Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon

Diễn Đàn của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Keywords
Chung linh sáng VNCH nhac quan Nguyen Nhung ngắn quynh trong nguyet Trung bich quang phải chẳng truyện không thuoc chất ngam hoang quốc Saigon chuyen
Latest topics
» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Gió Đâu Suồng Sã Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:38 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Gió Đâu Suồng Sã Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Gió Đâu Suồng Sã Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» qua đi thôi bão nổi
Gió Đâu Suồng Sã Icon_minitimeSat Mar 11, 2023 3:11 am by Admin

» Cụ Hoang Xuân Hãn
Gió Đâu Suồng Sã Icon_minitimeSun May 08, 2022 10:37 pm by Admin

» Giáo dục VNCH - Giáo dục con đường khai phóng
Gió Đâu Suồng Sã Icon_minitimeMon Jan 10, 2022 4:06 am by Admin

» Suy tư về kiếp người - Về Cùng Cát Bụi
Gió Đâu Suồng Sã Icon_minitimeSun Jan 09, 2022 4:25 am by Admin

» AI ĐÃ HẠ GỤC CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN?
Gió Đâu Suồng Sã Icon_minitimeSat Jan 08, 2022 2:41 am by Admin

» NHẠC THIỀN - Cõi Thiền trong Âm Nhạc
Gió Đâu Suồng Sã Icon_minitimeThu Jan 06, 2022 4:11 am by Admin

April 2024
MonTueWedThuFriSatSun
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930     
CalendarCalendar
Affiliates
free forum

Affiliates
free forum


 

 Gió Đâu Suồng Sã

Go down 
Tác giảThông điệp
B-G
Khách viếng thăm




Gió Đâu Suồng Sã Empty
Bài gửiTiêu đề: Gió Đâu Suồng Sã   Gió Đâu Suồng Sã Icon_minitimeThu Dec 08, 2011 3:00 am

Gió Đâu Suồng Sã


-- GIA --


Xưa xửa xừa xưa, trông vào bàn tay tạo hình kỳ diệu của các cụ nhà ta mà váy dù cộc, dù phết đất, đã lần hồi vung vẩy nhởn nhơ khắp nẻo đường đời. Công dụng cân bằng thân nhiệt mà váy riêng dành cho phận liễu bồ không chê vào đâu được. Bên trong lượt vải từ đáy lưng ong giở xuống tưởng như gắn máy điều hòa không khí; hễ mặc nó lúc giời giở rét thì quả nhiên được ấm, mà vào hạ lại đâm ra mát âm ẩm mới là cừ! Một khi rốn thót lại để mấy ngón tay tiên lần đằng sau giải yếm24 thắt đầu dây rút (luồn quanh cạp váy) thành mối nơ hoa, thì kiên cố hẳn không đâu bằng đấy. Tài một cái, là đấy vẫn tiện như thường...

Sống mãi ở đời ai mà chả có lúc thế này thế khác? Đã đành nhân tâm mỗi người một ý, lịch sự bề ngoài mỗi kẻ mỗi mầu, nhưng dẫu sao cũng thể người trần mắt thịt thì “phàm tục” vẫn là lời chung. Xem kia kìa. Đương ngày mùa tíu ta tíu tít tay chẳng rời tay, bất thình lình chột dạ mót đi đồng vã mồ hôi hột, hoặc giả cứng bụng buồn đi giải són ra đến nơi, thì liệu cứ ì ra đấy mà tham công tiếc việc được chăng? Lại còn thế này nữa mới rõ khổ. Nói ra chỉ sợ bác mẹ điên tiết quở quang cho là tuồng “trên Bộc trong dâu25” mất nết, chứ ngộ như... chót bùi tai vì ai kia dỗ ngọt mà đùng đùng lên cơn như ma nhập giữa giời, những muốn tòm tem26 chiều nhau một chốc thì sao?

─ Có sao đâu, cốt cách chân quê quý hồ hồn nhiên, xá chi những con mắt trần gian đầu làng cuối ngõ? Khi lâm sự chỉ cần kheo khéo vén phứa lên là được việc. Vạ gì tháo dây dợ lôi thôi cho nhỡ nhàng cả ra?


0 0 0


Người ta đâu thể mỗi lúc mỗi đào ra đồng tiền để đua may đua mặc; cho nên tấm váy bám vào thân quyết phải được nâng niu đến kỳ cùng. Đấy là duyên do tại sao dăm thì mười họa chúng mình mới cần giặt gỵa sau bao chuyến tắm gội thỏa thuê. Lom khom chị em chỉ dám khoắng hời hợt chiếc váy cáu đen vào làn nước lờ lờ dưới cầu ao một ít cái gọi là, đoạn túm nó lên mà vỗ vỗ đập đập lấy lệ thay vì nghiến răng vắt cho rõ kiệt (chẳng kẻo rạn mất mình vải chỉ chực há toạc lúc nào không hay). Giũ giũ nhè nhẹ dúm bảo bối đen đủi còn ướt sũng thêm vài bốn cái nữa là xong. Rồi thì cắp về ta gá nó rỏ giọt dần trên cái trạc cây khẳng khiu lẩn khuất xó vườn, cho mày muốn khô lúc nào thì khô. Cẩn tắc vô áy náy. Thế là đỡ hại váy mình mà lại chẳng lo thằng nào con nào vào đây cuỗm mất. Đây cóc cần hiểu phàm đã là hàng thô dệt từ sợi bông hạng bét thì dầm nước lâu chỉ tổ mục sớm, chứ đố mà hòng bền như mẹ nhà vẫn bảo.

Trong mọi phút đi đứng nằm ngồi vẽ nên nhân dáng người phụ nữ, chiếc váy tầm thường cũ kỹ mấy vẫn biểu hiện đậm đà nữ tính trời cho. Một ngày như mọi ngày không mỏi, nàng thôn nữ lủi thủi đi đi về về từ thửa đất đang tha thiết cần mình. Nàng bước. Bước mãi. Khi thì lênh chênh nhón gót trên bờ ruộng cao, lúc lại băng băng vượt qua đồng cạn. Gấu váy ung dung đong đưa theo dấu bộ hành lầm lũi trên lối đi quen. Đến lúc phải lội qua cánh đồng đầy những nước, có khi ngập quá bụng, thì thùng váy nàng càng được vén cao dần; để rồi từ từ buông lơi khi lần đến chỗ nông hơn. Dáng nàng trên luống đồng cao uyển chuyển bao nhiêu, thì hình ảnh nhịp nhàng cùng tấm váy xắn lên cho khỏi ướt qua quãng đồng sâu sinh động bấy nhiêu...

Đã đành váy phải rộng thùng thình cho đừng toạc chỉ, nhưng rộng quá thì súng sính chẳng tiện xoay sở trong công việc bộn bề. Nàng bèn thò xuống móc lấy nắm đất thó rõ to để giữa hai ống chân, động tác như là thủ tục quen thuộc, rồi vớ quanh cái lạt sợi dây buộc túm hai vạt váy trước sau ôm lấy hòn đất. Thế là loáng một cái, đôi gót sen trần dưới hai “ống quần” mới toanh đã sẵn sàng bì bõm cùng người vần công cấy đám mạ non.

Đời dài quàng chiếc váy thâm27 tất tả dưới ruộng trên nương, đã mấy thuở thừa cơm để rỗi hơi tắm giặt theo đúng vệ sinh thường thức? Chẳng những thế xà phòng dễ đâu mọc sẵn ngoài lộ cho toàn dân thoải mái hái nhặt về dùng. Vậy thì váy có toát ra chút mùi đàn bà, dù nặng dù nhẹ cũng là thường tình dưới vòm trời mà ai cũng như ai. Do đấy chẳng mấy ai lấy làm lạ trước cảnh ngộ giữa đồng chang chang một gã giai đinh to vật không dưng lăn đùng ra vì say cơn nắng hè. Thế là loáng một cái đã thấy có chị nạ dòng sốt sắng xấn lại, vểnh mông tốc vạt váy trước bụng quạt lấy quạt để vào giữa mặt cậu em. Chỉ cần nhai chưa kịp dập miếng giầu không (trầu) đã thấy nạn nhân ngọ ngoạy choàng tỉnh, đảo ngược con mắt ngơ ngẩn về phía đầu gió hâm hấp nào đương liên hồi hắt tới phành phạch...

Kể cũng dễ hiểu, vì sức chịu đựng của nông dân ta cứ gọi là dẻo dai phải biết. Nhưng cũng không thể không lý đến công cứu độ ngoạn mục của hơi hướm nồng nàn, được tẩm nhuận lưu cữu trong thớ vải kinh niên sau bao keo người và váy kia ngồi thụp xuống giữa đồng. Vạt ấy nào thua chéo khăn đài các thấm sực nức mùi nước đái quỷ28 được quan lớn đốc-tờ phe phẩy trước vành mũi hinh hỉnh của bà lớn nhà cụ Thượng. Mưa chẳng đến mặt nắng chẳng phủ đầu, gió máy cũng không, nhưng cụ lớn bà vẫn nằm đơ cán cuốc. Vì ứ hơi ghen thôi...


0 0 0


Lật trang sử nước nhà mà xem, ngự đầu triều Nguyễn tuy không là những Minh-Trị Thiên-Hoàng nhưng họ cũng thể hiện được ít nhiều thay đổi vặt để đời. Dù nhìn đại sự quốc gia rơi dần vào tay Pháp qua các hiệp ước ăn xổi người, vua Tự-Đức ta vẫn gật gù chí thú với văn Nho. Tuy không ngự chế nhưng ngài đắc ý dùng sở học uyên thâm sửa sang ít nhiều câu Nôm trong Đoạn-Trường Tân-Thanh. Thế là đa thư tắc loạn, độc giả truyện Kiều khó tính sau này phải đối chiếu mệt nghỉ giữa ấn bản kinh từ Huế đô và phường bản từ đất Bắc. Đồn rằng vua lo sấm Trạng Trình là mầm phản loạn nên đã âm thầm đảo lộn tùng phèo những câu lục bát trong đó như tay chơi xào bài cào, để đời sau ngẩn ngơ mặc tình đoán mò.

Vậy mà mấy sự kiện vừa nêu chưa kinh bằng nghiêm lệnh của đức vua Minh-Mạng, kẻ nổi tiếng là hắc với ngay cả phi tần,

“Tháng Tám có chiếu vua ra,
“Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.
“Không đi thời chợ không đông,
“Đi thời phải lột quần chồng sao đang?!
(Ca dao)

Kể ra Đông-Tây cũng có chỗ gặp nhau. Thế kỷ XVIII lừng lững trôi mà phụ nữ bên trời Âu vẫn lấy làm yên chí lớn về thứ đồ lót không đáy cũn cỡn29 với viền đăng-ten hoa mỹ rườm rà, vốn có từ đời tám hoánh nào. Thông thống từ cạp xuống gấu không hề bít ở đâu, ắt là váy. Chỉ việc xỏ chiếc váy chẽn này ôm chịt vào hông bên trong lớp váy ngoài điệu hạnh là tha hồ tung tăng tới đâu cũng tới.

Phép ăn mặc cổ điển Tây phương lịch sự có thừa thật đấy, nhưng bảo là kín đáo trước công chúng thì không hẳn. Giữa ngày hội linh đình đông như kiến cỏ, nào cuộc thi trèo cột mỡ để quý cô đầm xoè xàng xê ngoe nguẩy, cong tớn tấm bàn tọa núng nính cố rướn lên cao, nào là đám đánh đu hồn nhiên dạng tè he phơi phới trên đầu lũ đàn ông em trai chầu chẫu phía dưới. Toàn cõi nhân gian đang há hốc mồm hếch mắt ngó lên... Thật cả là một thể hiện công khai thách đố mọi điều luật về giữ gìn thể thống dân sự.

Ngó thì ngó ai cấm. Có điều mốt váy lượt thà lượt thượt đương thời ấy đâu dễ thấy gì mà thấy? Duy chỉ có tấm váy ca dao hớ hênh bao đời dưới trời ta là dấu sao được nét thiên nhiên ngồn ngộn...

“Sáng giăng em ngỡ tối giời,
“Em nằm em để sự đời em ra.
“Sự đời tầy chiếc lá đa,
“Đen như mõm chó chém cha cái sự đời.
(Ca dao)


0 0 0


Giữa vùng sáng lung linh, làn gió đêm ma mãnh thừa cơ lẻn về mơn trớn bức tranh trăng. Bởi chưng nghìn thu trống thiên trống địa cho nên váy đơn đành chịu phép, biết lấy gì che chúm hộ cô mình trong canh chầy trống trải miên man?

“Đêm xuân trằn trọc
“Oằn chõng tre ngà
“Gấu váy lòa xòa
“Gió đâu suồng sã
“Tốc ngược lên cả
“Chênh chếch trăng tà
“Bên mái hiên nhà
“Nỗi đêm khép mở...
(GIA)

Nỗi khép mở như cuốn như hút đêm đêm nhập vào điệu ngâm hớp hồn khách đa tình. Ông giẳng ông giăng, xuống chơi với tôi. Ôi, bổi hổi bồi hồi lòng trai láng giềng mắt la mày lém, mải lấm lét xem tranh cả đêm chẳng ngủ thì đừng!

“Ánh trăng nghiêng mơ màng gối chiếc,
“Chõng tre say thiêm thiếp giấc nồng.
“Gió đâu tốc váy phập phồng,
“Tênh hênh mình gái đắm trong ánh ngà.
(GIA)


Mến chúc Thái vui khỏe, đọc thư không rức đầu.

Thân ái,
GIA


0 0 0


Lời Chua


(24) Thắt lưng dài to bản mang đủ mầu sắc đỏm dáng (không phải là dây buộc yếm che ngực). Giải được quàng ngoài vạt áo vòng qua tấm lưng eo rồi buộc thành nút hoa trước bụng, để cho hai đầu buông thõng xuống như là hình tượng không có thì thiếu của chiếc áo dài tứ thân lả lướt.


(25) Hoàn cảnh con gái nhà sa sẩy chẳng được uốn nắn từ thuở còn non; đâm ra sớm lẳng lơ mất nết, sinh sự bôi gio trát trấu vào mặt họ hàng làng nước. Tục truyền xưa kia bên khúc sông Bộc giáp ranh hai nước Vệ và Trịnh (chả biết ở tỉnh nào bên Tầu bây giờ), có bãi trồng dâu nuôi tằm um tùm cây cao, ở trên chi chít lá cành bện vào nhau. Trai gái bông lơn tại vùng biên giới này khấp khởi mừng gặp chốn la đà kín gió, bèn rủ nhau rúc vào đấy mà giăng dện tơi bời xá gì đến ai. Mới thành lời nhiếc “trên Bộc trong dâu”.


(26) Đàn ông đàn bà làm việc riêng tư với nhau.


(27) Từ chợ cá làng chài bé nhỏ trên cát Nha-Trang tới cánh đồng xa trên đất Bắc vào ngày mùa tấp nập hôm nay, ngoại hình toàn dân ta như lột xác qua sắc y phục hoa hòe... Theo đà văn minh, mọi người khoác lên đủ loại hàng tơ nhân tạo với giá cả nhẹ nhàng, vừa bền lại vừa tươi mát trong những lúc làm ăn tất bật nhất. Sắc nâu già (xẫm) nhuộm trên vải may áo đi đôi với mầu thâm đen lỗi thời của váy hay quần giờ đây đã đi vào quá khứ.

Dà, là tên giống cây có vỏ dùng để nhuộm hàng vải xoàng ra mầu nâu u trầm như đất. Vỏ này bóc được từ thân cây giữa trời hoang dại chứ không phải mua như loại củ nâu cùng công dụng bầy lây lất ngoài phiên chợ; dẫu củ ấy có cho mầu nâu tươi tắn hơn. Trong khi ấy, lá cây bàng rụng xuống mà năm xưa chính quyền Bảo-Hộ (thực dân Tây) cho trồng khắp Hà thành chính là một đầu vị để nhuộm đen cả quá khứ tối tăm của dân ta lên lớp vải che thân.

Y phục nhuộm rồi tha hồ lê lết bao lâu vẫn không thấy bẩn lắm; chỉ có cái dần dà pha mầu muối loang lổ của mồ hôi bốc hơi, hoặc dãi dầu theo nắng sớm mưa chiều mà bạc phếch đi thôi. Lúc bấy giờ nếu mình vải chưa đến nỗi tã thì người mặc chịu khó mò ít bùn non đen kịt dưới lòng ao mà đắp phứa lên, để om đấy thật lâu, rồi chỉ việc gột sạch chất bùn tanh tưởi ấy đi thì vải sẽ trở mầu thâm xịt nhá nhem. Thế là cái mặc lại tươm như thường.


(28) Dung dịch ammonia.


(29) Pháp-Việt đề huề gọi là jupon, hoặc petticoat theo tiếng Ăng-lê.

Về Đầu Trang Go down
 
Gió Đâu Suồng Sã
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Một thoáng Âu Châu: London, thành phố sương mù
» TUỔI GIÀ LÀ THỜI SUNG SƯỚNG NHẤT
» Kinh tế VN: Sướng như lãnh đạo... doanh nghiệp nhà nước

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon  :: ĐỀ TÀI :: Văn Hóa, Nghệ Thuật :: Văn-
Chuyển đến