Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon

Diễn Đàn của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Keywords
chất ngắn quốc Nguyen Nhung chuyen nguyet thuoc linh nhac bich Chung quang Saigon ngam quan chẳng truyện Trung phải không hoang sáng VNCH trong quynh
Latest topics
» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:38 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» qua đi thôi bão nổi
Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Icon_minitimeSat Mar 11, 2023 3:11 am by Admin

» Cụ Hoang Xuân Hãn
Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Icon_minitimeSun May 08, 2022 10:37 pm by Admin

» Giáo dục VNCH - Giáo dục con đường khai phóng
Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Icon_minitimeMon Jan 10, 2022 4:06 am by Admin

» Suy tư về kiếp người - Về Cùng Cát Bụi
Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Icon_minitimeSun Jan 09, 2022 4:25 am by Admin

» AI ĐÃ HẠ GỤC CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN?
Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Icon_minitimeSat Jan 08, 2022 2:41 am by Admin

» NHẠC THIỀN - Cõi Thiền trong Âm Nhạc
Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Icon_minitimeThu Jan 06, 2022 4:11 am by Admin

April 2024
MonTueWedThuFriSatSun
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930     
CalendarCalendar
Affiliates
free forum

Affiliates
free forum


 

 Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm

Go down 
Tác giảThông điệp
CDVinh
Khách viếng thăm




Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Empty
Bài gửiTiêu đề: Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm   Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Icon_minitimeFri Apr 12, 2013 4:36 pm


Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm


Bố tôi là Cụ già đang sống trên tuổi trăm năm.
Cụ bình an ở cõi trần 103 năm tính đến năm nay Quý Tỵ 2013. Con số tuổi thọ của Cụ tiếp tục cao giống như lời chúc mọi người thường tặng nhau mỗi khi Tết đến, xuân về. Bố tôi vẫn ăn được, ngủ được nên gọi Cụ là “Tiên giáng trần” theo như câu vè lưu truyền trong dân gian: “Ăn được ngủ được là tiên, không ăn không ngủ mất tiền thêm lo...” nhưng thực tế, Cụ vẫn là “người” nên chẳng thể nào tránh khỏi cái chân lý sinh lão bệnh... của kiếp ba sinh. Một người già sống đến trăm tuổi nếu còn khỏe mạnh thì cũng chẳng khác cỗ xe cũ là mấy! Động cơ hao mòn, lúc chạy lúc ngừng tùy theo thời tiết nắng mưa... Bố tôi cũng đang bước qua chiếc cầu khổ đau của bệnh tật và thường hay than thân trách phận: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!”

Sống trăm tuổi chắc chắn bệnh tật phải xếp hàng chờ đợi, không nặng thì nhẹ... Có điều là ở đời, nếu ai may mắn ít bệnh nan y lại hay tạo ra cảnh: “Nhà giầu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột”. Bố tôi chẳng phải ngoại lệ! Mỗi khi trời buồn đổ mưa, cho dù thuốc men đầy đủ, con cái cũng vẫn nghe tiếng Cụ rên rả rích như tiếng mưa rơi lộp bộp trên mái nhà! Cụ không biết tự chế để an hưởng phúc lợi mà trời ban riêng cho mình ở tuổi “bách niên” có lẽ vì ít thấy cảnh khổ của kẻ khác nên hay bực dọc với bất cứ bất an nhỏ bé nào đến với mình.

Quan sát tuổi già của Bố, tôi nghiệm thấy một sự thật đơn giản là con người ngoài số mệnh sẵn có, sống thọ và ít đau yếu còn nhờ vào sức mạnh miễn nhiễm của cơ thể. Qua bao chu kỳ bốn mùa, hết xuân lại vào thu với dị ứng, cảm cúm rình rập, Bố tôi chẳng lần nào chích ngừa mà vẫn khỏe, vi khuẩn vô tình xâm nhập tấm thân già ấy cũng phải tàn lụi vì hợp chất kháng thể. Mùa đông vừa qua, bệnh cúm hoành hành khắp các tiểu bang... Tôi đến thăm vào một buổi trưa, bàng hoàng thấy Cụ lâm trọng bệnh. Cụ ngồi ở “sofa”, cặp mắt cá ươn lạc mất hồn, mê man nên không than thân như thường lệ! Ói mửa trên người, nước mũi chẩy xuống áo quần, hơi thở ngẹt vì đờm trong cổ làm cả nhà sợ hãi. Anh cả lên tiếng phiền hà em lơ đãng quên chích ngừa cho Bố, em trách anh biết lo xa, thế mà lơ là chẳng giúp? Bác sĩ khám bệnh và kê thuốc ho qua loa, ngạc nhiên chỉ một tuần sau, Cụ bình phục rồi những lúc sảng khoái lại líu lo như chim xuân đang về.

Rượu mạnh Cognac, Whisky... hết còn thích hợp với sức khỏe của Cụ nhưng thỉnh thoảng ăn miếng thịt bò cơm Tây hay “seafood” cơm Tầu thì vẫn nhâm nhi một ly vang đỏ. Bạn bè Cụ đa số đã ra người thiên cổ chỉ còn vài ông bạn già tuổi kém gần thập niên hay một con giáp. Ở tiệm ăn, có người nhận ra Cụ, vui mừng đến chào hỏi nhưng bẽ bàng vì Cụ dửng dưng không còn nhớ kỷ niệm nào với họ...

Tiên sinh Tú Xương một thời đã than: “Một trà, một rượu, một đàn bà. Ba cái lăng nhăng nó quấy ta! Bỏ được thứ nào hay thứ đó...” Bố tôi thì chẳng muốn bỏ thứ nào cả nhưng hoàn cảnh ở Mỹ bây giờ hấp dẫn chỉ còn mỗi mục “trà” nên đành phải lấy cà phê, thuốc lá làm thú giải khuây. Ngồi buồn một mình, Cụ đốt liên tu bất tận, một ngày một bao thuốc như chơi và phân trần khói thuốc hút vào lại thổi ra như còi tầu, có nuốt vào phổi đâu mà sợ độc hại? Nếu tôi cắt nghĩa về ảnh hưởng của khói thuốc đối với con cháu trong nhà thì Cụ nghĩ tôi gây chuyện làm khó rồi lẳng lặng vào phòng đóng cửa hút, khói bay mù mịt. Cụ uống cà phê đen có đường thay nước! Mỗi ngày hai ba lần, tôi pha từng đợt để giữ mùi thơm và độ nóng rồi mang ra “patio” chỗ Cụ ngồi cùng với vài điếu thuốc lá. Hút xong là hết cho ngày hôm đó, mục đích hạn chế liều lượng và kiểm soát Cụ thì mới yên ổn sống chung được...

Bữa ăn ngon lành nhất của Cụ là “phở gà phao câu” hay “hủ tiú sa tế”. Ăn “steak” thì có Norm’s Restaurant trên đại lộ Beach nhưng phải chờ thứ sáu đặc biệt có món súp “clam chowder” mà Cụ thích! Nói chung, Cụ chỉ chuộng những món thuộc loại “kinh dị” chẳng hạn sa tế có nước dừa kẻ thù của cao mỡ, “clam chowder” có “cream” mà người Mỹ thường phải bỏ bớt % “fat” và cuối cùng là cái của quý “nhất phao câu nhì đầu cánh” vì cục mỡ vàng ở đuôi con gà... Hôm nay Cụ đã ăn món này thì mai ăn món kia. Đi không vững, phải dìu từng bước nhưng tính thích đi chơi nên nếu biết sẽ được đến những nơi ấy thì bỗng nhiên Cụ trở thành “em bé” dễ bảo. Do đó tôi thường dùng “chiêu” này để “dụ” Cụ đi tắm, thay tã và quần áo vào buổi sáng đến chăm sóc.

“Cơm hàng, cháo chợ” ăn quen đến nỗi, vừa đến cửa tiệm phở Quang Trung hay hủ tiếu Triều Châu là đã nghe mấy cô cậu làm việc ở đấy kháo nhau ầm ĩ khi hai cha con tôi khập khiễng bước vào: “Bố đến! Phao câu bánh tươi hành trần...” Những người trẻ ấy, lứa tuổi cháu chắt của Cụ nhưng sống bên Mỹ lâu năm, ít nhiều đã quên phép tắc thưa gởi đúng đắn nên chúng tôi chỉ biết cười xòa miễn sao vui cửa vui nhà và nếu vui cả bà con cửa tiệm thì... càng vui hơn.

Hôm nào ngon miệng, Cụ có thể ăn hết tô phở nhỏ, tay cầm từng miếng phao câu da vàng mỡ, nhai chậm rãi rồi lọc ra cục xương nhỏ, cả thẩy là 7, 8 cái “đít” gà... có khi bùi béo quá, vô ý Bố rớt cả hàm răng giả ra ngoài! Tôi nhìn quanh, lo cho những người ngồi gần bàn mình, thấy cảnh ít thẩm mỹ này sợ họ ăn mất ngon nhưng chẳng ai để ý và phiền trách một cụ già. Biết Bố còn thích ăn tiệm nên buổi trưa nào gặp nhau, dù có vất vả tôi cũng coi như bổn phận, vui vẻ dắt Cụ cùng đi.

Tuổi già xương yếu, đi đứng khó khăn nên Cụ ngồi nhiều sinh ra chứng bệnh táo bón. Cằn nhằn mãi mà vẫn chưa tiêu, uống 2 viên thuốc nhuận tràng “Bisacodyl” không thấm, tự động Cụ lấy thêm 3 viên nữa... Kết quả là tiêu chẩy tung tóe từ phòng vệ sinh đến phòng ngủ và mấy chị em tôi phải giặt giũ, dọn dẹp nửa ngày chưa xong!

Mặc dù phải dắt Cụ từng bước vì lỡ té ngã thì khổ cả nhà nhưng mỗi khi thấy quý bà đến gần hỏi thăm là Cụ tự ý chống gậy đứng một mình, tay đút túi quần ra cái điều Cụ vẫn “ngon lành”, còn “gân”, độc lập, tự chủ không cần ai. Trò chuyện qua loa, các bà thường hay ban tiếng khen vô thưởng vô phạt, Bố tôi tức thì nhăn mặt đáp lễ với lời than thở: “Dạo này, yếu lắm không khỏe!”. Tuổi già đau nhức kinh niên, “ỉ ôi” mong đợi sự cảm thông chia sẻ của quý bà.  

Chuyện “lấy le” nhỏ như “con thỏ” ấy đôi khi thành to trên đường phố xứ người, gây ra nhiều hiểu lầm với dân Mỹ sẵn bản tính trọng đãi người già! Ở những chốn ăn chơi như Las Vegas, Big Bear... Cụ muốn chống gậy khập khiễng đi một mình một phố, “complet” “cravate” đầy đủ chỉ cần phong độ và dáng dấp “gầu” thuở xưa nữa là xong! Cứ “lê” một bước, Cụ lại đứng nhìn... Tôi cũng phải “lết” theo Cụ canh chừng. Mỗi lần thấy Cụ chậm chạp quá! Tội nghiệp tôi lại gần khoác tay, dắt Bố để cha con cùng đi bên nhau thủ thỉ cho ngày dài thêm ý nghĩa thì Cụ đuổi thẳng thừng: “Đi, đi! Cứ đi trước đi! Ông để mặc tôi...” nhưng đi trước là đi đâu? Thành ra hai cha con cứ đứng giữa đường, kẻ trước người sau ngơ ngác lo cho nhau như đang diễn tuồng! Khách bộ hành không quen cảnh tượng ấy, ái ngại nhìn hai người như muốn hỏi: “What’s going on?”. Cuối cùng, có ông Mỹ cả nể đến gần hỏi han thì Cụ “nể cả” với nụ cười “ngoại giao” ròn tan, lịch sự líu lo “sổ” tiếng “Phú lang xa” và lẽ dĩ nhiên, tiếng Mỹ tiếng Pháp loạn xạ, chẳng ai hiểu ai rồi ngượng ngùng “Oui Monsieur”, “Bye Bye” đường ai nấy đi! Lúc đó, tôi chỉ thấy chán nản vì bất lực... Bố con đi chơi chẳng vui mà như mắc nợ, hành tội nhau khổ sở. Tính tình như thế nên Cụ không bao giờ thích ngồi xe lăn, lần nào mang xe đi cũng lại vác về ngoại trừ những chuyến đi chơi xa, miễn cưỡng chẳng đặng đừng, Cụ mới chịu “lép vế” an tọa, chờ người đẩy.

“Bách niên” sống lão thì nhân sinh lại quay về điểm khởi đầu nên thân già co cụm trong tâm hồn trẻ thơ là chuyện thường tình. Trời cho Cụ bản chất lạc quan, sức khỏe đặc biệt hơn người cho nên cản trở lớn nhất của Bố tôi đối với gia đình là tính kiêu căng vẫn còn sót ở tuổi già đang quay lại thời “tuổi thơ” nên ít nghe theo ai và thường hay chống đối: giỏi nhất, kinh nghiệm nhất, đội đá vá trời... chỉ vì cái tự cao “chủ nghĩa” lẩm cẩm. Bề ngoài giao tế tỏ vẻ “trịch thượng” nhưng nếu tự vấn lòng, khó ai biết sự thật Cụ nghĩ gì?. Ai lỡ yêu thương, vồn vã chăm sóc thì Cụ làm cao, “ăn hiếp” đến “tắt thở” rồi cuối cùng phải dùng đến “đòn phép” mới được yên thân và ngược lại, đứa con nào thờ ơ, không để ý đến Cụ cũng phải nghe phiền trách mỗi khi giáp mặt.

Bên cạnh Bố, tôi thường nghe Cụ than: “Lạ nhỉ! Suốt đời, tôi có ăn ở tệ bạc với ai đâu mà chúng nó đối xử như người dưng nước lã...” nhưng thực tế, từng ấy người con mỗi đứa một tính giống như bàn tay có ngón dài ngón ngắn. Cụ nghĩ đến “ngón ngắn” vì “thiếu thốn” nên ưu tiên lưu ý đứa “ghét” Cụ hoặc chẳng may bị Cụ ghét, còn đứa thương ví như “ngón dài” đã “đầy đủ” thì Cụ thờ ơ, ít để tâm suy nghĩ. Nói cho cùng, nếu ai lỡ “ghét” cũng do tính tình khó khăn của Cụ vì mỗi lúc không đúng ý là Cụ la mắng và giận hờn nên đa số chán nản, tránh xa phiền muộn do Cụ gây nên để tìm sự bình yên cho riêng mình.

Bố tôi tuổi Thân đã qua hơn 8 lần con giáp! Theo tử vi, bản tính tự cao, tự đại một phần do cái số cầm tinh con khỉ (?). Xin lỗi người tuổi Thân... Tôi nêu ý nghĩ ấy bởi vì đôi lần muốn tìm lại một nơi chốn cũ, Cụ ngồi trên xe vẫn dõng dạc chỉ đường cho tôi nhưng đường nào thì cũng chỉ là bánh vẽ của một ký ức “mù mịt khói sương”...

- “Đi lối này gần! Ông đi lối kia vòng co tam quốc, mất thì giờ chẳng ăn thua mẹ gì, chán quá! Cứ theo tôi. Đấy đấy...” Nghe theo cái “GPS” “cảm tính” kém chính xác của Bố, lái xe quẹo Đông sang Tây, từ Nam lên Bắc loạn xạ cho nên lần nào xe cũng từ từ đi vào ngõ cụt... Đến khi bí quá thì lại nghe Cụ “phán”:
- “Quái lạ! Bây giờ nó sửa đường và xây cao ốc tối tân không còn nhận ra ất giáp gì nữa cả?”. Nhiều lúc tôi phát điên, trả lời Cụ:
- “Bố ơi! Nhà mình có phước hay vô phước hả Bố? Người ta nói: con hơn cha là nhà có phúc mà Bố cứ nhất định đòi giỏi hơn con thì gia đình mình đến thời mạt rệp... vô phúc à?”

Tuy nói thế, nhưng tôi hiểu mọi sự trên đời đều là hình ảnh một đồng tiền hai mặt, úp và ngửa, có trái thì có phải, cái “phải” nằm sẵn trong cái “trái”... Dù tuổi già ”ba hoa”, Cụ đã tạo chút không khí ngang ngạnh đáng tiếc nhưng xét kỹ... lại vui vì đó chính là giờ phút hạnh phúc mỗi lúc Bố con gặp nhau. Cụ khỏe mới đi chơi, thể lực mạnh mới xông xáo bầy tỏ đôi ba chuyện “hoang tưởng” vu vơ! So sánh còn thấy hạnh phúc hơn nhiều những lần khác, ốm đau Cụ nằm một chỗ, co rúm im lìm trên giường thì gia đình còn khổ và lo âu đến chừng nào!

Tính tình Bố tôi ở tuổi này thay đổi từng giờ, đang vui đã giận và chưa giận đã cười vì thế sống gần Cụ, nên hiểu tâm trạng ấy và đừng để “stress” họa vào thân. Đó là kinh nghiệm đáng ghi nhớ của tôi vì lúc đầu chưa biết rõ hoàn cảnh, tôi đã trải qua giai đoạn thật vất vả lao đao!
Dù sao, cảnh đời cô đơn của Bố cũng rất đáng thương! Mọi sinh hoạt như ngừng lại từ lúc các bạn cố tri lần lượt ra đi và Cụ tiếp tục sống trong tuổi già quên lãng. Ngày ngày, tuy có người trông coi nhưng thực tế Cụ vẫn thân một mình, ngồi tư vấn sự đời vẩn vơ... Chờ đợi mòn mỏi đứa con nào đoái thương thân già, thăm hỏi rồi dắt đi ăn uống là một ngày vui ngắn ngủi vì dưới mắt Cụ thời gian hội ngộ luôn qua nhanh. Giờ phút chia tay lần nào cũng nghẹn ngào! Tôi thường phải nói dối Cụ đi làm “ca” đêm để về với vợ con và lại nghe câu hỏi quen thuộc: “Mấy giờ về... để tôi đợi?”. Bố hẹn con tái ngộ ngày mai nhưng ngày mai nào ai biết sẽ đến hay không? Chẳng may có thể là lần cuối (?)! Hai Bố con lặng nhìn nhau lưu luyến như bóng chiều ngập ngừng sắp trôi vào giữa bóng đêm...

Ý thức ngày vĩnh biệt không tránh khỏi nên mấy năm gần đây, tôi đã thu gọn đời sống để tận hưởng niềm vui mong manh bên cạnh người Bố già. Tự nhủ lòng những ngày vui qua mau và giây phút cuối đang đến gần! Cố gắng sống trọn yêu thương với đạo lý hôm nay để lòng thản nhiên trước cảnh tử biệt sinh ly ngày mai... Nếu phải nghìn trùng xa cách từ đây, Bố con sẽ nhìn nhau “an phận” không tiếc nuối như ngày tiễn Mẹ ra đi.
Giống tôi lúc xưa còn bé, đi đâu bây giờ Bố cũng muốn theo vì cuộc đời Cụ cô đơn, lẻ loi và chẳng còn nhiều ý nghĩa! Kỷ niệm những mùa hè, Bố và tôi sống bên nhau trong ngôi nhà miền núi giữa đồi thông... Quên sao được con đường chiều dạo quanh bờ hồ Big Bear, chúng tôi dìu nhau đi giữa cảnh hoàng hôn, mặt hồ chiếu rọi tất cả bầu trời nắng quái vàng cam mang chung ý nghĩa về tính vô thường của một kiếp người: mới hôm nao Bố giúp con vào đời thế mà hôm nay, cả hai đã già cùng sống trong một thành phố xa lạ miền cao nguyên, ảm đạm chẳng khác gì cảnh chiều tắt nắng trên mặt hồ...

Những nơi chúng tôi đã đi qua, khách thập phương thường tỏ sự ngạc nhiên về Cụ. Người Mỹ, người Pháp, Nhật, Đại Hàn... đều ngừng lại thăm hỏi và ngưỡng mộ về lối sống của Bố tôi vì ít ai ở tuổi “bách niên” mà còn lom khom đi lại, ăn uống trên đường phố ở chốn phồn hoa đô hội. Ngày nào, nếu Quý vị thấy một cụ già chống gậy, lưng còng, nắm tay một người trẻ đi vào một nhà hàng trên đại lộ Bolsa thì nhiều phần chính là Bố tôi đó. “Sau này... sẽ nhớ mãi những giờ phút này!” Đó là lời bà Bùi Bích Hà, một nhà tư vấn tâm lý nổi tiếng của Việt Nam nói với tôi đã lâu.

Sống với Cụ thân sinh thọ trăm tuổi, tôi lĩnh hội được nhiều điều hay để biết ơn và sửa đổi. Sinh ra vào đầu thế kỷ 20 nên nhân sinh quan của Cụ nhiều phần khác với thời đại hôm nay chẳng hạn quan điểm về hôn nhân, dân chủ hay câu nói “nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản” đối với gia đình, xã hội... Đã là người thì “nhân vô thập toàn” sẵn mang những khuyết điểm, đáng quý là biết nhận ra mà tránh được. Cha con sinh ra cùng một dòng giống nên bản chất hay tính tình là cái di sản “đồng lần”... Sống bên cạnh Bố, tôi thường suy tư vai trò làm cha đối với các con tôi để tự sửa đổi chẳng hạn tính nóng giận, lạc quan vô cớ và cố quên cái “ta” chấp ngã... Tôi cảm ơn người di truyền sang gia đình tôi cái “gen” khỏe mạnh “vượt thời gian và không gian”, lòng trắc ẩn, tính vị tha mau quên, một tâm hồn nghệ sĩ nặng tình dân tộc và nhất là công ơn dưỡng dục sinh thành...

Suy ngẫm chân lý của người xưa: “Anh em kiến giả nhất phận” đến khi sống chung với các đấng sinh thành trời cho tuổi thọ, chúng ta còn nhận rõ một sự thật không mấy vẻ vang! Anh chị em một nhà khi khôn lớn, tình nghĩa tính toán đổi thay bất ngờ... Với cha mẹ già cần chăm sóc là một nhiệm vụ vừa thiêng liêng vừa khó khăn nên câu ca dao “Thức khuya mới biết đêm dài, ở lâu mới biết lòng người thực hư” đã giúp hiểu rõ tính nết của từng người: có anh ích kỷ, có chị lợi dụng, có em ỷ lại... hoặc người này tốt, kẻ kia xấu minh bạch như ban ngày. Những lời rao giảng cao đẹp chẳng hạn: đoàn kết, vị tha, công bằng bác ái... mãi mãi nằm yên trong sách vở. Con nào cũng yêu thương cha mẹ nhưng qua miệng lưỡi thường bầy tỏ hơn 7 lần nên khi hành động chỉ còn 3...

Thuở mới di cư sang Mỹ, cạnh nhà tôi có ông hàng xóm tuổi trung niên khi xưa là đại úy cảnh sát. Qua lại thân thiết nên chúng tôi mời ông sang dự bữa tiệc sinh nhật đứa con đầu lòng. Tình cờ gặp bố tôi, ông nhớ đến bố ông, mừng tủi như sắp khóc rồi đứng giữa nhà bếp, trước bàn ăn đông đủ mọi người, cảm động ông phát biểu:
- “Anh chị may mắn quá! Ráng mà hưởng phúc đức... Bố tôi nếu còn sống mà ngồi “i..” ngay giữa nhà này một bãi, tôi cũng vui sướng hốt chùi không la lối hay than phiền lời nào...”

- “Vâng... giữa sàn “nhà” tôi (!) và chỉ “một lần” thôi nên ông nói vậy!”. Nghĩ cho vui nhưng không nói ra vì tôi tin là ông đã trình bầy sự thật của lòng mình theo cảm hứng vào thời điểm đó. Tiếc thay, sự việc sẽ mất tính “cao thượng” khi thêm vào hai yếu tố: nhân bản và luận lý. Đây là trường hợp tiêu biểu “nói dễ làm khó” bởi vì nếu mỗi lúc, mỗi ngày rồi mỗi tháng bố ông “hành hạ” ông kiểu này thì ý kiến ấy sẽ không còn vững bền. Chẳng bao lâu, vài năm sau đó, tôi không biết buồn hay vui khi nghe tin ông hàng xóm đã sớm quy tiên và gặp lại bố ông ở cõi thiên đàng...
Mỗi tuần, tôi lãnh phân vụ trông coi Bố tôi 2 buổi từ sáng đến chiều nên dù hưu trí đã 2 năm nay, tôi cũng chưa dám phác họa một chuyến du lịch xa. Hôm nay, xin ghi lại mẩu đối thoại ngắn như kỷ niệm của Bố con tôi qua câu chuyện: “Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm”.

1.
- Chào Bố! Con mới “đi làm” về. Bây giờ 9 giờ rưỡi sáng, Cụ ngủ dậy hôm nay có khỏe không?
- Khỏe cái gì mà khỏe cơ chứ! Ông không biết à? Nó bảo tôi mặc quần áo để đi Sơn Tây, ra đây ngồi đợi mãi. Nó lừa... đi mất rồi!
- Bố ơi! Bố phải để chị ấy “đi làm” chứ! Bố cứ đòi theo thì họ phải nói dối... Nếu Bố muốn lúc nào cũng có bạn bên cạnh thì phải chấp nhận vào ở trong viện dưỡng lão thôi! Hôm nay có con ở với Bố nè...
- Thôi thôi... đừng nói nữa, cảm ơn ông! Tôi biết các ông bà tốt với tôi lắm rồi! Cá mè một lứa... cả đám.
2.
- Hôm nay, Bố muốn ăn gì nào?
- Ăn gì cũng được! Ăn cho no chứ béo bở, ngon lành gì mà cứ hỏi mãi...
- Ok! Vậy thì bánh mì Cali hay bánh cuốn Tân Hồng Mai nào.
- Bánh mì chỉ có ông ăn chứ tôi nhai sao được! Răng đâu mà nhai? Bánh cuốn tôi ăn rồi... khô lắm! Tôi phải có cái gì lỏng... mới dễ tiêu.
- Thế tại sao Bố bảo ăn ở đâu cũng được? Vậy thì “phở gà phao câu” được không?
- Đâu cũng được! Phở gà ăn ở cái tiệm cũ kia! Tôi quen ở đó... Chỗ mới bây giờ làm tồi lắm...
- Lần trước Bố vừa khen, thế mà... lại chê rồi! Không sao... Bố muốn đi đâu mình đi đó.
3.
- Thôi bây giờ mình đi tắm, thay quần áo rồi Bố con đi ăn phở nhớ...
- Tôi vừa tắm xong! Đây này, áo quần vừa thay... mới cả! Có gì mà phải thay mãi thế?
- Mới tắm mà sao “khai” thế này? Bố không tắm thì mình không đi...
- Ông chờ tôi nhớ! Đừng đi như “con” kia...
- Con ở đây tắm cho Bố mà... Làm sao Bố tắm một mình được?
- Ông cẩn thận cái áo này của tôi... nó có tiền! Vô ý là hết cả... Sơn Tây.
- Đây! Con treo trước mặt cho Bố thấy... Không ai vào lấy... Thấy chưa? Yên tâm nhé!
-Không ai lấy! Hừ... Mất hết cả rồi mà ông còn nói... không ai lấy! Mất trâu rồi mới lo làm chuồng... Chán quá!
4.
- Sao Bố ăn phở gà hôm nay có ngon và no không?
- Ngon? Ăn mà không ngon thì ăn làm gì? Hỏi vớ vẩn, hừ... No! Đã ăn tiệm thì phải no chứ... lại còn đói à?
- Bây giờ cà phê nhá!
- Cà phê chứ còn gì nữa... Ông ngừng mua bao thuốc lá cái đã. Hết rồi!
- Còn mà! Con vẫn còn nửa bao nhưng Bố chỉ hút hai điếu thôi nhé!
- “Uẩy”! Cho bao nhiêu thì hút bấy nhiêu. Miễn có hút là được.
- Bây giờ vào nhà con pha cà phê, ngồi ngoài “patio” uống cà phê hút thuốc. Ấy... Bố đi đâu vậy?
- Tôi ghi số xe để ngày mai khi cần tôi “gọi” cho ông chứ nếu không lại đói... chẳng có đứa nào chở đi ăn. Viết cho tôi số... May mà có ông thương thân già này nên còn giúp đỡ tôi.
- Bố lộn rồi! Số téléphone chứ không phải số xe. Vào nhà con ghi cho...
5.
- Sao Bố buồn vậy? Ngủ một giấc trưa đi... cho khỏe.
- Tôi thấy đời vô nghĩa, không muốn sống nữa! Phiền hết con cái... Hôm qua, xin nó hai viên thuốc, bảo uống rồi mai không dậy nữa... thế rồi chắc liều lượng nhẹ quá, chẳng ăn thua mẹ gì! Sáng nay vẫn chưa chết...
- Thế Bố còn muốn đi Sơn Tây không?
- Muốn lắm chứ! Chỉ có 2 tiếng ngồi xe lửa là đến nơi mà không đứa nào nó dắt đi. Con với cái... Khổ cái thân già này! Nó hứa nhăng hứa cuội nhưng tôi có cách... “Moa” bàn với “toa” chuyện quan trọng này nhớ! “Moa” cần 2 ngàn để đi về Sơn Tây. Đến nơi rồi “moa” sẽ trả lại.
- “Toa” trả “moa” bằng cách nào?
- Mấy bữa nay, “moa” nghĩ ra cách kiếm tiền rồi! “Moa” về Sơn Tây mở lớp dậy tiếng Pháp cho người ta học... Thế nào cũng có nhiều “sìn”.
- Bây giờ tiếng Anh chứ có ai nói tiếng Pháp nữa đâu Bố ơi là Bố!
- Thế thì tôi về Hà Nội... lại làm giây thép Bưu Điện vậy.
- Bố già lụ khụ... đi không vững! Ai còn muốn mướn Bố.
- Già? Hừ... Đói thì cũng phải cong đít mà làm chứ ai nuôi?
6.
- Nếu có ai về Sơn Tây với Bố thì con mới “cho” Bố “mượn” tiền! Bố sẽ không bao giờ đi xa một mình vào tuổi này nữa! Bố chẳng thấy lên xe đến tiệm phở thôi mà đã phải dìu dắt khó nhọc à? Ngoài ra, đi xe lửa không bao giờ đến cả! Bố phải đi máy bay, Bố quên rồi à?
- Sao lại không được! Xưa nay tôi vẫn một mình chứ hai mình bao giờ? Đi xe lửa mà lại... Hừ... Ai bảo ông thế! Người ta vẫn đi hàng ngày mà nói láo... Chỉ nói láo là giỏi! Hay là ông không muốn cho tôi mượn tiền nên ông nói nhăng nói quậy? Thôi... Tôi hiểu ông rồi! Thân già này chẳng còn nhờ cậy ai được. Con với cái... Đồ mất dậy!
- Ấy chết, sao Bố lại nói con thế! Chán thật...
- Ông chán tôi từ lâu rồi chứ có phải bây giờ đâu?
- Thôi con đi làm nhớ!
- Vâng! Ông đi... Mấy giờ về?
- Con không về nữa vì Bố chửi con rồi...
- Tôi chửi ông hồi nào? Ông chửi tôi thì có! Chỉ giỏi ăn hiếp người già!

Bố tôi nói thế rồi quên ngay và ngày mai câu chuyện lại tiếp tục với những cuộc đối thoại vui buồn không dứt! Có tính mau quên và chẳng coi ai là kẻ thù nên vì thế Cụ sống lâu chăng? Dù sự ăn uống chút phần khả quan nhưng tinh thần của Bố tôi cũng đã suy sụp nhiều so với năm ngoái! Chân đi không vững và đầu óc hoang tưởng, vui buồn bất thường... Như đã nói ở phần trên, người già không mắc phải bệnh này cũng mang chứng bệnh kia. Thuốc men chỉ đỡ mà không chữa lành.

Bố “đi” mãi và tôi cũng mong Cụ quên “về” với Mẹ tôi nhưng thực tâm, ai cũng biết rằng tất cả chuyện đời đều phân chia sẵn ranh giới nên mỗi khi ra ngoài giới hạn đã định, chúng ta đều có cái giá phải trả! Người xưa vẫn thường nói: “Bách tuế vị kỳ” mà...

Bố tôi và các con của Cụ đang chia sẻ hạnh phúc và khó nhọc, mỗi ngày một khổ hơn vì thế người nhiều kẻ ít tặng Cụ thời giờ và tình thương để mong Cụ hưởng những mùa xuân êm đềm còn lại trong đời.

Qua kinh nghiệm “Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm” vừa trình bầy, ý thức những khó khăn lúc cao tuổi nên tôi không ước nguyện sống trường thọ đến tuổi “bách niên” để phải trả giá dù nhẹ hay nặng bởi vì sự việc đó chắc chắn sẽ liên hệ đến các con và người thân của tôi sau này... khổ đau sẽ nhiều hơn hạnh phúc! Tuy nhiên, muốn là một chuyện, không ai tránh khỏi số mệnh đã an bài...

- Cuối cùng, liệu chúng ta còn nên chúc nhau câu “Bách niên giai lão” mỗi khi xuân về hay trong dịp lễ thành hôn nữa hay không?
- Sẽ có người đồng ý với tôi: “hỏi tức là đã trả lời!”


Cao Đắc Vinh ( 3 / 17 / 2013 )
Về Đầu Trang Go down
bthai
Khách viếng thăm




Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Empty
Bài gửiTiêu đề: Nỗi Đau Tuổi Già    Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Icon_minitimeFri Apr 12, 2013 4:46 pm

Nỗi Đau Tuổi Già
Huy Phương

Ở đây, chúng ta không bàn chuyện đau nhức, cao máu, tiểu đường...nữa, vì đã có quá nhiều vị bác sĩ quan tâm tới tuổi già trên đất Mỹ này. Những loại đau trên đã có thuốc và có chính phủ Mỹ trả tiền, nhưng có những thứ đau khác không có thuốc chữa và cũng không ai kê vai gánh vác giùm.

Báo OC Register thứ sáu tuần trước có đăng tin một ông già bị người ta đem bỏ trước cổng một ngôi chùa ở thành phố Westminster. Ông lặng lẽ ngồi trước hiên chùa suốt ngày. Cảnh sát đến mang ông vào bệnh viện tâm thần. Ông không có trong người bất cứ một thứ giấy tờ nào để biết được ông là ai, ở đâu. Ông không nói một lời nào, chỉ biết lặng lẽ, đôi khi cười một mình như một người mất trí. Ông là một người châu Á, Việt Nam cũng chưa chừng, như vậy ông không phải sinh ra ở đây, hay từ trên trời rơi xuống như cô bé Maika trong một tập phim Tiệp Khắc. Vậy là có người chở ông tới và bỏ ông lại đây, không ai ngoài con cái hay thân thích của ông. Lâu nay thỉnh thoảng người ta thấy có những thiếu phụ sinh con rồi đem con bỏ vào thùng rác, nhưng chưa thấy ai đem cha mẹ vứt bỏ ngoài đường. Ông già chỉ cười vu vơ, trí nhớ của ông đã suy kiệt, nếu không ông sẽ đau khổ biết chừng nào?

Trước đây người ta kể chuyện có người chở bà mẹ già bỏ ở cây xăng, tôi không tin, tưởng là chuyện đùa, nhưng bây giờ thực sự lại có người “ đem cha bỏ chùa ”.

Cũng lại câu chuyện của một người già. Tháng trước, trong một dịp đưa người thân đi Việt Nam, tại quầy vé China Airline ở phi trường Los Angeles tôi đã chứng kiến một cảnh khá đau lòng. Trong khi mọi người đang xếp hàng trình vé, cân hàng thì một bà cụ người Việt cứ loay hoay lúng túng trước quầy vé với các thứ giấy tờ vương vãi, bề bộn trên sàn nhà. Bà ngồi bệt xuống đất hết móc túi này đến túi nọ, vẻ mặt lo lắng. Một nhân viên an ninh phi trường thấy tôi cũng là người Á Đông, ngỏ ý muốn tôi lên giúp bà cụ. Nhân viên quầy vé cho biết bà có vé máy bay, một visa nhập cảnh Việt Nam nhưng không có passport hay thẻ xanh. Tôi giúp bà moi từ đống giấy tờ ra chỉ thấy một cái hộ chiếu của Việt Nam cấp cách đây mười mấy năm khi bà đến Mỹ đã hết hạn và một cái ID của bà do tiểu bang Florida cấp. Bà mới từ Florida đến phi trường Los mấy giờ trước đây một mình và trình giấy tờ để lên máy bay đi Việt Nam.

Cuối cùng, bà cũng lên được máy bay, nhưng bà sẽ không bao giờ có thể trở lại Florida nữa vì trong tay bà không có passport của Hoa Kỳ, không thẻ xanh, không “entry permit”. Đây là trường hợp một bà mẹ già, quê mùa bị con cái “mời khéo” về Việt Nam. Tội nghiệp cho bà đã ngồi trên máy bay năm sáu tiếng đồng hồ để đến phi trường LAX, sắp tiếp tục chặng đường về Việt Nam nhưng không biết là mình không thể trở lại Mỹ và lòng bất nhân của con cái. Hình ảnh bà già này cứ ám ảnh tôi mãi. Bà vụng về, quê mùa, có lẽ cũng chẳng giúp ích được gì cho con cái mà chỉ thêm gánh nặng. Thôi để cho bà đi, khi biết mình không trở lại Mỹ được thì chuyện đã rồi. Tuổi bà có nằm lại trên quê hương cũng phải, sống chẳng giúp ích gì được cho ai, chết ở đây bao nhiêu thứ tốn kém.

Hai vợ chồng sang Mỹ từ hai mươi năm nay, đi làm nuôi con, mua được căn nhà đã pay off. Khi các con đã có gia đình ra riêng thì ít năm sau ông cụ cũng qua đời. Thấy mẹ hiu quạnh trong một căn nhà khá 1ớn, mà giá nhà đang lên, các con bàn với mẹ bán nhà đi rồi về ở với các con. Bà mẹ bán nhà, thương con chia đều cho mỗi đứa một ít, còn dăm nghìn dắt lưng, rồi về ở với con. Bà không biết lái xe, không biết chữ nghĩa, cũng không biết trông cháu làm home work, nên cha mẹ chúng phải nhờ người đưa đón. Bà thích nấu ăn, gói bánh, kho cá, nhưng sợ nhà hôi hám, con cái không cho. Lúc đầu thì chẳng sao, lâu dần mẹ thành gánh nặng. Buổi chiều, đứa con gái xô cửa trở về nhà, thấy mẹ đang gồi xem TV, nó hất hàm hỏi: -“Có hiểu gì không mà thấy má ngồi coi suốt ngày vậy?” Có lúc chuông điện thoại reo, đứa con nhấc máy, bên kia không biết ai hỏi gì, trước mặt bà già, nó trả lời nhát gừng:-“Bả đi khỏi rồi!”

Một bà mẹ khác, ở chung nhà với một đứa con nhưng nhờ một đứa con khác đưa đi bác sĩ. Xong việc, nó đưa mẹ về rồi lẹ lẹ dọt xe đi làm. Bà già vào tới cửa, móc túi mãi không tìm ra cái chìa khóa nhà. Bà không có chìa khóa, không cell phone, cũng không có tiếng Anh, sợ sệt không dám gõ cửa hàng xóm. Bà ngồi đó, trên bục cửa cho tới chiều, khi đứa con ở chung nhà đi làm về, thì bà đã kiệt sức vì khô nước, phân và nước tiểu đầy mình.

Đời xưa, người ta kể chuyện trong một gia đình, có hai vợ chồngï đối xử với ông cha già đã run rẩy của mình tệ bạc, cho cha ăn trong cái “mủng dừa”. Một hôm hai vợ chồng đi làm về thấy đứa con nhỏ của mình đang hì hục đẽo một cái gáo như thế, được cha mẹ hỏi, nó “thành thật khai báo” rằng “để dành cho cha mẹ lúc về già”.

Đâu phải ai nuôi con cũng nghĩ tới lòng cha mẹ, cũng như nhớ chuyện “trồng đậu có đậu, trồng dưa có dưa”.



Về Đầu Trang Go down
Thanh46
Khách viếng thăm




Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Empty
Bài gửiTiêu đề: Tuổi Già và Những Ngày Cuối Năm    Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Icon_minitimeFri Apr 12, 2013 4:52 pm


Tuổi Già và Những Ngày Cuối Năm
Huy Phương

Không biết ông bạn già của tôi nghĩ gì khi vào cuối tháng mười, lúc trời bắt đầu se sắt lạnh, nước Mỹ đổi giờ và trời hình như bắt đầu tối nhanh hơn. Từ lễ Thanksgiving trở đi, các trung tâm thương mãi đã sửa soạn giăng đèn kết hoa, đón mời khách mua, rộn ràng âm thanh và hình ảnh của những ngày lễ cuối năm. Trẻ em chắc phải hớn hở vui mừng, lòng hân hoan đón những ngày nghỉ sắp đến, quà cáp, ăn uống, sum họp. Những đôi vợ chồng trẻ lo lắng, sắp đặt những chuyến đi chơi xa hay trở về nhà bố mẹ lòng đầy phấn khởi nghĩ đến tương lai.

Riêng tôi, mỗi năm lúc bắt đầu nghe tiếng nhạc Giáng Sinh, nhìn những ánh đèn nhiều màu nhấp nháy trên những cành thông ngoài phố hay trong phòng khách, lòng bỗng xúc động lạ thường và một nỗi buồn xâm chiếm lấy tâm hồn. Khi tuổi trẻ nghĩ đến tương lai, thì người già nhìn lui về quá khứ. Đã biết bao nhiêu mùa Giáng Sinh trôi qua, từ lúc cắp sách đến trường, tuổi biết yêu, rồi quê hương chiến trận đạn bom, rồi trại tù giá lạnh, rồi nước Mỹ mênh mông lạnh buồn làm chạnh lòng người xa xứ. Nhìn lại tháng ngày qua, mới đó mà thấy đã thật xa, thăm thẳm dài, nhìn tương lai đàng trước, còn lại chẳng bao nhiêu, thấy chừng rất ngắn ngủi. Khi sống trong đau khổ, ta muốn kéo sợi chỉ thời gian nhanh hơn, khi hạnh phúc ta muốn giữ tháng ngày chậm lại. Nhưng ngày tháng vẫn trôi đi như những dòng nước không bao giờ trở lại như một nhà thơ đã nói:“Thời gian và con nước không chờ đợi ai”.

Ông bạn già của tôi có bao giờ nghĩ đến việc đi tìm lại một hình ảnh cố nhân không? Người thiếu nữ ngày xưa mà bạn thường mơ mộng, theo đuổi hay đã có một thời yêu thương. Có mấy người còn có cơ hội để gặp lại nhau, mà:

"Hai mươi bốn năm sau, tình cờ đất khách gặp nhau

Đôi cái đầu đều bạc. Nếu chẳng quen lung đố có nhìn ra được

Ôn chuyện cũ mà thôi. Liếc đưa nhau đi rồi con mắt còn có đuôi!" (Phan Khôi)

Bây giờ đã bốn, năm mươi năm rồi. Xin hãy để những hình ảnh ấy yên ngủ trong dĩ vãng dịu dàng, xin đừng đánh thức những sự thật phũ phàng khi gặp lại một bà cụ già bệnh hoạn, vầng trán nhăn nheo và mái tóc rối bạc. Những hình ảnh đã mất đi là những hình ảnh đẹp nhất của đời người, có thể chẳng bao giờ tìm lại được.

Trên cuốn sổ điện thoại, tên nhiều người bạn chưa được xóa đi nhưng những con số không bao giờ dùng tới. Những đoạn đường hay thành phố, qua đó bỗng chạnh lòng khi nhớ đến một vài người thân đã không còn nữa. Đi thăm một người quen đã hôn mê trong bệnh viện, ghé nhà quàn thắp một nén hương, đứng lặng một vài giây để nhìn người bạn lần cuối hay buổi sáng sớm nghe điện thoại một người ở xa báo tin buồn, để thấy cuộc đời không còn vô tư, phấn khởi như những ngày còn trẻ.

Chúng ta có bao nhiêu điều để hối hận, tiếc nuối hay buồn rầu về những lỗi lầm của tuổi trẻ, những cơ hội đã qua đi sẽ không bao giờ trở lại như những dòng sông vẫn trôi. Mỗi sáng thức dậy, mỗi buổi tối lên đèn lập lại từng ngày, càng lúc càng nhanh như ai đó làm người kéo màn khép lại từng màn kịch và mở ra những màn nối tiếp. Rồi cuối cùng vang lên tiếng vỗ tay trong màn cuối, nhà hát bật đèn, mọi người đứng dậy và một đêm kịch thực sự đã chấm dứt. Nhân vật của kịch bản đã chết nhưng diễn viên vẫn sống để đóng vai trở lại, nhưng chúng ta thì sẽ không bao giờ còn cơ hội đó nữa. Đây chính là cuộc sống. Nếu cho chúng ta “đi lại từ đầu”, chúng ta có sửa sang, tu bổ, khôn ngoan chọn và viết lại kịch bản, thánh thiện hơn phàm tục, ở hiền thay sống ác cho hết một đời người, hay cuối cùng vẫn chẳng có gì đổi thay.

Bây giờ mùa đông tới, trong những khớp xương nghe đau nhức như nỗi buồn đã thấm vào da thịt. Bây giờ người già trở lại như đứa trẻ thơ, nhớ nhớ quên quên, vụng về, lẩm chẩm. Những đứa cháu mới bé thơ năm nào nay đã lớn như thổi, vậy thì cũng không mấy ngạc nhiên khi tóc mình càng ngày càng thưa dần và chuyển sang bạc trắng. Tre già bên những mầm măng mới mọc, những ngọn lá vàng rơi xuống và nằm yên ẩm mục để làm nhựa cho cây.Vòng quay của sự sống diễn ra từng giờ trước mắt chúng ta, nhưng mỗi khi nghĩ đến chuyện ra đi, người ta có bình thản như một người sắp trở về, đi trên con đường quê nhà quen thuộc thời thơ ấu, như một triết gia nào đó đã nói chăng?

(tgv 05)





Về Đầu Trang Go down
MDThanh
Khách viếng thăm




Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Empty
Bài gửiTiêu đề: Nửa giờ với người trăm tuổi   Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Icon_minitimeSat May 04, 2013 11:50 pm


Nửa giờ với người trăm tuổi

Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Ba_anh12

Tôi đang ngồi trên ghế nha sĩ chờ clean răng thì nhận được tin nhắn của anh Cao Đắc Vinh mời đến Quang Trung ăn phở với bố con anh luc 1:30. Nhìn đồng hồ đã 1:32 nên đành từ chối. Thế nhưng 2:05 đã xong việc, trên đường về đi qua phở QT tôi tạt vào cầu may. Vào trong thì đúng lúc anh Vinh đang dìu Bác đứng len ra về. Anh Vinh quay qua "dụ": Hay bố ngồi xuống uống cà phê một lát hãy về. Ông cụ lạnh lùng "Không, tôi muốn về nhà". Thế là mọi người, có cả cô Bùi Bích Hà đều chậm chạp đưa cụ ra ngoài. Ra cua, Anh Vinh tiếp tục dỗ dành cụ đi uống cà phê nhưng cụ vẫn cương quyết đòi về. Tôi hỏi thăm "Cụ ăn phở có ngon không ạ?" Cụ tỏ vẻ bực bội "Không ngon" Tôi hỏi tiếp "tại sao vậy ạ? Họ không có phao câu cho cụ à?" Cụ nói liền " Phao kít chứ phao câu gì. Thôi đi về" Anh Vinh đùa "Bố cho con tiền rồi con chở bố về" Cụ lắc đầu. Anh Vinh vỗ vào túi áo cụ "Bố có nhiều tiền thế này, cho con đi" Cụ trả lời "Ong có nhiều tiền hơn tôi nên tôi cho ông là vô lý"
Tôi cười hỏi "thưa cụ có mấy người con?" Cụ lộ vẻ khó chịu "Ông hỏi làm gì?" Nhưng rồi cũng trả lời và hỏi lại tôi "Ông biết tôi bao nhiêu tuổi không?" Tôi cười "Dạ chắc cụ khoảng 80" Cụ hãnh diện nói lớn "Tôi 135 tuổi rồi"
Trước khi chia tay tôi mời "tuần sau mời cụ đi ăn phở phao câu với cháu" Cụ hóm hỉnh cười "tôi không ăn phao câu. Cho ông ăn phao câu"
Cô Hà, anh Vinh và tôi đều bật cười, cụ còn nhiều minh mẫn lắm và chắc anh Vinh còn được đi ăn phở phao câu với cụ nhiều năm nữa.
MĐT


Về Đầu Trang Go down
DKPhung
Khách viếng thăm




Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm   Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Icon_minitimeTue May 07, 2013 3:54 am


Đông Muộn
Đào kim Phụng

Sáng nay bỗng thức giấc sớm hơn mọi hôm. Có một chút gì xao xuyến nôn nao chờ đợi. Tôi bật dậy, bước đến cửa sổ, vén màn nhìn ra ngoài trời.
Trong cái giờ phút mà ngày chưa đến và đêm còn chần chờ chẳng nỡ bỏ đi, tôi sững sờ ngộp thở trước cái mênh mang của Trời Đất. Vũ trụ trước mắt tôi toàn một màu trắng đục, sương mù giăng mắc khắp nơi, một lớp tuyết dầy và xốp bao phủ ngọn đồi nhỏ cạnh nhà. Tuyết khắp nơi, trên mái dưới đường, đầu cây ngọn cỏ, không nơi nào thiếu tuyết. Cành cây anh đào trước ngõ gầy guộc mong manh quằn xuống dưới sức nặng của lớp bông trắng trinh nguyên. Quanh tôi là một rừng hoa anh đào sắc trắng đứng chơ vơ như những nàng tiên mắc đọa. Tuyết vẫn tiếp tục buông mình, nhẹ nhàng thư thả, bay lượn thảnh thơi như muốn kéo dài hạnh phúc tuyệt vời.
Khi độ lạnh và độ ẩm hòa hợp đúng mức, tuyết rơi từng hạt nhỏ, dịu dàng bám vào các cành cây trơ trụi, thắp sáng cả một vùng. Tôi ngỡ mình lạc vào một cảnh thần tiên mờ ảo chỉ thấy trong mơ hoặc trong chuyện cổ tích. Cành cây khô nâng niu gìn giữ những hạt tuyết trắng phau ngại mất phút tương phùng. Ánh sáng đến, bóng đêm lùi làm bớt đi cái lung linh sương khói và báo trước cuộc đời ngắn ngủi phù du của bức tranh tuyệt tác nầy. Vùng tôi mới dọn đến không bóng người, không tiếng còi, không tiếng xe vào thời điểm mà những nơi khác cuộc sống đã tưng bừng vội vã.
Và ở đây mỗi thứ đều ngập ngừng. Đêm không muốn đi, ngày chưa muốn tới, Xuân ngại ngùng chưa đến, Đông quyến luyến chẳng rời và tuyết đang ngập ngừng rơi trong buổi giao thời đó.
Nhìn cảnh tuyết rơi lúc hoa Anh Đào sắp nở, đọc bài “Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm” của một cựu học sinh Nguyễn Trãi viết về Ông Bố của mình, lòng chơi vơi như sương tuyết tôi cảm nhận một cách thấm thía cái Đông muộn của đời người và nhu cầu cần được chia sẻ quá ray rứt ở bên trong.
Mùa Đông rét mướt của tuổi già, mùa Xuân ấm áp của tuổi trẻ, trong cái nghịch lý lại có những điểm tương đồng. Những bước chân chim ngập ngừng của tuổi thơ và những bước loạng choạng ngả nghiêng của tuổi già cùng đi chung một đoạn đường ngắn ngủi trước khi mất hút vào hai ngã phân kỳ.
Sự yếu đuối trong thể chất và tinh thần là mẫu số chung của đoạn đầu và đoạn cuối vì thế cả người già lẫn người trẻ đều cần sự giúp đỡ của tha nhân. Nhưng cái nhìn về thân phận của mình thì lại khác xa vạn dặm.Tuổi thơ vui vẻ phơi phới đón nhận sự chăm sóc, bằng lòng với hiện tại và tận dụng thời gian để kiện toàn những bước chân đi vào tương lai. Tuổi hạc cay đắng tủi hờn trong cái bất lực cuối đời, nguyền rủa thời gian và số phận.

Có rất nhiều bài viết về tuổi già rút tỉa từ kinh nghiệm sống: nào là nên quẳng gánh lo đi, nên hưởng thụ những ngày vàng còn lại: ăn uống, ngủ nghỉ và du hí. Trên mạng đầy dẫy những toa thuốc trường sanh bất tử và những đơn thuốc trị bá chứng bá bệnh cùng với nhiều lời khuyên để được sức khỏe và sống lâu. Không ít người trông cậy vào thủ thuật thẩm mỹ để cố gắng bám vào vốn liếng còn lại của thời xuân sắc. Họ sống trong quá khứ vàng son hay đen tối, quên cả hiện tại và tương lai, chỉ để cay đắng nhận ra mình đang lừa dối mình.
Có những bài trách móc kẻ ngoảnh mặt làm ngơ, bạc tình bội nghĩa, ơn sâu quên đền báo. Có những lời thở than về bệnh tật triền miên, ghét cay ghét đắng cái giai đoạn thứ ba không mấy hấp dẫn của kiếp người (sinh, lão, bệnh…). Có những bài diễn tả nỗi sợ hãi về cái chết, con đường hầm tối tăm đen ngòm trước mặt.
Còn lại là những lời răn của giáo điều và sự so sánh hai cảnh thiên đàng địa ngục dùng cho mục đích răn đe thưởng phạt.
Cả hai con đường: lừa bịp mình không muốn thấy sự thật hay thái độ trách móc oán hờn cuộc đời, đều đưa ta đến sự thật phủ phàng. Phe ta sẽ không cưỡng không cầu nhưng cũng xin đừng nín thở qua sông. Hoàn cảnh nào cũng có cái hay dở của nó. Cái gì đến sẽ đến: già, bệnh rồi ...chết. Chân lý là thế đó. Chân lý không thay đổi hay hạ thấp xuống để làm ta hài lòng mà chính ta phải vươn cao lên để nhìn ra chân lý. Và thái độ khôn ngoan là chấp nhận và hợp tác một cách ôn hoà vì biết rõ chân lý nầy chi phối mọi sinh vật .
Tôi thường quan sát nghiền ngẫm những định luật thiên nhiên để sống đúng theo nguyên tắc vận hành của Trời Đất. Trong mùa Đông cây cối thu mình, đem tất cả nhựa sống vào bên trong để dự trữ cho những ngày sắp tới. Mùa Đông của cây cối là những giấc ngủ dài để gìn giữ, bảo tồn tiềm năng. Vì không đâm chồi nẩy lộc trong mùa Đông nên cây không cần phân bón và nhiều nước như trong hai mùa Xuân, Hạ. Người già cũng thế, ăn uống cần đơn giản, điều độ, hoạt động vừa phải, thư giãn buổi tối để giấc ngủ được bình an sâu lắng.
Tâm hồn cũng là một loại nhựa sống cần phải bảo tồn, gìn giữ. Cả cuộc đời rong ruổi, hướng ngoại, theo đuổi lợi danh tình ái, giờ đã đến lúc nên dừng lại sự duổi rong, tìm cầu. Dừng lại để hướng nội, quay về để nhìn ngắm, chăm sóc, thanh lọc tâm hồn. Hành động nầy đem về sự bình yên thoải mái. Chỉ cần một chút quan sát ta sẽ nhận thấy có những tâm tư, hành động tích cực làm lòng ta khởi sắc. Đó là tình thương bàng bạc cho đi không điều kiện, giống như sự đồng đều chia sẻ ánh sáng, nước uống, không khí mà thiên nhiên mang tặng vạn loài. Đó là những kỷ niệm đẹp đẽ có được qua những hành động vị tha mang đến cho người chung quanh. Đó là những nụ cười cởi mở, lời nói cảm thông, ánh mắt đầm ấm tặng người đơn côi lỡ bước. Hãy tạo cho mình một vườn hoa muôn sắc bên trong để có chỗ tìm về trong những đêm bão tố.
Ngược lại những tâm hành tiêu cực như ganh tỵ, thù oán, tham ái, si mê là gánh nặng nghìn cân làm lòng ta chùn xuống, làm dạ ta tối tăm, nặng nề. Khi nghĩ đến mối thù xưa, hơi thở dồn dập, ngực nặng như đá treo, tim đập vội vàng, ăn không ngon ngủ không yên. Và nếu điều nầy xảy ra thường xuyên thì bệnh đau tim là hệ quả hiển nhiên không tránh được. Phán xét người khác, so sánh hơn thua, ghen tức đố kỵ chỉ mất lòng nhau, vẩn đục tình bạn bè thân thuộc và đốt cháy tâm can. Tham ái si mê là con đường đưa đến khổ ải cho ta và cho người.
Quan sát tâm mình thường xuyên bằng con đường thiền quán để chuyển hoá những tâm hành tiêu cực. Nhìn tâm thay đổi như đang xem kịch trên sân khấu, vui lắm các cụ ạ. Tâm như con vượn chuyền cành, thoắt biến thoắt hiện, lúc thánh thiện, khi đê hèn, vui buồn đổi thay trong nháy mắt. Nó lại thường bỏ mình đi khắp nơi cho nên giữ nó lại với thân trong giây phút hiện tại là điều kiện của hạnh phúc. Hơi thở có ý thức (hơi thở vào, ra, đi đến đâu biết đến đó) sẽ giúp ta làm được điều nầy. Chánh niệm (chú ý theo dõi) là ánh đèn pha soi rọi các ngõ ngách trong tâm hồn, ghi nhận sự chuyển biến của nó. Chỉ cần ghi nhận đơn thuần (tiếp xúc mà không phán xét) là đủ đưa tâm về con đường sáng sủa. Thật là mầu nhiệm! Bảo đảm chắc chắn, phe ta làm thử xem sao.

Niềm tin tôn giáo rất cần thiết trong giai đoạn nầy. Nó mang đến cho tâm linh một sức mạnh vô biên: chữa lành cơn bệnh, thay đổi vận mạng. Tôn giáo mở cho ta một con đường: nếu niềm tin mãnh liệt thì thiên đàng, tịnh độ đang chờ đón. Sống theo lời răn dạy: cầu nguyện, làm việc thiện, không tính toán lo toan, không hận thù đố kỵ. Buông xả là hạnh phúc, cho đi là đón nhận thật nhiều, chân không tức là diệu hữu.
Lạc quan là thái độ khôn ngoan. “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”, nhưng một tràng cười to thoải mái, buông lơi là một liều thuốc trường sinh bất tử mang đến sức khoẻ và hạnh phúc. Chẳng những giúp mình khỏe mạnh vui tươi ít đau ốm, mà còn tặng cho đời những bông hoa tươi mát, những an ủi xoa dịu không lời.
Hãy tìm cho mình những niềm vui nho nhỏ thường ngày: một ngày đẹp trời nắng ấm, gió mát trăng thanh, hoa nở chim hót. Hạnh phúc đến khi nhận ra mình được nhiều ân huệ. Chỉ cần nhìn xuống thôi các cụ ạ là niềm vui đếm không hết. Phe ta có thể dùng thì giờ để học đàn, học vẽ, học sinh ngữ, tiếp xúc với bạn bè, làm thơ, viết văn, tình nguyện trong công tác xã hội…Máy vi tính mở rộng một chân trời mới cho những ai biết dùng nó để học hỏi, thăng tiến.
Nếu ta giữ tâm an vui và có được sự vô tư của tuổi thơ, tiếp nhận những gì xảy đến với tấm lòng bình an, tự tại thì mọi việc chắc chắn sẽ nhẹ nhàng đi. Nắng đầy sân, trăng đầy ngõ, và tình thương đầy ấp trong tim là hạnh phúc rồi phải không các cụ? Tôi mê thằng cháu nội chưa đầy ba tuổi vì nó gợi cho tôi những bài học quí giá vô cùng: hồn nhiên, cởi mở, trong sáng. Nó không phê phán, không chỉ trích, không xu nịnh. Nói chưa rành nhưng đã biết hát u ơ. Sau khi đã ăn đủ no, nó xin ra khỏi ghế rồi đi vòng quanh bàn ăn hát lẩm bẩm một mình những lời ca học lóm từ thằng anh lớn. Nó sống trong giây phút hiện tại: chỉ biết ăn, ngủ, tập đi, tập nhảy, tập nói, tập gói, tập mở. Không hối tiếc quá khứ, chẳng lo sợ tương lai.
Tuyết rơi vào cuối Đông bao giờ cũng nhẹ nhàng thanh thản, đến rồi đi như gió thoảng mây bay. Hôm nay tuyết rơi phủ kín ngọn đồi trước ngõ, sáng hôm sau nắng ấm, tuyết tan, đồi cỏ lại xanh tươi mượt mà hơn bao giờ hết. Những nụ hoa vàng bé nhỏ dịu mềm chọc thủng lớp tuyết mỏng manh để đong đưa tươi cười trong nắng ấm như thì thầm nhắn nhủ một bài học quí giá. Nắng ấm, hoa cười, gió mát, tuyết tan...đời sống vật lý, sinh lý, tâm lý nào cũng vận hành theo chu kỳ cố định.
Cái chết là một sự an nghỉ, một chuyến đi về, một đổi thay cần thiết, một kết thúc dẫn đến bắt đầu mới mẻ. Không ai muốn nhốt mình trong cái thân xác ốm yếu bệnh hoạn hao mòn mãi mãi. Nếu có lòng tin mãnh liệt vào nhân quả và trọn đời chọn lựa nhân tốt, thì sự đổi thay sẽ đến trong chiều hướng đi lên: nhẹ nhàng bay lên cao, nặng nề rơi xuống thấp. Định luật nầy là một sự thật quí báu. Phe ta nên nhắc nhở nhau điều nầy và “vẫy tay chào nhau hẹn ngày tái ngộ, vì cuộc đời là một trò chơi cút bắt, đi trốn đi tìm”( Thiền sư Nhất Hạnh ) .

Vienna, Virginia 3/2013




Về Đầu Trang Go down
CDVinh
Khách viếng thăm




Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm   Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Icon_minitimeSun Nov 23, 2014 1:51 pm

Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Ba_anh12

Lá Thư Thanksgiving Của Người Bố Già

Cao Đắc Vinh

Lời tác giả: Kính tặng tất cả những ai còn có nghĩa vụ chăm sóc Bố Mẹ già.


Các con yêu quý,

Thấm thoát trời đã vào Đông.

Những ngày cuối năm thời tiết bắt đầu trở lạnh, năm nay chậm hơn mọi năm vì gần hết tháng 11 rồi còn gì! Nghe tin tức từ miền Đông, tuyết rơi liên tục chôn cả nhà cửa và đường xá vậy mà ở Nam Cali, nhiệt độ ban đêm xuống thấp lại chóng tan vào lúc bình minh dưới nắng ấm ban mai... Ấy là một đặc ân trời ban cho miền Tây này phải thế không con? Tuy nhiên sáng nay, hơi lạnh đầu mùa cũng đủ làm Bố co ro trên giường không muốn dậy. Người già chịu đựng cái cảnh cô đơn và lạnh lẽo rất kém cỏi... Con vẫn biết?

À... Bố vừa nhắc hai chữ “đặc ân” tất sẽ phải nhớ nói câu cảm ơn. Ân với nghĩa như âm dương luôn tương tác sánh đôi không thể có ân mà thiếu nghĩa hơn nữa chúng ta đang bước vào mùa Thanksgiving, lễ Tạ Ơn cổ truyền hàng năm trên đất Mỹ. Nhập gia tùy tục, sống theo phép ơn đền nghĩa trả nhưng khả năng ngồi viết gẫy gọn một lá thư hầu như đã mất nên Bố đành nắn nót tâm tư... qua hơi thở đứt đoạn và nhịp tim già nua chậm chạp! Sức khỏe người già vào mùa lạnh mong manh lắm, nghĩ đến đâu tâm sự đến đó vậy... Con cảm phiền đọc lên bằng trực giác thì may ra mới hiểu cái đầu suy nhược này còn nghĩ vơ vẩn những gì? Hai bàn tay của Bố hiện nay sáng thì run rẩy, chiều lại đau nhức chẳng qua vì đang lận đận với cái tuổi thọ lọt ra ngoài giới hạn trăm năm đời người.

Tạ ơn... Bâng quơ nhoẻn miệng cười mà nói đôi lời cảm tạ thì có gì khó đâu nhưng thổ lộ một lời tạ ơn bằng chánh niệm mới là điều đáng lưu ý để tâm! Tạ ơn Trời đã cho Bố tuổi đời trăm năm này ư? Bao đêm trằn trọc không ngủ vì tâm thân đau đớn hoảng loạn đến khi tỉnh táo là lúc lại đối diện với bối rối chẳng biết mình có phúc hay có tội mà phải sống tuổi già điêu đứng từng ngày? Tạ ơn các con đã thương xót thân già này ư? Trải qua bao lần nhắn nhủ, dù biết rằng mỗi đứa một tính nhưng thực tế vẫn dạ xót lòng đau bởi đa số các con thương để bụng rồi phát chướng! Xót như sát muối vào lòng cũng khó tiêu hóa để chuyển tình thương ấy ra hành động. Thân già cô độc vẫn hoàn cô đơn với nỗi buồn từng phút, từng giờ, từng ngày, từng đêm tháng này qua năm nọ... Thương mà vắng mặt, ở xa đã đành nhưng ở gần cũng thế, tìm cơ hội xa lánh người mình thương thì thương làm gì cho khổ tâm thân? Chẳng ích gì cho nhau cả! Quả thực, nghịch cảnh vô minh ấy đã vô hiệu hóa tình thương nên có đau có xót cũng chỉ pha thêm phần bạc bẽo... Nhiều lần trước mặt các con, Bố đã tỏ ý vui mừng nếu kết liễu được kiếp đời lê thê nặng nợ, xem như ấy là thượng sách chấm dứt tuổi già vô dụng với nỗi buồn lây lan làm ray rứt lòng thương nhưng sáng dậy vẫn thấy mình còn sống ngoài ý muốn.

Quay lại câu chuyện Tạ ơn nhân ngày Thanksgiving 2014, dù hoàn cảnh nào thì gia đình mình cũng chân thành biết ơn nước Mỹ đã cưu mang chúng ta trong những năm đầu lưu lạc xa quê rồi bây giờ các con thành công ngay trên miền đất hứa. Lẽ thường ở đời, con người và sự việc đều bị giới hạn bởi không gian và thời gian, may hay rủi sống ngoài đường biên đã vạch sẵn thì phải tâm niệm sẽ khoác vào thân những ưu phiền. Ấy chính là phận già đau khổ này... Thỉnh thoảng có kẻ hồ đồ bảo rằng: “Cụ ơi sướng mà chẳng biết! Tuổi già như Cụ lẽ ra vào “tu” ở viện dưỡng lão lâu rồi... Còn được ở nhà như vầy là phúc bẩy mươi đời, than vắn thở dài làm chi cho tổn thọ”.

Thôi thì mỗi người một ý... Tuổi già sống thọ mà đầu óc lú lẫn, ngồi cả ngày ngủ gà ngủ gật với tã ướt thì có khác gì phận tù chung thân? Ai đã từng qua cầu, mới mong hiểu nổi dòng sông nước chảy nông sâu khúc nào! “Trẻ cậy cha, già cậy con” là câu ơn nghĩa để đời nhưng phải chăng cái vế thứ hai vì sống vội mà con người văn minh ngày nay ít còn cơ hội khả thi? Tuổi già sáng dậy nhìn Trời cậy Phật chờ con nhưng họa hoằn mới có đứa một công đôi ba việc hững hờ đến thăm... Mỗi đêm nhắm mắt trên giường ngủ tưởng như đã nằm yên trong lòng đất nhưng may mà phiêu diêu được thì tối lửa tắt đèn cũng chẳng có đứa con nào hay biết!

Tâm lý người già sợ nhất cảnh cô đơn nên nếu các con đã hiểu thì hãy thương cho tròn. Tình thương ấy không đánh đổi bằng tấm ngân phiếu kếch xù hay quà bánh đắt tiền mà chính là... thời gian. Một lúc nào đó trong ngày mà các con thấy trống vắng thừa thãi thì hãy mang đến tặng Bố giờ phút vô nghĩa ấy! Bản chất nó vô giá nhưng lại vô cùng quý báu nếu chia sẻ đúng đối tượng... Con dư biết, sáng chiều Bố lủi thủi hết ngồi lại nằm, cô đơn bên cạnh một người trả công chỉ biết im lặng canh chừng. Nếu con đến thăm, nhớ bỏ hết công việc và lo toan ở ngoài xe trước khi vào nhà, tránh cảnh thân tâm mỗi chỗ mỗi nơi để cha con sống thật những kỷ niệm cuối đời bên nhau. Người già như Bố đương nhiên ăn nói sẽ không còn mạch lạc hấp dẫn, xin con đừng nhăn nhó... Hãy nhẫn nại ngồi nghe như thuở nuôi con còn bé, Bố đã từng chăm chú theo dõi tiếng con bi bô học nói... lập đi lập lại nhiều lần một chữ từ ngày này qua ngày nọ liên hồi.

Xin lỗi... Con nhận đi để Bố khỏi bị mặc cảm sống già là có tội, mỗi ngày mỗi tồi tệ và tương lai đang lùi dần về quá khứ bởi thân tâm này mang toàn cảnh vụng dại của một đứa trẻ tiềm ẩn vào thân xác một cụ già. Ấy chỉ là chuyện bình sinh chuyển hóa người già trở về con trẻ trước thời kỳ phải hóa thân đấy thôi... Nếu nghe Bố nói lăng nhăng đầu đuôi lẫn lộn thì hãy tha thứ vì đó là trạng thái bất ổn dẫn Bố từng bước tiến dần đến hồi chung cuộc và rồi chẳng bao lâu nữa, cha con mình sẽ phải vĩnh viễn xa nhau.

Hãy kiên nhẫn với người già để mọi sân hận dễ từ bi buông xả tỷ dụ hôm nọ Bố lỡ tay đổ ly cà phê, bắt con phải chùi rửa cực khổ thì cũng đừng nặng lời như con đã làm bởi vì người già nhiều tự ái nên hay tủi thân. Con còn nhớ hay quên? Buổi trưa hôm ấy, nhìn con giận mà Bố thấy sợ hãi... như một đứa trẻ có phản xạ tự nhiên, Bố chỉ còn biết chắp tay niệm Phật cầu xin. Hối tiếc! Cha con mình cùng hối tiếc thì đã muộn.

Mặc dù Bố luôn tha thiết cần sự hiện diện của các con như người bạn đồng hành trong khoảnh khắc nhưng đôi khi mơ màng ngồi gần nhau cả giờ im lặng... cũng đừng ngạc nhiên bởi khả năng tai với mắt của Bố đã suy yếu gần như mờ và điếc từ nhiều năm nay. Nếu Bố có lập đi lập lại câu hỏi không nghe rõ, dù khó chịu mong con vẫn nhẫn nại trả lời hay thảo xuống tờ giấy cho Bố đọc chứ lẳng lặng cắt đứt câu chuyện là điều khổ tâm vì nó khơi dậy cái tò mò bế tắc và tự ái bị khi dễ trong đầu kẻ đã đầy mặc cảm sa sút.

Những lúc hiếm hoi ngồi gần nhau, con tránh bịt mũi rồi buông lời chê trách vì cái mùi dị biệt từ thân thể Bố toát ra. Người già có mùi của người già như trái chín trên cây thối ủng sắp rụng cành... Lẽ thường, đó là mùi tử biệt chẳng thể nào mãi mãi thơm tho như trái xanh trên cành. Cũng đừng lôi kéo bắt các Cụ phải tắm rửa thường xuyên vì tuổi già sợ lạnh và sợ nước. Thân thể họ gầy còm, yếu ớt, nhu nhược nên dễ bị đau ốm cảm lạnh, họ giống nhau ở điểm này nên con cần ghi nhớ mà thông cảm. Tuổi già sống nhiều với quá khứ vì thế Bố nhớ thuở còn bé, con chạy quanh nhà mỗi khi Mẹ bắt tắm và Bố phải đuổi theo, đến khi tóm được thì con vùng vẫy than khóc thật lâu mới  ngừng. Kỷ niệm ấy con còn nhớ... hay đã quên?

Nhẫn nại... Có lẽ chỉ cần thế thôi đối với người già! Các con phải hiểu thì mới thương rồi ân tình giúp đỡ. Nhẫn nại thăm nom chia sẻ, nhẫn nại ngồi nghe tào lao, nhẫn nại dọn dẹp vung vãi, nhẫn nại dắt đi quanh phố, nhẫn nại ngửi mùi khai thối, nhẫn nại chùi rửa vệ sinh và nhất là nhẫn nại giúp họ nhắm mắt thanh thản mỗi đêm... cùng với nụ cười. Từng ấy nhẫn nại, các con có thương thì mỗi người chỉ cần làm một chuyện. Thân già sống lâu mỗi ngày mỗi tệ hại rồi sẽ đến lúc không thể ngồi dậy, nằm trên giường thở, ăn và tiêu hóa. Đáng thương hay đáng tội còn tùy vào sự nhẫn nại hiểu biết của mỗi người.

Được như thế thì giây phút chia ly cuối cùng, Bố sẽ mãn nguyện ra đi và các con cũng khỏi phải nhỏ một giọt lệ than khóc vì chúng ta chẳng còn gì hối tiếc. Tất cả đã đầy đủ bổn phận, tình thương và hiểu biết khi nghĩ rằng mười giọt nước mắt ân tình rơi giữa đám tang thì bẩy giọt đã phát xuất từ sự ân hận, xin lỗi... muộn màng!

Ai cũng biết “cha mẹ có trong con” nên ghét con là ghét chính mình vì thế bức thư này chỉ là một thông điệp nhắc nhở thương yêu. Điều chắc chắn một mai khi Bố ra đi gặp Mẹ, ở thế giới bên kia sẵn phép nhiệm màu, Bố sẽ phù hộ cho cuộc sống các con nhiều may mắn nhưng sẽ từ chối chúc các con phải sống đời trăm tuổi vất vả như Bố hiện nay... không những thế lại còn lây lan bao lo âu khó nhọc sang cả gia đình.

Cuối thư, Bố xin tạ ơn đời, tạ ơn người... Trong cái may có cái rủi và ở cái rủi đã có sẵn cái may, chuyện đời vô thường là thế! Cầu mong quê hương nước Việt thật sự độc lập, dân chủ, hạnh phúc và đất nước hùng cường này mãi mãi no ấm thịnh vượng như mùa gặt cuối thu 1621 của người Pilgrim khởi đầu truyền thống Thanksgiving: Gia đình quây quần bên bếp lửa có gà Tây, ngô khoai, bí đỏ... với hương vị ân tình.

Hôn các con thật nhiều,

2014/11/23
Về Đầu Trang Go down
CDVinh
Khách viếng thăm




Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm   Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Icon_minitimeWed Dec 09, 2015 1:03 pm

Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Img_1610

Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm

Cao Đắc Vinh

Bố tôi là một cụ già sống trên trăm tuổi. Cụ ra đi chiều 20 tháng chạp 2014 gần ngày lễ Giáng Sinh. Chuyện tôi sắp kể là tâm tình vây quanh cảnh đời ở tuổi trăm năm: chật vật, khó khăn, buồn nhiều hơn vui...! Riêng tư đấy mà sao những ai từng sống với cha mẹ già đều cảm thấy như cùng mang một tâm sự chung. Hãy đọc rồi sẽ hiểu và mỗi chúng ta may ra tìm được lời kết cho mình và cho người.

Chuyện đời hệ lụy này chỉ xảy ra trên đất Mỹ? Nghĩ thế có phần thiển cận. Bổn phận, trách nhiệm, ích kỷ, trắc ẩn, siêng năng hay lười biếng xưa nay vẫn nằm sẵn trong tình người. Năm tháng qua lặng lẽ, tình trôi theo dòng đời, cuốn tròn vào văn minh thời đại... Cũng có khúc sông nước còn tinh khiết nhưng nhiều nơi đã bị ô nhiễm, do chính trị mà đạo đức suy đồi chẳng hạn bờ đê Cửu Long nước ta.

Nếu chỉ sống với cha mẹ già một ngày như câu chuyện “Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm” hẳn các con sẽ dễ dàng đối phó. Không ai sợ gian nan khó nhọc vì xoay chuyển dễ dàng, tình tiết đôi khi còn thấy ngộ nghĩnh, năm thì mười họa được dịp vui với tuổi già, nhiều người cười ra nước mắt như đang đùa giỡn với tuổi thơ. Ngược lại, sống bên các cụ ở tuổi trăm năm để giúp đỡ và lo lắng năm này qua tháng nọ thì hoàn cảnh sẽ không dễ nói dễ làm mà vấn đề trở thành khó khăn ngay tức thì. Đây là chuyện nhân duyên đại sự mang tính “trường kỳ kháng chiến”, sẵn sàng khổ cực nếu nuôi cha mẹ già tại gia vì thế gia đình đông anh chị em thường chia sẻ trách nhiệm mong sao cho bổn phận được vuông tròn.

Nhìn bao quát việc làm có ý nghĩa này, tuy vẫn biết “một cánh én không làm nổi mùa xuân” nhưng thực tế thường là cảnh “một cánh én khắc khoải trước mùa xuân” xảy ra đa số giữa các gia đình nơi đây... Xuân về hoa nở, yêu hoa én lượn... Hoa cần sương mai nước cạn để sống còn thì chim chỉ biết đậu cành chờ mưa tới! Nếu may mắn trong bầy én có con nào tình nguyện làm chim đầu đàn thì nó sẽ chịu trận với cơn gió bão đầu mùa, nhìn cả đoàn chíu chít bay theo rồi ngạc nhiên bỗng thấy chúng... lo tìm nơi ẩn náu!

May mắn hay bất hạnh, cũng có nhiều cụ bắt phải nhập viện dưỡng lão nhưng ngân sách nước Mỹ nay cạn kiệt nên không còn dễ dàng như trước. Các con đành chăm sóc cha mẹ tại gia giữa tình thương và bế tắc. Xã hội xưa nay ở nước ta thường mua tự do, bán bổn phận... mướn người ăn ngủ trông coi ngày đêm ngay cạnh giường các cụ nhưng nói cho cùng, việc ấy chỉ giải quyết được phần vật chất chứ tinh thần thì không! Xứ Mỹ nhân công đắt đỏ khó đua đòi nhưng hàng tháng lại được chính phủ giúp đỡ một số tiền nhỏ. Sự kiện này đôi lúc cũng nảy sinh xích mích giữa các con vì người rộng kẻ hẹp khi phải góp công góp của bù đắp thêm phần chi tiêu thiếu hụt cho người già có cuộc sống đầy đủ hơn.

Con nào cũng thương cha mẹ cả. Yêu xa yêu gần, âm thầm hay bộc lộ mỗi đứa mỗi cách nhưng thường chung một hành động là thương để bụng, nói nhiều làm ít, nói càng hay làm càng dở, biện luận quanh co lẩn trốn trách nhiệm. Tình huynh đệ tựa như “chim cùng lông, bay cùng đàn” và theo tục lệ Á Đông, khi cha mẹ già sắp mãn phần, gia đình gặp khó khăn thì vai trò nguời con cả trở nên quan trọng. Chẳng may gặp người anh hay người chị phóng khoáng, dửng dưng với trách nhiệm thì tội nghiệp các em như rắn mất đầu nên gia đình thường thấy cảnh rối loạn bất đồng.

Cái vòng luân hồi chẳng chừa một ai, trẻ hóa già rồi cụ già lại trở về tâm tính con trẻ khi các tế bào não theo năm tháng từ từ chết dần... Người già sống quá trăm tuổi đầu óc lú lẫn cần để ý chăm sóc sáng chiều như đứa trẻ cần cha mẹ nuôi nấng lúc sinh ra từ miếng ăn thức uống đến tắm rửa vệ sinh. “Trẻ cậy cha, già cậy con” thế thời là thế nhưng thực tế, vế thứ hai “già cậy con” không phải là chuyện đương nhiên vì nó còn tùy vào nhiều yếu tố như tính tình và điều kiện vật chất của từng đứa con.

Có gì lạ đâu? Cùng một dạ nhưng “cha mẹ sinh con trời sinh tánh”. Khi trưởng thành, mỗi đứa có hoàn cảnh và tánh tình khác nhau... Giầu hay nghèo, nặng tình hay nặng tiền, hào phóng hay tính toán, rộng lượng hay chi li hà tiện... người dễ dãi kẻ khó khăn, đứa thành thật đứa ma giáo, đủ khuôn mặt quay cuồng quanh cha mẹ già trong cái cảnh đời “anh em kiến giả nhất phận”.

Suy ra bởi những bản chất đối nghịch này, hiển nhiên con cái đối xử với cha mẹ già sẽ khác nhau vì thế câu chuyện báo đền ơn nghĩa, mọi người đồng nhất từ lời ăn tiếng nói cho đến hành động là chuyện hy hữu chỉ thấy trong thi ca hoặc vài gia đình đầy đủ phúc đức. Người xưa đã nhận định cái nhân tình thế thái với một câu nói chua cay “mười con không nuôi nổi (bố) mẹ già” rồi ví von bằng hiện tượng khoa học chắc như bắp: bao giờ “nước mắt (cũng) chẩy xuôi” vì thuận dòng và chỉ ngược dòng khi thân xác đó đã nằm xuống. Chao ôi... buồn thay cho cái “lá đa” sự đời!

Câu truyện “Một Ngày Với Tuổi Trăm Năm” khuyên chúng ta không nên chúc nhau “bách niên giai lão” bởi vợ chồng lo cho nhau không bao giờ cùng sống đời trăm tuổi. Xứ văn minh, họ bỏ ống mua bảo hiểm để tuổi già có sẵn nơi ăn chốn ở và chuyên viên chăm sóc... Đa số người Việt vẫn đặt niềm tin vào con cái, nghĩ rằng tuổi gần đất xa trời phải sống xa con cháu với ngày hai bữa cùng thuốc men bệnh tật giữa những kẻ lạ là vô phước. Chẳng ai biết trước được chuyện đời, sẽ có kẻ đi trước để lại cái nợ trăm năm cho các con thừa kế là chuyện buồn nhiều hơn vui... Sinh lão bệnh tử mà thọ ngoài giới hạn chắc chắn sẽ gặp toàn khổ đau và chịu đựng. Người già hết nằm lại ngồi, thơ thẩn với tâm trạng u mê tự kỷ, con cái cho tiền nhưng khó cho thời giờ nên lúc nào cũng mang mặc cảm bị bỏ rơi... Do đó, họ hay gắt gỏng than thân trách phận chưa kể nỗi đau hành hạ đêm ngày do bệnh tật gây ra. Cha mẹ sống quá già trên tuổi trăm năm thường tự đánh mất nhân phẩm, các con mỗi sáng thức giậy soi gương thấy tủi hổ vì lỗi lầm nặng nhẹ do bổn phận bất toàn.

“Ắt có và đủ” là hai điều kiện căn bản để nuôi cha mẹ già tại gia. “Ắt có” là phải nặng tình, gọi nó bằng chữ hiếu thảo, biết ơn, tạ ơn hay nợ nần gì cũng được... và “Đủ” là sự hy sinh nhẫn nại kiên trì... Cái điều thứ nhất “Ắt có” hiện hữu dễ dàng trong lòng các con, ai cũng hiểu và biết ơn cha mẹ ban cho ta cuộc sống nhưng chẳng may các cụ thân sinh chật vật sống tuổi già thì ơn sâu nghĩa nặng ấy phải cần chữ “Đủ” để báo đền. Chữ “Đủ” này nên nắn nót viết hoa, chẵn một chữ chứ đừng bao giờ nghĩ “đu đủ” cũng là “Đủ” rồi ngày chẵn ngày lẻ dễ dàng “bán cái” để các cụ lẻ loi một mình.

Năm cũ sắp hết, xuân mới lại về, diễm phúc có người đứng trước cha mẹ già mừng tuổi thọ để hạnh phúc thấy bông hồng đỏ cài lên áo mình. Bạn có tin số mệnh không? Kinh nghiệm cho tôi biết phải cao số lắm mới sống ngoài trăm tuổi, trường hợp này vẫn còn hiếm hoi ở thế kỷ 21. May mà ở vào hoàn cảnh tôi, bạn ơi, hãy hy sinh, nở nụ cười tươi như một biểu tượng lạc quan bên cạnh các đấng sinh thành bởi mọi bi quan vô trách nhiệm sẽ nhanh chóng biến thành hối tiếc khi người về nơi chín suối! Làm con ai cũng mang ít nhiều ân hận, tôi cũng thế và sẽ kể tiếp những câu chuyện buồn ấy vào một dịp khác.

Để kết luận, có lẽ câu nói “đa thọ đa nhục” kèm theo đa sầu đa khổ là đúng! Hình như Quốc hội Cali sắp phê chuẩn cho quyền sống hay chết và khi đã hiểu “Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm”, xuân này chắc tôi sẽ ngập ngừng nếu phải chúc thọ những cụ gần kề với tuổi trăm năm, còn bạn thì sao?

12/07/2015

.
Về Đầu Trang Go down
PVChuong
Admin



Posts : 673
Join date : 25/04/2012

Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm   Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Icon_minitimeThu Dec 17, 2015 12:05 am

Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Photo_10

“Đừng Đụng Vào Xác Chết!”
(Ne Touche Pas Au Cadavre!)

Cao Đắc Vinh

Với những ai đang tận tụy chăm sóc cha mẹ già mà cảm thấy mối quan hệ mỗi ngày một nặng nề hơn, xin đừng bi quan bỏ cuộc vì các cụ cao tuổi tính tình thăng trầm theo năm tháng, cơ thể sinh hóa biến đổi không ngừng mỗi lúc mỗi nơi.

Lúc khỏe cụ thích đi chơi, lên xe dạo quanh phố xá, khi về lại ngồi than thân trách phận, kể lể chuyện xưa “một thời vang bóng” lập đi lập lại nhiều lần và thông thường nếu còn đủ sức “gây chiến” là đến phần tiền bạc...

Bỗng nhiên lo âu hiện trên nét mặt, cụ rút cái bóp đầy ắp giấy tờ linh tinh, trải hết tiền ra mặt bàn, đếm tới đếm lui từng đồng rồi vung tay phân bua:

- Tôi biết mà! Này... Chúng nó lấy hết rồi! Giỏi thực... quái lạ mình đã cẩn thận cài cả cái kim băng này vào túi mà vẫn bị ăn cắp?

- Bố thử đếm lại xem chứ có ai vào đây... mà mất tiền!

- Hừ! Ai lấy thì biết đấy... Còn ai trồng khoai xứ này? Ở đây từ sáng đến giờ chỉ có ông và tôi. 

Lúc yếu cụ ngủ ngồi... gà gật trên chiếc ghế trường kỷ ở phòng khách, thoạt nhìn ai cũng ái ngại! Mắt mở, mắt khép và có lúc nước dãi chảy lòng thòng dính cả áo quần. Chẳng may gặp ngày mưa gió giở trời, thời tiết dễ cảm lạnh, cơ thể suy yếu thì sáng không thấy cụ trở dậy. Tấm thân ốm yếu nằm co quắp trên giường, hỏi không nói, cà phê không uống, cơm chẳng ăn thì hôm ấy là ngày xui xẻo đối với các con. Bâng khuâng bỗng dưng bị “thất nghiệp”, buồn thì ít mà lo lắng cho sức khỏe của cụ thì nhiều.

Tuổi trăm năm là ranh giới giữa niềm vui hôm qua và nhọc nhằn hôm nay! Ấy là thời kỳ bắt đầu tình trạng lộn xộn nhất về cả hai lãnh vực tinh thần lẫn thể xác. Có người bạn trẻ dạy cho tôi biết câu nói của một danh nhân: “Tuổi già giống như chúng ta đang đi máy bay trong lúc gặp mưa bão và mọi may rủi tuần tự sẽ xảy ra không sao cưỡng được...”. Tôi xin sửa lại cho đúng với kinh nghiệm đã trải qua: “Tuổi trăm năm giống như chuyến bay đi vào vùng mưa bão... họ biết trước máy bay sẽ rơi vào cõi mù khơi nhưng bất lực ngồi run rẩy giữa sự chuyển động dữ dội của thiên nhiên”.

“Dung giăng dung dẻ... dắt trẻ đi chơi”,  “trẻ” ở đây đồng sàn với bố mẹ già. Đến cái tuổi trăm năm thì gia đình mới thấm nỗi đau thương... Có nghĩa là vừa đau đớn vừa thương yêu cha mẹ vì họ đang bay vào vùng giông tố phũ phàng nhất của cuộc đời trước khi khuất núi.

Kỷ niệm với cha mẹ ở thập niên 90 tương đối vẫn êm đẹp. Những buổi sáng bình minh hay chiều hoàng hôn, những ngày lạnh mùa đông và đêm oi nồng mùa hạ... Bố chống gậy, con cầm tay cùng thả bộ trong im lặng mà thấy hạnh phúc xum vầy. Thân xác tuy hao mòn như mắt mờ, răng rụng, lưng còng, chân run... nhưng tinh thần còn sảng khoái để truyền đạt, thông tri tư tưởng. Ở tuổi này, bố tôi vẫn lái xe đi chợ nấu cơm, ăn ngon ngủ yên, đọc báo hàng ngày và nhất là du lịch về thăm Sơn Tây khi có dịp.

Rồi mỗi năm thân xác yếu dần! Trí óc nhớ nhớ quên quên, tâm tính bỗng chốc trở nên khó khăn mất hẳn sự hòa thuận nhu mì. Bạn cũ chết cả, mắt mờ không thể lái xe, cô đơn trầm cảm, ngày ngày quanh quẩn trong nhà... Từ nay cụ bắt đầu ăn nói cọc cằn, đôi khi chửi thề văng tục để lộ sự cay đắng làm gia đình sợ hãi xa lánh dần. Tủi thân cụ nghĩ rằng mọi người khinh thường bỏ rơi vì cụ đau yếu, hết tiền nên phản ứng ngược tìm cách chống đối bất cứ hành động nào trái ý mình.

Câu chuyện tôi sắp kể xảy ra ở Las Vegas vào lúc cụ mới vừa bước qua tuổi trăm năm. Dịp đầu tiên là lúc em trai tôi về thăm nhà, thuê được một giẫy phòng ở khách sạn Bellagio. Ba con trai và một con rể tổ chức chuyến du hành chia nhau săn sóc để mua vui với cụ. Lúc này cụ còn khỏe, chống gậy đi bộ chỉ cần tôi ôm một bên cánh tay. Khổ nỗi ở ngay chỗ tài tử giai nhân, tâm lý người già không thích phụ thuộc nên hay xua đuổi và từ chối giúp đỡ. Những ai thiếu kiên nhẫn, bộc lộ sự nóng nảy giống như tôi là sẽ chuốc lấy cả khó khăn lẫn ưu phiền...

Được dịp vui chơi giữa chốn phồn hoa, cụ châm lửa phì phèo thuốc lá hết điếu này đến điếu khác. Tại sòng bài đã đành nhưng lên phòng cụ cũng chẳng kiêng. Lo cho sức khỏe của cụ mà mấy anh em đành ngậm bồ hòn chịu trận! Ban đêm cụ thả khói mịt mù thì tôi lên tiếng chống đối... Bố con cãi nhau, cụ giật lại bao thuốc và buông lời sỉ vả giận dữ bằng tiếng Pháp:

- Ne touche pas au cadavre!

“Đừng đụng vào xác chết!” câu nói ấy theo tôi từ dạo đó. Ngắn gọn mà đầy sức mạnh, nó đã giúp tôi sửa đổi cách đối xử nhưng thực hành đôi khi vẫn thiếu kiên nhẫn để trở thành những tiếc nuối hôm nay.

Lần thứ nhì vào giữa năm 2013, kỷ niệm cuối cùng ở Las Vegas và là chuyến du ngoạn xa nhất trước khi cụ vĩnh biệt thế giới này ngày 20 tháng chạp 2014. Dịp đó, vì không thể cưỡng lại tuổi già suy sụp, cụ đành chấp nhận ngồi xe lăn, anh em chúng tôi thay phiên đẩy xe mỗi khi ra phố. Hết thú uống rượu và thuốc lá, nay chỉ còn lai rai rót rượu cụng ly và đốt thuốc ngửi mùi cho đỡ nhớ nhưng riêng cà phê thì cụ vẫn say mê thưởng thức sáng chiều...

Trưa hôm ấy, sau bữa ăn chúng tôi ngồi uống cà phê ngoài hàng hiên tại một khách sạn vừa khai trương trên đại lộ chính. Bỗng mọi người trố mắt nhìn nhau vì giữa nơi thoáng mát thanh lịch này lại ngửi thấy mùi “lạ”. Hóa ra... Tôi đành vội vã đẩy xe băng đường, xuyên qua các hành lang tấp nập và bất chấp mùi hôi xông lên, phải nhắm mắt tỉnh bơ chui nhanh vào thang máy lúc nào cũng đông người để trở về khách sạn tắm rửa, thay tã cho cụ.

Đến đây, xin nói lời cuối: Ở tuổi già, các bậc sinh thành luôn có sẵn mặc cảm nên phản ứng với tự ái rất cao. Muốn tránh những ân hận một mai khi áo đã cài bông hoa trắng, hãy tâm niệm rằng người già và tình yêu bao giờ cũng có lý lẽ riêng... Mọi vấn đề chỉ có thể giải quyết bằng chánh niệm với lòng từ bi và sự nhẫn nại... khó khăn hy vọng rồi sẽ vượt qua.

Khi đã biết số phận tuổi trăm năm đang nằm trên chuyến bay đi vào vùng mênh mông vĩnh cửu, thiết tưởng câu nói giận lẫy của bố tôi: “Ne touche pas au cadavre!” quả tình bao hàm cái chân lý mà không ai cần phải thêm bớt lời nào! Các bạn có nghĩ thế không?

12/11/2015


Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Photo_11

Giờ Phút Lâm Chung

Cao Đắc Vinh

Tôi viết tâm sự này mục đích để tìm lại bình an cho bản thân mình, kế đến là bảo vệ chính đáng niềm tin yêu của bố tôi đối với các con trước giờ phút lâm chung và sau cùng một lần cho ra lẽ, may ra có câu kết luận dù đúng hay sai, thuận hay nghịch về trường hợp tôi sắp kể.

Đọc xong xin đừng coi nhẹ, đừng tỏ thái độ bàng quan vì câu chuyện liên quan đến một vị thầy mà đạo hạnh chánh tà chưa rõ hư thực nhưng có ảnh hưởng đáng kể đối với cả ngàn gia đình ở miền nam Cali hiện nay.

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã nói: “Nếu gặp vị thầy không có phẩm chất đúng đắn, dẫn bạn theo con đường sai lầm thì vấn đề tu học sẽ có hại! Căn bản của việc giảng dạy là sự trong sạch, không màng cái ngã “tham” tài vật, sắc dục, danh vọng... vì thế trước khi thực sự coi ai là thầy, điều quan trọng là phải tìm hiểu kỹ càng về họ”

Tôi gặp ông Ce Hằng Trường đôi ba lần vì trong gia đình có hai người chị là đệ tử sau khi vị tăng này hoằng pháp ở Orange County. Vào một ngày xuân cách đây 3 năm, hội Từ Bi Phụng Sự do ông hướng dẫn, tổ chức tu tập và du ngoạn trên miền núi Big Bear... Qua người chị giới thiệu và bảo trợ, chúng tôi chấp thuận để ông đến sinh hoạt và ngủ đêm cùng các đạo hữu tại căn nhà ba phòng của gia đình vì thế tôi đã có dịp gặp ông.

Giữa nắng cao nguyên buổi sớm mai thơm mùi phấn thông, đối diện ông lần đầu, tôi có ít nhiều thiện cảm mặc dù vài câu xã giao sơ khởi đã thoáng thấy vẻ kiêu kỳ tự mãn ở ánh mắt và nụ cười... Do lẽ đó, cũng chưa lần nào tôi tự ý xưng hô “thầy - con” như một đạo hữu.

Ông có vẻ ngoài cao ráo sáng sủa, thân hình khỏe mạnh cân đối nên nếu khách quan nhận định vị tăng này đẹp trai, quyến rũ thì cũng không ngoa. Tuy nhiên ngoài cái dáng dấp ấy, tôi vẫn thấy cốt cách ông chỉ là một thanh niên như các nam thanh nữ tú khác cùng thế hệ đang đi tìm con đường sống... Với ông, giấc mơ tu hành thời trai trẻ nay mai sẽ là một nghề vững vàng khi đã thu thập được nhiều đạo hữu và tương lai có triển vọng vẻ vang xán lạn vì sứ mệnh “cứu nhân độ thế” trên cái đất nước tự do hùng mạnh nhất hành tinh này.

Quả tình, đến nay tôi vẫn chưa biết nhiều về vị tăng này vì nếu nói ông là huấn luyện viên mở hội thể dục thể thao hay một tu sĩ độc lập phụng sự Phật pháp theo lối “cấp tiến” hoặc nhà tổ chức du lịch vừa tu vừa học thành công... tất cả đều đúng cả. Thể dục tham gia miễn phí nhưng chi phí vài ngàn mỗi năm cho những chuyến tu học cũng là chuyện bắt buộc bình thường.

Hai chị tôi thường đóng tiền theo ông trong các chuyến đi xa, bỏ chồng con trong tư thế cô đơn bất khả kháng. Gia đình tuy có buồn cũng đành chấp nhận cho niềm vui tuổi già của họ nhưng khi người bố trăm tuổi sắp mãn phần thì mới vỡ lẽ... đạo tu của thầy to hơn đạo hiếu, khác với lời Phật dạy.

Bố tôi yếu dần từ trưa thứ bẩy 20 tháng 12 năm ngoái, y tá chăm sóc dặn dò cụ sẽ ra đi nội trong ngày vào bất cứ lúc nào. Tháng cuối năm trời tối nhanh tạo không gian lạnh lẽo ngoài khung cửa nhưng trong căn phòng nhỏ, giờ phút lâm chung chờ đợi người hấp hối còn thê lương gấp bội! Con cháu đứng ngồi đông đủ quanh cái xác héo hon cùng nhau gởi lời cầu nguyện theo tiếng kinh Phật phát ra từ chiếc máy thu thanh. Thỉnh thoảng thấy cụ hớp một làn hơi dài như cố bám lấy sự sống, vài giọt nước long lanh hiện nơi khóe mắt làm mọi người xôn xao... Có cháu tiến gần vuốt ve bàn tay cụ, có con ghé đầu vào tai thỏ thẻ lời yêu thương cuối cùng.

Thời gian này ở Long Beach Convention Center có Pháp hội Di Đà 2014 do ông Hằng Trường tổ chức hàng năm cũng vừa khai mạc nên hai chị tôi cứ thấp thỏm đi đi, về về, dùng dằng giữa gia đình và Pháp hội. Cuối cùng họ lại đi, cô gái lớn tên T. khuyên mẹ hết lời cũng không được nên đành viết thư cầu cứu thầy làm mọi người xót xa cho giờ phút cuối của cụ mà nổi giận.

Dưới đây, xin ghi lại nguyên văn messages trao đổi bằng iphone giữa ông Hằng Trường ở Pháp hội Di Đà với cô cháu gái của tôi ở nhà:

- Thầy thân mến, xin lỗi đã làm phiền thầy lúc này. Trong giờ phút ông ngoại của T. đang hấp hối, cả gia đình quây quần bên giường, y tá cho biết ông sẽ đi bất cứ lúc nào! Vì chữ hiếu, vì tình thương dành cho người cha sắp vĩnh biệt, T. xin đại diện gia đình tha thiết mong thầy giáo hóa mẹ và cô của T. nên quay về bên ông để ông thanh thản ra đi. Vẫn biết buổi lễ của thầy vô cùng quan trọng nhưng những giây phút cuối cuộc đời của một người cha sẽ không bao giờ tìm lại được. Xin thầy khuyên mẹ và cô của T. về ngay bên giường ông. Cảm ơn thầy nhiều...

- Hai bác đã về lâu rồi!

- Thầy ơi, mẹ T. nói là tối nay mới về! Lúc ấy chắc ông không chờ nổi nữa... Ông thương hai cô con gái này lắm. Áp xuất của ông đã xuống đến 76 rồi! Thầy ơi, thầy tìm mẹ và cô của T. giùm và bảo về ngay... Ông không chờ được nữa rồi thầy ơi!

- Ok

- Thầy ơi, thầy ráng khuyên mẹ và cô của T. về ngay nhé! Nếu không gặp được ông ngoại trước khi ông ra đi thì thật là đáng tiếc... Ông đang cố gắng chờ mẹ và cô về để.

- Hai bác có nói là đã về nhà ba lần và hai bác tu cho ông ngoại chứ không phải đi lễ mà thôi. Ở đây hơn 1,500 người đang cầu nguyện hồi hướng cho ông ngoại đó. Trong lúc này dĩ hòa vi quý, tránh xung đột là việc chính yếu.

- Chỉ có thầy nói là mẹ và cô của T. nghe thôi. Bây giờ cả nhà không ai cãi nhau nữa, chỉ biết thay phiên nắm tay ông an ủi cho ông được yên lành ra đi. Cảm ơn thầy và mọi người đang cầu nguyện cho ông nhưng mong là mẹ và cô của T. nghe lời thầy về kịp giây phút này...

- Tất cả chỉ là duyên. Nên khuyên mọi người bình tâm. Không nên lớn tiếng, to tiếng, trong lòng nên nhẹ nhàng, tránh thái độ nóng nảy và dữ dằn khó chịu thì mới dễ chiêu cảm cảnh giới an bình cho ông ngoại.

- Thầy nói rất đúng. Ai cũng thương ông thế nên “tensions” rất nhiều. Bây giờ thì mọi người nhẹ nhàng để ông dễ dàng ra đi. Không biết mẹ và cô của T. đã về chưa?

- Chính sự tranh cãi mới là hành động làm tổn hại con đường vãng sinh. Không phải đề tài cãi vã. The act of discord, quarrel, fighting and blaming is what drowns your grandpa spirit not any person particular. A peaceful atmosphere and forgiveness is what needed most at this time. We did prayed for him here.

- Cám ơn thầy. Ông đã ra đi...

Tôi muốn hỏi ông Hằng Trường, giả sử bố ông đang hấp hối, ông có bỏ đi, tụ tập những người dưng để cầu nguyện và cho đó là phúc đức? Câu nói của Đức Đạt Lai Lạt Ma quả tình đúng đắn vì tu hành không khéo dễ trở thành con người ngu muội. Tu không chùa, ở nhà bạc triệu làm tôi nhớ đến “nường” Thanh Hải vô thượng sư một thời láo lếu thế mà cũng vô số tín đồ.

Quy y Tam Bảo là trở về nương tựa với Phât, Pháp, Tăng nhưng vào thế kỷ 21 này, tự hỏi người đời nên quy y “Nhị Bảo” theo Phật, Pháp thôi chăng? Câu chuyện buồn “Giờ Phút Lâm Chung” của gia đình tôi chỉ là một thí dụ trong hàng nghìn cảnh đời tương tự nên chúng ta cần biết ở trường hợp này, thầy trò cư xử đúng hay sai để chiêm nghiệm. Các bạn nghĩ sao?

12/15/2015

Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm 11702910
Về Đầu Trang Go down
PVChuong
Admin



Posts : 673
Join date : 25/04/2012

Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm   Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Icon_minitimeSat Jan 23, 2016 2:08 pm

Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Images?q=tbn:ANd9GcRSb8gNEqIeVgqqZf44c-A_DCK18xiCqDO5edT0VxDRCykAdH4z2Q

Passport Lên Niết Bàn Vào Giờ Thứ 24

Cao Đắc Vinh


Một ngày có 24 giờ. Đời người là trăm năm. Trăm năm mà giáp với 24 thì sự đời coi như đã xong, an nhiên tự tại đi về thế giới bên kia! Ai cũng phải bước qua cảnh đời vào giờ thứ 24 nhưng khi nhìn lại câu chuyện của Bố tôi nói riêng hay thế gian này nói chung thì thiên hạ thường thấy có điều gì bất ổn vào hồi chung cuộc...

Thời sinh viên bên Pháp, hai mối tình nổi bật nhất trong tâm hồn  tuổi thanh niên mới lớn là tình gia đình và lòng yêu nước. Mỗi năm qua đi, niềm mong ước trở về càng dồn dập cho dù nơi đây, xã hội văn minh cùng hình bóng thiếu nữ phương Tây u ẩn quyến rũ vô ngần... Tôi mang Passport Việt Nam Cộng Hòa ở hải ngoại khoảng thời gian 5 năm đi học, tốt nghiệp, tu nghiệp rồi đi làm cho đến tháng 4, 1975 thì thông hành của tôi hết hiệu lực.

Ở sở tại, có người bạn Đức khuyên tôi nên lấy quốc tịch Pháp với lý do rất thực tế... Nếu cư trú nơi đâu trên 5 năm mà hợp tình hợp cảnh thì nên đổi quốc tịch để đời sống có nhiều phúc lợi hơn vì tình quê hương nằm ở trái tim chứ đâu trên giấy tờ mà sợ mai một! Nghe thì thuận tai hợp lý nhưng thời gian ấy, tuổi trẻ còn đầy nhiệt huyết hăng say nên với tôi, nước Pháp chỉ hợp cảnh chứ chưa hợp tình bởi lòng vẫn luôn canh cánh một ngày về.

Nơi xứ người, những buổi chiều đông cô đơn, điều làm tôi duy nhất lo sợ là chẳng may bố mẹ qua đời mà ở xa không về kịp thì tiếc thương biết làm sao vơi! Cảnh tượng ấy ám ảnh tôi mỗi khi nghĩ đến... Do lẽ đó, tôi có thói quen tự động xin trước visa xuất cảnh đóng dấu sẵn trên passport để tránh trường hợp giấy tờ bị chậm trễ. Sau 75, chính thể Việt Nam Cộng Hòa tan rã thì mất tòa Đại sứ, tôi bắt buộc phải dùng “Titre De Voyage” để ra nước ngoài làm việc. Đó là tấm giấy mầu xanh lá cây kéo ra gấp vào như chiếc accordeon dành cho người nước ngoài cư trú ở Pháp không passport. Mỗi lần đến phi cảng một nước lạ, tôi đều gặp rắc rối với tấm giấy này. Chẳng may ở vào trường hợp phức tạp hơn, cũng bơ vơ không thể nhờ cậy cơ quan nào giúp đỡ nên sau cùng, tôi đành làm đơn xin nhập quốc tịch Pháp.

Vào năm 1978, sẵn quen anh bạn Phú Lang Sa có liên hệ với ông Tổng trưởng bộ Tư pháp Jean Paul Mourot nên họ giới thiệu hồ sơ quốc tịch của tôi với ông Robert Boulin Bộ trưởng bộ Lao Động. Thư từ gởi gấm cấp bộ trưởng mà rồi cũng thất bại với lý do bao năm sống trên đất Pháp tôi không xin, đợi khi ở nước ngoài mới lập hồ sơ thì sự thành tâm hẳn là thiếu sót ngoài điều lệ #61 ghi trong hiến pháp.

Còn lại giải pháp cuối cùng là sử dụng tình yêu cho mục đích... Nếu lấy vợ Đầm, tôi sẽ chính thức trở thành công dân Pháp rồi có passport francais. Trên bến sông Seine, một chiều đông lúc thành phố vừa lên đèn, ngồi ở quán vắng đối diện với người yêu tôi. Nàng có nước da trắng nổi bật giữa đêm tối, mái tóc hạt dẻ từng sợi nhỏ, đôi mắt to in mầu hoàng hôn say đắm nhìn... như chờ đợi lời kết cho một cuộc tình! Nét đẹp hồn nhiên của người con gái Tây phương thật thà như hơi thở sẵn sàng cho phép tôi lợi dụng tình yêu này đổi lấy passport quốc tịch Pháp nhưng hẳn là sẽ thiếu sự thành tâm. Thế là tôi vẫn giữ quốc tịch Việt Nam Cộng Hòa cho đến ngày được mẹ tôi bảo lãnh sang Mỹ.

Bước sang câu chuyện của bố tôi lúc tâm thần cụ đã hoàn toàn sa sút, không thể tự quyết định bất cứ một việc gì thì gia đình lại mời thầy đến nhà ban pháp danh cho cụ. Vì sống gần bố những năm tháng cuối đời nên tôi hiểu cụ đặt nhẹ vấn đề tôn giáo từ khi còn trẻ đến nay tuổi đã trăm năm. Đối với cụ, chùa chiền chỉ để làm cảnh, sư sãi mặc áo cà sa có người đắc đạo có kẻ không nhưng quan trọng vẫn là hành động dựa theo trí tuệ để thích ứng với đạo lý làm người. Cụ không bài bác bất cứ đạo nào chả thế mà các con cụ người theo Tin lành, người xuống tóc quy Phật, cả hai trường hợp cụ thản nhiên không hề đặt câu hỏi. Thời sinh tiền, cụ và tôi rất đắc chí về công việc thờ cúng tổ tiên ông bà chứ không tìm hiểu về những niềm tin tôn giáo kém thực tế.

Gia đình giấu tôi khi mời thầy đến nhà làm lễ đặt pháp danh cho cụ khi biết ngày ra đi vĩnh biệt gần kề! Bệnh hoạn, đau yếu, đầu óc hoang tưởng, hình ảnh cụ ví như “con cắc kè say khói thuốc lào” thì người ta đặt tên cho cụ là Thân Khai Chỉ để ghi vào “Passport Lên Niết Bàn Vào Giờ Thứ 24”. Tôi không có mặt ở buổi lễ nên không biết chính xác những gì đã xảy ra nhưng chắc chắn một điều là sự việc được dàn xếp tổ chức ngoài ý muốn của cụ.

Nếu thực tâm muốn xin vào quốc tịch Pháp thì tôi đã làm đơn từ ngày đầu khi nước mất nhà tan và giống như tôi, hẳn cụ cũng đã tự nguyện lấy pháp danh như mọi người con Phật để được lên Niết Bàn từ lúc tinh thần còn minh mẫn sáng suốt! Ngược lại, tâm thần ngơ ngác như cắc kè say thuốc mà nhận lãnh pháp danh thì thử hỏi gia đình và vị sư hoằng pháp có trách nhiệm gì với bố tôi không?

Không chút sân hận vì nước Pháp đã từ chối đơn xin quốc tịch của tôi sau nhiều thư từ trao đổi cấp bộ trưởng từ tháng 9, 1978 kéo dài đến tháng 8, 1980... Ngược lại, tôi ngưỡng mộ con người đất nước này sáng suốt vì họ đã nhìn thấy sự thiếu thành tâm ở nơi tôi. Người con gái Tây phương ở quán vắng trên bến sông Seine ngày nào, đến nay chắc đã hiểu hành lý của chàng thanh niên xa nhà, ấp ủ nhiều món nợ tình nặng hơn tình yêu đôi lứa nên sẵn lòng tha thứ cho câu chuyện năm xưa chỉ vì vấn đề lương tâm với lòng thành.

Việc đời đã thế! Việc đạo thì sao? Phải chăng lòng từ bi cho phép gia đình và các tu sĩ xưng tội, xưng tên cho những kẻ xắp lìa trần vào giờ phút cuối khi mà thân tâm họ hoàn toàn mất tự chủ? Liệu chúng ta có nên đặt lại câu hỏi, suy xét lòng thành tâm trước khi ban pháp danh bởi vì hình ảnh con cắc kè say thuốc mà nhận tên mới để ghi vào “Passport Lên Niết Bàn Vào Giờ Thứ 24” hẳn là chuyện đi mây về gió có điều gì bất ổn ở ngay lương tâm và hành động...

01/20/2016

Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Cao-ph10
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content





Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm   Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
Mạn Đàm: Cảnh Đời Ở Tuổi Trăm Năm
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Bài hát tặng Phương Uyên & Nguyên Kha
» Chủ nghĩa Cộng sản – Tai họa Trăm năm
» Nghệ Sĩ Lam Phương - Một Đời Thăng Trầm
» Tập Thơ cho Tuổi Trẻ Việt Nam
» Các bệnh của tuổi già

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon  :: ĐỀ TÀI :: Tản Mạn-
Chuyển đến