Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon

Diễn Đàn của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Keywords
nguyet ngắn Trung quang không quynh sáng Saigon ngam thuoc chất chẳng linh trong phải Nhung truyện Nguyen chuyen Chung quốc hoang nhac quan VNCH bich
Latest topics
» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:38 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» qua đi thôi bão nổi
Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Icon_minitimeSat Mar 11, 2023 3:11 am by Admin

» Cụ Hoang Xuân Hãn
Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Icon_minitimeSun May 08, 2022 10:37 pm by Admin

» Giáo dục VNCH - Giáo dục con đường khai phóng
Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Icon_minitimeMon Jan 10, 2022 4:06 am by Admin

» Suy tư về kiếp người - Về Cùng Cát Bụi
Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Icon_minitimeSun Jan 09, 2022 4:25 am by Admin

» AI ĐÃ HẠ GỤC CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN?
Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Icon_minitimeSat Jan 08, 2022 2:41 am by Admin

» NHẠC THIỀN - Cõi Thiền trong Âm Nhạc
Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Icon_minitimeThu Jan 06, 2022 4:11 am by Admin

April 2024
MonTueWedThuFriSatSun
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930     
CalendarCalendar
Affiliates
free forum

Affiliates
free forum


 

 Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc

Go down 
Tác giảThông điệp
P-C
Khách viếng thăm




Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Empty
Bài gửiTiêu đề: Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc    Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Icon_minitimeMon Apr 01, 2013 11:45 am

An Lộc chiến trường đi không hẹn

Viết cho những chiến hữu của tôi đã một thời vào sanh ra tử trên khắp chiến trường sôi bỏng để bảo vệ đất nước.

Phạm Châu Tài




Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Anloc01

Mùa hè năm 1972 đi qua như cơn ác mộng mà khi tỉnh dậy người ta vẫn còn bàng hoàng như đang mê sảng.

Mùa hè đến với những cơn lốc bạo tàn, với những trận cuồng phong kinh hãi, sẵn sàng huỷ hoại tất cả những gì gọi là sự sống của con người, mà những tiếng kêu thương, bi ai thống khổ nhất vẫn còn âm vang cho đến ngàn sau.
Mùa hè đến với bão lửa ngụt trời, bão lửa cuồn cuộn vút lên như hoả diệm sơn bao trùm khắp bầu trời Miền Nam Việt Nam, bão lửa hừng hực thiêu đốt muôn vạn sinh linh đang sống an lành, tự do phía Nam vĩ tuyến 17.

Ðau đớn thay, ác mộng kinh hoàng ấy, cuồng phong và bão lửa ấy lại do chính con người gây nên, con người mang nhãn hiệu Cộng Sản, lãnh đạo bởi một lũ người cuồng tín đã bán linh hồn cho quỷ đỏ đang ngự trị tại Hà Nội.
Người ta được biết, sau khi tiếp nhận sự chi viện khổng lồ không giới hạn về các loại vũ khí và phương tiện chiến tranh tối tân nhất từ phía Cộng Sản Nga – Tàu, Hà Nội điên cuồng tung vào Miền Nam ba cuộc tấn công vũ bão vào Tỉnh Quảng Trị của vùng giới tuyến, vào Tỉnh Kontum của Tây Nguyên và vào Tỉnh Bình Long thuộc miền Ðông Nam Phần.
Cuộc chiến bùng nổ khốc liệt chưa từng xẩy ra từ ngày Cộng Sản phát động cuộc chiến tranh gọi là giải phóng vào thập niên 60. Lửa, máu, nước mắt hoà với bom đạn đã cầy xới và tràn lan khắp quê hương Miền Nam tự do, tuy nhiên Cộng Sản miền Bắc phải trả một giá rất đắt về hành động điên cuồng, dã man của chúng để nhận sự thất bại đắng cay: Quảng Trị vẫn đứng vững, Kontum vẫn kiêu hùng quật khởi và Bình Long vẫn anh dũng hiên ngang phất cao ngọn cờ chính nghĩa.
Trong chiến tranh, tấn công xâm chiếm mà không lấy được mục tiêu, bị thiệt hại nặng nề là thất bại hoàn toàn. Trái lại, phòng thủ quyết tâm chống trả, dù phải chấp nhận ít nhiều tổn thất hy sinh mà vẫn giữ vững phần đất quê hương thì được gọi là chiến thắng.
Với lý lẽ căn bản nêu trên, ba cuộc tấn công của Cộng Sản Bắc Việt vào mùa hè năm 1972 trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà thì Cộng Sản Việt Nam là kẻ chiến bại, và Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà là người chiến thắng.
Phát động tấn công xâm chiếm vào đầu tháng 04 năm 1972, tính đến tháng 09 năm 1972, thiệt hại nhân mạng của Cộng Sản Bắc Việt được ước lượng khoảng 100 ngàn người!
100 ngàn vong linh của những người “sinh Bắc tử Nam” trở thành lũ âm binh lạc loài, vất vưởng tha hương mà gia đình họ không bao giờ biết được.
Giành lấy chiến thắng một cách kinh hoàng và oai hùng nhất trong ba cuộc tấn công của Cộng Sản Bắc Việt vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà có thể nói là chiến thắng Bình Long mà trận chiến vô cùng khốc liệt đã bùng nổ tại Thị Xã An Lộc. Một tài liệu chính thức của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà được ấn hành sau mùa hè năm 1972 đã công bố: “Tại mặt trận An Lộc cuộc tấn công đầu tiên của quân Cộng Sản khởi đầu vào ngày 13-04-1972 bằng toàn bộ của các Sư Ðoàn 5, 7, 9 và Sư Ðoàn Bình Long với tổng số vào khoảng 50 ngàn người”. Cộng Sản ước tính sẽ đánh chiếm An Lộc từ 5 đến 10 ngày và dự trù ngày 20-04-1972 sẽ ra mắt chính phủ “Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam” tại thành phố An Lộc.
Thật vậy, lực lượng Cộng Sản Bắc Việt tại Bình Long, ngoài 4 Sư Ðoàn với quân số mỗi Sư Ðoàn là 10,400 người, còn có một Trung Ðoàn Ðặc Công, 2 Trung Ðoàn Pháo Binh và Phòng Không và hai Trung Ðoàn xe tăng. Hơn nữa, sự bổ sung quân số dễ dàng từ Mimot, Snoul bên kia biên giới Miên là nguồn nhân lực chính mà người ta khó ước tính được con sồ chính xác.




Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  81bcd
81 Biệt Kích Dù

NHẬN DIỆN CHIẾN TRƯỜNG


An Lộc là quận châu thành Tỉnh Bình Long, cách thủ đô Sài Gòn khoảng 100 cây số về hướng Tây Bắc, với diện tích bề dài 1,800 thước và bề ngang đo được 900 thước, một Thị Xã nhỏ bé đìu hiu, chung quanh là rừng cao su ngút ngàn đến tận biên giới. Bình Long có ba quận hành chánh, cực Nam là quận Chơn Thành và cực Bắc là quận Lộc Ninh.
Quốc lộ 13, con đường huyết mạch nối liền từ Lai Khê của Tỉnh Bình Dương đi qua các quận lỵ, xã ấp của Tỉnh Bình Long. Cách An Lộc 18 cây số về hướng Bắc là Lộc Ninh và cách An Lộc 30 cây số về hướng Nam là Chơn Thành.
Từ Chơn Thành xuôi quốc lộ 13 về hướng Nam khoảng 30 cây số là Lai Khê, nơi đặt bản doanh của Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà.
Cơ sở hành chánh và quân sự Tỉnh Bình Long đặt ngay trong quận châu thành An Lộc dưới sự điều hành của viên Tỉnh Trưởng là Ðại Tá Trần Văn Nhựt.
Trước khi trận chiến bùng nổ, quận Lộc Ninh được tăng cường với Trung Ðoàn 9 thuộc Sư Ðoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, một khẩu đội pháo binh đặt tại căn cứ yểm trợ hoả lực Alpha cách Lộc Ninh khoảng 8 cây số về hướng Bắc và một Chi Ðoàn Thiết Giáp thuộc Thiết Ðoàn 5 Kỵ Binh Việt Nam Cộng Hoà. Tại An Lộc, ngoài một số Ðịa Phươhg Quân, Cảnh Sát, và các cơ sở hành chánh Tỉnh mà nhân số không quá 200 tay súng, còn có pháo đội 105 ly, Chi Ðoàn Thiết Giáp, Trung Ðoàn 7 thuộc Sư Ðoàn 5 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà, và Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân. Ðể đánh chiếm Bình Long, Cộng quân cắt đứt quốc lộ 13 từ Lai Khê đi Lộc Ninh, đồng thời phong toả bầu trời Bình Long bằng một hệ thống phòng không để ngăn chặn sự can thiệp của Không Quân Việt Nam Cộng Hoà.




Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Anloc03

TRẬN CHIẾN BÙNG NỔ


Ba giờ sáng ngày 05 tháng 04 năm 1972 Trung Ðoàn Pháo có bí danh E.6 bắn phủ đầu vào các cứ điểm phòng ngự của Trung Ðoàn 9 Bộ Binh do Ðại Tá Trần Công Vĩnh chỉ huy bằng hàng ngàn quả đạn pháo đủ loại, sau đó Cộng quân tung Sư Ðoàn 5 Cộng Sản Bắc Việt có xe tăng yểm trợ bắt đầu tấn công. Mặt khác, Cộng quân sử dụng Trung Ðoàn 272 thuộc Sư Ðoàn 9 Cộng Sản Bắc Việt phục kích quốc lộ 13 từ An Lộc đi Lộc Ninh để tiêu diệt đường rút lui của quân trú phòng.
Mặc dù có sự can thiệp hữu hiệu của Không Quân, căn cứ yểm trợ hoả lực Alpha, phi trường Lộc Ninh và cứ điểm quân sự của Trung Ðoàn 9 Bộ Binh bị tràn ngập sau hơn hai ngày chống trả mãnh liệt. Lộc Ninh được ghi nhận hoàn toàn mất liên lạc lúc 19 gìờ ngày 07-04-1972.
Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh kịp thời nhảy vào An Lộc với hai Tiểu Ðoàn của Trung Ðoàn 8, tăng cường cho mặt phòng thủ phía Bắc Thị Xã ngày 06-04-1972 và tuyên bố tử thủ An Lộc.
Hai tiếng tử thủ lần đầu tiên được nhắc nhở nhiều lần trong chiến tranh Việt Nam qua lời tuyên bố của vị Tướng Tư Lệnh chiến trường, biểu lộ ý chí sắt đá của người chiến binh Việt Nam Cộng Hoà, quyết tâm chiến đấu để bảo vệ, gìn giữ mảnh đất quê hương.
Hai tiếng tử thủ như lời thề cùng sông núi, lời hứa hẹn với tiền nhân đã ra công dựng nước và giữ nước.
Hai tiếng tử thủ đã làm rung động con tim nhân dân miền Nam và cả nước hướng về An Lộc !


Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Anloc02

Tử Thủ

Chiếm xong Lộc Ninh, Cộng quân tiến về phía Nam và bắt đầu tấn kích An Lộc rạng sáng ngày 13-04-1972. Thực ra kể từ ngày 08-04-1972, Cộng Sản Bắc Việt đã dùng pháo binh rót vào An Lộc, Chơn Thành và Lai Khê để cầm chân sự tiếp viện của Việt Nam Cộng Hoà.

LỰC LƯỢNG TĂNG VIỆN CỦA QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HOÀ

Lực lương đầu tiên được tăng viện đến Lai Khê ngày 05-04-1972 là Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù do Ðại Tá Lê Quang Lưỡng chỉ huy gồm ba Tiểu Ðoàn và Pháo Đội Nhảy Dù.
Lực lượng tăng viện thứ hai là Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù do Trung Tá Phan Văn Huấn chỉ huy gồm 4 Ðại Ðội xung kích và 4 toán thám sát.
Ngoài ra, Bộ Tổng Tham Mưu Việt Nam Cộng Hoà quyết định sử dụng toàn bộ Sư Ðoàn 21 Bộ Binh từ vùng đồng bằng sông Cửu Long tăng cường cho mặt trận Bình Long, giải toả quốc lộ 13.
Ngoài quân bộ chiến nêu trên, Sư Ðoàn 5 Không Quân Việt Nam Cộng Hoà đã yểm trợ cho chiến trường từ những ngày đầu chiến sự bùng nổ tại Lộc Ninh với những phi vụ tấn công và yểm trợ xuất phát từ căn cứ không quân Biên Hoà và Tân Sơn Nhất. Hai đơn vị Không Quân của Không Lực Hoa Kỳ có mặt tại Quân Khu III Việt Nam Cộng Hoà là Lữ Ðoàn 7 Kỵ Binh Không Vận và Lữ Ðoàn 1 Không Vận cũng góp phần vào việc yểm trợ cho chiến trường Bình Long một cách đắc lực và hữu hiệu.
Với nhiệm vụ cắt đứt quốc lộ 13 ngăn cản sự tiếp viện của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà từ Lai Khê, Sư Ðoàn 7 Cộng Sản Bắc Việt được tăng cường pháo binh và phòng không tổ chức chằng chịt các vị trí phục kích, chốt chặn, chốt kiềng, giật sập cầu, phá đường mong biến quốc lộ 13 thành một sạn đạo, có đi mà không đường trở lại.
Ngày 12-04-1972, Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù mới đặt chân đến quận Chơn Thành sau 7 ngày chạm trán với Cộng quân để giải toả một khoảng đường không quá 30 cây số.

MỞ MÀN TRẬN CHIẾN TẠI AN LỘC

“Tiền pháo hậu xung” là một chiến pháp dùng để tấn kích một căn cứ quân sự, một đồn binh hay một trại lính có pháo đài, có công sự chiến đấu, có nhiều lớp rào kẽm gai làm chướng ngại vật và hệ thống mìn bẫy giăng mắc chung quanh.
An Lộc không phải là một căn cứ quân sự. An Lộc chỉ đơn thuần là một Thị Xã nhỏ bé, có nhà, trường học, bệnh viện và đường phố tấp nập người đi. An Lộc là một phố thị mà dân cư nhiều hơn lính chiến.
Áp dụng chiến thuật “tiền pháo hậu xung” để đánh chiếm An Lộc, Cộng Sản Bắc Việt đã hiện nguyên hình là loài quỷ đỏ điên cuồng bắn hàng ngàn quả đạn pháo 130 ly, 155 ly, súng cối 120 và hoả tiễn 122 ly vào phố thị đông người để sát hại dân lành vô tội.
Pháo! Loại đạn vòng cầu có tầm phá hủy kinh khủng nhất đã rót liên tục vào Thị Xã, ngày cũng như đêm, pháo từng hồi, từng phút, từng giờ biến An Lộc bỗng chốc trở thành hoả ngục. Nhả cửa, nhà thờ, chùa chiền, cao ốc, bệnh viện tất cả đều thay hình đổi dạng, sụp đổ hoang tàn.
Trú ẩn trong nhà cũng bị thương vong, chạy ra đường cũng chết. Sự chết đau thương và đến bất chợt theo tiếng ầm vang của pháo, theo tiếng gió rít của tầm đạn đi. Sự chết hãi hùng, chết không kịp nhắm mắt, chết không toàn thây, chết vô thừa nhận đầy dẫy khắp nơi trên đường phố. Ngay khi mưa pháo thưa dần và chấm dứt, Cộng quân tung vào trận địa Sư Ðoàn 9 và Sư Ðoàn Bình Long với sự yểm trợ của chiến xa T54.
Tuyến phòng thủ phía Tây Thị Xã do Trung Ðoàn 7 Bộ Binh đảm nhiệm và phía Ðông do Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân án ngữ, chống trả mãnh liệt, khi thì dãn ra, lúc co cụm lại, nhưng vẫn đứng vững, trong khi tuyến phòng thủ phía Bắc do hai Tiểu Ðoàn thuộc Trung Ðoàn 8 vừa đến tăng cường đã bị chọc thủng. Ðặc công, xe tăng và quân bộ chiến Cộng Sản Bắc Việt tuôn vào thành phố như nước vỡ bờ. Ác chiến diễn ra trên thành phố, đạn bay súng nổ, thây người gục ngã, dân lành bồng bế, dìu dắt nhau bỏ chạy, chạy đi đâu để tránh thương vong… Nỗi khổ, nỗi lo và niềm hy vọng mong manh để được sống đã đến với người dân An Lộc sao quá bi thương, sao lắm đọa đầy!
Xe tăng Cộng quân rú gầm nhiều nơi trong thành phố, chạy ngang chạy dọc, tiếng xích sắt ken két nghiến trên đường tráng nhựa hoà lẫn với tiếng nổ ì ầm bắn ra từ đại bác 100 ly trên pháo tháp nhắm vào các cao ốc, và những bức tường nhà hiển hiện trên hướng tiến của chúng.
Trên bầu trời Thị Xã, Không Quân, bất chấp hiểm nguy, nhào lộn và len lỏi qua mạng lưới phòng không, tung ra những tràng đại liên và những quả bom chính xác vào vị trí giặc thù. Bom nổ làm rung chuyển thành phố như cơn địa chấn, từng cột khói đen bốc lên cao cuồn cuộn.
Giây phút nao núng ban đầu khi thấy xe tăng Cộng Sản xuất hiện tan biến nhanh chóng trong lòng những người lính tử thủ. Bây giờ đã đến lúc vùng lên bắn hạ những con quái vật đó, phải biến chúng thành những khối sắt bất động, không còn tác yêu tác quái nữa. Một đoàn 4 chiếc tăng T54 từ hướng Bắc theo đường Nguyễn Trung Trực nối đuôi nhau tiến vào phía sau khu Chợ Mới. Một anh lao công đào binh tạo được công đầu bằng một quả lựu đạn tung vào thùng xăng phụ đèo sau đuôi xe tăng T54. Lựu đạn nổ, xe tăng bốc cháy! Việt Cộng từ trong xe tăng mở nắp pháo tháp chạy thoát ra ngoài bị thanh toán ngay tại chỗ, thây nằm vất vưởng bên thành xe. Chiếc thứ hai xuất hiện sát Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5. Ðại Tá Lê Nguyên Vỹ Tư Lệnh Phó liền bắn một quả M.72 vào chiến xa T54. Vì bắn quá sát nên đạn M.72 không nổ, chiếc T54 bỏ chạy liền bị một chiếc trực thăng Cobra từ trời cao lao mình xuống phóng liền hai trái hoả tiễn trúng chiêc tăng đi đầu nổ tung. Ba chiếc tăng còn lại lúng túng, rú gầm trên khoảng đường bề ngang quá hẹp không xoay sở được, dễ dàng biến thành mục tiêu của hoả tiễn cầm tay M.72 được phóng ra từ quân trú phòng. Bây giờ người ta mới biết sức công phá mãnh liệt của loại hoả tiễn cầm tay M.72, một loại vũ khí chống tăng lợi hại mà bấy lâu nay bị người ta coi thường. Những chiếc tăng T54 đầu tiên bị bắn hạ tạo nên sự phấn khởi dây chuyền trong hàng ngũ quân trú phòng, họ xông vào xe tăng địch như một đợt thi đua lập chiến công. Hai khẩu pháo 105 ly của Thị Xã đặt tại sân vận động cạnh đại lộ Trần Hưng Ðạo hạ nòng bắn trực xạ vào xe tăng Cộng Sản, bắn lật tung pháo tháp xuống đất, bắn đứt xích, gẫy nòng và biến chúng thành những con cua rang muối, hừng hực đỏ lửa. Ðây là hai khẩu pháo cuối cùng của An Lộc đã bắn hết đạn trước khi tắt thở. Và bắt đầu từ đó, sự yểm trợ của hoả lực cơ hữu vào Thị Xã hoàn toàn bất khiển dụng.
Trận đánh khởi đầu từ mờ sáng đến xế chiều dưới ánh nắng chói chan của mùa hè vùng nhiệt đới, dưới sức tàn phá kinh hoàng của đạn bom, mà mỗi giờ mỗi phút đi qua đều mang theo hình ảnh của sự huỷ diệt.
Sự can thiệp của Không Quân gây ít nhiều thiệt hại cho Cộng quân, nhiều chiếc xe tăng T54 bốc cháy ven rừng trước khi vào thành phố.
Ngoài ra, sự xuất hiện của pháo đài bay B.52 được coi như khắc tinh của chiến thuật biển người, đã gây nhiều nỗi khiếp đảm và làm tổn thất nặng nề cho 4 Sư Ðoàn Cộng quân đang bủa vây An Lộc.
Pháo đài bay B.52, một vũ khí chiến lược của Không Lực Hoa Kỳ phát xuất từ Thái Lan và đảo Guam đã can thiệp vào chiến trường Bình Long theo yêu cầu của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hoà thực hiện 17 phi vụ đánh bom, mỗi phi vụ gồm 3 phi cơ bay trên thượng tầng khí quyển mà mắt thường ít khi nhìn thấy, chỉ nghe tiếng ù ù xa xăm của động cơ mà không biết bom sẽ nổ nơi nào. Mỗi phi vụ mang 42 quả bom nặng 500 ký và 24 quả bom nặng 250 ký đồng loạt rơi xuống chính xác mục tiêu đã ấn định. Vài giây đồng hồ trước khi bom nổ, người ta phát hiện tiếng gió rít ghê rợn của hàng loạt bom đang rơi, tiếng rít gió ào ào như trận cuồng phong, như tiếng kêu của tử thần. Bom chạm mục tiêu, nổ hàng loạt, nổ từng chuỗi dài, tiếng nổ làm rung chuyển mặt đất, lửa và khói đen bốc cao, từng luồng khí nóng hừng hực toả ra với vận tốc cực nhanh, 500 thuớc bề ngang và 1,000 thước bề dài trong tầm sát hại của bom rơi, tất cả đều biến thành bình địa.
Trong trận chiến An Lộc, B.52 đã đánh bom, có khi chỉ cách tuyến phòng thủ 900 thước, theo tin tức tình báo được kiểm nhận, có cả một Trung Ðoàn Cộng quân bị biến mất trong lúc bao vây thành phố.
Sau ba ngày đêm chống trả dữ dội, khu vực phía Bắc thành phố, kể cả đồi Ðồng Long, một cao điểm chiến thuật quan trọng đã lọt vào tay giặc. Từ đồi Ðồng Long, Cộng quân quan sát và nhìn rõ mọi hoạt động trong thành phố, hơn nữa nơi dây là cao điểm lý tưởng để tổ chức các vị trí súng phòng không 12 ly 8, đại bác 23, 37 ly và hoả tiễn địa không SA-7 đã khống chế và làm giới hạn sự can thiệp của Không Quân. Tuyến phòng thủ An Lộc càng lúc càng thu hẹp dưới sức ép của pháo binh và tấn công liên tục của Cộng Sản.
Quốc lộ 13 chưa được giải toả, do đó sự tiếp viện bằng đường bộ hoàn toàn bị tê liệt. Sự yểm trợ bằng Không Quân cũng gặp khó khăn. Hơn 80% đồ tiếp liệu như đạn dược, thuốc men và thực phẩm được thực hiện bằng phương tiện thả dù đã rơi vào vùng địch kiểm soát. Những đơn vị cơ giới và pháo binh của An Lộc hoàn toàn bất khiển dụng, phân nửa lực lượng phòng thủ bị loại ra khỏi vòng chiến.
An Lộc đang hấp hối, nhưng chưa tắt thở. Trong tình trạng chiến đấu tử thủ hôn mê đó, An Lộc vẫn củng cố niềm tin vào kế hoạch giải vây sẽ được bùng nổ vào giờ thứ 25. Không, An Lộc không thể chết tức tưởi như Lộc Ninh. An Lộc cần phải được mở một nút thoát hơi để thở. Các nhà lãnh đạo quân sự Việt Nam Cộng Hoà đã khẳng định điều đó và đã dự trù một kế hoạch để đối phó trong tình huống xấu nhất xảy ra để cứu nguy An Lộc!



Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Anloc04

THEO CHÂN ÐOÀN QUÂN MA


Theo kế hoạch giải vây, hai đơn vị thiện chiến được sử dụng đến là Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù và Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù.
Cả hai đơn vị này đều nhảy thẳng vào An Lộc với hai nhiệm vụ khác nhau, một phía trong và một phía ngoài Thị Xã.
Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù sẽ quét sạch hành lang vây khốn bên ngoài chu vi phòng thủ và Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù mở đường máu đánh thẳng vào An Lộc tiếp tay với quân trú phòng bên trong, chiếm lại phân nửa thành phố đã mất.
Người ta nghĩ kế hoạch này là một ván cờ liều, một kế hoạch đánh xã láng, “thí chốt để tiến xe” và những đơn vị thi hành sẽ là những con thiêu thân bay vào ánh lửa.
Ðúng vậy, họ là những con chốt của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, những con chốt đã sang sông và đã nhập cung, trở thành một pháo đài sừng sững trước mặt quân thù.
Ngày 14-04-1972, từ Chơn Thành, Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù và một pháo đội được trực thăng vận vào một địa điểm cách An Lộc bốn cây số về hướng Ðông Nam.
Từ ấp Shrok Ton Cui, Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù chiếm lĩnh cao điểm 176 còn được gọi là Ðồi Gió, đặt 6 khẩu 105 ly dễ yểm trợ cho Bộ Chỉ Huy Lữ Ðoàn cùng Tiểu Ðoàn 5 và 8 Nhảy Dù tiến về hướng An Lộc.
Linh động và bất ngờ là hai yếu tố quan trọng trong binh pháp được Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù khai thắc triệt để trong cuộc hành quân này.
Cộng quân đang bao vây An Lộc bị cú bất ngờ khi thấy lính Nhảy Dù xuất hiện phía sau. Yếu tố bất ngờ đã làm địch quân hốt hoảng, trận đánh đấm máu nổ ra và Nhảy Dù đã chiếm ưu thế, mở được một khoảng trống trong vòng vây kín mít từ phía Ðông Nam hướng về An Lộc.
Cùng ngày 14-04-1972, trong khi Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù được trực thăng vận vào An Lộc thì từ những khu rừng già vùng Tây Nam Xa Mát dọc theo biên giớì Miên Việt, Liên Ðoàn 81 đang hành quân được triệt xuất để trở về Trảng Lớn thuộc Tỉnh Tây Ninh.
Sáng ngày 16-04-1972, Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù được vận chuyển qua Lai Khê bằng trực thăng Chinook CH-46, 12 giờ trưa cùng ngày, khi kho đạn Lai Khê bị đặc công Cộng Sản phá hoại nổ tung là lúc toàn bộ 550 quân cảm tử của Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù sẵn sàng tại phi trường để được trực thăng vận vào An Lộc.
Nắng hè chói chan oi bức, ánh nắng lung linh theo cánh quạt của trực thăng tiễn đưa đoàn quân ma đi vào vùng đất cấm. Ðịa điểm đổ quân là những đám ruộng khô cằn nứt nẻ phía Tây Tỉnh lộ 245, chung quanh là những cánh rừng thưa trải dài theo hướng Tây Bắc, khoảng cách một cây số để đi đến Ðồi Gió.
Phải cần một hợp đoàn 45 chiếc trực thăng đa dụng HU1D với hai đợt đổ quân mới thực hiện xong cuộc chuyển quân, và Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù đã vào vùng hành quân lúc 4 giờ chiều ngày 16-04-1972.
Mở tần số liên lạc với Tướng Lê Văn Hưng trong An Lộc, liên lạc với Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù để biết vị trí quân bạn và nhanh chóng khai triển đội hình chiến đấu, di chuyển về hướng Tây, len lỏi theo đường thông thuỷ giữa hai ngọn đồi Gió và đồi 169. Âm thầm và ngậm tăm mà đi.
Một sự kiện bất ngờ không may xảy đến khi đoàn quân đang di chuyển: một quả bom của Không Quân đánh vào vị trí của Cộng quân lại rơi ngay vào đội hình di chuyển của Biệt Cách Dù, gây thương vong cho một vài binh sĩ, trong đó có Thiếu Uý Lê Ðình Chiếu Thiện. Lập tức trái khói vàng được bốc cao giữa đoàn quân để phi công nhận diện phìa dưới là quân bạn.
Phải mất một thời gian ngắn cho việc tản thương. Hai cố vấn Mỹ, Ðại Úy Huggins và Thượng Sĩ Yearta nhanh chóng liên lạc với Lữ Ðoàn 17 Kỵ Binh Không Vận Hoa Kỳ yêu cầu trực thăng cấp cứu và được thoả mãn. Ðây là hai cố vấn thuộc Lực Lượng Ðặc Biệt Hoa Kỳ vẫn còn chiến đấu bên cạnh Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù khi quân bộ chiến Mỹ đã rút lui khỏi chiến trướng Việt Nam theo kế hoạch “Việt Nam hoá chiến tranh” được thi hành vào năm 1970.
Sự kiện thứ hai xãy đến là sự xuất hiện của 47 quân nhân thuộc Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân từ đồi 169 chạy tuôn xuống, mặt mày hốc hác vì mệt mỏi và thiếu ăn, bị thất lạc và phải trốn trong rừng. Họ đi theo Biệt Cách Dù để trở lại đơn vị gốc trong An Lộc.
Vài tràng súng AK ròn rã nổ ở hướng Ðông, có lẽ địch bắn báo động. Tiếp tục di chuyển, rẽ về hướng Tây Bắc để vào rừng cao su Phú Hoà. Tiếng súng nổ liên hồi, đứt khoảng phía trước. Tiểu Ðoàn 5 Nhảy Dù đang chạm địch. Gặp Tiểu Ðoàn Trưởng Nhảy Dù, Trung Tá Hiếu cười méo miệng, nói như phân trần: “Tụi nó đông như kiến và bám sát tụi “moi” như bày đỉa đói”.
“Tụi nó đông như kiến” đã nói lên thực trạng chênh lệch lực lượng quân sự đôi bên mà phần ưu thế về phía Việt Cộng! Nhưng đã là Nhảy Dù thì phải “cố gắng”, cố gắng cho đến lúc tàn hơi. Ðã là Biêt Cách Dù thì phải chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh cho màu cờ sắc áo của đơn vị.
Hoàng hôn phủ xuống thật nhanh, bóng tối lần lần bao trùm cảnh vật chung quanh. Súng vẫn nổ rải rác từng đợt, từng hồi trong rừng thẳm. Biệt Cách Dù tiến chiếm ấp Sóc Gòn trong im lặng và an toàn vì địch vừa rút ra khỏi đây. Lục soát, bố trí và dừng quân chung quanh ấp trong những công sự chiến đấu đã có sẵn của Việt Cộng. Bóng đêm dày đặc, im vắng.xa xa về hướng An Lộc, đạn pháo ì ầm nổ như tiếng trống cầm canh.
Sự đổ quân ồ ạt của Việt Nam Cộng Hoà về phía Ðông Nam cách An Lộc 4 cây số đồng nhịp với các phi vụ đánh bom B.52 tàn khốc về phía Tây Nam của thành phố đã làm cho Cộng quân hoang mang, hốt hoảng. Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù là lực đối kháng vòng ngoài để thu hút địch quân, đồng thời tạo một lỗ hổng để Biệt Cách Dù xâm nhập vào thành phố sáng ngày 17-04-1972, cùng một thời điểm của Tiểu Ðoàn 8 Nhảy Dù tiếp cận ngoại vi tuyến phòng thủ của Thị Xã về phía Nam cạnh quốc lộ 13.


Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Anloc05

Cộng quân không ngờ Biệt Cách Dù đã lọt vào Thị Xã tiếp hơi cho quân tử thủ và mở cuộc tấn kích ngay đêm đó vào các khu phố mặt Bắc. Với kỹ thuật đánh đêm điêu luyện, thần tốc, khi phân tán, khi hội tụ, Biệt Cách Dù đã giáng lên đầu Cộng quân những đòn sấm sét, đánh không có sự yểm trợ của pháo binh hay bất cứ một loại vũ khí vòng cầu nào, đánh bằng súng cá nhân, bằng lựu đạn, đánh cận chiến bằng lưỡi lê. Ðánh nhau từng căn nhà, từng cao ốc đổ vỡ, chiếm lại từng con đường, từng khu phố trong đêm dài dường như bất tận.
Sáng ngày 18-04-1972, Biệt Cách Dù đã có mặt hầu hết trong các khu phố phìa Bắc Thị Xã và giải thoát gần 100 gia đình cư dân còn kẹt lại trong vùng kiểm soát của Cộng Sản.
Từ các căn nhà xụp đổ bên vệ đường, từng toán Việt Cộng tuôn ra tháo chạy thục mạng về hướng Bắc, vì chúng bị đánh phủ đầu ban đêm, sáng ra nhìn chung quanh nơi nào cũng thấy “lính rằn ri”, loại lính đã hơn một lần chặn đánh chúng trên đường Trường Sơn heo hút mưa bay.
Mặc dù đã chiếm lại toàn bộ khu vực phía Bắc, nhưng vẫn còn một ổ kháng cự mà Cộng quân vẫn cố thủ bên trong, đó là đồn Cảnh Sát Dã Chiến. Biệt Cách Dù tấn công nhiều đợt nhưng vẫn chưa vào được. Hơn nữa, từ đồi Ðồng Long, Việt Cộng dùng đại bác 57 ly, sơn pháo 75 ly và súng không giật 82 ly bắn trực xạ vào Biệt Cách Dù để yêm trợ cho bọn chúng cố thủ bên trong đồn. Cố vấn Huggins của Biệt Cách Dù vào ngay tần số của Lữ Ðoàn 1 Không Quân Hoa Kỳ xin yểm trợ hoả lực. Hai chiếc phi cơ AC.130 Spector bay lượn trên vùng trời An Lộc với cao độ ngoài tầm sát hại của cao xạ và hoả tiễn địa không SA7, bắn từng quả đạn 105 ly hoặc từng loạt 3 quả đạn 40 ly vào mục tiêu yêu cầu được điều chỉnh từ dưới dất. Cuối cùng đồn Cảnh Sát lọt vào tay Biệt Cách Dù vào lúc 4 giờ chiều. Phần nửa thành phố phía Bắc được chiếm lại sau gần 24 tiếng đồng hồ chiến đấu liên tục. Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù yêu cầu Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh điều động quân bạn hai bên cạnh sườn cùng tiến lên ngang hàng với quân Biệt Cách Dù. Sự yêu cầu không được đáp ứng, vì quân số của quân trú phòng đã hao hụt và bất khiển dụng quá nhiều, do đó cạnh sườn của Biệt Cách Dù bị bỏ trống. Lợi dụng sơ hở này, Cộng quân phản công mãnh liệt bằng hai mũi tấn công, mũi thứ nhất đánh trực diện từ hướng đồi Ðồng Long có sự yểm trợ của cối 61 ly, cối 82 ly và sơn pháo 75 ly, mũi thứ hai từ phía Tây đánh thốc vào ngang sườn với quân số khá đông. Trước tình huống phải đối đầu phía trước mặt và phía ngang hông, Biệt Cách Dù phải rút quân về phía khu chợ Mới, tuy nhiên vẫn còn để lại một Ðại Ðội cố thủ trong đồn cảnh sát.
Ðồn cảnh sát đương nhiên trở thành một tiền đồn án ngữ lẻ loi phía Bắc Thị Xã, một tiền đồn bất đắc dĩ mà không thể nào bỏ trống được, và nơi đây là một cái gai mà Cộng quân bằng mọi cách phải nhổ đi, do đó muốn duy trì vị trí chiến thuật quan trọng đó, phải đổ máu rất nhiều. Biệt Cách Dù chấp nhận sự lựa chọn này để giữ vững tiền đồn suốt một thời gian dài.
Sự tham chiến của Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù đã làm cho An Lộc hồi sinh sau cơn mê dài hấp hối, và sự có mặt của Biệt Cách Dù đã mở màn cho những trận đánh ác liệt xảy ra trong lòng Thị Xã.
Ðêm 19-04-1972 Cộng quân sử dụng Trung Ðoàn 141 và Trung Ðoàn 275 có xe tăng yểm trợ tấn công Ðồi Gió sau khi rót vào vị trí này hàng ngàn quả đạn pháo, tiêu diệt 6 khẩu pháo 105 duy nhất của pháo đội Nhảy Dù và tràn ngập Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù của Trung Tá Ðĩnh đang án ngữ tại đây, đồng thời pháo kích dữ dội vào An Lộc để chuẩn bị cho hai mũi tấn công từ hướng Tây và hướng Bắc thành phố. Trận đánh kéo dài suốt đêm, tuyến phòng thủ vẫn đứng vững trước chiến thuật biển người của Cộng Sản. Riêng khu Bắc Thị Xã, Biệt Cách Dù và Cộng quân giao tranh ác liệt, có khi chỉ cách nhau một con đường bề ngang 4 thước trong tầm ném tay của lựu đạn.
Mất đồi Gió, một cao điểm quan trọng nằm bên ngoài phạm vi phòng thủ với 6 khẩu pháo 105 ly còn lại duy nhất để yểm trợ, An Lộc càng lúc càng thấy cô đơn trong mênh mông bão lửa. Môt số quân của Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù do Trung Tá Ðĩnh chỉ huy chạy thoát về sông Bé hướng Ðông, vả được trực thăng cứu cấp bốc về Lai Khê tái huấn luyện và bồ sung quân số chờ ngày phục hận.
Cuộc chiến giảm dần cường độ vì sự thiệt hại của hai bên công – thủ.
Bên ngoài phạm vi phòng thủ, Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù đã là một thành đồng vững chắc án ngữ mặt Ðông Nam, bên trong thành phố, Biệt Cách Dù mở cuộc tấn công đêm liên tục, đánh phá những vị trí Cộng quân chiếm giữ, làm cho chúng ăn không ngon, ngủ không yên. Ngoài ra sự oanh tạc của B.52 gần An Lộc đã gây tổn thất rất nhiều cho địch quân, tuy nhiên mức độ pháo kích của Cộng quân vẫn đều đặn rót vào An Lộc khoảng 2,000 quả đạn mỗi ngày.
Bên phố chợ, người dân ngậm ngùi nhìn thấy những nấm mồ của tử sĩ Biệt Cách Dù mỗi ngày một nhiều hơn. Họ đánh nhau hằng đêm và hì hục chôn xác bạn bè hằng đêm trong mưa pháo tuôn rơi, khi mặt trời chưa thức giấc. Sống, chiến đấu bên nhau trong cuộc hành trình gian khổ để tiêu diệt quân thù trên khắp nẻo đường đất nước, lòng thuỷ chung và tinh chiến hữu keo sơn chan hoà thắm thiết khi có người nằm xuống, vĩnh viễn ra đi. Hình ảnh nghĩa trang Biệt Cách Dù đã nói lên điều đó.



Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Anloc06

AN LỘC, CHIẾN TRƯỜNG ÐI KHÔNG HẸN


Theo lời cung khai và thú nhận của tù hàng binh Cộng Sản mà Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà bắt được, có ba thứ mà cán binh Cộng Sản lo sợ khi vượt Trường Sơn để xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà. Thứ nhất là B.52, thứ nhì là Biệt Kích số 81, và thứ ba là chạm súng với quân Nhảy Dù. Cả ba thứ đó đều hiện hữu và có mặt tại chiến trường An Lộc.
Liên Ðoàn Biệt Cách Nhảy Dù, dân Miền Nam thường gọi tắt là Biệt Cách Dù, Việt Cộng gọi là Biệt Kích số 81, thực ra là đơn vị Tổng Trừ Bị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà, với quân số khiêm nhường trên bảng cấp số là 916 người, được đào tạo và huấn luyện thuần thục về chiến thuật phản du kích trong chiến tranh ngoại lệ, nhảy toán, thám sát, đột kích, bắt cóc tù binh, đánh phá vào các cơ sở hậu cần của địch. Nhảy vào lòng đất địch để chiến dấu bằng phương tiện nhảy dù, nhưng phần lớn bằng trực thăng vận, âm thầm hoạt động trong vùng khu chiến, cách biệt xa tầm yểm trợ của pháo binh. Bước chân của người chiến binh Biệt Cách Dù đã lần lượt đi qua các chiến trường sôi động một thời vang danh quân sử.
Từ Làng Vei, A Sao, A Lưới, Tà Bạt, Khe Sanh, Lao Bảo quanh năm sương mờ bao phủ của vùng biên giới Việt Lào, vượt lên phương Bắc hoả tuyến với Mai Lộc, Cam Lộ, Ðông Hà, Quảng Trị và xuôi về vùng núi rừng cận duyên của Tam Quan, Bình Ðịnh, Bồng Sơn, An Lão. Ði miệt mài, hành quân không ngơi nghỉ để về Tây Nguyên với Boloven hùng vĩ, đổ xuống Tam Biên, đi Tân Cảnh, Diên Bình và tạm dừng chân, nâng chén quan hà bên bờ sông Dakbla nước chảy ngược dòng của chiến trường Kontum mịt mờ bụi đỏ. Tây Ninh nắng cháy nung người không làm nao lòng chiến sĩ, Bình Giả, Ðồng Xoài nặc nồng mùi tử khí. Khi chiến trường im tiếng xung phong thì bước chân của người chiến binh Biệt Cách Dù vẫn còn dong ruổi trong cuộc hành trình vô định.
Vào An Lộc, chiến trường nặng độ với trung bình mỗi ngày hơn hai ngàn đạn pháo, chiến trường cô đơn khi tổn thất của quân tử thủ mỗi lúc một gia tăng, đánh đêm đánh ngày, dằng dai khi công, khi thủ ròng rã kéo dài suốt tháng.
Cứ mỗi lần Cộng quân gia tăng cường độ pháo kích vào thành phố lả để chuẩn bị cho cuộc tấn công bằng bộ binh ngay sau đó.
Ðêm 04-05-1972, Cộng quân ồ ạt tấn công vào phòng tuyến phía của Biệt Cách Dù.
Ở thế công thì dù sao cũng có ít nhiều sơ hở nhưng khi Biệt Cách Dù ở vào thế thủ thì một con kiến cũng khó lọt qua. Lựu đạn, mìn thi nhau nổ, AK, súng máy rít vang trời. Trận đánh kéo dài đến sáng tỏ trời. Xác địch nằm la liệt, ngổn ngang bên ngoài phòng tuyến. Lần đầu tiên trong trận địa chiến, Biệt Cách Dù tịch thu được 2 khẩu súng phun lửa do Trung Cộng sàn xuất. Trong túi áo của mỗi xác chết đề có mang theo một mảnh giấy nhỏ bề ngang 5 phân, bề dài 20 phân với câu viết ngắn gọn :”Quyết tâm bắt sống Sư Trưởng Sư Ðoàn 5, dựng cờ chiến thắng”. Thì ra bọn này có học tập trước khi lao mình vào tử địa.
Ngày 10-05-1972, Cộng quân bắt đầu pháo kích dữ dội từ 5 giờ sáng, pháo liên tục dòng rã suốt ngày. Người ta đếm có hơn 8,000 quả đạn pháo rơi xuống thành phố. Nhà cửa đã hoang tàn lại thêm hoang tàn. Người ta tiên liệu một cuộc tấn công lớn của Cộng quân sắp xãy ra và trận đánh lớn nổ tung lúc 5 giờ sáng ngày 11-05-1972 với toàn bộ lực lượng còn lại của 4 Sư Ðoàn đang vây hãm An Lộc.
Ðịch ồ ạt tiến vào thành phố từ nhiều phía. Tuyến phòng thủ phía Ðông Bắc của Biệt Ðộng Quân bị thủng, một số Cộng quân lọt vào Ty Chiêu Hồi. Xe tăng T54 xuất hiện nhiều nơi trong thành phố, có chiếc tiến lại gần bản doanh tử thủ của Tướng Lê Văn Hưng và bị bắn cháy. Xe tăng và quân bộ chiến của Cộng Quân bị chặn đứng tại phòng tuyến của Biệt Cách Dù. Trời sáng tỏ và trận đánh trở nên ác liệt. Phòng tuyến phía Tây của Trung Ðoàn 7 Bộ Binh bị thủng và co cụm lại thành từng ổ kháng cự chung quanh Tiểu Khu. Không Quân can thiệp kịp thời, dội bom bên ngoài, bắn phá bên trong thành phố. Xe tăng của Cộng Sản và bộ đội không phối hợp chặt chẽ với nhau khi tấn công vào thành phố, do đó nhiều chiếc xe tăng chạy lạc đường, bị lẻ loi, dễ bị tiêu diệt. Quân trú phòng nhảy ra khỏi vị trí chiến đấu để săn đuổi xe tăng như thợ săn đang săn đuổi con mồi. Ðây là lần thứ hai xe tăng địch đã vào thành phố để biến thành những khối sắt bất động. Ðơn vị nào cũng bắn cháy được xe tăng, kể cả một số ít Ðịa Phương Quân còn lại cũng hăm hở diệt tăng với khẩu M.72 lần đầu tiên được sử dụng. Trận đánh tàn dần lúc 3 giờ chiều với sự thiệt hại nặng nề của Cộng quân. Người ta đếm được 40 xác chiếc xe tăng rải rác đó đây trong thành phố và ngoài tuyến phòng thủ, không kể đến hàng loạt thi thể không toàn vẹn của những người lính đến từ phương Bắc xa xôi. Tuy nhiên An Lộc vẫn còn nằm trong khả năng pháo kích ngày đêm của Cộng Sản, An Lộc vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề của lực lượng bao vây khi quốc lộ 13 chưa được giải toả.
Sư Ðoàn 21 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hoà với nhiệm vụ giải toả quốc lộ 13, mặc dù tiến quân chậm và vững chắc cũng bị thiệt hại nhiều.



Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Anloc07

Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù đã lấy lại sinh lực sau lần thất bại tại Ðồi Gió đã trở lại tham chiến và là đơn vị đầu tiên của lực lượng giải toả tiến về An Lộc sau bao trận đánh phục thù ven quốc lộ 13.
Ngày 08 tháng 06 năm 1972 lúc 5 giờ chiều, Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù đến Xa Cam bắt tay vói Tiểu Ðoàn 8 Nhảy Dù do Trung Tá Ðào Thiện Tuyển đang án ngữ tại đây. Xa Cam, cửa ải địa đầu cực Nam An Lộc, khoảng 2 cây số nằm ven quốc lộ 13, một đồn điền với rừng cao su ngang dọc thẳng tắp đã trở thành chiến địa mà Tiểu Ðoàn 8 Nhảy Dù “nhất kiếm trấn ải” tung hoành trong suốt thời gian gần hai tháng để chiến đấu sống còn với lực lượng địch quân có quân số và hoả lực đông và mạnh gấp nhiều lần.
Cái bắt tay của Tiểu Ðoàn 6 Nhảy Dù với Tiểu Ðoàn 8 Nhảy Dù như một tiếng sấm vang trời trong cơn mưa tầm tã báo hiệu trời quang mây tạnh sẽ đến. Những người lính Nhảy Dù truyền hơi ấm cho nhau, mỉm cười với ánh mắt long lanh tin tưởng vào ngày tàn của Cộng quân trong chiến trường An Lộc.
Ngày 10 tháng 06 năm 1972, Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù tung toàn bộ lực lượng quét sạch tất cả các ở kháng cự của Cộng quân trong các khu phố phía Bắc Thị Xã, bắt được một tù binh đang thúc thủ dưới hầm sâu. Ðây là một tên bộ đội thuộc Sư Ðoàn 5 Cộng Sản Bắc Việt, sau hơn 6 tháng vượt Trường Sơn để bổ sung cho chiến trường với nhiệm vụ “anh nuôi”. Anh nuôi là tiếng của Việt Cộng dùng để chỉ những tên lính chuyên lo việc bếp núc, nấu ăn cho đơn vị. Gương mặt hốc hác vì hoảng sợ, nước da xanh như tầu lá vì thiếu ánh nắng mặt trời và tay chân hơi run rẩy vì thiếu ăn, Tên bộ đội lắp bắp khai: “Ðơn vị hết người chiến đấu vì bị chết quá nhiều, cho nên Thủ Trưởng bắt buộc em cầm súng ra trận. Em chưa bắn một phát nào, đến đây đã được ba ngày cứ lo đào hầm để tránh bom”. Lời cung khai của tên bộ đội khoảng 18 tuổi với gương mặt non choẹt còn phơn phớt nét thơ ngây của tuổi học trò đã nói lên tình trạng tổn thất bi đát của lực lượng Cộng quân sau gần 2 tháng bao vây và tấn công mà không chiếm nổi An Lộc.
Ngày 12 tháng 06 năm 1972, Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù tái chiếm đồi Ðồng Long, một cao điểm quan trọng nằm sừng sững phía Bắc, cách An Lộc khoảng 500 thước.
Lực lượng tấn công tái chiếm đồi Ðồng Long gồm Ðại Ðội 2 Xung Kích do Ðại Úy Nguyễn Sơn chỉ huy, Ðại Ðội 3 Xung Kích do Ðại Úy Phạm Châu Tài chỉ huy, và 4 toán Thám Sát do Trung Úy Lê Văn Lợi chỉ huy. Biệt Cách Dù chia làm 3 mũi, bọc trái, bọc phải và chính diện hưóng về mục tiêu trước mặt có cao độ 128 thước. Họ xuất quân và đến lưng chừng đồi lúc nửa đêm, đồng loạt xung phong khi hừng đông vừa ló dạng chân trời. Bị đánh bất ngờ và vô cùng táo bạo, lựu đạn tung vào hầm trú ẩn, đạn bắn xối xả vào công sự chiến đấu, những tiếng hét xung phong vang dội một góc trời. Ðịch quân chủ quan và còn mê mệt trong tình trạng ngái ngủ, trở tay không kịp, khoảng hốt bỏ chạy không có thì giờ xỏ chân vào đôi dép râu, nói chi cầm đến khẩu súng để chống trả.
Một số chạy thoát vào rừng để lại sau lưng chiến địa còn nặng mùi khói súng với nhiều xác chết vương vãi đó đây.
Ðột kích là phương pháp tấn công vô cùng táo bạo, đánh nhanh, đánh mạnh với hoả lực tập trung tối đa được Biệt Cách Dù áp dụng trong thời điểm bất ngờ nhất làm cho địch không có thì giờ xoay trở.
Trung Úy Lê Văn Lợi hãnh diện cắm lá Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hoà trên đỉnh đồi Ðồng Long.
Quốc Kỳ rực rỡ căng gió phất phới bay trên nền trời xanh biếc của mùa hè vùng bão lửa. Ðám mây mờ bao phủ vùng trời An Lộc bấy lâu nay lần lần tan biến. Trung Tá Phan Văn Huấn, con chim đầu đàn của Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù, vào tần số liên lạc với các cánh quân Biệt Cách Dù đang có mặt trên đỉnh đồi Ðồng Long, giọng cảm động, ông nói : ”Chúng ta đã chu toàn nhiệm vụ cao cả nhất mà quân đội đã giao phó, nhiệm vụ phải trả bằng xương máu của các anh em, của các tử sĩ Biệt Cách Dù đã nằm xuống. Tôi thành thật ca ngợi lòng dũng cảm của anh em trong chiến tích hôm nay”.
Chiếm xong đồi Ðồng Long, Biệt Cách Dù truy kích, lục xoát xung quanh, và phát hiện một căn hầm sâu ven rừng, có tiếng động khả nghi bên trong. Tất cả họng súng đen ngòm hướng vào miệng hầm chờ đợi như con hổ rình mồi. Có tiếng hét lớn từ trong đám lính:
- Chui ra ngay, đầu hàng ngay, tao tung lựu đạn vào chết cả đám bây giờ!
- Khoan, dừng tay, coi chừng bắn lầm vào dân! Tiếng nói khẩn cấp của người chỉ huy từ xa vọng lại. Tất cả đều chờ đợi. Bước lại gần miệng hầm, người chỉ huy nói to:
- Chúng tôi là lính Việt Nam Cộng Hoà. Ai trốn trong hầm thì chui ra mau.
Câu nói được lập lại lần thứ hai. Có tiếng thút thít bên trong hầm vọng ra.
- Ra di, chui ra đi, không sao đâu!
Tiếng người lính thúc dục. Tiếng động bên trong rõ dần. Những ánh mắt long lanh của những chiến binh Biệt Cách Dù chùng xuống khi thấy hai em bé gái 9, 10 tuổi lê lết tấm thân tàn, chậm rãi bò ra khỏi căn hầm trú ẩn.
- Trời ơi! Hai đứa bé gái! Ba má các em đâu, sao lại như thế này? Còn ai trong đó không?
Người chỉ huy nắc nghẹn giọng nói. Hai em bé mặt mũi lem luốc, mắt mờ đẵm lệ, thân mình khô đét như hai bộ xương biết cử động, chỉ lắc đầu sau những câu hỏi dịu dàng của người chỉ huy Biệt Cách Dù. Hai em bé đã tránh bom đạn trong căn hầm này bao lâu rồi, một tháng, hai tháng, lấy gì ăn để sống đến nỗi thân thể phải xác xơ như thế này!
Ôi chiến tranh! Chiến tranh tàn khốc mà người Cộng Sản đã mang đến cho dân tộc mình như thế đó.

AN LỘC ÐỊA SỬ LƯU CHIẾN TÍCH



Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Ld81bcnd1


An Lộc địa sử ghi chiến tích,
Biệt Cách Dù vị quốc vong thân

Kể từ ngày cắm lá Quốc Kỳ trên đỉnh Ðồng Long, Biệt Cách Dù bung ra khỏi thành phố và án ngữ trong các khu rừng phía Bắc An Lộc. Thành phố tuy sạch bóng quân thù, nhưng mức độ pháo kích vẫn còn rời rạc, vô chừng.
An Lộc đã được giải toả trong điêu tàn và đổ vỡ! An Lộc sụp đổ hoang tàn trong cái hình hài đấy vết đạn bom, nhưng An Lộc đã đi vào huyền thoại của những người tử thủ.
“An Lộc địa sử ghi chiến tích,
Biệt Cách Dù vị quốc vong thân”
Trong hoang tàn và đổ vỡ của một thành phố đã chịu đựng sức tàn phá hãi hùng của đạn bom, hai câu thơ của cô giáo Pha được Biệt Cách Dù cứu thoát khi bị thương, được khắc trên đài tưởng niệm trước nghĩa trang bên phố chợ đìu hiu, mà trong đó 68 nấm mồ của tử sĩ Biệt Cách Dù được chôn vội vã từng đêm khi chiến trận tàn khốc xảy ra đã làm mủi lòng dân cả nước với lòng ngưỡng mộ và niềm xúc cảm vô biên.
Sau khi đồi Ðồng Long được tái chiếm, thành phố An Lộc xem như được giải toả, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Ðoàn 3 lần đầu tiên đến thăm An Lộc và Trung Tá Phan Văn Huấn, Chỉ Huy Trưởng Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù, là người đầu tiên được vinh thăng Ðại Tá tại mặt trận. Tác giả Sao Bắc Ðẩu, trong cuốn “Một ngày trong An Lộc”, trang 296 và 297 đã ghi lại việc thăng cấp như sau:
“Một ông Ðại Tá mặt trận”
Trung Tướng Minh cẩn thận giải thích rằng không phải chỉ riêng Trung Tá Huấn, Chỉ Huy Trưởng Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù là có công, là xứng đáng được tặng thưởng. Sở dĩ ông cẩn thận như vậy là ngại có người sẽ hỏi: “Tại sao chỉ một mình Trung Tá Huấn được thăng cấp tại mặt trận?”. Tướng Minh cẩn thận như vậy cũng phải, nhưng trên thực tế, không ai có ý phân bì với tân Ðại Tá Huấn cả. Những người lính Biệt Cách của ông đã chiến đấu hơn một người lính và đã giúp đỡ dân chúng hơn một cán bộ Chiến Tranh Chính Trị.
Chính một binh sĩ của Tiểu Ðoàn 2 Nhảy Dù đã xác nhận với chúng tôi rằng đó là “những người lính tuyệt”. Một người khác kể lại rằng nếu không gặp lính Biệt Cách thì hai đứa trẻ nằm trong hầm 70 ngày đã chết vì lựu đạn. Anh này khẳng định:
- Miệng hầm trông khả nghi lắm. Lại nghe văng vẳng có tiếng động. Gặp người nhát là phải tung lựu đạn trước khi xuống.
Nhưng những anh Biệt Cách của Ðại Tá Huấn đã không tung lựu đạn xuống. Họ kiên nhẫn nằm trên miệng hố rình rập vì họ nghĩ rằng dù có lính Bắc Việt phía dưới thì những người này cũng đói lả không còn sức kháng cự nữa. Cuối cùng họ đã cứu sống được hai em nhỏ, nạn nhân chiến cuộc.
Tôi hỏi vị Ðại Tá tân thăng:
- Người ta nóí với chúng tôi rằng dân chúng An Lộc lập một nghĩa trang riêng để chôn những tử sĩ của Ðại Tá. Xin Ðại Tá cho chúng tôi hiểu rõ vì lý do nào, ngưòi lính Biệt Cách lại có một tác phong đặc biệt đối với dân chúng như vậy?
- Tôi thiết tưởng điều này cũng dễ hiểu. Anh nghĩ coi, từ trước đến nay, lính Biệt Cách chúng tôi chỉ nhảy từng toán 5 người vào tác chiến sau lưng địch. Nói một cách khác, chúng tôi đã quen sống với thái độ thù địch của dân chúng trong vùng chiến dấu. Ðây là lần đầu tiên chúng tôi là bạn chứ không phải là thù, dân chúng giúp đỡ chứ không chống lại chúng tôi”.
Biệt Cách Dù nhảy vào An Lộc ngày 16-04-1972 và rời khỏi An Lộc ngày 24-06-1972. tình ra đúng 68 ngày tham chiến.
68 ngày tử chiến với 68 Biệt Cách Dù hy sinh và trên 300 bị thương, trong mưa pháo kinh hoàng, ngày cũng như đêm không tròn giấc ngủ, đục tường, khoét vách, đào hầm để giành lại từng tấc dất trong tay quân thù. Chiến đấu trong từng căn nhà, từng khu phố, từng đoạn đường lỗ chỗ hố bom, vùng lên diệt xe tăng cũng như đồng loạt truy kích khi địch đã tàn hơi, và cuối cùng cắm lá Quốc Kỳ trên đỉnh Ðồng Long tượng trưng cho sự chiến thắng, hình ảnh người chiến binh Biệt Cách Dù mãi mãi sống trong tâm hồn người dân An Lộc, hình ảnh dũng cảm, can trường biểu tượng cho sự chịu đựng bền bỉ, sức chiến đấu hào hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.



Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Anloc09

48 giờ sau khi rời khỏi chíến trường An Lộc, ngày 26-06-1972, Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù đã có mặt tại miền hoả tuyến để tham gia chiến dịch “ba tháng vùng lên tái chiếm Quảng Trị”. Còn giặc thù, còn chiến trường, người chiến binh Biệt Cách Dù vẫn còn xông pha tiến bước, dù một lần sảy chân nằm yên trong nghĩa trang hiu quạnh thì đó cũng là một điều vinh quang cho người chiến sĩ để báo đền ơn Tổ Quốc.

Phạm Châu Tài

Về Đầu Trang Go down
LHSon
Khách viếng thăm




Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Empty
Bài gửiTiêu đề: Hai tháng tử thủ An Lộc    Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Icon_minitimeWed Apr 03, 2013 1:57 am

Hai tháng tử thủ An Lộc

Đỗ-đức-Thịnh

Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Image15

Những ngày cuối tháng tư ở Boise khi hậu ấm lạ thường. Ánh nắng sáng chan-hoà trên khắp vạn vật nhờ ở hiện-tượng El Nĩno đã xoa đi khí lạnh của mùa Đông, đây đó trong vườn những khóm hoa Locust, Daffodills, Tullips đã nở rộ khoe sắc thắm và lũ ong bướm đi về báo hiệu Xuân sang. Tháng tư trong tôi có nhiều kỷ-niệm quá, kỷ niệm êm đềm cũng như những cay đắng ê chề của người lính VNCH vào ngày cuối của tháng tư năm 1975, hay nhớ xa hơn 3 năm nữa, vào tháng tư năm 1972 là ngày Liên-Đoàn 81/BCND chúng tôi tiến vào An-Lộc để phản-công và giải tỏa thành phố đang bị xâm chiếm bởì Việt-Cộng. Đã 26 năm qua, tuổi đời dài theo năm tháng, tóc đã điểm muối tiêu, trên khuôn mặt đầy thêm những vết nhăn nhưng hình ảnh của trận chiến An-Lộc vẫn không xóa nhoà trong tâm tưởng. Tôi xin được trở lại thời gian xa xưa ấy để viết lên vài giòng gửi đến các bạn, xin hãy cùng tôi nhớ về thành phố An-Lộc để tưởng niệm đến những người dân, người lính đã nằm xuống trong thành-phố nhỏ ấy và nhất là 68 đồng đội của chúng tôi đã gác súng tại chiến trường với bia đề do cô giáo Pha cảm tặng.


"An-Lộc địa sử ghi chiến-tích
Biệt Cách Dù vị quốc vong thân"

Ngày 16/4/72 đơn vị chúng tôi còn đang hành quân xâm nhập toán thám sát ở vùng Đầu Chó giáp biên giới Miên, căn cứ hành quân đóng tại phi trường Trảng-Lớn Tây-Ninh. Các toán thám sát phát hiện nhiều chiến xa địch đang di chuyển trong vùng. Những điểm nóng đó được báo cáo về bộ chỉ-huy, quân đoàn III và bộ TTM. Tại trung tâm hành quân, sau khi chấm toạ độ dừng quân của các toán trong rừng, tôi và mấy thằng bạn xin phép ra phố Tây-Ninh ăn trưa và mua một vài vật dụng cá-nhân. Đang lang thang trong thành phố dưới cái nóng nung người đột nhiên một chiếc xe jeep ngừng ngay chỗ chúng tôi, trên xe có đại-úy Nguyễn Sơn. Lệnh của anh Sơn:
-Mấy anh lên xe về căn cứ gấp, có lệnh hành quân mới
-Cho tôi mua thêm hai cuốn phim nữa mà mình đi đâu vậy đại úy? Tôi hỏi.
-Về căn cứ sẽ biết.

Chiếc xe jeep đảo thêm vài vòng trên các con đường chính và gom được thêm vài ba đứa nữa, nhíp xe đã oằn xuống vì sức nặng và chỗ ngồi cũng chật cứng đại úy Sơn mới lái về phi trường Trảng-Lớn. Tại đây các Đại-Đội, bộ Chỉ-Huy, Liên Toán Thám Sát đang tập họp điểm danh quân số. Sau đó trong lều thuyết trình hành quân tôi được biết Liên-Đoàn 81/BCND sẽ vào An-Lộc để giải vây. Theo dõi báo cáo hành quân tôi được biết Lộc-Ninh đã thất thủ 9 ngày trước đó, quốc lộ 13 đã bị Việt Cộng kiểm soát từ phía Nam của Lộc Ninh và cắt đứt giao-thông từ phiá Nam của thị xã An-Lộc. Tự nhiên tôi có cái linh-cảm trước sự thử thách gay go, những gian nguy trước mặt. Đơn vị chúng tôì là đơn-vị được hành quân trong cuộc chiến bất qui-ước gồm các toán nhỏ được thả vào các mật khu an-toàn của VC để thu thập tin-tức, bắt cóc các VC đi lẻ tẻ hay chỉ điểm cho các phi-pháo, B52 v.v... Khi có đầy đủ tin tức và lượng sức mình, đơn vị sẽ mở cuộc đột kích chớp nhoáng, quân số đột kích có thể từ Trung-Đội, Đại-Đội hay Tiểu-Đoàn Trừ như lần phục kích đoàn xe 8 chiếc của Việt-Cộng ở thung-lũng Ashau vào tháng 4 năm 1968. Nay đơn vị được chỉ-định vào cuộc chiến đại qui mô nên tôi cũng phân vân, giao-động đôi chút. Nhưng các bậc đàn anh của tôi đã dự trận Cây Quéo, Cây Thị ở Gia-Định vào năm 68 với chiến thắng vẻ vang trong chiến thuật tác chiến trong thành phố đã cho tôi niềm tin vững mạnh. Cũng ngày hôm ấy tôi được lệnh khỏi phải làm bảng tổng kết hành quân để gửi về Bộ TTM. TS1 Trịnh Dân ở trại Bắc-Tiến sẽ đúc kết công việc tôi đang làm. 8 toán thám sát đang hoạt động trong vùng địch được lệnh tìm bãi đáp để triệt xuất và sẽ vào An-Lộc sau với Chỉ-Huy phó là trung-tá Trần-phương-Quế (ngày 20/4 khi các toán này cùng Tr/tá Quế đến được Lai-Khê, họ nhận được lệnh của tr/tá Huấn chỉ thị cho các toán này trở về hậu cứ ở Trung-Chánh). Căn cứ hành quân ở Trảng Lớn sẽ được đại-đội chỉ huy yểm trợ tháo gỡ và chuyên chở về trại Bắc Tiến...

Chúng tôi được cấp phát thêm khẩu phần lương khô, đạn dược và mỗi toán 40 quân nhân được trực thăng vận bằng máy bay Chinook đến Lai-Khê. Tiếng cánh quạt chém phần phật vào không khí, thêm vào những giao động của phi cơ đang chao đảo trên không, những nét mặt ưu tư của người lính chiến tạo nên một sự chờ đợi căng thẳng. Sự ngột ngạt ấy đã được đánh tan bằng một bản nhạc quân hành do bạn nào đó cất giọng: "Đây khúc ca vang nơi quân-trường đầy hào hùng, vai ghé vai ta thi tài trong tình quân ngũ, đường còn dài nhưng chân cứng đá mềm.1..2..3..4..1..2..3..4.." Đã từ lâu lắm nay tôi mới được hát và nghe lại một nhạc khúc quân-hành, những khuôn mặt khắc khổ và thân thương trong giây phút ấy được ghi nhận trong ánh mắt của những ngườì lính chiến và sẽ còn mang mãi cho đến ngày cuối đời. "Thao trường đẫm mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu, cố lên, cố lên dù nhọc nhằn đem mồ hôi pha máu hồng viết vào sử xanh...."

Tại phi trường Lai Khê chúng tôi lại chia thành toán 10 ngườì rải dọc dài theo phi đạo để chờ phi đoàn trực thăng Việt-Nam bốc vào An-Lộc. Cái nắng nóng không một ngọn gió vào 2 giờ trưa thật tai ác, nhìn phi đạo dài với hơi nóng hun hút bốc lên, mặt nhựa đường chẩy dính và nhất là chẳng có một bóng mát khả dĩ nào cho mình tạm trú. Mở bi đông xấp nước ướt vào khăn mặt xong phủ lên đầu tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Chợt hai tiếng nổ long trời và hai cuộn khói đen bốc lên cao bên kia rừng cao su. Qua máy truyền tin tôi được biết kho đạn ở Lai-Khê đã bị đặc công VC phá huỷ. Tiếng rè rè ở ống liên hợp máy truyền tin ngưng bặt và có lệnh cho chúng tôi sẵn sàng, trực thăng sẽ đến trong vòng mười phút nữa. Tôi mừng quá vì ít nhất mình sẽ hưởng được chút nào gió mát khi trực thăng cất cánh. Chúng tôi lên tầu rất nhanh vì đã quá quen thuộc với chiếc trực thăng UH1B này. Tôi và con nhà Lễ (TS1) ngồi phía trái của trực thăng thả hai chân ra ngoài cho gió đong đưa thật thú vị. Đoàn trực thăng bay ở cao độ thấp, 20 đến 30 mét trên đồn điền cao su dài và xanh thẩm. Có tiếng súng bắn lên trực thăng từ dưới rừng cao su, chúng tôi cố quan sát và lắng nghe hướng xuất phát ra tiếng nổ nhưng vận tốc nhanh của con tầu cùng tiếng ồn ào của động cơ đã không cho chúng tôi định hướng được để trả lễ vài tràng M16. Người xạ thủ đại liên trên tầu chúng tôi bắt đầu chong súng khạc đạn xuống những điểm khả-nghi, chợt khẩu đại liên bung khỏi tay anh và gục xuống trên trụ súng lắc lư theo sức gió của con tầu. Ôm cánh tay bị thương anh nói "ĐM. Trúng đạn rồi". Nhờ có sợi dây an-toàn nịt từ người vào khoen sắt trên trần nên anh đã không bị rơi xuống đất. Tôi và Lễ lấy dao sẻ tay áo anh lên để làm đai chỉ huyết, cánh tay bị bể xương phía dưới khuỷu tay còn dính lại với phần trên nhờ bắp thịt và da, chúng tôi chẳng có một vật gì dài cứng để cột cánh tay lại để tránh di động. Chẳng ai bảo ai chúng tôi phân định lại chỗ ngồi để nhường anh xạ thủ đaị liên ấy một chỗ nằm hơi thoải mái trên sàn tầu. Bãi đáp là một thửa ruộng khô hướng Đông của đồi Gió và đồi 169, đoàn trực thăng cùng lúc "hover" khoảng 1 mét trên bãi đáp, chúng tôi tức tốc nhẩy xuống và tản nhanh vào bìa rừng trước mặt. Lúc này những quả đạn súng cối nhỏ của VC đã nổ quanh bãi đáp. Địch không ngờ chúng tôi đáp ở đó nên những trái đạn súng cối của chúng chưa chỉnh được mục tiêu nên không gây sự thiệt hại nào cho chúng tôi và phi hành đoàn trực thăng. Chúng tôi rải quân làm an-ninh cho bãi đáp và báo cáo về cho toán còn lại ở Lai-Khê để chọn bãi đáp khác. Trời đã về chiều, phi cơ phải tiếp tế thêm nhiên liệu nên phân toán còn lại sẽ đổ bộ trễ hơn dự định. Chúng tôi được lệnh chọn các cao-điểm và phân tán mỏng để quan sát. Buổi chiều trong rừng vắng nghe tiếng đại bác VC đều đều pháo vào An-Lộc, lúc đó còn cách chúng tôi khoảng 5 km đường chim bay. Chúng tôi không còn nghe tiếng AK và súng cối quanh suối Ró nữa nên chúng tôi đoán chỉ có các đơn vị nhỏ của VC thôi, hơn nữa có lẽ VC đoán chúng tôi đã rời khỏi suối Ró và tiến xa khỏi vị trí. Nhìn con nhà Lễ ngồi hí hoáy ghi chép nhật ký hành quân phía trước mặt, thằng Khoẻ ngồi kế bên. Chúng tôi ngồi, tay ôm súng, balô còn đeo trên lưng dựa người vào những tảng đá xanh rêu, khung cảnh thật hữu tình tự nhiên tôi quên đi cảnh chiến tranh. Tay quẹt quẹt trên khẩu M16 như đang chơi guitar, tôi hát nhỏ vưà đủ cho ba thằng nghe bản nhạc "Vó câu muôn dặm" của nhạc sĩ Văn Phụng: "Anh em ta đi muôn phương xa, non xanh bao la, ta vui câu ca những đêm xa nhà cùng ngồi bên đá. Nhịp đàn vui hoà vang khắp nơi đem chí trai can trường..." Chúng tôi chuyền tay nhau hút điếu thuốc trong ngày sao ngon tuyệt. Một điều cấm kỵ của mùi hương nhưng làn gió nhè nhẹ thổi đúng về cái hướng Nam an toàn đã cho chúng tôi phì phà một cách thật thoải mái. Phần Liên Đoàn còn lại từ Lai Khê được trực thăng vận cách chúng tôi khoảng 1 cây số và chúng tôi hẹn gặp nhau tại đồi 169. Chúng tôi lấy phương hướng và bắt đầu zulu đến điểm hẹn, hàng dọc tác chiến, phân tán mỏng để tránh pháo. Trên lộ trình chúng tôi bị một quả bom do Không-Quân thả vào vị trí địch lại rơi gần đội hình di chuyển của đơn vị, thiếu úy Lê đình chiếu Thiện bị một mảnh xuyên qua bàn tay trái, báng súng bể được thượng sĩ Tụng trong ban quân-y băng bó. Sau đó chúng tôi tiếp tục vượt rừng để đến đồi 169.

Đồi 169 nằm ở hướng Đông Nam và cách thị xã An-Lộc 4 cây số đường chim bay, đây là một ngọn đồi có cao độ 169 mét, trên đỉnh đồi gồm nhiều tảng đá nhỏ chen lẫn những cây cối mọc rất còi cọc, tầm quan sát rất rộng rãi. Tại đây chúng tôi bắt tay được một đại đội trực thuộc Liên-Đoàn 3 Biệt Động Quân đang ém quân ở đây. Đại đội BĐQ đã chạm địch khoảng 5 ngày trước đó, lương thực của họ đã cạn, năm sáu ngôi mộ của các chiến sĩ BĐQ được chôn cách đỉnh khoảng 40m nơi có ít đá, những nấm mộ không bia nhưng mỗi đầu mộ đều có thập tự giá làm bằng cây rừng được giữ vững bằng những hòn đá nhỏ xếp dưới chân. Một số thương binh mình đầy thương tích được bác sĩ Châu và thượng sĩ Tụng chích thuốc và thay băng cho họ. Chúng tôi chia phần lương khô của mình cho đơn vị bạn. Họ đã không được tiếp tế thuốc men và lương thực trong nhiều ngày qua vì áp lực của địch quá mạnh. Vị đại đội trưởng xin lệnh về LĐ3/BĐQ để cùng tháp tùng với LĐ81/BCND trở vào An-Lộc. Thương binh của họ được tản thương về Lai-Khê cùng với th.úy Thiện. Các thương binh của BĐQ, những vết thương của họ được xoa dịu nhiều khi đoàn trực thăng khoảng 6 chiếc bay đến, hai chiếc gunship bay quanh đồi bắn phủ đầu vào đám du kích bắn sẻ, hai chiếc còn lại lao nhanh vào LZ (landing zone) chỉ định. Những thùng đạn, lương thực được thẩy xuống tiếp tế thêm cho chúng tôi, đồng thời các thương binh được đưa lên trực thăng với thời gian nhanh kỷ lục, mọi diễn biến không hơn một phút. Vị đại úy BĐQ nói với trung tá Huấn "đơn vị của trung-tá được yểm trợ ngon lành quá", trong khi trước đó anh đã xin phi vụ tản thương ba ngày qua nhưng ưu tiên chưa đến lượt. Khoảng 50 quân-nhân của đại đội BĐQ ấy tháp tùng theo LĐ81/BCND để vào tái hợp vớI LĐ3/BĐQ của họ.

Thị trấn An-Lộc diện tích khoảng 4 cây số vuông nằm ở phía Nam Lộc Ninh, chung quanh thị trấn được bao bọc bởi rừng cao su xanh thẫm và con đường huyết mạch của thị dân là quốc lộ 13 (Con đường định mệnh) được nối từ Lai-Khê Bình Dương đến Chơn Thành, Tân Khai, An Lộc, Lộc Ninh. Từ đồi 169 chúng tôi đã nhìn thấy thành phố An-Lộc đang hứng cơn mưa pháo của VC từ Lộc Ninh, Quản Lợi và các cao điểm chung quanh rót về, từng đám bụi đỏ cùng tôn ván tung lên không hoà lẫn những cột khói đen mà tôi đoán là nhà hay các cây xăng đang bốc cháy. Nhịp độ pháo của địch tăng mạnh khi các phi vụ Hoả Long và AC-130 Spectre gunship rời vùng. Tại đồi Gió, nằm ở hướng Bắc của đồi 169 cách khoảng 3 km do đơn vị pháo binh và tiểu-đoàn 6/Lữ-đoàn 1 Nhẩy Dù đang lập tuyến phòng thủ cũng không may mắn gì hơn. Họ đang hứng chịu trận mưa pháo tập trung tới tấp khi hai chiếc trực thăng Chinook CH-47 đang cố tiếp viện cho họ hai khẩu đại bác 105mm. Tôi nhìn khẩu đại bác móc tòn ten phía dưới bụng chiếc trực thăng đang cố đáp, tụi tiền sát viên phaó của VC đã điều chỉnh những quả đạn khá chính xác vào ngọn đồi ấy, từng bựng lửa, bụi đỏ tung lên dưới thân tầu lại làm cho hai chiếc trực thăng bốc lên cao hơn, pháo ngớt hai chiếc trực thăng lại từ từ hạ thấp, cứ như thế trong vòng 15 phút hai chiếc trực thăng không thể nào thả hai khẩu đại bác xuống và đành phải bốc lên cao và bay về phía Lai Khê. Chúng tôi nhìn nhau trong nỗi thất vọng vô cùng...

Sau khi nghỉ ngơi và quan sát, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình. Đường rừng núi dầy đặc, đoạn đường còn lại như đi không đến, chúng tôi tiến quân rất chậm và đề cao cảnh giác vì không dám xem thường địch. Hạn chế xử dụng truyền tin tối đa, tuyệt đối di chuyển trong im lặng, nhìn mầu áo hoa dù hoà lẫn vào mầu xanh của cây rừng lúc hiện lúc mất lại càng tăng thêm cái bí-hiểm của núi rừng u-tịch. Khi chúng tôi đến gần một bản Thượng Srok Gòn thì đơn vị đi đầu đẫn về hai người Thượng tay đang bị trói sau lưng, về sau biết họ là người dân trong bản đang về nhà để lùa trâu bò đi chúng tôi đã thả họ ngay. Trong bản Thượng hoàn toàn vắng lặng, ngườì dân Thượng hiền hoà sống xa thành thị cũng đã chạy trốn quân đội tàn ác của bác Đảng. Chúng tôi cho hai người Thượng vài gói gạo sấy, sau đó họ lượm xác một con chó bị VC bắn chết (tội báo động) ở đâu đó trong bản đem về thui. Con chó không được làm ruột quăng vào trong đống lửa, mùi lông chó cháy bay khét lẹt. Tôi lẳng lặng đeo ba lô súng đạn rời khỏi nơi họ nướng con chó xấu số đó.

Chúng tôi hưởng một đêm an-lành trong bản Thượng Srok Gòn.
Chúng tôi miệt mài di-chuyển trong buổi sáng ngày hôm ấy, tiến quân chậm nhưng đoạn đường đã thâu ngắn thêm, rừng cây đã thưa thớt khi chúng tôi đến gần bìa rừng, những nương rẫy của nông-dân và lác đác vài căn nhà tranh xuất-hiện, lúc này chúng tôi tiến quân nhanh hơn. Căn nhà lá đầu tiên đập vào mắt tôi là xác một người dân chết bên cạnh lu nước trước cửa nhà, xác đã chương xình trong chiếc quần dài đen và cái áo trắng cũ không được ai chôn cất, mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Càng tiến vào sâu, những mái nhà tôn vách ván nằm kế cận nhau hơn, từ con đường đất tôi nhìn xuyên qua khoảng sân trống tôi thấy vài nấm mộ của những người dân xấu số mới được chôn cách đó không lâu, mùi nhang khói, tiếng khóc than của người còn sống hoà lẫn vài tiếng reo mừng: " Lính Dù tớì, Lính Dù tớì.." Tôi mĩm cười chào thân thiện, nhìn nét mặt hân hoan của họ, tôi biết họ đã đặt niềm tin vào chúng tôi, vào 550 ngườì lính 81/BCD đang âm thầm tiến sâu vào tuyến đầu lửa đạn.

Đơn vị chúng tôi được lệnh vào bắt tay với Trung Đoàn 8/SĐ5 của đại-tá Mạch-văn-Trường. Lúc này chúng tôi phân khoảng cách giữa mỗì quân nhân khoảng 30 mét chạy nhanh vào phố chính chứ không đi nữa, tiếng đạn pháo của địch vẫn liên tục xé gió bay trên đầu chúng tôi hướng về phía tiểu-khu Bình-Long, tôi hơi ớn khi vài quả thiếu thuốc bồi nổ gần nghe chát chúa. Trên bầu trời những cánh dù lớn tiếp tế lương thực, đạn dược bay lơ lửng. Ba lô súng đạn trên ngườì nhưng tôi không còn cảm thấy nặng nữa, những giọt mồ hôi nhễ nhại chẩy dài trên khuôn mặt, lưng áo ướt đẫm, mồ hôi chẩy vào mắt, xót quá tôi vội lấy khăn tam giác buộc ngang trán để thấm đi những giọt mồ hôi quái ác ấy. Chạy gần đến bệnh viện Bình-Long, mùi tử-khí xông lên nồng nặc. Bệnh viện hoang tàn, một phần mái đã bay mất bởi bị pháo, phần ngói còn lại nằm chồng chất lộn xộn, bức tường phía trước sụp đổ cho tôi nhìn thấy một dẫy giường chiếu với chăn màn bay nhẹ trong gió. Những bức tường vôi trắng còn lại lỗ chỗ dấu đạn pháo, và hàng cửa sổ với những cánh cửa bật tung nằm xiêu vẹo. Cái cảnh thương tâm hiện ra trước mặt làm lòng tôi quặn thắt, số người dân và ngườì lính đã chết quá nhiều trong những ngày qua. Đêm 13/4/72 trong cuộc công kích vào thị xã An-Lộc đạn pháo của địch đã giết hại hơn 800 bệnh nhân và một số nhân viên trong bệnh xá. Xác của họ được ném xuống hai cái hố lớn do xe ủi đất ủi sâu, hố dài khoảng 40 mét, trong đó đầy những xác ngườì, dân có, lính có, trẻ em có. Những xác ngườì nằm chồng chất hỗn độn, xác ngườì mớì chết chồng lên xác ngườì đã chết từ nhiều ngày qua. Tôi vội ngồi bên vệ đường và ra dấu cho những bạn sau tiếp tục chạy xuống phố, moi trong ba lô lấy máy chụp ảnh và chụp hai tấm về hố chôn tập thể ấy. Mặc dù đã cố hít đầy một buồng phổ không khí từ xa nhưng mùi hôi thối của xác chết đã khiến tôi muốn nôn ọe, đám ruồi xanh bay vo ve nhặng xị và dòi bọ lúc nhúc trên thân xác ngườì. Lần đầu tiên tôi được chứng kiến cảnh những ngườì dân lành vô tội chết trong nỗi thống khổ bàng hoàng, ngạc nhiên kinh dị. Không một tiếng khóc than, không một lời kinh cầu, không một tấm bia cùng nhang khói. Tôi lâm râm khấn cầu cho linh hồn họ mau được siêu thoát và linh thiêng phù hộ cho những ngườì thân của họ còn đang khốn khổ trong binh lửa ngập trời.

4 giờ chiều ngày 17/4/72 An Lộc đã chào đón chúng tôi với nỗi tang thương của người dân và thành-phố tiêu điều đổ nát, xác dân lành, xác súc vật, xác Việt cộng nằm vương vãi trộn lẫn trong gạch ván. Những chiếc xe tăng T54 bị bắn cháy nằm trơ sét rỉ trên đường phố. Ngay cả đến những con bò mình mang đầy thương tích vì bom đạn đang đau đớn bước chân nặng nề trong khu phố. Duy nhất chỉ có khu phố phía Tây-Nam còn khá nguyên vẹn, đây là những nhà lầu hai tầng do trung-đoàn 8/SĐ5 tử thủ vào những ngày qua. Chúng tôi bắt tay với đơn vị bạn và được báo cáo đầy đủ về tình hình quân sự trong An-Lộc. Ba phần tư thành phố đã bị địch chiếm đóng và đang cố thủ, địch hay bắn sẻ và thổì B40, B41 từ những cao ốc còn sót lại phía đông bắc và tây bắc. Chúng tôi được lệnh nghỉ ngơi trong vòng hai tiếng sau đó sẽ tập họp để nhận lệnh hành quân mới. Trung đoàn 8 và những người dân còn lại trong phố đã tiếp đón chúng tôi rất niềm nở, họ chạy máy bơm nước giếng cho chúng tôi tắm, tiếp tế cho mỗi người lính vài gói thuốc lá quân tiếp vụ thơm. Đây là phần thưởng rất quí giá vì đã 3 ngày qua quần áo chúng tôi ướt đẫm mồ hôi, tóc tai bệt bạt. Nước giếng mát lạnh và mùi xà bông thơm làm cho tôi cảm thấy thoải mái, dễ chịu. Ôi những mồ hôi và bụi phong trần từ những chốn đã đi qua đã được nguồn nước mát ở An-Lộc xoá rửa tẩy sạch. Thay bộ quân phục sạch sẽ tôi cảm thấy nhẹ nhàng thơ thới. Tôi, TS1 Luân, TS1 Lễ, TS1 Khoẻ, hạ-sĩ Sấy rủ nhau ra sân trước hưởng chút ánh nắng còn sót lại vào buổi chiều, vừa hút thuốc vừa tán chuyện gẫu thì một quả đạn B40 nổ ngay trên balcon, nhìn cái đuôi đạn còn xoay vòng vòng trên mặt đất chúng tôi lặng lẽ chuồn êm vào sau cánh cửa sắt. Cũng may chúng tôi đứng phía dưới balcon nên an-toàn.

Chúng tôi mang ba lô súng đạn đến bộ chỉ huy hành quân để tập họp. Tôi TS1 ban 3, TS1 Lễ ban 2, TS1 Khoẻ ban 4, hạ sĩ Bông ban 3, TS1 Luân ban 2 được chia vào toán cuả thiếu úy Đặng văn Cầm. Liên Đoàn chúng tôi với quân số tham chiến lúc ấy là 550 kể cả sĩ quan, hạ sĩ quan và binh-sĩ. Với quân số quá khiêm nhường cho nhiệm vụ chiến-trận quá lớn. Bộ chỉ huy gồm có:
Trung-tá Phan văn Huấn chỉ huy trưởng.
Thiếu tá Nguyễn văn Lân sĩ quan phụ tá.
Đại úy Trần văn Thọ quyền trưởng ban 3.
Đại úy Ng.văn Mai trưởng ban 2.
TS1 Phương ban 4 tiếp liệu.
Thượng sĩ Phạm văn Cấp, trưởng toán truyền tin & mật mã
Trung úy Lê thanh Châu bác sĩ quân y, thượng sĩ Nguyễn văn Tụng y tá.
Trung úy Lê văn Lợi Liên toán trưởng 4 toán thám sát Lôi Vũ.
Đại úy Nguyễn ích Đoan Đại đội trưởng ĐĐ1
Đại úy Nguyễn Sơn Đại đội trưởng ĐĐ2
Đại úy Hổ Xám Phạm châu Tài Đại đội trưởng ĐĐ3
Đại úy Đào minh Hùng Đại đội trưởng ĐĐ4
Thượng sĩ Jesse Yearta Cố vấn Mỹ
Đại úy Charles Huggins Cố vấn Mỹ
Trung úy Cao văn Cát, sĩ quan đề lô pháo binh tăng phái

Dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu và những ánh đèn pin chiếu vội vàng trên bản đồ để chúng tôi chấm toạ độ. Mục tiêu và tuyến xuất phát của các đơn vị bạn chúng tôi đã thuộc trong đầu. Sau đó chúng tôi được lệnh trở về tuyến xuất phát để chờ giờ G (Gay go theo mã tự truyền tin) chưa được công bố. Đã tám giờ tốì thành phố đắm chìm trong bóng đêm dày đặc, sự yên tĩnh của đêm đen bị khuấy động bằng tiếng nổ của đại bác VC pháo vào. Tiếng gạch ngói vỡ vụn rơi trên mái nhà tôn nghe loảng xoảng rồi chìm dần. Điệp khúc pháo của địch được lập đi lập lại mỗi 10 phút đồng hồ. Phiá nam tiếng đại bác ì ầm xa xăm vọng về từ các vùng Chơn Thành, Tân Khai. Trong khi ngồi trong bóng đêm chờ giờ G, tôi lẩm nhẩm đếm ba trăm lẻ một, ba trăm lẻ hai... khi nghe tiếng depart từ hướng bắc cho đến khi quả đạn nổ. Tính nhẩm, trong đầu tôi đoán vị trí súng của địch được đặt ở Lộc Ninh và Quản Lợi. Đúng 9 giờ tối từ máy truyền tin tôi được biết giờ G đã điểm, chúng tôi lay nhẹ vai nhau và bắt đầu tiến quân. Trên bầu trờì cũng đã xuất hiện chiếc AC-130 Spectre yểm trợ, một trái hoả châu được thả ra từ máy bay để chúng tôi quan sát các chướng ngại vật và làm quen vớì mục tiêu trước mặt. Khi ánh hỏa châu tắt, chúng tôi bắt đầu mọ mẫm tiến về hướng Bắc của thành phố. Cái khổ của đoạn đường nầy là gạch ngói, gỗ đinh, mái tôn móp méo nằm vương vãi, mặc dù cố mở mắt lớn nhưng chuyện bước nhầm lên một miếng tôn hay miếng ván là điều khó tránh khỏi, chỉ một tiếng động khô khan đó là lập tức vài ba quả M79 thổi về ngay. Nghe tiếng súng M79 quen thuộc chúng tôi vội liên lạc vô tuyến xác nhận điểm đứng của mình và yêu cầu con cái của Hổ Xám đừng ton đạn về hướng chúng tôi, quân của Hổ Xám lúc ấy đang ở phía đông của chúng tôi, Hổ Xám xác nhận con cái của anh chưa lẩy cò và tiếng depart từ con đường bên kia khu phố, chính ĐĐ3 của Hổ Xám cũng lãnh vài quả tương tự. Sở dĩ bọn VC có được vũ khí của ta là do những chiếc dù tiếp tế bay lạc qua phần đất do chúng tạm chiếm. Chúng tôi lại dọ dẫm từng bước chân đi, tôi đã bắt kịp con nhà Lễ ở phía trước, tôi thì thào hỏi: "Chuyện gì vậy?"

"Hàng rào kẽm gai". Lễ trả lời. Một cái hàng rào kẽm gai cao khoảng 3 mét nằm ngay trước mặt, hạ sĩ Bông đã được Lễ đỡ cho leo qua, tôi vội vàng khoác súng trên vai chạy đến đỡ Lễ leo qua cho mau. Đến lượt mình mớì là khốn nạn vì là toán phó và cũng là ngườì sau cùng nên tôi cố đặt chân vào sát chân trụ rào bằng cây sắt nhỏ để giữ thăng bằng. Sợì kẽm gai đong đưa, thân mình tôi vắt vẻo, đang cố leo thì vài quả M79 nổ cạnh bức tường sau lưng, cái bản năng sinh tồn theo phản ứng tự nhiên cho mãi đến ngày hôm nay tôi vẫn chưa hiểu là làm cách nào mà tôi đã leo qua cái hàng rào một cái rột mà không bị một vết cào sướt trên thân thể.

Đã gần 4 giờ sáng, toán tôi còn đang bì bõm dưới đường mương cống thì được lệnh dừng quân nằm chờ tại chỗ. Cái vị trí chúng tôi đang ở thật kinh khiếp trần đời, nước và sình thối cùng mọì thứ phế thải khác cao ngập đôi giầy trận, tôi hỏi anh Cầm tại sao không tiến thêm về dẫy tường nhà trước mặt. Anh cho biết ĐĐ2 đã đóng ở đó rồi. Tôi co giãn vài ngón chân để cảm nhận đôi dớ đã thấm ướt, cái cảm giác lành lạnh tù từ thấm vào người từ hai ống quần đã bị thấm nước. Tôi cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ, nguyên một ngày lội quân quân từ đồi 169 cho đến giờ này tôi chưa được chợp mắt. Thần kinh tuy căng thẳng nhưng đã chào thua cơn buồn ngủ trĩu nặng, dựa lưng balô vào vách đường mương cống tôi đã thiếp đi trong tư thế ngủ đứng. Còn đang say ngủ thì những loạt đạn M60, M16, súng phóng lựu hoà lẫn tiếng AK nổ ran trong khu vực. Tôi thức tỉnh hoàn toàn, trời đã tờ mờ sáng, lúc này tôi mới có dịp nhìn rõ lại cái đường mương cống đầy rác rến đã cho tôi hơn một giờ ngủ ngon.

Chúng tôi đồng loạt tiến nhanh về hướng đông bắc, địch đã không ngờ rằng đêm ấy chúng tôi nằm ngay sát nách chúng. Những tiếng hô "Xung-Phong, Sát, Sát, của các chiến sĩ 81/BCND cùng những tiếng nổ từ súng cá nhân tuôn xối xả vào vị trí địch, những toán quân bạn ở vị trí trước mặt tiến quân như vũ bão. Từ trong dẫy phố trước mặt VC lố nhố chạy thục mạng lên phía bắc đang làm bia bắn cho các chiếc trực thăng Cobra. Mùi thuốc súng quyện đặc trong buổi sáng sớm, trên không đạn khói, đạn rocket được bắn ra từ chiếc O-2 đang nhào lượn. Tiếng đại bác 105 mm, 40mm, 20mm minigun từ AC-130 Spectre bắn vào phòng tuyến địch nghe inh tai. Từ những cuộc hành quân thám sát xâm nhập trong lòng địch, giờ đây các chiến sĩ của LĐ81/BCND lại chứng tỏ cho địch thấy sự can trường, oai hùng trong trận địa chiến, chúng tôi đã không nao núng trong trận chiến mở màn vào buổi sáng sớm ngày 18/4/72. Tại khu đồn Cảnh Sát dã chiến với phòng thủ quân sự rất kiên cố đã bị Bắc quân chiếm đóng, những thùng phi 200 lít được đổ đầy cát, xếp hai lớp chồng lên nhau, nóc hầm được che bởì hàng vỉ sắt quân sự và 3 lớp bao cát xếp dầy lên trên. Trục tiến quân của ĐĐ2 đã khựng lại vì trước sự kháng cự mạnh của địch. Những trái đạn M79, M72 phóng vào phòng tuyến CSDC không mảy may có kết quả, nhưng không sao, đã có anh mũi lõ Jesse Yearta cao bồi Mỹ đây rồi. Thường ngày tôi không mấy thân thiện với các anh mũi lõ mắt xanh, đánh giặc theo kiểu con nhà giàu. Nhưng tôi đã thán-phục khi nhìn Yearta oai hùng đứng khơi khơi giữa đường phố ngay tuyến đầu lửa đạn vớì mình, không cầu an, chịu nguy hiểm để chỉ điểm cho đại bác trực xạ từ chiếc AC-130 bắn vào khu cảnh sát dã chiến đang đầy VC trong ấy. Tâm hồn Yearta lúc ấy chắc cũng như chúng tôi đang say men chiến thắng khi thấy lính cụ Hồ bương chạy. Từng chiếc hầm bị đạn 105mm được bắn rất chính xác từ trên trời xuống, nắp hầm bung lên và không một địch quân sống sót chạy ra, những lỗ châu mai đã im lìm tiếng AK. Sau khoảng hơn 30 phút giao tranh, chúng tôi đã hoàn toàn đẩy lui VC trong khu tây bắc thành phố. Chiến trường đã ngưng tiếng súng, những thương binh được các bạn đồng độì băng bó tạm và được chuyển về BCH để bác sĩ và y tá săn sóc.

Nhìn khuôn mặt đẫm mồ hôi của TS1 Sần A Nhì, tay trái cầm súng M16, tay phải ôm hai chân của ngườì chiến sĩ tử trận, anh lúp xúp chạy và xác người chết nằm gấp trên vai, hai cánh tay và cái đầu đong đưa theo bước chân, các bạn gần đó đã chạy nhanh lại tiếp TS1 Nhì đưa người bạn vắn số đó về BCH. Sau đó lại xác một chiến sĩ tử trận khác đã được anh em cột tay chân lại và dùng đòn khiêng luồn vào để khiêng về BCH, hình ảnh thật đau lòng, nhưng không biết làm sao hơn khi chúng tôi không có một cái băng ca để tải thương vào lúc ấy, chúng tôi phải rải quân ra để phòng thủ tuyến vừa chiếm được vớì sự hy sinh của anh, máu và thân xác của anh đã thấm vào lòng đất An-Lộc, anh đã vĩnh viễn từ giã chiến trường và gia-đình thân yêu. Chúng tôi những ngườì còn lại phải gánh lấy trách nhiệm phần đất mà anh vừa chiếm lại được. Vong hồn của anh chắc đã không giận chúng tôi đâu vì anh cũng thông hiểu được tình huống của chúng ta lúc ấy, xác của anh đã được đem về và chôn cất trong nghĩa trang của LĐ81/BCND. Chắc anh cũng mãn nguyện khi nhìn đồng đội đã chịu nhiều gian khổ, hiểm nguy trong đêm tối khi chôn cất anh. Anh biết đó trong đêm tối cạnh bến xe đò bên kia chợ, mặt nhựa đường đã không cứng hơn đôi bàn tay của người lính LĐ81/BCND. Những nhác cuốc nháng lửa trên mặt nhựa đường, lưỡì cuốc nhọn bung lên thốn vào đôi cánh tay ngườì lính. Địch từ bên kia phố đã nghe được tiếng đào xới nên đã cố câu vào đó vài quả đạn súng cối 61 hay M79, ngườì lính đồng độì vẫn không nao núng đứng đào huyệt cho ngườì bạn vắn số của mình vào nơi yên nghỉ nghìn thu. 67 anh em khác cũng nằm chung vớì anh trong nghĩa trang lịch sử đó và tại đây, tôi cũng đau buồn chia tay vớì thiếu úy Nguyễn quang Khánh, ngườì cựu toán trưởng toán 3 Delta của tôi. Trong một phiên gác đêm nhìn quanh nghĩa trang nghĩ đến anh tôi không khỏi chạnh lòng nhớ đến mấy câu thơ Chinh-Phụ-Ngâm mà tôi đã viết nghuệch ngoạc trên một vách tường đâu đó:

" Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn".
! ! ! ! !

Hãy tạm quên chiến trận để cho tôi được viết vài hàng về nghĩa trang của LĐ81/BCND trong lòng phố An-Lộc.
Những ngày hạ tuần tháng 5 cũng là những ngày chiến trận đã tương đối lắng dịu, nhìn lại nghĩa trang của LĐ81/BCND đã được khang trang tu bổ do những bàn tay ngườì lính 81BCD. Chính giữa là mộ bia chính vớì câu thơ bất tử của cô Pha viết dướì bệ, chung quanh nghĩa trang là dẫy tường thấp bằng gạch sơn vôi trắng, phía chính diện, hai câu thơ cuối của Vương Hàn trong bài Lương Châu Tưø. được viết bằng sơn: "Tuý ngoạ sa trường quân mặc tiếu, Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi". Những người dân còn sót lại ở An-Lộc đã an toàn sinh sống trong khu vực do chúng tôi trấn đóng, họ đã dạn dĩ ra trước cửa nhà để nhìn khung cảnh điêu tàn trong khu phố. Đổ nát và đổ nát, cả một khu phố thân thuộc của họ, trước đây một tháng họ có ngờ đâu chiến tranh do Bắc quân mang lại gieo tang tóc thê lương. Thị xã mang tên hai chữ thật hiền hoà. An và Lộc. Trong cảnh thê lương đổ nát tiêu-điều ấy họ đã ngạc nhiên và xúc động mạnh khi nhìn thấy một nghĩa trang khang trang của LĐ81/BCND được xây phía bên kia đường trước căn phố của họ. Những xây dựng trước đó đã sụp đổ tan tành theo từng ngày đạn pháo tung bay. Một xây dựng mới âm thầm trong thành phố tang thương ấy bắt đầu vào ngày 18/4/72 chính là nghĩa-trang của những chiến-sĩ BCD vị quốc vong thân, vừa đánh giặc vừa xây dựng mộ bia cho những ngườì nằm xuống để không quên ơn ngườì đã cho ta thêm những ngày sống. Một bà già ngườì Trung-Hoa nói tiếng Việt hơi lơ lớ tay quẹt nước mắt nói: " Chồi oi! Con cái dà ai lến lây chết nhiều quá vậy? " Nói xong bà vào nhà đốt một nắm nhang xong trở ra quì lạy trước mộ bia và cắm nhang trên từng nấm mộ. Lờì khóc than chí tình ấy cũng là lời cám ơn chân thành tự đáy lòng của ngườì dân An-Lộc, những người dân đã sát cánh vớì chúng tôi trong hai tháng bom lửa ngập trờì ấy.

Xin trở lại buổi sáng ngày 18/4/72. Đang say men chiến thắng tôi tưởng đơn vị mình sẽ dàn quân tái chiếm nửa khu phố còn lại nhưng lệnh trên cho án binh bất động. Vì Sư đoàn 5 Bộ-Binh không còn đủ quân số để cùng tiến lên ngang hàng với chúng tôi, do đó chúng tôi đành bó tay và cuộc chiến đổi sang ngõ rẽ khác.

An Lộc bị cô lập hoàn toàn, quốc lộ 13 bị cắt đứt, trục tiến quân của Sư Đoàn 21 và Lữ Đoàn 3 Nhẩy Dù bị kiền, chốt của Công Trường 7 VC ngăn cản bước tiến trong đồn điền cao-su tại Chơn Thành, suối Tàu Ô, Tân Khai trong hai tháng ròng rã. Thuốc men, lương thực, đạn dược tiếp tế vào An-Lộc bằng dù do các phi vụ C130 thả. Những cánh dù thả trên cao độ 1800 mét đã không rơi chính xác vào địa điểm mong muốn, độ giạt của gió đã đưa những chiếc dù ấy sang phần đất địch chiếm đóng, chúng tôi đành chong súng bắn lên những kiện hàng trôi lơ lững ấy. Việt Cộng cũng làm lại điều tương tự khi dù tiếp tế rơi vào vùng đất của chúng tôi (sau khoảng 3 tuần những chiếc dù biến cải với những lỗ thoát gió đã rơi nhanh và chính xác hơn vào bãi tiếp tế).
An-Lộc đang nằm trong sự vây hãm chặt chẽ của Bắc quân gồm các Công Trường (Sư Đoàn) 5,7, 9, và Sư Đoàn Bình-Long. Công Trường 5 gồm các trung đoàn E6, tr/đoàn 174, tr/đoàn 275. Đơn vị chủ lực Công trường 7 gồm các tr/đoàn 141, 165, 209 và trung đoàn 101 biệt lập, Công trường 9 gồm có trung đoàn 271, 272, 95C. Công trường Bình-Long bao gồm các đơn vị của Mặt Trận Giải-Phóng Miền Nam và các đơn vị chính qui 204 tùng thiết (tháp tùng chiến xa), 429 công sự phòng thủ. Sư Đoàn pháo 69 gồm có trung đoàn 208 hoả tiễn, tr/đoàn 42 pháo, tr/đoàn 271 phòng không và các thiết đoàn chiến xa 202, 203. Quân số tổng cộng của các đơn vị kể trên khoảng 50000.

Chúng tôi lập ngay tuyến phòng thủ ở Tây Bắc An-Lộc mới tái chiếm. Rạng sáng 19/4 địch bắt đầu pháo mạnh vào thành phố An-Lộc, đồi Gió và ngọn đồi 169. Sau đợt pháo, các đơn vị của Công-Trường 5, 7 VC tấn công tiểu đoàn 6 Nhẩy Dù đang đóng ở đồi Gió và đồi 169..Hai cao điểm chiến lược bị tràn ngập (80 quân nhân nhẩy dù mở đường máu thoát khỏi vòng vây sau đó được trực thăng bốc về Lai-Khê. Cũng hai ngày sau đó, hai đại đội khác của tiểu-đoàn 6 Nhẩy Dù rút được về An-Lộc sau đó tái hợp với Tiểu-Đoàn 5 và 8 Dù).Từ hướng đông quốc lộ 13 Công Trường 9 là đơn vị chính tấn công vào thành-phố, chúng đã bị đánh bạt ra khỏi tuyến phòng thủ trấn giữ do SĐ5/BB, Tiểu Đoàn 5 và 8 của Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù. Sự yểm trợ của Không-Quân Hoa-Kỳ với những phi vụ B52 dội vào các điểm tập-trung của địch và những phi vụ Spectres AC-130 rất hiệu quả. Bình-minh vừa ló dạng, tiếng pháo địch rời rạc và địch đã đại bại trong trận công kích đợt hai vào An-Lộc. Một chiếc T54 lọt vào hố bom không lên được và nhiều chiếc khác đã bị phá-huỷ, đây là những chiếc tăng T54 không có bộ đội tùng thiết chạy lơ ngơ trong đêm tối đã làm mồi ngon cho những khẩu M72, phi vụ Spectres AC-130...Phía phòng tuyến chúng tôi vô sự trong đêm ấy. Trong đợt công kích đợt hai này địch đã có lợi thế khi chiếm được đồi Gió và 169. 6 khẩu đại bác 105mm để yểm trợ cho An Lộc của ta bị phá huỷ hoàn toàn. Từ những cao điểm này VC đã theo dõi được hoạt động của đơn vị bạn trong khu vực đông và nam của thành phố.

Sau cuộc tấn công đợt hai không có kết quả, địch bắt đầu chơi pháo vào An-Lộc, hàng ngày cái thành phố với diện tích còn lại khoảng 1.5 cây số vuông ấy hứng hàng ngàn đạn đại bác của VC. Lúc này phòng tuyến của chúng tôi đã vững vàng, những bức tường trong khu phố được chúng tôi đục thông từ nhà này sang nhà khác, những lỗ tường ấy cao khoảng 1 mét rộng độ nửa mét nên việc di chuyển bên trong khá dễ dàng và an-toàn. Mỗi toán được chỉ định giữ an-ninh cho tuyến của mình. Tôi được chỉ định về toán súng cối 81mm đóng ở phiá nam bộ Chỉ-Huy Liên-Đoàn cách đó một con đường. Tôi xin viết vài hàng về tổ súng cối 81 mm và sự hiệu quả của nó. Thật ra trong bảng cấp số của LĐ81/BCND không được trang bị súng cối 81mm vì đơn-vị luôn luôn hành quân thám sát ngoài tầm yểm trợ của pháo binh, các toán thám-sát và ĐĐ xung kích được trang bị vũ khí nhẹ và được yểm trợ bằng trực thăng, phi pháo,B52...Nhưng trong trận địa chiến ở An-Lộc chúng tôi đã uyển chuyển với cục diện mới.

Sau ngày 19/4 ĐĐ1 của đại-úy Đoan nằm ngay tuyến đầu ở hướng Bắc khu vực khá trống trải nên tổ súng cối 60 ly bị địch thổi B40 vào dài dài, anh cho dời khẩu cối về khu phố toán chúng tôi đang đóng. Tôi tình nguyện bắn yểm trợ súng cối 60 ly cho ĐĐ1 và chính vì sự tình nguyện ấy mà sau này khẩu súng cối 81 mm đã dính liền với tôi trên những bước đường hành quân ở căn cứ Hoàng-Đế (King), Cổ-Thành...Những trái đạn súng cối 60 rất hạn chế của ĐĐ1 đã cạn mau vào những ngày sau đó. Khui những thùng đạn tiếp tế toàn là đạn cối 81 ly nên khẩu 60 ly kể như vô dụng, đạn 81 ly chúng tôi có rất nhiều nhưng súng thì không. Đ/úy Đoan liên lạc với Tr/Đoàn 8 và vác về một khẩu 81 mm nhưng lại không có máy nhắm, sau đó thượng-sĩ Ye arta liên lạc truyền tin xin được một máy nhắm M14 còn nguyên si trong hộp. Mở hộp ra, bảng chỉ dẫn bằng tiếng Anh, tôi lại càng mù tịt. Tôi mang máy nhắm lên cho thiếu-tá Lân xem, máy nhắm quá tối tân so với những máy nhắm mà th/tá Lân đã học ở trường Võ Bị Quốc Gia Đà-Lạt. Sau đó Yearta, Huggins, th/tá Lân và tôi ngồi quanh chiếc máy nhắm để học hỏi, Yearta đọc th/tá Lân dịch và giảng cho tôi nghe công dụng của từng bộ-phận. Tôi hiểu được đại-khái hướng nhắm, chiều cao, độ giạt, tầm xa, đọc bảng xạ biểu, thuốc bồi v.v...Tôi, Lễ, Bông,Khoẻ và các bạn khác được giao trọng trách cho khẩu cối 81 ly đó. Sự yểm trợ chính xác của toán súng cối chúng tôi cho liên-toán thám sát, ĐĐ1,2,3,4 nên được các bạn âu yếm gọi là B52 cầm tay. Tuy nhiên một điều thật đáng tiếc đã xẩy ra, trong khi bắn súng cối yểm trợ cho ĐĐ4 do tr/úy Nguyễn khoát Hải làm đại đội trưởng (đ/úy Đào m Hùng đã bị thương). Những quả đạn không thuốc bồi trong tầm đạn đạo gần đã làm tr/úy Hải và một số binh sĩ ĐĐ4 bị thương, trung úy Lê đắc Lực lên nắm quyền ĐĐ trưởng ĐĐ4.

Hầm súng cối được đào sâu khoảng.8 mét ở sân sau nhà thuốc tây, quanh sân được bao phủ bằng bức tường gạch cao hơn đầu người. Hầm đạn cũng được đào cạnh hầm súng cối, phía trên được che đậy bằng các thùng gỗ chứa đầy cát. Thường thì trên đài quan sát (vị trí nhỏ trên tầng lầu BCH được chất bao cát chung quanh)th/tá Lân làm sĩ quan tiền sát cho đội súng cối của chúng tôi. Sau hai ngày bắn súng cối, tôi đã quen thuộc với khẩu súng và máy nhắm M14. Độ chính xác của súng là 25 mét cho mỗi ly-giác, thế nhưng đã có lúc, qua máy truyền tin đ/úy Đoan nói:ỏtừ tác xạ vừa rồi, Trái 3 métõ đã làm tôi chưng hửng.
-Mục tiêu gì? Tôi hỏi
-Hầm ve chai (Việt Cộng). Đ/úy Đoan trả lời. Làm sao tôi chỉnh được bên trái 3m đây? Tay run run nhích vòng xoay ống nhắm với sự ước tính trong đầu, chỉnh bọt nước thăng bằng xong tôi liên lạc vô tuyến:
-Smoke sẵn sàng
-Go
Một tiếng nổ bụp nhỏ của đạn khói nghe vọng lại từ xa. " Ngay chóc" tiếng anh Đoan reo vui qua máy truyền tin PRC25
-Cho anh 3 delay

Hạ-sĩ Bông tay bóc thuốc bồi và vặn lại nút nổ chậm trên đầu trái đạn, chúng tôi bắn 3 trái đạn đi. Sau đó anh Đoan cho biết đạn đã đào sâu xuống đất trước khi nổ, hầm sụp chôn trong đó hai tên VC và một tên khác bỏ chạy bị lính của anh dứt sữa cụ Hồ. Thế nhưng VC đâu có để cho khẩu cối của chúng tôi tung hoành như thế được. Từ khu phố hướng đông, chúng đã biết vị trí súng của chúng tôi. Vì có nhiều mục tiêu chỉ cách hầm súng chúng tôi khoảng 400 mét, và những trái đạn không thuốc bồi bay lắc lư trên không làm cho chúng nhắm hướng và biết đích xác vị trí của chúng tôi. Vào một buổi trưa th/tá Lân gọi máy cho toán tôi ra tác xạ. Nồi cơm và nồi canh rau đã chín trên bếp chúng tôi chưa kịp ăn. Tôi và các bạn ra hầm súng, nhận lệnh và chỉnh súng vào mục tiêu mới. Chờ gần 10 phút nhưng vẫn chưa có lệnh tác xạ. Tôi bốc máy vô tuyến gọi:
-Mạnh-Điệp đây Kiều-Giang
-Mạnh Điệp nghe. th/tá Lân trả lời
-Chừng nào tác xạ?
-Chờ ở đó.

Vài ba quả đạn khói 82 ly của VC bắn vào từ khu rừng phía Tây đã nổ ngoài tường rào. Chúng tôi đang đói bụng nên mang máy truyền tin vào nhà ăn cơm vừa trực máy luôn thể. Lệnh th/tá Lân là lệnh sắt nên tôi cũng ớn bị xài xể, nhưng từ nhà sau ra hầm súng cối chỉ cách độ 15 mét, thuốc bồi đã bóc sẵn, súng đã chỉnh xong. Nếu có lệnh bắn chúng tôi sẽ tác xạ trong vòng nữa phút. Bưng nồi cơm và canh để trên sàn xi măng, thời gian chưa được 3 phút, chúng tôi chưa xới được bát cơm đầu thì một tiếng Oành, nổ ngay hầm súng cối chúng tôi, thêm một quả nữa nổ gần hầm đạn thứ hai. Qua khung cửa sổ, tôi nhìn thấy lửa đã bắt cháy ở đuôi đạn súng cối, những tiếng trái đạn cối của chúng tôi thi nhau nổ sau đó. Đám thương binh nằm ở nhà sau với toán chúng tôi được các bạn khác lôi nhanh qua lỗ tường sang nhà khác. Lúc đó bọn tôi coi chẳng giống con giáp nào, mình khoác áo giáp, mặc quần xà lỏn chân đi dép vì buổi trưa nóng, vớt cái nón sắt móc vội lên đầu tôi phóng sang nhà bên cạnh giật máy bơm nước. Con nhà Khoẻ giúp tôi liên lạc vô tuyến báo cáo về BCH. Tay cầm ống nước tôi cố thu người bên này tường chỉ chừa đôi mắt và cái nón sắt trên đầu tường để chữa cháy, những trái đạn bung nổ nhưng chỉ nổ ở phần thuốc bồi chính trong đuôi đạn nhưng cũng đã cho tôi cái cảm giác thế nào là dựng tóc gáy, ai nào biết được những trái đạn vô tình ấy sẽ nổ ở phần nào. VC chắc đang đắc chí khi nghe những tiếng nổ phụ và khói bốc lên ngùn ngụt từ hầm đạn chúng tôi. Sau khi chữa đám cháy xong, một cảnh thương tâm mà tôi chẳng bao giờ quên được. Tôi ra hầm súng để thu thập sự thiệt hại vừa qua, một con chó trắng vá đen đang ư ử rên rỉ nhìn tôi xin cầu cứu, đôi mắt của con vật đã nói lên tất cả sự van xin giúp đỡ, hai chân trước gẫy lìa xương lòi ra ngoài, mỗi lần cố đứng là mỗi lần té quỵ xuống. Tôi chạy xuống bồng nó trên tay vỗ về, nó nằm yên trên đôi tay tôi rên khe khẽ, tôi đem vào khu nhà có nhiều dân ở trong đó để kiếm chủ nhưng không ai biết tông tích của nó. Con chó vào hầm súng của chúng tôi để ăn phần thịt hộp bạn nào ăn dở dang còn để lại trong ấy. Anh Tụng sau khi xem xét vết thương cho nó và lắc đầu, anh nói cho nó một phát đạn để nó khỏi bị đau đớn nữa. Tôi không đủ can đảm để kết liễu đời sống con chó đáng thương ấy khi ánh mắt nó đã in sâu đậm trong lòng tôi. Tôi quay trở lại hầm súng cối để dọn dẹp, sau lưng một tiếng súng nổ. Tôi bỏ luôn bữa cơm chiều hôm ấy.

Việc tải đạn súng cối cũng có nhiều chuyện nguy hiểm lý-thú. Những viên đạn tôi bắn đi là mồ hôi nước mắt nhọc nhằn của toán tải đạn, đồng đội từ các ĐĐ trong Liên-Đoàn thay phiên nhau lên sân vận động (bãi thả dù tiếp tế) vác đạn về chất trong hầm súng của toán tôi. Mỗi khi có dù tiếp tế họ đã chịu nguy hiểm để lặn lội dưới mưa pháo trên con đường dài gần 2 cây số, lên xuống hai ba chuyến trong ngày. Nằm lâu một chỗ tôi đâm ra cuồng cẳng, ngoài giờ canh gác hay tác xạ, tôi, Khoẻ, Lễ hay lên khu vực của đ/úy Sơn chơi. Qua khu bến xe lam 3 bánh, TS1 Khoẻ nẩy ngay ý định lấy một chiếc đem về cho toán tải đạn, xe phần nhiều bánh bị bể vì miểng pháo, có một chiếc vỏ xe còn nguyên vẹn, đạp máy thử thấy nổ ngon lành. Sau khi dọn sơ những chướng ngại để chạy xe ra, ngồi trước tay lái tôi rồ mạnh ga chờ hai thằng bạn lên xe thì một ông trung úy bộ binh án ngay trước mặt:
-Ê! Ăn cắp xe hả?
-Không, tôi lấy xe về cho toán tải đạn súng cối của Liên-Đoàn 81. Tôi trả lời ông tr/úy
-Đây là xe của dân thuộc khu trách nhiệm của tôi, anh không được quyền lấy với bất cứ lý do gì.
-Lúc này là tiêu thổ kháng chiến trung úy biết không? Tôi không lấy cái xe này để làm của riêng mà là công ích chung. Nhà cửa đổ nát, người dân chết lên chết xuống bản thân trung úy còn chưa biết ngày về thì xá gì chiếc xe này. Tôi la lớn.
-ĐM. Anh không được quyền lấy xe của dân. Anh lấy xe tôi bắn! viên trung úy la lớn lại
Lúc này thì máu nóng trong người tôi sôi lên, tôi nhẩy ra khỏi xe đứng trước mặt người sĩ quan bộ binh đó và nói như thét gào:
-ĐM. Ngon ông bắn tôi đi, nói cho ông biết tôi nể cấp bậc của ông chứ không sợ ông đâu. Đạn của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà phát cho ông để bắn VC chứ hù tôi làm gì? ĐM.Ông không hiểu bốn chữ "tiêu thổ kháng chiến" mà mang lon trung úy thì nhục nhã quá. Chúng tôi sẽ có người đến trưng dụng chiếc xe lam này
Tôi giận dữ bước nhanh về khu vực của chúng tôi, trên đường về bọn tôi gặp đ/úy Mai tôi vội trình bày cớ sự.

-Để tao qua đó. Đ/úy Mai trả lời. Sau khi đ/úy Mai đi, khoảng 15 phút sau, chiếc xe lam chạy về đậu trước khu phố toán chúng tôi. Gặp tôi ông cười hỏi:
"ĐM. mày nói gì nó? mà nó nói thằng em của đ/úy lỗ mãng quá nên tui không giao xe?"A ra ông tr/úy bộ binh ghét cái bản mặt và thái độ khiếm nhã của tôi nên chơi tôi cho bỏ ghét. Anh tr/úy bộ binh ơi! Nếu anh còn sống và đọc được những giòng này xin anh nhận nơi đây lời xin lỗi chân thành của tôi về thái độ lỗ mãng ngày hôm ấy.
TS1 Khoeû lúc này đã làm trưởng nhóm tiếp tế đạn dược và lương thực cho LĐ81/BCND, nhờ có chiếc xe lam 3 bánh đó mà tôi hay theo con nhà Khoẻ lên khu sân vận động tải đạn và dịp đó tôi gặp được TS1 Hùng bạn cùng khoá ở Đồng Đế năm 69. Gặp lại nhau tay bắt mặt mừng, Hùng lúc này làm trong ban 4 tiếp liệu ở Tiểu Khu Bình-Long, gặp tôi nó chuồi nhanh cho một cây thuốc quân tiếp vụ thơm, hạnh phúc quá trời ơi! Những ngày qua bọn thằng ghiền thuốc lá như tôi đã lấy giấy báo cũ vê thuốc cẩm lệ còn sót lại trong các tiệm tạp hoá để hút cho đã cơn ghiền, dù những bành thuốc rê, thuốc xỉa được chúng tôi ngâm nước cho bớt nặng, sau đó lại sao trên chảo cho khô phun rượu và tẩm mật ong để tăng thêm hương vị, nhưng mỗi khi hút vào là một lần khé cổ. Số phận chiếc xe lam ba bánh chạy trên lộ-trình chông gai đó cũng chẳng được lâu. Mỗi lần chạy qua con dốc gần khu bệnh viện là mỗi lần VC cố bắn vào chiếc xe cà khổ đó, một phần trên mặt đường đầy các chướng ngại vật, một phần VC trên cao ốc khu phố hướng đông bắn vào, chiếc xe chở đạn nặng nề nhưng nhờ xuống dốc nên tốc độ cũng khá nhanh dần. Tóc! Tóc! Tóc! Tóc! Tiếng đạn AK trúng phần dưới ghế toé lửa, hộp số bị bể chiếc xe khục khặc giật lên giật xuống, Khoẻ tay trái bóp bộ phận nhả số cho trớn chiếc xe chạy hết con dốc sau đó lủi xe vào gần bên bức tường của ngôi nhà. Máy xe còn nổ nhưng hộp số không còn xử dụng được. Bọn tôi bỏ lại chiếc xe về gọi đồng đội lên khiêng đạn về. Sau đó một thương-gia trong khu phố đã tặng cho chúng tôi chiếc 1 xe Ladalat mới tinh để thay thế chiếc xe lam 3 bánh đó, chúng tôi cám ơn và o bế chiếc xe này rất kỹ, chúng tôi dọn một căn nhà có cửa sắt để đậu xe trong đó. TS1 Khoẻ chạy xe mới thích lắm vì tốc độ nhanh và dễ điều khiển nhưng số phận của chiếc xe cũng không sống lâu hơn xe lam 3 bánh la bao lâu. TS1 Phương một hôm lấy xe đi tải lương khô và hỏi tôi muốn lên TK Bình-Long không? Tôi đáp không vì đang cùng con nhà Lễ lên ĐĐ2 thăm anh Sơn. Trên đường về qua nhà xe chưa thấy xe đậu trong đó tôi hơi lấy làm lạ vì thời gian đi lấy lương thực hay đạn dược thường không hơn một giờ rưỡi. Tôi và Lễ đi dọc xuống khu Tr/Đ8 thì gặpTS1 Phương đang lội bộ về. Tôi hỏi:
-Xe đâu?
-Hả?
-Xe đâu? tôi hỏi lại
-Hả? TS1 Phương đưa khuôn mặt lại gần mặt như không hiểu câu tôi hỏi. Tôi tưởng TS1 Phương đang đùa với tôi khiến tôi nổi cáu:
-Xe đâu?
-Pháo banh rồi.

Phương trả lời và ngoắc tay ra hiệu cho chúng tôi theo. Nhìn TS1 Phương không bị thương dáng đi đứng còn nhanh nhẹn tôi cũng mừng thay cho anh nhưng một bên tai đã bị điếc vì đạn nổ. Giữa con dốc cách không xa lắm với cái xe lam là chiếc Ladalat nằm lật nghiêng bên phía tài xế, những thùng lương khô lăn đổ trên đường. Bên kia hông xe mang đầy lỗ thủng của đạn pháo, nhìn chiếc xe bằng sắt nằm chỏng gọng tôi đã không biết ơn trên nào đã che chở cho anh Phương trong quả đạn nổ ngay cạnh chiếc xe lúc ấy. Hết xe chở đạn các chiến-sĩ 81/BCD đi kiếm xe ba gác nhồi giẽ cứng vào vỏ bánh để xử dụng cho các chuyến tải đạn súng cối sau này.

Giữa các ĐĐ của LĐ81/BCND và Việt Cộng mà giới tuyến cách nhau chỉ có một con đường, bắn sẻ, bắn tỉa, dùng súng cối để pháo vào đơn vị VC bên kia đường. Chúng tôi đã chiến đấu trong cái cảnh đó nhiều tuần lễ sau này cho đến nửa đêm 11 tháng 5. Địch pháo như mưa bấc vào thành phố từ nửa đêm cho đến 4 giờ sáng khoảng 8000 quả đại bác, nhịp độ khoảng 5 giây cho mỗi trái, chúng pháo cho chúng tôi không ngóc đầu lên được để chuyển quân, đạn đại bác nổ vang rền chát chúa trong khu phố. Cách tôi hai căn phố khu nhà dân trúng một quả pháo, có tiếng khóc la của các em nhỏ vì sợ hãi khi thấy người bị thương, sau này tôi nghe nói cô Pha bị thương trong đêm ấy nhưng điều này tôi không dám khẳng định vì chỉ nghe nói lại thôi. Hình như còn bao nhiêu pháo địch bắn hết đêm nay hay sao mà tôi đã nghe có những quả đạn không ngòi nổ rơi xuống mặt đất rồi dội văng lên trúng vào tường nhà đập bể cả khối bê tông. Đến 4 giờ rưỡi sáng tự nhiên tiếng pháo im bặt, sự yên lặng bao trùm ghê sợ, mùi thuốc đạn đại bác còn bay khét lẹt. Lại chiến thuật tiền pháo hậu xung, chúng tôi ngồi chong mắt chờ cuộc xung phong của con cháu bác Hồ. Đến 5 giờ sáng VC lại bắt đầu pháo lại như mưa, sau đó thêm vài phút, chúng bắt đầu tấn công từ mọi mặt, nhưng trục tiến quân chính từ Bắc xuống Nam bên khu vực hướng Đông do hai ĐĐ3 & 4 của LĐ81/BCND trấn đóng. Từ hướng Tây, địch chọc thẳng vào phòng tuyến của LĐ81/BCND và Tr/Đ8/SĐ5BB. Đạn giao tranh nghe ác liệt, những phi vụ B52 thả bom chỉ còn cách thành phố khoảng một cây số rưỡi, trong ngày hôm ấy 30 phi vụ B52 thả quanh thành phố ì ầm vang dội, trên bầu trời lúc nào cũng có 2 phi tuần F-4 hay A37 với những quả bom hạng nặng và bom bi chống tấn công biển người, (bom bi là hàng trăm trái bom nhỏ lớn hơn quả bida một chút và sơn đủ màu trông rất đẹp mắt nhưng công dụng của màu sắc là để đánh dấu thời gian ngòi nổ cháy, những quả bom nhỏ này được dồn vào một quả bom lớn, khi quả bom lớn nổ mới tung ra hàng trăm quả bom nhỏ đó trên diện tích rộng lớn rồi mới thi nhau nổ liên tiếp như pháo tết).VC gặp sức kháng cự dũng mãnh của LĐ81/BCND và phi pháo đành phải rút lui để bổ sung quân số. Cũng trong ngày hôm ấy hai máy bay trực thăng COBRA và hai phi cơ quan sát O-2 bị hoả tiễn tầm nhiệt SA-7 bắn rơi bên phía Tây của phòng tuyến LĐ81/BCND. Địch đang đào công sự chiến đấu bên kia rừng, các ĐĐ của 81/BCND theo dõi được nên Đ/úy Huggins cho biết 3 tiếng đồng hồ nữa sẽ có 2 path B52 thả vào khu vực đó. Khu vực thả bom chỉ cách tuyến phòng thủ của các toán LĐ81/BCND 600 mét và cách BCH chúng tôi đang đóng là 800 mét. Đến giờ B52 trên vùng oanh kích, chúng tôi được đ/úy Huggins cho biết 5 phút nữa bom sẽ thả. Sau tiếng "NOW" từ máy PRC25 chúng tôi nghe tiếng bom cắt gió "víêuu víêuu ûvíêuu víêuu víêuu viêuu " trên không rơi xuống, tôi vội nằm sấp người, hai tay bịt chặt vào lỗ tai, cùi chỏ chống xuống, giữ ngực cho hỏng khỏi mặt đất, tránh sức rung. Tiếng bom nổ gần làm rung chuyển nhà cửa, mặt đất rung động dữ dội, không khí bị sức ép làm tôi khó thở, tôi không còn biết là hai phi vụ ấy đã xong chưa vì người còn như chưa tỉnh hẳn. Thành phố tối sầm lại vì đám bụi mù dầy đặc đang bay cao dần và che lấp ánh mặt trời. Những người dân trong khu vực chúng tôi cũng được chỉ cách bảo toàn thân thể khi B52 thả bom gần, nhưng cũng có nhiều trẻ nhỏ cũng bị máu rỉ ra từ tai và mũi.

(còn tiếp)
Về Đầu Trang Go down
LHSon
Khách viếng thăm




Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Empty
Bài gửiTiêu đề: (tiếp theo) Hai tháng tử thủ An Lộc   Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Icon_minitimeWed Apr 03, 2013 2:28 am

(tiếp theo)  Hai tháng tử thủ An Lộc

Giữa các ĐĐ của LĐ81/BCND và Việt Cộng mà giới tuyến cách nhau chỉ có một con đường, bắn sẻ, bắn tỉa, dùng súng cối để pháo vào đơn vị VC bên kia đường. Chúng tôi đã chiến đấu trong cái cảnh đó nhiều tuần lễ sau này cho đến nửa đêm 11 tháng 5. Địch pháo như mưa bấc vào thành phố từ nửa đêm cho đến 4 giờ sáng khoảng 8000 quả đại bác, nhịp độ khoảng 5 giây cho mỗi trái, chúng pháo cho chúng tôi không ngóc đầu lên được để chuyển quân, đạn đại bác nổ vang rền chát chúa trong khu phố. Cách tôi hai căn phố khu nhà dân trúng một quả pháo, có tiếng khóc la của các em nhỏ vì sợ hãi khi thấy người bị thương, sau này tôi nghe nói cô Pha bị thương trong đêm ấy nhưng điều này tôi không dám khẳng định vì chỉ nghe nói lại thôi. Hình như còn bao nhiêu pháo địch bắn hết đêm nay hay sao mà tôi đã nghe có những quả đạn không ngòi nổ rơi xuống mặt đất rồi dội văng lên trúng vào tường nhà đập bể cả khối bê tông. Đến 4 giờ rưỡi sáng tự nhiên tiếng pháo im bặt, sự yên lặng bao trùm ghê sợ, mùi thuốc đạn đại bác còn bay khét lẹt. Lại chiến thuật tiền pháo hậu xung, chúng tôi ngồi chong mắt chờ cuộc xung phong của con cháu bác Hồ. Đến 5 giờ sáng VC lại bắt đầu pháo lại như mưa, sau đó thêm vài phút, chúng bắt đầu tấn công từ mọi mặt, nhưng trục tiến quân chính từ Bắc xuống Nam bên khu vực hướng Đông do hai ĐĐ3 & 4 của LĐ81/BCND trấn đóng. Từ hướng Tây, địch chọc thẳng vào phòng tuyến của LĐ81/BCND và Tr/Đ8/SĐ5BB. Đạn giao tranh nghe ác liệt, những phi vụ B52 thả bom chỉ còn cách thành phố khoảng một cây số rưỡi, trong ngày hôm ấy 30 phi vụ B52 thả quanh thành phố ì ầm vang dội, trên bầu trời lúc nào cũng có 2 phi tuần F-4 hay A37 với những quả bom hạng nặng và bom bi chống tấn công biển người, (bom bi là hàng trăm trái bom nhỏ lớn hơn quả bida một chút và sơn đủ màu trông rất đẹp mắt nhưng công dụng của màu sắc là để đánh dấu thời gian ngòi nổ cháy, những quả bom nhỏ này được dồn vào một quả bom lớn, khi quả bom lớn nổ mới tung ra hàng trăm quả bom nhỏ đó trên diện tích rộng lớn rồi mới thi nhau nổ liên tiếp như pháo tết).VC gặp sức kháng cự dũng mãnh của LĐ81/BCND và phi pháo đành phải rút lui để bổ sung quân số. Cũng trong ngày hôm ấy hai máy bay trực thăng COBRA và hai phi cơ quan sát O-2 bị hoả tiễn tầm nhiệt SA-7 bắn rơi bên phía Tây của phòng tuyến LĐ81/BCND. Địch đang đào công sự chiến đấu bên kia rừng, các ĐĐ của 81/BCND theo dõi được nên Đ/úy Huggins cho biết 3 tiếng đồng hồ nữa sẽ có 2 path B52 thả vào khu vực đó. Khu vực thả bom chỉ cách tuyến phòng thủ của các toán LĐ81/BCND 600 mét và cách BCH chúng tôi đang đóng là 800 mét. Đến giờ B52 trên vùng oanh kích, chúng tôi được đ/úy Huggins cho biết 5 phút nữa bom sẽ thả. Sau tiếng "NOW" từ máy PRC25 chúng tôi nghe tiếng bom cắt gió "víêuu víêuu ûvíêuu víêuu víêuu viêuu " trên không rơi xuống, tôi vội nằm sấp người, hai tay bịt chặt vào lỗ tai, cùi chỏ chống xuống, giữ ngực cho hỏng khỏi mặt đất, tránh sức rung. Tiếng bom nổ gần làm rung chuyển nhà cửa, mặt đất rung động dữ dội, không khí bị sức ép làm tôi khó thở, tôi không còn biết là hai phi vụ ấy đã xong chưa vì người còn như chưa tỉnh hẳn. Thành phố tối sầm lại vì đám bụi mù dầy đặc đang bay cao dần và che lấp ánh mặt trời. Những người dân trong khu vực chúng tôi cũng được chỉ cách bảo toàn thân thể khi B52 thả bom gần, nhưng cũng có nhiều trẻ nhỏ cũng bị máu rỉ ra từ tai và mũi.

        Đêm 12/5 địch lại tấn công nhưng lần nầy yếu ớt và rời rạc, quân số của các công trường 5/7/9 đã thiệt hại quá nặng nề. Nhất là vào đêm 11/5 một trung đoàn của VC đã hứng chính đạn pháo của pháo binh họ. Một binh sĩ ĐĐ3 ở tuyến đầu kể cho tôi nghe: " Tụi nó đông như kiến, tiến lên thì gặp hàng rào kẽm bị tụi mình bắn nên tụi nó rút lui để chuẩn bị bangalore phá rào, chiến xa càn qua khỏi hàng rào bị M72 rang ngay tại chỗ. Cùng lúc đó tụi nó lãnh trái pháo ngay toán quân, không may cho tụi nó là thằng sĩ quan đề lô và thằng mang máy truyền tin chết, một thằng VC khác chạy lại chụp máy truyền tin chửi: ""Địt mẹ các anh pháo lộn rồi, các anh pháo lộn rồi, ngưng pháo ngay, ngưng pháo ngay"" nhưng khi toán pháo binh VC hỏi mật mã để xác nhận thì thằng VC này không biết. Chúng tưởng bọn mình vô được tần số của chúng để gọi ngưng pháo, chúng tưởng đã trúng mục tiêu nên lại càng pháo dữ dội hơn, khi không mà chúng ta " bất chiến tự nhiên thành".

        Cũng trong đêm ấy tôi rời khẩu súng cối đã hết đạn để trở về gác bên khu bệnh xá của LĐ81/BCND, phiên gác 4 tiếng đồng hồ của tôi dài lê thê. Quân số bất khiển dụng càng nhiều thì giờ gác cũng tăng lên, sĩ quan cấp trung úy cũng lãnh 4 chỉ hay 2 chỉ gác như ai. Trong tiếng đạn nổ tơi bời, tôi ngồi dựa lưng vào thành bao cát trong phiên gác đêm. Nhưng làm sao tôi ngăn được giòng lệ tuôn rơi, khi nghe tiếng rên xiết đau đớn não nề của một thương binh rất trẻ từ tuyến đầu đưa về.

        " Bố ơi, mẹ ơi, các em ơi chắc con không được về được để gặp bố mẹ, con đau đớn quá, con nhớ bố mẹ quá. Ôi đau đớn quá."  Mười phút sau lại tiếng người thương binh "Chúa ơi! Con biết hôm nay Chúa gọi con về, con đã làm gì nên tội mà Chúa cho con sự đau đớn khôn cùng nầy, Chúa ơi xin Chúa cứu vớt linh hồn con".

        Có tiếng lục đục trong khu bệnh xá và tiếng hỏi khẽ của th/sĩ Tụng "Morphine đâu?" Sau đó tôi không còn nghe tiếng rên của người thương binh. Tôi ngồi suy nghĩ miên man đến gia-đình ở Đà-Lạt và người yêu ở Sài-Gòn. Chuyến đi vào An-Lộc quá đột ngột, tôi không có thì giờ để viết thư ngắn ngủi để gửi về cho những người thân yêu đó. Tôi cũng như người thương-binh trẻ kia đều có nơi chốn để về, để vui mừng xum họp, để hàn huyên tâm sự sau mỗi chuyến hành quân hay những ngày nghỉ phép. Nỗi nhớ nhung người yêu quay quắt trong lòng, chồng thư tôi viết cho người yêu, cho gia-đình mỗi ngày mỗi dầy thêm trong ba lô. Những lá thư gói ghém thương yêu, kể chuyện vui buồn đời lính, những suy tưởng vụn vặt, đã không có phương tiện gửi về trong hai tháng đó. Người yêu và gia đình tôi giờ này chắc đang ngủ say trong giấc điệp, họ có biết đâu tôi đang ngồi ôm súng gác giặc mà giòng lệ tuôn tràn cho thân phận người thương binh trẻ ấy. Tiếng kêu thương nhớ gia-đình trong cơn đau đớn của anh có ai nghe, ngoại trừ tôi. Tôi không biết gia đình anh ở đâu? người yêu của anh thế nào? Họ có biết những ý nghĩ trong tim óc anh và có nghe những lời thương nhớ của anh vào lúc 4 giờ sáng ngày 12/5/1972 ở An-Lộc không? Một giờ đồng hồ sau tôi lại nghe tiếng người thương binh:

        " Thượng sĩ Tụng ơi? Thượng sĩ Tụng ơi? Đỡ tôi dậy cho tôi đi đái" Giọng nói của người thương binh nghe rất rõ và bình thường chứ không còn đau đớn nữa. Có tiếng chân người xê dịch chậm trong bệnh xá trong vòng năm bẩy phút.
        -Cám ơn thượng-sĩ. Tiếng người thương binh.

        Mãn phiên gác tôi trở vào BCH và ngủ vùi. 7 giờ sáng gặp anh Tụng tôi hỏi ngay về số phận người thương binh ấy.
        -Chết rồi.
        -Bốn giờ sáng còn gọi anh đưa đi đái mà. Tôi hỏi.
        -Sau khi đi đái trở về chỗ nằm cũng là lúc anh ấy chết... Vết thương ở bụng quá nặng...
        -!!!!!!!!

        Những chuyện đau thương, vui buồn, chuyện dùng mưu trí để đánh nhau với VC ở trong An Lộc đã có quá nhiều trong tâm khảm người lính chúng tôi, mỗi ngày, mỗi đêm, mỗi giờ là tim óc chúng tôi lại in thêm những sự kiện mới. Cuộc chiến thật buồn cười, trong lúc những người lính LĐ81/BCND và VC đã sống trong cùng căn phố, chúng tôi chẳng phải đi tìm địch ở đâu xa, mỗi khi thức dậy sau giấc ngủ là có thể đi rình mò tỉa địch được rồi. Cơm gạo sấy và thức ăn đóng hộp ăn mãi cũng chán, đã có một vài người bạn bị phù thủng. Chúng tôi thèm rau một cách kinh khủng, những cây chuối sau vườn nhà đã được cắt sát gốc, lõi được xắt ra để làm nộm trộn chung với thịt hộp, ôi cái món nộm mộc mạc nhưng ngon vô cùng. Khoảng 5 hay 7 ngày sau chúng tôi lại ăn được món này nhờ những chồi chuối non mọc lại. Có những người dân liều mạng ra các bờ mương, ruộng cạnh khu phố hướng tây để háí rau, họ quơ cào cắt vội cho vào thúng mang về. Họ cho tổ súng cối chúng tôi một ôm rau muống, hạnh phúc hay thiên đường ở đâu tôi chưa biết, nhưng bó rau muống ấy đã cho chúng tôi những bữa cơm thịnh soạn nhất trần đời. Chỉ ngắt đi những chiếc lá bị ủng, cái cuống và lá hơi vàng cũng cho vào chảo xào luôn. Tôi đã sợ thịt heo vào những ngày đầu trong chiến trận, khi nhìn thấy những con heo không chủ xổng chuồng đang tạp tạp cái đùi một tên VC chết đã chương xình, làm tôi thấy lợm giọng. Vài ngày sau mấy tay thợ nhậu trong toán truyền tin đem về nguyên cái đầu heo luộc để nhâm nhi, nhìn lại cái đầu heo luộc, nhớ đến con heo bữa đó, tôi gắp các món khác cho chắc ăn...

 Ngày 12/5 địch vẫn pháo cầm chừng khoảng 2000 trái mỗi ngày vào An-Lộc và sau đó thưa dần. Sau ngày 16/5 các phi vụ B52 và phi pháo truy kích địch đã xa hơn ngoài thành phố. Ngày 29/4 từ phía Nam quốc lộ 13, SĐ21/BB, LĐ3/ND đã tiến đến Chơn-Thành và hai tuần sau đó, các đơn-vị bạn đã bứng chốt, kiền của Công-Trường 7 và vượt qua khỏi Chơn Thành hơn 8 cây số về hướng An-Lộc. Tại quốc lộ 13 trung-đoàn 15 của SĐ 9/BB/VNCH đã bọc hậu vào công-trường 7 VC để cùng SĐ21/BB dùng thế gọng kìm, nhưng trong vòng 3 tuần lễ Trung-Đoàn 15 đã bị xe tăng, pháo, bộ đội của Công Trường 7 đánh tan nát. Trung Đoàn này chỉ còn 120 quân nhân sống sót và tất cả đều bị thương.

        Ngày 16/5 SĐ21BB và LĐ3/NDù đã tiến đến Tân-Khai, các đơn vị tăng phái còn cách An-Lộc 10 cây số. Ngày 8/6 các đơn vị trong An-Lộc tấn công vào khu phố VC chiếm, chúng chém vè vào các khu bìa rừng ở hướng,Tây và Bắc. Liên Đoàn 81/Biệt Cách Nhẩy Dù đã anh dũng cắm quốc-kỳ thân yêu trên ngọn đồi Đồng-Long.

        Tin từ hậu-phương cho biết, tổng thống Nguyễn văn Thiệu tuyên bố tất cả những quân nhân tử thủ ở An-Lộc, mỗi người đều được thăng một cấp đã làm cho những người lính đang chiến đấu ở An-Lộc ngạc nhiên và phấn khởi. Tr/úy Cao văn Cát, người pháo binh tăng phái cho LĐ, đã dậy tôi vài ngón đàn guitar classic khi cuộc chiến ở đó đã tạm lắng dịu. Mỗi khi gặp tôi, tr/úy Cát thường nói đùa:
        -Mày còn trẻ quá mà đeo lon thượng sĩ coi chừng bị quân cảnh bắt đó, ai mà tin được.
        -Thôi đi ông nội, cố thượng sĩ thì có. Tôi đùa lại, tôi chợt buồn cười khi nghĩ đến hình ảnh một ông thượng sĩ thường là già tuổi đời trong binh nghiệp, một ông thượng sĩ ở hậu cứ ngày ngày đạp xe đạp từ khu gia-binh vào doanh trại tập họp, bên hông đeo cái bi đông đựng đầy rượu đế với sợi dây thắt lưng TAB to bản, hình ảnh ông thượng sĩ lè phè đó làm tôi thối chí, không còn muốn nghĩ đến cái lon thượng sĩ nữa...

        An-Lộc đã trải qua những ngày u-ám, những nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt trắng xanh của người dân vì thiếu nắng. Nỗi vui mừng hân hoan đến khắp nơi, dân chúng đã túa ra đường lên những khu nhà cũ hỏi thăm nhau. Những giọt nước mắt vì vui mừng, vì tang thương lẫn lộn. Những người bị thương trong thành phố An-Lộc không phân biệt dân hay lính đã được trực thăng tải thương về Lai-Khê vào lúc này. Thật tội nghiệp cho những người thương tật ấy, có những vết thương sơ sài nhưng vì tình trạng thiếu thuốc men, vệ sinh mà vết thương đã có dòi bọ lúc nhúc. Mỗi chuyến trực thăng tản thương là nỗi vui mừng của người dân người lính bị thương và cũng là hạnh phúc tuyệt vời của những người lính còn ôm súng trong lòng phố, những lá thư, thùng quà từ hậu phương được tới tấp gửi đến, chúng tôi thật sự đã nối liền liên lạc với đời sống bên ngoài.

        Mỗi lần gập TS1 Khoẻ từ khu tiếp vận về là tôi hỏi:
        -Có thư không mày?
        -Chuyến này chưa có
        Rồi sự nôn nóng mong đợi thư từ trong lòng mọi người cuối cùng rồi cũng đến, Nhìn những thùng giấy dán kín bên ngoài có chữ ĐĐ1, ĐĐ2...BCH...Lệnh Tr/Tá Huấn gọi các ĐĐ cử quân nhân đại diện lên lấy thơ. Tôi từ bên tổ súng cối thót nhanh về BCH. Đây cũng là phút giây khổ sở nhất nhưng cũng là vui nhất trong những ngày ở An-Lộc. TS1 Khoẻ rút dao đi rừng giọc thùng thư và bắt đầu phân phát, nó đọc to tên những người nhận :
        -Hạ sĩ Nguyễn văn Sấy
        -Đ/úy Trần văn Thọ...
        ————————————
        ————————————
        Có một xấp thư hơi dầy Khoẻ nhíu mày xong nó kẹp bên nách nói "thơ của ĐĐ2 bỏ lộn thùng".  Sấp thơ trên tay nó vơi dần, tôi hồi hộp, chơi vơi hụt hẫng, sao không có tên tôi? Lá thư sau cùng được trao đi thế là hy vọng tôi tan thành mây khói. Nhìn nét mặt chẩy dài thiểu nảo của tôi thằng Khoẻ lấy xấp thư kẹp ở nách ra và dõng dạc đọc:
        -Thân gửi chiến binh đa tình Đỗ đức Thịnh. Tim tôi thót lại, thư của người yêu tôi. Tôi mừng rỡ phóng tới nhưng Khoẻ xô tôi ra, tay phải cầm xấp thư đưa cao lên. Nó nhìn tôi vưà cười vừa nói cái giọng của người Phan-Rang:
        "Hay, ỏng cooi! ĐM.Thuốc lá đâu? phải dâng rồi mới có thơ chớ hehehehe". Móc gói thuốc quăng cho nó nhưng thằng con chỉ móc một điếu rồi bắt tôi phải đi mời hết tất cả mọi ngườI trong BCH. Tôi khổ sở vừa đi mời thuốc mà lòng thì nôn nóng, sau khi mời hết xong nó tỉnh bơ ra lệnh cho tôi:
        -Ngồi đó hút thuốc đi chú em để tao đọc thơ em mày cho.
        -ĐM. Đưa thơ đây cho tao. Tôi vưà nói vưà cố giằng thư nhưng nó né tránh rất tài tình. Cả bộ chỉ huy theo dõi hai thằng từ những giây phút qua, coi bộ ai cũng nghiêng về phe con nhà Khoẻ. Đ/úy Thọ ngôn cái giọng Bắc kỳ nhừa nhựa:
        -Ậy y y! Làm gì mà nóng để thằng Khoẻ nó đọc cho nghe, chiến binh đa tình ngoài phong bì thì nội dung cái thư hấp dẫn đây, chuyện tình love story đến chương 9 rồi đây.

        Thằng Khoẻ được nước bèn tỉnh bơ xé bức thư của người yêu tôi ra đọc:

        Sài gòn ngày... tháng... năm 1972. Chữ anh yêu được con nhà Khoẻ đọc: -Anh yếu xìu, thuốc tam tinh hải cẩu bổ thận hoàn đâu hay súng cối anh hết đạn? Ủa, mà không phải ờ ờ Anh Yêu, anh yêu đó nghen... Cả bộ chỉ huy cười ran, thằng Khoẻ được thể pha trò:

        -ĐM. Thơ em mày viết chữ gì khó hiểu quá, thôi để tao phụ đề Việt ngữ cho tiện việc sổ sách. Nhìn thằng Khoẻ nham nhở đọc thư người yêu tôi cho mọi người trong BCH nghe mà tôi đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Nó chế biến thêm thắt, giảng giải, thêm vào đó mấy ông thần trong BCH góp lời phụ hoạ làm cho mọi người cười nghiêng ngả. Tôi cũng hoang mang không biết nó thêm thắt chỗ nào nữa, đọc xong cái lá thư cuối nó ném xấp thư về phía tôi xong cười ngạo nghễ và biến mất qua lỗ tường nhà. Tôi nhặt xấp thư và vọt nhanh về bên tổ súng cối. Lúc này tôi có đủ sự yên lặng để đọc những giòng thư thương mến.

       Giã từ An-Lộc!

        Buổi sáng sớm ngày 24/6/1972 Liên Đoàn 81/BCND được lệnh triệt xuất khỏi An-Lộc, đơn vị tập họp ở trước nghĩa trang LĐ81/BCND. Phía sau đoàn quân LĐ81/BCND là những người dân trong khu phố chúng tôi trấn thủ vào những ngày qua. Trước hàng quân Tr/Tá Huấn cám ơn tất cả các đơn vị, dân quân đã sát cánh chiến đấu cho thị xã An-Lộc vào những ngày qua và sau đó là một phút mặc niệm cho anh linh tử sĩ của những người vị quốc vong thân. Chúng tôi lặng lẽ rời phố An-Lộc bỏ lại sau lưng những ánh mắt đầy nhân ái. Tâm tư tôi lúc ấy thật bùi ngùi luyến tiếc, cái luyến tiếc mênh mông không tả được, sự sống, sự chết, chiến tranh, hy vọng,và thân phận con người...

        Dọc theo quốc lộ 13 xác người dân chết trải dài trên mặt lộ vì đạn pháo của VC. Tất cả ai trốn chạy chúng đều bị khép vào tội theo Mỹ Nguỵ. Xác một em bé trai khoảng 10 tuổi nằm giữa mặt lộ, thịt đã rữa đi hết chỉ còn lại lớp da khô đen bóng ôm lấy bộ xương. Em nằm đây đã bao lâu nào ai biết, sương nắng đã phơi khô cái thân hình trông thảm thương đó. Đôi mắt tuổi thơ chỉ còn hai lỗ sâu hoắm được che ngang bằng da vành mi khô cứng. Em có tội tình gì???

        Đ/úy Thọ ra lệnh cho tôi và Lễ làm hướng dẫn viên cho phi đoàn trực thăng đáp. Tôi trong toán 1, Lễ toán hai. Tôi, Lễ chuẩn bị kiếng chiếu và panel để xác định điểm bốc, toán 1 chuẩn bị lên tầu đã nằm rãi hai bên quốc lộ 13, toán 2 tiếp tục di chuyển. Từ xa tiếng động cơ trực thăng quen thuộc vọng về, tiếng động cơ lớn dần và vang vọng, tôi chạy ra đứng giữa đường phất panel ra hiệu cho đoàn trực thăng giảm dần cao độ để tiến về hướng tôi, nhìn trước kính lái tôi đứng nghiêm chào nhân viên phi hành, xong chạy nhanh vào ẩn mình thấp bên vệ đường. Toán 1 lên tầu một cách nhanh chóng nhưng tôi có cái cảm tưởng như đoàn trực thăng chưa đáp đã bay dài theo quốc lộ 13 xuôi về Nam. Vài quả súng cối 82 ly pháo vào nhưng còn cách chúng tôi khoảng 200 mét. Lúc này tôi và Đ/úy Thọ lại là cái đuôi của toán 2 nên lẽo đẽo theo toán chờ cho đến khi trực thăng đến. Trực thăng vận đợt 3, sau khi ra hiệu cho chiếc trực thăng đầu hover trên quốc lộ, tôi phóng mình ngay xuống hố bom khá sâu giữa đường để tránh pháo, Oành, Oành, Oành. Từ dưới hố bom ngửa mặt lên trời tôi thấy đoàn trực thăng vút qua nhanh trên hố bom và xa dần. Nhẩy ra khỏi hố bom chợt thấy hai quân nhân LĐ81/BCND còn nằm đó tôi hỏi:

        -Sao không lên tầu?
        -Em bị thương.
        Đưa bàn tay đầy máu người chiến binh trẻ trả lời, còn người kia nằm bất động. Tôi la lớn gọi thượng sĩ Tụng gấp có lính bị thương. Người lính bị thương ở đùi không đi được nhưng còn tỉnh táo, người lính thứ hai nằm theo thế nghiêng, anh vẫn còn thở, đôi mắt mở và trong cái nhìn xa vắng vào phía cuối con đường định mệnh, quốc lộ 13, đôi mắt không phải là mất hết tinh anh mà là đôi mắt của sự ngạc nhiên cùng cực. Người chiến binh đó chỉ bị một miểng pháo thôi, không một giọt máu chẩy từ vết thương. Anh đã bị miễng pháo xuyên từ dưới bệ sườn bên phải xuyên lên tim. Oái ăm thay cái miểng đạn đã đi giữa kẽ hở bên hông cái áo giáp anh đang mặc trên người. Thượng sĩ Tụng tay bắt mạch nhưng lắc đầu buồn bã. Hai phút sau th/sĩ Tụng đưa tay vuốt mắt cho người chiến binh chết vào giờ thứ 25 đó. Đôi mắt của người chiến-binh Liên-Đoàn 81 Biệt Cách Nhẩy Dù khép lại... Từ giã An-Lộc... Anh đã từ giã An-Lộc trong ngày tàn cuộc chiến.

        Toán tôi sau cùng cũng lên trực thăng bay về Lai-Khê để rồi từ đó tôi lại cùng đơn-vị ra tuyến đầu lửa đạn ở Đại Lộ Kinh Hoàng, Mỹ-Chánh, Thạch-Hãn, Cổ-Thành... Những địa danh đã đi qua để lại trong tôi quá nhiều kỷ-niệm. Đời quân ngũ không có gì là sung sướng, chúng tôi đã tìm lấy niềm vui trong gian khổ, đã nhẫn nại trước thử thách gian truân, và những éo le cay đắng của đời quân ngũ đã tạo cho tôi lòng thương yêu, mến phục những con người đã một thời được gọi là Lính Việt-Nam Cộng-Hoà.


Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Vnch_tqluc_chien.

Về Đầu Trang Go down
LHSon
Khách viếng thăm




Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc    Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Icon_minitimeTue Jun 02, 2015 8:21 am


Nhà báo và mặt trận An Lộc (P1)


Nam Nguyên, phóng viên RFA

Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Image


Lịch sử đã sang trang vào ngày 30/4/1975, nhưng những dấu ấn của chiến tranh khó phai mờ. Mùa hè 1972 chiến cuộc diễn biến ác liệt, quân Cộng sản Bắc Việt công khai vượt vĩ tuyến 17 mở các mặt trận lớn, đưa xe tăng, pháo binh và phòng không hiện đại tiến công lấn chiếm lãnh thổ VNCH. Ở phía Nam, địch quân từ Campuchia tràn sang mở mặt trận Bình Long, cuộc vây hãm thị xã An Lộc gần ba tháng là một chiến trường thách đố đối với các nhà báo. Nam Nguyên, lúc đó là đặc phái viên của Hệ thống Truyền thanh Quốc gia kể lại câu chuyện của mình.

Chiến trường thách đố


Báo chí gọi đây là chiến trường thách đố vì lần đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam, 40.000 quân cộng sản phong tỏa hoàn toàn một thành phố của Nam Việt Nam cả trên bộ cũng như trên không. Đường bộ vào An Lộc theo QL 13 bị cắt, địch quân tạo lưới lửa phòng không và pháo kích không ngừng, trực thăng không thể đổ quân vì không có một bãi đáp nào đủ an toàn. Tiếp tế đạn dược và lương thực toàn thả dù với hơn phân nửa lọt vào vùng địch. Đối với các phóng viên vào An Lộc đã khó mà khi vào được rồi thì lại không có đường ra.

Nhật báo Sóng Thần ở Saigon vào năm 1972 có số phát hành kỷ lục, tờ báo vào thời gian này chú trọng tin tức phóng sự chiến trường và đầy ắp hình ảnh. Chúng tôi ngoài công việc chính ở Đài Phát thanh Saigon còn cộng tác với nhật báo này. Ông Uyên Thao lúc đó là Tổng thư ký báo Sóng Thần, từ Virginia ông phát biểu:

    Cái đặc biệt nhất là hình ảnh nghĩa trang của biệt cách trong vùng đó với câu thơ ghi khắc ‘An Lộc địa sử lưu chiến tích - Biệt cách dù vị quốc vong thân.’ Chúng tôi đã là người đầu tiên phổ biến trong làng báo lúc đó.
    -Ông Uyên Thao

“Trận An Lộc, phóng viên tại mặt trận đó của chúng tôi là anh Nguyễn Mạnh Tiến đưa về cho chúng tôi khá nhiều tài liệu hình ảnh như các xe tăng của cộng quân bị bắn phá, những hình ảnh đổ nát của mình. Cái đặc biệt nhất là hình ảnh nghĩa trang của biệt cách trong vùng đó với câu thơ ghi khắc ‘An Lộc địa sử lưu chiến tích - Biệt cách dù vị quốc vong thân.’ Chúng tôi đã là người đầu tiên phổ biến trong làng báo lúc đó.”

An Lộc tỉnh lỵ của Bình Long là cửa ngõ phía Tây Bắc và chỉ cách Thủ đô VNCH hơn 100 km. Từ Saigon đi Thủ Dầu Một rồi theo Quốc Lộ 13 sẽ đến An Lộc. Đầu tháng 4/1972 sau khi chiếm được quận Lộc Ninh, đại quân cộng sản tiến về bao vây thị xã An Lộc. Tại Hội đàm Paris, Bà Nguyễn Thị Bình lúc đó tuyên bố trong vòng 10 ngày An Lộc sẽ là Thủ đô của Mặt trận Giải phóng, điều này đã không xảy ra. Những trận đánh ác liệt với quân số áp đảo có xe tăng và pháo binh yểm trợ với 7 trận tấn công quyết thắng, nhưng Bắc quân vẫn không chiếm được An Lộc.

An Lộc là câu chuyện của cuộc vây hãm, 40.000 quân cộng sản với xe tăng pháo binh đã vùi dập một thị xã diện tích 4 km2. Lực lượng VNCH tử thủ An Lộc gồm 6.350 quân, chủ lực là Sư Đoàn 5 BB với tướng Tư lệnh mặt trận Lê Văn Hưng, cùng Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, hai tiểu đoàn của SĐ 18 và Địa Phương Quân Tiểu Khu Bình Long. Ở ngày phong tỏa thứ 10, phía VNCH tăng viện cho An Lộc Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù và Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù. Các đơn vị này được trực thăng vận ngay trong vòng vây và vào được An Lộc.

Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  126c413d-e3a3-4fd9-8bb2-a6516dde8b54
Chiến trường An Lộc năm 1972. Screen capture.

Trong chiến dịch An Lộc VNCH đã tung lực lượng giải vây 20.000 quân để khai thông QL13 phá vòng vây An Lộc, nhưng cũng phải hơn 2 tháng lực lượng này mới bắt tay được với các đơn vị bên trong An Lộc. Yểm trợ quan trọng cho quân tử thủ An Lộc phải kể tới hàng ngàn phi xuất các loại của của không lực Việt Nam Cộng Hòa và Không lực Hoa Kỳ, trong đó có cả pháo đài bay B52. Xin nhắc lại trong giai đoạn này Hoa Kỳ đang rút quân khỏi Việt Nam, trận An Lộc quân bộ chiến của đồng minh không tham gia.

Sau nhiều tuần lễ hướng về An Lộc bằng đường bộ, trực thăng vận không thành công, kể cả chuyện máy bay bị trúng đạn phải đáp khẩn cấp trong vùng địch. Ngày 13/6/1972 chúng tôi đã thực hiện được mục đích của mình là vào An Lộc và từ đó gởi về bản tường trình tại chỗ với cuộc phỏng vấn tướng tử thủ Lê Văn Hưng. Sau đây là hồi ức của chúng tôi về chuyến đi này.

Số người lên trực thăng gồm Đại úy Nguyễn Văn Quý sĩ quan báo chí SĐ5 BB và nhóm báo chí gồm chúng tôi Nguyễn Mạnh Tiến Vô Tuyến Việt Nam, Dương Phục Đài Tiếng nói Quân Đội, Anh Thuần báo Tiền Tuyến, Tam Phong Slao Quắn SĐ5 và Gérard Hebert phóng viên tự do (Free lance) người Canada lúc đó có hợp đồng với UPI. Ít lâu sau chuyến vào An Lộc, ngày 22/7/1972 nhà báo 54 tuổi này đã tử thương ở mặt trận Quảng Trị. Sau này chúng tôi được biết những thước phim được đổi bằng sinh mệnh của người quay, đã được trình chiếu trên Truyền Hình Canada theo cách không có dẫn giải, các đạo diễn đã chọn hình thức phim không lời vì những hình ảnh khủng khiếp của địa ngục An Lộc Bình Long, của đại lộ kinh hoàng Quảng Trị Thừa Thiên đã nói thay bất cứ lời thoại nào cho phim.

Đoàn trực thăng 5 chiếc chở binh sĩ tiểu đoàn 2/31 SĐ 21 BB tăng viện cho mặt trận An Lộc đáp vội xuống Xa Cam lúc 11g sáng ngày 13/6/1972. Trực thăng chưa chạm đất đã nghe những tiếng xé gió, những tiếng nổ đinh tai nháng lửa, như thường lệ địch quân pháo kích mỗi khi trực thăng xuất hiện.

Địch quân chào 5 chiếc trực thăng và nhóm nhà báo chừng 15 trái đạn. Tất cả chúng tôi mạnh ai nấy chạy túa vào hai bên rừng cao su và lao mình xuống những hố đạn cũ gần nhất.

Dứt tiếng pháo, chúng tôi chạy theo hai ven rừng cao su, phía trước là các toán quân vừa được trực thăng vận tới. Khi kiểm điểm nhân số thiếu Dương Phục và Slao Quắn, một lát sau hai người bắt kịp chúng tôi. Nhưng Dương Phục nói, trong khi chạy pháo kích văng mất chiếc túi đeo, sức ép của tiếng nổ và từ cánh quạt trực thăng đã làm những đồ vật trong túi bay như bươm bướm. Duơng Phục đã bị mất hết các vật dụng, ngoại trừ tìm được cái máy cassette đã trở thành vô dụng. Đó cũng là lý do tại sao ngày hôm đó bài tường trình từ An Lộc của chúng tôi được phát cùng lúc trên Hệ thống Truyền thanh Quốc gia và Đài Tiếng Nói Quân Đội.

An Lộc trong tầm mắt, nhiều xác T54 nằm rải rác, 1 chiếc xe be vàng chói đầy vết đạn pháo kích nằm vắt ngang con dốc. Đây là khúc quanh tử thần vì chỉ riêng tại nơi này hơn 200 thương binh và những người được phép di tản đã chết trên đường đón trực thăng ở bãi đáp.

Không một nhà nào còn nguyên vẹn


Leo hết con dốc tử thần là bắt đầu vào An Lộc, đồng hồ chỉ 11g 20, chúng tôi đã chạy trong 20 phút từ bãi đáp Xa Cam vào An Lộc. Càng vào sâu cảnh điêu tàn càng hiện rõ, trên con đường chúng tôi đi, không một thước vuông đất nào không ghi lại những vết tích của chiến tranh. An Lộc không một nhà nào còn nguyên vẹn, những mái nhà sụp đổ, thân tường nghiêng ngả lỗ chỗ vết miểng, những cột đèn siêu vẹo, dây điện đứt lung tung và điểm thể hiện duy nhất cho sự kiện An Lộc không chiến đấu cô đơn chính là những cánh dù tiếp tế phủ đầy mặt lộ.

Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  C8986bba-4a5a-4b46-8f85-1ece707eb09e
Chiến trường An Lộc năm 1972. Screen capture.

An Lộc chẳng còn gì, nhưng tất cả những vết tích điêu tàn đổ nát chính là biểu hiện vững chắc nhất, cho tinh thần chiến đấu và sức chịu đựng tột cùng của tất cả những ai đã góp công giữ vững thành phố này vào năm đó.

Chúng tôi được hướng dẫn gặp tướng Lê Văn Hưng, tư lệnh SĐ5BB kiêm tư lệnh mặt trận An Lộc trong hầm chỉ huy của ông. Ông tướng dáng vẻ xanh xao và có nụ cười hiền từ, tất cả bộ tham mưu của ông đều mặc áo thun hoặc ở trần. Vào buổi chiều, Chuẩn tướng Lê Văn Hưng người hùng tử thủ An Lộc đã lên mặt đất để trả lời phỏng vấn của chúng tôi. Những lời ông nói được thu vào máy cassette của tôi, tướng Hưng không nói về mình, chỉ đặc biệt đề cao tinh thần chiến đấu của tất cả các chiến sĩ thuộc mọi quân binh chủng đã giữ vững An Lộc và tình cảnh bi đát của mấy chục ngàn đồng bào kẹt giữa vùng lửa đạn Bình Long.

Tôi xin tướng Hưng cho dùng Hot Line Bộ Tổng Tham Mưu để chuyển bản tường trình có ghi âm lời ông về Đài Phát Thanh Saigon. Người trực tiếp nhận và phát bản tường trình này là ông Lê Phú Nhuận, lúc đó là Trưởng phòng Phóng viên. Từ Houston Texas ông Lê Phú Nhuận phát biểu:

    Sau khi bản tường trình đặc biệt phỏng vấn tướng Lê Văn Hưng ngay tại mặt trận của Phóng viên Nguyễn Mạnh Tiến được phát đi trên hệ thống truyền thanh toàn quốc, thì hầu như tất cả mọi nơi đều hứng khởi.
    -Ông Lê Phú Nhuận

“Sau khi bản tường trình đặc biệt phỏng vấn tướng Lê Văn Hưng ngay tại mặt trận của Phóng viên Nguyễn Mạnh Tiến được phát đi trên hệ thống truyền thanh toàn quốc, thì hầu như tất cả mọi nơi đều hứng khởi. Phủ Tổng thống và đặc biệt lúc đó ông Hoàng Đức Nhã đã ra lệnh cho Hệ thống Truyền hình và Điện ảnh Quốc gia là phải vào ngay An Lộc và có trực thăng riêng để vào An Lộc làm phóng sự. Chính vì nhờ có chuyến bay đặc biệt đó mà Phóng viên Nguyễn Mạnh Tiến mới có thể đi ra khỏi An Lộc được.”

Chiều 13/6/1972, chúng tôi đi trong buổi hoàng hôn điêu tàn của An Lộc và bắt gặp ở khu phố chợ những dãy mộ mới vun đắp, một vài thánh giá đóng tạm bằng ván thùng, những cành hoa dại trên các ngôi mộ và đặc biệt trên một tấm bảng có câu thơ viết bằng sơn trắng “An Lộc địa Sử lưu chiến tích, Biệt Cách Dù vị quốc vong thân”.

Ông Lê Đắc Lực cựu đại úy thuộc Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù hiện định cư ở Houston Texas nhớ lại:

“Trong 68 ngày chúng tôi ở trong đó chiến đấu thì hơn 300 quân nhân của chúng tôi bị thương và 68 chiến sĩ đã nằm xuống tại chiến trường An Lộc. Chúng tôi vừa chiến đấu vừa đi thu những xác chết đồng đội của chúng tôi theo lệnh của Trung tá Phan Văn Huấn là không bỏ anh em nào cả, dưới làn mưa đạn chúng tôi đã chôn đồng đội bên hông chợ nhỏ của An Lộc… Cô Pha là một cô giáo dạy ở An Lộc, cô bị pháo kích bị thương nơi bắp chân, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù đã đưa cô về trạm xá và chữa trị cho cô, chúng tôi đã làm nạng gỗ để cho cô sử dụng. Từ trong ngôi nhà gọi là Tân Hòa Xương cô nhìn ra thấy bọn tôi cặm cụi đào hố chôn xác đồng đội dưới làn mưa đạn, cảm động cô mới viết ra câu thơ “An Lộc địa sử lưu chiến tích, Biệt Cách Dù vị quốc vong thân.”

Hai câu thơ “An Lộc địa sử lưu chiến tích, Biệt Cách Dù vị quốc vong thân”mà tác giả là người con gái Bình Long có cái tên mộc mạc giản dị đã đi vào huyền thoại.

Tại toàn bộ mặt trận Bình Long phía VNCH có 8.000 thương vong, riêng tại Thị xã An Lộc là 2.300 binh sĩ. Theo nguồn tin Hoa Kỳ, tổn thất về phía lực lượng cộng sản Bắc Việt gồm có 27 xe tăng bị bắn hạ ngay trong thị xã An Lộc, 10.000 binh sĩ chết 15.000 bị thương, tổn thất nhân mạng lớn là vì bị bom B52. Tuy vậy, phía cộng sản chỉ nhìn nhận 2.000 bộ đội chết và 5.000 người bị thương. Tổn thất của thường dân vào khoảng hơn 10.000 thương vong.

Kỳ tới, Nam Nguyên sẽ tường thuật chuyến viếng thăm An Lộc ngày 7/7/1972 của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu; cũng như một số chi tiết khác ở mặt trận An Lộc, mời quí vị đón theo dõi.


Về Đầu Trang Go down
LHSon
Khách viếng thăm




Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc    Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Icon_minitimeWed Jun 03, 2015 8:23 am


Nhà báo và mặt trận An Lộc (P2)


Nam Nguyên, phóng viên RFA

Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Image
Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu (thứ 2 từ phải sang) đã có một quyết định dũng cảm, ông đi vào nơi nguy hiểm nhất để tôn vinh những chiến binh tử thủ An Lộc, ngày 7/7/1972.
Hình chụp từ báo trước đây

Tháp tùng TT Nguyễn Văn Thiệu vào An Lộc

An Lộc tỉnh lỵ Bình Long là một trong ba mặt trận ác liệt nhất trong mùa hè đỏ lửa 1972.  Đại quân Cộng sản Bắc việt quân số 40.000 người có xe tăng pháo binh yểm trợ đã phong tỏa thị xã này trong gần ba tháng. Ngày 7/7/1972 Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã có một quyết định dũng cảm, ông đi vào nơi nguy hiểm nhất để tôn vinh những chiến binh tử thủ An Lộc, thăm quân cán chính và người dân còn kẹt trong thị xã. Nam Nguyên lúc đó là đặc phái viên của Hệ thống Truyền thanh Quốc gia kể lại chuyến đi mà chỉ có mình anh là phóng viên tường thuật và một thu hình viên được tháp tùng.

Công tác đặc trách mặt trận An Lộc của tôi thực sự kết thúc vào ngày 7/7/1972 với kỷ niệm không bao giờ quên. Hôm đó tôi được lệnh vào Đài Phát Thanh Saigon rất sớm, lệnh trên là chuẩn bị máy cassette và băng pin đầy đủ… đi đâu làm gì không biết và thêm một lệnh đặc biệt nữa, từ lúc này không được điện thoại liên lạc với bất kỳ ai.

Mọi việc dần dần sáng tỏ trong chuyến đi được bảo mật khác thường, tôi là hành khách của một trong hai chiếc trực thăng UH1D nhưng dành cho VIP có ghế đàng hoàng, người ngồi đàng trước tôi là Đại tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham mưu trưởng QL.VNCH. Máy bay bên kia là Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và ông Hoàng Đức Nhã, Tổng trưởng Dân Vận Chiêu Hồi một người có nhiều ảnh hưởng với Tổng thống…

    An Lộc là chiến trường cô đơn, nguyên thủ quốc gia đến thăm thì tinh thần quân dân ai cũng lên dữ lắm…
    -Cựu Chuẩn tướng Mạch Văn Trường

Cho đến khi nhận ra những hàng cây cao su bạt ngàn và màu đất đỏ, tôi biết mình đang một lần nữa bay vào An Lộc…Bởi vì những ngày tháng đặc trách mặt trận An Lộc, tôi đã từng bị rơi trực thăng trong rừng vào ngày 29/4/1972 cũng như đã vào được An Lộc ngày 13/6/1972 để gửi về bài tường trình tại chỗ có lời tướng tử thủ Lê Văn Hưng…

Lần này ngày 7/7/1972 cũng bãi B15 gần thị xã, trực thăng đáp an toàn, có lẽ vòng vây địch đã bị đẩy ra xa hơn, các cao điểm như đồi Đồng Long, đồi 100 đã được tái chiếm, nhưng Đồi Gió, phi trường Quản Lợi vẫn ở trong tay quân Bắc Việt. Nói theo các nhà quân sự, vòng vây đã dãn ra xa hơn nhưng địch quân vẫn chiếm những vị trí có thể quan sát thành phố An Lộc đổ nát…Địch không pháo kích lúc máy bay đáp xuống bãi B15 gần thị xã mà mật danh truyền tin là Khánh Ly, hơn nữa Không quân sẽ phải dọn vùng rất cẩn thận để bảo vệ Tổng thống.

Cựu Chuẩn tướng Mạch Văn Trường là một sĩ quan tử thủ An Lộc, lúc đó ông là Đại tá Trung đoàn trưởng Trung Đoàn 8 SĐ5 BB. Ông Mạch Văn Trường và gia đình hiện định cư ở Houston Texas Hoa Kỳ, do sức khỏe chưa hồi phục hoàn toàn sau khi lâm trọng bệnh, cựu Chuẩn tướng Mạch Văn Trường nói vắn tắt:

“An Lộc là chiến trường cô đơn, nguyên thủ quốc gia đến thăm thì tinh thần quân dân ai cũng lên dữ lắm…”

Ngày 7/7/1972 Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong tư cách Tổng tư lệnh quân đội đã có một chuyến đi lịch sử, ông đi vào nơi nguy hiểm nhất nơi mà ông đã ra lệnh tử thủ, thăm quân cán chính và người dân còn kẹt trong thị xã. Tôi đã chứng kiến những hình ảnh bi hùng, có lẽ Tổng thống Thiệu đã đọc bài diễn văn ứng khẩu hay nhất trong sự nghiệp chính trị của mình. Ông leo lên một chiếc PT76, một trong hàng chục chiến xa của địch bị bắn hạ ngổn ngang trên Dốc Tử Thần. Cử toạ của ông không phải là những nghị sĩ dân biểu com-lê cà vạt, họ là những chiến binh áo trận tả tơi, dân quân cán chính thiếu ăn ở Bình Long, những người sống sót sau những tháng dài bị vây hãm. Những tràng pháo tay này mới thực sự xuất phát từ trái tim, không phải những tràng pháo tay từng làm gián đoạn những bài diễn văn về chính sách quốc gia, khi ông đọc trước lưỡng viện Quốc hội. Ở những nơi chốn đó có những tràng pháo tay vì lợi nhuận chính trị, vì tham vọng quyền lực.

Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  66a48ec5-b925-4108-b6c8-606c99f8f883
Nghiã trang Biệt Cách Dù bên hông chợ nhỏ An Lộc. Thời gian này, Liên đoàn 81 Biệt cách dù đã rời An Lộc nhưng trước khi đi họ đã xây dựng khu nghĩa trang tươm tất hơn, có đài tưởng niệm khắc hai câu thơ huyền thoại: “An Lộc địa sử lưu chiến tích-Biệt cách dù vị quốc vong thân.” Hình chụp từ sách của Lê Đắc Lực.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu được tướng Lê Văn Hưng lái xe Jeep đưa đi thăm thị xã An Lộc, lúc ông đứng trên Đại lộ Hoàng Hôn địch quân đã pháo một lượt đạn vào An Lộc. Ông Nguyễn Văn Thiệu cười và nói đấy là họ chào mừng tôi. Tất nhiên vị nguyên thủ quốc gia đã không quên viếng thăm nghiã trang Biệt Cách Dù bên hông chợ nhỏ An Lộc. Thời gian này, Liên đoàn 81 Biệt cách dù đã rời An Lộc nhưng trước khi đi họ đã xây dựng khu nghĩa trang tươm tất hơn, có đài tưởng niệm khắc hai câu thơ huyền thoại: “An Lộc địa sử lưu chiến tích-Biệt cách dù vị quốc vong thân.”

Công việc của tôi trong chuyến đi đặc biệt ngày 7/7/1972 là tường thuật tại chỗ ghi âm ngay từ khi trực thăng của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đáp xuống bãi B15. Tường thuật liên tục ngoại trừ những khi Tổng thống phát biểu. Tôi được lệnh khi về Đài chỉ cắt đi những đoạn trống và cho phát ngay trên Hệ thống Truyền thanh toàn quốc. Đi cùng với tôi có một Cameramen và bên Đài Truyền hình được chỉ thị sử dụng toàn bộ bài tường thuật tại chỗ của tôi và hình ảnh lồng theo đó.

Địch quân đã không chiếm được An Lộc để làm Thủ đô cho MTGP, nhưng thị xã hoang tàn đổ nát này vẫn chưa hết nguy hiểm. Ngày 9/7/1972, sau chuyến đi của Tổng thống Thiệu hai ngày, tướng một sao Richard Tallman của Quân đội Hoa Kỳ đã tử thương tại bãi B15 vì đạn pháo kích, ngay khi ông vừa rời trực thăng. Ông là vị tướng cuối cùng của quân đội Hoa Kỳ tử trận trong chiến tranh Việt Nam.

Vì sao CS không thể chiếm An Lộc?


    Giữ cho được phần đất của mình đấy là quan niệm cuối cùng của người lính. Khi đã ở trong đó rồi thứ nhất lệnh của ông Tổng tư lệnh là giữ cho bằng được… chết hết thì thôi và người dân cũng chấp nhận như vậy vì người ta không có lối chạy, còn quân đội bắt buộc phải ở tại chỗ rồi.
    -Cựu Trung tá Bùi Quyền

Tại sao, với quân số 4 sư đoàn có xe tăng, pháo binh, pháo phòng không yểm trợ mà quân cộng sản Bắc việt lại không thể chiếm được An Lộc hoặc buộc quân tử thủ phải đầu hàng? Cựu Trung tá Bùi Quyền vào tháng 4/1972 mang cấp bậc Thiếu tá Trưởng ban 3 hành quân của Lữ đoàn 1 Nhảy dù, đơn vị tăng viện trực tiếp chiến đấu bên trong An Lộc. 40 năm sau khi giã từ vũ khí, cựu Trung tá Bùi Quyền từ Bắc California Hoa Kỳ nhận định:

“Giữ cho được phần đất của mình đấy là quan niệm cuối cùng của người lính. Khi đã ở trong đó rồi thứ nhất lệnh của ông Tổng tư lệnh là giữ cho bằng được… chết hết thì thôi và người dân cũng chấp nhận như vậy vì người ta không có lối chạy, còn quân đội bắt buộc phải ở tại chỗ rồi. Địch quân có thể tính lầm chuyện họ nghĩ với bom đạn pháo kích như vậy thì người lính sẽ nao lòng, sẽ phải bỏ ngũ mà họ quyên rằng, bỏ ngũ cũng chết vì ra khỏi cái hố của mình thì có thể chết rồi. Đó là lý do mà dân cũng như quân đều chấp nhận. Có những người dân thuần túy như nhân dân tự vệ mấy em trong đó họ cũng cầm súng họ đánh như thường vì biết rằng không đánh thì cũng chết…Đó là lý do chính còn những danh dự trách nhiệm thì nó hơi cao, thực sự lúc đó trước cái chết thì ai cũng phải chống cự để mà sống. An Lộc vững là vì thứ nhất quân ở trong đó thừa lệnh giữ và thứ hai nữa là trên phương diện chiến trường địch bao vây chung quanh ra rồi còn chết dễ hơn ở trong đó.”

Với 7 trận tấn công thẳng vào An Lộc trong hai tháng 4 và 5/1972  quân CSBV tổn thất 27 xe tăng bên trong thị xã. Trong hồi ký “Trận An Lộc 93 ngày”, Cựu Chuẩn tướng Mạch Văn Trường kể lại trong trận tấn công đầu tiên vào An Lộc ngày 13/4/1972  địch quân đã bị tổn thất 15 chiến xa, 3 chiếc do trực thăng vũ trang Cobra của Hoa Kỳ bắn hạ, còn 12 chiếc khác bị quân trú phòng hạ. Từ Houston Texas cựu Chuẩn tướng Mạch Văn Trường phát biểu:

Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  72528ff4-5503-4cd9-a1ec-c7b3bc4686c2
Chiến trường An Lộc 1972. Hình chụp từ sách của Lê Đắc Lực.

“Trung đoàn 8 của tôi, lúc đó là Trung đoàn mạnh nhất thành ra ông tướng Hưng giao cho Trung đoàn 8 giữ mặt Bắc là hướng chính địch đánh từ Bắc xuống Nam từ Lộc Ninh xuống An Lộc. Thành ra tôi cũng có ý kiến là bây giờ nếu địch đánh cấp sư đoàn mà địch có chiến xa thì phải đối phó bằng cách nào? Chuyện đối phó bằng ly cách giữa bộ binh và chiến xa chuyện này nếu mà còn có sức để kể thì nghe hay lắm….có nhiều cái đặc biệt lắm tôi rất tiếc không có sức khỏe …”

Trong số các đơn vị VNCH bên trong An Lộc, chỉ có nhảy dù từng thử lửa với chiến xa địch ở mặt trận ngoại biên, tuy nhiên không phải ở mức độ qui mô như trong trận An Lộc.

Cựu Trung tá nhảy dù Bùi Quyền nhận định về sự kiện xe tăng địch quân chạy vào bên trong An Lộc đều bị hạ. Ông nói:

“Đánh xe tăng thì có thể các đơn bị bộ binh ở trong đó họ chưa đánh bao giờ nhưng nhảy dù thì đã đánh với xe tăng nhiều lần, từ Hạ Lào cho tới Cămpuchia…Thực sự cũng không có gì đáng sợ lắm vì nó (xe tăng) chỉ có hỏa lực thôi, nó không có bộ binh đi kèm thì chỉ là những mồi ngon thôi…nó đóng kín và chạy thì có thấy gì đâu, trong An Lộc xe tăng nó bắn nhưng không ngóc được đại bác lên trên cao cho nên ở trên những tầng lầu ‘sút’ nó…thứ hai An Lộc nhỏ lắm, bắn phía sau nó tất cả vũ khí bắn phía sau nó là nó tiêu, hoặc là bắn cháy xích nó thì nó tiêu…An Lộc nhiều hẻm lắm mà dân ở trong đó những toán đi diệt tăng là dân địa phương từ phía sau xịt M72 trúng là nó bị… sau này Mỹ đưa loại hỏa tiền chống chiến xa trang bị trên trực thăng Cobra thì bắn trúng là tiêu.”

Cựu Đại úy Biệt Cách dù Lê Đắc Lực người từng được trực thăng vận vào An Lộc ngày 15/4/1972. Từ Houston Texas nơi quê hương tạm dung, ông Lê Đắc Lực hồi tưởng:

“Từ trước tới nay chúng tôi chưa bao giờ chạm địch mà có chiến xa yểm trợ, là những người chuyên nghiệp trên các mặt trận chúng tôi có giao động một đôi phút đầu tiên thôi. Bọn tôi nhảy vào trong đó thấy được chiến trường lúc đó đã quá bi đát rồi, hơn nữa lại đụng phải chiến xa của địch, chúng tôi rất giao động, nhưng chúng tôi là lực lượng đưa vào để giải quyết và tiếp cứu chiến trường nên tinh thần chiến đấu vẫn vững vàng, dưới quyền chỉ huy của Trung tá Phan Văn huấn chúng tôi đã được tác động rất mãnh liệt và không chùn bước chiến đấu diệt tăng, chúng tôi đã thành công với chiến thuật diệt tăng bằng những quả đạn đại bác nhét TNT vô và dùng con cóc của mìn Claymore để bắt vào đó và đặt trên đường. Khi chiến xa đi qua chúng tôi bấm cho nổ quả đạn, ngoài việc sử dụng XM 202 và M72 chúng tôi sử dụng cách đó rất có hiệu quả, xe tăng địch bị phá hủy và trên đường tạo ra những lỗ hổng lớn xe tăng tới sau không vượt qua được. Nhờ phát kiến của Trung tá Huấn cho nên xe tăng không còn là một trở ngại lớn đối với Liên đoàn 81 Biệt cách chúng tôi.”

Mặt trận An Lộc để lại những ký ức mà tôi không thể quên trong đời phóng viên. Từ việc trực thăng bị bắn rơi ở vành đai An Lộc ngày 29/4/1972 tới dấu ấn 13/6/1972 vào được An Lộc gởi về bài tường trình tại chỗ với cuộc phỏng vấn tướng Lê Văn Hưng và sau cùng là chuyến tháp tùng Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu vào An Lộc ngày 7/7/1972.    

Một giai đoạn lịch sử đã kết thúc, nhưng trong giấc ngủ đôi khi tôi nghe tiếng cánh quạt trực thăng phần phật gió và tiếng đạn pháo nổ nháng lên ánh lửa màu da cam.

.
Về Đầu Trang Go down
LHSon
Khách viếng thăm




Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc    Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Icon_minitimeThu Jun 04, 2015 12:25 am


Nhà báo và mặt trận An Lộc (P3)

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  9c08bb1e-e868-46d0-862d-38f4ba08c46f
Quân đội Việt Nam Cộng Hòa được di tản bằng trực thăng tại Quảng Trị ngày 30 tháng 6 năm 1972.
Ảnh minh họa. AFP photo

Trong hai bài trước, Nam Nguyên đã kể lại câu chuyện trực thăng vận thành công vào An Lộc ngày 13/6/1972, anh phỏng vấn tướng tử thủ Lê Văn Hưng và gởi tường trình đặc biệt về Hệ thống Truyền thanh Quốc gia; Trong bài thứ 2, Nam Nguyên thuật lại sự kiện anh trở lại An Lộc ngày 7/7/1972 tham gia chuyến đi được bảo mật chặt chẽ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Hôm nay trong bài thứ ba, Nam Nguyên lúc đó là Đặc phái viên Hệ thống truyền thanh Quốc gia ghi nhớ những kỷ niệm khó quên, khi mặt trận An Lộc đang ở đỉnh điểm các cuộc tấn công của đại quân Cộng sản Bắc việt.

Ba phóng viên rơi trực thăng giữa rừng An Lộc

Mùa hè năm 1972, An Lộc là chiến trường thách đố với các nhà báo, một thị xã nhỏ bé cách thủ đô VNCH hơn 100 km bị 40.000 quân Cộng sản Bắc Việt có xe tăng, pháo binh, pháo phòng không yểm trợ vây hãm tấn công gần ba tháng. Các phóng viên chiến trường ở Nam Việt Nam lúc đó đều muốn vượt vòng vây vào An Lộc để làm phóng sự. Ở giai đoạn ác liệt của mặt trận An Lộc, vào ngày 29/4/1972 chúng tôi lúc đó là đặc phái viên của Hệ thống truyền thanh quốc gia (VTVN) đã cùng hai nhà báo khác đi vào An Lộc, nhưng trực thăng bị trúng đạn phải hạ cánh khẩn cấp trong vòng vây của quân Cộng sản.

Ngày 29/4/1972 là ngày thứ 22 An Lộc bị phong tỏa, đường bộ từ Chơn Thành theo QL13 bị cắt ở chốt Suối Tầu Ô xóm Ruộng, hỏa lực địch mạnh đến nỗi lực lượng giải vây với các đơn vị tinh nhuệ như nhảy dù, thiết giáp và bộ binh chịu nhiều thiệt hại nhưng đều không thể phá chốt được. Vì thế chúng tôi quyết định thử lửa với trực thăng của Phi đoàn 223 Sư đoàn 3 Không quân VNCH. Nhóm anh em nhà báo gồm chúng tôi Nguyễn Mạnh Tiến thuộc Hệ thống truyền thanh quốc gia (VTVN), Thế Hải Đài Tiếng Nói Tự Do (VOF) và Dương Phục Đài Tiếng Nói Quân Đội. Chúng tôi đã lên tàu ở bãi đáp cạnh rừng cao su non Lai Khê. Lúc đó chúng tôi nghĩ là bay vào tử địa thì kiếm một chỗ ngồi bệt trên sàn trực thăng sẽ chẳng ai đuổi xuống.

Nhưng không phải như vậy, ở mốc thời gian 41 năm sau chiến trường An Lộc, năm 2013 chúng tôi tình cờ gặp lại cựu Trung úy phi công Võ Văn Cơ, phi công chính của chuyến bay định mệnh tháng 4/1972 và mời ông thăm Đài RFA. Diễm Thi của Ban Việt Ngữ đã đề nghị cựu trung úy phi công Võ Văn Cơ cùng chúng tôi tham gia chương trình Video Cuộc Sống Quanh Ta với cuộc hội ngộ đầy bất ngờ và cảm động. Cựu Trung Úy phi công Võ Văn Cơ cho biết phi công phụ của chuyến bay là Thiếu úy Trương Phương Tuyên hiện cũng định cư ở Hoa Kỳ. Nhớ lại câu chuyện 41 năm trước cựu phi công Võ Văn Cơ nói:

“Tư lệnh của chiến trường cấm tất cả các phóng viên sợ nguy hiểm cho họ, thứ nhất là để giữ bí mật quân số vì lực lượng đối phương lúc đó tới ba công trường với ý đồ của đối phương là chiếm lĩnh tỉnh Bình Long, cuối cùng thì họ không khuất phục được ý chí chiến đấu của mình, ta vẫn chiếm lại được. Ngày mà tôi gặp anh Tiến này tại bãi đổ quân của nhảy dù ở phi trường Lai Khê, khi anh lên phi cơ rồi thì tôi trình lại cấp trên là tại sao có phóng viên lên máy bay? cuối cùng ông Chỉ huy trưởng nói thôi được cứ cho phóng viên lên.”

Trong thời gian này áp lực của cộng quân đang mạnh nhất, đối phương đã mở đợt tấn công thứ 4 thứ 5 và trong tháng 5 /72 thì thêm vài đợt tấn công nữa, tất cả đều có xe tăng, pháo binh và pháo phòng không yểm trợ. Trước các đợt tấn công có lúc địch quân pháo tới hơn 8.000 quả đạn trong vòng 8 tiếng đồng hồ. Cựu Trung tá nhảy dù Bùi Quyền lúc đó là Thiếu tá trưởng Ban 3 hành quân Lữ đoàn 1 nhảy dù, đơn vị tiếp viện trực tiếp chiến đấu bên trong An Lộc. Từ Bắc California Hoa Kỳ ông Bùi Quyền kể lại là quân đội và thường dân thương vong rất nhiều vì các trận mưa pháo của của địch quân.

“Thời gian đó trung bình cứ 2-3 giây là có một quả đạn rơi vào An Lộc rồi thành thử không chỗ nào không trúng.”

Trở lại chuyến đi ngày 29/4/1972 của nhóm nhà báo chúng tôi, tôi nhớ lại đường bay vào An Lộc rất gần, suốt dọc phi trình phi công bay sát đầu ngọn cây cao su để tránh hỏa tiễn tầm nhiệt SA7, tránh cao xạ phòng không đạn nổ hai lần, nhưng không tránh được đại liên và ngay cả súng AK.

Hôm đó đoàn trực thăng trong đó có chiếc chở chúng tôi không đáp được xuống bãi Xa Cam, địch quân pháo kích mù trời, không một chiếc nào nào đáp được hẳn xuống đất để tản thương. Trực thăng giữ độ cao lơ lửng và bốc lên ngay, nhìn qua khoảng trống của chiếc UH1D chúng tôi nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng, một số thương binh còn đủ sức đã đu càng trực thăng, người chậm hơn yếu hơn lại nắm lấy cổ chân đồng đội,  trực thăng bốc lên cùng với chiếc thang người đong đưa.

Cả ba chúng tôi Thế Hải, Dương Phục và Nguyễn mạnh Tiến chưa kịp nhảy xuống thì trực thăng bốc lên, bên tai tiếng súng liên thanh bắn vào máy bay, tiếng đạn cối, hỏa tiễn 122 ly nổ liên hồi trên bãi đáp mù mịt khói lửa; hai xạ thủ trên trực thăng cũng khạc đại liên về hướng rừng cao su. Anh Thế Hải cựu phóng viên Đài Tiếng nói Tự do (VOF) hiện nay định cư ở Hawaii Hoa Kỳ, lần đầu tiên sau 40 năm tôi tìm được số điện thoại và liên lạc với anh. Anh Thế Hải rất xúc động kể lại câu chuyện cũ như hệt một đoạn phim quay chậm:

“Lúc đến bãi Xa Cam nhìn một chiếc xuống trước, Việt Cộng họ pháo kinh khủng từ các đồi xung quanh kinh hoàng vô cùng, các thương binh ra để được chở đi pháo Việt Cộng ‘phơ’ tới bãi đáp tung bụi mù. Chiếc máy bay của mình với Tiến và Dương Phục đảo qua một cái thì phi công không thể xuống được vì máy bay đã bị trúng đạn. Trong lúc đó mình nhiệm vụ vừa là phóng viên truyền thanh VOF vừa cầm cái máy chụp hình vừa nói vào máy hình ảnh diễn ra tại đó…trong lúc bấm máy thì thấy máy bay trước mình binh sĩ họ nhào lên, họ bám vào càng trực thăng, máy bay bốc lên vì không thể chở nhiều thương binh…Lúc đó mình hoảng loạn rồi cứ thế bấm máy, phía xa thấy một máy bay tự nhiên có một móc xích mấy người binh sĩ bám vào càng rồi hai ba anh lại bám vào chân người bám vào càng nữa. Mình ghi được cảnh trực thăng  bay cao lên, chắc là sức gió và sức chuyển động mạnh quá, có một anh đã rớt khỏi cái chân của anh binh sĩ bám trên càng đó. Mình bấm, ai ngờ về sau họ đưa lên tờ Stars and Stripes của quân đội Mỹ thì lúc bấy giờ mình mới biết hình ảnh mình đã ghi được.”

Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Image
Trực thăng đổ quân Dù tăng viện, đồng thời vội vã tải thương binh ra khỏi mặt trận An Lộc năm 1972.

Cựu Trung úy phi công Võ Văn Cơ, trong cuộc hội ngộ với chúng tôi ở phòng thu hình của RFA năm 2013 đã làm rõ hơn về việc ông bị thương và máy bay bị hư hại nên không thể đáp xuống bãi đáp. Ông nói:

“Khi tôi trúng đạn bên vai phải rồi thì tôi báo cho chiếc CNC liền xác nhận tôi bị thương rồi, máy bay tôi vẫn còn lơ lửng tôi thấy không đưa được phóng viên xuống, hỏa lực địch bắn rát, mũi phi cơ khói xịt lên như vậy trúng bình điện rồi, may mà nó không bị gián đoạn. Nhưng tôi nhận xét âm thanh máy bay vẫn còn đều nên tôi quyết định bay ra. Nếu tôi đáp xuống ở lại đó thì anh và tôi giờ này cũng là đống xương nằm đó thôi chứ không còn nữa! Địch bắt đầu pháo, nhảy dù cáng thương binh đi ra thì mấy chiếc kia bốc về luôn, chiếc nào ra được là đi chiếc đó không có chần chừ, vừa bị pháo mà hai bên ở thế cài răng lược với nhau không thể chần chừ được. Tôi cất cánh đi ra không dám bay trên QL13 nữa bởi vì đối phương hai bên đã án ngữ nhau rồi. Tôi lên khoảng 5 hoặc 6 dậm thì nhìn thấy ở Đông Nam tay trái có một khu rừng nguyên si chưa có vết bom đạn nào hết là tôi xuống liền. Khi tôi báo CNC trong hợp đoàn tôi họ nghe hết, lúc này tôi không còn liên lạc được với ai nữa, hệ thống vô tuyến đứt luôn rồi. Lúc đó có chiếc Gunship đã xả hết rocket và đạn mini gun rồi, nó nhẹ hơn và xà xuống sau lưng tôi liền. Nó bốc được cho tôi một copilot hai xạ thủ và 3 anh phóng viên này. Tới giờ này tôi vẫn nghĩ là nhờ ơn trên mà còn nguyên vẹn hết chỉ phải bỏ chiếc máy bay.”

Tôi nhớ lại Trung úy Võ Văn Cơ là người cuối cùng rời chiếc trực thăng bị trúng đạn bốc khói và phải đáp khẩn cấp, trong lúc người xạ thủ bên trực thăng vũ trang Gunship vẫy tay lia lịa gọi chúng tôi chạy qua mau. Trung Úy Cơ còn làm một số thao tác trên bảng điều khiển, tôi nghĩ là ông Cơ đã vô hiệu hóa các tần số liên lạc.

Thật ra lúc đó mọi sự diễn ra nhanh lắm, bây giờ hồi tưởng lại như một khúc phim quay chậm hiện rõ sự khủng khiếp của chiến tranh. Lần đầu tiên liên lạc với anh Thế Hải sau 40 năm, anh Thế Hải đã kể lại tâm trạng của anh khi máy bay chở chúng tôi phải đáp khẩn cấp trong khu vực do địch quân kiểm soát. Cựu phóng viên VOF Thế Hải kể lại:

“Mình nghĩ chắc đây là ngày cuối cùng của đời phóng viên rồi…Tôi lại sinh ngày 20/4 ngày bị nạn là 29/4, từ đó mình coi như ngày sinh nhật thứ hai của mình được sống lại. Lúc máy bay đáp khẩn cấp xuống một bãi cỏ, tôi còn nhớ rằng anh em mình hò nhau là phải ra khỏi máy bay sợ nó cháy. Rồi một chiếc Gunship từ đâu xà tới, một chiếc nó bắn yểm trợ xung quanh, một chiếc nó bốc anh em mình lên; trong lúc đó nghe tiếng súng AK nổ chát chúa cứ mỗi lúc một gần, mình nghĩ chắc là anh em mình kể như bị bắt rồi, trong lúc đó mình bảo thôi nếu bị bắt rất đau khổ thì thà rằng xin được chết ngay tại trận.”

Ngay từ khi lơ lửng ở bãi Xa Cam với cảnh pháo kích, tiếng súng của xạ thủ quạt lia lịa về hướng các bờ từng cao su, chúng tôi đã tường thuật vào trong máy, khi lên được chiếc Gunship tôi cũng tiếp tục nói vào máy. Khi về tới Lai Khê, cả ba chúng tôi xúm lại để phỏng vấn người phi công bị thương. Cả ba Đài Phát Thanh hôm đó đều có bài tường thuật sôi nổi. sau đó, chúng tôi cũng viết bài phóng sự trên báo Sóng Thần. Cựu Trung úy phi công Võ Văn Cơ nhớ lại:

“Sau chuyến bay ngày 29/4 và cứu được phóng viên rồi, thì ba ngày sau trên tờ báo Sóng Thần tôi đọc được bài viết ‘ cảm ơn nhân viên phi  đoàn 223 đã cứu mạng sống các phóng viên’ hôm đó tờ báo Sóng Thần ra ngày 2 tháng 5, tôi vẫn còn nhớ.”

Bay trực thăng vào An Lộc những ngày đó thật là nguy hiểm, sau chúng tôi hai ngày hôm 1/5/1972,  Điện ảnh viên quân đội Nguyễn Ngọc Bình ở trong số 11 người kể cả phi hành đoàn, đã hy sinh vì trực thăng của họ bị bắn rơi trên phi trình vào An Lộc. Sau này, một đồng nghiệp của phóng viên Nguyễn Ngọc Bình là anh Đỗ Văn Mỹ đã theo cánh quân Trung đoàn 15 giải tỏa quốc lộ 13, anh đi bộ 15 km đường rừng từ Tân Khai theo hướng An Lộc và tìm thấy chỗ trực thăng bị bắn rơi. Di hài phóng viên điện ảnh Nguyễn Ngọc Bình chỉ còn xương cốt nhưng các reel phim 16 ly và máy quay cháy nám vẫn quàng trên xương ngực. Đỗ Văn Mỹ được biết nhiều hơn với tục danh Mỹ Voi vì người anh cao lớn, Mỹ Voi đã gom xương cốt người bạn thân vào hai thùng đạn súng cối và xin trực thăng tản thương chuyển về Saigon. Bà quả phụ Nguyễn Ngọc Bình sau đó xác nhận đúng là di cốt của chồng, nhờ một vết tích riêng ở răng của anh.

Sau chuyến bay định mệnh ngày 29/4/1972, phải 44 ngày sau tức 13/6/1972 chúng tôi mới vào được An Lộc phỏng vấn Tướng Lê Văn Hưng để gởi về bài tường trình tại chỗ và đến ngày 7/7/1972 chúng tôi trở lại An Lộc theo chân Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.

Mặt trận An Lộc là một chiến trường đầy thách đố với các nhà báo. Riêng đối với chúng tôi nó là phần quan trọng nhất trong cuộc đời phóng viên của mình.


Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Sgiwb6
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content





Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc    Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc  Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
Chiến trường An Lộc - Nhà báo và mặt trận An Lộc
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Tài liệu quân dân VNCH cương quyết chống TC xâm lược Hoàng Sa năm 1974
» TỔ QUỐC GHI ƠN NGƯỜI CHIẾN SĨ VNCH
» Người lính VNCH trong lửa đạn và sau trận chiến
» “Bên Thắng Cuộc” lột trần hậu trường chính trị Việt Nam
» Những bài học về cuộc chiến Việt-Trung 1979

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon  :: ĐỀ TÀI :: Lịch Sử, Tài Liệu-
Chuyển đến