VÁN CỜ - Truyện Ngắn của Lê Tất Điều
Chuyện của tụi tôi thiếu gì. Ðể tôi kể một vụ vừa xảy ra tại đây, cũng trong căn phòng này, cho ông nghe. Ông hỏi cả dãy ai cũng biết. Bởi vì, khi thằng Vạng chết, tất cả đều chạy đến nhìn mặt nó lần cuối và xúm lại an ủi Hai Ngôn.
Ông coi cái giường kê ở góc phòng. Ðó, cái giường có một bệnh nhân nằm bất động và vẫn còn đang được tiếp máu. Chúng tôi gọi đấy là giường “ba khúc” vì nó được chia làm ba phần chính. Mỗi phần có thể điều chỉnh nâng cao, hạ thấp. Nhờ vậy, bệnh nhân thay đổi thế nằm cho đỡ khó chịu. Chỉ người nào bịnh nặng, nằm liệt, cử động khó khăn mới được nằm lên đó. Mấy ngày cuối cùng ở trên đời, thằng Vạng cũng đã bị dán chặt vào cái giường ấy. Hai Ngôn suốt ngày quanh quẩn bên giường, chỉ đợi thằng Vạng sai cái gì là tức tốc làm liền.
Hai Ngôn cao lêu đêu và đặc biệt có cái cổ dài. Ðầu hắn cứ lúc lắc luôn lại càng làm cho người ta thêm chú ý đến chiều dài cái cổ. Hắn hớt trọc, chỉ còn những mẩu chân tóc lởm chởm xanh trên đầu. Trong bộ quần áo bệnh nhân hắn có vẻ ngổ ngáo và xộc xệch như một tù nhân. Hắn nói giọng đặc biệt hơi khàn khàn như người chớm bị khản cổ. Nhưng khi cần hắn cất cao giọng, tiếng hắn đột nhiên trong và sắc như tiếng một cô gái chua ngoa.
Thằng Vạng người tầm thước, trắng trẻo, đẹp trai, vui tính. Nó có thể vui đùa ngay trong thời gian bệnh hoạn. Vạng ham đánh cờ vô cùng. Hai Ngôn cũng thế. Ðó có lẽ là một trong những điều khiến hai người càng ngày càng thân nhau.
Cả hai được đưa về nhà thương một lượt vì đã bị thương trong cùng một trận đánh. Bệnh tình Hai Ngôn có vẻ nặng hơn thằng Vạng. Những mảnh gang nhỏ như hạt đậu ghim chi chít ở sườn, ở cánh tay phải hắn, và còn điểm vài vết ở vai. Công việc lấy mảnh đạn ra phải chia làm nhiều chặng. Hai Ngôn chỉ biết nằm rên, đợi giây phút lên bàn giải phẫu.
Vạng kêu rằng nó bị thương trong ngực. Chắc trong đó có một thứ gì bị dập nát, hư hại nặng nề. Nó luôn luôn cảm thấy khó thở và đôi lúc ngực đau nhói khiến phải nằm dài ra thở dốc, mồ hôi toát đầm đìa, hai tay lạnh ngắt. Bác sĩ thăm xong cho biết nó sẽ phải chịu một cuộc giải phẫu khó khăn. Trong khi chờ giờ lên bàn mổ, Vạng tỏ ra khỏe mạnh, không chịu nằm một chỗ. Nó đi la cà sang cả các phòng khác để kể lại trận đánh một cách say sưa.
Trong phòng, Vạng không phải là bệnh nhân mạnh nhất, nhưng, thấy nó có nhiều liên lạc với Hai Ngôn, chúng tôi giao cho hắn việc săn sóc anh này. Hắn nhận việc và làm thật chu đáo. Mấy hôm đầu Hai Ngôn đau mê man, thỉnh thoảng hơi tỉnh, hắn chỉ nói khẽ được hai tiếng:
- Cám ơn.
Bao giờ Vạng cũng trả lời:
- Thôi, nghỉ đi cho khỏe.
Rồi, một buổi sáng, Hai Ngôn mở mắt trong một cảm giác thoải mái, dễ chịu. Các vết thương không còn hành hắn nữa. Hắn tươi cười như sắp sửa có thể đi lại bình thường được rồi. Thường thường bọn chúng tôi khi gần khỏe hẳn đều có những cảm nghĩ giống nhau. Sau bao giây phút rã rời, hoảng hốt chống chọi với bệnh hoạn, chúng tôi chợt thấy mình vừa trở lại đời sống. (Trước thì lúc nào cũng như bị treo lơ lửng ở một địa ngục nào đó). Bệnh nhân thấy nắng đẹp hơn, cây cỏ tươi hơn và bầu không khí hình như cũng thơm tho, trong sạch hơn. Hai Ngôn nói:
- Chà! Khoan khoái, nhẹ nhàng quá.
Vạng cười:
- Làm gì chả nhẹ nhàng. Các bác sĩ gắp ở sườn anh ra hơn một kí lô sắt, gang đấy!
Hai Ngôn cũng toét miệng cười:
- Dữ vậy!
- Ðã hết đâu. Họ còn để lại cho anh ít miểng ở vai làm kỷ niệm. Anh đi cầu không nghe miểng gang rớt kêu loong coong sao? Tôi nghi đạn vô tới ruột anh lận.
- Thôi, đừng dóc cha!
Hai Ngôn nhìn kỹ Vạng, chớp mắt, mỉm cười như cảm động. Hắn biết rằng Vạng là người vẫn săn sóc hắn, đổ phân, nước tiểu cho hắn. Ðó là người, trong cơn mê sảng, không nhìn thấy gì, hắn vẫn cố nói với anh ta hai tiếng cám ơn. Bây giờ, hắn mới có dịp nhìn Vạng thật lâu, hắn nói:
- Thằng cha này đẹp trai ghê. Lính tráng gì mà trắng như công tử bột.
Có lẽ sung sướng đến độ lúng túng vì câu khen ngợi, Vạng cụt hứng nói. Một bệnh nhân già nói đùa:
- Chú ấy thuộc loại lính suốt ngày cọ rửa cầu tiêu, đánh chác gì mà đen. Coi tôi này, đi hành quân nhiều nên đen như ma-rốc.
Vạng cãi:
- Chưa chắc. Biết đâu bác là lính nấu bếp, bị khói ám.
Hai Ngôn có vẻ không chú ý đến cuộc cãi vã giữa hai người. Hắn vẫn đăm đăm nhìn Vạng:
- Có vợ chưa mày?
Vạng chưa kịp trả lời, bỗng dưng Hai Ngôn, như bị kích thích bởi bản tính đùa cợt sẵn có, ngoẹo đầu, lên giọng cao:
- Anh ba ơi! Anh có vợ chưa?
Tiếng hắn trong trẻo như phát ra từ cuống họng, chỉ hơi có vẻ đanh đá, sắc nét hơn giọng một cô gái bình thường đôi chút. Cả phòng ngẩn ra, kinh ngạc, không ngờ Hai Ngôn có tài nói giọng nữ hay đến thế. Vài người bật cười to, khâm phục. Vạng hấp tấp trả lời:
- Anh có ba đứa rồi, muốn cưới thêm em là bốn.
- Thôi... sợ mấy chị kia tạt át-xít chết em.
- Khỏi lo. Anh sẽ đưa đầu ra hứng giùm cho.
- Thôi mà... dụ dỗ người ta hoài.
- Thôi mà... theo anh đi. Anh có lều để ở, anh có xe đạp, anh có viết nguyên tử Bic, anh có một đôi giày và hai đôi dép nữa.
Cuộc đối đáp giữa Hai Ngôn và Vạng cứ thế kéo dài làm cả phòng cười nghiêng ngửa. Sự mâu thuẫn giữa giọng nói và khuôn mặt hắn có một vẻ hài hước đặc biệt. Mặt hắn xấu xí, dữ dằn, giọng nói thì trong trẻo, nũng nịu. Nhiều lúc chúng tôi có cảm tưởng là một cô gái vô hình ngoan ngoãn vừa đến phòng này.
Vở hài kịch bất ngờ, tuy không xuất sắc lắm vẫn khiến cho bọn tôi quên đau đớn, phiền muộn một phần nào.
Vì phải cố gắng vận dụng gân cổ để nói giọng con gái, Hai Ngôn mệt trước.
Vạng vội vàng đi kiếm nước cho hắn. Kể từ sáng hôm đó Hai Ngôn mới chính thức tham dự vào sinh hoạt vui nhộn của phòng.
Buổi chiều, hắn đã đi lại được và lần ra hiên đứng nhìn trời, ngắm cảnh. Có lẽ Vạng cảm thấy việc Hai Ngôn khỏe lại cũng nhờ công lao nó một phần, nó có vẻ thích thú. Vạng muốn dìu Hai Ngôn đi lang thang trong bệnh viện, nhưng chúng tôi can. Nó sang phòng bên cạnh mượn một bàn cờ về và rủ Hai Ngôn đánh. Chỉ mười phút sau tài đánh cờ của Hai Ngôn đã làm cả phòng phục lăn. Hắn đánh như rỡn, bỏ ba, bốn lần chiếu bí, chỉ chặt quân. Quân của Vạng bị chém chất thành hai chồng cao, còn mỗi ông tướng và đám tàn quân bốn, năm mống chạy quanh quẩn. Chúng tôi xúm quanh Vạng chỉ vẽ, mách nước. Hai Ngôn không thèm nói gì, tiếp tục đi quân cho đến lúc bọn tôi cũng lắc đầu chịu bại.
Trừ lúc cất giọng con gái phải tạo nét mặt nũng nịu, duyên dáng cho hợp, bình thường, Hai Ngôn có nét mặt lừ lừ, tỉnh khô. Nhìn ai, hắn nhìn vào mặt người ta thật lâu. Ðôi mắt hơi dại như mắt người kém thông minh, chậm hiểu. Khi nào đắc chí lắm hắn mới thò ngón tay vào lỗ mũi ngoáy khẽ vài cái và mỉm cười kín đáo. Miệng hắn rộng, lúc cười để hở rất nhiều răng. Thắng ván cờ, hắn cười, cái cười rộng rãi, hồn nhiên, không có một thoáng kiêu căng, chế riễu. Cả phòng không ai bực mình. Vạng bớt cảm thấy tài nghệ mình quá kém. Nó hăng hái bày ván khác.
Ðêm hôm đó, Hai Ngôn thức khuya, không phải để kêu rên mà để kể chuyện cho Vạng nghe. Ðủ thứ: Chiến trận, gia đình, tâm sự vụn. Thỉnh thoảng, Vạng lồm cồm bò dậy lấy cái ca nhôm kiếm nước cho cả hai uống. Họ nhắc lại các chi tiết trong trận đánh mà họ cùng tham dự nhưng mỗi người ở một vị trí khác. Gặp những đoạn cả hai cùng thấy giống nhau, Vạng nhắc đi nhắc lại một cách sung sướng.
Họ cùng hốt hoảng, tranh nhau nói, vẻ mặt nghiêm trang như hiện đang chiến đấu cạnh nhau trên trận địa. Từ hai cái miệng nói lia lịa của Hai Ngôn và Vạng, đạn réo, súng nổ, bom rơi mù trời. Vạng lăn lóc trên giường khoa chân múa tay để diễn tả cử chỉ của hắn lúc cầm súng bảo vệ đồn. Mãi cho đến lúc hắn làm rơi cái ca nhôm, một bệnh binh già giật mình tỉnh dậy, nổi giận, văng tục, cả hai mới khuyên nhau nằm yên ngủ.
Sáng hôm sau họ đã tỏ ra thân nhau như ruột thịt. Họ dùng chung các dụng cụ lặt vặt. Vạng đưa Hai Ngôn vào phòng rửa mặt và giúp hắn lau rửa mình mẩy chân tay. Sau đó họ lại ngồi gật gù đối diện nhau trước bàn cờ. Hai Ngôn vừa đánh vừa chỉ bảo. Vạng thì mỗi lần nhấc một quân lên, sắp đi, lại ngước nhìn Hai Ngôn xem anh này có cho là cách đi quân của mình đáng chê trách không. Giữa ván cờ thỉnh thoảng họ đổi giọng tạo một màn hài hước nho nhỏ: Một chàng trai tán tỉnh một cô gái, hai vợ chồng cãi vã vì chuyện tiền bạc, ghen tuông v.v...
Ðến giờ các thân nhân của thương binh vào thăm, cả hai vẫn tỉnh khô, tiếp tục ngồi đánh cờ, đùa rỡn với nhau. Một lần, có lẽ chợt chú ý đến những câu thăm hỏi ồn ào xung quanh, Vạng hỏi:
- Sao mấy bữa nay không thấy ai vào thăm anh?
Hai Ngôn đưa tay xoa cằm:
- Tao đi giang hồ từ hồi nhỏ. Bà con xóm giềng biết gì mà thăm hỏi. Vợ con chưa có.
- Tôi cũng vậy.
Hai Ngôn hơi ngạc nhiên:
- Ông già, bà già mầy đâu?
- Chôn hết rồi. Còn cái chuyện vợ con...
Vạng ngồi thẳng người, co hai chân xếp vòng tròn, trịnh trọng xắn cao tay áo. Trên cánh tay trái hắn có xâm một hàng chữ xanh nhạt kéo dài từ bả vai tới khuỷu tay: *Hận gái bạc tình*. Phía trên hàng chữ là hình một con chim nhạn đang bay, phía dưới một trái tim với mũi tên xuyên ngang.
Hai Ngôn gật đầu:
- Nó thôi mầy theo thằng khác?
- Chứ không thì mang hận làm chi.
- Lấy nhau chưa?
- Chưa.
- Vậy thì hận mẹ gì được. Mà... mày đẹp trai bị gái cho tuột dù cũng kỳ há.
Vạng làm ra vẻ nghiêm trang vừa xóa bàn cờ nó sắp thua vừa kể câu chuyện tình bi đát của nó.
Những ngày sau, Hai Ngôn càng ngày càng khỏe. Ðôi lúc cao hứng, hắn còn dám xuống tấn hoa một đường để chỉ cho Vạng vài thế võ. Vạng lâu lâu mới bị cơn đau trong lồng ngực làm cho tái người. Cả hai sống vui vẻ như những người mạnh khỏe quá nhàn hạ.
Hai lần Vạng được đưa đến cửa phòng giải phẫu rồi lại bị trả về phòng. Vạng ngồi xếp vòng tròn, ngất nghểu giữa chiếc xe do hai người y tá đẩy. Ngực nó bị bôi thuốc đỏ như da con heo quay. Mặt nó hơi xanh xao vì lo lắng. Hai Ngôn lững thững đi hộ tống bên cạnh xe, an ủi Vạng, nói đùa cho Vạng bớt sợ. Nhưng thương binh cần cấp cứu được máy bay đưa về nhiều quá nên cuộc giải phẫu Vạng bị hoãn. Nó lại ngồi xếp vòng tròn cho người ta đẩy về. Hai Ngôn đón nó với nụ cười nửa như thất vọng, nửa như sung sướng.
Ngoài thú đánh cờ, cả hai thường giải trí bằng cách khoác tay nhau ra sân bay xem các thương binh được chở về. Họ nhập bọn với một số người khác vây quanh các thương binh còn khỏe để nghe kể về trận đánh mới. Không phải cả hai đều ham chuyện chiến trận. Thực ra, Hai Ngôn và Vạng chú ý theo dõi xem chàng nào hăng hái lớn tiếng kể chiến công nhiều nhất. Lúc được đưa từ máy bay xuống các thương binh không cảm thấy đau nhiều. Có người hai chân bị bó to tướng mà vẫn thản nhiên kể chuyện được. Nhưng chỉ một lát sau, các mảnh băng tạm bợ được gỡ ra. Vết thương bẩn thỉu được rửa kỹ. Những mảnh da thịt nát được gỡ rời khỏi xương, gân. Từng thớ thịt bị nứt nẻ. Lúc đó những người kể lể hăng nhất lại biến thành những kẻ kêu la dữ dội nhất.
Chọn được *nạn nhân* rồi, cả hai lếch thếch theo anh ta xuống phòng băng hoặc phòng mổ và đứng bên ngoài chờ. Phản ứng của mỗi người trước sự đau đớn một khác. Có người năn nỉ xin được chết. Có người vùng vẫy và to tiếng chửi.
Vạng và Hai Ngôn ghi nhớ những trường hợp bi đát và về phòng kể lại cho mọi người nghe. Vạng thường giữ nhiệm vụ tường thuật vì nó nói có duyên, dễ làm mọi người cười. Nó đi từ đầu tới cuối phòng, vẽ lại tấn thảm kịch.
Lúc đó, nét mặt nó đẹp đẽ, trong sáng, ngây thơ như mặt một đứa bé con. Hai Ngôn ngồi trên giường chăm chú theo dõi câu chuyện, lúc nào Vạng ngập ngừng, hắn lên tiếng nhắc.
Ở góc cuối hành lang dãy phòng bệnh có một cây lớn cho bóng mát suốt ngày. Chiều nào cao hứng, cả hai kéo nhau đến đấy. Hai Ngôn đứng tì tay lên mặt bờ tường thấp còn Vạng thì leo lên ngồi vắt vẻo trên đó. Nó vuốt lại tóc, sửa lại áo, đôi mắt sáng long lanh nghịch ngợm. Khi có một cô gái nào đi qua Vạng nhổm lên gọi ơi ới:
- Mình ơi! Anh ở đây nè. Lại đây mình.
Dĩ nhiên cô gái biết bị trêu chọc, cúi đầu tiếp tục đi. Vạng làm bộ rên rỉ, nhăn nhó, than thở:
- Trời ơi! Cưng thương thằng cha nào rồi! Sao anh ở đây mà không lại.
Nó quay lại phân bua với Hai Ngôn:
- Anh thấy chưa? Con gái bạc tình! Vợ tôi nó bỏ tôi đi luôn rồi đó!
Lúc ấy, Hai Ngôn thường có vẻ nghiêm trang, suy nghĩ. Hình như hắn không thú cái trò đùa kiểu này. Tuy nhiên, bao giờ hắn cũng tìm được một câu trả lời làm vui lòng Vạng:
- Chà! Chắc vợ mày không thương chiến sĩ nữa. Thôi đem gả phứt nó cho dân vệ đi mày.
Buổi chiều ở bệnh viện thường buồn. Chúng tôi phải tìm nụ cười trong những trò vui vụn vặt nhất. Cả hai đã làm cho căn phòng ấm cúng và duyên dáng hơn. Hai Ngôn bắt chước giọng đàn bà và cất tiếng hát cũng khá hay. Vạng có thể dùng tây ban cầm đệm theo cả những bài tân nhạc lẫn cổ nhạc. Nếu không nhìn vào cái đầu lởm chởm tóc, cái mặt đen đủi xấu xí của Hai Ngôn, chúng tôi có thể tưởng tượng là Vạng đang đàn cho một cô gái đẹp hát.
Thỉnh thoảng có một phái đoàn nào đó đến thăm chúng tôi đem đến quà bánh và những lời ủy lạo. Vạng và Hai Ngôn đón tiếp họ một cách hững hờ. Vạng còn thì thầm vào tai Hai Ngôn những câu phê bình, chỉ trích, hài hước để cả hai kín đáo cười với nhau. Người vào thăm được họ chờ đợi nhiều nhất là một bà phước già người Pháp. Bà nghe hiểu tiếng Việt rất lờ mờ. Câu tiếng Việt duy nhất bà có thể nói trôi chảy là:
- Con ơi! Nếu đau đớn quá con hãy xin dâng nỗi khổ của con cho Chúa nhé.
Quà của bà chỉ có câu nói đó, nụ cười thương xót và vài cái kẹo nhỏ xíu. Bà đi đến các giường bệnh nhân nặng, nói câu an ủi duy nhất rồi xem xét các vết thương của họ. Giọng nói của bà lơ lớ, lạ tai. Các chữ trong câu mất hết dấu, thường phải được nghe vài lần người ta mới hiểu bà nói gì.
Một tuần, ít nhất bà vào bệnh viện hai lần. Khi thấy thoáng bóng cái áo chùng thâm của bà hiện ra ở góc đường là Hai Ngôn và Vạng đã kéo nhau ra đứng ở cửa. Vạng reo lên như một đứa trẻ con:
- Quà của chúng con đâu mẹ?
Hai Ngôn, như chúng tôi, đều gọi bà là mẹ. Bà phước hấp tấp bước lên thềm. Bà luồn tay vào cái túi trong áo, lúng túng tìm kiếm mãi mới lôi ra được ba bốn cái kẹo xanh đỏ bé tí. Vạng và Hai Ngôn hớn hở đón lấy món quà. Thế rồi cả hai vừa nhai kẹo nhóp nhép vừa kể khổ. Vạng đứng trước hoa chân múa tay nói. Hai Ngôn đứng sau đặt hai tay và tì cằm lên vai Vạng. Thường thường Vạng nói hươu, nói vượn đủ thứ chuyện, chắc chắn bà phước không hiểu gì. Có lẽ bà tưởng nó đang kể chuyện bệnh trạng, bà chăm chú nghe. Dù Vạng nói trời nói đất gì thì cũng không bao giờ bà bỏ đi giữa lúc nó đang nói. Câu chuyện luôn luôn kết thúc bằng lời an ủi lơ lớ của bà:
- Con hãy xin dâng nỗi khổ của con cho Chúa nhé.
Khi bà đi thăm các thương binh khác, cả hai cho tay vào túi áo lẽo đẽo đi theo cho đến lúc bà ra về.
Trong lúc cùng ngồi suy nghĩ về tương lai, Vạng khoe với Hai Ngôn rằng nó biết nghề chụp hình. Nó vẽ lên giấy những hình chằng chịt để dạy Hai Ngôn cách rửa hình. Cả hai hân hoan hy vọng rằng sau này, nếu phải giải ngũ, họ sẽ hợp tác với nhau làm nghề đó. Một hôm có phái đoàn báo chí đi cùng một ông lớn vào thăm bệnh viện. Vạng đi theo một chàng phóng viên trẻ, nhìn cái máy chụp hình của chàng ta với vẻ thèm thuồng. Cuối cùng nó cũng điều đình được với chàng phóng viên cho nó chụp một kiểu. Chính tay nó mở ống kính, định khoảng cách, định tốc độ lấy. Bấm xong, nó khoan khoái giảng cho Hai Ngôn tất cả những kỹ thuật tân kỳ nó vừa sử dụng và tin chắc rằng đó là một trong những cái hình sáng, đẹp nhất. Hai Ngôn vừa nghe vừa gật gù thán phục.
Ngày Vạng được đưa lên bàn mổ thực sự cũng là ngày Hai Ngôn bị đổi sang phòng khác vì hắn thuộc loại *bệnh nhân khỏe* rồi. Ðã quen với việc ngồi ngất nghểu trên xe cho người ta đưa xuống phòng giải phẫu, Vạng không còn lo sợ nữa. Nó ưỡn cái ngực bị bôi thuốc đỏ lòm ra và nói với cả phòng:
- Tôi sắp được đưa đi làm thịt. Ai cần khúc nào, bao nhiêu ký thì còm măng trước đi.
Cả phòng chúc nó gặp may mắn. Hai Ngôn lại lững thững đi hộ tống Vạng đến cửa phòng mổ.
Sau cuộc giải phẫu gay go, Vạng được xe xuống phòng lạnh. Hai Ngôn đi tha thẩn một mình suốt buổi chiều quanh đó, lâu lâu lại dán mũi lên cửa kính nhìn vào phía trong, khi hắn trở lại phòng, không để ai kịp hỏi, hắn nói:
- Mẹ nó! Nằm ngay đơ như chết! Hai chân thẳng tắp!
Ba hôm sau Vạng mới được rời phòng lạnh. Người ta cho nó nằm trên cái ghế *ba khúc* ở góc phòng. Mặt nó xanh, hốc hác. Thân thể nó như teo hẳn lại. Lâu lâu nó mới mở mắt ra nhìn, rên khẽ vài câu cần thiết rồi lại nhắm mắt ngủ li bì.
Mặc dầu phải ở phòng khác, Hai Ngôn cũng kiếm đâu được một chiếc ghế vải đem đến nằm cạnh thằng Vạng và săn sóc nó. Mỗi lần Vạng ngóc cổ dậy uống sữa được hơi nhiều một chút là Hai Ngôn sung sướng ra mặt.
Buổi chiều hôm Vạng có thể tự mình đứng dậy đi năm sáu bước được, Hai Ngôn liền cãi vã om xòm với hai bà đưa cơm. Ðến giờ ăn, hắn đến chỗ xe cơm và thản nhiên đứng chọn những trái cây dành để ăn tráng miệng ngon nhất. Thấy Hai Ngôn đã lấy đủ phần của hắn mà còn nhặt thêm, một bà chặn lại:
- Phần anh chỉ có thế. Ðừng lấy của người khác.
- Tôi lấy phần cho thằng bạn.
Bà kia nhìn Hai Ngôn nghi ngờ:
- Thiệt không?
Và bà ta vẫn chặn tay Hai Ngôn. Tự dưng, hắn đỏ mặt, nổi xung. Hắn hét lớn:
- Không thiệt! Không có thiệt mẹ gì hết. Thằng này nói dối đó.
Hắn chửi thề, cởi phăng hết cúc áo, chìa cái ngực và cái sườn chi chít sẹo ra:
- Cái bản mặt tôi thế này mà chị tưởng tôi thèm nói dối hả. Nó đi uýnh trận bị mổ nằm gần chết. Tôi lấy giùm nó mấy trái này chị tiếc sao.
Người đàn bà ngẩn ra, chịu thua. Hai Ngôn ôm một gói lớn đồ ăn tráng miệng về để cạnh Vạng:
- Ăn, mày.
Hắn đứng đóng lại khuy áo:
- Ăn một chút cho khỏe.
Vạng chỉ nhấm nháp vài miếng rồi lắc đầu. Hai Ngôn bực bội:
- ... mẹ! Thằng này yếu xịu. Dở quá!
Thế rồi, một buổi sáng, hình như Vạng cũng mở mắt với một cảm tưởng là mình đã khỏe rồi. Da nó chưa trở lại màu hồng hào nhưng nụ cười đã tươi tắn, đầy đủ. Hai Ngôn bắt gặp nụ cười đó và mừng rỡ hỏi:
- Mày khỏe rồi hả Vạng?
Vạng vươn vai:
- Khỏe rồi.
- Hết đau chưa?
- Gần hết.
- Ðỡ quá. Mấy bữa mày rên, tưởng mày sắp chết, rầu thấy mẹ.
Vạng nhìn Hai Ngôn rồi nhìn ra ngoài trời. Hai Ngôn cho đầu giường Vạng cao lên. Cái nhìn của Vạng như tươi sáng, hào hứng, yêu đời. Nó hỏi:
- Làm gì giờ?
- Thôi mày. Nằm yên cho khỏe.
- Nằm yên chịu gì nổi.
- Mày còn yếu. Bác sĩ cấm...
- Ðánh cờ đi.
Hai Ngôn ngần ngại, nhưng có lẽ sự hăng hái của Vạng đã khiến hắn yên bụng. Hắn đem bàn cờ đến, xoay giường cho Vạng, kê lại ghế cho mình. Vạng nhấc từng quân cờ đặt vào vị trí, nâng niu như đối với một vật kỷ niệm. Bàn cờ bày xong, Hai Ngôn nói:
- Ta nghi mày còn yếu!...
Vạng không trả lời, nhấc một quân gõ cách lên bàn cờ, dứt khoát, mạnh khỏe. Hai Ngôn, có lẽ vui mừng vì sự bình phục của bạn, tươi cười rút hết cả hai chân lên ghế.
Như thường lệ, mới nhập cuộc được một lát, quân bên Vạng đã bị chém la liệt. Nhưng Hai Ngôn cũng để hở nhiều nước và mất khá nhiều quân. Vạng ngồi thẳng dậy, tiếp tục đánh. Một lần, Hai Ngôn vừa chặt quân mã của Vạng thì hắn thấy đối phương nhăn mặt vặn nhẹ mình một cái. Mặt Vạng hơi xanh hơn. Hai Ngôn hỏi:
- Mày đau?
Vạng vuốt nhẹ trên vết mổ và vẫn chăm chú nhìn vào bàn cờ suy nghĩ:
- Không sao đâu.
Hai Ngôn nhìn đăm đăm vào mặt bạn, nhắc:
- Xuống tượng.
Vạng ngẩn ra, xuống tượng rồi vội xua tay:
- Kỳ vậy. Cấm mách nước.
Hai Ngôn nhặt quân xe, một quân pháo của hắn bỏ qua một bên:
- Ta triệt hạ hết vũ khí nặng, vũ khí nguyên tử nghe. Quân lực đôi bên đồng đều rồi nghe.
Vạng đi thêm mấy nước thì có vẻ uể oải. Mặt nó xanh hơn. Cái nhìn của nó hững hờ, bớt chăm chú. Rồi thình lình, nó nằm bật ngửa ra giường một bàn tay đặt lên ngực, trán lấm tấm mồ hôi, nó nói nhỏ:
- Thôi mệt quá, anh cho tôi mượn cây đàn.
Hai Ngôn nhoài người ra với cây đàn tây ban cầm ở giường kế cận và đặt nhè nhẹ lên bụng Vạng. Vạng lướt năm ngón tay trên dây đàn. Âm thanh ngừng nửa vời. Cả thân hình nó vụt nẩy lên như tất cả các bắp thịt chuyển động bất ngờ cùng một lúc. Nó ngóc đầu dậy, nhìn Hai Ngôn, há miệng định nói. Từ cái miệng há, từ trong hai lỗ mũi Vạng, máu tươi trào ra, chảy thành dòng.
Hai Ngôn kêu rú lên và chúng tôi đổ xô lại. Tôi vừa gạt cây đàn, bàn cờ sang một bên vừa gào ông thương binh già:
- Bác Tư chạy đi gọi ông y tá trực mau.
Ông già nhảy khỏi giường ôm cánh tay băng bó, chạy vụt ra cửa. Hai Ngôn vừa kêu trời vừa nắm chặt hai cánh tay run bần bật của Vạng. Vạng vặn mình như chỉ muốn lao ra khỏi giường. Tôi đỡ đầu nó, nâng lên. Hai bên thái dương nó đã lạnh toát.
Máu vẫn ồng ộc tuôn ra từ mũi, từ miệng nó như tất cả tim phổi nó đã tan thành máu rồi. Vạng nghết lên, có lúc mũi nó như sủi bọt. Cái nhìn đăm đăm nửa kinh hoảng, nửa dại khờ của nó đã làm cho tôi lạnh mình. Tôi nói như rên:
- Trời ơi! Làm sao? Nó nghẹt thở rồi.
Hai Ngôn quỳ thụp ngay xuống giường, kê miệng vào lỗ mũi Vạng. Hắn ghì chặt thằng bạn và hút ra từng bụm máu, nhổ bẹt ngay xuống bên giường. Mặt mũi cả hai đều be bét máu. Có lúc Vạng sặc lên một vài tiếng như sắp thở được. Nhưng máu từ trong lồng ngực nó vẫn tiếp tục tuôn ra, bít hai lỗ mũi nó, tràn vào đầy miệng Hai Ngôn. Khi ông y tá trực chạy tới thì đôi mắt thằng Vạng đã dại hẳn. Ông y tá xem xét rồi lắc đầu. Hai Ngôn vùng nắm lấy hai vai xác thằng Vạng lắc mạnh, kêu tên thằng này ầm ĩ, tưởng như làm vậy thì trái tim bất động trong cái xác sẽ hoạt động trở lại.
Lúc người ta đưa xác thằng Vạng đi, Hai Ngôn còn ngồi ngẩn ngơ trên chiếc ghế bố, giữ nguyên cái mặt nhớp nháp, đỏ lòm...
Bây giờ, Hai Ngôn đã rời khỏi bệnh viện. Tôi không rõ hắn trở về đơn vị hay đã xuất ngũ. Cái giường “ba khúc” đã có bệnh nhân khác đến nằm. Thật chả còn một dấu vết gì của hai tên ấy. Chiến tranh làm cho bộ mặt các bệnh viện luôn luôn thay đổi.
Ông là nhà báo, chắc ông đã đi nhiều nơi, thấy nhiều chuyện, câu chuyện tôi vừa kể có lẽ giản dị và sơ sài quá phải không? Thực ra ở bệnh viện người ta tìm thấy sự đau đớn cùng cực và những sự tương trợ, những tình bạn chân thành nhất. Nếu muốn tìm hiểu về các thứ đó, ông nên đi thăm tất cả các phòng ở đây. Có hàng mấy trăm phòng! Khi đi hết ông trở lại từ phòng đầu, ông sẽ lại thấy nhiều điều mới lạ...
Lê Tất Điều
.