Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon

Diễn Đàn của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Keywords
Chung không chất nguyet VNCH Saigon nhac Nhung linh quang quan Nguyen truyện thuoc quynh chuyen sáng phải bich chẳng ngam Trung hoang trong ngắn quốc
Latest topics
» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Phẫn Nộ: Từ Stephane Hessel đến «Chiếm Phố Wall» Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:38 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Phẫn Nộ: Từ Stephane Hessel đến «Chiếm Phố Wall» Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Phẫn Nộ: Từ Stephane Hessel đến «Chiếm Phố Wall» Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» qua đi thôi bão nổi
Phẫn Nộ: Từ Stephane Hessel đến «Chiếm Phố Wall» Icon_minitimeSat Mar 11, 2023 3:11 am by Admin

» Cụ Hoang Xuân Hãn
Phẫn Nộ: Từ Stephane Hessel đến «Chiếm Phố Wall» Icon_minitimeSun May 08, 2022 10:37 pm by Admin

» Giáo dục VNCH - Giáo dục con đường khai phóng
Phẫn Nộ: Từ Stephane Hessel đến «Chiếm Phố Wall» Icon_minitimeMon Jan 10, 2022 4:06 am by Admin

» Suy tư về kiếp người - Về Cùng Cát Bụi
Phẫn Nộ: Từ Stephane Hessel đến «Chiếm Phố Wall» Icon_minitimeSun Jan 09, 2022 4:25 am by Admin

» AI ĐÃ HẠ GỤC CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN?
Phẫn Nộ: Từ Stephane Hessel đến «Chiếm Phố Wall» Icon_minitimeSat Jan 08, 2022 2:41 am by Admin

» NHẠC THIỀN - Cõi Thiền trong Âm Nhạc
Phẫn Nộ: Từ Stephane Hessel đến «Chiếm Phố Wall» Icon_minitimeThu Jan 06, 2022 4:11 am by Admin

May 2024
MonTueWedThuFriSatSun
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  
CalendarCalendar
Affiliates
free forum

Affiliates
free forum


 

 Phẫn Nộ: Từ Stephane Hessel đến «Chiếm Phố Wall»

Go down 
Tác giảThông điệp
PVChuong
Admin



Posts : 673
Join date : 25/04/2012

Phẫn Nộ: Từ Stephane Hessel đến «Chiếm Phố Wall» Empty
Bài gửiTiêu đề: Phẫn Nộ: Từ Stephane Hessel đến «Chiếm Phố Wall»   Phẫn Nộ: Từ Stephane Hessel đến «Chiếm Phố Wall» Icon_minitimeSun Nov 25, 2012 1:48 pm

Phẫn Nộ: Từ Stephane Hessel đến «Chiếm Phố Wall»

Nguyễn Hoài Vân


Điều quan trọng nhất mà phong trào Phẫn Nộ đã vạch ra, là sự nghi ngờ cái thực chất VÌ DÂN của các xã hội dân chủ hình thức.

Phẫn Nộ: Từ Stephane Hessel đến «Chiếm Phố Wall» S-OCCUPY-WALL-STREET-DEBT-large300


« Ngày Phẫn Nộ, ngày ấy... Ngày hoang mang lo sợ, ngày khủng hoảng điêu tàn, ngày tối tăm u ám, ngày mây mù quay cuồng trong bão tố, ngày trống kèn ghê rợn vang rền trên các đô thị huy hoàng và đe dọa những thành lũy cao ngạo ».

Đoạn Thánh Kinh "Cephania" (1,14-18) (1) này có ảnh hưởng trên tiềm thức của nhà ngoại giao gốc Do Thái Stephane Hessel khi ông công bố tài liệu « Hãy Phẫn Nộ » vào đầu năm 2011 hay không ?

Chúng ta đều biết Phẫn Nộ là một đề tài thường thấy trong Thánh Kinh và trong suốt dòng lịch sử Do Thái. Nó là điều kiện của chuyển đổi, là tiền đề của « sám hối », cho phép con người làm hòa với Thiên Chúa, để trở về con đường đưa đến Đất Hứa. Người Ky Tô Giáo cũng lấy đó làm động cơ của sự cáo chung của lịch sử, mở màn (nghĩa chữ « Apocalypse ») cho một thế giới mới, hoàn toàn đoạn tuyệt với quá khứ. Đối với người Xã Hội Stephane Hessel, thì sự đoạn tuyệt đó có nhiều hy vọng là Cách Mạng, là sự thay đổi toàn diện của xã hội từ trong cấu trúc, để sau đêm đen, con người có thể tỉnh giấc trước một chân trời mới. Y hệt như tổ phụ ông, những người du mục trong sa mạc Trung Đông xưa, mỗi sáng nhìn ra một cảnh vật hoàn toàn mới mẻ... Chính những tổ phụ ấy đã phát minh ra khái niệm Thiên Chúa Duy Nhất ở ngoài sự vật, tiền đề của thuyết duy vật và óc khoa học, của chủ nghĩa Tân Tiến với lịch sử tiến theo đường thẳng, và của Cách Mạng, thông qua Niềm Tin vào một Đất Hứa, được coi như điểm đến của Thời Gian, của Lịch Sử, như tương lai tất yếu được « tiên tri » bởi những văn kiện thần bí, hay bởi những chủ thuyết tự nhận là « khoa học »... (2)

Khi dòng lịch sử bị bế tắc, khi người ta không còn hình dung được cái tương lai huy hoàng trong Đất Hứa như vừa nói, thì người ta thường làm tỉnh dậy cái « thảo trình phẫn nộ » từ chiều sâu tâm thức. Với chuỗi tai họa được tiên đoán sẵn, như muốn bảo nhau rằng : nếu không có những thay đổi sâu đậm, thì xã hội sẽ rơi xuống vực thẳm điêu tàn, tăm tối... Sự phẫn nộ của Hessel bắt nguồn từ giai đoạn đen tối nhất của lịch sử Do Thái, và có lẽ của lịch sử toàn nhân loại. Đó là giai đoạn đệ nhị thế chiến, với những cuộc tàn sát tập thể, những trận chiến kinh hoàng vùi chôn hàng chục triệu nhân sinh, và một phần quan trọng của thế giới quằn quại dưới gót giày bạo tàn, áp bức.

Giai đoạn cực kỳ đen tối ấy đã xảy ra vào giữa lúc Stephane Hessel vừa được tuyển vào trường Cao Đẳng Sư Phạm phố Ulm, được vinh dự trở thành « đồng môn » của Sartre, Beauvoir, Merleau Ponty và những tên tuổi lẫy lừng nhất trên trường tư tưởng. Vào lúc ấy, Hessel tự nhận mình là môn đệ của Hegel, qua niềm tin vào một hướng đi của lịch sử, dẫn đưa nhân loại đến một tương lai hoàn hảo, một Đất Hứa... Người « Quốc Gia Xã Hội » Nazi đã làm gián đoạn tiến trình lý tưởng ấy. Hessel phải bỏ học, lao vào kháng chiến, bị bắt bớ, tra tấn... Tương lai cũng hoàn toàn bế tắc đối với vô số người khác quanh ông, đặc biệt là người Do Thái. Ông cắt nghĩa sự dấn thân của ông vào con đường kháng chiến chỉ bằng một chữ: Phẫn Nộ!

Trong tài liệu “Hãy Phẫn Nộ », ông cho rằng thế giới hiện nay lại đang rơi vào một tình trạng đòi hỏi sự Phẫn Nộ. Rằng những thành quả của cuộc chiến đấu chống lại tập đoàn Nazi khi xưa, đang bị hủy hoại. Rằng xã hội con người đang tụt dốc với nguy cơ rơi xuống một vực sâu tăm tối. Lời kêu gọi của Hessel đã được nhiều người hưởng ứng. Chưa đầy 10 tuần sau, 950 ngàn ấn bản đã được phổ biến chỉ riêng tại Pháp, không kể những bản dịch sang nhiều ngôn ngữ khác: Anh, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ý, Đức, Bồ Đào Nha, Nhật, Đại Hàn, Do Thái, Liban, Phần Lan, Slovène, v.v...

Tuy nhiên thành quả bất ngờ nhất của lời kêu gọi này là sự hình thành một phong trào quần chúng mang tên « Những Người Phẫn Nộ » tại Tây Ban Nha, vào trung tuần tháng 5 năm 2011, trước khi tràn lan đến gần như toàn thế giới. Phiên bản Hoa Kỳ của phong trào này với tên « Chiếm phố Wall », đã bắt rễ tại nhiều nơi và được coi như phong trào quần chúng quan trọng nhất từ bốn thập niên nay.

Những yếu tố nào đã đưa đến thành quả bất ngờ ấy? Người ta không khỏi nghĩ ngay đến hai cuộc khủng hoảng tài chính liên tiếp, cộng với những phong trào quần chúng được phát động trước đó, như tại Bồ Đào Nha, Ái Nhĩ Lan, Hy Lạp, và nhất là các cuộc nổi dậy được gọi chung là « Mùa Xuân Ả Rập ».


Khủng Hoảng Tài Chính:


Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 đã làm cho dư luận thức tỉnh trước những phương cách làm ăn của giới tài phiệt, được hậu thuẫn bởi quyền hành chính trị, đặc biệt là tại Hoa Kỳ.

Thật ra ý kiến khởi đầu không hoàn toàn xấu. Người ta muốn khuyến khích người dân, đặc biệt là những người có lợi tức kém, mua nhà đất. Trên lý thuyết, khi những người này làm chủ được một ngôi nhà và có được một số hàng hóa đắt tiền như xe cộ, máy móc điện tử, cộng thêm với một ít cổ phần của các đại công ty, thì họ sẽ cảm thấy hội nhập vào hệ thống tư bản, sẽ cảm thấy mình là một thành viên tích cực của hệ thống ấy, được chia sẻ những thành quả, và có bổn phận phải bảo vệ cũng như phục vụ nó. Đây là một khai triển của lý thuyết « Tư Bản Đại Chúng » mà tôi đã từng được nghe thân mẫu tôi giảng dạy ở Sài Gòn vào đầu thập niên 70.

Vấn đề nảy sinh từ những lạm dụng của một số tài phiệt. Với những bảo đảm của chính phủ, họ thả giàn cho vay bừa bãi, bất kể người vay có khả năng trả được nợ hay không. Họ cũng chấp nhận những món tiền đặt trước rất nhỏ hay có khi không cả đòi hỏi người vay ứng tiền. Thế là thiên hạ đổ xô vay tiền, kể cả những người lợi dụng đầu cơ. Các cơ cấu tài chính, như thị trường chứng khoán phố Wall, lại đi thêm một bước, khi gom góp những món nợ ấy thành những « sản phẩm tài chính » và bán chúng đi khắp thế giới. Những ngân hàng cho vay nợ không còn phải đơn độc gánh vác rủi ro của những món tiền mình đã cho vay nữa, và lại càng mạnh dạn cho vay một cách vô trách nhiệm.

Cùng lúc, các văn phòng trắc định như Standard and Poor, Moody, Fitch Ratings ... nhập cuộc. Họ đánh giá những « sản phẩm tài chính » đầy rủi ro của các ngân hàng vừa nói như những đầu tư kiên cố, ít bất trắc, khiến các cơ quan tài chính trên khắp thế giới tin tưởng ồ ạt thu mua, làm cho trị giá của chúng càng lên cao. Kết quả là càng có thêm người mua các sản phẩm ấy để hy vọng kiếm lời, đẩy trị giá của chúng vượt cao hơn nữa. Đó là hiện tượng « giá trị ảo » và « lợi tức ảo », sẽ được bàn thêm ở phần sau.

Đến một lúc nào đó quả bong bóng phải vỡ. Khi con số người vay tiền không trả kịp nợ lên đến một mức nào đó, thì cả hệ thống sụp đổ, làm chấn động toàn thế giới.

Những biện pháp ngăn ngừa hiện tượng tương tự tái diễn, đã được quyết định trên bình diện quốc gia và quốc tế (G20), như ngăn cấm những thiên đường thuế vụ, tách rời ngân hàng ký thác và tín dụng với ngân hàng tài chính, kiểm soát và hạn chế các dịch vụ đầu cơ tài chính. Tuy nhiên, các biện pháp này đã không được áp dụng hay áp dụng không đúng mức. Cuộc khủng hoảng tiếp tục âm ỉ, để lại bùng phát một cách trầm trọng hơn vào năm 2011. Sau cơn khủng hoảng nợ quốc gia của Hoa Kỳ, người ta chứng kiến cảnh Âu Châu chìm trong bão táp. Những món nợ quốc gia, vốn được coi là an toàn nhất, giờ đây trở thành vô cùng bấp bênh, với nguy cơ tan thành mây khói, làm lung lay toàn bộ hệ thống tài chính cũng như tiền tệ.


Tiền ảo và tiền thật:


Bất công chủ yếu trong cuộc khủng hoảng hiện tại là việc đem tiền thật bù đắp cho tiền ảo. Các cổ phần, trái phiếu, địa ốc, đều đã tăng vọt trong suốt nhiều năm qua, vượt xa sự tăng trưởng thực sự của các công ty và của trị giá địa ốc. Một phần quan trọng của những đầu tư này lại đến từ tiền đi vay. Vay của ai? Của những người đi vay chỗ khác, những chỗ ấy lại vay theo dây chuyền từ một chuỗi những cơ chế sẵn mang đầy nợ... Tức là một phần lớn các món tiền dùng để mua qua bán lại ấy chỉ là tiền ảo. Đến khi bong bóng tan vỡ, thì những món tiền ảo vô cùng to lớn vừa bị mất đi liền được các chính phủ tính kế bù vào bằng tiền thật lấy của người dân, bằng cách tăng thuế, dồn nén lương bổng, cắt giảm lợi ích xã hội, sức khỏe, hưu trí v.v...

Không có gì ngạc nhiên khi người dân coi đấy như một bất công lớn. Nhất là khi tiền bạc đến từ công việc làm của họ bị tịch thu để cứu nguy cho một giai cấp tài phiệt giàu có, và không ngừng giàu thêm lên mặc dù khủng hoảng. Thật vậy, theo Financial Times, lợi tức trung bình của các chủ ngân hàng Âu Châu và Hoa Kỳ đã tăng 36% trong năm 2010. Jamie Dimon (JPMorgan Chase) và Lloyd Blankfein (Goldman Sachs) có thu nhập năm 2010 gấp 15 lần hơn năm 2009. Giám đốc Barclays, HSBC, Lloyds Banking Group và Royal Bank of Scotland đều lãnh trên 26 triệu USD trong năm 2010 (atlantico.fr). Wall Street Journal cho biết trong 10 năm vừa qua, 15 người đã thu được 14 tỷ USD, bằng GNP của Ivory Coast... Trong khi đó lợi tức trung bình của các gia đình Mỹ năm 2010 giảm 7% so với 1999, và số người nghèo tăng 2,6 triệu, lên đến 46,2 triệu người, mức độ cao nhất từ 52 năm nay (Census Bureau). Một nghiên cứu của Moody’s Analytic gần đây cũng cho biết 37% tiêu dùng của Hoa Kỳ tập trung trong tay 5% dân số!

Một trong những phương cách để giảm bớt bất công là thuế khóa. Tuy nhiên người ta có cảm tưởng chính sách thuế khóa không thực sự hữu hiệu trong mục tiêu này. Nhà tỷ phú Warren Buffet cho biết ông trả 17,4% lợi tức cho thuế vụ, trong khi các người làm công cho ông phải đóng gấp đôi, từ 33 đến 41% thu nhập của họ. Mặt khác, cũng tại Hoa Kỳ, trong khi người ta cắt giảm các lợi ích xã hội và hưu trí của người dân, thì một phần quan trọng cổ phần của giới đầu tư lại được hưởng một tỷ lệ thuế rất thấp, chỉ 15%!

Rốt cuộc, có vẻ như khuynh hướng gia tăng bất công xã hội không gì ngăn cản được, kể cả bởi những chính quyền như chính quyền Obama. Nguyên tắc được áp dụng vẫn tuân theo quy luật cố hữu: « Nên lấy tiền của người nghèo. Người nghèo có ít tiền? Đúng thế! Nhưng luôn có nhiều người nghèo...» (A. Allais).


Nguyên nhân sâu xa


Thật ra, nguyên nhân sâu xa của bất công không đến từ hai cuộc khủng hoảng. Chúng chỉ làm tỏ lộ hiện tượng gia tăng chênh lệch giàu nghèo luôn tiềm tàng trong cấu trúc của Tư Bản Chủ Nghĩa. Cắt nghĩa đơn giản nhất của hiện tượng ấy có lẽ là thuyết "khuynh hướng suy giảm tỷ lệ lợi nhuận":

Khi một xí nghiệp làm ra một món hàng, thì giá trị của món hàng ấy được coi như tương ứng với số lượng thời gian làm việc để tạo ra nó. Khi xí nghiệp này đầu tư vào việc gia tăng năng xuất để làm ra 110 thay vì 100 món hàng với cùng số lượng thời gian làm việc, thì giá trị của mỗi món hàng liền bị suy giảm. Giá bán của nó cũng giảm. Số tiền thu được cho mỗi món hàng bớt đi, khiến xí nghiệp có thể không đủ thu hoạch để bù lại cho việc đầu tư vào gia tăng năng xuất. Giải pháp cho tình trạng này là tiếp tục đầu tư để lại tăng thêm năng xuất, khiến cho, với số hàng sản xuất nhiều hơn nữa, vẫn trong cùng thời gian làm việc, nhà đầu tư tiếp tục tăng thu nhập để bù lại vốn đầu tư, cộng thêm lợi nhuận. Sự gia tăng năng xuất mới này khiến giá trị của mỗi món hàng lại giảm thêm đi, giá bán của nó sụt thêm xuống, cùng với số tiền thu được. Kết quả là lại càng phải tăng đầu tư để tiếp tục tăng năng xuất, tìm lợi nhuận trên việc sản xuất nhiều hàng hóa hơn nữa, tạo nên một « vòng luẩn quẩn ». Vì thế, kinh tế thị trường là một đầu tầu không ngừng lao tới, mà không có khả năng ngừng lại. Chúng ta đều biết, một xí nghiệp sản xuất ít đi, là một xí nghiệp đang hấp hối.

Việc chạy đua sản xuất như thế khiến xí nghiệp tư bản chủ nghĩa luôn phải mở rộng thị trường, để tiêu thụ tất cả hàng hóa mà nó sản xuất ra. "Thị trường" công việc làm cũng được mở rộng một cách tương tự. Mở rộng rốt ráo đưa đến toàn cầu hóa. Sự thúc ép bắt buộc phải mở rộng tầm ảnh hưởng của mỗi xí nghiệp còn mang ý nghĩa một cuộc chiến sống còn với tất cả những gì có thể cản trở sự bành trướng ấy. Mỗi công ty phải « chiến đấu » không những với các công ty cạnh tranh, mà cả với những cấu trúc xã hội, nghiệp đoàn, chính quyền, luật pháp, và thiên nhiên, vì những yếu tố này đều có thể cản trở sự gia tăng sản xuất của nó. Đó là tình trạng thường được gọi là « chiến tranh của tất cả chống lại tất cả ».

Áp lực gia tăng năng xuất trong cuộc chiến này cũng khiến cho các xí nghiệp không ngừng gia tăng đầu tư vào những phương tiện kỹ thuật. Máy móc càng làm thêm được nhiều công việc thì xí nghiệp càng bớt cần đến việc làm của nhân công. Hậu quả rất dễ nhận ra là nạn thất nghiệp. Mặt khác, tăng trưởng phú hữu càng đến từ máy móc, kỹ thuật (3), thì nó lại càng dành riêng cho những người có đủ vốn, đủ khả năng để đầu tư vào máy móc, kỹ thuật. Người làm công chỉ có phú hữu đặt căn bản trên sức làm việc của mình, nên chỉ tham gia vào sự gia tăng giàu có này một cách rất khiêm nhượng, qua tiết kiệm. Đó là một trong những lý do khiến cho phú hữu càng ngày càng tập trung vào tay những người có nhiều vốn. Sự chênh lệch giàu nghèo trở thành một hệ luận đương nhiên, phổ quát, được kiểm chứng bởi các thống kê.

Thêm vào đó, khả năng làm giàu nhờ vào đầu cơ tài chính đã được phát triển mạnh mẽ trong những thập niên gần đây, khiến người có nhiều vốn lại càng thêm cơ hội giàu hơn lên. Tuy nhiên cần hiểu, như đã nói ở trên, rằng đó chỉ là lợi nhuận ảo. Vấn đề là khi những lợi nhuận ảo ấy bị mất đi, thì người ta lại đòi hỏi chúng được thay thế bằng lợi nhuận thật, đến từ sức làm việc của người dân!


Kinh Tế vẫn chạy tốt!


Một nghịch lý mà những người « Phẫn Nộ » có thể ghi nhận là: trước những khủng hoảng được mô tả là « vô cùng trầm trọng », các nhà máy vẫn chạy tốt, nền sản xuất vẫn thừa sức đem lại mọi thứ hàng hóa, và nông nghiệp vẫn cho ra dư thừa thực phẩm. Tức là kinh tế thực sự, dựa trên sản xuất, không có vấn đề. Vấn đề chỉ đến từ... tiền bạc. Điều oái oăm là vấn đề tiền bạc ở đây không liên hệ gì tới giá trị thật của hàng hóa mà chỉ là những con số đến từ sự trao đổi của chính bản thân... tiền bạc! Tiền bạc tự nó tạo ra khủng hoảng cho chính nó...

Một số người Phẫn Nộ đã đặt câu hỏi, rằng: trong điều kiện ấy, tiền bạc có còn thực sự cần thiết hay không? Để trả lời, chúng ta có thể hình dung những siêu thị đầy hàng hóa nhưng không có ai vào mua vì không có tiền (trường hợp deflation), những hãng xưởng hoàn toàn chạy tốt nhưng không có thợ làm việc vì không được trả lương... Người Phẫn Nộ có thể họp nhau phá cửa siêu thị để xông vào lấy hàng hóa, nhưng sau đó siêu thị sẽ trống trơn vì không còn ai bán hàng cho nó nữa. Kịch bản giả tưởng này sẽ không xảy ra vì khủng hoảng sẽ không một sớm một chiều trở thành toàn diện. Mặc dầu thế, dù khủng hoảng tài chính có bị kềm lại ở một mức độ nào đó, như hiện nay, đời sống của người dân cũng vẫn phải chịu ảnh hưởng nặng nề. Lý do vì mọi khía cạnh nhỏ nhặt nhất của đời sống đều phải qua trung gian của tiền bạc. Trong căn bản, điều này không có gì tai hại. Từ những thời xa xưa nhất, người ta đã tạo ra tiền bạc vì sự tiện ích của trung gian ấy. Tuy nhiên, tiền bạc chỉ thực sự tiện ích khi nó là trung gian giữa những giá trị thực sự. Mà giá trị thực sự không thể là gì khác hơn là giá trị tạo ra bởi công việc làm. Kỳ dư chỉ là những giá trị ảo. Một cổ phần trên thị trường chứng khoán có trị giá 100 hay 1000 USD là tùy vào số người xông vào mua nó, bất chấp giá trị thật của nó. Đó là giá trị ảo. Vấn đề là dần dần tiền bạc bị gắn liền với giá trị ảo hơn là với giá trị thật. Tình trạng này đưa đến thiếu tiền (deflation) hay tiền mất giá trị (inflation), trong khi guồng máy kinh tế, tự nó, vẫn dư thừa tiềm năng.

Nghịch lý này, khi đè nặng trên đầu dân chúng, thì không khỏi làm nảy sinh ra những người dân « Phẫn Nộ ».


Phong trào quần chúng

Trong một chế độ dân chủ, khi không đồng ý với một chính sách nào đó, thì người dân có thể phát biểu ý kiến của mình qua lá phiếu trong các cuộc bầu cử và trưng cầu dân ý (ở đây chúng ta không bàn đến các chế độ độc tài). Các phong trào quần chúng đấu tranh quy mô diễn đạt một sự thiếu tin tưởng vào các định chế dân chủ. Một nền dân chủ càng nặng về hình thức, càng được cảm nhận như không đủ thực chất, thì càng có nhiều vụ biểu tình, đình công.

Tại Pháp, người ta thường thấy những cuộc biểu tình quy mô chỉ vài tháng sau một cuộc bầu cử, thậm chí có khi làm sụp đổ cả một chính phủ. Tại sao người dân lại bất nhất như thế ? Có phải vì họ không đủ trưởng thành, khi thì đòi chuyện này, lúc lại đòi chuyện khác, không biết mình muốn gì? Thật ra, những thái độ ấy đến từ hai ngộ nhận nền tảng về bầu cử và dân chủ.


Bầu cử và dân chủ:


Nếu dân chủ là « người dân làm chủ », thì bầu cử chính là tước đoạt quyền làm chủ của người dân. Bầu cử mâu thuẫn với dân chủ. Trong phòng phiếu, khi để cho lá phiếu rời khỏi tay, thì người dân mặc nhiên từ bỏ quyền làm chủ đất nước của mình, để đặt nó vào tay một người mà có khi mình chỉ được biết sơ sài qua vài màn trình diễn hay vài thông tin phiến diện được gạn lọc bởi những cơ sở truyền thông. Kết quả là quyền hành được chuyển nhượng cho một nhóm chính trị gia chuyên nghiệp, phân chia thành đảng phái để thay phiên nhau cai trị xã hội. Bầu cử, trong sự vận hành tốt đẹp nhất của nó, chỉ đưa đến một chính thể « thượng chủ » (oligarchie), với quyền hành luân chuyển trong tay một giới thượng lưu. Có lẽ vì thế mà Sartre đã cho rằng bầu cử là cạm bẫy dành cho bọn đần độn : « élection, piège à cons ! » (Tựa một bài báo viết năm 1973, trong « Les Temps Modernes »).

Ngộ nhận nền tảng thứ hai giữa bầu cử và dân chủ là niềm tin rằng khi mỗi cử tri phát biểu qua lá phiếu của mình thì đó là quyết định của « nhân dân », của dân tộc, của toàn xã hội, và cho đó là dân chủ. Điều này hoàn toàn là một ngộ nhận, vì lá phiếu chỉ phản ảnh sự chọn lựa của một cá nhân, và tổng hợp các lá phiếu chỉ cho biết quyết định của một tập hợp cá nhân. Một tập hợp cá nhân không phải là một dân tộc, không đồng nghĩa với « nhân dân », với xã hội. Xã hội, nhân dân, dân tộc, mang cá thể riêng biệt, khác hẳn với những cá nhân cộng lại. Chỉ cần nghĩ rằng: sự kín đáo của phòng phiếu chính là nơi mỗi cá nhân được dịp phản bội tập thể của mình…

Như thế, bầu cử có thể hiện diện trong những nền dân chủ hình thức mà không thực sự đem lại quyền hành cho người dân. Vì thế, họ ít đi bầu, như trường hợp Tây Ban Nha cách đây vài hôm, với 29% cử tri đã không tham gia đầu phiếu (10 triệu người), và 9% bầu phiếu trắng (hơn 2 triệu người). Con số người không đi bầu trong các cuộc bầu cử quốc hội Âu Châu trung bình là 44%. Cuộc bầu cử cuối cùng ở Pháp (Cantonales – 20 tháng 3, 2011) có đến 51,2% người không đi bầu!

Nếu người dân không sốt sắng tham gia đầu phiếu, thì khi có những vấn đề được nghĩ là đụng chạm đến quyền lợi của họ, họ sẽ chọn những phương thức phát biểu khác, như đấu tranh quần chúng.


Vấn đề Tự Do Ngôn Luận:


Chúng ta có thể nhìn phong trào « Những Người Phẫn Nộ » không phải như một cuộc đấu tranh cho một mục tiêu chính trị cụ thể, như thay thế một chính quyền, mà như một tiếng kêu, bày tỏ những « phẫn nộ » mà thành phần dân chúng liên hệ không có phương tiện nói ra. Vì sao lại có thể như thế? Làm sao quan niệm được điều này giữa một xã hội dân chủ, trong đó tự do ngôn luận, tự do phát biểu nguyện vọng, kể cả phát biểu sự « phẫn nộ », là một trong những thành tố quan trọng nhất ? Tức là một thành phần dân chúng nào đó đã không còn trông cậy được vào các định chế truyền thông để diễn đạt sự phẫn nộ của mình. Họ buộc phải nói lên điều đó qua một phong trào đấu tranh quần chúng quy mô do chính họ phát động lên...

Lý do là trong các xã hội Tây Phương, ngôn luận được tập trung trong tay các nhà kỹ nghệ. Tại Pháp, một tổ hợp xây cất, cùng với hai tổ hợp sản xuất vũ khí thân cận với chính quyền, hiện nắm giữ những phương tiện truyền thông đại chúng quan trọng nhất, bao gồm những đài truyền hình đại chúng, đài phát thanh, báo giấy, báo mạng, nhà xuất bản sách v.v… Patrick Le Lay, nguyên Giám Đốc đài truyền hình TF1, dẫn đầu số khán giả tại Pháp, thuộc tổ hợp Bouyghes (gốc là một công ty xây cất), từng tuyên bố: « điều mà chúng ta bán cho Coca Cola – hay bất cứ thương hiệu nào khác - là thời gian trí não của khán giả, để họ sẵn sàng đón nhận các thông điệp quảng cáo » (4). Truyền thông trở nên lệ thuộc vào thế lực tiền bạc và gắn bó chặt chẽ với quyền lực chính trị. Khán giả các phương tiện truyền thông đại chúng, tức đại đa số dân chúng, bị điều kiện hóa để không còn biết tự mình suy nghĩ. Họ trở thành một bầy cừu với những thái độ và phản ứng đồng loạt được « quy trình » sẵn (5). Ý kiến cá nhân, vốn là cột trụ quan trọng nhất của dân chủ, từng được các triết gia như Aristote đề cao từ thời cổ Hy Lạp, bị đặt trước nguy cơ tàn lụi, bởi sự tập trung các phương tiện ngôn luận dưới sự cai trị của thị trường. Trong điều kiện ấy, khi một thành phần dân chúng không thuộc giới ưu thắng cảm thấy quyền lợi của mình bị đe dọa, và ý thức nhu cầu cần lên tiếng đánh động dư luận, thì họ gặp khó khăn trong việc nhờ đến các phương tiện truyền thông. Họ mất niềm tin vào những phương tiện này, đưa đến khuynh hướng tự mình phát biểu, qua những cuộc đấu tranh mà chúng ta hiện thấy.


Ai nắm quyền?


Dù sao, điều quan trọng trong một xã hội, đặc biệt là xã hội dân chủ, không phải là quyền nói năng, phát biểu, mà nằm trong câu hỏi: quyền quyết định nằm trong tay ai? Churchill từng đùa rằng: “Chúng ta sống trong một xã hội dân chủ, nên quý vị có toàn quyền phát biểu trước khi phục tùng quyết định của tôi ». Khi quyền hành được tầng lớp ưu thắng nắm chắc trong tay, thì tự do ngôn luận không có một giá trị quyết định nào. Người ta có thể có tự do ngôn luận, đồng thời vẫn bị lệ thuộc vào những quyết định của thành phần ưu thắng.

Ở trên, chúng ta đã nói đến một thể chế « thượng chủ » nắm vận mạng các quốc gia. Tuy nhiên với khuynh hướng toàn cầu hóa, quyền hành đang dần dần vuột khỏi tay giai cấp thượng chủ quốc gia, để rơi vào tay những tập đoàn kinh tế tài chính quốc tế. Quy luật vận hành của các quốc gia, dần dần không còn được quyết định bởi các định chế dân chủ, dù là hình thức, nữa, để được thay thế bằng quy luật thị trường.

Thật vậy, dân chủ trong sự hoạt động của nó, cần đến những cấu trúc lệ thuộc vào một biên giới rõ rệt, thông thường nhất là biên giới quốc gia. Thị trường, ngược lại, không biết đến ranh giới. Môi trường hoạt động của nó rốt rào là toàn cầu. Những quyết định của thị trường có thể mâu thuẫn với ý muốn của người dân. Thị trường có khả năng áp đặt quy luật của mình trên luật lệ an sinh xã hội, luật lao động, luật tài chánh, thuế khóa, hối đoái v.v… của một nước. Áp lực của thị trường có khuynh hướng ngày càng gia tăng. Ngược lại, ảnh hưởng điều chế của dân chủ trên áp lực của thị trường thì lại ngày càng suy giảm, ngay cả tại các nước tiền tiến. Một chính phủ, dù hữu khuynh hay tả phái, tại Pháp, Đức, Ý, hay Tây Ban Nha, rốt cuộc cũng vẫn phải chiều theo những đòi hỏi của thị trường trong cái thế toàn cầu không thể tránh được. Rốt cuộc, thị trường làm chủ, tước quyền làm chủ, dù chỉ là hình thức, của người dân.

Áp lực « siêu quốc gia » của thị trường cũng thúc đẩy việc hình thành các khối quốc gia. Trong trường hợp Cộng Đồng Âu Châu, tất cả đã bắt đầu bằng một thị trường chung, trước khi cố gắng tiến dần đến quy chế liên bang. Cộng Đồng Âu Châu có quyền áp đặt những điều luật trên người dân của một quốc gia thành viên. Rồi khi những người dân này phát biểu sự chống đối của họ qua các cuộc trưng cầu dân ý, thì giới cầm quyền liền tìm cách chuyển các vấn đề bị chống đối ấy sang cho các Quốc Hội, tức cho giới chính trị gia chuyên nghiệp, thông qua. Trong điều kiện ấy, thử hỏi ai làm chủ? Ai nắm quyền? Có còn là người dân nữa hay không?

Cuộc khủng hoảng hiện nay, đặc biệt là tại Âu Châu, cho thấy sự đối nghịch giữa dân chủ và thị trường một cách rất rõ ràng. Theo một thăm dò, thì trên 60 phần trăm dân chúng Hy Lạp chống lại chương trình phục hồi kinh tế được quyết định bởi các quốc gia Âu Châu. Trước tình thế ấy cựu Thủ Tướng Papandreou quyết định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý. Một phản ứng hoàn toàn phù hợp với tinh thần dân chủ! Mặc dù thế, toàn thể chính giới Âu Châu lớn tiếng lên án Papandreou là vô trách nhiệm, coi ông như một tội phạm... Các thị trường chứng khoán lại tụt dốc sau khi vừa mới ngoi lên được một chút (CAC xuống 5,38% sau khi lên 6%). Chỉ cần nhìn thấy nguy cơ phải hỏi ý kiến của người dân là lập tức các chỉ số tài chính tụt dốc. Mâu thuẫn thật hiển nhiên! Chúng ta có thể cho rằng: các thế lực tài chính « thông minh » hơn người dân, và quyết định của họ sáng suốt hơn nguyện vọng của dân chúng. Điều này có thể đúng. Nhưng, trong trường hợp ấy, phải nhìn nhận chúng ta thuộc về một mô hình xã hội trong đó dân chủ chỉ còn là một thủ tục hình thức.

Một chi tiết có vẻ nhỏ nhặt, nhưng đáng chú ý khác, không phải xảy ra ở Hy Lạp mà ở Đức. Báo Financial Times, ngày 16 tháng 10 vừa qua cho biết Deutsche Bank vừa đầu tư gần 5 tỷ USD vào... sòng bạc Las Vegas. Đây là một đầu tư được coi như nhiều rủi ro. Đức hiện là nước tiên phong trong việc hô hào lấy tiền của dân chúng giúp vốn cho các ngân hàng. Thử hỏi nếu người dân Đức biết chuyện này, họ có vẫn tiếp tục vui vẻ hy sinh tiền bạc giúp vốn cho ngân hàng Deutsche Bank để ngân hàng này chạy đi nâng đỡ hoạt động của sòng bạc Las Vegas hay không? Mặt khác, làm sao cấm được các ngân hàng có tầm vóc quốc tế đầu tư vào bất cứ nơi nào họ nghĩ là có lợi? Mâu thuẫn, một lần nữa, lại hiện ra một cách rõ ràng.
Một dấu hiệu khác nữa của sự tịch thu quyền lãnh đạo chính trị, là sự kiện quyền năng càng ngày càng lớn mạnh của các văn phòng trắc lượng tài chính (Moody, Standard and Poor, Fitch Ratings ...). Khi ban phát những điểm xấu, tốt, cho nước này hay nước khác, các cơ quan ấy mặc nhiên ảnh hưởng đến chính sách kinh tế của các quốc gia liên hệ, không chỉ qua tiền lời của các món nợ mà các quốc gia kia phải chịu (điểm càng xấu càng phải chịu tiền lời cao), mà cả qua hình ảnh của các chính quyền đối với dư luận, một điều còn quan trọng hơn lãi suất gấp bội phần. Nhiều chính quyền, kể cả Hoa Kỳ, đã phải thích nghi chính sách kinh tế, tài chính, của mình, trước nguy cơ bị hạ điểm, bằng những biện pháp gây ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống của người dân. Nước Pháp cũng hiện đang vất vả với những kế hoạch cắt giảm phúc lợi của người dân để làm vừa lòng các văn phòng trắc lượng tài chính. Chính quyền sẽ được người Pháp bầu lên vào năm 2012 cũng sẽ không thể làm gì khác hơn, dù cho chính quyền ấy có thể sẽ mang màu sắc Xã Hội...

Để kết thúc phần này, xin nhắc lại lời Tổng Thống Thomas Jefferson, trong một bức thư gửi Bộ Trưởng Tài Chính Albert Gallatin, năm 1802:

« Tôi nghĩ định chế ngân hàng nguy hiểm cho sự tự do của chúng ta hơn những đạo quân dũng mãnh. Nếu người dân Hoa Kỳ chấp nhận cho các ngân hàng tư nhân kiểm soát những vấn đề tiền tệ của họ, thông qua tác động trên lạm phát, rồi trên giải lạm phát (deflation), thì các ngân hàng và tổ hợp tài chính sẽ càng ngày càng phát triển, để tước đoạt tất cả những gì họ sở hữu, cho đến khi con cháu họ trở thành vô gia cư trên cái lục địa mà chính cha ông chúng đã từng chinh phục. Khả năng kiểm soát lợi nhuận nằm trong tay các ngân hàng phải được thu hồi và trả lại cho người dân, tức những người thực sự có quyền ấy ».


Những điềm báo trước:


Trước khi phong trào « Những Người Phẫn Nộ » khởi phát, đã có những hiện tượng mang cùng sắc thái.

Có những chuyện chỉ đơn thuần khôi hài, như một trò chơi mới gọi là « Whack a Banker » (đập đầu tài phiệt) một thời thịnh hành ở Southwold, một tỉnh ven biển của Anh Quốc. Với 40 pences (khoảng 0,66 đô la), bạn được trang bị một cái chày và được quyền đập vào đầu của các chủ ngân hàng mỗi khi chúng thò lên khỏi những lỗ hổng. Số người chơi đông đến độ các cái chày không ngừng phải được thay thế! Một chi tiết, nếu bạn đập được một số đầu tài phiệt nào đó, thì một tiếng nói rất « tài phiệt » vang lên, tuyên bố: « Bạn đã thắng! Chúng tôi chấp nhận về hưu. Xin cảm ơn bạn trả tiền hưu trí cho chúng tôi »…

Bên cạnh đó, một cuộc cách mạng ôn hòa và đơn giản đã được cựu ngôi sao bóng đá Eric Cantona đề nghị. Với nhận xét rằng hệ thống ngân hàng là huyết mạch của Tư Bản Chủ Nghĩa, Cantona suy diễn là chỉ cần đập đổ hệ thống này là có thể đánh gục một mô hình xã hội mà ông cho là bóc lột người dân. Trước làn sóng người biểu tình chống lại việc thu hẹp ngân sách, cắt giảm hưu trí, lương bổng, trợ cấp v.v... trên một số quốc gia Âu Châu vào lúc đó, Cantona đề nghị thay vì mất công xuống đường biểu tình, những kẻ chống đối chỉ cần đồng loạt đến ngân hàng rút ra những món tiền lớn nhất có thể được. Trận cuồng phong này sẽ làm các ngân hàng sẽ sụp đổ, kéo theo Tư Bản Chủ Nghĩa. Không cần đổ máu, không cần bạo lực, không có đấu tranh gian khổ, tù đày...

Một video của Cantona được đưa lên mạng vào ngày 8 tháng 10, 2010. Chỉ trong vài hôm sau, nó đã thu hút hàng trăm ngàn khán giả. Thông điệp của Cantona được dịch ra nhiều thứ tiếng, và trên 70 ngàn người quả quyết sẽ rút ra khỏi ngân hàng những món tiền lớn nhất có thể được, vào ngày ấn định. Cùng lúc, toàn thể giai cấp chính trị, từ tả sang hữu, nhất loạt lên án Cantona. Giới lãnh đạo Âu Châu cũng phát biểu chống lại chàng ngôi sao bóng đá này một cách mạnh mẽ.

Đến ngày ấn định, (7 tháng 12, 2010), cuộc cách mạng đã không đem lại kết quả mong muốn. Thật ra, sự thất bại của nó không trầm trọng hơn những cuộc cách mạng lỡ làng khác trong lịch sử. Và điều đáng vui mừng là nó đã không làm đổ một giọt máu nào. Không phải đấu tranh giết chóc, áp bức, giam cầm... Đối với người Việt Nam, từng kinh qua những cuộc cách mạng đầy máu và nước mắt, cuộc cách mạng tí hon của Eric Cantona có một cái gì đó làm cho chúng ta... mỉm cười!

Người ta cũng có thể nghĩ đến các phong trào chống lại Toàn Cầu Hóa, hoạt động từ vài năm nay, cũng như các cuộc biều tình đình công có trước phong trào « Phẫn Nộ », tại một số quốc gia phải chịu « thắt lưng buộc bụng », như tại Ái Nhĩ Lan, Bồ Đào Nha, Hy Lạp... Tuy nhiên, quan trọng nhất chắc chắn là những cuộc nổi dậy trong khuôn khổ được gọi là « Mùa Xuân Ả Rập ».


Mùa Xuân Ả Rập:

Những người « Phẫn Nộ » thường nhắc đến « Mùa Xuân Ả Rập » như những gợi ý mạnh mẽ cho cuộc đấu tranh của họ. Trong cả hai trường hợp, chúng ta đều chứng kiến một phong trào quần chúng khởi phát từ những người có học thức nhưng không có được mức sống tương ứng với trình độ của họ. Những người này tận dụng những phương tiện thông tin hiện đại nhất, như Facebook và Twitter, để tổ chức và điều hành đấu tranh một cách hữu hiệu.

Trong cả hai trường hợp, chúng ta cũng nhận thấy sự trống vắng chủ ý chính trị, ít ra là trong giai đoạn khởi đầu. Những người đấu tranh chỉ biết tố cáo những bất công, và trong trường hợp « Mùa Xuân Ả Rập », đòi hỏi sự cáo chung của các chế độ độc tài, chứ không có một chương trình cai trị rõ rệt nào, và cũng không có nhân sự chính trị sẵn sàng tham gia hoặc chiếm hữu quyền hành. Trên quảng trường Tahrir ở thủ đô Ai Cập, những người đấu tranh viết bằng mực đỏ những hàng chữ sau: « Cấm hô những khẩu hiệu chính trị, cấm dựng lên một diễn đàn, cấm mọi đảng phái chính trị bén mảng đến đây ». Những người « Phẫn Nộ » cũng thế. Họ không để cho một đảng phái nào xen vào cuộc tranh đấu của họ. Tại Tây Ban Nha, họ kêu gọi bỏ phiếu trắng hay không bỏ phiếu.

Một điểm tương đồng đáng chú ý khác là tính cách bất ngờ của cả « Mùa Xuân Ả Rập » lẫn « phong trào Phẫn Nộ ». Giới chính trị gia chuyên nghiệp đều hụt hẫng khi các cuộc đấu tranh này khởi phát. Trong trường hợp « Mùa Xuân Ả Rập », có vị bộ trưởng Pháp còn tuyên bố sẵn sàng giúp Ben Ali « duy trì trật tự » khi phong trào chống đối ông bắt đầu lan rộng khắp Tunisia! Chính giới Tây Phương đã có một lúc do dự trước khi có can đảm đứng hẳn về phe những người chống đối. Tương tự như thế, các phong trào « Phẫn Nộ » cũng như « Chiếm Phố Wall » cũng đều đã tạo ngạc nhiên trong hàng ngũ các đảng phái chính trị. Điều này lại một lần nữa cho thấy sự cách biệt giữa dân chúng với các chính trị gia chuyên nghiệp trong giai cấp « thượng chủ ».


Thành quả chính trị:


Sự thiếu vắng một chương trình chính trị, cũng như nhân sự và tổ chức sẵn sàng thực hiện nó, khiến Phong trào Phẫn Nộ không có một tương lai chính trị theo ý nghĩa thông thường. Những chỉ trích nhằm vào hệ thống tài chính không đem lại một giải pháp cụ thể nào. Đa số các lý thuyết gia trong hàng ngũ họ đều nghĩ rằng khủng hoảng là thuộc về hệ thống, và mọi loay hoay chắp vá đều chỉ tìm cách "mua thời gian" để dời khủng hoảng đến một tương lai ngắn hạn. Họ không hoàn toàn vô lý. Thí dụ như trong cuộc khủng hoảng nợ nần tại Âu Châu hiện nay, phần lớn các biện pháp được đề ra đều quay quanh việc tăng nợ của các quốc gia vốn đã đang chìm trong nợ nần chồng chất để dựng lên những ngân quỹ nhằm bảo đảm cho những món nợ đã sẵn có của nhau! Người ta tìm cách giảm chi tiêu của chính phủ, giảm lợi tức và phúc lợi của người dân, nhưng điều này sẽ đưa đến giảm tiêu thụ với hậu quả là các xí nghiệp không bán được hàng hóa, không đóng được thuế, ngân quỹ lại thất thu, lại buộc phải đi vay, và kết quả vẫn là: thêm nợ!

Giả sử như cơn bão nợ nần có lặng đi được ít lâu, thì các vấn đề nan giải khác sẽ vẫn tiếp tục soi mòn hệ thống kinh tế hiện tại từ nền tảng của nó. Thứ nhất là sự suy kiệt tài nguyên thiên nhiên. Kế đến là nạn ô nhiễm môi trường, hiện đang quay quanh các vấn đề gia tăng nhiệt độ của địa cầu và từ bỏ năng lượng hạt nhân. Tất cả các bài toán gay go này đều đưa đến giải đáp là phải thay đổi mô hình chạy đua sản xuất kèm với thúc đẩy tiêu thụ, quá tốn kém tài nguyên thiên nhiên và gây ra quá nhiều ô nhiễm, tàn hại môi trường. Chúng ta như đang ngồi trên một đoàn tàu hỏa thiếu bộ thắng. Đoàn tàu sẽ cứ lao tới, đến một lúc nào đó sẽ không còn nguyên liệu nữa, và môi trường sống của con người sẽ ô nhiễm đến mức không còn chịu đựng nổi… Ngay cả đến lúc ấy, con tàu của chúng ta cũng sẽ không ngừng lại được, vì bản chất của nó là luôn lao tới trước mặt. Như đã nói: một xí nghiệp tư bản giảm sản xuất là một xí nghiệp đang hấp hối! Cái thắng duy nhất có thể quan niệm được là quyền lực chính trị đến từ các chính quyền và từ xã hội công dân. Tuy nhiên, ai cản trở nổi kinh tế thị trường khi nó chính là động cơ đem cơm áo đến cho đa số con người trên thế giới? Một số ít người giàu sẽ mơ tưởng đến việc bảo vệ môi sinh. Nhưng trước mặt họ sẽ là vô số kẻ thiếu thốn, sẵn sàng làm bất cứ gì để ra khỏi vũng lầy nghèo khó, dù cho có phải sát hại Mẹ Thiên Nhiên của mình!

Trong bối cảnh ấy, những người Phẫn Nộ có thể làm được gì? Tăng thuế của người giàu có thể là một điều cần thiết, nhưng không phải là một giải pháp. Kiểm soát hoạt động của giới tài phiệt cũng là một nhu cầu, nhưng khó thực hiện trên bình diện quốc gia trong điều kiện toàn cầu hóa (các hoạt động đầu cơ sẽ chạy sang nước khác). Như đã nói ở trên, quy luật của thị trường đang lấn át trên quyền hành của các chính phủ, nên mọi áp lực trên các chính phủ đều ít mang lại hiệu quả thực tế.


Vài suy nghĩ tích cực:


Một khía cạnh khác của cơn bão nợ nần, ít được những người Phẫn Nộ nói đến là: chính nhờ những món nợ chồng chất tại Hoa Kỳ và Âu Châu mà thế giới đã có được những thập niên thịnh vượng vừa qua. Nhờ nợ nần mà các nước Âu Mỹ đã gia tăng tiêu thụ một cách mạnh mẽ, mua vào vô số hàng hóa sản xuất bởi các nước nghèo, làm cho các nền kinh tế này mạnh tiến trên con đường phát triển. Phần lớn dự trữ ngoại tệ của Trung Hoa đến từ đâu, nếu không phải từ Hoa Kỳ và Âu Châu? Phép lạ nào đã tạo nên các « con rồng Châu Á »? Nhiều quốc gia khác đang từ từ thoát khỏi nghèo đói cũng chính là nhờ mức tiêu thụ cực cao nơi thị trường Âu Mỹ cho đến gần đây, dù cho sự tiêu thụ ấy dựa trên nợ nần. Bây giờ, khi xiết chặt tín dụng, khi nỗ lực quân bình ngân sách làm giảm sức mua của người dân Âu Châu và Hoa Kỳ, thì ảnh hưởng sẽ lan đến tất cả các nước sản xuất cho các thị trường này, tức là đến toàn thế giới. Nợ nần không phải bao giờ cũng xấu. Vai trò của giới tài phiệt với sự đồng tình của các chính phủ trong việc kích thích nợ nần tại Hoa Kỳ và Âu Châu không thể chỉ được nhìn dưới khía cạnh tiêu cực! Trong một số điều kiện, người ta cần nợ nần, cần chấp nhận cho ngân sách thất thu, để giúp kinh tế chạy tốt, đem lại phúc lợi cho người dân.

Vì những chỉ trích một chiều, cộng với sự thiếu vắng giải pháp thực sự cho cuộc khủng hoảng được tin là « hệ thống » hiện nay, mà nhiều người đã nhìn phong trào Phẫn Nộ như một hiện tượng tiêu cực. Thật ra, như đã nói, phong trào này không có tham vọng giải quyết bất cứ gì. Nó chỉ là tiếng kêu của người dân cảm thấy mình bị bóc lột, bị thiệt thòi, bị đẩy vào nghèo nàn thiếu thốn. Giải quyết một cuộc « khủng hoảng hệ thống » hoàn toàn không nằm trong tầm tay họ. Vả lại nếu có được một cuộc cách mạng quét tan hệ thống Tư Bản và kinh tế thị trường hiện hành, thì cái gì sẽ thay thế nó? Câu hỏi này hiện không có giải đáp, trên khắp trường tư tưởng, chứ không phải chỉ trong hàng ngũ những người Phẫn Nộ.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể có những cái nhìn tích cực về phong trào Phẫn Nộ:

- Thứ nhất, những người này đã vạch ra những yếu kém của dân chủ hình thức, bắt buộc mọi người phải xem xét lại thực chất của dân chủ trong nước mình. Điều quan trọng không phải là hình thức dân chủ, như bầu cử, tự do ngôn luận, v.v... mà là một phương thức quản lý xã hội thực sự VÌ DÂN. Người dân có thể có đủ mọi định chế dân chủ, đủ mọi quyền tự do, nhưng không có chút quyền hành thực sự nào trong việc quản lý xã hội.

- Thứ hai, cuộc đấu tranh tự phát của họ cho thấy cần đi đến một sự dung hòa giữa « dân chủ đại diện » và « dân chủ trực tiếp », để một chính trị VÌ DÂN cũng thực sự DO DÂN, thay vì nằm trong tay một giới thượng lưu chuyên nghiệp. Mạng lưới Internet, Facebook, Twitter, v.v... có thể giúp người dân phát biểu trực tiếp và lập tức. Vấn đề là hệ thống hóa những phát biểu ấy và làm cho nó ảnh hưởng được vào việc quản lý quốc gia, tức đem lại cho nó một quyền hành thực sự. Trong khi chờ đợi điều này, cần tạo ra những diễn đàn dư luận mạnh mẽ, với phương tiện thu góp rộng rãi, sắp xếp rõ ràng các ý kiến của người dân, trên các công việc cụ thể, các quyết định hàng ngày của việc quản lý quốc gia, của việc điều hành các địa phương, và cả việc điều hành các xí nghiệp có tầm ảnh hưởng quan trọng trên xã hội (hãng điện, nước, xe lửa, bưu chính...). Vượt trên những phương tiện trưng cầu dân ý hiện đại như vừa nói, dân chủ trực tiếp có thể được áp dụng ngay lập tức ở trình độ địa phương cấp thấp, qua các ủy ban làng xóm, khu phố, xí nghiệp… với sự tham gia trực tiếp của mọi người chứ không qua trung gian đại diện. Nó giúp người dân mau chóng trưởng thành hơn là với hình thức dân chủ đại diện, được coi như duy trì họ trong tình trạng ấu trĩ. Khi biết tự lập, tự quản, người ta cũng dễ thoát khỏi tháp ngà ích kỷ, để chấp nhận ý niệm tự lập, tự quản nơi người khác, đưa đến sự sẵn sàng tham gia vào những dự án chung ở một tầm mức rộng lớn hơn, như tầm mức quốc gia.

- Thứ ba: Cao hơn tầm mức quốc gia, sự lan rộng của phong trào Phẫn Nộ đến gần như khắp thế giới tạo ý thức rằng người ta không thể thay đổi điều gì quan trọng trong khuôn khổ một quốc gia. Cần có sự san sẻ kinh nghiệm giữa các xã hội với nhau, ở trình độ của người dân thường, chứ không phải trong các hội nghị chỉ quy tụ giới cầm quyền. Sự chia sẻ kinh nghiệm này sẽ khiến cho con người ở những xã hội rất khác biệt vẫn có thể kết hợp trong cùng một dự án, vượt trên các ranh giới quốc gia, với khả năng trở thành một đối trọng trước áp lực của thị trường tự do, vốn không có biên giới. Các mạng lưới truyền thông hiện đại có thể giúp nhiều cho việc này.

Xa hơn một bước, chúng ta có thể hy vọng các nguyên thủ quốc gia có can đảm đi đến kết luận rằng họ không có đủ khả năng để giải quyết trong lâu dài cuộc khủng hoảng, và quyết định trao quyền cho một cấu trúc « siêu quốc gia », được hình thành một cách thực sự dân chủ, với quyền hạn và phương tiện đủ để quản lý các vấn đề kinh tế, tài chính trên toàn cầu.

Tóm lại:

Phong trào Phẫn Nộ không chỉ cho thấy những mâu thuẫn của hệ thống tư bản và kinh tế thị trường. Phong trào Phẫn Nộ cũng không chỉ cho thấy những bất công bóc lột, những hành vi bất lương của giới tài phiệt. Điều quan trọng nhất mà phong trào Phẫn Nộ đã vạch ra, là sự nghi ngờ cái thực chất VÌ DÂN của các xã hội dân chủ hình thức. Phong trào Phẫn Nộ là một thúc bách đi đến một phương cách quản lý xã hội VÌ DÂN thực sự.

Cuộc đấu tranh của những người Phẫn Nộ làm cho chúng ta càng thêm tin tưởng rằng:

Khi ý tưởng VÌ DÂN không còn bị ràng buộc bởi những gò bó quanh các hình thức dân chủ lệ thuộc vào giới chính trị gia chuyên nghiệp, thì mọi con người đều có thể suy tư và làm việc theo cùng một chiều hướng. Một sự hợp tác toàn cầu thực sự VÌ DÂN cũng sẽ có thể quan niệm được. Hệ thống hóa và tổ chức sự hợp tác ấy sẽ đưa đến một cấu trúc quyền hành VÌ DÂN trên toàn thế giới, có khả năng đối đầu với nền kinh tế hàng hóa toàn cầu.

Đó là điều kiện sinh tồn của loài người, trước nguy cơ diệt vong mà cuộc chạy đua sản xuất và tiêu thụ sẽ đưa đến. Kinh tế thị trường rất sáng suốt trong đoản kỳ, nhưng hoàn toàn mù quáng trong lâu dài, trong cái thời hạn mà mọi hiểm nguy đang rình rập chờ đợi chúng ta.

Một dịp để nhắc lại lời « tiên tri » của nhà kinh tế Keynes: « Trong dài hạn chúng ta đều ... chết! »


***

Chú Thích:

(1) Dies iræ, dies illa, dies tribulationis et angustiæ, dies calamitatis et miseriæ, dies tenebrarum et caliginis, dies nebulæ et turbinis, dies tubæ et clangoris super civitates munitas et super angulos excelsos ("Cephania" : 1,14-18)
(2) Xem : Thượng Đế và Thần Linh được tạo ra như thế nào ? (http://nguyenhoaivan.com/default.asp?do=news_detail&id=388&kind=10) ?
(3) Xin ghi nhận là "khuynh hướng suy giảm tỷ lệ lợi nhuận" chỉ là một « khuynh hướng » và chỉ áp dụng cho « tỷ lệ » lợi nhuận, nên lợi nhuận của tất cả các nhà tư bản không nhất tiết phải suy giảm
(4) "… à la base, le métier de TF1, c'est d'aider Coca-Cola, par exemple, à vendre son produit. […] Or pour qu'un message publicitaire soit perçu, il faut que le cerveau du téléspectateur soit disponible. Nos émissions ont pour vocation de le rendre disponible : c'est-à-dire de le divertir, de le détendre pour le préparer entre deux messages. Ce que nous vendons à Coca-Cola, c'est du temps de cerveau humain disponible …" P. Le Lay – 2004.
(5) Stiegler: de la Croyance en Politique (http://nguyen.hoai.van.pagesperso-orange.fr/Stiegler.htm#1)
và Đại Hội Truyền Thông thế Giới: http://nguyenhoaivan.com/?do=news_detail&id=131&kind=5



Về Đầu Trang Go down
LHSon
Khách viếng thăm




Phẫn Nộ: Từ Stephane Hessel đến «Chiếm Phố Wall» Empty
Bài gửiTiêu đề: Từ Chiếm phố Wall đến Chiếm phố Chính   Phẫn Nộ: Từ Stephane Hessel đến «Chiếm Phố Wall» Icon_minitimeFri Nov 30, 2012 7:49 pm


- Phong trào "Chiếm phố Wall" tại Mỹ và các nhóm tương tự
Âu châu đã bị đàn áp và ngưng hoạt động.
- Có người nghĩ là phong trào đã kết thúc, nhưng có người khẳng định phong trào vẫn đang âm ỉ và sẽ bùng phát trở lại với những mục tiêu rõ rệt hơn: “Từ Chiếm phố Wall đến Chiếm phố Chính” (Main Street thay vì Wall Street).


***

Từ Chiếm phố Wall đến Chiếm phố Chính

Ngày 17-9-2011, phong trào biểu tình Chiếm lấy phố Wall bắt đầu với việc hàng trăm người biểu tình đổ về trung tâm tài chính quốc gia ở công viên Zuccotti ở New York, Mỹ, nhằm mục đích chống lại sự bất công về thu nhập, nạn tham nhũng trong ngân hàng - thủ phạm trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và sự lạm dụng của các công ty…

Theo CNN, những người tổ chức biểu tình năm nay, ngày 17-9-2012, mong muốn thống nhất trở lại với mục tiêu cụ thể, tiến hành cuộc nổi dậy của những người đang mắc nợ ngân hàng, kêu gọi chấm dứt tình trạng để đồng tiền thao túng chính trị và kêu gọi cải cách hệ thống y tế... Theo báo Los Angeles Times, các cuộc thăm dò mới đây với kết quả cho thấy đa số người được hỏi vẫn ủng hộ phong trào Chiếm lấy phố Wall nhưng cho rằng phong trào cần thêm những chiến lược mới.

Theo Tổng Biên tập tạp chí Adbusters, ông Kalle Lasn, phong trào Chiếm lấy phố Wall đang chuyển đổi cách thức biểu tình: Chiếm lấy phố Wall giờ sẽ chuyển sang “chiếm phố Chính” (Main Street thay vì Wall Street).

Phẫn Nộ: Từ Stephane Hessel đến «Chiếm Phố Wall» Wall
Người biểu tình mang theo một con trâu vàng với dòng chữ “Tham lam” trong cuộc biểu tình Chiếm Phố Wall

Phẫn Nộ: Từ Stephane Hessel đến «Chiếm Phố Wall» Ow10
Khi màn đêm buông xuống ở Âu châu, người biểu tình tuần hành tại New York, nơi phong trào Chiếm Phố Wall được dấy lên.

Phẫn Nộ: Từ Stephane Hessel đến «Chiếm Phố Wall» Usweb_b893a
Cảnh sát bắt một người biểu tình của phong trào Chiếm phố Wall ở New York. Ảnh: AP

Biểu tình toàn cầu theo “Chiếm Phố Wall”

.
Phẫn Nộ: Từ Stephane Hessel đến «Chiếm Phố Wall» Ow8
Tại thủ đô của Anh Quốc, biểu tình “Chiếm London” bên ngoài thánh đường St Paul của thành phố.

Phẫn Nộ: Từ Stephane Hessel đến «Chiếm Phố Wall» Ow2
Cuộc biểu tình đông đảo nhất và cuồng nhiệt nhất diễn ra tại thủ đô Rome của Ý, khi hàng chục ngàn người kéo về đại hý trường Colosseum.

Phẫn Nộ: Từ Stephane Hessel đến «Chiếm Phố Wall» Ow5
Cảnh sát Ý đã phải can thiệp và nỗ lực chặn những đối tượng biểu tình có vũ trang.

Phẫn Nộ: Từ Stephane Hessel đến «Chiếm Phố Wall» Ow9
Tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, chiếc nôi của phong trào “phẫn nộ”, một cuộc tuần hành rầm rộ đã diễn ra tại quảng trường nổi tiếng của thành phố, Puerta del Sol.

Phẫn Nộ: Từ Stephane Hessel đến «Chiếm Phố Wall» Ow6
Hàng ngàn người biểu tình cũng kéo tới bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương Âu châu tại Frankfurt, Đức. Khẩu hiu với dòng chữ “Châu Âu – bi kịch Hy Lạp”.

Phẫn Nộ: Từ Stephane Hessel đến «Chiếm Phố Wall» ImageView
Cảnh sát Đức đụng độ với người biểu tình “Chiếm lấy Frankfurt” - Ảnh: Reuters

***
Về Đầu Trang Go down
 
Phẫn Nộ: Từ Stephane Hessel đến «Chiếm Phố Wall»
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» "Hãy nổi giận" - "Indignez-vous!" hay hiện tượng Hessel ở Pháp
» Ðọc Thơ Tuệ Sỹ - Một Thoáng Chiêm Bao
» Dòng Lệ Sử: Duyên Việt, Tình Chiêm
» Mùa Hè Đỏ Lửa 1972
» Tài liệu quân dân VNCH cương quyết chống TC xâm lược Hoàng Sa năm 1974

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon  :: ĐỀ TÀI :: Kinh Tế-
Chuyển đến