Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon

Diễn Đàn của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Keywords
Trung trong quốc ngam nguyet sáng linh Chung hoang VNCH Nhung bich chất Nguyen không chuyen chẳng phải nhac ngắn thuoc quynh truyện Saigon quang quan
Latest topics
» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
thụy - Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH  - Azit Nexin Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:38 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
thụy - Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH  - Azit Nexin Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
thụy - Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH  - Azit Nexin Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» qua đi thôi bão nổi
thụy - Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH  - Azit Nexin Icon_minitimeSat Mar 11, 2023 3:11 am by Admin

» Cụ Hoang Xuân Hãn
thụy - Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH  - Azit Nexin Icon_minitimeSun May 08, 2022 10:37 pm by Admin

» Giáo dục VNCH - Giáo dục con đường khai phóng
thụy - Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH  - Azit Nexin Icon_minitimeMon Jan 10, 2022 4:06 am by Admin

» Suy tư về kiếp người - Về Cùng Cát Bụi
thụy - Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH  - Azit Nexin Icon_minitimeSun Jan 09, 2022 4:25 am by Admin

» AI ĐÃ HẠ GỤC CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN?
thụy - Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH  - Azit Nexin Icon_minitimeSat Jan 08, 2022 2:41 am by Admin

» NHẠC THIỀN - Cõi Thiền trong Âm Nhạc
thụy - Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH  - Azit Nexin Icon_minitimeThu Jan 06, 2022 4:11 am by Admin

April 2024
MonTueWedThuFriSatSun
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930     
CalendarCalendar
Affiliates
free forum

Affiliates
free forum


 

 Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH - Azit Nexin

Go down 
2 posters
Tác giảThông điệp
P-C
Khách viếng thăm




thụy - Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH  - Azit Nexin Empty
Bài gửiTiêu đề: Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH - Azit Nexin   thụy - Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH  - Azit Nexin Icon_minitimeSun Sep 16, 2012 9:30 am

.
thụy - Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH  - Azit Nexin Truyen-ngan-Azit-Nexin-208x300

Azit Nexin (1915 — 1995), là một nhà văn châm biếm nổi tiếng thế giới của Thổ Nhĩ Kỳ.
Những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống như chuyện uống trà, cưới hỏi, vệ sinh ǎn uống… qua con mắt của Nexin đều mang một ý nghĩa hài hước và thú vị bởi ông luôn có những liên tưởng hết sức độc đáo, sáng tạo. Biệt tài của Azit Nexin ở chỗ ông biết phát hiện ra những khía cạnh tức cười trong những chuyện tưởng như không có gì đáng cười, và kể lại chúng bằng giọng hài hước khiến ta không thể nín cười.
Tiếng cười trong các truyện ngắn của ông mang nhiều sắc thái khác nhau, có khi là: Cười sắc bén mạnh mẽ đã kích lớp thống trị; Cười chua chát và đau xót trước những bất công và tệ nạn quan liêu, tham nhũng đầy con người vào tình cảnh trớ trêu cười ra nước mắt; Cười dí dỏm mang tính phê phán nhẹ nhàng trước những thói hư tật xấu của con người… Song dù là tiếng cười nào đi nữa cũng đều xuất phát từ mục đích cao đẹp là mong ước cho mọi người cuộc sống ấm no hạnh phúc trong một xã hội công bằng.



thụy - Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH  - Azit Nexin Th?id=OIP

CÁI KÍNH
- Aziz Nesin  (Thổ Nhĩ Kỳ) 
 

Một hôm, cách đây chừng bảy, tám tháng, có người bạn hỏi tôi:
- Tại sao anh không đeo kính?
- Làm sao tôi phải đeo?
- Tuổi anh bây giờ là phải đeo rồi chứ còn sao nữa. Không đeo, đến lúc mắt hỏng nặng, không nhìn thấy gì đâu!
Từ lúc người bạn đó ra về, mắt tôi tự dưng mờ hẳn. Nhìn gần nhìn xa đều không rõ nữa.
Lâu nay tôi vẫn thầm mong cho tóc chóng rụng, cho trán hói đi. Rồi đeo thêm chiếc kính vào cho ra dáng trí thức. Vì tôi cho như thế là dấu hiệu của một anh trí thức. Ngay như anh bán thịt bây giờ mà để trán hói và mang kính vào, tôi cho trông cũng không khác gì giáo sư đại học! Nhưng cái mơ ước ấy của tôi không thực hiện được, vì tóc tôi mỗi ngày một dày thêm. Thế thì ít ra tôi cũng nên sắm cái kính mà đeo vậy. Ai nhìn thấy tôi, người ta phải bảo: bác học đấy!

Vậy là tôi đi khám đốc tờ. Khám xong, ông này bảo tôi: - Anh bị cận thị! 1,75 đi ốp! Theo đơn ông ta dặn, tôi sắm một cái kính. Nhưng cứ động đeo vào là tôi thấy mặt mày sa sầm, buồn nôn không chịu được. Thậm chí có lần, nói vô phép các bạn, tôi nôn thật! Nôn thốc nôn tháo, nôn ra cả mật xanh mật vàng. Không đeo thì không nhìn thấy gì, mà đeo thì tuy nhìn thấy được, nhưng lại bị cảm giác buồn nôn. Thật đúng là khổ!
Một ông bạn khác thương hại bảo tôi:
- Tôi có thể giới thiệu với anh một ông bác sĩ giỏi. Anh hãy đến ông ta khám xem! Ông bác sĩ này xem mắt tôi, rồi xem chiếc kính.
- Thằng cha lang băm nào cho anh đơn mua cái kính này thế? Có phải anh bị cận thị đâu!
- Thế tôi bị làm sao ạ?
- Viễn thị! 2 đi ốp!
Tôi lại mua kính mới. Ðeo chiếc kính này tôi không còn thấy chóng mặt buồn nôn nữa, nhưng lúc nào cũng bị chảy nước mắt. Ðâm ra mắt tôi lúc nào cũng đỏ hoe; như khóc ai vậy. Tôi bị cái cảm giác thương xót rất lạ. Cặp kính này chỉ có đeo để đi đưa đám là hợp.
Một ông bạn thân tỏ vẻ ái ngại cho tôi:
- Thế này thì cậu đến mù mất! Cậu phải đi khám bệnh viện nhà nước xem sao! Ở đấy họ khám cẩn thận. Lại có giáo sư nhãn khoa nữa, chứ không như mấy ông bác sĩ tư!

Bệnh viện nhà nước quả là có khác thật: máy móc nhiều, mà dụng cụ cái gì cũng sáng nhoáng.
Tôi được một giáo sư khám. Tôi kể cho giáo sư nghe cái bất hạnh của tôi: - Người thì bảo tôi là cận thị, người thì bảo là viễn thị!
Giáo sư giận lắm:
- Quân ngu! Anh không phải cận thị, cũng không phải viễn thị, mà là loạn thị!
Theo đơn của giáo sư, tôi mua đôi kính khác. Cặp kính này tôi đeo vừa lắm, trông cái gì cũng rõ. Phải mỗi tội bây giờ cái gì như cũng lùi hẳn ra xa. Mấy bức tường trong căn buồng tôi sống hàng chục năm nay dường như bị lùi xa đến hàng ba chục thước. Tôi giơ tay chực bắt tay người quen, nhưng không sao với tới được. Ðịnh viết, giấy đã chạy xa khỏi tay đến hai thước. Nhìn vật gì cũng thấy bé tí xíu. Người thì chỉ bằng hạt đậu ván… Nhưng hại nhất là tôi không ăn uống gì được. Vì vừa ngồi vào bàn là đĩa thức ăn đã chạy đi xa hai chục thước rồi. Mùi súp nóng bốc ngay dưỡi mũi, nhưng cứ cầm thìa chực múc, thì bát súp đã ở cách xa hàng hai mét! Tôi không ăn uống cử động gì được nữa.

Một anh bạn phải dắt tay tôi đến một bác sĩ khác tốt nghiệp ở Mỹ về. Khám xét cẩn thận xong ông ta bảo tôi:
- Ðứa nào cho anh đơn mua cái kính này đây? Ðúng là đồ lang vườn dốt nát! Anh cứ kiện lên phòng công tố cho nó bỏ mẹ!
- Thôi! Cứ để thánh Allah trừng phạt hắn! - Tôi nói.
Tôi lại thay kính mới. Bây giờ mắt tôi nhìn cái gì cũng hoá hai. Nhà tôi đang bảy người, bỗng nhiên thành mười bốn. Mỗi người lại có một người giống hệt mình. Thật tôi chưa bao giờ thấy chuyện lạ như vậy. Chả lẽ lại có những người giống nhau đến mức độ như thế hay sao? Vô lý quá! Nhìn xuống chân thì thấy bốn chiếc ủng, nhìn bàn tay thì thấy có mười ngón!
Tôi đến một ông bác sĩ khác. Ông này học ở Ðức về.
- Ai bảo anh đeo kính này?
- Làm sao ạ?
- Sai chứ còn sao nữa! Hóa ra một mắt tôi bị viễn, còn mắt kia thì cận. Vị danh y mới lại ghi cho tôi chiếc kính khác. Bây giờ tôi không phân biệt được sáng tối nữa. Xung quanh tôi tối như hũ nút.
- Ðứa dốt nào ghi cho anh chiếc kính này vậy hả? Mắt anh hoàn toàn bình thường, có làm sao đâu?
- Nhưng tôi không thấy gì cả! Tối cứ như bưng ấy!
- Thế là anh bị quáng gà thôi, chứ chẳng có làm sao hết!
Lại uống thuốc, lại tiêm, lại kính mới… Bây giờ các vật ở xa trông lại hoá gần. Chân đáng lẽ leo lên tàu thuỷ, thì lại bước ngay xuống biển… Vì tàu chưa cập bến, nhưng trông cứ như đã ngay sát bờ. Không còn viên bác sĩ nào trong tỉnh là tôi chưa mò đến! Ông này bảo mắt phải tôi cận, mắt trái viễn thì ông khác nói ngược lại. Ông trước kêu bị loạn thị thì ông sau phán là bị đục nhân mắt. Ðeo kính của cái ông bảo tôi bị đục nhân mắt, thì cái gì cũng ra màu xanh cả. Có ông còn đoán tôi bị chứng mù màu. Nhìn phía trước, nhìn sang bên, nhìn xa nhìn gần, cái gì cũng biến thành hai, màu sắc lẫn hết. Ði trên đường thẳng mà tôi có cảm giác như bước xuống cầu thang, mỗi bậc cách nhau hàng bốn năm chục phân. Tôi cứ soải bước từng bước dài như lạc đà vậy.

Một lần, đang đi trên cầu, thế quái nào tôi bước hụt một cái, ngã lăn quay xuống dưới. Vì cứ tưởng những bậc cầu thấp hơn đến một mét. Cái kính bị văng đi làm tôi không nhìn thấy gì nữa. Cái gì cũng mờ mờ ảo ảo. Người ta đỡ tôi dậy:
- Cái kính của tôi đâu rồi? - Tôi hỏi.
Họ tìm thấy kính đưa cho tôi. Tôi đeo kính vào thì… Thánh Allah ơi!… Mọi vật bỗng trở nên sáng sủa rõ ràng quá! Vật nào đúng vật nấy, rõ mồn một! Rõ như chưa bao giờ tôi có thể nhìn rõ vậy. Hay kính của người khác chăng? Không! Ðích thị kính của tôi đây mà! Ðúng gọng sừng to màu đen đây! Tôi sướng không sao tả được! Bây giờ thì đừng hòng tôi bước chân đến một anh bác sĩ mắt nào nhé! Tôi đã đọc được cả mấy dòng chữ nhỏ nhất trên báo và nhìn rõ cả tên chiếc tàu thuỷ đậu tít ngoài xa. Tôi đi về nhà, lòng vô cùng sung sướng.
- Kính của anh sao thế kia? - Vợ tôi hỏi.
- Làm sao? Tôi bỏ kính ra xem. Ngón tay thò qua được cả lỗ gọng!
Té ra mắt kính đã bị vỡ rơi mất rồi mà tôi không biết.
 
Thái Hà dịch

.
Về Đầu Trang Go down
NTcalman




Posts : 614
Join date : 13/03/2012

thụy - Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH  - Azit Nexin Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH - Azit Nexin   thụy - Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH  - Azit Nexin Icon_minitimeSun Oct 25, 2020 9:12 am

.
thụy - Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH  - Azit Nexin 2Q==

Chát xình! Chát chát bùm!

- Azit Nexin (Thổ nhĩ kỳ)


Tôi hiểu được thấu đáo điều này: con người cần phải làm mọi việc cho đúng lúc, phù hợp với lứa tuổi của mình. Nếu không sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ. Người ta nói vậy mà đúng, ai đến năm bốn mươi tuổi mà còn chơi bời phá phách thì kẻ ấy sẽ không được yên ổn ở trên cõi đời này. Nếu anh ta nhất định muốn chơi bời thì hãy chơi bời vào cái tuổi hai mươi, không thì ba mươi đi. Chứ tôi đây – cầu trời phù hộ cho bạn khỏi thấy cảnh ấy – lại chơi bời vào cái lúc năm mươi tám tuổi đầu. Và nếu hôm nay tôi đang phải ngồi nhà thương điên thì ngoài bản thân mình ra, tôi còn biết buộc tội cho ai được nữa. Tôi đã bị trừng phạt đích đáng về tội chơi bời không đúng thời, đúng tuổi.

Cầu xin đấng Ala giữ gìn cho bầy con của Ngài khỏi lầm đường lạc lối! Tôi có thằng con trai học năm cuối của trường Đại học bách khoa và một đứa con gái, cháu nó lại xinh đẹp nên chúng tôi phải vất vả lắm mới buộc nó học hết trung học, nó đi lấy chồng rồi. Tôi đã có hai đứa cháu ngoại… Thôi, để tôi kể chuyện cho các bạn từ đầu – Tôi đã phát rồ và phải vào nhà thương điên như thế nào. Bạn thấy đấy, tôi có nói nhảm đâu, tôi đang nghị luận một cách bình thường đấy chứ. Tôi có thể đặt câu hỏi không kém gì Exat Mamút (1). – Tôi nói còn chí lý và lô-gich hơn cả nhiều nghị sĩ nữa kia.
Nhưng dù sao tôi vẫn đang ở nhà thương điên. Nguyên nhân mọi chuyện chỉ tại Chát-xình chát-chát-bùm.
Vâng! Kẻ tôi tớ trung thành của các bạn đây vốn là luật sư. Bạn còn nhớ xưa kia ta từng có một trường luật đấy chứ? Tôi tốt nghiệp chính cái trường ấy đấy. Mà còn được xếp vào loại ưu nữa kia, giờ thì gọi là ”giỏi” ấy mà! Quả tình tôi là một luật sư, song không ở trong số những kẻ đi cãi cho bọn ”chó sói” khét tiếng mổ thịt cả mẹ, cả chị, cả vợ, cả con cái và hàng chục mạng người thân thích khác. Những chuyện ly dị, cãi cọ trong gia đình và mọi thủ đoạn buôn bán rắc rối tôi cũng chẳng nhận cãi làm gì. Đã mấy năm nay rồi, tôi chỉ là luật sư ăn lương Nhà nước tại một sở nọ, nghĩa là làm cố vấn tư pháp.
Tất cả bạn đồng học của tôi đều đã trở thành những ông hoàng. Lần nào đến văn phòng của họ tôi không giấu nổi vẻ ngạc nhiên. Không, lạy giời, tôi không ghen tị với ai cả, nhưng mỗi khi trông thấy các cô đánh máy trẻ măng của họ, tôi không tài nào nhịn liếm môi được.

Như tôi đã nói đấy, tôi đã bỏ lỡ mất thời cơ, không làm đúng lúc công việc phải làm và bây giờ thì đứng nhìn người khác mà…
Cuối cùng, tôi không chịu được nữa. Tôi bèn gửi đăng báo: ”Văn phòng luật sư cần mướn một nữ thư ký trả lương hậu”. Nghe nói trên thế giới đàn bà nhiều hơn đàn ông, nhưng nhiều hơn bao nhiêu thì tôi chịu không hình dung nổi. Ai đến xin làm nữ thư ký cũng ngắm tôi như người đi tậu nhà vậy. Họ đưa ra hàng loạt câu hỏi, tựa hồ không phải tôi muốn mướn họ, mà họ định mướn tôi ấy. Và sau mỗi cuộc lục vấn như vậy họ bỏ đi, buông thõng một câu:
– Để tôi nghĩ xem và trả lời sau.
Tôi không nhớ kỹ là trong đời tôi đã có bao lần phải tốn nhiều nước bọt đến thế này không. Đồng thời cũng thấy khiếp sợ…
Ngày thứ ba khi đăng báo, có một cô đến văn phòng tôi. Không phải một cô gái thường đâu mà là hồ ly tinh hiện hình thì đúng hơn! Bạn đừng nóng ruột, tôi sẽ tả kỹ cô nàng và bạn sẽ phải tin tôi thôi. Trên vai, cô đeo một cái túi xách như loại các sĩ quan vẫn mang khi diễn tập, chỉ khác cái là to gấp đôi. Chiếc váy cô ta mặc là thứ váy mà không thể hiểu nổi đâu là trên, đâu là dưới nữa. Và dưới chiếc váy giật gân ấy là hai bắp chân nõn nà tựa như hai quả ô liu khêu gợi:
”Hãy ăn tươi nuốt sống chúng tôi đi!”. Đôi chân để trần đi giầy cao gót, mớ tóc lộng lẫy chấm đến vai.
“Ôi, trời đất, nhân danh đấng Sáng thế, xin hãy cho tôi có đủ sức!” – Tôi thoáng nghĩ thầm. Và cô ta đung đưa cặp đùi tiến lại bàn, tôi thì suýt nữa ngã gục xuống để trở thành một vật hy sinh của tình ái.
– Ông cần thư ký? – Cô ta hỏi.
Tôi không còn đủ hơi sức để trả lời, tôi cũng không nói nổi được lấy một tiếng nào. Tôi chỉ nhớ là ngực tôi phập phồng như bễ lò rèn. Cô nàng ngồi trước mặt tôi.
– Em tên là Bixen ạ – cô ta bắt đầu – 21 tuổi, cao một thước 62, nặng 57kg. Nỗi ham thích nhất của em là khiêu vũ. Em rất mê nhảy. Mục đích của đời em là trở thành tài tử điện ảnh. Trong các loại hoa, em thích nhất hoa mộc lan, nước hoa thì loại “Ôrigan”. Moi tình cuối cùng của em là một thủy thủ Mỹ.
Vừa vừa kể cho tôi nghe đoạn tiểu sử ngắn ngủi ấy, cô ta vừa ra sức nhai kẹo cao su. Thấy tôi cứ lặng thinh, cô ta hỏi:
– Thế nào, có được không ạ?
Tôi lé mắt nhìn chiếc váy mặc hớ hênh quá! Lấy hết nghị lực, tôi cố sức thốt lên:
– Đư… ư… ợc lắ… ắ…m!
– Em xin ba trăm đồng một tháng ạ.
Từng ấy thì gần bằng tất cả số lương luật gia của tôi rồi còn gì, nhưng không sao. Đối với cô nàng thế này thì cũng không tiếc.

Thế là chúng ta đã làm quen với Chát-xình chát-chát-bùm rồi đấy. Cô ta chính tên là Bixen, nhưng tôi gọi cô ta là Chát-xình-chát-chát-bùm.
Vì sao? Vì ngay hôm đầu, ngay từ giờ phút đầu tiên ấy, cô ta đã luôn miệng nhắc đi nhắc lại:
– Chát-xình-chát-chát-bùm… Chát-xình-chát-chát-bùm.
Đồng thời cứ giật người lên một cách lạ lùng, và khẽ nhún nhảy…
Công việc tôi đang làm đương nhiên là bị xếp xó rồi. Chúng tôi cùng ăn bữa trưa và bữa chiều với nhau. Đến thứ sáu cô ta hỏi:
– Chủ nhật này đi đâu ạ?
– Em thích đi đâu chúng ta đi đấy – Tôi đáp.
– Ta ra ngoại thành chơi nhé.
Thế là chúng tôi đi ra ngoại ô thành phố, đến các hòn đảo, các khu vườn. Mọi sự đều hay, nhưng các cuộc đi ấy chẳng mang lại cái gì béo bở cho tôi cả. Tôi sợ đụng phải cô ta. Giá như cô ta vô tình bỗng chạm phải tôi thì tôi giật thót người lên như bị điện giật vậy.
Ngoài ra, lần nào cô ta cũng kiếm một chàng trai trẻ nào đó và họ bắt đầu ưỡn ẹo: Chát-xình-chát-chát-bùm, Chát-xình-chát-chát-bùm. Họ nhảy đến hàng giờ đồng hồ! Làm như thể may sắm cho cô ta, cho ăn cho uống, dẫn đi chơi lại kèm theo việc bỏ vào tín cho cô ta ba trăm đồng, để cho cô ta vui chơi với kẻ khác… Có lần một thằng mất dạy nào đó trông thấy chúng tôi trong hiệu ăn đã nói:
– Đấy là con gái ông? Ối chà chà, tuyệt quá!
Tôi bèn cạo râu mỗi ngày hai lượt. Sơ-mi hồ bột, quần là thẳng nếp, mỗi ngày một bộ com-lê mới, bông hoa cài ngực áo… Vợ tôi thường hỏi:
– Mình làm sao thế?
– Làm thế nào được, thời buổi bây giờ phải thế, – Tôi đáp quanh co…

Tôi điên người vì cô nàng của tôi lại cứ nhún nhảy với bất cứ một kẻ đê tiện nào. – Cuối cùng, tôi nói thẳng cho cô ta biết là tôi ghen. Giá bạn được thấy cô ta biến sắc đi như thế nào! Nàng tiến lại gần ngồi vào lòng tôi, đỡ lấy cằm tôi và nói:
– Ông già ơi, ông chả biết cái quái gì cả. Giá như ông biết nhảy có phải hay bao nhiêu không!
Đó là cử chỉ âu yếm nhất mà tôi được cô ta ban cho trong đời. Một ý nghĩ vụt qua trong óc tôi; tôi sẽ học nhảy giấu cô ta, tôi sẽ cho cô ta một mẻ ngạc nhiên! Bấy giờ thì còn ai lôi được cô ta ra khỏi cánh tay tôi nữa. Nhưng tôi đã ngần này tuổi đầu mà còn đến trường học nhảy thì coi sao được? Tôi bèn kín đáo học lỏm cách giơ chân múa tay của những kẻ được cùng cô ta nhảy trong hiệu ăn hay tiệm nhảy sau khi cô ta bỏ mặc tôi. So với những điệu nhảy thời nay thì những điệu nhảy khi xưa của chúng tôi chẳng qua là như ngỗng bước…
Về đến nhà tôi vào ngay trong buồng khoá cửa lại và bắt đầu nhảy, chân dậm miệng nhịp: “Chát-xình-chát-chát-bùm!… Chát-xình-chát-chát-bùm!”
Bị kích thích đến quá độ, tôi dậm chân mỗi lúc một mạnh.
Những người ở tầng dưới lúc đầu tưởng tôi gõ báo cho họ khỏi làm ồn nên mọi người lập tức yên lặng ngay. Nhưng sau đó, tiếng dậm chân và tiếng động lạ tai cứ tăng lên mãi nên họ bên lên gác chỗ tôi xem sự thể ra sao. Nghe thấy ồn ào, vợ tôi, con trai, con gái, con rể, các cháu tôi chạy cả lên và nhòm qua lỗ khóa:
– Trời ơi, ông cụ phát điên rồi, – mọi người lo lắng nói.
Vợ tôi bên bảo:
– Ít lâu nay tao thấy cung cách ông ấy có cái gì đáng ngờ lắm. Tao đã để ý thấy cái gì khang khác…
Tôi vẫn tiếp tục công việc của mình: Chát-xình-chát-chát-bùm!… Chát-xình-chát-chát-bùm!… – Vợ con tôi ào lên khóc nức nở.
– Tao chẳng vào đâu, tao sợ lắm, – Vợ tôi nói.
– Con cũng chịu thôi! – Con gái tôi kêu lên.
– Phải báo cho sở cảnh sát, – Chàng rể tôi bỗng nghĩ ra.

Khi ba người cảnh sát xông vào buồng tôi, tôi vẫn mặc độc chiếc quần lót, tay ôm chiếc gối dậm chân trước gương, miệng thì hát: Chát-xình-chát-chát bùm!… Chát-xình-chát-chát-bùm!… Một người cảnh sát ôm ngang lấy lưng tôi, vật xuống trói lại, quẳng lên ôtô và chở vào nhà thương điên.
Thoạt đầu tôi định nói: ”Các người ơi, tôi có điên đâu, tôi học nhảy đấy mà!”. Nhưng sau tôi nghĩ nếu thế lại càng nguy. Người ta lại bảo: Xem đồ ngốc kia, gần sáu mươi tuổi đầu rồi mà còn phải nhục nhã vì một con bé con. Thôi hơn hết là tôi đừng có nói ra. Cứ mặc cho họ tưởng rằng tôi điên thật thì cùng lắm người ta còn thương hại tôi. Sau khi quyết định như vậy, tôi lại tiếp tục giả vờ điên. Ngay cả ở sở cảnh sát và trước mắt các bác sĩ tôi vẫn nhẩy cẫng lên mà hát: Chát-xình-chát-chát-bùm!… Chát-xình-chát-chát-bùm!… Các bác sĩ đương nhiên là nghĩ ngay ra được một cái tên Pháp lẫn la tinh nào đó để đặt cho căn bệnh của tôi.

Thế là đã một năm nay tôi nằm tại nhà thương để chữa bệnh thần kinh. Dần dà tôi ít ngâm nga câu Chát-xình-chát-chát-bùm!… Chát-xình-chát-chát-bùm…. hơn trước. Sắp tới đây tôi sẽ làm ra vẻ như trí khôn đã trở lại và họ sẽ cho tôi xuất viện. Quả tình trí khôn đã trở lại với tôi thật, nhưng quá ư là muộn…
Chát xình chát chát bùm… Chát xình chát chát bùm!

Ngọc Bằng dịch


(1) Một nhà văn Thổ hiện đại

.
Về Đầu Trang Go down
PVChuong
Admin



Posts : 673
Join date : 25/04/2012

thụy - Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH  - Azit Nexin Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH - Azit Nexin   thụy - Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH  - Azit Nexin Icon_minitimeWed Oct 28, 2020 9:49 am

thụy - Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH  - Azit Nexin V1EMGTtk

PHẢI HÉT THẬT TO
- Azit Nexin (Thổ nhĩ kỳ)


Ngoài phố hai người đang đánh nhau - một người thì im lặng, một người ra sức hét thật to. Một đám đông những kẻ vô công rồi nghề bâu xung quanh. Có một người nói:
- Trong lúc đánh nhau thì cái chính là phải hét thật to!
Tôi ngoảnh lại để nhìn con người am hiểu ấy. Trước mặt tôi là một gã còm nhỏm còm nhom.
- Qua kinh nhiệm bản thân, tôi biết! - anh ta kết thúc nhận xét của mình.

Chúng tôi lách ra khỏi đám đông đang vây quanh cuộc đánh nhau và cùng sóng đôi đi. Anh bạn đồng hành tôi kể:
Có hồi tôi làm việc ở một thị trấn nhỏ trong tỉnh nọ, nhưng đến kỳ nghỉ phép thì tôi về Istanbul. Mỗi năm tôi để dành được hơn hai nghìn. Vào ngày nghỉ phép cuối cùng tôi quen được một cô gái rất xinh. Nhưng thời gian để đi chơi, tán tỉnh không còn nữa, nên tôi đi vào đề ngay. Tôi hỏi cô ta:
“Cô có muốn lấy tôi không?”
Lập tức chẳng đắn đo, cô ta ôm choàng lấy cổ tôi đáp:
“Trời ơi, anh thân yêu! Cả đời em chỉ mơ ước có anh!”
Để chứng tỏ cho cô ta thấy trong người tôi không có dị tật gì, tôi rủ cô ta ra bãi biển. Chúng tôi vào thay quần áo, phòng tôi và phòng cô ta bên cạnh nhau. Sau khi thay xong, tôi bước ra thì không thấy cô ta đâu. Tôi ngó hết phòng này đến phòng khác đều không thấy. Cùng với vợ chưa cưới, tiền bạc của tôi cũng... bốc hơi luôn. Bây giờ tôi nghĩ đi tìm cô ta, thì về nhà sẽ muộn. Cơ quan không ai chờ tôi cả, tôi sẽ bị mất việc.

Số tiền lẻ trong ví chỉ đủ đi được nửa đường. Tôi xuống một ga xép, bụng đói lả, trong túi không còn đủ tiền để mua chiếc bánh mì vòng. Mà trước mắt còn đi bộ hai ngày nữa. Làm thế nào để sống được hai ngày nữa bây giờ. Chẳng biết làm gì, tôi đành thất thểu lên đường, hướng về thị trấn của mình. Tôi cứ cắm đầu đi, đường dài vô tận, trời nắng như đổ lửa. Vừa đói vừa mệt, hai chân tôi lảo đảo như muốn khuỵu, mắt bắt đầu nảy đom đóm. Bốn bề xung quanh không có một ngọn cây nào, trong khi đó cả đói cả mệt đã làm tôi kiệt sức. Tôi cố lê bước. Bỗng nhìn thấy ở đằng xa có một cái cây không biết là lê
hay táo.
“Cây gì thì cây, - tôi nghĩ, - cùng lắm thì cũng nhai lá.”
Khoảng cách chỉ độ trăm bước mà sao tôi thấy như xa đến hàng trăm kilômét.
Cuối cùng tôi cũng lê được đến nơi, hóa ra là cây mận. Quả của nó dường như bị héo quắt đi vì nắng. Chỉ có một lớp cùi mỏng dính bao quanh hột! Hơn nữa cũng chẳng có nhiều, nên chỉ một loáng tôi đã thanh toán xong hết cả.
Gần đấy có một dòng nước nhỏ, tôi nằm xuống làm ngay một tợp. Nhưng nước có vị gì đăng đắng. Uống no nê xong, lạy Đức Allah, cơn khát đã hết, tôi lại tiếp tục lên đường.

Nửa giờ sau tôi đến một ngôi làng. Cạnh quán cà phê có vòi phun nước, mấy ông già đang ngồi. Một người trong số họ niềm nở bảo tôi:
“Xin chào người khách bộ hành! Chẳng hay ông muốn uống nước sạch và mát không?”
“Cảm ơn các bác, tôi vừa uống ở dòng sông bên kia rồi.”
Ông già nhìn tôi lộ rõ vẻ kinh ngạc:
“Con sông nào? Chả lẽ bụng ông không tốt hay sao? Nước con sông ấy là nước chữa bệnh đấy, nó có tác dụng tẩy ruột ra tuốt, dù cho ông lấy nút chai bịt lại nó vẫn bị bật ra, sức nó mạnh lắm!”
Tôi chưa kịp nghe nói hết câu thì đã thấy bụng sôi ùng ục, chỉ còn biết thều thào hai chữ “Allah”, rồi rẽ vào bụi cây gần đó, vừa đi vừa tụt quần.
Sau đó, trong lúc đi trên đường và khi đã vào đến làng, cứ mươi, mười lăm phút, tôi lại phải nghỉ để làm cái việc ấy. Tôi cố lê chân đi tiếp.

Cuối cùng thì đến một quả đồi, dưới chân đồi lại bắt đầu một làng khác. Tôi thấy trên một bãi đất rộng người ngồi chật ních. Có tiếng kèn đồng vang lên.
Sau đó cả đám đông quay về phía tôi. Tôi vừa đứng vừa giậm chân, chỉ muốn chạy vào một bụi cây, nhưng mọi người đã vây lấy tôi và hô to:
“Nhiệt liệt chào mừng nhà vô địch đáng kính!”
Họ kính cẩn đỡ tôi dẫn đi và mọi người đồng thanh hô lớn.
“Nhà vô địch... Đại lực sĩ!...”
Đúng lúc tôi lại bắt đầu... mót! Không cần giữ ý gì nữa
- “Xin lỗi!” - tôi bảo họ rồi ôm bụng chạy vào sau một nhà thờ.
Cả làng đã tập trung trên một bãi đất rộng. Lúc tôi trở lại, có hai người tiến lại gần tôi và trịnh trọng tuyên bố: “Người thắng cuộc sẽ được một con bê!”
Tôi nhìn họ mà không hiểu gì hết. Trong lúc đó, ở rìa bãi người ta đã đốt lửa và đang nướng cừu. Mùi thịt nướng làm tôi ứa nước miếng.
“Thưa lực sĩ khi nào ngài bắt đầu?”
“Sao, tục lệ của các bác là như vậy à? - tôi hỏi, - Nghĩa là người nào đến làng các bác thì phải đấu vật à?”
“Ôi, sao ngài lại giễu cợt chúng tôi thế, thưa nhà vô địch? Chẳng lẽ không phải chúng tôi không mời ngài đến hôm nay hay sao?”

Trời đất ơi! Thật là trớ trêu! Nếu tôi thú thật tôi chẳng phải nhà vô địch gì hết, thì họ sẽ không cho tôi ăn! Còn vật nhau thì có thể thắng, mà cũng có thể thua... Cứ cầm cự một lúc, cùng lắm thì nằm bò ra vậy, - cốt sao được người ta cho phép!...
Đầu tiên tôi từ chối:
“Nhưng tôi không có quần áo...”
Vừa nói đến đây, bụng tôi lại sôi lên sùng sục, tôi lại ôm bụng chạy...
Khi trở lại, tôi thấy người ta đã mang ra cả đống quần áo võ sĩ vật cho tôi chọn. Mấy con cừu lúc đó đã vàng ươm trông thật hấp dẫn...
“Tại sao nhà vô địch cứ chốc chốc lại chạy ra sau thế nhỉ?” - tôi nghe thấy tiếng xì xào trong đám đông.
“Có lẽ để bôi mỡ...”.
“Nhưng đô vật quái gì mà còm nhom như muỗi thế?...”
“Người ngợm thế thì vật quái gì được?...”
“Này, đừng nói thế. Võ sĩ đâu chỉ căn cứ vào bề ngoài...”
Tôi mặc thử một bộ, rộng thùng thình không còn trông thấy người đâu. Bộ thứ hai, tuy cũng rộng nhưng dù sao vẫn còn giữ được, không bị tụt. Tôi chẳng đắn đo gì thêm.

Trống bắt đầu thúc, kèn rúc to hơn. Và liền đó tôi nhìn thấy đối thủ của mình: chao ôi, sao hắn to con làm vậy! Tôi đứng chỉ cao hơn đầu gối hắn một tí...
Trước đây tôi đã vài lần được xem đấu vật, và tôi biết các võ sĩ có quyền hét thật to để tự trấn an và uy hiếp tinh thần của đối phương. Tôi còn biết làm gì được? Tôi cố làm bộ mặt thật dữ tợn, vỗ tay vào đùi đen đét và ra sức gào thật to đến đau quặn cả bụng. Tôi thấy đối thủ của tôi hơi lùi lại. Tôi cứ tiến thì anh ta lại lùi. Thành thử chúng tôi đi vòng quanh bãi, nhưng không tiến sát hẳn vào nhau.
“Coi chừng đấy!!!” - tôi hét vỡ cả giọng, vừa hét vừa vỗ vào hông kêu đôm đốp.
“Kìa, xem kìa, đô vật của chúng ta sợ rồi, đang chạy cuống cả lên kìa!”,
“Chứ sao! Hắn ta mà tóm được tay thì cứ gọi là bẻ gãy đôi ngay! Úi giời, trông tay hắn ta kìa! Vỗ đùi mới khiếp làm sao! Đúng là đại lực sĩ!”
Thực ra tôi chỉ muốn tiến sát đối thủ để nói với anh ta rằng:
“Anh ta đừng để ý tiếng la hét của tôi. Anh cứ ôm lấy tôi đi, tôi sẽ tự ngã ra đất. Vì tôi biết tôi không thể nào địch với anh ta được...” Nhưng anh chàng càng thấy tôi đến gần thì càng giật lùi để tránh.
“Coi ch--ừ-ng!!” - tôi lại gào lên và nhận thấy vẻ kinh hoàng trên mặt anh ta.
Vừa lúc đó luýnh quýnh thế nào tôi va phải mạng sườn anh ta suýt ngã bổ chửng. “Này, anh bạn...”, tôi chỉ kịp nói khẽ với anh ta mấy câu.
Nhưng anh ta đã run cầm cập, rồi chính anh ta lắp bắp nói nhỏ với tôi:
“Thưa nhà vô địch kính mến. Xin ngài đừng làm nhục tôi trước dân làng. Oai danh của ngài lừng lẫy... Xin ngài đừng làm tôi bị què quặt. Tôi không thể địch được với ngài, nhưng ở đây tôi là người khỏe nhất, nên mọi người bắt tôi phải ra đấu...”
Bị va mạnh, bụng tôi lại bắt đầu sôi ùng ục.
“Thôi được, anh nằm xuống đi, - tôi khẽ rít lên rồi lại ra sức hét thật to: - Ta sẽ bẻ g-a-a-ã-y x-ư-ơ-ơng!...”
Anh chàng sợ quá nằm ngay xuống, tôi lập tức ngã bịch lên người anh ta, rồi chồm dậy ngay, khó khăn lắm tôi mới “nhịn” được cho đến khi vào tới sau nhà thờ...

Tôi quay lại, người lảo đảo vì kiệt sức. Anh chàng đối thủ hôn tay tôi, không biết từ đâu người ta dắt đến một con bê non kêu “nghé ọ”.
Mọi người mang rượu đến chúc mừng tôi. Tôi uống xong một cốc cảm thấy người khỏe hơn một chút. Tôi đưa mắt liếc nhìn xem chỗ người ta nướng thịt cừu ra sao...
Chúng tôi chưa kịp ngồi vào chiếu thì trên đồi bỗng xuất hiện bóng một người cưỡi ngựa. Một phút sau anh ta đã phóng đến chỗ chúng tôi: không phải một người thường nữa mà là một người khổng lồ!
- “Sao chưa thi đấu gì mà các vị đã đánh chén thế này?”
- “Cuộc đấu kết thúc rồi.”
- “Sao lại kết thúc rồi? Chả lẽ không phải các vị mời tôi đến hay sao. Tôi là nhà vô địch vật Iuxup Akiopu đây!”
Tôi cảm thấy đau nhói trong tim.
“Xin lỗi các vị, tôi ra đây một phút...”
Nhưng anh chàng đối thủ ban nãy vừa hôn tay tôi đã kịp túm lấy cổ áo tôi lôi xềnh xệch, lấy chân đá túi bụi vào người tôi.
Tôi cứ ôm bụng lạy van người ta thả tôi ra, dù chỉ một phút thôi. Mãi sau tôi vùng t.hoát được, nhưng còn không chạy kịp vào đến sân nhà thờ nữa...

Vì thế tôi mới bảo - khi đánh nhau, cái chính là phải làm đối phương sợ, phải hét thật to... Còn nếu hét cũng không ăn thua, thì tốt nhất là ngồi im lặng trong bụi cây, chớ thò mặt ra ngoài!...

THÁI HÀ dịch

.
Về Đầu Trang Go down
PVChuong
Admin



Posts : 673
Join date : 25/04/2012

thụy - Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH  - Azit Nexin Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH - Azit Nexin   thụy - Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH  - Azit Nexin Icon_minitimeSat Oct 31, 2020 3:58 pm

thụy - Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH  - Azit Nexin 9k=

Biết ơn vạn bội
- Azit Nexin (Thổ nhĩ kỳ)


– Bạn thân mến. Tôi mới quen một thiếu phụ. Duyên may thật sự!
– Nàng đẹp lắm hả?!
– Còn phải hỏi. Anh xem, ảnh của nàng đây.
– Đẹp thật đấy! Cố gắng, đừng bỏ lỡ đấy.
– Hẳn đi chứ!… Anh có biết tôi say đắm đến thế nào không.
– Nhưng nàng có chú ý đến anh không?
– Hẳn là có…
– Thế thì phải chinh phục ngay trái tim nàng.

– Tình hình thế nào, có gì hay không đấy?
– Tuyệt lắm. Hôm nọ tôi đã kể anh nghe rằng tôi có một nàng…
– A, thế nào rồi?
– Tôi yêu, yêu đến mất trí!
– Nhưng nàng có yêu anh không?
– Chưa biết.
– Phải làm sao cho nàng yêu anh!
– Làm thế nào?
– Điều ấy thì tôi có thể bàn với anh được. Thứ nhất là quà tặng. Phụ nữ bao giờ cũng thích được quà. Đầu tiên có thể hoa, đặc biệt là tử đinh hương… Sau đó đến một thứ quý hơn… Và nhớ thường xuyên nói với nàng rằng nàng rất thông minh.
– Hay đấy, tôi sẽ cố theo lời anh nói.

– Trời ơi, tôi không biết nói sao để cảm ơn cho anh hết!
– Mọi việc tốt đấy chứ?
– Bạn thân mến, anh thật hiểu lòng dạ đàn bà. Tôi đã làm theo đúng ý anh. Nàng đối với tôi hoàn toàn có thiện cảm rồi. Nhân danh đấng Ala, anh bảo tôi phải làm gì bây giờ?
– Anh phải mời nàng đi xem phim. Nhưng phải chọn phim đừng nghiêm túc quá, có thể là chuyện gì bi thảm, một hài kịch nhẹ nhàng, hoặc một màn vũ nhạc gì đó. Xem xong nhất thiết là phải ăn kem va-ni. Nhớ rằng trong túi anh luôn luôn phải có sô-cô-la và phải mời nàng ăn luôn.
– Thế nào tôi cũng làm đúng như lời anh dặn. Tôi yêu đến hoá điên rồi!

– Hôm qua bọn mình xem phim. Vào rạp tôi mời kẹo sô-cô-la. Nàng bằng lòng lắm. Xem xong vào hàng bánh kẹo ăn kem va-ni. Nàng bảo tôi là hạng đàn ông có thẩm mỹ tinh tế. Tuần này bọn mình định đi chơi xa. Nhân Đức Ala, anh khuyên tôi đi hướng nào nhỉ?
– Theo tôi, các bạn nên ra đảo Hoa Cương. Nên thuê hai con la mà cưỡi. Sau đó ra bãi tắm. Rồi đi khiêu vũ. Nhưng nhớ chỉ mời nàng nhảy van thôi đấy,
– Lạy Chúa!… Làm sao tôi chinh phục được người đàn bà ấy nhỉ?
– Anh cứ theo đúng lời tôi, mọi việc đâu sẽ vào đấy!
– Tôi thật không biết cảm ơn anh thế nào cho hết.
– Không cần… Tôi chỉ muốn truyền kinh nghiệm cho anh thế thôi.

– Thế nào, các bạn có đi chơi không đấy?
– Đi chứ!… Tuyệt vời lắm! Nhưng tôi không gặp may…
– Sao vậy?
– Hoá ra nàng có chồng rồi, chúng mình chỉ dạo chơi thôi, chẳng có gì hơn nữa.
– Thế nàng có yêu chồng không?
– Không đâu, nàng bảo chồng thô lỗ, ngu độn như lừa, chẳng biết gì hết, đối với anh ta, tâm hồn phụ nữ là một buồng tối.
– Một thiếu phụ đáng thương! Vì sao nàng không ly dị đi?
– Nàng bảo nếu tôi đáng tin thì ngày hôm nay nàng sẽ nộp đơn ly dị! Tôi không biết mình phải làm gì…
– Chớ để mất nàng!

– Công việc của anh thế nào?
– Anh đừng có hỏi. Bọn mình chưa một lần nào hôn nhau. Nàng nhút nhát quá. Nhưng tôi cảm thấy nàng yêu tôi.
– Tiếp tục tặng quà đi. Mua nước hoa đắt tiền vào, chẳng hạn nước hoa “Xau đau” ấy. Sau đó… tôi cũng không biết… Mua một loại vải đẹp đi… Hầu hết phụ nữ thích màu xanh lơ hoặc là xanh nhạt.
– Ngộ chồng nàng biết thì sao?
– Làm gì mà đoán ra được? Chính nàng nói hở ra rằng hắn ta là một gã khờ kia mà. Nếu anh muốn, tôi sẽ đi chọn vải giúp anh…
– Hay quá… Ta đi luôn nhé!

– Tình hình thế nào rồi?
– Tốt quá anh ạ! Tôi đưa nước hoa, nàng bảo đúng là thứ nàng thích nhất. Tôi tặng vải, nàng sướng rơn lên. Bạn ơi, tôi đang hớn hở như một cậu học trò! Anh bảo tôi phải làm gì để có nàng trọn vẹn?
– Anh đọc cho nàng nghe những vần thơ của Iakhi Kêman. Phải thề thốt sẽ lấy nàng làm vợ. Phải hối thúc nàng mau ly dị gã khờ kia…

– Lâu nay anh trốn biệt đi đâu thế?
– Bận quá, không gặp anh được. Nàng ly dị rồi đấy!
– Thế anh vẫn quyết lấy nàng đấy chứ?
– Tất nhiên!
– Vậy thì phải nhanh lên, kẻo…

– Tôi không biết lấy gì để đền đáp ơn anh. Hôm qua chúng tôi làm lễ thành hôn rồi. Anh đã cho tôi một hạnh phúc lớn quá. Tôi đã có một gia đình, có vợ, có người yêu thương…
– Người anh em của tôi ơi. Tôi phải cảm ơn anh mới đúng, chính anh đã cho tôi một hạnh phúc lớn lao. Chính anh đã giúp tôi thoát được khỏi cái con mụ vợ yêu quái của tôi đấy!

Đức Mẫn dịch

.
Về Đầu Trang Go down
NTcalman




Posts : 614
Join date : 13/03/2012

thụy - Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH  - Azit Nexin Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH - Azit Nexin   thụy - Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH  - Azit Nexin Icon_minitimeSat Dec 05, 2020 6:35 pm

.
thụy - Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH  - Azit Nexin 4306de11a56d08ff4376d4fbae80c537

Những người thích đùa
- Azit Nexin (Thổ nhĩ kỳ)


Cuộc đời thật là cay đắng. Cuộc đời thật là chông gai. Cuộc đời thật là… Tôi có hẳn ba quyển vở dày cộp chép toàn những câu triết lý về cuộc đời như thế. Tổng cộng khoảng gần 16 nghìn câu mà tôi cho là hay nhất.
Đời là bể khổ. Đời là bờ dốc đứng. Đời là một ghềnh thác. Đời là một cái sân khấu, vân vân…
Nhưng rồi ở trang cuối, tôi lại ghi mấy chữ: “Vậy thì đời là cái cóc khô gì?”
Ồ, thưa quí vị, đời cay đắng và chua xót lắm! Không tin, xin quí vị cứ nghe câu chuyện tôi kể đây rồi tự xét đoán xem tôi nói có đúng hay không.

Hồi ấy tôi không làm ăn gì cả. Chẳng phải vì tôi giàu có hay vì được thừa hưởng một gia tài kếch xù gì mà chẳng qua vì tôi không sao tìm nổi việc làm. Đã hai ngày tôi sống bằng không khí và nước lã. Một hôm, tôi đến ngồi trên một chiếc ghế đá vườn hoa để suy nghĩ về bản chất cuộc đời. Bên cạnh tôi có một ông ngồi xem báo. Lúc ông ta nhét tờ báo vào trong túi, tôi hỏi:
– Ông có thể cho tôi ngó qua tờ báo một chút được không ạ?
Ông bạn ngồi cùng ghế đưa cho tôi tờ báo. Tôi vội lướt nhanh các mục rao vặt. Có một mẩu tin khiến tôi thoáng hy vọng: ”Cần tuyển người làm, bất kể đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ”. Thế là không để lỡ một phút, tôi trả lại tờ báo cho chủ nhân rồi ba chân bốn cẳng phóng ngay đến cái địa chỉ ghi trong mẩu rao vặt. Đó là một ngôi nhà năm tầng, nằm ngay giữa khu vực đông đúc nhất của thành phố. Sợ đến chậm, nên chẳng càn chờ thang máy, tôi cứ thế bước mấy bậc lên thẳng tầng thứ năm. Cánh cửa treo biển số 18 đây rồi! Tôi thấy người ta bước vào đó, lần lượt từng người một. Người nào lúc vào trông mặt cũng đầy hy vọng. Nhưng khi bước ra thì trông ai cũng hầm hầm tức giận.
Để cho hơi thở đã trở lại bình thường, tôi mới tiến lại phía cửa.
– Tôi xem báo thấy nói ở đây…

Không đợi tôi nói hết câu, người gác cửa khoát tay ra hiệu cho tôi vào. Tôi bước vào một căn buồng có kê rất nhiều ghế băng và ghế bành. Đã có 6 người đàn bà và 8 người đàn ông ngồi chờ ở đó. Còn 5 người khác, trong đó có tôi thì đứng.
– Công việc gì đấy hả ông? – Tôi hỏi người đứng bên cạnh.
Người này cũng có số phận hẩm hiu như tôi. Ông ta đáp:
– Tôi cũng không biết. Chỉ thấy người ta gọi từng người một vào. Nhưng vẫn được độ mười phút, hay cùng lắm là nửa tiếng, thì thấy ai cũng chạy bổ ra như ma đuổi, chửi ầm cả lên.
Đúng lúc đó cửa xịch mở và một người đàn ông mặt đỏ gay lao ra phòng chúng tôi, chửi rủa om sòm:
– Đồ đểu, đồ khốn nạn!
– Đến lượt ai? – Người gác cửa kêu to.
– Tôi ạ! – Một phụ nữ còn trẻ, phấn son loè loẹt, nói đoạn bước vào buồng trong. Tôi hỏi một người đang ngồi đợi:
– Họ làm gì trong ấy thế hả ông?
– Chắc họ thử trình độ!
Thế là tôi hối hả ôn lại trong trí nhớ tất cả những gì người ta dạy tôi ở trường học. Cứ dựa vào các dấu hiệu bên ngoài mà xét, thì ở đây là một cơ quan thương mại, như vậy ắt họ phải kiểm tra trình độ toán học. Tôi vội vàng nhẩm lại bảng cửu chương, rồi ôn lại cách tính phần trăm, tính hạ giá…

Bỗng cửa mở tung và người phụ nữ mang đồ trang sức rẻ tiền ban nãy bước ra, mặt đỏ như gấc.
– Quân khốn nạn, đồ vô lương tâm!
Chị ta kêu ầm lên và từ phía trong vọng ra một giọng cười đàn ông khả ố.
– Chả lẽ họ làm nhục chị ấy? – Tôi chợt rùng mình.
Không phải đâu – Người bên cạnh tôi đáp. – Tôi chắc người ta ra một câu hỏi gì hóc búa quá mà chị ta không trả lời được đấy thôi!
– Đến lượt ai nào? – Người gác cửa lại kêu to. Lần này người vào là một thanh niên, chính cái anh chàng vừa nãy nói rằng chị phụ nữ không trả lời được câu hỏi. Trong lúc tôi đang loay hoay ôn lại cách tính phần trăm rắc rối, thì thấy anh ta đã lao vọt ra như một mũi tên, miệng gào lên:
– Mẹ kiếp! Thế mà cũng gọi là công việc!
– Anh chàng này hoá ra lại kém cả đàn bà! – Người ngồi cạnh tôi với giọng chế giễu.
Lúc này sau lưng tôi đã có một dãy người. Người gác cửa vẫn tiếp tục gọi từng người một vào.
Tôi túm lấy áo ông ta, rụt rè hỏi:
– Họ làm gì trong ấy thế hả bác?
– Sát hạch! Ông ta cười khẩy đáp.

Cứ mỗi lần thấy có người từ bên trong lao ra và lớn tiếng chửi rủa, là tôi lại thấy mừng thầm. Vì như thế tôi càng có nhiều hy vọng có công ăn việc làm. Nhưng mừng mà vẫn lo. Vì không biết công việc gì mà họ kiểm tra một cách kỳ lạ như vậy? Giá như chưa đến nỗi đói lắm, thì tôi đã nhổ toẹt vào công việc và bỏ đi quách cho rồi! Hàng người cứ tiến lên rất nhanh. Trước mặt tôi là một ông già xanh rớt như tàu lá. Ở trong phòng bước ra, ông ta mệt lả người, đến nỗi không còn sức mà chửi rủa nữa.
– Họ làm gì trong ấy thế hả bố? – Tôi tò mò hỏi.  
Ông ta khoát tay bảo:
– Không phải hỏi. Cứ vào trong ấy khắc biết.
Người gác cửa hỏi to đến lượt ai. Tôi im lặng.
Người xếp hàng sau tôi bảo:
– Đến lượt anh đấy.
– Ông vào trước đi. Tôi không vội lắm. – Tôi nói vậy, nhưng bị ông ta phản đối.
– Không được! Phải có trật tự chứ! Tôi chưa đến lượt, tôi không vào.
Đồ con lợn! Giá đây là xếp hàng đi xe điện hay xe buýt, thì có lẽ hắn chả tử tế như vậy mà huých bật tôi ra khỏi hàng từ lâu rồi.
– Mời ông cứ vào trước đi?
– Không, không! Anh phải vào trước chứ!
Người gốc cổng huých vào lưng tôi đẩy vào. Tôi nghe thấy cửa đóng sập lại sau lưng.
– Ôi lạy Chúa! – Tôi thầm khấn – Xin ngài che chở cho con. Nếu đúng là sát hạch hay kiểm tra gì thì xin ngài hãy giúp con vượt qua tất cả, để con có thể kiếm được việc làm.
Không hiểu vì đói hay vì sợ, tôi bỗng thấy mặt mày sa sẩm.

Căn buồng mà tôi bước vào bày biện như một văn phòng. Những người ngồi ở đó đang cười ha hả. Trông người nào cũng to béo, bụng chảy sệ, cằm thì hai ngấn. Thế thì làm gì mà họ không hay cười?
Tôi tiến lại gần một ông ngồi sau chiếc bàn lớn có mặt kính. Ông này chắc hẳn là chủ tịch hội đồng giám khảo.
– Anh có thích đùa không? – Ông ta hỏi.
Tôi đưa mắt quan sát tất cả mọi người có mặt trong phòng. Có chừng mười người tất cả. Nhưng không người nào ăn mặc tồi tàn và trông ốm đói như tôi. Vậy ắt hẳn họ phải là những người thích đùa. Vì thế tôi vội nở ngay một nụ cười đáp:
– Tất nhiên là thích chứ ạ? Chả nhẽ trên đời này lại có người không thích đùa hay sao?
– Tốt lắm. Thế nghĩa là anh r.â.ấ.t thích đùa? – Ông ta kéo dài giọng – Vậy thì anh hãy ngồi xuống chiếc ghế xa lông này!
Chân tôi lúc bấy giờ đã mỏi lắm, chỉ muốn khuỵu ngay xuống, nhưng vì sợ thất lễ nên tôi không dám ngồi.
– Dạ, thưa ngài, tôi đứng cũng được ạ.
– Không, không được! Anh vừa nói là thích đùa cơ mà! Thế cứ ngồi xuống!
Từ chối nữa e không tiện, tôi đành cảm ơn rồi rón rén ngồi xuống ghế.
– Không, ngồi vào đây, vào chiếc xa lông này cơ!
Tôi lại đứng dậy và ngồi sang chiếc xa lông.
– Thế, phải rồi! Tất cả những người mà anh thấy đang ngồi đều là những người thích đùa. – Viên chủ tịch giám khảo nói.
– Thưa ngài, thế thì hay quá! Gì chứ đùa thì tôi mê lắm ạ!

Thế là họ bắt đầu hỏi tôi đủ mọi chuyện. Tôi đáp lại họ bằng những câu ngắn gọn và lễ phép. Bỗng tôi cảm thấy cái ghế ngồi bắt đầu nóng lên, mỗi lúc một nóng hơn. Tôi thấy mình như một cái hạt dẻ bị rang trên chảo nóng. Lạy thánh Ala!… Hay là tôi lên cơn sốt chăng? Nhưng nếu sốt, thì cái nóng phải tập trung ở đầu, chứ không thể ở chỗ nào khác. Tôi bắt đầu nhăn nhó, oằn oại trên ghế. Thấy vậy mọi người phá lên cười. Thì họ là những người thích đùa mà lại, và điệu bộ tôi lúc ấy chắc phải tức cười lắm. Tôi cảm thấy như ngọn lửa đã cháy vào tận ruột gan nhưng nhìn thấy họ cười, tôi cũng bất đắc dĩ phải nở một nụ cười gượng gạo.
– Anh làm sao thế? Trong người khó chịu à? – Họ hỏi tôi.
Nếu tôi trả lời là bị ốm, thì tất nhiên đời nào họ còn lấy tôi vào làm nữa. Vì thế tôi phải nói:
– Đâu có ạ! Tôi khoẻ như trâu ấy chứ ạ!
– Thế tại sao anh cứ oằn oại thế?
Rồi họ lại nhìn tôi cười rũ ra.
– Xin lỗi, tội bị bệnh rò hậu môn, – tôi tìm cách nói dối như vậy, – xin các ngài cho phép tôi được đứng!
Nói đoạn, tôi đứng dậy, lau mồ hôi trán. Tôi đã toan hét to vào mặt họ: ”Làm gì mà các ông cười rống lên như vậy”, nhưng chợt nhớ ra họ là những người thích đùa, nói thế chỉ tổ bị đuổi thẳng ra ngoài, nên tôi lại thôi.

Vị ngồi sau bàn lại rung chuông gọi người gác cửa và bảo:
– Mang nước chè vào cho ông này!
Tôi nghe nói mà mát cả ruột. Như vậy là họ đã thích tôi. Nhưng cơn đói làm bụng tôi cồn cào. Chà, cái lũ giun chết tiệt ấy nó hành hạ tôi! Người gác cửa mang vào cho tôi một tách nước trà. Nhưng tôi chưa kịp thả hai miếng đường vào, thì nước trong cốc bỗng nhiên sủi bọt và trào ra ướt hết cả tay. Mọi người lại được một trận cười no bụng. Mà kể ra nhìn cái bộ dạng ngây độn của tôi lúc ấy thì ai mà nhịn được cười cho được!
Một vị trong ban giám khảo cố nhịn cười và bảo tôi:
– Anh hãy mở cánh cửa kia ra. Ở trên cái bàn phía sau cửa ấy có một cái gậy. Anh hãy cầm cái gậy ấy lại đây!
Tôi làm theo lệnh của ông ta, nhưng không thấy cái gậy nào cả.
– Thưa ngài, trên bàn không có gì ạ! – Tôi bối rối nói.
– À đây rồi, người ta lại gọi tôi lại. Rồi một viên giám khảo khác tiếp tục thẩm vấn tôi. Nhưng thật là tai hại, tôi bỗng lên cơn hắt xì hơi và không tài nào trả lời được. Đúng là hoạ vô đơn chí.
– Anh tên là gì?
– Tôi… hắt… hắt xì hơi? Tôi… tôi… tôi… hắt… hắt… xì. Tôi tên là… Ac… mét, xì hơi!
“Mình bị làm sao thế này?”. Tôi lo lắng tự hỏi.

Lần đầu tiên trong suốt bốn mươi năm, hy vọng có được việc làm vừa chợt loé lên, thì ác thay, cái ghế ngồi bỗng nóng rực lên, rồi nước chè tràn ra khỏi cốc rồi lại hắt xì hơi!
– Bốn… bốn… bốn… hắt xì... hơi. Bốn mươi… hắt… xì hơi… mốt…
Mọi người lại cười rộ lên. Cuối cùng, một vị trong ban giám khảo nói.
– Đằng kia có cái vòi nước kia kìa! Anh ra rửa mặt đi!
Tôi ra rửa mặt và cảm thấy dễ chịu hơn, không hắt xì hơi nữa, nhưng không hiểu sao nước mắt tôi bỗng chảy ràn rụa như suối. Hay là tại đói chăng? Tôi bắt đầu khóc nức nở như một thằng hề vậy. Thôi, thế là đi tong! Chưa hết hắt xì hơi đã lại bắt đầu chảy nước mắt thế này, thì còn ai người ta nhận vào làm nữa!
– Tại sao anh lại khóc?
– Ai? Tôi ấy ạ? Dạ, tôi cũng không biết tại sao nữa? Chắc tại tôi nhớ đến bà mẹ tôi đã mất…
Thế là mọi người lại lăn ra cười. Còn tôi thì cứ thút tha thút thít như đứa trẻ. Một vị giám khảo khác lấy trong túi ra một lọ nước hoa đưa cho tôi và bảo:
– Anh hít lấy một tý nước hoa này cho nó dễ chịu!
Tôi nhỏ mấy giọt nước hoa vào lòng bàn tay rồi đưa lên mũi hít. Thứ nước hoa đúng là đặc biệt thật. Vừa hít vào đã thấy dễ chịu ngay. Nhưng… ơ kìa! Tôi lại bị làm sao nữa thế này? Ấc… ấc. Chết cha rồi! Tôi lên cơn nấc? Thôi, lần này thì mới thật là hết nhé! Này… người ta sắp tống cổ tôi đi này!
– Trước đấy anh làm nghề gì?
– Dạ… ấc… ấc! Trước đây… ấc! Tôi làm… ấc! Nghề đánh… ấc? Giầy… ấc!…
– Thôi lạy Chúa, xin anh đừng nói nữa! Anh hãy mở cái tủ này ra!

Tôi vừa mở cánh cửa tủ thì bỗng… ầm một cái như tiếng đại bác. Hết hồn, tôi ngã bệt xuống đất. Thôi đến nước này thì còn hy vọng gì công việc nữa, tôi nghĩ thầm, không khéo mình còn phạm tội giết người nữa là đằng khác! Vì có khi họ bị vỡ bụng ra vì cười.
Bỗng tôi thấy một ông to béo thổi tung bụi ở bàn. Rồi một lát sau tôi cảm thấy ngứa không chịu được.
– Tại sao anh cứ phải gãi thế?
– Dạ, tôi cũng không hiểu tại sao nữa ạ! Tôi mới tắm hôm qua…
– Hay là tôi bị bọ nẹt đốt chăng? Nhưng nếu bọ đốt thì chỉ ngứa một chỗ thôi chứ? Đằng này khắp người tôi chỗ nào cũng ngứa ran.
– Trình độ văn hoá của anh thế nào? – Một ông nhiều tuổi nhất trong ban giám khảo hỏi.
– Dạ, thưa, tôi đã tốt nghiệp khoa văn Đại học Tổng hợp ạ!
Ông ta dí sát tai vào mặt tôi bảo:
– Anh nói to lên, tôi bị nặng tai.
Quả thật tôi thấy một lỗ tai có đeo một cái ống nghe. Tôi hét to, trong khi vẫn ra sức gãi.
– Khoa văn.
– Cái gì?
Tôi lại hét to một lần nữa vào lỗ tai ông ta: “Khoa văn!”. Thế là từ cái ống nghe ở lỗ tai ông ta có một tia nước bắn vọt vào mặt tôi. Quá bất ngờ, tôi lại ngã phịch xuống sàn. Không biết đây là cái chỗ gì vậy nhỉ? Văn phòng quái gì mà lại thế? Hay là tôi rơi vào một cái hang quỉ sứ!

Xung quanh tôi, các vị giám khảo cứ ôm bụng lăn ra mà cười. Họ cười giật từng cơn như bị động kinh. Nhưng rồi cuối cùng, cơn cười cũng chấm dứt. Mọi người nghiêm trang đứng cả dậy.
– Khá lắm! – Một ông trong ban giám khảo khen tôi – Anh đã chịu được tất cả các cuộc thí nghiệm. Chúng tôi đã thử đến bốn chục người, nhưng không ai chịu được đến phút cuối cùng. Thậm chí có người mới vừa sau thí nghiệm thứ nhất đã bỏ chạy.
– Thưa ngài, tôi chưa hiểu. Ngài bảo tôi chịu được những cuộc thí nghiệm gì cơ ạ?
– À chả là thế này, ở Mỹ có một hãng chuyên sản xuất các thứ hàng đặc biệt. Họ gọi đó là những món hàng “biết đùa”, vì chúng có thể làm cho người ta cười. Hãng này có gửi cho chúng tôi một số hàng mẫu và đề nghị chúng tôi cùng kinh doanh.
– Vâng, thế thì sao ạ?
– À, nhưng vì một số thứ hàng có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm, nên chúng tôi quyết định phải thử trước…
Rồi họ quay sang bàn bạc với nhau:
– Nghe đâu ở bên Mỹ có đến hơn một vạn cửa hàng bán các thứ hàng này…
– Phải đấy! Riêng tiền xuất khẩu các thứ hàng này nghe nói cũng đã lên tới trên 20 triệu đôla cơ đấy?
– Họ có giới thiệu cho ta hơn 50 mặt hàng.
– Ta phải ký hợp đồng với họ ngay đi. Cái món hàng này hời đấy! Vì dân ta cũng ham đùa lắm, gì  chứ món hàng này của Mỹ dứt khoát là họ phải đổ xô vào mua.
Vị nhiều tuổi nhất trong, đám nói với viên thư ký:
– Ông viết đi: Hai nghìn đệm ghế phát nhiệt, hai vạn hộp bột ngứa, năm trăm hòm nước hoà nấc, năm nghìn tá máy điếc bắn nước, hai vạn chai nước làm chảy nước mắt, năm tấn đường gây cười, ba vạn hộp phát tiếng nổ. Ông nhớ bảo họ gửi ngay cho ta tất cả các thứ đó nhé!

Tôi hiểu rằng như thế là tôi đã được nhận vào làm, nhưng không hiểu sẽ phải làm gì? Mọi người vẫn say sưa thảo luận nên chẳng còn ai nhớ đến tôi. Thấy vậy, tôi mới lên tiếng hỏi vị chủ tịch giám khảo:
– Thưa ngài, tôi có được nhận vào làm không ạ?
– Được – ông ta đáp, – anh tỏ ra là người có sức chịu đựng khá nhất trong số những người mà chúng tôi đã thử.
Đoạn ông ta quay sang bảo viên thư ký:
– Ông nói với ông thủ quỹ trả cho ông này 2 lia rưỡi. Rồi lại quay sang phía tôi nói tiếp:
– Công ty của chúng tôi mỗi tháng sẽ nhận được của hãng sản xuất hàng gây cười ở bên Mỹ tất cả những mặt hàng mới. Vậy cứ ngày mồng 5 mỗi tháng anh hãy đến đây để chúng tôi thử các mặt hàng mới nhận được. Anh sẽ được anh 2 lia rưỡi một tháng. Anh nhớ là cứ vào mồng 5 đầu tháng nhé!
– Ha ha ha!… Ha ha ha!… Đột nhiên tôi ôm bụng cười vang. Vị chủ tịch giám khảo cũng mỉm cười nhìn tôi:
– Ồ, té ra anh cũng là người biết đùa đấy nhỉ?

Tuy đã lả người đi vì đói, nhưng tôi vẫn cố thu nốt chút sức tàn, thoi một quả đấm vào giữa mũi lão chủ tịch. Lão ta bị một cú đấm trời giáng, ngã quay xuống đất.
– Xin các vị cứ coi như là tôi đùa. – Tôi bảo họ thế.
– Đùa kiểu du côn thế à?
– Các vị thứ lỗi cho, nhưng có 2 lia rưỡi một tháng thì bọn dân đen chúng tôi đâu có thể mua nổi những món hàng biết đùa của các ngài được! Nên chúng tôi phải đùa theo kiểu của chúng tôi vậy!
Nói đoạn, tôi đóng sập cửa, bỏ về.

Thái Hà dịch

.
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content





thụy - Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH  - Azit Nexin Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH - Azit Nexin   thụy - Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH  - Azit Nexin Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
Tuyển Tập Truyện Ngắn Hài Huớc: CÁI KÍNH - Azit Nexin
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Tập Truyện Ngắn Huyền Bí - Kinh Dị
» Thiền và Truyện thật ngắn - Lê Tấn Tài
» VÁN CỜ - Truyện Ngắn của Lê Tất Điều
» Truyện ngắn: Vợ hay Mẹ? Mẹ hay Vợ?
» Truyện ngắn: LÀM ĐĨ

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon  :: ĐỀ TÀI :: Văn Hóa, Nghệ Thuật :: Văn-
Chuyển đến