Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon

Diễn Đàn của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Keywords
Nguyen nguyet không nhac Chung ngam Saigon chẳng Nhung quốc chất hoang phải truyện sáng quang chuyen quan trong linh VNCH ngắn thuoc bich quynh Trung
Latest topics
» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:38 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» qua đi thôi bão nổi
Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc Icon_minitimeSat Mar 11, 2023 3:11 am by Admin

» Cụ Hoang Xuân Hãn
Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc Icon_minitimeSun May 08, 2022 10:37 pm by Admin

» Giáo dục VNCH - Giáo dục con đường khai phóng
Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc Icon_minitimeMon Jan 10, 2022 4:06 am by Admin

» Suy tư về kiếp người - Về Cùng Cát Bụi
Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc Icon_minitimeSun Jan 09, 2022 4:25 am by Admin

» AI ĐÃ HẠ GỤC CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN?
Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc Icon_minitimeSat Jan 08, 2022 2:41 am by Admin

» NHẠC THIỀN - Cõi Thiền trong Âm Nhạc
Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc Icon_minitimeThu Jan 06, 2022 4:11 am by Admin

April 2024
MonTueWedThuFriSatSun
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930     
CalendarCalendar
Affiliates
free forum

Affiliates
free forum


 

 Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc

Go down 
Tác giảThông điệp
dinhvu
Khách viếng thăm




Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc Empty
Bài gửiTiêu đề: Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc   Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc Icon_minitimeTue Dec 25, 2012 3:14 pm

Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc 

Vũ Thị Phương Anh


Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc VTT-75-OCT-14-LOGO-VERTICAL


Bên Thắng Cuộc của Huy Đức từ lúc gần ra đời đến nay đã làm xôn xao dư luận – nói như một học giả người Mỹ trong Vietnam Studies Group (từ ĐH Washington) thì cuốn sách là một sensation. Người khen thì rất nhiều, kẻ chê cũng không ít, nhưng dù yêu dù ghét thì mọi người đều phải đồng ý một điều: đây là cuốn sách đầy đủ nhất về lịch sử VN sau năm 1975, cho dù tất nhiên vẫn rất phiến diện, như chính tác giả cũng thừa nhận và dự liệu.

Như rất nhiều người Việt khác ở trong và ngoài nước, tôi cũng háo hức tìm và đọc cuốn sách này. Vì cuốn sách rất dày, nên tôi chỉ mới lướt qua toàn bộ cuốn sách (Phần 1: Giải phóng) và đọc kỹ những phần mình quan tâm nhất, đó là những chương về cuộc sống ở SG sau năm 75, trong đó có các chương mà nhiều người khen hay như các chương Cải tạo, Đánh tư sản, Nạn kiều. Nhưng có lẽ không giống với nhiều người khác, tôi không có ấn tượng gì mấy về những chương vừa nêu. Những chi tiết trong các chương ấy đa phần tôi đã biết quá rõ và gần như có thể tự viết ra được mà chỉ dựa vào trí nhớ. Vì đó chính là một phần không bao giờ quên được của cuộc đời tôi.

Trước khi “giải phóng”, tôi chỉ là một đứa trẻ con chưa đầy 15 tuổi, nhưng sau ngày 30/4/1975 tôi đã từ vai trò một đứa con thứ trong gia đình (tôi thứ ba, có cả anh trai và chị gái, nên hầu như chẳng bao giờ được giao việc gì quan trọng) bỗng trở thành một trụ cột, khi anh chị tôi đi “di tản” theo dòng người đông nghẹt leo lên những chiếc tàu để chở quân nhân Mỹ rời VN vào chiều 29/4/1975. Ba tôi thì làm việc với chế độ mới không được bao lâu rồi xin tự nghỉ việc vì “mất sức lao động”. Ông vốn có bệnh glaucoma (cao nhãn áp) từ trước, đến sau 30/4 thì trở nặng, phải vào Bệnh viện Bình Dân vài lần, tôi và mẹ tôi phải nuôi bệnh khá vất vả, đặc biệt là những ngày sau năm 75 thiếu thốn đủ thứ. Ra viện, ba tôi có đi làm thêm ít lâu nhưng đi làm về rất căng thẳng, hay kêu nhức đầu (từ trước 1975 ông đã bị “thiên đầu thống” tức là đau nửa bên đầu) rồi cuối cùng làm đơn xin nghỉ việc.
 
Lúc ấy, việc tự động xin nghỉ việc của ba tôi đã làm cho mẹ tôi có chút ít oán trách, vì không phải ai cũng được chế độ mới lưu dụng – thậm chí có thể nói là “trọng dụng” như ba tôi: ông là một công chức hành chính rất giỏi của chế độ cũ, tốt nghiệp Học viện Quốc gia Hành chính của VNCH, trước năm 75 làm việc tại Sở Thuế Quận 5 với chức vụ gì đó khá cao, nhưng sau năm 75 sau mấy ngày đi học tập (3 ngày?), ông vẫn được làm việc với chế độ mới. Tôi còn nhớ ông làm tại Phòng Thu Quốc Doanh thuộc Sở Thuế TP HCM với trụ sở đặt trên đường Đồng Khởi, chuyên phụ trách mảng thu thuế của các công ty sản xuất của tư nhân mới được chế độ mới tiếp quản; lúc ấy tôi còn đến đó một vài lần để đưa giấy tờ gì đó trong thời gian ba tôi nằm bệnh viện.
 
Tôi vẫn nhớ trước khi ông quyết định nghỉ thì ba mẹ tôi có tranh cãi với nhau khá nhiều về điều đó, và mẹ tôi cố khuyên ông cố gắng đi làm vì con cái (lúc ấy là tôi) cần có lý lịch “cha (mẹ) làm việc cho nhà nước” để thi đại học, nhưng cuối cùng ông vẫn nghỉ và tôi đã đi thi đại học với cái lý lịch “mẹ buôn bán nhỏ, cha trước 1975 làm việc cho chế độ cũ, sau 1975 đi làm tại…, đến năm 1977 nghỉ việc vì mất sức lao động.”
 
Mãi đến sau này, khi tôi quyết định nghỉ việc khỏi cơ quan cũ (cũng chính là trường đại học mà tôi đã thi vào, đậu, là sinh viên rồi sau đó được giữ lại làm giảng viên đến mấy chục năm) như một hành động phản đối (dù chỉ lặng lẽ và không nói ra cho ai biết), tôi mới nhớ lại hành động nghỉ việc của ba tôi hồi ấy, và tự hỏi, phải chăng ông đã quyết định nghỉ vì không thể chịu nổi những chính sách vô lý, vô nhân của chính quyền mới mà lúc bấy giờ ông phải cam tâm làm người thực hiện, và thậm chí phải đóng vai người tham mưu?
 
Câu hỏi này không ai có thể trả lời cho tôi được, vì cũng như nhiều người thuộc bên thua cuộc còn ở lại VN sau năm 75, ông đã ra đi mang theo tất cả những suy nghĩ của ông về chế độ mới và thời đại mới xuống tuyền đài mà không kịp chia sẻ cho ai.
 
Cũng vì rút hồ sơ để nghỉ việc nên tôi mới có dịp nhìn thấy trên tờ khai lý lịch đi thi đại học của tôi đã được cán bộ tuyển sinh năm ấy ghi chú ở trên là “con ngụy quyền”.
 
Chẳng rõ dòng chữ ấy trên lý lịch có làm ảnh hưởng gì đến “sự nghiệp chính trị” của tôi không, chỉ biết sau khi ở lại trường thì tôi luôn bị lẹt đẹt, chậm chạp hơn những bạn bè cũng lứa trong việc xét biên chế chính thức, xét tăng lương, xét cử đi học, v.v.  Nhưng cũng chẳng hiểu tại sao tôi chưa bao giờ thắc mắc về những điều ấy cả, mà luôn chấp nhận đương nhiên bị đối xử tệ hơn, “vì mình là con ngụy, lý lịch lại xấu, anh chị đi di tản, định cư ở Mỹ” mà. Tôi luôn nghĩ như tôi mà được đi học, lại có việc làm trong nhà nước (thay vì phải đi buôn bán ở chợ như nhiều người khác cùng lý lịch), thì dù có bị kỳ thị đôi chút (!), lẹt đẹt đôi chút, cũng là đương nhiên, và thực ra là may mắn lắm rồi!
 
Nói thẳng thừng ra, thì chúng tôi còn sống sót đã là may, vì chúng tôi là bên thua cuộc!
 
Vâng, suốt mấy chục năm đó từ ngày 30/4/1975, ở phía bên thua cuộc là tôi và gia đình tôi, rồi các chú, các bác, cô dì cậu mợ và con cháu của họ hàng tôi và sau này là gia đình ông xã tôi – vốn là một Thanh niên xung phong (TNXP), đi theo lời kêu gọi của ông Võ Văn Kiệt (VVK) để tìm cách gột rửa lý lịch như Huy Đức (HĐ) đã viết trong chương về thanh niên xung phong – có biết bao nhiêu là bi kịch đã xảy ra.
 
Bà con tôi, bạn bè tôi và hàng xóm tôi có rất nhiều người phải đi học tập cải tạo, có người trốn trại cải tạo bị bắn chết, có người đi vượt biên bị bắt, khi công an còng tay đã nhảy xuống biển chết, có người đi vượt biên bị mất tích cả gia đình, có người bị đánh tư sản, tịch thu nhà cửa, mất toàn bộ gia sản nên phát điên, suốt ngày đi lang thang, nói năng lảm nhảm.
 
Ông xã tôi sau khi đi TNXP được ít lâu bị đưa sang Campuchia khi đang chiến tranh thảm khốc, khi ba chồng tôi bị bệnh mất thì ông xin phép về chịu tang cha rồi bỏ đi vượt biên luôn nhưng không thành, bị cắt hộ khẩu, cũng đã có lúc phải lê la ở chợ trời buôn bán thuốc tây.
 
Tôi và đứa em kế cũng đã từng được cha mẹ cho làm đơn đi “bán chính thức”, đóng tiền mỗi người cả chục cây vàng (chả biết do ai mách bảo, dẫn mối), nhưng vừa mới đi đến Vũng Tàu (giả dạng làm khách du lịch) thì được báo là “động, không xuống ghe được” nên lại về chờ.
 
Rồi ngay sau đó là vụ rồi chìm tàu ở SG (không rõ có phải là vụ Cát Lái trong sách của HĐ không?), vụ này tôi cũng biết rõ, vì lúc ấy ở khu Ông Tạ, Xứ An Lạc có nguyên cả một Hợp tác xã (HTX) đan len gồm mấy chục gia đình với cả trăm nhân mạng cùng đi và mắc nạn trong chuyến đi định mệnh ấy. Các xác chết được nhận về, đem về Nghĩa trang Chí Hòa (bây giờ là Công viên Lê Thị Riêng) “người nào người nấy đã trương lên, to như con bò”, tôi nghe mấy đứa hàng xóm kể như vậy khi chúng rủ nhau lên nghĩa trang để xem, chúng rủ cả tôi nhưng tôi sợ ma, không dám đi. Khăn tang trắng cả một xóm, rất thê lương. Chính vì vụ này mà ba tôi ngừng hẳn không còn bao giờ dám nghĩ đến chuyện cho con cái đi vượt biên nữa, nên tôi vẫn còn ở VN đến tận bây giờ.
 
Sau này, mỗi khi có dịp nghĩ đến những sự kiện đã xảy ra, thỉnh thoảng tôi vẫn tự hỏi, những nạn nhân xấu số của bên thua cuộc ấy đã nghĩ gì, và cảm nhận những gì, trong những phút giây đau đớn cuối đời?
 
Nhưng rồi thì người ta cũng phải quên đi để mà sống. Trong số bạn bè có lý lịch thuộc “phía bên kia” giống tôi (có lẽ phải khá hơn tôi một chút, vì ngoài việc thuộc về phe thua cuộc thì tôi còn là Bắc di cư, Công giáo, cha ngụy quyền, anh chị di tản), cũng có những người sau này vào Đảng, nắm giữ những chức vụ quan trọng.

Nhiều người cố gắng học hành để đi làm cho công ty nước ngoài khi VN bắt đầu mở cửa, lương bổng tử tế, cuộc sống khá ung dung. Một số không nhỏ đi định cư ở nước ngoài theo diện HO của cha sau khi đi cải tạo về, hoặc lấy chồng, lấy vợ là con của những người HO và sau đó được bảo lãnh để đoàn tụ gia đình. Mọi việc rồi cũng nguôi ngoai, cuộc sống cứ tiếp diễn, bạn bè, đồng nghiệp, sui gia có nhiều người thuộc phe chiến thắng, là Đảng viên ĐCS …
 
Tưởng như cuộc chiến đã hoàn toàn qua đi, sự chia rẽ giữa những người Việt thực sự đã không còn… Mà cũng chẳng ai muốn nhớ đến hoặc nhắc đến những ngày tháng đen tối ấy để làm gì. Chỉ giữ ở trong lòng, vì nó là một phần cuộc đời mình, thế thôi.
 
Không ai trong chúng tôi lại có thể ngờ có ngày những ký ức và sự kiện lịch sử ấy lại được một người từ bên thắng cuộc viết ra. Những dòng chữ trong cuốn sách của HĐ được tác giả viết bằng giọng văn rất bình thản, khách quan, chẳng thấm vào đâu so với những ký ức đầy cảm xúc của chúng tôi, những người đã thực sự phải trải nghiệm những thí nghiệm của một chế độ mới đối với những người anh em thua cuộc của họ. Nhưng cũng chính vì giọng văn bình thản đó mà những sự vô lý đến không thể tưởng tượng và không thể tin được của những chính sách sau ngày “giải phóng” mới càng lộ rõ.
 
Những thông tin trong cuốn sách không làm tôi xúc động – vì chăc chắn các chi tiết mà tôi có thể kể ra từ kinh nghiệm cá nhân còn lâm ly và kỳ bí hơn nhiều – mà chỉ làm cho tôi thắc mắc, không biết đến bao giờ thì những người anh em thắng cuộc mới thực sự hiểu đầy đủ những người thua cuộc, và ý thức rõ những điều phi nghĩa, phi nhân mà họ đã làm đối với những người anh em kém may mắn của họ?
 
Nếu bên thắng cuộc không chịu thực tình tìm hiểu và không chân thành nhận lỗi, thì sẽ không bao giờ có sự hòa giải thực sự.

Để tồn tại, những người thua cuộc đã phải chấp nhận – dù muốn dù không – từ đó đến nay, đã cố nguôi ngoai để quên đi và chung sống, nên chắc chắn họ không cần sự hòa giải này. Giờ đây, những người thực sự cần hòa giải phải là bên thắng cuộc chứ không bao giờ là bên thua cuộc nữa. Bên thắng cuộc chỉ có một cơ hội duy nhất để có thể dễ dàng có được sự hòa giải thôi, đó là có sự độ lượng và công bằng đối với bên thua cuộc ngay khi họ vừa chiến thắng.
 
Vì khi đối xử bất công, và thực hiện chính sách trả thù với bên thua cuộc, lại trong suốt một thời gian dài như vậy, thì bên thắng cuộc đã cho phép bên thua cuộc tự giải thoát khỏi nỗi đau thua cuộc của mình bằng sự khẳng định chắc chắn rằng phe thắng cuộc chẳng qua thắng được là vì họ tàn ác hơn. Nỗi đau thua cuộc đã được gột rửa bằng niềm tự hào rằng chính mình mới là người có chính nghĩa.
 
Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc VTT-75-OCT-14-BROKEN-HALF-CROP
 
Và tôi tự hỏi, liệu ai sẽ là người đầu tiên viết lên những trang sử VN đương đại từ cái nhìn phía của những người thua cuộc đây?


Vũ Thị Phương Anh
Về Đầu Trang Go down
lenguyen
Khách viếng thăm




Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc Empty
Bài gửiTiêu đề: KHÔNG CÓ BÊN THẮNG CUỘC (Han Times)   Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc Icon_minitimeThu Dec 27, 2012 7:54 pm

KHÔNG CÓ BÊN THẮNG CUỘC (Han Times)


Không có bên thắng cuộc #1


Nhân chuyện "Bên thắng cuộc" của Huy Đức đang xôn xao trên mạng, người ta bàn ra tán vào rất nhiều, ý kiến trái ngược không phải là không có. Lại một lần nữa nhìn nhận và đánh giá lại các sự kiện lịch sử, hay cụ thể hơn là Cải cách ruộng đất, Nhân Văn giai phẩm, ngày 30/4 đối xử tù binh chiến tranh, cải tạo công thương nghiệp... để hiểu xem ai là người chiến thắng?

Trong con mắt của tôi, không ai chiến thắng cả. Tất cả chúng ta đều đã thua, đã thất bại. Nói đúng hơn là dân tộc này đã thất bại. Sự thất bại đau đớn, dằn vặt và kéo dài ít nhất năm mươi năm.

Thất bại ở chỗ hàng chục triệu con người phải đổ mồ hôi, máu, nước mắt của mình cho những tham vọng siêu cường, những triết lý phi nhân văn và cho cả việc chối bỏ, phỉ nhổ vào nguồn cội. Thất bại ở chỗ tâm tính, hay giá trị hướng tới của Văn hóa - Nhân văn đã bị cào bằng và hủy hoại ở mức tối đa.

Thất bại ở chỗ chúng ta có được một quốc gia Việt Nam thống nhất từ bắc chí nam nhưng đó là một thân thể đầy những tổn thương cả tinh thần lẫn thể xác. Chúng ta đã thắng trong trận nhỏ nhưng thua cả một hành trình dài. Hành trình đó mang tên dân chủ - tự do - bác ái và thịnh vượng.


Cái giá phải trả cho việc thua đó là tất cả những gì mà ngay nay 90 triệu con người Việt Nam đang trải nghiệm.

Tôi rất tâm đắc với câu nói của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Ngày ba mươi tháng tư triệu người vui, triệu người buồn". Nhân lại lan man đến nội chiến của nước Mỹ cũng là hai miền Nam - Bắc nhưng phe miền Nam thất trận, nguyên soái bên đó được coi như một vị anh hùng, những người lính thất trận trở về mang theo cả ngựa, không còn là ngựa chiến binh, giờ là ngựa của ruộng đồng.

Và tôi hiểu vì sao, lẽ nào nước Mỹ là một siêu cường? Họ đã làm nên chiến thắng vĩ đại hơn nhiều những trận chiến về mặt quân sự.

Chiến thắng đó người Việt không hề biết tới! Mấy chục năm qua đi, người Việt vẫn hoan ca khi chứng kiến cảnh thiết xa nghiến trên xác người, khi đạn pháo bay trên đầu những đoàn dân chạy nạn và khi cánh cửa dinh Độc Lập đổ rầm. Để lại sau đó hàng triệu sinh mạng!

Và phía trước vẫn đầy những hận thù, những điệu khèn vẻ vang của người chiến thắng, những thóa mạ về Ngụy quyền, bán nước, ác ôn mà cả hai phía dành cho nhau.

Ở chỗ chúng ta, ở xứ xở này không có đất cho người thất bại. Phàm là bọn thất bại thảy đều là phản động, là đáng kiếp, là thiệt phải bị tru di. Phàm là bọn thất bại cả về quân sự, tư tưởng hay bất cứ một cái gì đó liên quan tới cấu trúc thượng tầng xã hội đều thành công dân hạng hai.

Đó chính là nỗi đau trong tâm thức người Việt. Bản thân nỗi đau đó là một sự thất bại, thất bại của Việt Nam.

Sự đen tối nhất, những ngày đen tối nhất của đất nước này hay nói như Võ Thị Hảo là Dạ tiệc của Quỷ bắt đầu trên đất miền Bắc quãng từ những năm 1953 - 1954. Thời kỳ của khủng khiếp, thời kỳ của việc kéo tụt lùi văn hóa, kéo tụt lùi những giá trị nhân sinh, nhân văn mà chính bản thân người Việt qua ngàn năm tạo dựng.

Nguồn cơn của những thất bại bắt đầu.

Tạm ngưng chờ view như thường lệ he he!! Về cải cách ruộng đất (1953 - 1957), lãnh tụ đã bàn, phần sâu chỉ biên về Nhân văn - Giai phẩm án khủng văn chương vô tiền khoáng hậu ở Lừa quốc.

Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc S%E1%BB%B1+th%E1%BA%A5t+b%E1%BA%A1i

Không có bên thắng cuộc #2: Về Nhân văn Giai phẩm

Chiến thắng của một quốc gia, một dân tộc không phải và tuyệt đối không phải là chiến thắng của một Đảng phái này với một đảng phái khác, không phải chiến thắng của hệ tư tưởng này với hệ tư tưởng kia; càng không phải là chiến thắng của người này với người kia. Chiến thắng đó hẳn phải là quốc gia thịnh vượng, dân tộc tự do và công dân hạnh phúc.

Chế độ Sài Gòn sụp đổ ngày 30/4/1975, nhưng "chúng ta" chỉ thắng trong trận chiến nhỏ: Trận chiến của tư tưởng này thắng tư kia, của Đảng phái này thắng Đảng phái kia (trong giai đoạn lâm sàng của sự thất bại).

Sẽ không có ai là "Bên thắng cuộc" chỉ có nhân dân là thua cuộc và Việt Nam đang thua trong một tương lai lâu dài và bền vững.

Ngược trở về với Nhân văn - Giai phẩm những năm 1954 - 1957 cùng việc đàn áp, khủng bố giới nhân sỹ trí thức văn nghệ sỹ trong hai tờ tạp chí này. Người ta hẳn có thể biện minh rằng Miền Bắc không thể chiến thắng miền Nam nếu có những bài ca ủy mị, có những tư tưởng đi lệch ra khỏi đường lối... 

Nhưng biện hộ thế nào thì biện hộ đó không bao giờ là một chiến thắng, đúng hơn đó là sự thất bại thảm hại của khao khát tự do, tư duy độc lập và hướng mỹ.

Nhân văn giai phẩm họ là ai?

Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc 3

Đó là những văn nghệ sỹ trí thức hàng đầu của Việt Nam hiện đại. Những con người này đã tin và đi theo Hồ Chí Minh, họ sống chiến đấu vì dân tộc và khát vọng tự do. Tự do không chỉ cho riêng họ.

Bản thân tên tuổi đã nói lên tất cả: Bùi Xuân Phái danh họa hàng đầu Việt Nam với phố cổ, với tinh thần Hà Nội; Hoàng Cầm nức danh với Bên Kia Sông Đuống: Bên kia sông Đuống/Ta có đàn con thơ ngày tranh nhau một bát cháo ngô/Đêm ríu rít chui gầm giường tránh đạn; Văn Cao làm nên Tiến quân ca - Quốc ca của nước Việt Nam hiện đại, Trần Đức Thảo nhà Triết học hàng đầu của Việt Nam, vân vân và vân vân...

Họ là ai? Họ là tinh hoa của dân tộc, là những con người đã hội tụ trong mình dòng máu Việt Nam, Tình yêu tổ quốc, tinh thần phương đông và tư duy phương Tây. Họ là sự kết hợp giữa Đông và Tây, là những tinh hoa mà chính người Pháp - nền giáo dục của nước Pháp đã góp phần tạo nên.

Chừng ấy đủ chưa?

Cần phải nhớ rằng thời kỳ họ sống là thời kỳ oanh liệt nhất của xứ sở này. Thời kỳ tang thương, dâu bể nhất của xứ sở này. Thời kỳ mà vừa làm nên chiến thắng, ông Cụ cũng như Đảng Cộng Sản Việt Nam đã quay ra khủng bố giới nhà giầu. Đảng Cộng Sản Việt Nam nhân danh ruộng đất về tay dân cày nghèo, nhân danh cải tạo thông thương nghiệp để cướp đoạt điền sản, nhà máy, tiền của của giới Tư sản và người giầu có ở nông thôn.

Những đóng góp của tư sản hay giới nhà giàu không đủ để cứu họ thoát khỏi cảnh trở thành công dân hạng hai, vô tù trong nhà tù xã hội, nhà tù tư tưởng? Phải định nghĩa là gì? Nếu không phải là bội phản hay một cú lừa, cú tát thẳng tay vào mặt những ân nhân của mình. Hệ quả thật đau xót, không chỉ là nền kinh tế trong một giai đoạn ngắn hạn mà cả không khí khủng bố bao trùm. Và đến tận bây giờ chính con cháu phải gánh chịu chỉ bới cha ông đã trót giàu có còn tư duy làm kinh tế thì bị thui chột đến mức điêu tàn.

Đã bao giờ Đảng này dám nhận tội đó chưa? Chưa chưa hề luôn. Chỉ là vài giọt nước mắt  muộn mằn của ông Cụ, một vài nhân vật bị kiểm điểm và hậu quả là cả dân tộc phải chịu đựng.

Và vì cớ gì những trí thức của Nhân Văn - Giai phẩm bị khủng bố, bị ruồng rẫy? Vì yêu tự do và đòi hỏi dân chủ à? Vì không sùng bái cá nhân à? Vì họ dám nhìn và dám bay đến những chân trời mới à? "Tôi tiếc những người bay không có chân trời và những chân trời không có người bay". Và vâng! Tôi đã sai vì nhìn thấy Đảng sai, nhìn thấy ông Cụ sai; vâng tôi đã sai vì khao khát tự do ha ha!! Đáng kiếp, đáng đời TÔI!

"Những chân trời không có người bay"


Cuộc khủng bố Nhân Văn - Giai Phẩm nói cho đúng đó là cuộc chiến về tư duy, cuộc chiến về tư tưởng. Sau khi đã đả bại kẻ thù lớn nhất là người Pháp và sự cai trị của họ, những người Cộng Sản đã thực hành ước muốn thống trị kinh tế và cả tư tưởng trên toàn bộ xứ sở này. Quyền lực kinh tế thì đã có bởi cuộc Cải cách ruộng đất, Cải tạo công thương nghiệp nhưng  vẫn còn đó Quyền lực về tư tưởng, quyền thống trị tư duy.

Những kẻ đã nghĩ khác, đã yêu một tình yêu lớn hơn cần phải được tẩy não, hoặc bị tiêu diệt. Đảng không cần họ nghĩ gì khác ngoài Đảng với "mặt trời chân lý chói qua tim". Vậy là cuộc chiến nổ ra.

Đương nhiên ngòi bút không thể thắng sức mạnh của một chính thể vừa có chiến thắng oanh liệt nhất. Họ những trí thức văn nghệ sỹ của hai tờ Nhân Văn và Giai Phẩm bị bắt, bị đưa ra xét xử trước "tòa án nhân dân" và rồi bị ruồng rẫy, gạt ra ngoài lề xã hội.

Biện hộ thế nào thì biện hộ, nhưng cái án văn chương vô tiền khoáng hậu ở xứ này mà ông Cụ, và ĐCS VN tạo nên là không thể chối cãi.

Hậu quả thực sự là quá đau đớn. Tinh hoa văn hóa - tri thức của xứ sở này đã bị thui chột. Những giá trị của nền giáo dục khai phóng mà người Pháp tạo đựng trên Đông Dương đã lụi tàn. Trí thức chỉ còn là những kẻ khoác áo công nông và nói tiếng nói của Đảng.

Vậy là có cả một đàn người bay không có chân trời để cho có "những chân trời không có người bay".

Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc Images

Vậy thì ai là người chiến thắng?

Cho đến tận bây giờ nước Nam này còn có được Văn Cao? Còn có được Bùi Xuân Phái, Trần Đức Thảo, Hữu Loan, Nguyễn Bính hay Hoàng Cầm. Không, đéo còn ai? Nền giáo dục của xứ này, tư duy của xứ này không đủ sức để tạo dựng hay xây đắp tương lại cho những con người như vậy.

Và cả cho những người anh hùng như Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu hay ông Cụ.

Ai là người chiến thắng? Không hề, không có ai là người chiến thắng. Chúng ta đã thua, người dân đã thua! Tham nhũng thành quốc nạn mà vô kế khả thi, đồng chí X mình đầy lỗi, đầy khuyết điểm mà không thể kỷ luật, đất đai của người dân bị lấy đi mà chỉ được đền bù theo đơn vị tính đúng bằng bát phở.

Nói thế để biết rằng: Dân chủ không phải ngày một ngày hai mà có được. Nó phải được bắt nguồn từ cái mạch nguồn tư duy, từ coi dân là gốc. Điều khốn nạn chính là mạch nguồn đó đã bị bít kín, vét sạch. Bởi sao? Bởi Đảng đéo bâu giờ sai! Đảng là Vinh quang, Đảng là Vĩ đại muôn năm!!

Bên nào thắng cuộc? Không chẳng có bên nào thắng, tất cả chúng ta đã thua. Thua về văn hóa, thua về tư duy và thua so với ngay với lịch sử, với quá khứ! Chúng ta chỉ còn sở hữu lại một cái ống cống và chỉ tuôn ra một thứ nước duy nhất. Thơm hay thối, là nhân văn hay ưu việt hoặc phản động đó là do nhận thức của mỗi người.

Lãnh tụ hoàn toàn đéo ke! Nhưng đcm càng biên anh càng sôi máu!!

.
Về Đầu Trang Go down
P-C
Khách viếng thăm




Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc Empty
Bài gửiTiêu đề: TV hải ngoại tranh luận "Bên Thắng Cuộc" (Little Saigon TV)   Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc Icon_minitimeFri Dec 28, 2012 2:04 am

TV hải ngoại tranh luận "Bên Thắng Cuộc" (Little Saigon TV)




.
Về Đầu Trang Go down
lenguyen
Khách viếng thăm




Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc Empty
Bài gửiTiêu đề: Từ vụ thảm sát ở Newton tới sách Bên Thắng Cuộc   Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc Icon_minitimeMon Dec 31, 2012 2:33 am

Ghi chép vụn cuối năm:
Từ vụ thảm sát ở Newton tới sách Bên Thắng Cuộc


T.Vấn
Chủ Nhật, 30/12/2012
Tác giả gửi tới Dân Luận


Dân luận: Ông T.Vấn lâu nay là một cây bút quen thuộc đối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt vùng Oklahoma-Kansas-Texas. Trước kia Ông là một cựu sĩ quan QLVNCH, sau 1975 từng bị đưa ra Bắc "cải tạo" tới 10 năm.

Nhân cuối năm, ông T.Vấn ghi vài cảm nghĩ của mình liên quan đến hai sự kiện xảy ra gần đây: vụ thảm sát ở Newtown, bang Connecticut; và sự ra mắt quyển sách Bên Thắng Cuộc của Huy Đức.

Đối với quyển Bên Thắng Cuộc, ông T.Vấn đã đón nhận nó với thái độ vô tư, ôn hoà, bao dung, và trân trọng. Ông khuyên những đồng đội ngày xưa của Ông nên quên đi thù hận, một loại lò thuốc súng nguy hiểm, và không nên " thẳng tay chối bỏ mọi tín hiệu có nguồn gốc từ trong nước, bất kể tốt hay xấu, bất kể là thù địch hay anh em". Ông cũng cho rằng thế hệ của Ông ở hải ngoại nên can đảm tự nhìn thẳng vào sự thất bại trước đây, từ đó góp phần còn lại của đời mình vào nổ lực kiến quốc bằng cách gạt bỏ mọi thiên kiến, quan tâm hơn đến người dân trong Nước, đặc biệt là ủng hộ lớp trẻ, những người sẽ cầm vận mạng Đất Nước trong tương lai, giúp họ tìm ra một con đường tốt hơn cho Quê Hương mai sau.


1.

Hôm nay là thứ sáu cuối cùng của năm 2012.

Tuần trước, lịch cổ Mayan chấm dứt vào ngày thứ sáu 21 tháng 12 năm 2012. Nhiều người tin rằng đó là ngày thứ sáu cuối cùng của nhân lọai.

Điều đó đã không xẩy ra. Vì thế, tôi còn có dịp ngồi đây, ba điều bẩy chuyện với trang ghi chép dang dở, gián đọan từ nhiều tháng nay.

Chữ nghĩa đôi lúc trông trơ trẽn, vô duyên một cách thật đáng ghét. Vì chúng chưa bao giờ, không bao giờ theo kịp được với những gì xẩy ra trong cuộc sống ngòai kia. Thế nên tôi câm nín. Mọi sự khua môi múa mỏ chỉ thêm buốt lòng mình, xao xuyến lòng người.

Hôm 20 đứa trẻ và 6 cô giáo của một trường tiểu học ở Newtown, tiểu bang Connecticut bị một gã khùng trang bị súng ống đến tận răng bước vào phòng học bắn chết, tôi tưởng mình có thể nhỏ được vài giọt nước mắt lặng lẽ trên những hàng chữ. Nhưng không. Mắt tuy không ráo hỏanh nhưng chữ cứ biến đi đâu mất biệt. Lệ không rơi được nên cứ chảy ngược vào trong. Những ngày sau đó thật khó sống. Kể cả khi hình hài lỗ chỗ đạn của đứa trẻ cuối cùng được đưa về đất yên nghỉ, tôi vẫn chỉ có thể mở mắt nhìn và tim thắt lại.

Mặt đất này còn có chỗ nào gọi là an tòan không? Thế giới này có còn những điều tốt lành để cư dân của nó còn dám tự nhận mình là con người không?

Ai là người đủ tư cách trả lời khi tất cả đều hoặc là thủ phạm, hoặc là đồng lõa làm cho thế giới trở nên đầy bất trắc, tiếp tay cho sự hủy diệt những điều tốt lành?

Vì đâu nên nỗi? bà mẹ của gã tâm thần 20 tuổi ở Newtown là một người say mê sưu tập súng đạn. Nhà của bà là một thùng thuốc nổ đợi mồi lửa vô tình. Và mồi lửa ấy chính là con trai bà. Cái chết của bà đã được báo trước, đã được sửa sọan bởi chính bàn tay của mình. Những cái chết trẻ thơ khắp nơi trên “mảnh đất của súng đạn” (land of guns) đều đã được báo trước. Người ta đã không chịu lắng nghe, không chịu mở mắt nhìn, hoặc quá cố chấp không chịu để mất quyền tự do mà hiến pháp nước Mỹ đã quy định cho mọi công dân (Đệ nhị Tu Chính Án).

Nếu như bà mẹ gã tâm thần không lưu trữ những thứ vũ khí giết người trong nhà, thì cùng lắm gã con trai của bà chỉ có thể tìm thấy con dao bếp đâu đó và chỉ có thể đâm chết được người mẹ của mình. Chắc chắn gã không thể thi hành những mưu tính khủng khiếp khiến 20 trẻ thơ và 6 cô giáo một trường tiểu học chết thảm thiết làm rúng động cả xã hội tự nhận là văn minh nhất thế giới.

Bạo lực đã dẫn xã hội con người đến cực điểm của băng họai. Khi xã hội băng họai thì trái tim con người chỉ còn chỗ để chứa những thùng thuốc nổ. Và khi những thùng thuốc nổ ấy gặp một mồi lửa, thế giới sẽ đối diện với ngày tận thế mà chẳng cần phải suy đóan, tin tưởng vào ngày cuối cùng của nhân lọai dựa trên lịch cổ Mayan.

Với những trái tim mong manh dễ vỡ, ngày cuối cùng của nhân lọai đã xẩy ra. Những người công chính đang phải đối diện với sự phán xét của chính lương tâm của mình. Có đấm ngực ăn năn thì đã muộn.

Ai là người không có tội khi đã cho phép sự tàn sát những trẻ thơ xẩy ra?

2.

Hôm nay là thứ sáu cuối cùng của năm 2012.

Con số 2012 vô tri vô giác nhưng lại có sức mạnh buộc tôi nhìn lại mái tóc trên đầu của mình, của anh em bằng hữu chung quanh. Thời gian còn lại của mỗi anh em chúng tôi chẳng còn bao nhiêu. Kể từ cái ngày cuối cùng của tháng Tư 37 năm về trước, chúng tôi đã đi qua nhiều, rất nhiều, những chặng gian khổ nhất của đời người. Kẻ chết thì đã chết. Người còn sống thì đang toan tính những dọn mình.

Nhưng liệu chúng ta đã có đủ bình tâm để dọn mình chưa? Tôi cho rằng chưa. Thế giới này còn quá nhiều bất trắc, nên những điều tốt đẹp cứ ngày một biến mất. Không có sự tồn tại của những điều tốt đẹp, làm sao có thể nói đến sự bình yên? Không có sự bình yên, làm sao nói đến dọn mình để chết?

Vì đâu nên nỗi? 37 năm sau cuộc chiến mà thùng thuốc súng vẫn cứ âm ỉ chờ một mồi lửa định mệnh. Như bà mẹ gã tâm thần ở Newtown, tiểu bang Connecticut, dường như chúng ta cũng say mê tích lũy quanh mình những thứ vũ khí giết người. Nỗi đau không thể quên của 37 năm thua cuộc lớn quá, sâu quá, nặng nề quá nên nó thống trị cả hồn lẫn xác người trong cuộc, không cho chúng ta còn chút tự do nào để nhìn sự vật, sự việc, con người như chúng vốn là thế, phải là thế. Chúng ta muốn mọi người, bất kể già trẻ lớn bé, đều phải đau nỗi đau của chúng ta, đều phải thù ghét kẻ thù của chúng ta, đều phải chết đuối trong biển nước mắt của chúng ta như chúng ta đã từng đau, từng thù hận, từng chết đuối.

Như bà mẹ gã tâm thần ở Newtown, cái chết của chúng ta đã được báo trước. Nhưng dường như không một ai trong chúng ta đủ can đảm thú nhận điều đó. Vậy thì làm sao chúng ta có được sự bình an, thanh thản mà dọn mình?

Tích lũy quanh mình những thứ vũ khí có khả năng tàn sát khủng khiếp hơn cả súng đạn, làm sao người ta có thể tránh khỏi cái chết do chính mình gây ra?

Những người trẻ sinh ra sau khi chiến tranh chấm dứt, có thể đang nhìn chúng ta bằng đôi mắt của thế giới nhìn bà mẹ gã tâm thần ở Newtown. Họ có thể ngạc nhiên tại sao chúng ta có được sự tự do để lựa chọn một thái độ sống không thiên kiến, một thái độ sống thóat khỏi sự kiềm tỏa của thù hận, của đau thương mà lại vẫn tự nguyện làm nô lệ cho những thứ lẽ ra phải tống khứ chúng đi cho rảnh nợ. Họ ngạc nhiên, thắc mắc nên đi tìm câu trả lời. Họ chỉ nhận được những lời mạt sát, dậy đời, kẻ cả. Kết quả, chúng ta trở thành những người hùng cô đơn. Có lẽ mặt đất này sẽ thóang đãng hơn khi chúng ta bị buộc phải lìa khỏi trần gian. Ngày ấy không xa lắm đâu, chỉ sợ kẻ tỉnh táo nhất trong chúng ta cũng không có đủ thời gian để dọn mình. Khi ấy, thế hệ trẻ sẽ không bận tâm nữa đến những hệ lụy của chúng ta nữa. Họ sẽ thở phào nhẹ nhõm.

Nhiều người trong chúng ta đang tự nghĩ mình mang trên vai gánh nặng vì dân vì nước, vì sự diệt vong của chế độ cộng sản, tai họa của lòai người thế kỷ 20, mà Việt Nam là một trong vài quốc gia hiếm hoi kém may mắn vẫn còn phải chịu đựng dù thế giới đã bước vào thế kỷ 21.

Có ai trong chúng ta thành thật tự hỏi cái hình thức tranh đấu mà chúng ta đang kiên trì phát động có thực sự vì hạnh phúc, vì no ấm, vì tự do của 85 triệu người dân trong nước hay chỉ để thỏa mãn lòng thù hận đối với nhóm người đã từng gieo đau khổ tang tóc cho chúng ta?

Mỗi mục đích của cuộc tranh đấu đòi hỏi những phương thức, những sách lược khác nhau.

Còn chúng ta chỉ biết nung nấu lòng thù hận, thứ nước cường toan làm chết dần mòn sáng kiến, làm mờ đôi mắt cần mở lớn để quan sát tìm chất liệu cho suy nghĩ, làm ù đôi ta để không thể nghe nguyện vọng của đám trẻ đang lớn lên muốn tìm con đường khác ngắn hơn, hữu hiệu hơn để nếu không đẩy được nhóm cầm quyền ra khỏi những địa vị quyền lực thì cũng ít nhất khiến chúng phải tự thay đổi nếu muốn tồn tại, những thay đổi khiến đời sống người dân trong nước có thể dễ thở hơn.

Từ 37 năm nay, chúng ta chỉ có một phương thức, một sách lược. Chúng ta không có tổ chức, chúng ta không có lãnh đạo, chúng ta chỉ có những nhóm người ô hợp, mạnh ai nấy làm, tự cho phương thức tranh đấu của mình là đúng, ai làm khác đi thì chửi bới, mạt sát, chụp cho đủ thứ mũ. Trong khi đó chế độ cầm quyền trong nước tìm đủ mọi cách thích nghi với tình hình thế giới để tồn tại, để tiếp tục cưỡi đầu cưỡi cổ nhân dân. Còn chúng ta chỉ biết nung nấu lòng thù hận, thứ nước cường toan làm chết dần mòn sáng kiến, làm mờ đôi mắt cần mở lớn để quan sát tìm chất liệu cho suy nghĩ, làm ù đôi ta để không thể nghe nguyện vọng của đám trẻ đang lớn lên muốn tìm con đường khác ngắn hơn, hữu hiệu hơn để nếu không đẩy được nhóm cầm quyền ra khỏi những địa vị quyền lực thì cũng ít nhất khiến chúng phải tự thay đổi nếu muốn tồn tại, những thay đổi khiến đời sống người dân trong nước có thể dễ thở hơn.

37 năm sau cuộc chiến tranh, nhìn lại, bi kịch lớn nhất của bên thua cuộc là chúng ta đã sống quá lâu, quá đầy đủ trên những mảnh đất ngòai quê hương. Nhớ lại những năm tháng trong tù, nỗi bận tâm hàng ngày là cái bụng lúc nào cũng đói kinh niên. Lúc ấy, nỗi nhớ nhung gia đình, niềm ưu tư về vận nước chỉ đóng vai trò thứ yếu. Nay, trên những mảnh đất no đủ xứ người, đối với đa số dân chúng nghèo trong nước, chúng ta đã ở địa vị anh nhà giàu ăn trắng mặc trơn, nhà cửa xe pháo xênh xang. Chúng ta quên mất hẳn cảm giác đói cồn cào gan ruột, quên mất hẳn cảm giác lạnh tím gan tím thịt của những ngày bỉ cực năm xưa. Với tư thế đó, chúng ta không còn thuộc về khối quần chúng nhân dân đói khổ trong nước mà chúng ta tin rằng mình đang nỗ lực giải phóng họ thóat khỏi sự áp bức của chế độ độc tài đảng trị. Vì chúng ta không còn thuộc về họ, nên chúng ta không cảm được cái đói, cái lạnh, cái thiếu thốn nó thống trị cuộc sống hàng ngày của họ.

Chính sự tách rời đầy định mệnh ấy, đã khiến chúng ta không hề có một sách lược tranh đấu phù hợp với nhu cầu thực tế trước mắt là ăn no, mặc ấm cái đã, rồi hãy nói những chuyện khác sau. Chúng ta đi trên mây và bàn với nhau chuyện chống cộng ở quê nhà.

37 năm trôi qua, ngược với sự suy đóan – và mong đợi của chúng ta – đảng cộng sản vẫn chễm chệ ở địa vị thống trị. Kết quả ấy có phần đóng góp của chính chúng ta. Chúng ta tiếp tục thua cuộc, đã bất lực lại ngày càng thêm bất lực. Kẻ thức thời thì chỉ biết dằn vặt mình. Kẻ khác thì lại càng thêm quay quắt vì thù hận.

Những ngày cuối năm dư luận trong và ngòai nước ồn ào sôi nổi về một quyển sách mà tác giả là một người sinh năm 1962 ở miền Bắc, không dính líu gì đến những hệ lụy của cuộc chiến tranh cả trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 lẫn sau đó.

Trong khi phản ứng của hầu như mọi người – nhất là tuổi trẻ – cả ở trong nước lẫn ngòai nước đều ghi nhận phần ưu điểm của quyển sách trong việc ghi lại những sự kiện lịch sử từ 1975 đến nay giúp mọi người nhận định rõ hơn công tội của những người cộng sản thì một số người trong anh em chúng ta lại tiếp tục đem lăng kính của định kiến, của hận thù ra soi rọi, bắt bẻ, chê bai, chỉ trích và kết luận đây lại là một đòn chí mạng của cộng sản đánh vào cộng đồng người Việt hải ngọai.

Dường như chúng ta muốn tác giả phải viết sử theo cách nhìn của chúng ta, theo cách diễn đạt của chúng ta, chúng ta muốn tác giả phải mạnh mẽ buộc tội đảng cộng sản Việt Nam vì những con người của cái đảng độc tài ấy là tội đồ của dân tộc, chúng ta muốn tác giả viết sử theo lối phê phán đúng sai chứ không phải ghi nhận những sự kiện. Và tất nhiên, không thể không nhận ra một điều đáng sợ, nó ngăn chặn chúng ta mở vòng tay thân ái với những người anh em đích thực không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản dù sinh sống trong nước: não bộ chúng ta đã bị điều kiện hóa để thẳng tay chối bỏ mọi tín hiệu có nguồn gốc từ trong nước, bất kể tốt hay xấu, bất kể là thù địch hay anh em.

Một lần nữa, chúng ta lại tự tách mình ra khỏi thế giới những người trẻ – trong lẫn ngòai nước – những người sẽ cầm vận mạng đất nước trong một tương lai không xa.

Những người hùng cô đơn, thần tượng của tuổi trẻ Việt Nam 37 năm về trước, đã cô đơn nay lại càng thêm cô đơn. Chúng ta chỉ còn biết thu mình lại trong thế giới của những người già nua, bất lực, nói thay cho làm, nuôi ảo tưởng để tự đánh lừa mình,đánh lừa nhau và tuyệt vọng chờ đợi một ngòi nổ làm nổ tung thùng thuốc súng thù hận.

Chúng ta sẽ chết trước khi kịp nghe tiếng thở phào nhẹ nhõm của thế hệ trẻ hôm nay.

3.

Hôm nay là thứ sáu cuối cùng của năm 2012.

37 năm qua, lịch sử đã xẩy ra như nó phải xẩy ra và đã được viết như nó phải được viết. Nỗi đau của lịch sử, 37 năm qua, hay 50 năm qua, hay 100 năm qua, hay 1000 năm qua đều đã trở thành chính lịch sử. Chúng ta đã không đem nỗi đau một ngàn năm Bắc thuộc ra ngậm nhấm mà quên đi bổn phận với tương lai, thì ngày nay, không lý gì chúng ta vẫn ôm canh cánh bên lòng nỗi đau của 37 năm để không thể thóat ra khỏi vòng kềm tỏa của nó mà làm những việc cần thiết cho tương lai. Phải chăng, một ngàn năm Bắc thuộc là nỗi đau của cha ông, không phải của chính chúng ta, nên có thể quên đi dễ dàng, còn nỗi đau của ba mươi bẩy năm là của chính chúng ta, làm sao dễ dàng bỏ qua một bên như hạt cát vướng trong chiếc giầy? Nếu thế thì có phải chúng ta đã tự thú nhận rằng cuộc chiến hôm nay là để thỏa mãn lòng thù hận tích lũy 37 năm dài đằng đẵng, chứ không phải vì manh áo ấm, bữa cơm no cho mỗi một con người nhỏ bé của 85 triệu đồng bào khốn khổ ở bên kia bờ đại dương?

Trước đây, chúng ta đã không làm tròn trách nhiệm trong cuộc chiến gìn giữ miền Nam để một ngày nào sau đó tiến ra giải phóng miền Bắc. 37 năm sau chúng ta tiếp tục không chu tòan nổi trách nhiệm của mình, dù ở mức độ thấp nhất.

Có bao nhiêu người trong chúng ta dám nhìn thẳng vào thất bại ấy của đời mình trong giây phút chuẩn bị nói lời tiễn biệt với trần gian ?

4.

Hôm nay là thứ sáu cuối cùng của năm 2012.

Lặng lẽ trong căn phòng tĩnh mịch chờ trời sáng, tôi làm dấu thánh giá cầu nguyện cho 20 thiên thần nhỏ bé của Newtown tìm được sự bình an vĩnh viễn trên vùng trời không còn súng đạn, không còn bạo lực. Tôi tin rằng những thiên thần nhỏ bé của chúng ta không chết, các em chỉ ra khỏi tầm nhìn thiển cận của trần gian này mà thôi.

Tôi cũng không quên lời cầu nguyện cho bà mẹ gã tâm thần, cho linh hồn tội nghiệp của bà chưa kịp nhận ra mình phải nói lời thống hối thì đã bị định mệnh cuốn đi. Khi đưa tay lên làm dấu thánh, tôi cũng tin rằng lời cầu nguyện ấy cũng là dành cho tôi và những anh em của mình, những người bị vây bủa bởi đớn đau và thù hận, để ít nhất, trước khi ra đi thì ánh bình minh rực rỡ của một ngày mới sẽ giúp chúng tôi nhìn thấy con đường thực sự dẫn đến sự cứu rỗi, nếu không được cho cả dân tộc khốn khổ thì cũng là cho chính mình.

Amen!

T.Vấn 2012
Về Đầu Trang Go down
vudinh
Khách viếng thăm




Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc Empty
Bài gửiTiêu đề: Tản mạn về Bên Thắng Cuộc   Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc Icon_minitimeMon Jan 07, 2013 5:12 pm

Tản mạn về Bên Thắng Cuộc

Nguyen Thanh Son

Sunday, January 6, 2013

-1-

Cách đây gần mười năm, khi bạn tôi, nhà văn nữ Hàn Quốc Nawon Kim bay sang Hà nội gặp tôi để giới thiệu về dự án sắp tới của mình, tôi không quá hào hứng. "Chị muốn viết một cuốn sách về Hà nội và về lịch sử hiện đại của nó. Cuốn sách của chị sẽ tái hiện lại lịch sử của Hà nội thông qua các câu chuyện của người dân Hà nội, nên chị sẽ cần phỏng vấn khoảng hai mươi người thuộc các thành phần khác nhau: chị muốn phỏng vấn các họa sĩ, nhà thơ, công chức, công nhân, chiến sĩ, tiểu thương... em có thể giới thiệu cho chị một số người được không?". "Em quen rất nhiều nghệ sĩ nên có thể giúp chị được"- tôi nói-" về họa sĩ, chị có muốn em giới thiệu anh Thành Chương, anh Lê Thiết Cương hay anh Ðặng Xuân Hòa không?". "Không, chị không muốn thế" -Nawon trả lời- "những họa sĩ đó quá thành công, nên đã có nhiều người khai thác câu chuyện của họ. Câu chuyện Hà nội của chị sẽ là câu chuyện của những người thất bại, những người thua cuộc".

Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc 543332_10151162073137143_1094152506_n

Bìa sách Cây vĩ cầm của cha tôi của Nawon Kim

Tôi đã không thể giúp được gì nhiều cho Nawon, nhưng câu trả lời của chị làm tôi giật mình. Hơn một nãm, Nawon đã đi tìm những người thua cuộc của Hà nội để phỏng vấn, và chị đã tìm ra. Trong cuốn sách của mình, Nawon phỏng vấn một họa sĩ đã tham gia vào lớp học đầu tiên của các họa sĩ ở Việt Bắc do cố họa sĩ Tô Ngọc Vân trực tiếp giảng dạy, và sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, giờ đây ông ngồi vẽ những bức tranh thờ bán với giá 50 ngàn đồng một bức. Rồi những công chức của Hà nội cũ, những nhà thơ, những tiểu thương hay công nhân của nhà máy cơ khí Trần Hưng Ðạo...Tiếc rằng tôi không biết tiếng Hàn để có thể đọc được tác phẩm của chị (khi ra đời, mang tên "Cây vĩ cầm của cha tôi"), nhưng tôi tin, đó sẽ là một cái nhìn độc đáo và khác lạ về lịch sử của Hà nội nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung.

 
-2-

Nếu chỉ tìm hiểu trên sách vở, bạn khó mà cảm nhận được sự ác cảm của người dân Okinawa với các căn cứ quân sự của Mỹ. Đừng quên, Okinawa đã từng là một công quốc độc lập trước khi bị người Nhật dùng sức mạnh thôn tính, và trong chiến tranh thế giới thứ hai, Okinawa bị Nhật Bản bỏ rơi một cách có chủ ý- sư đoàn bộ binh duy nhất của Nhật bản đóng trên đảo được lệnh tử thủ bằng mọi cách, cho quân đội Mỹ hiểu cái giá mà họ phải trả nếu đem chiến tranh tới lãnh thổ Nhật bản. Trong suốt gần một năm trời trong chiến dịch "cơn bão thép", quân đội Mỹ đã tàn sát các dân thường, dùng súng phun lửa phun sâu vào các hang đá, ném lựu đạn xuống các hầm trú ẩn, dùng lưỡi lê đâm chết các thương binh. Năm 2008, khi dẫn chúng tôi tới thăm công viên Hòa bình trên đảo, Arasaki Masako-san, người hướng dẫn cho chúng tôi, một trong những nữ sinh trung học đã sống qua những ngày tháng địa ngục đó, dẫn chúng tôi tới Mỏm đá Khóc, nơi hàng trăm người dân Okinawa đã nhảy xuống biển tự sát khi quân đội Mỹ chiếm đóng hoàn toàn đảo này. Những trang như vậy hoàn toàn vắng bóng trong sách lịch sử mà chúng tôi được học về chiến tranh thế giới thứ 2 ở các chương trình giảng dạy về lịch sử trong các nhà trường Mỹ. Trong khi tố cáo mạnh mẽ Lò Thiêu hay những tội ác của quân đội Nhật ở Nam-kinh hoặc các quốc gia Đông Nam Á khác, lịch sử hiện đại hoặc tảng lờ, hoặc lướt qua những tội ác mang tính diệt chủng mà các cuộc không kích của quân đội Đồng Minh đã gây ra trên lãnh thổ Đức, hay những phiên tòa vội vã của Tòa án Quân sự Viễn đông (Tòa án Tokyo) đã kết án treo cổ hàng loạt tướng lĩnh và quan chức dân sự Nhật bản. Đó chính là lý do tại sao người Mỹ theo dõi "một cách thận trọng" chiến thắng của Thủ tướng Nhật bản Shizo Abe vào năm 2006- ông ngoại của ông, Nobosuke Kishi, cựu Bộ trưởng Thương mại thuộc nội các chiến tranh Tojo, đã từng bị giam giữ ở nhà tù Sugamo như "tội phạm chiến tranh loại A", dù may mắn không bị kết án như nhiều đồng nghiệp của mình- trong sự nghiệp chính trị của mình, ông Abe từng nhiều lần bày tỏ thái độ "không đồng tình" với cách lịch sử hiện đại mô tả về nước Nhật trong chiến tranh thế giới thứ hai. Khi ông Abe trở thành thủ tướng, người Mỹ đã gửi đi một thông điệp rõ ràng và lạnh lẽo "bất cứ một mưu toan nào nhằm viết lại lịch sử đều sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ đồng minh chiến lược giữa Nhật bản và Hoa Kỳ"


-3-

Ngày 12 tháng 12 năm 2012 vừa qua, hàng ngàn người trên toàn thế giới đã tham gia quay những đoạn phim ngắn về cuộc sống xung quanh họ để góp sức cho dự án "Một ngày của Trái đất" ( A Day On Earth); hàng ngàn câu chuyện trên toàn thế giới mô tả niềm vui, nỗi buồn, sự đau khổ, hòa bình, chiến tranh, xung đột sắc tộc, tình yêu, hận thù, những thiên đường trên trái đất, những khu ổ chuột, những em bé được sinh ra ở châu Á, những đám tang ở vùng Trung Đông...tất cả tạo thành một bức tranh khảm (mosiac) khổng lồ về một ngày trên Trái đất mà chúng ta đang sống...

Được khởi xướng từ năm 2008, dự án này bắt đầu với một sự kiện tương tự vào ngày 10 tháng 10 năm 2010, rồi 11 tháng 11 năm 2011- đạo diễn Kyle Ruddick và những người cùng chí hướng tin rằng, hàng ngàn câu chuyện đó sẽ cho người xem một cảm nhận tương đối trung thực về thế giới mà chúng ta đang sống- với hàng ngàn câu chuyện được kể bằng hàng ngàn góc nhìn và nhân vật khác nhau, đây sẽ là một đoạn "biên niên sử" tương đối khách quan nhất...

 
-4-

Tuy vậy, cả Nawon Kim lẫn Kyle Ruddick đều chưa bao giờ coi mình là sử gia- họ hoặc là nhà văn, hoặc nhà biên kịch kiêm đạo diễn. Những nỗ lực của họ đều nhằm một mục đích- cung cấp những cái nhìn đa chiều hơn về một quá khứ (Nawon) hay hiện tại (Kyle Ruddick), những cái nhìn, trong phần lớn trường hợp, bị lịch sử "dòng chính" hoặc bỏ qua, hoặc lấp liếm, hoặc xuyên tạc. Bằng việc cung cấp những câu chuyện của hoặc những kẻ thua cuộc, hoặc những con người bình thường nhất, họ muốn thách thức cách mà lịch sử "dòng chính" được kể. Lịch sử "dòng chính" luôn luôn thuộc về hoặc những kẻ thắng trận, hoặc quyền lực thống trị. Họ muốn kể những câu chuyện thuộc về "dòng ngầm" (underground), và muốn những câu chuyện của mình làm đối trọng cho những gì mà lịch sử "dòng chính" mô tả.


Vậy nên, các cuộc tranh luận nảy lửa giữa hai phe "phê phán" và "ủng hộ" Bên Thắng Cuộc đều "trật đích" ngay từ đầu khi coi cuốn sách này là một cuốn sách lịch sử hay thậm chí là một cuốn sách về lịch sử. Bên Thắng Cuộc, như nhà báo Trung Bảo đã đề cập, là những tư liệu và các câu chuyện được ghi chép và tổ chức của một nhà báo về một giai đoạn thời gian mà anh đã trải nghiệm và muốn chia sẻ. Nó có thiên kiến hay không? Tất nhiên là nó thiên kiến! Cho dù được xây dựng bằng hàng trăm câu chuyện khác nhau, với một giọng kể cố gắng khách quan, thì cái "thiên kiến" của nó đã rõ ràng ngay từ lời đề từ trích dẫn thơ của Nguyễn Duy "Suy cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh/Bên nào thắng thì nhân dân đều bại"- nó lựa chọn góc nhìn của bên "nhân dân" bị bại trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước (hay cuộc nội chiến- tùy theo góc nhìn của người đọc)- nói một cách khác, nó muốn kể lại những câu chuyện của "dòng ngầm"- những gì người ta hoặc không nhìn thấy, hoặc coi nó không quan trọng, hoặc tảng lờ, hoặc tẩy xóa hay xuyên tạc. Hãy nhớ lại, để tái hiện một ngày diễn ra trên thế giới, đã có hàng ngàn câu chuyện được hàng ngàn con người kể lại, vậy thì sẽ có bao nhiêu câu chuyện đủ để tái hiện một giai đoạn lịch sử hơn ba mươi năm của một dân tộc? Lựa chọn câu chuyện nào, lựa chọn câu chuyện của ai, đó là thiên kiến. Cho nên, đòi hỏi nó tái hiện lại "một lịch sử chiến thắng hào hùng của dân tộc" như nhà báo Đức Hiển và một số người khác đòi hỏi là vô lý- đã có quá nhiều những cuốn sách khai thác những góc nhìn oanh liệt và hào hùng như vậy rồi. Bên Thắng Cuộc góp một góc nhìn khác của một nhà báo, dù rõ ràng là chưa đầy đủ và hoàn chỉnh, về một giai đoạn quan trọng của lịch sử Việt Nam, giai đoạn lịch sử mà, do một số lý do nào đó, có quá ít người chịu tổ chức tư liệu, nghiên cứu và ghi chép một cách tương đối khách quan. Có thể hiểu được lý do tại sao lịch sử "dòng chính" tránh đối mặt với thời kỳ đó- về cơ bản, "độ lùi thời gian" chưa đủ lâu để nó dũng cảm thừa nhận những sai lầm, tìm hiểu những thất bại và nghiên cứu các bài học cho tương lai. Nhưng còn lịch sử "dòng ngầm"? Các sử gia chuyên hay không chuyên chẳng thể đỗ lỗi cho ai ngoài chính sự lười biếng của mình về sự vắng bóng của những tác phẩm nghiêm túc về thời kỳ lịch sử đó. Cho nên, như một độc giả đã nói, đóng góp quan trọng của Bên Thắng Cuộc không phải tính chất "chân thực" hay "chính xác" của nó, đóng góp quan trọng nhất của Bên Thắng Cuộc mang tính gợi mở- nó cho người đọc thấy còn rất nhiều những vấn đề quan trọng của lịch sử hiện đại Việt Nam cần phải nghiên cứu và khám phá một cách nghiêm túc. Thảo luận hay tranh luận về tính chính xác, chân thực và đa chiều của Bên Thắng Cuộc nên được coi là tiền đề cho những tác phẩm nghiên cứu lịch sử thực sự về sau, đặc biệt về những "vùng đen", "vùng trắng" hay "vùng mờ" trong lịch sử hiện đại Việt Nam.


Bên Thắng Cuộc đã động chạm đến những vùng mờ đó- cải tạo, đánh tư sản, đổi tiền, vấn đề thuyền nhân, hai cuộc chiến tranh biên giới...nhưng tham vọng "tái hiện lịch sử" thông qua các câu chuyện nhỏ của một số cá nhân là một tham vọng quá sức đối với cuốn sách. Cho nên, dễ hiểu tại sao Bên Thắng Cuộc lại bị kẹt giữa hai làn đạn của những đại diện của quyền lực thống trị và "quyền lực bị cai trị". Đối với quyền lực thống trị, những câu chuyện của Bên Thắng Cuộc chỉ là những câu chuyện "biết rồi khổ lắm nói mãi", hoặc "tình thế nó thế thì mình phải làm thế", "chỉ khơi lại vết thương cũ để chia rẽ nhân dân", còn đối với cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, những câu chuyện của nhà báo Huy Đức chỉ mới "chạm sơ" trên bề mặt những đau đớn, tủi nhục và mất mát mà họ phải gánh chịu trong những trại cải tạo, những ngày tháng lênh đênh trên biển và nỗi uất hận vì mất mát tình cảm, tài sản và quê hương trong suốt những năm tháng qua- với hơn hai triệu câu chuyện như vậy chỉ tính riêng trên đất Mỹ, vậy thì vài chục câu chuyện không hẳn mang tính đại diện trong Bên Thắng Cuộc làm sao có thể thỏa mãn được một lịch sử đẫm máu mà họ mang theo? (Không loại trừ cả yếu tố "tự ái"- lịch sử về cải tạo tư sản tư doanh, đặc biệt lịch sử về vấn đề thuyền nhân phải do cộng đồng viết ra, đó là "lịch sử về chúng ta", "của chúng ta", làm sao chấp nhận được việc nó được mô tả bởi một người thuộc phía bên kia! Chính tôi cũng đã gặp phải vấn đề tương tự như vậy khi theo nghiên cứu về văn học Việt Nam ở hải ngoại tại trung tâm William Joiner thuộc trường đại học Massachusett- các cuộc biểu tình phản đối chủ yếu về tính "chính danh" của nghiên cứu này- vấn đề văn học Việt Nam ở hải ngoại phải do các nhà văn hoặc nhà nghiên cứu ở Hải ngoại thực hiện). Nhưng muốn nói gì thì nói, Bên Thắng Cuộc đã thành công trong bước "đột phá" đầu tiên-khơi mào cho những cuộc tranh luận để chúng ta hi vọng đánh động được không khí nghiên cứu và làm việc nghiêm túc về rất nhiều vấn đề còn tồn đọng của lịch sử đương đại Việt Nam.

Về Đầu Trang Go down
Sponsored content





Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc   Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
Đọc Bên Thắng Cuộc, Nghĩ Về Bên Thua Cuộc
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Dân tộc Việt: Bên đang thua cuộc
» Một con ngựa thăng, nhiều thằng thoát nạn
» “Bên Thắng Cuộc” lột trần hậu trường chính trị Việt Nam
» Bên Thắng Cuộc/Quyền bính (3): Lê Khả Phiêu & Bill Clinton
» Phạm Trần Anh nhận quốc nghị vinh danh từ thượng nghị sĩ Lou Correa

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon  :: ĐỀ TÀI :: Tin Tức, Thời Sự-
Chuyển đến