Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon

Diễn Đàn của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Keywords
ngam quan không ngắn chẳng Saigon Nhung quang thuoc hoang Chung trong chất nguyet Trung VNCH quốc phải linh Nguyen truyện nhac bich quynh sáng chuyen
Latest topics
» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:38 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» qua đi thôi bão nổi
 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Icon_minitimeSat Mar 11, 2023 3:11 am by Admin

» Cụ Hoang Xuân Hãn
 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Icon_minitimeSun May 08, 2022 10:37 pm by Admin

» Giáo dục VNCH - Giáo dục con đường khai phóng
 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Icon_minitimeMon Jan 10, 2022 4:06 am by Admin

» Suy tư về kiếp người - Về Cùng Cát Bụi
 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Icon_minitimeSun Jan 09, 2022 4:25 am by Admin

» AI ĐÃ HẠ GỤC CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN?
 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Icon_minitimeSat Jan 08, 2022 2:41 am by Admin

» NHẠC THIỀN - Cõi Thiền trong Âm Nhạc
 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Icon_minitimeThu Jan 06, 2022 4:11 am by Admin

April 2024
MonTueWedThuFriSatSun
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930     
CalendarCalendar
Affiliates
free forum

Affiliates
free forum


 

  LÀM THƠ và LÀM VƯỜN

Go down 
Tác giảThông điệp
vungoc
Khách viếng thăm




 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Empty
Bài gửiTiêu đề: LÀM THƠ và LÀM VƯỜN    LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Icon_minitimeMon Aug 04, 2014 8:44 am

 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN G


LÀM THƠ và LÀM VƯỜN
 
Thi sĩ hỏi Người Làm Vườn:
- Công việc làm vườn thế này thì mùa nào là mùa bận nhất trong năm?
Người Làm Vườn nói:
- Đầu Xuân thì tôi tỉa cành, ngắm dáng cho cây, thêm phân vào đất, dựng lại hàng rào, vun lá mục còn lại của mùa đông, treo thực phẩm cho chim trên cành. Tỉa cành thì phải lựa theo dáng cây, theo ý của chủ nhân chứ không phải lựa hoàn toàn theo được ý mình. Có người muốn biến cây thành con hạc, con nai, có người muốn thành hình vuông, hình tròn, có người muốn cắt tỉa mà trông vẫn phải tự nhiên. Mình tỉa cành độ vài ba mùa là biết được tính nết của chủ nhân. Khi những loại cây ra hoa bắt đầu kết nụ thì làm sao giữ cho nụ đừng rụng trước khi nở, điều này hơi khó vì còn tùy thuộc vào khí hậu. Năm nào nắng ít mưa nhiều thì nụ không nở hết, hoa không mãn khai vì hoa vừa hàm tiếu đã bị sũng nước, phải cắt đi ngay để cây khỏi phải nuôi thêm một cành hoa không nở. Những loại cây cho trái thì phải theo dõi thời kỳ kết quả, phải tỉa bớt những quả non trước khi lớn. Vì nếu tham lam giữ tất cả trên cây, trái sẽ nhỏ và không đủ ngọt. Có khi chưa kịp lớn đã rụng nên có muốn ôm giữ lấy hết cũng không được. Treo thực phẩm cho chim đến ăn cũng không phải là dễ. Con blue jay, con humming bird, con én, con sẻ, con chào mào, mỗi con thích ăn một loại hạt khác nhau. Những con chim ngói hay thích sà xuống vườn để nhặt sâu trong cỏ nhưng lại sợ những con sóc và chú mèo. Nếu chủ nhân vừa thích nuôi mèo vừa muốn có chim chóc vào vườn mình thì phải để mắt vào chú mèo luôn luôn.

Sang đến mùa Hạ cỏ mọc nhanh lắm, vừa lo cắt cỏ, vừa trồng thêm những loại hoa có đời sống ngắn, chỉ sống có một mùa và không quay trở lại. Những loại hoa có đời sống ngắn ngủi này thường là hoa nhỏ và màu sắc sặc sỡ nên lúc nào cũng được chú ý. Cỏ cắt cho ta hương thơm dịu dàng nhưng vẫn nồng nàn. Đứng nhìn một vườn cỏ xanh mướt thẳng tắp lại cho hương thơm, lòng ai mà không rung động. Rồi những trái cây nặng trĩu trên cành, mỗi trái cho một hình dáng, một hương, một vị khác nhau, không trái nào giống trái nào. Tôi làm vườn gần suốt đời người vẫn chưa hình dung ra được trái cấm trong vườn Địa Đàng có hình dáng làm sao.

Mùa Thu đến tôi gom lá rụng. Ngày nào cũng cào lá trên cỏ mà tưởng như không bao giờ hết, vì không phải chỉ có lá trên cây của khu vườn mình rơi xuống mà có những chiếc lá thật xa bay đến rơi vào. Có chiếc lá lạc đến trông rất ngỡ ngàng không biết nó đã vượt qua bao cánh rừng, bao thành phố mà đậu lại đây. Những lúc gặp một vài chiếc lá như thế, tôi phản ứng thật vụng về. Gom chung nó vào cùng với những chiếc lá trong vườn hay chôn chúng riêng ở một gốc cây nào! Tôi nghĩ mùa thu không phải là một mùa vui thú cho kẻ làm vườn.

Mùa Đông tôi ngủ một giấc thật dài, mặc dù thỉnh thoảng tôi bị đánh thức dậy vì một vài trận bão. Bão đến làm đổ cây, gẫy hàng rào. Nhưng tôi không thắc mắc, chỉ thu gọn vào một chỗ đợi mùa Xuân đến mới bắt tay vào việc. Củi lúc nào chẳng chất đầy lò. Việc nhóm lửa không phải là việc của Người Làm Vườn.

Thế còn Làm Thi Sĩ mùa nào bận nhất, và mùa nào thì được ngủ những giấc ngủ dài?

Người làm thơ đứng trầm ngâm một lúc, chậm rãi trả lời:
- Thơ thì bận cả bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Còn Thi Sĩ ngủ suốt bốn mùa. Trong giấc ngủ dài đó, Thơ tự nó chiết cây, tỉa cành, kết nụ, đơm hoa vào mùa Xuân. Cỏ tự nó vươn cao, xanh ngắt, hoa tự nó sặc sỡ tỏa hương trong mùa Hạ. Lá vàng, lá đỏ, cành gẫy, cây đổ không phải ở trong mùa Thu, mùa Đông mà ở giữa trang thơ. Ngay cả những hạt kê cho chim ăn rơi ra từ máng, hay con giun trốn ở dưới phiến đá người làm thơ cũng nhặt lấy, cũng tìm ra rắc vào thơ, đặt vào giấy. Khi Người Làm Vườn tỉa đi những quả non, hốt đi những đám lá khô, chặt đi những cành mục thì người làm thơ cũng bỏ đi những bài thơ không phải là thơ, những chữ không phải là chữ. Những quả non đã bị thui chột không bỏ đi, cố giữ trên cây, sẽ trở thành quả đắng, chát, không có hương thơm. Chữ vô nghĩa không chuyên chở được ý không phải là thơ. Người Làm Vườn miễn cưỡng phải uốn cây theo hình con hạc, con nai cho vừa ý chủ nhà.

Nhưng Thi Sĩ thực sự là Thi Sĩ không phải làm thơ theo một chiều hướng nào, một nhu cầu nào ngoài chính nhu cầu của trái tim Thi Sĩ. Thi Sĩ không làm thơ theo cơn gió mà cơn gió phải đem thơ đến cho Thi Sĩ. Không phải chỉ vì mưa mà Thi Sĩ làm thơ nhưng chính Thi Sĩ làm những giọt mưa thành một trận bão thơ. Chiếc lá vàng từ phương xa bay lạc vào vườn không biết nói, Thi Sĩ phải than khóc hộ nó. Thi Sĩ có bổn phận làm cho chiếc lá hiện hữu. Người Làm Vườn không thắc mắc về hình dáng trái cấm trong vườn địa đàng nhưng Thi Sĩ vẽ ra một trái cấm với trăm nghìn hình thể khác nhau để người đời chiêm ngắm. Với Thi Sĩ, chẳng có trái cây nào gọi là trái cấm và ngược lại chẳng có trái cây nào cắn vào mà không vướng ở cổ cho đến tận kiếp sau.

Khi Người Làm Vườn chất củi thành đống trong lò thì Thi Sĩ là người đến châm ngọn lửa. Mặc dù Thi Sĩ ngủ cả bốn mùa nhưng ngọn lửa trong trái tim không bao giờ tắt. Như thế so ra công việc làm thơ và làm vườn không khác nhau là mấy.

Người Làm Vườn bảo:
- Thích quá! Hay là mình đổi việc cho nhau.
Từ đó người ta không phân biệt được giữa Thi Sĩ và Người Làm Vườn.

Trần Mộng Tú
Về Đầu Trang Go down
nguyen
Khách viếng thăm




 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: LÀM THƠ và LÀM VƯỜN    LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Icon_minitimeWed Aug 06, 2014 10:01 pm


Tỉnh Mộng


Truyện phiếm của Nguyên Nhung
 
Từ hôm thất nghiệp nằm nhà đến nay, ông đi ra di vào rồi thở dài thườn thượt. Chưa bao giờ thời gian nó dài như bây giờ, vậy mà nhiều người già cứ bảo nhau rằng : “quỹ thời gian ngắn lại dần, phải tận hưởng đi kẻo muộn.”
 
Ấy, đi làm tuy vất vả vậy nhưng được cái có đồng ra đồng vào, cày nhiều hưởng nhiều cày ít hưởng ít, nhưng lật bật thời khắc qua mau. Sáng, cứ đến giờ là dậy, hôm nào đồng hồ quên báo thức thì cũng bật dậy như cái máy, hệ sinh học trong một con nguời cũng trở nên thói quen như sáng thì phải uống cà phê, bỏ không uống nó lại buồn ngủ suốt ngày lơ láo không làm được việc gì nên thân. Chiều về nhà thì mặt trời sắp đi ngủ, ăn xong xem TV một lát ông cứ ngáp ngắn ngáp dài. Bây giờ ở nhà, cũng chẳng ngủ thêm được giấc nào, dậy sớm ngồi đó buồn tay buồn chân, buồn cả tim gan phèo phổi.
 
Đó là tại chưa quen, chưa chuẩn bị cho mình cái kiểu “retire” non mà sinh ra thế, chứ lâu rồi thì cái gì cũng thành nếp. Phải làm cái gì chứ! Thằng bạn cũ bạn cố tri thời đi học khoái viết lách lai rai, tặng cho vài tác phẩm mà đâu có giờ đọc, bây giờ mới nghĩ ra cái chuyện bồi bổ tinh thần , thể thao thể dục cái đầu cho nó khỏi oải ra rồi không nhớ gì hết thì chí nguy. Anh ta là một nhà văn, nên được khối người biết, hắn viết được mấy cuốn sách, hễ cuốn nào vưà in xong còn nóng hổi mùi mực in là đã gửi tới, với lời dặn dò đọc xong rồi cho ý kiến. Khổ thay, có bao giờ đọc được trọn vẹn một cuốn sách đâu, truyện ngắn thì may ra chứ truyện dài thì đầu hàng vô điều kiện. Đọc một ít trang đầu mắt đã díp lại, ngủ gà ngủ gật, nắm bắt một ít nhân vật xong thì vội lật đến chương cuối xem kết thúc thế nào, có những kết cuộc lấp lửng đọc chẳng hiểu gì, có cái “happy ending” châu về hiệp phố, có những chia ly tan tành xin đành “hẹn lại kiếp sau”.
 
Rầu nhất là sau đó tác giả thân ái mấy lần hỏi ý kiến ý củng thì ôi thôi, lúc ấy mới ngớ ra chưa nhớ được tên cuả nhân vật. Thôi đành phải lục lọi vài câu vô thưởng vô phạt, khen ngợi chung chung là truyện rất cảm động, đầy tính thuyết phục mà lại rất gần gũi với mọi người. Hì hì, cái này lại nhớ đến những tay thấy bói ăn tiền ngon ơ các bà nhẹ dạ hay đi tìm thầy để hỏi chuyện tào lao tương lai quá khứ. Tâm lý cả thôi, ai mà chả thích được thầy bói khen vài câu đại loại như thế này:
“Ông là bậc hiền nhân quân tử, sống có trước có sau, thấy chuyện bất bình thích ra tay nghĩa hiệp (trúng quá đi chứ lỵ!). Bà là người hiền hậu đảm đang , tính tình rộng rãi hay giúp đỡ kẻ sa cơ lỡ vận, dễ tha thứ cho người khác (cái này sai, thầy bói nói dóc nhưng bà cũng nhận tuốt).”
 
Thằng con út vưà tốt nghiệp Đại Học, gặp đận kinh tế xuống đi “apply” mãi cũng chưa tìm ra việc, thấy bố âu sầu vì thất nghiệp nên “đồng bệnh tương lân”, bèn tặng bố cái PC cũ để mầy mò cho vui, hướng dẫn cách lập một địa chỉ email để liên lạc với bạn bè, xem và đọc báo giải sầu cũng như cập nhật tin tức thế giới, từ quê nhà đến quê người. Ái chà, từ ngày có cái computer thì ông bỗng dưng thấy tâm hồn hình như hồi sinh trở lại, sau này đến giai đoạn làm thơ thẩn và tìm được người trong mộng thì hình như lại còn hồi xuân nữa ấy chứ! Khi đã biết gõ chữ Việt rồi thì ông nghĩ ngay đến chuyện viết văn, nhất là hồi ký đang thịnh hành ở cái tuổi thập thò bước vào “tri thiên mệnh” hay “lục thập nhi nhĩ thuận” như ông hiện tại. Ý nghĩ ấy vưà nảy ra trong đầu sao đã thấy xôn xao, nghĩ đến một ngày… ai cũng biết ông cũng là một nhà thơ, nhà văn như ai chứ bộ!!!
 
Trước tiên ông làm thơ, vì thơ thẩn chỉ cần ra sau nhà ngắm trời mây non nước, để nhớ lung tung là thành thơ:
 
“Có những buổi chiều như nhớ ai
Đường xa vời vợi núi sông dài
Một nửa trời hoen màu mực tím
Một nửa trời buồn như mắt nai”
(thơ NN)
 
Lắm khi cám cảnh cuộc đời, nhân tình thế thái, nghĩ cái thân bèo bọt như nước chảy huê trôi, ông cũng nhờ thơ mà tâm sự:
 
“Ta thấy bóng mình in đáy nước
Hồn ma bóng quế lạc đâu về
Gợn sóng phù du tan biến cả
Cuộc đời ảo ảnh tựa cơn mê...
(thơ NN)
 
Làm thơ nhanh chứ không mất công suy nghĩ mông lung nhiều quá như viết văn, truyện đọc dễ như ăn kẹo coi vậy mà nghĩ hoài chữ nghiã nhất định nằm ì trong đầu không gõ được lên máy. Kinh nghiệm viết văn ban đầu thường không phải là chuyện tưởng tượng ra mà viết được, nhất là với những người chuyên lao động tay chân với máy móc kỹ thuật như ông, khó tìm ra đề tài để viết ngoài chuyện viết hồi ký. Eo ơi! Cái này lại còn chết ngay chứ không ngáp ngáp, vì một ông bạn cuả ông cũng đã gần tan cửa nát nhà vì cái chuyện thích làm “dzăn sĩ” này lắm, bởi cái cơ quan kiểm duyệt bộ thông tin “nằm chung một giường, ăn chung một niêu” đã chặt nguồn cảm hứng từ khi câu chuyện còn đang dở dang, chưa kịp trình làng cho bà con làng nước xem để cùng “hoài niệm dĩ vãng” chung với mình.
 
Thời gian qua mau, khi thơ cuả ông được một tờ báo ở điạ phương đăng thường xuyên vì tay chủ bút nể tình là bạn cùng thời, từ đấy ông đã có lý do để giựt le với bà xã, bà cũng hãnh diện lây khi có dịp đi đâu với ông ra ngoài, gặp mấy ông bạn văn nghệ cuả chồng, khi giới thiệu họ chỉ rặt gọi ông là thi sĩ. Tưởng gì chứ nếu không quần quật với lũ cháu, lúc thúc trong bếp với nồi niêu xoong chảo thì phen này bà cũng nhất quyết làm thơ để được gọi là “nữ sĩ”. Mà cũng hay lắm cơ, từ ngày có cái còm-biu-tơ, lại trở thành nhà thơ thì bà thấy ông cũng dễ chịu hẳn đi, người ta bảo không có gì hay bằng lấy cái vui mà trám vào cái buồn, nó hoá giải tuốt luốt những điều lăng nhăng trong đời sống để “thân tâm an lạc”.
 
Rồi cũng từ thơ thẩn mà ông tìm được một niềm vui khác, cái vui này vui bằng mười cái kia, ông dấu kỹ như mèo dấu (…), không khoe ra cho vợ biết, bởi vì nó là niềm vui do Thơ mà có, nếu bà biết nó trám vào cái nỗi buồn kia thì ông hết đường thơ thẩn. Không hiểu ma đưa lối qủy đưa đường sao đó mà trong những người đọc thơ ông, lại có một bóng hồng rất nên thơ tuốt bên kia bờ đại dương ái mộ. Nàng tìm được địa chỉ email của thi sĩ rồi viết thư làm quen, nói lên sự đồng cảm cuả nàng về thế giới mơ màng lắm tơ vương, khiến ông sung sướng không thể tưởng được, do đó nguồn thơ lại càng lai láng, từ nay ngẫu nhiên ông đã có người trong mộng để làm thơ. Trong thi tập đầu tay, ông cũng bắt chước các thi sĩ khác, “luôn tri ơn và riêng tặng hiền nội, cùng các con yêu dấu ”, hi hi hi, bi nhiêu chữ là đủ ăn tiền rồi, mà bà cũng chả để ý đến thơ thẩn bao nhiêu, nếu chịu đọc kỹ từng bài thơ thì sẽ thấy ông làm thơ “cho ải cho ai” chứ có phải cho bà đâu mà vội tưởng …bở.
 
Trường hợp này ông cũng có đề phòng, nếu như ai đó có tật mách lẻo hay dòm ngó vào đời tư đời riêng cuả các thi sĩ, ông sẽ lấy bốn câu thơ chứng minh sự thành thật của mình cho bà xem:

“Thơ chính là Em, Em là thơ
Lẽ sống đời anh tự bao giờ
Gió, trăng, mây, nước, tình hư ảo
Tình lẫn vào Thơ chẳng bến bờ”
(thơ NN)

Hà hà, thi sĩ hơn người thường là ở chỗ đó, nếu không “anh hùng hào kiệt khác chi nhau”.
 
Càng ngày ông thấy mình càng yêu đời hơn, chủ trương thơ theo trường phái lãng mạn, vì chính trị thì nặng nề mà nàng thì đang ở quê nhà chẳng nên gieo rắc những chuyện rối rắm cho đời mất vui. Tay bạn thân tới nhà rủ ông đi biểu tình chống bọn Trung Quốc xâm lăng lãnh hải và lãnh thổ Việt Nam, ông cũng gạt ngay đi lấy cớ rằng đang bận, với lại chống chiếc làm gì cho mất tình anh em quốc tế “môi hở răng lạnh” bấy lâu nay, huống gì nó chuyên “lấy thịt đè người” thì khác nào “châu chấu đá xe” mà chống. Ôi buồn thay cho đất nước dân tộc có những hạng người hèn nhát như vậy, chống đã không dám chống lại còn bảo người khác đừng chống, nếu Lý thường Kiệt mà sống lại thế nào cũng nện cho ông vài hèo quắn đít về tội khiếp nhược, gập cả đầu xuống để bợ đỡ thằng hàng xóm to đầu chuyên đi ăn hiếp láng giềng, rồi bắt ông đọc hằng trăm lần bài hịch:

“Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”
 
Để tránh những rắc rối có thế gặp phải với người thơ bên trời quê hương, ông liền “phịa” là mình đang ở miền Đông Bắc, hai muà Thu Đông nối tiếp nhau nên lúc nào trời cũng lạnh và đời chỉ là một màu mây xám buồn như Thơ. Bởi vậy mới có chuyện buồn cười vì khí hậu ở đây vừa hết Tết là nóng thấy mồ tổ, trong khi ông đang làm thơ tả cảnh “tuyết bay trắng cả trời thương nhớ, ra vào quanh quẩn nhớ thương ai”, thì bà ở ngoài càm ràm cái máy lạnh hư mà không chịu gọi thợ đến sưả, suốt ngày cứ chúi đầu vào thơ với thẩn. Ông lấy câu châm ngôn “im lặng là dzàng”, làm thinh đóng chặt cửa để sáng tác cho người thơ bên kia đọc, chẳng rỗi hơi đấu khấu với bà.
 
Rồi từ đó thơ cứ vì thế mà thơ thẩn, thẩn thơ, thờ thẫn, chỉ “ếch-xơ-xai” cái đầu mà quên tiệt chuyện sáng tập thở, chiều tập đi cho cơ thể khoẻ mạnh. Người thơ bên ấy lại muốn tìm hiểu luôn về quá khứ, tình cảm, đời sống cuả nhà thơ, nên ông phải tìm một nguyên nhân phù hợp nhất với tuổi tác ở cái tuổi mặt chẳng búng ra sữa, tóc đã hai mùa thu đông mà chả lẽ lại còn độc thân lẻ bóng. Chuyện này không khó, cứ bịa là gia đình tan vỡ vì vợ chồng không hợp nhau, (mà hình như không hợp thật!), đời sống vật chất ổn định nhưng vẫn cô đơn vì không người chia xẻ. Phải có thêm tấm hình gửi về cho nàng thấy chân dung sầu đông cuả ông nưã mới đủ bộ, nên hôm ông bạn nhà giàu tới thăm, lái chiếc BMW láng coóng thì ông vội bảo thằng con lấy cái “digital camera” chụp cho bố vài “bô” làm kỷ niệm. Thằng con ông ngô nghê hỏi:
“Sao “Daddy” không chụp hình với cái Toyota nhà mình, bộ sợ người ta chê xe cũ hả?”
Ông mỉm cười bảo con:
“Cứ cho bố mấy tấm đèm đẹp một chút, gửi vể Việt Nam lòe thiên hạ chơi, có mất gì đâu mà sợ.”
 
Úi chời! Một lát khi hình hiện lên “desktop”, ông cũng ngẩn người ra mà ngắm mình không chán mắt, các cụ nói “người tốt vì lụa, luá tốt nhờ phân” có sai bao giờ, bên cạnh cái xe BMW đời mới trông mặt ông cũng toả sáng lên như đèn 100 Watt. Mà cũng tại thế này, người đẹp bên kia vẫn hay ỡm ờ dò hỏi đến chuyện đô la, xăng nhớt với lại kinh tế toàn cầu, rồi nhân thể than thở về cuộc sống  hiện tại, ông cũng mấy lần lén vợ gửi về cho nàng chút quà nhỏ gọi là chia xẻ nỗi khó khăn. Rồi cũng kín đáo gửi tấm hình, kèm theo lá thư kể cho nàng nghe ông mới tậu chiếc BMW để có phương tiện sinh hoạt với bạn bè. Sự thật thì  “Em yêu dấu cuả anh”, bên trời quê hương làm sao hiểu được cái cảnh ở bên này, nhiều tay buổi sáng “take a bus” xong lại phải bắt cái “metro”, còn “walking” tướt khói một quãng nữa mới tới được sở làm, vì thành phố đất chật người đông, không có đủ “Parking” cho người ta đậu xe, muốn đậu thì phải trả tiền, mà đậu bậy thì xe bị… kéo.
 
Giá như, ừ nhỉ giá như cuộc đời cứ êm êm trôi đi như dòng nước chảy, thì ông đã có cơ hội “về với quê hương” để gặp người trong mộng rồi. Thế mà (thở dài vài hơi cho đỡ buồn), đời như ảo mộng mà lắm khi cũng là ác mộng, cho đến một hôm cái còm-biu-tơ bị Virus do mấy thằng tin tặc tấn công thì ông mới biết thế nào là ảo mộng. Bao nhiêu thứ nâng niu cất giữ trong đó đều mất hết như một thoáng mây bay, cả hình ảnh nàng cũng chìm vào trong bóng tối cuả cái màn hình đen kịt, tự nhiên ông thấy thiêu thiếu cái gì đó mà sống thì hình như chết mà biết… thở.
 
Nhưng chuyện ấy thì thằng con khi đi chơi xa về có thể giúp bố phục hồi lại được, còn một chuyện quan trọng hơn là bấy lâu nay, ông cả ngày chúi đầu vào đấy mà quên chuyện thể dục thể thao cho cái thân già, nên bây giờ bao nhiêu thứ bệnh nó mới ào ạt chạy ra tấn công. Ông chống đỡ lại cả hai mất mát một lúc, y chang vị tổng thống trẻ nước cờ Hoa khi mới lên ngôi đã cuống quýt la làng vì kinh tế suy thoái trong nước, chưa kể mấy chỗ chiến tranh xa xôi chưa giải quyết xong, còn thêm mấy thằng khủng bố thèm lên thiên đàng bằng con đường tử đạo, mấy thằng đàn em nghèo ở xa nằm vạ định “dây máu ăn phần” nữa chứ!
 
Hai cái buồn một lúc ào ạt đổ vào, giờ này lại dư thì giờ để nghiền ngẫm cái buồn nên bịnh ông hoá thành nặng thật. Đi đứng lảo đảo, mắt mờ, đầu choáng váng, vì ngồi hoài một chỗ cẳng chân lại sưng to lên như hoa chuối hột, khiến ông hơi lo lo vì các cụ lang ta thường bảo “đàn ông sưng chân, đàn bà sưng mặt, ba bảy hăm mốt ngày ra nằm với giun”, chẳng lẽ mình cũng sắp “xí lắc léo” rồi sao?!! Trạng thái suy thoái tâm lý khiến bịnh càng nặng hơn, ông bỏ ăn thiếu ngủ, tim đập rầm rầm như trống ngũ liên, đi một tý đã thấy mệt, tự nhiên người nó “oải” ra không đứng lên được, khi ấy chỉ có “mẹ thằng cu” ở trong nhà quýnh quáng gọi “emergency” đưa ông đi nhà thương, hò hét con cái xa gần về lo cho bố. Khi thoát nạn ông mới tỉnh ra và nghĩ đến câu viết ở trang đầu thi phẩm đầu tay, trong lúc này cần phải viết hoa: “Luôn Tri Ơn Hiền Nội Cùng Các Con Yêu Dấu” là trúng nhất.
 
Nằm vắt tay lên trán, ông cảm thấy có chút ray rứt trong lòng. Cuộc đời có trải qua những lúc như lúc này, ngẫm nghĩ lại mình có nhiều hạnh phúc mà không biết hưởng, cứ mơ màng hạnh phúc ở đâu đâu. Ngày xưa hồi đeo đuổi nhau bà cũng thuộc loại “giai nhân”, mắt biếc môi hồng, bây giờ theo thời gian môi mắt mới nhợt nhạt ra thế, nhưng mấy ai nấu ăn ngon bằng bà, mấy ai chịu chăm sóc cửa nhà, chăn dắt con rồi lại đến đời cháu như bà đâu. Nghĩ lại, ông mới thấy mình có nhiều thiếu sót với người bạn đời, chưa thể hiện những điều tử tế trong nhà thì mong gì tử tế với ai. Nhất định phen này sau khi hết ốm, ông sẽ mượn vài vần thơ đẹp của một thi sĩ để cảm ơn bà xã:

“Cảm ơn em ấm vần thơ
Nửa em ghép với bóng mờ nửa tôi
Thế là đũa lại thành đôi
Gắp cay đắng trộn ngọt bùi ngon cơm
(thơ Trầm Vân)
 
Nguyên Nhung

 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Nguyen-nhan-va-khac-phuc-benh-nhuc-moi-o-nguoi-cao-tuoi
Về Đầu Trang Go down
vungoc
Khách viếng thăm




 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: LÀM THƠ và LÀM VƯỜN    LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Icon_minitimeFri Aug 08, 2014 1:05 pm


Vườn nhà là một cõi thiên nhiên riêng


Bích Huyền


 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Vuonnha2


Một trong những vẻ đẹp, vẻ dễ thương của căn nhà ở xứ Mỹ này là, dù lớn hay nhỏ, cũng được người ta thiết kế sao đó, để mỗi nhà đều có thể có được một chút vườn. Vườn ở đằng trước, đằng sau hay bên hông nhà. Vườn rộng người ta trồng thêm cây ăn trái. Cam, quýt, nhãn, ổi…Có lẽ đất đai Hoa Kỳ màu mỡ nên sai trái mỗi mùa, cho đi không hết! Lại phải thuê Mễ đến dọn dẹp đổ đi. Vườn nhỏ thì chỉ có cỏ và hoa thôi. Đối với gia đình có người già, vườn là chỗ tiêu hao ngày tháng rất tốt, lành mạnh.

Ở quận Cam, nhất là khu Little Saigon, thuộc thành phố Westminter hay Garden Grove thì không nói đến, vì nhà nào gần như cũng là người Việt. Nhưng nếu đi xa xa một chút sang thành phố khác, quận khác, thì chỉ cần nhìn thấy thấp thoáng những cây trồng trong vườn hay trước hiên nhà, người ta có thể đoán mà không sợ lầm rằng, chủ nhân là người Việt Nam: một giàn mướp, một bụi chuối, một khóm tre, một cây mận, một cây ngọc lan chẳng hạn. Người ta cố thu nhỏ quê hương vào trong những hình ảnh bé nhỏ đó cho vơi lòng thương nhớ.

Vườn còn là cõi thiên nhiên riêng của người ta nữa. Thiên nhiên ở ngoài đường, ngoài phố là thiên nhiên chung. Khi về nhà, bước ra vườn của mình, người ta có cái cảm tưởng nhẹ nhàng, đó chính là chút thiên nhiên của riêng mình. Có đủ cả trời mây hoa lá. Có rào vách ngăn chia cách với láng giềng.
 
Mấy hôm nay trời mưa, lại thêm người không được khỏe, hay rõi mắt ra ngoài nhìn ngắm cây cối trong vườn. Dù khu vườn không đẹp nhưng tôi vẫn yêu vì đa số cây cối trong vườn là do chính bàn tay tôi trồng khi cây còn bé xíu. Một trong những cây đào hôm nay hoa vẫn còn tươi thắm. Bao giờ cây đào cho hoa màu đỏ này cũng nở muộn. Năm nay nở càng muộn hơn, đến nỗi tôi tưởng cây đã chết rồi, tính ra Giêng thuê ông Mễ đào bỏ đi. Không ngờ có một hôm đứng bên cửa sổ trên lầu, nhìn thấy duy nhất có một bông hoa nở. Mừng quá! Như vậy là cây vẫn còn mầm sống. Mấy hôm sau lác đác thêm một hai bông… Và cứ thế mà cây nở đầy hoa. Hôm nay còn tươi thắm. Mưa làm rụng bao cánh hoa, gió vun vào thành một khối màu xác pháo trên nền sân trải xi măng. Mỗi khi ra vườn, hay chỉ đứng nơi cửa sổ nhìn ra lòng tôi bỗng thấy êm ả lạ thường. Không gian ấy, nhìn từng gốc cây, chậu cảnh, tôi lại nhớ đến gương mặt những người thân thiết với nhau trong cuộc sống . Nào những cây chanh, một của Minh Phượng Radio Bolsa, một cây nữa là loại chanh Thái Lan, lá rất thơm của Trần Vũ Bách, kỹ sư Boing, vừa là một nhiếp ảnh gia tài tử, lại có tài nấu nướng. Bách đã từng đến phòng thu thanh giờ tôi làm việc và ghi lại cho tôi nhiều hình ảnh rất tự nhiên và nghệ thuật. Mỗi lần nấu canh chua Thái, hái một vài lá chanh ấy là nồi canh dậy mùi thơm lừng. Nào cành hồng cắt tại khu vườn nhà cũ của Quỳnh Lưu. Chậu lan chị Hồng Vũ Lan Nhi cho ngày họp mặt các anh chị em trong Diễn Đàn Trưng Vương trên Việt Báo Online cách đây nhiều năm, mỗi năm hoa vẫn nở. Những ngày ấy thật vui, chúng tôi hàng ngày gặp nhau trên diễn đàn, trao đổi thơ văn, chuyện trò đủ thứ chuyện trong cuộc sống. Rồi có khi hẹn hò, gặp gỡ cả các bạn trong Diễn đàn Gia Long, Sương Nguyệt Anh tại nhà tôi, nhà chị Hồng Vũ Lan Nhi… Những gương mặt thương mến ấy, bây giờ ở đâu? Hay vẫn ở quanh đây, nhưng rất ít khi gặp lại. Không biết có ai còn nhớ tới những tháng ngày vui cũ?
 
Chậu cây sống đời mỗi năm lại cho tôi những chùm hoa vàng nho nhỏ rất dễ thương, chị Minh Chúc, đàn chị Trưng Vương của tôi đã cho khi tôi mới dọn đến căn nhà này. Cây sống đời cho hoa màu đỏ là của chị Nguyệt Điện, chủ nhân một tiệm may áo dài tại Little Saigon. Mỗi lần cần có áo mặc để phù hợp với bài nói chuyện trên sân khấu, chị sốt sắng may trong vòng có một ngày. Những chậu quỳnh, cành giao và những cây hoa cỏ nở quanh năm những bông hoa năm cánh màu hồng dễ thương duyên dáng của chị Dung Lê Đình Điểu tặng từ ngày đầu tiên dọn đến căn nhà mới , gần mười lăm năm về trước. Cây lan, chậu cúc Đại Dương, Hùng Cường tặng mỗi năm, Tết năm nào cũng rực rỡ hoa vàng. Chưa kể vô vàn những bông hoa dạ lý hương màu trắng từ hai bên hàng xóm lặng lẽ leo sang tỏa hương thơm nhẹ… Cao nhất là bốn cây đào. Ba cây hoa màu hồng từ vuờn nhà Đặng Trần Hoa, nhân viên phát hành kỳ cựu của nhật báo Người Việt. Gia đình Hoa có một cuộc sống đạo đức, rất giản dị, chăm sóc dạy dỗ các con thành công nơi xứ người. Giờ đây chỉ có thú vui cùng cỏ cây hoa lá vườn nhà. Tôi nhớ mãi bát canh tôm hoa thiên lý, bát canh rau sắng (từ chùa Hương mang về trồng). Ngọt lịm. Vợ chồng Đặng Trần Hoa là một người có tấm lòng nhân hậu luôn quan tâm đến những người chung quanh kém may mắn và tận tình giúp đỡ trong khả năng, bất cứ lúc nào. Một cây nữa hoa màu thẫm hơn, hồng như xác pháo là của Xuyến, một trong những vị thính giả đầu tiên của tôi và Quỳnh Lưu. Quỳnh Lưu là con gái một chị đồng nghiệp dạy học với tôi từ Saigon. Khi mới sang Mỹ, tôi lại là cô giáo tư gia hàng ngày buổi chiều đến nhà dạy tiếng Việt hai cháu con của Quỳnh Lưu. Quỳnh trong một chương trình kéo dài một giờ, mà thính giả báo tin cho nhau, chờ đợi gọi vào trò chuyện, mỗi tuần một đề tài, xoay quanh những sự kiện xảy ra hàng ngày về đời sống, văn học, nghệ thuật, chính trị…Ngay cả vấn đề thời sự nóng bỏng nhất đang xảy ra. Cũng chính thính giả đặt cho cái tên cho chương trình là “Tâm tình với nhau”, trên hệ thống Radio Việt Nam đầu tiên có tiếng nói trên làn sóng quận Cam. Sau này Xuyến là mẹ vợ Excetra báo Việt Weekly, một tờ báo trẻ ngày nào mưa gió chốn Bolsa nay cũng không còn nữa. Cuối góc vườn là một cây hoa lồng đèn đỏ cũng từ vườn nhà Xuyến mang về. Lác đác những bông hoa nở bốn mùa trong nắng lung linh, rủ xuống rất dễ thương… Còn nhiều loại cây giây leo, hai chậu cây liễu Tú, Uyển mua về trồng vẫn xanh tươi sức sống. Mùa thu lá chuyển thành màu đỏ làm rực rỡ bức tường gỗ trắng. Ngay cả hai cây sung trời cho mọc tự nhiên trong một góc đầu nhà, cũng vươn cao xanh tốt. Và mới đây thôi, một giây leo của loại cây tên gì không biết, khi cùng Tuyết Trinh đến thăm ngôi nhà mới của cô bạn Hà Thanh, tôi đã hái một giây mang về cắm xuống trồng hôm nay cũng đã cho tôi vài ba bông hoa màu hồng hé nở . Hoa nhỏ chỉ bằng 1/10 hoa nhà Hà Thanh thôi nhưng vẫn xinh đẹp vô cùng! Khu vườn nhỏ trước nhà, có cây ổi từ khu vườn của anh chị Vinh-Dần, thông gia của thông gia của tôi, có năm ra trái rất thơm ngon. Và cây ngọc lan của chị Dung-Lê Đình Điểu, hoa nở gần như bốn mùa. Tôi thường hay hái một đĩa hoa trắng muốt ngát hương thơm đặt cúng trên bàn thờ. Đôi khi nhìn cây, tôi lại nhớ tới cây ngọc lan trong khoảng vườn nhỏ ngày xưa trước nhà của gia đình tôi ở đường Hoàng Diệu, Khánh Hội. Mẹ tôi hay ngắt một bông hoa cài lên búi tóc sau ót, hoa tỏa hương thơm nhẹ. Ngày đó, các anh lớn ở xa, anh Thế, chị Dung thì du học Mỹ. Cho nên, nơi đó mỗi buổi chiều mẹ tôi và tôi hay đứng trước thềm thầm nhớ những thành viên gia đình ở xa, hóng mát từ bến tàu thổi về… Ngọc Tâm, cô bạn cùng trường cùng chung lối xóm nhỏ Đỗ Thành Nhân, sau này bà mẹ NgọcTâm- mà gia đình tôi luôn trân trọng gọi là “Cụ Phủ” vì ngày xưa ông cụ làm quan trong triều Nguyễn, cũng mua nhà trên con đường Hoàng Diệu. Chúng tôi có những năm dài thơ mộng của tuổi mới lớn bên nhau cho đến ngày nay. Cảm ơn những người thân yêu trong cuộc sống, cảm ơn cây cối vườn nhà đã thầm lặng mà cùng chung sống, dẫu biết rằng những thành viên trong ngôi nhà chẳng có ai biết làm vườn và chăm sóc thường xuyên! Vườn nhà tôi không đẹp bằng những khu vườn Việt Nam khác trên đất Mỹ nhưng tôi vẫn yêu vì những hình ảnh và tình cảm của biết bao nhiêu người thương mến dành cho.
 
Thi ca và âm nhạc của Việt Nam, của thế giới cũng không thiếu những người ca ngợi vườn. Tagore có tập thơ mang tên “Người Làm Vườn”. Catherine Mansfield có tập truyện ngắn nổi tiếng, được đặt tên có một chữ “Vườn” thôi. Những người yêu thơ Đường không ai lại không biết câu thơ tuyệt bút của Đỗ Phủ: “Cô chu nhất hệ cố viên tâm” . Xin tạm dịch: Con thuyền lẻ loi buộc chặt hồn người với nơi vườn cũ bằng một sợi giây. Có thể nói, thi sĩ của chúng ta , không một ai không nói về vườn trong thơ của mình.

Hàn Mạc Tử viết:

Sao anh không về thăm thôn Vỹ
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền

Xuân Diệu thì lúc nào cũng như bị giục giã bởi thời gian:

Mau với chứ! Thời gian không đứng đợi
Tình thổi gió, màu yêu lên phất phới.
Nhưng đôi ngày, tình mới đã thành xưa
Nắng mọc chưa tin, hoa rụng không ngờ
Tình yêu đến, tình yêu đi…ai biết
Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt
Những vườn xưa nay đã tuyệt dấu hài
 
Chưa ai bỏ công để đếm xem Nguyễn Bính đã bao nhiêu lần nhắc đến vườn trong thơ của ông. Nhưng chỉ đọc và chỉ nhớ thoáng qua thôi, người ta cũng biết ngay rằng, Nguyễn Bính là người yêu vườn hơn ai hết:

Bỏ lại vườn cam bỏ mái gianh
Tôi đi gian díu với kinh thành
Hoa thơm mơ mãi vườn tiên giới
Chuốc mãi men say rượu ái tình

Ngày xưa còn bé, Nhi còn đẹp
Huống nữa giờ Nhi đã đến thì
Tháng tháng mươi mười lăm buổi chợ
Cho người thiên hạ phải say mê

Xóm chị em Nhi ở mấy nhà
Bến đò đông vắng? Chợ gần xa?
Nhà Nhi thuê có vườn không nhỉ?
Vườn có giồng cam, có nở hoa?
 
Tôi nhớ có một chương trình thơ nhạc trên đài VOA vào những năm tháng đầu tiên thập niên 1990, có nói về cảm nhận mảnh vườn xưa của Tế Hanh, sau đó nhận được nhiều thư của thính giả từ Việt Nam chung tiền bưu phí gửi sang Mỹ:
 
Vườn Xưa

Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Hai ta như ngày nắng tránh ngày mưa
Như mặt trăng mặt trời cách trở
Như sao hôm sao mai không cùng ở
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa?
Hai ta như sen mùa hạ cúc mùa thu
Như tháng mười hồng tháng năm nhãn
Em theo chim đi về tháng tám
Anh theo chim cùng với tháng ba qua.
Một ngày xuân em trở lại nhà
Nghe mẹ nói anh có về hái ổi
Em ngước nhìn vòm cây gió thổi
Lá như môi khẽ gọi anh về.
Lần sau anh trở lại một ngày hè
Nghe mẹ nói em có về bên giếng giặt
Anh nhìn giếng, giếng sâu trong vắt
Nước như gương soi lẻ bóng hình anh.
Mảnh vườn xưa cây mỗi ngày mỗi xanh
Bà mẹ già tóc mỗi ngày mỗi bạc
Hai ta ở hai đầu công tác
Có bao giờ cùng trở lại vườn xưa…
 
Theo một tài liệu, bài thơ Vườn Xưa của Tế Hanh bị cán bộ Văn hóa và ông Tố Hữu phê bình gay gắt, thu hồi tạp chí đã đăng bài thơ. Sau đó được một trí thức miền Bắc hồi chánh trong trận chiến Mậu Thân phổ biến, bài thơ được đón nhận vì tâm tình rất thật, rất đáng trân trọng trong khi người Cộng sản lại rất sợ những bài thơ như thế và cấm đoán.

Vườn là nỗi mong ước gần gũi nhất người ta muốn trở về để nhìn thấy những người thân yêu. Ngôi từ đường , mảnh vườn cũ , biểu tượng cho nguồn gốc Tổ tiên, ông bà rồi cha mẹ đã ở, truyền lại cho nhau. Nhưng những biến động của lịch sử đã làm cho người ta cứ phải trôi giạt mãi…Đến nay, có mấy gia đình có thể nói là “tứ đại đồng đường” (bốn thế hệ cùng ở trong một nhà). Nhất là những khu vườn của Người Việt trên xứ Mỹ này nữa. Hai đời cũng khó nói chi đến bốn. Có người già nào tin được rằng cái khu vườn mình chăm bón, mai này con cháu sẽ về ở? Ngay cả đến ở nơi quê nhà, khu vườn xưa của cha mẹ mình hay ngôi nhà xưa của chính mình nếu có trở về thì cũng chỉ đứng ngoài nhìn vào….ngậm ngùi. Cuộc sống đã đổi khác. Nhưng sao lòng vẫn không nguôi khi nhớ về những mất mát đổi thay.
 
Làm sao tôi có thể quên được ngôi nhà to đẹp của bố mẹ tôi ở Thái Bình. Ngôi nhà này, tôi đã mô tả thật chi tiết trong bài Những Ngày Thơ Ấu, bài đầu tiên trong Tập bút ký Lối Cũ Chẳng Sao Quên của tôi xuất bản thập niên 1992 tại Nam Cali. Khi bài này xuất hiện trên báo Người Việt, có một vị độc giả viết thư rằng “Ngày xưa tôi cũng ở Duyên Hà, Thái Bình. Tôi đã từng đi ngang qua nhà BH nhiều lần và có ghé vào lối đi trước cổng, rửa chân nơi cái ao có hai bậc cầu đi xuống, dòng nước rất trong …”. Ngôi nhà ấy khi xây cất lên như vậy, có lẽ anh chị em tôi chỉ sống có vài ba năm thì chiến tranh Việt Pháp bùng nổ. Hai người anh lớn trong gia đình tham gia phong trào Thanh niên cứu quốc. Người anh thứ ba lúc đó đang bị bịnh nên cha mẹ tôi giữ lại nhà. Vì thế sau này mới cùng gia đình di cư vào Nam, trở thành một bác sĩ Quân Y Việt Nam Cộng Hòa. Bây giờ ông anh tôi cũng không còn nữa. Vì ngôi nhà cao nhất một vùng, lại rộng lớn nên trong thời chiến tranh, đã trở thành căn cứ trấn đóng của Tiểu đoàn do Trung uý Tôn Thất Đính là Tiểu đoàn trưởng. Rồi chẳng bao lâu, nguyên vùng đó trở thành bình địa, trong đó có ngôi nhà tuổi thơ của tôi. Bốn khu vườn bao quanh luôn xanh tươi cây trái, lá hoa bao bọc quanh nhà giờ đây vẫn còn mường tượng trong trí nhớ nhỏ nhoi của tôi với bao tiếc nuối.

Vào Nam theo bố mẹ, ở qua mấy căn nhà từ nhỏ xíu đến rộng lớn hơn, di chuyển vài ba lần. Căn nhà đầu tiên trong một con hẻm sâu đường Đỗ Thành Nhân, Khánh Hội. Rộng ba mét, dài bẩy mét. Chỉ có mỗi một phòng. Không có bếp. Nấu ăn rửa chén, chỉ có một chút xíu đất lộ thiên bên hông nhà. May mà có gác xép, thấp lè tè, người có chiều cao có thể đụng đầu. Vậy mà chị em chúng tôi vẫn thấy ấm cúng. Căn gác hoàn toàn không có bàn ghế, chỉ có chiếu chăn nằm mỗi đứa một góc. Sau này cũng có chiếc bàn vuông nhỏ, hai ba chiếc ghế đẩu -loại ghế thấp để chị em tôi ngồi học. Ông anh lớn thì ở trong Đại học xá, được chính phủ nuôi. Nhớ năm học đệ thất (lớp 6), giáo sư Việt Văn cho đề Luận văn “ Hãy tả ngôi nhà em đang ở”. Thế là tôi mơ mộng, tả một ngôi nhà trong tưởng tượng. Có cổng, có khu vườn trước, vườn sau. Nhà có phòng ăn, phòng khách, phòng ngủ tiện nghi…Trong khi bài văn hạng nhất được đọc cho cả lớp nghe là của một bạn tả lại ngôi nhà nhỏ bé, y chang ngôi nhà của gia đình tôi ở một xóm lao động Khánh Hội. Ngôi nhà của gia đình bạn tôi ở trong khu Bàn Cờ, nhà cửa chi chít dọc ngang, cũng nhỏ xíu. Đa số là của người dân miền Bắc di cư 1954. Buổi tối, dưới ánh đèn câu mờ ảo, mấy anh chị em ngồi học lúi húi bên nhau, phải ngồi trên sàn gác xép, bàn viết là chiếc vali bằng gỗ mang từ miền Bắc vào v…v… Tại sao gọi là “điện câu”? Vì ngày đó không phải nhà nào cũng có dòng điện riêng vì đắt lắm. Phải nối đường dây điện từ một người trong xóm và trả tiền mỗi tháng cho họ. Nhiều nhà câu quá nên dòng điện yếu, cứ mờ mờ tối. Bài hát Xóm Nghèo của nhạc sĩ Phạm Đình Chương cũng mô tả như thế. Tôi rút ra được một kinh nghiệm: Mơ mộng, tưởng tượng không thế nào bằng thực tế cùng với quyết tâm vượt khó của mình. Tuy nhiên cũng đừng vì thực tế quá mà đời sống khô khan. Đôi khi vẫn có những phút giây mơ mộng, lãng mạn một chút cho cuộc sống thêm nhiều nhiều màu sắc.
 
Cuối cùng là khu vườn nhà tôi ở tại Đà Lạt ngày nào… Với cây hoa sứ ban đêm phảng phất hương. Màu cỏ úa vàng xơ xác. Cây lá thi nhau mọc và mùa thu trút lá vàng. Ngày nào chú lính phụ trách cũng lo quét gom những lá vàng thành từng góc nhỏ. Tôi vẫn yêu và từng ngắm nhìn những bông hoa dại mỏng manh mọc ven đường, lối vào cổng nhà hay trên bãi cỏ non xanh tr ước cổng nhà. Chúng mọc tự nhiên như món quà tặng từ trời, từ đất dành cho con người. Những bông hoa giống như một loại cúc dại nho nhỏ màu vàng, tự nhiên đua nhau mỉm cười trong nắng gió như tự khoe sắc với thiên nhiên.
 
Trải qua bao dâu biển, những ngôi nhà xưa chỉ còn trong trí tưởng. Mảnh vườn nơi quê cũ chỉ còn là nơi chốn đi về của một ký ức xa xôi trong một thoáng nào đó chợt khơi dậy, nhớ về. Đôi khi, nhìn vạt nắng vàng vọt cuối ngày, nhìn từng chiếc lá lặng lẽ rơi giữa mênh mang chiều nhẹ xuống bỗng dưng lòng chùng xuống như một nốt nhạc trầm, rồi thoáng bâng khuâng nghĩ về một cuộc sinh tồn của con người,của thiên nhiên cỏ cây đang lặng lẽ diễn ra trong đời sống. Và mỗi lần như thế, như trong lúc này đây, đối với tôi mỗi lần nhớ tới, lại cảm thấy như được trở về với bao thiết tha gần gũi, như một phần không thể thiếu trong mỗi đời người. Hồi tưởng để nhớ về những ngày tháng trôi qua trong cuộc đời, những khoảng cách không gian hư hư thực thực, mờ ảo như mây như khói. Lòng lại dặn lòng, cần phải sống nhẹ nhàng hơn, ý nghĩa hơn trước bao nhiêu sự đổi thay của cuộc sống, kể cả sự thay đổi của lòng người…
 
Cali, 2014
Bích Huyền 

http://www.art2all.net


 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Vuonnha1
Về Đầu Trang Go down
vungoc
Khách viếng thăm




 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: LÀM THƠ và LÀM VƯỜN    LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Icon_minitimeSat Aug 09, 2014 1:19 pm

 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Cuc0

Hương Cúc

Nghiêng xuống hiên cúc vàng
hồn cong theo từng cánh
bàn tay xanh như lá
vạt áo chạm vào thu
thời gian khe khẽ nhặt
sợi tóc vừa sang mùa

năm bay chùm phấn hoa
ngày mềm trên cánh lá
thu ngập ngừng  gõ cửa
hiên cúc vàng đầm hương
không gian im lặng quá
hoa tan vào trong trăng
chân ai bước rất nhẹ
gót cũng pha sắc vàng

tay ai về trên tóc
đầu ai về ghé vai
tình ai về trên ngực
môi ai về thơm hơi
mắt ai về trong mắt
đóa cúc nào vừa rơi

hoa vàng hay trăng vàng
làm cho em bối rối
hương cúc đẫm trong đêm

anh ơi, thu đã tới



Khói Thu

Sáng hôm nay khói sóng phủ  mặt sông
anh biết đó tình em rồi cũng khói
chiếc metro đi theo bình minh gọi
cả chuyến xe trôi xuống vịnh sương mù

Anh biết đó mùa thu mang vàng tới
em cứ ngẫm hoài hai chữ quan san
ở đầu sông có bức tường trắng lắm
em đứng cuối sông mà thấy ngút ngàn

Anh biết đó hàng cây kia rồi đỏ
lá thu phong phủ kín bước em đi
em bối rối khi chọn mầu son mới
đón thu sang là vuột mất xuân thì

Anh biết đó ngọn đồi kia rồi ướt
mặt trời lên sẽ run rẩy trong sương
vì sao mai đánh thức bình minh dạy
báo tin, Thu đã chặn mọi ngả đường

Anh biết đó mùa thu rồi sẽ gió
em sẽ nhớ anh trên cả hai vai
em nhớ anh khi bàn tay em lạnh
em nhớ anh rồi …
                    anh có nhớ ai



Mưa Đầu Thu

Những chiếc áo mong manh như nắng
đã xếp vào ngăn tủ thật sâu
mùa hè nghi hoặc không còn nữa
áo thu tung những sợi len mầu

sáng nay cơn mưa vồn vã tới
mặt đất khô giàn giụa bình minh
em mở cửa đón hơi gió lạnh
quơ tay ôm hạnh phúc cho tình

bàn chân cong giẫm nghe thời tiết
thời tiết nhỏ từng giọt vơi đầy
lòng em hoang mang như lòng đất
mùa thu thơm trên cọng cỏ gầy

Chiếc cổng gỗ bên vườn đã mở
em đứng nghe mưa suốt một ngày
có cô sóc nhỏ vừa ghé tới
cô gọi tên anh sáng hôm nay


Thơ tmt


 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN 1459974_612453228800537_695565054_n
Về Đầu Trang Go down
vungoc
Khách viếng thăm




 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: LÀM THƠ và LÀM VƯỜN    LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Icon_minitimeTue Aug 12, 2014 8:31 am

 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Images?q=tbn:ANd9GcT5zuhFM-tvW1ERye73t5KfL6OMJkGjcltSePFTz-rlHCVntG6g

Phu giữ vườn thơ
Tác giả: Thơ Đường - Xướng Họa
(thân gửi những người trong cuộc)

Phu giữ vườn thơ tưới nước thơ
Thơ chen nhau mọc thỏa mong chờ
Cành vươn hoa thắm chào ong bướm
Nhụy tỏa hương nồng dệt tóc tơ
Khéo vụng chân chen theo mỗi bước
Non già tay vói tận đôi bờ
Vườn xuân nay rộn lời oanh yến
Phu giữ vườn thơ toại ước mơ.

Lá chờ rơi


VƯỜN MƠ CỦA BÁC LÁ

Ta mua mảnh đất để ươm thơ
thư quán bán luôn khách khỏi chờ
cuốc đất lão trồng gieo mấy ý
chắn che tri kỷ ngại đường tơ
luật niêm nhẹ sửa lo gìn giữ
bằng hữu chung thơ thả chất bờ
hoa nở tiếng lòng ai có biết
vuốt râu thanh thản... với vườn mơ

LangTu Ha Noi


Vườn Thơ

Lưu Vĩnh Hạ

Vườn thơ có nắng xuân hồng
Có 3 cô gái chưa chồng còn son
Trên cành còn những lá non
Lắm trái tim cũng mõi mòn từng đêm

Vần thơ là những giao duyên
Nửa vầng trăng đợi bên thềm giăng giăng
Buộc ai sợi chỉ hiền lành
Trói ai_ Ai trói bâng khuâng đêm về

Xin em đừng để tóc thề
Trái tim cánh mỏng chưa che hết buồn
Vẫn còn trắng quá tay không
Sợ con sóng vỗ vào trong lòng thuyền

Vẫn 3 cô gái mắt huyền
Vườn thơ xanh sắc còn nguyên dấu hằn
Trong ta như đã mấy lần
Mà nghe thăm thẳm gọi thầm tên nhau

Vườn thơ xanh ngát lá trầu
Hương cau ngan ngát bay vào sân em
Lẫn trong câu hát kiếm tìm
Nửa vầng trăng đợi con thuyền ca dao

Vườn thơ cây trái ngọt ngào
Cành vông sắc lá đượm màu quê hương
Bây chừ ta vẫn người dưng
Lạ trong những buổi hoàng hôn chờ người
.
Về Đầu Trang Go down
vungoc
Khách viếng thăm




 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: LÀM THƠ và LÀM VƯỜN    LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Icon_minitimeThu Aug 14, 2014 10:40 am

 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Hoa-huong-duong-11-20130412150820


Cánh đồng hoa hướng dương ở làng Rozsypne

Trần Mộng Tú

 

Cánh đồng hoa hướng dương (*) tháng bẩy
vàng đến tận chân trời

Những bông hoa khi nở hướng về phía mặt trời
đang giàn giụa khóc

Tôi mang cái giỏ hái hoa trên lưng
cúi xuống hái cánh tay em, hái bàn chân mẹ

cánh đồng hoa
cánh đồng hoa
cánh đồng hoa

những mảnh kim loại rơi xuống cánh đồng
uốn cong
giống những cánh hoa chớm nở

những đóa hướng dương bị chém ngang đầu
rơi như đầu em bé

bây giờ cánh đồng này
có thêm loài hoa mới
những đóa hoa thơm mùi thịt da người

Với chiếc túi trên lưng tôi đi lang thang trên cánh đồng hoa
ngước mặt về phía mặt trời

làm sao tôi nhặt được gần ba trăm tấm hình hài
đủ cả tay chân

tôi sẽ ráp thân thể kia vào chiếc đầu này
tôi sẽ ráp bàn tay này vào cánh tay kia
rồi tôi đắp những cánh hướng dương vàng trên vết cắt thịt da
như người ta dùng keo
dán những chiếc bình đã vỡ.

Ôi cánh đồng hướng dương màu vàng rực rỡ
hứng những mảng thịt cháy đen

và trái tim tôi nức nở.

 
Tháng 7/2014


(*) Cánh đồng hoa hướng dương ở gần làng Rozsypne trong khu vực Donetsk, Ukraine. Nơi chiếc máy bay của hàng không Malaysia MH-17 bị bắn rơi với 298 hành khách vào ngày 17 tháng 7 năm 2014.

 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Images?q=tbn:ANd9GcTbJe8cjxspWcesy47IywoBRajh-BEUiMg86SJuB2b1PC_mpjgpBQ
Về Đầu Trang Go down
vungoc
Khách viếng thăm




 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: LÀM THƠ và LÀM VƯỜN    LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Icon_minitimeMon Aug 18, 2014 11:51 pm

 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Imgres?imgurl=http%3A%2F%2Fimages1.afamily.channelvn.net%2FImages%2FUploaded%2FShare%2F2011%2F03%2F31%2F113103DStrongrau-2-copy.jpg&imgrefurl=http%3A%2F%2Fafamily.vn%2Fdoi-song%2Fcac-me-lai-dua-nhau-trong-rau-vi-bao-gia-20110331104159896 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Images?q=tbn:ANd9GcRAYGh1J8uxaJASDdD4P3YDuo8ORpIVS8yFE34MvqN5-lMTMz2K1Q

RA VƯỜN

Sáng sớm, anh tôi gọi điện thoại mời sang ăn điểm tâm, anh nói:
-    Cô sang ăn điểm tâm, bánh cuốn.
-    Chị đâu?
-    Đang ở ngoài vườn, nhắn cô sang lấy rau. Cô ra đó hái rau, bà ấy chờ đấy, rồi về đây ăn sáng.

Tôi vội vàng rời cái bàn phím, nhìn qua vào gương một chút, chải lại đầu cho tươm tất rồi lấy chìa khóa ra xe.

Nhà anh chị tôi ở trong khu nhà trợ cấp của chính phủ. Cách nhà tôi năm phút lái xe. Tôi lái thẳng ra vườn rau của chị. Từ nhà chị đi bộ ra vườn khoảng ba phút.

Sáng sớm trong vườn chưa có ai, chỉ có mình chị đang lom khom xới đất. Tôi cho xe vào bãi đậu, mở cổng vườn. Cái cổng có tấm bảng gỗ nhỏ treo mấy chữ rất thân thiện: Cổng vào cho hội viên và khách của họ (Gate for members and their guests.)

Đó là một khu vườn của thành phố cấp cho dân trong cộng đồng.Vườn  khá rộng, chia ra khoảng gần 20 mảnh, mỗi mảnh có diện tích 12 x 20 feet. Để được trồng trọt trên những mảnh vườn này, cư dân phải thuê với giá $60 cho một năm. Được cung cấp nước tưới cây miễn phí.

Nói là một năm, nhưng thật ra là cho mấy tháng mùa hè. Ở Seattle từ cuối tháng ba người ta vỡ đất và trồng trọt hoa, rau, cho tới cuối tháng chín. Đầu tháng mười,  Seattle bắt đầu lạnh  mùa thu trở về rồi, tháng của lá rụng, thay màu, không ai nghĩ tới trồng trọt nữa.

Những người ở chung cư hay ở trong khu nhà trợ cấp của chính phủ trong thành phố, phần đông không có vườn, nếu thích trồng hoa hay rau thì thường thuê những mảnh vườn nho nhỏ này, gọi là Community P-Patch. Những người Mỹ luống tuổi,  họ thuê mảnh vườn không trồng rau mà chỉ trồng hoa để cắt mang vào nhà hay để ra đó ngồi ngắm.

Tháng sáu, hoa đã nở rộ: Cúc, lay-ơn, thược dược nhiều mầu, xen kẽ với mầu xanh ngọc của rau trông thật ngoạn mục.

Trong buổi sáng của ngày đầu hạ, bước vào khu vườn công cộng này, thấy một chiếc nón lá Việt Nam đang lum khum cuốc đất, với tôi, là một hình ảnh thật đẹp.

Tôi mở cổng bước vào, hai chị em chào hỏi nhau, chị nói: “Xong một lứa rau rồi, tôi lại xới đất lên, gieo xuống lứa hạt mầm khác.” Chị chỉ cho tôi xem mảnh nào là cửa người Việt, mảnh nào là của người Lào, người Nga, người Mỹ.

Tôi bồi hồi đứng ngắm những mảnh vườn của mỗi sắc dân. Người Việt mình trồng cải cúc, cải xanh, dấp cá, thìa là, ngò, xà-lách; người Nga, người Mỹ trồng củ cải đỏ, cà tím, bí rợ, cần tây, khoai tây, ngô; người Lào phần đông trồng hoa để cắt bán.

Những người làm vườn ở đây, họ như mang cả quê hương mình trồng trên mảnh đất nhỏ nhoi xa lạ này. Dân tộc họ hay ăn loại rau củ nào họ trồng loại đó.

Ở góc trái của khu vườn có dựng một cái nhà mát trống trải, bốn bề không vách, mái gỗ. Có kê cái bàn gỗ tròn và những cái ghế, cái băng dài. Chị tôi kể, có hai vợ chồng người Mỹ già, buổi trưa nào mát trời, họ mang cà phê thức ăn nhẹ ra đây ngồi lâu lắm. Họ vừa ăn vừa ngắm cả khu vườn đầy mầu sắc như chiếc áo được may bằng những miếng vải khác nhau của các sắc dân mang tới.

Chị chỉ hai mảnh vườn bên cạnh, xanh biếc, dầy đặc những cây rau xà-lách tròn, to.

-   Con cháu bà Tâm trồng đấy, buổi chiều đi làm, đi học về, hai mẹ con ra chăm sóc mảnh vườn. Chủ nhật cắt rau mang ra nhà thờ bán cho những người đi lễ tan ra. Bán một lần mấy chục cây chứ không ít đâu. Cứ mỗi cây một đồng, thì lấy vốn về ngay rồi.

A, người Việt mình hay thật, đi tới đâu cũng mang theo cái tính cần cù, nhặt nhạnh, tiết kiệm. Cái tính rất Việt Nam này thật đáng quý.

Tôi đã nhìn thấy khá nhiều lần một “Bà mẹ quê” bán rau ở khu phố đông người Việt. Nhiều nhất ở Cali và ngay cả ở Seattle này. Bà ngồi ngay trước một tiệm ăn, hay tiệm tạp hóa (Dĩ nhiên là phải tiệm của người Việt)

Bà xếp trên mặt cái thùng úp ngược: những bó rau cải, rau thơm, quả bầu, quả bí bà hái trong vườn nhà. Nhìn bà từ đầu tóc, quần áo đến hai bàn tay bao giờ tôi cũng thấy lòng tràn xúc động. Tôi biết, con cháu của bà có thể đã nhiều lần phản đối về việc làm này. Nhưng không cho bà mang rau ra phố bán thì bà buồn lắm, bà có thể sanh bệnh. Rau này do chính tay bà trồng, chính tay bà cắt, bà mang cả quê hương vào trong những giọt nước tưới cây. Bà ngồi đây, bên cạnh những mớ rau của bà, là một bằng chứng bà có thể bỏ quê hương mà đi nhưng quê hương không thể tách ra khỏi bà.

Giản dị thế thôi. Con cháu phản đối, cuối tuần vẫn phải sáng đưa bà ra, chiều đón bà về. Bán được đồng nào bà nhờ con cất đi, để cuối năm bà có tiền về quê ăn tết, hay ít nhất cũng gửi được ít tiền về cho những người bên nhà ăn tết. Ở bên quê nhà có ai biết những đồng tiền đó ở đâu ra không nhỉ?

Tôi nhớ, đã lâu lắm rồi, từ hồi còn sống ở California, tôi đi mua giò chả ở một Deli. Nhìn thấy một bà cụ chắc cũng phải ngoài bẩy mươi rồi. Cụ ngồi bán rau cải xanh, rau thơm, rau ngò, mấy quả bí ngay trước cửa tiệm. Cái hình ảnh đó dễ thương lắm! Tuy không cần mua gì tôi cũng ngồi xà xuống hỏi chuyện cụ.

Cụ người Nam Định, vào Nam năm 1954. Hai vợ chồng trẻ với bốn đứa con lập nghiệp lại ở Thủ Đức. Hai cụ có vườn rau cả hai ba mẫu đất, trồng đủ mọi thứ rau, củ, cung cấp cho những chợ nhỏ ở chung quanh đó. Năm 1975 cho các con đi theo gia đình một người em, hai cụ ở lại vì tiếc vườn rau. Cụ nói, lúc đó tôi tưởng cho các cháu đi độ vài năm thì về, ai ngờ chúng không về được nữa.Vườn rau mấy mẫu đất bị tịch thu. Nhà nước đuổi ra ở cái chòi cuối vườn, nơi chúng tôi vẫn giữ những cái cuốc, cái xẻng làm vườn.

 Rồi ông nhà tôi mất, các con nhất định ép tôi sang đây. Cả ngày chẳng có việc gì làm, con cháu đi hết, tới chiều tối mới về, bạn hàng xóm không có. Tôi khóc đòi về Việt Nam, nhưng chúng không cho. Cuối cùng anh trưởng, anh ấy nói: “Mẹ nhớ vườn đấy mà.” Rồi anh ấy mua gỗ đóng mấy cái hộc ngoài vườn, đổ đầy đất, phân bón, dắt tôi đi mua hạt giống.Thế là tôi có công việc làm cả ngày. Đỡ nhớ nhà cô ạ, mà lại có tiền gửi cho các em, các cháu tôi ở Việt Nam. Cụ kể xong, cố nén một cái nấc, mắt nhìn đăm đăm vào một khoảng không trước mặt. Tôi lặng lẽ đặt tiền rau vào tay cụ, lặng lẽ đứng dậy đi, không dám quay đầu nhìn lại.

Chị tôi kéo tay tôi ra khỏi suy nghĩ.
-    Tôi cắt cho cô ít cải cúc và hai cây xa-lách rồi. Mình đi về, kẻo anh ấy chờ.

Ai đó đã nói: “Nơi tốt nhất tìm ra Thượng Đế là ở trong vườn. Cứ đào đi Ngài trong đó đấy” (*)

Chúng ta có thể tìm mãi vẫn chưa thấy Thượng Đế trong vườn, thì chúng ta thử tìm những mảnh tim của những bà mẹ quê Việt Nam này xem. Nó rải rác khắp nơi trong mỗi gốc rau. Đôi khi chúng ta cũng nhặt được mảnh tim của bà mẹ Nga, bà mẹ Lào, bà mẹ Mễ trong ngôi vườn đầy sắc tộc này. Đừng gạt sang một bên.
Hãy chia yêu thương đồng đều cho những mảnh tim lưu xứ chúng ta nhặt được. Thượng Đế trốn trong đó đấy.

6/2014
Trần Mộng Tú

(*)  The best place to find God is in a garden. You can dig for him there.(George Bernard Shaw)
Về Đầu Trang Go down
vungoc
Khách viếng thăm




 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: LÀM THƠ và LÀM VƯỜN    LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Icon_minitimeSat Aug 23, 2014 5:16 pm

 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN 9k=


Chuyện Vợ "Ông Nhà Thơ"

Ở hải ngoại, mười ông Việt Nam sồn sồn, cỡ trên dưới sáu mươi tuổi thì có đến chín ông là nhà thơ. (Xin bạn đồng ý với tôi, vì chính bạn cũng từng làm thơ, từ thời còn đi học ở quê nhà, nhưng không gửi đăng báo vì khiêm tốn đấy thôi). Ở hải ngoại, cuộc mưu sinh tuy bận rộn nhưng một lúc nào đó, những "rung động bất chợt của những nỗi nhớ, những kỷ niệm…", khiến tâm hồn lãng mạn cảm hứng thành những vần thơ, phải ghi xuống để khi rãnh rỗi, đem ra ngâm nga, tự thưởng thức. Và "chủ đề" của các ông, bà hiện nay là "quê cũ và người xưa".

Sự thực, với các ông, trong chín nhà thơ đó, hết tám ông, thời còn đi học không hề có người yêu, yêu thầm thì họa may. Lý do đơn giản là thuở học trò, cứ vác quả tim cô đơn đi cà lơ thất thểu ngoài đường chứ chẳng cậu nào dám tán tỉnh hay tỏ tình với người đẹp. Nhưng trong "thơ văn hoài niệm" ông nào cũng sắm cho mình một lô các cô nữ sinh, xinh đẹp, ngây thơ... và nhất là cũng yêu "chàng" (nhà thơ) say đắm. Nhưng đau khổ thay! Người yêu lên xe hoa với người khác khiến chàng thành "thi sĩ".

Người làm thơ, trước hết là để cho mình ngâm nga, sau đó (tự thấy hay) mới quyết định mời thiên hạ cùng thưởng thức. Thời đại khoa học tân tiến, chỉ cần mở computer tung thơ mình lên "net" là có hàng trăm, hàng nghìn người đọc. Rồi thì những hồn thơ đồng cảm tìm đến nhau. Trước còn sơ giao, sau thành thân thiết. Khoảng năm 1994, ở hải ngoại, có Hội Thơ Tài Tử, qui tụ hàng nghìn nhà thơ trên khắp thế giới. Họ góp thơ để phát hành những tập thơ "Cụm Hoa Tình Yêu" dày năm, bảy trăm trang của mấy trăm nhà thơ, lại còn hẹn nhau cứ mỗi hai năm, cùng họp mặt để đem thơ mình ra ngâm nga, cùng thưởng thức, sau đó rủ nhau đi thăm thắng cảnh, đi ăn uống, vui chơi… Nơi họp mặt thường là các thành phố đẹp ở Mỹ, Châu Âu… Mới đây nhất là cuộc họp mặt của Hội Thơ Tài Tử ngày 14 tháng 9 năm 2012 tại Dalas, Texas kỷ niệm 18 năm thành lập, qui tụ nhiều nhà thơ khắp thế giới, có cả những nhà thơ từ Việt Nam sang. Trên thế giới, xưa nay, chưa có hội thơ nào qui tụ nhiều nhà thơ đến như vậy. Tuy vậy còn có hàng trăm thi sĩ người Việt hải ngoại không vô hội, họ làm thơ chỉ phổ biến trong bạn bè, thậm chí để riêng mình ngâm nga.

Tôi biết có một ông nhà thơ thuộc loại đó. Nhà thơ Xuân Tình với tập "Thơ Xuân Tình". Tình yêu trong thơ ông ta mênh mông, lai láng như muốn tràn ra ngoài những giòng chữ.

Chuyện đó có gì lạ đâu?

Điều lạ mà tôi sắp kể ra đây lại là bà vợ ông nhà thơ đó.

Bà vợ ông nhà thơ làm chủ hai tiệm nail (làm móng tay), khá lắm, nên ông chồng ở nhà, đi vô đi ra và làm thơ chơi để giết thì giờ. Vợ ông ta rất yêu chồng, yêu luôn thơ của chồng. Làm chủ tiệm nail lại phải lo chuyện gia đình, chợ búa, nấu nướng, giặt giũ áo quần, rửa chén bát... bận túi bụi, vậy mà về đến nhà là ôm chồng hôn và âu yếm hỏi "Bữa nay ông xã em làm được mấy bài thơ? Đọc cho em nghe với!" Trong khi ông chồng đi lấy mấy bài thơ vừa sáng tác thì bà vợ nấu nước pha trà. Hai người ngồi ở phòng khách, vợ tựa đầu trên vai chồng, lắng nghe chồng ngâm thơ. Và dù là những câu thơ bí hiểm cách mấy, bà vợ cũng suýt soa khen hay. Chuyện ngắn là chuyện dài "cô đọng", bài thơ là chuyên ngắn "cô đọng" Bà ta không cần biết điều đó. Bà chỉ cảm nhận được chồng mình có gì đó cao quí hơn người khác. Chồng bà là "nhà thơ". Bà yêu chồng, yêu hồn thơ của chồng. Sau khi cùng chồng uống chén trà thơm, bà ta hôn chồng lần nữa rồi mới đứng lên lo chuyện cơm nước. Bà ta nấu vài món thôi, nhưng nấu nhiều. Lũ con, nhà gần đấy, đã nên vợ nên chồng, nhưng vẫn giữ thói ăn bám mẹ. Buổi chiều chúng chỉ chờ mẹ gọi là cả gia đình kéo đến ăn, đã khỏi nấu nướng mà được mẹ cho ăn ngon còn bới đem về để sáng mai đem đi làm.

Chuyện hai ông bà yêu thơ hơi quá đáng, có thể làm bạn nghi ngờ tôi "sáng tác". Làm gì có bà vợ yêu chồng kiểu đóng kịch như vậy? Xin bạn kiên nhẫn đọc những chuyện vô lý tiếp theo. Vợ chồng tôi có quen với vợ chồng nhà thơ nên mới biết mà kể cho bạn nghe.

Ông nhà thơ nầy là một ông cù lần. Suốt ngày ở trong nhà, cứ lừ nhừ, khật khừ như con gà rù, chẳng bạn bè, chẳng hội đoàn, ngay cả hội "Thơ Tài Tử" ông ta cũng không tham gia. Một lần gặp vợ tôi, bà chủ tiệm nail khoe thơ chồng mình hay lắm, tôi hỏi sao không gửi đăng báo để thiên hạ cùng thưởng thức? Bà ta nói rằng, có gửi nhưng không thấy báo nào đăng! Tôi mới tiết lộ cho bà ta cái "mánh" giống như của tôi (mỗi khi gửi truyện đến các báo) "Chị gửi khoảng chục bài thơ của ông xã chị, kèm theo một chi phiếu mua một năm báo, họ sẽ coi như "bài cậy đăng". Nhất định thơ của ông xã chị sẽ xuất hiện trên báo đó". Bà ta bảo rằng không biết làm cách nào? Tôi bảo cứ ký cho tôi năm ba cái chi phiếu, tôi sẽ lo giùm cho.

Vậy là cả năm tờ báo, thuộc loại "văn học nghệ thuật" ở Cali., Texas đều đăng thơ của ông chồng bà chủ tiệm nail. Bà ta đem mấy tờ báo ra tiệm khoe với khách hàng người Việt rồi cám ơn tôi rối rít "Ông xã em vui lắm. Không ngờ thơ mình được các báo giá trị đăng. Cám ơn anh nhiều lắm" Như vậy là bà ta không cho chồng biết đó là "những bài thơ cậy đăng". Tôi bảo "Có một cách làm cho ông xã chị khoái hơn nữa là ra mắt thơ" Chuyện móng tay, móng chân thì bà ta rành, nhưng về văn học nghệ thuật thì bà ta lại phải nhờ tôi "Em có nghe chuyện ra mắt thơ, nhưng không biết làm cách nào? Anh có thể giúp em được không? Miễn ông xã em vui thì tốn kém bao nhiêu em cũng không ngại" "Ra mắt thơ nhiêu khê hơn đăng thơ trên báo, nhất là ông xã chị không quen biết nhiều với báo chí, ít giao thiệp với đồng hương địa phương ở đây. Tôi lên chương trình như thế nầy để chị về bàn với ông xã chị trước khi quyết định vì tốn tiền lắm. Trước hết là in những bài thơ của ông xã chị thành tập, gọi là "thi phẩm". Muốn chơi sang thì nhờ một ông nhạc sĩ phổ nhạc khoảng mươi bài thơ, thuê ca sĩ hát và thu vào CD, sau đó tổ chức một buổi ra mắt thơ, có ca sĩ hát "thơ phổ nhạc".

Hôm ra mắt thơ, ông xã chị ngồi sẵn chỗ ra vào, ký tặng thơ và CD. Nhớ đừng ép mua, kiểu bắt chẹt đó khiến người ta bực mình. Người ta đến là may lắm rồi. Muốn buổi ra mắt thơ được đông vui, chị phải quảng cáo trên đài phát thanh, trên TV, trên báo chí thật rầm rộ. Nhưng tôi báo trước là chục nghìn không đủ đâu" Bà ta sáng mắt lên "Bao nhiêu cũng được miễn sao chồng em được mọi người biết tên, báo chí, truyền hình, phát thanh đưa tin, gọi chồng em là "thi sĩ" là chồng em vui rồi. Anh cố giúp giùm em. Anh đừng ngại chuyện tiền bạc" "Tôi chỉ giới thiệu những người lo chuyện ra mắt thơ với chị, họ sẽ sắp xếp mọi việc. Chị yên tâm".

Vài tháng sau, việc in ấn, phổ nhạc, thu CD đã xong, tôi gọi cho một ông trưởng ban nhạc kiêm MC (người điều khiển chương trình), chuyên phục vụ đám ma, đám cưới, hội xuân, ra mắt sách... nhờ ông ta lo giùm, rồi gọi một ông bạn, nhà "phê bình văn học nghệ thuật" ở Cali. nhờ giới thiệu tập thơ. Ông ta bảo, đây là dịp qua Virginia thăm bạn bè mà không tốn tiền nhưng phải gửi cho ông ta tập thơ rồi lo cho ông ta vé máy bay, khách sạn và vài chai rượu là đủ, và muốn ông ta nói trong bao lâu (nửa giờ, một giờ?), ông ta cam đoan sẽ làm phổng mũi tác giả và khán giả sẽ vỗ tay liên tục. Ông bạn "nhà phê bình" nầy tính hơi khùng khùng, nhưng cũng rất khôn. Ông ta góp nhặt những đoạn văn từ những bài phê bình, nhận định văn học trên các báo, xào nấu lại thành những bài thuyết trình hoa mỹ, thánh thót của riêng mình. Ông ta có khoảng năm, bảy bài thuyết trình tiền chế như thế, thủ sẵn, khi có người nhờ, giới thiệu một tác phẩm, thì chỉ việc lựa bài nào thích hợp với tác phẩm, nhét vào đó tên tác giả là thành một bài giới thiệu nghe rất mê ly. Một tập thơ, tập truyện, dở cách mấy mà qua tay ông ta với bài thuyết trình cũng trở thành "kiệt tác". Đương nhiên, tác giả sướng mê, khán giả cũng khoái lỗ tai.

Thật ra, tôi vốn tính lười. Vợ sai còn không chịu làm, hơi sức đâu làm chuyện tào lao! Nhưng vì tôi không ưa ông nhà thơ nầy nên muốn phá chơi, vì trước đây vài năm, ông ta gặp ai cũng chào hỏi vui vẻ, còn rủ đi uống cà phê để tán phét, về sau, bỗng nhiên, ông ta rút vô nhà, gặp bạn bè, chào hỏi, ông ta chỉ gật đầu mà không thèm mở miệng, có lẽ ông ta thành nhà thơ, thuộc "cõi trên", không thèm giao tiếp với bọn tầm thường. Bây giờ, tôi xúi ra mắt thơ mà không ai đến để ông ta "quê", cho bỏ ghét. Hơn nữa, tôi tò mò muốn biết về bà chủ tiệm nail nầy. Yêu thương chồng, chiều chồng theo kiểu kỳ quái đó thì xưa nay hiếm thấy. Bà nào nghe chồng in thơ, ra mắt thơ là nhăn mặt rồi. Đã tốn kém còn phải mang về cả nghìn tập thơ, để chật nhà. Muốn gửi tặng bạn bè, phải moi óc, có được vài chục địa chỉ là quá nhiều, lại phải ký tên, ra bưu điện gửi, tốn kém, phiền phức vô cùng! Nhiều ông còn đi các tiểu bang khác, ra mắt thơ, các bà vợ rầu lắm mà không dám nói. Riêng bà vợ ông nhà thơ nầy thì lại hối hả, chạy ngược, chạy xuôi, gọi người nầy, người kia nhờ vả, năn nỉ, đốc thúc... Tôi được bà ta coi như quân sư, gì cũng hỏi ý kiến, tôi thấy tội nghiệp nên cố giúp. Vì biết kết quả sẽ không ra gì nên tôi giao hẹn trước "Tôi giúp ông bà hết mình rồi nhưng người ta có đến hay không, tôi không chịu trách nhiệm".

Hôm ra mắt thơ, vợ chồng tôi có đến phụ giúp việc chào đón quan khách, sắp xếp chỗ ngồi. Thật không ngờ, khách đến chật nhà hàng! Không biết ai xúi mà bà ta mời một cô ca sĩ nổi tiếng từ Cali. qua. Thế là cứ nghe báo chí, đài phát thanh quảng cáo có cô ca sĩ Ngọc Hạ hát là người ta ùn ùn kéo đến. Hơn nữa đã nghe hát "chùa" (miễn phí) lại được tác giả tặng không tập thơ với CD ca nhạc, lại có nước ngọt, bánh kẹo để nhâm nhi, được gặp bạn bè trò chuyện rôm rả (chả cần biết diễn giả đang nói gì!) Vợ chồng nhà thơ mặt mũi sáng rỡ, nhất là ông chồng, không còn là con gà rù nữa, lúc nào cũng tươi cười, ký tên tặng thơ không ngơi tay. Có điều lạ là, không biết từ đâu kéo đến một lô người đẹp. Tôi thật sự kinh ngạc, không ngờ thơ ông ta làm rung động quả tim của những cô trẻ đẹp đến như vậy! Các cô rất hấp dẫn, thơm tho, ngon lành. "Nói chung" là cô nào cũng nõn nà. Cô có cánh tay trắng nuốt thì mặc áo hở cả nách, cô có đùi thon dài thì mặc quần trên đầu gối hai gang tay, cô có ngực tròn, trắng, mịn như trứng gà bóc thì chỉ che ngực một phần tư thôi. Có cô, diện giống như nữ tài tử xi nê đến dự đại hội điện ảnh Oscar, phía sau, từ cổ đến dưới eo (lưng) để trống trải, thoáng mát, nên cô đi đâu thì đầu các ông quẹo theo hướng đó. Đã vậy các cô lại đi lung tung, gặp ông nào cũng chào, chào theo kiểu Nhật, nghĩa là cúi gập người xuống. Các ông thấy hết, mặt thộn ra, như bị bắt mất vía. Có lẽ xong buổi ra mắt thơ mà các cô chưa về, các ông cũng không chịu về. Tôi đâm ra ước được như ông nhà thơ, để trong mấy chục cô "hâm mộ thơ" đó làm gì cũng có vài cô sa vào vòng tay của tôi. Có điều lạ là bà vợ ông ta không tỏ ý khó chịu trước những lời ca tụng, tán tỉnh gần như tỏ tình của các cô (nõn nà) nầy với ông chồng (nhà thơ), mà còn về hùa theo rồi cười đùa vui vẻ nữa. Vì sao bà ta lại quá tử tế với chồng đến như vậy?

Buổi ra mắt thơ thành công ngoài mơ ước. Người điều khiển chương trình quả là chuyên nghiệp. Anh ta mở miệng là khán giả cười vui như xem hài kịch. Nhà phê bình văn học nghệ thuật thì đúng là danh bất hư truyền. Vì tôi mãi chiêm ngưỡng vẻ đẹp giai nhân nên đôi mắt và hồn vía tôi cứ bám sát theo các cô đang ỏng ẹo đi lòng vòng khắp nơi, nên không biết ông ta nói gì nhưng thỉnh thoảng nghe tiếng vỗ tay rào rào.

Sau hôm ra mắt thơ đó, tò mò, tôi đem thi phẩm "Thơ Xuân Tình" ra đọc. Không hiểu ông bà nào đánh máy, trình bày tập thơ cho ông ta, đã ghi một câu đáng kinh ngạc, ngay bìa trước tập thơ, dưới tấm hình tác giả rằng "Thi sĩ lãng mạn được mến mộ nhất hiện nay tại hải ngoại, người đã hi sinh cả đời mình để viết nên những trang sử thi đau thương…"

Tôi cũng mượn bài diễn văn của nhà phê bình văn học để nghiên cứu, hi vọng sẽ biết được giá trị của thi phẩm. Đọc suốt tập thơ và bài "phê bình văn học" tôi chỉ rút ra được một kết luận là nhà phê bình quả là đại tài. Tôi xin trích vài đoạn văn tiêu biểu sau đây: "Lãng mạn và đầy cá tính là yếu tố hấp dẫn trong thơ Xuân Tình. Đó là một thông điệp, chuyên chở bằng chữ nghĩa, gần như lạnh lùng, không cảm xúc về những vấn nạn của hiện thực đầy cảm tính, nhưng lóng lánh trong đó là những mảnh suy tưởng sắc sảo, những rung động ẩn mật của tình yêu. Tuyệt vời hơn nữa là với sự thông minh, dí dỏm, nhà thơ Xuân Tình đã lôi cuốn người thưởng ngoạn vào những tình huống bất ngờ, đầy hình ảnh và âm thanh của đam mê, buông thả và cộng hưởng" (?!). Trong một đoạn khác, ông ta viết "Từ vị trí một người thưởng ngoạn bình thường, tôi nghĩ, nhà thơ Xuân Tình có trong tay một cách thế thi ca để thể hiện sự hiện hữu của mình. Một nhà thơ phá cách, nhiều tìm tòi thử nghiệm, cách tân ở kỹ thuật, đậm tính thời cuộc ở nội dung. Thơ ông được giải thoát, được tự do, vượt trên mọi câu thúc xã hội, vượt qua cả hàng rào tín ngưỡng, đạo lý, vượt khỏi tâm lý rụt rè, khép kín để bay bổng về một thế giới mới, một linh hồn mới, một hơi thở mới. Từ đó, người ta thấy được cái phong phú của cuộc sống, cái sâu thẵm của tâm hồn và cái trớ trêu của định mệnh"

Tôi chịu thua, không hiểu gì về bài nhận định thơ theo lối tiền chế đó! Chỉ duy nhất một câu (không biết ông ta thuổng của ai) lộ rõ ý mỉa mai mà ít người để ý "Thơ rất lạ, một ưu điểm nhưng cũng là nhược điểm vì sẽ kén người thưởng thức" Tôi hỏi "nhà phê bình văn học" nghĩ thế nào mà viết toàn những câu ca tụng nghe rổn rảng như chuông mà chẳng thực tế, rõ ràng gì cả? Ông ta hỏi tôi "Ông có đi dự đám ma lần nào chưa? Có nghe người ta đọc điếu văn chưa? Tôi nhận định văn học trong những buổi ra mắt sách, ra mắt thơ cũng giống như người ta đọc điếu văn trong các đám ma vậy thôi. Chỉ ca tụng, suy tôn tác giả, tác phẩm chứ không phê bình, góp ý. Tác giả khoái chí, người nghe vui tai. Có hại cho ai đâu? Anh chê văn, thơ người ta vì văn, thơ của anh dở hơn của người ta. Nhà văn, nhà thơ thất bại thành nhà phê bình là vậy"

Còn về thi sĩ Xuân Tình, cá nhân tôi nhận xét thì, quả thực ông nhà thơ của chúng ta đã "bước lùi về quá khứ một bước và tiến tới hậu hiện đại ba bước". Nhiều bài thơ, tôi đoán, ông ta nhắm mắt viết bừa những câu bí hiểm điên khùng rồi ngắt ra từng đoạn, xuống giòng, thế là thành một bài thơ tự do, trừu tượng, siêu hình gì đó? Có những câu rất công thức như "Từ em về với người ta. Anh rời phố thị khóc tà huy xưa..." hoặc rất khó hiểu như "Em cổ tích ta vong thân mục tử, ôm mặt trời độc tấu khúc cuồng phong"...

Tôi biết, bạn nghĩ rằng tôi (nhà văn thất bại thành nhà phê bình) đang phịa ra một chuyện vừa dở vừa vô lý. Tôi còn điên đầu hơn nữa. Thế nên, nhân một hôm bà ta đến nhà để cám ơn sự giúp đỡ của vợ chồng tôi về buổi ra mắt thơ, tôi hỏi bà ta "Tôi có vài thắc mắc, nếu không tiện thì chị đừng trả lời. Như thế nầy. Tôi chưa thấy bà vợ nào hăng hái ủng hộ chồng in thơ, ra mắt thơ một cách tốn kém như chị. Ông xã chị ham vui thì chấp nhận được, nhưng chị lại sốt sắng hơn chồng nữa. Vậy là sao?" Bà ta ngồi yên một lúc rồi bỗng khóc òa. Vợ tôi hoảng kinh, ôm lấy bà ta, vỗ về "Có chuyện gì vậy? Chị không muốn nói thì thôi, đừng kể ra đây" Rồi làm bộ trách tôi "Anh sao tò mò chuyện người ta? Xin lỗi chị. Ông xã em vô ý quá!". Bà ta vừa khóc vừa lắc đầu, một lúc sau mới mếu máo nói "Chồng em bị ung thư sắp chết. Mổ rồi, chữa đủ cách rồi, nhưng bác sĩ bảo riêng với em là ảnh chịu đựng giỏi lắm là hai năm. Bởi vậy em phải làm sao cho ảnh vui trong những ngày cuối cùng khi vợ chồng còn bên nhau. Bán nhà em cũng làm. Cứ nghĩ đến mỗi ngày vợ chồng mỗi cách biệt, đêm nào em cũng khóc" Vợ chồng tôi vội xin lỗi "Ảnh bị bịnh mà tụi tôi không hề biết. Thật có lỗi quá!" Bà ta lại lắc đầu "Chồng em dặn trong nhà là không được nói cho người ngoài biết chuyện bịnh hoạn của ảnh. Ảnh không muốn ai hỏi han, thăm viếng, an ủi, thương hại" Trước đó, tôi nghĩ rằng bà ta là người điên, giờ đây, tôi lại thấy thật đáng kính phục, thương chồng quá sức! Bà ta nói tiếp "Em phải làm gấp, trước ngày đưa chồng em tái khám, vì sợ, bác sĩ mà tìm thấy di căn thì chẳng khác gì bị kêu án tử hình. Lúc đó vui thú gì mà ra mắt, ra mũi. Em sợ mất ăn mất ngủ mà ảnh thì vẫn bình thản làm thơ còn đồng ý cho em tổ chức ra mắt thơ nữa" Vừa thán phục bà vợ, bây giờ tôi lại kính nể ông chồng. Hiếm người thấy thần chết vác lưỡi hái đứng trước cửa mà vẫn làm thơ tỉnh bơ.

Sau ngày ông thi sĩ Xuân Tình tái khám, vợ chồng tôi không dám hỏi thăm sợ ông chồng giận vợ, đã dặn là không cho ai biết, sao có người gọi hỏi? Vậy mà một hôm, bà vợ điện thoại, mời chúng tôi đi nhà hàng, ăn mừng buổi ra mắt thơ thành công mỹ mãn.

Chiều thứ bảy, những người đã góp công, phụ giúp trong buổi ra mắt thơ, có cả mấy cô hấp dẫn đi nhởn nhơ bữa trước nữa, tổng cộng trên vài chục người, đến nhà hàng đông đủ. Bà vợ ông nhà thơ đứng lên nói mấy lời cám ơn, chờ mọi người vỗ tay xong, bà ta mới long trọng báo một tin vui "Hôm thứ hai, ông xã tôi đi tái khám, mấy ngày sau có kết quả từ bịnh viện cho biết, tình trạng rất khả quan, nghĩa là không thấy di căn hay bịnh lan qua các bộ phận khác" Mọi người nâng ly chúc mừng nhà thơ khỏi bịnh. Ông ta đứng lên tươi cười nói "Tôi bị ung thư bao tử đã lâu nhưng không cho ai biết. Bữa nay thì coi như khá hơn trước. Bác sĩ nói vậy thì biết vậy, dù sao đi nữa, tôi vui sống được đến ngày nay là nhờ vợ tôi". Đang ăn uống chuyện trò thì bà vợ ông nhà thơ có điện thoại. Bà ta nói lớn như muốn mọi người chú ý "Alô! Dạ đúng rồi ạ! Dạ, em có biết nhà sách Văn Chương của anh. Anh cần mang đến ngay hai mươi tập Thơ Xuân Tình? Thế hả? Một bà bên Pháp qua Mỹ thăm bà con, người ta nhờ mua đem về Pháp? Ôi. Thật hân hạnh cho vợ chồng em quá! Cám ơn anh nhiều lắm. Dạ, chủ nhật nầy em đem thơ đến, được không ạ? Dạ, cám ơn anh" Bà ta bỏ điện thoại vào xách tay, giọng bình thản "Sáng hôm qua, nhà sách Bình Minh cũng gọi bảo đem đến hai chục tập Thơ Xuân Tình. Một bà từ bên Úc qua Mỹ chơi mua một mớ. Thằng con chúng tôi đưa tập Thơ Xuân Tình của ba nó lên "nét" (internet), báo chí đem xuống in ra nên người ta biết và hỏi mua" Mọi người ngớ ra rồi lại vỗ tay chúc mừng. Ông chồng ngồi cười cười, nói mấy lời khiêm tốn, nhưng mặt cứ vếch lên trời, coi bộ thú vị lắm. Thật đáng kinh ngạc. Một nhà thơ vô danh, chỉ sau mấy bài thơ đưa lên "net", đăng báo và một buổi ra mắt thơ bỗng trở thành nhà thơ "kiệt xuất"! Hay là bà ta làm bộ như có người mua thơ để chúng tôi lác mắt chơi, và cũng để cho chồng vui chứ chẳng ai khùng điên đi mua loại thơ đó về Úc, về Pháp tặng bạn bè!

Mấy hôm sau, tôi đến nhà sách Văn Chương. Ông bà chủ nhà sách là chỗ quen biết. Tôi mua vài cuốn sách rồi làm như vô tình, hỏi chuyện về thơ, về phát hành, mua bán thơ. Ông chủ nhà sách dẫn tôi đến một góc kẹt, chỉ một dãy các tập thơ "Những nhà thơ nổi tiếng thì bán chạy lắm, còn những người khác gửi bán, tôi nể tình nhận, nhưng chẳng bao giờ bán được thơ. Thế nên, tôi dồn hết những "thi phẩm" của họ vào góc đó, gọi là Nghĩa Địa Thơ". Rồi ông ta tiếp "Có một chuyện lạ. Anh có biết nhà thơ Xuân Tình là ai không?" Tôi lắc đầu, vờ không biết "Tôi chỉ đọc báo và biết ông ta vừa ra mắt thơ tuần trước ở thành phố mình" "Tôi có đọc thử, thơ ông ta cũng nhì nhằng, tàm tạm, vậy mà có người mua cả chục tập, đem về Pháp, Úc tặng bạn bè. Sáng nay tôi vừa giao hai chục tập thơ cho một bà, bà ta còn đòi mua thêm mấy chục tập nữa" "Có thể mình không đủ trình độ thưởng thức thơ ông ta. Kiểu nầy ông ta dám lãnh một giải thưởng thơ quốc tế nào đó thì cũng không nên ngạc nhiên" "Đúng vậy. Ở đời có những bất ngờ mà chẳng ai lường trước được!"

Đọc đến đây, quí vị sẽ nghĩ "Đúng là một chuyện phịa có hậu nhưng vụng về và vô lý. Nhà thơ ra mắt thơ thành công, bịnh ung thư lành hẳn, vợ chồng hạnh phúc!"

Nhưng xin thưa quí vị, chuyện đời đâu có đơn giản quá như vậy? Phần sau đây mới làm người đọc bàng hoàng.

Nguyên nhân thế nầy. Bà vợ ông nhà thơ đang khỏe mạnh bỗng thấy đau đầu khủng khiếp. Đi bác sĩ rồi khẩn cấp đưa vô bịnh viện mổ ngay. Bà ta có khối u trong đầu. Bịnh viện thử máu, chụp hình rồi chụp thuốc mê để mổ. Mổ xong, bà ta đi luôn, không tỉnh dậy nữa. Mới tuần trước còn thấy bà ta chào hỏi, cười nói với mọi người, tuần sau, bà ta biến mất trên thế gian!

Sau khi chôn cất vợ, ông nhà thơ đem những tấm hình vợ rọi lớn lên, treo kín các vách tường trong nhà. Trong phòng ngủ thì một bức chân dung vợ lớn hơn nữa, che lấp cái màn hình TV, để khi vào giường, thay vì xem TV, ông ta nằm ngắm vợ. Suốt ngày ông nhà thơ chỉ quanh quẩn giữa bốn bức tường, để nhìn đâu cũng thấy vợ. Có thể nói ông ta điên vì thương nhớ vợ chứ không phải thất tình.
Một năm sau, nhân giỗ đầu của bà chủ tiệm nails, chúng tôi được mời đến dự. Ông chồng có vẻ tỉnh táo, bớt nhớ vợ. Khi về, tôi nói với vợ tôi những thắc mắc về buổi ra mắt thơ, về những tập thơ bán qua Châu Âu, châu Úc. Vợ tôi giải thích "Chị ấy bắt mấy cô thợ nail (thợ móng tay) trong tiệm diện vô, sao cho sexy, đi nhởn nhơ cho mấy ông vui, để khỏi chán, bỏ về sớm" Tôi kinh ngạc "Không ngờ bà ta khôn lanh quá cỡ. Bả làm cách nào mà bên Pháp, Úc cũng nghe danh ông ta mà tìm mua thơ?" Vợ tôi lại cười, chấp hai tay vái vái vào khoảng không như vái vong linh bà vợ ông nhà thơ rồi thì thầm, như sợ bà ta nghe được "Chị ấy dặn tụi em phải giữ thật bí mật. Chỉ nhờ tụi em, giả bộ như người từ Pháp, Úc, qua Mỹ tìm mua Thơ Xuân Tình. Cứ hỏi mua tối đa, mấy chục tập cũng được, chỉ trả lại tiền"

Bạn thấy, chuyện tôi kể chẳng hay ho gì, phải không? Không hay nhưng rất đẹp. Đó là tình yêu thương chồng của bà chủ tiệm Nails.

Hiếm ông nào có được người vợ như thế.

Phạm Thành Châu


Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, hiện định cư tại Virginia.

Nhà văn Võ Phiến nhận xét về các nhân vật trong truyện của Phạm Thành Châu, phải kêu là tuyệt vời. Sao mà họ chung tình đến thế.


 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Images?q=tbn:ANd9GcQ7xbcigboBXo2yvNrLLQxl53RuQeF__rcEuGvy5BEtUk3Y0dGq
Về Đầu Trang Go down
P-C
Khách viếng thăm




 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: LÀM THƠ và LÀM VƯỜN    LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Icon_minitimeTue Aug 26, 2014 1:28 pm

 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN 3-188


Người làm vườn

Tagore


I.

Đôi mắt âu lo của em buồn
Em muốn nhìn vào tâm tưởng của anh
Như trăng kia nhìn sâu vào biển cả,
Em đã biết cõi đời anh
Anh không giấu em một điều gì cả,
Chính vì thế mà em không bao giờ hiểu biết hết về anh

Nếu đời anh là hạt ngọc,
Anh sẽ đập tan ra hàng trăm mảnh để xâu thành
một chuỗi hạt và quàng vào cổ em
Nếu đời anh là một đóa hoa, dịu dàng bé bỏng
Anh sẽ tách ra khỏi cành và cài lên mái tóc em
Nhưng than ôi! đời anh là một trái tim
Nào ai biết được bến bờ của nó
Em là nữ hoàng của Vương quốc đó
Thế mà em có bao giờ biết được biên giới của nó đâu.
Nếu trái tim anh là lạc thú
Nó sẽ nở ra nụ cười sung sướng và em sẽ thấu suốt
được ngay

Nếu trái tim anh là khổ đau
Nó sẽ lặng yên biến thành những hạt lệ trong,
Phản chiếu nỗi niềm u uẩn
Nhưng trái tim anh là tình yêu
Niềm vui, nỗi buồn của nó là vô biên
Cái giàu cái nghèo của nó là trường cửu
Trái tim anh ở gần em như chính cuộc đời em đó
Nhưng em có bao giờ hiểu được rõ cả nó đâu.
 
II.

“Ôi nhà thơ chiều sắp xuống rồi;
Và tóc anh đang ngả màu tro.
Những khi suy nghĩ một mình
Anh có nghe chăng tiếng bên kia nhắn gửi?”

“Đã chiều rồi – nhà thơ nói -
Và tôi đang lắng nghe.
Bởi có thể một người nào từ trong làng kêu gọi.
Mặc dù chiều đã muộn rồi.
Tôi chờ xem hai trái tim non trẻ lạc loài
Có gặp được nhau chăng,
Và hai cặp mắt say nồng
Cầu xin một điệu nhạc
Để phá tan sự lặng im
Và nói giùm cho họ.
Nếu tôi cứ ngồi yên trên bờ bến cuộc đời,
Chiêm ngưỡng cái chết và thế giới bên kia
Thì ai sẽ dệt dùm họ những lời ca say đắm?”


III.

Vì sao ngọn đèn lại tắt?
Tôi đã lấy áo tôi che gió cho ngọn đèn,
Chính vì vậy mà ngọn đèn đã tắt.

Vì sao hoa lại tàn?
Tôi ghì nó vào lòng tôi
Với một tình yêu khắc khoải,
Chính vì vậy mà hoa đã tàn.

Vì sao dòng suối cạn khô đi?
Tôi đã đắp một con đê qua dòng suối
để sử dụng cho riêng tôi,
chính vì vậy mà dòng suối cạn.

Vì sao dây đàn đã đứt?
Tôi đã cố đưa một nốt cao quá sức của nó,
Chính vì vậy mà dây đàn đã đứt.


 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Images?q=tbn:ANd9GcTKngMq_CmXIHqne_3KmB-C0BOOBUl8t6KIY16X7cLWHykF2xEO
Về Đầu Trang Go down
vungoc
Khách viếng thăm




 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: LÀM THƠ và LÀM VƯỜN    LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Icon_minitimeSun Sep 07, 2014 2:42 pm


Bên Cánh Vườn Xanh


Nguyên Đỗ
   
 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Tap-trong-rau-tai-nha-nhu-chuyen-gia-P1-4

Tôi có một thửa vườn trồng hoa, trồng rau không những đủ cung cấp rau xanh cho gia đình cha mẹ tôi mà còn đủ cung ứng cho các bác, các chú thím và anh em bạn bè đồng hương nữa. Gọi là thửa vườn cho xôm tụ, chứ thật ra chỉ là đất thuê của thành phố cho những người thích làm vườn mà không có đất hay không tiện trồng ở nhà, hay trồng thêm cho đủ ăn cả năm.

Nhà gia đình chúng tôi ở chỉ còn lại cha mẹ và 2 anh em tôi thôi, còn các anh chị khác đã có vợ có chồng chẳng mấy khi về nên trồng rau chỉ là thú tiêu khiển chứ không còn là chuyện cần thiết như thuở cha mẹ chúng tôi mới qua đây với 9 mụn con ăn như hổ đói, lớn xổ như đậu thần vào cái tuổi dậy thì. Sân sau nhà chúng tôi bây giờ hàng thông đã cao lớn bóng mát che rợp cả sân rễ mọc đầy có trồng rau, rau cũng chẳng đủ ánh sáng mặt trời mà mọc.

Những cây cảnh hay hoa trong vườn bây giờ chỉ là những thứ cây, hoa mọc năm này tới năm nọ, chứ loại phải trồng lại hằng năm không còn có đất sống. Từ năm 2000 mở một thiên niên mới tôi đã viết một lời quyết tâm đầu năm gia nhập nhóm Làm Xanh Trái Đất bằng cách trồng cây quanh thành phố và trồng rau nếu thế giới thoát đại nạn Y2K hay tận thế.

Chẳng là mùa Giáng Sinh năm 1999, cha mẹ tôi về Việt Nam để lỡ có chuyện gì xảy ra ông bà cũng được gần hương hỏa ông bà tổ tiên, chứ không phải lạnh lẽo trên đất người. Ông bà cứ nằng nặc bảo anh em tôi mua vé máy bay cùng về, nhưng anh em chúng tôi bận bịu với công việc vì vi khuẩn vi tính Y2K đe dọa nên phải cặm cụi viết lại thảo chương phát mờ con mắt chứ ở đó mà đi rong sao được.

Thằng em trai tôi nói tiếng Anh rành hơn tiếng Việt ra vẻ am hiểu tâm lý cha mẹ tôi thì thầm nói với tôi: "Tụi nó về tìm vợ cho anh em mình đó! Anh muốn có vợ thì về!"

Tôi cười sửa lưng em tôi, " Mày á nha! Tiếng Việt mày nói như con nít lên ba, bố mẹ mà gọi là tụi nó, chúng nó là không được, mất lễ phép, bất kính lắm đó! Đối với cha mẹ thì xưng bố mẹ hay ba má, chứ không được gọi là chúng nó! Đối với người lớn phải kêu là họ, ông bà Tuyên, cô Tuyến chứ không được kêu chúng nó, hay nó như Mỹ như Tây được!"

-- Tiếng Việt rắc rối quá!
-- Tiếng nước nào cũng phức tạp, có đặc điểm riêng, mình phải dùng nhiều, đọc nhiều thì quen thôi!
Khi chuyển sang năm 2000, mọi chuyện bình thường, nhiều công ty thở phào nhẹ nhõm, nhiều hãng tiếc rẻ tiền tốn kém trả cho nhân viên làm việc phụ trội, anh em tôi cũng sung sướng đón cha mẹ chúng tôi trở lại bằng an sau những ngày ăn cơm tiệm hoặc mì gói lúc các người thong thả thăm viếng bà con ở quê nhà.
Bố tôi trở về đem những hạt giống giao cho tôi, nào rau dền đỏ, rau đay, rau mồng tơi, rau bồ ngót, cà pháo, cà tím...
- Con cuốc đất làm mảnh vườn nho nhỏ sau nhà, trồng những thứ này cho đỡ nhớ quê hương và ăn những món đặc sản của quê nhà...
- Vườn nhà mình trồng hoa và cây cối sẵn rồi, trồng thêm rau vào mất thẩm mỹ và cũng chẳng mọc tốt được, để con đem ra vườn thuê công cộng trồng, vừa đỡ tốn tiền nước vừa có dịp đi bộ tập thể dục.

Thế là từ đó mỗi năm tôi đều mướn một mảnh đất trong những khu vườn cộng đồng (Community Gardens). Vườn cộng đồng tôi thích nhất nằm trên góc đường Hershey và Ireland Grove vì chỉ cách nhà tôi chừng 2 dặm Anh cỡ 3 km để bố mẹ tôi rảnh rỗi đi tập thể dục buổi sáng hay buổi chiều rồi dùng vòi tưới rau luôn kiểu một công hai chuyện.


 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Gian-muop-sau-nha

Năm đầu tiên tôi trồng khổ qua, mướp, rau dền, cà chua, cà pháo, cà tím, cũng như một số rau cải. Mọi thứ đều mọc vù vù ăn không hết, trừ mướp hương ra lá xum xuê nhưng không kịp ra trái. Vườn tôi được mọi người chú ý vì có những thứ lạ, những người Mỹ cứ trố mắt chỉ đám rau dền tía hỏi, "Anh trồng cái chi thế giống như cỏ dại!"

Tôi cười nói, "Thứ rau dền (amaranth) này rất quí ăn vào bổ máu chứ không phải là cỏ đâu, không tin hỏi bác sĩ Lee đi! Ông ấy là bác sĩ chuyên khoa đó, ông ta nói những người có bệnh thiếu máu (anemia) nên tìm rau này mà ăn chứ không phải tôi tin nhảm kiểu nhà vườn đâu!"

Tôi chỉ trồng một năm ăn không hết để già làm giống, không ngờ hạt giống bay tứ tung năm nào cũng mọc đầy vườn, những người Mỹ không ăn được, cứ gọi là cỏ dại hay là "Red Leave Vegi" do tôi mang tới chứ không nhớ cái tên khoa học amaranth tôi đã nói. Buồn cười một cái là sở thú thành phố nghe có thứ giống hoa lạ, xin tôi hạt giống amaranth đem trồng làm đám hoa kiểng ở Khu Vườn Nhiệt Đới trước khi vào Tropical Zoo phần dành riêng những thú vật chim muông những vùng nhiệt đới gần đường xích đạo ở Á Châu cũng như ở Nam Mỹ, Phi Châu... Tiếng đồn vang xa, khu công viên Lake of the Woods nằm trên đường Quốc Lộ 74 gần Champaign-Urbana cũng xin rau dền và mùng tơi đặt là Vietnamese Spinach thay vì các nơi gọi là Indian Spinach một cách sai lầm vì tôi hỏi một số người Ấn xem có biết rau đó không thì chẳng ai biết cả.

Bố tôi năm đầu kỹ lưỡng lắm, đóng khung gỗ giăng dây cho rau mùng tơi bò, học từ những ngày đi học cải tạo lao động trong rừng, phải trồng rau xanh để đỡ bị táo bón, lại chỉ có tí đất chung với đồng đội nên phải tìm đủ mọi sáng kiến để trồng trọt thu hoạch tới mức tối đa. Về sau thấy đất rộng tha hồ trồng nên cũng không kỹ lưỡng như năm đầu, vì mùng tơi trồng ăn chẳng hết, còn đem cho người này, người nọ.

Có năm tôi trồng 3 gốc bầu, kiếm gỗ làm bốn cọc trụ chính rồi giăng giây làm giàn, trái mọc khắp nơi phải gần 2, 3 trăm trái, đem cho mọi người khắp nơi. Có lần gặp một chị kia chồng bị tai nạn xe chết hơn 1 năm, ra ngoài vườn xin rau, thằng em tôi láu táu hỏi làm chị và cha mẹ tôi đều đỏ mặt:
-- Chị có bầu chưa?
Tôi vội vàng đính chính:
-- Em nó không sõi tiếng Việt mấy, nó tính hỏi chị để nó hái mấy trái bầu cho chị đó!
Chị cười toe toét:
-- Thằng anh tiếng Việt thì rành như thầy giáo, còn thằng em nói tiếng Việt chết người quá!

Khổ một cái là vườn tôi đứng tên, nhưng công lao bố mẹ tôi chăm tưới nhiều, mà các cô, các bác, các chú cứ gọi tôi xin rau, xin bầu... Chuyện cho là chuyện nhỏ nhưng mấy ông, mấy anh cứ kháo giỡn với nhau trong những tiệc rượu:
-- Thằng Nguyên nó chơi khăm bọn mình đó nha! Ai đời nó độc thân mà cứ cho các cô, các thím bầu!
Có nhiều ông, nhiều anh còn bạo miệng chọc mấy cô, nhiều khi nghe được chỉ muốn độn thổ:
-- Cô gì kia, cô có bầu chưa? Hỏi cậu Nguyên, cậu ấy cho một cái!
Tôi rủa thầm thằng em tôi, cũng chỉ vì câu hỏi của nó mà thiên hạ lập đi lập lại những buổi tiệc mùa hè vì khí hậu tốt và tương đối cũng rảnh rang, chứ vào năm lại bận rộn với trường lớp, việc làm nên dịp gặp nhau chỉ vào các dịp lễ chứ không thường xuyên như kỳ hè.

Có năm, tôi gặp một cô gái Mỹ, cũng mướn một mảnh vườn trong khu vườn tôi mướn, vườn tôi thì xanh um, trái ơi là trái, mà vườn cô chỉ loe que ít cây, cỏ mọc nhiều mà cô thì nghe nói ngày nào cũng ra vườn, còn tôi thì hai ba ngày mới ra một lần, từ ngày ba tôi bị bệnh không còn ra vườn thường xuyên được nữa. Cha mẹ tôi có ra, cũng là do tôi chở đi, chứ thằng em, ra trường rồi thì đi làm việc ở xa. Một lần tôi quan sát thấy cô tưới rau bằng bình nước nhỏ như bình xịt tóc, tôi chào:
-- Hello, cô làm gì đó?
-- Tôi tưới nước đây mà!
-- Sao cô không dùng dây nước kia kìa? Tôi tưởng cô xịt sâu bọ, chứ tưới nước cô phải tưới bằng ống nước Hose kia! Phải tưới đẫm nước thì cà chua và các thứ mới lên được.
-- Cám ơn, tôi không biết. Tôi có trồng cây cảnh trong nhà, tôi dùng bình này không thôi.
-- Trong nhà không có nắng, chứ ngoài đây, không có mưa thì rau cỏ khô ran chết ngay. Tháng 7, tháng 8 trời nóng chang chang, không tưới ướt đẫm là cây cỏ chết khôi đó!

Thế là năm đó, cô theo làm học trò học lối làm vườn của tôi. Cô thích dưa chuột, cà chua, và đậu bắp. Năm đó cô thu hoạch ở vườn cô không bao nhiêu, nhưng học hỏi được nhiều và cũng hái dưa chuột (cucumber), đậu bắp (Okra), và cà chua vườn tôi không ít, vì tôi cho phép cô cứ tự nhiên, đến nỗi các ông Mỹ làm vườn hay đùa riêng với tôi:
-- She likes your cucumbers. Go after her, friend! (Cô ấy thích dưa chuột của bạn. Bạn theo cô ta đi, bạn nhóc!)

Làm vườn là một thú vui thanh nhã, đôi lúc học hỏi được nhiều và cũng quen biết thêm nhiều người. Trồng rau ở Vườn Cộng Đồng không phải chỉ để ăn, mua bán, mà để chia sẻ, tiếp xúc với đủ hạng người. Vườn Cộng Đồng không rào gì cả nằm ngay ngã tư có bãi đậu xe nên nhiều người không làm vườn cũng ghé xem, đôi khi hái trộm các thứ rau. Có lần ông Arthur gọi ngắn là Art là dân làm vườn chuyên nghiệp ở đây nói:
-- Hôm qua, tôi thấy một người Mỹ lái chiếc xe Mercedes vào vườn của anh hái một bao cà chua, anh cho phép ông ta hở? Ông ta ở ngay khúc nhà kia kìa, tôi thấy ông ta chạy vào khu đó!
-- À tôi không quen, nhưng không sao. Cà chua tôi nhiều ăn không hết, đem cho bà con bạn bè, hay cho Kitchen Soup là trung tâm nấu ăn cho những người vô gia cư, người nghèo của nhà thờ tôi đó! Họ cần thì họ hái, đừng bận tâm! Cám ơn ông đã báo tôi!

Cũng có lần tôi gặp nhiều người lạ đến hái trong mảnh vườn của người khác tôi tới hỏi và nói:
-- Chào ông bà, tôi tên là... Ông bà quen với chủ nhân mảnh vườn này chứ?
-- Không chúng tôi tưởng là Khu Vườn Công Cộng ai vào hái cũng được!
-- Đây là Community Gardens nhưng là của riêng những người bỏ tiền ra mướn hằng năm, chứ không phải cho hết mọi người đâu! Xin ông bà vui lòng đừng làm vậy nữa. Ông bà cần gì, tới mảnh vườn riêng tôi, tôi hái cho...

Có những người cả gan nói dối trắng trợn, thì tôi hỏi thêm vì làm chung với nhau chúng tôi biết tên nhau hết:
-- Ông bà biết tên chủ nhân mảnh vườn này thì xin ông bà vui lòng nói tên họ là gì?
Thường là tới lúc đó họ đuối lý bỏ đi, hay trả lời được thì chúng tôi nói:
-- Ông bà cứ việc tự nhiên, những người làm vườn chúng tôi có một giao ước với nhau hỏi người lạ để bảo vệ chung thôi, chúc ông bà một ngày vui!

Cuối tháng ba năm nay, chúng tôi lên Trung Tâm Công Viên và Giải Trí để nộp đơn mướn đất. Giờ mở cửa là 8 giờ nhưng 5:30 sáng tôi đã lên để mướn đất gần vòi nước để đỡ phải kéo ống quá xa, ai ngờ trước mặt tôi đã có hàng dài người rồi. Đúng 8 giờ sáng chúng tôi lấy số, rồi tản ra nói chuyện, đa số là người cũ, cũng có một số người mới, là những người Ấn đô, Trung đông, và 1 gia đình người Trung Hoa.

Họ gật đầu chào tôi, tôi cũng chào lại:
-- Nị hào ma? (Ông khoẻ không?)
-- Hào, nị hào ma?
-- Hảo, hảo

Thế là chúng tôi nói chuyện làm vườn, ông bà Trung Hoa đã về hưu, già cỡ bố mẹ tôi, vì là lần đầu nên mảnh vườn ông bà ở cuối lô vườn, kéo nước hơi xa và ông bà không muốn mua ống hose dẫn nước nên cứ đem hai bình tưới rau hứng nước đi tưới nên rau cỏ cũng không mọc tốt như vườn tôi. Hôm nọ, ông bà nhìn luống rau muống, mùng tơi, và đậu ba gang ông bà thích lắm khi tôi cắt cho ông bà đầy bao, nhưng cảm động nhất đến nỗi bà chảy nước mắt khi tôi tặng ông bà bình cây ớt hiểm trái đỏ trái xanh đầy cành:
-- Cậu cho chúng tôi bình ớt này à! Cậu tốt lắm! Cậu tốt lắm! Cám ơn cậu!

Thế là ông bà nấu ăn mời bố mẹ tôi và tôi qua ăn như họ hàng trong nhà. Thực ra là có gì đâu, tôi trồng đủ loại ớt chỉ để mà xem cho đẹp mắt chứ một cây là đã ăn đủ cả năm. Đặc biệt năm nay tôi trồng loại ớt Habanero, gốc gác từ vùng Yucatan, Caribbean, cay cháy lưỡi chung với hàng ớt chuối (Banana Pepper), trái ớt chuối ở xa ớt habenero thì ngọt, không cay, còn đám cây ớt chuối trồng gần ớt cay cháy lưỡi cũng bị lai giống, cay như ớt, tuy không cay bằng loại ớt hiểm hay ớt Thái Long (Thai Dragon).

Được cặp nghệ sỹ Mỹ cho một lô tre trúc sau nhà, tôi làm vườn kỳ này qui mô hơn, dùng tre chống kiểu nhà lều của người da đỏ ngày xưa và cắm hình cũ V ngược, dùng hai thân tre chụm đầu vào với nhau làm giàn cho đậu ba gang và dưa leo mọc nên thu hoạch hai ngày hai bao đem phân phát cho mọi người ở sở làm và nhà thờ! Ai cũng nói :"You do have a green thumb!" (Bạn có ngón tay xanh làm vườn!" Tôi cười nói, "Just water, good topsoil, Miracle Grow and frequent weedings will do wonder into everything you grow!" (Chỉ nước, đất đổ mặt trên, phân Miracle Grow và làm cỏ thường xuyên sẽ làm những diệu kỳ cho tất cả những gì bạn trồng!" Coi bộ tôi đi làm quảng cáo cho các hàng bán Topsoil hay phân Miracle Grow được rồi quá!

Dưa chuột có giàn thì ong hút hoa rải nhụy trái nhiều và đều vì không chạm đất, lại dễ thấy nên hái hằng ngày, trái càng nhiều, chứ không hại giây vì để trái lớn già... Còn giây bầu thì ôi thôi được nắng, nước mọc tràn lan khắp nơi...

Năm nay loài bọ xít Nhật (Japanese beetle) về nhiều quá, ăn trụi nhiều rau trái của nhiều người. Tôi bỏ bột Sevrin lên những cây đậu đũa, đậu dài ba gang (String Bean), đậu bắp, cà tím là loại dân quê mình gọi là cà dái dê, sau một ngày thấy có cả ngàn con nằm lăn quay dưới đất chết. Loại cà tím tôi trồng là giống Ichiban Eggplant loại cà tím của Nhật thon dài, rất ngọt mềm, không như loại cà bát, cà tím Mỹ, ăn sống hay xào, lăn bột chiên. Cũng lạ là giống côn trùng nào khang kha c một chút người Mỹ họ đặt không biết có phải là do xuất xứ hay là tại tính kỳ thị có sẵn của con người có năm tôi nghe ở Florida có giống Vietnamese cockroach, có năm khắp nơi trên nước Mỹ có giống Chinese ladybug.

Thôi chuyện vườn rau xanh tạm thời đã đủ, lúc nào viết tiếp! Bạn nào thắc mắc chi, cứ hỏi. Anh T.V cứ đổ vài bao topsoil, cho thêm tí Miracle Grow là cây ổi sẽ vù lớn như giây đậu thần trong Jack and the Magic Bean ( Truyện cổ tích Jack và cây đậu kỳ diệu ) đó, tha hồ mà leo, đánh đu nha! 


 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN 04
Về Đầu Trang Go down
nguyen
Khách viếng thăm




 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: LÀM THƠ và LÀM VƯỜN    LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Icon_minitimeMon Sep 15, 2014 10:16 am


NỞ CHI HOA TÍM LỤC BÌNH

          
 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Htlb


Nước chảy liu riu
Lục bình trôi líu ríu
Anh thấy em nhỏ xíu anh thương … (1)

Tôi đi xuống California thăm con, cháu mười ngày. Trước khi đi đã mang mấy chậu lan ra ngâm nước, những loại hoa khác trồng trong chậu cũng được tưới thật sũng. Mở vòi tưới tự động ngoài vườn. Vớt con cá lia thia màu xanh biếc trong ao bèo ra. Nói là ao bèo cho oai chứ thật ra là cái ang sứ nhỏ có thả một cụm lục bình. Cụm lục bình này có là do hôm đầu tháng 6, có bạn ở xa về, cả nhóm rủ nhau đi đến Nursery – Flower World khá nổi tiếng ở  Snohomish - Seattle xem hoa thơm, cỏ lạ. Thấy họ có bán mấy cụm bèo lá tròn to. Bèo này người Bắc gọi là bèo Tây hay bèo Nhật Bản, người miền Nam gọi là Lục Bình, vì thân nó có hình dáng cái lọ lục bình. Lục Bình nhiều nhất ở các kinh rạch miền Tây Nam Bộ.

Tôi mua hai cụm, chia cho chị bạn một cụm. Không ngờ về nhà thả xuống nước có vài ngày, nó sinh sôi nẩy nở nhanh quá, kín cả ang. Tôi mua một con cá lia thia nhỏ màu xanh pha chút đỏ trên cái vi uốn éo, thả vào cho nó rúc dưới rễ bèo. Ao bèo mà không có cá thì buồn lắm!

Cứ hai ngày tôi lại rắc xuống mấy hạt thức ăn của cá cho nó, giống như cô Tấm trong chuyện cổ tích ngày xưa. Chỉ khác là lúc cho cá ăn không dám mè nheo Bụt điều gì. Ở tuổi này còn xin thêm gì nữa, làm gì còn chỗ mà cất, những ô ngăn kéo đời chật chội lắm rồi.

Trước khi đi khỏi nhà, tôi vớt con cá ra, cho vào cái cóng thủy tinh nhỏ để ngay giữa bàn ăn với lọ thức ăn của cá bên cạnh, nhờ chồng tôi thỉnh thoảng nhớ cho nó vài hạt. Vì tôi biết chắc là nếu chỉ dặn anh cho thức ăn vào ao bèo, anh sẽ không bao giờ nhớ vì anh không nhìn thấy con cá. Nó sẽ chết mất.

Mười ngày của mùa hè với cái oi ả, không khí ngộp thở ở Cali quả thật làm tôi ngất ngư. Giúp con cháu ban ngày, tối lên giường, đọc vài trang sách lại nhớ đến con cá nhỏ ở nhà, chỉ sợ nó chết vì không tin tưởng Ông Chồng, người chẳng bao giờ nhớ một chuyện gì, nhất là mấy cái chuyện vớ vẩn của vợ.

May quá! Con cá vẫn sống khi tôi trở về, nhưng trông nó lờ đờ buồn hiu hắt. Chắc nó nhớ tôi và nhớ rễ bèo.Tôi mang nó ra để thả lại vào cái ang sứ giữa phòng khách. 

Chao ôi! Ở giữa cái ang, một chùm hoa màu tím nhạt nhô lên. Mấy cụm lục bình của tôi đã trổ một chùm hoa thật đẹp ngay hôm tôi trở về nhà, tôi kêu chồng ầm lên.

- Anh có biết là có chùm hoa màu tím mới nở trong ang không?

Chồng tôi hỏi lại:

-  Thế hả, nở lúc nào vậy, anh hoàn toàn không để ý đấy.

Chán ơi là chán! Ông này tuổi trâu, chắc là mắt trâu (không phải tai trâu, vì anh nghe nhạc cổ điển khá giỏi) nên không nhìn thấy bông hoa lạ nở ngay giữa phòng khách.

Tôi đứng ngẩn ra nhìn bông hoa lục bình phơn phớt tím, đang nở rộ trong cái ang sứ men trắng. Chùm hoa nhô lên giữa những cái lá tròn màu xanh ngọc bích. Tôi bối rối quá trước cái đẹp bất ngờ của hoa, quên cả con cá thia lia đang giương mắt, chờ tôi thả xuống.

Trời ơi, gần bốn mươi năm tôi mới nhìn lại được một chùm hoa lục bình, phải nói là lâu hơn nửa thế kỷ mới đúng. Vì khi ở Sài Gòn mình cũng đâu có cơ hội nào thấy hoa lục bình thường ngày. Phải bao giờ sang Thủ Thiêm, ra bến Bạch Đằng, cũng hiếm hoi lắm mới thấy một đám lục bình từ sóng nước nào bập bềnh giạt vào chân phà một mảng, nhưng chưa chắc đã có hoa.

Có một loài hoa vừa đi vừa nở
Em lấy chồng rồi anh ở vậy thôi
Nữa mai thương đứng nhớ ngồi
Biết loài hoa ấy vừa trôi vừa buồn (2)

Khi mua cụm lục bình này tôi quên không hỏi xuất xứ. Lục bình từ đâu trôi tới giạt vào cái ang sứ nhà tôi, nở cho một chùm hoa ngan ngát tím. Màu tím nhìn vào lòng buồn đến thẫn thờ. Nó phải trôi bao nhiêu ngàn dặm, từ một nước nào tới và ai đó đã vớt lên mang ra chợ bán từng cụm nho nhỏ với vài cái rễ mong manh. Thế mà nó thích ứng ngay với môi trường mới, dù là ở trong một cái ang nhỏ hay dưới chân một hòn non bộ. Nó trôi tới đâu là nở hoa tới đó hay sao? Hoặc là tôi may mắn đồng hội đồng thuyền với hoa, nên hoa mới nở.

Có lẽ lục bình là loài hoa duy nhất vừa trôi vừa nở. Nó không giống hoa sen, nở ở hồ nào là đứng nguyên trong đó cho đến lúc sen tàn. Người ta chỉ có thể đến cắt hoa sen mang đi nhưng gốc rễ để lại trên hồ. Lục bình lênh đênh đi theo dòng nước, không biết sẽ dừng lại bến nào. Đời hoa ngắn ngủi có một ngày, nên vừa trôi vừa nở, không hề kén chọn bến đục hay trong. Có lẽ cái xanh ngọc bích của lá, cái tím mong manh tinh khiết của hoa, đã làm cho người nhìn ngắm quên đi cái dòng nước đục, trong, bên dưới. Người ta cũng không thể cắt lục bình để nâng niu cắm vào trong những lọ thủy tinh, vì lục bình bị mang ra khỏi nước sẽ héo, tàn ngay lập tức.

Cái đẹp của hoa lục bình được ví với nhan sắc của các cô gái miền Tây (của một thời nào đó), một vẻ đẹp dịu dàng, mộc mạc nhưng vô cùng đằm thắm.

Người dân quê miền Tây Nam Bộ, gắn liền đời sống với lục bình, từ hoa cho tới rễ. Lục bình nở quanh năm, nhưng nở nhiều nhất vào mùa gió chướng. Lục bình mang đến cho người dân quê những món ăn tinh thần lẫn vật chất. Từ cọng lục bình non và hoa lục bình người ta hái vào chấm mắm kho cho những bữa ăn hàng ngày. Để khi xa xứ những đọt hoa còn tím mãi trong hồn.

Thân lục bình cắt lên phơi khô, những nghệ nhân có cơ hội phát triển năng khiếu, đan những chiếc giỏ sách tay xuất cảng ra nước ngoài, giúp đời sống người dân đầy đủ hơn. Giúp đời lục bình không phải chỉ quanh co trên sông rạch, nó được trôi xa, ra khỏi xứ sở mình.

Nếu ai đi xa lâu ngày, có dịp trở về miền Tây vào mùa gió chướng, đứng lặng nhìn lục bình trôi bập bềnh từng mảng trên sông nước, sẽ liên tưởng đến một phận người xa xứ, chờ bàn tay xa lạ vớt lên.

Giống như một người bắt buộc lưu vong, dù thả lục bình vào đâu lục bình vẫn bình thản sống, bình thản nở hoa.

Hoa lục bình chỉ nở một ngày là tàn ngay. Cái mầu tím nhạt đôi khi ta bắt gặp giống như đường viền chân trời cuối ngày, tan đi nhanh lắm. Nhưng nó để lại trong trí nhớ của ta một giải màu như mực in dấu trong tranh.

Câu hát của ai đó văng vẳng trong trí nhớ mơ hồ của tôi khi cúi nhìn bông hoa lục bình tim tím, lạc lõng trôi vào cái ang sứ giữa phòng khách nhà mình.

Nở chi hoa tím lục bình
Trôi chi, trôi giữa dòng tình đôi ta. (3)

Câu hát, đọc lên nghe muốn khóc.


tmt - 9/2014

(1), (2), (3): Hoa Tím
Về Đầu Trang Go down
Ng.Nhung
Khách viếng thăm




 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: LÀM THƠ và LÀM VƯỜN    LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Icon_minitimeWed Oct 01, 2014 1:52 pm


Giàn Mướp Hương

                                                                

Truyện Nguyên Nhung

 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Z



Ðợt gió thu cuối mùa thả vào khu vườn sau  chút tiêu điều của một mùa thu rất ngắn. Năm nào cũng vậy, một đêm đang ngủ chợt giựt mình thức giấc, nghe ào ào sau vườn tiếng lá rung, không biết gió ở đâu đổ về khu vườn lá đã chuyển màu, chùm phong linh sau nhà vang lên những hồi chuông leng keng như báo hiệu mùa thu sắp ra đi rồi đó. Mùa thu ở đây ngắn quá để lá chỉ mới chớm vàng chưa kịp rụng, đợt gió lạnh tràn về làm úa đi những chiếc hoa vàng trên giàn mướp hương, những quả mướp non  chưa kịp lớn sẽ là món ăn ngon cuối mùa trên mâm cơm gia đình bà nội Tý anh và Tý em.

Giàn mướp đang độ vào hè, với những trái mướp dài lủng lẳng treo trên giàn nhiều đến nỗi ăn không kịp, phải đem biếu cho hàng xóm, gọi con cái ăn hộ giờ này chỉ còn có vài quả cuối mùa co quéo lại nằm trên mặt giàn, không thả được mình xuống khoe mã như dạo đang hè. Bây giờ muốn ăn phải tìm mỏi mắt vì còn dăm quả đèo đẹt, lấp mình trong khoảng giàn xanh xanh, chen lấn trong đó nhiều loại rau khác nhau: mùng tơi, lá mơ, mướp hương. . .

Những loại rau này rất buồn cười, sống hồn nhiên như những đứa bé con nhà nghèo, tự nhiên mọc lên rồi lớn, bám vào được chỗ nào thì cứ thế mà leo. Còn nhiều khi  bà nội Tý anh cẩn thận gieo hột trong những cái chậu đất tốt, tưới tắm, nâng niu, cây có đâm chồi nảy lộc nhưng chỉ được vài hôm là ủ giột, mặt mày cứ sa sầm xuống như bị cầm hãm tù tội. Cái khoảng khoát khỏe mạnh của cây cỏ là được sống tự nhiên với thiên nhiên, hễ mọc được là sống khỏe, rồi sau đó tự nhiên chen lấn với các loại khác mà sống còn.

Nói đến cái cơ duyên của giàn mướp này bà nội Tý anh lại buồn cười. Thực tình thì bà có trồng đâu, cái giàn là của nhà mùng tơi tím

đó chứ, sau có người hàng xóm quảng cáo về cái lá mơ trị kiết lỵ, đầy hơi, trĩ nội trĩ ngoại rồi tặng cho một cây, bà cũng dọn cho nó một chỗ mát mẻ ngay bên vệ rào, gần đám mùng tơi. Sở dĩ  đa số dây leo được bò quanh vệ rào, vì chỗ này ít bị nắng gắt mùa hè chiếu cố đến, chỉ vào buổi bình minh mới lên là còn hưởng tý ánh nắng mặt trời, nhưng cứ càng xế trưa thì chỗ ấy mát dần lên, dây lá không ủ rủ héo rũ xuống vì nắng hè khắc nghiệt.

Khi đám mùng tơi phơi phới leo lên, chị lá mơ cũng ì ạch chạy theo kịp thì trên giàn những lá mơ mềm mềm hai mặt xanh và nâu tím, đầy những lông tơ cũng lẫn lộn với chị mùng tơi tím xinh xinh vẻ hiền hậu của cô gái quê không son phấn. Muốn có nồi canh mùng tơi, trước hết bà nội Tý anh đã hái những lá nằm phía dưới của hàng rào, sau chỗ nào cao hơn thì phải dùng cái thang nhỏ mới hái được. Nhà ít người thì một rổ nhỏ cũng có tô canh rồi, hai thằng Tý anh Tý em khi biết ăn cơm là cũng biết ăn canh mùng tơi, chả vì có tý rau trơn trơn dễ nuốt. Nhưng khi nào nhà có khách, ngoài những món thịt thà xào nấu công phu, bao giờ bà nội Tý anh cũng phải nấu thêm tô canh mùng tơi, ăn với món  cà muối xổi thơm mùi tỏi ớt lúc nào cũng có sẵn trong tủ lạnh.

Không biết sao chứ nồi canh mùng tơi ăn với cà lại được khách chiếu cố tận tình, chẳng phải dài hơi mời mọc. Hôm nào đi chợ thấy bán cua biển còn tươi, bà nội Tý anh đã chịu khó mua về làm sạch sẽ, rồi nhờ ông xay giùm để dành từng bọc trong tủ đá. Khi muốn ăn, bỏ ra ngoài chờ hết lạnh lọc lại là có món canh cua nấu rau gì cũng ngọt. Nó hợp lạ lùng với rau đay, nhưng có đem nấu với mùng tơi và mướp hương thì cũng chẳng chê vào đâu được.

Hồi xưa đến giờ người ta hay nói đến cái duyên của mùng tơi với quả mướp, hai thứ này đi với nhau như bóng với hình. Người nội trợ khi mua rau mùng tơi nấu canh, bao giờ cũng hay nghĩ  đến qủa mướp, thấp thoáng trong nồi canh là những miếng mướp mong mỏng xanh xanh màu ngọc thạch, thì lại phải điểm lên những lá mùng tơi xanh tím làm nền cho tô canh quyến rũ hơn, mùi vị hòa hợp lạ lùng. Thế mà khi không cái duyên quả mướp với mùng tơi lại đến với mảnh vườn của bà nội Tý anh. Nhà hàng xóm mùa thu năm trước dọn dẹp giàn mướp tàn, lẫn lộn những hột mướp giống với cỏ khô, dồn hết vào hông nhà ở vệ rào, năm nay khi mùa Xuân sang tự nhiên mọc lên những dây mướp thật khỏe, rồi vì nhu cầu sống cứ thế vươn lên, tìm đất đứng và tự nhiên bò qua cái hàng rào nhà hàng xóm.

Cuộc xâm lăng này không biết đối với chị mùng tơi và chị rau mơ có dễ chịu không thì chủ nhà không biết, nhưng cứ nhìn những dây mướp to khỏe, thay đổi từng ngày, lá xanh rờn to bằng hai bàn tay chụm lại, "tự nhiên như người Hà Nội" che kín cái giàn còn trống trải, tạo bóng mát cho cái hàng ba nắng mùa hè chênh chếch soi vào thì tiện lợi biết mấy. Nhất là trên cái giàn ấy đã xuất hiện những bông hoa vàng, rủ rê con ong cái  bướm ở khắp nơi bay về dập dìu trên giàn mướp hương, đem đến những mảnh tình con con cho hoa lá cũng tưng bừng mở hội.

Ðó là cái tình của cây cỏ, còn cái lợi trước mắt thì nhà có thêm mướp để nấu canh mùng tơi, món canh quê mùa quốc hồn quốc túy mà chan vào bát cơm, rồi cắn thêm quả cà ròn tan trong miệng, chẳng thích lắm sao! Chủ nhân thuộc loại nhàng nhàng đủ ăn, chả có danh gì với núi sông ngoài cái giàn mướp và mùng tơi che kín cái hiên sau nhà, nên gọi cái giang sơn của mình là vườn rau quê hương, để gợi nhớ cái vườn rau quê nhà, và cũng vợi đi chút buồn xa xứ, hễ khách đến nhà thế nào cũng nấu cho được tô canh mướp , mùng tơi để đãi khách.

Bây giờ trời đã cuối thu, chỉ còn thưa thớt vài quả mướp đèo trốn tít ở trên cao, rình mãi bà nội Tý anh mới gom được ba quả mướp đèo để nấu tô canh cuối mùa. Ngó quanh cái giậu mùng tơi lá đã úa vàng, bé tẻo teo bám trên sợi dây màu tím lịm, vặt trụi đi thấy cũng tội nghiệp, chỉ con những chùm hột màu tím khô đong đưa dưới mặt giàn. Rau ăn đúng mùa, trái ăn đúng kỳ mới ngon, thôi thì làm một nồi canh mướp với nhúm tôm tươi bóc vỏ, thêm vào tý thịt nạc, vài tai nấm, một  nắm bún tàu rồi nêm vào một chút hành ngò chẳng ngon lắm sao!

Nhà hôm ấy có khách. Khách từ phương Bắc mới đầu đông mà đã giá rét, trốn lạnh đi về phương Nam chơi ít lâu  nên khi nhìn thấy cái vườn phương Nam , tuy đã xơ xác tiêu điều nhưng vẫn thấy lòng ấm lại. Chẳng vì mùa đông phương Bắc đến sớm từ cuối tháng chín, chưa gì vườn tược hoa cỏ đã úa màu rơi rụng hết, nay về phương Nam người xa quê như  bắt gặp được một khoảnh quê hương xa tít tắp bên kia bờ đại dương. Nhất là bụi mía ven bờ rào bên khung cửa sổ thì ôi chao sao nó nhớ chi là nhớ, một cơn gió thổi qua để tất cả những thứ lá cây trong vườn rung lên xào xạc, bụi mía xào xạc, những lá mướp già vừa chớm khô cũng xào xạc, trời lại hanh hanh nắng mà vẫn hơi se lạnh, tý nữa trên mâm cơm lại có thêm tô canh mướp cuối mùa, còn giữ nguyên cái tình quê trong đó.

Không cần mời chào nài ép nhiều nhặn gì, đến bữa cơm ngoài món thịt kho trứng,  đĩa cá chiên ròn chan nước mắm chua ngọt, tô canh mướp cuối mùa múc lên chỉ loáng mà đã hết. Khách vừa ăn vừa khen rối rít:
"Chả nói dấu gì, cao lương mỹ vị chúng tôi không thiếu, có tiền mua tiên cũng được, nhưng không tìm ra được hương vị thanh thanh ngọt ngào như cái tô canh mướp nhà bác. Ngày xưa hồi còn ở quê nhà..."

Thế là bao nhiêu kỷ niệm ở đâu tuôn ra như nước vỡ bờ:
" Bà cụ tôi hồi sinh tiền chỉ thích mỗi món canh mướp nấu lòng gà, ngày giỗ kỵ cũng phải để bộ đồ lòng cho cụ nấu canh mướp. Còn ngày thường thì chỉ nhúm tôm khô cũng xong, nhưng quả thật những thứ này đi với nhau lại hòa hợp một cách lạ lùng. Cái màu xanh xanh biêng biếc của lá mùng tơi, rồi điểm vào đó những lát mướp mong mỏng như ngọc thạch, úi chao, cả một nghệ thuật ẩm thực của tiền nhân trong ấy..."

Khách đúng là sính thơ văn nên khi tả món ăn cũng phải cầu kỳ hoa mỹ, chứ cứ như bà nội Tý anh, cả đời dân giả chỉ biết nồi niêu xoong chảo, cách nấu nướng cũng chỉ đơn giản miễn sao có chút thức ăn đưa cơm cho no bụng:
" Chắc các bác chưa từng được ăn đọt mướp xào tỏi bao giờ nhỉ?"

Khách ngưng húp canh, ngẩn ngơ nghĩ chưa ra là trên đời lại còn món đọt mướp xào tỏi:
" Vâng, món ấy thì chưa được ăn qua, nhưng đào đâu ra cho đủ để xào?"

Bà nội Tý anh hãnh diện khoe:
" Từ ngày sang đây đến nay, tôi cũng chửa thấy chợ nào có bán đọt mướp. Bí rợ, đậu hòa lan thì thiếu gì, nhưng tìm được đọt mướp để xào thì hiếm còn hơn cao lương mỹ vị. Gặp năm giàn xum xuê quá mà quả ăn mãi cũng chán, nhà chỉ hay hái đọt mướp để xào thôi. Ðúng là quý thật, vì mỗi lần hái chỉ được một rổ nhỏ, lấy cả lá non tước đi cái vỏ ngoài cũng chỉ được đúng một đĩa, hôm ấy nhà tôi gọi là có đại tiệc đấy, mỗi người được đúng hai gắp..."

Khách xuýt xoa:
" Tiếc nhỉ, giá đến chơi sớm vào độ hè chắc tôi đã được ăn món ấy. Ðâu chủ nhà diễn tả xem cái đọt mướp xào tỏi nó thi vị ở chỗ nào, có bằng món đọt đậu Hòa Lan trong nhà hàng Tàu không?"

Xem ra khách có vẻ chưa tin vào cái món đọt mướp "cây nhà lá vườn" này lắm, bà nội Tý anh phải vận dụng hết khả năng văn chương để cho khách phương xa thèm thuồng món ăn dân giả này, bởi chưa chắc có tiền đã mua được:
" Ấy, bác vào bất cứ nhà hàng nào ở đây không bao giờ tìm được trong " menu " món này đâu đấy! Còn so sánh với đọt đậu xào thịt bò thì hai cái khác nhau một trời một vực, hương vị mỗi thứ mỗi khác, tuy đã xào nhưng mùi hương của cái nhụy hoa vàng kia nó vẫn phảng phất trong cái miếng rau mình nhai trong miệng, bùi bùi, hơi nhân nhẩn mà không đắng, thơm thơm mà lại thanh thanh, cứ chầm chậm nhai thì mới thấy cái ngon nó thấm vào lục phủ ngũ tạng. Rau bí rợ thì dễ kiếm, nhung khi luộc hay xào, ăn nó nhàn nhạt không bao giờ có được cái vị thơm của lá mướp."

Khách cười xòa lên:
" Ui chao! Nghe tả sơ sơ thôi mà đã thấy thèm ứa nước miếng ra rồi. Xem ra chả có cái gì bỏ phí, vì lá mướp nghe nói cũng là dược thảo chữa cái bệnh gì đó..."

Chủ khách cùng cười, giá cây mướp đang bò trên giàn kia nghe được chắc cũng phổng mũi ra vì sung sướng:
" Nghiên cứu về dược thảo của rau cỏ thì nhiều, nhưng chính lá mướp cũng là một thứ thuốc chữa bịnh ngoài da hay lắm. Nó còn chữa được cả bệnh Giời ăn, mọc thành giề mà hễ nước vỡ ra đến đâu thì lan ra tới đó, cái lạ rằng chỉ nổi một nửa thôi, hễ ở lưng thì mọc một bên không bao giờ qua phía bên kia, nhưng để giáp vòng thì hết thuốc chữa. Vậy mà ngày xưa ở nhà quê người ta cứ lấy lá mướp giã nát ra đắp lên cũng khỏi. Thế tôi đố chị chỉ có người Việt mình mới biết ăn đọt mướp, hay là các dân xứ khác họ cũng biết ăn như mình?"

Khách lắc đầu:
" Ngay tôi là người Việt thế nhưng hồi ở bên nhà, cũng chưa bao giờ biết là đọt mướp ăn được."

Bà nội Tý anh tiếp lời khách:
" Chính tôi thì cũng không nghĩ rằng đọt mướp ăn được, vì khi các cụ mình trồng cho mướp ra hoa nhiều mới có quả, bất cứ giống gì hái đọt ăn lá đều không kết quả được bao nhiêu. Thế nhưng cái hôm bà hàng xóm người Phi Châu sang chơi, thấy cây mướp có nhiều đọt non, bà ấy mới bảo rằng lá mướp non ăn ngon lắm. Tôi không tin như thế, nhưng nghe vậy cũng ăn thử một bữa xem sao, mới biết người ta nói đúng."

Chỉ tiếc rằng giàn mướp vào cuối thu đã tàn, nên không thể hái được nắm đọt mơn mởn để đãi khách như độ đang hè, nhưng câu chuyện kể về quả mướp hương nó lại lan man sang vấn đề khác:
" Mình thì cứ tưởng chỉ có mỗi mình mình mặn nồng nỗi nhớ quê cha đất tổ, hóa ra dân tộc khác cũng vậy. Món ngon không phải ở chỗ đắt tiền, nhưng  chính là nó hợp với cái nỗi nhớ trong lòng mình mà bỗng hóa nên ngon, nên hiếm. Ôi cái thuở còn thơ, hễ buồn buồn thì vác con dao ra vườn đốn một cây mía xuân diệu, rồi cứ thế ngồi dưới gốc mía mà gặm, sao nó ngọt nó ngon đến thế. Bây giờ nói xin lỗi bác, khéo không lại đi tuốt hết cái hàm răng..."

Hai người cứ thế rũ ra cười với nhau, hai thằng Tý anh Tý em cùng cười góp vào mà chẳng hiểu gì. Bà nội Tý anh bảo:
" Mùa này cá nục ngon và béo lắm, mai tôi đãi chị món lá mướp cuốn cá nục, nuớng lửa than rồi cuộn với bánh tráng, rau sống tuyệt trần đời. Trải ba lớp lá mướp, để cá lên rồi cuộn chặt vào mà nướng, thịt cá không tanh mà lại còn thơm cái mùi khói đồng nhờ lá mướp bao xung quanh. Muốn tìm ra cái hương quê cũng chẳng khó gì chị ạ."

Cơm nước xong, ấm trà cúc pha vừa phải  đủ làm thơm miệng và mát bụng. Hình như chợt nhớ ra, bà nội Tý anh lại nói với khách:
" Xem thế nhưng không phải lúc nào cũng ăn được mướp. Người yếu tỳ yếu vị, bị cảm lạnh thì không nên ăn, mướp thuộc loại hàn ăn vào cũng khó tiêu. Nhưng hề gì, nhà tôi có một giàn lá mơ đấy, bứt vài lá dằn bụng thì ăn gì cũng chả lo!"

Nguyên Nhung


Về Đầu Trang Go down
Ng.Nhung
Khách viếng thăm




 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: LÀM THƠ và LÀM VƯỜN    LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Icon_minitimeFri Nov 07, 2014 10:35 pm

 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Images?q=tbn:ANd9GcQPqG6M0Zx0BqQ2QXcnhtIrfFQHN8mVVugmTybtxgdGldFqcLu1

Câu Chuyện Của Một Cây Chanh
                 
Nguyên Nhung

Tôi là một cây chanh, cây chanh thì không bao giờ biết viết, nhưng cơ duyên đưa đẩy, tôi có dịp hòa nhập vào tâm hồn người viết, để viết lại câu chuyện của đời mình.

Khởi đầu như mọi thứ, mọi loài hiện hữu trên cuộc đời, tôi cũng có cội nguồn, tổ tiên. Bắt đầu từ một chiếc hột được vứt lăn lóc trong đám cỏ hoang sau vườn, tôi ngoi mình lên và bắt đầu một sự sống, giống như sự bắt đầu của con người, cũng bằng giọt máu tượng hình trong lòng mẹ. Tôi được ủ trong lòng đất, sau một vài cơn mưa, tôi cựa mình tách ra mầm sống, một cây chanh non ra đời. Sự ra đời thật tự nhiên không hề tính toán, như là cha mẹ tôi không hề nghĩ rằng có những đứa con ra đời bằng cách ấy, nhưng dù bằng cách này hay cách khác, nơi nào tôi lớn lên thì đấy là quê hương, mạch đất nuôi sống tôi thì tôi phải mang ơn và quấn quýt, như con người ai cũng phải có tổ quốc.

Khi tôi cao được khoảng một tấc thì lũ trẻ trong nhà phát hiện ra tôi, với vài chiếc lá màu xanh lá cây đậm, trên mình lại điểm gai, đứa bé gái đi hái rau tập tàng trong vườn để nấu canh, nó ngắt cho tôi một phát và đưa lên mũi ngửi. Đúng rồi, một cây chanh, chẳng gì so với đám rau hoang sau vườn tôi cũng có một chút giá trị. Tuy nhỏ nhoi và gai góc, tôi vẫn có mùi thơm phát tiết tự trong người, đó là cái tinh hoa mà tôi nghĩ mình càng phải biết xử dụng cho đúng đắn để làm đẹp cuộc đời.

Mảnh đất ấy khô cằn lại thiếu sự chăm sóc, chủ nhân lại không thiết tha gì một cây chanh, chỉ vì đời đã có nhiều thứ quý hơn, ở cái bóng sắc màu mè vương giả của chúng. Ngay từ thuở còn thơ, tôi đã nhìn thấy tâm hồn đơn sơ của lũ trẻ con, chúng quý tôi lắm, chỉ phát hiện ra một cây chanh tầm thường như tôi, vậy mà cũng làm chúng vui như người lớn bắt được tiền vậy. Ai bảo không có sự kỳ thị nơi cây cỏ, điều ấy phát sinh tự con người, rồi tự lòng người ngấm ngầm lây lan qua loài vật cây cỏ, qua sự sắp xếp ngôi thứ cao thấp trong xã hội, phân biệt từ trình độ kiến thức, giàu nghèo, màu da, chủng tộc, nảy sinh lòng ích kỷ rồi khinh miệt lẫn nhau.

Đám trẻ con hè hụi bứng tôi lên mang vào gần hàng rào chỗ áng nước, ở đấy có một chị mùng tơi nõn nà, đang phơi phới khoe những chiếc lá mòng mọng màu xanh tím trên hàng rào, đúng là một cô gái xuân có cái đẹp thật hồn nhiên giản dị. Một bác xả lá dài lại nham nháp như cỏ, tôi ngửi được mùi hương của bác cũng nồng nàn lắm. Hai mụ ớt đứng gần bác xả lại có vẻ cay nghiệt ra mặt, im thin thít, làm như hai mụ gớm ghiếc một người láng giềng như tôi, người đã gầy gò lại gai đâm tua tủa. Sau này có dịp gần gũi nhau lâu ở mảnh sân sau, tôi mới thấy cái thành kiến thiển cận của mình, về những ý nghĩ sai lầm khi đánh giá con người hay sự vật qua  hình vẻ bên ngoài.

Tôi cũng mắc cái mặc cảm như con người ví mình sinh ra dưới vì sao xấu, so với đồng loại như chị bưởi, anh cam, chị quýt hay em quất, số phận của tôi có vẻ hẩm hiu hơn cả. Không phải người ta không cần đến chúng tôi, rất cần nữa là khác, nhưng để nâng niu, ngắm nghía, trầm trồ thì mấy ai đã dành cho một quả chanh. Dẫu sao tôi vẫn không phụ lòng trời, không phụ lòng người, cố gắng vươn lên bằng cách bám chặt lấy mảnh đất quê hương, hít vào thở ra cái không khí tự nhiên mà ông trời đã rộng rãi ban cho cùng khắp mọi loài, mọi vật.

Đã tên chanh mà lại chua, hình dạng tên tuổi kém mỹ miều, không ngọt ngào để đẹp lòng thiên hạ, ai có dịp tiếp xúc với  tôi lúc ban đầu, đều lắc đầu, rùng mình, le lưỡi. Người tôi như thế nhưng đâu phải tôi không giúp ích cho đời, hãy xem cách con người xử dụng tôi thì rõ. Anh chiến sĩ xông pha ngoài trận mạc, trên đường hành quân đồng khô cỏ cháy, có chúng tôi cũng đỡ khát được vài giờ. Anh nhà giàu ăn phở, bà nội trợ làm nước chấm, chỉ cần vài lát chanh hương vị đã dịu dàng, tôi hòa đồng vào cái mặn, cái ngọt thật nhanh, người hưởng thụ sung sướng đầy đủ khi vị giác đạt đến cực kỳ cảm khoái, ấy vậy mà họ vẫn chẳng nâng niu, quý hóa. Ngay cả những lúc cấp bách nguy nan tối lửa tắt đèn, ông lão lên cơn áp huyết, thằng bé nóng sốt co giật, có chúng tôi là hạ hỏa ngay.

Nói trắng ra, tôi là món giải khát của loài người, bạn của bà nội trợ, gần gũi với người lớn tuổi và bệnh tật. Không tin à? Cứ thử xơi đẫy vài quả xoài, ăn một hơi vài quả quýt là biết ngay, nó nóng hừng hực, nóng đổ ghèn mờ mắt, nhưng chỉ cần uống một ly chanh tươi chua chua một chút là mát mẻ liền. Thằng bé con nóng sốt đến thế, vắt một vài giọt vào miệng, chà mấy lượt chanh lên trán, hiệu nghiệm thấy rõ, ít ra cũng cầm cự cho đến khi tìm được thuốc. Người lớn tuổi đã đến lúc tim mạch bất thường, cứ cho chúng tôi là thứ nước thông ống cống cho cơ thể con người cũng được đi, nhưng cũng tại con người đấy chứ, họ trân quí cao lương mĩ vị, bữa ăn của họ ê hề những thứ máu đổ thịt rơi, toàn những thứ độc hại mà không tiên liệu rằng có một ngày, chúng phản lại con người như con dao hai lưỡi. Sự thật hay mất lòng, nhưng càng về lâu về dài mới biết ai là người hiền lương, ai là kẻ nguy hiểm.

Trở về câu chuyện của đời tôi, tôi không hề có ngày sinh nhật vì việc ấy đối với tôi không quan trọng, ngày sinh nhật chỉ là dấu mốc cho người ta đếm tuổi, đếm thời gian tính ngày ra ma, ra mả. Ra ma hay ra mả cũng đồng một nghĩa như nhau, có nghĩa gì đâu mà phải kỷ niệm, phụ nữ cũng thường mừng ngày sinh nhật của họ nhưng không muốn ai biết tuổi thật của mình. Một kiếp người qua nhanh như bóng câu vù qua cửa sổ, qua tuổi năm mươi, “tri thiên mệnh” đã lù lù tới, không muốn tri cũng phải tri, vì cơ thể nó cũng ương bướng lắm kia, nó có phải của mình đâu mà điều khiển được nó.

Đời là thế, thân phận con người là thế, sinh ra được thì cũng chết được, tôi không hề oán trách Thượng Đế đã sinh ra tôi, vì tôi hiểu giá trị của mỗi loài, mặc ai muốn nghĩ sao cũng được. Mỗi người một việc, việc lớn việc nhỏ không quan trọng, tất cả đều có liên quan đến nhau cho guồng máy cuộc đời phát triển không ngừng. Không có gì thừa, không có chi thiếu, nếu chỉ sản sinh toàn những tư tưởng lớn thì ai là người đào sâu và phát huy tư tưởng ấy, bởi vậy với những chị em, bạn bè đồng cảnh hay kém may mắn hơn tôi, tôi không dám nhìn ai với cái nhìn cỏ rác.

Hằng ngày, tôi chung đụng với đủ thứ cỏ lác, rau hoang, rau dại, rau thật trong vườn. Có đứa thật thà, hiền lành như rau sam, rau diệu, có đứa cũng ích kỷ, giành giựt từng tấc đất như đám cỏ dại, nếu không có lũ trẻ bảo vệ có lẽ tôi cũng khó sống với hạng ấy. Tôi cứ lẩn thẩn khi nghĩ ông trời đã lầm lẫn khi sinh ra cỏ, sau già hơn mới nghĩ ra, hóa ra mình cũng ích kỷ mà không biết, không có cỏ làm sao có lương thực cho trâu bò ăn, chỉ có điều lũ này dễ sống quá, tại trời sinh ra thế chứ có phải chúng muốn vậy đâu.

Từ lúc được lũ trẻ đem vào gần áng nước, tôi lớn lên trông thấy, mình mây mẩy sức thanh niên. Thỉnh thoảng, lúc thì nước vo gạo, lúc thì nước rửa rau, bao nhiêu thứ nước thừa thãi dơ bẩn con người hất cả vào chúng tôi. Tôi cảm động quá, thôi thì “cũ người mới ta”, lòng bác ái có thể hiện bằng cách nào thì chúng tôi cũng mang ơn hết, nguyện một lòng tạc dạ ghi ơn, sau này lấy hết sức mình để đền đáp. Qua những lúc được tưới tắm như thế, tôi lớn phỗng lên, tuổi thanh niên mà, ngày còn trẻ chúng tôi cứ tưởng mình quan trọng, cho nên lắm lúc cũng phí sức lực vì những lời tâng bốc hay phỉnh nịnh. Tôi đã nguyện trong lòng, dù chỉ là cây cỏ thì cũng xin cố sức mà vươn lên, rễ tôi bám chặt vào đất, lan tỏa ra cố hút lấy cái tinh hoa của đất trời mà đơm hoa kết trái, hầu trả ơn đời, trả ơn người.

Cái thằng bé con chủ nhà thật chẳng suy nghĩ gì cả, thỉnh thoảng bí quá nó “tè” đại lên người tôi ướt rượt, mùi nước đái ngai ngái, mằn mặn của trẻ con thật khó chịu, nhờ vậy mà tôi lại nghĩ ra được một triết lý nhảm về cuộc đời, ví như làm người cũng có nhiều lúc đắng cay, ngọt bùi, thế thái nhân tình bạc trắng như vôi, hay nồng nồng như nước đái trẻ con thì cũng có chi mà buồn. Tôi biết phận mình nên không hề oán trách ai cả, người ta dùng mình là vì người ta cần dùng, chứ không phải vì ý nghĩ trân trọng một tấm tình hiền lương, chất phác.

Tôi đơm hoa kết trái vào mùa xuân năm ấy, hoa đã nhỏ, lại đơn giản một màu trắng hơi ưng ửng tím, từng chùm, từng chùm, lũ ong bướm lả lơi đùa cợt, dù sao họ cũng giúp tôi được những phút giây thơ mộng tuổi đầu đời. Cứ tưởng tượng đi khi mình sinh ra là đàn bà con gái, quanh năm quạnh vắng không nghe lời tán tỉnh của phía bên kia, đời chán biết bao nhiêu. Sau đó bọn con tôi ra đời, những quả ly ty bé xíu như đầu đứa hài nhi mới tượng hình trong lòng mẹ. Như bao nhiêu người mẹ khác, tôi chỉ mong các con tôi khỏe mạnh, mau lớn, các con tôi lớn nhanh, đứa nào cũng tròn trĩnh bằnh quả “ping pong”, quanh năm tứ thời mặc một màu áo. Người ta xử dụng chúng từ lúc đang sung sức, vắt kiệt đến giọt cuối cùng tùy theo tính tình của người hưởng thụ. Cứ nhìn cách con người xử dụng lũ con tôi thì rõ, gặp người tử tế, rộng lượng thì dùng lấy hương lấy hoa, lúc lọt vào tay bọn keo kiệt thì họ ra sức vắt, chỉ còn hai miếng vỏ ép vào nhau dẹp lép. Trong cuộc đời, người ta cũng thường than thở câu “vắt chanh bỏ vỏ”, để chỉ những hạng người ích kỷ, tận dụng công sức của người khác cho đến cùng kiệt, sau đó thì không ngó ngàng gì nữa.

Chủ nhà tôi hể hả lắm, lúc vặt làm nước mắm, lúc pha nước chanh, lúc hái lá bỏ vào nồi ốc luộc cho thơm, khi có con gà luộc cũng thái mấy lá chanh non lên đĩa thịt gà mà ngẫm nghĩ câu “con gà cục tác là chanh”, thơm thì có thơm, lá chanh có ngon quái gì, nếu không nói là đắng nghét. Đời vốn vậy, ăn uống cứ cầu kỳ như anh nhà giàu ăn ngon, mặc đẹp nhưng nếu không có anh đầy tớ ngứa đâu gãi đó, vẫn chưa cho là sướng. Có một chuyện mà tôi ghi nhớ mãi, thằng bé con chủ nhà đêm hôm ấy giá không có quả chanh thì đã nguy hiểm đến tính mạng , nhìn thằng bé nóng sốt thấy rất thương, đêm ấy người mẹ đã chạy ra tìm một quả chanh để vắt nước và chà lên trán cho thằng nhỏ. Lúc ấy nhìn mẹ con người đàn bà, tôi đã cảm động đến phát khóc, dù biết khi người ta phũ phàng dứt một đứa con ra khỏi đời tôi, tôi cũng đau đớn vậy. Sau này, khi những đứa con do máu thịt mình tạo nên, đã đủ sức dâng hiến cho cuộc đời, tôi vẫn không khỏi chua chát nghĩ rằng sự thiệt thòi bao giờ vẫn dành cho cha mẹ, nhưng cha mẹ nào cũng hãnh diện về những đứa con thành đạt, nên người hữu dụng.

Số tôi hẩm hiu, cái mạch đất mà tôi gọi là quê hương ấy cũng gặp cảnh tang thương, dâu bể. Gia chủ gặp năm thất bát, không trang trải được nợ nần, chạy quanh mấy người láng giềng cũng chả mong được sự giúp đỡ. Trong thời gian này, thấy họ khổ tôi cũng khổ lây, lũ nhỏ bữa đói bữa no đi quanh vườn tìm rau ăn cho đỡ đói, thân tôi chua chát, gai góc thế này không giúp cho chúng nó được chút nào, tôi buồn lắm. Người khổ, cây khổ, đất đai cũng khô kiệt vì nắng hạn, chị mùng tơi cũng ốm mãi rồi lăn ra chết, hai mụ ớt già héo queo, bác xả phất phơ mấy chiếc lá cỏ đùa với gió, trông già xọm đi, y như cụ già hom hem còn lại nhúm tóc bạc xác xơ trên đầu. Người buồn, cảnh buồn, đất không có người chăm nom tưới bón, đất cũng khô queo như người.

Một ngày, không nhớ là năm thứ bao nhiêu, nhưng mùa hè năm ấy nắng dữ dội lắm, nắng như nung, gia chủ bỏ nhà ra đi, nhà cửa tan hoang, lũ nhền nhện giăng màn khắp nơi như đưa ma. Bấy giờ lũ cây cỏ như tụi tôi hoàn toàn rũ xuống, đứa nào không chịu nổi thì chết trước, mạng như mạng cỏ, lúc nào đất trời cũng bao phủ một màu tang tóc. Bấy giờ tôi mới thấy sức lực mình dẻo dai, có lẽ một phần tôi đã rèn luyện được ý chí tự thắng ngay từ hồi còn thanh niên, ăn uống kham khổ đã quen, dù đất trời có nghiệt ngã đến đâu, tôi vẫn gồng mình chịu. Tôi đau khổ vô cùng trước tai trời ách nước, người chủ cũ đã ra đi, vườn tược xác xơ, hàng hàng lớp lớp cỏ cây rũ xuống, tôi chạnh lòng nhớ đến tấm lòng nhân hậu của lũ trẻ con mà chảy nước mắt, thôi đành phó mặc cho thân phận mình muốn ra sao thì ra.

Ai ngờ, tôi cũng được cứu thoát, sau cơn nắng hạn trời lại đổ mưa,  người làm vườn của một nhà giàu có, một hôm đi dạo xóm tạt qua mảnh đất ấy đã mang tôi về vì thấy tôi cũng còn có vẻ dẻo dai, chịu đựng. Một lần nữa tôi được họ bứng vào chiếc chậu sành, thế là giã từ đất mẹ. Tuy đã ra đi nhưng gốc rễ tôi vẫn còn một phần không ít đã bám vào mảnh đất quê hương, vì vậy mà những ngày đầu tiên trong khu vườn lạ tôi vẫn chưa lấy lại được sức sống. Còn đâu những ngày chia vui, xẻ buồn với bạn bè nơi thôn xóm cũ, còn đâu anh cải trời hiền lành, còn đâu cái dí dỏm, sâu sắc của mụ ớt hiểm, còn đâu vẻ đẹp mộc mạc, dịu dàng của chị mùng tơi. Tôi bây giờ loanh quanh trong cái chậu chật hẹp, khoảng sân vuông đẹp đẽ đủ mọi thứ hoa lá sao tôi vẫn cảm thấy gò bó thế nào ấy, suốt ngày ăn no, tắm mát phởn phơ nhưng tôi vẫn mang mặc cảm tù ngục trong tâm hồn.

Tôi biết tại làm sao rồi, là vì tôi cứ nhớ nhung cái mảnh đất nghèo khổ nơi tôi chào đời, nơi ấy còn biết bao nhiêu bạn bè bất hạnh của tôi đang khổ sở ở đó. Tôi có mượt mà ra nhưng buồn thì vẫn buồn, ít giao thiệp với ai. Có người cho tôi là kẻ lập dị, có người cho tôi là kẻ bất tài vô dụng, thân phận nghèo hèn nay lọt được vào đây là đại hồng phúc. Nhìn mụ hồng tía cứ phởn mãi lên khi được chủ nâng niu, ngắm nghía, độ vài hôm như thế, khi cố giương hết nhan sắc ra thì mụ đã xác xơ trông thấy, dù ngon lành, mỹ miều đến đâu mà tới lúc tàn phai thấy cũng chán chường. Mấy em quất vàng xum xuê dạo trước, nay đã héo quắt lại, mỏn dần rụng lộp độp cả xuống sân. Nhìn nhân tình thế sự mà tôi phát sầu, chung chung là một kiếp tù đày, đời đã ngột ngạt, tù túng trong cái biển khổ mênh mông mà vẫn chưa nhìn ra chân lý của sự đào thải, có tồn tại mãi đâu.Tất cả những sinh hoạt của đám hoa cỏ trên mảnh sân này đã mở mắt cho tôi, cái đích thực của sinh, hoại, trụ, diệt diễn ra hằng ngày, âm thầm từng giây từng phút. Sự cống hiến âm thầm của mỗi loài bằng mọi cách, làm cho tôi vô cùng cảm kích ý nghĩa cao cả của sự sống.

Thời gian qua đi, xuân hạ thu đông thay nhau bước tới, thân tôi nay đã già, không còn sinh hoa kết quả, nắng không ưa mưa không chịu, mỗi đợt gió đông lạnh lùng thổi qua tôi lại rùng mình rớt xuống những chiếc lá úa. Cành cây đã khô khốc, mình mẩy tua tủa đầy gai, tôi biết ngày ấy sắp tới, không còn những đứa con bên cạnh, tôi đã dâng hiến tất cả chúng cho đời, rồi chúng lại làm cái vòng luẩn quẩn như tôi, nghĩa là sinh ra để rồi chết. Vẫn biết đời thường “vắt chanh bỏ vỏ”, nhưng sao vẫn hay buồn, ngay cả lũ sâu ăn lá ngày nào đục đẽo tôi, nay cũng bỏ tôi mà đi.

Một chiều thu gió hiu hắt luồn vào hồn cây cỏ một nỗi sầu áo não, bác làm vườn đứng ngắm nghía tôi để định giá thân phận  một cây chanh già. Không một chút thương tiếc, bác lôi tôi lên bằng những nhát xẻng sắn xuống lòng chậu, rễ lớn rễ nhỏ bật tung cả lên. Một chiều thu gió heo may se lạnh, tôi từ giã cuộc đời, giây phút ấy tôi cũng run lên bần bật, như người sắp chết cũng có lúc oằn mình  khi linh hồn ra khỏi xác. Thôi thế là xong, tôi có sống thêm nữa chỉ là sự vướng víu cho kẻ khác, mất một khoảng đất cho những cây non đang cần chỗ.

Tôi được vứt vào đống cỏ khô, với vô số những thứ khác chờ thiêu hủy. Nghĩa lý gì một kiếp cỏ cây, một mồi lửa, đám cỏ bùng lên, người ta đang hóa kiếp cho chúng tôi, chỉ còn lại đống tro tàn trên nền đất bẩn. Trả lại cho đời nắm bụi tro, linh hồn cây cỏ theo làn khói trắng bay lên trời, mây khói chập chùng, bay là là về cõi hư vô.

NGUYÊN NHUNG

Về Đầu Trang Go down
Ng. Nhung
Khách viếng thăm




 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: LÀM THƠ và LÀM VƯỜN    LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Icon_minitimeTue Dec 02, 2014 12:39 pm

 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Vuon_rau


VƯỜN RAU QUÊ HƯƠNG
                           
Truyện Nguyên Nhung
 
      
Ngày mua được căn nhà mười lăm tuổi, có sẵn mảnh vườn sau, Hân nghĩ ngay đến chuyện gầy dựng một vườn rau quê hương trên xứ người, để bù đắp cho những thiếu thốn tinh thần, mà dẫu xứ sở này dư thừa vật chất vẫn không khoả lấp nổi.
       
Suốt ngày bù đầu nơi xưởng máy, công việc thì đều đều nhàm chán, vây xung quanh là những vách tường sơn xám khiến lúc nào cuộc sống cũng buồn tẻ. Chiếc máy lạnh chạy rì rì suốt ngày, bấy nhiêu con người thở ra hít vào cái không khí đặc quánh mùi dầu mỡ.  Hân thèm, thèm lắm, khoảng không gian màu xanh cuả quê nhà, giàn dưa chuột thấp lè tè với những quả xanh, vạt rau cải, những luống hành hẹ và mùi cỏ khô lẫn với mùi phân bò ngai ngái, nhưng đầy ắp không khí đồng quê miền Nam. Hân nhớ lắm một mảng trời xanh, một đêm trăng tĩnh mịch trước sân nhà, ụ rơm khô có con bò đang nhơi cỏ. Trăng nằm sóng soải trên từng cuộn mây trắng, khiến chàng hình dung trời như một vùng biển xanh, mà những giải mây trắng kia lại  là những cơn sóng bạc đầu gờn gợn trong không gian.
        
Thật ra mỗi một đời người, mỗi một thân phận đã gắn bó ít nhiều với những thăng trầm cuả giòng lịch sử quê nhà, Hân ra đời vào những năm đất nước chia hai. Dạo ấy , những người Bắc di cư vào Nam đã đổ về vùng ven đô này lập nghiệp, Hân lớn lên và cùng đi học với những đứa trẻ từ miền Bắc vào. Khi mùa màng gặt hái xong, trên cánh đồng còn trơ lại những cọng rơm tươi,  Hân đã từng dẫn đám bạn xa lạ ấy đi mót lúa, đậu phọng hay hái trái dại trong khu rừng cao su phiá xa. Dạo ấy còn thanh bình, miền quê không nghe tiếng súng, nghe văng vẳng tiếng chuông chuà xóm người  Nam, hoà với tiếng chuông nhà thờ xóm người  Bắc.
       
Riêng Hân, chàng thanh niên ngày nào phải bỏ quê nhà ra đi, nay đã là người đàn ông đứng tuổi. Vẫn ngậm ngùi đau xót nhiều năm tháng, khi bất chợt nhận ra cái cảm giác mâu thuẫn trong tâm hồn mình, khi không hề phản bội quê hương, mà vẫn cam lòng chịu hai chữ vong quốc.
       
Hình ảnh quê hương còn trong lòng Hân là những rẫy đất trồng đủ thứ rau xanh. Miền quê nghèo, đất thịt pha cát chỉ thích hợp cho việc trồng rẫy. Tuổi thơ cuả chàng đã chạy nhảy trên những luống khoai, luống cải, những cánh đồng trồng đậu trồng cà. Muà Tết theo cha mẹ ra rẫy, trẩy những trái dưa hấu tròn căng, xanh thẫm mang ra bán trong những buổi chợ Tết. Chiếc  xe bò nghiến những bánh xe gỗ lóc cóc trên con đường đất khô ran, Hân còn ngửi được cả muì phân bò lẫn với cỏ hắt lên từ những thửa đất trồng rau ven đường. Thuở ấy, Hân còn bé, nghe mấy đứa miền Bắc đọc ra rả bài thơ cảnh miền Nam:

"Tôi yêu tiếng Việt miền Nam
Yêu con sông rộng, yêu hàng dừa cao
Yêu xe thổ mộ xôn xao
Trên đường khúc khuỷu đi vào miền quê
Tôi yêu đồng cỏ nắng se"...
         
Cho mãi đến bây giờ, chàng mới cảm thấy nỗi nhớ quê hương thật sâu sắc và dữ dội, nhất là trong những ngày cận Tết. Tất cả hình ảnh miền quê cũ, cây mai trước sân nhà, con gà gáy sớm, con heo ủn ỉn đi ra đi vào xục mõm vào nồi cám, những thứ tầm thường ấy sao vẫn làm chàng nhớ đến quắt quay.
         
Quê hương chàng nhiều tháng năm sau đó đã trở thành bãi chiến trường, mà những người bắn giết lẫn nhau lại cũng chỉ là những khuôn mặt thân quen cùng lớn lên từ thôn xóm hiền lành ấy. Rừng cao su bạt ngàn trơ trụi lá vì thuốc khai quang và bom đạn. Nhìn cảnh tiêu điều cuả rừng chiều quạnh hiu, những nhánh cây giơ lên trời nhìn như bộ xương khô in trên nền trời màu tím thẫm lúc hoàng hôn, lòng Hân rã rời như đánh mất một cái gì không rõ rệt. Chiến tranh là vậy, là đánh mất màu xanh cuả cây và đánh mất màu xanh cuả tâm hồn. Chỉ  tội nghiệp cho những người dân sống ở đó, vẫn phải nương vào những ruộng rẫy để mưu sinh, để tồn tại. Khi muà mưa tới, những trận đánh càng xảy ra thường hơn. Ban ngày buổi chợ quê nhóm lèo tèo vào lúc sáng sớm, chỉ mười giờ là chợ tan, trên nền xi măng của nhà lồng chợ còn vương lại những mảnh lá chuối khô, nắng đã chói chang dội xuống mái nhà tôn hầm hập nóng.
        
Chiều về, trời chưa tắt nắng, ở chiếc lô cốt đóng ven đường lộ chính, vợ con những người lính đã chui vào những mái lều thấp lè tè cất xung quanh cái đồn lính. Cái đồn nằm cô quạnh giống như một bếp than, được úp xuống với ba cái cửa tò vò, từ lỗ châu mai thò ra mấy họng súng . Họ sống nhiều năm tháng phập phồng ở đó trong vòng rào kẽm gai đầy mìn rải quanh đồn. Những đứa trẻ đen đủi trong vòng rào kẽm gai, vài người đàn bà theo chồng sống một đời bất an trong cái hạnh phúc nắm được từng giờ. Những khuôn mặt người lính địa phương gầy gò, mặc đồ trận màu xanh đi giày vải, đôi mắt lơ láo vì căng thẳng chờ đợi kẻ thù, bóng tối và sự chết ập xuống bất ngờ không hề trông đợi.
        
Có những buổi chợ sớm, người đi chợ nhốn nháo lên vì một loạt đạn vang lên giữa buổi chợ đông, và người ta bỏ chạy tán loạn khi một người bị bắn gục, với giòng máu đỏ loang chảy trên nền đất. Những khuôn mặt quen quen mà ngày là bạn, đêm đã trở thành thù, nước da đen ròn với nắng gió rẫy nương. Hân đã có những thằng bạn chung lớp, sau này theo bên kia, lúc gặp nhau vẫn tay bắt mặt mừng, vẫn có thể nã súng vào chàng không thương tiếc. Một cuộc chiến tranh kỳ cục và cay đắng cho người dân Việt Nam, được du nhập ở tận đâu đâu, biến con người, quê hương thành hai hố thẳm đen ngòm, đầy những hận thù và chết chóc.
         
Cho nên, ngày chiến tranh chấm dứt, dẫu đứng về phiá những người bại trận, Hân vẫn không thể nào không thở phào nhẹ nhõm. Ít  ra là cuộc chiến đã kết thúc, khu rừng cao su sau  muà mưa có thể đâm những chiếc lá xanh, đỡ xơ xác khi chiều xuống. Ít ra chàng sẽ không phải nhìn thấy những đôi mắt trẻ thơ thập thò trong vòng rào kẽm gai, những người lính trở về đời sống bình thường và sẽ có một mái nhà. Và ít ra, những người ở bên kia không phải tìm cách giết những người bên này.
          
Ðiều khiến chàng đau lòng là sự  thiếu hiểu biết cuả người thắng trận, nó tiếp tục đưa đẩy dân tộc vào nhiều nỗi thống khổ, mà đáng lẽ phải được hàn gắn những vết thương chiến tranh trong suốt bao nhiêu năm tương tàn. Bởi vậy Hân mới phải bỏ quê hương mà đi, mang theo bên lòng bao nỗi niềm đau xót.
                  
***
          
Khu vườn phiá sau được người chủ cũ trồng mấy cây thông  bên vệ rào, nay đã lớn, tàn xoè ra làm mát một khoảng sân rộng. Những cây hoa cúc dại màu tím vàng, mọc tràn lan trên bãi cỏ trống, người chủ cũ chắc cũng không có nhiều thì giờ cho việc trồng tiả để khu vườn tươi đẹp hơn.
          
Người ta thích trồng thông vì thông mang dáng dấp quân tử, với Hân thì chẳng có cây nào tiểu nhân, chẳng có cây nào quân tử, và cũng chẳng có hoa nào lẳng lơ. Chẳng qua là tại tâm, hễ tâm rộng thì nhìn đời thoáng đãng bao dung còn tâm hẹp thì nhìn đâu cũng thấy hận thù, nghi ngại. Cho nên, nếu có làm thông, được dáng đứng uy nghi, quân tử, thì cũng đâu hẹp hòi gì mà không che chở cho những cây cỏ nhỏ nhoi, còi cọc giữa bãi cỏ đời mênh mông.
          
Trước tiên, Hân phải làm cỏ và dọn một bãi đất xốp và mát để ương cây con. Muà Xuân là muà đẹp nhất để ươm cây, nhìn những cây đậu, cây mùng tơi, cây bầu cây bí nứt hạt hé mầm vào giữa tiết xuân mát mẻ, Hân liên tưởng đến những đứa bé được sinh ra trong tình thương, sự săn sóc trìu mến cuả ông bà, cha mẹ. Chàng không thể không nhớ đến những đôi mắt trẻ thơ ở quê nhà. Những  đôi mắt đen tròn, mở thao láo bên trong vòng rào kẽm gai , thời kỳ đất nước còn  chiến tranh. Những đôi mắt trẻ thơ biểu hiện cho sự đói khổ, van xin người đi đường trên những vỉa hè thành phố ngay trong thời gian đất nước đã hoà bình, Hân lại càng  ngậm ngùi cho sự thống khổ cuả đất nước.
         
Trước khi gieo hạt, Hân đã ngâm hạt giống một ngày một đêm với nước ấm, xong được ủ vào những chiếc chậu nhỏ. Với cơn mưa xuân nhè nhẹ và cái mát mẻ cuả trời Xuân, chỉ hai hôm sau cây nứt hạt, nhúm đất con con bỗng bị đẩy ra bởi bàn tay non nớt cuả hai chiếc lá nõn, cây đã cựa mình, như đứa hài nhi cố cựa quậy để ra khỏi lòng mẹ. Rồi từ cái màu ưng ửng ấy, nhờ ánh sáng mặt trời, chỉ vài hôm lá to dần lên, xanh mướt, y như những lượt tóc tơ mượt mà trên đầu đứa trẻ nhỏ, rất thích mắt. Vẫn chưa quen với mưa nắng cuộc đời, người chủ vườn vẫn phải săn sóc cho cây với cái tình êm ái lắm, vì chỉ cần một cơn mưa nặng hạt, một buổi nắng trưa hanh hao là cái thân ẻo lả kia có thể đổ xuống ngả nghiêng, vì gốc chưa vững.
         
Nhìn những chồi non một ngày một lớn, tự nhiên Hân thoáng một chút bâng khuâng, vì chàng vốn là người hay suy nghĩ. Phải rồi, chàng nghĩ đến phận người, những đứa bé sinh ra trên mảnh  đất  vùng quê khốn  khổ  cuả chàng,  vẫn những đôi chân không nhảy nhót trên đường làng, lùng sục trong những rẫy những ruộng để mót về những hột đậu phọng hay hạt luá còn sót lại trên đồng. Ðất nước chàng mà ở đó có những con người nuốt hết những cuả ngon, cuả ngọt, khiến những đứa bé vừa sinh ra lại được coi là gánh nặng cho xã hội. Chàng  biết rằng họ đã có kế hoạch  làm sao cho những đứa bé không thể ra đời, với ý nghĩ hãi sợ sau này sẽ có những kẻ dành mất phần ăn cuả họ, lấy mất chỗ đứng cuả họ. Chứ họ có biết đâu rằng, con người vốn bắt đầu từ 0 thì cũng trở về 0, như triệu triệu con người sinh ra, rồi lại triệu triệu con người mất đi, chỉ là để nối tiếp công việc bảo tồn đời sống cuả nhân loại. Tham sống sợ chết đã đành, nhưng sống như thế nào và chết như thế nào thì với những kẻ vô nhân, chỉ có nghiã là vơ vào cho đầy ắp túi tham cuả họ mà thôi.
            
Những cây đậu đuã đã vươn cao lên tới cái giàn nằm cách mặt đất độ hai thước, và khi những chú đậu non như hai đứa bé song sinh, thò hai cọng đậu dài như hai chiếc đũa qua lỗ mắt cáo trên mặt giàn, lúc ấy cả nhà đã sửa soạn có được những bữa cơm ngon với rau cỏ trong vườn. Khi cô nàng mùng tơi đã khoe những chiếc lá mọng, được chuẩn bị hái nấu với tôm tươi bóc vỏ, là khi ấy khu vườn đã bước vào tiết cuối xuân mát mẻ. Cuối Xuân khi trời còn rất xanh, bát canh mùng tơi xanh biếc hay điã đậu đũa xào tôm thịt, ăn với dưa mắm trộn tỏi ớt, thêm một chén nước mắm nguyên chất giầm với quả ớt chín chỉ thiên, chẳng ngon lắm sao?!!
             
Ðúng ra đâu phải cây nào cũng qua tiến trình đâm hoa, kết quả thì mới được coi là có giá trị. Rau thường chỉ ăn lá, mà thứ trúc đào chỉ cho hoa đỏ thắm, dù không ăn uống được nhưng nàng ta vẫn có cái thắm tươi riêng biệt để tô điểm cuộc đời.  Những bông hoa lài  thường toả  hương  thơm vào buổi tối, dưới  ánh trăng, mùi thơm thoang thoảng trong không gian như đã đủ sức làm dịu đi  nỗi mệt nhọc sau một ngày làm việc. Nếu không nhờ những cánh hoa ấy, mùi hương ấy làm sao con người có thể quân bằng nội tâm. Rồi những loại rau như cây bù ngót, thân khẳng khiu và ngay đuỗn mọc ra những chiếc lá xanh nho nhỏ, chỉ cần hái đầy một rổ, vò sơ rồi nấu với chút thịt nạc băm nhuyễn, mát đáo để. Người khô hạn, phổi hanh hao, mắt mờ, đầu váng vất, nắm lá xanh ấy có tác dụng thần kỳ, cái nóng cái khô như biến ngay đi, dễ chịu như được người con gái đắp chiếc khăn mặt ướt lên trán vào một trưa hè.
           
Cây cỏ trong khu vườn rau cuả Hân , giống như thần dân cuả một vị vua nhân đức, được hưởng phúc ấm cuả người lãnh đạo mà làm đẹp cuộc đời. Ðấy cũng nhờ ở cách dùng, cách trân trọng tối đa, nhờ thế mà cây tươi tốt, xum xuê, nẩy hoa đơm trái. Chân lý ấy mà áp dụng được trong một gia đình, một tập thể, một quốc gia thì hẳn nhiên đã có thiên đàng tại thế.
            
Nhìn vườn rau xanh tươi tốt cuả mình, Hân có cái vui đang làm một điều gì có ích lợi, dẫu rằng chỉ thu hẹp lại trong thế giới cây cỏ. Muốn thực hiện được sự công bằng không thiên vị cho bất cứ loại cây nào, lợi nhiều hay ít thì người chủ vườn vẫn phải có cái nhìn vô tư và thẳng thắn. Lão bí rợ không thể ỷ mình  có sức khoẻ, cành lá mập mạp mà lấn sang mảnh đất cuả đám rau má trẻ con nằm nép bên vệ rào, dẫu rằng công dụng cuả lão có đa năng, đa hiệu thật đấy. Ðọt bí xào tỏi ăn bùi và thơm, khi kết trái thì quả nào quả nấy to đùng như bụng ông địa, thứ ấy mà đè lên mảng rau má kia thì chúng chỉ có chết, bởi vậy Hân cũng chỉ cho chúng lan tràn đến mức nào thôi.
          
Chàng thú vị nhân cách hoá cho đám cây cỏ cuả mình. Mỗi  thứ cây là một loại người khác nhau, một chỗ đứng khác nhau, chàng chỉ dung hoà chúng chứ không cai trị, vì con người có thói quen thích lãnh đạo và lấn lướt người khác. Những vạt rau  má bé tý teo như  những  đồng  tiền  hai  mươi lăm xu, xem vậy mà lợi hại ra gì, cứ xay ra để uống với chút đường và đá, mát tì mát phổi không thứ nào bằng, còn kẹt lắm nấu suông với lon súp gà, thêm mấy con tôm khô, cũng có một tô canh mát mẻ. Có từng xực những bữa ê hề thịt thà, ít rau cỏ, mới thấy quý khi được ăn một bát canh rau, bao nhiêu sân si lắng xuống , lòng cứ nhẹ tênh như bay về chốn non bồng nước nhược.
           
Với lũ cây non be bé Hân nâng niu như trẻ thơ, thì với mấy cây già cỗi sắp tiêu diêu về bên kia thế giới, Hân vẫn có cái trân trọng như trân trọng người có tuổi. Có lẽ cũng từ sự tương quan tuổi tác mà chàng có sự săn sóc ấy chăng? Suy bụng ta ra bụng người, cây mười tuổi như người trăm tuổi, nhất là với những cây có đời sống ngắn ngủi.
           
Hân nhớ có một lần chàng đau nặng, lúc nào người cũng ren rét, bệnh chẳng ra bệnh gì, nằm liệt một chỗ mấy tháng trời. Trận ấy may là chàng thoát chết, lúc tỉnh hồn tỉnh viá, Hân soi gương thấy mặt mũi vêu vao, hốc hác, thoát chết lần ấy, chàng tự nhủ phải tận dụng những giây phút quý giá cuả đời người mà làm điều gì hữu ích cho cuộc sống. Cận kề giữa hai bờ sinh tử, lơ mơ nhìn ánh nắng chiều se sắt ngoài hàng dâm bụt đỏ, mảng trời xanh không một gợn mây, chàng thấy đời quả đẹp vô cùng. Từ đấy chàng tự hỏi, sao không làm điều gì đẹp đẽ để lúc hai tay buông xuôi sẽ không ân hận tiếc nuối, để biết cái hạnh phúc khi được làm người, cũng bởi ân sủng từ nhiều kiếp trước mà thành. Lỡ như, Hân mỉm cười khi nghĩ nếu mình ăn ở chẳng ra chi, trời cho tái sinh làm kiếp vịt quạc quạc, lại có ai đó ân oán với mình từ kiếp trước, cắt cổ làm bữa tiết canh thì còn gì là đời vịt.
         
Hân hay nghĩ vớ vẩn, nghĩ lung tung rồi cười một mình cho đời đỡ buồn. Sống cũng nhiều, vui cũng nhiều, buồn cũng nhiều, nhìn chặng đời qua thì chỉ những hận thù, bon chen, bóc lột, ganh ghét. Hân vẫn mơ tưởng một ngày  mình làm vua, không phải để vui hưởng vinh hoa phú quý như các vị vua trần thế, nhưng ít ra chàng sẽ cố gắng lập lại cái thanh bình trật tự cho thần dân cuả mình, hưởng thực sự nền thái bình thịnh trị.
          
Ðời đâu dễ mà mơ được một giấc mộng trọn vẹn như thế. Thôi thì chàng trồng cây, trồng rau, trồng hoa, rồi đem cung cách cuả mình mà sắp xếp , săn sóc cây cỏ như vua thương dân, để an ủi cho riêng mình là đã thực hiện được những hoài bão tốt đẹp, ít là cho loài thực vật. Khu vườn rau quê hương, là cả một giang sơn gấm vóc, một bờ cõi có ranh giới hẳn hoi, có trên có dưới, không lấn áp kèn cựa, không nâng ai quá đỗi để tủi hổ kẻ tầm thường, một xã hội cây cỏ chan hoà tình yêu thương, không gian dối.
            
Còn một vài việc tuy bận rộn  Hân vẫn phải làm. Ðó là cây kim quất nay đã gần chục tuổi, đã quá tuổi xuân xanh và đang vào độ tàn héo. Mỗi lần rắc một lượt phân, lượt đất cho cây, Hân vẫn hóm hỉnh: "Chào cụ". Chả biết cụ quất có bịnh hoạn gì không mà dù chăm cách mấy cụ vẫn không tươi lên được, hay là tai cụ nghễnh ngãng cho nên không nghe được tiếng gió xuân đã thì thào về với đất trời, y như người đã ốm, đã già, máu không lưu thông nên lúc cố đâm được mấy chiếc lá non, thì chỉ một sáng một chiều đã héo ngay đi, trông rất thương tâm. Chục năm trước, độ còn xuân xanh, muà Xuân như khoác một chiếc áo vàng óng ả lên cây kim quất trẻ tuổi, quả trĩu cành, hoa trắng muốt, lá biếc xanh. Hân dạo ấy cũng biết làm thơ, chàng cảm khái khi nhìn muà Xuân về với hai vần thơ nhỏ:

" Mùa Xuân em mặc áo vàng,
Ðất trời như đã rộn ràng quanh tôi."
        
Cây kim quất nay đã già,  cũng biết rét run lẩy bẩy khi cơn gió Ðông thổi về, dù đã được Hân che chắn,  chăm sóc cẩn thận.
 
***
          
Hân vẫn  gửi tất cả tâm tình, cả trái tim cuả mình cho cây cỏ, như chàng vẫn hướng về quê nhà với nỗi niềm thiết tha mong đợi. Một ngày nào đó những mầm non sẽ mọc lên, sẽ làm xanh tươi một đất nước thống khổ vì chinh chiến kéo dài hàng bao nhiêu năm, sẽ thay đổi bộ mặt cho tổ quốc với những cái tâm trong sáng, biết thiết tha với tiền đồ cuả dân tộc.
         
Với một khuôn mặt trầm lặng và tính tình kín đáo, cộng thêm tư tưởng có vẻ lập dị, người không hiểu chàng sẽ có thể nghĩ chàng là kẻ có tính hơi man mát, điên điên, mấy ai đã nghĩ tới được chiều sâu của một con người nặng lòng với quê hương, xứ sở. Tổ quốc ở bên kia giờ này vẫn còn đầy những con sâu đục rỗng xương tuỷ dân tộc, còn kẻ tha hương vẫn chưa tìm được lối về, những con én vẫn bay nhưng muà xuân thì chưa thấy. Ðường về thì thiên hình vạn trạng, con người  vẫn đục trong lẫn lộn. Ðến bao giờ mới có một sự tương kính lẫn nhau để xứ sở được vươn lên, đất nước không bị áp bức?
           
Thôi thì trong hiện tại, trên mảnh sân này, Hân đã thực hiện được điều ấy với cây cỏ trong vườn rau quê hương cuả chàng.
                                                                                          


NGUYÊN NHUNG
Về Đầu Trang Go down
vungoc
Khách viếng thăm




 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: LÀM THƠ và LÀM VƯỜN    LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Icon_minitimeWed Aug 26, 2015 1:55 pm

  LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Images?q=tbn:ANd9GcTLYjna_QAjaSWPpM5cudk7G6fL1M0cQ09qB7nR9XJLK2ZlbGspcg

CẠN TÀU RÁO MÁNG
 
Tuy vườn sau nhà tôi ở hướng tây, mùa hè nóng thế mà góc vườn vẫn không đến nỗi nào, nhờ có vách tường đá dựng cao và cây mộc lan cổ thụ với những tán lá rộng che kín hai phần ba khu vườn. Chim, thỏ, sóc và nai vẫn tìm đến mỗi ngày. Nhất là nai, sáng sớm chim chưa kịp hót, người chưa ai dậy đã nghe tiếng chân nai bước lạo xạo trên đá sỏi. Chúng vào tìm ăn những nụ hồng.

Hè năm nay tự nhiên xuất hiện một vị khách không mời, lạ hoắc. Vị khách này làm chim, sóc và thỏ phải chạy xa, trừ nai. Đó là một con chuột núi.

Gọi nó là chuột núi vì một buổi sáng từ trong bếp ngó ra vườn sau, giữa khe của những phiến đá tôi thấy nó chui ra. Nó không lớn lắm, chỉ bằng một quả dưa chuột, (hóa ra dưa chuột bằng nó chứ không phải nó bằng dưa.) Khi nó xuất hiện mấy con thỏ, con sóc tự nhiên không thấy nữa. Cái máng thức ăn treo trên cành mộc lan cho chim, đôi khi gió đung đưa hoặc chim ăn làm vung vãi xuống gốc, thỏ hay sóc thường tới ăn. Khi nó chạy ra chạy vào thì sóc và thỏ không còn dám bén mảng, cái màu lông đen nhánh của nó đã làm mấy chú này phát sợ. Nó đặc quyền ăn hết những hạt ngũ cốc rơi xuống.

Nó chạy rất nhanh, chỉ nghe tiếng tôi kéo cánh cửa ra vườn là nó phóng ngay vào một cái khe giữa hai vách đá gần nhất.

A, hôm nay thật lạ, ở trong phòng ăn nhìn qua khung cửa kính, tôi thấy nó đang chễm chệ ngồi trên cái máng ăn của chim, chúi cái mỏ vào, hì hục ăn, trông thật là xấu. Nó làm tôi liên tưởng ngay đến sự so sánh với cách ăn rất thong thả của chim, những con chim cúi xuống, mổ đôi ba hạt, lại ngửng lên, nghiêng nghiêng cái đầu chíp chíp gọi bạn tới chia xẻ. Mới nên thơ làm sao!

Con chuột hôm nay, không thèm đợi thức ăn rơi xuống gốc cây nữa. Thấy mà hoảng! Tôi gọi chồng ơi ới, ra mà xem con chuột tinh khôn này. Làm sao mà nó lên đây được. Nó làm tôi liên tưởng đến những ông Làng, ông Xã ở thôn quê ngày trước. Bắt đầu còn lấn loanh quanh vòng ngoài thửa ruộng, rìa đất của dân nghèo, dần dần chiếm luôn cánh đồng, chiếm luôn cả vườn đất hương hỏa mấy đời của cha ông người ta để lại. Cái cách nó hì hục ăn ngũ cốc của chim chẳng khác chi các ông to bà lớn ngày nay ở quê nhà, khi đã ăn được của dân, là ăn cho cạn tàu, ráo máng.

Chúng tôi đập tay vào khung kính cửa sổ gây tiếng động, nó chạy thoắt ngược lên sợi giây thép treo cái máng, chuyền sang cành, chạy ra thân cây, tuột xuống thật nhanh, phóng ngay vào một cái khe đá.

Tôi nói:
- Anh đặt cho em cái bẫy, em không muốn nó ăn thức ăn của chim và em muốn mấy con sóc, con thỏ hiền lành của em trở lại vườn.

Chồng tôi đi tìm cái bẫy, anh đặt một miếng pho-mai vào trong bẫy, đặt ngay dưới chân vách đá. Tôi hỏi thật kỹ liệu nhỡ thỏ và sóc chui vào có chết không? Anh nói chỉ bắt thôi, nghĩa là chui vào không chui ra được. Như thế mình có thể thả ra hoặc mang đi nơi khác. Tôi yên tâm. Chờ mãi không thấy con chuột núi chui vào bẫy, thỏ sóc vẫn chưa dám tìm đường về. Điều giận là con chuột không coi tôi ra gì cả, vẫn thỉnh thoảng nó chễm chệ ngồi trên cái máng thức ăn của chim. Chim không dám về nữa. Bây giờ một mình nó làm chủ khu vườn.

Cả khu vườn vắng bặt tiếng chim ca.

Tôi bàn với chồng nên dùng mồi khác. Anh không những dùng mồi khác, anh còn dùng bẫy khác. Cái bẫy này nhỏ hơn, nhưng không phải cái lồng như bẫy cũ mà là cái bẫy mở, đặt miếng mồi có ngũ cốc trộn với bơ đậu phộng (peanut butter) vào giữa bẫy. Con vật nào mà bước vào, chạm tới miếng mồi, thì cái bẫy sẽ xập xuống, hai cái chân hoặc cái đầu sẽ bị giữ lại. Cái bẫy này bằng gỗ mỏng, cái lò so để xập xuống cũng rất đơn sơ. Nó sẽ không chết, nhưng không ra được nếu không có ai gỡ nó ra. Cái bẫy này cốt không tổn thương đến con vật.

Tôi hạ cái máng thức ăn của chim xuống, chỉ còn một chút hạt ngũ cốc vương lại. Tôi vứt cái máng vào thùng rác. Sẽ thay cái máng mới cho chim vì đoán là mùi chuột không thôi, cũng đủ làm chim sợ, không dám trở về vườn cũ.

Chúng tôi chờ hai, ba ngày chưa thấy con chuột sập bẫy, cứ hồi hộp chỉ sợ sóc hay thỏ bị nạn.

Đến ngày thứ năm, cái bẫy mất tích. Chúng tôi đi tìm chung quanh vườn, không thấy đâu cả. Leo lên đồi, ra sau bức tường, nhìn vào những bụi lau, bụi hoa dại, bụi dâu đen (black berry), đi suốt dọc con đường mòn trên đỉnh đồi không hề tìm ra cái bẫy.

Cả tuần kế tiếp không thấy cái quả dưa chuột đen thui xuất hiện. Thỏ, sóc vẫn chưa thấy trở lại. Tôi với chồng tôi cứ đặt ra bao nhiêu giả thuyết: con nào sập bẫy rồi lôi cả cái bẫy đi? Tôi chắc chỉ là con chuột, vì chỉ có con chuột tinh quái mới biết lôi cái bẫy, sóc hay thỏ hiền lắm, chúng sẽ mắc kẹt luôn ở đó cho tới khi được giải cứu. Vậy con chuột lôi cái bẫy đi tới đâu, xa tới thế nào mà chúng tôi tìm không ra?

Sáng sáng, trưa trưa, lại chiều. Khi rảnh rỗi, tôi nhìn ra vách đá, nhìn suốt chiều dài bức tường, nhìn ở gốc cây mộc lan, nhìn dưới chân chậu cúc trắng. Mong như mong một người đi xa về. Tuyệt nhiên, không thấy cái màu lông đen bóng trên thân hình như quả dưa chuột xuất hiện nữa. Nó đi đâu? Những con thỏ, con sóc đã mon men tìm về vườn, chim đã bắt đầu đập cánh, ríu rít gọi nhau trên cành. Đó là dấu hiệu con chuột đã bỏ đi thật xa. Nó đi xa với cái bẫy trên người?

Nó đi đâu? Chắc chắn nó phải mang theo cái bẫy. Hai chân trước hay cái đầu vướng trong bẫy mà nó vẫn lôi đi đến một nơi nào xa tới nỗi chúng tôi không tìm được thì nó giỏi lắm. Tôi hình dung ra nó mang theo cái bẫy đi giật lùi, vì đầu và hai chân trước bị kẹt trong bẫy, đi tìm đồng loại ở một nơi nào đó. Chuột là loài gậm nhấm hay lắm, nếu chúng thông minh, xúm vào gậm rách miếng gỗ mỏng, có thể cái bẫy sẽ bung ra, bạn chuột sẽ cứu được nửa thân mình nó ra khỏi bẫy. Hay nó là một con chuột ở trong một nhóm chuyên phản bội nhau, nên không cứu nó, nó phải đi tìm một cái hốc nào trong bụi rậm, chui vào đó, rồi chết mỏi mòn vì đói.

Tôi thật sự không muốn nó chết, chỉ không muốn nó xuất hiện ở nơi không thuộc về nó, làm những con thú hiền lành như chim, thỏ, sóc sợ hãi phải bỏ khu vườn mà đi.

Bây giờ tôi chỉ muốn nghĩ một đoạn kết tốt đẹp về con chuột núi này, như nó là một con chuột khôn ngoan, đã tìm được cách thoát khỏi cái bẫy, biết hối hận và bỏ đi thật xa. Nó đủ thông minh để hiểu rằng khu vườn này là của muông chim, của thỏ hoang và sóc, nó không nên quay trở lại.

Đất đai này, cây cỏ này, thực phẩm này, chưa hề là của chuột bao giờ. Nó không nên bắt chước loài người, kẻo phải trả cái giá cho sự chiếm đoạt những cái gì không thuộc về mình.

Tháng 8/12/15
Trần Mộng Tú
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content





 LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: LÀM THƠ và LÀM VƯỜN    LÀM THƠ và LÀM VƯỜN Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
LÀM THƠ và LÀM VƯỜN
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Triển lãm 1A - Mot Goc Vuon Thien
» Video: 40 Năm vươn lên từ nước mắt
» Xuân và Bài thơ NHỨT CHI MAI
» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon  :: ĐỀ TÀI :: Văn Hóa, Nghệ Thuật :: Văn-
Chuyển đến