Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon

Diễn Đàn của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Keywords
bich chuyen quynh thuoc phải ngam quốc quan Saigon nguyet chất Nhung Trung chẳng hoang sáng Nguyen truyện nhac trong quang ngắn VNCH linh Chung không
Latest topics
» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:38 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» qua đi thôi bão nổi
Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam Icon_minitimeSat Mar 11, 2023 3:11 am by Admin

» Cụ Hoang Xuân Hãn
Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam Icon_minitimeSun May 08, 2022 10:37 pm by Admin

» Giáo dục VNCH - Giáo dục con đường khai phóng
Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam Icon_minitimeMon Jan 10, 2022 4:06 am by Admin

» Suy tư về kiếp người - Về Cùng Cát Bụi
Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam Icon_minitimeSun Jan 09, 2022 4:25 am by Admin

» AI ĐÃ HẠ GỤC CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN?
Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam Icon_minitimeSat Jan 08, 2022 2:41 am by Admin

» NHẠC THIỀN - Cõi Thiền trong Âm Nhạc
Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam Icon_minitimeThu Jan 06, 2022 4:11 am by Admin

April 2024
MonTueWedThuFriSatSun
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930     
CalendarCalendar
Affiliates
free forum

Affiliates
free forum


 

 Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam

Go down 
Tác giảThông điệp
P-C
Khách viếng thăm




Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam Empty
Bài gửiTiêu đề: Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam   Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam Icon_minitimeSat Mar 01, 2014 9:24 pm


Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam


Nguyễn Văn Hiệp


Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam D4def4b81a1e423d90ad3fa38f1c1d51

Theo định nghĩa chung chung của một số nhà Ngôn ngữ học thì Nói lái là nói bằng cách giao hoán âm đầu vần và thanh điệu hoặc trật tự của hai âm tiết để tạo thành nghĩa khác hẳn và cho rằng đây là một trong những đặc trưng của tiếng Việt, nhằm mục đích đố chữ, bông đùa, chơi chữ hay châm biếm. Thí dụ như “lộng kiếng” nói lái thành “liệng cống” hay “đầu tiên” thành “tiền đâu”, “đơn giản” thành “đang giỡn”…

Có người còn cho rằng Nói lái là một đặc điểm độc đáo của tiếng Việt mà các ngôn ngữ khác không có, khi nói lái người ta phải chọn một nhóm hai hoặc ba tiếng rồi hoán vị các phụ âm hoặc các thanh của những tiếng đó cho nhau. Chẳng hạn như “Vũ như Cẩn” thành “vẫn như cũ” hay “Nguyễn y Vân” thành “vẫn y nguyên” hoặc “bảng đỏ sao vàng” thành “bỏ Đảng sang giàu”…

Lại có người giải thích : Nói lái là cách đánh tráo vần, thanh điệu… giữa hai hoặc ba tiếng với nhau, nó không rườm rà không phức tạp mà rất đơn giản dễ vận dụng để tạo thêm nghĩa mới phù hợp với mục đích giao tiếp và cho rằng nếu không có những cách nói lái này, quá trình giao tiếp sẽ kém sinh động hơn, đơn điệu hơn nhưng tựu chung, khi nói lái, người ta tránh không nói thẳng chữ muốn nói; mà người nghe vì không tinh ý, nhất thời không nhận ra nên xảy ra nhiều giai thoại vô cùng lý thú.

Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam D2f56dc41b1440f487b38fea3f49f8ca

Như chúng ta đã biết, một chữ gồm hai phần: phụ âm và âm. Chẳng hạn như chữ thung gồm phụ âm th và âm ung. Chúng ta lại có thêm sáu thanh: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng và không dấu tạo tiếng Việt thành giàu âm sắc, chỉ cần khác dấu, chữ được phát âm khác nhau: thung (thung dung), thúng (cái thúng), thùng (cái thùng), thụng (áo thụng), thủng (lỗ thủng) và tất nhiên có nghĩa khác nhau, và đây cũng là nét độc đáo của ngôn ngữ Việt, nên người nước ngoài bảo người Việt nói chuyện nghe giống như hát vậy. Thêm vào đó, tiếng Việt vốn đơn âm nên có thể Nói lái dễ dàng mà vẫn có nghiã : Cái biệt thự nầy bự thiệt ! Bí mật coi chừng bị bật mí hoặc kháng chiến lâu ngày sẽ khiến chán hay muốn đầu tư nhưng không biết từ đâu, và đã tháo giầy nhưng chưa thấy giàu ! Theo con Hương vì thương con heo cô ấy…

Đặc biệt, đối với những người lớn tuổi hay trưởng thành ở Việt Nam chẳng có ai là không biết cách nói lái, tùy theo gốc gác hoặc sinh hoạt ở Bắc, Trung hay Nam mà cách nói lái có khác nhau đôi chút.

Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam 0da453bab5c7486da365e4a387e4bd02

- Nói Lái theo cách ngoài Bắc : người miền Bắc đổi chỗ cho hai chữ, đồng thời đổi luôn hai dấu (nghĩa là đổi âm sắc).

Thí dụ như chữ tượng lo nói lái thành lọ tương (lo đổi chỗ cho tượng, lấy dấu nặng thành lọ, tượng đổi chỗ cho lo, mất dấu nặng thành tương).

Chữ đấu tranh nói lái lại là tránh đâu (tranh đổi chỗ cho đấu, lấy dấu sắc của đấu thành tránh, đấu đổi chỗ cho tranh, mang dấu của tranh vì không dấu nên thành đâu).

- Nói lái theo kiểu trong Nam : theo cách nói lái trong Nam, âm trong hai chữ đổi chỗ cho nhau, phụ âm giữ nguyên vị trí.

Thí dụ như chữ cá đối nói lái thành cối đá (phụ âm ghép với âm ối của đối thành cối, và phụ âm đ ghép với âm á của cá thành đá). Và cứ như vậy mà cờ Tây thành Cầy tơ, Thầy tu thành thù Tây, hiện đại thành hại điện, Thứ Lễ thành Thế Lữ, trò chơi thành trời cho…

Trong vài trường hợp người ta nói lái cho cả ba chữ, thì chỉ hoán đổi hai chữ đầu và cuối nhưng giữ nguyên chữ giữa. Chẳng hạn như : “Trần bá Cương” thành “Trương bá Cần”, “Chín bến đò” thành “chó bến Đình”, “Âu cái Đằng” thành “ăn cái đầu”, “Hương bên đèo” thành “Heo bên đường”…

Đôi khi người ta lại đổi chỗ hai phụ âm cho nhau để sau khi nói lái có nghĩa và dễ nghe hơn. Thí dụ chữ chiến binh thay vì nói lái thành chinh biến cũng có thể nói thành chính biên. Do đó với hai chữ tranh đấu có người đã đùa mà nói rằng: tranh đấu thì tránh đâu khỏi bị trâu đánh thì thế nào cũng phải đấu tranh.

Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam F3013169470049b7a775ead2f2d9bb38

Cũng như trong trường hợp trên, những chữ trùng âm như nhân dân, lù đù, lật đật…không nói lái được.

Tuy nhiên, Nói lái là lối nói mà chỉ cảm nhận được chớ không công thức hóa được. Nếu nói lái mà đơn giản như đang giỡn (có thêm chữ g và dấu hỏi thành dấu ngã) thì không thể áp dụng công thức nào vào đây cả.

Đặc biệt là người miền Nam thường phát âm phụ âm cuối không chính xác như c # t, n # ng, y # i, dấu hỏi đọc như dấu ngã. Chẳng hạn như chữ Cắt và Cắc, Đan và Đang, Thai và Thay, suy nghĩ và nghỉ ngợi… họ đều phát âm giống nhau, khó mà phân biệt. Vì vậy khi người miền Nam nói lái thì rất dễ dàng, nhanh chóng do biến đổi bằng nhiều cách khác nhau nhưng khi viết ra thành chữ thì nhiều khi không đúng vào đâu cả (tức là sai Chánh tả). Thí dụ như sao vàng nói lái thành sang giàu nhưng viết đúng theo âm luật là sang vào thì không phải là ý của người muốn nói; bởi vậy, người ta nói nói lái chớ không ai nói viết lái. Tuy nhiên, có nhiều câu thơ, bài thơ không những nói lái mà còn viết lái rất tài tình, chúng tôi sẽ giới thiệu phần sau.

Sau đây, chúng tôi xin mời quý vị bước vào thế giới của ngôn ngữ Nói Lái qua các câu đố, câu hò, câu đối, giai thoại trong dân gian và cả những bài thơ mang tính cách Văn học Nghệ thuật hoặc đã có từ lâu trong nền Văn học Việt Nam. Dĩ nhiên, theo như ý kiến của Hoàng Lão Tà trong bài “Ăn tục nói phét” thì “môn nói lái rất thần sầu quỷ khiếp đa dạng, đa năng mà ngay trong thi ca kim cổ đều sử dụng. Lúc nào nói lái được là chớp ngay cơ hội. Và nói lái phải tục mới vui, mới cười được, chứ nói lái thông thường thì chả có gì hấp dẫn”.

1/- Nói Lái trong Câu đố :


Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam F42a779d40294e6b9fb907d356f463e8

Cũng như Ca dao, Tục ngữ, Thành ngữ… Câu đố cũng là một hình thái của Văn học dân gian Việt Nam. Người ta sử dụng Câu đố trong các buổi họp mặt vui chơi hoặc trong lúc lao động chân tay để quên đi mệt nhọc hay thử tài trí giữa hai bên nam nữ. Những câu đố Nói lái thường rất dễ đáp nhưng vì bất ngờ hay bị tròng tréo chữ nghiã mà đôi khi không đáp được.

- Lăng quằng lịt quịt … lăng quằng trứng, là cái gì? (Đáp là cái Lưng quần trắng)
- Lăng quằng lịt quịt … lăng quằng rừng, là cái gì? ( là cái Lưng quần rằn)
- Trong nhà chạy ra hỏi cái gì bán, là cái gì ? ( là cái giàn bí)
- Vừa đi vừa lủi, vừa mổ, là cái gì ? ( là cái lỗ mũi)
- Mẹ thương con, con gầy, là cái gì ? ( là cây gòn)
- Trên trời rơi xuống cái mau co, là cái gì ? ( là cái mo cau)
- Cầm đục cất đục là cái gì ? (là Cục đất)
- Ghe chài chìm giữa biển đông,

Ván phên trôi hết cái cong nó còn’’ là cái gì ? (là con còng)

- Khoan mũi, khoan lái, khoan lai,
Bò la, bò liệt đố ai biết gì? ( là củ khoai lang).

- Hít vào, hít ra, hít một là cái gì ? (là hột mít)
- Cà vô, cà ra, cà nhột, là cái gì ? (là cột nhà)
- Cúng trên núi, cúng mê, cúng mải là cái gì ? (là cái mủng)
- Cú trong nhà cú ra, cú hãi là cái gì ? (là cái hũ)
- May không chút nữa thì lầm,
Cau dày không bẻ bẻ nhầm cau ranh, là cái gì ? (là canh rau)…
- “Sáng nay đi hỏi chị Năm,

Có đi ra chợ chuộc dùm đôi bông” là cái gì ? ( là trái chùm ruột)

- Cái gì ở cạnh bờ sông,
Cái mui thì nát cái cong thì còn ? ( là con còng )

- Cái gì bằng ngón chưn cái mà chai cứng, là gì ? ( là ngón chưn cái)
- Khi đi cưa ngọn, khi về cũng cưa ngọn, là gì ? ( là con ngựa)
- Miệng bà Ký lớn, bà Ký banh

Tay ông Cai dài, ông Cai khoanh. Là cái gì ? ( là canh bí và canh khoai)
Ngoài ra, còn có câu đố về các con vật, câu đố đặt ra là từ hai con vật nầy khi Nói lái sẽ thành hai con vật khác, đã được giải đáp như sau :

- Con Cua con Rồng lái là Con Công con Rùa
Con Cáo con Sóc lái là con Cóc con Sáo.
Con Trai con Rắn lái là con Trăn con Rái.(cá)
Con Cò con Báo lái là con Cáo con Bò
Con Sáo con Bò lái là con Sò con Báo
Con Sếu con Ngao lái là con Sáo con Nghêu …
- con Sâu con Dế –> con dê con sấu
con Ngao con Sán –> con ngan con sáo
con Ong con Kiến –> con yến con công
con Ốc con Kiến –> con yến con cóc
con Trai con Rắn –> con trăn con rái
con Ốc con Nhện –> con ếch con nhộng
- Con SÁO nói với con BÒ,
Có con SÒ BÁO: bên kia Hội chùa.
Con CÔNG nghe rũ con RÙA,
Con CUA thấy vậy, mới khua con RỒNG.
Cả bọn kết lại thật đông,
Con CÒ, con SÓC cũng mong theo cùng.
CÓC, SÒ xúm lại đi chung…
- Cô Công nói với Cậu Rùa,
Rồng ở dưới đất, còn Cua trên trời.
Ốc gào Nhện hỡi, nhện ơi:
Ếch bơi phố núi, Nhộng chơi ao làng.
Gió chiều nhẹ thổi mênh mang,
Tao nhân mặc khách lang thang bên đường…

2/- Nói Lái trong Câu Hò đối đáp:


Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam 12149aa0fc124fc5b5fa667782c0e523

Hò đối đáp vốn là một loại hình thức dân ca phổ biến khắp ba miền đất nước. Nó thường xảy ra trên cánh đồng hay dòng sông, nam và nữ thường hò đối đáp với nhau để xua đi nỗi mệt nhọc trong công việc. Điều đáng ngạc nhiên là họ có thể dễ dàng sáng tạo và hò đối đáp ngay tại chỗ. Những người này rất nhanh nhẹn và thông minh đến mức ngay cả những người có học đôi khi cũng phải khâm phục họ và đôi khi phải bỏ cuộc. Có nhiều cặp trai gái trở thành chồng vợ sau những cuộc hò nầy.

Những câu hò đối đáp thông thường thì rất nhiều nhưng dùng cách nói lái để hò đối đáp thì rất hiếm quý.

# Thông thường thì bên con gái cất cao câu hò đối trước :

“Hò hơ… Con cá đối nằm trên cối đá,
Con mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo.
Anh mà đối đặng… ơ.. ờ
Hò hơ…Anh mà đối đặng, dẫu nghèo em cũng ưng”.

# Sau khi phân tách và tìm câu trả lời, bên con trai hò đáp :

“Hò hơ… Chim mỏ kiến(g) đậu trên miếng cỏ,

Chim vàng lông đáp dựa vồng lang.

Anh đà đối đặng ơ… ờ
Hò hơ…Anh đà đối đặng, hỏi nàng có ưng chưa?”
Và như thế, bên nầy đối, bên kia đáp cứ kéo dài không dứt cuộc tranh tài đầy lý thú của hai bên nam nữ để lại dân gian những câu hò Nói lái độc đáo đầy sáng tạo:

- Con sáo sậu chê cô xấu xạo,
Con chó què chân bị cái quần che.
- Con bé mập ú nhờ bà mụ ấp,
Thằng bé ốm tong vác cái ống tôm.
- Chiều chiều cụ Mão lên rừng cạo mũ,
Sáng sớm bà Hạc đi bán bạc hà.
- Cô nàng dâu Hứa đi mua dưa hấu,
Thằng rể bảnh trai ngồi cạnh bãi tranh.

- Người mặc áo xanh chính là anh xáo, (anh Sáu)

Miếng thịt băm nát trong bụng bác Năm.

- Chàng trai sứt môi ngồi ăn xôi mứt,

Cô gái mồm to lặn lội mò tôm.

- Con cóc cái ngồi trên cái cốc,
Con cầy tơ đứng dưới cờ Tây.

Bên cạnh đó còn có những câu Nói lái mà đôi trai gái khéo léo gởi gắm tình cảm cho nhau mà người ngoài vì vô tình không hiểu được. Trước hết, người con gái thố lộ :

- “Cam sành nhỏ lá thanh ương,
Ngọt mật thanh đường nhắm lớ, bớ anh !”

Cảm thương vì “thương anh” mà “nhớ lắm” của nàng nên chàng hứa hẹn:

- “Thanh ương là tuổi mong chờ
Một mai nhái lặn chà quơ, quơ chà”.
(Có nghiã: Qua muốn “nhắn lại” với bậu là nếu “thương anh” mà bậu “chờ qua” thì “qua chờ” bậu).

3/- Nói Lái trong câu đối :

Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam B5d4c0c21bdf454db91c018068f0798d

Câu đối là cách chơi chữ và là một trong những thú tiêu khiển của người xưa. Người ta thường viết câu đối trong dịp Tết hay trong các lễ mừng thượng thọ, thăng quan tiến chức, đỗ đạt hay tân hôn, sinh nhật…. Người viết câu đối phải là người văn hay, chữ tốt và nhất là ý nghiã của câu đối phải phù hợp với trọng tâm của buỗi lễ. Cho nên, viết câu đối rất khó mà nói lái trong câu đố thì lại càng khó hơn nữa. Vậy mà trong dân gian Việt Nam vẫn có nhiều câu đối nói lái.

Thảm thương cho cuộc sống thiếu thốn, đói nghèo của nghề giáo dưới chế độ Xã hội Chủ nghiã, người ta than thở qua bài “Buồn đời giáo-chức”:

Thảm kịch của thầy giáo, phải tháo giầy,

Tháo luôn cả ủng, thủng luôn cả áo.
Làm giáo chức, nên phải giứt cháo,
Thảo chương rồi, để được thưởng chao,
Lấy giáo án đem dán áo.

Cùng với một câu đối bất hủ như sau :

- Chiều ba mươi, thầy giáo tháo giày ra chợ bán
Sáng mùng một, giáo chức dứt cháo đón xuân sang.

Tuy vậy, vẫn còn một câu đối khác nghe chỉnh hơn :

- Thầy giáo…tháo giầy, tháo cả ủng, thủng cả áo, đem giáo án ra… dán áo.

Mèo con….còn meo, còn léo nhéo, kéo lòn nhòn, ngậm xương cá về..ca xướng.

Còn đây là câu đối Tết dành tặng cho những tên keo kiệt, coi trọng đồng tiền hơn bất cứ mọi thứ trên đời (xin nói lái từng cặp chữ thì sẽ thấy):

- Thiên tường, tác biệt,
Hiền tạ, thu sương.

Ngoài ra, còn có những câu đối không dùng trong mục đích nào cả mà chỉ để thỏa mãn tánh trào phúng và tài Nói lái của mình :

- Kia mấy cây mía trên xe chú,
Có vài cái vò dưới nhà cô.
- Thầy giáo tháo giầy, vấy đất vất đấỵ
Thầy tu thù Tây, cầu đạo cạo đầu.
- Trai Thủ Đức năm canh thức đủ,
Gái Đồng Tranh sáu khắc đành trông.
- “Trai Thủ Đức năm canh thức đủ,
Gái Gò Công sáu khắc gồng co”.
- Gái Hóc Môn vừa hôn vừa móc,
Trai Gò Công vừa gồng vừa co.
- Thầy giáo Bản Giốc, vừa bốc vừa giảng,
Tử tù Cổng Trời, bị cởi bị trồng.
- Con trai Bắc Ninh, vừa binh vừa nắc,
Con gái Hà Đông, hồng diện đa dâm.
- Đại học Suối Máu, sáu tháng muối cơm,
Giáo khu Thừa Thiên, cửa thiền thưa thớt.
- Dân nhậu Chu Lai, uống chai uống lu,
Người dân Đập Đá, bị đá bị đập.
- Rượu thuốc Bạch Hổ, uống bổ như hạch,
Con gái Đà Nẵng, tứ đẳng nõn nà.

- Nhà văn Nhật Tiến bảo học tiếng Nhật là tiện nhất.

Luật sư Ðức Tiến không biết tiếng Ðức nên tức điếng.
- Con cá rô cố ra khỏi rá cô !

Chú chó mực chực mó vào chõ mứt.

-“Vợ nuôi chó, chồng chén cầy; tứ đốm tam khoanh, cây còn hóa ra là nhà Tuất.
“Ngưòi bảo heo, kẻ kêu lợn; ba bầy bảy mối, lớn lại thành đích thị họ Trư.”

Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam F23f01806c3b4ed3b84a4eea91c01aec

Còn về câu đối “Gái Củ Chi, chỉ cu, hỏi củ chi?” thì có các câu :

- Trai Giồng dứa, trồng dừa giống, trên giồng dứa.
- Trai Láng Hạ, lạ háng người Láng Hạ.
- Trai Thành Đông, đồng thanh hét thành đồng.

Sau hết, có một người thích nói lái, tức cảnh sinh tình đưa ra câu đối sau đây, xin mời chư quý vị tìm cho câu đáp :

- “Xuân Cali lạnh lẽo, nghe gọi heo, gọi lợn, gọi chó, gọi cờ tây, chạnh thèm bát giả cầy…”


(còn tiếp)

.
Về Đầu Trang Go down
P-C
Khách viếng thăm




Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam   Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam Icon_minitimeMon Mar 03, 2014 8:02 pm


Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam

(tiếp theo)


4/- Nói lái trong các giai thoại:

Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam Dc1eb15754bc481fb3f4116ab5df0d32

Giai thoại được hiểu là câu chuyện thú vị làm cho người nghe phải hào hứng, vui thích. Từ xưa, có rất nhiều giai thoại, đặc biệt là giai thoại trong văn chương thì không những được người đời truyền tụng qua những cuộc trao đổi trong giới Văn gia, trí thức mà còn được ghi vào sách vở. Tuy nhiên, có những giai thoại Nói lái thì ít người quan tâm, thỉnh thoảng họ cũng có nghe qua nhưng rồi bỏ, xem đó như là những câu chuyện dân gian. Vì vậy, những giai thoại nầy trở thành loại văn chương truyền khẩu, mặc ai muốn kể sao thì kể, muốn thêm thắt thế nào cũng được miễn đáp ứng được sự cảm nhận của người nghe là được.

A)- Chuyện Đại phong:

Chuyện thế này: hai anh hề trên sân khấu tuồng ngoài Bắc, trong lúc diễu giúp vui, anh A đố anh B: Đại phong là gì?
- “Thì đại là lớn, còn phong là gió, đại phong là gió lớn”, anh B giải thích.
Anh A bảo :“ Đại phong có nghiã là lọ tương đấy. Nầy nhé, Đại phong là gió lớn, mà gió lớn thì chùa đổ, chùa đổ thi tượng (Phật) lo, tượng lo là lọ tương.

Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam Ce813a67d11743be93b3c4a3b9efeaf6

Có người còn cho rằng chuyện Đại phong xuất xứ từ Trạng Quỳnh. Trạng Quỳnh tên thật là Nguyễn Quỳnh, sinh quán Nghệ An dưới thời Lê Trung Hưng (1530-1540), là người hay chữ, thông minh xuất chúng, với bản tính nói ngông hay châm chọc vua chúa quan quyền thời bấy giờ. Một hôm Quỳnh dâng lên chúa Trịnh một lọ thức ăn khoác lác là một món ăn tuyệt hảo, ngoài có đề hai chữ Đại Phong. Sau khi ăn thử, chúa Trịnh vì bị Trạng lừa bỏ đói, ăn rất ngon miệng nên cật vấn về món ăn lạ, thì Trạng giải thích rằng Đại Phong là gió to, gió to thì tượng lo, tượng lo nói lái là lọ tương.

Ngoài ra, Trạng Quỳnh còn có một câu nói lái khác mà người ta cho rằng để chọc bà Đoàn thị Điểm(?)
- Nắng cực lúa mất mùa, đứng đầu làng xin xỏ,
Nỡ lòng nào chị chẳng cho.

B)- Chuyện Trạng Quỳnh – “đá bèo” và “ngọa sơn”:

Một bà Chúa có nhan sắc mà tính kiêu ngạo, đi ra chơi phố phường thấy ai trái ý là sai lính bắt đánh liền. Quỳnh lững thững đi chơi, gặp kiệu Chúa, thấy gần đấy có cái ao bèo, vội vàng chạy xuống cầu ao nhằm đám bèo mà đá tứ tung. Chúa biết Quỳnh, thấy chơi lẩn thẩn như thế mới hỏi:
- Ông làm gì đó?
Quỳnh ngẩng lên thưa:
- Tôi ở nhà buồn quá, ra ao đá bèo chơi ạ !
Chúa đỏ mặt tía tai, đánh kiệu bỏ đi.

Một buổi trưa nọ, Quỳnh định vào nội phủ thăm Chúa nhưng biết là Chúa đang ngon giấc ở dinh bà Chính cung, Quỳnh cụt hứng lui gót. Trên đường về, Quỳnh đề lên vách phủ hai chữ “Ngọa Sơn”. Khi Chúa gọi vào hỏi, Quỳnh trả lời :
- Khải Chúa, “Ngọa Sơn” nghĩa là nằm ở trên núi, có thế thôi ạ! Tiện tay, thần viết chơi, chẳng có gì để Chúa bận tâm cả.

Sau đó, Chúa thấy hai chữ “Ngọa Sơn” xuất hiện la liệt trên các vách tường, cửa nhà ngoài phố…Chúa truyền gọi một người đến hỏi duyên cớ. Người kia run lẩy bẩy, thưa:
- Chúng con là kẻ hèn mọn dốt nát, đâu dám sính chữ. Việc này chẳng qua chỉ tại Trạng Quỳnh đấy ạ! Trạng Quỳnh có lần vào nội phủ, về mách với chúng con là Chúa đang bận “Ngọa Sơn”, rồi giải thích rằng: Ngọa là nằm, nằm lâu thì phải ngủ, ngủ thì phải ngáy. Sơn là núi, mà núi thì phải có đèo. “Ngáy Đèo” nói lái lại là… , con không dám nói ra đâu. Không ngờ bọn trẻ con nghe lỏm được lời Trạng, buồn tay viết bậy bạ lung tung. Xin Chúa tha cho con!
Hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện này là do Quỳnh, có làm lớn chuyện ra chỉ tổ thêm xấu hổ nên bỏ qua.


Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam Be0653f8ff274a81ba9cb55f1a17cdd3

C)- Chuyện Đại điểm Quần thần:

Một giai thoại về Thủ tướng Nguyễn Văn Tâm được lưu truyền ở miền Nam như sau : hồi Thủ Tướng Tâm còn là Quận Trưởng Cai Lậy (có biệt danh là Hùm Xám Cai Lậy) lúc ăn mừng tân gia, có người dâng lên quan bốn chữ đại tự Đại Điểm Quần Thần rất đẹp và giải thích Quần thần là người bề tôi, Đại điểm là điểm lớn, ý nói quan lớn là người bề tôi có vị trí to lớn trong quan trường. Quan lấy làm thích thú đem treo bức liễn trong phòng khách. Ít lâu sau có người đến ngắm bức liễn, rồi xin quan lớn dẹp đi. Quan ngạc nhiên hỏi, người ấy giải thích: người viết liễn đã cố ý châm biếm quan lớn, mà quan không biết. Bốn chữ trên dịch từng chữ: Đại điểm là chấm to; Quần thần là bầy tôi. Đại Điểm Quần Thần là Chấm To Bầy Tôi nói lái lại là Chó Tâm Bồi Tây. Chẳng biết quan có tìm tác giả bốn chữ nói trên để trị tội hay chăng, nhưng có lẽ vì không muốn làm lớn chuyện mà thêm xấu hổ, nên ỉm luôn.

D)- Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm nói lái

Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam 029d941b8b17442882b8da409f8ed73c

Trước khi chết, Trạng Trình (1491-1585, thời Lê Mạc) có làm một tấm bia căn dặn con cháu khi nào chết nên đem tấm bia nầy chôn trước mộ, tấm bia được khắc chữ bên trong nhưng sơn bít bên ngoài. Sau đó chừng 100 năm, cha con ông Khả đem bò tới đó cho ăn mà lại cột nhằm mộ bia của Trạng. Hôm đó nhằm lúc trưa nắng, vì quá khát nước nên bầy bò đụng với nhau, chạy tán loạn làm gẫy tấm bia, sập xuống. Làng xã hay tin biết cha con ông Khả làm hư mồ mả của Trạng nên bắt về trị tội. Cha con ông Khả năn nỉ quá, xin cho đi vay bạc hỏi tiền làm lại tấm bia khác thường cho Trạng. Làng xã thấy tội nghiệp nên ưng thuận. Sau khi vay mượn và bán hết đồ đạc trong nhà thì chỉ được có một quan tám, nhưng được bao nhiêu cũng phải tiến hành sửa chữa. Đến chừng đập bia ra vừa tróc lớp ô dước bên ngoài thì thấy có hàng chữ như thế nầy:”Cha con thằng Khả làm ngã bia ta, Làng xã bắt đền tam quán”. Thì ra tam quán nói lái thành quan tám, đúng như lời tiên tri của ông Trạng.

Đ)- Chuyện về ông Thủ Thiệm: (theo “Thủ Thiệm Đất Quảng” của Hoàng Quốc)

Thủ Thiệm người xứ Bình Định, xã An Hoà thuộc phủ Hà Đông sau đổi thành Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam. Ông sinh năm 1854 mất vào năm1920 tại quê nhà. Lúc nhỏ, Thủ Thiệm có tên là Nhơn, khi lớn lên đi học và đi thi, ông lấy tên chính thức là Thiệm. Theo phong tục xưa, Thủ sắc là người giữ các sắc phong của Vua ban cho làng, chức này thường được Hội đồng kỳ mục tín nhiệm giao cho các nhà Nho, hoặc ít ra cũng là người có chữ nghĩa thánh hiền ở trong làng đảm nhận. Có lẽ nhờ thông Hán học mà Thiệm được giao làm Thủ sắc của làng. Từ đó, người làng gọi ông là Thủ Thiệm, tức đem ghép chức Thủ sắc vào tên ông. Ông là người hoạt bát, nhanh nhẹn, thông minh, ứng đối tài tình nên có nhiều giai thoại để đời :
- Một đám cưới nọ tổ chức rất linh đình, hơn nữa số lễ vật của khách đến chúc mừng cũng để bù đắp vào các khoản chi phí, đó là chưa nói đến trường hợp gia chủ được lãi, nếu có chủ tâm tính toán trước. Thủ Thiệm ghét cay ghét đắng cái thói này. Tương truyền có một chuyện như vầy: Khi đi dự đám cưới, Thủ Thiệm mua một tấm lụa, viết lên đó ba chữ Hán thật to:”Miêu Bất Tọa” làm quà tặng đám cưới. Trong tiệc rượu, nhiều người nhờ Thủ Thiệm giải thích mấy chữ đó. Thủ Thiệm chép miệng: – Chà có rứa mà mấy ông cũng hỏi! “Miêu” là mèo, “Bất” là không, “Tọa” là ngồi. “Miêu Bất Tọa” là mèo không ngồi, mà mèo không ngồi tức là mèo đứng. Các ông các bà mừng “Bách niên giai lão”, “Bách niên hạnh phúc”, còn tui thì “Mèo Đứng” cũng vậy mà thôi chứ có khác gì đâu. Nhìn thấy tấm lụa có chữ “Miêu Bất Tọa” treo trang trọng giữa phòng chính, ai cũng bấm bụng cười thầm.

- Có cậu con trai học dốt, thi trượt nhưng người cha đã bỏ tiền mua chức cửu phẩm văn giai, mở tiệc đãi cả làng mừng con trai đỗ đạt. Mừng cháu có thành tích, Thủ Thiệm cho câu đối Nôm:
“Cha ở nhà đại du
Con đi thi đậu tru”
Câu đối Nôm dán trên cột nhà khiến chủ nhà bật ra tiếng chửi đổng, còn khách khứa tủm tỉm cười thầm.

- Trong ngày đám tang vợ, Ông đề trên lá phướn vợ chữ khuynh địa có nghĩa là méo đất, và khóc vợ, rồi kể lể thờ dài: “Lúc thiếu “cái nớ” thì làm răng mà các dì giúp tui được, phải không các dì?” khiến bà con chòm xóm “lỡ khóc, lỡ cười” với ông chủ nhà trong lúc tang ma bối rối.

E)- “Méo trời và Méo đất”:

Có một ông thợ hớt tóc góa vợ nên đã quan hệ “già nhân nghĩa, non vợ chồng” với một bà góa chồng. Có hai câu thơ ông tự “vịnh” về mối quan hệ của chính mình thực đáng ghi nhớ :
Yêu em từ độ méo trời,
Khi nào méo đất mới rời em ra (!)

Yêu từ thuở “méo trời” đã hay, nhưng công khai thừa nhận sẽ hết yêu khi “méo đất” dẫu có hơi ác nhưng cách dùng từ thì quả thực tinh quái và thông minh hết chỗ chê.

G)- Bài thơ Tác hợp: (theo “Quảng Nam Nói Lái” của Huỳnh ngọc Chiến)

Ở xứ Quảng Nam có ông Dương Quốc Thạnh, biệt hiệu Sơn Hồ, chuyên làm thơ nói lái theo thể Đường luật, đối nhau chan chát trong từng câu từng chữ. Có một cậu công nhân gốc Hội An làm việc ở Phú Ninh quan hệ với một cô thợ may ở địa phương mang bầu. Cậu về thú thực với gia đình và xin cưới gấp nhưng ba mẹ không chịu. Ông lại là người quen biết cả hai bên nên nhà gái nhờ ông thuyết phục bên nhà trai. Cuối cùng đám cưới vẫn được diễn ra với cô dâu mang bụng bầu 6 tháng (!). Không khí nặng nề giữa hai họ được giải tỏa hoàn toàn khi ông, với tư cách chủ hôn, đọc bài thơ này và nhà trai thực sự vui vẻ khi tuyên bố nhận con dâu.

Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam Ac96278bb42b45e2affef1cb4ddcbcad

Ai bàn chi chuyện đã an bài,
Trai khiển đồng tình gái triển khai.
Cứ sợ cho nên thành cớ sự,
Mai than mốt thở lỡ mang thai.
Tính từ ngày tháng vương tình tứ,
Khai ổ bây giờ báo khổ ai.
Cưỡng chúng ông bà nghe cũng chướng,
Thôi đành để chúng được thành đôi !

Bài thơ quả thật vô cùng sâu sắc và lý thú. Chuyện đã rồi thì thôi đừng bàn ra tán vô làm chi. Do chàng trai điều khiển nên cô gái mới phải chìu theo nhưng lỗi là do cô đồng tình nên cũng không thể trách ai. Vì quan hệ lén lút nên mới xảy ra “cớ sự”. Bây giờ đã sắp đến ngày sinh nở rồi, sắp đến lúc “khai ổ” rồi mà đám cưới không thành thì sẽ làm khổ cho cả hai bên nhà trai nhà gái lẫn hai người trong cuộc.

Thêm một chuyện khác là ở Quận Đại Lộc cũng thuộc Quảng Nam có anh Trần Hàn xấu trai, mặt thì rỗ, lại thêm chột hết một mắt, nhưng anh ta hát hay nổi tiếng. Nhưng “Cao nhơn tắc hữu cao nhơn trị”, vì khi anh xuống làng La Qua, quận Điện Bàn, gặp một cô gái hát chỉ hai câu mà không tài nào đối được, đành bỏ nghề hát, tuyệt tích giang hồ. Câu hát rằng:
Trần ai gặp lúc cơ hàn
Rổ đan mặt mốt, xuống ngàn đổi khoai.

Cái chữ khó của câu hát là chữ “Rổ” đan mặt mốt, nghĩa trắng là nghèo quá phải đan rổ tre long mốt để đựng khoai, nghĩa đen lại là mặt rỗ hoa mè lại đui một mắt (mặt mốt nói lái là một mắt).

H)- Tranh đấu bị trâu đánh:

Ở một cơ quan nọ (dĩ nhiên là cơ quan của Việt cộng) có hội nghị họp chống tham nhũng cửa quyền. Gần kết thúc cuộc họp có một chị công nhân cũ của nhà máy đòi đứng lên phát biểu. Chị vừa nói vừa khóc: “Chúng tôi cũng muốn đấu tranh đòi quyền lợi lắm, nhưng như tôi đây, đấu tranh thì không biết tránh đâu, chưa kịp tránh đâu thì đã bị trâu đánh. Vì vậy bây giờ tôi đang thất nghiệp !

I)- Một mẩu đối thoại:

A: Bên đó thế nào?
B: Ồ, có đại phong.
A: Làm gì thì làm, nhớ thủ tục đầu tiên đấy nhé!
B: Vâng, biết rồi, khổ lắm nói mãi. À, anh thấy cô ấy thế nào?
A: Người đẹp có đôi chân thảo bình nên hình chụp tôi lộng kiếng rồi!
B: Anh thì lúc nào cũng tếu, cũng vũ như cẩn vậy.
A: Thôi chào, chúc anh mạnh sự lòi.!!!

(Chú thích : – Thảo bình, theo nghiã Hán Việt, thảo là cỏ, bình là bằng. Thảo bình là cỏ bằng. Cỏ bằng nói lái là cẳng bò. – Mạnh sự lòi nói lái là Mọi sự lành).

K)- Bài thơ chú Phỉnh:

Tạp chí Xưa Nay số 298 (12/2007), nhân kỷ niệm 15 năm ngày mất của Quách Tấn (một nhà thơ sở trường Thơ Đường luật có tên trong “Thi nhân Việt Nam”) có bài viết về tác giả bài thơ nói lái Chú Phỉnh nổi tiếng. Bài thơ nói lái như thế này:

Chú phỉnh tôi rồi Chính phủ ơi,
Chú khiêng đi mất chiến khu rồi !
Thi đua sao cứ thua đi mãi,
Kháng chiến như vầy khiến chán thôi !.

Theo ông Quách Tạo, tác giả bài thơ nói lái này là Hồ Đệ, người đã gây dựng vào năm 1954 ở Quảng Nam tổ chức Hậu Quốc Dân Đảng phối hợp với nhóm các chức sắc Cao Đài do Cao Hữu Chí đứng đầu để chống Việt Minh và đã bị Tòa án Liên khu V xử.
Không hiểu sao về sau người ta lại cứ nghĩ tác giả bài thơ nói lái này là nhà thơ Quách Tấn, có thể vì theo lý luận của hỏi-cung-viên Cao Kế: “Bài thơ Đường này anh không làm thì ai vô đây mà làm?”.

Về chuyện này, năm 1991, Quách Tấn, khi đó đã mù, nói với Quách Tạo: “Việc đời cũng lạ. Văn của mình thì họ chê nhưng lại đem chép hàng vài chục trang sách của mình rồi ký tên, xuất bản làm tác giả. Còn văn bá láp và phản động thì họ lại quả quyết đó là của mình để tìm cách buộc tội”.

Cùng với tư tưởng “phản động” nầy, trong bài “Nói lái” của Đỗ Thông Minh cũng có ghi bài thơ “chú Phỉnh” tuy có khác đi đôi chút:

Kháng chiến thôi rồi khiến chán ôi,
Chiến khu để lúa chú khiên rồi !
Thi đua chi nữa thua đi quách,
Anh hùng ? Chỉ tổ ung hành thôi !

Rõ ràng, chính vì bài thơ được phổ biến bằng cách truyền miệng nên tình trạng “tam sao thất bổn” là không thể tránh, mặc dù nội dung không thay đổi nhiều lắm.

L)- Câu ró và Câu rạo:

Có anh chàng nọ trước kia để râu trông rất đẹp nhưng sau đó không biết lý do gì, cạo đi hàm râu của mình làm cho cô bạn gái nhận không ra. Chàng bèn làm thơ nói lái như vầy để than thở :
Xưa kia câu ró ngó xinh,
Bây giờ câu rạo vô tình ngó lơ!

M)- Nói lái để hẹn hò:

Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam 1551023e77344917aa3db771b3218514

Trai gái miền Trung hẹn hò gặp gỡ nhau, sợ có người nghe nên tìm cách nói lái vẩn vơ về ruộng đồng, rơm rạ để hiểu ngầm với nhau.
Chàng nói bâng quơ: “bị môn, bị khoai, bị nưa”. Nàng chưa có cơ hội nên khất: “cau khô, trầu héo, tái môi.” hay “nón cụ, quai thao, tốt mối, xấu cuồng” hoặc “bưởi đỏ, cam sành, tốt múi”..

Người qua đường không thể hiểu rằng bị nưa là bựa ni (tức là bữa nay), tái môi là tối mai, tốt mối xấu cuồng là tối mốt xuống cầu, tối múi là túi mốt (tức là tối mốt).

N)- Đặt tên con :

Biết Tú Đạp là dân học thức nên có người quen nhờ đặt tên cho đứa con trai vừa mới sinh. Sau mấy ngày suy nghĩ, anh đề nghị người quen nên đặt tên con là Gia Bảo vì cái tên này nói lên rằng cả gia đình rất quí cậu bé.

Sau khi làm giấy khai sinh cho cậu bé được mấy ngày, ông bố đến gặp Tú Đạp giận dữ hỏi:
- Tại sao anh biết là hồi đó chúng tôi mua phải loại bao giả, hả? Bao nội địa thì có khi bị rách, chớ làm gì có bao giả !!! (Gia Bảo nói lái là Bao giả !)

O)- Thuyền ta lái gió:

Biết nói lái, biết trò chơi chữ để thưởng thức cái của trời cho mà còn để tránh… làm phiền người nghe vì lời thật mất lòng. Nhưng cũng có trường hơp ngược lại, người nói vô tình nói lái làm khổ cả người nói lẫn người nghe.
Số là, có một ông thầy giáo khi đọc đề thi về bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận, thay vì đọc câu “Thuyền ta lái gió với buồm trăng” đã vô tư đọc thành “Thuyền ta ló giái với buồm trăng”, khiến cả lớp cười rần lên làm ông thầy sượng chết người. Ôi, tiếng Việt đáng yêu mà cũng đáng sợ quá!

P)- Đít mấy lỗ :

Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam D5841c9c26f94a4a98fa8ee319e121bc

Việt Nam thời chưa mở cửa, người dân sử dụng xe gắn máy phải mua xăng ở những cây xăng chui vì không có tiêu chuẩn để mua ở cửa hàng quốc doanh. Dấu hiệu của cây xăng chui là một cái chai đặt trên cục gạch nằm bên lề đường. Người khách dừng xe lại gần nơi đó sẽ có người đến chào hàng:
- Chành ao ! Đít mấy lỗ ?
Nếu là khách quen, sẽ trả lời đúng điệu :
- Chèm ao ! Đít hai lỗ.

Vậy là việc mua bán diễn ra một cách êm xuôi bằng những câu nói lái chuyên nghiệp. (Đó là: Chào anh, đổ mấy lít ? Chào em, đổ hai lít!)

Nguyễn Văn Hiệp

 lol! 

.
Về Đầu Trang Go down
leminh
Khách viếng thăm




Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam   Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam Icon_minitimeFri Mar 07, 2014 4:50 pm


NÓI LÁI MÀ CHƠI


GS Huy Phương

Nói lái là một lối nói ghép chữ, đem phụ âm tiếng trước ghép với cả âm tiếng sau hoặc ngược lại mà ta thường gặp, thường dùng trong ngôn ngữ Việt Nam, ví dụ như cá đối # cối đá ( giữ nguyên các dấu) hoặc thay đổi dấu như mèo cụt # mút kèo. Ngôn ngữ Việt Nam vốn đơn âm, nên những tiếng nói lái tương đối dễ cấu tạo và dễ có nghĩa .Tiếng nói lái trở lại chỉ có ý nghĩa khi nó trở thành một nghĩa khác, nếu nó vô nghĩa ( như con gà # cà gon ) thì không thể gọi là nói lái được. Đây là một đặc điểm của ngôn ngữ Việt nam mà từ khi có tiếng Việt chúng ta đã có nhiều giai thoại, nhiều tác phẩm văn chương đã đi vào văn học sử, không những ta thấy nhiều kiểu nói lái trong văn chương bình dân ( tục ngữ, ca dao) mà còn cả trong văn chương uyên bác ( thơ Hồ Xuân Hương, thơ Nguyễn Khoa Vi ). Không phải như lối nói lái (speak pig latin) hay nói lịu ( spoonerism) trong Anh Ngữ (*), lối nói lái trong ngôn ngữ Việt Nam đa dạng, dễ dùng , dễ phổ biến và có nhiều ý nghĩa thâm trầm, ý nhị .

Tuy nhiên đặc điểm nói lái trong ngôn ngữ Việt Nam phần lớn thường có khuynh hướng thiên về dung tục, ghi chép ở trong sách vở hay phát biểu giữa nơi công cộng thường không được tao nhã cho lắm . Nhiều người đã lợi dụng lối nói lái thô tục trên sân khấu, trong các buổi trình diễn để chọc cười khán giả, khiến cho nhiều bậc thức giả phải khó chịu nhăn mặt. Có lẽ vì vậy mà sự phát triển của cách nói lái qua thời gian đã có nhiều đóng góp cho ngôn ngữ nhưng vẫn chưa được sắp xếp xem như một phần của ngôn ngữ và văn học Việt Nam, dù là chỉ một phần nhỏ.

Nói về ý nghĩa, trong các giai thoại văn chương Việt nam, người ta thường dùng lối nói lái như một vũ khí để phê bình, đả kích và phần lớn lại có tác dụng mạnh mẽ, dễ gây nhiều ấn tượng hơn là lối nói thông thường. Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ muốn sưu tập một vài tài liệu về nói lái trong văn chương và thời sự Việt Nam với tính cách một bài phiếm luận hơn là đi sâu vào công trình của một bài khảo cứu về ngôn ngữ của một nhà ngôn ngữ học. Mặt khác, trong bài này nhiều tiếng nói lái phổ thông ai cũng hiểu, chúng tôi tránh không ghi rõ các tiếng nói lái thô tục để tránh làm phiền độc giả.

1. NÓI LÁI TRONG VĂN CHƯƠNG BÌNH DÂN.


Trong nhân gian, khi xử dụng ngôn ngữ trong khi giao tiếp hàng ngày, người ta thường tránh những tiếng có thể gây ngộ nhận, vì khi những tiếng nói ấy được phát ra, người ta nghĩ ngay đến tiếng nói lái kèm theo thô tục và suồng sã. Nhiều người trẻ tuổi vì không hiểu cách nói lái đã bị hiểu lầm khi vô tình xử dụng các tiếng nghe rất thông thường nhưng rất tục khi được nói lái lại như : nắng cực, đồn lầm, công ngủ., trái gì ? trái giứng... có rất nhiều trong ngôn ngữ Việt Nam.

Trái lại trong ca dao, câu thơ ví von sau đây, nói lái, đối đáp rất có ý nghĩa và thanh nhã:

- Con cá đối nằm trên cối đá
Mèo đuôi cụt nằm mút đuôi kèo
Anh mà đối được, dẫu nghèo cũng ưng.

- Con mỏ kiến đậu trong miếng cỏ
Chim vàng lông đáp dựa vồng lang
Anh đà đối đặng, e nàng vong ngôn.

Trai gái miền trung hẹn hò gặp gỡ nhau, sợ có người nghe thì tìm cách nói lái vẩn vơ về ruộng đồng, rơm rạ để hiểu ngầm với nhau. Chàng nói bâng quơ : “bị môn, bị khoai, bị nưa”, nàng khất:” cau khô, trầu héo, tái môi.”hay “nón cụ, quai thao, tốt mối.” Hoặc “ bưởi đỏ, cam sành, tốt múi”..Người qua đường không thể hiểu rằng bị nưa là bựa ni (bữa nay), tái môi là tối mai, tốt mối là tối mốt, tối múi là túi mốt..

Chàng trai xưa kia có râu, cạo râu xong, cô gái nhận không ra. Chàng bèn làm thơ… nói lái như vầy :

Xưa tê câu ró ngó xinh
Bây giờ câu rạo vô tình ngó lơ.

Thì ra câu ró, câu rạo không dính líu xa gần với chuyện đi câu cả.

* Trong văn chương bình dân có lối hò tục nói lái như đoạn hò sau đây:

Anh đi về cẳng thấp cẳng cao,
Em cũng mời anh vô hút thuốc ăn trầu,
Kẻo thế gian lắm lời, nói ở “dồn lâu” mói về.

Đáp:- Anh cũng muốn vô nhà, ghé hút thuốc ăn trầu,
Nhưng sợ mai tê quan biết được, nói “dặt cầu” em leo.

2. GIAI THOẠI VỀ TRẠNG QUỲNH NÓI LÁI.


Trạng Quỳnh tên thật là Nguyễn Quỳnh, sinh dưới thời Lê Trung Hưng( 1530-1540), quán Nghệ An là người hay chữ, thông minh xuất chúng, với bản tính nói ngông hay châm chọc vua chúa quan quyền thời bấy giờ đã để lại nhiều giai thoại trong lịch sử. Trạng Quỳnh một lần đã dâng lên chúa Trịnh một lọ thức ăn mà Quỳnh đã khoác lác là một món ăn tuyệt hảo, ngoài có đề hai chữ Đại Phong. Sau khi ăn thử, chúa Trịnh cật vấn trạng về món ăn lạ, thì Trạng giải thích rằng Đại Phong là gió to, gió to thì tượng lo, tượng lo nói lái là Lọ Tương. Một lần khác đểâ dằn mặt một công chúa thời bấy giờ có tính khinh người và kiêu căng, trên đường công chúa sắp đi qua, Trạng Quỳnh xắn quần xuống chiếc ao vệ đường liên tục lấy chân đá vào những cánh bèo trên mặt ao. Thấy lạ, quan quân dừng lại để công chúa hỏi chuyện, thì Trạng nói Trạng đang đá bèo,chúng ta phải hiểu trạng Quỳnh đang chơi xỏ công chúa.

Nhân gian cũng truyền tụng Trạng Quỳnh là tác giả câu nói lái con gầy- cây gòn , sương làm sáo- làm sao sướng và may ngón tóc- móc ngón tay...

3. NÓI LÁI TRONG THƠ HỒ XUÂN HƯƠNG.

Hồ Xuân Hương với những bài thơ tả vật, tả cảnh đã dùng những hình tượng , chữ nghĩa rất táo bạo khiến cho người ta thường nghĩ ngay đến các sinh thực khí hay những quan hệ giữa nam nữõ, như một ám ảnh tâm lý, nếu nói theo các nhà phân tâm học.( Vịnh Cái Quạt, Đánh Cờ Người, Quả Mít, Đèo Ba Dọi…) lẽ cố nhiên nhà thơ họ Hồ cũng không quên dùng nhiều chữ theo lối nói lái một cách táo bạo trong thơ bà, mà người đọc ai cũng hiểu:

… Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc,
Trái gió cho nên phải lộn lèo. (Kiếp Tu Hành)

… Quán sứ sao mà cảnh vắng teo
Hỏi thăm Sư cụ đáo nơi neo.
Chày kình, tiểu để suông không đấm,
Tràng hạt, vải lần đếm lại đeo. (Chùa Quán Sứ)

…Đang cơn nắng cực chửa mưa hè,
Rủ chị em ra tát nước khe. (Tát Nước)

…Thú vui quên cả niềm lo cũ
Kìa cái diều ai nó lộn lèo.( Quán Khách)

Nhân nói chuyện lái trong thơ Hồ Xuân Hương, chúng tôi xin trích dẫn một bài thơ nói lái của một tác giả vô danh nhan đề là Trông Trời (xin đọc theo kiểu bắc là Chông Chời):

Cô kia sao cứ trông trời
Để tôi xin nguyện làm trời cô trông
Trông trời sướng lắm phải không
Trời mà trông lại còn mong nỗi gì !

BÀI THƠ NÓI LÁI THỜI KHÁNG CHIẾN.


Trong thời kháng chiến chống Pháp, khoảng những năm 1951- 52, sau Đại hội Đảng Lao Động ,chính phủ CS bắt đầu tinh giảm biên chế và loại các thành phần tiểu tư sản ra khỏi bộ máy công quyền, một bài thơ nói lái do một nhân vật vô danh bất mãn bỏ kháng chiến về thành tung ra rất được phổ biến. Chính vì những tiếng nói lái đặc biệt ( tiếng Hán Việt lái thành tiếng nôm ) mà bài thơ được người ta nhớ lâu và truyền tụng :

Chú phỉnh tôi rồi chính phủ ơi
Chiến khu thu cất chú khiêng rồi
Thi đua thắng lợi thua đi mãi
Kháng chiến lâu ngày khiến chán thôi.

GIAI THOẠI NÓI LÁI THỜI PHÁP THUỘC.


Một giai thoại thời thủ tướng Nguyễn Văn Tâm được lưu truyền ở miền nam như sau: hồi Thủ Tướng Tâm còn là Quận Trưởng Cai Lậy ( có biệt danh là Hùm Xám Cai Lậy ) lúc ăn mừng tân gia, có người đem tặng một bức hoành có khắc bốn chữ nho : “ Đại Điểm Quần Thần” tạm dịch nghĩ a là “bề tôi chức vụ lớn”. Nguyễn Văn Tâm lấy làm hãnh diện đắc ý, nhưng sau đó có người phát giác ra là ông Tâm bị chưởi xéo, vì bốn chữ Đại Điểm Quần Thần, dịch nôm sát nghĩa là Chấm To Bầy Tôi.. nói lái ra thành Chó Tâm Bồi Tây.

Lối nói này cũng phổ biến như người ta nói tới một người đàn bà “bách diệp”, nghĩa nôm là “trăm lá”, nói lái là “tra lắm” (già lắm).

NÓI LÁI SAU THÁNG 5-1975.


Sau tháng 4 năm 1975, khi CS cưỡng chiếm miền Nam, dân tình cực khổ ta thán, do đó trong nhân gian có những câu nói lái rất phổ thông:

Quy mã là… Qua Mỹ , hay :

Kỷ sư đôi lúc làm cư sĩ
Thầy giáo lắm phen cũng tháo dày.
Giáo chức giờ đây đành dứt cháo
Khoái ăn sang nên... sáng ăn khoai.

Nói về tệ nạn cửa quyền tham nhũng của chế độ và các tệ nạn thì nhân gian có các câu nói lái :

Thủ tục đầu tiên là... tiền đâu ?
Vũ Như Cẩn là Vẫn như cũ.
Nguyễn Y Vân là Vẫn Y Nguyên
Bùi Lan là Bàn Lui
Hộ khẩu là… Hậu khổ.

Đả kích chế độ thì thiên hạ có câu:

Con đường Bác đi, đường bi đát
Chán bảng đỏ, nhiều anh bỏ đảng.

Chỉ riêng ngành giáo dục không thôi đã có nguyên một bài nói lái tự thán như sau :

Thầy giáo tháo giày đi dép
Nhà trường nhường trà uống nước trong
Tháng đầy thầy đáng dăm lon gạo
Lương thầy tiền lính tính liền xong



Thầy giáo tháo ủng tháo giày
Tháo ủng thủng áo tháo giày nóng chân
Giáo án dành lại khi cần
Thay vải dán áo việc làm tốt thôi.

THƠ NÓI LÁI… KHÔNG TỤC.


Cụ Thảo Am Nguyễn Khoa Vi là một nhà thơ Đất Thần Kinh, ở Vỹ Dạ đã làm một bài thơ nói lái rất công phu và có ý nghĩa như sau:

Cầu đạo nên chi phải cạo đầu
Dầu lai dưa muối cũng dài lâu
Na bường bát tới nương bà vải (**)
Dầu sãi không tu cũng giải sầu.

Ông Tôn Thất Đàm ở Úc đã có một bài nói lái nhan đề “Má Con” như sau:

Má đưa con đi trong mưa đá
Má đặt con lên mặt đá bằng
Má đi vào xem mi đá bóng
Má đang mang đá tới lót nền
Má lột một lá dính vào phên
Má lấy bên hè đi mấy lá
Má lòn mòn lá cửa ngoài hiên
Má cần mần cá để kho liền
Má cắt con mắt cá đầu tiên
Má cũng mua đầy hai mủng cá
Má can con ăn mang cá kình.

Trong nhân gian, người ta rất thích thú được nói lái và nghe nói lái, có khi bất chợt tình cờ vô ý mà tiếng nói ra thành một tiếng nói lái, có khi người ta tìm cách đẽo gọt, tìm tòi để kiếm ra những từ nói lái có ý nghĩa. Tác giả có thể là một mà cũng có thể là nhiều người, dần dà ngôn ngữ nói lái thành ra tài sản chung, đóng góp vào trong kho tàng văn chương bình dân của ngôn ngữ Việt Nam. Chúng tôi xin trích dẫn một số tiếng nói lái thông thường mà chúng ta hay bắt gặp trong cuộc sống hằng ngày :

trễ giờ thì trở (về) dề, - ôm nhiều thành yếu và yêu nhiều thành ốm, - đơn giản như đang giỡn,- chà đồ nhôm là chôm đồ nhà, -cây còn ( mộc tồn ) là con cầy

và nói lái tiếng tây : très chaud ( nóng quá ) thành trop cher ( đắt quá ).

Như chúng tôi đã nói ở đầu, trong bài nói lái này chúng tôi không có tham vọng làm công việc nghiên cứu mà chỉ thâu lượm một ít tư liệu rất hạn chế về nói lái để mua vui cho quí vị độc giả. Trong giới bình dân có rất nhiều câu nói hoặc chuyện nói lái rất thô tục, rất dễ nói lái với những tiếng có vần ”ôn” như môn, tôn... chủ yếu nhắm vào các bộ phận sinh dục và chuyện quan hệ giữa nam nữ ... mà trong thơ Hồ Xuân Hưong chúng ta cũng đã thấy ít nhiều, như ta thường nghe trong dân gian như “đạo dụ!”, “điện lu”, “cụ Đệ”, “mụ Đắc”... Chúng tôi hy vọng bạn đọc sẽ có nhiều tài liệu đóng góp cho chương nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam, vì quả thật đây là một chương rất đặc biệt không ai có và không giống ai.

Huy Phương


(*)1. Speak Pig Latin là đem âm này sang ghép với phụ âm của chữ kia và ngược lại ( giống như trong tiếng Việt tháo giày # thày giáo ) nhưng hoàn toàn chữ nói lái lại không có nghĩa. Ví dụ speak # eak/spay hay stupid # upi/stay.Người ta dùng những chữ này để làm nhẹ nghĩa câu nói, thay vì nói he's stupid thì mình chỉ nói he's upis/stay.

Nói lịu (spoonerism) là cách nói đem phụ âm này qua ghép với âm của chữ sau, như blushing crow ( con quạ đỏ mặt ) thành crushing blow( cú đấm bể mặt). Giáo sư William Archibald Spooner ( 1844-1930 ) tại Đại Học Oxford, lúc về già, trong lúc giảng dạy sinh viên ông thường nói lịu. Thay vì nói You have missed my history lecture (anh vắng một bài thuyết trình về lịch sử của tôi) thì ông nói You hissed my mystery lecture, (anh �xì� một bài thuyết trình bí mật của tôi), hay show you to a seat ( chỉ cho anh một chỗ ngồi ) thì ông nói sew you to a sheet (may anh vào một tờ giấy), thay vì wasted the whole term ( phí nguyên một học kỳ ) thì nói tasted the whole worm (nếm nguyên một con trùn ). Lối nói này trong Anh Ngữ trở thành lối nói spoonerism, là lối nói của giáo sư Spooner, như kiểu nói lịu trong tiếng Việt của chúng ta.

(**) Na bường bát tới : nói giọng Huế là đem bình bát tới.

(***) Sách tham khảo :

1. Trạng Quỳnh- Hoàng Trúc Ly ( không đề nhà xuất bản)
Kho tàng ca dao ( Nhiều tác giả) -Nhà Xb Văn Hóa Việt Nam)
Longman Dictionnary of Language& Culture 1992.
Đặc San Thương Về Xứ Huế ( QHĐK Nam Cali 1999)
Tập San 48-55 Khải Định 1999.


 affraid
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content





Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam   Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
Nói lái trong ngôn ngữ và văn học Việt Nam
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon  :: ĐỀ TÀI :: Sưu Tầm, Lượm Lặt-
Chuyển đến