuổi nhất đang lái xe đã 107 tuổi. Nước này có 191 người có bằng lái xe trên tuổi 100. Bộ Giao thông Anh (DfT) cho biết, tuy chưa có bằng chứng cho thấy người cao tuổi lái xe có nguy cơ gây tai nạn cao hơn nhóm tuổi trẻ, nhưng thực tế, báo chí tốn không ít giấy mực với các vụ người lớn tuổi lái xe vi phạm luật lệ hoặc gây tai nạn.

Người ta đưa ra những yếu tố giải thích người già gây ra nhiều tai nạn vì:
- Không còn minh mẫn, nhanh lẹ, nên phản ứng chậm chạp trước các tình huống.
- Bị ảnh hưởng các loại thuốc mà người già thường dùng.
- Phản ứng sai lệch do việc đau các khớp chân tay, hay cổ.
- Tai không nghe rõ, mắt đã mờ.

Ở các nước khác, để giảm tội ác và các tai nạn do súng đạn, chính phủ kêu gọi người dân đem súng đổi lấy tiền thưởng, trong khi ở Nhật người ta kêu gọi quý cụ đem bằng lái xe nộp cho cảnh sát để được giảm giá khi ăn mì ramen tại 176 địa điểm thuộc chuỗi nhà hàng Sugakiya, nghe thật tội nghiệp! Bằng lái của người già cũng nguy hiểm như súng đạn hay sao?
Một chiến dịch của cảnh sát Tokyo cũng khuyến khích người già từ bỏ việc lái xe bằng cách giảm giá xe buýt và taxi cho họ. Nhiều trường hợp người già gây tai nạn đã xảy ra, khi một người phụ nữ 83 tuổi mất kiểm soát khi đang lái xe, gây ra cái chết cho hai bộ hành. Một cụ ông khác, 87 tuổi lái xe tải đâm vào một nhóm học sinh, khiến một em 6 tuổi tử vong.

Người già lái xe xin đọc những lời của Thẩm phán Stephen Holt (Hoa Kỳ) sau đây “Bản thân người cao tuổi và gia đình, bạn bè cần có trách nhiệm theo dõi khả năng lái xe của mình và người thân, đối mặt với sự thật rằng – qua thời gian, khả năng lái xe của họ không còn an toàn. Việc người cao tuổi cần và muốn lái xe, ít để ý tới vấn đề an toàn, đặc biệt ở những khu vực xa đô thị, không có các phương tiện giao thông công cộng là điều dễ hiểu”.

Một nghiên cứu do Khoa Y học Cộng đồng Maliman thuộc Đại học Columbia thực hiện và công bố đầu năm 2016 cho thấy, sức khỏe của người cao tuổi sẽ bị suy giảm khi họ không còn được lái xe. Không chỉ vậy, việc này sẽ đem lại cho người già triệu chứng trầm cảm, buồn phiền.
Các bạn già của chúng tôi, những người đang còn lái xe như hôm nay cảm thấy thế nào nếu một ngày nọ, không còn ngồi được vào chiếc xe, sau tay lái để tự ý đi đây, đi đó mà phải nhờ đến con cái, họ hàng. Điều đó có nghĩa là đời sống đã mất đi nhiều ý nghĩa.

Nhưng một ngày nọ, nếu các bạn nghe tin có người lái một cái xe đâm vào một đám đông gây chết người, thì đừng vội kết luận đó là một chuyện khủng bố của ISIS, mà nên xem lại có phải người lái xe là một trong mấy ông bạn già lạng quạng của chúng ta không?

Huy Phương
.
Về Đầu Trang Go down
NTcalman




Posts : 614
Join date : 13/03/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeSun Apr 14, 2019 9:20 am

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Images?q=tbn:ANd9GcTxDy37YX8NuxxLpcqCvZaw6UIfvmnPvGh2cV82tbc2XojL5W7o

Bốn việc cần chuẩn bị cho tuổi già

Cứ mỗi một ngày qua đi cuộc sống của ta lại bị rút ngắn thêm 24 giờ. Có người nói, về già cần phải có 3 điều tránh và 1 điều muốn:
Tránh bị sét đánh, tránh bị cắm ống thở bình ô-xy, tránh phải phẫu thuật cắt ống khí quản. Và muốn chiếc quan tài.

Người xưa nói: “Biết quản lý tiền bạc thì không nghèo, có kế hoạch thì không loạn, giỏi chuẩn bị thì không bận”.
Là người cao tuổi, phải chăng chúng ta cần chuẩn bị tốt hơn? Chỉ cần chuẩn bị trước, thì sau này bạn sẽ bớt phải lo lắng hơn. Nhưng cụ thể ta cần chuẩn bị những gì?

Việc đầu tiên chính là già mà vẫn khỏe

Ba việc đơn giản, không phải đụng đến thuốc men mà vẫn đảm bảo sống khỏe chính là: Ăn đủ chất, chú ý giữ gìn sức khỏe và phải có sự tu dưỡng.

Việc thứ hai cần chuẩn bị là một nơi ở khi về già


Nếu ở cùng con cháu mà phải sống một cuộc sống câm nín, nhẫn nhục để dung hòa sự khác biệt giữa các thế hệ chi bằng bạn hãy ra ở riêng, một mình hưởng thụ sự thanh thản, niềm vui đơn thân tuổi già.
Dẫu là nơi đô thành nhộn nhịp hay là vùng ngoại ô yên bình, hãy sống ở nơi bạn cảm thấy phù hợp nhất với mình. Nhưng phải nhớ là gần đó có nhà ăn mà bạn yêu thích, có một nơi thư thái để bạn dưỡng già!

Việc thứ ba là kiếm tiền dưỡng già

Bạn đã nuôi con nên không còn tiền tiết kiệm để dưỡng già? Thực ra là cha là mẹ chúng ta cũng nên tự thân vận động, nên tự lo liệu cho mình lúc tuổi già.
Bạn hãy tiết kiệm một khoản tiền để có thể làm những gì mình muốn, đi những nơi mình thích khi về già. Điều này cũng không có gì đáng xấu hổ cả. Ngược lại con cái chúng ta còn bớt đi một phần lo toan khi gánh nặng cơm áo gạo tiền vốn đã rất áp lực trong cuộc sống hiện đại này.
Bạn đã nuôi con khôn lớn, dựng vợ gả chồng cho chúng, cũng đã coi như làm tròn trách nhiệm của người làm cha làm mẹ với con cái mình. Nên số tiền dưỡng già nhất định nên phải có một khoản cho mình. Khi chưa vào quan tài thì bạn cũng chưa cần phải phân chia cho ai cả.

Việc thứ tư là tìm cho mình những người bạn già

Hãy mở rộng lòng mình, kết thêm nhiều thiện duyên hơn nữa. Đây cũng là một bí quyết hưởng thụ cuộc sống của những quý tộc đơn thân.
Hình ảnh những đôi vợ chồng luôn yêu thương quấn quýt bên nhau từ thuở còn son tới khi đầu bạc răng long quả thực khiến rất nhiều người phải ngưỡng mộ. Nhưng nếu cuộc hôn nhân không được mỹ mãn như bạn mong muốn thì hãy mỉm cười mà chấp nhận nó. Âu cũng là cái duyên cái nợ từ đời trước, con người cũng chỉ nên vâng mệnh trời mà thôi.

Khi tâm hồn trống trải, ta mới cảm thấy cô đơn. Nhưng nếu bạn có thể lấp đầy trái tim ấy bằng tình yêu cuộc sống, bằng sự biết ơn và quan trọng nhất là tìm cho mình một tín ngưỡng chân chính cho tâm hồn nương tựa, bạn sẽ thấy hạnh phúc tới tận giây phút cuối đời.
Có những điều lỗi thời, không hề đúng đắn nhưng vẫn khiến nhiều người dao động, nào là “Người ở thiên đường, tiền ở ngân hàng”, “Sống một mình rất cô đơn”, “Già rồi sẽ không có người chăm sóc”… Bạn phải nhận thức rõ rằng, tiền tài chỉ là vật ngoài thân, danh lợi chỉ là hư ảo trong chốc lát, trải nghiệm cuộc sống mới là toàn bộ kiếp người.

Nếu buộc phải trải qua những tháng ngày cuối đời một mình, hãy làm một người “độc thân vui vẻ”. Chẳng phải có câu rằng, đời người hai lần trẻ con đó sao? Khi còn thơ bé chúng ta rất ngây ngô, trong sáng, chẳng truy cầu, chẳng phiền muộn. Tới khi bạc đầu, khi đã nhìn thấu sự đời, chúng ta lại học được cách buông bỏ, ít truy cầu, ít buồn khổ. Như vậy chẳng phải ta lại hồn nhiên như một đứa trẻ hay sao?

Cuối cùng, xin hãy nhớ kỹ! Trước khi bạn già hãy chuẩn bị cho mình một sức khỏe tốt, một khoản tiền, những ngày tháng rảnh rỗi, những người bạn tốt, một không gian dành riêng cho mình và một tín ngưỡng chân chính mang lại sự bình yên trong tâm hồn của bạn.

(Sưu Tầm)



Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Images?q=tbn:ANd9GcSL19QtkNYt7TBfs8_IeBwkz-0Msi7Ge0KcM14hpOlpH1qtug7P
Về Đầu Trang Go down
PVChuong
Admin



Posts : 673
Join date : 25/04/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeTue May 21, 2019 7:56 am

.
Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  TuoiGia

Chuẩn bị cho tuổi già cô đơn


Đôi khi chúng ta thấy nhiều người kêu ca rằng mình cô đơn. Thực ra cô đơn là một từ văn chương mỹ miều và sang trọng, dân dã hơn người ta hay than phiền về cái nỗi “buồn chán” đeo đẳng. Điều này thường gặp hơn ở những người đã đến tuổi hưu trí. Khi đến ngày cầm sổ hưu, họ sốc. Đến ngày cuối tuần, con cái không về thăm họ vì một việc bận bất thường nào đó, họ sốc. Và họ buồn hàng ngày. Họ trách con cháu vì thiếu quan tâm đến họ. Họ bảo chỉ có hai ông bà già thui thủi đi ra đi vô trong một căn nhà vắng lặng. Tôi nghĩ nhiều về điều này. Tại sao những người già lại hay cô đơn? Khi đã về già và lúc còn trẻ có khác gì nhau? Họ bảo tôi không hiểu được đâu vì tôi còn trẻ, chừng nào tôi già như họ thì tôi mới thấy thấm.

Những người già cô đơn, khi còn trẻ, có lẽ họ cũng không có nhiều niềm đam mê trong cuộc sống. Họ vui khi trẻ, vì lúc đó họ có một công việc để làm nơi công sở và một cộng đồng người vây xung quanh để trò chuyện và giao tiếp. Suy cho cùng, đó là những người luôn cần có cộng đồng. Và thú vui duy nhất của họ là được trò chuyện, đối với phụ nữ thì dùng một từ lóng thô giản hơn là buôn dưa lê. Họ buôn dưa lê ở sở làm, quán cà phê, trên điện thoại, trên mạng, qua Facebook hoặc Yahoo Messenger. Đàn ông cũng buôn dưa lê, nhưng chủ yếu ở các quán nhậu, quán cà phê sáng hay quán cóc vỉa hè. Chả thế mà đâu có quốc gia nào bắt gặp những quán nhậu mà ở đó đàn ông nói chuyện ầm ào như chợ vỡ từ sáng muộn cho tới chập chiều, từ chiều muộn cho tới tối đêm.

Ngoài thú vui trò chuyện ra, những người già cô đơn khi còn trẻ không có mấy mối bận tâm nào khác. Họ không thích đi du lịch, khám phá mạo hiểm, đọc sách hoặc viết lách, nghe nhạc hoặc chơi vài loại nhạc cụ nào đó, thăm phòng tranh hoặc vẽ tranh, xem các trò thể thao hoặc chơi thể thao, chơi cờ, khiêu vũ, xem phim, trồng trọt, nuôi thú cảnh, làm đồ thủ công, may vá thêu thùa, sưu tập tem-tiền cổ-xe máy-đĩa hát-đèn dầu… Khi những người già (hay kêu) cô đơn được hỏi, không một hạng mục nào vừa kể trên nằm trong sở thích của họ, chứ đừng nói là đam mê. Họ cũng không biết làm công việc phụ gì khác ngoài cái nghề nghiệp mà kể từ khi nghiệp đoàn ký quyết định về hưu cho họ thì đã chấm dứt vĩnh viễn. Cuối cùng, một số người già thi thoảng đi chùa giải khuây, mặc dù đi lễ chùa hoàn toàn không được xếp vào danh mục giải trí.

Cha mẹ tôi năm nay cũng tròn 70. Và tôi chưa bao giờ thấy họ phàn nàn về nỗi cô đơn. Không phải họ “ngậm đắng nuốt cay”, mà có lẽ vì chẳng mấy khi họ có thời gian để mà cô đơn. Cha tôi là nhiếp ảnh gia kiêm nhà báo. Hễ cứ gọi điện cho ông lần nào là đều thấy giọng ông vui vẻ và náo nức “Ừ, bố đang ở Hà Giang (hoặc Cà Mau hoặc Đà Nẵng hoặc Tây Nguyên…). Bố chụp được nhiều ảnh đẹp lắm con ạ. Khi nào về bố sẽ cho con xem. Bố đang đi cùng các bác…”. Đôi khi ông tự gọi điện cho tôi vào lúc tối muộn, từ một vùng núi nào đó rất xa Hà Nội hoặc từ một cổng galery ảnh ở Sài Gòn, chỉ để chia sẻ những câu chuyện và cảm xúc tức thời ở cái nơi đang rất vui vẻ ấy, bằng một giọng vội vã rồi nhanh chóng cúp máy để… vui tiếp. Lát sau tôi mới chợt nhớ ra ông đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, cái tuổi mà con cháu có thể tổ chức lễ mừng thọ cho ông được rồi.

Mẹ tôi cũng vậy, mỗi bận lên thăm cháu ngoại thường mang theo một túi sách báo, đưa cho tôi những cuốn hay mà bà vừa tìm đọc và tâm đắc, rồi phấn khởi kể về chuyện tuần trước tham gia văn nghệ ở một câu lạc bộ nào đó. Mỗi lần như vậy, tôi lại nhẹ lòng. Bởi lúc nào tôi cũng canh cánh lo cái nỗi cha mẹ tôi cô đơn vò võ khi cả hai con gái đều đã đi lấy chồng. Cha mẹ tôi, tôi và con gái tôi là ba thế hệ với ba cách sống, cách nghĩ khác nhau, bên cạnh sự gắn bó bằng tình thương ruột thịt bất tận và sự chia sẻ niềm vui nỗi buồn thì dẫu sao mỗi người vẫn là một thế giới riêng, vẫn không thể là một người bạn theo đúng nghĩa của nó. Nếu những thế giới riêng không có niềm đam mê và niềm vui riêng của chính mình thì lâu dài sẽ dẫn đến sự phụ thuộc về niềm vui sống. Điều này là rất nguy hiểm.

Tôi hay phải trả lời một câu hỏi quen thuộc của những người bạn gái. Bạn tôi nói rằng mình đang trong tình trạng xì-trét, chỉ vì cô ấy yêu chồng quá đỗi và anh ta thì đã có người khác. Sau khi trao đổi một hồi, tôi hiểu việc khuyên cô ấy kéo lại người kia là bất khả thi, nên tôi tư vấn cô ấy nên theo học một lớp Yoga, thiết kế đồ họa, học tiếng Tây Ban Nha hay Tango Argentina. Những lớp học sẽ thay đổi không khí, mang lại niềm vui, chia sẻ mối quan tâm độc nhất của cô ấy sang một hướng khác. Học những điều mới lạ cũng là một thử thách. Người ta sẽ cảm thấy tự tin hơn khi chinh phục và vượt qua những điều mình chưa biết. Những lớp học hay những câu lạc bộ cũng mang đến sự giao lưu của một nhóm người có cùng chung một mối quan tâm. Nhưng cô ấy chào tôi rồi ngắt máy. Trước khi ngắt máy nói rằng cô ấy tưởng bí quyết của tôi là gì, chứ đi học thì chán lắm. Mối quan tâm lớn nhất của cô ấy chỉ là người chồng đã mất phần hồn chỉ còn phần xác.

Hãy thử xem, nếu bạn không có bất cứ sự quan tâm nào khác trong cuộc sống ngoài thú vui trò chuyện cùng một người hay một nhóm người nào đó (gia đình, người yêu, đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm) thì khi những người đó biến mất, bạn sẽ như thế nào? Bạn sẽ cảm thấy tuyệt vọng như thể đã mất tất cả vậy. Và bạn cảm thấy tương lai là một bức màn tối đen. Hay chí ít, nếu chỉ vắng mặt những người xung quanh trong một thời gian ngắn, bạn sẽ rơi vào cảm giác buồn chán và vô vị.

Trong giáo trình tiếng Anh tôi đang dạy cho học trò có tên là “Market leader”, có một đề tài thảo luận khá thú vị: You should plan your retirement from an early age. (Bạn nên lập kế hoạch khi về hưu ngay từ lúc tuổi đời còn rất trẻ). Học trò của tôi phì cười trước đề tài này. Không ai muốn lập kế hoạch cho tuổi hưu trí của mình khi mới mười tám đôi mươi. Vậy mà tôi đã mường tượng đến tuổi già của mình từ lâu lắm. Tôi vẫn nói đùa với bạn bè rằng: Khi nào đã sang ngưỡng cửa bên kia của cuộc đời, tôi sẽ mua một ngôi nhà ở một nơi (mà tôi cho rằng đẹp nhất hành tinh) để sống, một mình. Vốn đã quen với những quan điểm và lối suy nghĩ đi quá ngưỡng bình thường của tôi, những người kia vẫn không quên kinh ngạc: Tại sao thế?

Tại vì khi ấy không nhiều người còn cần đến tôi nữa. Tôi ít khi thấy những cặp vợ chồng già vẫn còn ríu rít âu yếm và trò chuyện bất tận như một đôi uyên ương, hiếm khi thấy con cái trưởng thành lúc nào cũng thèm gặp, thèm được trò chuyện với cha mẹ và lúc nào cũng nhớ mẹ như khi chúng còn thơ ấu. Lúc ấy con tôi đã có gia đình riêng hạnh phúc của nó và những mối quan tâm mà tôi chỉ là một vị trí rất nhỏ. Bạn bè tôi có lẽ cũng bận rộn với việc đi lễ chùa, tập dưỡng sinh, lo chữa bệnh tiểu đường, mỡ máu, gút và huyết áp cao, không mấy ai còn thiết ngồi quán cà phê mà trò chuyện.

Khi về già, có lẽ sức sáng tạo cũng đã cạn dần, hoặc vẫn còn có thể nhưng sản phẩm sáng tạo đã đuối dần đi rồi. Khi ấy độc giả sẽ không còn cần đến những tác phẩm trung bình của một tác giả già nua. Và có lẽ đến tận 99 tuổi, tôi vẫn là tôi, vẫn là một cá thể không thể tồn tại ở nơi nào mình ít được cần đến. Lúc đó… tôi mơ màng đến một căn nhà nhỏ xinh xắn ở một đô thị cổ xưa tĩnh lặng, với chiếc ghế băng trên hàng hiên thuận tiện cho việc nằm đọc sách, những sở thích mà khi còn trẻ như bây giờ, tôi luôn không đủ thời gian để thực hiện. Và tôi sẽ không cô đơn khi mà còn quá nhiều niềm vui sống khác.

Tất nhiên đó là một câu chuyện tưởng tượng của một người sống bằng nghề tưởng tượng. Điều tôi muốn nói chỉ là: Nếu bạn có một đời sống tinh thần phong phú và bận rộn, bạn sẽ rất hiếm khi cảm thấy cô đơn và buồn chán. Trái lại, cuộc sống của bạn sẽ kéo dài như một ngày hội bất tận cho đến khi bạn bước vào tuổi hưu.

(Sưu Tầm)


Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Gia-laptop-3
Về Đầu Trang Go down
NHViet




Posts : 595
Join date : 23/08/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeSun Jun 02, 2019 12:12 am

.

Lại nói chuyện "cô đơn"
- Bùi Bích Hà

 
Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  DP-Lai-noi-chuyen-Co-don


Cách đối phó hữu hiệu nhất một khi vô phương chống lại nỗi cô đơn là hãy ôm lấy nó như người bạn tri kỷ là chính bóng mình với nụ cười hòa bình trên môi...
(Hình: DALE de la REY/AFP/Getty Images)


Mấy câu thơ Xuân Diệu viết từ thời tiền chiến, hẳn là ở độ tuổi thanh xuân với trái tim rộn ràng tình yêu đôi lứa.
“… Được giận hờn sung sướng biết bao nhiêu
Nay mình anh nghe tất cả buổi chiều
Vào chầm chậm ở trong hồn hiu quạnh
Anh nhớ em, anh nhớ hình, nhớ ảnh…”

Tôi thuộc lòng và thường đem ra đọc những khi cần khuyên can, hòa giải những người yêu nhau nhưng lại không thể nhường nhịn nhau để mỗi người… cứ lặng lẽ buồn một cõi riêng, quên rằng cuộc sống phù du ngắn ngủi thật vô cùng quý giá trong từng sát na mất hút vào hư vô, không bao giờ tìm lại được.
 Bây giờ thì chúng ta đang sống ở Hoa Kỳ. Một sáng sớm cuối Đông nắng nhợt nhạt dưới bầu trời màu chì và trong một không gian ẩm ướt cơn mưa nhẹ đêm qua, bên cạnh ly nước đậu rang và vài chiếc bánh biscuit có mùi vị nước sốt gà, giở tờ tạp chí mới tới qua đường bưu điện, mắt tình cờ đậu lại trên cái tựa đề “Cơn Dịch Cô Đơn” và bên dưới nó, hàng chữ nhỏ “Gần một nửa dân Mỹ ngày nay cho biết họ cảm thấy cô đơn,” tôi giật mình tự hỏi “Thật vậy sao?” Nhìn thấy đó đây thì lâu rồi, đoán ra sự tình cũng lâu rồi nhưng để có một kết luận chung như vừa đọc được trên tờ tuần báo The Week, Tháng Giêng, 2019, thì điều này quá tầm tay một người viết lách xoàng xĩnh như kẻ hèn này.

Trước hết, hãy xem người Mỹ định nghĩa thế nào là cô đơn? Theo bài báo, cô đơn không định nghĩa bằng con số nhiều hay ít bạn bè trong vòng giao tế xã hội. Các nhà nghiên cứu Khoa Xã Hội Học cho rằng trạng thái cô đơn mà con người cảm nghiệm được là khi họ ít tiếp cận với tha nhân, không có những liên hệ thực sự ý nghĩa như mong muốn làm cho họ biết họ là ai và thông cảm được nhau.
Về căn bản, khi một người cảm thấy cô đơn thì đích thật họ đang cô đơn. Hiện nay, cứ một trong hai người dân Mỹ rơi vào cảnh ngộ này. Một cuộc khảo sát mới đây do công ty bảo hiểm sức khỏe Cygna thực hiện với trên 20,000 người tham dự, cho thấy có tới 47% những người được hỏi trả lời họ thường xuyên cảm thấy cô đơn hoặc bị bỏ rơi bên lề; 30% cho biết không có ai thực sự hiểu họ. Hiện tượng này không riêng ở Mỹ mà lan rộng như một trận dịch ra toàn thế giới.
Có 41% dân Anh nói rằng ti vi và con thú nuôi trong nhà là bạn đồng hành chính của họ trong cuộc sống và nước Anh đã đẻ ra cả một cơ quan tầm cỡ ngang với một bộ trong chính phủ để đối phó với vấn nạn cô đơn đang leo thang. Tướng chuyên ngành giải phẫu Quân Y Mỹ Vivek Murthy nói như sau: “Trong những năm dài hành nghề chăm sóc bệnh nhân, bệnh lý phổ thông nhất mà tôi có kinh nghiệm chữa trị không phải là tim hay tiểu đường mà là sự cô đơn.”

Con người sinh bệnh vì buồn. Điều này người Việt chúng ta đã sớm biết khi đại thi hào của chúng ta, cụ Tiên Điền Nguyễn Du, thế kỷ thứ 19, từng hạ bút cảnh báo nhân gian với hai câu thơ:
“… Giết nhau chẳng cái dao cẩu/ Giết nhau bằng nỗi ưu sầu, độc chưa?”
Năm 2010, Đại Học Brigham Young tiến hành một cuộc nghiên cứu và phát hiện rằng tâm thế cô đơn rút ngắn tuổi thọ tới 15 năm, tương tự với bệnh mập phì hay bệnh nghiện thuốc lá hút 15 điếu mỗi ngày. Nhiều cuộc nghiên cứu khác cũng cho thấy ảnh hưởng tương tác giữa nỗi buồn cô đơn và một lô các vấn đề sức khỏe bao gồm tai biến mạch máu não, đột quỵ tim và cả ung thư. Người cô đơn thường mắc chứng khó ngủ hay mất ngủ, bị bệnh trầm cảm và nghiện ma túy. Về già, trí nhớ những người này dễ bị suy thoái để đi tới lú lẫn.
Theo các khoa học gia, cảm giác cô đơn là một hiện tượng tiến hóa, giống như ở loài vật bị cơn đói thúc đẩy đi tìm mồi, sự cô đơn thúc đẩy con người đi tìm chở che ở bầy nhóm để sống còn. Để có được ứng xử này là do sự cô đơn kích thích việc sản sinh ra kích thích tố gây lo âu (stress hormones), đặc biệt là cortisol. Với một lượng nhỏ thôi, những kích thích tố này giúp kẻ cô đơn nhậy bén hơn trước hiểm nguy nhưng về lâu về dài, sẽ không tốt cho sức khỏe, đưa tới áp huyết cao, khả năng bị viêm nhiễm gia tăng và hệ miễn nhiễm bị suy yếu.
Nếu không được hỗ trợ về mặt tình cảm, người cô đơn dễ dàng trượt xuống những thói quen xấu như nghiện ngập thuốc xái, ăn uống quá độ và lười thể thao. Đối với người cao niên, sự cô đơn và cô độc càng nguy hiểm hơn khi tai biến xảy ra, bị té ngã hay bị động tim. Dưới mắt khoa học gia chuyên về thần kinh học John T. Cacioppo tại Đại Học Chicago, “Chối bỏ cảm giác cô đơn cũng hệt như chối bỏ cảm giác đang đói.”

Thế nhưng ngày nay, cô đơn có vẻ rất chung cho mọi người. Thời khoảng giữa năm 1985 và 2009, căn cứ trên con số những người được coi là bạn tâm giao giảm bớt, sinh hoạt xã hội cũng được coi là co cụm hơn một phần ba. Một trong nhiều lý do tới từ tuổi già của thế hệ Baby Boomers chủ trương sinh ít con và li dị nhiều hơn thế hệ cha mẹ họ trước đây, khiến có nhiều người bước vào tuổi xế chiều trong cảnh đơn chiếc không có bạn đồng hành.
Cứ 11 người Mỹ trong hạn tuổi ngoài 50 là có 1 người đơn thân, thiếu vắng bạn tình và không cả con cái sống cùng. Thống kê cho biết có chừng 8 triệu người ở trong tình cảnh này và một trong sáu Boomers có cuộc sống quạnh hiu. Không những vậy, thị trường công việc nhiều biến chuyển, buộc nhiều người phải tạm rời bỏ gia đình, quê hương đi làm xa và chịu cảnh cô đơn. Điều đáng kinh ngạc là giới trẻ ngày nay có nhiều rủi ro hơn trong bối cảnh xã hội phát triển và tiến bộ. Cũng trong công trình nghiên cứu của Cigna, thế hệ Z từ 18 đến 22 và Millennials từ 23 đến 27 có kỷ lục cao nhất về tâm cảm cô đơn.
Ngày nay dân Mỹ kết hôn và sinh con trễ hơn. Xã hội Mỹ hiện có nhiều người cu ky hơn bao giờ hết trong vòng hơn một thế kỷ qua, chính xác là 140 năm. Công ăn việc làm không ổn định cũng là một nguyên nhân. Loại công việc “chạy sô” hay với hợp đồng ngắn hạn cho thấy nhiều đối tượng ghi chỉ số cô đơn cao nhất. Mặc dầu bề ngoài trông qua ngỡ là con người thời nay dễ dàng có cơ hội nối kết qua các mạng xã hội hơn, thực tế chỉ làm vấn đề thêm tệ.
Cứ miên man bấm chuột chạy qua cả rừng các hình ảnh nào là hội hè đình đám xôm tụ, nào là gia đình sum họp vui vẻ ì xèo, nào là du ngoạn đó đây từng đôi, từng đoàn rất chi là hào hứng, nào là đám cưới cô dâu/ chú rể/ tân khách tưng bừng có thể khiến ai đó xem mà chạnh lòng, cảm thấy mình đứng bên lề và xót xa tủi phận. Một công trình nghiên cứu cho thấy dân Mỹ trong hạn tuổi từ 19 đến 32, có tới 25% những người sử dụng các mạng lưới xã hội nhiều nhất, tiết lộ cảm giác cô đơn của họ cao gấp đôi những người “lướt mạng” ít thôi. Theo một số các nghiên cứu gia, tình trạng cô đơn đã bắt đầu lan rộng trước khi Internet ra đời, từ khi cuộc cách mạng kỹ nghệ bùng nổ, phá vỡ tập quán sống kề cận gần gũi nhau của những cộng đồng nông nghiệp bình ổn.

Theo sử gia Stephanie Coontz tại Đại Học Evergreen State, “điều này đề cập tới một trong những vấn nạn của xã hội tân tiến và cơ động ngày nay.” Một khi chúng ta đạt được tự do thực hiện bất cứ ước muốn nào thì chúng ta cũng đánh mất ý thức “thuộc về” (một ai hay một nơi chốn nào để không có cảm giác chênh vênh) trong bản thể.
Trên đây là nhận định và giải thích của người Mỹ về người Mỹ cô đơn, có thể trong đó gồm cả người Mỹ gốc Việt nhập cư vào Mỹ trên dưới bốn thập niên, ít nhiều sống như người Mỹ nhập cư lâu hơn, lâu nhất trên 200 năm nhưng có cùng may mắn chứng kiến sự ra đời kỳ diệu của nền văn minh tin học, cùng hưởng phúc lợi và hệ lụy của nó để có cùng tâm thế, khác chăng là người Mỹ gốc Việt tới đây thế hệ thứ nhất mang theo vết thương chiến tranh còn nóng hổi, cảm xúc mất quê hương còn nung nấu, hy vọng một ngày về còn đau đáu chưa nguôi dẫu biết rằng mơ ước càng lúc càng trôi xa…

Trong cộng đồng người Việt lưu vong sống ngoài lãnh thổ, kể từ thập niên 1980 thế kỷ trước, sinh hoạt ái hữu giữa đồng hương nói chung bắt đầu hình thành, ngày càng mở rộng như thân cây rẽ nhánh với sắc thái địa phương hay do giao tình nghề nghiệp cũ, ngày càng kiện toàn về mặt tổ chức, quy mô và bề thế gấp bội lúc ban đầu. Họ gặp nhau ít nhất mỗi năm một lần dưới hình thức đại hội, làm nhiệm vụ quan hôn tang tế, tương trợ khi cần và giữ liên lạc chặt chẽ.
Tuy nhiên, sự xuất hiện với quyền lực áp đảo của nền văn minh tin học đã đóng một vai trò hai mặt (thấy là tiện lợi hơn nhưng cũng tai hại hơn) không chỉ thay đổi cung cách thông tin, giao tế, làm ăn mà ngay cả tư duy/ cảm xúc vốn là lãnh vực riêng tư của mỗi thành viên xã hội, khiến cho mọi gần gũi “vật lý” trước đây lui vào thế giới ảo, máy móc, thiếu hẳn hơi ấm của nhau. Bây giờ, cảnh cha mẹ/ con cái, vợ/ chồng, anh chị em/ bằng hữu nói chuyện hàng ngày với nhau bằng điện thoại thông minh xảy ra khắp mọi nơi, mọi lúc, cả những khi bên cạnh nhau, đồi diện nhau, mỗi người cắm cúi trong thế giới riêng mình thay vì nhìn nhau, nghe nhau, cảm thấy hạnh phúc khi có nhau như thế. Thử hỏi khi mọi việc đã qua đi, cái gì còn lại nếu không là kỷ niệm?

Tiếc thay, con người ngày nay có thể rất hài lòng với cái điện thoại thông minh, ngày đêm ăn ngủ với nó nhưng chắc là không thể có kỷ niệm với nó? Không biết đàn cá hồi hằng năm tìm về khúc sông cũ để sinh nở, để chết; lũ bướm thiên di bay cả ngàn dặm về đậu trên những cành khuynh diệp trong khu rừng quen thuộc hay bầy hạc cùng nhau đập cánh trở lại vùng đầm lầy bảng lảng bóng chiều mỗi cuối Tháng Mười như một thói quen đầy xúc cảm, liệu chúng có cùng một ký ức lưu giữ kỷ niệm như con người từ ngàn xưa vốn dĩ vậy không?
Người già Việt Nam không có thói quen ôm cái ti vi quảng cáo nhiều hơn tin tức đó đây, càng ít phương tiện để nuôi và chăm sóc vài con thú cưng làm bạn hay đi du lịch để thưởng thức cảnh đẹp đường xa xứ lạ sau gần trọn một đời mải mê làm lụng để gây dựng tương lai cho con cái, sợ chúng thua kém người ta. Con cái lớn khôn, như chim rời tổ ấm, ít khi nhớ lại rơm rạ lúc chào đời nên cha mẹ già nếu may mắn còn đủ đôi, ở nhà đã cô quạnh, vào nhà già càng cô quạnh hơn trong cái thế giới ngôn ngữ bất đồng, con người làm việc tính trên kim đồng hồ và số lượng công việc cần hơn là phẩm chất.
Các cụ chân còn khỏe, ngoại ngữ đủ nghe, đủ nói để không làm các cụ sợ hãi thì đáp xe buýt tới các sòng bài lân cận, la cà mua vui qua ngày với dàn máy kéo đỏ đen bằng số vốn ít ỏi từ trợ cấp xã hội hay tiền lương hưu bổng gộp vào. Các cụ may mắn hơn, còn vài bạn thiết từ thời chưa có Internet thì họp mạt chược, xập xám, xì phé, chắn cạ hay tứ sắc tại nhà, mỗi tuần 5 ngày trừ ra 2 ngày cuối tuần chuẩn bị đón con cháu về chơi tuy chúng không có hẹn song các cụ không thể không dọn nhà và dọn mình, sợ chúng trách móc thì ít mà sợ chính mình sẽ ăn năn thì nhiều. Ấy là chưa nhắc tới các cụ tuy sức lực hao mòn nhưng để tránh nỗi buồn quạnh hiu, vẫn vui vẻ thở rốc, nhận làm babysitters cho các cháu, tiếp tục gánh vác trách nhiệm giùm đám con không ưu tiên phụng dưỡng nhưng luôn ưu tiên nhờ cha mẹ giúp việc này việc khác với không chút ngại ngùng.

Ôi! Nước mắt cha mẹ ngàn vạn năm như thác đổ sau nhà, chỉ chảy xuống, không thể chảy ngược lên. Phải chăng già hay trẻ, con đường đi của nhân gian tuy sớm muộn có khác nhau nhưng bản chất là một và nỗi cô đơn nằm sẵn trong mỗi phận người. Cách đối phó hữu hiệu nhất một khi vô phương chống lại nó là hãy ôm lấy nó như người bạn tri kỷ là chính bóng mình với nụ cười hòa bình trên môi, cũng là nụ đời cứ mãi thanh xuân trong ký ức như một đặc ân Thượng Đế ban cho loài người trên địa cầu xinh đẹp này.
.
Về Đầu Trang Go down
PVChuong
Admin



Posts : 673
Join date : 25/04/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeWed Jun 05, 2019 9:36 am

.
Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Images?q=tbn:ANd9GcSd2H5o_yXpeFY4jgz01D0EdU4mXR8hs5m0tgNeopvnO2fBpvJL

Suy tư về tình trạng cô đơn và sự cô lập

Theo kết quả thăm dò thì một phần lớn người Mỹ cho biết mình rất khổ sở vì cảm thấy cô đơn. Cuộc thăm dò này kéo dài suốt hai tuần vừa qua (Đức Đạt-lai Lạt-ma nêu lên sự kiện này khi được phỏng vấn năm 2001) cho thấy một phần tư những người trưởng thành (trong xã hội Mỹ) thú nhận mình cảm thấy vô cùng cô đơn, cảm tính này dường như vô cùng phổ biến.

Tôi có cảm giác sự cô đơn phát sinh từ hai nguyên nhân chủ yếu. Trước hết là vì ngày nay chúng ta quá đông đúc. Khi thế giới còn thưa thớt, người ta còn ý thức được thật mạnh là mình thuộc chung trong một gia đình nhân loại, người ta hiểu nhau và cảm thấy gần gũi với nhau hơn. Kể cả ngày nay trong các thôn ấp nơi đồng quê, người ta vẫn còn cảm nhận được điều đó, người dân quen biết nhau, cho nhau mượn dụng cụ và máy móc để canh tác, hoặc cùng hợp tác với nhau trong các công việc quy mô hơn. Ngày xưa người ta thường họp nhau thành đoàn, gọi nhau đi nhà thờ, cùng cầu nguyện. Họ có nhiều dịp gặp gỡ nhau và hàn huyên với nhau hơn.

Ngày nay, địa cầu lâm vào tình trạng thặng dư dân số, hàng triệu người chen chúc trong các thành phố lớn. Quả không khó để nhận thấy mối quan tâm quan trọng nhất của họ là việc làm và tiền lương mỗi tháng. Dường như mỗi người tự tạo ra cho mình một cuộc sống biệt lập. Máy móc gia dụng ngày nay thật tối tân tạo cho chúng ta một cuộc sống không cần lệ thuộc vào người khác, điều đó khiến chúng ta có cảm giác - nên hiểu rằng cảm giác này hoàn toàn sai lầm - là mọi người chung quanh chỉ giữ một vai trò ngày càng thứ yếu đối sự an vui của cá nhân mình. Tình trạng đó rất dễ đưa đến cách cư xử dửng dưng đối với những người chung quanh và tạo ra cảm tính cô đơn bên trong chính mình.

Nguyên nhân thứ hai tạo ra cảm tính cô đơn trên đây theo tôi là vì trong các xã hội tân tiến ngày nay tất cả mọi người đều bận rộn một cách khủng khiếp. Chẳng hạn như khi cất lời thăm hỏi một người nào đó với một câu thật ngắn: "Bạn có khỏe không?", thì chúng ta cũng có cảm giác là mình vừa đánh mất hai giây quý báu trong cuộc đời mình. Công việc vừa xong là vùi đầu vào tờ báo: "Nào, xem có tin tức gì mới lạ không?". Hàn huyên với một người bạn cũng là một cách phí phạm thì giờ.

Sống trong các thành phố đông đúc người ta thường quen biết nhiều người, vì thế phải chào hỏi nhau, phải hàn huyên hết người này đến người khác. Quả hết sức phiền toái. Chính vì vậy mà người ta luôn tìm cách tránh né mọi sự giao tiếp. Chẳng may nếu có một người nào đó muốn gợi chuyện với mình thì mình có cảm giác là người ấy đang tìm cách  xâm phạm vào đời sống riêng tư của mình.

Sống trong các thành phố lớn người ta thường cảm thấy cô đơn, điều đó cho thấy không phải là do thiếu người để mình kết bạn, mà đúng hơn là thiếu sự trìu mến giữa con người với nhau. Đấy là nguyên nhân khiến sức khỏe tâm thần của họ thật sa sút. Trái lại những người lớn lên trong một khung cảnh đầm ấm sẽ có một sự phát triển tích cực và hài hòa hơn về đủ mọi mặt, từ thân xác, tâm thần và cả thái độ hành xử trong cuộc sống. 

Các xã hội ngày nay đã đánh mất hết các giá trị nhân bản, biến cuộc sống trở thành một sự sinh hoạt máy móc. Sáng sớm đi làm. Công việc chấm dứt thì giải trí trong các hộp đêm hoặc các nơi khác. Về đến nhà thì đã khuya, mệt nhoài, ngủ được vài giờ. Sáng hôm sau, nửa thức nửa ngủ, đầu óc mơ mơ màng màng, nhưng cũng phải đi làm. Chẳng phải người dân thành phố trải qua phần lớn đời mình trong cuộc sống đó hay sao? Mỗi người là một bộ phần cơ giới, dù muốn hay không thì họ cũng phải gia nhập vào sự vận hành chung của guồng máy đó. Sau một thời gian thì cuộc sống trở nên hết sức nặng nề, khiến mỗi người phải tự tìm cách nấp mình phía sau thái độ dửng dưng.

***

Mỗi khi đọc lại vài vần thơ Đường thì dường như qua hình ảnh con trăng giữa trời, tiếng thông reo và suối chảy, chúng ta cũng có cảm giác chia sẻ và thừa hưởng được một chút thanh thản và nhàn hạ nào đó của các thi nhân thời bấy giờ. Cách nay chưa đầy hai thế kỷ, Bà Huyện Thanh Quan dắt bốn con còn nhỏ trở về quê gần Hà Nội, sau khi chồng làm quan và mất tại kinh đô Huế. Thời bấy giờ từ Bắc vào kinh đô Huế hoặc ngược lại thường là phải dùng thuyền, nếu lần theo đường bộ xuyên qua núi rừng thì phải dùng ngựa hay xe bò và phải mất hàng tháng. Lúc trèo lên đèo Ngang, bà đã cảm tác vài vần thơ thật man mác:

"Lom khom dưới núi tiều vài chú,
Lác đác bên sông rợ mấy nhà,
Dừng chân đứng lại, trời non nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta".

Quang cảnh vắng vẻ và mênh mông đó dường như rất xa lạ với những con người hối hả ngày nay. Nhiều người dường như cũng không hiểu được sự tinh tế trong các vần thơ của bà, và đã sửa cả thơ của bà, chẳng hạn như "lác đác bên sông rợ mấy nhà" thì lại sửa là "lác đác bên sông chợ mấy nhà". Các chữ "chợ mấy nhà" chẳng mang ý nghĩa gì cả giữa cảnh núi rừng hoang dã. Chữ "rợ" ngày nay không còn dùng nữa mà gọi là "các bộ tộc ít người" hay "dân tộc thiểu số". "Rợ mấy nhà" là vài mái nhà sàn "lác đác" của các bộ tộc đó nơi rừng núi hoang vu. Quang cảnh đìu hiu đó phản ảnh niềm cô quạnh và hoang vắng trong lòng người quả phụ. Thế nhưng qua "một mảnh tình riêng" bà Huyện Thanh Quan cũng cảm thấy ấm áp và rất gần với người chồng vừa mới mất: "Chàng ơi, giữa cảnh hoang vu này, một mảnh tình riêng ta với ta".

Trên đây là một thí dụ cho thấy dù "nghìn trùng xa cách" và ở một nơi hoang vắng, thế nhưng tình thương - dù nhuốm bởi một màu sắc nào cũng vậy - đều có thể kéo con người đến gần với nhau. Trái lại, ngày nay con người chen chúc nhau trong một không gian chật hẹp, nhưng hoàn toàn xa lạ vợi nhau và với cả chính mình. Đó là cảm tính cô đơn thật sâu xa trong tâm hồn mỗi người trong chúng ta trong thế giới ngày nay mà Đức Đạt-lai Lạt-ma nêu lên trong lời khuyên trên đây.

Trích: 365 LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT của Đức Đạt-lai Lạt-ma
Cẩm nang cho cuộc sống ngày nay
Matthieu Ricard ghi chép và sắp đặt bản gốc
Hoàng Phong chuyển ngữ
.
Về Đầu Trang Go down
NHViet




Posts : 595
Join date : 23/08/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeFri Jun 14, 2019 10:10 pm

.

https://www.youtube.com/watch?v=wuqA2sB4YPc
Đường Chiều Lá Rụng (Phạm Duy) Thái Thanh




Ai rồi cũng sẽ đến lúc phải già đi...


Ai rồi cũng sẽ đến lúc phải già đi. Chỉ là hiện tại sức khỏe vẫn còn tốt, đầu óc vẫn còn minh mẫn nên ta cảm thấy mình hãy còn trẻ trung mà thôi. Nhưng tới khi thực sự già đi rồi, bạn biết trông mong vào ai đây?
Nếu bạn có một tổ ấm, thì khi còn chưa nhắm mắt xuôi tay nhất định không được vứt bỏ nó. Nếu bạn có một người bạn đời, hãy bầu bạn và biết trân quý nhau. Nếu bạn có một sức khỏe tốt, hãy bảo trọng lấy mình.

Hãy thử ngẫm xem khi mình già đi, bạn nên làm gì trong chặng đường đời sau cùng ấy.

** Giai đoạn 60 – 70 tuổi: Hãy tự biết thu xếp


Sau khi nghỉ hưu, từ 60 – 70 tuổi, sức khỏe của bạn vẫn còn khá tốt. Nếu có điều kiện, bạn thích ăn thứ gì thì hãy cứ nếm thử một chút, thích mặc thứ gì thì cứ mua về vài bộ, thích chơi thứ gì thì cứ thử xem sao (tất nhiên ngoại trừ những thứ xấu).

Đừng quá hà khắc với bản thân bởi lẽ những ngày tháng như vậy không còn nhiều. Bạn hãy tranh thủ thời gian tận hưởng chúng. Bạn cũng cần học cách quán xuyến tiền bạc. Hãy giữ lại cho mình một căn phòng để ở, sắp xếp cho mình một con đường lui lại về sau.
Con cái hiếu thuận là con cái ngoan. Nhưng dẫu sự nghiệp của con cái có khởi sắc thì tiền bạc vẫn là của con cái. Bạn không từ chối việc chúng hỗ trợ kinh tế, cũng không từ chối chúng hiếu kính với mình, nhưng vẫn phải dựa vào chính mình để tự thu xếp ổn thỏa cho phần đời còn lại.

** Giai đoạn 70 – 80 tuổi: Hãy giữ gìn sức khỏe

Sau tuổi 70, bạn vẫn có thể sống một cuộc đời bình yên, không tai ương hay bệnh tật. Đó là khoảng thời gian bạn vẫn có thể tự chăm sóc bản thân nên cũng chẳng có gì đáng lo ngại.
Nhưng bạn nhất thiết phải biết rằng lúc này mình thực sự đã già, sức khỏe và tinh thần cũng dần suy kiệt, phản ứng cũng ngày càng chậm hơn.

Khi ấy bạn:
Ăn cơm phải nhai chậm để tránh bị nghẹn.
Đi đường phải bước chậm để tránh bị ngã.
Không được thể hiện bản thân mình nữa, phải biết tự lượng sức mình và chăm sóc bản thân.

Hãy thôi lo lắng bao đồng việc nọ việc kia. Quả thực đây là tâm bệnh chung của những người già, có người còn lo lắng cho cả con cháu 3 đời. Bạn đã lo lắng cho người khác suốt cả cuộc đời rồi, giờ là lúc bạn cần nghỉ ngơi, học cách buông tay và thuận theo tự nhiên. Bạn chỉ cần chăm sóc cho bản thân mình thôi!
Hãy làm mọi việc một cách thư thái. Không cần quá câu nệ rằng mọi ngóc ngách trong nhà đều phải tinh tươm, mọi chuyện đều phải hoàn hảo mà hãy để tâm hơn tới sức khỏe. Hãy kéo dài thêm thời gian tự chăm sóc mình, đừng nên làm lụng quá sức để phải đổ bệnh rồi lại chờ người khác đến chăm sóc mình.

** Giai đoạn 80 – 90 tuổi: Chuẩn bị tinh thần thật tốt


Đến tuổi này, nỗi khổ nào bạn cũng đã từng nếm trải nên chắc hẳn chặng đường cuối cùng trong đời cũng sẽ trôi đi êm đềm. Lúc này sức khỏe của bạn không còn tốt nữa và đã phải cầu cứu tới người khác.

Nhất định bạn phải chuẩn bị tâm lý trước. Đa số mọi người đều không tránh khỏi quan ải này. Bạn cần học cách điều chỉnh tốt tâm trạng của mình để có thể thích ứng nhanh nhất.
Sinh, lão, bệnh, tử là chuyện thường tình trong đời người, vậy hãy cứ thản nhiên mà đối mặt với nó. Đây chính là giai đoạn cuối cùng của cuộc đời, không gì có thể khiến bạn sợ hãi cả. Chỉ cần bạn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng, mọi chuyện rồi sẽ nhẹ nhàng qua đi mà thôi.
Tùy thuộc vào điều kiện và sở thích, bạn có thể vào viện dưỡng lão, hoặc thuê người giúp việc chăm sóc ở nhà. Nhưng có một nguyên tắc là bạn không được dày vò con cái.
Bạn cũng đừng nên gây áp lực tâm lý, tạo thêm nhiều gánh nặng khác cho những đứa con của mình. Những gì có thể tự mình làm được thì bạn hãy cố gắng tự làm, đừng để con cái phải bận lòng.

** Giai đoạn sau tuổi 90: Hãy dựa vào chính mình

Lúc này có thể đầu óc bạn vẫn còn minh mẫn nhưng bệnh tật lại bám riết lấy mình. Bạn đã không thể tự chăm sóc bản thân được nữa. Khi ấy bạn sẽ có đôi chút hụt hẫng, cảm thấy cuộc sống thật bế tắc.
Nhưng dù thế nào cũng vẫn phải dũng cảm đối mặt với cái chết. Hãy cứ coi như đó là sự khởi đầu một trang mới của kiếp người. Đây chỉ là kết thúc của một hành trình cũ, cũng là bước khởi đầu của một hành trình mới mà thôi.
Chẳng phải một năm có 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông vẫn luôn xoay vần như vậy hay sao? Cứ thuận theo mệnh trời, không phải quá cưỡng cầu, mong đợi người nhà chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm cách chạy chữa cho bạn, đừng để người thân và bè bạn phải thêm nhọc lòng, phiền muộn vì bạn.

“Già rồi biết trông mong vào ai đây?”.
Câu trả lời là: “Chính mình và vẫn là chính mình”.


(Nguồn: www.dkn.tv/van-hoa)
.
Về Đầu Trang Go down
NTcalman




Posts : 614
Join date : 13/03/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeThu Oct 03, 2019 11:17 am

.

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  9k=

Kiểu người không bao giờ già đi...

Có một kiểu người cả đời chẳng hề già đi, năm tháng dường như đã lãng quên họ. Cái già đi chỉ là tuổi tác, còn khí chất và thần thái là không hề thay đổi. Tất cả là bởi họ mang trên mình những điều rất đặc biệt này.

1. Một tâm hồn chất phác ngây thơ
Thật khó khi kinh qua trường đời mà vẫn giữ được một tâm hồn chất phác ngây thơ. Đó không phải là kiểu “hồn nhiên như cô tiên” mà là sau những cay đắng của cuộc đời vẫn tin tưởng vào điều tốt đẹp. Đó là một tâm hồn trong sáng, không đánh mất sự hồn nhiên hiếu kỳ đối với vạn vật. Người như vậy thường hạnh phúc và tươi trẻ.

2. Coi trọng dáng vẻ hàng ngày

Ăn mặc tươm tất, chú trọng vẻ ngoài cũng là một điều quan trọng. Người già chúng ta không nên “tuổi chưa cao mà hồn đã lão”, tâm trí lúc nào cũng đặt trong cảnh tương lai mờ mịt, quá khứ u buồn, cảm thấy chăm chút bản thân là việc của giới trẻ.
Người trẻ tuổi có sự hấp dẫn tự nhiên nên không cần phải để tâm vào việc ăn mặc. Còn người có tuổi, bất luận ở nhà hay ra ngoài đều nên tùy thời phục sức, tao nhã đúng mức, mang lại niềm vui cho bản thân và mọi người. Khi bạn ăn mặc trang nhã, hiển lộ tinh thần sung mãn, thì tự nhiên cũng tự tin hơn, nhìn vào thấy trẻ ra cả chục tuổi.

3. Kiên trì đọc sách học tập, du lịch

Những người nhìn vào trẻ trung phần lớn đều kiên trì với phương châm “không ngừng tinh tiến, không ngừng học hỏi”. Trong bụng đã có một bồ sách, một kho thi thư thì ắt tâm hồn phong phú, dung mạo phong lưu. 
Đọc sách giúp mở rộng nhân sinh quan, thế giới quan, du lịch giúp mở mang tầm mắt. Người ham thích đọc sách và du lịch, đối với bất cứ sự việc gì đều tự có kiến giải, không phải kiểu người bảo sao hay vậy, tự nhiên thần thái ung dung, tràn đầy sức sống của tuổi thanh xuân.

4. Tấm lòng lương thiện

Những người nhìn vào trẻ trung, thường là thuần phác, thiện lương. Quá trình tu tâm dưỡng tính của họ thăng hoa thể hiện thành thần thái, tướng mạo bên ngoài. Cũng bởi tướng tùy tâm sinh, nên người có tâm từ bi, có lòng nhân ái, luôn luôn phát ra một loại hào quang. Với người khoan dung, hơn nửa gương mặt là có phúc tướng. Với người mà tính tình dịu dàng thì tướng mặt đã toát lên sự thân thiện.

5. Có mục tiêu theo đuổi

Người mà nhìn vào trẻ trung sẽ luôn trong trạng thái tinh thần phấn chấn và tràn trề sức sống. Dù là đã nghỉ hưu rồi, trong cuộc sống nên đặt những mục tiêu mới. Trong phạm vi mà khả năng cho phép, hãy tích cực tham gia các loại hoạt động như ca hát, chụp ảnh, khiêu vũ… Như vậy, cuộc sống bày ra trước mắt bạn sẽ có sức sống hơn, cũng sẽ khiến bạn không bao giờ thấy mình già đi vậy.

6. Biết cảm mến cuộc đời

Đam mê cuộc sống vẫn chưa đủ, nếu như có thể có chút lòng cảm mến với nó thì sẽ hoàn mỹ hơn. Không hưởng thụ những ưu việt mà đồng tiền mang lại, nguyện ý bỏ tâm tư trồng mấy chậu cây cảnh hay bắt tay chế tác mấy món đồ chơi, có những đam mê sở thích khác. Người như vậy, thời gian làm sao nhẫn tâm để bạn già đi đây?

7. Kiên trì vận động

Thân thể khỏe mạnh mới là nền tảng duy trì sự trẻ trung. Người mà trông không có vẻ già đi nhất định đều kiên trì vận động, khiến bản thân từ trong đến ngoài đều tỏa ra sức sống.

8. Tâm thái trẻ trung

Người có tâm thái trẻ trung sẽ tích cực trải nghiệm những điều mới mẻ, luôn hiếu kỳ khám phá những điều mới lạ. Trên người họ, bạn có lẽ cũng có thể nhìn thấy nếp nhăn nơi khóe mắt chân mày. Nhưng điều khiến bạn nhìn không chớp mắt là gương mặt với thần thái ung dung và tâm trạng yêu đời của họ.

Nhà văn Murakami Haruki đã từng nói: “Con người ta không phải là dần dần trở nên già đi, mà là trở nên già đi chỉ trong nháy mắt“. Con người trở nên già đi, không phải bắt đầu từ nếp nhăn đầu tiên, hay cọng tóc bạc đầu tiên, mà là bắt đầu từ ngay cái thời khắc buông bỏ chính mình. Chỉ có những ai không từ bỏ chính mình, mới có thể sống thành người không sợ già, và cũng sẽ không thấy mình già đi.

(Sưu Tầm)

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  2Q==

https://www.youtube.com/watch?v=-4UoJ47SzjA
Forever Young - (Bob Dylan) - Joan Baez

May you grow up to be righteous
May you grow up to be true
May you always know the truth
And see the lights surrounding you
May you always be courageous
Stand upright and be strong
And may you stay forever young.

Forever young, forever young
May you stay forever young.

.
Về Đầu Trang Go down
PVChuong
Admin



Posts : 673
Join date : 25/04/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeSun Nov 10, 2019 11:00 am

.
Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Images?q=tbn:ANd9GcSfUplaQUe7Lj2Fkc4Nt7Q3UMrIvoC5D6FyKp3wnbYgiVaeeyUV&s

Ra đi thanh thản


Câu hỏi: Tại sao một số bác sĩ từ chối phương pháp điều trị cứu sống cho bản thân, chẳng hạn như hóa trị, lọc máu, thông khí, phẫu thuật hoặc đặt ống ăn?

Trả lời bởi Maureen Boehm, cựu bác sĩ nội khoa:

Tôi không thể nói thay cho tất cả các bác sĩ, nhưng tôi nghĩ rằng họ (các bác sĩ) thường từ chối khi mục đích duy nhất của những phương pháp điều trị đó là kéo dài cuộc sống, chứ không phải chữa khỏi.
Rõ ràng là khi một người gần chết, cuộc sống của họ là khủng khiếp. Họ kiệt sức, ốm yếu. Cơ thể của họ, đã từ lâu, không còn mang lại cho họ niềm vui nữa.
Tuy nhiên, gia đình bệnh nhân thường yêu cầu chúng tôi làm mọi thứ.
Không muốn làm gia đình thất vọng, bệnh viện cho phép điều trị. Bác sĩ biết rằng sẽ không cứu được bệnh nhân mà còn khiến họ đau đớn và dẫn đến một loạt những phản ứng phụ khó chịu và mệt mỏi khác.
Điều này, về cơ bản là điều trị để chết.

Là bác sĩ, chúng tôi thấy việc này xảy ra hàng ngày.
Nó cực kỳ vô nhân đạo.
Bản thân tôi sẽ không cho phép bệnh nhân hóa trị hoặc lọc máu hoặc đặt máy thở, nếu không có hy vọng phục hồi.
Gia đình tôi biết điều này.
Tôi để lại di chúc thể hiện mong muốn của tôi nếu việc điều trị là vô ích.

Hãy để tôi kể chuyện này.
Tôi đã có một đồng nghiệp. Anh ta là một chàng trai khá trẻ, ở độ tuổi 40, có con đang đi học.
Anh được chẩn đoán mắc GBM, dạng u não nguy hiểm nhất. Anh còn khoảng 4 tháng nếu không điều trị hoặc có thể lâu hơn một chút.
Khi được hỏi anh đang cân nhắc điều trị gì, anh suy nghĩ một lúc, rồi thì thầm, đi biển.

Anh đưa gia đình đi du lịch châu Âu. Anh chơi với con, trên bãi biển. Họ đi du lịch qua những nơi vui vẻ và thú vị.
Anh ấy đã có những bữa ăn tuyệt vời, ấm áp cùng vợ con trong những quán cà phê nhỏ. Họ đã thử nhiều loại rượu vang hảo hạng và rất nhiều món ăn ngon.
Họ giữ lại rất nhiều niềm vui và những kỷ niệm đẹp trong trái tim suốt chuyến đi đó.
Khi bệnh tình trở nên nặng hơn, anh trở về Mỹ và vào bệnh viện.
Anh ta chết ở nhà, được bao quanh bởi gia đình, vài tuần sau đó.

Tôi nghĩ anh ấy là người đàn ông rất khôn ngoan.
Anh ta đã thấy, giống như tôi, tất cả những người được trị liệu sẽ kéo dài cuộc sống của họ, chỉ trong một thời gian ngắn nhưng sẽ tàn phá gia đình của họ cả về mặt cảm xúc và tài chính.
Những tháng cuối cùng của họ trên trái đất này được dành để phục hồi sau khi điều trị hoặc vượt qua cuộc phẫu thuật. Họ đã bỏ lỡ cơ hội của mình cho một sự ra đi yên bình, đáng yêu với những người thân yêu của họ, thay vào đó họ chờ vòng hóa trị tiếp theo, hoặc phẫu thuật hoặc lọc máu, v.v.

Tôi sẽ không bao giờ, cho phép điều đó cho bản thân mình.
Khi thời gian của tôi kết thúc, tôi sẽ đi.
Với tất cả sự bình yên.

(Sưu Tầm)

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  6407121ba471fdca52d4d4067543888f
Về Đầu Trang Go down
NTcalman




Posts : 614
Join date : 13/03/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeMon Nov 25, 2019 4:57 pm

.

Di Thư "Thanh Thản Ra Đi" của nữ sĩ Quỳnh Dao


Ngày 12-3, nữ sĩ Quỳnh Dao bất ngờ công khai bức di thư để lại cho con trai và con dâu, dặn dò chuyện hậu sự sau khi bà qua đời, thu hút sự quan tâm của giới hâm mộ.
 
Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Quynh-dao-1-1489399357_jpg
Nữ sĩ Quỳnh Dao - Ảnh: CZTV

Nữ sĩ Quỳnh Dao là nhà văn kiêm nhà biên kịch của thể loại tiểu thuyết tình cảm lãng mạn như Song ngoại, Dòng sông ly biệt, Bên dòng nước, Một thoáng mộng mơ, Hoàn Châu công chúa…
Tuy là “mẹ đẻ” của những câu chuyện tình cảm lãng mạn đẫm nước mắt, nhưng đứng trước ngưỡng cửa 80, bà lại rất lạc quan về quy luật “sinh, lão, bệnh, tử”.
Nữ sĩ Quỳnh Dao cho biết bà tình cờ đọc được bài viết "Hẹn trước bản thân về sự cáo biệt tốt đẹp", bài viết khiến bà cảm xúc nên đã viết bức di thư để lại cho con trai và con dâu, căn dặn chuyện hậu sự. Sợ người thân sau này vì quá thương tiếc sự ra đi của mình mà không làm theo di nguyện, bà đã thông qua trang cá nhân để công khai bức di thư. 

“Khi sống nguyện như ngọn lửa, đốt cháy đến giây phút cuối cùng của cuộc đời. Khi chết nguyện như hoa tuyết, bay lất phất, hóa thành cát bụi"
Nhà văn Quỳnh Dao


Ngoài ra, từ bài viết "Hẹn trước bản thân về sự cáo biệt tốt đẹp", nữ sĩ Quỳnh Dao còn biết rằng ở Đài Loan có luật “Quyền lợi tự chủ của bệnh nhân”, sẽ được áp dụng từ ngày 6-1-2019. 
Quỳnh Dao nhấn mạnh đây là bức thư quan trọng nhất trong cuộc đời bà, vì sang năm bà sẽ bước vào tuổi 80, bà cho rằng cuộc đời mình không ra đi bởi chiến tranh, tai nạn ngoài ý muốn… thì đã là sự yêu thương của ông trời: “Vì thế, từ nay về sau tôi sẽ mỉm cười mà ra đi”.

Đồng thời, Quỳnh Dao còn nói rõ năm điểm quan trọng dặn dò người thân: Cho dù có bệnh tật nghiêm trọng thế nào cũng không được làm phẫu thuật, không đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt, không sử dụng ống thở hỗ trợ, không miễn cưỡng áp dụng các biện pháp cấp cứu, chỉ cần để bà ra đi một cách không đau đớn là được.
Bên cạnh đó, Quỳnh Dao cũng nói rõ bà mong muốn tang lễ của mình thật đơn giản, không tổ chức theo nghi thức, không đăng cáo phó, không tổ chức lễ truy điệu, tưởng nhớ, không đốt vàng mã, không lập linh vị, không cần cúng bái vào ngày giỗ, tiết Thanh Minh…
Điều mà Quỳnh Dao mong muốn là một tang lễ thật đơn giản, không làm phiền đến người khác: “Cái chết là việc riêng của gia đình, nên tốt nhất là không làm phiền đến những người xung quanh, nhất là giới hâm mộ”.

Quỳnh Dao cũng căn dặn gia đình sau khi lo hậu sự cho bà hoàn tất mới công khai cái chết của bà, như thế tránh dư luận báo chí lấy làm đề tài, gây phiền lòng đến người thân trong gia đình.
Cuối cùng, Quỳnh Dao bày tỏ rằng bà viết bức di thư này với tinh thần lạc quan và tích cực. Bà còn tiết lộ bây giờ bà đã có thể yên lòng để lên kế hoạch cho tác phẩm mới, bà dự định cùng cháu gái hợp tác thực hiện quyển truyện tranh viết về đề tài hành tinh miêu. 



Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  2Q== Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  2Q== Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  9k=

.
Về Đầu Trang Go down
NHViet




Posts : 595
Join date : 23/08/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeFri Dec 06, 2019 10:00 am

.

https://www.youtube.com/watch?v=wuqA2sB4YPc
Đường Chiều Lá Rụng (Phạm Duy) Thái Thanh


Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Z

Cái chết tuy xa mà gần

Chết tuy xa mà gần. Xa, vì chúng ta nghĩ rằng nó còn lâu mới tới; gần vì nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Chết là điều cầm chắc, nhưng lúc nào là điều không ai có thể tiên liệu trước được.
Khi giờ ra đi đã đến rồi thì không một lời lẽ nào có thể thuyết phục bắt nó phải chờ được, không một quyền lực nào đẩy lùi được nó, không có tiền của nào mua chuộc được, cũng như không có một sắc đẹp nào có thể quyến rũ được thần chết.

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  9k=

Như dòng thác chảy ra biển cả,
Như vầng nhật nguyệt khuất dần sau rặng núi phía Tây,
Ngày cũng như đêm, thời gian và khoảnh khắc đều trốn đi,
Kiếp phù sinh dần dần trôi qua không tiếc nuối.
(Đức Liên Hoa Sinh)
 
Đối với người biết chắt lọc tinh khí của cuộc sống thì chết không có nghĩa là sự suy tàn cuối cùng, nhưng là sự kết thúc trong thanh tịnh của một đời sống trọn vẹn: một cái chết êm đềm là kết quả của một cuộc sống tốt đẹp.
 
Văn hào Victor Hugo đã từng nói: “Sống hạnh phúc thì chết vinh quang”
Hãy nhớ đến cái chết để trân quý mỗi giây phút trong cuộc sống hiện tại.
Làm sao đương đầu với cái chết mà không quay lưng lại với cuộc sống?
Làm sao nghĩ tới cái chết mà không thất vọng, không sợ hãi cũng như không cắt đứt hết tất cả mọi lạc thú và sung sướng trong đời?
 
Nữ văn sỹ Etty Hillesum từng chia sẻ: “Loại bỏ cái chết ra khỏi cuộc đời, chúng ta không thể sống trọn vẹn được, còn chấp nhận cái chết trong lòng cuộc sống, sẽ mở rộng và phong phú hóa cuộc đời của chúng ta hơn.”
 
Bởi vậy, cách chúng ta tư duy đến cái chết của bản thân sẽ ảnh hưởng không ít đến chất lượng của cuộc sống. Có người thì hoảng sợ, nhưng có người không màng quan tâm đến nó, và người khác thì ngắm nhìn cái chết như một thực thể không thể tránh khỏi. Thái độ này giúp chúng ta trân quý và tận hưởng giá trị mỗi giây phút đang trôi qua trong cuộc sống.
 
Cái chết nhắc nhở chúng ta phải quan tâm và tránh uổng phí thời gian trong nhũng cuộc vui chơi vô ích.
Mọi người đều bình đẳng trước cái chết, nhưng chúng ta khác nhau về thái độ và cách chuẩn bị giây phút lâm chung của chính mình.
Tốt hơn hết là chúng ta nên biết cách lợi dụng nỗi lo sợ trước cái chết hơn là có thái độ thờ ơ với nó.

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  2Q==
 
Chúng ta không sống trong nỗi thù hằn với cái chết, nhưng vẫn phải ý thức về sự mong manh của kiếp nhân sinh. Chúng ta không nên thờ ơ nhưng phải biết trân quý thời gian còn lại trong phù sinh.
Cái chết thường đến bất ngờ không cần báo trước: Chúng ta đang có sức khoẻ tốt, đang thưởng thức một bữa tiệc vui cùng bạn bè trong khung cảnh tuyệt vời, biết đâu đó có thể đó là lúc chúng ta đang sống những giây phút cuối cùng đời mình.
Chúng ta đành bỏ lại cho người thân, cuộc hàn huyên gián đoạn, dĩa thức ăn dang dở và những dự án chưa hoàn tất.

Không có gì để tiếc nuối hết?

Nếu biết tận dụng tối đa tiềm năng phi thường mà sự sống đã mang đến cho mình, thì tại sao mình phải dày vò tiếc nuối làm chi trước cái chết.
Dù cho thời tiết có ưu đãi hay không đi nữa thì người nông dân nào đã cày, đã gieo mạ, đã chăm sóc và chu toàn vụ mùa rồi thì họ không có lý do gì phải tiếc nuối cả.
Chúng ta chỉ có thể tiếc nuối khi chúng ta chểnh mảng và thiếu sự quan tâm mà thôi.
Người nào biết tận dụng từng khoảnh khắc trong cuộc sống để tự rèn luyện thành một người tử tế, đóng góp vào hạnh phúc của tha nhân thì người đó có quyền được chết với tâm thanh tịnh.

Không còn gì cả

Cái chết cũng không khác hơn gì một ngọn lửa đã tắt lịm, một giọt nước tan thấm vào lòng đất khô cằn.
Nếu cuộc phiêu lưu không dừng nơi đây thì chết chỉ là một trạm dừng chân trong cuộc hành trình bất tận mà thôi.
Như Phật dạy, tâm thức của chúng ta đã từng sống và sẽ còn trôi lăn trong luân hồi biết bao kiếp nữa.
Vậy khi gần đến phút lâm chung, sẽ không thích hợp nếu chúng ta âu lo là mình sẽ bị đau đớn hay không nhưng cần phải tự vấn là mình đã sẵn sàng trước ngã rẽ quyết định này chưa.
 
Trong mọi trường hợp, vào những tháng cuối cùng của cuộc đời, chúng ta cần phải giữ cho tâm trí được thanh thản thay vì lo âu phiền muộn.
Tại sao chúng ta phải dày vò với ý tưởng là phải bỏ lại người thân, bỏ lại tài sản để rồi sống trong sự chán ghét thân xác mình?

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  9k=

Một bậc Thầy từng dạy: “Cái chết tượng trưng cho sự hủy hoại tối thượng và không tránh khỏi của những gì chúng ta gắn bó nhất: đó là chính chúng ta. Bởi vậy những lời dạy về vô ngã và bản chất của trí tuệ có thể giúp ích cho chúng ta.”
Khi đến giờ phút sắp ra đi, chúng ta cần phải giữ cho tâm được thanh tịnh, vị tha và buông xả.
 
(Matthieu Ricard (Plaidoyer pour le Bonheur)
(Nguyễn Thượng Chánh chuyển ngữ.)

.
Về Đầu Trang Go down
PVChuong
Admin



Posts : 673
Join date : 25/04/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeWed Dec 18, 2019 9:00 am

.

“Để Làm Gì?”
- BS Đỗ Hồng Ngọc


Thư gởi bạn xa xôi (9.2019)

André Maurois trong cuốn “Nghệ thuật già” (L’art de vieillir)  có nói rằng khi nào trong đầu mình nảy ra cái ý “Để làm gì?” thì lúc đó mình đã già thiệt rồi!

Tôi vừa mới nói “già thiệt” phải không? Ấy, bởi vì lâu nay mình vẫn biết là đã già, đang già tốc hành, già khú đế mà vẫn cứ nghĩ là mình đang “già giả” thôi! Mà không phải mình tôi nghĩ đâu nha. Ông họa sĩ “trời ơi” là Picasso có cái hình này bạn coi nè.


Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  IMG_5207-221x300

Ông vẽ cái “già” chẳng qua chỉ là cái mặt nạ thôi, đeo chơi vậy, trong khi trong ta là một cậu thanh niên trai trẻ, tươi non, hừng hực lửa yêu thương đó thôi. Tôi vừa gọi Picasso là ông họa sĩ “trời ơi” phải không? Là bởi vì theo tôi, trường phái “trừu tượng” của ông thực ra chỉ vì ông có quá nhiều người yêu, vẽ mà như thực chắc chịu hổng nổi với mấy bà, bèn vẽ bà này cái mũi, bà kia cái mắt, bà nọ cái môi… rồi chồng chéo lên nhau thế là ổn cả, mặc cho các nhà phê bình nghệ thuật diễn giải, ổng chỉ cười tủm tỉm một mình thôi!

Tôi bây giờ cứ định làm gì đó thì bỗng nảy ra ý: Để làm gì? Chẳng hạn gặp một chuyện gì đó vui vui, hay hay, xưa thì đã “thư gởi bạn xa xôi” kể cho bạn nghe, hoặc cũng “Ghi chép lang thang” chút gì đó, nhưng nay “Để làm gì?”. Ngay cả những vấn đề cần tranh luận, cần giải thích, cần đưa quan điểm chung riêng gì đó, nhưng rồi cũng… “để làm gì?”. Vậy đó.
Rồi tôi lại loay hoay “về thu xếp lại…” một mình giữa ngổn ngang tư liệu, sách vở, gặp chuyện buồn chuyện vui không thiếu định chia sẻ với bạn rồi “để làm gì?”. Gởi “meo” cho anh Hai Trầu, người bạn hơi già của tôi hỏi sao lâu nay im re, anh nói già sao nhanh quá anh ơi, chả muốn làm gì cả. Thì ra, tuổi già, đúng là “Chả cần gì! Chỉ cần già!” là vậy.

Chủ nhật rồi, tôi đi Hốc Môn thăm BTD, người bạn đã thân quen từ 60 năm trước, năm 1960 từng đi chơi suối Lồ Ồ với Nguiễn Ngu Í, Lê Phương Chi, Hồ Xích Tú (con ông Hồ Hữu Tường), Quách Giao (con nhà thơ Quách Tấn), Nguyễn Công Thuần… Anh vốn là người mê văn chương, mê sách cổ, vốn có một vườn cây kiểng, đá kiểng… nổi tiếng một thời, bây giờ đang… Alzheimer, quên hết mọi thứ. Nhắc chuyện xưa, nhớ chút chút… Anh nhứt định đòi tôi tặng anh cuốn “Già sao cho sướng?” mà cũng không biết sướng “để làm gì?”.

Một hôm, tôi ra ngồi một mình ở café Đường Sách, trời còn lành lạnh sau cơn bão rớt, chăm chú đọc La Sơn Phu Tử của Hoàng Xuân Hãn, bỗng một cô bé áo vàng đến hỏi dạ bác tên gì ạ? Tôi ngạc nhiên, ngó lên. Để làm gì? Dạ để chú thích cái hình con mới chụp lén bác, một ông già đang mê đọc sách nè… Bác không có tên con ạ. Tôi trả lời. Cô thất vọng bỏ đi. Tôi tội nghiệp hỏi. Con làm việc ở đâu? Con tập sự ở báo…, mới ra trường, làm ở phòng… muốn đăng hình phải có tên người. Ờ, sếp con là ai? Cô nói tên đến người Sếp thứ ba, thứ tư gì đó… tôi mới à một tiếng có biết. Bác làm nghề gì? Cô hỏi lại. Con đoán xem. Hình như bác làm ngành giáo dục? Có một chút. Bác làm bên văn học nghệ thuật? hay Báo chí? Có một chút. Tôi đành khai. Bác làm bên ngành y. Bác là bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Cô ngẩn ra. Người bạn đi cùng cô à hình như có một nữ bác sĩ tên là Đỗ Hồng Ngọc, con có đọc đâu đó một bài thì phải. Cô áo vàng bỗng reo lên: À, gõ Google coi nào! Cô bấm bấm cái điện thoại. Ồ, bác có trong Google này. Tôi nói thêm. Con thử gõ dohongngoc.com xem. Cô lại ồ bác có “chấm com” nữa hả?  Chiều đó, cô gởi tôi cái hình chụp lén và nói con may mắn được quen biết bác…
Cũng ngộ phải không? Cô bé chỉ nhỏ hơn mình chưa tới 60 năm, huống chi cái ông Từ Thức lên non mấy tháng trở về đã nhiều trăm năm trôi qua mà còn đi hỏi thăm người này người nọ!
Lục trong đống thư từ cũ thấy có một thư viết tay của một em bé 15 tuổi ở Bến Tre nói em tình cờ đọc cuốn “Gió heo may đã về” của tôi (1995) bèn mua về cho Ba Mẹ. Ba mẹ em tuổi mới ngoài 50, hục hặc nhau luôn, từ ngày đọc cuốn này đã thôi không còn gây gổ nữa, em rất mừng viết thư cảm ơn. Nhưng bất ngờ nhất là có một em coi cuốn Nghĩ Từ Trái Tim, viết về Tâm kinh Bát-Nhã (2003), mua về đọc cho Bà Nội nghe vì thấy bà nội thường tụng Tâm kinh hàng ngày. Bà nội thích lắm, bắt đọc cho nghe hoài… Đến khi bà mất, em đã đem cuốn sách Nghĩ từ trái tim đó “đốt” theo Bà!

Toàn chuyện “tào lao” phải không. Đừng phiền nha. Thôi thì nói qua chuyện khác vậy. Bạn biết đó, thơ Đường (thất ngôn bát cú) là thứ thơ ngày nay ít ai để ý (trừ Tô Thẩm Huy, trước đây giữ mục Đùa với Đường thi trên báo). Tôi nhớ Nguyên Sa có nói muốn làm thơ Tự do cho hay thì phải giỏi thơ Đường trước đã! Bạn nhớ nhà thơ Tường Linh không?  Đây là một bài thơ anh gởi mấy năm trước.


Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  IMG_5204-300x287

Và đây nữa , bài thơ tôi viết mừng nhà thơ Huy Cận, trong buổi kỷ niệm Tuổi 80 của ông ở Saigon. Đọc vui thôi nhe. Đừng có kêu “Để làm gì” nhe.

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  IMG_5205-300x218

Bản thảo viết tay của Đỗ Hồng Ngọc tặng nhà thơ Huy Cận, 1999.

Thân mến,
Đỗ Hồng Ngọc

.
Về Đầu Trang Go down
NHViet




Posts : 595
Join date : 23/08/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeTue Dec 24, 2019 9:07 am

.
Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  2Q==

“Không ai trong chúng ta có thể tránh được cái chết...”

Tiếng gọi từ trái tim của Richard Gere đã gây ra cơn bão trên mạng Internet! “Không ai trong chúng ta có thể tránh được cái chết...”:

Nam diễn viên từng đoạt giải Oscar "Richard Gere" luôn là tâm điểm chú ý của người hâm mộ. Ông là thần tượng ở mọi nơi trên thế giới và về ông không cần tới bất kỳ một quảng cáo nào. Gần đây, một đoạn nhật ký của ông trong Facebook đã gây ra một cơn bão về cảm xúc. Hàng trăm ngàn người đã chia xẻ bài viết của ông, rất nhiều người trong số đó không phải là các fan hâm mộ của Richard. Chúng tôi Strength-Mind xin cung cấp cho các bạn một bản dịch của đoạn hồi ký tuyệt vời này:

1. "Mẹ của một trong những người bạn của tôi luôn luôn duy trì một lối sống lành mạnh. Bà chỉ ăn những thức ăn sạch và bổ dưỡng, không uống rượu và không hút thuốc lá, thường xuyên tập thể dục và rất sợ ra nắng mặt trời mà không có kem bảo vệ. Bà thường xuyên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng và vật lý trị liệu, sinh hoạt đúng theo quy định của họ. Có thể nói rằng bà luôn chăm chút cho sức khỏe của mình.
Bà bây giờ 76 tuổi, và bà được chẩn đoán là bị ung thư da và ung thư tủy xương. Hơn nữa, bà còn mắc thêm chứng loãng xương ở giai đoạn nghiêm trọng..."

2. "Cha của bạn tôi không hề từ chối bất kỳ một điều gì đối với bản thân. Ông chưa bao giờ chơi thể thao và rất thích ăn ngon, ông thậm chí còn phết bơ trực tiếp lên những miếng thịt hun khói. Ông tự cho phép mình uống rượu và tắm nắng trên bãi biển cho đến khí da bắt đầu bong ra như bánh nướng.
Có thể nói rằng trong cả cuộc đời của mình, ông ấy không hề đếm xỉa đến những lời khuyên của các bác sĩ và sống tự do theo sở thích của mình. Hiện nay ông đang ở tuổi 81, và bác sĩ nói rằng nhiều người trẻ còn phải ghen tỵ với sức khỏe của ông".

Dù có cố gắng đến đâu đi chăng nữa thì bạn cũng không thể thoát khỏi chất độc bên trong mình. Sớm hay muộn nó sẽ quật ngã bạn. Nói như người mẹ bị bệnh nan y của bạn tôi: “Nếu như tôi biết trước cuộc sống của tôi sẽ kết thúc thế này, tôi sẽ không bao giờ nghe các bác sĩ, và sẽ sống hạnh phúc.”

Đó là cuộc sống, và không ai trong số chúng ta sẽ thoát khỏi định mệnh. Vì vậy, không nên coi bản thân mình như một cái gì đó thứ cấp. Trong khi có thời gian, hãy sống trong niềm vui của mình. Bởi vì ngày mai có thể sẽ quá muộn.
Vì vậy, hãy làm những gì bạn muốn. Hãy ăn ngon, hãy tắm nắng dưới ánh mặt trời, hãy lười biếng nếu muốn. Hãy là ngớ ngẩn và kỳ lạ, nhưng là chính mình. Bởi vì, không ai trong chúng ta có đủ thời gian cho tất cả mọi thứ còn lại!"

Trong những lời đơn giản này ẩn chứa ý nghĩa sâu sắc. Nếu những dòng này làm bạn có một cái nhìn mới về cuộc sống của bạn, hãy chia sẻ chúng với bạn bè của mình.

P/s : Cứ hồn nhiên như cô tiên và sống theo những gì trái tim bạn, cơ thể bạn mách bảo. Làm việc thiện tâm giúp người, giúp đời sống vui vẻ. Hãy luôn nhớ rằng khi chết chả ai mang theo được cái gì cả...

Lê Hoài Anh/nguoiphuongnam



Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Z
Về Đầu Trang Go down
NHViet




Posts : 595
Join date : 23/08/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeThu Jan 30, 2020 9:12 am

.

https://www.youtube.com/watch?v=ZbXlgLX6GY4
Tạ ơn đời - Phạm Duy - Hoàng Phương Mai

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Images?q=tbn:ANd9GcRVnFuWEY8cShXk9NduPBTpuoL7j0CNlWSAbKuDX5tRVKF6OYpExg&s

Vui Sống với Tuổi Già

Gởi những ai đã và sắp đến tuổi già...

1. Hãy vui với người khác như bạn bè, con cháu.
- Đừng tìm vui trong việc tích trữ của cải.

2. Lập chương trình tiêu xài hết tiền của mà bạn đã để dành.
- Bạn xứng đáng tiêu pha nó trong mấy năm còn lại của đời nguời. Nếu muốn đi du lịch, cứ đi. Để của lại cho con, chúng nó sẽ gấu ó nhau và nhiều chuyện rắc rối xảy ra sau khi bạn qua đời.

3. Hãy sống với thực tại.
- Đừng sống cho quá khứ hay cho tương lai. Bạn chỉ có ngày hôm nay trong tay bạn. Ngày hôm qua thì đã qua, ngày mai thì chưa đến hoặc không bao giờ đến.

4. Hãy vui với lũ cháu nội ngoại của bạn (nếu bạn có), nhưng đừng làm kẻ giữ trẻ trọn thời gian.
- Trách nhiệm nuôi dạy trẻ là của cha mẹ nó. Sau khi bạn đã nuôi con nên người rồi, bạn không còn trách nhiệm gì với bầy cháu của bạn. Đừng thấy áy náy khi từ chối giữ trẻ nếu bạn không thấy thích thú chăm sóc trẻ.

5. Chấp nhận sự già yếu, đau nhức của tuổi già.
- Hãy vui với những gì mình còn làm được. Đừng than vãn hay buồn phiền.

6. Vui với những gì bạn có.
- Đừng lao nhọc tìm những gì bạn không có. Đã trễ rồi, thời gian không còn nhiều nữa...

7. Hãy vui cuộc đời với người bạn đời, con cháu, bạn bè.
- Người khác yêu bạn, phải yêu chính bạn chớ không phải yêu những gì bạn có. Ai yêu những gì bạn có chỉ gây khổ cho bạn mà thôi.

8. Tha thứ cho mình và cho nguời.
- Chấp nhận sự tha thứ với lòng khoan dung. Vui hưởng sự bình an trong tâm hồn.

9. Làm quen với cái chết.
- Chắc chắn nó sẽ xảy ra. Đừng sợ hãi vì chết là một phần của cuộc đời. Chết là bắt đầu một cuộc đời mới hơn, tốt đẹp hơn, là chuẩn bị một cuộc sống mới với Đấng Tạo Hóa.

(Sưu Tầm)

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  RW-fxwkFYnQairQpvUUHVD42H4erREdtP9qynFzb0eA9gh_hWwrvC2yVuIcKP7vUrpkKKRbGloldt-shb3RJijCSSgv6w__RoCE_MSeonPHy7VUUj91cbjbg88SLuvqdSvB-8gWWsMsw80fkRHpt_rDYV-oTlLTTeBxPoyq2VAhgmzL761M_tYiqXSgh_37xeVgLCIXw2j1NvroxZlxFweLITICqBJRiRNZl8vy2pGOooXIKAEeT1g2y_WNFdLHSm_bW9_OhZppWmTpVpd0s
Về Đầu Trang Go down
NTcalman




Posts : 614
Join date : 13/03/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeSat Feb 08, 2020 12:30 am

.

https://www.youtube.com/watch?v=l6p0jH_ym6Y
Đoá Hoa Vô Thường – TCS - Hồng Nhung



Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Images?q=tbn%3AANd9GcTsCDpQXjm-hVnmpn60fTExE7MtNrM1NkK2EWpLmHul-TObeF8O

Bí Quyết của Tuổi Già


Trước tuổi trung niên - Đừng sợ hãi!
Sau tuổi trung niên - Đừng tiếc nuối!
Hãy tận hưởng cuộc đời khi có thể.

Bạn thích ăn gì, cứ ăn. Điều quan trọng nhất là bạn cảm thấy hạnh phúc.

Thực phẩm tốt cho sức khỏe, bạn nên ăn thường xuyên và nhiều vào.
Thực phẩm không tốt cho sức khỏe, bạn cũng nên ăn nhưng ăn ít thôi chứ đừng nhịn!

Đừng sợ hãi hay ưu tư khi bạn trở bệnh.
Hãy sắp xếp trước mọi việc và sẵn sàng ra đi không tiếc nuối.
Hãy để các bác sĩ săn sóc thân thể bạn.
Hãy để Thượng Đế săn sóc cuộc đời bạn và yêu thương bạn, còn bạn phải làm chủ lòng mình.

Nếu sự lo âu có thể chữa khỏi bệnh cho bạn, thì bạn cứ lo âu đi!
Nếu sự lo âu có thể giúp bạn sống lâu, thì bạn cứ lo âu đi!
Nếu có thể đem lo âu đổi lấy hạnh phúc, thì bạn cứ lo âu đi!

Các bạn già - Mỗi khi có dịp hãy tìm gặp các bạn già.
Với thời gian, những cơ hội này sẽ hiếm dần.

Không ai tránh khỏi Sinh, Lão, Bệnh, Tử. Không có ngoại lệ, đời là thế!
Nước chảy xuôi chứ không bao giờ chảy ngược. Đời sống cũng vậy, hãy vui sống lên!

(Sưu Tầm)

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  D34730b699f670a829e7
Về Đầu Trang Go down
NTcalman




Posts : 614
Join date : 13/03/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeTue Feb 18, 2020 9:26 am

.
Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Cat 

Cát Bụi Cuộc Đời - Nhật ký sau khi chết


Nhật ký sau khi chết:
- Vào một ngày, khi người không còn nữa, đứng cạnh thân xác đang nguội lạnh, cứng đờ người đã thấy...
Người ghét ta, nhảy múa vui mừng
Người thương ta, nước mắt rưng rưng.
- Ngày Động Quan... thân thể ta nằm sâu dưới lòng đất mẹ hướng về trời tây.
Người ghét ta, nhìn nấm mộ của ta, niềm vui hiện rõ trên gương mặt.
Người thương ta, chẳng nỡ quay đầu nhìn lần cuối!
- Ba Tháng sau, thân xác ta đang dần trương sình, bốc mùi hôi thối, thuở còn sống ta vô cùng ghét côn trùng, giờ đây giòi bọ đang nhăm nhi cái thân mà ta cả đời nâng niu, tàn sát sinh mạng để cung phụng cho nó đủ thức ngon, mặc đẹp, đắp vào bao nhiêu tiền của.

- Một Năm Sau: thân thể của ta đã rã tan… nấm mộ của ta mưa bay gió thổi ... ngày giỗ ta, họ vui như trẩy hội, mở tiệc hội họp ca nhạc, ăn uống linh đình.
Người ghét ta, lâu lâu trong buổi trà dư tửu hậu nhắc đến tên ta... họ vẫn còn bực tức.
Người thương ta, khi đêm khuya vắng lặng, khóc thầm rơi lệ tìm ai bày tỏ.
- Mười Năm Sau: ta không còn thân thể nữa, chỉ còn lại một ít xương tàn.
Người ghét ta, chỉ nhớ mơ hồ tên ta, họ đã quên mất gương mặt của ta.
Người yêu thương ta nhất, khi nhớ về ta có chút trầm lặng. Cuộc sống xô bồ dần dần làm phai mờ đi tất cả.
- Vài Chục Năm Sau... nấm mộ của ta hoang tàn không người nhang khói, quan tài nơi ta nằm đã mục nát, chỉ còn một mảng hoang vu.
Người ghét ta, đã già lú cũng quên ta rồi.
Người yêu thương ta nhất, cũng tiếp bước ta đi vào nấm mộ.

- Đối Với Thế Giới Này...
Ta đã hoàn toàn trở thành hư vô, không ai biết ta từng tồn tại, bạn bè, đồng nghiệp, người thân, mỗi người một nơi, kẻ già, người chết, những gì ta dùng đã mất, những gì ta để lại rơi vào tay kẻ khác.
Ta phấn đấu, hơn thua, tranh giành cả đời, cũng không mang theo được nhành cây ngọn cỏ. Tiền tài, gia sản mà ta cố giữ, cố thủ đoạn, mưu mô để có cũng không mang được một phần hư danh, vinh dự hão huyền nào!
  
- Ta nhận ra sống trên đời này, bất luận là giàu sang phú quý hay bần tiện nghèo nàn, khi nhắm mắt, xuôi tay phải bỏ lại tất cả, trả hết cho đời. Cái ta mang theo được, chính là cái ta đã cho đi là đạo đức là tình thương. Bất giác ta có chút ân hận, lòng lâng lâng một nỗi buồn khó tả, cứ da diết, da diết mãi không thôi!
Bao nhiêu phồn hoa, thoáng qua phút chốc.
Trăm năm sau, chỉ còn lại một nắm cát vàng.
Cuộc đời như nước chảy hoa trôi, lợi danh như bóng mây chìm nổi, chỉ có tình thương ở lại đời.

Đã biết chốn này là quán trọ...
Hơn thua hờn oán để mà chi...
Thử ra ngồi xuống bên phần mộ.
Hỏi họ mang theo được những gì!?
... ... ... Sad  No  pale  

(Sưu Tầm)



Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  9k=

https://www.youtube.com/watch?v=TaKn2DoDQrc

Cát Bụi Cuộc Đờ
i
Ca sĩ: Huỳnh Nguyễn Công Bằng

Này bạn thân ơi số kiếp nhân sinh chỉ là cõi tàn trần gian. Dù anh và tôi ai sang giàu ai gian khó, mai ra kiếp con người về với cát bụi mờ thì cũng đều đôi tay trắng.
Đời là phù du ta sống hôm nay không biết về ngày mai sau hãy dành cho nhau bao nhiêu niềm vui đang có, không ganh ghét hận thù chẳng gian dối lọc lừa vì kiếp người sẽ vội qua.
Người ơi hãy nhớ ta là cát bụi sẽ về cát bụi thì xin đừng toan tính thiệt hơn đời như thoáng mơ, được mất ta đâu ngờ hỏi ai có bao giờ không trở về cát bụi đâu.
Cuộc đời là bao hãy mến thương nhau với bằng tất cả con tim, để rồi một mai ta lìa xa nhân thế không lo lắng ưu buồn, chẳng nuối tiếc muộn phiền chuyện thế sự nơi trần ai.
.
Về Đầu Trang Go down
NTcalman




Posts : 614
Join date : 13/03/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeTue Feb 25, 2020 9:56 am

.
 
10 cách gìn giữ xương cốt để có thể đi lại tới già


Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Photo1579530981213-15795309812152016916543-crop-15795313985791249129439   
Xương khớp cứ thế yếu và mất đi từng ngày

Khung xương là bộ phận vô cùng quan trọng trong cơ thể, quyết định tới vóc dáng và khả năng vận động của mỗi người. Đây là 10 cách giúp bạn "cứu" xương trước nguy cơ hao hụt xương.
Bệnh loãng xương là một trong những tình trạng bệnh về xương phổ biến nhất trên toàn thế giới. Tình trạng sức khỏe này khiến xương của bạn trở nên mỏng manh và yếu, ảnh hưởng đến khoảng 75 triệu người ở Châu Âu, Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Theo Tổ chức Loãng xương Quốc tế, bệnh loãng xương gây ra nhiều hơn 8,9 triệu ca gãy xương hàng năm, dẫn đến tình trạng gãy xương xảy ra do loãng xương cứ sau 3 giây/1 ca.
Các chuyên gia sức khỏe chia sẻ trên kênh Bright Side chắc chắn rằng có những điều bạn có thể thử trong độ tuổi 20 và 30 để giúp đảm bảo xương khỏe mạnh và linh hoạt hơn khi về già.

1. Hãy chắc chắn rằng bạn nhận đủ canxi
Xương của bạn đang trở nên yếu hơn năm này qua năm khác, nhưng có nhiều cách để giữ cho chúng khỏe mạnh
Nếu bạn hỏi một người ngẫu nhiên làm thế nào để bảo vệ xương, rất có thể họ sẽ đề cập đến canxi. Xương của chúng ta có chứa 99,5% tổng lượng canxi trong cơ thể, vì vậy, để ngăn ngừa loãng xương, điều đầu tiên cần làm là hãy chắc chắn rằng bạn tiêu thụ đủ chất dinh dưỡng này.
Khuyến cáo: Theo Tổ chức Loãng xương Quốc gia (NOF) Mỹ, lượng canxi bạn cần (cả từ thực phẩm và chất bổ sung) phụ thuộc vào giới tính và tuổi của bạn.
Phụ nữ: từ 50 tuổi trở xuống cần 1.000 mg mỗi ngày, từ 51 tuổi trở lên cần 1.200 mg mỗi ngày.
Đàn ông: 70 tuổi trở xuống cần 1.000 mg mỗi ngày, 71 tuổi trở lên cần 1.200 mg mỗi ngày.
Nguồn canxi: cá mòi và cá hồi đóng hộp, đậu nành và đậu phụ, hạnh nhân, phô mai, sữa, rau bina và nước cam.

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  2123660-29201110-822566-0-1529057263-1529057287-1500-1-1529057287-728-7e4cb1d34d-1530101702

2. Đừng bỏ quên vitamin D
Vitamin D là một trong những vi chất dinh dưỡng quan trọng nhất trong cơ thể chúng ta. Nó còn được gọi là vitamin ánh nắng vì nó được sản xuất trong cơ thể bạn khi bạn tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Vitamin D tham gia vào nhiều quá trình, bao gồm cả chức năng của não, xương và răng, đơn giản vì nó giúp hấp thụ canxi.
Ngay cả khi bạn nhận đủ canxi nhưng không đủ vitamin D, bạn vẫn có nguy cơ bị loãng xương và xốp xương (mềm xương).
Khuyến nghị: Viện Y tế Quốc gia (NIH) Mỹ khuyến nghị 600 IU (15 mcg) mỗi ngày cho cả nam và nữ từ 1 đến 70 tuổi, bao gồm cả thời kỳ mang thai và cho con bú, và 800 IU (20 mcg) cho người già.
Nguồn vitamin D: Cá béo như cá ngừ và cá hồi, các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc, gan bò, phô mai và trứng.

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  2123610-29227960-822563-0-1529059211-1529059219-1500-1-1529059219-728-e87b2d83c4-1530101702

3. Giữ cân nặng trong ngưỡng bình thường
Một chế độ ăn nghiêm ngặt có thể giúp bạn giảm thêm vài cân, nhưng đó không phải là cách lành mạnh để đối phó với chúng, và quan trọng hơn là giảm cân - đặc biệt là trong thời kỳ hậu mãn kinh - khiến xương của bạn có nguy cơ bị thiếu hụt. Mặt khác, béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến gãy xương.
Khuyến nghị: Lựa chọn tốt nhất là duy trì cân nặng trong ngưỡng trung bình. Không bao giờ thực hiện chế độ ăn giảm cân hoặc chế độ ăn ít calo, và cố gắng không tăng cân quá nhiều, đặc biệt là trong thời gian ngắn. một kế hoạch chế độ ăn uống cân bằng trong khi vẫn hoạt động thể chất đều đặn.

4. Luyện tập những bài tập tốt cho xương
Sau 30 tuổi, cơ thể chúng ta bắt đầu mất dần khối xương. Để giúp xương của bạn khỏe mạnh càng lâu càng tốt, bạn cần giữ cho chúng giữ được vóc dáng khi hoạt động thể chất vì xương cần tập thể dục giống như cơ bắp.
Khuyến cáo: Viện Viêm khớp và Bệnh Cơ xương và Da Quốc gia Mỹ khuyến cáo các loại hình tập thể dục có trọng lượng như tập tạ, đi bộ nhanh, chạy bộ và thậm chí nhảy múa. Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình nào và nhớ lắng nghe cơ thể.

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  2123210-29245010-822561-0-1529061438-1529061448-1500-1-1529061448-728-ebd2922f7e-1530101702

5. Bỏ thuốc lá
Các nghiên cứu gần đây cho thấy nicotine có tác động tiêu cực trực tiếp đến mật độ xương. Ngoài ra, hút thuốc lá làm chậm quá trình chữa lành xương tới 60% sau khi bị gãy hoặc gãy. Nếu bạn là người hút thuốc, điều đầu tiên (và là điều tốt nhất) có thể làm là cố gắng bỏ thuốc. Duy trì xương khỏe mạnh là một động lực tuyệt vời để làm như vậy, phải không?
Khuyến nghị: Nếu bạn nên thực hiện ngay lập tức (và một số nghiên cứu khuyên bạn nên thực hiện), hãy bắt đầu với việc giảm lượng nicotine bạn nhận được mỗi ngày cho đến khi bạn cảm thấy muốn bỏ thuốc lá. Không chỉ xương của bạn sẽ cảm ơn bạn, mà còn toàn bộ cơ thể của bạn sẽ được hưởng lợi từ nó.

6. Theo dõi lượng caffeine tiêu thụ hàng ngày
Nếu bạn, giống như hàng triệu người trên toàn thế giới, không thể tưởng tượng buổi sáng bắt đầu mà không có một tách cà phê, bạn phải biết rằng có quá nhiều caffeine, đặc biệt là không tốt cho xương của bạn.
Các nghiên cứu cho rằng caffeine (khi được uống với một lượng lớn số lượng) sẽ làm giảm khối lượng xương và tăng gãy xương vì nó có tác động tiêu cực đến sự hấp thụ canxi.
Khuyến cáo: Các bác sĩ đảm bảo rằng mức an toàn cho một người trưởng thành trung bình có tới 400 mg caffeine (4 tách cà phê pha) mỗi ngày. Vì vậy, nếu bạn có 4 hoặc ít hơn, không có gì phải lo lắng. Nếu bạn uống nhiều hơn thế, xương của bạn có thể bị tổn hại.

7. Xương của bạn cần Omega-3
Kết hợp với hoạt động thể chất vừa phải, axit béo Omega-3 có tác dụng đáng kể đến mật độ xương. Chúng thúc đẩy sản xuất các tế bào tạo xương gọi là nguyên bào xương. Ngoài ra, axit béo không bão hòa đa có thể giúp giảm đau khớp do loãng xương và viêm khớp dạng thấp.
Khuyến cáo: Theo Viện Y tế Quốc gia, một người trưởng thành trung bình (tuổi từ 18 trở lên) cần 1,6 g (nam) và 1,1 g (nữ) Omega-3 mỗi ngày.
Nguồn Omega-3: cá béo như cá thu, hải sản, quả óc chó, hạt chia, v.v.

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  2123410-29270460-822564-0-1529063403-1529063424-1500-1-1529063424-728-b88979cf72-1530101702

8. Cân nhắc việc bổ sung collagen
Bạn có biết rằng khối lượng xương hữu cơ của bạn là 90% collagen? Khi bạn già đi, ngoài việc mất mật độ xương, mức độ collagen trong cơ thể của bạn giảm đáng kể, cuối cùng có thể dẫn đến xương giòn và gãy xương.
Khuyến cáo: Để có được collagen một cách tự nhiên, bao gồm cá, nước dùng xương và ớt chuông trong kế hoạch ăn uống của bạn. Nhưng vì rất khó để có được lượng collagen cần thiết từ các sản phẩm này, bạn có thể muốn thử các chất bổ sung và làm theo hướng dẫn. Trước khi dùng thử, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Nguồn collagen: nước dùng xương, gelatin, ớt chuông, trái cây họ cam, trứng, hạt bí ngô, v.v.

9. Tiêu thụ đủ protein
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng protein có liên quan trực tiếp đến chỉ số mật độ xương cao hơn. Trên thực tế, canxi và protein phối hợp với nhau để duy trì sức khỏe xương của bạn.
Khuyến cáo: Theo Harvard Health, chế độ ăn uống được khuyến nghị cho protein là 0,8 gram cho mỗi kg trọng lượng cơ thể. Nhưng trước khi thực hiện chế độ ăn giàu protein, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ vì có quá nhiều canxi, có thể dẫn đến nghiêm trọng vấn đề sức khỏe.
Nguồn protein: hải sản, thịt gia cầm trắng, sữa, phô mai, trứng, đậu, v.v.

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  2123310-29279310-822567-0-1529064214-1529064225-1500-1-1529064225-728-a920f1b948-1530101702

10. Hạn chế lượng muối trong bữa ăn
Các nhà khoa học Nhật Bản tuyên bố rằng việc bổ sung natri quá mức sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe xương của bạn. Hầu hết chúng ta đều sử dụng natri từ muối ăn thông thường, điều này rất tệ vì muối gây mất canxi, cuối cùng có thể dẫn đến xương yếu, dễ gãy.
Khuyến cáo: Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo không quá 2.300 mg muối mỗi ngày và giới hạn lý tưởng là không quá 1.500 mg muối mỗi ngày đối với hầu hết người trưởng thành.

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  2123260-33506810-prew-0-1529671226-1529924772-1200-1-1529924772-728-117f70b8b7-1530101702

Thông tin thêm:
Bây giờ bạn đã biết cách giúp cơ thể giữ cho xương chắc khỏe lâu hơn, chúng tôi nghĩ rằng sẽ rất hữu ích khi biết rằng có một số yếu tố khiến bạn có nguy cơ cao hơn:
Giới tính: Các nghiên cứu chứng minh rằng phụ nữ (tuổi từ 50 trở lên) có tỷ lệ loãng xương cao gấp 4 lần so với nam giới cùng tuổi.
Tuổi tác: Chúng ta bắt đầu mất khối lượng xương sau khi bước sang tuổi 30. Mặc dù đó là một quá trình liên tục cần nhiều thời gian, nhưng có lẽ đây là thời điểm tốt nhất để áp dụng lối sống lành mạnh và nhận ra tầm quan trọng của hoạt động thể chất thường xuyên.
Tiền sử gia đình: Thật không may, nếu một trong hai cha mẹ của bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh loãng xương, điều đó có nghĩa là bạn cũng có một khuynh hướng di truyền để mắc bệnh.
Dân tộc: Phụ nữ châu Á và da trắng có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn so với phụ nữ có nguồn gốc dân tộc khác.
Nếu bạn có một trong những nhóm rủi ro này, bạn sẽ nghiêm túc hơn với sức khỏe xương của mình. Đừng trì hoãn việc chăm sóc sức khỏe, và ngay cả khi bạn vẫn còn ở độ tuổi 20.

(Sưu Tầm - caonienviethac.blogspot)
Về Đầu Trang Go down
NTcalman




Posts : 614
Join date : 13/03/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeTue Mar 10, 2020 8:55 am

.
Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Tuoixechieu

Nỗi đau tuổi xế chiều
- Huy Phương


Ở đây, chúng ta không bàn chuyện đau nhức, cao máu, tiểu đường... nữa, vì đã có quá nhiều vị bác sĩ quan tâm tới tuổi già trên đất Mỹ này. Những loại đau trên đã có thuốc và có chính phủ Mỹ trả tiền, nhưng có những thứ đau khác không có thuốc chữa và cũng không ai kê vai gánh vác giùm.

Báo OC Register thứ Sáu tuần trước có đăng tin một ông già bị người ta đem bỏ trước cổng một ngôi chùa ở thành phố Westminster. Ông lặng lẽ ngồi trước hiên chùa suốt ngày. Cảnh sát đến mang ông vào bệnh viện tâm thần. Ông không có trong người bất cứ một thứ giấy tờ nào để biết được ông là ai, ở đâu. Ông không nói một lời nào, chỉ biết lặng lẽ, đôi khi cười một mình như một người mất trí. Ông là một người châu Á, Việt Nam cũng chưa chừng, như vậy ông không phải sinh ra ở đây, hay từ trên trời rơi xuống như cô bé Maika trong một tập phim Tiệp Khắc.
Vậy là có người chở ông tới và bỏ ông lại đây, không ai ngoài con cái hay thân thích của ông. Lâu nay thỉnh thoảng người ta thấy có những thiếu phụ sinh con rồi đem con bỏ vào thùng rác, nhưng chưa thấy ai đem cha mẹ vứt bỏ ngoài đường. Ông già chỉ cười vu vơ, trí nhớ của ông đã suy kiệt, nếu không ông sẽ đau khổ biết chừng nào?
Trước đây người ta kể chuyện có người chở bà mẹ già bỏ ở cây xăng, tôi không tin, tưởng là chuyện đùa, nhưng bây giờ thực sự lại có người "đem cha bỏ chùa".

Cũng lại câu chuyện của một người già. Tháng trước, trong một dịp đưa người thân đi Việt Nam, tại quầy vé China Airline ở phi trường Los Angeles tôi đã chứng kiến một cảnh khá đau lòng.
Trong khi mọi người đang xếp hàng trình vé, cân hàng thì một bà cụ người Việt cứ loay hoay lúng túng trước quầy vé với các thứ giấy tờ vương vãi, bề bộn trên sàn nhà. Bà ngồi bệt xuống đất hết móc túi này đến túi nọ, vẻ mặt lo lắng. Một nhân viên an ninh phi trường thấy tôi cũng là người Á Đông, ngỏ ý muốn tôi lên giúp bà cụ. Nhân viên quầy vé cho biết bà có vé máy bay, một visa nhập cảnh Việt Nam nhưng không có passport hay thẻ xanh. Tôi giúp bà moi từ đống giấy tờ ra chỉ thấy một cái hộ chiếu của Việt Nam cấp cách đây mười mấy năm khi bà đến Mỹ đã hết hạn và một cái ID của bà do tiểu bang Florida cấp. Bà mới từ Florida đến phi trường Los mấy giờ trước đây một mình và trình giấy tờ để lên máy bay đi Việt Nam.
Cuối cùng, bà cũng lên được máy bay, nhưng bà sẽ không bao giờ có thể trở lại Florida nữa vì trong tay bà không có passport của Hoa Kỳ, không thẻ xanh, không "re-entry permit". Đây là trường hợp một bà mẹ già, quê mùa bị con cái "mời khéo" về Việt Nam.
Tội nghiệp cho bà đã ngồi trên máy bay năm sáu tiếng đồng hồ để đến phi trường LAX, sắp tiếp tục chặng đường về Việt Nam nhưng không biết là mình không thể trở lại Mỹ và lòng bất nhân của con cái. Hình ảnh bà già này cứ ám ảnh tôi mãi. Bà vụng về, quê mùa, có lẽ cũng chẳng giúp ích được gì cho con cái mà chỉ thêm gánh nặng. Thôi để cho bà đi, khi biết mình không trở lại Mỹ được thì chuyện đã rồi. Tuổi bà có nằm lại trên quê hương cũng phải, sống chẳng giúp ích gì được cho ai, chết ở đây bao nhiêu thứ tốn kém.

Hai vợ chồng sang Mỹ từ hai mươi năm nay, đi làm nuôi con, mua được căn nhà đã pay off. Khi các con đã có gia đình ra riêng thì ít năm sau ông cụ cũng qua đời. Thấy mẹ hiu quạnh trong một căn nhà khá lớn, mà giá nhà đang lên, các con bàn với mẹ bán nhà đi rồi về ở với các con. Bà mẹ bán nhà, thương con chia đều cho mỗi đứa một ít, còn dăm nghìn dắt lưng, rồi về ở với con. Bà không biết lái xe, không biết chữ nghĩa, cũng không biết trông cháu làm home work, nên cha mẹ chúng phải nhờ người đưa đón.
Bà thích nấu ăn, gói bánh, kho cá, nhưng sợ nhà hôi hám, con cái không cho. Lúc đầu thì chẳng sao, lâu dần mẹ thành gánh nặng. Buổi chiều, đứa con gái xô cửa trở về nhà, thấy mẹ đang ngồi xem TV, nó hất hàm hỏi: "Có hiểu gì không mà thấy má ngồi coi suốt ngày vậy?". Có lúc chuông điện thoại reo, đứa con nhấc máy, bên kia không biết ai hỏi gì, trước mặt bà già, nó trả lời nhát gừng: "Bả đi khỏi rồi!".
Một bà mẹ khác, ở chung nhà với một đứa con nhưng nhờ một đứa con khác đưa đi bác sĩ. Xong việc, nó đưa mẹ về rồi lẹ lẹ dọt xe đi làm. Bà già vào tới cửa, móc túi mãi không tìm ra cái chìa khóa nhà. Bà không có chìa khóa, không cell phone, cũng không có tiếng Anh, sợ sệt không dám gõ cửa hàng xóm. Bà ngồi đó, trên bục cửa cho tới chiều, khi đứa con ở chung nhà đi làm về, thì bà đã kiệt sức vì khô nước, phân và nước tiểu đầy mình.

Đời xưa, người ta kể chuyện trong một gia đình, có hai vợ chồng đối xử với ông cha già đã run rẩy của mình rất tệ bạc, cho cha ăn trong cái "mủng dừa". Một hôm hai vợ chồng đi làm về thấy đứa con nhỏ của mình đang hì hục đẽo một cái gáo như thế, được cha mẹ hỏi, nó "thành thật khai báo" rằng: "Để dành cho cha mẹ lúc về già".
Đâu phải ai nuôi con cũng nghĩ tới lòng cha mẹ, cũng như nhớ chuyện: "Trồng đậu có đậu, trồng dưa có dưa".

Huy Phương

.
Về Đầu Trang Go down
NTcalman




Posts : 614
Join date : 13/03/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeThu Mar 19, 2020 1:38 pm

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Gia-sao-cho-suong

Già sao cho sướng
BS Đỗ Hồng Ngọc


Già thì khổ, ai cũng biết. Sanh bệnh lão tử! Nhưng già vẫn có thể sướng. Muốn sống lâu thì phải già chớ sao! Già có cái đẹp của già. Trái chín cây bao giờ cũng ngon hơn trái giú ép.
 
Cái sướng đầu tiên của già là biết mình… già, thấy mình già, như trái chín cây thấy mình đang chín trên cây. Nhiều người chối từ già, chối từ cái sự thật đó và tìm cách giấu cái già đi, như trái chín cây ửng đỏ, mềm mại, thơm tho mà ráng căng cứng, xanh lè thì coi hổng được.
Mỗi ngày nhìn vào gương, người già có thể phát hiện những vẻ đẹp bất ngờ như những nếp nhăn mới xòe trên khóe mắt, bên vành môi, những món tóc lén lút bạc chỗ này chỗ nọ, cứng đơ, xơ xác… mà không khỏi tức cười!
Quan sát nhìn ngắm mình như vậy, ta mới hiểu hai chữ “xồng xộc” của Hồ Xuân Hương:
“Chơi xuân kẻo hết xuân đi.
Cái già xồng xộc nó thì theo sau!” 

Có lẽ nữ sĩ lúc đó mới vào lứa tuổi 40! Thời ta bây giờ, 40 tuổi lại là tuổi đẹp nhất. Phải đợi đến 80 mới gọi là hơi già. Trong tương lai, khi người ta sống đến 160 tuổi thì 80 lại là tuổi đẹp nhất! Tuy vậy, thực tế, già thì khó mà sướng. Con người ta có cái khuynh hướng dễ thấy khổ hơn. Khổ dễ nhận ra còn sướng thì khó biết! Một người luôn thấy mình… sướng thì không khéo người ta nghi ngờ hắn có vấn đề… tâm thần! Nói chung, người già có ba nỗi khổ thường gặp nhất, nếu giải quyết được sẽ giúp họ sống “trăm năm hạnh phúc”:

* Một là thiếu bạn!

Nhìn qua nhìn lại, bạn cũ rơi rụng dần… Thiếu bạn, dễ hụt hẫng, cô đơn và dĩ nhiên… cô độc. Từ đó dễ thấy mình bị bỏ rơi, thấy không ai hiểu mình! Quay quắt, căng thẳng, tủi thân.
Lúc nào cũng đang như:
“Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt
Ta nằm dài nghe ngày tháng dần qua…!”
(Thế Lữ).
 
Người già chỉ sảng khoái khi được rôm rả với ai đó, nhất là những ai “cùng một lứa bên trời lận đận”… Gặp đựơc bạn tâm giao thì quả là một liều thuốc bổ mà không bác sĩ nào có thể biên toa cho họ mua được!
Để giải quyết chuyện này, ở một số nước tiên tiến, người ta mở các phòng tư vấn, giới thiệu cho những người già cùng sở thích, cùng tánh khí, có dịp làm quen với nhau. Người già tự giới thiệu mình và nêu “tiêu chuẩn” người bạn mình muốn làm quen.
Nhà tư vấn sẽ “matching” để tìm ra kết quả và làm… môi giới… Dĩ nhiên môi giới cho họ kết bạn. Còn sau này họ thấy tâm đầu ý hợp tiến tới hôn nhân (nếu còn độc thân) thì họ ráng chịu! Đó là chuyện riêng của họ.
Ngày trước, Uy Viễn tướng công mà còn phải than:
"Tao ở nhà tao tao nhớ mi
Nhớ mi nên phải bước chân đi
Không đi mi bảo rằng không đến
Đến thì mi hỏi đến làm chi
Làm chi tao có làm chi đựơc
Làm được tao làm đã lắm khi…"
(Nguyễn Công Trứ)

Rồi họ dạy người già học vi tính để có thể “chat”, “meo” với nhau chia sẻ tâm tình, giải tỏa stress… Thỉnh thoảng tổ chức cho các cụ họp mặt đâu đó để được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, dòm ngó, khen ngợi hoặc… chê bai lẫn nhau. Khen ngợi chê bai gì đều có lợi cho sức khỏe! Có dịp tương tác, có dịp cãi nhau là sướng rồi. Các tế bào não sẽ đựơc kích thích, được hoạt hóa, sẽ tiết ra nhiều kích thích tố. Tuyến thượng thận sẽ hăng lên, làm việc năng nổ, tạo ra cortisol và epinephrine làm cho máu huyết lưu thông, hơi thở trở nên sảng khoái, rồi tuyến sinh dục tạo ra DHEA (dehydroepiandosterone), một kích thích tố làm cho người ta trẻ lại, trẻ không ngờ!
… Dĩ nhiên phải chọn một nơi có không khí trong lành. Hoa cỏ thiên nhiên. Thức ăn theo yêu cầu. Gợi nhớ những kỷ niệm xưa… Rồi dạy các cụ vẽ tranh, làm thơ, nắn tượng…
Tổ chức triển lãm cho các cụ. Rồi trình diễn văn nghệ cây nhà lá vườn. Các cụ dư sức viết kịch bản và đạo diễn. Coi văn nghệ không sướng bằng làm… văn nghệ!

* Cái thiếu thứ hai là thiếu… ăn!


Thực vậy, ăn không phải là tọng, là nuốt, là xực, là ngấu nghiến… cho nhiều thức ăn! Ăn không phải là nhồi nhét cho đầy bao tử! Trong cuộc sống hằng ngày có nhiều thứ nuốt không trôi lắm! Chẳng hạn ăn trong nỗi sợ hãi, lo âu, bực tức; ăn trong nỗi chờ đợi, giận hờn thì nuốt sao trôi? Nuốt là một phản xạ đặc biệt của thực quản dưới sự điều khiển của hệ thần kinh. Một người trồng chuối ngược vẫn có thể nuốt được dễ dàng! Nhưng khi buồn lo thì phản xạ nuốt bị cắt đứt! Nhưng các cụ thiếu ăn, thiếu năng lựơng phần lớn là do sợ bệnh, kiêng khem quá đáng. Bác sĩ lại hay hù, làm cho họ sợ thêm! Nói chung, chuyện ăn uống nên nghe theo mệnh lệnh của… bao tử:
"Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên…”
(Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói đến thì ăn mệt ngủ liền…)
(Trần Nhân Tông)
 
“Listen to your body”. Hãy lắng nghe sự mách bảo của cơ thể mình! Cơ thể nói… thèm ăn cái gì thì nó đang cần cái đó, thiếu cái đó! Nhưng nhớ ăn là chuyện của văn hóa! Chuyện của ngàn năm, đâu phải một ngày một buổi. Món ăn gắn với kỷ niệm, gắn với thói quen, gắn với mùi vị từ thuở còn thơ! Người già có thể thích những món ăn… kỳ cục, không sao.
Đừng ép! Miễn đủ bốn nhóm: bột, đạm, dầu, rau… Mắm nêm, mắm ruốc, mắm sặc, mắm bồ hóc, tương chao… đều tốt cả. Miễn đừng quá mặn, quá ngọt… là được. Cách ăn cũng vậy. Hãy để các cụ tự do tự tại đến mức có thể đựơc. Đừng ép ăn, đừng đút ăn, đừng làm “hư” các cụ! Cũng cần có sự hào hứng, sảng khoái, vui vẻ trong bữa ăn. Con cháu hiếu thảo phải biết… giành ăn với các cụ. Men tiêu hoá được tiết ra từ tâm hồn chớ không chỉ từ bao tử.

* Cái thiếu thứ ba là thiếu vận động!

Già thì hai chân trở nên nặng nề, như mọc dài ra, biểu không chịu nghe lời ta nữa! Các khớp cứng lại, sưng lên, xương thì mỏng, giòn, dễ vỡ, dễ gãy…! Ấy cũng bởi cả một thời trai trẻ đã “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…” (TCS)!
Bác sĩ thường khuyên vận động mà không hướng dẫn kỹ dễ làm các cụ ráng quá sức chịu đựng, lâm bệnh thêm. Phải làm sao cho nhẹ nhàng mà hiệu quả, phù hợp với tuổi tác, với sức khỏe. Phải từ từ và đều đều.
Ngày xưa người ta săn bắn, hái lượm, đánh cá, làm ruộng, làm rẫy… lao động suốt ngày. Bây giờ chỉ ngồi quanh quẩn trước TV! Có một nguyên tắc “Use it or lose it!”. Cái gì không xài thì teo! Thời đại bây giờ người ta xài cái đầu nhiều quá, nên “đầu thì to mà đít thì teo”. Thật đáng tiếc!
Không cần đi đâu xa. Có thể tập trong nhà. Nếu nhà có cầu thang thì đi cầu thang ngày mươi bận rất tốt. Đi vòng vòng trong phòng cũng được. Đừng có ráng lập “thành tích” làm gì! Tập cho mình thôi. Từ từ và đều đều… Đến lúc nào thấy ghiền, bỏ tập một buổi… chịu hổng nổi là được!

Nguyên tắc chung là kết hợp hơi thở với vận động. Chậm rãi, nhịp nhàng. Lạy Phật cũng phải đúng… kỹ thuật để khỏi đau lưng, vẹo cột sống. Đúng kỹ thuật là giữ tư thế và kết hợp với hơi thở. Đó cũng chính là thiền, là yoga, dưỡng sinh…! Vận động thể lực đúng cách thì già sẽ chậm lại.
Giảm trầm cảm, buồn lo. Phấn chấn, tự tin. Dễ ăn, dễ ngủ… Tóm lại, giải quyết đựơc “ba cái lăng nhăng” đó thì có thể già mà… sướng vậy!

BS Đỗ Hồng Ngọc

.
Về Đầu Trang Go down
NTcalman




Posts : 614
Join date : 13/03/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeSun Mar 29, 2020 3:35 pm

.

https://www.youtube.com/watch?v=GCLsyEekI2M
ĐƯỜNG CHIỀU LÁ RỤNG - Phạm Duy - Quỳnh Giao - BP


Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  2Q==


Tuổi già - Ai sẽ là "Tôi" cho tôi?
- Trần Mộng Tú


Tôi là một người sống độc thân (và không có con), năm nay tôi 50 tuổi. Tôi sinh sống ở Virginia thuộc Hoa Thịnh Đốn, sức khỏe đầy đủ và tôi có một việc làm vững chắc. Tôi có một người cha 85 tuổi, sống tại Houston, Texas.

Ôi bao dặm đường xa cách. Từ ngày mẹ tôi mất cha tôi sống một mình, ông không chịu rời căn nhà với những năm tháng của quá khứ và tôi không thể bỏ việc để dọn về nhà cha. Mùa Xuân năm ngoái cha tôi bị ngã bể xương hông và dập một bên sườn. Bây giờ cha tôi phải vào viện dưỡng lão dành cho người già ốm yếu và cha tôi được xếp vào danh sách phải săn sóc đủ một vòng tròn của chiếc đồng hồ treo trong phòng ông. Từ ăn uống, nằm ngồi, đi đứng, làm vệ sinh, nhất nhất điều có y tá. Cái điều đáng buồn là trong khi nhận tất cả phục dịch cho thân thể thì đầu óc của cha tôi vẫn còn cái minh mẫn của một ông giáo sư dậy toán cách đây mấy chục năm.
Tôi không thể thường xuyên bỏ công việc để đi xuống thăm cha, nhưng mỗi ngày tôi phải điện thoại, điện thư liên lạc với bác sĩ, dược sĩ, y tá và những người săn sóc cho cha tôi tại viện dưỡng lão. Tôi cố gắng thu xếp để mỗi hai tháng đến với cha tôi một cái cuối tuần, và mỗi năm về một tuần vacation vào dịp lễ Tạ Ơn hay Giáng Sinh. Tôi biết là cha tôi rất mừng mỗi lần thấy con đến thăm. Cái ánh mắt của cha tôi khi nhìn tôi chào ra về bao giờ cũng theo tôi suốt chuyến bay. Hôm nay cũng thế, khi ngửa cổ ra sau ghế để tìm một giấc ngủ ngắn trên phi cơ, tôi nhìn rất rõ lại hai con mắt của cha tôi. Bất giác tôi tự hỏi "Khi tôi vào tuổi già yếu. Ai sẽ là 'TÔI' để tới lui săn sóc hỏi han tôi thường xuyên?".

Một người độc thân không có anh chị em và những người già không có con, những người có con sống không cùng một tiểu bang, hay xa hơn nữa ở tận một quốc gia khác thì sẽ rơi vào hoàn cảnh nào khi tuổi già lặn xuống như mặt trời lặn trên biển (bạn đã ngắm mặt trời lặn trên biển bao giờ chưa? Nó mất vào nước nhanh vô cùng).
Cái thùng thư ba, bốn ngày không có người lấy, hay đống báo thành chồng trước hiên nhà, cỏ không cắt, lá không cào, các cửa sổ không mở là dấu hiệu cho hàng xóm biết nên báo cho cảnh sát vì chủ nhân trong căn nhà đó ở một mình và là một người già.
Nỗi lo âu của một người không có thân bằng quyến thuộc ở gần lúc tuổi già không phải là nỗi lo âu "quá đáng". Đó là một điều chúng ta nên nghĩ đến khi còn có thể tìm hiểu và thu xếp cho chính mình.

Bà Barbara Gordon có mẹ già 92 tuổi sống ở Florida, trong khi bà làm việc ở New York bà đã đặt ra câu hỏi "Who will be ME for me."
Bà đem câu hỏi đó hỏi những người bạn độc thân như bà, không con hay có con tản mác mười phương, họ cùng nhau bàn bạc, đặt ra những câu hỏi cho tuổi già:
- Tôi sẽ sống ở đâu?
- Tôi sẽ sống như thế nào?
- Tôi có đủ tiền không?
- Ai sẽ săn sóc tôi nếu tôi mất khả năng hoạt động?
- Nếu tôi ngã (lúc già yếu) nằm dưới đất hai, ba ngày thì sao?
- Một ngày nào đó liệu tôi có phải rời căn nhà tôi đang ở ?

Những câu hỏi trên đưa đến những câu trả lời khác nhau mà câu nào cũng rất mơ hồ. Cuối cùng họ đi đến kết luận: Cái cách mình đang sống bây giờ sẽ ảnh hưởng rất nhiều vào đời sống của mình lúc về già. Họ làm cái danh sách sau đây như một kim chỉ nam.

"Có bạn bè ở mọi lứa tuổi." Đừng bao giờ nghĩ mình chỉ có thể thân với những người cùng lứa tuổi hay cùng hoàn cảnh như mình. Đồng ý là họ hiểu mình hơn nhưng đồng thời cũng chỉ nghe những than thở của nhau, không có gì mới lạ. Giao thiệp với những người trẻ hơn mình cũng trẻ lại với cách suy nghĩ và ứng xử với đời sống "Mới" này. Giao thiệp với người già hơn mình để được hưởng sự khôn ngoan của họ.

"Kết thân với hàng xóm."
Chắc bạn không muốn ngã xuống sàn nhà, nằm dưới đất hai ngày rồi mà không có ai đến vực lên. Một tiếng gọi cửa của hàng xóm có khi cứu được sinh mệnh của bạn đấy. Chạy qua chạy lại nhà hàng xóm lúc còn khỏe là một điều rất nên làm. Có hàng xóm tin và thân nhau còn giao cho cả chìa khóa nhà nữa. Người lớn tuổi đâu còn sợ mất mát gì về vật chất, cái quý nhất chính là bản thân mình thôi. Nếu hai gia đình cùng trẻ cùng có con nhỏ ở cạnh nhau mà thân thiện được là một điều rất quý. Tránh được rất nhiều va chạm về con cái và hữu ích cho nhau khi về già.

"Một bác sĩ thân thiện và có lương tâm" rất cần. Ông bác sĩ này phải là một người sẵn sàng cho bạn khi bạn cần tới. Một người không bao giờ từ chối cắt nghĩa một câu hỏi xem ra không được chính xác mấy của bạn. (Những câu hỏi không có kinh nghiệm gì của người trẻ tuổi và quá lẩm cẩm của người già.)

"Dược sĩ trẻ hơn mình nhiều tuổi." Mua thuốc với những người này, bạn được họ cắt nghĩa rõ ràng và thân thiện hơn. Người bệnh ở lứa tuổi nào cũng cần những dược sĩ trẻ trung.

"Tiêu ít, để dành nhiều." Người trẻ để dành cho ngày mai. Người già để dành cho hậu sự. Cần kiệm luôn luôn là một đức tính.

"Ăn uống cẩn thận hơn." Thức ăn luôn luôn là một nguyên nhân chính cho sức khỏe. Người dân nước nào cũng tự hào về văn hóa ẩm thực của nước họ. Nhưng cái bao tử của cả bàn dân thiên hạ chỉ muốn tiêu thụ những thức ăn nhẹ nhàng, ít dầu mỡ và bổ dưỡng. Bạn cứ lắng nghe xem cơ thể bạn phản ứng thế nào sau mỗi bữa ăn khác nhau, thì bạn sẽ hiểu ngay nó muốn nói điều gì.

"Thể thao nhiều hơn"
Ai cũng biết cơ thể cần vận động thì mới khỏe mạnh và đầu óc mới minh mẫn. Cứ cả ngày ngồi gõ cọc cọc (như chính tôi đây) ở máy vi tính, hay xem phim bộ như phần đông người Việt lớn tuổi, chắc chắn là không đúng rồi. Hãy đứng lên. Người trẻ có thể thao của người trẻ, người lớn tuổi có những sinh hoạt thể thao cho tuổi của mình. Nếu không đi xa được thì loanh quanh trong khu xóm, hoặc vung tay, khua chân ngay trong nhà mình. Đừng ngồi yên một chỗ. Chim chóc ngoài vườn đang gọi bạn.

Ngay bây giờ phải là "MÌNH". Có người đặt câu hỏi: "Ai thương tôi nhất?"
Câu trả lời: "Mình thương chính mình nhất" Vì chồng, (vợ) hay con mình cũng không thương mình bằng chính mình thương mình. Chồng, (vợ) hay con không thể chịu trách nhiệm về thân thể bạn được. Họ chỉ chia sẻ một phần nào. Nếu bây giờ bạn thực hiện được những điều trên thì khi về già chính bạn đã lo được cho bạn khá nhiều. Vì có ai đó, không phải bà con mình (người bạn hàng xóm) sẽ nhắc cho bạn:
"Tối nay lúc 9:00 giờ có mục đọc truyện của đài phát thanh (tiếng Việt) hay lắm.
Hoặc:
"Ngày mai Chủ Nhật bà có đi chùa không? Sẽ có xe đón đấy."

Trần Mộng Tú


Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  HAYTHONGTHASONG
Về Đầu Trang Go down
NHViet




Posts : 595
Join date : 23/08/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeThu Apr 02, 2020 6:25 am

.
Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Gia-laptop-3

Trì hoãn sự lão hóa


Nếu biết kết hợp chọn thực phẩm có lợi trong bữa ăn hằng ngày sẽ trì hoãn được sự lão hóa.
Với những người có thói quen vận động cơ thể, việc giải phóng năng lượng thường xuyên dễ dàng duy trì được sức khỏe và sự trẻ trung. Tuy nhiên, nếu biết kết hợp với việc chọn thực phẩm có lợi thì tuổi thọ sẽ tăng rất nhiều.

1- Món ăn cơ thể dễ hấp thụ nhất là cháo. Cháo có thể điều hòa dạ dày, bổ tì, thanh lọc phổi, mát đường ruột. Nhà dinh dưỡng thời nhà Thanh - Tào Tử Sơn - đã từng nói: “Người già mỗi ngày nên ăn cháo, không kể bữa, có thể tăng cường sức khỏe và hưởng đại thọ”. (bữa ăn có canh mướp đắng (trái khổ qua) và cà chua là một trong 9 món trường thọ). 


Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Th%25E1%25BB%25B1c%2Bph%25E1%25BA%25A9m%2B1

2- Theo nghiên cứu của nhà dinh dưỡng học Nhật Bản thì mướp đắng là thực phẩm trường thọ có giá trị dinh dưỡng “toàn phương vị”. Một trong những bí quyết trường thọ của người Okinawa là ăn nhiều mướp đắng, uống trà mướp đắng và uống nước mướp đắng. Ở Việt Nam, mướp đắng còn gọi là khổ qua, có mặt tại hầu hết các địa phương. Cách chế biến cũng đa dạng từ hầm canh, xào, ăn sống... tất cả đều tốt cho việc tăng cường tuổi thọ.
 
3- Bên cạnh khổ qua, sữa bò tươi cũng được coi là một trong những thực phẩm hoàn hảo. Trong sữa có nhiều protein, canxi và những nguyên tố cần thiết khác cho não. Đặc biệt uống sữa là cách bổ sung canxi nhanh và hiệu quả nhất. Nếu công việc căng thẳng khiến mất ngủ, nguyên nhân gây giảm thọ, đặc biệt là với nam giới, chỉ cần thử uống một ly sữa nóng vào buổi tối thì sẽ dễ dàng chìm sâu vào giấc ngủ.
 
4- Ngô (bắp) hiện được trồng khá phổ biến ở Việt Nam. Trong ngô có chứa nhiều axit béo và axit không no như axit linolic nên có tác dụng bảo vệ não bộ và giảm lượng mỡ trong máu. Đặc biệt, lượng axit glutamic trong ngô rất cao nên sẽ kích thích các tế bào không ngừng chuyển động và trao đổi thông tin. Ăn ngô thường xuyên, nhất là ngô tươi, sẽ giúp cho bạn có bộ não khỏe mạnh và tất nhiên duy trì cuộc sống dài lâu.

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Th%25E1%25BB%25B1c%2Bph%25E1%25BA%25A9m%2B5

5- Các nhà khoa học chứng minh rằng những người thường xuyên ăn cà chua có khả năng giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư bởi lẽ trong cà chua có chứa chất lycopene, một chất chống ôxy hóa rất quan trọng, giúp tiêu diệt các tế bào có nguồn gốc ung thư. Có thể ăn cà chua sống hoặc cà chua nấu chín mỗi ngày. Một khi cơ thể đủ khả năng chống ôxy hóa, sự tươi trẻ sẽ duy trì được dài lâu.
 
6- Khoai tây là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều vitamin (C, B6, chất xơ). Đặc biệt hàm lượng kali trong khoai tây được các chuyên gia dinh dưỡng xếp đầu danh sách củ nguyên chất chứa nhiều kali. Khoai tây giàu kali, hữu ích trong việc đề phòng chứng đột quỵ. Mỗi tuần, một người nên ăn từ 3 – 4 củ khoai tây.
 
7- Trong canh xí quách chứa thành phần chất béo collagen, vừa có thể giúp trẻ con tăng trưởng vừa giúp người có tuổi tăng sự dẻo dai cho xương, trì hoãn tủy xương lão hóa. Để cơ thể hấp thụ tốt món ăn này, trong thành phần chế biến canh xí quách cần có thêm một ít giấm sẽ giúp cho phosphor và canxi của xương tan trong canh.


Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Th%25E1%25BB%25B1c%2Bph%25E1%25BA%25A9m%2B7

8- Song song với việc cung cấp các chất tái tạo tế bào, ngăn ngừa các tác nhân độc hại xâm nhập cơ thể cũng hết sức quan trọng. Bông cải xanh (broccoli) là một thực phẩm đáp ứng được nhu cầu đó. Ngoài việc bông cải xanh (broccoli) thanh nhiệt, tốt cho sức khỏe, nó còn giúp cho tế bào da ngăn ngừa những tổn hại do bức xạ cực tím gây ra. Ở một quốc gia nhiệt đới, gió mùa như Việt Nam, lúc nào cũng có thể bị tiếp xúc với tia cực tím thì dùng bông cải xanh là lựa chọn khôn ngoan.
 
9- Tám loại thực phẩm trên, tùy theo khẩu vị, có thể kết hợp, thiết kế thực đơn hợp lý cho từng ngày. Món có thể và nên dùng mỗi ngày là trà xanh. Lá trà xanh vốn nổi tiếng vì khả năng chống lão hóa. Càng ngày, những nhà khoa học lại càng phát hiện thêm nhiều tính năng của trà xanh nhưng điều khiến người ta quan tâm nhất là việc chống lão hóa và phòng ngừa ung thư của nó. Điều cần lưu ý là khi chế biến trà xanh, không nên hãm trà trong bình kín mà để hở nắp. Hơi trà thoát ra ngoài sẽ khiến nước trà không đục, sậm màu và có thể giữ được lâu.
 

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  9k=


Càng cao tuổi càng cần ăn ngon!
 
Chúng ta sống đến tuổi nầy là may mắn lắm rồi! Nên ăn những gì chúng ta thích, đừng hà tiện nữa! Để dành tiền cho con cháu biết bao nhiêu cho đủ? Hơn nữa, chúng nó có bằng cấp, có công việc tốt, chúng nó hẳn nhiên là giàu có hơn mình thì tại sao mình lại hà tiện, chắt chiu để dành cho chúng biết bao nhiêu cho đủ? (Còn ăn được thì cứ ăn cho thỏa thích, một mai răng rụng hết chỉ còn nhìn mà hít hà thôi!)
Tuy không hẳn vì bất hiếu nhưng do định kiến là người cao tuổi không cần ăn nhiều nên không thiếu người già bị rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng một cách oan uổng! Thêm vào đó là nhiều người lớn tuổi phải kiêng cữ, thường khi thái quá do con cháu ép buộc vì bệnh tiểu đường, cao huyết áp, tăng mỡ trong máu…
Vấn đề chưa dừng lại ở điểm cơ thể người cao niên vì thế mà thiếu dưỡng chất. Nguy hơn nhiều là do đó mà sức đề kháng bị xói mòn khiến bệnh bội nhiễm cũng như bệnh do thoái hóa cơ khớp trở thành mối đe dọa thường xuyên cho cơ thể vốn vừa nhạy cảm vừa dễ thiếu nước khi tuổi đời chồng chất. Nếu xét về mặt dược lý, bữa ăn của người cao tuổi thậm chí quan trọng không kém viên thuốc đặc hiệu.
Quan điểm theo đó người cao tuổi phải e dè với từng miếng ăn là một sai lầm nghiêm trọng. Nhiều công trình nghiên cứu trong thời gian gần đây cho thấy hình thức ăn uống dồi dào rau cải tươi, nhiều cá biển và nhất là ngon miệng là chế độ dinh dưỡng lý tưởng cho người già.
Bằng chứng là người cao tuổi ở Địa Trung Hải ít bị nhồi máu cơ tim nhờ khẩu phần đa dạng với thực phẩm “xanh” chiếm tối thiểu 60% tổng lượng. Bằng chứng là người Nhật có tuổi thọ cao nhất thế giới nhờ thực đơn hầu như không bao giờ thiếu cá biển và đậu nành. Ngược lại, người cao tuổi trong các nhà dưỡng lão ở Hoa Kỳ, nơi chế độ ăn uống kiêng cữ được đặt lên hàng đầu lại có tỷ lệ tai biến mạch máu não và tử vong vì nhồi máu cơ tim vượt xa các nước khác!

Từ nhận thức đó, thay vì tiếp tục đề cao hình thức kiêng khem, đa số chuyên gia dinh dưỡng ở khắp nơi đã đồng lòng tán dương chế độ dinh dưỡng mang nhiều nét “đổi mới” cho người già dựa trên các nguyên tắc như sau:
• Người cao tuổi nên ăn tất cả những món ưa thích và ngon miệng, miễn là với lượng không gây trở ngại cho chức năng tiêu hóa.
• Khẩu phần hàng ngày càng đa dạng càng tốt, càng ít thực phẩm công nghệ càng hay.
• Chắc chắn uống đủ nước trong ngày bằng cách chú trọng các món cung cấp nước như rau trái, món canh… thay vì uống nước vì nhiều người già thường chỉ uống khi khát.
• Đừng nấu cho người cao tuổi các món ăn tuy bổ dưỡng về thành phần nhưng với khẩu vị nuốt không vô! Đừng quên cảm giác ngon miệng là đòn bẩy cho sức kháng bệnh.
• Không nhất thiết phải cữ muối tuyệt đối nếu không có y lệnh của thầy thuốc trong giai đoạn bệnh tim mạch cấp tính.
• Không nên thiếu món ngọt nếu thực khách chưa bị bệnh tiểu đường.
• Luôn luôn có rau quả tươi trong khẩu phần.
• Nên có nhiều bữa ăn nhỏ thay vì ngày ba bữa đúng giờ.
• Một ly rượu vang cho mỗi bữa ăn là điều nên làm.
• Chỉ tránh các món ăn gây dị ứng, món chiên xào nếu đã có bệnh trên đường tiêu hóa như viêm đại trường mãn, viêm ruột dị ứng, trĩ…
• Có bữa cơm gia đình cùng con cháu thay vì ăn riêng trong buồn tẻ như người bệnh nặng.
• Vận động nhẹ trước và sau bữa ăn.
 
Con cháu nếu biết thương ông bà đừng quên là các nhà nghiên cứu ở Hoa Kỳ vừa chứng minh hẳn hòi là: người cao tuổi nếu có da có thịt một chút nghĩa là dư cân, ít bị bệnh và sống thọ hơn bạn đồng niên mình hạc xương mai.
Lượng mỡ dưới da, tất nhiên không nhiều, chính là kho dự trữ dưỡng chất để đáp ứng cho nhu cầu phục hồi của cơ thể người cao tuổi mỗi lần ngã bệnh.
Không cho người già ăn no bụng và ngon miệng là một điều đáng trách cả về lý lẫn về tình.

Bác sĩ Lương Lễ Hoàng /thanhphogio


Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  2Q==

https://www.youtube.com/watch?v=-4UoJ47SzjA
Forever Young - (Bob Dylan) - Joan Baez

May you grow up to be righteous
May you grow up to be true
May you always know the truth
And see the lights surrounding you
May you always be courageous
Stand upright and be strong
And may you stay forever young.

Forever young, forever young
May you stay forever young.

.
Về Đầu Trang Go down
NTcalman




Posts : 614
Join date : 13/03/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeTue May 05, 2020 8:16 pm

.
Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Paulo-Coelho

ĐÁM TANG CỦA TÔI
- Paulo Coelho (1947-....)

Bản dịch Hoàng Ngọc Trâm
Phụ chú Hoàng Ngọc Tuấn


Ký giả của báo The Mail on Sunday xuất hiện tại khách sạn của tôi ở Luân-đôn và hỏi một câu đơn giản: ‘Nếu hôm nay ông chết, ông muốn có loại đám tang nào?’

Thực sự thì ý tưởng về cái chết đã có trong tôi mỗi ngày kể từ năm 1986, khi tôi hành hương đến Santiago.(*) Trước khi ấy, tôi đã luôn khiếp sợ với ý nghĩ rằng, một ngày nào đó, mọi việc sẽ kết thúc; nhưng trên một trong những chặng đường của chuyến hành hương đó, tôi thực hành một bài tập bao gồm việc trải qua cái cảm giác như khi bị chôn sống. Đó là một kinh nghiệm cực kỳ căng thẳng khiến tôi mất hết sự sợ hãi, và sau đó tôi xem cái chết như bạn đồng hành của tôi mỗi ngày, luôn ở bên cạnh tôi và nhắc nhở: ‘Tôi sẽ chạm vào bạn, nhưng bạn không biết khi nào đâu. Vì thế bạn hãy sống tràn trề hết mình.’

Bởi vậy, tôi không bao giờ để cho đến ngày mai những gì tôi có thể làm hoặc trải nghiệm hôm nay - và điều đó bao gồm những niềm vui, những trách nhiệm trong công việc, nói lời xin lỗi nếu tôi cảm thấy tôi làm xúc phạm ai đó, và chiêm ngưỡng giây phút hiện tại như đó là giây phút cuối cùng của tôi. Tôi có thể nhớ lại nhiều dịp tôi đã ngửi được mùi hương của sự chết: cái ngày xa lắc vào năm 1974, ở vận động trường Aterro do Flamengo (trong thành phố Rio de Janeiro), khi chiếc taxi tôi đang ngồi bị một chiếc xe hơi khác chặn lại, và một nhóm vũ trang bán quân sự nhảy ra và trùm một cái bao vải lên đầu tôi. Mặc dù họ bảo đảm với tôi rằng sẽ không có điều gì tồi tệ xảy ra cho tôi, tôi vẫn tin chắc rằng tôi sắp trở thành một kẻ “mất tích” khác của chế độ quân phiệt ấy.

Hoặc là vào Tháng Tám năm 1989, lúc tôi bị lạc đường trong khi leo núi Pyrenées. Tôi nhìn quanh chỉ thấy những dãy núi đầy tuyết phủ và cây cối, nghĩ rằng tôi sẽ không đủ sức để trở về, và kết luận rằng thân xác tôi sẽ không được ai tìm thấy cho đến mùa hè năm tới. Cuối cùng, sau khi lang thang vòng quanh nhiều giờ đồng hồ, tôi tìm ra một lối mòn dẫn tôi đến một ngôi làng hẻo lánh.

Ký giả của báo The Mail on Sunday nài nỉ: nhưng đám tang của ông sẽ như thế nào? Được thôi, theo di chúc của tôi, sẽ không có đám tang. Tôi đã quyết định sẽ được hoả táng, và vợ tôi sẽ rải tro của tôi tại một nơi gọi là El Cebrero ở Tây-ban-nha — nơi mà tôi tìm thấy cây kiếm của tôi. Bất cứ những bản viết tay và bản đánh máy nào chưa xuất bản sẽ được giữ lại, không xuất bản (tôi khiếp sợ đối với số lượng ‘các tác phẩm di cảo’ hoặc ‘những chiếc rương đầy giấy tờ’ mà những người thừa tự của các nhà văn đã đem đi xuất bản một cách vô lương tâm để kiếm tiền; nếu những tác giả đã không muốn xuất bản những thứ này trong lúc họ còn sống, thì sự riêng tư của họ phải được tôn trọng). Cây kiếm tôi tìm thấy trên đường hành hương đến Santiago sẽ được ném xuống biển, và như thế nó được trở về nơi xuất phát của nó. Và tiền của tôi, cùng với tiền nhuận bút sẽ tiếp tục được nhận trong bảy mươi năm nữa, sẽ được hiến dâng tất cả vào quỹ từ thiện mà tôi đã thiết lập.

‘Còn câu văn khắc trên bia mộ của ông thì sao?’ ký giả hỏi. À, một khi tôi đã được hoả táng, thì sẽ không có bia mộ để mà khắc chữ, bởi vì tro hoả táng của tôi sẽ được gió đưa đi khắp nơi. Nhưng nếu tôi phải chọn một câu, tôi sẽ chọn câu này: ‘Ông ấy đã chết trong lúc vẫn còn sống’. Điều đó có vẻ như mâu thuẫn trong chữ nghĩa; nhưng tôi biết rất nhiều người đã ngừng sống, mặc dù họ vẫn tiếp tục làm việc và ăn và tiếp tục với những sinh hoạt xã hội thường lệ của họ. Họ làm mọi chuyện theo quán tính tự động, không hay biết gì về cái khoảnh khắc kỳ diệu của mỗi ngày, không bao giờ ngừng lại để nghĩ về sự mầu nhiệm của cuộc sống, không hiểu rằng giây phút tiếp theo có thể là giây phút cuối cùng của họ trên mặt đất của hành tinh này.

Khi ký giả ra về, tôi ngồi xuống trước máy vi tính và quyết định viết bài này. Tôi biết nó không phải là một đề tài mà ai cũng thích suy nghĩ đến, nhưng tôi có một bổn phận đối với các độc giả của tôi — đó là làm cho họ nghĩ về những điều quan trọng trong đời sống. Và cái chết có lẽ chính là điều quan trọng nhất. Tất cả chúng ta đang bước về phía cái chết, nhưng chúng ta không bao giờ biết khi nào cái chết chạm vào chúng ta, và vì thế, bổn phận của chúng ta là nhìn chung quanh mình, bày tỏ lòng biết ơn đối với từng giây phút trong cuộc sống. Nhưng chúng ta cũng phải biết ơn cái chết, bởi vì nó làm cho chúng ta suy nghĩ về tầm quan trọng của mỗi quyết định chúng ta đưa ra, hoặc không đưa ra; nó làm cho chúng ta dừng lại trước bất cứ hành vi nào khiến chúng ta bị vướng vào kiểu ‘sống mà như chết’, và, thay vào đó, nó thúc giục chúng ta bất chấp tất cả, đánh cược tất cả cho những điều mà chúng ta luôn luôn mơ ước thực hiện, bởi vì, dù chúng ta có thích hay không, thiên thần của cái chết vẫn đang chờ đợi chúng ta.

-----------------
Phụ chú của Hoàng Ngọc Tuấn:

(*) Năm 1986, Paulo Coelho đã thực hiện một chuyến hành hương bằng cách đi bộ gần 1000 cây số xuyên qua miền tây-bắc Tây-ban-nha để tìm đến giáo đường Santiago de Compostela ở Galicia — nơi được xem là địa điểm an táng hài cốt của thánh James, một trong 12 tông đồ của chúa Jesus. Trong chuyến hành hương này, Paulo Coelho đã cảm nhận một sự thức tỉnh trong tâm linh khiến ông quyết định thay đổi toàn bộ cuộc sống. Trước năm 1986, ông là một người viết ca khúc, một ký giả, một diễn viên kiêm đạo diễn kịch nghệ, kiếm được rất nhiều tiền và sống hết sức bạt mạng. Sau chuyến hành hương, ông từ bỏ tất cả để làm lại cuộc đời và quyết định sống trọn vẹn cho văn chương và tư tưởng. Chuyến hành hương này đã được Paulo Coelho ghi lại trong cuốn O Diário de Um Mago [“Nhật ký của một nhà huyền thuật” (1987)], bản tiếng Anh có nhan đề là The Pilgrimage [“Chuyến hành hương”].
-----------------
Dịch theo bản tiếng Anh của Margaret Jull Costa, “My Funeral”, trong Paulo Coelho, Like the Flowing River: Thoughts and Reflections (Sydney: HarperCollins, 2007), 82-84.


Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Th?id=OIP.CCYr4Wzau5S8mgr6pZJrSwHaD4&pid=15


https://www.youtube.com/watch?v=e86olgS2Omw
Rong chơi cuối trời quên lãng (Hoàng Thi Thơ) - Thiên Kim



Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  HAYTHONGTHASONG
Về Đầu Trang Go down
NTcalman




Posts : 614
Join date : 13/03/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeSun Jun 21, 2020 4:25 pm

.
Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Ke-hoach-thinh-vuong-trong-tam-thuc

Luân Hồi Sinh Tử
- BS Đỗ Hồng Ngọc


Luân hồi hình như luôn đi với sanh tử. Luân hồi sanh tử. Nghe cứ rờn rợn. Có cách nào “giải thoát” không? Có đó. Đi tu! Đi tu để giải thoát luân hồi sanh tử. Nghe nói vậy. Làm như tu thì không còn sanh tử nữa, không còn luân hồi nữa, tu thì sống đời đời kiếp kiếp vậy! Nhưng… không còn sanh tử, không còn luân hồi nữa, sống đời đời kiếp kiếp thì… chán chết! Không luân hồi sanh tử nữa thì mọi thứ khựng lại. Trái đất chẳng buồn quay. Chẳng còn xuân hạ thu đông. Chẳng sáng trưa chiều tối. Chẳng vô thường. Chẳng đổi thay. Chán chết! Cho nên luân cứ phải hồi, sanh cứ phải tử. Và bởi vì sanh cứ phải tử nên tử cứ phải sanh. Phải luẩn quẩn loanh quanh vậy mới công bằng, mới phải điệu. Ba cõi sáu đường phải thênh thang rộng mở cho chúng sanh lũ lượt vào ra!
Nhưng, chỉ có ba cõi sáu đường thôi ư? Chỉ có “Thiên, nhân, atula, ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục”… thôi ư? Chắc còn nhiều thứ “cao tốc” nữa. Vô số vô lượng vô biên nẻo đường cho phù hợp với vô số vô lượng vô biên chúng sanh chứ? Nhưng chỉ tượng trưng vậy là đủ cho các thứ bệnh “tham, sân, si, nghi, kiến, mạn”… của cõi người!

Được làm người thật khó! Một con rùa mù lờ quờ bơi giữa biển khơi, mỗi trăm năm trồi đầu lên một lần giữa mênh mông sóng nước, vậy mà làm thế nào lại đội trúng chóc ngay khúc gỗ mục, giữa bộng cây, đang trôi giạt bềnh bồng trên biển. Đâu có dễ phải không? Đó là một hình ảnh đầy biểu tượng sinh học, mang tính nghệ thuật vẫn được điêu khắc trên các đền đá từ ngàn xưa của linga với yoni! Cho nên cha mẹ mà không bồng bềnh gặp nhau thì ta là ai? Ông bà mà không bồng bềnh gặp nhau thì ta là ai? Phải có cái nhân, cái duyên, cái nghiệp, cái báo gì đó chứ?
Muôn sự tại tham. Không tham thì đã không sinh sự. Mà tham thì không đáy. Y như cái bao tử, vốn là một cái túi không đáy vậy! Tham thì lúc nào cũng thấy thiếu, cũng đói, cũng khát. Khát đủ thứ, đói đủ thứ. Không chỉ cõi người đâu. Cá lớn nuốt cá bé. Bọ hung hùng hục đánh nhau giành giựt cục phân. Thiêu thân tranh nhau lao vào lửa. Dã tràng miệt mài se cát biển đông… Tham quá thì thành… ngạ quỹ. Đói khát triền miên. Sân (giận) thực ra chỉ là một sản phẩm của tham. Tham mà không được mới sân, mới bị thiêu đốt đủ kiểu ở chín tầng địa ngục. Sân sinh địa ngục. Địa ngục chẳng đâu xa. Nó ở ngay trong ta và luôn háo hức chờ đợi. Nhưng cái gốc của tham, sân là từ “ngu muội” (Si) mà ra! “Súc sanh” quá đi chớ. Còn cãi gì nữa! Lâu lâu nhìn lại mình mà coi: “Đồ súc sanh! Đáng đời! Đáng kiếp!”…

Vậy còn thiên, nhân, atula thì từ đâu ra? Thì từ các “bệnh” nghi, kiến, mạn! Nghi thì sanh sự, tâm không lúc nào an. Nghi thì không thể Từ bi! Cho nên nghi sinh… Atula, thần không ra thần, người không ra người, thông minh quỷ quyệt, đấu đá tranh giành, đằng đằng sát khí… Còn nhân (người)? Chắc là do “Kiến” sinh ra rồi. Chỉ người mới có nhiều thứ kiến, khi tà khi chánh, khi thường khi đoạn, điên đảo mộng tưởng. Cứ quay mòng như chong chóng. Đáng mừng là người thì có cơ hội để đổi thay, để chuyển hóa. Cho nên mới bảo làm người, khó, nhưng được làm người đã là may mắn. Còn “Mạn”? Coi trời bằng vung! Kiêu căng phách lối, vỗ ngực xưng tên, nghĩ mình phước báo, ăn chơi xả láng… Thế nhưng dù là Trời vẫn có lúc rơi xuống địa ngục như chơi!
Tóm lại, sáu nẻo đường… thênh thang thì tà nhiều hơn chánh. Tà có vẻ… hấp dẫn hơn, lôi cuốn hơn. Cho nên ta mới có khuynh hướng trôi nổi, lăn lộn, mải miết trong sáu nẻo đường… tà, không muốn thoát ra là vậy! Luân hồi sanh tử là cần thiết, là phải vậy. Nước xuôi ra biển lại tuôn về nguồn! Bỉ cực rồi thái lai! Nếu không thì chán quá. Nếu không thì bất công quá! Xuân hạ thu đông… rồi lại Xuân. Sắc thọ tưởng hành thức rồi lại… Sắc? Vô minh, hành, thức… rồi sanh, lão tử hay ngược lại, Lão tử rồi sanh, hữu, thủ, ái… vô minh, để từ đó mà sinh sự cho sự sinh? “Vô sinh” là hết chuyện, diệt thọ tưởng, dứt ái thủ… là hết chuyện chăng? Còn lâu! Bởi “Vô vô minh diệc vô vô minh tận…”, không hề có vô minh mà cũng chẳng bao giờ hết vô minh!Luân hồi sanh tử, nghiệp báo oan gia các thứ… ở đâu mà ra?
Thì ở đâu nữa. Ở ngay trong ta thôi. Trong tứ đại ngũ uẩn. Trong các hợp chất carbon, hydro, oxy, nitrogen (C,H,O,N) và mấy chục nguyên tố đồng chì sắt kẽm, mangan, manhê, vôi vữa… các thứ đó thôi. Ôi, cát bụi tuyệt vời! Khi vẽ được bản đồ hệ gene người, các nhà khoa học bật ngữa thấy tinh tinh, chuột bọ, cải ngồng, cổ thụ… đều có những gene y như vậy với một tỷ lệ khác nhau nhiều ít. Tinh tinh có đến 99% cấu trúc gen giống hệt bộ gen người, chuột bọ thì có đến 98% gen người… Ai dám bảo hôm nào đó chẳng “luân” chẳng “hồi” một phen, cho tinh tinh thành cải ngồng, cải ngồng thành chuột bọ…? Có cái nhìn xuyên suốt ngàn năm chắc thấy biết, còn ta mắt trần (nhục nhãn) chưa thấy được đâu, đành lớ ngớ, loay hoay. Bản hoài của chư Phật muôn đời chẳng phải là muốn khai thị cho ta ngộ nhập vào cái “Thấy Biết” của Phật đó sao?

Thực ra luân hồi sanh tử không chỉ vậy! Luân hồi sanh tử còn là tiến trình tâm trong mỗi sát-na. Từ sáng đến chiều, từ trưa đến tối ta đã… lang thang sáu nẻo biết bao lần. Hết thiên, nhân lại đến atula rồi ngạ quỷ súc sanh địa ngục xà quần không ngưng nghỉ. Sáng bảnh mắt ra, người sảng khoái, lâng lâng, quần là áo lượt có thua gì… tiên nhân đâu, vậy mà trưa nghe một cú điện thoại từ đâu đó bỗng đùng đùng nổi giận, đỏ mặt tía tai, bầm gan tím ruột, lọt tõm vào địa ngục… Chỉ một thoáng thôi, đã từ thiên đàng rơi xuống địa ngục, từ thiên nhân thành Atula, ngạ quỉ… Một thoáng thôi, tiến trình tâm đã trải qua muôn ngàn kiếp rồi vậy!
 Biết rõ “cơ chế” bệnh sinh thì điều trị không khó. Có khi chỉ cần chữa triệu chứng. Có khi phải điều trị căn nguyên để không còn tái phát. Cái gì làm ta xà quần trôi nổi trong cõi luân hồi sanh tử? Cái gì có vẻ như mãi cợt đùa không mệt mỏi với ta đó vậy? Chính cái “Ta” đó. Nó đó. Cho nên chỉ có “ta” mới cứu được “ta” thôi, “duy ngã độc tôn” mà! Cho nên phải quay lại với mình, phải phản quan tự kỷ, phải nương tựa chính mình thôi, còn tìm kiếm đâu xa nữa? Gia trung hữu bảo hưu tầm mích (Trần Nhân Tông). Khi nhận ra “không phải của ta/ không phải là ta/ không phải là tự ngã của ta” thì có lẽ đã có một nụ cười thanh thản, tự tại, an nhiên.
Bậc Y vương đã bày biện sẵn thuốc men cả đó thôi. Nói đi nói lại mấy ngàn năm rồi. Lẽ nào ta chẳng nghe ra? Nào Tứ diệu đế, nào Bát chánh đạo, nào Lục độ, Bát Nhã, Pháp Hoa… các thứ. Sắc cho khéo để hoà nhập vào nhau, tương tác lẫn nhau ba chén sáu phân thành một thứ «dược vương» trị bệnh cho kiếp người.

Nói năng, đi đứng, cái ăn, cái ở… cách nào đây cho nó thôi đừng sanh sự, đừng tạo nghiệp? Thì đã có Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng. Còn Chánh niệm, Chánh định lại là những thứ thuốc đặc trị để có được Chánh kiến, Chánh tư duy. Cho nên, Giới Định Tuệ là đủ để chấm dứt những nẻo đi về địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Giải thoát và Giải thoát tri kiến là đủ để… chấm dứt những lang thang trôi nổi quẩn quanh còn lại?
Rõ ràng để « giải thoát luân hồi sanh tử » chỉ có mỗi một cách là phải « tu ». Nghĩa là phải « sửa » mình. Phải dứt đi cái nghiệp cái duyên, cái sinh cái sự. Một khi « sự sự vô ngại » rồi thì thong dong ba cõi sáu đường không còn dính mắc, nơi nào cũng trở nên an lành mát mẻ, bởi đã cùng chung dưới một mái nhà. Mái nhà Như Lai.



https://www.youtube.com/watch?v=qtEh7--fHIM
Cát bụi - TCS - Khánh Ly

.
Về Đầu Trang Go down
PVChuong
Admin



Posts : 673
Join date : 25/04/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeSat Jul 18, 2020 8:02 pm

.
Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Tuoixechieu

Tuổi Già ở Mỹ

Bà Liên nằm lim dim ngủ trên giường, bà tặc lưỡi ngẫm nghỉ mới đó mà mình đã ở trong nursing home này gần hai năm rồi, thời gian trôi qua thật nhanh, bà chợp mắt nhớ lại dĩ vãng...

Lúc còn ở Việt Nam, bà là một cô nữ sinh trung học. Lúc đó bà cũng có nhiều chàng trai đi rà theo sau lưng bà mỗi khi tan trường về, nhưng không hiểu sao bà không cảm được ai hết cho đến khi bà gặp ông Duy tức là chồng của bà trong một buổi tiệc sinh nhật 18 tuổi của một người bạn, buổi đầu tiên gặp gỡ làm sao bà quên được. Thiệt là lãng mạng, ông đã tới mời bà nhảy khi nhạc vừa trổi lên điệu Rumba, thế rồi ông và bà như bị phải tiếng sét ái tình đánh phải hai người dính chặt suốt đêm nhẩy hết bản này qua bản khác, không rời nhau một bước, rồi sau đó bà đã lấy ông Duy.
Ông Duy là một người chồng rất tốt, đã cho bà một mái ấm gia đình hạnh phúc, cộng thêm 6 đứa con ra đời năm một, cuộc sống của bà rất là thoải mái, nhưng đâu có ai biết được chữ ngờ, tháng 4 năm 75, gia đình bà phải bỏ của lấy người, chạy qua tới Mỹ.

Nằm miên man suy nghỉ, thời gian năm 75 khi mới qua Mỹ, gia đình bà được một hội nhà thờ bảo lãnh, nhà thờ đã đem một xe van 14 chỗ nghồi lên phi trường đón gia đình bà, nhà thờ này thiệt là tốt, đã thuê cho gia đình bà một căn nhà 3 phòng ngủ, vào đến nhà có sẵn tất cả các vật liệu cần thiết, đã vậy mà ông mục sư còn xin lỗi là đã không kiếm được căn nhà lớn hơn cho gia đình, bà vẫn con nhớ lời ông nói:
“Chúng tôi xin lỗi ông bà đã không kiếm được căn nhà lớn hơn, thôi thì xin tạm ở căn này cho đến khi chúng tôi kiếm được căn nhà khác”.
Ông mục sư đâu có biết la bà rất mãn nguyện với căn nhà này, căn nhà này đối với gia đình bà là một thiên đàng, đâu con dám mơ ước gì hơn nữa.
Trong thời gian đầu tuy có nhà thờ bảo trợ, nhưng ông Duy không muốn mang ơn nhiều qúa, vả lại thời gian đó kiếm việc rất là dễ, nên hai vợ chồng bàn nhau ông thì đi làm, còn bà thì ở nhà cơm nước coi chừng sắp nhỏ, cũng hên công việc lúc đó rất nhiều, ông xin được một chân assembler trong một hãng điện tử, ông làm overtime mệt nghỉ, một thời gian sau nhờ cần cù chăm chỉ làm ăn, ông được lên chức supervisor. 6 đứa con của bà thì 5 đúa lớn đã học thành tài, và đã có gia đình ra ở riêng, bà chỉ còn một cậu út cũng sắp ra kỹ sư năm tới, thiệt là trời phật phù hộ đã cho bà một cuộc đời thiệt là suông sẽ hạnh phúc, bà không dám mơ tưởng gi hơn nữa.

Nhưng ở đời luôn luôn có chữ ngờ, hai vợ chồng bà định năm tới đứa út ra trường, ông Duy cũng đã 65 tuổi rồi, lúc đó xin nghỉ hưu là vừa, để hai ông bà có thời gian dung dăng dung dẻ trở lại vui hưởng tuổi già, sau 35 năm làm lụng cực khổ nuôi 6 đứa con khôn lớn nên người. Đọc tới đây chắc các bạn đang sốt ruột, lại chuyện gì xảy ra cho bà già này đây, đời bà như vậy là sung sướng quá rồi, còn than van gì nữa".
Vâng, các bạn ơi, cuộc đời bà Liên đã chuyển hướng, nhắc đến đây không cầm được nước mắt, hai hàng lệ chảy, bà Liên cũng không buồn chùi, bởi vì hai năm nay bà đã khóc nhiều rồi, nhờ có nước mắt chảy, bà mới biết là mình chưa hoàn toàn trở thành người thực vật.
Ngày đó, bà còn nhớ rõ, hai vợ chồng đang ngồi uống coffee ngoài vườn, bỗng ông Duy bị heart attack ngã xuống đất, bà Tâm hốt hoảng gọi 911, khi xe cứu thương tới thì ông Duy đã đi rồi, bà Liên gào khóc thảm thiết, không cho người lạ đem xác chồng bà đi, nhưng luật pháp Mỹ đã qui định, bà không thể nào cản trở được, nếu ở Việt Nam thì bà có thể để xác chồng bà tại nhà thêm vài ngày nữa rồi.

Từ ngày ông Duy mất, căn nhà trở nên trống vắng, thằng con út đi học xa, vài tháng có lễ lộc mới về thăm bà một lần, bà không biết lái xe, cũng bởi ông Duy cưng chiều bà quá, đi đâu cũng chở, không cho bà học lái xe, sợ lái loạng quạng tông người ta. Bà cũng ỷ y vào ông tưởng là hai vợ chồng sẽ sống đời với nhau, không ngờ ông đi trước bỏ lại bà một mình chới với, tuy mấy đứa con bà rất có hiếu, nhưng làm sao tụi nó có thể lo cho bà được, ban ngày phải đi làm, ban đêm phải lo cho con nhỏ, chúng chỉ thỉnh thoảng điện thoại cho bà, và cuối tuần thay phiên nhau chở bà đi chợ, bà cũng hiểu điều đó không bao giờ trách cứ con cái.
Nỗi buồn càng ngày càng chồng chất, bà Liên thui thủi một mình, buồn quá thì ra vườn trồng trọt. Lúc này trời trở lạnh, bà cũng không muốn ra vườn nữa, thuê phim bộ coi. Tối nằm ngủ bà thường hay mơ thấy ông Duy trở về mỉm cười âu yếm với bà, trong cơn mơ khi ông Duy dang tay định ôm lấy bà, thì bà lại choàng tỉnh, bà rất tức lần nào cũng vậy, không bao giờ bà được ông ôm trong vòng tay trọn vẹn.

Ở nhà hoài cũng chán, về vấn đề tài chánh, bà không phải lo gì hết, vì nhà đã trả nơ ngân hàng xong rồi, tiền hưu của ông Duy cũng tạm đủ cho sống qua hết tuổi già. Bà Liên tự hỏi: "bây giờ mình phải làm gì để giết thời giờ đây". Tặc lưỡi một hồi, làm gì thì làm trước hết mình phải học lái xe để tự lực cánh sinh, không làm phiền đến con cái cái đã.
Bà Liên nhớ lại ngày đầu tiên học lái xe mà còn rùng mình, khi bà đang lái xe tới một ngã tư có bảng stop, bà đã vượt ngã tư, lý do không thấy bảng stop, chú dạy lái xe la làng kêu bà stop, quýnh quáng thay vì đạp thắng, bà lại đạp chân gas, may phước lúc đó không có xe, nhưng bà một phen hú vía. Cũng may là sau khi thi rớt hai lần, lần thứ ba bà đậu, về nhà mừng quá bà cúng tạ trời đất.
Khi xưa bà Huệ bạn thân của bà hay khuyên bà nên học lái xe, nhưng bà không nghe lời, bà Huệ thường hay nói: “Ối giời ơi, tôi khuyên bà nên học lái xe để muốn đi đâu thì đi, nếu không sau này đừng có hối hận.” Lúc đó bà Liên nghĩ “chắc bà này ganh tị với mình, đi đâu cũng có tài xế (ông Duy), việc gì học lái cho nhức đầu nhức óc”. Giờ đây nghĩ lại thấy lời bà Huệ đúng, nhưng mà không sao cũng chưa muộn, bà Liên mỉm cười tự an ủi.
Từ ngày biết lái xe, bà Liên thấy đời sống thoải mái và bớt buồn, muốn đi chơi đâu thì chỉ việc lên xe chạy, nhớ đến mấy đứa cháu thì lái xe tới thăm, không còn cảnh phải chờ đến weekend mới được chở đi. Bà Liên bắt đầu đi chùa thường xuyên, làm quen thêm bạn mới, không con phải làm bạn với 4 bức tường như xưa nữa. Nhưng đời lại có thêm chữ ngờ nữa.
Bữa đó, bà đang nói chuyện điện thoại với một bà bạn, thì bà bị stroke té xuống đất. May phước là bà bạn đó kêu dùm 911 cho bà. Chỉ trong giây lát đã có xe cứu thương đến nhà chở bà đi cấp cứu. Ngành y khoa tân tiến của nước Mỹ đã cứu bà thoát chết. Nếu bị stroke kiểu này ở Việt Nam thì chắc bà đã thành người thiên cổ rồi, tuy các bác sĩ đã tận tâm cứu sống bà, nhưng bà không thể nào đi đứng trở lại bình thường nhu cũ, mà phải ngồi xe lăn. Nghĩ đến đây bà không khỏi khóc thầm, ước gì bà được chết ngay lúc đó, xuống dưới gặp ông Duy thì không còn gì sướng bằng. Thiệt ngành y khoa tân tiến của nước Mỹ đã cứu sống bà, nhưng mà cũng hại bà, sao không để cho bà chết luôn cho rồi. Thấy ở nhà quá bất tiện cho con cái, nên bà tự ý xin vào ở trong nursing home. Từ ngày vào ở nursing home, cuộc sống bà Liên bắt đầu thay đổi.

Đang miên mang suy nghỉ thì nghe tiếng bước chân vào phòng, nhướng mắt nhìn lên, bà gặp ngay nụ cười của cô y tá: “Good morning Mrs. Nguyễn, how are you today" This is the menu for today, please mark down what you want, I will come back.”
Ngày nào cũng vậy, cô y tá với nụ cười thân thiện, luôn luôn hỏi thăm sức khỏe của bà, rồi lại để ống nghe tim, kiểm soát máu, ngày nào cũng dặn bà nhớ uống thuốc cao máu sau khi ăn sáng, sau đó người y tá khác vào dọn phòng, sau đó bà Liên tự lăn xe lăn ra vườn hoa ngồi ngắm cảnh phơi nắng chung với những người già khác.
Khu vườn ở đây thiệt là đẹp, mùa nào bông nấy, bà chặc lưỡi: “Nước Mỹ thiệt là giàu có và văn minh, một vườn bông trổ hoa thiệt đẹp mà không bị ai hái trộm hết, nếu vườn bông này mà ở quê nhà thì bị ngắt trụi lụi rồi.” Nghĩ đến đó bà tủm tỉm cười thầm, nhớ lại khi còn học dưới tiểu học, bà lỡ dại theo bạn bè hái trộm hoa bị chó rượt theo cắn, về nhà bà bị một trận đòn nên thân. Nhờ trận đòn này mà bà không dám tái phạm nữa. Bên này nếu con cái phạm lỗi thì cha mẹ đâu dám đánh con, chỉ phạt hay khuyên nhủ mà thôi. Lẩn thẩn suy nghĩ bà không biết phương pháp nào là đúng". Bà tặc lưỡi, thôi nhập gia thì tùy tục, nhờ có lối suy nghĩ như vây, nên bà vẫn tạm vui sống đến bây giờ.

Sáng nay trời trở lanh, chỉ có vài người ra vườn, cho nên các con bồ câu lợi dung còn vắng người, sà xuống sân mổ thức ăn. Sáng nào cũng vậy, bà Liên luôn để dành một miếng bánh mì để nuôi mấy con bồ câu bạn bà, chỉ có tụi nó là trung thành đến viếng bà mỗi sáng, tuy bà và bồ câu không thể nói chuyện với nhau, nhưng nghe tiếng kêu ục ục của nó bà cũng cảm thấy vui tai, còn hơn là nằm trong phòng nói chuyện với bốn bức tường. Vào trong này chỉ có ngày chủ nhật là thời gian mà bà vui vẻ nhất, các con bà sẽ dẫn cháu vào thăm.
Chu choa mùi thịt nướng từ nhà bếp xông vào mũi bà thiệt là thơm, bà đóan là trưa nay nhà bếp sẽ cho ăn hamburger, món này bà cảm thấy thiệt là ớn, phải chi nhà bếp luộc cho bà vài cọng bún, pha thêm chén nước mắm chua ngọt bỏ nhiều tỏi và ớt vào, thêm vào vài cọng rau, chút đậu phụng, rồi viên thịt lại làm món chả bằm, thì bà sẽ có được một tô bún thịt nướng hấp dẫn, nhưng bà biết chỉ là mộng tưởng mà thôi, thỉnh thoảng con bà vào thăm cũng có đem vào cho bà ăn, nhưng bà chỉ hửi rồi nhai cho đỡ thèm, xong phải đem đổ, vì  còn răng thiệt đâu mà nhai thịt, răng của bà cũng theo gian rụng gần hết, bắt bà phải đeo răng giả, ăn uống thiệt là bất tiện, không ngon như răng thiệt, nên riết rồi bà không muốn ăn đồ cứng nữa.

Thôi đã tới giờ vào tập Physical Therapy rồi, bà Liên lăn xe vào trong nhà. Một ngày như mọi ngày, đời sống cứ như thế trôi đi, bà Liên ước gì được trở lại năm mình 18 tuổi, cái thời mà bà đang cặp với ông Duy.

Huỳnh Nguyễn Phương Hoa
.
Về Đầu Trang Go down
NHViet




Posts : 595
Join date : 23/08/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeMon Jul 27, 2020 1:32 pm

.
Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Unnamed
 
Cõi Già Trên Đất Lạ
- Andrew Lâm   
                    

(Andrew Lâm là một nhà văn trẻ, Việt Kiều, khá thành công trong những bài viết của ông về cộng đồng Việt cho độc giả Mỹ. Anh là con trai của Cựu Trung Tướng Lâm Quang Thi. Bài được viết theo tâm sự của mẹ tác giả, bà Lâm Quang Thi).

Người Việt có một câu nói: Mỹ là thiên đường giới trẻ, địa ngục giới già. Nay tôi đã vào cái tuổi giữa 70, câu nói này thật là thấm thía. Mỹ có tất cả những sản phẩm dành cho thanh thiếu nhi: đồ chơi, phim ảnh, máy chơi điện tử thính thị, khu giải trí có chủ đề (theme parks). Còn đối với người già, thì chỉ có sự cô lập và nỗi cô đơn.

Căn bản nếp sống của người Việt dựa vào gia đình, cộng đồng và khi ta mất những cái đó, ta mất đi một phần lớn cái tôi. Khi còn sống ở Việt Nam, tôi không bao giờ nghĩ đến việc sinh sống tại một nơi nào khác ngoài quê hương. Ta sống và chết nơi tiền nhân đã sống và đã chết. Ta có thân nhân, dòng họ; ta có gia đình, có những miếu đền.
Một khi ta đã quen miền đất với mồ mả tổ tiên, ta sẽ không còn sợ tử thần và cái chết. Nhưng tại Mỹ, lối sống cũ của chúng ta không còn nữa. Chúng ta bị buộc phải ra đi khi cuộc chiến kết thúc vào năm 1975, và chúng ta đã sống xa xứ từ lúc đó. Ngày nay, bạn bè và thân nhân của chúng ta tản mạn khắp nơi trên thế giới.

Tại Mỹ, càng già càng mất mất nhiều – bạn bè, thân nhân, trí nhớ, khả năng di chuyển và ý nghĩ của chính mình. Chuông điện thoại kêu. Tôi nhấc ống máy. Đây là bà tên-này-tên-nọ ở Los Angeles. Bà mắc bệnh tiểu đường và mới bị cưa chân. Rồi chuông điện thoại lại reo nữa: Ông tên-ni-tên-nớ ở Georgia bị ung thư phổi, chỉ còn sống khoảng vài tháng. Ở Việt nam, chúng tôi đều là bạn thân. Nhưng với cái tuổi đời chồng chất như tôi, tôi làm sao đến thăm họ được khi họ hàng ngàn cây số cách xa? Làm sao ta tưởng tượng được đến việc gọi điện thoại cho người bạn thân khi họ nằm chờ chết trong bệnh viện, để nói lời xin lỗi là không thể tận mình đến viếng thăm được lần cuối. Ấy vậy, tôi làm điều này mỗi tháng, buồn lắm.
Tôi và chồng tôi, chúng tôi dự định đi một chuyến du lịch Âu châu vào kỳ hè tới đây. Chuyến đi này là chuyến đi cuối cùng, để nói lời giã biệt thân nhân bè bạn. Chúng tôi biết là sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ không đi đây đi đó được nữa vì sức khỏe đã kém, sẽ không thấy mặt họ nữa. Tôi gần như không bước xuống được cầu thang nhà vì đầu gối chân rất đau. Nhà thì đã bán, giờ thì chúng tôi ở trong một chung cư có thang máy vì đó là điều kiện duy nhất mà chúng tôi có thể sống độc lập không nhờ vả đến ai bây giờ.

Điều mà tôi quan tâm nhất là trí nhớ suy sụp rất nhiều. Tôi là người giữ gia phả của dòng họ, nhưng tất cả đều nằm ở trong đầu. Biết ai liên quan với ai như thế nào trong họ là nghề đặc biệt của tôi, người con gái trưởng trong nhà. Nhưng không một đứa con nào của tôi biết được những mối dây liên hệ gia đình trong gia tộc, ngay cả đến những người em của chính tôi. Không có tôi, họ hàng thân thích sẽ trở thành kẻ xa lạ nếu tình cờ gặp nhau trên đường phố. Tôi có thể nhớ đến được những bà con cô dì chú bác ba đời của gia đình bên tôi và của cả bên chồng.
Tôi phải viết xuống trước khi trí nhớ tôi lụt hết.
Thỉnh thoảng vào buổi sáng khi thức dậy, tôi lặng nhìn cây cối ngoài phố và tự hỏi tôi đang ở nơi nào. Đôi lúc, tôi đi sang khu chung cư kế cận, nơi có một số mèo hoang, và cho chúng ăn những thức ăn thừa. Khi tôi cất tiếng gọi, chúng nhận ra giọng nói của tôi và bổ xua lại. Bây giờ, chúng là những niềm vui nhỏ của tôi.

Đương nhiên những ngày hạnh phúc nhất là những ngày con cháu đến thăm. Nhưng chúng cũng có đời sống riêng, thỉnh thoảng chỉ đến chơi được một lúc rồi về, tôi làm gì cho hết những khoảng thì giờ trống trải sau đó?
Mẹ tôi, bà mất năm bà 97 tuổi, và mẹ chồng tôi, qua đời lúc 95 tuổi; cả hai người có sống chung trong một khu dưỡng lão nhiều năm. Tôi thường đi xe buýt đến thăm hai bà mỗi ngày, ngay cả khi còn đi làm. Từ lúc đó tôi đã biết cái thảm não của người già trên đất Mỹ, ngay khi tôi còn trẻ trung mạnh khỏe. Các nhân viên điều dưỡng ở đó thường nói với tôi là hai bà có phước lắm, thường có được con cháu đến thăm. Tôi trả lời: “Đó là lối sống của người Việt Nam”. Còn những người già khác, con cháu họ ít đến. Tôi có nhớ một số bà lão, ngồi trên những chiếc xe đẩy, ngóng trông con cháu hay người thân, ngày này qua ngày khác, nhưng chẳng thấy ai. Có cả một bà cụ, cụ còn sống lâu hơn những người con trai; mỗi ngày bà vẫn ngồi chờ trông mong hình ảnh người con trai bước qua khung cửa. Thật tội nghiệp khi người ta sống dai như vậy trong sự cô đơn!
Ở xứ Mỹ này, tuổi già đúng là tuổi lỡ thời; cả hai đều không được người ta kính nể hay cho một chút gì quan trọng. Ở quê nhà, các ông già bà lão thì được nể vì nhất, vì họ là những người chia xẻ túi khôn cùng kinh nghiệm cho những người đi sau. Điều đó không có ở đây. Không ai muốn nghe tiếng nói của người già. Họ cảm thấy bị cô lập ngoài vòng ranh giới của con cháu Mỹ hóa của họ. Chúng cười vang về nhiều thứ mà tôi không hoàn toàn hiểu được. Mỹ đúng là một quốc gia của giới trẻ hơn là giới già như tôi.

Vào những buổi chiều mùa đông, tôi ngồi nhìn những hàng cây trơ trụi lá, tâm hồn lạc lõng. Tôi nghĩ về cái thế giới mà tôi đã biết, nay đã bay xa, như làn khói hương trầm. Tôi nghĩ đến cố hương, đến những mùa lễ Tết ở Saigon, đến những đám cưới, đám hỏi, đến những chuyến du lịch, những lần tíu tít họp mặt gia đình, ai ai cũng có mặt, con nít chạy quanh, người lớn ngồi nói chuyện đời chuyện gẫu, đàn bà con gái quây quần chung lo việc bếp nước. Và tôi cảm thấy rất khao khát những ngày quá khứ xa xưa.

Andrew Lâm

.
Về Đầu Trang Go down
NHViet




Posts : 595
Join date : 23/08/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeSun Sep 06, 2020 2:55 pm

.
https://www.youtube.com/watch?v=ZbXlgLX6GY4
Tạ ơn đời - Phạm Duy - Hoàng Phương Mai


Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Images?q=tbn:ANd9GcRVnFuWEY8cShXk9NduPBTpuoL7j0CNlWSAbKuDX5tRVKF6OYpExg&s


Vui Sống với Tuổi Già

Gởi những ai đã và sắp đến tuổi già...

1. Hãy vui với người khác như bạn bè, con cháu.
- Đừng tìm vui trong việc tích trữ của cải.

2. Lập chương trình tiêu xài hết tiền của mà bạn đã để dành.
- Bạn xứng đáng tiêu pha nó trong mấy năm còn lại của đời nguời. Nếu muốn đi du lịch, cứ đi. Để của lại cho con, chúng nó sẽ gấu ó nhau và nhiều chuyện rắc rối xảy ra sau khi bạn qua đời.

3. Hãy sống với thực tại.
- Đừng sống cho quá khứ hay cho tương lai. Bạn chỉ có ngày hôm nay trong tay bạn. Ngày hôm qua thì đã qua, ngày mai thì chưa đến hoặc không bao giờ đến.

4. Hãy vui với lũ cháu nội ngoại của bạn (nếu bạn có), nhưng đừng làm kẻ giữ trẻ trọn thời gian.
- Trách nhiệm nuôi dạy trẻ là của cha mẹ nó. Sau khi bạn đã nuôi con nên người rồi, bạn không còn trách nhiệm gì với bầy cháu của bạn. Đừng thấy áy náy khi từ chối giữ trẻ nếu bạn không thấy thích thú chăm sóc trẻ.

5. Chấp nhận sự già yếu, đau nhức của tuổi già.
- Hãy vui với những gì mình còn làm được. Đừng than vãn hay buồn phiền.

6. Vui với những gì bạn có.
- Đừng lao nhọc tìm những gì bạn không có. Đã trễ rồi, thời gian không còn nhiều nữa...

7. Hãy vui cuộc đời với người bạn đời, con cháu, bạn bè.
- Người khác yêu bạn, phải yêu chính bạn chớ không phải yêu những gì bạn có. Ai yêu những gì bạn có chỉ gây khổ cho bạn mà thôi.

8. Tha thứ cho mình và cho nguời.
- Chấp nhận sự tha thứ với lòng khoan dung. Vui hưởng sự bình an trong tâm hồn.

9. Làm quen với cái chết.
- Chắc chắn nó sẽ xảy ra. Đừng sợ hãi vì chết là một phần của cuộc đời. Chết là bắt đầu một cuộc đời mới hơn, tốt đẹp hơn, là chuẩn bị một cuộc sống mới với Đấng Tạo Hóa.

(Sưu Tầm)

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  RW-fxwkFYnQairQpvUUHVD42H4erREdtP9qynFzb0eA9gh_hWwrvC2yVuIcKP7vUrpkKKRbGloldt-shb3RJijCSSgv6w__RoCE_MSeonPHy7VUUj91cbjbg88SLuvqdSvB-8gWWsMsw80fkRHpt_rDYV-oTlLTTeBxPoyq2VAhgmzL761M_tYiqXSgh_37xeVgLCIXw2j1NvroxZlxFweLITICqBJRiRNZl8vy2pGOooXIKAEeT1g2y_WNFdLHSm_bW9_OhZppWmTpVpd0s
.
Về Đầu Trang Go down
NTcalman




Posts : 614
Join date : 13/03/2012

Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitimeSun Nov 15, 2020 1:18 pm

.
Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Brain-alzheimer


Sáu Bước Đơn Giản Để Giữ Đầu Óc Minh Mẫn

Phúc trình mới nhất của chính phủ cho biết rằng thuốc bổ (supplements) , hay thuốc chữa bệnh không giúp gì được cả trong việc ngăn ngừa bệnh Alzheimer, tức là bệnh mất dần trí nhớ, bệnh lú lẫn. Đây là căn bệnh nhiều người già bị vướng phải, giống như trường hợp của cựu Tổng thống Ronald Reagan.  

Nhưng nếu chúng ta đọc thật kỹ phúc trình của chính phủ, để ý đến những dòng chữ nhỏ, chúng ta sẽ tìm thấy được nhiều thông tín hữu ích trong việc gìn giữ những tế bào chất xám trong đầu không bị lão hoá.
Sự thực được báo cáo này đưa ra cho chúng ta thấy là không có hồ sơ chứng liệu nào cho biết thuốc chữa bệnh, hay thuốc bổ đem lại ích lợi cho việc chống lại căn bệnh quái ác này. Nhưng ngược lại, phúc trình đó lại đưa ra những bằng chứng rõ ràng là nếu chúng ta chịu khó tập thể dục, tỏ ra năng động, ăn uống lành mạnh, giữ cho áp huyết thấp để máu có thể đưa lên não dễ dàng, chúng ta sẽ ngăn ngừa được bệnh mất trí nhớ.

Bản phúc trình không giải thích vì sao. Nhưng chúng tôi sẽ phân tích cho độc giả biết rõ: Không phải mọi hiện tượng mất dần trí nhớ - dementia - đều trở thành bệnh Alzheimer. Nhưng đầu óc của chúng ta trở nên cùn lụt khi lớn tuổi là do ảnh hưởng gộp của nhiều yếu tố khác nhau. Yếu tố chính là óc của chúng ta không nhận đủ máu đưa lên đầu, vì mạch máu bị tắc nghẽn, hay bị hở, gọi chung là vascular dementia. Trong cả hai trường hợp đều khiến cho trí nhớ của chúng ta trở nên yếu kém, sự suy nghĩ của chúng ta trở nên loạng quạng (fuzzy), hậu quả bởi việc óc của chúng ta không nhận đủ dưỡng khí (oxygen) và đường (blood sugar).
Nhiều bệnh nhân của căn bệnh Alzheimer không ít thì nhiều đều vướng phải tình trạng vascular dementia. Những trở ngại khi suy nghĩ mà các cụ già gặp phải phần lớn vì máu không đưa lên đầu dễ dàng. Chúng ta có thể ngăn ngừa những rắc rối này, hay sửa chữa những trục trặc đó bằng cách giữ cho mạch máu dẫn máu lưu thông lên não bộ đuợc thông tuông dễ dàng.

Phòng bệnh là biện pháp chúng ta nên làm sớm. Điều này có nghĩa là chúng ta cần làm những gì để giúp máu bơm lên đầu dễ dàng.

Mỗi ngày đi bộ, ít nhất 10,000 bước đi:
Hoạt động thể lực giúp máu chạy đều lên óc. Phân bón tự nhiên cho não bộ chính là máu đưa lên đầu. Mỗi ngày ráng bước đi khoảng 10,000 buớc chân, bằng cách này hay cách khác để máu từ tim đi lên đầu. Các nghiên cứu khoa học cho thấy các cụ già trên 65 tuổi chịu khó tập thể dục ít nhất ba lần một tuần tránh được một phần ba rủi ro vướng bệnh Alzheimer. Bạn có thể làm một trong những hoạt động sau đây tùy theo sở thích của mình: Đi bộ, Làm vườn, hay Khiêu vũ.

Ăn thực đơn có nhiều rau và hoa quả như người Hy Lạp:

Rau tươi, trái cây tươi là thức ăn chính cho bộ óc. Trong hoa quả và rau có chứa chất “flovonoids” giúp tăng cường sức mạnh cho hệ thống ngăn ngừa độc tố. Trong một cuộc nghiên cứu nhóm đàn ông đàn bà thích ăn rau quả tươi, uống trà, cà phê, hay rượu nho, có nhiều chất flovonoids. Họ thường có não bộ hoạt động tốt hơn người không dùng rau quả tươi. Và sự suy sụp cuả não bộ tránh được tới 10 năm. Ngoài ra, nhiều cuộc nghiên cứu khác cho thấy mỗi tuần uống vài lần nước ép từ rau quả, sẽ giúp ngừa được 76% bệnh lú lẫn, hay mỗi ngày uống khoảng 900 mg thuốc bổ để thay thế rau, sẽ giúp tăng sự bén nhậy của trí óc, và giúp trẻ thêm được khoảng 3.5 tuổi.

Hay ăn thực đơn của dân Điạ Trung Hải:

Ăn uống hàng ngày giống thực đơn của người Ý và người Hy Lạp, gồm có rau tươi, hạt đậu (grain), dầu olive, cá, và các loại hạt (nuts) sẽ giúp áp huyết giữ ở mức tốt.
Ăn theo kiểu dân Điạ Trung Hải sẽ giúp đầu óc minh mẫn sáng suốt tránh được bệnh Alzheimer khoảng 48% .
Cương quyết từ bỏ những thói hư, tật xấu như hút thuốc lá, và nghiện rượu. Thuốc lá chứa độc tố rất hại cho não bộ, vì thế người hút thuốc lá có nhiều rủi ro bị Alzheimer hơn người không hút thuốc đến 80%

Đừng uống rượu mạnh quá độ:

Đa số những người nghiện rượu đều vướng vào bệnh Alzheimer. Đàn bà chỉ nên uống rượu tối đa mỗi ngày một ly thôi. Đàn ông đuợc uống tới hai ly. Uống một chút rượu có lợi cho việc gìn giữ tế bào chất xám. Nhưng uống nhiều quá lại gây nguy hại cho đầu óc, 25% người bị bệnh mất trí nhớ dính líu đến nghiện rượu.

Ráng duy trì huyết áp ổn định ở mức thấp:
Huyết áp cao có thể làm cho mạch máu trên đầu bị hở hay đứt. Chính vì vậy, các chuyên gia y tế nói rằng huyết áp cao là nguyên nhân của 50% trường hợp gây ra lú lẫn, hư trí nhớ. Chúng ta hãy ráng duy trì huyết áp ở mức thấp – lý tưởng là 115/75 – bằng cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục hàng ngày, giữ trọng lượng thân thể thấp, đừng để lên cân, béo mập. Nên theo dõi mức đường trong máu. Bệnh tiểu đường, hay thậm chí sắp sửa bị tiểu đường cũng là dấu hiệu báo trước có thể bị hở mạch máu đầu, gây ra bệnh lú lẫn. Bệnh tiểu đường dễ làm các mạch máu nhỏ bị hở, và chảy máu trong não.

Tránh đừng để bụng phệ:
Vòng bụng ở tuổi trung niên to báo hiệu trước có thể bị vướng bệnh lú lẫn khi về già. Cuộc nghiên cứu theo dõi 6,000 người đưa ra kết quả cho thấy cái bụng phệ rất hại cho động mạch chính dẫn máu về tim, và máu lên đầu. Vì thế cho nên chúng ta nên cố gắng duy trì vòng bụng dưới 35 inches cho các bà, và dưới 40 inches cho các ông.

Chỉ có một bộ phận nên gìn giữ cho to lớn. Đó chính là não bộ của bạn.

Bài viết của hai bác sĩ Mehmet Oz và Michael Roizen
Nguyễn Minh Tâm dịch

.
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content





Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già    Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già  Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
Bơ Vơ Phận Già - Vui Sống với Tuổi Già
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» CÂU CHUYỆN VỀ MỘT EM BÉ TÁM TUỔI
» Bài hát tặng Phương Uyên & Nguyên Kha
» Tập Truyện Ngắn Tình Cảm - Hai đường thẳng song song
» BUỒN CHO CÁI TUỔI GIÀ!
» Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon  :: ĐỀ TÀI :: Xã Hội, Đời Sống-
Chuyển đến