Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon

Diễn Đàn của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Keywords
chuyen không hoang Trung bich quốc quynh quan Nhung nhac trong phải linh VNCH nguyet Chung chất thuoc luong quang Nguyen ngắn truyện Saigon sáng ngam
Latest topics
» qua đi thôi bão nổi
Giáo dục: Suy nghĩ có tính phê phán Icon_minitimeSat Mar 11, 2023 3:11 am by Admin

» Cụ Hoang Xuân Hãn
Giáo dục: Suy nghĩ có tính phê phán Icon_minitimeSun May 08, 2022 10:37 pm by Admin

» Giáo dục VNCH - Giáo dục con đường khai phóng
Giáo dục: Suy nghĩ có tính phê phán Icon_minitimeMon Jan 10, 2022 4:06 am by Admin

» Suy tư về kiếp người - Về Cùng Cát Bụi
Giáo dục: Suy nghĩ có tính phê phán Icon_minitimeSun Jan 09, 2022 4:25 am by Admin

» AI ĐÃ HẠ GỤC CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN?
Giáo dục: Suy nghĩ có tính phê phán Icon_minitimeSat Jan 08, 2022 2:41 am by Admin

» NHẠC THIỀN - Cõi Thiền trong Âm Nhạc
Giáo dục: Suy nghĩ có tính phê phán Icon_minitimeThu Jan 06, 2022 4:11 am by Admin

» Trở về miền ký ức : Một bài viết về người lính VNCH
Giáo dục: Suy nghĩ có tính phê phán Icon_minitimeTue Jan 04, 2022 3:06 am by Admin

» Tôi Cưới Vợ
Giáo dục: Suy nghĩ có tính phê phán Icon_minitimeTue Jan 04, 2022 2:44 am by Admin

» Giáo sư Phạm Hoàng Hộ
Giáo dục: Suy nghĩ có tính phê phán Icon_minitimeMon Nov 29, 2021 3:05 am by Admin

March 2024
MonTueWedThuFriSatSun
    123
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031
CalendarCalendar
Affiliates
free forum

Affiliates
free forum


 

 Giáo dục: Suy nghĩ có tính phê phán

Go down 
Tác giảThông điệp
tqnguyen
Khách viếng thăm




Giáo dục: Suy nghĩ có tính phê phán Empty
Bài gửiTiêu đề: Giáo dục: Suy nghĩ có tính phê phán   Giáo dục: Suy nghĩ có tính phê phán Icon_minitimeSun Dec 30, 2012 1:41 pm

Giáo dục: Suy nghĩ có tính phê phán

Nguyễn Hưng Quốc (voatiengviet)


Giáo dục: Suy nghĩ có tính phê phán 8779d010


Ngoài đời cũng như trên báo chí, kể cả trên blog này, một số người hay đề cập đến vấn đề suy nghĩ có tính phê phán (critical thinking). Tuy nhiên, nghe hay đọc họ, rất hiếm khi chúng ta bắt gặp bất cứ dấu hiệu nào cho thấy họ có khả năng, thậm chí, thiện chí để suy nghĩ có tính phê phán. Ngược lại, trong hầu hết các trường hợp, chúng ta chỉ bắt gặp những lối suy nghĩ rất cảm tính, hơn nữa, hoàn toàn nô lệ theo quán tính.

Đọc, thấy một câu nào đó không vừa ý đã nhảy nhổm lên phản đối, bất kể lập luận chung của toàn bài, nhất định không phải là lối suy nghĩ có tính phê phán. Bất đồng với ý kiến nào đó bèn lôi tác giả ra chửi cũng nhất định không phải là lối suy nghĩ có tính phê phán. Thậm chí, đọc mà chỉ chăm chăm tìm cách để phản bác hay phê phán cũng không phải là lối suy nghĩ có tính phê phán.

Chữ “phê phán” (critical), trong tiếng Việt cũng như trong tiếng Anh, dễ gợi liên tưởng đến sự chê bai, bới móc, nghĩa là thiên về ý nghĩa tiêu cực. Thật ra, không phải. Lối suy nghĩ có tính phê phán, ngược lại, bao giờ cũng xuất phát từ thiện chí muốn tìm sự thực bằng cách lục lọi chứng cứ và thay đổi góc nhìn để xác minh tính chính xác của một ý kiến trước khi tin tưởng hoặc chấp nhận.

Trong cuốn “Critical Thinking and Everyday Argument” (Southbank: Thomson – Wadsworth, 2005), Jay Verlinden (tr. 18-19) điểm qua các định nghĩa nổi tiếng về lối suy nghĩ có tính phê phán từ trước đến nay, và nhận ra tất cả các các định nghĩa ấy đều nhấn mạnh đến năm đặc điểm chính: Một, nó có tính chủ động và tự giác cao; hai, nó liên quan đến ý tưởng và niềm tin; ba, nó tập trung chủ yếu vào lý tính và lý luận; bốn, nó giúp hình thành các phán đoán; và năm, nó gắn liền với một số kỹ năng nhất định. Jay Verlinden bổ sung thêm hai đặc điểm nữa: Thứ nhất, suy nghĩ có tính phê phán được áp dụng không phải đối với các ý tưởng của người khác mà còn đối với cả các ý tưởng của chính mình; và thứ hai, nó nhắm đến việc tiếp cận chân lý chứ không phải chỉ nhằm khẳng định những điều chúng ta đã tin tưởng từ trước.

Nói một cách tóm tắt, suy nghĩ một cách có tính phê phán là không phủ nhận cũng không chấp nhận bất cứ một ý kiến nào ngay trước khi chúng ta có đầy đủ bằng chứng và đã đi hết con đường lý luận để cảm thấy mình thực sự được/bị thuyết phục. Nói gọn hơn nữa, suy nghĩ có tính phê phán, trước hết, là một nghệ thuật đặt câu hỏi.

Xuất phát điểm của lối suy nghĩ có tính phê phán là nhiệt tình truy tìm sự thật và sự hoài nghi. Nên lưu ý: hai điểm này lúc nào cũng gắn liền với nhau. Nhiệt tình rất dễ biến thành một sự nhẹ dạ nếu không đi liền với sự hoài nghi. Nhưng nếu thiếu nhiệt tình đối với sự thật, sự hoài nghi chỉ dẫn đến thái độ phủ nhận sạch trơn để khư khư giữ lấy những thành kiến cũ kỹ cố hữu vốn rất thường thấy ở những kẻ lười biếng, cố chấp và cuồng tín.

Một sự hoài nghi gắn liền với nhiệt tình tìm kiếm sự thật như vậy không những là khởi điểm của lối suy nghĩ có tính phê phán mà còn là của kiến thức nói chung. Thánh Anselm, một nhà tư tưởng lớn thời Trung cổ, tuyên bố “Tôi hoài nghi, vậy tôi biết”. Lời tuyên bố ấy gợi hứng cho một câu nói khác, nổi tiếng hơn, của Descartes: “Tôi tư duy, vậy tôi hiện hữu”. Xin lưu ý: với Descartes, khởi thuỷ của cái gọi là tư duy ấy cũng là sự hoài nghi, hay nói theo chữ của ông, một thứ hoài nghi hệ thống (systematic doubt) hoặc hoài nghi khoa học (scientific doubt), sau này gắn liền với tên tuổi của ông: “Cartesian doubt”. Một thứ hoài nghi như vậy, thật ra, đã manh nha từ thời cổ đại với Socrates, người không ngừng đặt câu hỏi. Đặt câu hỏi về các khái niệm. Đặt câu hỏi về các tiền đề đằng sau các khái niệm ấy. Lúc nào cũng hỏi. Hỏi trở thành một trong những bài học lớn nhất mà Socrates để lại cho đời: “Socratic Questioning”.

Những bài học của Socrates và của Descartes không phải dễ thực hiện.

Trước hết, hoài nghi là một hành vi chống lại quyền lực. Theo Michel Foucault, bất cứ kiến thức nào cũng là quyền lực. Những điều chúng ta biết và tin, dù sai lầm và ấu trĩ đến mấy, cũng thường gắn liền với một số truyền thống nào đó. Mà truyền thống cũng lại là quyền lực: quyền lực của đám đông, và sau đám đông, quyền lực của cơ chế, từ các cơ chế xã hội đến các cơ chế chính trị, tất cả đều nhắm tới việc duy trì sự ổn định dựa trên tính ngoan ngoãn của con người.

Quan trọng hơn, hoài nghi cũng là một hành vi chống lại chính mình: cái “mình” nào cũng chủ yếu là sản phẩm của một nền văn hoá và một nền giáo dục nhất định, trong đó, có vô số điều không chính xác hoặc không còn chính xác nữa. Cái “mình” ấy cũng bị chi phối bởi vô số yếu tố hoàn toàn nằm ngoài lý trí và lý tính, những yếu tố hoặc mang tính bản năng hoặc gắn liền với thành kiến và quyền lợi. Bởi vậy, hoài nghi ít khi là một tính cách. Đó là một sự lựa chọn. Là một lựa chọn, hoài nghi cần sự tự ý thức, cần quyết tâm và cần tập luyện. Chỉ cần lơ đễnh một chút, người ta có thể đánh mất sự hoài nghi, nghĩa là, đánh mất sự suy nghĩ có tính phê phán, để trở thành nô lệ cho cảm tính và quán tính. Không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy nhiều người, lúc này hoặc trong lãnh vực này thì rất có tinh thần phê phán, nhưng lúc khác hoặc đi vào lãnh vực khác thì trở thành nhẹ dạ hẳn.

Ngoài hoài nghi, lối suy nghĩ có tính phê phán còn một nguyên tắc khác nữa: lúc nào cũng cần chứng cứ. Theo nguyên tắc này, không có gì có thể được chứng minh là đúng nếu chưa có đầy đủ chứng cứ. Nhưng chứng cứ không phải là những gì có sẵn. Người biết hoặc muốn suy nghĩ có tính phê phán bao giờ cũng, trước hết, là người có khả năng tìm kiếm thông tin và biết cách xử lý thông tin. Cái gọi là xử lý thông tin ấy bao gồm bốn việc: một, xác minh tính khả tín của thông tin; hai, phân tích để tìm kiếm các quan hệ tiềm ẩn bên trong các thông tin ấy; ba, diễn dịch để tìm kiếm ý nghĩa đích thực của các thông tin ấy; và bốn, tập hợp các thông tin ấy lại theo một trật tự nhất định nào đó để tạo nên một khối tư liệu thống nhất nhằm chứng minh cho một luận điểm nào đó.

Nguyên tắc thứ ba của lối suy nghĩ có tính phê phán là phải tin cậy vào lý trí, nghĩa là: một, chỉ tập trung vào ý tưởng và sự kiện chứ không phải là con người; hai, phải tuân thủ các quy luật luận lý: không tự mâu thuẫn, không khái quát hoá vội khi chưa đủ chứng cứ, không nguỵ biện, v.v…

Nguyên tắc thứ tư là không được thành kiến. Là không được có kết luận trước khi đi hết con đường lý luận. Điều đó có nghĩa là, để suy nghĩ có tính phê phán, chúng ta phải thực sự trong sáng và cởi mở, hơn nữa, can đảm để sẵn sàng chấp nhận một trong hai điều vốn rất khó được chấp nhận trong hoàn cảnh và tâm lý bình thường: một, chấp nhận điều thoạt đầu mình tin hoặc muốn tin là sai; và hai, chấp nhận một ý kiến khác thoạt đầu mình không tin hoặc không thích, có khi xuất phát từ một kẻ hoặc một lực lượng thù nghịch, là đúng.

Dĩ nhiên, lối suy nghĩ có tính phê phán còn một số nguyên tắc khác. Nhưng kể thêm các nguyên tắc ấy, theo tôi, không quan trọng bằng nhấn mạnh lại điều này: Trong khi suy nghĩ là một điều tự nhiên (ai cũng suy nghĩ, ngay cả một đứa cực kỳ ngốc!), suy nghĩ có tính phê phán lại chỉ có thể là kết quả của giáo dục: Đó là điều người ta phải học và phải tập thường xuyên. Ngay từ nhỏ. Và kéo dài cả đời.

Nhưng học và tập không phải chỉ là chuyện của cá nhân. Cả hai đều gắn liền với hai môi trường: giáo dục và xã hội. Cả giáo dục và xã hội đều gắn liền với một yếu tố khác nữa: chính trị.

Có những nền chính trị sẵn sàng treo cổ những người suy nghĩ có tính phê phán.


Nguyễn Hưng Quốc

Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.
Về Đầu Trang Go down
P-C
Khách viếng thăm




Giáo dục: Suy nghĩ có tính phê phán Empty
Bài gửiTiêu đề: Năm đức tính làm đầy thùng rỗng của sinh viên   Giáo dục: Suy nghĩ có tính phê phán Icon_minitimeThu Jan 03, 2013 12:16 pm

Năm đức tính làm đầy thùng rỗng của sinh viên

Bài viết của Barry Schwartz – giáo sư lý thuyết xã hội và hành động xã hội và Kenneth Sharpe – giáo sư khoa học chính trị tới từ ĐH Swarthmore, Mỹ.

Giáo dục: Suy nghĩ có tính phê phán 4_48_1330339715_0_20120221161943_202phamchat

Hãy nhìn vào những gì mà các trường đại học khẳng định là mục tiêu của họ, và bạn sẽ thấy một danh sách có thể đoán được như: dạy sinh viên cách suy nghĩ mang tính phê phán và phân tích, dạy cách viết lách và tính toán, dạy những kĩ năng rèn luyện trí óc. Cũng quan trọng như những mục tiêu đó nhưng một mục tiêu cơ bản khác lại gần như bị bỏ qua. Đó là phát triển những đức tính mà họ cần để là những sinh viên tốt và là những công dân tốt.

Một số giáo sư đại học tránh né việc phải chịu trách nhiệm với nhiệm vụ phát triển các phẩm chất tốt. Họ cho rằng đó là việc của người khác, đặc biệt là khi có rất ít sự thống nhất về cái được gọi là ‘đức tính’ trong một xã hội đa nguyên như xã hội chúng ta. Họ đã nhầm. Chúng ta nên dành thời gian nghĩ xem những đức tính cần thiết là gì, tại sao chúng lại quan trọng và chúng nên được đưa vào chương trình giảng dạy như thế nào:


Yêu sự thật.
Những người trẻ cần yêu sự thật để là những sinh viên tốt. Nếu không có nó, họ sẽ làm đúng mọi thứ chỉ vì chúng ta phạt họ khi họ làm sai.


Trung thực.
Sinh viên cần trung thực vì nó cho phép họ đối mặt với những giới hạn của những thứ mà bản thân họ biết, khuyến khích họ đương đầu với những sai lầm và giúp họ thừa nhận những sự thật không thích hợp về thế giới. Hầu hết các trường đại học chỉ khuyến khích một dạng của trung thực: không sao chép và không gian lận. Nhưng hiếm khi nghe họ nói với sinh viên rằng: “Hãy đối mặt với sự ngu dốt và lỗi lầm của bạn” hay “Hãy chấp nhận sự thật khó chịu này và tìm cách giảm thiểu tác động của nó thay vì phủ nhận nó”.


Lòng can đảm.
Sinh viên cần lòng can đảm để đứng lên đấu tranh cho những gì mà họ tin là đúng, đôi khi là đối mặt với hàng loạt sự bất đồng từ những người khác, kể cả những người trong trường đại học như các giảng viên của họ.


Sự công bằng.
Sinh viên cũng cần phải có đầu óc công bằng trong việc đánh giá ý kiến của người khác. Họ cần sự khiêm tốn để đối mặt với những giới hạn và lỗi lầm của chính mình. Họ cần sự kiên trì vì ít những thứ đáng biết lại đến một cách dễ dàng. Họ cần là những người biết lắng nghe vì sinh viên không thể học từ người khác hay rút ra bài học từ chính mình mà không có đức tính đó. Và họ cần có khả năng tiếp thu quan điểm của người khác và cảm thông, đặc biệt là ở cái tuổi mà tất cả những công việc được công khai nghiêm túc đều là những việc cần sự cộng tác của nhiều người.


Sự sáng suốt.
Điều quan trọng nhất là sinh viên cần cái mà Aristotle gọi là sự sáng suốt thực tế. Sự sáng suốt là thứ cho phép chúng ta tìm thấy sự cân bằng giữa tính nhút nhát và sự liều lĩnh, giữa sự bất cẩn và sự ám ảnh thái quá, giữa tính hay thay đổi và sự cứng đầu, giữa nói và nghe, giữa sự tin tưởng và sự hoài nghi, giữa sự đồng cảm và sự thờ ơ. Và sự sáng suốt cũng là thứ cho phép chúng ta đưa ra những quyết định khó khăn trong số những đức tính có thể xung đột với nhau. Ví dụ như công bằng và cởi mở thường đối lập với sự trung thành với sự thật.

Phương pháp giáo dục đại học hàng loạt – đang chiếm ưu thế ở hầu hết các trường ngày nay - tập trung nhiều tới sự truyền tải kiến thức ‘hiệu quả’ hơn là nuôi dưỡng những phẩm chất. Và khi sinh viên nhận thấy việc lờ đi những phẩm chất này trong quá trình học tập của mình, chính họ có thể lờ chúng đi khi họ trở thành những giáo viên hay giảng viên. Dạy sinh viên đại học về những phẩm chất này hứa hẹn sẽ hiệu quả như dạy sinh viên M.B.A về đạo đức kinh doanh.

Những phẩm chất này không phải là sự thay thế cho các kĩ năng học thuật. Chúng ta phải làm đầy những cái thùng rỗng. Sẽ không ai chọn một bác sĩ tim mạch đầy tình yêu sự thật, trung thực và kiên trì nhưng rỗng tuếch về giải phẫu và sinh lý học. Nhưng cần có những phẩm chất để làm đầy cái thùng rỗng đó.

Nguyễn Thảo (lược dịch từ Chronicle) 


Về Đầu Trang Go down
leminh
Khách viếng thăm




Giáo dục: Suy nghĩ có tính phê phán Empty
Bài gửiTiêu đề: Thực trạng của giáo dục VN hiện nay   Giáo dục: Suy nghĩ có tính phê phán Icon_minitimeTue Jan 08, 2013 5:46 pm

Thực trạng của giáo dục VN hiện nay


Thu nhận kiến thức là 1 niềm vui, nhưng hiện nay nó đã trở thành nỗi buồn, nỗi sợ hãi cho các em học sinh, các em bị nhồi nhét quá mức ở các lớp tăng tiết, phụ đạo và học thêm. Tôi thấy các em vô cùng mệt mỏi và sợ hãi, tư duy sáng tạo hầu như không còn nữa. Điều tai hại nhất của nhà trường hiện nay chủ yếu là dùng sự cưỡng bách làm phương pháp giáo dục. Cách thức như thế sẽ hủy hoại tính tự tin nơi học sinh. Nó sản sinh ra loại người chỉ biết học thuộc lòng những gì đã học, thành quả học tập được đặt nặng hơn là chất lượng học tập.

Một loạt những hiện tượng trầm cảm, tự tử của học sinh khi thi rớt...

Và để giúp con em mình tránh khỏi những cơn khủng hoảng hay sang chấn tâm lí thì một số phụ huynh đã treo giải thưởng khi con mình hạng trung bình thay vì hạng xuất sắc, thật là 1 nghịch lí.

Cách thức học thì rất từ chương, thụ động, thày giảng trò nghe, về thì phải học thuộc lòng, chả còn tâm trí đâu mà phân tích cái được học có hoàn toàn đúng hay không?

Kết quả của nền giáo dục hiện nay như thế sẽ là:

- Đào tạo thế hệ học sinh không còn khả năng phát huy sự sáng tạo, mà chủ yếu thích trích dẫn nguyên si từ những cái gì đã được học trong sách vở hay trong những vị thày khả kính.

- Và học sinh chỉ biết có lĩnh vực chuyên môn mình được đào tạo, kém tính linh hoạt khi phải đương đầu với 1 lĩnh vực mới.

Để phân tích sâu thêm vấn đề thì cần phải xét đến ý nghĩa và mục đích của giáo dục.


Ý nghĩa của giáo dục


Theo từ nguyên La tin, từ educere nghĩa là đưa ra khỏi, theo từ điển Từ Hải “Giáo” tức là người trên làm gì thì người dưới bắt chước làm theo; như vậy trong 1 ý nghĩa tổng quát thì giáo dục là những hành động nhằm tác động lên trí tuệ, đặc điểm, thể chất của 1 cá nhân và trong ý nghĩa chuyên biệt thì nó là 1 quá trình truyền đạt kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm, từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Từ định nghĩa trên có thể thấy rằng:

- Giáo dục mang tính thừa kế, tri thức từ thế hệ này được chuyển sang 1 thế hệ khác. Và trong một chừng mực nào đó, mục đích của giáo dục là nhằm tích lũy những kiến thức cho người được giáo dục. Và cũng từ lí do này người ta nhìn nhận mục tiêu của nhà trường đơn giản chỉ là chuyển giao một khối lượng tối đa tri thức nào đó cho học sinh. Nhồi nhét càng nhiều càng tốt, tăng tiết thêm giờ, học thêm và dạy thêm tràn lan.

- Giáo dục có mục đích đưa con người thoát ra khỏi tình trạng tối tăm mê muội do thiếu hiểu biết. Giáo dục là dẫn ra khỏi chứ không phải là dẫn về hướng của thày giáo, dẫn ra khỏi mê lầm chứ không phải đưa học sinh vào con đường hạn chế của thầy giáo.

Nhưng nếu chỉ có thế thì mục đích của giáo dục trở nên cứng nhắc và bị giới hạn trong việc tích lũy kiến thức, kiến thức chỉ là những thông tin thô ban đầu nó chỉ thực sự có giá trị khi được vận dụng và mang lại hiệu quả thành công trong thực tế. Nói như vậy không có nghĩa là tôi người học phải lập tức sử dụng được ngay những cái gì được học trong cuộc sống. Cuộc sống có những yêu cầu đa dạng mà nhiều khi phải tùy cơ tùy thời và linh hoạt uyển chuyển trong việc vận dụng những gì đã học.

Kiến thức là vô tận, nên không một ai có thể biết hết được mọi thứ trên đời, nên người biết lĩnh vực này sẽ không biết lĩnh vực khác, từ đó có thể đưa ra những ý kiến sai lầm về lĩnh vực mà mình không biết. Như vậy, giáo dục nếu chỉ để tích lũy kiến thức không thì chưa đủ, nó cần thiết phải trang bị cho người học một phương pháp để vận dụng những gì đã học vào thực tế, và cách thức tự trang bị những mảng kiến thức mà người học chưa biết trong trường hợp muốn biết.

Con người là  con người xã hội, sống trong tương quan với người khác, nên hình thức giáo dục cũng rất đa dạng, giáo dục kiến thức, giáo dục thể chất, giáo dục đạo đức, tâm lí, xã hội… để con người có thể hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng. Từ đây cũng đẻ ra 2 khuynh hướng giáo dục nên thiên về hướng tập trung vào khoa học nhân văn mang tính xã hội hay giáo dục đặt nặng vào chuyên môn  khoa học kĩ thuật? triết gia người Đức, Thế kỷ 19 Johann Herbart thì nhấn mạnh tới giáo dục đạo đức. Ông cho rằng mục tiêu đầu tiên của giáo dục là nâng cao đạo đức trong khi Pestalozzi thì đề cao phương pháp giáo dục dựa trên thế giới tự nhiên và các giác quan. Giáo dục không phải bị chia cắt 1 cách manh mún như vậy mà mục đích của nó phải đào tạo con người 1 cách toàn diện.

Nền giáo dục chỉ dạy những kiến thức chuyên môn để một chiều đáp ứng các mục tiêu xã hội thì không phải là giáo dục toàn diện, kiến thức chỉ là sản phẩm của tư duy ngã tính, một phần tố của con người, mà không phải là con người toàn diện.

Giữa thế kỷ 19, thuyết tiến hóa của Darwin ra đời đã có ảnh hưởng lớn tới giáo dục. Spencer, người đã áp dụng thuyết chọn lọc tự nhiên của Darwin tạo nên thuyết xã hội Darwin đề xuất, bên cạnh những trường công cho đại chúng, cần phải có những trường tư có tính cạnh tranh cao cho những học sinh và những thầy cô có năng lực nhất. Nhưng một nghịch lí là những nhà khoa học và kinh doanh nổi tiếng thành đạt thì không phải tốt nghiệp từ những trường học thuộc loại này.

Sự cạnh tranh lành mạnh trong học tập đôi khi lại trở thành cạnh tranh không lành mạnh, mọi thủ đoạn được áp dụng để đổi lấy kết quả học tập, đổi tình, đổi tiền lấy điểm...


Mục đích của giáo dục


Để giáo dục phát huy được hết hiệu quả của nó thì mục tiêu của giáo dục phải là huấn luyện cho học sinh đạt đến hành động và suy nghĩ độc lập, đồng thời đạt đến chỗ nhận thức rõ ràng ý nghĩa quan trọng nhất trong đời sống của mình là phục vụ cộng đồng. Học đi đôi với hành chứ không phải là học lí thuyết suông.

Và như thế giáo dục không phải là nhồi nhét kiến thức mà là đào tạo phương pháp, cũng không chỉ là đào tạo chuyên môn mà cần phải đào tạo cả về nhân văn, nhân cách.

Tóm lại, để giáo dục khỏi bị phá sản thì cần có một sự thay đổi tận gốc rễ, từ phương pháp và chương trình học tập.

Ngoài ra, cũng cần phải giáo dục cho học sinh và phụ huynh tư tưởng mảnh bằng không phải là tất cả, thi rớt không phải là chấm dứt cuộc đời. Cuộc đời có rất nhiều hướng đi cũng như 1 bài toán có nhiều cách giải, vấn đề là tìm ra 1 con đường, 1 cách giải phù hợp nhất cho bản thân mình. Và như thế thì không cần phải tự tử hay trầm cảm khi thi rớt hay sụt hạng...

Đừng bao giờ tiếp tay cho việc biến "niềm vui khám phá của học tập" trở thành một nỗi "ám ảnh kinh hoàng, nỗi đau khổ" cho học sinh...

hoangnguyen

****

Giáo dục VN hiện tại theo nhận xét của người SG:



Nói về giáo dục Việt Nam hiện tại chỉ có 1 chữ "buồn"...

1) Giáo viên đang tầm thường hóa nghề nhà giáo:

Trước kia, nói đến nghề nhà giáo, đó là cả 1 sự ngưỡng mộ, tôn trọng và đề cao, ấy là bởi biết bao nhà giáo tâm huyết với nghề và chăm chút hết mực cho sự nghiệp trồng người...
Còn ngày nay? Dường như đại đa số chỉ chú ý đến... tiền, coi nhà trường, coi học sinh là cái máy in tiền để họ làm giàu, vòi vĩnh học sinh, phụ huynh, dẫn đến cái nhìn của xã hội ngày càng nặng nề hơn với nghề nhà giáo. Đừng nên nói học sinh giờ vô lễ, mà hãy tự hỏi, những bậc làm thầy, liệu mình có đủ tư cách hay chưa?

Vẫn còn đó những vụ án hiệu trưởng mua dâm nữ sinh, thầy giáo cưỡng bức học sinh, cô giáo sờ chỗ kín của học sinh nam... đã và đang khiến xã hội nhức nhối...

2) Giáo dục lan man, quá nặng tính lý thuyết và hình thức

Dẫn đến tình trạng 1 anh tốt nghiệp Đại học ra trường mà máy tính không biết dùng, cử nhân Tiếng Anh mà gặp người bản xứ cứ ngây như phỗng...là có thật!


3) Chèn ép giáo dục

Liệu có thật như các vị tai to mặt lớn vẫn ra rả "vì sự nghiệp trăm năm trồng người??", giáo dục là quốc sách hàng đầu? Khi mà sách giáo khoa thì độc quyền, giá cao ngất ngưởng... sách vở cả chồng, cả đống, in sách viết sách chỉ để kiếm tiền làm giàu? NXB Giáo dục mỗi năm lãi cả ngàn tỷ??? Học phí cao + cả đống phụ thu, phụ chi??? Học thêm học nếm (hầu hết là bị ép) gần như quanh năm suốt tháng???

4) Chảy máu chất xám

Tuyển chọn nhân tài phục vụ đất nước vẫn theo kiểu "con ông cháu cha", dựa quan hệ, dựa phong bì. Lương trả bèo bọt (chẳng bõ công mười mấy năm đèn sách tốn kém), mà có được tuyển đôi khi cũng chẳng có gì để làm, toàn đến cơ quan đọc báo và chém gió... Nên chẳng thể trách, nhân tài cứ lần lượt rũ áo ra đi, đến những nơi người ta coi trọng mình, đúng người đúng việc thu nhập chính đáng...

Vân vân và vân vân...

Thế nên ngành Giáo dục của Việt Nam hiện tại chỉ có thể gói gọn lại, như 1 tựa đề 1 bài hát nhạc trẻ mà mấy anh choai choai vẫn hay nghêu ngao "Nói ra thêm đau lòng" mà thôi!

Về Đầu Trang Go down
Sponsored content





Giáo dục: Suy nghĩ có tính phê phán Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Giáo dục: Suy nghĩ có tính phê phán   Giáo dục: Suy nghĩ có tính phê phán Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
Giáo dục: Suy nghĩ có tính phê phán
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon  :: ĐỀ TÀI :: Giáo Dục-
Chuyển đến