Những vị Thày khả kính và khả ái tại trung học Nguyễn Trãi
Thày Đỗ Đình Tuân
Niên khóa đầu tiên vào học trung học Nguyễn Trãi, tôi rất ngạc nhiên là ở các lớp gần văn phòng ông hiệu trưởng có những học sinh lớn hơn mình rất nhiều, chững chạc, ăn mặc chỉnh tề, khi nghe các vị giám thị bàn tán thì tôi có ý niệm phong phanh đó là các anh học đệ nhị cấp, một cái gì cao xa như huyền thoại đối với một học sinh lỏi tì như tôi lúc đó. Mỗi dịp Xuân về thì ông hiệu trưởng và ban giám đốc đi từng lớp Chúc Tết và các lớp sẽ có vài màn văn nghệ do giáo sư hướng dẫn và các học sinh lo liệu .
Khi rón rén đứng ngoài cửa sổ nhìn vào thì tôi thấy trong một lớp đệ nhị cấp có một giáo sư đẹp trai rất đàn ông ôm đàn hát bài "tôi đưa em sang sông" của Y Vũ và Nhật Ngân, ông hiệu trưởng hơi cau mày song các học sinh thì vỗ tay nồng nhiệt .
Về sau tôi mới được biết đó là thày Đỗ Đình Tuân , mới đi du học ở Mỹ về đỗ Cao Học (Master) về Ngữ Học và Anh Văn tại Michigan State University . Thày là một ca sĩ thành danh hát tại đài phát thanh với tên nghệ sĩ là "Đỗ Đình". Sau này tôi được biết thêm gia thế của Thày có phụ thân là cụ Đỗ Đình Đạo, một vị quan chức muốn làm cách mạng song không gặp đúng thời thế và em của Thày là đệ nhất tây ban cầm thủ Đỗ Đình Phương, nổi tiếng tại Việt Nam.
Được học Thày ở đệ nhị cấp và tôi còn nhớ phương pháp linh hoạt với những ngữ vựng mới như tiền đồn (outpost), tổng tư lệnh (commander-in-chief), tổng tham mưu trưởng (chairman of the joint chiefs of staff) và câu thí dụ về Lolita (she is not yet a woman and no more a child) .
Qua Orange County được biết Thày mở tiệm sách Văn Khoa trong khu Phước Lộc Thọ và có vài hoạt động văn hóa chung với KimOanh, tôi đến thăm Thày mỗi khi có dịp về từ Washington DC . Khi nhạc sĩ Đỗ Đình Phương trình diễn tại Virginia, cùng với các anh Nguyễn Đức Nam và Phan Anh Dũng, chúng tôi đã tổ chức một buổi văn học nghệ thuật thành công với trên 150 khách mộ điệu tới thưởng thức tiếng đàn tây ban cầm tuyệt luân.
Thày Đỗ Đình Tuân đã khai tâm cho tôi về lối giáo dục phóng khoáng tại Hoa Kỳ, sự gần gũi giữa môn đệ và sư phụ, cùng sự cân băng của văn học nghệ thuật vào đời sống "kiếm cơm ăn áo mặc" thường nhật .
Thày Phạm Hữu Kỉnh
Ảnh hưởng của văn hóa Pháp Quốc trong chương trình giáo dục Việt Nam rất sâu đậm, có sự thông thạo Pháp Ngữ thì theo học đại học sẽ trôi chảy hơn nhất là trong các môn khoa học, các giáo sư đa số tốt nghiệp tại các đại học dùng Pháp Ngữ, sách giáo khoa và tài liệu tra cứu, sách vở trong nghiên cứu viết bằng Pháp Văn. Niên học đầu tiên vào năm 1958 tại trung học Nguyễn Trãi thì 225 học sinh chia ra làm 4 lớp: B1, B2, B3 chọn sinh ngữ Anh và B4 học sinh ngữ Pháp .
Trung tâm văn hóa Pháp Quốc tọa lạc gần nhà thương Đồn Đất (Grall) là nới có những sinh hoạt văn hóa và có các lớp dạy Pháp Văn, cũng dùng cuốn của tác giả Mauger bộ1 đến 4, là sách được dạy tại các trường trung học công lập như Nguyễn Trãị . Qua đệ nhị cấp thì học sinh chọn thêm một sinh ngữ nữa và chương trình ngoại ngữ sẽ có hai sinh ngữ được gọi là chính và phụ hay thứ nhất và thứ hai . Về Anh Văn thì Hội Việt Mỹ, trường Ziên Hồng là những nơi rất phổ thông có lớp học, trong khi Hội Việt Mỹ dùng sách giáo khoa Mỹ thì Ziên Hồng dùng sách giáo khoa của Anh Quốc.
Thày Phạm Hữu Kỉnh dạy tôi sinh ngữ Pháp Văn ở Đệ Nhị Cấp, Thày rất tận tâm và lưu ý đến sức học của học sinh, may mắn là nhờ có khả năng sinh ngữ nên tôi được Thày chú ý, khuyến khích chỉ bảo thêm . Sau này tôi mới được biết Thày là em ruột giáo sư thạc sĩ y khoa Phạm Biểu Tâm, khoa trưởng đại học y khoa trong viện đại học Saigon.
Sau khi đỗ Tú Tài toàn phần tôi đến thăm Thày, trong câu chuyện kèm theo những lời khuyên Thày nói sẽ đưa tôi đến giới thiệu với giáo sư khoa trưởng Phạm Biểu Tâm, căn dặn tôi nên học thêm quản trị kinh tế, trau dồi sinh ngữ.
Thời gian qua mau, anh Võ Tá Hân có đưa lên mạng các bức hình của Thày tại Việt Nam khoảng 10 năm trước đây, vì lúc đó trông đã già yếu nên tôi nghĩ bây giờ Thày Phạm Hữu Kỉnh đã qúa cố .
Thưa Thày, con không theo Y Khoa khi sang Tây Đức và chọn Khoa học Kỹ Thuật tại Đức Quốc và Hoa Kỳ, song con nghe theo lời khuyên của Thày nên có sự hiểu biết về quản trị hành chánh và kinh tế, cùng một số vốn sinh ngữ giúp con theo học tương đối trôi chảy, có thể viết bài khảo cứu được và làm tròn được vai trò quản trị công việc cùng tài chánh riêng tư . Qủa thật "không Thày đố mày làm nên" và xin mang ơn Thày mãi mãi.
Thày Nguyễn Quang Minh
Hôm trước đọc được cảm nghĩ của anh Võ Tá Hân đi San Diego thăm Thày lúc sinh thời, Thày rất có hiếu và anh Hân đã ngồi đàn dương cầm phổ nhạc một bài thơ của Thày nói về Mẹ . Bây giờ Thày đã vĩnh viễn rời bỏ đám môn sinh này .
Niên khóa 61-62 tôi học đệ tứ Nguyễn Trãi, thày Minh dạy Việt Văn, khi đến đề tài Nguyễn Công Trứ Thày thích thú, thao thao bất tuyệt giảng dạy đám học sinh 14, 15 tuổi, cuối năm đó khi thi Trung Học Đệ Nhất Cấp trong phần luận văn chương có đề tài nói về Nguyễn Công Trứ, muốn được nhiều điểm phải trích dẫn nhiều bài thơ, nhờ công ơn giảng dạy của Thày nên năm đó có nhiều học sinh đỗ và một số đỗ rất cao từ Ưu, Bình đến Bình Thứ, do được điểm cao ở bài luận văn chương .
Tinh thần phấn đấu Thày giảng đã hun đúc ý chí tranh đấu vượt nghịch cảnh lúc đi vào đời:
Cũng có lúc mưa dồn cùng sóng vỗ
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong
Dạo đó có phụ trang Mai Bê Bi của nhật báo Ngôn Luận, trong phần đóng góp có nhà văn Nguyễn Đức Nam tác giả tiểu thuyết phóng sự Những Thần Tượng Mới, hiện nay ở vùng Washington DC, ca sĩ Khánh Ly (tức Phạm Lệ Mai).
Trong số các hoạt họa có nhân vật Bác Mũi Nhọn và học trò tinh quái đã dùng biệt hiệu này gọi Thày với sự nghịch ngợm song tràn đầy kính trọng yêu thương .
Thày Nguyễn Huy Quán
Phải vất vả với "miếng cơm manh áo" ngay từ thuở ấu thơ, lại sống trong một xóm lao động mà thành phần quân nhân chỉ là binh sĩ và hạ sĩ quan không có vị nào là sĩ quan, công chức thì trong trình độ thơ ký, hay tài xế và hầu như chỉ có sơ cấp hay cao lắm là trung cấp; tôi ý thức vai trò của mình và tập được sự nhường nhịn và kiên tâm trì chí tự nhủ phải vươn lên. Và tôi cũng học được từ trong khung cảnh xã hội đó là chỉ nhường bước cho "đến khi ở chân tường" , lúc đó bất cần và sẵn sàng "the fittest one survives".
Sau hai năm ở tiểu học trong "trường di chuyển", học nhờ tại trường tiểu học Chi Lăng vào buổi trưa và chiều với cơn nóng như thiêu đốt trong lớp học hơn 60 học sinh chen chúc, tôi đỗ được vào trung học Nguyễn Trãi, tự coi như mình là "trí thức" trong xóm, xem như "cánh cửa tương lai rộng mở" để lên giai cấp cao hơn. Song khi đi học thì "ù ù cạc cạc" bài học không hiểu, nên chỉ có số điểm trung bình và số hạng trong lớp cũng thế luôn ở mức trung bình hay dưới xóm nhà lá, tôi thèm thuồng nhìn các bạn học giỏi như Nguyễn Văn Chương, Lê Văn Thu. Lê Anh Vũ, Ngô Tiến Hưng và nhớ đến câu nói "chưa đáng sách xép cho các nhân tài đó".
Thấm thoát đã gần 4 năm ở trung học, sắp sửa thi đệ nhị lục cá nguyệt, tôi cố học theo phương pháp "lấy thịt đè người" tức là tăng số giờ học bài, coi kỹ hơn nhiều lần, cố gắng bắt chước cốt cách các anh đứng đầu lớp, coi như "tứ qúy" phía trên, nhất là nhìn bố mẹ lam lũ hy sinh cho mình nên càng ra sức hơn, qủa thật "thánh nhân đãi kẻ khù khờ" nên coi như "có công mài sắt, có ngày nên kim", kết qủa kỳ thi Toán Học tôi lên trên hạng 10, thông thường là dưới 20. Như máy bay đạt đến "point of no return", tôi hăng say làm bài tập và bắt đầu cảm thấy hiểu bài học hơn xưa . Cả đời tôi nhớ ơn vị giáo sư đã khai tâm và khuyến khích cho tôi trong môn Toán Học, tôi nhớ mãi đến cảm giác được Thày Quán gọi lên viết vào bảng đen và nói về bài giải ; nhờ đó sau này tôi có dịp theo đuổi Quantums Physics (Vật Lý Lượng Tử), một môn học mà theo ý kiến chủ quan riêng tư non nớt có thể sai lầm thì là căn bản cần thiết cho kiến thức, trang bị khả năng đầy đủ để đi vào các môn khác .
Một cựu học sinh Nguyễn Trãi học trên tôi 3 lớp, giáo sư Nguyễn Tuấn, cho biết Thày Quán là học trò của thân phụ anh và đã không còn trên cõi đời này nữa, có thể do sự tình cờ nên khi phổ biến một bài về "error-correcting codes, another aspect" vào năm 2000, tôi có viết trong phần cảm tạ : "to my mathematics teacher, Master Quán, he supported, encouraged, nurtured, opened the door and showed the beauty of this discipline for me."
Kim (B3 NT58)