Khóc ròng với thương lái Trung Quốc (Đất Việt) Những ngày qua, nhiều ngư dân, nông dân phải dở khóc, dở cười với các chiêu lừa ngoạn mục từ thương lái Trung Quốc. Hàng ngàn người bị quỵt nợ, hàng hóa bí đầu ra…Hiện hàng trăm hộ dân trồng ớt ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam đang chết dở bởi những đầu mối thu mua ớt tươi để bán lại cho thương lái Trung Quốc dừng mua đột ngột. Sau khi thương lái rút lui, ớt tươi rớt giá thê thảm.
Từ giữa năm 2010, tình trạng xuất khẩu dừa khô nguyên liệu ồ ạt đã đẩy hàng loạt doanh nghiệp (DN) chế biến dừa tại Bến Tre rơi vào tình trạng “đói” nguyên liệu chế biến. Nếu năm 2010 có 64 triệu trái dừa được bán cho các tàu Trung Quốc thì đến giữa năm 2011, con số này tăng gần gấp đôi, chiếm hơn 30% sản lượng dừa của tỉnh Bến Tre. Có thời điểm, sản lượng dừa nguyên liệu bán cho các tàu nước ngoài vượt hơn 50% sản lượng của địa phương. Giá dừa có lúc lên đến 150.000 đồng/chục. Do thương lái Trung Quốc đẩy giá cao, khiến DN tại Bến Tre phải sang tận Indonesia mua dừa về chế biến. Tuy nhiên, giá dừa sau đó tụt thảm hại do thương lái Trung Quốc không còn ăn hàng. Đến thời điểm này, dừa khô tại Bến Tre chỉ còn 12.000 đồng/chục.
Mua tất tần tật“Cách đây hơn một tháng, mỗi ngày có hàng chục người ra tận cánh đồng Bầu Tròn để thu mua ớt tươi về bán cho đầu nậu Trung Quốc. Lúc đó, 1 kg ớt tươi giá 18.000 đồng nên nông dân chúng tôi rất phấn khởi. Thấy ớt được giá,
nhiều nông dân đã đua nhau phá bỏ vườn bầu, khổ qua… để chuyển sang trồng ớt”. Song, bất ngờ thương lái Trung Quốc biến mất khiến hàng chục tấn ớt tươi của người dân không thể bán được. Mới đây, đầu mối cũng dừng mua cả ớt xanh. Không còn cách nào khác, nhiều nông dân đành bán ớt với giá khoảng 8.000 đồng/kg. Nhiều hộ sót của để ớt chín mang về phơi khô”, chị Nguyễn Thị Minh (trú huyện Đại Lộc) ngậm ngùi.
Cũng với chiêu này, thương lái Trung Quốc ùn ùn tràn về Tiền Giang, mua khóm với giá cao ngất ngưỡng, không chỉ mua khóm chín mà mua cả xanh. Theo Sở Công thương Tiền Giang, thương lái Trung Quốc mua thông qua chủ vựa trái cây ở huyện Cái Bè, mỗi ngày 50 - 80 tấn. Hàng được đóng thùng đưa ra Lạng Sơn rồi xuất tươi qua Trung Quốc. Song, chỉ một thời gian, các thương lái không mua khóm ở Tiền Giang nữa mà đến Hậu Giang, Kiên Giang mua khóm. Ông Vu Suổi, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Thạnh Thắng (TP Vị Thanh, Hậu Giang), cho biết, cách đây hơn một tuần, thương lái có đến khu vực Xáng Cụt (huyện Gò Quao, Kiên Giang) thu mua khóm với giá 4.000 đồng/kg (loại 1 trái/kg trở lên). Ông Suổi cũng cho biết trước đó có một người ở quận Cái Răng (TP.Cần Thơ) gọi điện rủ ông giao hàng cho họ 2- 10 tấn/ngày với giá 3.200 đồng/kg không đòi hỏi gì, chỉ cần khóm 1kg trở lên là được, trong khi ông mua bán cho các công ty gia ổn định chỉ 2.800 đồng/kg.
Người trồng khóm ở Tiền Giang đang khốn khổ vì thương lái Trung Quốc không mua hàng nữa. Ảnh: Trung Dân.Trong khi đó, từ năm 2008, thương lái Trung Quốc bắt đầu đến huyện Bình Minh và Bình Tân (Vĩnh Long) để thu mua khoai lang.
Năm 2011, người dân tại hai huyện này bắt đầu ồ ạt chuyển đất trồng lúa sang trồng khoai lang tím Nhật để bán cho thương lái Trung Quốc. Cao điểm giá thu mua khoai lang tím Nhật được các thương lái Trung Quốc mua trên 1 triệu đồng/tạ (60 kg), nông dân thu lợi 300 - 400 triệu đồng/ha. Song, việc tiêu thụ hầu như chỉ dựa vào thương lái Trung Quốc và thị trường Trung Quốc. Tính đến cuối tháng 5/2012, toàn tỉnh Vĩnh Long đã xuống giống trên 9.200 ha khoai lang. Hiện khoai lang tím Nhật còn được trồng ở huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), huyện Cờ Đỏ (TP.Cần Thơ). Song, giá khoai lang tím Nhật hiện chỉ còn 200.000 - 250.000 đồng/tạ, giảm 4 - 5 lần so với trước khiến nhiều nông dân điêu đứng.
Hết dừa khô, khoai lang, thương lái Trung Quốc chuyển qua mua tôm. Tại Bạc Liêu thương lái Trung Quốc đi thu
mua tôm nguyên liệu mà không cần phải đồng đều về kích cỡ. Còn tại Cà Mau hàng chục thương lái tổ chức thu
mua cua. Theo tìm hiểu của Đất Việt, thời gian qua, tại các địa phương miền Trung như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên - Huế… cũng đều có sự xuất hiện các thương lái người Trung Quốc trực tiếp đi
thu mua hải sản như tôm, cua, cá, mực,… của ngư dân địa phương. Sau đó, các thương lái này thuê nhân công tại chỗ sơ chế rồi gom hàng, vận chuyển sang Trung Quốc để tiêu thụ.
Hầu hết các thương lái người Trung Quốc đều mua hải sản của ngư dân với giá rất cao so với thương lái địa phương (thường cao hơn 5.000 - 10.000 đồng/kg), nên nhiều ngư dân bán hải sản cho thương lái Trung Quốc. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, hầu hết các thương lái người Trung Quốc này “một đi không trở lại”, khiến cho giá hầu hết các mặt hàng hải sản bị rớt giá, ngư dân lo lắng và nhiều “đầu nậu” người địa phương ôm nợ.
Một đi không trở lại
Thủ đoạn của các thương lái Trung Quốc là núp bóng du lịch để thu mua nông sản. Họ thuê các kho vựa để chứa hàng rồi nhờ thương lái trong nước đi mua nông sản. Tuy nhiên, họ không mở tài khoản thanh toán hay thư tín dụng, nên khi họ bỏ đi, các thương lái trong nước sẽ gánh chịu hậu quả. Nhiều thương lái, chủ vựa nông sản cho biết lúc đầu thương lái Trung Quốc trả tiền rất đàng hoàng, chi hoa hồng cao… cho thương lái địa phương để tìm được nhiều mối làm ăn. Khi đã quen mặt, họ bắt đầu rút vốn. Trong khi thương lái trong nước phải bỏ tiền mua nông sản, thương lái Trung Quốc lại trả theo hình thức gối đầu, sau đó chậm trả rồi… trốn mất. Theo ông Võ Văn Theo, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bình Tân, thương lái Trung Quốc tỏ ra rất khôn khéo. Thời điểm giá khoai lang lên đến hơn 1 triệu đồng/tạ, họ chỉ mua với số lượng vài trăm tấn. Đến khi giá rớt thê thảm họ lại thu mua ồ ạt với số lượng lớn. Không những người trồng khoai lỗ nặng, mà các chủ vựa khoai tại Vĩnh Long còn bị thương lái Trung Quốc quỵt nợ với số tiền hàng tỷ đồng vì không có hợp đồng mua bán.
Điều đáng quan tâm, nhiều người đặt câu hỏi, những thương lái Trung Quốc chỉ đến Việt Nam thu mua hàng hóa hay làm nhiễu loạn thị trường. Bên cạnh đó, họ còn mục đích gì khác ngoài việc kinh doanh?Đua nhau bán hải sản cho thương lái Trung Quốc Thời gian qua, ở các xã ven biển của huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) như Nghĩa An, Nghĩa Phú xuất hiện các thương lái người Trung Quốc trực tiếp đi thu mua hải sản như tôm, cua, cá, mực,… của ngư dân địa phương. Sau đó, họ thuê nhân công tại chỗ sơ chế rồi gom hàng, vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ. Các thương lái người Trung Quốc ra giá mua hải sản của ngư dân cao hơn so với thương lái địa phương, thường dao động khoảng 5.000 đồng/kg, nên nhiều ngư dân bán hải sản cho thương lái Trung Quốc. Một số thương lái địa phương cũng đi thu mua hải sản sau đó bán lại cho những người Trung Quốc này.
Ông Đỗ Ngọc Tây, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An, cho biết, tại địa phương hiện có người Trung Quốc thu mua mực khô. Trong khi đó, tại xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa, ông Nguyễn Dũng, Chủ tịch UBND xã, cho biết có 2 người Trung Quốc chuyên thu mua hải sản từ 3 năm nay. Do họ thu mua theo hình thức di động nên không thể thu thuế được.
(Minh Như).
_________________________________________________________________________
Vì sao nông dân liên tục “dính bẫy” thương lái Trung Quốc? (Nguoiduatin.vn) - Chỉ mấy tháng đầu năm 2012, đã có tới 4 sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam “dính đòn” khi buôn bán với thương lái Trung Quốc.
Các chiêu trò của thương lái Trung QuốcBộ công thương đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, hiệp hội rà soát lại hoạt động thu mua và xuất khẩu nông, lâm sản của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài. Công văn này được đưa ra sau khi Bộ công thương nhận được phản ánh về hiện tượng hàng loạt thương lái Trung Quốc tận thu các sản phẩm nông sản có nguồn gốc từ Việt Nam.
Hiện tại chưa thể thống kê được chính xác số lượng nông sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc bởi trong đó có rất nhiều mặt hàng đi theo đường tiểu ngạch, khó quản lý. Chỉ trong nửa đầu năm 2012, đã có không ít doanh nghiệp và người nông dân việt Nam phải nếm trái đắng khi làm việc với các thương lái Trung Quốc.
Các thương lái Trung Quốc đến tận cảng để xem mặt hàng cáMột chuyên gia kinh tế cao cấp khuyến cáo, người dân nên tỉnh táo, thận trọng trong làm ăn, giao dịch với thương nhân nước ngoài đặc biệt qua hình thức biên mậu (giao hàng rồi mới trả tiền). Vì hình thức thanh toán này chứa đựng nhiều rủi ro. Thực tế cho thấy, không ít thương lái nước ngoài đã tìm cách kiếm lợi cho mình và đẩy phần thiệt thòi về phía người nông dân, doanh nghiệp Việt Nam. Họ mua hàng và sẵn sàng đẩy giá lên cao gây bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, đó chỉ là một trong các chiêu bài “dụ” nông dân tập trung sản xuất loại nông sản đó dẫn đến tình trạng dư thừa, không thể tiêu thụ. Tiếp đó, các thương lái sẽ ép giá và mua rẻ… Một ví dụ nữa là khi nông sản của ta vào chính vụ, nông dân dồn hàng đưa lên biên giới để xuất sang Trung Quốc. Tại đây, các thương lái sẽ bày ra trò kiểm dịch, nhằm đánh tụt chất lượng cũng như giá cả.
Các chuyên gia cho rằng nếu nông dân cứ tiếp tục buôn bán với người Trung Quốc theo kiểu manh mún nhỏ lẻ như hiện nay, thì sẽ luôn bị dồn vào thế yếu. Còn thương nhân Trung Quốc sẽ giành thế chủ động, thao túng thị trường nông sản Việt Nam. Việc nhiều thương nhân Trung Quốc tìm tới tận vườn của người nông dân để thu mua nông sản, ít nhiều cũng gây bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước về lâu về dài. Bởi, doanh nghiệp của chúng ta sẽ không có hàng để xuất khẩu và dần dần sẽ mất bạn hàng.
Trong lúc, doanh nghiệp trong nước đang cần nguyên liệu sản xuất thì các trạm thu gom nông sản xuất đi Trung Quốc lại hút hết nguồn hàng với giá cao. Giá xuất khẩu thành phẩm không tăng, vì thế doanh nghiệp không thể chạy đua, thu mua nguyên liệu đầu vào dẫn đến tình trạng sản xuất luôn ở mức dưới công suất.
Từ trước đến nay, sự phối hợp giữa các bộ ngành còn khá lỏng lẻo dẫn đến không quản lý, thống kê được lượng hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng đã xuất sang Trung Quốc. Vì vậy, tình trạng xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch đang rơi vào tình trạng thả nổi, không thể quản lý.
Nhiều ý kiến cho rằng muốn khắc phục được tình trạng trên, chúng ta phải tổ chức buôn bán nông sản một cách bài bản, xuất khẩu phải đi vào chính ngạch, có ký kết hợp đồng rõ ràng. Một số nước có kinh nghiệm về làm ăn buôn bán, người ta rất ngại thị trường Trung Quốc nhưng lại biết tận dụng lợi thế của thị trường này. Đó có lẽ là điều người Việt phải học hỏi. Có như vậy, người nông dân mới không tiếp tục bị lừa và các doanh nghiệp trong nước không phải rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất.
Mối nguy hại tiềm ẩnMột trong những phi vụ làm ăn gây bức xúc gần đây là việc các thương lái Trung Quốc tìm cách chi phối các sản phẩm từ dừa, khiến nhiều hộ sản xuất ở Bến Tre rơi vào cảnh khốn đốn, ngưng hoạt động hàng loạt. Ông Nguyễn Văn Đắc, Phó chủ tịch Hiệp hội Dừa Bến Tre cho biết: 90% thạch dừa trong tỉnh do thương lái Trung Quốc bao tiêu nên họ quyết định giá cả, sản lượng, thậm chí chất lượng mặt hàng.
Theo tìm hiểu của PV thì ban đầu các thương lái Trung Quốc đến từng hộ sản xuất gom thạch dừa thô với giá cao. Thấy có lời, nhiều hộ dân bắt đầu học hỏi quy trình để làm thạch dừa xuất khẩu khiến nhiều cơ sở sản xuất thạch dừa thành phẩm ở Bến Tre phải điêu đứng vì không có thạch thô để chế biến.
Khi đã thống lĩnh được thị trường, thương lái Trung Quốc tìm cách hạ giá thạch dừa xuống tận đáy, từ thu gần 4 ngàn đồng/kg, đến nay chỉ còn hơn 1 ngàn đông/kg. Hàng loạt người sản xuất rơi vào cảnh khốn đốn, nợ nần do đã lỡ đầu tư sản xuất.Mặt khác, các sản phẩm thương lái Trung Quốc sản xuất, thu gom ở đây đều không có nhãn mác trong khi quy trình làm thạch dừa đã được cơ quan chức năng quy định rất chặt chẽ. Thậm chí các cơ sở sản xuất thạch dừa thô còn sử dụng phân DAP, SA - loại dùng cho cây trồng để làm chất phụ gia. Qua kiểm tra của Đội Công tác liên ngành tỉnh Bến Tre, hầu hết các cơ sở sản xuất thạch dừa thô đều vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này không chỉ khiến thương hiệu thạch dừa Bến Tre bị ảnh hưởng mà hàng loạt doanh nghiệp sản xuất thạch dừa trong nước cũng bị vạ lây.
Còn đối với mặt hàng gạo, không chỉ ép giá thông thường, thương nhân Trung quốc còn yêu cầu người nông dân trộn gạo trắng với gạo thơm để họ có thể gian lận, tăng lợi nhuận. Việc làm này chỉ mang lại một chút lợi nhuận cho người nông dân nhưng lại gây ra thiệt hại lớn cho uy tín gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên, các sản phẩm nông sản của Việt Nam “dính đòn” với thương lái Trung Quốc mà vài năm về trước, câu chuyện này cũng đã được báo chí đề cập đến. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc người nông dân Việt Nam bị lợi dụng. Nhưng một nguyên nhân phải kể đến là hiện chúng ta hầu như không quản lý được hoạt động của thương nhân Trung Quốc. Chính vì thế, họ mới tự do, thoải mái thao túng thị trường nông sản của Việt Nam. Doanh nghiệp và người nông dân thì thường “ tham bát bỏ mâm”, chạy theo các nhu cầu ảo mà thương nhân Trung Quốc tạo ra, khiến cho thị trường nông sản càng thêm bất ổn.
Giở trò lũng đoạn thị trườngTheo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), từ tháng 4 đến nay,
thương nhân Trung Quốc đổ xô đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tìm mua một số loại nông sản với giá cao. Tuy nhiên việc kinh doanh của họ có nhiều dấu hiệu bất thường. Việc thu mua theo kiểu vơ vét của thương lái Trung Quốc khiến thị trường một số loại nông sản ở đây trở nên lũng loạn. Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên cẩn thận với chiêu bài này của thương lái Trung Quốc.Ly Na - Bảo Hằng
.