Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon

Diễn Đàn của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Keywords
quốc sáng trong chất truyện bich chuyen nguyet quang không hoang Saigon nhac thuoc Nhung quan luong linh ngắn Trung Nguyen phải ngam Chung VNCH quynh
Latest topics
» qua đi thôi bão nổi
Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính Icon_minitimeSat Mar 11, 2023 3:11 am by Admin

» Cụ Hoang Xuân Hãn
Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính Icon_minitimeSun May 08, 2022 10:37 pm by Admin

» Giáo dục VNCH - Giáo dục con đường khai phóng
Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính Icon_minitimeMon Jan 10, 2022 4:06 am by Admin

» Suy tư về kiếp người - Về Cùng Cát Bụi
Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính Icon_minitimeSun Jan 09, 2022 4:25 am by Admin

» AI ĐÃ HẠ GỤC CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN?
Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính Icon_minitimeSat Jan 08, 2022 2:41 am by Admin

» NHẠC THIỀN - Cõi Thiền trong Âm Nhạc
Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính Icon_minitimeThu Jan 06, 2022 4:11 am by Admin

» Trở về miền ký ức : Một bài viết về người lính VNCH
Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính Icon_minitimeTue Jan 04, 2022 3:06 am by Admin

» Tôi Cưới Vợ
Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính Icon_minitimeTue Jan 04, 2022 2:44 am by Admin

» Giáo sư Phạm Hoàng Hộ
Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính Icon_minitimeMon Nov 29, 2021 3:05 am by Admin

March 2024
MonTueWedThuFriSatSun
    123
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031
CalendarCalendar
Affiliates
free forum

Affiliates
free forum


 

 Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính

Go down 
Tác giảThông điệp
hoangvu
Khách viếng thăm




Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính Empty
Bài gửiTiêu đề: Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính   Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính Icon_minitimeSun Mar 24, 2013 7:38 pm

Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính


Phần đông người Việt hải ngoại chúng ta không ai không biết Lê Văn Khoa. Ông nổi tiếng trong nhiều sinh hoạt nghệ thuật, nhất là ở hai lãnh vực âm nhạc và nhiếp ảnh. Ở phương diện này ông là một nghệ sĩ đa năng. Nhưng ở địa hạt khác, rất quan trọng mà ít người biết đến, ông còn là một nhà giáo bẩm sinh đáng kính mà chỉ những người có từng mài miệt trong ngành mới thấy được.



Nhạc sĩ Lê Văn Khoa


Trước hết hãy nói qua về những thành tích của ông trong lãnh vực âm nhạc. Ngay từ trước năm 1975 ở trong nước ông đã từng đoạt luôn hai giải thưởng về sáng tác âm nhạc toàn quốc hồi năm 1953, và giải văn học nghệ thuật toàn quốc 1968-70. Sau khi định cư ở Mỹ hồi năm 1975, lòng yêu quê hương xứ sở cùng nỗi đau buồn vì cảnh tang thương trên đất nước thúc đẩy ông sáng tác nhiều tác phẩm nặng tinh thần dân tộc qua nhiều thể loại từ những đoản ca cho thiếu nhi đến những đại tấu khúc như "Đêm Việt Nam"(piano solo), "Vietnamese Overture", "Vietnamese Rhapsody", "Symphonic Suite 1.9.7.5", "Dialogue". Đây là điểm nỗi bật trong nghệ thuật âm nhạc của Lê Văn Khoa.

Phần đông nếu không nói là hầu hết các nhạc sĩ Việt Nam đều sáng tác những bản tân nhạc mà chúng ta thường nghe các ca sĩ quen thuộc trình diễn, riêng Lê Văn Khoa lại chuyên môn sáng tác và làm hòa âm cho những dàn nhạc giao hưởng (symphony), đại hòa tấu với sáu bảy mươi nhạc công đủ loại, hay cho những ban hợp ca lớn bao gồm nhiều người hợp xướng. Với "Se Chỉ Luồn Kim" ông đã chuyển dân ca qua hợp ca nhiều bè cho ban Tứ Ca Thùy Dương trình diễn rất thành công tại Fullerton hồi 1978. Vietnamese Rhapsody của ông đã được dàn nhạc Fullerton Community Symphony Orchestra trình diễn hồi năm 1979. Symphonic Suite 1.9.7.5 được Pacific Symphony Institute Orchestra trình diễn năm 1995 trong chương trình kỷ niệm 20 năm của người Việt tị nạn.

Tiếp theo đó trong những năm 1996, và 1997, dàn nhạc Pacific Symphony Orchestra cũng đã trình diễn  các tấu khúc "Trăng Rằm" và "Ngày Hội" của ông đặc biệt viết cho dàn nhạc giao hưởng. Các tấu khúc khác như Vietnamese Overture và Romance đã được ban hợp xướng Ngàn Khơi trình diễn trong các chương trình hòa tấu hợp ca của họ. CD "Memories" của ông, ra đời hồi năm 2007 đã làm say mê nhiều thính giả. Nhận định về nhạc phẩm "Việt Nam 1975" của Lê Văn Khoa, Alla Kulbaba, nhạc trưởng của dàn nhạc Kyiv Symphony Orchestra, The National Ukranian Opera and Ballet, viết: "Nhạc của Lê Văn Khoa thật tinh vi, đầy xúc động, rất mực nhân hậu thân thiết. . . . Qua tác phẩm Symphony "Viet Nam 1975" Lê Văn Khoa chứng tõ ông là nhà viết đại tấu khúc có tài. Ông dùng thể loại Tây phương nhưng đặt trên căn bản ngưồn gốc quốc gia. . ."  Nhạc trưởng Vũ Tôn Bình, tiến sĩ Nghệ Thuật Âm Nhạc, nhận định về nhạc sĩ Lê Văn Khoa như sau: "Đối với người cùng thời, Lê Văn Khoa luôn luôn ở đầu giới tuyến; là người đưa cao ngọn đuốc và ánh sáng của ngọn đuốc ấy sưởi ấm lòng nhiều người ở các ngả rẻ của xã hội và những khúc quanh quan trọng trong lịch sử dân Việt."   

Bên cạnh nghệ thuật âm nhạc, Lê Văn Khoa còn là một nhiếp ảnh gia tài ba lỗi lạc. Ở trong nước, trước 1975, ông đã từng đoạt luôn ba giải thưởng nhiếp ảnh toàn quốc trong những năm 1964-65. Ông đứng ra thành lập hội Ảnh Nghệ Thuật ở Việt Nam năm 1968. Sang Hoa Kỳ ngay từ năm 1975, ông đã từng tổ chức các cuộc triển lãm các ảnh nghệ thuật tại Quốc Hội Hoa kỳ. Ông từng triển lãm ở Viện Bảo Tàng Maryland và tổ chức các cuộc triển lãm lưu động ở vùng này trong thời gian nói trên. Ông được mời dạy môn nhiếp ảnh ở một số colleges.

Một số báo chí Mỹ đã có bài viết tán thưởng nghệ thuật nhiếp ảnh và âm nhạc của Lê Văn Khoa. Hồi tháng 5, năm 1997 đài truyền hình Fox 11 , KTTV Los Angeles đã chọn Lê Văn Khoa để giới thiệu với công chúng ở đây như một nhiếp ảnh gia và nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Á trong chương trình "Celebrating the Creative Spirit" for Asian Pacific American Heritage Month. Tiến sĩ Vũ Tôn Bình có nhận xét về Lê Văn Khoa:" Ông là nhiếp ảnh gia có khóe nhìn hiện thực, là nhạc sĩ với khuynh hướng tân lãng mạn và tinh thần quốc gia dân tộc."
 
Nói chung, lãnh vự nghệ thuật là lãnh vực đã làm cho Lê Văn Khoa được nhiều người biết đến và tán thưởng. Nhưng ở con người Lê Văn Khoa còn có một tài năng rất có giátrị khác mà ít người biết đến hay nói đến. Đó là tài dạy học của ông. Trên phương diện dạy học, ông là một nhà giáo có khả năng sư phạm bẩm sinh rất đặc biệt. Trước kia ở Việt Nam ông đã có những lớp học trên đài truyền hình. Qua những lớp học đặc biệt này người ta có thể thấy được triết lý, chủ trương cũng như phương pháp giáo dục của ông.

Ông không tốt nghiệp ở một trường sư phạm nào, không dạy chánh thức ở một trường công lập hay tư thục nào cả. Ông chỉ có một lớp học nhỏ với một ít học sinh  trên đài truyền hình mà thôi. Bài học ông dạy không theo sát chương trình học của Bộ Giáo Dục. Tuy nhiên kết quả giáo dục của ông rất đáng kể. Trước hết những kiến thức mà ông trao cho học sinh của ông là những kiến thức rất thực tế, cụ thể mà nhà trường vì điều kiện vật chất thiếu thốn không cho phép không thể cung ứng cho học sinh được. Thí dụ như một số những thí nghiệm về hóa học mà ông có thể cho học sinh của ông thực hiện được trong chương trình của ông trong khi học sinh ở các trường công lập cũng như tư thục chỉ học trên lý thuyết. Thành ra bài học cụ thể của ông giúp ích rất nhiều cho sự hiểu biết và sự ghi nhận của học sinh hơn là những bài học lý thuyết suông ở trường học. Kế đó tuy chỉ có một ít học sinh trên truyền hình nhưng trên thực tế, số người theo dõi chương trình của ông lại rất đông, có thể có đến hàng ngàn người trong chương trình học này. Ngoài ra trong lớp học của ông mối liên hệ giữa thầy trò, cùng tiến trình dạy và học (teaching-learning process) có tính cách thân mật, chặt chẽ, gắn liền với phương pháp cá nhân giáo huấn (individualized instruction), vốn là một phương pháp rất có hiệu quả khi người ta tựa trên sự hiểu biết và hoàn cảnh của mỗi cá nhân để truyền thụ.

Ngày xưa khi Khổng Tử bắt đầu nghề dạy học, sống cùng các đệ tử năm này qua tháng nọ, để ý từng hoàn cảnh sống và trình độ hiểu biết của mỗi cá nhân, trả lời câu hỏi của đệ tử theo hoàn cảnh riêng của mỗi người, dạy đệ tử của mình không phải chỉ kiến thức mà còn cả cách sống ở đời, Khổng Tử đã để lại cho hậu thế một phương pháp giảng huấn mà ngày nay các nhà sư phạm còn thường nhắc đến. Lê Văn Khoa không phải là đệ tử của bậc Vạn Thế Sư Biểu, nhưng ông có cái khiếu bẩm sinh về sư phạm không xa mấy với chủ trương và đường lối dạy học rất hiệu quả của người xưa. Ông đã từng sống với một đám trẻ "bụi đời" ở Việt Nam, dẫn dắt chúng trỡ về đường ngay lẽ phải, từng làm cho chúng cảm xúc, chảy nước mắt ăn năn, sám hối, sống lại cuộc đời lương thiện. Ông đã áp dụng đường lối sư phạm bẩm sinh của ông vào các lãnh vự khác như dạy nhạc, dạy nhiếp ảnh mà ông rất thành công từ xưa cho đến ngay bây giờ trên đất Mỹ. Ông là một nhà giáo có tài, có khiếu sư phạm bẩm sinh dù không học một trường sư phạm chánh quy nào.
 
Lê Văn Khoa là người yêu nước, yêu dân tộc mình một cách chân thành. Nhạc của ông cũng như ảnh của ông, và cũng như việc dạy học của ông, tất cả đều thể hiện lòng yêu nước thương dân đó.

NGUYỄN THANH LIÊM


Saigon Chamber Ensemble - SCE - Spring Concert 2009 in San Jose, California
"Remembrance" composed by Le Van Khoa
Conductor: Khanh-Hong Nguyen
Piano solo: Tuyet-Lan Tran

.

https://www.youtube.com/watch?v=d8PFnTH_LMY&list=PLFBC7BF34CACDD163
.


.
Về Đầu Trang Go down
hoangvu
Khách viếng thăm




Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính Empty
Bài gửiTiêu đề: Lê Văn Khoa và cuộc chiến cho danh dự người Việt   Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính Icon_minitimeWed Apr 10, 2013 7:08 pm

   
LTS. Nhân dịp Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ sắp tổ chức một đêm nhạc quy mô nhằm vinh danh nhạc sĩ Lê Văn Khoa vào ngày 11 tháng 10 năm 2008, chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc bài viết rất công phu về con người hoạt động văn hóa Lê Văn Khoa do Luật sư Phạm Kim Vinh tức bình luận gia Trương Tử Phòng của báo Chính Luận ngày trước, sáng lập viên và là Tổng thư ký Hội Phổ Biến Văn Hóa Việt Nam, viết từ năm 1987.


Nhớ Tiếng Xưa - Lê Văn Khoa




Lê Văn Khoa và cuộc chiến cho danh dự người Việt

Phạm Kim Vinh

 
Từ đó đến nay, đã 21 năm qua, nhạc sĩ Lê Văn Khoa vẫn không một phút nào ngơi nghỉ trên con đường hoạt động nhằm phát triển nghệ thuật và văn hóa Việt Nam tại hải ngoại. Ngoài những thành tựu trước năm 1987 mà nhà văn Phạm Kim Vinh nhắc đến trong bài này, chúng ta còn biết nhiều hoạt động khác của nhạc sĩ Lê Văn Khoa trong thời gian sau này, ngày càng sáng chói rực rỡ hơn, như bản giao hưởng “Việt Nam 1975” và CD Memories đạt được tiếng vang quốc tế, cùng rất nhiều buổi trình diễn âm nhạc, nhiều khóa đào tạo và triển lãm nhiếp ảnh v.v... làm phong phú đời sống văn hóa của người Việt Nam tị nạn và góp phần giúp thế giới, nhất là người Mỹ, hiểu biết văn hóa Việt Nam hơn.
 
***
 
Có thể nói ông Lê Văn Khoa là người tị nạn Việt Nam đầu tiên nhìn thấy từ sớm cái nhu cầu trọng đại cũng như tầm quan trọng vô cùng lợi hại của khí giới văn hóa cho cộng đồng người Việt lưu vong sau cuộc đổi đời năm 1975.

Ngay từ phút đầu tiên đặt chân lên xứ người, ông Lê Văn Khoa đã không bỏ phí một phút nào trong cuộc chiến trường kỳ của ông là dùng khí giới văn hóa để tranh đấu một lúc trên ba mặt trận: chống cộng sản, bảo vệ danh dự của người Việt Nam, và tích cực đóng góp vào công việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam thuần túy và nhân bản.

Có thể cũng đã có những người tị nạn Việt Nam khác nhận ra được nhu cầu trọng đại về văn hóa như ông Khoa đã nhìn ra, nhưng họ đã không làm được những gì ông Khoa đã làm, vì họ không có được khả năng đa hiệu như ông Khoa, vì họ không có được ý chí cũng như sức chịu đựng bền bỉ để theo đuổi cuộc chiến văn hóa trường kỳ và gian khổ ấy.

Ông Lê Văn Khoa đã làm được những công cuộc mà chưa có người Việt nào ở trong và ngoài nước làm được, là dùng cái khí giới văn hóa như âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh và các hoạt động giáo dục để làm vẻ vang cho hai chữ Việt Nam, -- một công trình rất bạc bẽo vì có hàng trăm ngàn người tị nạn Việt Nam được gián tiếp hưởng các lợi ích về sự vẻ vang ấy mà chẳng phải trả một phí khoản nào, -- và có khi những người được gián tiếp hưởng thụ lợi ích văn hóa như thế chẳng biết gì về những đắng cay, thiệt thòi và cực nhọc chồng chất mà ông Khoa lầm lũi chịu đựng trong tinh thần khắc kỷ rất Việt Nam. Đôi khi những người bạn thân nhất của ông chỉ nghe thấy ông tỏ vẻ ngậm ngùi, không phải để oán trách ai, mà chỉ để xót xa cho sự thiếu thốn phương tiện (khả năng tài chánh cá nhân của ông không cho phép thực hiện được các phương tiện ấy) tối thiểu thì chắc chắn ông sẽ còn làm được nhiều điều lẩy lừng hơn nữa cho hai chữ Việt Nam tại xứ người.

Trong cuộc sống lưu vong, ông Khoa đã chọn con đường gai gốc nhất, và cũng cao cả nhất để bảo vệ danh dự của người Việt, và làm cho các cộng đồng chủng tộc khác kính nể người Việt, đó là quan niệm "làm cho các quốc gia phải thông cảm và kính nể người Việt bằng cách cho họ thấy người Việt có thể làm được những điều phi thường." Quan niệm này ngược hẳn với quan niệm của một số người chủ trương cúi mặt van xin sự thông cảm của người bản xứ. Chỉ vì quen đặt quyền lợi cá nhân trên quyền lợi của quê hương và dân tộc nên những người ấy không chịu hiểu rằng khi có sự thông cảm mà phải van xin mới có được thì không còn nhân phẩm nữa mà chỉ còn khinh miệt và ô nhục. Một nền văn hóa lâu đời và cao quý như văn hóa Việt Nam đang được người Việt giữ gìn bằng mọi cách, TRỪ CÁCH VAN XIN.

Năm 1975 khi mới tới Hoa Kỳ tị nạn, ông Lê Văn Khoa muốn lập một đoàn hợp ca và một dàn nhạc đại hòa tấu của người Việt để lưu diễn khắp các tiểu bang của nước Mỹ. Đó là chủ trương "đoàn sứ giả văn hóa lưu động" để phổ biến cho nhân dân Hoa Kỳ biết những nét cao đẹp của văn hóa Việt Nam. Nhưng thiện chí, khả năng và lòng tha thiết yêu quê hương Việt Nam nơi ông Khoa không quân bình được gánh nặng tài chánh ghê gớm của một dự án to tát như vậy nên ông đành phải bỏ dở dự án ấy.

Biết rằng chưa thể nào cổ võ được sự thực hiện quan niệm "cá nhân góp nỗ lực đểâ bảo vệ danh dự và quyền lợi chung," vì quan niệm ấy rất xa lạ đối với người Việt vốn đã quen chỉ biết tha thiết với quyền lợi cá nhân, cũng như chỉ muốn hưởng thụ mà không muốn đóng góp, ông Khoa đành âm thầm một mình mở chiến dịch lâu dài để làm cho người bản xứ hiểu cũng như kính nể văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Tháng Sáu năm 1975, ông Khoa tổ chức chương trình nhạc Việt đầu tiên tại viện đại học Loma Linda, tiểu bang California. Sau đó hàng loạt những buổi diễn thuyết và trình diễn về nhạc Việt Nam, diễn thuyết về văn hóa Việt Nam, về nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là nhiều cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật của ông, tại nhiều tiểu bang của Hoa Kỳ. Cũng nên nhắc lại là trước và sau 1975, ông Khoa đã đoạt nhiều giải thưởng về nhiếp ảnh. Vào dịp người Việt tị nạn Việt Nam ăn cái Tết Âm Lịch đầu tiên trên đất Mỹ đầu năm 1976, ông Khoa tổ chức một cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật của ông về chủ đề quê hương Việt Nam ngay tại trụ sở Quốc Hội Mỹ. Cuộc triển lãm đã thành công rực rỡ.

Nhất cử nhất động của ông Khoa đều nhắm làm cho người Hoa Kỳ phải kính phục người Việt. Các nhạc sĩ cộng tác với ông để thực hiện các chương trình đại hòa tấu nhạc Việt đã nhiều lần hỏi ông rằng ông "học nhạc ở đâu?" Ông đã cho họ câu trả lời giản dị nhưng đầy ý nghĩa: "Học ở Việt Nam." Ông đã viết nhạc, viết hòa âm và chỉnh điệu cũng  như điều khiển một dàn nhạc đại hòa tấu gồm toàn nhạc công người Mỹ.

Ông Lê Văn Khoa luôn luôn chú ý tới việc khám phá các tài năng trẻ tuổi của người Việt ở hải ngoại, với mục đích là làm cho người bản xứ biết giá trị cao của người tị nạn Việt Nam. Ông đã tổ chức nhiều buổi trình tấu để giới thiệu các nhân tài hứa hẹn của tuổi trẻ Việt Nam, thí dụ như thần đông vĩ cầm Lưu Danh Bình, thần đồng dương cầm Nguyễn Thiệu Tân v.v...

Sau khi đổi địa bàn hoạt động từ phía Đông Hoa Kỳ qua phía Tây, ông Khoa đã nhiều lần thực hiện sứ mạng tự nguyện là "giáo dục dân bản xứ," sau khi có một số người Mỹ vì ác ý, hoặc vì nhu cầu tranh cử, kiếm phiếu, đã mở chiến dịch vu cáo và làm nhục người tị nạn Việt Nam...

Năm 1980, lúc một ứng cử viên Mỹ hô hoán rằng có tới phân nửa người tị nạn Việt Nam mắc bệnh lao, ông Lê Văn Khoa lẳng lặng tổ chức Đêm Nhạc Vàng tại thính đường trường đại học Fullerton trước một cử tọa gồm hầu hết là người Mỹ. Năm 1981, trong lúc nước Mỹ cử hành quốc khánh của họ, và có một số người Việt hí hửng dở trò mất gốc thì ông Khoa tổ chức một cuộc triển lãm những hình ảnh rất đẹp của Việt Nam. Sau đó là đêm văn hóa Việt Nam do ông tổ chức tại trường đại học Chapman ở Orange County. Mùa hè năm 1983, khi đài truyền hình số 7 chiếu chương trình 20/20 có chủ đích nhục mạ người Việt Nam, ông Khoa tổ chức buổi trình tấu rất thành công cho hai em Lưu Danh Bình và Nguyễn Thiệu Tân biểu diễn tài nghệ xuất chúng trước một cử tọa thính giả Mỹ rất đông đảo ở vùng phía bắc Los Angeles. Nếu muốn liệt kê các hoạt động văn hóa của ông Lê Văn Khoa thì sẽ phải dùng đến cả trăm trang giấy...

Có cái nhìn xa cho tương lai văn hóa Việt Nam khi mà cộng sản cố tiêu diệt văn hóa nhân bản của Việt Nam, khi mà  chủ nghĩa hưởng thụ cá nhân của Tây phương đang nhận chìm một phần lớn văn hóa của người tị nạn Việt Nam, và khi mà chính nhiều người tị nạn Việt Nam đang lao mình vào cuộc tự sát văn hóa thì ông Lê Văn Khoa cứ lặng lẽ đi tiên phong trong nỗ lực duy trì và phát triển văn học nghệ thuật của Việt Nam để rồi đây, khi quê hương được giải thoát khỏi ách cộng sản, người Việt sẽ nối tiếp được giòng văn hóa Việt Nam thuần túy trên một quê hương hòa bình và nhân bản.

Từ hơn 10 năm nay, ông Lê Văn Khoa liên tiếp mở nhiều cuộc thi ảnh đẹp hằng năm, mở các lớp nhiếp ảnh miễn phí cho người Việt, đào tạo nhiều tài năng mới cho người Việt hải ngoại.

Trong tương lai, ông Khoa còn mong muốn sẽ tìm được phương tiện để mở các lớp huấn luyện ca trưởng, thi sáng tác nhạc v.v...

Trong hơn hai chục năm chiến tranh để mưu chiếm miền nam, Hà Nội không sợ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bằng sợ ảnh hưởng của nhạc miền Nam Việt Nam. Chí ít ngày sau khi chúng chiếm được miền Nam Việt Nam, giới lãnh đạo Hà Nội đã hoảng hốt báo động lẫn cho nhau về nguy cơ tai hại của nhạc miền Nam, như nhạc được chúng tặng cho cái tên là "Nhạc Vàng".

Ông Lê Văn Khoa đã triệt để khai thác cái sơ hở của chính quyền Hà Nội khi chúng tưởng rằng gọi nhạc miền Nam là Nhạc Vàng, rồi giải thích rằng màu vàng là màu của bệnh dịch thời khí, như thế sẽ làm cho dân miền Bắc ghê sợ thứ nhạc ấy, thì ông Khoa đã giải thích để làm nổi bật sự ngu xuẩn của chính quyền Hà Nội. Ông giải thích rằng Nhạc Vàng được coi là thứ nhạc quý như vàng, vì vàng là kim khí quý nhất của xã hội loài người.

Không phải là một quân sự gia nhưng ông Lê Văn Khoa đã áp dụng đúng binh pháp của Tôn Tử và Chausewitz để nhằm đánh vào chỗ yếu nhất của địch. Sau khi được trình tấu và trình diễn nhiều lần cho quần chúng Mỹ tại hoa Kỳ, chương trình Nhạc Vàng của ông đã được đài Tiếng Nói Hoa Kỳ thâu thanh và truyền về Việt Nam. Khi truyền về Việt Nam, đài Tiếng Nói Hoa Kỳ còn kèm thêm phần bình luận ca ngợi sự đóng góp văn hóa và tinh thần chống cộng của ông Lê Văn Khoa.

Người nào muốn viết về các khả năng của ông Lê Văn Khoa thì sẽ gặp một trở ngại, nhưng là một trở ngại đáng mến, ông ta có nhiều sở trường quá nên người viết sẽ lúng túng, không biết nên nhấn mạnh vào sở trường nào.

Thí dụ về âm nhạc, ông ta cũng tung hoành như trên nhiều lãnh vực nghệ thuật khác. Ông ta có đủ kiến thức, kinh nghiệm và thành tích để chứng tỏ sở trường về âm nhạc. Mười sáu tuổi đã được lựa để đàn cho nhà thờ. Mười chín tuổi cộng tác với đài phát thanh Quốc Gia và đài phát thanh Pháp Á. Hai mươi tuổi trúng hai giải sáng tác âm nhạc cùng trong một cuộc thi sáng tác nhạc toàn quốc. Năm 1970, cùng một lúc ông đoạt giải sáng tác nhạc và giải nhiếp ảnh trong giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc Việt Nam 1968-1970... Các nhạc trưởng lỗi lạc của Việt Nam ngày trước như  Trần Văn Tín, Vũ Thành... đều ca ngợi tài của ông Khoa viết hòa âm cho hợp ca và soạn hòa âm cũng như chỉnh điệu cho dàn nhạc. Ông là ca đoàn trưởng nhiều ca đoàn lớn ở Việt Nam (Cơ Đốc, Trùng Dương, Ca đoàn Hỗn hợp Việt Hoa), nhạc trưởng chương trình “Tiếng Nhạc Trầm Tư”, cho đến khi miền Nam sụp đổ vào năm 1975.

Trước năm 1975, báo chí Việt ngữ và ngoại ngữ tại Sài-Gòn đã nồng nhiệt ca ngợi các chương trình diễn nhạc sống của Lê Văn Khoa như “Đêm Trùng Dương”, “Hát Cho Tình Yêu”' “Khóc Cho Tình Yêu”, “Lê Văn Khoa and His Love Songs”, cùng một số chương trình khác không mang chủ đề.

Ngoài rất nhiều nhạc khúc đã được xuất bản, ông Lê Văn Khoa còn viết nhiều nhạc phẩm công phu đã được trình tấu nhiều lần như trường ca “Việt Nam Quê Hương Mến Yêu” (giải Văn Học Nghệ Thuật, đại hợp ca hòa tấu), “Romance” (violin & piano), “Nocturne” (violin & piano), “Sonata for violin & piano”, “Elegiac (piano solo) “Đêm Việt Nam” (piano solo), “Vietnamese Rhapsody” (đại hòa tấu), “Vietnamese Overture” (đại hòa tấu), “Cuộc Tình Chúng Ta” (liên khúc dân ca miền Nam: đại hợp ca hòa tấu), và nhiều nhạc phẩm khác.

Tại Hoa Kỳ ông Lê Văn Khoa đã đạt được một trong các mục tiêu văn hóa mà ông kỳ vọng là dùng âm nhạc như thứ ngôn ngữ không biên giới để làm cho dân tộc Hoa Kỳ hiểu nhạc Việt Nam. Đây không phải là một mục tiêu dễ đạt vì người Mỹ không hiểu lời ca Việt, và họ chỉ hiểu được, thông cảm được nếu nhạc của chúng ta diễn tả được.

Sau khi chương trình Nhạc Vàng Lê Văn Khoa được trình diễn lần đầu cho một cử tọa Mỹ, báo chí Mỹ đã phê bình chương trình ấy bằng nhận xét "...The American in the audience had to be satisfied simply with the music coming from a fine orchestra led by Lê Văn Khoa, and vocal since lyrics were in Vietnamese. The voices were of the same quality that please the occidental ears.”

Sự thành công của ông Lê Văn Khoa khi làm cho thính giả Hoa Kỳ hiểu và thông cảm được nhạc Việt, được diễn tả rõ nhất qua nhận xét của bà Joanne McClure (cao học âm nhạc tại California) khi bà nghe Kim Tước hát lúc làm “mixing” ở studio tại San Diego, cho băng nhạc “Tiếng Chiều Rơi”. Bà nói: "Nhạc hay quá. Tôi không hiểu lời ca và cũng không cần hiểu. Nhạc hay đã làm tôi nổi da gà từng chặp theo biến chuyển của nhạc. Thật tuyệt. Absolutely beautiful!”

Với những thành tích quá đầy đủ ấy, ông Lê Văn Khoa luôn luôn nhấn mạnh cho giới trẻ Việt Nam biết rằng nhạc Việt Nam có giá trị lớn khi được viết, được trình tấu đúng mức, và khía cạnh hòa tấu có thể dùng để phong phú hóa nhạc Việt, để người bản xứ không hẹp hòi và võ đoán kết luận rằng nhạc Việt Nam chỉ gồm có nhạc phòng trà và nhạc khiêu vũ mà thôi. Để đạt được mức độ ấy, người viết nhạc Việt cần học hỏi thấu đáo, không nên quan niệm viết nhạc là viết bừa bãi, và đừng cho là chỉ cần "mò mẫm" trên một cây lục huyện cầm là tự mãn rồi.

Cuối năm 1983, ông Lê Văn Khoa phát hành cuốn băng nhạc Việt Nam “Tiếng Chiều Rơi”, một công trình nghệ thuật chỉ ra đời sau gần 5 năm dò dẫm, một năm chuẩn bị với phí tổn lớn hơn phí tổn một cuốn băng thương mại đến hàng chục lần. . . Nhưng điều làm chúng tôi chú ý nhất về cuốn băng là giá trị văn hóa của nó. Thứ nhất, tinh thần tự trọng của ông Lê Văn Khoa khi tìm mọi cách trả tiền tác quyền cho các tác giả có ca khúc được ông lựa để thâu thanh. Nhạc sĩ Vũ Thành An còn bị giam tại miền Bắc Việt Nam, nhưng tiền tác quyền vẫn được ông Khoa chuyển cho người chị ruột của nhạc sĩ An ở Sài-Gòn. Người ta tự hỏi người Việt chúng ta còn được bao nhiêu người lương thiện như ông Khoa, khi hàng ngày chúng ta bị bao vây bởi hằng ngàn tên đạo tặc văn hóa chuyên nghề cướp công lao của văn nghệ sĩ, tái bản bừa bãi, tái bản cả những cuốn sách mà tác giả hiện có mặt tại Mỹ mà không hề trả một khoản tiền nhỏ nào cho tác giả. Trong đó có sách của ông Lê Văn Khoa.

Thứ hai là sự kính trọng người nghe khi cuốn băng được thực hiện với những săn sóc tối đa về kỹ thuật cũng như về nghệ thuật. Chỉ mới thấy có ông Lê Văn Khoa là dám tuyển một dàn nhạc đại hòa tấu gồm 30 nhạc công người Mỹ. Riêng thù lao cho dàn nhạc này đã là một phí khoản ghê gớm rồi, chưa nói đến những phí tổn khác...

Thứ ba là kết quả cuộc thí nghiệm "Người Việt viện trợ cho người Việt".  Đây là cuộc thí nghiệm về sự cộng tác cao đẹp của những người muốn nêu cao danh dự của người Việt bằng khí giới văn hóa. Có những người hát không chịu lấy tiền thù lao mà còn tự nguyện đóng góp vào chi phí chung nữa. Những thân hữu cho mượn tiền để sản xuất cuộn băng này đều không ai băn khoăn về thời hạn mà ông Khoa sẽ trả nợ. Họ đều biết rằng đây là cuộc đầu tư cho danh dự người Việt, và sự đầu tư ấy không nên được đánh giá bằng vật chất của người trần tục. Đó là lá phiếu văn hóa của họ dồn cho ông Khoa để tỏ lòng tin cậy vai trò cao cả và khó khăn của ông ta, và lá phiếu ấy là phần thưởng đẹp nhất để an ủi những hy sinh phi thường của ông ta trong bao nhiêu năm bền bỉ đóng góp cho văn hóa và danh dự của dân tộc, trong hoàn cảnh chịu đựng khắc kỷ ít có ai theo nổi một phần nhỏ của cuộc trường chinh văn hóa ấy.

Uy tín văn hóa của ông Lê Văn Khoa đã đưa tới điều tất nhiên: đạo diễn lừng danh của điện ảnh Mỹ, ông Louis Malle (gốc Pháp) đã mời ông Khoa cộng tác thực hiện cuộn phim “Alamo Bay”, điện ảnh hóa chuyện anh Nguyên Văn Sáu bắn chết tên Joe Aplin tại Seadrift, Texas, năm 1979. Ông Khoa thủ vai linh mục Kỳ của một đoàn người tị nạn Việt Nam theo đạo Công giáo, định cư tại vùng chài lưới được gọi là Alamo. Đó không phải là một vai lớn. Nhưng đạo diễn Malle chờ đợi ở ông Khoa một vai trò quan trọng hơn thế nhiều, vai trò cố vấn cho Louis Malle về khía cạnh văn hóa Việt Nam cho cuộn phim Alamo Bay. Ông Khoa đã không phụ lòng mong mỏi của Louis Malle. Ngoài việc áp dụng những khuyến cáo hữu ích và thiết thực của ông Khoa cho cuộn phim Alamo Bay, đạo diễn Louis Malle còn hứa với ông Khoa là sẽ cố gắng nhiều hơn nữa để làm cho thế giới hiểu rõ thân phận của người tị nạn Việt Nam ở xứ người...

Sau khi cộng tác với đạo diễn Malle, ông Lê Văn Khoa lại lao mình vào cuộc chiến bạc bẽo khác, quan trọng hơn và cũng khó khăn hơn nhiều. Đó là chuẩn bị để chận trước một cuộc tấn công qui mô bằng văn hóa mà chắc chắn Hà Nội sẽ mở ra ngay sau khi chúng được nước Mỹ chấp nhận việc bình thường hóa liên lạc. Khí giới sơ khởi và sơ đẳng là những cuộn phim, những băng video về nước Việt Nam, trình bày theo quan điểm và lập trường của người Việt quốc gia để cung cấp chất liệu cho các thư viện, các đại học Mỹ, hầu giúp dân tộc Mỹ tránh được một cuộc nhồi sọ của chính quyền Hà Nội là thứ chính quyền nổi tiếng xảo quyệt về thủ đoạn dùng khí giới văn hóa tuyên truyền chạy tội các tội ác hết sức man rợ của chính phủ Hà Nội.

Một số thân hữu và đồng bào đã từng bỏ lá phiếu văn hóa tín nhiệm ông ta trong công trình sản xuất cuốn băng "Tiếng Chiều Rơi". Cuộc chiến lần này qui mô hơn nhiều và nguy hiểm hơn nhiều, vì nếu không ra tay trước, những hậu quả của một cuộc tấn công văn hóa của Hà Nội trực tiếp ngay trên đắt Mỹ sẽ vô cùng tai hại cho an toàn chính trị và an toàn văn hóa của mọi người Việt quốc gia sống trên đất Mỹ. Ông Khoa đang ráo riết trình bày nhu cầu khẩn thiết này với mọi người quan tâm đến sự đối phó với những hậu quả của một cuộc bình thường hóa giữa Hà Nội và chính phủ Mỹ. Có những vấn đề không đòi hỏi một ngân khoản to lớn mà vẫn làm được để giáng một đòn chí tử cho chính quyền Hà Nội. Thí dụ chỉ cần vài ngàn Mỹ kim là ông Khoa có thể thực hiện được một phim tài liệu chống cộng một cách sâu sắc, qua khí giới văn hóa. Cũng có thể nghĩ tới việc sản xuất phim video về đề tài Việt Nam, hoặc đề tài nói lên sự tàn ác của chính quyền cộng sản tại Việt Nam, chưa kể những cuộn phim loại ngắn để giới thiệu văn hóa Việt Nam, hoặc ngay cả sự nói lên lòng biết ơn của người tị nạn Việt Nam đối với nước Mỹ và nhân dân Mỹ bằng cách trình bày những thành tích rực rỡ của người Việt trên đất Mỹ trong nhiều lãnh vực...

Một trong các hoạt động mới nhất của ông Lê Văn Khoa là việc dùng âm nhạc làm khí giới chống vong bản nơi thế hệ trẻ của người Việt lưu vong. Cuộc thí nghiệm này mới bắt đầu khoảng hơn hai năm nay, nhưng đã mang lại một vài kết quả khả quan qua chương trình huấn luyện và hướng dẫn một số trẻ em Việt Nam tại phía nam tiểu bang California.

Trong chương trình dài hạn này, không phải ông Khoa chỉ có thuần túy dạy các em về âm nhạc. Ông còn dạy các em về đạo lý, về văn hóa và lịch sử Việt Nam. Tóm lại, đây là một chương trình dạy các em làm người Việt Nam và hãnh diện được là người Việt Nam.

Ông Lê Văn Khoa đang dạy một số em nhỏ Việt Nam có năng khiếu âm nhạc học về kỹ thuật và nghệ thuật trình tấu, hoặc sáng tác nhạc, hướng dẫn để các em tuy đã được học nhạc Tây phương nhưng vẫn biết yêu nhạc Việt Nam (nhờ các nhạc khúc Việt Nam được ông Khoa soạn hòa âm để các em chơi trên dương cầm), biết yêu quê hương Việt Nam và biết yêu tiếng mẹ.

Cha mẹ các em nhỏ này rất mừng mà thấy ông Lê Vân Khoa đã thực sự thành công qua sự hướng dẫn bằng âm nhạc để làm cho các em gần gũi với cha mẹ các em hơn, tóm lại, về nhiều phương diện là đã đẩy lui nguy cơ đồng hóa và vong bản tại xứ người nơi thế hệ trẻ Việt.

Thờ ơ, thụ động và hoài nghi đã ngự trị trong quần chúng Việt Nam quá lâu và chiều hướng tai hại ấy chưa có hy vọng chấm dứt. Hãy nên mong mỏi rằng những hy sinh khắc kỷ và những nỗ lực bền bỉ của ông Lê Văn Khoa trên mặt trận văn hóa sẽ là động lực thúc đẩy người Việt hải ngoại chữa được ba căn bệnh trầm trọng và tai hại kia để cùng với ông Lê Vân Khoa nỗ lực bảo vệ và thực hiện an toàn chung cho người Việt.

Viện trợ của người ngoài luôn luôn kèm theo những điều kiện trói buộc và ô nhục. Chỉ có viện trợ của người Việt cho người Việt để bảo vệ danh dự Việt là thứ viện trợ cao quý nhất.
.
 
Về Đầu Trang Go down
PVChuong
Admin



Posts : 673
Join date : 25/04/2012

Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính   Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính Icon_minitimeThu Jul 21, 2016 12:05 pm


Lê Văn Khoa, người mang âm nhạc Việt ra thế giới


Quốc Dũng/Người Việt
July 17, 2016

Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính Le-Van-Khoa_1
Nhạc sĩ Lê Văn Khoa bên những người bạn, học trò trong ngày mừng sinh nhật lần thứ 83. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

SANTA ANA, California (NV) – Lâu lắm rồi tôi mới được dự một tiệc sinh nhật ấm cúng, tình cảm, ngập tràn trong những âm thanh êm dịu, du dương của tiếng đàn guitar, cùng lời ca, tiếng hát, và cả những lời tâm tình tự đáy con tim mà không hề hoa mỹ. Ở nơi đó, một người mà mọi người trìu mến gọi bằng thầy, bằng anh Lê Văn Khoa, dù ông đã 83 tuổi, nhưng ẩn trong cái dáng hiền hòa, đôi mắt sáng và nụ cười tươi vui, thân thiện là cả một tâm hồn rộng lớn, vẫn ngày ngày âm thầm tư duy, làm việc không biết mệt mỏi cho các hoạt động về âm nhạc, văn học và nghệ thuật.

Có đến đây, tôi mới hiểu vì sao nhạc sĩ Lê Văn Khoa được mọi người trân quý như vậy. Không tự dưng mà chị Lưu Thùy Vân, giảng viên của Trung Tâm Việt Ngữ Văn Lang ở San Diego, bỏ thì giờ chạy lên tới Orange County để mang chiếc bánh sinh nhật đến nhà hàng Majesty, Santa Ana, từ sáng sớm Chủ Nhật, 17 Tháng Bảy, rồi cặm cụi trang trí cho xong, rồi quày quả trở về mà không kịp ở lại dự sinh nhật ông.

Chị nói: “Mình phải về để kịp dạy cho các cháu. Được gặp nhạc sĩ Lê Văn Khoa, được ông nhận món quà này là mình vui rồi. Tuổi thơ của mình lớn lên từ chương trình ‘Thế Giới Của Trẻ Em’ trước năm 1975 của ông ở Việt Nam, không ngờ sang Mỹ cũng có dịp được gặp ông. Ông có một khối kiến thức uyên bác, đầy óc sáng tạo, đã cống hiến những khám phá cho đời, cho người về âm nhạc học và mỹ thuật từ Việt Nam sang đến Hoa Kỳ. Mình không biết diễn tả được điều mình quý mến ông như thế nào nữa, tất cả là trân trọng một người mà mình luôn gọi bằng thầy, vì ông có nhân cách cao đẹp.”

1. Không phải tự nhiên mà ông lại được học trò làm sinh nhật cho mình, nếu ông không phải là một người đa tài, đa năng, đa hiệu, và cả đa tình nữa! Cho dù có nhiều “đa” như vậy, nhưng ông lại rất khiêm tốn. Trò chuyện với tôi, ông nói: “Tôi không thích gọi là thầy, giáo sư này nọ. Nói thật, nhiều khi nghe gọi vậy tôi còn thấy ngượng. Tại sao không gọi nhau bằng anh em như anh em một nhà đi, tôi thấy thoải mái hơn.”

Chia sẻ điều này, nhạc trưởng Nguyễn Khánh Hồng nói: “Mặc dù tuổi tác cách xa nhiều, nhưng anh nói âm nhạc thì không phân biệt tuổi tác, đã bước vào âm nhạc đều là anh em với nhau, học hỏi nhau và thương yêu nhau. Bên cạnh anh, tôi học hỏi ở anh rất nhiều. Học hỏi nhất là tâm tình và tinh thần âm nhạc của anh. Anh là người đã bỏ hết trái tim của mình vào âm nhạc, mà không bao giờ nghĩ đến vụ lợi. Anh lại là người luôn cởi mở, biết lắng nghe, hòa nhã trong cách ứng xử, nên ai ai cũng ái mộ.”

Họa sĩ Lưu Anh Tuấn, thành viên ban tổ chức, cho biết: “Chúng tôi là một nhóm anh em như MC Vanessa Hồng Vân, ca sĩ Nguyễn Cao Nam Trân, nhiếp ảnh gia Thiên Sơn, guitarist Nguyễn Phương Thảo, họa sĩ Lưu Anh Tuấn, thi sĩ Phạm Lưu Đạt, qua những năm sinh hoạt cùng thầy với lòng yêu mến, thương mến, kính mến thầy, chúng tôi hội ngộ với nhau để tổ chức buổi sinh nhật cho thầy. Anh em nghệ sĩ chúng tôi chỉ biết đóng góp tiếng hát, tiếng đàn của mình làm món quà tinh thần tặng thầy.”

Và tại buổi sinh nhật ấm tình anh em, thầy trò này, trông ông rất rạng rỡ. Phải chăng do âm nhạc đã níu tuổi già của ông lại? Bởi vì ai cũng biết, với Lê Văn Khoa, có lẽ âm nhạc là nguồn sống, và nhiếp ảnh cũng là một trong những cứu cánh để ông có thể thăng hoa trong việc sáng tác của mình.

Nhìn lại cuộc đời nghệ thuật của mình, ông không nói nhiều. Nhưng tự nhiều người đều biết đến ông qua những nhạc khúc trình tấu trên khắp thế giới, và đồng thời lại dành rất nhiều thời gian cho trẻ em, với những chương trình thiếu nhi từ năm 1968 đến 1975 tại Việt Nam. Tại buổi sinh nhật này, nhiều ca sĩ như Ngọc Hà, Vũ Anh, Như An, Vương Lan, Hồng Tước, Lê Hồng Quang, Nguyễn Cao Nam Trân, Teresa Mai… đã giúp ông trở về với những sáng tác của mình.

Ngồi nghe nhạc phẩm “Trăng Thu” của mình, ánh mắt ông sáng rỡ, nhưng buồn xa xăm. Bởi vì ông nhớ đến quê nhà của mình. Đây là một trong những sáng tác vào năm 1981 của ông sau nhiều năm định cư tại Hoa Kỳ. Lúc đó, tại San Diego, khi nhìn thấy ánh trăng thu thật đẹp tại một nơi rất bình an, với một cuộc sống an lành nhưng ông không quên nhớ đến quê nhà của mình, và ông đã nhân cách hóa ánh trăng đó để cùng chiếu rọi lại mảnh đất quê hương Việt Nam.

Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính Le-Van-Khoa_3
Cận ảnh nhạc sĩ Lê Văn Khoa đang chỉ huy dàn nhạc giao hưởng năm 2013. (Hình: Lê Văn Khoa cung cấp)

2. Trong tiệc sinh nhật, nhà văn Phạm Xuân Đài tâm sự: “Tôi với anh Lê Văn Khoa không biết nhau từ trước 1975. Tôi biết tiếng về anh thì rất nhiều, nhưng quen biết thì chưa. Mãi tới năm 1995, chúng tôi mới có dịp làm việc chung với nhau về văn học nghệ thuật cùng với Quỳnh Giao, Lê Đình Điểu, Vũ Ánh, Hoàng Trọng Thụy… Đúng năm 1995, cũng là năm anh làm xong bản ‘Symphony Vietnam 1975’ và lúc bấy giờ chỉ có Quỳnh Giao viết được một bài phân tích về buổi trình diễn đó của anh.”

Nhà văn trích bài viết của tác giả Quỳnh Giao như một khẳng định về tài nghệ của nhạc sĩ Lê Văn Khoa: “Hồi tưởng lại sự cảm nhận của mình khi nghe hòa nhạc chúng tôi thấy rằng, quả Lê Văn Khoa đã chọn cho ông con đường khó. Ông đã lấy biến cố lớn lao của đất nước làm cảm hứng sáng tác sau 20 năm tưởng như đã lắng đọng. Nhưng dù 20 năm đã qua, biến cố ấy vẫn còn bừng bừng trong tâm tư của chúng ta. Lê Văn Khoa lại chọn một thể loại trừu tượng và cầu toàn nhất là nhạc không lời để diễn tả những cảm xúc và suy tư của mình về một biến cố chỉ riêng người Việt Nam mới thấm thía tới tâm can. Nhưng khác một số nghệ sĩ sáng tác Việt Nam, ông không đi thẳng vào thế giới âm nhạc không lời hiện vẫn là vùng ngự trị của nhạc cổ điển Tây phương, tức là viết một tác phẩm mang nhiều âm sắc Tây phương. Ông ngoái nhìn lại và cố bắt một nhịp cầu dẫn thính giả Việt Nam đi từ những giai điệu đã quen tai văng vẳng có lời ru, tiếng hò tới những vùng âm thanh mới lạ hơn. Ông cố hòa hợp giai điệu ngũ cung của nhạc truyền thống Việt Nam với cái đại đồng của âm nhạc không biên giới. Lê Văn Khoa cũng cố tình viết từng cảnh thu nhỏ và sắc nét được minh họa bằng dân ca quen thuộc để người nghe dễ tiếp nhận một tác phẩm diễn tả những biến cố đau thương của đất nước bằng ngôn ngữ toàn cầu là nhạc…”

Và nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã nhìn nhận mình là “chơi nhạc khác hơn người khác.” Ông nói: “Nói theo lối định nghĩa của Việt Nam, nhạc Việt là những ca khúc Việt Nam có lời ca đi theo nốt nhạc. Còn nhạc của tôi thì vượt khỏi cái đó, không cần lời ca nữa, mà có thể chơi với một dàn nhạc giao hưởng lớn cả trăm người. Mục đích của tôi là đưa nhạc Việt đi ra với thế giới, chứ không phải mình chơi với nhau không. Mình chơi với nhau thì quý đó, nhưng làm sao cho thế giới phải biết về mình nữa.”

Năm 1973, ông từng có nhiều buổi nói chuyện với Giáo Sư Nguyễn Hữu Ba, một chuyên gia về cổ nhạc Việt Nam. “Tôi gặp ông để hỏi làm sao đưa nhạc Việt ra ngoài, nhất là nhạc dân tộc của mình. Tuy nhiên, buổi nói chuyện đó chúng tôi không thuận nhau. Bởi vì quan điểm của ông, nhạc cổ truyền của mình phải chơi bằng nhạc cụ dân tộc. Tôi thì ngược lại, muốn người ta chơi nhạc của mình thì mình phải làm sao viết cho họ chơi được bằng nhạc cụ của họ,” ông kể.

“Tôi quan niệm âm nhạc là một thứ ngôn ngữ, và tôi thấy rằng chung quanh mình có nhiều người nói ngôn ngữ khác nhau. Mình muốn nói chuyện với nhóm người nào thì phải dùng ngôn ngữ đó mới nói được. Âm nhạc cũng vậy, muốn người khác hiểu nhạc của mình thì phải dùng âm nhạc của chính họ. Do đó, tôi muốn đưa nhạc Việt mình ra thế giới, nhất là với nhạc giao hưởng. Muốn vậy thì mình phải có những tác phẩm nhạc giao hưởng thì người ta mới chịu nhìn tới mình. Chứ ca khúc mình thì người ta đâu có hiểu lời. Nhạc mình chỉ viết mỗi cái giai điệu thôi, nếu đưa dàn nhạc giao hưởng 120 người ngồi đó thì không ai chơi được. Và ‘Symphony Vietnam 1975’ hay ‘Đại Tấu Khúc Việt Nam 1975’ ra đời từ đó,” ông cho hay.

Vậy là không chỉ mày mò sáng tác, ông còn lồng những điệu dân ca của Việt Nam vào trong nhạc của mình. “Họ chơi được và rất là thú. Nhờ vậy nên giờ có nhiều ban nhạc ở Đông Âu, Châu Âu, Úc, Mỹ chơi nhạc Việt Nam. Ví dụ tác phẩm ‘Symphony Vietnam 1975’ tôi viết lịch sử Việt Nam bằng âm nhạc. Người không biết tiếng Việt khi nghe vẫn hiểu được tâm trạng của mình, là những diễn biến xảy ra trong lịch sử Việt Nam,” ông kể.

“Tác phẩm đó được trình diễn ở nhiều nơi. Thí dụ dàn nhạc giao hưởng hoàng gia ở Melbourne, Úc, họ trình diễn vào năm 2005 và tôi được đài phát thanh Úc khen. Họ bảo rằng lần đầu tiên dàn nhạc 150 năm của họ mới chơi nhạc của một người sáng tác ở Việt Nam. Họ hiểu ‘Symphony Vietnam 1975’ là một  câu chuyện có thật, về một con người có thật, và những diễn biến có thật. Rồi viện bảo tàng của Úc có lưu giữ của tôi một bản Symphony này. Họ xin phép lưu giữ để làm tài liệu cho những người muốn khảo cứu,” ông kể tiếp.

Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính Le-Van-Khoa_2
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (giữa) trao giải thưởng văn học nghệ thuật năm 1970 cho ông Lê Văn Khoa. (Hình: Lê Văn Khoa cung cấp)

3. Ông kể, từ hồi nhỏ ông đã thích nhạc rồi nhưng không có điều kiện học, mọi thứ đều tự học bằng lối học mò, không có thầy, không có bài gì hết. Năm 13-14 tuổi, một lần ông lượm được quyển sách nhạc lý của trường Pháp vứt ra, càng đọc ông càng mê và căn cứ vào đó để học. Trong sách có dạy đàn piano, không có tiền mua đàn, ông tự vẽ phím trên mặt bàn rồi lấy tay đàn theo, và tưởng tượng âm thanh văng vẳng bên tai.

Vài năm sau ông mới có dịp đặt tay lên cây đàn thật. Đó là lần ông vào nhà thờ và “thấy cây đàn cám dỗ quá nên tôi mới đến đàn thử. Khi bấm vô phím ra tiếng thật, làm tôi giật mình, bởi vì ở nhà mình bấm trên bàn gỗ đâu ra tiếng. Tôi mê mẩn ngồi đó đàn cho đến khi có một bàn tay đặt lên vai mình. Giật mình tôi đứng dậy nhưng bị nhấn ngồi xuống,” ông kể.

“Nhanh chóng, người nhấn tôi ngồi xuống qua ngồi bên cây đàn đối diện và ra hiệu cho tôi song tấu cùng cả nửa tiếng đồng hồ. Người song tấu cùng tôi là một người Mỹ, bà là vợ một ông mục sư trong giáo hội, còn tôi là một giáo dân. Sau đó bà hỏi tôi học đàn ở đâu, khi biết tôi tôi tự học nhạc bà rất ngạc nhiên và dặn tôi cứ đến để bà dạy đàn không lấy tiền,” ông kể thêm.

Đến năm 1953, khi 20 tuổi, ông đoạt giải sáng tác nhạc. Cũng trong giai đoạn này ông bắt đầu để ý đến nhiếp ảnh, bởi vì “Tôi ưa thích nghệ thuật, ưa thích tìm tòi, khai phá. Trong vấn đề khai phá, ngoài ảnh theo lối chân phương của mình chụp sao ra vậy, tôi lại biến hóa nó đi, thành ra có nhiều sắc thái lạ lắm,” ông tâm sự.

Chơi về nhiếp ảnh ông chiếm nhiều giải thưởng, ngoài huy chương vàng, bạc, đồng thì hai giải thưởng lớn hơn hết ông đạt được là giải thưởng danh dự, từ năm 1963 đến 1968. Từ năm 1968 ông lập Hội Ảnh Nghệ Thuật Việt Nam, hội quy tụ những tay nhiếp ảnh trẻ ở cả miền Nam, và mỗi lần đi dự thi quốc tế đều chiếm giải thưởng rất nhiều. Báo chí lúc bấy giờ gọi hội ảnh của ông là “Hội Ảnh Tài Phiệt Huy Chương Quốc Tế.”

Năm 1970 ông dự thi giải văn học nghệ thuật của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cả âm nhạc lẫn nhiếp ảnh và đều đoạt giải. Ông nói: “Lúc đó ông Thiệu ngạc nhiên lắm, và đến nay tôi mới được người ta gửi cho tấm hình ngày xưa lúc ông Thiệu trao giải rồi bắt tay tôi. Tấm hình này chưa có báo chí nào ở hải ngoại dùng, và ngay cả trong sách của tôi cũng chưa có để in.”

Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính Le-Van-Khoa_4
Albert, hình chụp năm 2002, trong bộ “Do You See What I See” của Lê Văn Khoa. (Hình: Lê Văn Khoa cung cấp)

4. Cùng với âm nhạc và nhiếp ảnh, mọi người còn biết đến ông với chương trình truyền hình có tên “Thế Giới Của Trẻ Em” trên đài truyền hình Việt Nam 9 vào Tháng Mười, 1967. Chương trình đó ông dạy trẻ em ngoài lễ độ, văn hóa, còn khám phá nhiều cái khác về khoa học, âm nhạc, vệ sinh y tế… Ông khuyến khích các em nhỏ phát triển năng khiếu nghệ thuật bằng cách thi vẽ, thi nắn tượng, kể chuyện phim, đố nát óc… Ông đã để các em tham gia trong chương trình thật tự nhiên, để từ đó trẻ em xem chương trình ở nhà cũng cảm thấy mình là người trong cuộc, cũng có những vấp váp, sơ hở y như các bạn trên màn ảnh nhỏ.

Ông bảo rằng: “Tôi muốn thấy và nghe tiếng cười thơ ngây trên những gương mặt hồn nhiên của các em. Bởi vì, bom đạn đã làm nụ cười của các em không tươi lên được, thì đến với chương trình, các em phải thật sự vui. Thêm vào đó, tôi muốn chia sẻ với các em những gì mình hiểu biết trong hoàn cảnh khó khăn và bất an của xã hội lúc bấy giờ. Và hơn hết, tôi muốn lấp khoảng trống trong các em, vì lúc đó có gia đình, con mất cha, vợ mất chồng vì cuộc chiến.”

Có lẽ, những điều đó cũng để khỏa lấp tâm hồn ông. Bởi vì, ông vốn là đứa con mồ côi mẹ từ năm 11 tuổi, nên ông hiểu được sự thiếu vắng người thân sẽ ảnh hưởng đến trẻ thơ như thế nào.

Cùng thời gian làm chương trình trên truyền hình, công việc chính của ông là trưởng ban biên tập cho nhà xuất bản Thời Triệu, một nhà xuất bản tôn giáo chỉ in sách về giáo dục và tôn giáo, không in tiểu thuyết này kia.

Biến cố 1975 xảy ra, như bao người khác, ông tìm đường đến Mỹ. Người bảo trợ cho ông là một tiến sĩ về thực phẩm cho các trại nuôi thú vật ở Maryland. “Thỉnh thoảng cuối tuần họ tổ chức tiệc ăn uống và mời tôi tham gia. Khi tôi nói chuyện với họ thì họ ngạc nhiên quá. Bởi vì đề cập đến vấn đề gì tôi cũng nói được. Ông tiến sĩ mới nói, anh đâu phải ở chỗ này. Rồi ông tự động viết thư gửi đi các nơi. Nhờ đó trường đại học Salisbury University ở Maryland phỏng vấn và mời tôi dạy nhiếp ảnh,” ông cho biết.

Ông là nhiếp ảnh gia người Việt duy nhất trong cuộc tuyển chọn để triển lãm ảnh do bảo tàng viện nghệ thuật Baltimore ở Maryland thực hiện, lấy tên là “Five From the Eastern Shore.” Cả bốn người kia đều là họa sĩ Mỹ. Hiện bảo tàng viện này còn lưu giữ sáu tác phẩm nhiếp ảnh của ông, và trường đại học Amherst College ở Massachusetts cũng lưu giữ một số ảnh của ông.

Một thời gian sau, ông làm việc cho một cơ quan giúp người Việt Nam mới đến Mỹ ở San Francisco. Tuy nhiên, ông bỏ nơi này vì trong dự án mới để xin tiền, họ nói về người Việt đến Mỹ là do “không biết gì hết và nghèo đói nên cần được hướng dẫn để xin trợ cấp.” Ông lý luận rằng: “Tại sao không nói người Việt Nam có khả năng lớn nhưng cần được giúp đỡ lúc đầu để họ có thể tự túc và đóng góp vào xã hội?” Nhưng nơi ông làm việc nói rằng nếu nói vậy thì không xin tiền được.

Không đồng quan điểm, ông từ nhiệm và đi San Diego để làm thợ in. Sau đó ông hoạt động theo sở trường của mình là âm nhạc và nhiếp ảnh cho đến ngày nay.

Và rồi, như tâm sự của nhiếp ảnh gia Thái Đắc Nhã, người đã có 50 năm kề cận ông Lê Văn Khoa: “Tôi là người đi theo anh Khoa quá lâu, thành ra hiểu được những nỗi vui, cũng như rất buồn của anh Khoa. Đối với bề ngoài, anh Khoa nổi tiếng, được mọi người thương, mọi người tôn trọng. Nhưng bên trong, anh là người rất khổ, chứ không phải sung sướng như mọi người tưởng.”

“Anh đã quên tiền bạc để lo cho văn hóa, anh là một chiến sĩ không cầm súng nhưng lúc nào cũng bỏ hết tâm huyết để lo cho đất nước. Thành ra vợ anh cũng không lấy làm vui, mà rất buồn. Tôi có nói với vợ anh, có rất nhiều người thành công, giàu có… và họ đếm được rất nhiều. Nhưng người như anh Khoa thì không đếm được mấy người như anh, nên chị cũng nên hãnh diện và đừng buồn,” ông kể.

Nhạc sĩ Lê Văn Khoa chia sẻ: “Tôi sống được đến hôm nay là đặc ân hết sức quan trọng của ơn trên. Tôi có bổn phận phải làm sao để làm được cái gì đó, bởi vì khi Trời, Phật cho mình sống được như vậy có nghĩa là có một sứ mạng cho mình. Mình phải tìm hiểu sứ mạng đó là gì và mình có bổn phận phải làm. Tôi nghĩ, một trong những sứ mạng quan trọng đó là làm việc nghệ thuật. Thành ra tôi cố làm sao để phát triển được và giúp đỡ những anh em khác cũng có thể phát triển ở trong lĩnh vực đó. Vì xã hội mình mênh mông lắm, mỗi người một khía cạnh, ráp lại thì thành hình. Còn mình tưởng mình là trùm hết thì không làm được gì hết.”

“Hiện tại tôi còn nhiều sáng tác dang dở, tôi không biết làm sao. Tôi hy vọng rằng mình có thể kết thúc được một phần nào đó những gì còn dang dở trước khi nhắm mắt. Đối với cá nhân tôi, cái khó nhất là tài chính. Nếu không có tài chính thì không làm được gì cả. Tôi sống với tiền lão thì đâu có bao nhiêu, có nhiều cái làm được cũng không làm được. Như tôi mong muốn làm một triển lãm trong thời gian tới…” ông tâm sự.

Có mặt tại buổi sinh nhật, Thị Trưởng Westminster Tạ Đức Trí nói: “Phát triển về nghệ thuật và nhiếp ảnh, cũng là phát triển văn hóa. Dân tộc chúng ta muốn hùng mạnh thì văn hóa phải được phát triển, phải được quảng bá. Giáo Sư Lê Văn Khoa là người đã và đang quảng bá văn hóa nghệ thuật qua hình thức âm nhạc và nhiếp ảnh. Theo thiển nghĩ của tôi, nghệ thuật là cảm xúc của con tim, và nghệ thuật phải hòa vào chân ngã của vũ trụ. Giáo sư là một người cả cuộc đời đã cống hiến cho nghệ thuật. Chính sự cống hiến của ông đã giúp cho văn hóa Việt Nam đã và đang phát triển khắp nơi trên thế giới.”

—–
Liên lạc tác giả: truong.dung@nguoi-viet.com
.
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content





Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính   Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
Lê Văn Khoa: Nghệ Sĩ Đa Năng, Nhà Giáo Dục Đáng Kính
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon  :: ĐỀ TÀI :: Người và Việc :: Người tốt, việc tốt-
Chuyển đến