Cô dâu miền Tây "háo hức" học làm vợ xứ Hàn
Trong thời gian chờ đợi làm thủ tục visa để sang làm dâu tại Hàn Quốc, rất nhiều cô dâu ở khu vực ĐBSCL đã trải qua một khóa đào tạo cấp tốc, 3 ngày học làm vợ.
Đào tạo tốc hành
Lớp học được tổ chức đào tạo rất cấp tốc tại TP. Cần Thơ, giành riêng cho các cô dâu đã lấy chồng Hàn Quốc.
[Only admins are allowed to see this image]
Lớp học có 25 học viên là những phụ nữ đã kết hôn với người Hàn Quốc.
Mỗi lớp học có 25 học viên, các cô dâu sẽ trải qua 3 ngày học tập. Các kiến thức được giáo viên giảng dạy chủ yếu khái quát về tình hình phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoài, điều trăn trở cần biết khi kết hôn và một số điểm lưu ý khi chị em phụ nữ ra nước ngoài sinh sống... Tài liệu này do Hội liên hiệp phụ nữ TP. Cần Thơ thuyết giảng.
Ngoài ra, những tài liệu khái quát về đất nước, con người xứ Hàn để cô dâu Việt hình dung được cơ bản đất nước mà họ sẽ về làm dâu như kiểu: văn hóa các món ăn, trang phục, giao tiếp,…đến cách chăm sóc gia đình chồng và con cái.
Tuy nhiên, trình độ học vấn trong nước của rất nhiều cô dâu Việt khi được hỏi chủ yếu mới học hết lớp 9, lớp 10, 11; rất ít học hết lớp 12. Điều đó cũng gây khó khăn cho những cô dâu khi tiếp cận một nền văn hóa mới.
Khi được hỏi, họ đều bảo những gì họ biết về đất nước Hàn Quốc là một màu hồng, được xem qua phim ảnh.
Lớp học cũng cung cấp những số điện thoại gọi khẩn cấp, dịch vụ hỗ trợ khi gặp tình huống xấu có thể xảy ra đối với cô dâu trẻ mới sang xứ Hàn.
[Only admins are allowed to see this image]
Văn hóa ẩm thực xứ Hàn là một phần trong bài học cơ bản của cô dâu.
Cũng trong buổi giảng, giáo viên Trịnh Lương Hoàng đưa ra một câu chuyện: “Có chị em lấy chồng ra nước ngoài gọi điện về khóc thảm thiết, xin bằng mọi cách về nước. Sau này hỏi chồng của cô dâu mới biết là vợ bỏ gia đình đi theo người đàn ông khác. Cụ thể là bạn trai cũ của cô dâu đi theo con đường xuất khẩu lao động, 2 người hẹn hò gặp nhau thì bị gia đình phát hiện”.
Qua đó, cảnh báo các cô dâu sắp về nhà chồng tại xứ Hàn cần cẩn thận vì mọi sự bảo lãnh cho bản thân ở nước ngoài chỉ có duy nhất là người chồng đã kết hôn.
Lấy chồng cấp tốc
Nhiều cô dâu cho biết, việc gặp gỡ đến kết hôn với người chồng đều thông qua môi giới, thời gian chỉ từ 3-5 ngày. Sau khi các "chàng trai" Hàn cưới vợ xong khoảng 5 ngày thì trở về nước, để vợ ở lại quê nhà chờ làm thủ tục visa và khăn gói sang sau.
Cô dâu H.T.M.T. (20 tuổi), tại TP. Cần Thơ, lấy chồng là Oh To Jin (42 tuổi) chia sẻ, việc lấy chồng là do em yêu và thích con người Hàn Quốc, một đất nước phát triển, giữ gìn được nét đẹp truyền thống trong gia đình nhiều thế hệ.
[Only admins are allowed to see this image]
Một trong những bài học chào hỏi và giới thiệu.
Hơn nữa, việc lấy chồng nhiều hơn tuổi mình không thành vấn đề, bởi nhiều tuổi thì có kinh nghiệm sống và biết lo toan cho cuộc sống. Theo T.: “Có tiền họ mới sang nước mình cưới vợ, khi mà đời sống kinh tế đảm bảo thì em nghĩ sẽ có điều kiện chăm sóc gia đình, con cái".
"Không phải mình không muốn lấy chồng trong nước, nhưng khi nhìn nhiều bạn trai cùng trang lứa, cứ sáng cà phê, chiều lại cà phê và tối thì nhậu nhẹt suốt ngày, em thấy chán cảnh đó.
Em quyết định lấy chồng nước ngoài, đất nước mà em yêu thích là Hàn Quốc. Em nghĩ mình sẽ là người vợ đảm đang bằng cách chịu khó học hỏi” - cô dâu T. rất tự tin sau 2 tháng cưới chồng Hàn.
Riêng cô dâu N.T.K.T. (22 tuổi), quê ở Hậu Giang, lấy chồng là Lee Kyeong Ho (47 tuổi), người chồng của T. chỉ quen biết nhau 3 ngày là làm đám cưới và ít hơn bố đẻ cô dâu 2 tuổi. Quan điểm của T.: “Nghỉ học từ năm lớp 9, làm thợ may và nuôi giấc mơ lấy chồng Hàn từ lâu. Vấn đề tuổi tác không quan trọng. Em chỉ muốn xây dựng một gia đình hạnh phúc”.
Trao đổi với PV TS, bà Won Sun A - người đại diện đào tạo các cô dâu lấy chồng Hàn Quốc, Khu vực ĐBSCL, tại Cần Thơ cho biết: Hầu hết các cô dâu tại đây lấy chồng đều thông qua công ty môi giới (bất hợp pháp và phi hợp pháp - PV). Ở Hàn Quốc có công ty môi giới hôn nhân và mỗi người đàn ông khi lấy vợ phải chi trả cho dịch vụ môi giới từ 10.000-15.000 USD.
Đàn ông Hàn Quốc chọn lấy vợ Việt Nam vì có một nền văn hóa ở Khu vực Đông Nam Á khá giống nhau. Những người phụ nữ ở đây đảm đang và đáp ứng được nguyện vọng của nhiều người đàn ông ở Hàn Quốc.
Trung tâm hoạt động tại Cần Thơ từ tháng 10/2011 đến nay, đào tạo khoảng hơn 1.000 chị em phụ nữ đã kết hôn lấy chồng Hàn Quốc - bà Won Sun A cho biết.
***
Theo tài liệu của Hội liên hiệp phụ nữ tại TP. Cần Thơ, tính từ năm 1997 đến 2007, toàn quốc có 180.000 phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, ở hơn 50 lãnh thổ quốc gia. Trong đó, 38% lấy chồng ở Trung Quốc, 29% lấy chồng Đài Loan, 8% kết hôn với Hàn Quốc và 25 các nước còn lại.
Tính từ năm 2002 đến 2010, có khoảng 40.000 phụ nữ Việt kết hôn với người Hàn Quốc. Tập trung chủ yếu là các tỉnh Đồng Tháp, Bạc Liêu, Cần Thơ, Cà Mau, Bến Tre, Hậu Giang,… chiếm 79% của cả nước.
(vietbao.vn)
*********
Tủi nhục thiếu nữ lấy chồng ngoại để báo hiếu
Đứa trẻ ngoan hiền mới lên 3 tuổi đã phải xa rời vòng tay yêu thương của ba mẹ và được gửi về “bú sữa ngoại”. Năm 23 tuổi, cô đi lấy chồng nước ngoài để báo hiếu công lao nuôi dưỡng. Ai ngờ cô gái đất Cần Thơ lại bị rơi vào chuỗi ngày đau đớn, tủi nhục, kêu cứu vô vọng nơi đất khách quê người…
“Phận gái miền Tây" vùng sông nước Cửu Long lớn lên có nghĩa vụ báo hiếu, giúp đỡ cha mẹ bằng nhiều cách, trong đó, lấy chồng nước ngoài để có tiền gửi về cho bậc sinh thành nuôi dưỡng mua đất, cất nhà đang là “mốt”.
Tuy nhiên, số phận trớ trêu đang đẩy rất nhiều cô gái lấy chồng nước ngoài vì chữ hiếu lao vào địa ngục của những ổ mại dâm hay những trận đòn roi của người chồng vũ phu.
Để giải cứu được con, cháu trở về quê hương phải có hàng trăm triệu để chuộc người. Tiền đâu ra ở vùng quê nghèo?
Nạn nhân trong vụ việc gả chồng cho người Trung Quốc, để rồi phải ôm uất ức vào lòng là bà Nguyễn Thị Ngọc Dung (57 tuổi), phường Thới Bình (quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ). Bà đã gả đứa cháu ngoại nuôi từ thuở tấm bé là Nguyễn Thị Diễm Phúc (23 tuổi).
Tuổi thơ rau cháo cùng ngoại
Lên 3 tuổi, Diễm Phúc đã phải sống trong cảnh cha mẹ “tan đàn xe nghé”. Cuộc hôn nhân chóng vánh của bậc làm cha, làm mẹ sớm kết thúc, đẩy con cái vào cuộc sống bơ vơ.
Người mẹ “nhẫn tâm” gửi con về cho bà ngoại để đi “đi tiếp bước nữa”, rảnh tay kết thúc cuộc tình với người chồng suốt ngày nhậu nhét không lo làm ăn.
Chuỗi ngày rau cháo bà Dung nuôi cháu lớn khôn, mong lấy chồng nước ngoài - Ảnh: Quốc Huy
[Only admins are allowed to see this image]
Trong căn nhà chật hẹp, bà Dung ngồi thẫn thờ nghĩ lại tuổi thơ đầy cay đắng của đứa cháu ngoại sống trong cơ cực, vắng bóng tình thương yêu của cha mẹ cho đến ngày lấy chồng.
Dù đã có hai mặt con nhưng người mẹ vẫn bỏ con ra đi. Cứ mỗi sáng thức giấc, Phúc tuy còn nhỏ tuổi nhưng luôn là người chăm chỉ giúp ngoại nhặt rau, rửa chén,… Cuộc đời cơ cực của 2 chị em Phúc đã lớn lên trong vòng tay chở che ông bà ngoại.
Phúc chỉ được học đến lớp 7 là nghỉ. Từ đó, người con gái nết na, hiền lành ngày ngày bán cơm cháo lầm lũi mưu sinh.
“Thương cháu, thương con. Tôi ráng chịu đựng, giành dụm cho cháu từng miếng cơm manh áo. Sáng nào nó cũng dậy sớm cùng ngoại tất bật dọn dẹp, thổi lửa, nấu nướng, nhặt rau, làm đủ thứ chuyện. Tuổi cháu nó lớn rồi, tui muốn tìm nơi gả cho cuộc đời nó sướng. Ai ngờ… Đời cháu lấy chồng Trung Quốc lại rơi vào địa ngục” bà Dung than vãn tự trách bản thân mình.
Chuyện là một ngày 2 bà cháu đi lễ chùa, tình cờ gặp một người mai mối kể về viễn cảnh tương lai khi lấy chồng nước ngoài. Theo bà ta là sẽ hạnh phúc, giàu có, sớm đổi đời.
Ngoài ra, người này còn bảo: “Đi lấy chồng chỉ trong vòng 1 năm sẽ cất được nhà cho ngoại, lại còn báo hiếu trước công lai dưỡng giục bấy lâu…”.
Đứa cháu đã đồng ý với ngoại để làm nhiệm vụ báo hiếu. Và, một cuộc mai mối dựng vợ, gả chồng diễn ra chóng vánh.
Dứt áo lấy chồng vì chữ “Hiếu”
Tên “cò mồi” đã giới thiệu viễn cảnh của 'chị Tư, có 2 người con gái tại Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp cũng lấy chồng nước ngoài, mới gửi tiền về cất nhà cho cha mẹ'.
'Cò' đã dẫn 2 bà cháu sang tận Đồng Tháp để xem nhà, chứng kiến sự đổi thay của gia đình có con lấy chồng nước ngoài.
[Only admins are allowed to see this image]
Ngày cưới của Diễm Phúc và chàng rể người Trung Quốc Dong Ji Wo - Ảnh do gia đình cung cấp.
Cũng tại Đồng Tháp, 2 bà cháu đã gặp một nhân vật trong đường dây môi giới hôn nhân có tiếng là bà Xai Mai (trên 60 tuổi).
Bà Mai đã dẫn 4 người mang quốc tịch Trung Quốc đến xem mặt Diễm Phúc và một người đã đồng ý hẹn ngày lên thành phố Sài Gòn để làm hôn lễ.
Tháng 8/2011, Diễm Phúc kết hôn với ông Dong Ji Wo (32 tuổi, quê ở Liêu Ninh, Trung Quốc). Trước ngày cưới, Dong Ji Wo đã quỳ lạy xin hứa với bà Dung: “Sẽ nuôi em Phúc suốt đời, ở quê nhà có xe ô tô riêng, có nhà máy và không lừa dối…”.
Một đám cưới “mát mặt” mẹ cha đã diễn ra tại một khách sạn ở TP. HCM. 2 ngày sau, Diễm Phúc theo chồng về Trung Quốc và hứa đến nơi sẽ gọi điện về. Tuy nhiên, mọi ước mơ đã sụp đổ. Ngay sau đó, Dong Ji Wo lộ rõ nguyên hình là người chồng vũ phu, tàn độc.
Nước mắt kêu cứu muộn màng
Diễm Phúc gọi điện về nhà vừa khóc lóc vừa kể với bà ngoại: "Con bị thằng Dong Ji Wo nó lừa. Sang đây nó lột sạch hết đồ trang sức, không cho giữ tiền, suốt ngày đánh đập, nhốt trong một phòng kín riêng biệt".
Bà Dung như chết lặng người khi cháu báo hung tin. Rồi bà quyết định khăn gói lên TP.HCM để gặp bà Xai Mai, quyết đòi lại cháu.
Tuy nhiên, qua rất nhiều lần, 'cò mồi' có tiếng này chỉ hứa hẹn sẽ đưa Diễm Phúc về Cần Thơ cho qua chuyện, nhưng không thực hiện
[Only admins are allowed to see this image]
Chị Trần Thị Diễm Thúy (ảnh trái) và bà Nguyễn Thị Ngọc Dung (ảnh phải) bất lực cầm ảnh con kêu cứu - Ảnh: Quốc Huy
Nhiều tháng qua, bà Dung vẫn miệt mài sớm hôm đi gõ cửa, kêu cứu từ Công an TP. Cần Thơ đến Công an TP.HCM, nhưng vẫn bặt vô âm tín.
Diễm Phúc đã bị gia đình nhà chồng bạo hành tàn bạo, toàn thân bầm dâp, sống trong những chuỗi ngày cơ cực.
Đã nhiều lần Diễm Phục có ý định sẽ làm một cuộc đào tẩu. Tuy nhiên, tất cả những lần đó đều bất thành do chỉ có một thân một mình nơi đất khách quê người và bất đồng ngôn ngữ.
Người mẹ của Diễm Phúc là chị Trần Thị Diễm Thúy, cầm trên tay tấm hình cưới con gái mà nghẹn ngào, hối hận:
“Tôi giờ thấy hối hận vì bỏ con đi với người khác lúc 3 tuổi. Ngày trước cứ nghĩ là có ngoại thì yên tâm. Giờ cháu nó đang bị hành hạ, tôi khẩn cầu cơ quan có thẩm quyền giải cứu”.
Đó là sự ân hận của bậc làm cha, làm mẹ. Tuy nhiên, liệu có muộn màng cho những ai đang muốn thay đổi cuộc đời bằng cách lấy chồng ngoại (?!)
Quốc Huy