Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon

Diễn Đàn của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Keywords
quan thuoc quang Saigon ngắn Chung quốc linh nguyet phải Trung nhac ngam Nguyen bich Nhung chẳng hoang VNCH chuyen quynh trong chất truyện không sáng
Latest topics
» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt  Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:38 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt  Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt  Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» qua đi thôi bão nổi
Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt  Icon_minitimeSat Mar 11, 2023 3:11 am by Admin

» Cụ Hoang Xuân Hãn
Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt  Icon_minitimeSun May 08, 2022 10:37 pm by Admin

» Giáo dục VNCH - Giáo dục con đường khai phóng
Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt  Icon_minitimeMon Jan 10, 2022 4:06 am by Admin

» Suy tư về kiếp người - Về Cùng Cát Bụi
Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt  Icon_minitimeSun Jan 09, 2022 4:25 am by Admin

» AI ĐÃ HẠ GỤC CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN?
Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt  Icon_minitimeSat Jan 08, 2022 2:41 am by Admin

» NHẠC THIỀN - Cõi Thiền trong Âm Nhạc
Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt  Icon_minitimeThu Jan 06, 2022 4:11 am by Admin

April 2024
MonTueWedThuFriSatSun
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930     
CalendarCalendar
Affiliates
free forum

Affiliates
free forum


 

 Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt

Go down 
Tác giảThông điệp
tdoan
Khách viếng thăm




Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt  Empty
Bài gửiTiêu đề: Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt    Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt  Icon_minitimeSun Dec 29, 2013 12:30 pm


Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt
 
Trong tiếng Việt, có những từ ngữ hoặc địa danh sử dụng hằng ngày mà nếu có người hỏi tại sao nói thế và nguồn gốc của những từ ngữ ấy từ đâu thì chúng ta đành bó tay; chẳng hạn câu hỏi trên trong một bài ca dao:
 
Nước không chưn sao kêu nước đứng?
Cá không giò sao gọi cá leo?
Ghe không tay sao kêu ghe vạch?
Bánh không cẳng sao gọi bánh bò?...

1. Hiện tượng tỉnh lược trong ngôn ngữ.

Chúng ta chỉ có thể giải đáp câu trên dựa vào cuốn Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của, xuất bản cách đây trên 110 năm. Trong sách này, tác giả ghi bánh vú bò và giải thích vì bánh đổ vào chén, trông giống như cái vú con bò. Về sau rút gọn thành bánh bò. Ðây là hiện tượng tỉnh lược trong ngôn ngữ.
 
Các từ sau đây cũng bị hiện tượng tỉnh lược chi phối: dầu con rái => dầu rái, nấm tai mèo => nấm mèo...

Ở miền Bắc có một loài cá giống và to bằng cá chép, nhưng có đặc điểm là tươi rất lâu tên là cá rói. Dù bị bắt ra khỏi nước từ sáng đến trưa cá vẫn còn tươi nên có thành ngữ tươi như cá rói, về sau tỉnh lược thành tươi rói.

Một thành ngữ tương tự: ngay như cây chò (một loại cây rừng thân rất thẳng) => ngay chò (ở Nam bộ biến âm thành ngay chừ).

Cầu Kiệu ở TP.HCM được Trương Vĩnh Ký ghi là cầu Xóm Kiệu (tức là xóm chuyên trồng kiệu), như vậy chữ Xóm ban đầu đã bị giản lược.
                                                                  
2. Hiện tượng mượn âm.

Một từ khá phổ biến ở Nam bộ dùng để chỉ người phụ giúp tài xế lái xe đò trong công việc bán vé, thu tiền, khiêng xách hành lý là lơ xe. Từ này bắt nguồn từ tiếng Pháp contrôleur, nghĩa là “người kiểm soát (vé)”. Như vậy, từ một âm tiết vô nghĩa - leur, người Việt biến thành một từ có nghĩa.

Ở miền Bắc, người ta thường dùng từ ngữ săm lốp để chỉ vỏ ruột xe đạp và xe gắn máy. Lốp thì người miền Nam cũng dùng và những người biết tiếng Pháp đều biết nó bắt nguồn từ enveloppe, nghĩa là “vỏ xe”. Còn săm ban đầu người miền Nam và nhất là những người không học tiếng Pháp không hiểu nghĩa. Từ săm bắt nguồn từ ngữ chambre à air “ruột xe”.

Tại sao có từ bồ bịch, nghĩa là nhân tình? Nguyên trước đây có một từ ghép bồ bịch, chỉ hai nông cụ. Bồ là dụng cụ đựng lúa, có đáy; còn bịch cũng là nông cụ đựng lúa nhưng là tấm ví khoanh tròn, không đáy vì lấy nền nhà làm đáy.

Do đó, ca dao VN có câu:
Bởi anh chăm việc canh nông
Cho nên mới có bồ trong bịch ngoài.

Trong tiếng Việt trước đây có từ bầu (bạn), có biến âm là bồ tương tự như đậu xanh - đỗ xanh, thi đậu - thi đỗ... Vì từ bồ (bạn) đồng âm với từ bồ (cái bồ) nên từ bồ bịch thứ hai (người yêu) ra đời. Chúng tôi gọi đây là hiện tượng mượn âm.

Một số trường hợp tương tự. Trái sầu riêng có nguồn gốc từ Malaysia là đu-riêng. Ban đầu (giữa thế kỷ 19) người Việt dùng cả hai từ, sau loại hẳn từ đu-riêng.

Huyện Kế Sách ở tỉnh Sóc Trăng gốc Khmer là Ksach, nghĩa là “cát”. Vì gần âm với từ kế sách (phương kế, sách lược) nên Kế Sách đã thay thế Ksach.

Nhà thơ ngụ ngôn La Fontaine của Pháp đã được các trí thức VN khoác cho chiếc áo của Lữ Bố: Lã Phụng Tiên (họ Lữ cũng đọc Lã, Phụng Tiên là tự của Lữ Bố).
Ðèo ở phía bắc thành phố Nha Trang do kỹ sư người Pháp Rury điều khiển sửa sang nên Pháp dùng tên người này đặt cho đèo. Người Việt đã gọi là đèo Rù Rì.
                                                   
3. Hiện tượng biến âm.

Người Nam bộ thường bảo trẻ con đi chỗ khác chơi, không được láng cháng trước mặt. Nhưng trong từ điển của Huỳnh Tịnh Của đã nói ở trên ghi loán choán. Như vậy từ gốc là choán, yếu tố láy là loán và nghĩa gốc của láng cháng là “choán chỗ”. Ðây là hiện tượng biến âm.

Ở các đô thị Nam bộ có loại xe chuyên chở đồ đạc phục vụ xã hội mang tên ba gác. Nhiều người biết tiếng Pháp cũng ngỡ ngàng khi biết nguồn gốc Pháp của từ này là bagage, nghĩa là “hành lý”.
4. Hiện tượng láy nghĩa.

Bỏng trong từ bé bỏng có nghĩa là “nhỏ”. Trong tập thơ cổ Thiên Nam ngữ lục có câu thơ sử dụng từ bỏng với nghĩa này:
Trẻ thơ bỏng dại thiếu người lo toan

Hai từ bé và bỏng đồng nghĩa hay gần nghĩa kết hợp với nhau. Ðó là hiện tượng láy nghĩa.

Nhiều từ trong tiếng Việt bị chi phối bởi hiện tượng này:
Việt + Việt: tìm kiếm, chờ đợi, yêu thương;
Việt + Pháp: canh gác

Biết được nguồn gốc và ý nghĩa của nhiều từ tiếng Việt, ngoài cảm giác thú vị, ta còn yêu thích tiếng mẹ đẻ hơn.

LÊ TRUNG HOA


Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt  ImageHandler


"Dư thừa” có dư không?

Trong tiếng Việt có những từ ghép do hai từ đơn ghép lại. Từ ghép có nhiều loại:
Nhà gạch, nhà hàng, nhà máy… là những từ ghép chính phụ – tiếng đứng đầu là chính, tiếng thứ hai là phụ nhằm làm rõ nghĩa cho tiếng thứ nhất.

Nhà cửa, đường sá, chùa chiền, chợ búa, vợ chồng, ăn chơi… là những từ ghép đẳng lập – hai từ cùng loại ghép với nhau để tạo ra một từ cùng loại nhưng có ý nghĩa khái quát hơn. Tốt xấu, phải trái, trước sau, trên dưới, đi lại, thắng thua, được mất… cũng là những từ ghép đẳng lập gồm hai yếu tố trái nghĩa hợp với nhau thành một từ có ý nghĩa khái quát.

Trật tự những tiếng trong từ ghép là một hiện tượng rất thú vị liên quan đến triết lý của người Việt, đáng được thảo luận, nhưng chưa phải là đối tượng trình bày trong vài dòng ngắn ngủi này.

Tôi chỉ xin nêu một hiện tượng liên quan đến từ ghép đẳng lập hai yếu tố đồng nghĩa: có hàng loạt từ ghép hai yếu tố đồng nghĩa mà một thuộc phương ngữ Bắc bộ, một thuộc phương ngữ Nam bộ.

Có từ, tiếng Nam đặt trước, như dơ bẩn, chén bát, kêu gọi, dư thừa… Lại có từ tiếng Bắc đặt trước, như nông cạn, thứ hạng, tìm kiếm, đón rước… tôi chưa giải thích được vì sao lúc thì tiếng Nam đặt trước, lúc tiếng Bắc đặt trước, ai biết xin chỉ giùm. Vậy những từ này không dư. Vậy nên tôi có ý thức khi viết “dư thừa”. Nó không dư mà cũng chẳng thừa.

Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt  130517_thedongam1
.
Về Đầu Trang Go down
leminh
Khách viếng thăm




Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt  Empty
Bài gửiTiêu đề: Mạn Đàm về Tiếng Việt   Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt  Icon_minitimeWed Jan 01, 2014 9:00 pm


Mạn Đàm về Tiếng Việt


Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt  Tetdtsc5


Ngôn ngữ đóng một vai trò quan trọng để phản ảnh những bước tiến về lịch sử cũng như về chính trị, khoa học… của một nước. Âm mưu Hán hóa dân tộc Việt thời nước ta bị Trung Hoa đô hộ đã thất bại vì sự ra đời của chữ Nôm, thứ chữ riêng của người mình, thường là sự ghép của hai chữ Hán lại, đã được xem là một chiến thắng vinh quang của ngôn ngữ Việt, vì người Hoa nhìn thấy chữ Nôm từa tựa như chữ Hán của họ, nhưng họ không thể đọc và hiểu được. Đến khi các ông cố đạo ở Âu Châu sang nước ta, các ông ấy mới đặt ra chữ Quốc Ngữ bằng những mẫu tự La Tinh, tức chữ viết ta dùng ngày nay.Trong giới hạn của bài viết, một vài chữ Việt được đề cập đến để thử tìm hiểu tính chất phong phú, thâm thúy của tiếng Việt khi được sử dụng như thế nào?

Chữ quốc, ngoài nghĩa là một loài chim, quốc thường được dùng có nghĩa là nước (nhà), mà bà Huyện Thanh Quan đã có lối chơi chữ tài tình trong câu:

Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia

Một bài thơ có liên quan đến chữ quốc, còn được lưu truyền đến ngày nay. Chuyện rằng Lý Thường Kiệt, một danh tướng đời vua Lý Nhân Tôn, khi quân Tống sang xâm lược nước ta, thế giặc rất mạnh. Lý Thường Kiệt bèn nghĩ ra một kế: làm một bài thơ tứ tuyệt rồi sai người vào đền Thánh Tam Giang ngâm vang bài thơ này. Sau đó ông cho loan tin đồn rằng Thần đã giáng bút làm bài thơ để báo trước lẽ tất thắng của quân ta, dụng ý để quân dân nức lòng đánh giặc. Bài thơ ấy như sau:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

Tạm dịch là:

Nước Nam của vua Nam ở
Sách trời đã định rõ như vậy
Vậy giặc kia sao dám xâm lấn
Chúng bây sẽ phải thất trận

Vậy là ngôn ngữ đã được người xưa dùng như một thứ vũ khí để đánh giặc cứu nước.

Bàn về chữ vô, có nghĩa là không. Trong từ nhà Phật thường đề cập đến từ vô ngã. Chúng ta ai ai cũng đều mang ngã tính trong người, cái cảm nhận về "tôi", "cho tôi" và "cái của tôi". Vào thời Đức Phật và cả thời nay, nhiều người tin rằng chúng ta có một tâm linh riêng biệt, bất biến, bất diệt còn gọi là linh hồn, hay tiểu ngã. Tuy nhiên sau khi chứng ngộ, Đức Phật đã nhìn thấy rằng trên thế gian này chẳng có gì là biệt lập, là vĩnh cửu cả. Chúng ta sinh ra, tồn tại một thời gian rồi mất đi… Ý niệm vô ngã hình thành từ đó. Những ai đã từng kinh qua chân lý vô ngã đều có thể thấy rằng ý niệm đó chẳng có gì đáng phải sợ cả, mà ngược lại còn là điều đáng mừng nữa, vì nó mang ý nghĩa giải thoát chúng ta khỏi cái nhà tù chật hẹp của cái "tôi".

Chẳng thế mà trong Cung Oán Ngâm Khúc, một trong những áng văn chương tiếng Việt tuyệt vời của cụ Ôn Như Hầu từ đời Hậu Lê, đã có những câu rất gần gũi với ý niệm vô ngã này:

Tuồng huyễn-hóa đã bày ra đấy,
Kiếp phù-sinh trông thấy mà đau!
Trăm năm còn có gì đâu,
Chẳng qua một nắm cổ-khâu xanh rì!

Tác giả Đông Phong trong quyển Bản Sắc Dân Tộc có viết rằng tiếng Việt là tiếng của nghệ thuật âm thanh. Nhịp điệu và ngôn ngữ trong tiếng Việt không những chỉ dùng để biểu hiện tư tưởng của ta, mà còn là cái vốn trời cho để dân tộc ta tồn tại và phát triển qua bao nhiêu sóng gió của lịch sử. Tiếng Việt là loại ngôn ngữ mà ý và thanh hòa quyện với nhau, qua cách dùng phối âm, đối âm. Đối âm và phối âm, theo Đông Phong, đã khiến cho tiếng Việt không còn là tiếng đơn âm, mà cũng không hẳn là tiếng đa âm. Phải chăng nhờ đặc thù ngôn ngữ này mà ca dao tục ngữ nở rộ trong khu vườn văn học dân gian ta? Ngoài ra, theo tác giả, câu và nhịp trong tiếng Việt lôi cuốn nhau, húc đẩy nhau, bổ túc nhau. Nhịp điệu câu nói thì uyển chuyển biến hóa.

Theo tác giả Đông Phong, thanh của tiếng Việt thật là tuyệt vời. Đối với người Âu Mỹ thì thanh tiếng Việt khó học vì nhiều lý do: Thứ nhất, tất cả mọi tiếng đều là cách ngữ. Thứ nhì, cùng một tiếng phát âm một cách khác nhau, có thể có nhiều nghĩa, và có khi nghĩa những tiếng này lại đối nghịch nhau. Thứ ba, thanh của mỗi tiếng đôi khi rất nhẹ và khá tế nhị. Thứ bốn, đây là điểm khó khăn nhất trong khi dùng tiếng Việt, đó là việc phát âm. Trong khi đọc lên một tiếng, ta phải làm thế nào để hơi thở, môi, răng, lưỡi, và họng cùng hòa hợp để phát ra một tiếng vừa phải và chính xác. Có như thế thì tiếng được phát ra mới diễn tả đúng sự việc mà ta muốn nói. Một thí dụ mà tác giả Đông Phong thuật lại là câu chuyện ông trích trong cuốn Lịch Sử Chữ Quốc Ngữ của Đỗ Quang Chính. Chuyện kể về một linh mục bạn với giáo sĩ Đắc Lộ, một hôm bảo người làm đi chợ mua cá. Khi đi chợ về, người làm báo cho ông hay là đã mua đúng như ý ông. Vị Linh Mục liền xuống bếp xem loại cá nào. Ông bỡ ngỡ khi nhìn thấy cả một thúng đầy cà.

Các nhà ngôn ngữ học xưa thường xếp tiếng Việt vào loại đơn âm. Điều này có vẻ hợp lý vì tiếng Việt không biến dạng như đa số tiếng của các ngôn ngữ Âu Tây. Tất cả mọi tiếng đều là cách ngữ, mỗi tiếng Việt chỉ phát ra một âm, thí dụ từ đẹp trong tiếng Việt, tiếng Anh phải phát ra ba âm, beau-ti-ful. Theo Đông Phong, cách xếp loại đơn giản như thế không được chính xác cho lắm. Nếu công nhận mỗi từ chỉ diễn đạt một nghĩa thì tiếng Việt không những chỉ là tiếng đơn âm, mà còn có phối âm và đối âm.

Đối âm là một từ hay một cụm từ có hai vế, cả ý nghĩa và thang âm đều đối nhau, cuốn hút nhau theo luật âm dương tương thôi tương thành. Tương thôi là cùng lôi cuốn hút đẩy nhau. Tương thành là cùng nhau làm nên một ý nghĩa mới. Đối âm tách ra đều có nghĩa, nhưng đi chung lại mang một ý mới, và ý cộng hưởng không muốn tách rời. Ông thí dụ đất có nghĩa riêng, nước có nghĩa riêng. Đất nước, khi đi chung lại mang một nghĩa khác, một nghĩa khơi dậy những tình cảm đặc biệt về địa lý, lịch sử, về dĩ vãng, hiện tại, tương lai, về cuộc sống của một dân tộc. Đối âm, dù được dùng làm chủ từ, động từ hay túc từ, chỉ mang một nghĩa, diễn đạt một ý thôi: cha mẹ, làm ăn, mẹ tròn con vuông, một nắng hai sương, ăn dầm ở dề…. vì thế khi viết những từ hay cụm từ đối âm thì ta không thể cho dấu phết vào giữa, và khi nói thì ta không thể tách rời câu được. Thí dụ cha, mẹ, khi nói rời để chỉ hai người: cha và mẹ, nhưng khi đi chung với nhau thì thường mang một ý sinh thành dưỡng dục. Đặc tính đối âm làm cho não bộ người Việt luôn phải so sánh, đối chiếu. Nhờ thế, người Việt dễ cảm nhận những dị biệt phải trái, nên dễ tiếp thu các môn học có tính cách so sánh, đối chiếu.

Phối âm là hai, ba, bốn âm đi chung với nhau để diễn tả một nghĩa, như đo đỏ, sạch sành sanh, đỏng đa đỏng đảnh…. Tách rời những âm đó ra thì ý nghĩa hơi thay đổi, có khi không còn đúng với ý muốn diễn tả nữa. Ngoài ra, hai âm, ba âm, hay bốn âm, có phối trí liên hợp nên khi nói, ta không thể tách rời những tiếng này được. Những từ phối âm của tiếng Việt phát ra những sóng âm dội vào tâm thức một ý niệm và chỉ gợi lên một ý. Theo ông, tiếng Việt không những chỉ dùng lý trí để nhận thức sự vật qua giác quan tai mắt, mà còn dùng tâm thức để tiếp nhận mọi điều qua giác quan và cảm quan. Từ đó, não bộ người Việt quen dần với phân tích, liên hệ, điều phối những ý niệm, những tri thức để cảm nhận chân lý. Đặc tính phối âm của tiếng Việt, theo tác giả Đông Phong, đưa tâm thức người Việt lên cao, dễ tiếp thu những khái niệm thần học, triết học, khoa học, toán học… đồng thời đặc tính này cũng làm cho tiếng Việt có nhạc tính phong phú, dễ đưa tâm hồn người Việt vào thi ca. Ngoài ra, theo tác giả Đông Phong, sóng âm phát ra qua mỗi từ, truyền qua hệ thần kinh thính giác một tín hiệu, dội vào tâm thức một rung động, nên trong một câu tiếng Việt, nhạc điệu lên xuống vờn lượn với nhau một hơi, dài ngắn tiết tấu nhịp nhàng, mới đem đến người nghe một cảm thông, một hiểu biết. Bàn về nhạc điệu, tiếng Việt biến hóa thần kỳ. Ngoài sáu âm chính (năm dấu và không dấu), tiếng Việt còn có vô số âm phụ. Có khi cùng một dấu mà trường độ, cao độ, và cường độ khác nhau. Thí dụ như bá không cùng thang âm với bách; rã không cùng thang âm với rãnh… Chính sự khác từ khác dấu này phát ra những sóng âm khác nhau. Mỗi sóng âm dội vào tai một tần số, truyền vào não một tín hiệu, khiến hệ thống thần kinh rung lên một mệnh lệnh, kích thích hoạt động của cơ thể. Sóng âm tiếng Việt biến hóa hơn nhiều ngôn ngữ khác, nhờ đó não bộ người Việt ta khá nhạy bén và tinh tế.

Liên quan đến nhạc tính trong tiếng Việt, nhạc sĩ Võ Thanh Tùng trong quyển Nhạc Khí Dân Tộc Việt có viết: tiếng Việt là tiếng nói của âm nhạc. Khác với các ngôn ngữ khác, tiếng Việt mỗi từ có 6 thanh với 6 cao độ khác nhau, do đó người Việt khi nói chuyện dễ tạo cho người nghe cảm giác như đang hát. Bắt nguồn từ ngôn ngữ Việt Nam, trong âm nhạc dân tộc cổ truyền, mỗi cung của thang âm được quyện quanh bởi những âm tô điểm, nhấn nhá, luyến láy làm cho âm thanh trở nên mềm mại hơn. Người Việt đã chế tạo những nhạc khí truyền thống như cây đàn với những ngón nhấn, ngón luyến; ống sáo với những ngón vuốt, ngón láy mà khoảng cách âm thanh giữa các phím, các lỗ bấm phù hợp với các cung bậc của thang âm dân tộc. Theo nhạc sĩ Võ Thanh Tùng, vấn đề cơ bản của điệu thức là hệ thống thang âm. Theo các tài liệu nghiên cứu, hệ thống định âm trong âm nhạc truyền thống Việt Nam không trùng khớp với hệ thống bình quân luật của âm nhạc cổ điển phương Tây. Các điệu thức Việt Nam không cấu thành từ hệ thống 12 bán cung chia đều trong một quãng Tám… Sự khác biệt về hệ thống định âm này chỉ có thể giải thích là do thẩm âm khác nhau mang tính bản sắc dân tộc của từng khu vực, từng dân tộc.

Ngữ pháp tiếng Việt thật đơn giản, nghĩ sao nói vậy: Ăn được không? Không được ăn. Không ăn được. Được ăn không? Chỉ có ba từ mà có đến bốn cách nói. Ngữ pháp càng đơn giản thì não bộ càng phải hoạt động mau lẹ và tinh tế để có thể bắt ý hiểu lời. Hệ thần kinh não bộ càng làm việc nhiều thì năng lực của trí não càng phát triển, khiến ta có khuynh hướng mau hiểu, mau nhớ. Nhưng nếu không biết định hướng thì trí thông minh này có thể khiến ta trở nên ranh mãnh, láu cá.

Ngoài ra, theo tác giả Đông Phong, tiếng Việt còn có lối nói bóng nói gió, lối chơi chữ chơi điệu thật độc đáo:

Nói gió mà chạnh lòng mây,
Tuy rằng nói đó nhưng đây chạnh lòng

Ngôn ngữ một dân tộc dĩ nhiên gắn liền với định mệnh, với nguồn gốc dân tộc ấy. Tiếng Việt, tuy có chịu ảnh hưởng nước ngoài, vay mượn nhiều của người Hoa, vẫn có những nét đặc thù riêng. Chúng ta có thể chọn cái hay của tiếng người mà dung hòa với cái hay của tiếng mình ngõ hầu giữ được tiếng nước ta có cơ hội tiến hóa mà vẫn không mất bản sắc dân tộc. Những bản sắc dân tộc này đã gắn liền với chúng ta trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước. Lời cụ Phạm Quỳnh dường như còn vang vọng bên tai: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn thì nước ta còn”. Tiếng hát Thái Thanh dường như cũng văng vẳng đâu đây:

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi
Mẹ hiền ru những câu xa vời
À à ơi tiếng ru muôn đời
Tiếng nước tôi
Bốn ngàn năm ròng rã ngược xuôi
Khóc cười theo vận nước nổi trôi…

Quách Nam Dung



.
Về Đầu Trang Go down
hoangan
Khách viếng thăm




Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt  Empty
Bài gửiTiêu đề: Tiếng Việt Dễ Mà Khó   Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt  Icon_minitimeSat Jan 04, 2014 8:59 pm


Tiếng Việt Dễ Mà Khó

Nguyễn Hưng Quốc


Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt  2Q==


Tiếng Việt vừa dễ vừa khó, đúng hơn, dễ mà lại khó. Dễ đến độ rất hiếm người Việt Nam nào cảm thấy có nhu cầu phải sắm một cuốn Từ Điển Tiếng Việt trong nhà. Dễ đến độ bất cứ người nào trưởng thành ở Việt Nam cũng đều có thể tưởng là mình thông thái, và nếu muốn, đều có thể trở thànhà nhà văn được. Thế nhưng, chỉ cần, một lúc thảnh thơi nào đó, ngẫm nghĩ một chút về tiếng Việt, chúng ta bỗng thấy hình như không phải cái gì chúng ta cũng hiểu và có thể giải thích được.

Trước đây, có lần, đọc cuốn Trong Cõi của Trần Quốc Vượng, một nhà nghiên cứu sử học, khảo cổ học và văn hoá dân gian nổi tiếng ở trong nước, tới đoạn ông bàn về hai chữ "làm thinh", tôi ngỡ đã tìm thấy một phát hiện quan trọng. Theo Trần Quốc Vượng, "thinh" là thanh, âm thanh, hay là tiếng ồn. "Nín thinh" là kiềm giữ tiếng động lại, là im lặng. Thế nhưng "làm thinh" lại không có nghĩa là gây nên tiếng động mà lại có nghĩa là... im lặng. Cũng giống như chữ "nín thinh". Trần Quốc Vượng xem đó như là một trong những biểu hiện của Phật tính trong ngôn ngữ và văn hoá Việt Nam: "nín" và "làm" y như nhau; có và không y như nhau; ấm và lạnh cũng y như nhau (áo ấm và áo lạnh là một!); "đánh bại" và "đánh thắng" y như nhau. Quả là một thứ tiếng "sắc sắc không không", nói theo ngôn ngữ Phật giáo, hay "huyền đồng", nói theo ngôn ngữ của Trang Tử. (1)

Thú thực, đọc những đoạn phân tích như thế, tôi cảm thấy mừng rỡ và thích thú vô hạn.

Thế nhưng, chẳng bao lâu sau, đọc bài viết "Tìm nguồn gốc một số từ ngữ tiếng Việt qua các hiện tượng biến đổi ngữ âm" của Lê Trung Hoa, tôi lại bàng hoàng khám phá ra là chữ "làm thinh" thực chất chỉ là biến âm của chữ "hàm thinh" trong chữ Hán. "Hàm" có nghĩa là ngậm (như trong các từ: hàm ân, hàm oan, hàm tiếu, hàm huyết phún nhân...). "Hàm thinh" là ngậm âm thanh lại, không cho chúng phát ra, tức là không nói, tức là... im lặng. (2) Y như chữ "nín thinh". Nhưng sự giống nhau ở đây chỉ là sự giống nhau của hai từ đồng nghĩa, chứ chả có chút Phật tính hay Trang Tử tính gì trong đó cả.

Tôi mới biết là mình mừng hụt.

Một ví dụ khác: về hai chữ "vợ chồng".

Trước đây, đã lâu lắm, đọc cuốn Ngôn Ngữ và Thân Xác của Nguyễn Văn Trung, tôi thấy tác giả giải thích hai chữ "vợ chồng" đại khái như sau: "Chồng" là chồng lên nhau, nằm lên nhau. Còn chữ "vợ"? Nguyễn Văn Trung chỉ viết bâng quơ, trong câu chú thích in cuối trang: "chữ vợ phải chăng là vơ, vớ, đọc trại đi, theo giọng nặng; nếu thế, chữ vợ chỉ thị việc quơ lấy quàng lên, vơ vào, phù hợp với việc chồng lên trong hành động luyến ái?" (tr. 40)

Đọc đoạn ấy, tôi hơi ngờ ngờ, nhưng rồi cũng bỏ qua, không chú ý mấy. Gần đây, tôi sực nhớ lại vấn đề ấy khi đọc cuốn Phương Ngữ Bình Trị Thiên của Võ Xuân Trang. Tôi được biết là ở Bình Trị Thiên, thay vì nói cái "vai", người ta lại nói cái "bai"; thay vì nói đôi "vú", người ta lại nói đôi "bụ"; thay vì nói "vải", người ta lại nói "bải"; thay vì nói "vá" áo, người ta nói "bá" áo; thay vì nói "vả" (vào miệng) , người ta lại nói "bả" (vào miệng), v.v... Qua những sự hoán chuyển giữa hai phụ âm V và B như thế, tự dưng tôi nảy ra ý nghĩ: phải chăng nguyên uỷ của chữ "vợ" là... bợ? "Vợ chồng" thực ra là "bợ chồng"?

Tôi càng tin vào giả thuyết trên khi nhớ lại, trong tiếng Việt hiện nay, có cả hàng trăm từ nguyên thuỷ khởi đầu bằng phụ âm B đã biến thành V như thế. Nhiều nhất là từ âm Hán Việt chuyển sang âm Việt. Ví dụ: trong chữ Hán, chữ "bái" sang tiếng Việt thành "vái"; chữ "bản" sang tiếng Việt thành "vốn" và "ván"; chữ "bích" sang tiếng Việt thành "vách"; chữ "biên" sang tiếng Việt thành "viền"; chữ "bố" sang tiếng Việt thành "vải"; chữ "bút" sang tiếng Việt thành "viết"; chữ "bà phạn" sang tiếng Việt thành "và cơm", v.v...

Theo Nguyễn Tài Cẩn, trong cuốn Giáo Trình Lịch Sử Ngữ Ấm Tiếng Việt (sơ thảo), quá trình hoán chuyển từ B đến V kéo dài khá lâu cho nên hiện nay thỉnh thoảng cả hai biến thể B/V vẫn còn tồn tại song song với nhau, như: băm và vằm (thịt); be và ve (rượu hay thuốc); béo và véo; bíu và víu, v.v...

Chúng ta biết là hiện tượng tồn tại song song của hai biến thể như thế không phải chỉ giới hạn trong hai phụ âm B và V. Theo nhiều nhà ngôn ngữ học, ngày xưa, từ khoảng thế kỷ 17 trở về trước, trong tiếng Việt có một số phụ âm đôi như BL (blăng, blời...), ML (mlầm) hay TL (tlánh). Đến khoảng thế kỷ 18, các phụ âm đôi ấy dần dần rụng mất. Điều đáng chú ý là khi những phụ âm đôi ấy rụng đi thì chúng lại tái sinh thành một số phụ âm khác nhau. Ví dụ phụ âm đôi TL sẽ biến thành TR hoặc L, do đó, hiện nay, chúng ta có một số chữ có hai cách phát âm và hai cách viết khác hẳn nhau, cùng tồn tại song song bên nhau, đó là các chữ tránh và lánh; trộ và lộ, trồi và lồi, trêu và lêu, trũng và lũng, trộn và lộn, trọn và lọn, trệch và lệch, trèo và leo, tràn và lan, v.v... Trong khi đó phụ âm đôi ML sẽ biến thành L hoặc NH, bởi vậy, chúng ta cũng có một số từ tương tự, như lầm và nhầm, lời và nhời, lẽ và nhẽ, lát và nhát, lạt và nhạt, lớn và nhớn.(3) Trong những cặp từ tương tự vừa kể, có một số chữ dần dần bị xem là phương ngữ hoặc là cách nói cổ, càng ngày càng ít nghe, như các chữ Nhớn, Nhời, và Nhẽ. Thay vào đó, chúng ta sẽ nói là lớn, lời và lẽ. Tuy nhiên, những chữ khác thì cho đến nay cũng vẫn còn tồn tại khá phổ biến, ví dụ chúng ta có thể nói là rượu lạt hoặc rượu nhạt; nói lầm lẫn hoặc nhầm lẫn; nói một lát dao hay một nhát dao đều được cả.

Đặt trong toàn cảnh mối quan hệ giữa hai phụ âm B và V cũng như quá trình biến đổi phụ âm đầu như thế, chúng ta sẽ thấy ngay giả thuyết cho nguồn gốc của chữ "vợ" trong "vợ chồng" là "bợ" rất có khả năng gần với sự thật. "Vợ chồng" như thế, thực chất là "bợ chồng". "Bợ": từ dưới nâng lên; "chồng": từ trên úp xuống. Danh từ "bợ chồng" diễn tả tư thế thân mật giữa hai người nam nữ khi ăn ở với nhau. Cách gọi tên khá thật thà như thế kể cũng thú vị đấy chứ?

Qua các trường hợp biến đổi từ "hàm thinh" thành "làm thinh" và từ "bợ chồng" thành "vợ chồng", chúng ta tiếp cận được một hiện tượng rất phổ biến trong tiếng Việt: hiện tượng biến âm. Biến âm không phải chỉ vì nói ngọng, kiểu "long lanh" thành "nong nanh" hay "nôn nao" thành "lôn lao" như một số người ở một số địa phương nào đó. Biến âm cũng không phải chỉ vì phương ngữ, kiểu "về" thành "dề" như ở miền Nam, hay "nhà" thành "dà" như ở một số làng huyện ở miền Trung, "trung trinh" thành "chung chinh" như ở miền Bắc. Điều đáng nói hơn là những hiện tượng biến âm xuất phát từ những quy luật nội tại của ngôn ngữ, những sự biến âm có mặt ở mọi vùng đất nước và nếu không tự giác và tốn công truy lục, chúng ta sẽ không thể nào tái hiện được nguyên dạng của nó. Chúng ta dễ ngỡ biến âm là chính âm. Dễ ngỡ nó tự nhiên là thế. Ví dụ, để diễn tả tâm sự buồn nào đó dần dần giảm nhẹ đi, chúng ta hay dùng chữ "nguôi ngoai". Đúng ra là "nguôi hoai". Trong các từ điển cổ, "hoai" có nghĩa là phai nhạt. Nghĩa ấy, cho đến bây giờ chúng ta vẫn dùng trong chữ "phân đã hoai". "Nguôi hoai" là từ ghép chỉ sự phai dần của một nỗi buồn, một niềm đau. Tương tự như vậy, chữ "yếu ớt" chúng ta hay dùng ngày nay là do chữ "yếu nớt". "ớt" thì không có nghĩa gì cả. Trong khi "nớt" có nghĩa là sinh thiếu tháng, vẫn còn dùng trong từ "non nớt". "Yếu nớt", do đó, có nghĩa là yếu đuối, là non nớt. Chữ "nói mớ" thật ra là biến âm của chữ "nói mơ", nói trong giấc mơ. "Nước miếng" thật ra là biến âm của "nước miệng", nước chảy ra từ miệng, cùng cách kết cấu với các chữ nước mắt hay nước mũi. Chữ "to tát" hiện nay tất cả các từ điển đều viết với chữ T ở cuối, TáT; nhưng trong Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của thì lại viết chữ TáC kết thúc bằng C: "to tác", kèm theo lời định nghĩa là: thô kệch, lớn tác. Mà chúng ta đều biết chữ TáC có nghĩa là tuổi hay vóc dáng, như trong các từ tuổi tác, tuổi cao tác lớn, hay ngày xưa người ta nói bạn tác, tức bạn hữu; trang tác, tức cùng lứa, cùng tuổi với nhau. (4)


Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt  46ffbf316527492883adab0d9ee60e32

Các con số đếm, nơi rất cần sự chính xác, cũng không thoát khỏi luật biến âm. Như số 1, chẳng hạn. Đứng một mình là một. Đứng trước các con số khác cũng là một. Nhưng khi đứng sau các con số khác, trừ số 10, nó lại biến thành "mốt": hai mươi mốt; ba mươi mốt, bốn mươi mốt. Những chữ "mốt" ấy chính là biến âm của "một". Nhưng không phải lúc nào "mốt" cũng có nghĩa là một: "Mốt" trong một trăm mốt hay trong một ngàn mốt, một triệu mốt... không phải là một. Con số 5 cũng vậy. Đứng một mình là năm. Đứng trước các số khác cũng là năm. Nhưng khi đứng sau các số, từ 1 đến 9, nó lại biến thành "lăm": mười lăm, hai mươi lăm... Con số hai mươi lăm ấy lại được biến âm thêm một lần nữa, thành hăm nhăm. Số ba mươi lăm cũng thường được biến âm thành băm nhăm. Từ số bốn mươi lăm trở lên thì chỉ có một cách rút gọn là bốn lăm; năm lăm, sáu lăm, bảy lăm, tám lăm, và chín lăm chứ không có kiểu biến âm như hăm nhăm và băm nhăm. Con số 10, cũng vậy. 10 là mười. Nhưng từ 20 trở lên thì "mười" biến thành "mươi": hai mươi, ba mươi, bốn mươi... Dấu huyền bị biến mất. Có điều, "mươi" không phải lúc nào cũng có nghĩa là mười. Trong nhóm từ "mươi cái áo", chẳng hạn, "mươi" lớn hơn hoặc nhỏ hơn mười: một con số phỏng định, ước chừng, bâng quơ.

Con số còn thay đổi được, huống gì những từ khác. Như từ "không", chẳng hạn. Phủ định điều gì, người ta có thể nói "không", mà cũng có thể nói "hông", nói "khổng", nói "hổng". Xuất hiện trong câu nghi vấn, chữ "không" ấy có thể có thêm một biến âm khác là "hôn": "nghe hôn?" Chưa hết. Một số âm vị trong cụm "nghe hôn" ấy bị nuốt đi; "nghe hôn" biến thành "nghen", rồi đến lượt nó, "nghen" lại biến thành "nghén" hay bị rút gọn lần nữa, thành "nhen", rồi "hen", rồi "hén", rồi "nhe", v.v...

Như vậy, biện pháp biến âm trở thành một biện pháp tạo từ. Đã có từ "vậy", chỉ cần thay dấu nặng bằng dấu huyền, chúng ta có từ mới: "vầy" (như vầy này!). Đã có từ "lui hui", người ta tạo thêm các chữ "lúi húi" rồi "lụi hụi". Đã có từ "chừ bự", người ta tạo thêm các từ mới: chư bư, chừ bư, chừ bử, chử bử, chứ bứ, chự bự. Đã có "trật lất", người ta tạo thêm: trết lết, trét lét, trớt lớt, trớt huớt... (5) Đã có từ "ngoại" vay mượn từ chữ Hán, chúng ta tạo thêm hay từ khác: "ngoài" để các quan hệ không gian cũng như thời gian và "ngoái" để chỉ quan hệ về thời gian: "năm ngoái".

Biện pháp biến âm như vậy đã dẫn đến một hiện tượng khá thú vị trong tiếng Việt: hiện tượng từ tương tự, tức những từ hao hao gần nhau về cả ngữ âm lẫn ngữ nghĩa, chẳng hạn: các chữ bớt và ngớt; đớp, tợp, hớp và đợp; bẹp, xẹp, lép, khép, nép và nẹp; khan, khàn và khản; xẻ, chẻ, bẻ và xé; xoăn, xoắn, quăn và quắn; tụt, rụt và thụt; véo, nhéo, và béo; v.v...

Các từ tương tự ấy có khi khác nhau về từ loại nhưng lại tương thông tương ứng với nhau về ý nghĩa, chẳng hạn: chúng ta có cái nẹp để kẹp, cái nêm để chêm, cái nan để đan, cái mõ để gõ, cái nệm để đệm, cái vú để bú; hoặc chúng ta cưa thì thành khứa, rung thì rụng, phân thì có từng phần, dựng thì đứng, thắt thì chặt, đập thì giập, dìm thì chìm, ép thì ẹp, dứt thì đứt, chia thì lìa, gạn thì cạn, v.v....

Mới đây, đọc báo, không hiểu tại sao, tình cờ tôi lại chú ý đến chữ "đút" trong một câu văn không có gì đặc biệt: "Chị ấy đút vội lá thư vào túi quần..." Từ chữ "đút" ấy, tôi chợt liên tưởng đến chữ "rút": cả hai từ làm thành một cặp phản nghĩa: đút (vào) / rút (ra).

Điều làm tôi ngạc nhiên là cả hai từ đều có phần vần giống nhau: "-ÚT". Chúng chỉ khác nhau ở phụ âm đầu mà thôi: một chữ bắt đầu bằng phụ âm "đ-" (đút) và một chữ bằng phụ âm "r-" (rút). Hơn nữa, cả từ "đút" lẫn từ "rút", tuy phản nghĩa, nhưng lại có một điểm giống nhau: cả hai đều ám chỉ sự di chuyển từ không gian này sang không gian khác. "Đút" cái gì vào túi hay "rút" cái gì từ túi ra cũng đều là sự chuyển động từ không gian trong túi đến không gian ngoài túi hoặc ngược lại.

Tôi nghĩ ngay đến những động từ có vần "-ÚT" khác trong tiếng Việt và thấy có khá nhiều từ cũng có nghĩa tương tự. "Sút" là động tác đưa bóng vào lưới. "Hút" là động tác đưa nước hoặc không khí vào miệng. "Mút" cũng là động tác đưa cái gì vào miệng, nhưng khác "hút" ở chỗ vật thể được "mút" thường là cái gì đặc. "Trút" là đổ cái gì xuống. "Vút" là bay từ dưới lên trên. "Cút" là đi từ nơi này đến nơi khác do bị xua đuổi. "Nút" hay "gút" là cái gì chặn lại, phân làm hai không gian khác nhau.

Thay dấu sắc (ÚT) bằng dấu nặng (ỤT), ý nghĩa chung ở trên vẫn không thay đổi. "Trụt" hay "tụt" là di chuyển từ trên xuống dưới. "Vụt" là di chuyển thật nhanh, thường là theo chiều ngang. "Lụt" là nước dâng lên quá một giới hạn không gian nào đó. "Cụt" là bị cắt ngang, không cho phát triển trong không gian. "Đụt" (mưa) là núp ở một không gian nào đó, nhỏ hơn, để tránh mưa ngoài trời, v.v...

Nếu những động từ có vần "-ÚT" thường ám chỉ việc di chuyển (hoặc việc ngăn chận quá trình di chuyển ấy) giữa hai không gian thì những động từ có vần "-UN" lại ám chỉ việc dồn ứ lại thành cục trong một không gian nhất định nào đó, thường là có giới hạn. "ùn", "chùn", "dùn", hay "đùn" đều có nghĩa như thế. "Thun" hay "chun" cũng như thế, đều chỉ cái gì bị rút, bị co. "Cùn" là bẹt ra. "Hùn" là góp lại. "Vun" là gom vào. "Lún" hay "lụn" là bẹp xuống. Cả những chữ như "lùn" hay (cụt) "lủn", (ngắn) "ngủn", "lũn cũn"... cũng đều ám chỉ cái gì bị dồn nhỏ hay thu ngắn lại.

Với cách phân tích như vậy, nếu đọc thật kỹ và thật chậm các cuốn từ điển tiếng Việt, chúng ta sẽ dễ thấy có khá nhiều khuôn vần hình như có một ý nghĩa chung. Chẳng hạn, phần lớn các động từ hay tính từ kết thúc bằng âm éT hay ẹT đều chỉ những động tác hay những vật thể hẹp, thấp, phẳng. "Kẹt" là mắc vào giữa hai vật gì; "chẹt" là bị cái gì ép lại. "Dẹt" là mỏng và phẳng; "tẹt" là dẹp xuống (kiểu mũi tẹt); "bét" là nát, dí sát xuống đất; "đét" là gầy, mỏng và lép. Những dộng từ kết thúc bằng âm EN thường chỉ các động tác đi qua một chỗ hẹp, một cách khó khăn, như: "chen", "chẹn", "chèn", "len", "men", "nghẽn", "nghẹn", "nén". Những từ láy có khuôn vần ỨC - ÔI thì chỉ những trạng thái khó chịu, như "tức tối", "bức bối", "bực bội", "nực nội", "nhức nhối", v.v...

Những ví dụ vừa nêu cho thấy hai điều quan trọng:

Thứ nhất, nếu chịu khó quan sát, chúng ta sẽ phát hiện trong những chữ quen thuộc chúng ta thường sử dụng hàng ngày ẩn giấu những quy luật bí ẩn lạ lùng. Tính chất bí ẩn ấy có thể nói là vô cùng vô tận, dẫu tìm kiếm cả đời cũng không hết được. Điều này khiến cho không ai có thể an tâm là mình am tường tiếng Việt. Ngay cả những nhà văn hay nhà thơ thuộc loại lừng lẫy nhất vẫn luôn luôn có cảm tưởng ngôn ngữ là một cái gì lạ lùng vô hạn.

Thứ hai, vì có những quy luật, những điểm chung tiềm tàng giữa các chữ như vậy cho nên việc học tiếng Việt không quá khó khăn. Nói chung, người Việt Nam đều có khả năng đoán được ý nghĩa của phần lớn các chữ mới lạ họ gặp lần đầu. Lần đầu gặp chữ "thun lủn", chúng ta cũng hiểu ngay nó ám chỉ cái gì rất ngắn. Lý do là vì chúng ta liên tưởng ngay đến những chữ có vần "UN" vừa kể ở trên: cụt ngủn, ngắn ngủn, v.v... Lần đầu gặp chữ "dập dềnh", chúng ta cũng có thể đoán là nó ám chỉ một cái gì trồi lên trụt xuống do sự liên tưởng đến những chữ có khuôn vần tương tự: bấp bênh, gập ghềnh, khấp khểnh, tập tễnh, v.v...

Nói tiếng Việt vừa dễ vừa khó là vì thế.

Nguyễn Hưng Quốc


Chú thích:

(1) Trần Quốc Vượng (1993), Trong Cõi, Garden Grove: Trăm Hoa, tr. 169.

(2) Lê Trung Hoa, "Tìm nguồn gốc một số từ ngữ tiếng Việt qua các hiện tượng biến đổi ngữ âm", in trong cuốn Những vấn đề văn hoá, văn học và ngôn ngữ học (nhiều tác giả), nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1999: 211-225.

(3) Xem bài "Vài chuyển biến trong phụ âm đầu tiếng Việt và các hiện tượng láy từ liên hệ" của Nguyễn Phú Phong trên Tập san Khoa Học Xã Hội (Paris) số 3 năm 1977, tr. 73-80.

(4) Một số ví dụ trong đoạn này lấy từ bài viết của Lê Trung Hoa theo sách dẫn trên.

(5) Biện pháp biến âm này đặc biệt thông dụng trong phương ngữ miền Nam. Có thể xem thêm cuốn Từ Điển Phương Ngữ Nam Bộ của Nguyễn Văn Ái, Lê Văn Đức và Nguyễn Công Khai, nxb Thành Phố ***, 1994. 
Về Đầu Trang Go down
P-C
Khách viếng thăm




Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt    Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt  Icon_minitimeFri Mar 21, 2014 8:06 pm


Nghệ thuật chơi chữ trong ca dao dân ca Việt Nam


Trần Minh Thương


Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt  Z

Thế nào là "chơi chữ"?

Chơi chữ là một nghệ thuật độc đáo trong ngôn ngữ nói chung và trong Tiếng Việt nói riêng. Có nhiều định nghĩa, khái niệm,… giải thích vấn đề này, xin được nêu một số ý kiến như sau:

Tự điển Tiếng Việt giải thích: "Chơi chữ là lợi dụng hiện tượng đồng âm, đa nghĩa, v.v… trong ngôn ngữ nhằm gây một tác dụng nhất định (như bóng gió, châm biếm, hài hước,…) trong lời nói. (Hoàng Phê (chủ biên) – Từ điển Tiếng Việt – Nhà xuất bản Giáo Dục. H. 1994).

Từ điển thuật ngữ văn học gọi chơi chữ là "lộng ngữ" và giải thích là một biện pháp tu từ có đặc điểm: người sáng tác sử dụng những chỗ giống nhau về ngữ âm, ngữ nghĩa, văn tự, văn cảnh để tạo ra sự bất ngờ thú vị trong cách hiểu, trong dòng liên tưởng của người, người nghe". Các hình thức của lộng ngữ rất phong phú, trong đó có: nói lái, dùng từ đồng âm hoặc gần âm, dùng từ gần nghĩa, tách một từ thành các từ khác nhau. (có thể xem đây là hình thức của nghệ thuật chơi chữ - người viết chú thêm). Các tác giả trong quyển "từ điển" này cho rằng: nhìn chung các lộng ngữ đều mang tính hài hước, thường được sử dụng trong văn thơ trào phúng (có thể xem đây là tác dụng của nghệ thuật chơi chữ - người viết chú thêm). (Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi - Từ điển thuật ngữ văn học – Nhà xuất bản Giáo Dục . H. 2007)

Tác giả Hữu Đạt thì xem chơi chữ là một đặc điểm độc đáo của ngôn ngữ thơ Việt Nam và nêu định nghĩa: "Chơi chữ là một biện pháp tu từ nghệ thuật dựa vào những khả năng tiềm tàng của ngôn ngữ, vận dụng linh hoạt đơn vị cơ bản của tu từ học (là chữ hoặc tiếng) đặt nó trong mối quan hệ nhiều chiều, nhiều phía với các đơn vị cùng bậc và khác bậc, nhằm khai thác tính chất nước đôi của các đơn vị ngôn ngữ dựa vào sự hiện diện của văn cảnh". (Hữu Đạt – Ngôn ngữ thơ Việt Nam – Nxb Giáo dục. H. 1996).

Từ những cách lý giải trên soi rọi vào ca dao chúng ta dễ dàng thấy được nghệ thuật độc đáo mà ngày xưa cha ông ta đã vận dụng.

Từ những từ láy lại đơn giản:


Trong chúng ta ai đó đã từng nghe câu hát của những người làm "nghề " nói thơ dạo của những năm cuối thế kỷ trước:

Vân Tiền, Vân Tiễn, Vân Tiên
Ai cho đồng tiền tôi kể Vân Tiên.

Vân Tiên là tên nhân vật chính trong tác phẩm "Lục Vân Tiên" của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu. Tác giả dân gian khi hát đã láy lại thành câu lục "Vân Tiền, Vân Tiễn, Vân Tiên" trong cặp lục bát dẫn trên cho đủ lượng chữ cần thiết của một dòng thơ. Giá trị của việc chơi chữ ở đây chỉ có vậy.

Cũng tương tự như thế ta có thể dẫn chứng một trường hợp khác: chơi chữ bằng việc sử dụng từ láy kiểu như trên:

Con mèo, con mẻo, con meo
Ai dạy mày trèo, mà chẳng dạy tao?

Từ "con mèo" được láy lại hai lần nhằm tạo âm hưởng cho câu thơ!

Với cách chơi chữ lặp đi lặp lại như thế, nhiều câu ca dao đã gợi nên cuộc sống quẩn quanh bế tắc không lối thoát của phận cái kiến, con ong ở xã hội ngày trước:

Con kiến mà leo canh đa
Leo phải cành cụt leo ra, leo vào
Con kiến mà leo cành đào
Leo phải cảnh cụt leo vào, leo ra.

Hoặc như trong một tình cảnh khác, chơi chữ kiểu láy này để thể hiện nét nghĩa gắn lết không muốn xa rời nhau của đôi nam nữ "đã trót dan díu"…

Rau má là lá lan dây,
Đã trót dan díu, ở đây đừng về.
Rau má là lá lan thề
Đã trót dan díu đừng về ở đây.

Đó là cách chơi chữ bình thường vốn dĩ quen thuộc trong lời ăn tiếng nói hằng ngày của ng dân quanh năm "một nắng hai sương" bên cánh đồng thửa ruộng. Trong thơ ca bình dân còn có nhiều kiểu "chơi chữ" khác mà dụng ý của nó cũng rất uyên thâm.

Chơi chữ bằng cách dùng hiện tượng từ đồng âm khác nghĩa giữa từ đơn tiết với tiếng trong từ đa tiết:

Xin dẫn bài ca dao quen thuộc sau đây để làm ví dụ:

Một trăm thứ dầu, dầu chi là dầu không thắp?
Một trăm thứ bắp, bắp chi là bắp không rang?
Một trăm thứ than, than chi là than không quạt?
Một trăm thứ bạc, bạc chi là chẳng ai mua?
Trai nam nhi anh đối đặng thì gái bốn mùa xin theo.

Muốn biết nghĩa của các từ "dầu"; "bắp"; "than"; "bạc" trong các câu hát đố trên, ta xem tiếp phần đáp lại thì hiểu được sự điêu luyện của nghệ thuật này.

Một trăm thứ dầu, dầu xoa không ai thắp.
(Một dị bản khác: Một trăm thứ dầu, dãi dầu thì không ai thắp)
Một trăm thứ bắp, bắp chuối thì chẳng ai rang.
(Một dị bản khác: Một trăm thứ bắp lắp bắp mồm, lắp bắp miệng thì chẳng ai rang)
Một trăm thứ than, than thân là than không ai quạt.
Một trăm thứ bạc, bạc tình bán chẳng ai mua

Chơi chữ là cách dùng các từ đơn tiết đồng âm nhưng khác nghĩa:
Trời mưa, trời gió vác đó(1) ra đơm
Chạy vô ăn cơm chạy ra mất đó(2).
Kể từ ngày mất đó(3) đó(4) ơi
Răng đó(5) không phân qua nói lại đôi lời cho đây hay?

Từ đó mà tác giả dân gian sử dụng trong bài ca dao trên vừa là danh từ chỉ một dụng cụ đánh bắt, vừa là đại từ chỉ nơi chốn được "mượn" làm đại từ nhân xưng chỉ người. Từ đó(2), đó(3), đó(4) là thú vị và đa tầng nghĩa nhất vậy.

Gợi lên một ý nghĩa khác "tục" mà thanh bởi từ "đẩy" đa nghĩa (cả nghĩa trong khẩu ngữ) của câu ca dao sau đây:

Em ơi nên lấy thợ bào
Khom lưng ảnh đẩy cái nào cũng êm

Xét từ ngữ nghĩa tường minh của văn bản thì không có gì hết, nó chỉ miêu tả một hành động bình thường của anh thợ mộc làm động tác bào cây, gỗ, nhưng xét về nghĩa hàm ẩn của nó thì thật là "độc", mà cái "độc" ấy là do nghệ thuật "chơi chữ' tạo ra.

Công dụng của nét chơi chữ ấy dùng để phê phán. Phê phán thầy đồ đạo cao đức trọng, cố ý "thanh cao" nhưng không tránh khỏi cái bản năng bình thường của con người, tác giả dân gian chơi chữ "đồ" để mỉa mai hết sức thâm thuý trong bài ca dao sau đây:

Nhân lúc đồ ngồi nhàn hạ
Ra hồ sen xem ả hái hoa
Ả hớ hênh ả để đồ ra
Đồ trông thấy ngắm ngay tức khắc
Đêm năm canh đồ nằm khôn nhắp
Những mơ màng đồ nọ tưởng đồ kia

"Đồ nọ" tưởng "đồ kia" là hai từ đồng âm nhưng một từ với nghĩa là thầy đồ - một hạng người trong xã hội, và một từ "đồ" cũng là danh từ nhưng để chỉ sinh thực khí của phụ nữ!

Nhiều khi cách chơi chữ đồng âm này tránh được cái tục, một sự nói tránh hết sức tinh tế:

Sáng trăng em nghĩ tối trời
Em ngồi em để sự đời em ra
Sự đời em bằng lá đa
Đen như mõm chó chém cha sự đời.

Cái sự đời mà câu ca dao đề cập bằng việc dùng nghĩa lấp lửng nước đôi như trên chắc chắn rằng ai cũng biết đó là cái gì rồi!

Phê phán "bà già"  còn muốn chồng được tác giả dân gian mỉa mai bằng cách chơi chữ "lợi" trong một bài ca dao quen thuộc:

Bà già đi chợ Cầu Đông
Xem bói một quẻ lấy chồng lợi chăng
Thầy bói gieo quẻ nói rằng
Lợi thì có lợi nhưng răng không còn

Lợi vừa là tính từ chỉ việc có ích, vừa chỉ một bộ phận trong vòm họng con người: cái " nướu răng"!

Đôi khi kín đáo hơn, nhẹ nhàng, để nói đến thân phận bấp bênh về thân phận của người phụ nữ trong xã hội ngày trước dân gian có câu:

Thân em như cá rô mề
Lao xao giữa chợ biết về tay ai.

Ví "thân em" với cá rô mề, quả là khó còn từ ngữ nào đắc hơn trong văn cảnh vừa dẫn, bởi nói vừa chỉ được nhiều điểu mà người sáng tạo ra nó muốn nói.

Trái lại hiện tượng trên, là việc dùng từ đồng nghĩa để chơi chữ với dụng ý phê phán rõ ràng:

Có cứt thì lúa mới xanh
Quần hồ áo cánh bởi anh cứt này

Thực ra những từ không được sạch sẽ trên đây có từ "phân" đồng nghĩa với nó, nhưng dân gian không dùng "phân" mà thay "phân" bằng …(!) để nhắc nhở những người gần bùn mà vội "quên đi mùi bùn"(!)

Xong có lẽ hiện tượng dùng từ cùng trường nghĩa, gần nghĩa để tạo nét liên tưởng thú vị là phổ biến nhất trong ca dao:

Con quạ nó ăn tầm bậy tầm bạ nó chết,
Con diều xúc nếp làm chay,
Tu hú đánh trống bảy ngày,
Con bịp nó dậy, nó bày mâm ra.
Con cuốc nó khóc u oa,
Mẹ nó đi chợ đàng xa chưa về.

Bài ca dao tập hợp những con chim sống trọng bụi quạ, diều, tu hú, bìm bịp, cuốc, cho mỗi con đóng vai trò thích hợp với đặc điểm của chúng: diều với quạ cùng loại nên đóng vai trò chính; tu hu đầu mùa hè hay kêu; bìm bịp thường hay ở trong bụi rậm, ít bay đi đêm, như người nội trợ; cuốc lủi trong bụi như tìm ai, tiếng kêu của nó sầu não như khóc như than. Đây là cách chơi chữ dùng các từ cùng trường nghĩa để khắc hoạ lên những bức tranh dân gian về một đám ma nghèo nhưng đầy đủ lễ thức. Vừa phản ảnh một phong tục ngày trước với nhiều màu sắc độc đáo nhưng cũng không giấu tính châm biếm sắc sảo.

Cùng kiểu như vậy ta còn có thể gặp trong các bài ca dao tương tự:

Con cò chết rủ trên cây,
Cò con mở lịch xem ngày làm ma
Cà cuống uống rượu la đà
Chim ri ríu rít bò ra chia phần
Chào mào thì đánh trống quân,
Chim chích cỡi trần vác mõ đi rao.

Hoặc:
Con cò mắc giò mà chết
Con quạ ở nhà mua nếp làm chay
Con cu đánh trống bằng tay
Chào mào đội mũ làm thầy tế văn
Chiền chiện vừa khóc vừa lăn
Một bầy chim sẻ bịt khăn khóc cò

Chọn những con vật cùng trường nghĩa khác, bài ca sau đây cũng dùng cách chơi chữ ấy:

Cóc chết bỏ nhái mồ côi,
Chẫu ngồi chẫu khóc: "Chàng ơi là chàng"
Ễnh ương đánh lệnh đã vang,
Tiền đâu mà trả nợ làng ngoé ơi!

Tác giả dân gian tập hợp trong bài ca dao này các con vật cùng loài với cóc: nhái, chẫu chuộc, chầu chàng (chẫu chàng thân và chi mảnh, dài; chẫu chuộc cũng giống như chẫu chàng nhưng lớn hơn); ễnh ương, ngoé là giống nhái bén. "Chàng" trong câu câu ca trên vừa là con vật (chẫu chàng) vừa là đại từ chỉ người trong cặp đại từ nhân xưng cổ: chàng – nàng. Như vậy, bài ca dao vừa chơi chữ bằng cách dùng từ đồng âm, vừa chơi chữ bằng cách dùng các từ cùng trường nghĩa.

Đôi lúc ghép những từ cùng trường nghĩa để chơi chữ với tính chất "trào lộng":

Chị Xuân đi chợ mùa hè
Mua cá thu về chợ hãy còn đông

Những từ đồng âm khác nghĩa (Xuân, thu, đông) và các kết hợp các từ cùng trường nghĩa với nhau tạo nên nét độc đáo: hoá ra đó là bốn mùa trong năm!

Một bài khác:
Anh Hươu đi chợ Đồng Nai
Bước qua Bến Nghé ngôi nhai thịt bò

Vui đùa với chữ là dụng ý chính của những câu ca dao này!

Hoặc để chỉ một cảnh sinh hoạt bình thường của một gia đình làm nghề chài lưới:
Cha chài mẹ lưới con câu
Chàng rễ đóng đáy con dâu ngồi nò.

Hay như để chỉ các sản vật là lương thực mà con người đổ không biết bao nhiêu giọt mồ hôi để tạo ra, tác giả dân gian gửi gắm:

Thấy nếp thì lại thèm xôi
Ngồi bên thúng gạo nhớ nồi cơm thơm
Hai tay xới xới đơm đơm
Công ai cày cấy sớm hôm đó mà.

Chiết tự ra từ một từ láy, hoặc một từ ghép để "chơi chữ":

Cô giỏi cô giang, cô đang xúc tép
Cô thấy anh đẹp cô đổ tép đi

Từ "giỏi giang" được chiết tự ra làm hai thành tố để rồi kết hợp lại nhằm nhấn mạnh tính cách của chủ thể "cô" trong câu ca trên. Đó cũng là một dạng của nghệ thuật chơi chữ!

Việc dùng từ trái nghĩa trong cùng một câu thơ, cũng là một hiện tượng chơi chữ của dân gian:

Bánh cả thúng sao gọi là bánh ít
Trầu cả khay sao dám gọi trầu không.

Hoặc như:
Lươn ngắn mà chê trạch dài
Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm.

Chạch là loại cá trông giống lươn cỡ nhỏ, thân ngắn. Thờn bơn là loại cá thân dẹt, miệng và mắt lệch lên phía trên đầu. Trai là loại động vật thân mềm, vỏ cứng, gồm hai mảnh, thường há ra như cái miệng. Với nghệ thuật chơi chữ để giễu nhại giống như kiểu: "Chuột chù chê khỉ rằng hôi/ Khỉ mới trả lời cả họ mày thơm" tác giả dân gian muốn châm biếm những người đem chủ quan của mình gán ghép cho người khác mà không thấy được mình cũng có khuyết điểm tương tự như thế, chả ai hơn ai, chả biết mèo nào cắn mỉu nào!

Trong nhiều lời hát đối đáp cũng có hiện tượng như vậy:

Giàn hoa bể cạn nước đầy
Cá vàng hoá bạc chàng rày đối chi?

Chơi chữ là dùng cách nói lái, tức là đảo vị trí phần vần và thanh điệu của hai từ liền kề nhau:

Con cá đâu anh ngôi câu đó
Biết có không mà công khó anh ơi

Và:
Con cá đối nằm trong cối đá
Con mèo đuôi cụt nó năm mục đuôi kèo,…

Chơi chữ bàng cách dùng các từ thuần Việt đồng nghĩa với nhau:

Đi tu Phật bắt ăn chay
Thịt chó ăn được, thịt cầy thì không.

"Chó với cầy là những từ cùng nghĩa, gần nghĩa được sử dụng "chơi" để phê phán một hiện tượng "ngược đời"

Hay:
Bạn vàng chơi với bạn vàng
Chớ chơi với Vện ra đàng cắn nhau.

Từ "bạn vàng" của "những con chó" làm cho người nghe liên tưởng đến "bạn vàng của con người" cũng là một dụng ý thật đắc mà nghệ thuật chơi chữ tạo ra.

Hoặc đôi lúc dùng một tiếng Việt đồng nghĩa với một từ Hán Việt để chơi chữ:
Có răng nói thật đi nha
Lúc trăng đang tỏ thì hoa đang thì.

"Nha" là từ Hán Việt tương đương với từ thuần Việt "răng"!

Hay như:
Rắn hổ đất leo cây thục địa
Ngựa nhà trời ăn cỏ chỉ thiên.

Rồi thì:
Cha con thầy thuốc về quê
Hồi hương phụ tử thì chàng đối chăng?

Cái độc đáo ở nghệ thuật chơi chữ trong câu thơ này là vừa có hai từ tương đương nghĩa "cha con" (thuần Việt) với "phụ tử" (Hán Việt); "về quê" (thuần Việt) với "hồi hương" (Hán Việt). Rồi "thầy thuốc" để chỉ nghề nghiệp của hai "cha con" mà "hồi hương", "rồi phụ tử" là những vị thuốc nổi tiếng trong đông y!

Cuối cùng hết của các dạng chơi chữ trong ca dao mà chúng tôi khảo sát được là việc đảo trật tự từ ngữ để tạo ra nghĩa ngược với thực tế:

Bao giờ cho đến tháng ba
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng
Hùm nằm cho lợn liếm lông
Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi
Nắm xôi nuốt bé lên mười,
Con gà mâm rượu nuốt người lao đao
Lươn nằm cho trúm bò vào
Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô
Lúa mạ nhảy lên ăn bò,
Cỏ năn, có lác rình mò bắt trâu
Gà con đuổi bắt diều hâu,
Chim ri đuổi đánh vỡ đầu bồ nông.

Tất cả các sự việc, các hành động và chủ thể tạo nên hành động trong bài ca dao trên đều ngược nghĩa so với hiện thực cuộc sống. Đều mà tác giả dân gian muốn gửi gắm ở đây có lẽ với hai dụng ý rõ rệt: vừa mua vui với chữ nghĩa, vừa muốn nói lên một sự bất công ngang trái trong xã hội ngày trước!

Như vậy, tuy khác nhau về lời lẽ song có thể thấy mấy điểm chung trong các cách hiểu trên về chơi chữ.

- Chơi chữ là một biện pháp tu từ được dùng trong ngôn ngữ nghệ thuật (ngôn ngữ văn thơ)

- Biện pháp chơi chữ được thực hiện dựa trên các tiềm năng về chất liệu ngôn ngữ dân tộc. Các tiềm năng về âm thanh, chữ viết, từ đồng âm, đồng nghĩa, v.v, ...càng phong phú thì càng tạo điều kiện cho chơi chữ phát triển.

- Chơi chữ tạo nên những liên tưởng bất ngờ, thú vị về nhận thức, đồng thời có tác dụng châm biếm, hài hước, thư giãn bằng chữ nghĩa, v.v…

Riêng trong ca dao chơi chữ đã thể hiện nét phong phú độc đáo trong tâm hồn của người nông dân "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn"./.

*Trong bài viết có tham khảo tài liệu chép tay (chuyên đề dành cho thạc sĩ Ngữ văn): "Truyền thống ngữ văn của người Việt" của T.S Trần Văn Minh, Trường Đại học Vinh.

Nguồn: http://www.vanchuongviet.org/
.
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content





Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt    Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt  Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
Một vài hiện tượng thú vị trong tiếng Việt
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» “Ảo từ”, “ẩn từ” hay “biến từ” trong tiếng Việt?
» Sự khác biệt giữa hai văn bản hiến pháp Việt Nam 1992 và 2013 Nguyễn Duy Vinh (cựu học sinh trung học Nguyễn Trãi Sài Gòn) Vào tháng 05 năm 2013, tôi có viết và đăng một bài có tựa đề “Những biến dạng của các văn bản hiến pháp của đảng Cộng Sản Việt Nam”
» Những hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ
» Viết từ SG: Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết
» "Hãy nổi giận" - "Indignez-vous!" hay hiện tượng Hessel ở Pháp

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon  :: ĐỀ TÀI :: Sưu Tầm, Lượm Lặt-
Chuyển đến