VSonYen Khách viếng thăm
| Tiêu đề: Chỉ Tại Cái Dấu Phẩy Sat Nov 17, 2012 12:13 am | |
| Chỉ Tại Cái Dấu Phẩy Captovan. Ông Phan Tôn Công nói dối vợ rằng ông đã kiếm thêm được job thứ hai, làm ca đêm ở môi trường độc hại nên tạm thời không chung chăn chung gối được, nhưng chẳng bao lâu bà vợ biết rõ cái job thơm này của chồng là đi ngủ với vợ hai, bà bèn đi thưa. Quan tòa ra lệnh cho Công ngủ với vợ cả, Công không được ngủ với vợ hai. Công thi hành án lệnh, nhưng bà vợ cả lại đi kiện, vì chồng không thi hành đúng. Quan tòa tức giận đập bàn la bị cáo rằng sao dám coi thường pháp luật, cho nên gia tăng hình phạt, không cho Công ngủ với vợ nào nữa mà còn bị làm “công chức”, tức nhặt rác một tháng ở bên lề xa lộ. Công kêu oan, trình lên quan bản án đánh máy, có chữ ký của quan và đóng mộc đàng hoàng, bản án ghi rằng:
“Ngủ với vợ cả không được, ngủ với vợ hai”.
Thực ra ai cũng hiểu ý quan tòa, nhưng thư ký tòa đã ăn hối lộ của Phan Công, xê dịch cái dấu phẩy (,) đi một ly để chuyện sai đi một dặm, đúng hơn là đảo lộn án lệnh. Bút sa ông tòa hết cãi, Công cứ y án ngủ với vợ hai.
Chuyện khác, có cụ Tổng biết mình sắp chết nên gọi vợ chồng đứa cháu nội đến nhận di chúc và căn dặn đứa cháu dâu rằng phải có nhiều con thì vợ chồng cháu mới vui vẻ hạnh phúc, chứ như ông nội chỉ có 1 con nên buồn lắm. Thằng cháu nội nháy mắt với luật sư viết di chúc, nên di chúc viết như sau:
“Gia đình cháu phải có nhiều con vợ, chồng cháu mới vui vẻ hạnh phúc”.
Từ đó mỗi khi vợ chồng lục đục về chuyện cơm với phở thì thằng cháu lại mang di chúc của ông nội ra dẫn chứng. Hắn than với vợ rằng “mệt lắm”, nhưng vì chữ hiếu mà phải vâng lời ông nội mà thôi.
Chuyện khác nữa, cô em vợ đi thưa thằng anh rể Odam về cái tật hay sờ mó, quan tòa phán “Sờ mó vợ, cấm sờ mó em vợ”. Thằng thư ký tòa mổ cò trên computer sai vị trí và thêm cái dấu phẩy:
“Sờ mó vợ, cấm, sờ mó em vợ”.
Trăm tội rắc rối cũng chỉ vì cái dấu phẩy (,) đứng lộn chỗ. Đó là chuyện của các ông có đầu óc kỳ thị phân chia ngôi thứ, chứ còn tôi thì không bao giờ phân chia giai cấp, sống phải cho công bằng, vợ cả, vợ hai, vợ ba, 3 vợ đều là vợ cả. Chuyện tôi muốn nói hôm nay là mong các vị cao tay chỉ dẫn cho biết cách dùng đúng chỗ những cái dấu phẩy (,), dấu chấm phẩy (, dấu chấm (.), dấu 2 chấm (, dấu 3 chấm (…), dấu gạch nối (-), dấu chấm than (!), dấu chấm hỏi (?), dấu ngoặc đơn (), dấu ngoặc kép (“..”), dấu chấm vân vân (v.v..) v.v.. trong các bài viết.
Ngày xưa có những ông thợ cò chuyên môn sửa lỗi chính tả cho các tờ báo, ngày nay nghe nhà văn Ấu Tím nói có cái xốp-gue sửa lỗi chính tả, sau khi viết bài xong, chỉ cần click một cái là mọi sai sót đều được điều chỉnh, ông nào “dê” không đúng chỗ là máy sửa lưng ngay. Đó là chuyện của các nhà văn nhà báo chuyên nghiệp, còn nhà báo cô, tức là báo hại cô vợ như tôi, ăn xong không giúp vợ rửa chén, lau nhà, đổ rác mà ngồi hí hoáy viết, viết xong rồi xóa, xóa rồi lại hì hục viết thì thật là phiền toái về mấy cái lỗi chính tả thổ tả này.
Không biết có sách văn phạm tiếng Việt nào dậy về việc dùng các dấu kể trên hay không, nên tôi đem chuyện rắc rối đi hỏi ông Vấn Vẩu, chuyên viên tài chánh thì ông ấy bảo Mỹ Việt khác nhau, coi chừng mang họa với cái dấu phẩy, dấu chấm khi viết chi phiếu. Hỏi nhà văn nhà thơ lão thành Khôi Phạm Kim thì ông bảo việc dùng những dấu kể trên rất dễ nhưng cũng rất khó, dùng sai dẫn đến câu văn “què”, mà viết văn què là thiếu tôn trọng độc giả, dù nội dung có hay. Ông khuyên tôi chỉ nên dùng dấu phẩy, dấu chấm, chấm hỏi, chấm than cho những bài báo, câu chuyện bình thường là được rồi.
_ Ông là nhà văn, ông nói thì dễ mà ông làm cũng dễ luôn, nhưng còn những dân chuyên môn bóp cò như chúng tôi, nói lại cho rõ là bóp cò súng kẻo lại hiểu lầm là “nâng bi”, nay gẫy súng rồi, không còn cò mà bóp nữa nên muốn gõ vài trang kể lại chuyện cây súng gẫy, cây súng bất khiển dụng thì thật là vất vả quá!
_ “Đã bảo rằng càng đơn giản càng dễ hiểu, bày đặt chi những cái gạch nối (-), gạch nối (-) không thể thay thế dấu phẩy, những cái 3 chấm (…). Dấu 3 chấm là dấu bỏ lửng, tức là khi muốn nói một điều gì đó nhưng khó nói thì bèn chấm chấm ( …) ra vẻ ngập ngừng, bỏ lửng để người đọc tự tìm hiểu. Thí dụ câu sau đây: “Em xinh quá, anh muốn …”. Ba cái chấm là lấp lửng ý muốn làm quen, muốn cầm tay, muốn hôn má em v.v.. em cho điều nào anh nhận điều đó, không than phiền.
Ngoài những cái dấu ngắt câu không đáng yêu chút nào, người miền Nam tôi cỏn gặp rắc rối về dấu hỏi và dấu ngã, nói thì đúng, nhưng khi viết thì lộn tùng phèo, chữ “hỏi” thì viết thành “hõi”, chữ “ngã” thì viết thành “ngả”, mà “ngã, ngả” thì ý nghĩa khác nhau. Tôi có đọc bài viết của một chuyên gia chữ nghĩa hướng dẫn về những quy tắc, luật lệ dùng dấu “hỏi, ngã” mà cứ như đi vào bát quái trận đồ. Thôi, chịu thua, cố gắng được phần nào hay phần nấy, phần còn lại nhờ mấy ông gốc miền Bắc sữa dùm hay sửa dùm tùy ý.
Nhưng còn một nguyên nhân dẫn đến lộn dấu “hỏi ngã” mà bất cứ ai, không kể Bắc Trung Nam, đều mắc phải là khi “mổ cò” trên computer. Hai ngón tay trỏ to bằng quả chuối mắn, còn hai số 3 và 4 tượng trưng cho hai dấu “hỏi ngã” ở trên hai ô vuông nhỏ nằm sát nhau, giống nhau như hai chị em sinh đôi, nên mấy anh (gõ) lộn cũng là chuyện bình thường, lỡ có lộn thì xin lỗi, chỉ cần chú ý một tí là lần sau có thể tránh được, trừ khi cố tình với ý đồ “mía ngon đánh cả cụm”.
Hỏi với ngã đã mệt rồi lại còn thêm rắc rối của 2 chữ C và t nữa! Trong một lần ngồi đánh tứ sắc với mấy bà bạn hàng xóm, tôi bốc bài lên, không có đôi mà cũng chẳng khạp, toàn là cọc-cạch, đứt đầu tướng, xe ngựa có rồi nhưng thêm hai chàng pháo gác hai bên, đánh chừng nào mới “xên” đây? Tôi chán nản toan vỗ đùi người ngồi bên cạnh mà than “rát (rác) quá” nhưng liếc thấy cô vợ BK nho nhỏ đang dòm chừng tôi đành bèn than với nàng rằng:
_ Em ơi, “rác” hay là “rát”, là c hay là t?
_ Rõ nỡm, anh hỏi thật hay đùa đây? Muốn “rác” (c) thì đi đổ cho em thùng rác, còn muốn “rát” (t) thì vào đây em cạo gió rồi xoa dầu cho là biết thế nào là “rát” ngay.
Nghe nói thì biết vậy chứ vẫn cứ lộn giữa c và t, “cắt” và “cắc”. Muốn diễn tả thời tiết khắc nghiệt, lạnh như cắt hay như cắc đây? Nếu là “cắc” mà gặp chàng gốc sông Hương núi Ngự như Phu Nhơn mà than “trời lạnh như căc” thì dễ bị hiểu lầm đấy. Việc nọ xọ sang việc kia, cái việc “dê” thế nào cho đúng lúc đúng chỗ cũng vất vả lắm. Đọc cuốn “Can Trường Trong Chiến Bại”, tác giả viết:
“Khi tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh buôn súng..”.
Tôi phải hỏi cô vợ BK gốc rau rằng buôn có “g” hay không? Nàng bèn đi một đường giải thích:
_ Buôn (không g) là buôn bán, là đi mua, “buôn súng” là đi mua súng, ông DVM tuyên bố đầu hàng thì bắt quân đi buôn súng để làm gì? Ổng ta ra lệnh cho quân đội bỏ súng xuống, vứt súng đi, tức buông (có g) súng xuống. Thôi, anh làm ơn buông em ra, để em còn đi buôn, đừng có mượn cớ rồi nắm tay em mãi.
_ Thế thì làm cách nào để biết “dê” (g) sao cho đúng lúc, đúng chỗ?
_ Phải để ý dòm chừng câu văn hay đối tượng có muốn “g” hay không, anh mà “dê” lộn xộn là em cắt. “G” không đúng chỗ là có ngày mang họa vào thân.
Dù nàng có đe dọa cắt, nhưng biết làm sao tránh được, “dê” không đúng chỗ là cái tật dễ thương của anh em chúng tôi. Tóm lại những lẫn lộn vể dấu hỏi, ngã, về c hay t, g hay không g là chuyện bất khả kháng, ráng sửa được chừng nào hay chừng nấy, xin độc giả thông cảm cho anh em niềm Nam chúng tôi, nhất là khi chúng tôi mới tập tễnh viết để ghi lại những kỷ niệm “đơn vị cũ, chiến trường xưa” sau khi đã hoàn tất mọi công việc nội trợ. Việc nội trợ là việc của đàn bà như đi chợ, nấu cơm, quét nhà, rửa bát, lau chùi v.v.. Ừa thì ngày xưa còn khỏe, còn chiến đấu, còn làm công việc của đàn ông, nay không còn sức để làm nhiệm vụ “đàn ông” nữa thì lo việc nội trợ có sao đâu, cũng đều là những hành động yêu vợ cả đấy mà.
Hết chuyện rắc rối vì mấy cái dấu nhỏ bằng móng tay, nay tôi quay qua hỏi chuyện viết hoa. Nếu đọc các bài viết trên các tạp chí, đặc san, lỏng san, tập san v.v.. thì chúng ta sẽ hoa mắt lên vì các chữ viết hoa, nhất là các bài viết có dính dáng đến quân đội, tôi không biết phải viết làm sao cho đúng nên tìm thầy hỏi. Thầy HVP, tục danh Phú-Phét, một nhà văn nổi tiếng viết hay, hay viết về các đề tài như kho đạn, bãi mìn, TNT, C4 v.v…
_ Thưa thầy, viết hoa khi nào và thế cho đúng, thí dụ 2 cách viết tên sau đây: Huỳnh Văn Phú và Huỳnh văn Phú. Cách thứ nhất ở giữa viết hoa (to), cách thứ 2 ở giữa nhỏ.
_ Sách vở đã dậy rằng danh từ chung thì không viết hoa, còn danh từ riêng là phải viết hoa, tên người là danh từ riêng thì phải viết hoa, viết tất cả họ, tên đệm, tên, dù tên đó dài hay ngắn. Thí dụ ngắn như ông Võ Kỉnh, dài như cô Công Tằng Tôn Nữ Thị Kim Chi, trung bình như Nguyễn Hồng Miên, Trần Tiễn San, Huỳnh Văn Phú v.v.. Đa số các cụ ngày xưa thường dùng tên đệm “văn” cho nam, ý chỉ việc học hành văn chương chữ nghĩa, còn “thị” là tên đệm cho phái nữ. Chữ “thị” còn có nghĩa là cái chợ, là ồn ào, không biết các cụ nghĩ sao mà lại trọng nam khinh nữ như vậy? Vì có sự hiểu lầm đó là danh tử chung nên không viết hoa hai chữ đệm “văn” và “thị”, điều đó không đúng. Nguyễn Hồng Miên, chữ “Hồng” là tên đệm, viết hoa thì tại sao lại viết Phạm văn Phú? Văn cũng là tên đệm vậy, cũng là chữ ở giữa, không lẽ có sự kỳ thị hay so sánh? Tóm lại, tên người là viết hoa tất cả
_ Thế còn Cần Thơ, Cần thơ hay cần Thơ? Hạ Lào, Hạ lào hay hạ Lào? Quảng Trị hay Quảng trị?
_ Rõ là bạn bị tẩu hỏa nhập ma rồi. Ngay từ tiểu học, văn phạm đã dạy chúng ta phải viết hoa những danh từ riêng, không viết hoa những danh từ chung, cứ theo nguyên tắc này mà đi thì không bị lạc đường. Cần Thơ là danh từ riêng, tên riêng một thành phố, Hạ Lào là tên riêng một địa danh, cả thế giới chỉ có một tên Cần Thơ thôi, vậy thì phải viết hoa cả hai chữ Cần và Thơ, ai viết Cần thơ, cần Thơ là không đúng. Hạ Lào, chứ không phải Hạ lào, tệ hơn nữa là viết “hạ Lào”. Cũng thế, phải viết hoa cả 2 chữ Quảng Trị.
_ Thế còn câu này: “Tôi sinh ở Tỉnh Mỹ Tho, Quận Cai Lậy” thì thế nào?
_ Những danh từ chỉ xóm làng, xã, quận, huyện, tỉnh, thành phố, thủ đô, chùa, nhà thờ, thánh thất v.v.. đều là những danh từ chung. Có biết bao nhiêu cái xóm, nào là xóm Ông Năm, xóm Bà Tình, xóm Chị Quý v.v.. văn phạm đã dạy không viết hoa, trừ khi nằm ở đầu câu hay sau dấu chấm. Tỉnh cũng là danh từ chung, không viết hoa, vì vậy phải viết là tỉnh Mỹ Tho, quận Cai Lậy.
Tôi ghi lại đoạn văn sau đây để xin thầy giải thích về những chữ gạch đít nên viết hoa hay không?
“Rời hậu cứ ở Xã Khoai Hà, Quận Thủ Thừa, trực chỉ về tỉnh Phong Dinh, nghỉ qua đêm ở thị trấn Cái Răng. Hôm sau từ Phi Trường Trà Nóc được trực thăng vận vào vùng chiến trận”.
Như đã nói ở phần trên thì những chữ xã, quận, tỉnh, thị trấn, phi trường đều là danh từ chung, không cần viết hoa. Trong đoạn văn trên, tác giả đã không dựa vào luật, mà viết “hoa và không hoa” tùy hứng, cùng là danh từ chung thì viết Xã Khoai Hà, Quận Thủ Thừa, nhưng lại tỉnh Phong Dinh. Thế “nà” thế “lào”?
_ Thưa thầy và thưa quan DinhDauBac, con xin trích nguyên văn câu sau đây trong tập san BĐQ số 32 để xin thầy và quan chỉ dẫn về mấy danh từ đơn vị viết hoa và không viết hoa (những chữ gạch đít)
“Trong trận Ấp Ba, một tiểu đoàn của trung đoàn 9, Sư đoàn 5 BB trong khi xung phong….”
_ Coi chừng bị Cọp bắt đấy (bắt chứ không phải bắc). Trong đoạn văn trên, câu “một tiểu đoàn” là nói đến một tiều đoàn nào đó của Trung Đoàn 9 nên không viết hoa là đúng rồi. Nhưng “trung đoàn 9” và “Sư đoàn 5BB” chỉ rõ danh xưng, là danh từ riêng nên cần phải viết hoa. Không viết hoa danh từ “trung đoàn 9” mà lại viết hoa danh từ “Sư đoàn 5 BB” là không công bằng, là nhất bên trọng nhất bên khinh. Đây là tác giả biết nhưng không chú ý mà thôi. Đề nghị câu trên nên viết cho hợp lý như sau:
“Trong trận Ấp Ba, một tiểu đoàn của Trung Đoàn 9, Sư Đoàn 5/BB trong khi xung phong ..”
Tóm lại các danh xưng đơn vị như tiểu đội, trung đội, tiểu đoàn, sư đoàn, quân đoàn v.v.. đều là danh từ chung, không cần viết hoa, nhưng khi có danh từ chỉ định đi theo sau thì nhóm danh từ này trở thành danh từ riêng nên viết hoa cho đẹp lòng nhau. Đó là đơn vị, còn về con người thì sao? Cùng nhau đọc câu này:
“Tôi thấy một hạ sĩ làm tài xế cho Đại Tướng”.
Trong câu trên, hạ sĩ hay đại tướng đều là danh từ chung, phải được đối xử công bằng như nhau, không có chuyện coi thường hạ sĩ mà nịnh Đại Tướng được. Nhưng nếu hạ sĩ tên là Bé, đại tướng tên là Lớn thì câu trên nên viết cho đúng để vui vẻ đôi bên là:
“Tôi thấy Hạ Sĩ Bé làm tài xế cho Đại Tướng Lớn”.
Ngoài ra chúng ta cũng nên để ý đến một số danh từ cần viết hoa như ngày, tháng, hướng, mùa. Thí dụ như Thứ Hai, Tháng Ba, Đông, Tây, Nam, Bắc, Xuân, Hạ Thu, Đông.
Những cái rắc rối về lỗi chính tả trong các bài viết tiếng Việt đã được các chuyên viên chữ nghĩa giải đáp, có thể do kinh nghiệm nghề nghiệp, có thể họ căn cứ vào tài liệu, tuy chưa đầy đủ nhưng cũng đã giúp cho chúng tôi rất nhiều điều hữu ích. Có những lỗi rất khó chữa do thói quen địa phương, nhưng có những lỗi rất thông thường nếu người viết chú ý một tý, chịu khó đọc lại thì có thể tránh được và sửa được, tức là tác giả đã tôn trọng độc giả rồi đấy. Tôi xin ghi tóm tắt lại để quý vị tùy nghi chứ tôi không hề có ý chẻ sợi tóc làm tư làm tám, không hề có ý dám vẽ chuyện và cũng xin quý vị góp ý, bổ sung thêm hầu cùng giúp nhau tránh được những lỗi sơ đẳng.
Điều chính yếu tôi muốn nói trong bài viết này là mượn câu chuyện “cái dấu phẩy” để “phết” vào đít những ai khi thấy danh từ mới XHCN là vội vàng vồ lấy mà dùng. “Thấy sang bắt quàng làm họ” đã là điều đáng chán, chữ nghĩa XHCN không sang, chẳng sáng mà tối mò, có khi lại lộn lèo vậy mà một số báo chí và xướng ngôn viên các đài phát thanh hải ngoại cứ nhận là bà con! Thu em hỏi quá!
Ừa, thôi thì mấy người này thấy ngôn ngữ XHCN đo-đỏ thì cũng ráng nói theo, viết theo, làm theo cho có vẻ đỏ đít một tý, nhưng còn những người anh em tôi, đồng đội tôi, những người gốc lính thì hà cớ chi mà dính vào những thứ “bân hỏi bẩn” này! Thật là ngứa tai, chói mắt khi một số đồng đội của tôi nói và viết cái thư ngôn ngữ thổ tả này. Có ông còn cố bào chữa rằng vì ở tù lâu nên quen mất rồi! Nguy hiểm là ở chỗ này đây, “cải tạo” lâu ngày chuyện sai trái cũng thấy quen quen!.
Chẳng phải tôi cực đoan, cái gì dính tới VC là chê đâu, thực ra cái gì của họ hay hay thì tôi cũng phải khen chứ, thí dụ như họ dùng chữ “cải tạo” để nhốt những người vô tội. Rất nhiều vị chê chữ “cải tạo” mà tự nhận mình là “tù”, đó là quyền của quý vị, riêng tôi “tù” là phải đi với “tội”, cả thế giới này đều bỏ tù kẻ phạm tội, trừ VC, không nhốt kẻ cướp của công mà dùng chữ “cải tạo” để nhốt người vô tội! Tôi đếch có tội gì cả nên không nhận là tù. Tù có thời gian, dù 1 ngày đến 1 thế kỷ, cỏn “cải tạo” là không hạn định, khi nào tiến bộ thì được về. Tôi xin kể câu chuyện vui mà quý vị đã nghe nhiều lần về cái đáng sợ của 2 chữ “cải tạo”
“Ba nhà lãnh đạo Pháp, Mỹ, Liên Sô đi dạo phố Bombay, xứ thờ bò, nhưng bị đàn bò nghênh ngang giữa đường, TT Pháp xin bò nhường đường sẽ bồi thường “La vache qui rit”. Nghe TT Pháp nói thế đàn bò bèn cười hô hố. TT Mỹ năn nỉ bò tránh ra sẽ cho nhiều dollars, đàn bò giở thói cao-bồi nghinh lại. Tổng bí thư Nga ghé tai nói nhỏ, đàn bò té đái vãi cứt ù té chạy bán sống bán chết. TT Pháp, Mỹ quá đỗi ngạc nhiên hỏi lý do, Nga bảo: “Thứ nhất tôi nói tiếng súc vật, thứ hai tôi bảo chúng tránh ra, nếu không thì tôi cho đi cải tạo”.
Vậy thì XHCN dùng chữ “cải tạo” đối với chúng ta là “hay” lắm đấy. Cải tạo là nạo óc, ghê gớm hơn tù nhiều, ghê gớm đến độ ngu như bò mà còn sợ té đái, huống chi người. Nó “hay” ở chỗ VC dấu kín được cái ác độc hơn tù nên tôi mắc nỡm, tình nguyện đi “cải tạo”! Có bác luật sư kết tội rằng tôi khen “cải tạo” là tầm bậy, phải nói là “đi tù”. Thưa cái đó là tùy quan niệm cá nhân, ls thích coi mình là tù thì tùy.
Về cách dùng chữ mới, cũng có nhiều bác thanh minh rằng chữ này chữ nọ có trong tự điển, đâu phải là của VC. Tôi hoàn toàn đồng ý, thí dụ như những chữ “tiếp cận”, “đăng ký” “thân thương” “khẩn trương” v.v.. có trong tự điển, nhưng thời VNCH chúng ta không dùng, hoặc chỉ dùng vào những trường hợp chính xác mà thôi, nay nó xuất hiện tùm lum theo XHCN mà các bạn lại theo đuôi thì chán mớ đời. Chúng ta có dùng chữ “khẩn trương”, tình trạng khẩn trương, nhưng không bao giờ nói “đái khẩn trương lên”. Xuống xóm ngắm hoa Mai, Lan, Cúc, Huệ mà nghe các em dục “khẩn trương lên anh” thì chán chết. Tạm thông cảm, nhưng còn những cái quá sai, quá ngược đời, lộn lèo mà cũng nhắm mắt làm theo là sao?
Nghe VC than “thiếu đói” là hải ngoại ào ào quyên góp dollars để cứu tụi “thiếu đói” ư?. Chả hiểu tiếng Việt gì cả! Báo chí trong nước loan tin nhiều xe hơi đụng nhau “liên hoàn” trên xa lộ, nghe hoàn-hoàn là các bác cứ “hoàn” theo! Sai hoàn toàn, khi nào xe trước vòng quay đầu lại húc vào đít xe sau thì mới gọi là liên hoàn. Tại sao không dùng chữ “liên tiếp”? Cầu thủ Backham “vào bóng bẳng gầm giầy” là cái quái gì vậy? Gầm là gầm giường còn giầy thì là “đế”. Có thế thôi mà cũng bày đặt sáng tạo đỉnh cao trí tuệ!
Khổ quá đi thôi, chuyện của “người ta” thì kệ chúng, không nên xen vào nội bộ của họ, còn chúng ta, những quân nhân VNCH thì hãy tránh xa chữ nghĩa XHCN đi. Nói hoài nói mãi thì các anh lại bảo tôi nói nhiều, đàn ông mà sao lắm mồm lắm miệng thế! Nhưng không nói, không nhắc nhở nhau để giữ gìn tiếng Việt cho trong sáng thì thật buồn. Mất nước là mất tất cả, danh ngôn của TT Thiệu, đã mang kiếp lưu vong tỵ nạn CS, chỉ còn một chút tiếng Việt để nhớ để thương mà cứ tự nguyện cho chữ nghĩa VC xâm lăng vào nữa thì thật lãng nhách.
Tôi xin trích một vài đoạn văn “tiệc-tác” trong các tác phẩm mà tác giả là gốc lính với cấp bậc cao cao để mời huynh đệ thưởng thức:
1. Ta phải dùng hỏa lực từ xa bằng súng SKZ57 và 2 cây đại liên 30 bắn khống chế đám VC đang có mặt từ trên cao để tiếp tục tiến vào. ….Tôi đề nghị ĐĐ vẫn tiếp tục khống chế hỏa lực từ trên cao của địch bằng 2 cây SKZ 57 …(trích nguyên văn trong bài Nghiệp Lính) “Khống chế” có hay không có trong tự điển tiếng Việt tôi không cần biết mà chỉ biết nó xuất hiện ở trong nước sau 30/4/75 mà thôi, vậy mà đại bàn(g) đang là tỵ nạn CS ở hải ngoại lại vồ lấy mà dùng thì cam đảm thật! Tiếng Việt Nam Cộng Hòa thiếu gì chữ hay ho thay cho chữ “khống chế” chết tiệt này.
2. Đã mấy tiếng đồng hồ rồi mà chưa có trực thăng đế tải thương, nhìn những anh em bị thương đang rên la cùng những poncho bọc thây đang căng dần lên vì sức nóng mà tôi bức xúc. (trích Hạ Lào).
Đoạn văn thật đúng và hay để diễn tả một tình trạng đau lòng, bi thảm của lính trận trong cuộc chiến, vậy mà tác giả nỡ đem 2 chữ VC vào làm đau lòng lính VNCH! Có biết bao nhiêu ngôn ngữ hay để tác giả biểu lộ cảm xúc, thí dụ như: bực mình, khó chịu, phiền hà, lấn cấn, áy náy, giận dữ, lo âu, đau đớn, muốn văng tục, muốn chửi thề, muốn nổi điên và tục-tục một chút là là là chửi thề đ..m.. Có biết bao nhiêu chữ để dùng, vậy mà bạn viết trong tác phẩm của bạn 2 chữ “bức xúc” khiến tôi cũng muốn “bực và xục” theo. Xin lỗi các đại “bàn” nha.
Captovan. |
|