Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon

Diễn Đàn của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Keywords
Nhung Trung chẳng thuoc Saigon linh quynh chuyen bich VNCH hoang sáng nhac truyện Nguyen Chung nguyet ngam quang ngắn quan không trong chất phải quốc
Latest topics
» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:38 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» qua đi thôi bão nổi
NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Icon_minitimeSat Mar 11, 2023 3:11 am by Admin

» Cụ Hoang Xuân Hãn
NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Icon_minitimeSun May 08, 2022 10:37 pm by Admin

» Giáo dục VNCH - Giáo dục con đường khai phóng
NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Icon_minitimeMon Jan 10, 2022 4:06 am by Admin

» Suy tư về kiếp người - Về Cùng Cát Bụi
NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Icon_minitimeSun Jan 09, 2022 4:25 am by Admin

» AI ĐÃ HẠ GỤC CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN?
NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Icon_minitimeSat Jan 08, 2022 2:41 am by Admin

» NHẠC THIỀN - Cõi Thiền trong Âm Nhạc
NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Icon_minitimeThu Jan 06, 2022 4:11 am by Admin

April 2024
MonTueWedThuFriSatSun
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930     
CalendarCalendar
Affiliates
free forum

Affiliates
free forum


 

 NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng

Go down 
Tác giảThông điệp
MHMai
Khách viếng thăm




NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Empty
Bài gửiTiêu đề: NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng   NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Icon_minitimeThu Aug 16, 2012 7:44 pm


NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng


NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Aodai


Miền Trung của những năm 1960 đến 1963, không khí chiến tranh mỗi ngày mỗi khốc liệt bủa vây ở nông thôn. Ở thành phố ngột ngạt căng thẳng những cuộc xuống đường của sinh viên. Tuổi trẻ cảm thấy buồn bã cô đơn. Trong những quán cà phê, những chàng thanh niên để tóc dài ngồi gục đầu trên những trang sách triết của Jean Paul Sartre, của Camus...bồng bềnh đắm đuối trong không khí đầy bi quan nhạc Trịnh Công Sơn... Khói thuốc mù mịt...bên ly cà phê phin nhỏ giọt như máu đen sầu thảm... và buồn nôn. Ở những lớp thanh niên thanh nữ khác đi tìm lối thoát nội tâm thực tiễn hơn trong các tạp chí Văn, Nghệ Thuật, Sáng Tạo, Hiện Đại, Bách Khoa, Thế Kỷ Hai Mươi, Gió Mới... xuất bản ở Saigon gởi ra. Những luồng gió văn chương nầy đã thổi tới những cánh đồng hoa rực rỡ, những say mê đằm thắm mới mẻ, đã là những giòng sông êm mát giữa mùa hạ oi nồng. Là lúc những thủy triều dâng lên theo vầng trăng tỏa sáng. Đã làm vơi đi những hình ảnh Dũng - Loan trong Đoạn Tuyệt, mối tình đầy siêu nhiên thánh thiện trong Hồn Bướm Mơ Tiên, xa dần Trống Mái... Và thực sự đã trấn áp những say mê của Tự Lực Văn Đoàn. Tuổi trẻ đã bắt đầu yêu những sáng tác văn thơ của Quách Thoại, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Doãn Quốc Sỹ, Dương Nghiễm Mậu, Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Nguyễn Sỹ Tế, Hoàng Trúc Ly, Thanh Nam...Và nhất là NGUYÊN SA. Sự xuất hiện những bài thơ tình của Nguyên Sa thật đúng lúc, đã lôi cuốn nỗi cô đơn chung vào cái thế giới thơ mộng của tình yêu:

... Không có anh lấy ai đưa em đi học về
Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học
Ai lau mắt cho em ngồi khóc
Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa
Những lúc em cười trong đêm khuya
Lấy ai nhìn những đường răng em trắng
Đôi mắt sáng là hành tinh lóng lánh
Lúc sương mù ai thở để sương tan
Ai cầm tay cho đỏ má hồng em
Ai thở nhẹ cho mây vào trong tóc...

Sự đau thương và hủy diệt cận kề tình yêu có phải là ly rượu hồng thoáng say trong chốc lát để rồi chia ly biền biệt:

... Không có anh nhỡ ngày mai em chết
Thượng Đế hỏi anh sao tóc em buồn
Sao tay gầy, sao đôi mắt héo hon
Anh sẽ phải cúi đầu đi về địa ngục...
(Cần Thiết)


Cũng như Xuân Diệu thời kỳ tiền chiến đã biết chọn cho mình một chỗ đứng riêng rẽ, đó là thế giới của tình yêu. Và chính sự lựa chọn khôn ngoan nầy tên tuổi Xuân Diệu đã vượt thoát ra khỏi giới hạn không gian thời gian và ở trong tâm hồn nhiều thế hệ. Từ khi loài người biết yêu nhau là lúc những vần điệu ca ngợi tình yêu trở thành vĩnh cửu. Ngay trong kho tàng văn học bình dân Việt Nam, những câu ca dao, những câu hát quan họ, những bài hò Huế, hò Quảng...đề cập đến tình yêu đều đã khắc sâu trong tiềm thức dân gian. Cho đến bây giờ, ít ai quên được những ý tình thật dễ thương của đôi trai gái nơi thôn dã:

... Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em đã có chồng anh tiếc lắm thay...

... Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng
Để anh mua gạch Bát Tràng về xây
Xây dọc rồi lại xây ngang
Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân...

... Hôm qua tát nước đầu đình
Để quên chiếc áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà...

Mỗi thi sĩ Việt Nam bước vào thế giới vần điệu đều đã hơn một lần đi vào ngưỡng cửa tình yêu. Có tình yêu mới tạo nên cảm xúc để sáng tác. Từ thuở nhìn em tóc để đuôi gà, nhảy từng bước chân chim trên thảm cỏ xanh sân trường đã làm cho tâm hồn chàng thanh niên ngẩn ngơ và đã bắt đầu cảm thấy cuộc đời chớm vui buồn vu vơ:

... Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng
Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay
Trời nắng ngạt ngào...tôi ở lại đây
Như một buổi hiên nhà nàng dịu sáng

Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám?
Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn ngoan nhé, đừng ngờ...
Tôi phải dỗ như là...tôi đã nhớn

... Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím...
(Tuổi Mười Ba)



Tuổi mười ba

Qua bao nhiêu thử thách thời gian, trong thế giới thơ tình của Nguyên Sa, nhiều người đều công nhận “Áo Lụa Hà Đông” có một vị trí đáng kể trên văn đàn. Khi những Thái Thanh, Lệ Thu, Duy Trác cất tiếng hát mọi người đều nghĩ đến Nguyên Sa. Ngô Thụy Miên hòa nhập thực sự nỗi rung động khi đưa bài thơ này vào thế giới âm nhạc. Và đã thăng hoa tuyệt vời lan xa trong yêu thích của quần chúng:

... Nắng Saigon anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng

Anh vẫn nhớ em ngồi đây, tóc ngắn
Mà mùa thu dài lắm ở chung quanh
Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
Bày vội vã vào trong hồn mở cửa

Gặp một bữa anh đã mừng một bữa
Gặp hai hôm thành nhị hỷ của tâm hồn
Thơ học trò anh chất lại thành non
Và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu

Em không nói đã nghe từng giai điệu
Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh
Anh đã trông lên bằng đôi mắt chung tình
Với tay trắng em vào thơ diễm tuyệt

Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu
Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại

...Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng...
(Áo Lụa Hà Đông)


Áo lụa Hà Đông

Thơ Nguyên Sa được xem như thời thượng của tuổi trẻ thuở đó. Thể thơ tự do Nguyên Sa dùng rất mới lạ. Gọi người tình là “Con chó ốm”, là “con mèo ngái ngủ trên tay anh” một lối xưng hô trìu mến rất là Tây Phương:

...Và em sẽ cười phải không em
Em sẽ không buồn như một con chó ốm...
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận sao chả là nước biển...

Nguyên Sa đã du học tại Paris đến cuối 1956 trở về từ tả ngạn sông Seine, từ mái trường danh tiếng Đại Học Sorbonne. Trong mỗi con người đều có sự mâu thuẫn kỳ lạ “đứng núi nầy trông núi nọ”, nao nức trở về quê hương và khi đã sống với quê hương lòng lại vương vấn kinh thành ánh sáng. Không biết đã có đôi mắt xanh nào làm cho nhà thơ “Áo Lụa” tương tư?

... Paris có gì lạ không em?
Mai anh về em có còn ngoan
Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
Em có tìm anh trong cánh chim

Paris có gì lạ không em?
Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một giòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em?

... Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
Chả biết tay ai làm lá sen...


Paris Có Gì Lạ Không Em?  

Ngôn ngữ thật mới, thật lả lướt một cõi an bình mộng mơ tạo nên một thế giới diễm tình, chiến tranh bị đẩy lùi xa ngàn dặm:

... Em có hoa lan giữa tóc thề
Mặt trời xen kẽ đón tay che
Phương Đông vào chỗ hồng trên má
Chiều xuống lưng chừng mái tóc thưa...
(Hải Âm)

... Anh nhớ em ngồi áo trắng thon
Ngàn năm còn mãi lúc gần quen
Em gầy như liễu trong thơ cổ
Anh bỏ trường thi lúc thịnh Đường...
(Em Gầy Như Liễu Trong Thơ Cổ)

... Thiên đường có chỗ màu đen
Anh nằm nghe thấy vẫn còn tiếng mưa
Tiếng trời gõ nhịp tiếng trưa
Tiếng cho sâu thẳm tiếng khuya tuyệt vời...
(Bất ngờ)

Trước thời kỳ 75, thỉnh thoảng tôi mới có cơ hội vào Saigon và mỗi lần như thế đều gặp Du Tử Lê, Viên Linh, Hồ Trường An, Huy Tưởng... và thường nhắc nhở đến nhà thơ Nguyên Sa và dĩ nhiên đều ca ngợi anh rất thành công và ngoạn mục về nhiều phương diện như dạy học, làm báo, làm thơ... Sang Hoa Kỳ với đời sống mới lưu vong nơi đất khách, nhà thơ Nguyên Sa vẫn lẫy lừng ở nhiều sinh hoạt như chủ nhiệm, chủ bút Tạp Chí Đời, Phụ Nữ Mới và Tuần Báo Dân Chúng. Giám đốc Trung tâm băng nhạc Đời với những tuyển chọn ca sĩ, nhạc phẩm rất công phu và khởi sắc hơn các trung tâm khác.

Trong một bài viết về nhà thơ Nguyên Sa, trên tạp chí Văn, nhà văn Mai Thảo đã nhắc đến những kỷ niệm:

”... Một đêm tháng trước, nhà hàng Doanh Doanh của vợ chồng Thái Tú Hạp trên Đại Lộ Hoàng Hôn đãi cơm tối ra mắt thân hữu tuyển tập Thơ Văn Hải Ngoại. Tới phần thơ nhạc tạp lục, sau tiếng hát Khánh Ngọc và tiếng đàn Nguyễn Đức Quang, tôi có đi cùng Nguyên Sa lên máy vi âm. Đứng cạnh, chia nhau mỗi thằng đọc một khúc thơ tình của bang trưởng Phúc Kiến. Đọc thơ. Đùa nghịch với thơ. Thơ anh nằm xem tuồng cải lương, em không quần không áo. Thơ năm thằng cùng tắm giờ đứng tắm một mình. Đọc thơ. Đùa nghịch với thơ. Tôi vẫn thích lắm những phút đùa nghịch như vậy. Cho thoải mái không khí, thân mật bạn bè. Cho đêm xuống đã xuống với nhân thế ở ngoài kia, đêm tối bớt buồn, và bớt lạnh với người. Đùa nghịch, riễu bạn, riễu luôn cả chính mình. Để câu nói Nguyên Sa “Chúng mình già hết rồi”. Phải có lúc không đúng. Hoặc một cách nào thôi, tâm hồn ta vẫn trẻ. Mấy phút trước máy vi âm tối đó mà Nguyên Sa gọi hai đứa tôi là Laurel và Hardy, tôi thấy tôi trẻ thật. Nguyên Sa cũng vậy. Mấy phút trước máy vi âm tối đó, tôi thấy lại cái tôi đầu, những ngày Sáng Tạo trẻ trung phơi phới. Và thấy lại cái phần trước sau tôi thích thấy nhất và yêu mến nhất ở Nguyên Sa. Đó là mấy chục năm về trước. Nguyên Sa mới ở Pháp về, Trịnh Viết Thành đem tới. Đưa bài thơ đầu tiên. Và sau đó đã cùng chúng tôi đi vào cuộc phiêu lưu đầy hào hứng tới những chân trời văn chương tuổi trẻ mênh mông...”

Cũng chính trong thời gian này, mỗi cuối tuần chúng tôi đều đón tiếp anh chị Nguyên Sa đến Los Angeles ghé tạt qua Doanh Doanh quán, uống tách trà, nói vài mẩu chuyện vui văn nghệ. Những lúc như thế, tôi khám phá nơi anh những nét trầm tĩnh, đạo mạo đúng cái phong cách nhà giáo, một thi sĩ nhân hậu, một người đàn anh lúc nào cũng nâng đỡ tận tình và hay bênh vực nhau trọn nghĩa đệ huynh. Tuy nhiên, Du Tử Lê nhận xét về Nguyên Sa “ngó vậy mà không phải vậy”. Anh rất tốt với anh em và sẵn sàng bao dung với bằng hữu, nhưng với cuộc đời, với những kẻ chơi xấu anh em, anh sẵn sàng ra chiêu bảo bọc, anh sống rất sòng phẳng, đã từng là Triệu Tử Long trong những trận bút chiến làm kinh hoàng đối thủ. Cõi thơ là cõi đùa chơi với chữ nghĩa. Cuộc đời là những ân oán phân minh. Nếu cần “Áo Lụa” là thanh kiếm trên tay. Nhận xét đó tôi cảm nhận đúng vì ngay trong tuần báo Saigon Times hay Tuyển Tập Thơ Văn Phật Giáo do tôi chủ trương cũng đã vấp phải khuyết điểm khi đăng thơ thiếu sót vài chữ, vài câu làm mất giá trị bài thơ của Nguyên Sa vì không kiểm soát kỹ lưỡng và quá tin vào đả tự viên. Đối với người khác sẽ bực tức ngay, nhưng đối với Nguyên Sa thì không. Anh vẫn giữ nguyên tình cảm, xem như không có gì xảy ra khi đối diện và cũng không bao giờ nhắc đến.

Ngoài những tập thơ Nguyên Sa đã ấn hành, Nguyên Sa cũng đã cho phát hành trường thiên “Giấc Mơ” mà theo ông: “Giấc mơ không phải là tập hồi ký, không phải tiểu thuyết Lịch Sử, cũng không phải Phóng Sự Tiểu Thuyết. Nó cũng không dính dáng một chút nào đến thực tại...được mô tả như những nét tô vẽ sản phẩm tưởng tượng của người viết...”. Nhưng Nguyên Sa vẫn hãnh diện khi đề cập đến hình ảnh: ”...Dân tộc tôi sẽ đứng dậy trên đồng bằng, bay trên núi non, vùng vẫy ngoài biển khơi. Tự Do. “Dòng máu không thể chảy ngoài huyết quản”. Dân tộc tôi đang ước mơ. Tôi vẫn đang ở trong đó. Và tôi đang ước mơ...”.

Không phải chỉ có Nguyên Sa ước mơ mà cả dân tộc từ trong nước đến hải ngoại đều ước mơ được nhìn thấy thanh bình thực sự trở về trên mảnh đất đầy đau thương và nghiệt ngã. Tình yêu vẫn là sức sống mãnh liệt và vĩnh cửu của loài người. Không có cảnh trí nào đẹp và thơ mộng bằng hình ảnh tình yêu hồn nhiên và lãng mạn, nẩy nở trong tâm hồn Dân Tộc, một Dân Tộc mà mỗi công dân sinh ra và lớn lên được nuôi dưỡng bằng chất liệu thi ca, bằng tình thương của Mẹ. Tình yêu vượt thoát lên mọi chủ nghĩa, mọi hận thù, Tình Yêu như đóa hoa nở rộ trong trái tim giữa Con Người và Con Người xinh đẹp như dải Trường Sơn, như những giòng sông Cửu Long, Hương Giang, Hồng Hà đang cuồn cuộn vào biển lớn mùa Xuân bất diệt của Dân Tộc:

... Anh biết rằng:
Có người khóc vì mừng vui ước hẹn
Có người cười vì tủi cực phôi pha
Anh biết nói làm sao
Nhưng chắc chắn ngàn thu ly rượu quan hà
Sẽ phải chua men vì thiếu người sưởi lạnh
Anh biết nói làm sao
Khi họ gặp nhau (anh đã bảo em)
Như Sông Cửu Long
Về lòng biển cả
Vẫn tiếng sóng về nước chảy triền miên
Vẫn Cửu Long giang mở chín lần cửa rộng
Giòng sông dài dữ dội bản trường ca...
Phải, giòng sông dài dữ dội bản trường ca
Nên sông đã về tràn đầy mắt biển
Sông đã về rửa trắng lòng anh
Đợi từ chín kiếp giao thừa
Đến sáng hôm nay mới được hát giữa giòng sông
Đến sáng hôm nay mới được hát giữa ngày
mùng một Tết...

Khi chúng tôi được nhà thơ Nguyễn Mạnh Trinh thông báo về sự ra đi vĩnh viễn của Thi sĩ Nguyên Sa, tôi xúc động thực sự, vì tôi mới điện thoại thăm sức khỏe anh cách đây vài ngày và biết bệnh tình đến với anh trong thời gian hơn năm qua, hành hạ anh đủ chuyện về thể xác. Bệnh thì mặc kệ, anh xem như không có gì xảy ra, như mọi cuộc chơi trong đời sống, anh đã từng bày biện nhiều sáng tạo bất ngờ, gây nhiều ngạc nhiên với mọi người. Thơ của anh gần đây vẫn thấp thoáng tình yêu, nhưng nhẹ nhàng siêu thoát hơn:

... Tiếng chiều trên ngọn phi lao
Giọng ca em gởi đã vào trong tim
Khi về nhớ ghé ngăn trên
Miệt tâm thất trái đường lên huyệt đào...
(Cuộc Chơi)

Này đây hữu ngạn làm thơ
Còn kia tả ngạn ngồi chờ tin em
Cái người năm ấy em quen
Phân thân nửa ở bên em nửa về,
Cây tây chết ở sơn khê
Cây đông tróc gốc cành chia lá vàng
Một đời mấy nhánh Tầm Dương
Ngàn đêm gọi miết mỗi triền mỗi đau
(Phân Thân)

Bình minh có buổi cũng buồn
Con sông đổi mặt giận hờn bỏ đi
Ta ngồi ở khúc rừng kia
Lúc đo âm hưởng, khi chia lá vàng
Rừng đo với núi chiều ngang
Khi ta tựa núi chỉ còn chỗ cao
Đá to rớt gốc cây đào
Ta mang trả núi, vẫy chào cố nhân...
(Cố Nhân)

Nhiều bài lục bát trong tập ba thơ Nguyên Sa chúng ta tìm thấy những tư duy trầm mặc phương Đông, những ray rứt thiền vị, phảng phất vô vi của Lão, muốn tĩnh lặng như giòng sông nhưng con nước vẫn rạt rào thao thức trăm nhánh vời xa. Cái đùa nghịch dễ thương. Cái gần xa đã hòa nhập. Cái đi về là một nẻo Chân Như. Cái không và có đều vô nghĩa. Cái tiểu và đại đã không còn, thì Niết Bàn và Thiên Đàng cũng chẳng khác nhau chi. Chuông Giáo Đường hay chuông Chùa cũng đều tiếp dẫn hương hồn đến nơi an nghỉ thiên thu.

Khi còn tại thế, anh và anh Mai Thảo là hai người bạn thân chủ trương hai tạp san Văn Học Hiện Đại và Văn lẫy lừng trước 75 ở quê nhà. Người ra đi sau tháng 4.75 và người đến Hoa Kỳ năm 1982, cả hai đều tiếp tục cuộc chơi văn chương tại California, Hoa Kỳ. Ngày anh Nguyên Sa mất đi đúng 99 ngày anh Mai Thảo đã nằm xuống và hai anh đã chọn một chỗ nằm gần nhau trong nghĩa trang Westminster Memorial Park. Chúng tôi đã đến nhìn anh lần cuối. Anh nằm như ngủ thật thanh thản, không còn vướng bận chuyện buồn vui nhân thế. Như căn nhà trống hoang vu bỏ lại sau khi người chủ đã ra đi. Tất cả chỉ là phù vân. Nhưng những bài thơ tình tuyệt vời của Thi sĩ Nguyên Sa vẫn còn sống mãi trong lòng mọi người ở khắp nơi. Những bài thơ lụa là tình ái đã được các nhạc sĩ tài danh chắp thêm đôi cánh bay lên như những con phượng hoàng rực rỡ trên đỉnh non cao. Và cứ mỗi lần tiếng hát của các ca sĩ vang lên những “Paris có gì lạ không em...”, “Nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát. Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông...”, ”...Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc... áo nàng xanh tôi mến là sân trường...” là y như Nguyên Sa hãy còn đâu đó đang mỉm cười và gật đầu với chiếc mũ vừa nghiêng xuống... thơ anh ở chung quanh chúng ta trong đời sống, bằng hương vị tình yêu ngọt ngào, và tình quê hương nồng thắm.

Thái Tú Hạp
.
Về Đầu Trang Go down
P-C
Khách viếng thăm




NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng   NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Icon_minitimeTue Mar 11, 2014 8:20 pm


Lục Bát pha lẫn Mỹ Cảm và Phàm Tục trong Thơ Nguyên Sa


Trần Văn Nam

Thơ Nguyên Sa đã được phổ nhạc thành những bài hát thật hay, nên ta thường nhớ những tình ca đẹp của ông như: Paris Có Gì Lạ Không Em?- Tuổi Mười Ba – Tháng Sáu Trời Mưa – Ao Lụa Hà Đông – Tháng Giêng Và Anh… Có lẽ những tình ca đẹp ấy làm ta không lưu ý những bài thơ mỹ-cảm pha trộn phàm-tục rất gợi hình của ông, những bài thơ rất ấn tượng như những bức tranh mang màu sắc vừa hiện-sinh vừa lãng mạn. Chẳng hạn như bài thơ “Bờ Cỏ” nói về một người trong cơn say vì uống đến ba phần chai rượu, người say như con trăng nửa khuya xuống lầu rồi nằm ngủ gác đầu trên thân thể một người nữ. Những bài thơ khác cũng mang màu sắc hiện sinh lãng mạn như vậy, xin lần lượt trình bày dưới đây. Bài này nói về điều ấy, với nhan đề “Lục Bát Bí Ẩn Trong Nguyên Sa”, sau khi đăng lên báo, đã được thi sĩ Nguyên Sa sưu tầm cho in lại trong cuốn sách “Nguyên Sa, Tác Giả và Tác Phẩm”, xuất bản năm 1991.

I. THƠ TÌNH MÃI MÃI HÓA THÂN VÀ THÍCH NGHI VỚI KHUNG CẢNH

Nguyên Sa là nhà thơ nổi tiếng về thơ tình, điều đó ai cũng rõ.  Nguyễn Bính cũng là một thi sĩ về thơ tình nổi tiếng, nhưng thơ tình Nguyễn Bính đã lui về dĩ vãng trong khung cảnh quê hương thảo dã Việt Nam. Xuân Diệu cũng là một thi nhân về tình yêu lưu danh, nhưng thơ tình Xuân Diệu cũng lui về quá khứ của giai đoạn lãng mạn thời Pháp thuộc.  Đinh Hùng, một nhà thơ tình lưu danh nữa, nhưng thơ Đinh Hùng đầy tính siêu thực dường như đã thuộc về thế giới tình sử.

Trong văn học, thơ tình của Nguyên Sa mãi mãi còn trẻ trung và gần gũi chúng ta. Điều đó chắc không phải vì thi sĩ Nguyên Sa sống cùng thời đại ở hải ngoại sau năm 1975 như chúng ta, mà vì thơ tình Nguyên Sa như mãi hóa thân và thích nghi vào khung cảnh. Có lẽ Nguyên Sa không hoàn toàn làm thơ tình riêng tâm sự của mình, mà luôn luôn hóa thân vào cương vị những người tuổi trẻ khi yêu nhau, khi thì ở cương vị một học sinh thi rớt đã lớn tiếng chê trách thói lề xã hội quy định "muốn làm người yêu phải đỗ tú tài", khi thì hóa thân vào cái nhìn chiêm ngưỡng trẻ trung hướng về những người con gái đỏm dáng của "Tám phố Sài Gòn". Đến khi ra hải ngoại sau năm 1975, tác giả làm thơ tình vẫn tươi mát, hóa thân vào cương vị một người thanh niên yêu đời, ngồi quán trên đường phố Bolsa:

Chào tháng chạp, khi nào thì đến Tết?
Em mặc áo xanh hay áo thêu hồng
Bầu trời mây ở dưới áng mi cong
Em có muốn anh giữ giùm phân nửa?

… Bài hát đó mang cho anh hò hẹn
Em nhớ mang vàng cho cúc, ngọc cho lan
Mang cầu vồng cho khoảnh khắc mưa tan
Và một chút vai em cho huệ trắng.

… Tháng Giêng và Anh rủ nhau châm điếu thuốc
Điếu thuốc đầu năm và điếu thuốc đầu ngày
Vòng khói tròn khuyên phía trái, bên tai
Tà áo em có nhánh cười trong vũ điệu

… Tháng Giêng và anh rót đầy trong ly rượu
Một góc trời âu yếm, khúc Bolsa                 
Yêu cuộn tròn trong tám chữ mây qua
Khi em tới lượn vòng trên mái tóc.
(Tháng Giêng và Anh)


Tháng Giêng và Anh

Tác giả mãi mãi hóa thân vào tuổi trẻ, nên ngôn ngữ trong thơ tình của ông rất gần gũi, tình tứ, duyên dáng (Sài Gòn gọi nhau bằng cưng - Sài Gòn ngồi thư viện rất nghiêm - Thứ Bảy Sài Gòn, đi Bonard) và nét đẹp phụ nữ được mô tả rất gợi cảm, rất yêu kiều (Đôi môi đỏ nét thu cong - cánh tay tà áo sát vòng eo - vai em huệ trắng - tà áo cười trong vũ điệu...). Tác giả hóa thân vào tuổi trẻ khi yêu nhau, nên các danh xưng Anh và Em thích hợp nhất cho các bài thơ tình. Có lẽ danh xưng Tôi và Em mới có nhiều bóng dáng của chính người làm thơ. Đôi khi Em và Anh là những kẻ khác ngoài tác giả.

II. LỤC BÁT NHƯ MỘT THỂ THƠ TÁC GIẢ ƯA CHUỘNG NHẤT Ở HẢI NGOẠI

Nguyên Sa là một thi sĩ về thơ tình. Bản chất thơ tình  thì muôn thuở và ở muôn nơi. Phản ánh thời thế trong giai đoạn qua Pháp rồi sang Mỹ sau năm 1975… chỉ có vài lưu dấu trong thơ ông. Nói như thế, nhưng ý hướng lựa chọn thể thơ lục bát chiếm phần lớn trong các bài sáng tác từ năm 1982 đến 1988 trong "Thơ Nguyên Sa, Tập II" đã biểu hiện một phần nào chủ tâm sáng tác văn thơ trong khuôn khổ hạn hẹp của một nền văn chương Việt Nam hải ngoại. Văn chương truyền miệng là một thực tế giữ gìn cho tiếng Việt tồn tại nơi xa biệt quê hương. Thể thơ gần với ca dao, là thể thơ lục bát ngắn gọn và dễ nhớ, có lẽ là hình thức đáng được trọng vọng nhất:

Em đi qua đó, gần đường
Sao không ghé lại nói còn hay không
Nhớ ngày cây bưởi đâm bông
Mùi thơm hoa bưởi ngàn năm vẫn còn.
(Hoa Bưởi)

Hoặc nói về những sự việc bình thường trong đời sống hàng ngày như xem bộ phim Tàu, nghe hát cải lương, đọc thơ Tú Xương, nói về các thế võ một cách triết lý như trong truyện võ hiệp Kim Dung, đó có lẽ là những điều gần gũi nhất nên có ở trong văn thơ:

Nãy giờ tìm được tuyệt chiêu
Trên đường vô núi, buổi chiều pha sương
Trông lên tượng Phật sơn son
Ngó qua tục lụy vẫn còn ngẩn ngơ
Trở ra chặt mấy cây già
Hai tay chai cứng nào ngờ vẫn đau.
(Tuyệt Chiêu)

Nhưng lục bát là một thể thơ rất dễ làm mà rất khó đạt tới chất thơ, như những đường gươm giản dị mà cần phải tinh vi tuyệt kỹ. Tinh vi đặc biệt của thơ lục bát Nguyên Sa là ở chỗ mờ ảo bí ẩn. Bí ẩn của nội dung gắn liền với ngôn ngữ diễn tả hư thực. Tác giả dụng công đạt tới sự bí ẩn đó, nên khi bàn về các bài thơ lục bát ấy ta không nên gán ghép chủ quan của mình, không nên võ đoán một ý nghĩa. Thơ lục bát Nguyên Sa tự mỗi người khám phá ý nghĩa nội dung, nhưng cũng không thể truyền đạt chính xác cho người khác. Chỉ nên thưởng ngoạn những mờ ảo qua các hình tượng và nhạc tính của lục bát Nguyên Sa:

Em vào tắm dưới hoa sen
Những khe nước chảy, những miền hải lưu
Những thuyền lạc dưới trời sao
Hỏi em hay hỏi hoa đào của anh
Chỗ đào có lá sen xanh
Bờ xa cỏ thấp nghiêng mình dáng sông
Tuyệt vời giữa một dòng trong
Đầu sông tóc ướt, lưng vòng biển khơi.
(Hoa Sen Và Hoa Đào)

Một cảnh thơ mộng nào đây? Hay đây là một hình tượng giống thơ thi hào Nguyễn Du: Dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên? Ta không nên quả quyết mà chỉ nên mơ hồ cảm nhận.

Có ngày trời đất khách quan
Em xoay mặt lại, anh làm người dưng
Theo em địa ngục mấy tầng
Chỉ cho anh chỗ rất gần nhân gian
Chỗ phi lao đứng vài hàng
Anh ngồi ngó miết nắng vàng nhớ em.
(Khách Quan)

Thế nào là khách quan: Ta không rõ. Hay nội dung là một cuộc hoan lạc giữa đôi trai gái; ta cũng không rõ.

Khi em cởi áo nhọc nhằn
Cất son phấn chỗ rất gần xót xa
Anh xin ân huệ kiếp xưa
Xếp phong sương cũ với ngờ vực quen
Anh ru em ngủ cách riêng
Trời Tô Châu xuống, giấc hoàng điệp bay
Đắp lên mười ngón hao gầy
Cây trong giấc mộng mang đầy trái thơ
Trái Giang Nam những ngày mưa
Anh ru em ngủ giấc mơ phù kiều
Hải âm trả lại tiếng đều
Tiếng son sắt ở, tiếng vào thiết tha.
(Tháng Tám Riêng)

Bài thơ có âm hưởng tiếng dội hải triều trả lại từ vách đá ghềnh núi, dìu dặt khúc nhạc “Đêm Tô Châu”, vằng vặc trăng nước Giang Nam với những phù kiều, những hoàng điệp bay... Dĩ nhiên nội dung là chuyện tình nhưng mơ hồ như cái lưng chừng của tiếng nhạc thiết tha lơ lửng. Có hay không sự huyền ảo và điều phàm tục trộn lẫn ở bên trong?

Chỉ một ít nhấn mạnh về hoàn cảnh, nhà thơ Nguyên Sa tiếp tục làm thơ tình, nói cực đoan thì như ngoảnh mặt với thời thế. Do đó thơ của ông không có những dấu vết phản ánh Đất và Người nơi cư trú mới. Nhưng cách lựa chọn thể thơ lục bát rất gần với văn chương truyền miệng, vài bài có nội dung khá rõ và gần gũi thân mật với cuộc sống đời thường ở Little Saigon, nhiều bài tác giả dụng công tạo sự bí ẩn mờ ảo để mãi mãi còn là một phơi mở cho độc giả mơ hồ cảm thấy.. Những điều đó có lẽ phản ánh một phần nào ý hướng sáng tạo thích nghi với sự hạn hẹp của một nền văn chương Việt Nam hải ngoại. Ta có cảm nghĩ như vậy, vì thời điểm này ở đầu thập niên 1990./.

(Trích cuốn “Nguyên Sa, Tác Giả và Tác Phẩm ”, tập I, nhà xb. Đời ấn hành năm 1991, Nam California; có vài bổ túc. Bản gửi từ tác giả).

Trần Văn Nam


Tương tư
.
Về Đầu Trang Go down
levu
Khách viếng thăm




NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng   NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Icon_minitimeFri Apr 18, 2014 2:51 pm


Kỳ diệu!

Thơ: Nguyên Sa & Nhạc: Anh Bằng




1.
Mùa Xuân năm đó, tôi sang chơi LA. Vừa đến nới, thằng bạn cũ từ thời "để chỏm" chở thẳng ra nghĩa trang nới nhà thơ Nguyên Sa an nghỉ. Ngôi mộ còn tươi mát, mới độ một tháng thôi, với vòng hoa tươi. Thằng bạn nói "bà Lan ngày nào cũng ra thăm mộ...". Có lẽ ai yêu thơ NS cũng biết bà Trần Bích Lan là "Nga" trong thơ NS và biết luôn giữa hai người là mối tình gắn bó hiếm có của thời nay. Quả nhà thơ phải tự tin lắm về mối tình giữa mình và "Nga" mới viết lên những câu thơ không thể thân thiết hơn:

... Hôm nay Nga buồn như con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình...

Chắc nhiều người đã nghĩ, hẳn hai người đã yêu nhau lâu lắm rồi:

... Tôi đã gặp em từ bao giờ
Kể từ nguyệt bạch xuống đêm khuya
Kể từ gió thổi trong vừng tóc
Hay lúc thu về cánh nhạn kia?
("Tương Tư")

Quả là như thế. Thời còn học sinh, thằng bạn thân, cháu của "cô Lan", có lần kể: ... lúc 17 tuổi, chàng công tử phố Hàng Đào(?) đi Pháp học không lâu, "cô Lan" nhất định "ăn vạ" đòi đi sang đấy, cuối cùng gia đình phải bán một căn nhà ở Hà Nội, để lấy tiền cho cô đi... Hai người lấy nhau bên Pháp...

2.
Trong tương quan với nên văn nghệ miền Nam, 1954-75, Nguyên Sa luôn luôn có chỗ đứng riêng biệt, không thuộc "trường phái", nhóm nhiếc nào, nhưng ông rất sớm có chỗ đứng vững chắc trong lòng người yêu thơ, đặc biệt giới trẻ. Khác hẳn những văn nghệ sĩ cùng thời, ông không đàn đúm, la cà phòng trà, quán rượu... đến nỗi Công Tử Hà Đông có lần viết đại ý "Nguyên Sa là típ cơm nhà quà vợ (chân chỉ hạt bột)...".

Có một lối giải thích là Nguyên Sa là người có nhiều trách nhiệm để chu toàn, ngoài vợ con còn cả đám em đông đảo... Điều này chắc chắn có đúng, vì ông phải được coi là người chồng, người cha, người anh, ngưòi chú v.v. gương mẫu. Nhưng sự thật vẫn chưa đủ, ông còn là nhà giáo môn Triết giỏi có tiếng, một người viết báo đầy nhiệt huyết và nhà kinh doanh thành công (chủ hai trường Trung Học tư rất "ăn khách"). Những điều này ai cũng biết, nhưng ít người biết hoặc để ý là thời trẻ - dưới thời TT NĐD - ông có hoạt động chính trị khá tích cực (như một cụ "đồng chí" của ông kể tôi nghe sau này). Nói chung, ông còn là một công dân gương mầu, tình nguyện đí lính khi "đất nước cần đến" (cuộc đời quân ngũ được ông kể lại qua cuốn bút ký "Những/vài ngày làm việc ở Chung sự vụ"...).

3.
Thế nhưng, trưóc và trên hết, cả đời ông nặng tình với thơ - dĩ nhiên, không "nặng tình" thì đã chẳng có "thơ Nguyên Sa " - và với nghề cầm bút. Và, không những "chỉ" làm thơ, theo những người bạn ở Mỹ từng đồng hành với ông một thời gian dài trong đòi lưu vong - ông luôn luôn tìm tòi phương cách đổi mới thơ Lục Bát của Việt Nam. Hẳn con ngưòi "triết" trong ông đã giúp ông nhiều cũng như thúc đẩy ông làm công việc "tư tưởng" này. "Ông mất lúc vừa chuẩn bị xong suôi cho ra một tạp chí thời sự & văn nghệ", bạn tôi cho biết. Tôi tin nếu không mất đi, tờ báo được ra đời, sẽ gây ảnh hưởng lớn, vì ông là người biết làm việc, tỉ mỉ và có tinh thần trách nhiệm cao.

(lv)

NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Images?q=tbn:ANd9GcTLmPgBsUQf3kiS_i28t6_lz-_VVsVy151j3HxF62oyPHPjfO1t
Về Đầu Trang Go down
bhtran
Khách viếng thăm




NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng   NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Icon_minitimeMon Apr 21, 2014 11:26 pm


Người Em Sáng Trong Cô Độc
Thơ Nguyên Sa





NGUYÊN SA NHÀ THƠ TÌNH YÊU

NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Images?q=tbn:ANd9GcSXpZRoJ-bH5J2Ih1Er9b5BuWFq65RSblN-hV64ea7MpwP6fewwXQ

Nguyên Sa là bút hiệu, mà nhà thơ đã có lần khiêm tốn cắt nghĩa “vốn dĩ chỉ là hạt cát”. Ông tên thật Trần Bích Lan, sinh ngày 1.3.1932 tại Hà Nội. Bắt đầu làm thơ khi đang du học ở Pháp, về nước, những bài thơ về Paris đăng báo Người Việt của sinh viên di cư, rồi trên tạp chí Sáng Tạo đã làm ông nổi danh. Tập Thơ Nguyên Sa tập 1 xuất bản năm 1959, tái bản nhiều lần, đã xác định địa vị vững vàng của ông trên thi đàn văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975. Ông còn xuất bản tập truyện ngắn Gõ Đầu Trẻ (1959), Mây Bay Đi (1967) và truyện dài Vài Ngày Làm Việc Ở Chung Sự Vụ cũng như một số nghị luận văn nghệ và triết học (Quan Điểm Văn Học Và Triết Học, 1960; Một Bông Hồng Cho Văn Nghệ (1967); Descartes Nhìn Từ Phương Đông (1969); Một Mình Một Ngựa (1971). Giáo sư Triết trường Trung học Chu Văn An rồi hiệu trưởng Trung học tư thục Văn Học. Năm 1966, ông nhập ngũ khóa 24 Thủ Đức. Ra trường, ông phục vụ tại trường Quốc Gia Nghĩa Tử. Nguyên Sa được mời làm Phụ khảo Triết ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn nhưng sau một niên học, ông đã dứt khoát từ chức trước những chống đối của đồng nghiệp nhắm vị khoa trưởng là bạn của ông từ thời du học Âu Châu.

Từ những năm 1960, thơ Nguyên Sa đã bớt xuất hiện đều, thơ tình yêu càng ít hơn. Có thể cắt nghĩa một phần “Nga”, nguồn cảm hứng của “tình nhân” Trần Bích Lan đã thành người phối ngẫu của ông. Ra khỏi nước, thơ Nguyên Sa sau năm 1975 đã không còn nguyên chất trữ tình và độc đáo của thơ ông thập niên 1950. Nguyên Sa làm nhiều hơn thơ lục bát và bảy chữ dù vẫn làm thơ tự do. Nhiều bài rất đạt. Đời sống lưu đầy, bạn hữu và thực tế cuộc đời đã lẫn vào thơ Nguyên Sa, dĩ nhiên là bình thường, nhưng sẽ không là đối tượng chính của bài viết. Chúng tôi muốn nói đến tình yêu trong thơ của Nguyên Sa, nhất là ở giai đoạn Thơ Nguyên Sa tập 1. Phần lớn các bài thơ trong tập này ca tụng tình yêu và Nguyên Sa đã được xem là “thi sĩ của tình yêu” cùng chiếu với Xuân Diệu, Nguyễn Bính, T.T.Kh..., một “Xuân Diệu” hậu chiến. Thật ra, so Nguyên Sa với Xuân Diệu cũng không ổn. Chính Nguyên Sa đã xác nhận thơ ông “không phải là yêu cái Đẹp tổng quát, không phải là yêu Đời nhưng yêu một người cố định, một người thực”. Người đó là Nga, tức bà Nguyên Sa. Bài Thơ Nga nổi tiếng khi đăng báo đã được gửi cho bè bạn “thay cho thiệp báo hỷ”. Tình yêu của Nguyên Sa rõ nét, đặc thù, cá nhân, có hình dáng, trong khi đó tình yêu Xuân Diệu tổng quát hơn, tình yêu chung chung, đúng ra là của lòng trai mới lớn, mở ra, với đam mê cùng tận. Tình yêu trong thơ Nguyên Sa là một tình yêu phức tạp, đa dạng nhưng lả lướt, như trái tim người trẻ tuổi thấm nhuần hai văn hóa sống vào buổi giao thời của những năm cuối thập niên 1940 và đầu 1950.

Thơ tình yêu của Nguyên Sa là một thứ tình yêu thuần chất, trữ tình thường nhật, hiện sinh. Khác thơ tình hiếm hoi của Thanh Tâm Tuyền, thơ Nguyên Sa không làm ra để gây băn khoăn hay suy nghĩ. Thanh Tâm Tuyền phải lo cho sứ mạng văn nghệ do đó bỏ quên tình yêu (“Tôi không ngợi ca tình yêu, tôi nguyền rủa tình yêu (...) Thơ hôm nay không cần đến Tình Ái và khi Tình Ái đến với thơ hôm nay cùng với vẻ tiều tụy khốn khổ chịu đựng hất hủi như cả một cuộc đời...”

Trong bài “Nỗi buồn thơ hôm nay”, Thanh Tâm Tuyền đi xa hơn khi ông hạ giá tình yêu: "Tình ái cũng bị dùng làm phương tiện khám phá đời sống, khai quật ý thức...”. Do đó, cũng như các “nhà thơ hôm nay” của hai thập niên 1950 và 1960, Nguyên Sa chống trữ tình và lãng mạn, chống cả tình ái theo nghĩa thường vì theo ông, lãng mạn là “sự xúc động quá mãnh liệt, sự trữ tình bi thảm hóa”. Yêu nhưng không lãng mạn, cả không thác loạn của thơ tiền chiến. Tình với ngôn ngữ mới, cung cách mới, thơ mộng nhớ nhung mới và khác, thực tế hơn, thành thật hơn. Vậy thì Nguyên Sa sống và đã ca tụng tình yêu như thế nào? Tình yêu có thể bắt đầu bằng mong nhớ, đợi chờ và những lời trách móc tự nhiên:

Có phải em về đêm nay?
Trên con đường thời gian trắc trở
Để lòng anh đèn khuya cửa ngõ
Ngọn đèn dầu lụi bấc mắt long lanh.
          [Có phải em về đêm nay].

Cái buồn xa người yêu, lại đợi chờ:

Em đến chưa? Sao đêm chợt vắng
Cả cuộc đời xáo động cũng hao đi
Những ngón tay dần chuyển đến hôn mê
Và tà áo phủ chân trời trước mặt
           [Người em sống trong cô độc].

Hay những mối tình đầu đời, thơ ngây. Chàng tỏ tình, lời hãy tràn đầy cảm xúc:

Không có anh lấy ai đưa em đi học về
Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học
Ai lau mắt cho em ngồi khóc
Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa
Những lúc em cười trong đêm khuya
Lấy ai nhìn những đường răng em trắng
           [Cần thiết].

Tình đầu học trò và người yêu ở tuổi 13:

Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám
Tuổi của nàng, tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn, ngoan nhé, đừng ngờ...
Tôi phải dỗ như là...tôi đã nhớn
           [Tuổi mười ba].

Khi đã gần, đã đính hôn, rung cảm vẫn mạnh: 

Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm –
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh –
Đôi mắt cá ươm như sắp sửa se mình
Để anh giận sao chả là nước biển
            [Nga].

“Em” thời nay thành “con chó ốm, con mèo ngái ngủ”và “mắt cá ươn”, không còn là “mắt xanh lả bóng dừa hoang dại” [Đinh Hùng], “Em đi áo mỏng phô hờn tủi” [Quang Dũng]. Tóc của “em” chỉ là “tóc ngắn” [Áo lụa Hà Đông]. Tình yêu đến với nhà thơ như một hạnh phúc, một tròn đầy với những cảm xúc thật với da thịt cũng như trong tâm hồn. Tình yêu hôm nay hay tình đầu Hà Nội nhắc nhở?:

Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn –
Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng
          [Áo lụa Hà Đông].

Yêu cho nên hay van xin, kể lể:

Hãy dựa tóc vào vai cho thuyền ghé bến
Hãy nhìn nhau mà sưởi ấm trời mưa
Hãy gửi cho nhau từng hơi thở mùa thu
Có gió heo may và nắng vàng rất nhẹ
           [Tháng sáu trời mưa].

Tán người yêu với ngôn ngữ mới của trai hiện sinh:

Sự thực là đôi mắt em đẹp vô cùng
Tôi ném-không phải là nhìn-ném vào mắt em
Ngưỡng mộ, sự thèm khát, sự ước ao dã thú
Ta là sự đam mê to và sâu như ban đêm
Trân trọng “mời” dự cuộc phiêu lưu tình ái: Tôi trân trọng mời em dự chuyến tàu tình ái. Trong một phút, một giây, cuộc hành trình sẽ mở. Tôi mời em. Trân trọng mời em cùng đi, cùng khai mạc cuộc đời.”
           [Mời].

Chữ nghĩa con tim, lúc sắp ly biệt:

Mai tôi ra đi chắc trời mưa
Tôi chắc trời mưa mau –
Mưa thì mưa, chắc tôi không bước vội
Nhưng chậm thế nào thì cũng phải xa nhau
           [Paris].

Lại có khi dùng nghi vấn để bầy tỏ, giữa một Paris trong giờ tiễn biệt:

Người về đêm nay hay đêm mai
Người sắp đi chưa hay đi rồi–
Muôn vì hành tinh rung nhè nhẹ
Hay ly rượu tàn run trên môi
          [Tiễn biệt].

Mới hay không thì cũng tình ái đấy và lãng mạn đấy thôi! Năm 1949, 1950, “đèn vàng", “ga nhỏ” có thể các sự vật và cảnh vật thường nhật, “hiện sinh”, thay thế các ước lệ “trăng, sao, núi sông, mây, tuyết trắng, cò...”của văn chương lãng mạn cổ điển.“Rót rượu vào môi”, “biến cuộc đời thành những tối tân hôn”, mới và táo bạo nhưng vẫn là những lãng mạn, trữ tình!

Cái đẹp “hôm nay” là cái đẹp bình thường trước mặt, chạm tay được, nhưng hay bị thơ văn bỏ quên. Vả lại, Paris lúc bấy giờ còn mới lạ với người thưởng thức văn nghệ Việt Nam: tả ngạn sông Seine, vườn Luxembourg mùa Xuân mùa Thu, sân trường đại học Sorbonne, khu Saint Michel, những quán cà phê sinh viên và nghệ sĩ đầy khói thuốc ở Quartier Latin, là thơ Jacques Prévert, Guillaume Apollinaire, các người con gái mắt xanh  da trời...:

Paris có gì lạ khôngg em?
Mai anh về giữa bến sông Seine
Anh về giữa một dòng sông trắng
Là áo sương mù hay áo em?
            [Paris có gì lạ không em?].

Thơ tự do của Nguyên Sa có tiết tấu và nhạc điệu đặc biệt chưa thấy trước đó. Nguyên Sa lại có tài sử dụng nhiều hình ảnh mới và lạ. Nào “chải tóc em bằng năm ngón tay”, nào "lệ trắng gạo mềm”, “da em trắng anh chẳng cần ánh sáng / tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân”, “tóc màu củi chưa đun”, miệng “chim sẻ”, áo “sương mù”, “bàn tay chim khuyên” [Nga] hay“sương gió trầm tư thêu thùa má ướt”...:

Người về đâu giữa đêm khuya dìu dặt
Hơi thở thiên thần trong tóc ẩm hương xưa
Người đi về trời nắng hay mưa 
Sao để sương gió trầm tư thêu thùa má ướt
          [Đẹp].

Muốn “phá thể" và “tự do” nhưng thơ Nguyên Sa có lời và chất nhạc rất nhẹ nhàng, rất Việt Nam. Ông sử dụng lại những ước lệ của thi ca cổ điển như “thuyền ghé bến”, tay “lá sen”, mắt “một vừng trăng sáng”, hay của thơ mới như “gió heo may”. Thành ra Nguyên Sa có các câu thơ ngôn từ như có âm hưởng ca dao dù đã tân hóa theo thời đại:

Gặp một bữa anh đã mừng một bữa
Gặp hai hôm thành nhị hỉ của tâm hồn...
          [Áo lụa Hà Đông].

Có thể hình ảnh cũ nhưng ý mới, có khi táo bạo. Về hình thức, thơ Nguyên Sa có nhiều bài vẫn có vần có nhịp khúc:

Tôi đã gặp em từ bao giờ
Kể từ nguyệt bạch xuống đêm khuya
Kể từ gió thổi trong vừng tóc
Hay lúc thu về cánh nhạn kia?
            [Tương tư].

Hay lời thường dung dị của đời sống thường ngày:

Tôi sẽ thăm em
Để những mớ tóc màu củi chưa đun
Màu gỗ chưa ai ghép làm thuyền
Lùa vào nhau nhóm lửa
           [Tôi sẽ thăm em].

Nguyên Sa còn có các bài thơ ca tụng tình bạn như Thằng Sỹ Chết, Cầu Siêu Cho Nguyễn Quan Đại Chết Ở Khe Sanh...nhưng nổi bật nhất vẫn là bài Đám Tang Nguyễn Duy Diễn:

Diễn đã chết, Diễn đã chết
Chúng tôi nhảy múa hòa reo
Thế là nó thoát, thế là nó thoát
Cuồng lưu dằn vặt đã trôi qua".

Thời sự cũng chiếm chỗ quan trọng không kém trong thơ ông:

Cắt cho ta, hãy cắt cho ta –
Cắt cho ta sợi dài –
Cắt cho ta sợi ngắn –
Cắt cái sợi ăn gian
            [Cắt tóc ăn Tết].

Thơ tự do của Nguyên Sa dễ cảm xúc, dễ thụ nhận và không bí hiểm như thơ Thanh tâm Tuyền. Dùng thể tự do với nhiều hình ảnh mới và cách dùng chữ bất ngờ, bén nhạy...chứng tỏ Nguyên Sa đã nắm vững quy luật của ngôn ngữ, của tiếng Việt.

Giáo sư triết nhưng thơ ông không cao siêu triết lý, chỉ là thơ con người với chữ nghĩa của con tim. Điểm này Nguyên Sa khác Thanh tâm Tuyền nhiều triết lý và ý thức. Với Thanh Tâm Tuyền, ý thức bao trùm vì nhịp điệu của thơ, của hình ảnh và ý tưởng chuyên chở chỉ là sự thể hiện của nhịp điệu ý thức. Thơ Nguyên Sa tập đầu và những bài thơ đăng báo thời đi vào văn nghệ của ông cho thấy ông có một tâm hồn nhạy cảm của tình yêu, của Tình Yêu viết hoa, phổ biến nhưng khởi từ tình yêu cá biệt của thi nhân. Thơ ông thời ấy chứng tỏ ông có một thẩm mỹ quan riêng, có ngôn từ và cung cách dù vậy căn bản vẫn hãy còn cũ xưa. Triết lý trong thơ ông thời đó có nhưng ít hơn: phận người trong một không bí lối:

Thế kỷ chúng tôi chót buồn trong mắt
Dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư
           [Bây giờ].

Tình yêu ở trong cả thế giới bên kia, nếu sẽ ra đi vẫn khôngg nỡ, con tim hãy còn ở lại trên trần thế, nên vẫn còn thắc mắc, nhắn nhủ:

Anh cúi mặt hôn lên lòng đất
Sáng ngày mai giường ngủ lạnh côn trùng
Mười ngón tay sờ soạng giữa hư không–
Đôi mắt đã trũng sâu buồn ảo ảnh
           [Lúc chết].

Dĩ nhiên, trong số những bài thơ thời Sáng Tạo của Nguyên Sa có nhiều bài nặng về khai phá hình thức, nghệ thuật vị nghệ thuật, nhưng nay ít ai nhớ đến, như bài Hịch:

Bằng hơi thở thiên thần–
Bằng giọng nói đam mê
Bằng ngón tay mầu nhiệm
Ta truyền
Hỡi Sài Gòn ban đêm mở cửa.

Thơ tự do của Nguyên Sa thời ra đời trên Người Việt và Sáng tạo đã thuyết phục người thưởng thức văn nghệ rằng thơ tự do có thể sống động, rằng thơ tự do cũng có thơ tính. Thơ tự do của Nguyên Sa nhờ giàu nhạc tính, đơn sơ, truyền cảm và còn chứa đựng tâm hồn Việt Nam do đó đã sống lâu hơn đến ngày nay và chắc cả sau này, trong khi thơ tự do của nhiều nhà thơ thời ông đã và đang đi vào quên lãng. Nếu lúc đầu thơ tự do được cổ võ như một vượt thoát khỏi những bó buộc và giới hạn của luật thơ thì nay bài thơ tự do nào còn giữ được vần, nhạc và hình ảnh tiếp tục được yêu thích. Trường hợp Nguyên Sa, phủ nhận Thơ Mới và tiền chiến đồng thời cổ xúy thơ tự do và phá thể, nay phân tích lại thì Nguyên Sa đã không đi xa trên con đường thơ tự do và vô tình thơ ông là gạch nối với thơ tiền chiến và dòng thơ kháng chiến trước đó. Cho đến khi tạp chí Sáng Tạo đình bản hẳn, những nhà lý thuyết cổ võ thơ tự do của nhóm đã không thuyết phục thật sự giới thưởng thức văn nghệ. Thanh Tâm Tuyền  người cuối cùng lên tiếng cho rằng người làm thơ tự do vì sống thời gian hôm nay và dùng thanh âm ngôn từ để khám phá chính mình. Dù sao cùng với Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa đã đem lại niềm tin nơi thể thơ tự do, cả hai ông đã chiếu sáng trên nền thi ca Việt Nam hậu chiến.Sau 1975, Nguyên Sa lúc đầu định cư ở Pháp, nhưng Pháp không giữ được chân ông, lần này ông đi tìm cuộc đời mới ở Nam California. Nguyên Sa tiếp tục làm thơ nhưng không còn được người đọc đón nhận như nhiều thập niên trước đó. Người tuổi trẻ hết cảm nhận vì hết cùng tần số. Thơ Nguyên Sa tập 2 xuất bản năm 1988 gồm các sáng tác từ 1966 đến 1988, tập 3 xuất bản năm 1996. Thơ giai đoạn sau 1966 nhiều triết lý, nhưng sau 1975 rõ là của một tâm hồn đã chín, sầu đời, pha tín ngưỡng và triết lý, thuần túy Đông Phương. Dùng tạ lỗi như một tự hối tự nhiên:

Hãy tha thứ cho ta
Những anh em đã chết
Những anh em chết ở bờ ở bụi
Những anh em chết ở đồng vắng
            [Xin lỗi về những lầm lẫn dĩ vãng]

Còn tình yêu? Nhà thơ dĩ nhiên đã bớt da diết và mộng mơ. Hình tượng “em” cũng hiện thực hơn:

Em vào tắm dưới hoa sen
Những khe nước chảy những miền hải lưu
Những thuyền lạc dưới trời sao
Hỏi em hay hỏi hoa đào của anh
           [Hoa Sen và Hoa Đào].

Cảnh chờ đợi, gần với phim ảnh Hoa Kỳ. Hết còn những mong mỏi nôn nao, người yêu nhẹ quan trọng cho đời “chàng”:

Chờ em ở góc cây xăng
Em không thấy tới ta nằm trong xe
Nhạc buồn ta vặn thật to
Sao buồn không vỡ sao ta vẫn còn?
            [Chờ em].

Cảnh vợ chồng hay nhân ngãi hôm nay:

Bốn mươi, con vạc ăn sương
Có giường nệm trắng có em cởi truồng
Em nằm nghe hát cải lương
Anh nằm nhớ bác Tú Xương ngậm ngùi
           [Nhớ Tú Xương].

Hôn nhau chẳng còn hơi, nụ hôn bớt nhiều ngọt ngào và hương vị tình ái:

Gặp em không thể chào bằng môi
Chỉ còn da thịt chẳng còn hơi"...

Tại sao vậy? Có thể vì tang chung đất nước và tình cảnh phân ly, xa xứ nên:

Ta chỉ chào bằng hai hàng nước mắt
Từ hai mươi năm nằm im trên môi..
           [Chào nhau].

Nguyên Sa đã yêu, được yêu, bệnh ngặt nghèo sớm đưa ông về với Chúa. Nhưng thơ tình ông đã và vẫn sống động với người yêu thơ và tình nhân, ngày nào còn có người yêu nhau! Sau khi cưỡng chiếm miền Nam, nhà nước cộng sản tìm đủ cách cấm đoán, tịch thu, viết sách bêu xấu các nhà làm văn nghệ ở miền Nam trong đó có Nguyên Sa. Tuy nhiên, Lữ Phương, Phạm Văn Sĩ, Trần Trọng Đăng Đàn và các nhà “phê bình” của Viện Văn Học Hà Nội có tấn công thơ tự do gọi xiên xỏ “bí hiểm”, “tắc tị”, “quái thai”, “hỗn tạp những rối răm quái gở" , “dựng lại cái thây ma mà mười lăm năm về trước những người trong nhóm Xuân Thu Nhã Tập đã nêu lên” mà không động đến thơ tình Nguyên Sa vì thơ ông được người “chiến thắng” lén lút tìm đọc thời còn bị cấm, nay được in lại trong nước. Gần đây trong nước có các nghiên cứu “cởi trói”, có cái nhìn “khách quan” hơn. Trần Thị Mai Nhi viết về “nhóm Sáng Tạo” nhìn nhận họ “muốn có một đường hướng sáng tạo, muốn là kẻ sáng tạo ngôn ngữ trong thơ ca (...) họ muốn đổi mới niêm luật, cú pháp, chấm câu, từ ngữ trong thơ ca. Rồi việc họ chấp nhận thứ "tiếng của vỉa hè" cũng không hoàn toàn chỉ là một sự lập dị (...). Đúng thôi, văn học Sài Gòn gặp văn học phương Tây ở quan niệm thẩm mỹ...”.

NGUYỄN VY KHANH


NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Images?q=tbn:ANd9GcS28b2dDm_O1_5Ulr2VUaAvi-Ox8kex4hGHM_oexM_YtlFslVX9
Về Đầu Trang Go down
vinguyen
Khách viếng thăm




NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng   NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Icon_minitimeMon May 05, 2014 4:05 pm


ÁO LỤA HÀ ĐÔNG - Thơ: Nguyên Sa
MÀU KỶ NIỆM - Nhạc: Phạm Đình Chương


.
Về Đầu Trang Go down
nguyen
Khách viếng thăm




NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng   NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Icon_minitimeMon Jul 28, 2014 12:12 pm


CÓ PHẢI EM VỀ ĐÊM NAY
Nhạc Võ Tá Hân
Thơ Nguyên Sa
Ca sĩ Khắc Dũng



Có phải em về đêm nay

Có phải em về đêm nay
Trên con đường thời gian trắc trở
Để lòng anh đèn khuya cửa ngỏ
Ngọn đèn dầu lụi bấc mắt long lanh

Có phải em về đêm nay
Trên con đường chạy dài hoa cỏ
Cho lòng anh trở lại với lòng anh
Như là vàng về với lá cây xanh
Trong những chiều gió đưa về cội

Có phải em về đêm nay
Để phá tan
Những nụ cười thắt se sầu tủi
Như anh vẫn cười mà đau đớn bao nhiêu
Không biết đời người có đưa đến tin yêu
Những ngón tay có đưa đến bàn tay
Những mùa thu có đến gió heo may
Hay ngày mai là bốn bề tuyết lạnh

Có phải em về đêm nay
Giữa lòng chiều tím lặng
Cho anh đừng tìm thấy anh
Đo đếm thời gian
Bằng những điếu thuốc lá tắt trong đêm
Đầu gối trên cánh tay
Để giấc mơ đừng tẻ lạnh

Em đừng trách anh đã quá lo âu đời người hiu quạnh
Làm thế nào khi lòng mình nứt rạn cơ em
Dù không muốn gục ngã trong đêm
Nhưng đã bao lần đêm khuya
Anh không biết đã làm thơ
Hay đã chọn âm thanh làm độc dược
Em đừng trách anh để lòng mình tủi cực
Đến ngại ngùng dù nắng dù mưa
Sao em không về
Để dù nắng dù mưa
Dù trong thời gian có sắc mầu của những thiên đàng đổ vỡ
Anh vẫn chăn chùm kín cổ
Ngủ say mềm
Vì lòng anh (em đã biết)
Có bao giờ thèm khát vô biên
Có bao giờ anh mong đừng chết - dù để làm thơ
Nên tất cả chỉ vì yêu em
Và làm thơ cho đến chết

Em sẽ về, phải không em
Có gì đâu mà khó khăn, trắc trở
Chúng mình lại đi
Trên con đường chạy dài hoa cỏ
Là những đồn phòng ngự của tình yêu
Mỗi ngón tay em
Anh vẫn gọi là một cửa đào nguyên
Và anh: sẽ trở lại nguyên hình
Một anh chàng làm thơ
Mà suốt đời say rượu cúc

Có phải em sẽ về
Dù bầu trời vẩn đục
Hay bầu trời trang điểm bằng mây
Anh sẽ chải tóc em bằng năm ngón tay
Trong những chiều gió thổi

Nguyên Sa

NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Images?q=tbn:ANd9GcQSLM51s7cBWxEdngwPBCgecTPaPqEmaGm1z2bzAXPH0VPrpNBV
Về Đầu Trang Go down
nguyen
Khách viếng thăm




NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng   NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Icon_minitimeTue Jul 29, 2014 8:32 pm


Mai Tôi Đi

thơ Nguyên Sa



Hư Ảo Trăng
thơ Nguyên Sa


.
Về Đầu Trang Go down
nguyen
Khách viếng thăm




NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng   NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Icon_minitimeWed Jul 30, 2014 6:50 pm


Tình Khúc Tháng Sáu
Nhạc Ngô Thụy Miên


Tháng sáu nhạt mưa, mưa ướt mềm vai em
Trời mênh mang xõa kín bờ mi ngoan
Gót bước buồn lây trong gió chiều mưa bay
Hồn bâng khuâng nghe tiếng gọi đam mê
Anh muốn cùng mây giăng kín đường về
Gọi tên em, gọi tên em cho nát bờ môi ấy
Hãy nói bằng đôi môi, bằng tiếng rượu nồng
Mình yêu nhau, mình yêu nhau
Dù trời mưa bay, mưa baỵ..

Tháng sáu nhạt mưa, anh muốn cùng mưa bay
Cùng mây trôi tan biến vào môi em
Khép kín lòng môi anh ước tình yêu tới
Và mưa bay tháng sáu đẹp không em?
Anh muốn cùng em, yêu mãi nụ cười
Dựa vai nhau, dựa vai nhau
Như những ngày xưa ấy
Hãy nói mình yêu nhau bằng tiếng loài người
Trời thôi mưa, trời thôi mưa
Mình xa nhau, xa nhau

Tháng sáu trời mưa, mưa ướt mềm môi em
Mình yêu nhau, xin biết mình yêu nhau
Nước mắt thật cay, cay với tình yêu ấy
Và mưa bay, tháng sáu buồn không anh?


NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Images?q=tbn:ANd9GcQzHPvSWpG6137oehbmiVMG4Md6vr_NWinGnaadxTo_Njsfrtqz7Q


Tháng Sáu Trời Mưa

Nhạc Hoàng Thanh Tâm


Tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt
Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa
Anh lạy trời mưa phong kín đường về
Và đêm ơi xin cứ dài vô tận

Mình dựa vào nhau cho thuyền ghé bến
Sưởi ấm đời nhau bằng những môi hôn
Mình cầm tay nhau nghe tình dâng sóng nổi
Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn

Da em trắng anh chẳng cần ánh sáng
Tóc em mềm anh chẳng thiết mùa xuân
Trên cuộc đời sẽ chẳng có giai nhân
Vì anh gọi tên em là nhan sắc

Anh vuốt tóc em cho đêm khuya tròn giấc
Anh sẽ nâng tay cho ngọc sát kề môi
Anh sẽ nói thầm như gió thoảng trên vai
Và bên em tiếng đời đi rất vội

Tháng sáu trời mưa trời mưa không dứt
Trời không mưa em có lạy trời mưa
Anh vẫn xin mưa phong kín đường về
Anh nhớ suốt đời mưa tháng sáu...

NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng 9k=
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content





NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng   NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
NGUYÊN SA - Thế giới của Tình yêu thơ mộng
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Người chuyển giới đầu tiên được công nhận tại VN
» Mộng Đời Bất Tuyệt - Tập Truyện Ngắn Nguyễn Tường Bách
» Đại Hội Thế Giới Nguyễn Trãi lần Thứ II
» Thông Báo Đại Hội Nguyễn Trãi Thế Giới Kỳ III
» THƠ TÌNH LÝ THỤY Ý

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon  :: ĐỀ TÀI :: Văn Hóa, Nghệ Thuật :: Thơ-
Chuyển đến