Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon

Diễn Đàn của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Keywords
bich truyện quốc quan chẳng chuyen Chung thuoc nguyet quynh ngắn hoang Saigon trong Nguyen nhac ngam sáng quang phải Trung linh chất VNCH không Nhung
Latest topics
» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
CHIM HỠI CHIM Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:38 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
CHIM HỠI CHIM Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
CHIM HỠI CHIM Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» qua đi thôi bão nổi
CHIM HỠI CHIM Icon_minitimeSat Mar 11, 2023 3:11 am by Admin

» Cụ Hoang Xuân Hãn
CHIM HỠI CHIM Icon_minitimeSun May 08, 2022 10:37 pm by Admin

» Giáo dục VNCH - Giáo dục con đường khai phóng
CHIM HỠI CHIM Icon_minitimeMon Jan 10, 2022 4:06 am by Admin

» Suy tư về kiếp người - Về Cùng Cát Bụi
CHIM HỠI CHIM Icon_minitimeSun Jan 09, 2022 4:25 am by Admin

» AI ĐÃ HẠ GỤC CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN?
CHIM HỠI CHIM Icon_minitimeSat Jan 08, 2022 2:41 am by Admin

» NHẠC THIỀN - Cõi Thiền trong Âm Nhạc
CHIM HỠI CHIM Icon_minitimeThu Jan 06, 2022 4:11 am by Admin

May 2024
MonTueWedThuFriSatSun
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  
CalendarCalendar
Affiliates
free forum

Affiliates
free forum


 

 CHIM HỠI CHIM

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin



Posts : 164
Join date : 20/10/2011

CHIM HỠI CHIM Empty
Bài gửiTiêu đề: CHIM HỠI CHIM   CHIM HỠI CHIM Icon_minitimeWed Nov 23, 2011 12:35 am

Chim Hỡi Chim
“Hạnh phúc, là chút sung sướng nhỏ nhoi khi ta nhác nghe lại được tiếng chim reo vui, khi âm hưởng mơ hồ của giọng sơn ca, họa mi, yến vân, hay dù là quạ tự thuở nào ngỡ như mãi mãi chẳng còn về.”

─ GIA ─

1
Cái cò cái vạc cái nông


Nhờ phát triển dồi dào của phương tiện truyền thông mà thiên hạ ngày ngày được tiếp cận bao điều kỳ thú, như trăm hồng nghìn tía đua chen trong ống kính vạn hoa. Hẵng về với nhà chim mà xem. Kiwi mẹ phục phịch như con gà mái ghẹ, suốt kiếp chỉ có trần một việc lúi húi o bế cái tổ sao cho mẻ trứng nở thành con được trong ấm ngoài êm. Con diều trọc hay kên kên, họ nhà vulture đông như ruồi, là một trong số chúng sinh bất hạnh nhất trần đời vì đói dài. Chim mẹ hết nạc vạc đến xương, đã chẳng quản quắp lấy khúc xương ống của xác thú hết thịt lây lất giữa thảo nguyên, đoạn bay bổng thả xuống vỉa đá cho vỡ toang ra. Chất tủy thối rữa từ đó được cái mỏ gớm ghê chõ vào nốc ừng ực (vì chả mấy khi còn thức nào đỡ kinh hơn sau bữa thịt tươi), để rồi chim quầy quả bay về tổ há hốc họng cho bầy con dại hút sạch bầu diều. Cho dù mũi chúng có điếc chăng, thì những bậc mẹ hiền này dẫu sao cũng đã vì con hy sinh đến tận cùng cảm giác...

“À ạ ơi,
“Cái cò, cái vạc, cái nông,
“Ba con cùng béo vặt lông con nào?
“Vặt lông con cốc cho tao,
“Để tao nấu nướng, tao xào, tao ăn.
(Ru con)


Một nhãn quan thực dụng dễ bị liệt vào hàng phàm phu tục tử, thậm chí lắm khi còn bị coi như phi pháp, là đưa vào miệng các vưu vật thiên nhiên không đúng chỗ và đúng lúc; ví như khi xưa mắt trước mắt sau đớp vụng lễ vật tiến vua (chuối ngự, vải thiều...) hay ngày nay điếc không sợ súng, ngang nhiên ngả “cây còn” ra mà lai rai kèm lá mơ tam thể trên đất Cờ Hoa. Mũi lõ có thể phát oẹ khi chứng kiến công dân Cao-Ly chơi chó cả con hấp chung đu đủ xanh chấm vào nước tương đậu nành đặc chế. Phải chi cụ Nguyễn-Hiến-Lê dịch cho họ coi thêm hoạt cảnh đau thương trong đoạn văn Tự-Lực Văn-Đoàn, tả ông lão mù ngồi khóc sướt mướt vì tiếc con chó. Kẻ đa cảm muốn rơm rớm nước mắt theo cụ ấy trước mất mát nẫu lòng này, cho đến khi chưng hửng nghe con người tội nghiệp trợn trắng mắt thút thít rên lên, “Thôi... thế là chúng nó cướp mất con chó thịt của tôi rồi!”

• • •

Tấm áo dài thướt tha bằng lụa Pháp hay muslin ôm gọn vóc dáng mảnh mai như mẫu người tình T-C-Sơn đã từng một thời phất phơ trên đất Saigon. Giữa lòng phố thị muôn mầu, khách qua đường chợt ngây ngây say theo tà áo ánh lên sắc xanh lá cây kim loại đầy ma lực. Ấy là mầu cổ vịt, thắm thiết như mấy con bạn nhẵn nhụi đương bềnh bồng thả nổi dưới cầu. Đó là những đôi vịt trời tương cận mà phu quân được cái trời cho luôn có nhan sắc hơn vợ nhà.

CHIM HỠI CHIM Download?mid=1%5f26743781%5fAJLHjkQAAYYxTsxvNwhRuQYF6oE&pid=10&fid=Inbox&inline=1
CHIM HỠI CHIM Download?mid=1%5f26743781%5fAJLHjkQAAYYxTsxvNwhRuQYF6oE&pid=5&fid=Inbox&inline=1
Thay vì tra cứu ba cái tên khoa học dấm dớ chẳng để làm gì, nếu chỉ chăm chăm nhìn cầm thú như thể thực phẩm theo quan điểm “sống để mà ăn” của kẻ phàm tục, thì vịt trời đích thị là thức khoái khẩu. Tuy nhiên cũng còn tùy. Tụi vịt bơi nhởn nhơ trong ao hồ thường cho thịt rất là thất vọng, vì dai phải biết. Trong khi đó giống le le dưới lục tỉnh Nam phần mới chính là đồ ăn “tiểu táo” (tiêu chuẩn bếp nhỏ chuyên bồi dưỡng các đức ông, thay vì chảo lớn dành cho bộ đội lính tẩy). Đấy là loài chim trời theo mùa mà dân ta thuận lẽ tự nhiên bẫy về đánh chén hoặc đem thẳng ra chợ. Thời gian sau này do thiếu quan tâm của chính quyền về chương trình bảo vệ các loài chim thiên di mà những vườn chim đậu càng bị mấy cửa hàng ăn vô lại tàn sát vô tội vạ, nhằm phục vụ cho từ ông lớn đến bà bé. Những cái mồm sâu bọ lên làm người kia mang cùng một lối suy nghĩ thô sơ: “Của bắt bén dại gì không hưởng?!”

Y như giống vịt vừa nói chính là những con mòng béo múp míp trên nền trời Bắc Việt, nặng chỉ độ ngoài kilo nhưng chắc nịch do mỡ bị tiêu hao trên đường bay rã cánh. Giá cứ có sẵn mà hầm cho nó dừ, rồi dâng lên các cụ răng cỏ lưa thưa, thì danh mục bách niên bô lão Annamta ắt hẳn đi một mạch vào Guiness. Thầy thợ Hương-Cảng khéo sắc nước cốt vịt trời đóng lọ tung ra thị trường cũng chỉ cốt làm giầu trên quý khách hàng chí hiếu vậy.

Chim thì không hiếm trên trời, nhưng có con ăn được con không. Thịt con mái bao giờ cũng mềm hơn lũ trống (vốn chỉ được cái nết sửng cồ với nhau là giỏi). Dân quèn chỉ quen nghe chứ ai cho nếm mà biết là nem công ngon tuyệt; tuy nhiên chả phượng, râu rồng thì làm gì có thật trên đời? Chim trĩ trống hết sức lộng lẫy nhờ cái lông đuôi đắt tiền gắn trên mũ tài tử phường tuồng. Vả lại vì có thật nên trĩ cũng ăn được lắm. Giới chăn nuôi nay đã gia cầm hóa loại chim hiếm này thành con thịt cho khách sành ăn. Sở thích của thợ săn còn phải kể đến hai giống đa đa (partridge) và cun cút (quail); vốn là dây mơ rễ má với họ nhà trĩ.

Chim cút có hồi được nuôi theo phong trào tại Nam Việt giống kiểu chơi stocks bạo phát bạo tàn từ nhiều năm qua tại Mỹ. Không khác chi lời ví, “béo như con cun cút”, chúng tròn ung ủng tựa cái nắm tay, sống thành bầy rúc rích kiếm ăn trong bờ cây bụi cỏ bìa rừng. Chó săn ào tới, chim nhốn nháo bay tung lên đúng vào lúc ăn phải phát đạn ghém tua tủa như cao xạ, để rồi lã chã rơi rụng đợi bầy tay sai ngoạm lại cho chủ. Chủ bèn vác về để qua đêm rồi mới nhổ lông. Người Pháp rất ưa thịt chim này, lại còn tin chắc theo sách vạn vật ngày trước rằng ngay phân nó cũng béo ra phết, vì chả khác gì thứ sáp ngậy.

Khi nhắc đến đa-đa (hay gà gô), hình như chả ai nghĩ tới kẻ bẫy chim bẽ bàng trong bài “Tiếng hát chim đa đa” rưng rưng của nhạc sĩ V-Đ-Điền. Phát âm “Tét... đa đa” của chim đúng là “lậy ông tôi ở bụi này”, xin mau mau được nộp thịt cho người! Sinh thái của con chim cỡ hai vốc tay chụp vào nhau ấy đại để cũng như cút. Săn nó cũng vậy; nhưng kiểu bẫy sập của người mình hiệu quả hơn nhiều. Bếp Tầu quen rán chim theo kiểu Tứ-Xuyên (Ướp kỹ gia vị, húng lìu, rồi hấp chín sơ. Sau đó hồ lên ít lớp bột lỏng và hong khô trước khi xối mỡ trên lửa vừa vừa cho da được ròn). Kẻ theo Tây chuộng hầm chim với hạt petit pois (green pea). Dân quê ta cả đời dãi nắng ngoài đồng đâm háo muối vì thường xuyên toát mồ hôi; do vậy mà ưa chém to kho mặn, hoặc luộc bừa thành canh bất kỳ con gì vớ được. Đặc biệt là khi nấu con gà gô, váng mỡ tròn vành vạnh thường nổi quầng trên mặt nồi nước xáo.



2
Uyên-Ương


"Ngày xửa ngày xưa có hai anh em hoàng gia kia quấn qu‎ýt bên nhau suốt từ tấm bé. Thế rồi tình anh em ngày qua ngày ngấm ngầm chuyển thành yêu đương nồng nàn. Mối tình loạn luân ác nghiệt giữa hoàng tử và nàng công chúa yêu kiều rốt cục đã bị vua cha cùng mẫu hậu cùng chư vị đại thần trong triều kịch liệt lên án không nhân nhượng. Thảm cảnh rồi chóng vánh xảy ra. Đôi trẻ khốn cùng đi đến chỗ tuyệt vọng giữa tường thành nghiêm cấm. Trong ngang trái ê chề giữa tuổi xuân thì, họ đã quyết cùng nhau tự huỷ mình cho tròn tâm nguyện vĩnh viễn bên nhau!

“Vào một ngày cỏ còn chưa xanh, trên hai nấm mộ mới bỗng hiển hiện một đôi chim vịt lạ thường. Vai bên vai, chim trống đầy phong độ trong bộ cánh óng ả như mầu áo hoàng gia không phút nào rời nàng chim mái khép nép quẩn bên mình. Chúng bận rộn rủ rỉ rù rì âu yếm như tận hưởng mọi phút giây của thời gian...Cảm kích rơi nước mắt trước cảnh ngộ bi đát của hai kẻ nằm dưới mộ phần, và tin rằng họ đã hóa kiếp thành chim, người đời bèn đồng thanh gọi đôi chim ấy là ‘Uyên-Ương’. Cái tên nên thơ này về sau trở thành lời chung cho những đôi tình nhân khắng khít như chim liền cánh, như cây liền cành”.

CHIM HỠI CHIM Download?mid=1%5f26743781%5fAJLHjkQAAYYxTsxvNwhRuQYF6oE&pid=7&fid=Inbox&inline=1

Chuyện cổ tích đau lòng vừa kể chẳng qua do tức cảnh sinh tình mà dệt nên thôi, bởi uyên ương vô cùng có thật dưới gầm trời này. Một đồng loại vịt trời xinh xắn như tượng gỗ tô mầu quả thực là hiện thân của danh từ thơ mộng xa xưa đó. Chúng tựa như cái bóng mà thay vì bắt lên vuốt ve, khách thường lặng ngắm những đôi lẫm chẫm trong bờ lau nội cỏ, hoặc bập bềnh trên sóng nước lăn tăn, hoặc lộng lẫy bên đóa sen trong bức tranh Tầu Liên-Áp (chủ đề “sen-vịt”, bình dân như tấm tranh gà, tranh lợn của làng Đông-Hồ quê ta). Khách thưởng lãm dễ thường tự hỏi đây là thật hay đồ thủ công Origami? Ngoài mầu sắc tươi thắm xếp lớp hài hòa, đặc điểm hiếm thấy ở những dòng vịt khác là lông đầu cánh uyên ương trống cầu kỳ ngoéo ngược lên trời. Không kể tập quán thủy thượng phiêu của loài vịt, bàn chân uyên ương còn mang thêm bản chất chim muông. Đôi bạn còn có thể đậu vững chãi trên cành rỉa lông như ai kia thư thả làm thơ tình bên nhau vậy.

CHIM HỠI CHIM Download?mid=1%5f26743781%5fAJLHjkQAAYYxTsxvNwhRuQYF6oE&pid=2&fid=Inbox&inline=1
CHIM HỠI CHIM Download?mid=1%5f26743781%5fAJLHjkQAAYYxTsxvNwhRuQYF6oE&pid=9&fid=Inbox&inline=1
CHIM HỠI CHIM Download?mid=1%5f26743781%5fAJLHjkQAAYYxTsxvNwhRuQYF6oE&pid=8&fid=Inbox&inline=1
CHIM HỠI CHIM Download?mid=1%5f26743781%5fAJLHjkQAAYYxTsxvNwhRuQYF6oE&pid=12&fid=Inbox&inline=1


Tại Thảo-Cầm-Viên Saigon trước đây có nuôi biểu diễn giống vịt này. Ai yêu ảnh mà mang camera không phim mầu lúc đó nghĩ cũng tiếc. Ngày nay, mầu sắc của chim trong hình có thể bị biến hóa theo kỹ thuật số vi tính, hoặc cũng tùy vùng địa dư mà sắc lông con trống có thể ngả sang phía vàng đỏ nhiều hơn xanh, hoặc về mầu nâu kém bắt mắt. Người Saigon quen gọi đó là vịt Nhựt-Bổn, còn dân Âu Mỹ vẫn thường đặt tên chúng là giống vịt nhà quan (mandarin duck). Bên cạnh mấy con công hay múa, lũ vẹt cót két sặc sỡ, đuôi trĩ cầu vồng, đàn hồng hạc giò cẳng khẳng khiu, hoặc bầy thiên nga con đen con trắng, người ta dễ nhận ngay ra uyên ương, loài chim vịt có đôi có cặp mặn mà hơn lúc nào trong vườn bách thú...



3
Phượng-Hoàng thiên tiên


CHIM HỠI CHIM Download?mid=1%5f26743781%5fAJLHjkQAAYYxTsxvNwhRuQYF6oE&pid=11&fid=Inbox&inline=1
CHIM HỠI CHIM Download?mid=1%5f26743781%5fAJLHjkQAAYYxTsxvNwhRuQYF6oE&pid=4&fid=Inbox&inline=1
CHIM HỠI CHIM Download?mid=1%5f26743781%5fAJLHjkQAAYYxTsxvNwhRuQYF6oE&pid=13&fid=Inbox&inline=1
CHIM HỠI CHIM Download?mid=1%5f26743781%5fAJLHjkQAAYYxTsxvNwhRuQYF6oE&pid=3&fid=Inbox&inline=1
CHIM HỠI CHIM Download?mid=1%5f26743781%5fAJLHjkQAAYYxTsxvNwhRuQYF6oE&pid=6&fid=Inbox&inline=1
Vẻ dễ coi của giới mày râu được đoái hoài tí ti trong lĩnh vực điện ảnh hay khoa tạc tượng như thế là may lắm rồi, bởi hình ảnh mê hoặc dường như đã nhập hẳn vào phái yếu ngay từ buổi đầu biết che thân. Chí làm trai lụy gái thuyền quyên cũng chỉ vì nét quyến rũ hóa công vờn vẽ lên nàng; này là khuôn trăng hợp nhãn đáng yêu, da dẻ mịn màng mềm mỏng, này thân hình chỗ nào đáng mẩy thì mẩy, thanh âm lại nhỏ nhẻ giống như dụ người ta. Chung quy cũng chỉ tại trời hành cái tội hiếu sắc mà không đếm được bao con thiêu thân phải đau thắt buồng tim nhìn những gót chân điệu hạnh lạnh lùng bước ra khỏi đời mình...

Bất công thay con tạo! Càng ngắm muông thú càng thấy kiếp nam nhi lép hẳn một bề; dễ mấy ai tốt phước xua gái ra không xuể? Từ chú cá lia thia trong chiếc lọ của cậu bé đến gà trong sân hay chúa sơn lâm, hễ đả động đến loài nào là y như rằng hình ảnh con đực với bộ vó đầy ấn tượng thoáng hiện rỡ ràng đến đấy. Chính giống đực trong chúng mới là đối tượng đắm đuối để cả bầy cái say tình tít mắt theo đuôi. Nếu không được giây lát ân huệ phủ phục dưới lớp áo khoác ngoài lòe loẹt của chàng trống đang trổ mòi trước mặt, chắc ả mái gà xám xịt kia có rặn ra cả rổ trứng cũng chẳng vui bụng chút nào đâu!

Hình ảnh chim phượng (phoenix) bổ túc vào khuôn mẫu mấy con long uốn lộn đã xuất hiện quanh quất trên các phù điêu trang trí cố đô Thăng-Long từ thời hậu Lý nước ta. Tại đó, những đầu tượng phượng hoàng bằng đất sét nung còn được lớp thợ vua nắn nót nổi bật cái mỏ quặp dữ dằn của loài đại bàng (bald eagle) kiêu hãnh. Theo định nghĩa mộng mị của tình yêu gán cho họ hàng làng nước nhà chim, người ta có thể hình dung ra bản chất uyên ương –tình lứa đôi– nơi những đôi cánh đặc biệt hiếm thấy trong cảnh sinh cầm. Không như truyền thuyết hoang tưởng từ tứ xứ, có thể xem đây như là loài phượng hoàng hiện sinh, được mệnh danh là “bird of paradise” theo người Tây phương. Chúng hoàn toàn không hung hãn, cũng không hề có vẻ ác độc như dòng giống đại bàng; nếu không muốn nói là lành như Bụt bởi thường chỉ thấy từ xa xa.

Nhờ phương tiện quang học hiện đại, con người có điều kiện theo dõi sinh thái của loài “phượng cõi tiên” này, bao gồm nhiều chủng loại sống rải rác trong vùng trời bát ngát, trên ngọn cây hoang dại khắp rừng già New Guinea tới các quần đảo về mạn Úc châu. Đa số chim trống cực kỳ lộng lẫy, rõ ra tuồng thư sinh áo khăn diêm dúa nấp váy đàn bà Tầu. Điểm đặc thù của lũ trống, là chúng triệt để lợi dụng ưu thế sắc sảo của bộ lông mã trong việc phùng xoè không biết chán trước ý trung nhân. Chú mình chẳng tiếc thì giờ ra sức đầu tư tâm huyết vào các điệu múa mê ly; cốt ru hồn em gái vào những cú đạp mái chẳng ra trò...

Bản chất nấp sau hình ảnh vương tôn của chàng công trống sẵn thói hay múa, hoặc đằng sau tư cách hào hiệp của chú gà sống rườm rà “cúc cúc” nhường từng khúc giun hạt đỗ cho bầy em út, thực ra chỉ là cá mè một lứa! Hậu quả tự nó đã thẳng thắn trả lời trên đàn mái gà trong sân, nom chị nào chị nấy cứ như là tu hành dở. Vừa hớn hở chưa kịp mổ lấy tí quà béo bở đã bị ông ấy thừa cơ quặp nghiến mỏ vào nạm lông đầu rồi nhẩy phắt lên lưng. Cứ thế mà “đạp” thì chẳng trọc cũng đến phải sói mà thôi. Ấy là mốt rượng đực của chim muông nói chung, tất nhiên không thể thiếu mặt bầy “phượng hoàng” trên tầng cao chót vót. Coi phim ảnh phiêu liêu về đời sống loài vật tới đây người đàn ông có quyền hiu hiu đắc chí, tự thấy mình khỏe khoắn làm sao. Đâu ai cần công phu múa gần chết cho người tình mình ngắm nghía chịu đèn rồi mới được hưởng chút khoái cảm phù du như cơn động kinh nhấp nháy đến rồi đi?

Nhưng cơ mà chớ khá mừng lâu. Đành rằng không đến nỗi phải múa may vất vả, nhưng cân phân cho kỹ với loài chim tiên cảnh thì khoái lạc thần xác của đời người quả kém vui hơn. Sao sánh kịp con chim vô ưu khi ta còn mải bận tối mắt vì tiền lưng gạo túi, mải ủ ê cám cảnh bà đầm cuốn gói ra đi chả buồn bảo lấy nửa lời, mải tu hành nửa mùa chẳng bao giờ tới bến, thêm rối loạn cường dương vì đủ thứ ốm đau èo oặt, v.v...

Cơ man nào là quỷ thần ròng rã đè nặng lên vai khiến người chẳng tài nào kham nổi nhịp điệu uyên ương liên miên như chim; dẫu dục tính hướng về chuyện đó cũng chan chứa kém chi bát nước đầy. Khéo che đậy những khát khao đặc sệt đàn ông đã là điểm gặp của đạo đức giả và thực sự có giáo dục. Nếu không được hoá giải bằng thành đồng đạo lý và pháp luật thời bát nước dục tình sẵn sàng trào thành thú tính. Bấy giờ chỉ sợ người ta chẳng tài nào còn lịch sự như chàng “phượng” ung dung một cõi trời cao.



4
Chim hỡi chim!



Ý niệm tự do dậy lên rất sớm trong tôi qua bài Tân-Quốc-Văn mà đứa học trò dại từng mím môi cặm cụi chép mỏi rã tay theo tấm bảng đen. Những dòng thơ khai tâm này được vị thầy giáo già dậy lớp Năm (lớp Một ngày nay) thương tình phân đoạn làm những hai kỳ cho bầy trẻ ấm ớ của người đỡ khổ. Ngày ấy tuổi vừa lên sáu, cái miệng tí xíu của thằng bé đã lải nhải chả biết bao nhiêu bận để cố thuộc lòng mẩu đối thoại giữa chủ nhân ông cùng chú chim u uẩn bị nhốt trong lồng. Tôi nay lõm bõm ôn lại bài học xưa,


“Chim hỡi chim,
“Này lồng son, này đệm rêu,
“Này là gạo trắng, này là cơm khô.
“Sẵn sàng đủ hết mọi đồ,
“Ở đây mày sẽ ấm no một đời.

Chim rằng,
“Thôi thôi ta đã biết rồi,
“Lồng vàng cũng thể là nơi ngục tù.
“Vả chăng no ấm mặc dù,
“Tay ràng chân buộc quyền do tại người.
“Chi bằng rừng nọ thảnh thơi,
“Khi ăn khi nhẩy khi chơi khi đùa…


Sở thích và tình yêu của loài có trí khôn thì vô biên. Tư tưởng cùng giác quan phức tạp đã dẫn dắt homo sapiens hướng về đủ thứ tình yêu. Kể chi nàng ly tao vang vọng trong chiều thu rào rạt bao phen làm ngây ngất tâm hồn, hoặc như miếng ngon ngụm rượu bấy lâu gây đê mê vị giác, thì ngay cả cặn bã và chất bài tiết – như bã hèm rượu hay phân bón rau để ăn để sống – cũng còn có lúc này lúc nọ được gọi là yêu... Mọi hình thái trong ta, kể cả những gì dính vào ta đều là đối tượng số một trong đời. Yêu cái của ta, yêu thứ làm ta yêu, và yêu người, là những tình cảm ruột rà từ đáy lòng vị kỷ.

Thâm tình mẫu tử đầu đời nói lắm cũng khôn cùng; thế nhưng tình lứa đôi mới là thứ tình tốn nhiều nước mắt. Bao lâm ly cùng bấy nhiêu thống thiết của hai chữ “tình yêu” trong kho tàng thi ca xem ra được diễn đạt đến thế là cùng. Niềm cảm khái nói sao cho vừa khi lòng người tan loãng vào trang thơ đẹp như mơ, lồng trong tứ thơ du dương như suối nhạc? Thi nhân lột tả điệu nghệ không sót nét nào cuả tình yêu; từ buổi mắt chạm mắt đến lúc môi liền môi, cũng như trăm mối sầu thương chết ngất trong lòng.

Những mối tình sâu thăm thẳm nói cho cùng đã ngự trị con tim sầu mộng của loài người tự nghìn đời... Bất chợt có một lúc tôi miên man tự hỏi, “Thế còn tình cảm của sinh linh khác thì sao? Chúng có biết rung động về tình yêu hay không nhỉ?”

• • •

Người ta rồi cũng cảm ra tấm tình khác phái chính là bản năng tiền định của muôn loài, bao gồm cả thẩy chim muông. Không cứ vì bị nguây nguẩy bỏ đi mà khổ như đàn ông đàn bà, loài chim có nỗi đau của chúng qua những mảnh đời thê lương...

“Dạo ấy nhà tôi nuôi một bầy bồ câu, thuộc giống Mondain thì phải. Tuy còn bé nhưng vì mải chăm cho chim ăn nên tôi nhận ra rằng, những con chim to béo như gà mái ổ này tuy chẳng buồn bay nhưng lại vô cùng nhậy cảm trong ái ân. Chẳng bao giờ thấy cô cậu bồ câu nào lang thang đếm bước cô đơn trong sân cả. Họ tha thiết kề vai sát cánh, bú mớm cho nhau tối ngày sáng đêm dường như chả phút nào muốn dứt ra.

“Vào một buổi chiều định mệnh, tai ương kinh hoàng chợt ập lên đầu đôi chim tôi vẫn chấm là đẹp nhất. Chim chồng bất hạnh không dưng bị con mèo sân si ác nghiệt từ xó nào mò đến tát cho một phát chết tươi không kịp trối. Chim mái của tôi ngay sau đó chẳng bao giờ còn thiết ăn uống làm gì nữa. Miếng ăn không nơi chia xẻ cơ hồ chỉ là miếng rơm miếng rác thừa hay sao? Chim thẫn thờ héo hon, rồi chết lịm dần sau ít ngày ly biệt thảm sầu!”



5
Tình đôi chim nhỏ


Tôi càng cảm thấy bất nhẫn nếu vội dứt ngang không thêm thắt gì về chuyện không hay của đôi chim khác. Đồng tác giả bài thơ tình sắp chép ra đây là hai lão thi sĩ tiền bối mà một kẻ đã xa đời. Nhân vật còn ở lại đang ngoài tuổi chín mươi, mang bút hiệu Trùng-Dương, là người tôi hằng yêu mến vì từ tâm và niềm rung cảm của cụ không hề suy suyển so với thời son trẻ. Chuyện kể từ ngày dài trong quá khứ, vào hồi mở màn Đệ Nhị Thế-Chiến,

“Sáu mươi mấy năm xưa, chàng thanh niên T Dương bồi hồi từ biệt người vợ mảnh mai yêu dấu cùng đứa con đầu lòng còn bế ngửa trên tay để kịp dứt áo xuống tầu. Chàng đã theo toán chí nguyện quân ta, trực thuộc Đệ-Nhất Lữ-Đoàn Bắc-Kỳ (Premier Regiment Tonkinois), sang Pháp phục vụ cuộc chiến chống Quốc-Xã xâm lăng. Khi đơn vị còn chân ướt chân ráo chưa kịp ổn cố lực lượng tại đất Nimes, thì từng đoàn tầu bay Đức đã ào ạt dội bom túi bụi lên đầu đoàn hào kiệt. Rồi bộ binh tiền phương Đức xông xáo tràn ngập địa hình, tóm gọn đội lính mới tò te làm tù binh.

“Lạ kỳ thay cho đám người lớ ngớ, Tây chẳng ra Tây, Tầu chẳng phải Tầu, mặc quần áo nhà lính mà súng ống thì le ngoe kẻ có người không này. Quân Đức chẳng nghe ra làm sao, bèn tống tuốt cả lũ vào một trại lính pháo thủ bỏ trống quanh đấy. Chúng cho là bọn này vô hại nên chẳng cần xử ác. Thế là không những được nuôi ăn đầy đủ trong những ngày bị giam lỏng, mỗi khi có đợt bỏ bom tất cả còn được còi báo động cho ra mà náu tại một nghĩa trang tọa lạc sát cánh rừng thông u tịch. Hai tù nhân bất đắc dĩ T Dương và T San nghiễm nhiên trở thành đôi bạn chí thiết trong hoàn cảnh truân chuyên từ đấy.

“Cả trong khoảnh khắc hớt hải lánh bom rơi đạn pháo tơi bời cũng như những hồi thả bước thất tha thất thểu quanh khu vực bí lối thoát thân, thường thời các cụ vẫn thấy có mấy con quạ dạn dĩ lao xao bay nhẩy bám riết theo mình. Loài muông thú không hiểu sao như đồng tình chia sẻ cuộc tồn sinh với con người. Thậm chí chỗ ăn ngủ của hai chàng cũng là nơi ngày ngày lũ chim khoác áo tơi đen quen thuộc tìm về nhảy nhót tíu tít. Riêng có đôi quạ kia đã khiến cho bốn con mắt bàng quan trẻ phải lưu tâm vì thái độ mùi mẫn lâm ly của chúng...

“Than ôi, tình đẹp là tình tan nát! Một hôm mải tìm mồi quạ trống không may phải bẫy gẫy xả cả đôi cánh. Thế là tấm trượng phu được nương tử hết mình chăm lo ấp ủ đêm ngày. Hai tay tù binh miễn cưỡng do đó được thể giết thì giờ, mục kích từ đầu cho đến kết luận của bi thương...Rồi thì quạ mái bỏ hẳn ăn, cất lên những hồi quang quác thê lương và bay liệng sàng xê quanh xác tình quân như không bao giờ biết lả. Cuối cùng, cánh chim khổ đau đã dứt khoát bay biền biệt về phương trời nào vô định!

Tàn cơn khói lửa trở lại quê hương, rồi từ đất Bắc tất bật di cư vào Nam, và mãi sau một thời gian lang bạt kỳ hồ theo nghiệp sống, hai người đàn ông nhiều tuổi mới có cơ hội trùng phùng. Đồng khí tương cầu, đôi bạch đầu ông cùng rộn ràng hồi tưởng mối tình thống thiết của đôi quạ uyên ương qua lời thơ dưới đây,



“Tình Đôi Chim Nhỏ”
(Trùng Dương - Tràng San)



Trên đồi cỏ xanh xanh
Giữa vùng trời bát ngát
Cảnh rừng thông râm mát
Giòng suối chảy quanh quanh
Kìa đôi chim quạ hiền lành,
Cùng nhau ríu rít liệng quanh kiếm mồi.
Đầy đồng quả ngọt hoa tươi,
Bên giòng suối sẵn nước khơi trong lành.
Chiều hôm về đậu trên cành,
Thảnh thơi bên tổ trữ tình hót vang,
“Lều tranh ấm, trái tim vàng,
“Duyên ta ruột thịt ngày càng thương yêu...


Ngờ đâu một buổi chiều
Bên kia đồi cạnh suối
Hai con cùng chạy đuổi
Để bắt một con mồi
Chim đực chạy bên ngoài
Không may vướng phải bẫy
Bị thương đôi cánh gẫy
Máu đỏ đổ chan hoà
Chim mái thất thanh la
Gục đầu trên chim đực
Tiếng kêu thương thổn thức
Như động thấu trời xanh!


Đây đôi chim quạ hiền lành,
Sa cơ gặp nạn tự mình cứu nhau.
Con mạnh dìu cõng con đau,
Trời hôm đêm tối về đâu bây giờ?
Cây cao cành gió phất phơ,
Thân chim cánh gẫy dễ bò lên sao?
Âu tìm một bụi cây nào,
Gần đây kín đáo tạm vào nghỉ qua.
Xa kìa một gốc đa
Chung quanh đầy gai góc
Um tùm lá sậy mọc
Ngoài thấy kín vô cùng
Chắc hẳn ở bên trong
Có nơi ta trú được
Liền cùng nhau lê bước
Cố len lỏi vào trong
Dầy từng lớp cỏ bông
Lâu năm khô từng đống
Nằm lên trên trải rộng
Thật như tấm nệm êm


Đôi chim ngủ đấy qua đêm,
Hừng đông trời sáng chúng liền bảo nhau,
“Vết thương chàng hãy còn đau,
“Nằm đây dưỡng bệnh cho mau phục hồi.
“Hàng ngày để thiếp ra đồi,
“Một mình đủ sức kiếm mồi đừng lo.
“Tình ta trước đã hẹn hò,
“Tử sinh vinh nhục đói no chịu cùng.
“Vợ chồng một dạ thủy chung,
“Chàng đau thiếp cũng đau cùng khác chi.
Dứt lời trò chuyện vân vi,
Con nằm dưỡng bệnh con đi kiếm mồi.
Sớm hôm đắp đổi lần hồi,
Ngày qua tháng lại xuân rồi lại xuân.
Vết thương chàng tưởng khô lần,
Nhưng vì nhiễm độc ngày dần toét ra.


Rồi giữa buổi chiều tà
Lúc đông về giá lạnh
Đống lá khô ngay cạnh
Xác chim đực nằm trơ
Chết cứng tự bao giờ
Chim mái về trông thấy
Hai bàn chân run rẩy
Mắt nhỏ lệ dầm dề
Ôm xác đực nằm kề
Khóc than lời thống thiết,
“Chàng, chàng ơi có biết
“Sao bỏ thiếp chàng đi?
“Mình thiếp sống vui gì?
“Những ngày dài chán nản
“Những đêm khuya lẻ bạn
“Ai ấp ủ tình ta?
“Đã không trăm tuổi cùng già,
“Thôi thì một thác còn là thủy chung.
“Chàng ơi đợi thiếp theo cùng,
“Sống chung tổ ấm chết chung mộ phần



Từ đó những ngày xuân
Đồi vắng đôi chim nhỏ
Rừng thông vi vút gió
Suối nước nhạc reo vang,
“Tang tình tích tịch tình tang,
“Lều tranh ấm trái tim vàng ai ơi!

• • •
Về Đầu Trang Go down
https://thntsaigon.forumvi.com
 
CHIM HỠI CHIM
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Món ăn " Chim cút chiên ...... RÒN "
» Phim Chim Ruồi - Humming Bird
» Sự kỳ bí của Tam giác quỷ Bermuda
» Viết từ SG: Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon  :: ĐỀ TÀI :: Văn Hóa, Nghệ Thuật :: Văn-
Chuyển đến