Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon

Diễn Đàn của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Keywords
truyện Trung chuyen Nguyen ngam quan bich chất chẳng Saigon không linh VNCH Chung thuoc nhac hoang trong ngắn quynh quốc Nhung sáng phải nguyet quang
Latest topics
» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:38 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» qua đi thôi bão nổi
Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” Icon_minitimeSat Mar 11, 2023 3:11 am by Admin

» Cụ Hoang Xuân Hãn
Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” Icon_minitimeSun May 08, 2022 10:37 pm by Admin

» Giáo dục VNCH - Giáo dục con đường khai phóng
Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” Icon_minitimeMon Jan 10, 2022 4:06 am by Admin

» Suy tư về kiếp người - Về Cùng Cát Bụi
Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” Icon_minitimeSun Jan 09, 2022 4:25 am by Admin

» AI ĐÃ HẠ GỤC CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN?
Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” Icon_minitimeSat Jan 08, 2022 2:41 am by Admin

» NHẠC THIỀN - Cõi Thiền trong Âm Nhạc
Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” Icon_minitimeThu Jan 06, 2022 4:11 am by Admin

April 2024
MonTueWedThuFriSatSun
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930     
CalendarCalendar
Affiliates
free forum

Affiliates
free forum


 

 Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi”

Go down 
Tác giảThông điệp
thanhdo
Khách viếng thăm




Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” Empty
Bài gửiTiêu đề: Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi”   Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” Icon_minitimeSat May 04, 2013 7:57 pm


.
Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi”

Đỗ Hồng Ngọc


Võ Hồng là một nhà thơ. Dù ông viết truyện ngắn, truyện dài gì thì với tôi cũng đều là  thơ. Thơ xuôi. Đọc ông thấy lòng lành ra. Tuy nhiên ông cũng đã in hẳn một tập Thơ cho riêng mình.  Chân tình và mộc mạc. Đằm thắm những yêu thương.

Trong thư gửi tôi, kèm tập thơ năm đó, ông thổ lộ: “Đọc lại văn mình moa thấy: nếu là văn xuôi thì Ngộ, còn thơ thì Ngượng. Cái gì mà yêu thương, nhớ nhung, đợi chờ… mắc cỡ thấy mồ!”. Tôi hiểu ông. Bởi vì văn thì còn đổ thừa tại bị “hư cấu” nọ kia, tại bị tâm lý nhân vật này khác, chứ thơ thì hết phương… chối cãi!

Vợ mất sớm vì bệnh tim lúc ông hãy còn rất trẻ. “Một nách ba con” còn nhỏ xíu. Ông vẫn ở vậy, không tục huyền, dù không ít cô thầm thương trộm nhớ ông thầy giáo, ông nhà văn nho nhã, dễ mến. Gà trống nuôi con. Tất cả đều thành đạt. Tất cả đều học xa rồi sinh sống ở nước ngoài. Chỉ còn có ông… gà trống ngày một lớn tuổi, loay hoay một mình với cây trứng cá, cây khế và mấy gốc dừa…


Năm giờ sáng mở mắt
Nhìn quanh : chỉ ghế bàn
Thèm thấy một khuôn mặt
Thèm nghe tiếng dịu dàng

Mười giờ đêm thâm u
Bóng tối như cõi chết
Tình yêu, tìm nơi đâu
Hạnh phúc, chào vĩnh biệt
……

Võ Hồng (Quạnh hiu) 


Quạnh hiu. Hoang vắng. Cô đơn. Không muốn “độc cư” mà thành độc cư. Với một tâm hồn vô cùng nhạy cảm, ông héo hắt dần với tháng năm. An ủi của ông trong tuổi già là những người con đều thành đạt, hiếu thảo, nhưng vì hoàn cành riêng mà phải sống xa nhau kẻ chân trời người góc biển.


Nay các con nên người
Mỗi đứa đi một ngả
Mình cha căn nhà xưa
Trông vừa quen vừa lạ

Không còn ngày gian khổ
Chỉ dư ngày tiêu điều
Vắng con như cây cỏ
Héo úa giữa quạnh hiu


Võ Hồng (Ba mươi năm sau)

Quen biết, thân thiết với ông đã hơn 40 năm, nhưng nhớ mãi lần tôi với Nguyễn Thiện Tống đến thăm, lúc đó ông mới ngoài tuổi 70, từ trên gác lững thững xuống mở cổng, con chó ùa ra sủa ầm lên. Tôi hơi hoảng, hỏi: chó có dữ không anh? Ông trả lời tỉnh queo: nó còn hiền hơn moa! Lúc nào ông cũng xưng hô “toa, moa” với tôi như vậy. Rồi ông dẫn bọn tôi lên gác. Vẫn căn gác nhỏ với một phòng chừng hơn chục mét vuông, vừa là chỗ ăn chỗ ngủ, chỗ làm việc, tiếp khách… lổn nhổn những sách vở, thư từ, bản thảo… tràn lan trên bàn, trên nệm, dưới gầm. Nhờ cái sân thượng phía trước khá rộng có bóng râm cây khế, cây dừa mà ông có một khoảng không để mà trầm tư, mà hoài cố nhân… Ông khoe cái chậu nhỏ xíu trong đó có một cây gai bàn chải to bằng bàn tay. Ông nói miền quê ông đi đâu cũng gặp cây gai bàn chải mọc dọc hai bên đường. Ông nhớ nó quá nên tìm một gốc về trồng và giấu nó ở một góc sân thượng, sợ người ta trông thấy cho là lập dị! Lần đó tôi bấm cho ông mấy tấm ảnh kỷ niệm, có cảnh ông ngồi trên chiếc ghế “cô đơn uy nghi” đặt ở sân thượng, dưới tàn cây trứng cá. Lúc đó, ông mới 74 tuổi, còn hoạt bát lắm, đòi khoác áo đàng hoàng rồi mới chịu cho chụp hình.


Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” Vo-Hong1997Anh-DHN-300x200
 
Mỗi khi có dịp về Nha Trang tôi đều ghé thăm ông. Ông mừng lắm. Kể chuyện huyên thuyên. Có lần thấy ông treo tấm hình một cô diễn viên Hồng Kông, đang định hỏi thì ông đã nói ngay: Cháu moa nó coi ti-vi nói cô này trông rất giống vợ moa. Mà giống thiệt nên moa mới đem treo lên đó! Ông kể năm 70 tuổi, người ta dựng một  phim ngắn về ông: Thầy Võ Hồng. Ông cảm động lắm vì được trở về thăm lại chốn xưa, trường cũ, ngôi nhà thờ, ngôi chùa thân quen ngày nào… nhưng vẫn thấy ngường ngượng vì phải “đóng phim”! Khi tôi gởi ông bản thảo “Già ơi… chào bạn!” để nhờ ông đọc, ông cười: Sau “Già ơi chào bạn” toa sẽ viết tiếp cái gì nữa đây? Ông là vậy. Lúc nào cũng hóm hỉnh, sâu sắc mà sảng khoái trừ những lúc một mình trong nỗi “cô đơn uy nghi” nhớ đến người thân.

Những lúc sau này tôi thường phone hỏi thăm ông khoẻ không, ông nói khoẻ gì nổi, bệnh rề rề. Nhiều tuổi rồi, con ở xa, bệnh cũng làm biếng đi bệnh viện nữa. Phải nhờ người quen đưa đi khám hoài ngại quá!

Mấy năm gần đây, tình trạng sức khỏe ông yếu dần, nằm liệt giường, được chuyển xuống tầng trệt cho tiện chăm sóc. Cô con gái lớn Diệu Hằng vẫn thường từ Pháp về thăm cha. Rồi cô lại đi, bận bịu bao điều, nhưng vẫn quán xuyến lo toan. Người con trai thứ ở Đức đã dựng riêng cho cha một trang web, tập hợp toàn bộ các tác phẩm của cha, với nhiều tài liệu quý.

Năm ngoái, có dịp ngang Nha Trang, tôi lại ghé thăm ông, bấy giờ ông đã 91 tuổi, đã  dần dần khó tiếp xúc… Cô Đạm, người học trò cũ qúy thương ông vẫn là người hằng ngày trực tiếp đến chăm sóc ông cùng với một người giúp việc. Ông tuy nằm liệt giường đã lâu vậy mà trông vẫn thanh mảnh, sạch sẻ lắm. Tôi cảm động nói với cô Đạm, thay mặt những bạn bè thân quen gần xa của nhà văn Võ Hồng, trân trọng cảm ơn cô.

Ông đã sẵn một bài thơ gọi là “Di ngôn” viết về nỗi “cô đơn uy nghi” của mình:

Cho đến một ngày kia … tôi sẽ nhẹ nhàng giã từ / Hạnh phúc yêu thương … Băng giá mây mù …/ Nhưng trên sân, chiếc ghế cô đơn uy nghi còn đó / Tiếp tục ngồi chờ, lặng lẽ chờ cho mãi đến thiên thu.

Nhớ Võ Hồng, vừa thương vừa cảm, vừa xót vừa xa. Thấy trôi đi một kiếp nhân sinh phù thế: Ngũ uẩn phù vân không khứ lai / Tam độc thủy bào hư xuất một…  (Chứng đạo ca).

Mà mừng ông nay đã vào cõi “tịch diệt vi lạc”!


----------


Di ngôn

Sau khi tôi chết
Xin giữ y nguyên dùm mọi dấu vết
Của những ngày u buồn trĩu nặng hồn tôi
Ðây : cây bút màu đen sớm tối không rời
Ðây : cuốn vở cất đầy những mảnh lòng hiu hắt
Kia :  chồng sách không bao giờ ngăn nắp
Này : góc vườn, hoa rụng trải lối đi
Trên khung rào thưa, lá khẽ thầm thì

Nơi sân thượng xin để nguyên chiếc ghế
Kê sát lan can, hướng xuống mặt đường
Nơi những đêm dài, trong tối đầy sương
Tôi ngồi lặng, mắt chong chờ đợi
Ðợi một người đi không hẹn trở lại

Hun hút đường dài … vun vút xe qua
những dáng ngược xuôi … những cặp hẹn hò
Bầy chó lang thang … hàng cây đứng lặng
Chia sẻ nỗi niềm : từng ngôi sao xa

Người đi không về. Giờ đang nơi đâu ?
Cực lạc non Bồng hay cõi Diêm phù
Ðêm trắng trải dài … Mỏi mòn đêm trắng
Canh hai … canh ba … từng canh qua mau

Cho đến một ngày kia … tôi sẽ nhẹ nhàng giã từ
Hạnh phúc yêu thương … Băng giá mây mù …
Nhưng trên sân, chiếc ghế cô đơn uy nghi còn đó
Tiếp tục ngồi chờ, lặng lẽ chờ cho mãi đến thiên thu.


Võ Hồng
(Thời gian mây bay)
.Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” Images?q=tbn:ANd9GcQP9QdjFJx3hSB9TSq0k7mqm7a8vWFoxBxnIVDAJnPVOs2gaCCn
.
Về Đầu Trang Go down
MHMai
Khách viếng thăm




Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” Empty
Bài gửiTiêu đề: Ba bài thơ trong Tập thơ "Thời Gian Mây Bay"   Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” Icon_minitimeMon May 06, 2013 4:07 pm

.
Ba bài thơ trong Tập thơ "Thời Gian Mây Bay"


Nhà văn Võ Hồng sống trong cảnh gà trống nuôi con chắc phải chật vật trong cuộc sống. Ông là một nhà giáo và đời sống cũng khá thanh bạch. Vợ ông mất sớm (1957) và ông đã nuôi ba người con nên người. Ông đã viết một bài thơ để nói về tình cảnh của mình. Bài thơ “Ba Mươi Năm Sau”.


Ba Mươi Năm Sau

Nhờ đất cho món ăn
Nhờ nước đưa thức uống
Hô hấp nhờ khí trời
Mà cây đầy sức sống

Cũng vậy ba đứa con
Truyền cho cha sinh lực
Lao khổ dầu sớm hôm
Cô đơn dù nhức buốt
Nhưng nhìn con lớn khôn
Cha quên mọi cơ cực

Đứa Út vừa lên ba
Biết mẹ qua tấm ảnh
Miệng chỉ quen gọi cha
Khi đói và khi lạnh

Chị lớn chín tuổi tròn
Đóng vai người mẹ nhỏ
Vội vã học điều khôn
Cửa nhà tập coi ngó

Thằng giữa khi vào lớp
Tên mình tưởng tên ai
Thầy hỏi không biết đáp
Nghe chim hơn nghe bài

Nay các con nên người
Mỗi đứa đi một ngả
Mình cha căn nhà xưa
Trông vừa quen vừa lạ

Không còn ngày gian khổ
Chỉ dư ngày tiêu điều
Vắng con như cây cỏ
Héo úa giữa quạnh hiu

Tuổi già ngồi ngẫm lại
Quý nhất của đời mình
Là ba đứa con dại
Cha nuôi đến trưởng thành.

Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” Z

Hoa chỉ nở một lần

Tôi là giống chim hoang, con chim Hồng, chim Hộc
Loài chim trời quen vỗ cánh bay cô độc
Em thương con chim, muốn nâng niu chăm sóc trong lồng
Ðẹp. Nhưng hẹp. Do xã hội đã đặt bày kích thước
Con chim sợ. Nó chưa quen quy ước

Tôi bảo em: Hãy ráng đợi chờ
Tình yêu và thời gian sẽ dạy con chim xếp hẹp bớt đôi cánh.
Và dạy em nới rộng cái lồng hoặc dẹp bỏ cái lồng đi
Mà chỉ cột bằng sợi dây tình cảm nơi chân để giữ con chim khỏi bay.

Tôi là giống cây rừng, là loài cỏ dại mang tên "mắc cỡ"
Lá nhỏ khiêm cung bao quanh nụ hoa tím nhạt dịu dàng.
Nhưng hễ bước chân ai đến gần: lá khép kín lại vội vàng.

Tôi là giống thạch quỳ sống đơn côi giữa đại dương hoang vắng
Vươn những cánh tay mềm mại khi biển êm sóng lặng.
Nhưng chợt nước xao: vội vã thu về hết mọi giác tu
Lặng lẽ. Quạnh hiu. Cách biệt. Thâm u
Hãy nhẹ nhàng: Hoa chỉ nở một lần thôi


Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” Images?q=tbn:ANd9GcQfpQukutyyzM4XE_6SQkrZzVogNF5ZltP7zBwstFN4WS_kOdbs

Phù thế

Người đứng thẫn thờ, buồn hay vui đây?
Thương kẻ khuất mặt? Ai thương dùm mi?
Ảo hóa. Ảo hóa. Thân phù du nhỏ
Vinh nhục sướng khổ nặng đôi vai gầy.

So với quá khứ, mi là hiện tại
Hiện tại cụ thể, huy hoàng; vĩ đại
Nhưng luật Vô thường đang hủy thân mi
Một nắm xương trắng, danh vọng còn gì?

Trung liệt, gian thần... nấm mồ trăng dãi
Hoa rừng nở thắm. Chập chùng núi đồi
Tạo hóa vô tình, kiếp người đày ải
Mới nắng mai đó, hoàng hôn xuống rồi.

Hỡi thân phận, giấc mơ trăm năm
Bãi bể nương dâu, rút ruột tơ tằm
Sao không ngàn năm, vạn năm, vĩnh viễn
không gian bất tận, thời gian vô cùng?

(Tập thơ Thời Gian Mây Bay)

.
Về Đầu Trang Go down
tranvu
Khách viếng thăm




Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” Empty
Bài gửiTiêu đề: Lời Sám Hối của Cha - Võ Hồng   Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” Icon_minitimeWed May 08, 2013 10:54 am

Võ Hồng, "gà trống nuôi con" thật vất vả về mọi mặt...



Lời Sám Hối của Cha - Võ Hồng



Ðã đến lúc cha viết những lời sám hối chân thành gởi đến con. Chắc con rất ngạc nhiên. Con dang xót xa vì cha cô đơn, ân hận vì không được gần cha đề săn sóc tuổi già, cũng có thể tưởng tượng cha đang nhẹ nhàng trách con... Vậy mà làm sao nghe có sự ngược đời. Con hãy nghe cha nói.

Là con gái lớn của một gia đình mất mẹ, con đã chịu bao nỗi thiệt thòi. Mẹ mất khi con mới lên chín và gia đình chỉ gồm một người cha và ba đứa con dại. Ðâu có còn ai để trông cậy nhờ vả? Thường thì một người nghèo khó nhất cũng có ông hay bà, chú bác hay cô dì cậu mợ, không họ gần thì họ xa, ở kề cận láng giềng. Ðằng này gia đình ta vừa định cư ở thành phố mới được một năm, chỗ láng giềng qua lại không hơn ba nhà lân cận.

Cha đi dạy học ở trường tư, lương tính trả theo giờ, nghỉ dạy giờ nào miễn trả giờ ấy. Ðã vậy mà chỗ dạy đâu có gì bảo đảm. Ai cũng có thể thay thế cha được bất cứ lúc nào. Nhà trường là một cơ sở của hội Phật giáo mà má con và phía ngoại con lại là người Thiên Chúa giáo. Rồi thằng em của con, mãi lên tám mới được chính thức đi học và phải cho học ở một trường tư thục gần nhà. Lại nhằm một trường của Thiên Chúa giáo. Cha biết có bao nhiêu khó khăn rồi rắm cứ tuần tự dệt thành tấm lưới bủa vây cha. Cứ mỗi cuối năm học là chuẩn bị nhận một bức thư "cám ơn" của Ban quản trị nhà trường. Cứ đầu năm học là hồi hộp đợi coi niên khóa này mình được phân phối cho dạy bao nhiêu giờ một tuần. Có những lần phiền muộn, cha lặng lẽ ra ngồi ở cuối sân, lần nhổ những bụi cỏ dại. Cho quên đi, cho lắng xuống, cho tan loãng... Cha tránh không dám gặp các con ngay lúc đó, sợ đang cơn bực bội phiền muộn, nếu lỡ gặp điều trái ý mà không giữ được bình tĩnh.

Vậy mà cái "lỡ" đã xảy ra. Hôm đó cha vừa về, vừa bỏ mũ, vừa tháo nịt thì con chạy lên mét cha nghe cái gì đó. Ðang uất ức vì việc ở trường, con lại gây thêm điều rắc rối nên sẵn cái nịt trên tay cha vụt con một cái. Cha vội vàng dừng lại. Nhìn con mở to mắt, mặt nhăn đau đớn... con ơi, hình ảnh đó cứ theo mãi cha, ám ảnh cha suốt hơn ba mươi năm nay.

Có thể con đã quên, chắc chắn là con không giận, nhưng mà cha thì cha cứ nhớ. Con có lỗi, bắt nằm xuống năm roi ba roi, cách phạt đó ngó vậy mà vẫn thanh nhã vì đánh có kèm theo lời dạy, có nảy sinh lời hứa. Cái roi bẻ từ một cành cây còn dính đôi lá xanh non vẫn được nhìn như một người bạn chơi của đứa nhỏ phạm lỗi. Chớ cái nịt! -Nó được chế tạo ra hàng loạt để cột, đề siết, để bó.. Nó lạnh lùng, nó vô tri, nó mang dáng vẻ một dụng cụ giảo hình.

Sao cha nỡ có hành động tàn bạo như vậy với con? Mới lên chín, con đã nhận trách nhiệm lo lắng cho gia đình. Con tính tiền chợ, con trả tiền điện, con đưa tiền rác, con ngó chừng em, nhắc chị Hai tắm em, tự tay bôi thuốc vào mụt lở của em. Rồi cái nhìn đi xa hơn một chút: dọn dẹp cái này cho gọn gàng, xếp đặt cái kia cho tươm tất.

Con đâu có hưởng nhiều êm đềm tuổi thơ với cha? Lúc nhỏ thì con lúc thúc bên gối ông bà. Có lẽ đó là những ngày ngọt ngào nhất của con bởi ông bà thương vồ vập, đòi cái gì cũng có, muốn cái gì cũng cho. Sáu tuổi theo cha mẹ về Ðà Lạt con phải một mình coi chừng em giúp mẹ. Rồi mẹ con bệnh, gia đình bị xé nát, con lại theo ông bà về quê, cha đưa mẹ xuống Sài Gòn chữa bệnh. Ba năm sau mẹ con mất, con biến thành người quản lý của gia đình.

Chín, mười tuổi là cái tuổi nhớ trước quên sau, cái tuổi miệng hay ăn vặt và hát nghêu ngao, là dàn bày đồ chơi ra rồi bỏ vãi đó không dẹp, là tuổi đi chơi phố có mẹ cầm tay. Con thì không. Con phải đứng vững như một thân cây che hai cây nhỏ đứng kề. Không có mẹ nhẹ nhàng vuốt ve và nói lời dịu ngọt, không có kinh nghiệm về cái không khí yêu thương, con phải tự tìm lấy. Ði chợ qua hàng trứng vịt lộn, thấy có cái trứng quá già bị nứt phát ra tiếng kêu chíp chíp từ bên trong, con nài nỉ mua về gỡ con vịt bé xíu ra nuôi. Ngày hè năm đó cha có việc phải đi Quảng Ngãi nửa tháng, nhà vắng cha, con ghé chợ mua về một con heo nhỏ để nuôi cho vui nhà. Săn sóc chơi đùa với heo để quên niềm cô quạnh.

Sao nỡ giận con, trách con mà tàn bạo với con? Ðâu có dễ để xử sự minh bạch, giải quyết rạch ròi ở đời? Thì ngay chính cha: chị Hai cầm cũng số tiền đó đi chợ mà có bữa ăn được, có bữa chẳng ra chi, nhưng cha biết nói sao? Con thúc cha nói nhưng cha cứ ngại ngùng. Sợ lỡ chị giận, chị bỏ đi nơi khác. Từ khi mẹ con mất, cha thêm rụt rè cam phận. Ðã có quá nhiều âu lo và bổn phận dành cho cha rồi mà. Thằng em của con mới vừa bị sốt. Cha vẫn phải đi dạy cho hết buổi rồi đạp xe hấp tấp về nhà, kêu xích lô chở nó đi bác sĩ. Ðầu năm, con Út bị chó nhà bạn cắn nơi đùi. Vậy là cha suốt đêm nằm lo lắng, mãi đến khi trở mình mới hay nước mắt đã chảy đầm đìa.

Cha có cảm tưởng là chưa bao giờ con nhận được một sự dịu dàng nào từ cha. Một người đàn ông nghiêm trang thật khó biết nên dịu dàng như thế nào. Không thể pha chế giọng nói, "biên tập" câu nói, hoa hòe điều nói. Cha chân tình thường chỉ lo nghĩ đến bổn phận nên nhiều khi quên mất sự dịu dàng. Thương yêu tha thiết trong lòng nhưng khó tìm cách nào để biểu hiện cho tinh tế, tránh xa công thức. Thành ra cha con ta sống âm thầm, cha gắng lo sao cho các con không thiếu thốn về vật chất, được đầy đủ về học vấn. Nhưng còn về tình cảm thì, mất đi người mẹ là tối sầm hết một nửa bầu trời. Cha cố gắng giữ cho nửa còn lại được sáng bằng cách ở vậy nuôi con. Nếu tục huyền, sợ chỉ còn một phần tư còn sáng. Nhưng giữ cho được một nửa cũng không dễ, bởi bao nhiêu thiếu sót, bao nhiêu khuyết điểm phần cha! Chỉ cần một nét mặt trầm ngâm, một cái nhíu mày u uất là đủ làm tắt đi nụ cười nơi mắt các con. Chỉ lỡ dùng một tiếng la rầy hơi nặng là tiếng đó cứ đè nặng dài ngày trên tâm hồn các con.

Bức thư ân hận của nhà văn Livingstone Larnod đã làm xúc động những người cha. Người cha trong truyện đã rầy con vì cách con lau mặt, mắng con vì giày không đánh bóng, la con vì trong bữa ăn sáng đã làm đổ sữa, ngồi tì tay lên bàn, nhai không kỹ càng. Khi con chào đi học, lại rầy "đi thẳng lưng". Trên đường ở trường về con lại bị rầy vì chơi bi dọc đường để làm rách bít tất. Buổi tối con bước vào phòng, giọng cha còn bất bình hỏi "cái gì?", và bất ngờ con chạy lại ôm chặt cổ cha, đầy tình thương yêu rồi bỏ chạy lên gác. Người cha bất giác thấy cái tâm đại lượng của con, thấy cái hẹp hòi của mình, -con còn con nít mà cha bắt làm người lớn- , cha ngồi bên giường nhìn con ngủ mà lòng đầy ân hận.

Con ơi, những cái lỗi dồn dập trong một ngày của người cha Larnod vẫn quá nhẹ so với chỉ mợt cái vụt dây nịt của cha. Và nhã nhặn quá, đẹp quá, cái hôn của đứa nhỏ so với cái nhăn mặt đau đớn của con. Cuộc sống của họ sung túc nên dẫu khuyết điểm mà chúng vẫn thuộc loại sang, chúng như được son phấn điểm trang, như được bọc trong nhung lụa: giày đánh bóng, ngồi bàn ăn làm đổ sữa. Như nàng công chúa đầm đìa nước mắt khóc vì một cành hoa héo. Phần cha con ta thì niềm đau lớn hơn, bởi cuộc sống thưòng ngày của một đứa nhỏ chín tuổi mồ côi mẹ đã phải mang chằng chịt những vết roi vô hình.

Mẹ con chết, cha ở vậy nuôi con, người ta khen cha và mừng cho các con. Thì cũng có đúng, nhưng mấy ai tìm hiểu sâu để thấy cho bao nhiêu cái khó khăn. Dẫu không làm ra đồng tiền đi nữa, không đẹp như á hậu, không giỏi như bà Curie, dẫu ốm đau không giúp ích được gì cho chồng cho con nhưng sự có mặt của mẹ tựa viên đường làm cho chén nước mắm thêm ngon, như ngọn gió làm cho căn phòng thêm mát. Những đêm mưa sụt sùi, những đêm gió ào ào, mưa từng trận vã rào rào trên lá cây ngoài hiên, tiếng gió rít qua khe cửa, ba đứa con chắc thèm mong có được mẹ ngồi giữa, ba đứa bu quanh, hơi ấm từ mẹ tỏa ra, bàn tay mẹ vuốt ve, tiếng nói mẹ êm nhẹ... Tất cả những cảnh đó, mỗi đứa con có thể đang nằm trong chăn mà tưởng tượng. Hai đứa lớn dễ tưởng tượng hơn vì có thời gian sống cạnh mẹ, tội cho con Út, chỉ biết mặt mẹ qua tấm hình. Thiếu thốn nhiều lắm. Mùa hè ngọt ngào với đủ thứ trái cây chín bày đầy chợ: xoài, thơm, cam, mít, vú sữa... Nhưng ai nhớ cho, ai lưu ý mua giùm cho các con ăn? Cha thì chỉ lo được cái bao quát, làm được cái đại khái. Ðặt vào thưc tế, nhiều khi thật thà lúng túng như con rùa bị lật ngửa. Ai lại đi tin lời bà bán hàng, như mua pyjama con trai đem về cho con gái bận. Hoặc vô tâm tới mức đi chợ Tết, cứ tuột quần thằng con lên bảy, mặc thử cái quần mới để trả mua.

Nhưng rồi năm tháng lặng lẽ trôi, các con lớn lên và cha già đi. Kỷ niệm gần nhất là kỳ cha bị bệnh, con chạy lo hết mọi mặt để đưa cha vào bệnh viện. Cha được thong thả không ngờ, chỉ cần làm theo lời con, đưa tay lên, hả miệng ra, co chân lại, đứng thẳng dậy, bước chầm chậm. Khỏi lo, khỏi nghĩ, khỏi cân nhắc tính toán, khỏi trù liệu trước sau. Trời ơi, sao mà dễ chịu vậy! Khỏi phải tìm đến Niết Bàn, Thiên Ðường, cứ được thế này là đã hạnh phúc quá rồi. Con đang đóng vai người mẹ và cha trở thành đứa nhỏ lên bốn lên năm.

Sau một tháng lành bệnh trở về, cha nhìn những đứa nhỏ gặp trên đường với con mát khác. Dẫu nó ốm o ghẻ lở, mẹ nó vừa ẵm vừa phát vô đít, dẫu nó đi lững chững cha nó vừa dắt vừa la, dẫu nó nằm ngo ngoe trong nôi vừa khóc ằng ặc... thì cha cũng cứ tưởng tượng vài chục năm sau đứa nhỏ đó sẽ lớn khôn, sẽ dìu trở lại người cha hôm nay, sẽ bế trở lại người mẹ hôm nay đi bệnh viện; lo lắng bữa cơm, chạy mua hộp thuốc. Chắc không đứa con nào giận cái phát vào đít, cái trót ngang lưng.

Gần đây, một cô hàng xóm có tổ chức mừng sinh nhật, bùi ngùi nhờ lại mới ngày nào. Cô nói: "Mới ngày nào... hồi em lên 12 tuổi... má em tắm cho em... Da em không được trắng, "bả" cứ tưởng còn đất, "bả" cứ kỳ hoài..." Mười hai tuổi mà còn được mẹ tắm? Lòng cha xúc động cơ hồ nước mắt muốn rơi. Vì cha nghĩ đến con, đến đứa nhỏ mới lên chín đã phải quằn vai trách nhiệm. Và đã nhận sự bất công tàn bạo của người cha, dẫu chỉ một lần.

Này con, mỗi cơn mưa, nước cuốn đi chỉ bò sót lại một viên sỏi, nhưng sau ba mươi năm đủ thành một đống sỏi lớn rồi.

Hãy thứ lỗi cho người cha cô đơn tự xét thấy mình đầy khuyết điểm.


Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” 1956_5105282

Võ Hồng - vợ và các con Hằng, Hào, Thủy
(Ảnh chụp năm 1956)
Về Đầu Trang Go down
thanhdo
Khách viếng thăm




Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi”   Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” Icon_minitimeThu Oct 01, 2015 8:05 pm

Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” AW1OATpZqNVp3uN7Njvx_g.1259265950

Võ Hồng

Võ Hồng sinh ngày 5/5/1921 tại làng Ngân Sơn, xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Lúc nhỏ ông theo học ở trường làng Ngân Sơn, trường phủ Tuy An, trường huyện Sông Cầu, rồi ra học trường Trung học Quy Nhơn. Năm 1940 học ban tú tài ở Hà Nội. Dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim ông làm bí thư toà Tổng Ðốc bốn tỉnh miền Nam Trung Bộ đóng tại Ðà Lạt. Trong thời kháng chiến ông cùng vợ là bà Marie Phan Diệu Báu dạy học ở trường trung học Lương Văn Chánh thuộc tỉnh Phú Yên. Về sau ông làm hiệu trưởng trường này.

Năm 1953 ông bị bệnh xin nghỉ dài hạn, đến năm 1954 đưa gia đình về sống ở Ðà Lạt. Từ năm 1956 ông về sống ở Nha Trang, dạy học ở các trường tư thục. Năm 1957 vợ ông qua đời, ba người con sau khi trưởng thành cũng đi lập nghiệp nhiều nơi. Võ Hồng sống một mình, tiếp tục dạy học cho đến khi nghỉ hưu năm 1982. Võ Hồng cầm bút từ rất sớm, truyện ngắn đầu tay Mùa gặt được đăng trên báo Tiểu Thuyết thứ Bảy, Hà Nội năm 1939 với bút hiệu Ngân Sơn, khi ông còn là học sinh đệ tam niên. Đến năm 1959 ông chính thức gia nhập làng văn với tác phẩm Hoài cố nhân.

Sau sự kiện 1975 Võ Hồng đã giới hạn sinh hoạt văn nghệ của mình nơi địa phương Khánh Hoà, giới hạn ngòi bút trong đề tài giáo dục và tuổi thơ, giữ cuộc sống trầm lặng ẩn dật. Các sáng tác của ông trong thời gian này sử dụng hai bút hiệu Võ An Thạch và Võ Tri Thuỷ. Võ Hồng qua đời vào lúc 14h ngày 31/3/2013 tại Nha Trang.

Tác phẩm đã xuất bản:
- Hoài cố nhân (NXB Ban Mai, 1959)
- Lá vẫn xanh (NXB Thời Mới, 1962)
- Vết hằn năm tháng (NXB Lá Bối, 1965)
- Con suối mùa xuân (NXB Lá Bối, 1966)
- Khoảng mát (NXB An Tiêm, 1966)
- Bên kia đường (NXB Mặt Trời, 1968)
- Thiên đường ở trên cao (1968)

Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” Vo-Hong1997Anh-DHN-300x200


Những tối thứ ba


Tối thứ ba này em đến thăm anh
Trăng giãi gót chân, gió hát trên cành
Áo trắng đơn sơ. Cầm tay muốn nói:
"Trời hôm nay vì em mà thêm xanh." 


Muốn nói thật nhiều nhưng không thể nói
Chỉ lặng nhìn em, mắt đen vời vợi
Em ngồi kia nhưng lát nữa còn đâu?
Còn lại cùng anh chỉ có đêm thâu 


Tuy vậy niềm vui em vừa mang tới
Giúp anh vui cho mãi đến cuối tuần
Những tối thứ ba lòng anh sống lại
Vì bên em đời mới có xuân

Võ Hồng

***

Cánh hoa đầu tiên

Năm năm về sau, mười năm sau
Khi đôi mái tóc sắp phai màu
Có bao giờ nhớ, em thầm nhắc:
- Anh ấy bây giờ biết ở đâu?

Dăm lá thư mang về nét chữ
Xa hơn những kẻ rất xa vời
"Ngày xưa..." nhưng nghẹn thôi không nói
Mơ lại làm chi, chuyện đã rồi

Ừ nhỉ ngày xưa yêu biết bao
Tình trong như nắng buổi mai nào
Mẹ nhìn đôi lứa, thầm mong ước
- Cho chúng yêu nhau đến bạc đầu

Nhưng ôi! Chinh chiến tràn muôn nẻo
Anh lạc chân mây, em cuối trời
Chờ đợi, nhưng đâu chờ mãi được
Xe hoa... Em phải lấy chồng thôi

Ước xưa đã lỡ, mộng xưa tan
Một chút mong thôi cũng bẽ bàng
Mười mấy năm rồi tin tức bặt
Âm thầm không một cánh thư sang

1943
Nguồn: Thời gian mây bay (thơ)
Võ Hồng, NXB Đồng Nai, 1996

***

Giã từ Hà Nội

Hà Nội hỡi, bao giờ ta trở lại
Một ra đi không biết thuở nào về
Mà về chi? Nếu không còn mãi mãi
Yêu nhau thì trở lại để mà chi?

Đời đẹp tươi lòng trai hăm mốt tuổi
Mê học hành, say đắm bóng giai nhân
Ngược xuôi ba mươi sáu phố xa gần
Thân mến quá, ân tình lên độ cuối

Nhưng hôm nay bỗng giã từ Hà Nội
Nặng u hoài, đau đớn vướng bên tim
Vừa quyết tâm không bao giờ trở lại
Nơi tàn rồi cả một giấc mơ êm

Hỡi ngõ Tràng An nghìn năm yêu dấu
Đổi thay gì trong năm tháng dần qua?
Ai hãy còn, ai đã bỏ đi xa?
Ta nhớ lắm nhưng đường về nghẹn lối

1955
Nguồn: Thời gian mây bay,
Võ Hồng, NXB Đồng Nai, 1996.


Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” Images?q=tbn:ANd9GcSl8HUG8RSAoZazTre3DMhKDRy99v3bY_U5jR9988Tarr2ck73Q
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content





Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi”   Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi” Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
Võ Hồng, và nỗi “cô đơn uy nghi”
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Phạm Trần Anh nhận quốc nghị vinh danh từ thượng nghị sĩ Lou Correa
» TỪ BI VỚI CHÍNH MÌNH
» Lễ hội, tín ngưỡng và chuyện bát nháo thời sản mạt
» NEVER LOSE THE LIGHT
» Bạn có nghĩ Trái đất là "cái rốn" vũ trụ?

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon  :: ĐỀ TÀI :: Văn Hóa, Nghệ Thuật :: Thơ-
Chuyển đến