Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon

Diễn Đàn của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Keywords
VNCH linh Chung Saigon nhac chuyen ngam chất trong quynh thuoc Trung luong bich sáng Nhung Nguyen nguyet không ngắn quan quang quốc truyện hoang phải
Latest topics
» qua đi thôi bão nổi
quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Icon_minitimeSat Mar 11, 2023 3:11 am by Admin

» Cụ Hoang Xuân Hãn
quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Icon_minitimeSun May 08, 2022 10:37 pm by Admin

» Giáo dục VNCH - Giáo dục con đường khai phóng
quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Icon_minitimeMon Jan 10, 2022 4:06 am by Admin

» Suy tư về kiếp người - Về Cùng Cát Bụi
quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Icon_minitimeSun Jan 09, 2022 4:25 am by Admin

» AI ĐÃ HẠ GỤC CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN?
quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Icon_minitimeSat Jan 08, 2022 2:41 am by Admin

» NHẠC THIỀN - Cõi Thiền trong Âm Nhạc
quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Icon_minitimeThu Jan 06, 2022 4:11 am by Admin

» Trở về miền ký ức : Một bài viết về người lính VNCH
quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Icon_minitimeTue Jan 04, 2022 3:06 am by Admin

» Tôi Cưới Vợ
quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Icon_minitimeTue Jan 04, 2022 2:44 am by Admin

» Giáo sư Phạm Hoàng Hộ
quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Icon_minitimeMon Nov 29, 2021 3:05 am by Admin

March 2024
MonTueWedThuFriSatSun
    123
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031
CalendarCalendar
Affiliates
free forum

Affiliates
free forum


 

 Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn

Go down 
Tác giảThông điệp
P-C
Khách viếng thăm




quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Empty
Bài gửiTiêu đề: Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn   quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Icon_minitimeSun Jan 27, 2013 10:41 am

Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn

Nguyễn Mạnh Trinh


Cao Tần là một thi sĩ xuất hiện một cách bất ngờ trong thời điểm vô cùng đặc biệt. Lúc đó, là những năm đầu kế tiếp sau cuộc di tản của mấy trăm ngàn người Việt lưu lạc sang xứ người. Trong hoàn cảnh bắt đầu của một cuộc sống xa lạ, khởi đi từ những nỗi niềm mang theo, văn chương ở hải ngoại đã nảy mầm từ những tâm tư thương nhà nhớ nước của người Việt tị nạn sau một cuộc đổi đời. Cao Tần là một nhà thơ xuất hiện sớm nhất và cũng là một nhà thơ nổi bật nhất trong thời kỳ ấy. Vốn là một nhà văn đã thành danh ở Việt Nam và cũng là một ký giả có lối viết phiếm luận sắc bén, thơ Cao Tần đã được để ý từ những bài thơ đầu tiên.

Năm 1977, gần hai năm sau ngày 30 tháng tư năm 1975, trên tờ báo Bút Lửa có đăng mấy bài thơ của một thi sĩ danh tánh lạ hoắc ký tên Cao Tần. Những bài thơ ấy mới xuất hiện đã nổi bật ngay và gây một hiện tượng xôn xao cho độc giả. Nhiều người liên tưởng tới như những bài thơ của T.T Kh. đã tạo thành một nghi vấn cho văn học Việt Nam mà còn mù mờ chưa rõ ràng. Quả thực những bài thơ trên Bút Lửa ấy đã gây kinh ngạc cho độc giả. Mãi về sau này, mới biết Cao Tần là bút danh của nhà văn Lê Tất Điều hay nhà báo Kiều Phong, một người đã là một cây bút quen thuộc của hai mươi năm văn học miền Nam…

Ông sinh ngày 2 tháng 8 năm 1942 tại Hà Đông. Di cư vào Nam năm 1954 và di tản sang Mỹ năm 1975. Trước khi di tản ông là một nhà giáo và cũng là một ký giả ở Sài Gòn. Đã xuất bản truyện dài Đêm Dài Một Đời đã đoạt giải thưởng của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam, và các tập truyện ngắn Khởi Hành, Kẻ Tình Nguyện, Quay Trong Gió Lốc, Phá Núi, Người Đi, Những Giọt Mực.

Lý do mà những bài thơ đầu tiên mang tên Cao Tần được chú ý thật là giản dị. Bởi tâm sự của Cao Tần khi làm thơ cũng là tâm trạng chung của những người Việt di tản lúc ấy. Với ngôn ngữ vừa bi hùng vừa tha thiết, diễn tả lại một tình trạng tâm lý của những người còn xa lạ với cuộc sống mới và tiếc nuối những tháng ngày của cuộc đời xưa cũ. Lúc ấy, một nền văn học lưu vong đang dần dần hình thành. Ở những ngoái nhìn quá khứ và băn khoăn từ những bước chân đi đến tương lai. Ai mà chẳng cùng chung suy tư và ở những câu thơ Cao Tần lại gợi lên từ tâm cảm yêu nước nhớ nhà và ngôn ngữ mẹ đẻ đã thành thân yêu vô cùng trong những ngày bắt đầu tạo dựng một cuộc sống mới ở xứ người...

Có lẽ hồi trước 1975, nhà văn Lê Tất Điều cũng không làm thơ và sau này khi loạt thơ Cao Tần chấm dứt ông cũng ngưng làm thơ. Tại sao ông chỉ làm thơ trong khoảng thời gian đó?

Có lẽ chỉ có một mình tác gỉa mới có thể trả lời câu hỏi khó này. Trong một cuộc phỏng vấn của đài phát thanh Á Châu Tự Do RFA do Mặc Lâm thực hiện thì ông giải thích “Tự nhiên tôi không có cảm hứng viết truyện ngắn nữa. Thế rồi thơ nó lôi cuốn bởi vì trong bài thơ công việc sáng tác nó ngắn hơn nó không đòi hỏi thời gian nhiều...”

Nhà văn Võ Phiến có viết đại ý là Cao Tần làm thơ như người kể chuyện và đó chính là một yếu tố để thơ ông gần gũi với cuộc sống hơn và tạo sự chú ý của độc giả.

Trong bài đề tựa tập thơ Cao tần do nhà xuất bản Văn Nghệ phát hành, nhà văn Võ Phiến nói rằng thơ của Cao Tần kết cấu như truyện và là những truyện ly kỳ nữa nên gợi được sự tò mò muốn tìm hiểu của người đọc. Và ông nêu ra vài thí dụ bài thơ Kho tàng kể về chuyện của một anh chàng tị nạn Cù Lần...

Nội dung của bài thơ cũng chỉ là một anh chàng tị nạn lúc nào cũng kè kè bên mình một cái túi không một phút nào rời xa. Bạn bè tưởng là anh chàng biển lận nên đè anh ta xuống để mở cái túi bí mật kia ra. Và cũng chẳng có gì ngoài một lạng vàng, chiếc khăn tay và những danh thiếp cũ. Nhưng là cả một kho tàng của một người di tản và nhắc lại người và cảnh đã xa. Vàng thì nhắc đến người mẹ:

“... miệng túi mở ra kho tàng rơi tung toé
một lạng vàng trong giấy gói đơn sơ
một đứa hét “vàng này thằng em bé
không mại đi mày tính để đem thờ
“Sư chúng mày, vàng đem theo bốn cục
ông bán ba, bắt gọn mấy trăm đô
còn cục này tàn đời ông cóc bán
lúc lên đường bà cụ dúi tay cho”

Còn khăn tay thì nhắc đến người vợ bây giờ đã xa cách ngàn trùng:

“...một chiếc khăn tay cũ xì cũ xịt
mầu nâu già thêu mấy chữ xanh xanh
“giẻ rách gì đây hở thằng chết tiệt
“Khăn vợ tao trao ngày khoác áo nhà binh”

và những tấm danh thiếp, ôi những tấm giấy làm nhớ lại những tên đường những tên người đã vào xa xưa:

”đáy túi nhỏ thì đầy danh thiếp cũ
những tên người tên tỉnh đã xa xưa
những dòng vội ghi hẹn hò gặp gỡ
những đường quen không trở lại bao giờ
…Với danh thiếp những tên đường đã đổi
những số nhà chớp mắt đã tang thương
những chốn hẹn ngàn năm không trở lại
những tên đời tơi tả khắp quê hương.”

Đọc xong bài thơ này chúng ta thấy thế nào?
Phải nói là rất xúc động anh Trinh à! Nhưng có khi chỉ cảm thấy thôi chứ diễn tả ra cái hay thế nào thì khó lắm. Phải có một lúc, đợi xúc cảm lắng xuống thì dễ dàng để thất bài thơ này độc đáo ra sao...

Chúng tôi cũng như những độc giả khác, chỉ cảm thấy rung động thôi và cũng phải loay hoay suy nghĩ để may ra có thể tìm được những điều mà mình cho là tâm đắc và tuyệt diệu. Bài thơ sống động quá với những ngôn ngữ đời thường mô tả những cuộc đối thoại chuyên chở được ý tình mà tác giả muốn đề cập đến. Có một chút diễu cợt nhưng chỉ là cảm giác thoáng qua để thay vào đó là sự thương cảm. Chỉ một túi nhỏ tầm thường của người di tản vỏn vẹn có thế mà sao lại coi như một kho tàng vô gia được ? Bởi vì những vật thể này không còn đơn thuần là vật thể nữa mà nó chứa đựng cả một trời quê hương và nhắc lại những người thân đã xa và những nơi chốn đã khuất biệt. Câu chuyện kể bằng thơ chỉ giản dị như thế nhưng lại gây ra sự xúc động đến vô bờ cho người đọc. Bởi nó đánh động đến tâm sự chung nên đầy ắp những chia sẻ…

Một bài thơ khác mà nhà văn Võ Phiến nhắc đến như một bằng chứng đơn cử cho lập luận của mình. Như bài ”Ta làm gì cho hết nửa đời sau”. Hình như đã có nhiều người lưu vong thốt lên lời nói đó mỗi khi bị ray rứt vì chuyện nước chuyện non...

“Dăm thằng khùng họp nhau bàn chuyện lớn
gánh sơn hà toan chất thử lên vai
chuyện binh lửa anh em chừng cũng ớn
dọn tinh thần cưa nhẹ đỡ vài chai...”

như trong một cơn đồng thiếp, một chàng hào hùng;

“một tráng sĩ vung ly cười ngạo mạn
nửa đời xưa ta trấn thủ lưu đồn
nay đất khách léo lê đời rất nản
ta tính sẽ về vượt suối trèo non
sẽ có lúc rừng sâu bừng chuyển động
những hùm thiêng cựa móng thét rung trời
và sông núi sẽ vươn mình trỗi dậy
và cờ bay trên đất nước xinh tươi...”

Và một chàng khác, thì lại muốn làm tượng thần tự do hỏa thiêu thân xác chính mình để làm đuốc soi đường cho những oan hồn bị trầm luân trong đáy nước bao la:

”Một tráng sĩ vô êm chừng sáu cối
thần tự do giờ đứng ở nơi nào?
Ta muốn đến leo lên làm đuốc mới
Tự đốt mình cho lửa sáng xem sao
Thần tự do giơ hoài cây đuốc lạnh
Ta tiếc gì năm chục ký xương da
Sẽ làm đuốc soi tìm trong đáy biển
những oan hồn ai bỏ giữa bao la”

Và kết cuộc, chỉ là một cơn say, một tỉnh dậy giữa nỗi buồn của những người thấy mình bất lực giữa thế thời, mộng ước lớn mà bàn tay thì qúa nhỏ:

”... sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
Những hào hùng uất hận gối lên nhau
Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới
Ta làm gì cho hết nửa đời sau.”

Thật là cảm khái. Thật là cay đắng với những nỗi niềm của những kẻ sinh bất phùng thời lớn lên và trưởng thành trong những nghiệt ngã của đất nước chiến tranh. Thực trạng sao buồn quá! Câu hỏi như một tiếng than… Ta làm gì cho hết nửa đời sau?… Những thân phận lưu vong. Những nỗi niềm nhược tiểu.

Mỗi người tị nạn đều mang theo những kỷ niệm trong ký ức. Có những người vẫn còn vương vấn đến tận bây giờ. Có những buồn phiền, có những ray rứt. Nhà thơ Cao Tần có bài thơ nào diễn tả tâm trạng ấy trong nhiều bài thơ. Chúng ta thử đọc bài thơ Chốn Tạm Dung xem. Bản thân tôi đã sống ở đây ba chục năm, thế mà có lúc cũng có những nỗi niềm trống vắng như thế. Thơ nói lên tâm cảm của những người nhiều khi thấy mình bơ vơ giữa cuộc sống và kỷ niệm của nơi chốn xưa của đời sống cũ vẫn cứ bàng bạc hiện hữu:

“nhà tôi ở toòng teng đỉnh đồi
buổi mai đi làm thấy đời xuống dốc
sau lưng sương ngập cao lưng trời
trước mặt thông sầu reo đáy vực
bắt đầu ngày bằng một chút vui
hát nghêu ngao trong lòng xe rỗng tuếch
bài ca quen bỗng chợt quên lời
chút kỷ niệm còm lại mất khơi khơi
tiếng Việt trong ta ngày bỗng héo
hồn Việt trong ta ngày mỗi khô
dốc mở như đời ta trước mặt
sương kín như đời ta năm xưa...”

Một ngày qua một ngày. Ra đi khi lúc vừa mờ sáng và trở về khi phố đã lên đèn, khúc ca sầu xứ mãi mãi ám ảnh. Trải qua bao nhiêu cuộc đổi dời. Bao nhiêu là nỗi muộn phiền. bao nhiêu là ray rứt. Người tị nạn có một mẫu số chung, của khởi hành đi vào cuộc đời mới với tất cả năng lực của mình nhưng vẫn canh cánh bên lòng nhớ mong về quê hương đất nước:

“chiều về lên dốc thân tơi tả
một quả hoàng hôn phủ kín trời
mình mới ngoi lên ngày đã ngả
đêm phờ lăn lóc ngủ thay chơi
giữa đỉnh sương mù thông đáy vực
ngược xuôi ngơ ngẩn một linh hồn
còng lưng gánh nốt đời lưu lạc
nặng trĩu nghìn cân nhớ nước non.”

Cái độc đáo của thơ Cao Tần là dùng những ngôn từ thật sống động, những ngôn ngữ tạo nhiều hình ảnh như: “kỷ niệm còm“, như “quả hoàng hôn”, như “mất khơi khơi”. Xử dụng những ngôn từ ấy thành thơ chính là một dụng công để thi ca có máu huyết xương thịt của đời sống thực, của suy nghĩ thực…

Người tị nạn tuy hôi nhập vào dòng chính nhưng vẫn còn ám ảnh bởi quê hương cũ của đất nước xưa. Có một lúc nào thơ Cao Tần biểu lộ tâm cảm ấy.

Đọc bài thơ Cảm Khái chúng ta nhận ra ngay lập tức. Tấm thẻ căn cước, tờ chứng chỉ tại ngũ nhắc lại một thời xa xưa. Một cách hóm hỉnh pha lẫn đau xót, tác gỉa nhận thấy hình như những tấm hình trên căn cước đều lam nhem xấu xí, không biết có phải là số phận tiền định xui khiến như vậy:

“hình căn cước anh nào mà chẳng xấu
tên chụp hình như một lão tiên tri
triệu mặt ngây ngô bàng hoàng xớn xác
cùng đến một ngày gãy đổ phân ly
nhìn hình chim in trên tờ chứng chỉ
chợt nhớ câu thơ Gãy cánh đại bàng
ngàn lẫm liệt tan trong chiều rã ngũ
muôn anh hùng phút chốc hóa tang thương...”

và những câu cảm khái mà chúng ta trong những ngày lưu lạc thường hay thấm thía:

“Hỡi kẻ trong hình mặt xanh mày xám
người sắp thành tên mọi Mỹ rồi ư
hỡi thằng chiến binh một đời dũng cảm
mày lang thang đất lạ đến bao giờ
Ôi trong ví mỗi người dân mất nước
Còn một oan hồn mặt mũi ngu ngơ
Ôi trong trí mỗi anh hùng thuở trước
Còn dậy trời lên những buổi tung cờ.”

Có người nhận xét rằng mỗi bài thơ của Cao Tần đều mang theo một thông điệp gửi gấm cho người cùng cảnh ngộ và gửi trả lại quê hương. Trong hai mươi bài của tập Thơ Cao Tần, hình như hầu hết các bài đều diễn tả được một tâm sự đặc thù của người bỏ xứ ra đi.

Thư Quê Hương là:
“Gửi cho anh viên sỏi nhỏ bên đường
Anh sẽ đọc ra trăm nghìn lối cũ
Gửi cho anh vài nhánh cỏ quê hương
anh sẽ đọc đất trời ta đã thở...”

Chuyện Thần Tiên là:

”Ta muốn điều chi cuối đời lưu lạc
Này bà tiên vừa hỏi giấc mơ ta
hãy đem hết những đổi đời tan tác
gói giùm vào cơn mộng dữ đêm qua”

Chiều Bát Phố là:

”Chỉ gặp toàn Tây một chiều bát phố
Tiếc sao xưa cả nước chẳng quen nhau
Quen cả nước? Ra đường chào gẫy cổ
Và chắc gì nay nghĩ lại không sầu
Nhưng quen cả nước chắc lòng sẽ nhẹ
Khi đi có chào may bớt xót xa
Ôi xóm mưa ơi có khi nào đổi kiếp
Tôi về thành chim hót trước hiên nhà.”

Mai Mốt Anh Về là:

”Nếu mai mốt bỗng đổi đời phen nữa
Ông anh hùng ông cứu được quê hương
Ông sẽ mở ra ngàn lò cải tạo
Lùa cả nước vào học tập yêu thương
Cuộc chiến cũ sẽ coi là tiền kiếp
Phản động gì cũng chỉ sống trăm năm
Bồ bịch hết không đứa nào là ngụy
Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng”

Và còn nhiều bài thơ khác với những ý tưởng khác, thông điệp khác. Giở từng trang thơ, để thấy những ngôn ngữ linh hoạt, những chữ lóng, những ngôn từ dân giã, tất cả làm nổi bật một phong vị có lúc như diễu cợt, có lúc như ngông nghênh, mà có lúc là tình cảnh “ở ngoài cười nụ ở trong khóc thầm”. Người tị nạn đã trải qua những đoạn đời, đã qua nhiều nghịch cảnh, sẽ thấy thấm thía biết bao nhiêu với tâm cảm người thơ. Nếu nói thơ Cao Tần là biểu hiện sống động một thời kỳ của người Việt di tản đầu tiên thì cũng chưa đầy đủ mà phải nói rằng thơ Cao Tần đã làm hồi sinh lại một thời đại văn học lưu vong ở hải ngoại…

quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn LeTatDieu
.
Về Đầu Trang Go down
tranvu
Khách viếng thăm




quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Empty
Bài gửiTiêu đề: Nhà văn Lê Tất Điều & Thơ Cao Tần   quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Icon_minitimeMon Jan 28, 2013 1:51 pm

Nhà văn Lê Tất Điều & Thơ Cao Tần


Lê Tất Điều là nhà văn nổi tiếng của Miền Nam. Ông viết thận trọng và có ý thức. Khởi Hành là tập truyện đầu tiên của ông được tạp chí Bách Khoa ấn hành. Có thể nói, Bách Khoa đã mở cửa cho ông bước vào văn nghiệp. Ông cũng là người viết về tuổi thơ. Còn nhớ, ông đã có một số truyện in trên loạt sách Truyện Thiếu Nhi của nhà sách Khai Trí rất được ưa thích. Ngoài ra Những Giọt Mực viết về tuổi nhỏ của ông là tác phẩm nổi tiếng. Trong nghiệp văn nghiệp báo của mình, Lê Tất Điều còn dùng bút hiệu Kiếu Phong cho nhiều bài báo có giọng sắc bén, đôi khi cay độc. Sang Mỹ, ông không viết truyện nữa mà làm thơ với bút danh Cao Tần rất nổi tiếng.


Lê Tất Điều và bước đầu văn nghiệp

Trên đài RFA, trả lời phỏng vấn của Mạc Lâm, Lê Tất Điều cho biết:

“Từ khoảng 15, 16 tuổi tôi đã bắt đầu viết một số truyện cho các báo hàng ngày như là viết” Mỗi ngày một truyện” cho báo Ngôn Luận của ông Hồ Anh. Viết một số truyện cho bà Bút Trà trong phụ trương đặc biệt của báo Sài Gòn Mới.

Viết một cách nghiêm chỉnh là sau khi có một truyện ngắn đăng trên tạp chí Bách Khoa, sau đó có dịp gặp các nhà văn như là ông Võ Phiến, ông chủ nhiệm kiêm chủ bút tờ Bách Khoa là ông Lê Châu. Được sự khuyến khích của họ và bắt đầu quen thuộc với không khí văn chương, và lúc này là lúc bắt đầu vào khoảng 17, 18 tuổi gì đó...

Phải ghi nhận rằng Lê Tất Điều nổi tiếng ngay sau đó với nhiều tác phẩm văn chương qua nhiều thể loại, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết. Truyện ngắn đầu tiên mang tên Cỏ Hoang được độc giả của báo Bách Khoa nồng nhiệt đón nhận đã tạo cơ hội cho ông chính thức bước vào giới văn chương Việt Nam mà lúc đó rất nhiều người mong ước. Tạp chí Bách Khoa có công phát hiện ra nhà văn Lê Tất Điều khi cho in tập truyện ngắn đầu tiên của ông: Tạp chí Bách Khoa có in cho tôi một tập truyện ngắn nhan đề là Khởi Hành. Đó là vào khoảng năm 1962-1963....

Lê Tất Điều và Thơ Cao Tần


Nhiều người, nhất là các bạn văn, lấy làm thắc mắc khi thấy Lê Tất Điều sau 1975 sang Mỹ đột nhiên làm thơ và nổi tiếng vang dội. Ông tâm sự với Mạc Lâm trên đài RFA: “Tự nhiên tôi không có cảm hứng viết truyện ngắn nữa. Thế rồi thơ nó lôi cuốn, bởi vì trong bài thơ công việc sáng tác nó ngắn hơn nó không đòi hỏi thời gian nhiều...”

Đúng như Mạc Lâm nhận định: “Tập Thơ Cao Tần nhanh chóng được độc giả hải ngoại nồng nhiệt đón nhận vào những ngày đầu tiên của người Việt tha hương, đặc biệt là những người từng phục vụ trong quân đội. Trong “Thơ Cao Tần”, người đọc thấm thía nỗi buồn của những kẻ chiến bại. Tâm lý thua cuộc là một tâm lý bi thảm nhất sau chiến tranh. Nỗi buồn đeo đuổi như bị ma ám cộng với đời sống mới lạ lẫm đã kéo người ta lại với nhau như một yếu tố khởi đầu của tính bầy đàn. Ngồi lại để chia sẻ mọi thứ, từ kỷ niệm cho đến buồn phiền. Từ đời sống thường nhật bấp bênh cho đến những ước ao hoang tưởng.

Thơ  Cao Tần được nhiều người đón nhận bởi ngôn ngữ của nó thể hiện hơn là những gì chứa đựng bên trong. Ngôn ngữ trong thơ Cao Tần mang đậm tính tự trào lại phảng phất nét quyến rũ của chất anh hùng ca từ nhân vật Kiều Phong mà tác giả đã có cơ hội nhiều năm gần gũi. Có lẽ sự hòa trộn giữa ngôn ngữ chắt lọc thi ca và tính phán xét lạnh lùng, mạnh mẽ của loại văn chính luận đã khiến thơ Cao Tần có được sự hấp dẫn kín đáo nhưng ngấm ngầm dữ dội đã khiến người đọc khó thể bỏ qua khi đã đọc những dòng chữ đầu tiên trong thơ ông.”

***

quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Web_7510


Thơ Cao Tần


Gần 30 năm trước, một tập thơ mỏng của một tác giả hoàn toàn vô danh xuất hiện như một sự kiện giữa nền văn học vừa hình thành của người Việt hải ngoại: Thơ Cao Tần. Chúng tôi trân trọng giới thiệu lại tập thơ này với độc giả của ngày hôm nay, và nhân dịp này đăng lại bài viết về thơ Cao Tần của Nam Chi (bút hiệu của nhà phê bình Đặng Tiến) năm 1982, nhận định của Bùi Vĩnh Phúc năm 1988, cùng với bài phê bình mới nhất của Đặng Tiến tháng 8.2006.
talawas

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=7940&rb=08


1. Chuyện thần tiên


(Có bà tiên hiền hỏi chàng lưu lạc
Con ước mơ chi cuối cuộc đời này?)

Ta ước khi không bừng tỉnh giấc
Thấy bình minh muộn nắng đầy hiên
Một khung cửa sổ trời xanh ngắt
Đầu sân xao xác tiếng chim quen

Đường phố ngất ngây mùi bụi mới
Những vòm cây biếc lá me tươi
Quán cóc sở ta bè bạn đợi
Rất tưng bừng đấu hót những buồn vui

Chợt nhớ lại, ồ đêm qua khiếp quá
Mình đã mơ một giấc thật kinh hoàng
Mơ thấy cả một quê hương đổ vỡ
Mình lên đường ngơ ngẩn, lang thang

Sẽ vội vã trên đường lao tới sở
Nghe xôn xao tiếng Việt ở quanh mình
Giữa phố bụi mù lại mơ cây cỏ
Xanh khắp quê hương giấc mộng thanh bình

Ta muốn điều chi cuối đời luân lạc?
Này bà tiên vừa hỏi giấc mơ ta
“Hãy đem hết những đổi đời tan tác
Gói giùm vào cơn mộng dữ đêm qua”


6. Ta làm gì cho hết nửa đời sau?


Dăm thằng khùng họp nhau bàn chuyện lớn
Gánh sơn hà toan chất thử lên vai
Chuyện binh lửa anh em chừng cũng ớn
Dọn tinh thần: cưa nhẹ đỡ ba chai

Rừng đất khách bạt ngàn màu áo trận
Xong hiệp đầu mây núi đã bâng khuâng
Hào khí bốc đủ mười thành chất ngất
Chuyện vá trời coi đã nhẹ như không

Một tráng sĩ vung ly cười ngạo mạn
Nửa đời xưa ta trấn thủ lưu đồn
Nay đất khách kéo lê đời rất nản
Ta tính sẽ về vượt suối trèo non...

Sẽ có lúc rừng sâu bừng chuyển động
Những hùm thiêng cựa móng thét rung trời
Và sông núi sẽ vươn mình trỗi dậy
Và cờ bay trên đất nước xinh tươi

Một tráng sĩ vô êm chừng sáu cối
Thần tự do giờ đứng ở nơi nào?
Ta muốn đến leo lên làm đuốc mới
Tự đốt mình cho lửa sáng xem sao...

Thần tự do giơ hoài cây đuốc lạnh
Ta tiếc gì năm chục ký xương da
Sẽ làm đuốc soi tìm trong đáy biển
Những oan hồn ai bỏ giữa bao la...

Bình minh tới một chàng bừng tỉnh giấc
Thấy chiến trường la liệt xác anh em
Năm tráng sĩ bị mười chai quất gục
Đời tha hương coi bộ vẫn êm đềm

Sàn gác trọ những tâm hồn bão nổi
Những hào hùng uất hận gối lên nhau
Kẻ thức tỉnh ngu ngơ nhìn nắng mới:
Ta làm gì cho hết nửa đời sau?

Tháng 3-77


8. Mai mốt anh trở về


Mai mốt anh về có thằng túm hỏi
Mày qua bên Mỹ học được củ gì
Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi
Nói mày hay ông thượng đẳng cu li

Ông rửa bát chì hơn bà nội trợ
Ông quét nhà sạch hơn em bé ngoan
Ngày ngày phóng xe như thằng phải gió
Đêm về nằm vùi nước mắt chứa chan

Nghệ thuật nói bỗng hóa trò lao động
Thằng nào nói nhiều thằng ấy tay to
Tiếng mẹ thường chỉ dùng chửi đổng
Hay những đêm sầu tí toáy làm thơ

Ông học được Mỹ đất trời bát ngát
Nhưng tình người nhỏ hơn que tăm
Nhiều đứa hồn nhiên giống bầy trẻ nít
Còn hồn ông: già cốc cỡ nghìn năm

Bài học lớn từ khi đến Mỹ
Là ngày đêm thương nước mênh mang
Thù hận bọn làm nước ông nghèo xí
Hận gấp nghìn lần khi chúng đánh ông văng

Nếu mai mốt bỗng đổi đời phen nữa
Ông anh hùng ông cứu được quê hương
Ông sẽ mở ra nghìn lò cải tạo
Lùa cả nước vào học tập yêu thương

Cuộc chiến cũ sẽ coi là tiền kiếp
Phản động gì cũng chỉ sống trăm năm
Bồ bịch hết không đứa nào là ngụy
Thắng vinh quang mà bại cũng anh hùng

Tháng 3-77


16. Kho tàng


Chàng Cù Lần có cái túi nhỏ
Suốt bốn mùa giấu giếm như điên
Anh em sùng, nghĩ thằng này chơi khó
Thủ cẳng tí tiền, len lén tiêu riêng

Hết chuyện chơi, một chiều đông lạnh cóng
Đè thằng em ra cướp túi coi chơi
Gác trọ rung rinh như thuyền biển động
Thằng em kêu như sắp sửa xong đời

Miệng túi mở kho tàng rơi tung tóe
Một lạng vàng trong giấy gói đơn sơ
Một đứa hét: “Vàng này thằng em bé
Không mại đi, mày tính để đem thờ?”

“Sư chúng mày, vàng đem theo bốn cục
Ông bán ba, bắt gọn mấy trăm đô
Còn cục này tàn đời ông cóc bán
Lúc lên đường bà cụ dúi tay cho”

Một chiếc khăn tay cũ xì, cũ xịt
Màu nâu già thêu mấy chữ xanh xanh
“Giẻ rách gì đây hở thằng chết tiệt?”
“Khăn vợ trao ngày khoác áo nhà binh”

Đáy túi nhỏ thì đầy danh thiếp cũ
Những tên người tên tỉnh đã xa xưa
Những dòng vội ghi hẹn hò gặp gỡ
Những đường quen không trở lại bao giờ

Trả túi thằng em, cả bầy bỗng xệ
Cù Lần xấu hổ chửi như ca
Cái túi nhỏ tưởng đầy lòng ti tiện
Hoá đem theo muôn vạn mảnh quê nhà

Cù lần dọa đêm nay đâm chết hết
Ôi, ví dầu chú mở được tim anh
Chú cũng thấy một kho tàng thắm thiết
Với khăn tay nhàu nát chữ thêu xanh

Với danh thiếp những tên đường đã đổi
Những số nhà chớp mắt bỗng tang thương
Những chốn hẹn nghìn năm không trở lại
Những tên đời tơi tả khắp quê hương

Tháng 10-77


18. Cảm khái


Trong ví ta này chứng chỉ tại ngũ
Mất nước rồi còn hiệu lực hơi lâu
Chiều lưu lạc chợt thương tờ giấy cũ
Tái tê cười: giờ gia hạn nơi đâu?

Trong ví ta này một thẻ căn cước
Hình chụp ngây ngô rất mực cù lần
Da xám ngoét như bị đời nhúng nước
Má hóp vào như cả tháng không ăn

Mười tám tuổi thành công dân nước Việt
Tên chụp hình làm ta xấu như ma
Thằng khốn nạn làm sao mà nó biết
Ta sẽ thành dân mất nước tan nhà!

Hai mươi tuổi ta đi làm chiến sĩ
Bước giày đinh lạng quạng một đời trai
Vừa đánh giặc vừa lừng khừng triết lý
Nhưng thằng này yêu nước chẳng thua ai...

Hình căn cước anh nào mà chẳng xấu
Tên chụp hình như một lão tiên tri
Triệu mặt ngây ngô bàng hoàng xớn xác
Cùng đến một ngày gẫy đổ phân ly

Nhìn hình chim in trên tờ chứng chỉ
Chợt nhớ câu thơ: “Gẫy cánh Đại Bàng...”
Ngàn lẫm liệt tan trong chiều rã ngũ
Muôn anh hùng phút chốc hóa lang thang

Quanh mình xôn xao chuyện thay Quốc tịch
Ngậm ngùi bày dăm giấy cũ coi chơi
Thời cũ ố vàng, rách rời mấy mảnh
Xót xa đau như mình bỗng qua đời.

Hỡi kẻ trong hình mặt xanh, mày xám
Ngươi sắp thành tên mọi Mỹ rồi ư
Hỡi thằng chiến binh một đời dũng cảm
Mày lang thang đất lạ đến bao giờ

Ôi trong ví mỗi người dân mất nước
Còn một oan hồn mặt mũi ngu ngơ
Ôi trong trí những anh hùng thuở trước
Còn dậy trời lên những buổi tung cờ

Tháng 6–77

Nguồn: Bản đăng trên talawas thực hiện vào tháng 7.2006, do tác giả hiệu đính, bổ sung và bớt một số bài từ các lần in đầu tiên năm 1978 (Tạp chí Bút Lửa và Nhà xuất bản Người Việt của Trần Đình Long, California), tái bản lần thứ nhất năm 1984 (Nhà xuất bản Tin Yêu của nhóm Thanh Nam, Seattle), và tái bản lần thứ hai năm 1987 (Nhà xuất bản Văn Nghệ, California).

.

Về Đầu Trang Go down
tamdtran
Khách viếng thăm




quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn   quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Icon_minitimeWed Jan 30, 2013 7:52 pm

Nhìn lại thời làm tờ Bút Lửa , ngoài vài người bạn quen từ xa gửi bài về, như quý ông Giao Chỉ Vũ Văn Lộc (lúc đó lấy bút hiệu là già Bất), Hoàng Khởi Phong, Cao bồi già, Bồ Đại Kỳ, Hũ chìm (Ngô vương Toại) v...v...  ở San Diego lúc đó tôi được anh Lê Tất Điều rủ vào phụ dịch một số bài và trước đó tôi rủ thêm một người bạn Mỹ vào phụ sửa một số bài viết bằng anh ngữ cho tờ "Alarm".   Đúng là ..."dân chơi không sợ mưa rơi" , hai tên di tản buồn, tiếng Anh còn lạng quạng mà dám ra báo tiếng Mỹ;  bây giờ nhìn lại vừa vui, vừa ... dựng tóc gáy ! Laughing
Tâm (61-68)
Về Đầu Trang Go down
tamdtran
Khách viếng thăm




quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn   quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Icon_minitimeWed Jan 30, 2013 8:01 pm

Quên ! phải nói cho rõ ràng không lại bị ăn "búa" vỡ đầu tongue.  Những người quen đó là bạn anh Điều, chứ không phải bạn tôi .  Tôi chỉ quen có anh Ngô Vương Toại, anh vợ một người bạn đã mất và là cựu đồng nghiệp ở bộ DV&CH !
Về Đầu Trang Go down
P-C
Khách viếng thăm




quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn   quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Icon_minitimeThu Jan 31, 2013 10:20 am

sunny

Một tráng sĩ vung ly cười ngạo mạn
Nửa đời xưa ta trấn thủ lưu đồn
Nay đất khách kéo lê đời rất nản
Ta tính sẽ về vượt suối trèo non...

Sẽ có lúc rừng sâu bừng chuyển động
Những hùm thiêng cựa móng thét rung trời
Và sông núi sẽ vươn mình trỗi dậy
Và cờ bay trên đất nước xinh tươi

Một tráng sĩ vô êm chừng sáu cối
Thần tự do giờ đứng ở nơi nào?
Ta muốn đến leo lên làm đuốc mới
Tự đốt mình cho lửa sáng xem sao...

bom

Cao Tần viết thơ hộ thế hệ đau thương
Thời thanh niên, tráng sĩ cứu cả quê hương
Tuổi trung niên, muốn cả gia đình đổi mới
Bây giờ sửa mình thôi... cũng mệt quá rồi!

Shocked
Về Đầu Trang Go down
NHViet




Posts : 595
Join date : 23/08/2012

quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Empty
Bài gửiTiêu đề: Tiếc Thương (Thơ: Cao Tần-NS Anh Bằng) Như Quỳnh & LN Tiến   quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Icon_minitimeSun Feb 10, 2013 2:33 pm

Đầu xuân, tưởng nhớ những chiến sĩ VNCH đã hy sinh cho quê mẹ.

[youtube][/youtube]

Tiếc Thương (Nhạc: Anh Bằng, Thơ: Cao Tần) - Như Quỳnh & Lâm Nhật Tiến
DVD Asia 58 Lá Thư Từ Chiến Trường
Về Đầu Trang Go down
TamTran
Khách viếng thăm




quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Empty
Bài gửiTiêu đề: ĐÍNH CHÍNH thơ Cao Tần   quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Icon_minitimeWed Feb 13, 2013 4:50 am

ĐÍNH CHÍNH thơ Cao Tần

Nhân trong mục giới thiệu các bài posted trong FORUM Nguyễn Trãi, anh Chương có link vào một video clip của trung tâm Asia về bản nhạc "Tiếc thương" của Anh Bằng, phổ thơ Cao Tần do Như Quỳnh và Lâm Nhật Tiến trình bầy, vì tôi có biết một chút ít liên quan về bản nhạc này nên tôi thấy cần nói rõ về trường hợp bản nhạc này như sau :

Tình cờ xem được video clip này của Asia trên youtube khoảng 2, 3 tuần sau khi video phát hành, tôi có gọi phone cho anh Lê Tất Điều (nhà thơ Cao Tần) thắc mắc là bài thơ này anh làm bao giờ mà tôi chưa được đọc và bây giờ được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc . Tôi thú nhận là không thuộc nhiều thơ của Cao Tần, nhưng đôi khi được đọc thơ anh lúc anh vừa làm xong còn nóng hổi. Thành ra tôi rất quen thuộc với các bài thơ của anh. Anh Điều cũng hơi ngạc nhiên khi biết thơ mình được phổ nhạc mà anh lại không biết . Tôi email link cho anh vào xem và sau đó anh gửi email lại cho tôi xác nhận bài thơ "Tiếc thương" được nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc không phải là thơ của anh (Cao Tần) . Anh có nhờ tôi viết email cho trung tâm Asia nhờ đính chính nhưng tôi không nhận vì tôi không đủ thẩm quyền. Sau đó anh có cho tôi biết là anh đã nhờ Hoàng Dược Thảo bên báo Saigon Nhỏ lên tiếng giùm.

Trước khi viết email này tôi có phone cho anh và hỏi thăm thêm là từ đó anh có nghe thấy ai bên trung tâm Asia hay MC giới thiệu lên tiếng đính chính, xin lỗi gì không thì anh nói là "... trực tiếp cho anh thì không, nhưng ở chỗ khác thì không biết ..."
Thực tế thì sau đó tôi cũng có theo rõi thêm những bộ DVD tiếp theo của Asia nhưng cũng không thấy ai lên tiếng đính chính về sự sai nhầm này. Thật là tiếc cho sự làm ăn tắc trách của một trung tâm âm nhạc lớn ở hải ngoại.

Thấy việc sai trái mình biết rõ mà không lên tiếng tôi thấy cũng hơi ... khó chịu ; nhất là người liên quan lại là một niên trưởng cựu học sinh Nguyễn Trãi quen biết thân tình và video clip lại được posted trong FORUM Nguyễn Trãi.

Học sinh Nguyễn Trãi như Cao Tần đâu muốn ai "gắn nhầm" tên mình vào thơ của người khác !

Trần Đức Tâm
NT 61-68

PS. Chuyện vui bên lề ...
Anh Điều có kể cho tôi nghe là nhận được thư của một nhà xuất bản ở VN xin được phép in lại các tác phẩm viết cho thiếu nhi của anh, tiền bạc họ sẽ trả đàng hoàng nhưng anh tặng luôn chỉ vì nghĩ đến các trẻ em trong nước ngày nay không có các sách truyện thiếu nhi đứng đắn , trong sáng để đọc ...sau khi sách được tái bản rất nhiều phụ huynh và người đọc trong nước gửi thư ca tụng những tác phẩm viết cho thiếu nhi của anh trước 75, trong đó có cả văn giới trong nước ...
Tôi cười cười hỏi... trời không nắng liệu anh có ngại "đội mũ" không ? Anh cười còn to hơn tôi ...




Về Đầu Trang Go down
NTB
Khách viếng thăm




quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Empty
Bài gửiTiêu đề: ĐÍNH CHÍNH thơ Cao Tần   quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Icon_minitimeWed Feb 13, 2013 5:41 am

Anh Tâm thân mến,

Cám ơn anh đã viết bài đính chính về tác giả bài thơ "Tiếc thương". Tuy nhiên đáng trách đây là Trung Tâm Asia họ đã nêu sai tên tác giả bài thơ này là nhà thơ Cao Tần! còn anh NHViet (chứ không phải anh Chương) cũng chỉ làm công việc link một video clip để các ACE/NT thưởng thức mà thôi chứ làm sao anh ấy có thể kiểm chứng được ai mới đúng là tác giả của bài thơ đó. May mà anh Tâm có quen biết với anh Lê Tất Điều nên mới có cơ hội gọi cho anh ấy để xác định chứ dễ mấy ai biết được đích xác tác giả thực thụ của bài thơ này.

Cám ơn anh

NTB
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content





quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn   quynh - Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
Cao Tần, Thơ Người Di Tản Buồn
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Thơ : Thu buồn 3
» thu buồn 3
» Xuân buồn !!!
» Sự khác biệt quá lớn giữa người Việt Nam và người Nhật
» Vui buồn với Thơ

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon  :: ĐỀ TÀI :: Văn Hóa, Nghệ Thuật :: Thơ-
Chuyển đến