Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon

Diễn Đàn của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Keywords
chuyen trong VNCH Nguyen hoang Trung Saigon sáng quang chất truyện ngam phải thuoc Nhung quan luong bich quynh ngắn nguyet Chung không linh nhac quốc
Latest topics
» qua đi thôi bão nổi
Cuối cùng cho một tình bạn - Cao Đắc Vinh Icon_minitimeSat Mar 11, 2023 3:11 am by Admin

» Cụ Hoang Xuân Hãn
Cuối cùng cho một tình bạn - Cao Đắc Vinh Icon_minitimeSun May 08, 2022 10:37 pm by Admin

» Giáo dục VNCH - Giáo dục con đường khai phóng
Cuối cùng cho một tình bạn - Cao Đắc Vinh Icon_minitimeMon Jan 10, 2022 4:06 am by Admin

» Suy tư về kiếp người - Về Cùng Cát Bụi
Cuối cùng cho một tình bạn - Cao Đắc Vinh Icon_minitimeSun Jan 09, 2022 4:25 am by Admin

» AI ĐÃ HẠ GỤC CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN?
Cuối cùng cho một tình bạn - Cao Đắc Vinh Icon_minitimeSat Jan 08, 2022 2:41 am by Admin

» NHẠC THIỀN - Cõi Thiền trong Âm Nhạc
Cuối cùng cho một tình bạn - Cao Đắc Vinh Icon_minitimeThu Jan 06, 2022 4:11 am by Admin

» Trở về miền ký ức : Một bài viết về người lính VNCH
Cuối cùng cho một tình bạn - Cao Đắc Vinh Icon_minitimeTue Jan 04, 2022 3:06 am by Admin

» Tôi Cưới Vợ
Cuối cùng cho một tình bạn - Cao Đắc Vinh Icon_minitimeTue Jan 04, 2022 2:44 am by Admin

» Giáo sư Phạm Hoàng Hộ
Cuối cùng cho một tình bạn - Cao Đắc Vinh Icon_minitimeMon Nov 29, 2021 3:05 am by Admin

March 2024
MonTueWedThuFriSatSun
    123
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031
CalendarCalendar
Affiliates
free forum

Affiliates
free forum


 

 Cuối cùng cho một tình bạn - Cao Đắc Vinh

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin



Posts : 161
Join date : 20/10/2011

Cuối cùng cho một tình bạn - Cao Đắc Vinh Empty
Bài gửiTiêu đề: Cuối cùng cho một tình bạn - Cao Đắc Vinh   Cuối cùng cho một tình bạn - Cao Đắc Vinh Icon_minitimeSun Aug 05, 2012 11:02 am

Cuối Cùng Cho 1 Tình Bạn
(Để nhớ mãi bạn tôi Nguyễn Văn Toản ra đi vĩnh viễn ngày 23 tháng 7 năm 2012)

Lời người viết: Đây là câu chuyện mà Toản đã sống và nhờ tôi viết lúc sinh thời nhưng vì nhận thấy cốt truyện mang tình tiết đặc biệt khó tin ở nhiều người và dễ trở thành tranh luận nên tôi chưa muốn viết khi bạn tôi còn sống. Đời Toản đã gặp quá nhiều gian nan như câu chuyện tôi viết theo lời kể dưới đây... nên tôi không muốn thêm bất cứ một rắc rối buồn phiền nào khác cho bạn tuy nhiên biết tính cương trực và luôn luôn tôn trọng sự thật của Toản nên trước linh cữu hôm tiễn đưa, tôi đã hứa... Bài viết này như một lời tạ lỗi với người bạn nay đã về chốn xa xăm... Vì là nghe rồi viết lại nên tên tuổi và địa danh hoặc con số hay mã số có thể sai lầm v.v... Kính mong quý độc giả bỏ qua những sơ suất mà chắc chắn phải có...
Tôi sẽ không bao giờ quên: “Tháng 7 hè sang ngày giỗ bạn” (nhại lại câu thơ của Trần Trung Đạo)

Cao Đắc Vinh

Cuối cùng cho một tình bạn - Cao Đắc Vinh Ban_th12
Toản là một trong những người bạn thâm giao nhất của tôi thời thơ ấu mà bây giờ ở tuổi hưu trí con số ấy ít ỏi như năm ngón trên bàn tay. Thuở đó, gia đình tôi mới di cư vào Nam mua được căn hộ nhỏ khu Nguyễn Tri Phương. Trước cửa nhà là bùng binh xanh cỏ mà chúng tôi xử dụng như một sân chơi chạy nhẩy hàng ngày. Con đường dẫn ra cửa chợ mỗi buổi sáng ăn quà có tiếng dế kêu và có cả những mối tình thầm lặng. Dù quần đùi hở hang mỗi khi đứng ngồi, chân đi đất nhưng khi thấy bóng cô bé hàng xóm rảo bước từ đầu phố là tôi đã nhanh chóng nấp vào đám đông để nghe tiếng trống tim mình đập liên hồi. Tuy thế, cô gái cũng biết có cậu bé ngừng xem đá dế để chiêm ngưỡng mình nên dáng đi bỗng nhiên cũng thêm phần điệu nghệ, nửa e ấp nửa thẹn thùng!

Cư xá Nguyễn Tri Phương là khu đất nghèo trung lưu ở về phía nam thành phố Sài Gòn mà đa số di dân từ miền Bắc vào tạm cư. Ba đứa Quang, Toản và tôi ngồi chung trường tiểu học, cùng lớp có cả các cô bé hàng xóm. Dĩ nhiên, ở đâu có con gái là có tình yêu và tôi biết yêu từ thuở thích đá banh, chạy nhẩy nhiều lúc rách toạc cả đũng quần nhưng yêu thì vẫn cứ yêu... Ai cũng hiểu nhưng không nói vì đó là tình câm. Mỗi ngày, từ lúc nắng lên thảm cỏ bùng binh đến khi chiều về bóng tối mờ dần những con đường nhỏ, tôi đã sống trọn tuổi trẻ lêu lổng với bè bạn và những giấc mơ tình yêu kỳ lạ của tuổi đầu đời.
Thời gian đi không trở lại, mỗi năm mỗi đổi thay, mất tuổi thơ nhưng may mắn hôm nay vẫn còn tất cả bạn bè lối xóm cũ. Quang, Nham, Ninh, Tâm, Vũ, Nghệ, Xương, Thịnh... và những người yêu trong mộng thuở xưa bây giờ đã lên chức nội ngoại Minh Hà, Bích Hợp, Tú Khanh, Đan Hà, Cẩm Chương... cho đến ngày thứ bẩy tháng bẩy 2012 vừa qua thì có một người đã từ bỏ cuộc chơi để vĩnh viễn ra đi về miền cực lạc.

Người đó là Toản bởi vì duyên phận luôn luôn phải đứng đầu sổ. Bất cứ chuyện gì sẩy ra trên cõi đời này... Toản cũng đứng nhất! Nhỏ con mà ngang tàng nhất, “gàn dở” nhất, “trí thức du côn” nhất, thông minh láu cá nhất, đỗ tuyển vào Công Chánh Phú Thọ khó nhất, trí nhớ tuyệt vời nhất, lấy vợ trễ nhất, có con tuổi nhỏ nhất, tình bạn nồng nàn nhất và giã từ cõi tạm này sớm nhất để rồi cũng lại có những cái nhất tiếp theo... chiến bại với căn bệnh bằng nội công mạnh nhất, lời trăn trối đau thương nhất và cuối cùng ngày thứ bẩy vừa qua bạn bè đã ở lại tiễn biệt trước giờ hỏa thiêu đông đảo nhất... Câu văn của hiền triết nào tôi đã đọc: “Khi ta sinh ra, mọi người cười còn ta thì khóc. Hãy sống sao khi ta chết, mọi người khóc còn ta thì cười!”. Tư tưởng ấy cũng đúng với Toản trong đám bè bạn cũ mới...

Tuổi về hưu, món quà đáng quý nhất mà cuộc đời có thể tặng chúng ta, có lẽ không gì bằng gặp lại người bạn thâm giao thuở thiếu thời. Tôi đã gặp Toản, người bạn lớp nhì trường tiểu học Nguyễn Tri Phương xa cách nhau đã hơn nửa thế kỷ. Chỉ vì đọc văn chương nên Toản nhận ra tên tôi sau một bài viết. Tháng bẩy năm 2009, chúng tôi vui mừng gặp nhau qua điện thoại và hội ngộ lần đầu vào dịp xuân tất niên nam Cali 2010 do hội ái hữu trường trung học Nguyễn Trãi tổ chức. Sau đó, nhân ngày lễ 4th July 2011, Toản đến Irvine thăm vợ chồng tôi cũng vào một ngày thứ bẩy cuối tuần. Hôm ấy, trời trong xanh và nắng vàng vương vãi khắp nơi. Thiên nhiên hình như sửa soạn chung với tôi từng chi tiết buổi hội ngộ này nên không gian là giải lụa đào và thời gian qua nhanh không ai hay biết!

Bốn tiếng đồng hồ, tôi say sưa ngồi nghe chuyện đời bạn kể của nửa thế kỷ trước với bao nhiêu khắc khoải nhưng lạ thay dòng đời dù có nhiều trầm luân mà giọng nói vẫn một điệu hiền hòa không chút than thân trách phận. Chuyện mỗi người mỗi khác nhưng quá khứ của Toản thật hy hữu, từng nội dung như chứa đựng sức mạnh đổi đời mà tôi đành phải dành cho Toản thêm một cái nhất nữa! Từ khi bước vào đời, Toản gặp gian nan, nối tiếp nhau như định mệnh đã an bài, chàng vùng vẫy với tất cả nghị lực của tuổi trẻ chẳng khác gì đánh đu với sự đời phũ phàng hay nói khác đi, cõi phù du này chỉ để ngao du sơn thủy, rong chơi theo sở thích rồi chàng lại về với cát bụi không chút sợ hãi lo âu.

Toản có thân hình nhỏ bé nhưng đó chỉ là bề ngoài của một tâm hồn phong phú quật cường. Toản không học võ nhưng lối ứng xử trong những giai đoạn hiểm nguy của cuộc đời giống như truyền thuyết Aikido, lấy nhu thắng cương và bằng mọi cách sống sao cho trọn vẹn tình nghĩa với lương tâm mình là quan tòa. Chàng có hai đặc điểm nổi bật là tôn trọng sự thật và hào hùng bảo vệ lẽ phải nhưng khi diễn tả bằng ngôn ngữ hay hành động thì ưa thích phong cách châm biếm tinh nghịch đôi khi đi xa giới hạn để biến thành tai ương. Dám nói dám làm! Không điều gì cản trở suy nghĩ của Toản chẳng hạn khi rủ cô bạn gái đi ăn tối ở một nhà hàng, cô bạn lại rủ theo chị của cô và chị cô lại rủ thêm cô bạn của mình... cả hai đều có bề ngoài phốp pháp to lớn. Quả là một hoàn cảnh éo le cho chàng! Chiêu đãi viên hỏi bao nhiêu người để xếp bàn thì chàng trả lời: “Hai người và hai con voi”. Thuở còn độc thân, đi xa về, muốn lấy điểm với người đẹp vừa quen, chàng mua tặng chai nước hoa xinh xắn làm quà. Cảm động nên bồi hồi nàng thốt một lời hạnh phúc bâng quơ: “Chai nước hoa nhỏ quá anh nhỉ!” Chàng thẳng thừng nói sự thật bông đùa nhưng dĩ nhiên làm mất lòng cô gái: “To hơn chắc chỉ có chai nước mắm!” Câu trả lời đã chạnh lòng người đẹp và chàng lại cô đơn với cuộc đời đêm dài tỉnh lẻ...

Tuổi trẻ nghịch ngợm như câu nói để đời: “Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. Khi ghét ai, học trò tìm cách phá phách bằng đủ mọi phương tiện. Dù đã là sinh viên trường Công Chánh nhưng tính trẻ con ngông cuồng ở Toản vẫn còn rồi không rõ căn nguyên từ đâu mà một vị giáo sư trẻ có sẵn định kiến với học trò nên đối xử cay nghiệt với chàng để “Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều”(Truyện Kiều). Oan trái đã sẩy đến vào một ngày mưa... Trời làm ướt sân trường đại học, chàng làm ướt áo vị giáo sư từ bao lơn sân thượng. Mưa bão cây rung lá rụng ngả nghiêng theo từng cơn gió, cuộc đời Toản cũng chao đảo theo sau hành vi bất thường chiều mưa buồn ngày hôm ấy. Đó chính là cái mốc thời gian mà tương lai của Toản bị đổi hướng. Ngọn lửa vinh quang sáng chói trên con đường học vấn của chàng vừa lịm tắt! Trước mặt là thử thách mới cho một ngày mai chưa biết lối đi hay về. Định mệnh đã an bài mà sống kiếp người, chúng ta ai cũng âm thầm trải qua rồi chấp nhận số phận nhưng nhận thức sẽ chỉ phớt qua nếu cuộc đời nhiều phúc lợi hoặc ít oan khiên.

Ra khỏi trường Công Chánh, người bạn bé nhỏ của tôi chật vật kiếm sống nuôi mẹ già. Chàng dậy học ngày hai buổi đến khi bất mãn thì vào ngành hàng hải qua sự giới thiệu của một người thủy thủ quen biết. Ngày đầu phỏng vấn để nhận chức “gõ rỉ sét” trên tầu Nhật Lệ, ông thuyền trưởng Thì ngắm nghía chàng từ đầu đến chân buông thõng câu kết: “Nhìn anh giống một du đảng trí thức”. Chàng chỉ biết cười và trình bầy sự thật pha chút khôi hài: “Không đủ to lớn để làm du đảng và trí thức nào lại nhận làm nghề gõ sét?”. Những ngày biển yên gió lặng, con tầu 1200 tấn bình thản rẽ sóng một mình, anh thợ tập sự học nghề “gõ rỉ sét” đã làm kinh ngạc đoàn thủy thủ tầu Nhật Lệ sau những bàn cờ giao hữu liên tục chiếu bí tướng ông thuyền trưởng hảo hớn. Trung tá Thì cựu hạm trưởng 505 bắt đầu để mắt nhìn, nhận thức được trí thông minh và bản lãnh cao cường của người thanh niên bé nhỏ ấy. Ông dậy Toản astronomy cách nhìn sao trên trời, chấm point đánh tọa độ trên biển rồi đưa sách cho chàng đọc luật hàng hải và phương pháp hải hành. Nhanh chóng Toản trở thành phụ tá và khi ông Thì nghỉ thì Toản “lỏi” thay thế lái con tầu cồng kềnh giữa đại dương. Trình độ học hỏi hấp thụ cao nên chỉ một thời gian ngắn, chàng chính thức được tuyên dương chức vụ phó thuyền trưởng của con tầu chở hàng nặng ký bao gồm 24 thủy thủ này. Những năm sau đó, Toản đầy đủ kinh nghiệm để bổ nhiệm sang lái 1 trong 6 chiếc tầu chở hàng của bà Ngô Đình Nhu chẳng hạn như tầu Tiền Phong hoặc Thống Nhất...

Năm 1975, khúc quanh lịch sử của toàn dân Việt Nam sửa soạn đi vào ngõ tối ngẫu nhiên cũng là mốc thời gian lần thứ hai chuyển đổi cuộc đời của Toản chỉ khác một điều là nghiệp chướng đã qua bởi vì nghiệp vụ của bạn tôi bây giờ được trọng dụng tứ bề tám phương. Người cộng sản dùng Toản để lái tầu chở máy móc và vật dụng ăn cướp từ Nam ra Bắc cho những cán bộ chóp bu. Dân chúng miền Nam cũng cần những thuyền trưởng như chàng để giao phó sinh mạng cho một lần mơ chuyện viễn du tìm bến tự do.

Những tháng đầu nước mất nhà tan, chàng bỏ mẹ già ở nhà, theo tầu chở hàng đi Bắc về Nam kiếm sống. Tự dặn lòng nên giữ thái độ khôn ngoan “mũ ni che tai” giả ngu giả điếc trong mọi hoàn cảnh tuy thế lúc nghỉ ngơi, chàng vẫn phải ngồi nghe luận điệu ngu si, tuyên truyền ấu trĩ của “cán ngố” cộng sản trên chiếc tầu của thuyền trưởng Trương Văn Xê chẳng hạn câu chuyện tướng việt cộng Trần Đại Nghĩa điều động phi cơ phản lực tắt máy chờ không quân địch trên các tầng mây để bắn hạ. Cực chẳng đã, ngứa tai thì phải gãi nên “khôn mà không ngoan” vô tình phát biểu sự thật khó nuốt đối với những con người bị nhồi sọ mang sẵn ảo tưởng nên sự thật đã thật sự mất lòng để rồi tai họa ụp đến! Khi tầu đi từ Bắc vừa cặp bến Sài Gòn, công an nghinh đón chàng ngay tại cửa tầu để còng chéo tay bỏ tù vì tội phản động mặc dù lời đối đáp của chàng phản ảnh kiến thức khoa học. Mẹ già ở nhà mỏi mòn ngóng đợi, tưởng thằng Toản con mình đã chết mất xác không còn biết tin...

Ở tù cải tạo cộng sản là kinh nghiệm đọan trường, ai có qua cầu mới hay! Vì thân hình còm cõi nên quản giáo giao cho Toản công việc trồng rau bón phân tưới nước ở trại. Mỗi sáng, chàng phải bốc chất thải của động vật bằng hai tay, trộn với nước ao thành phân bón rồi đổ trên các luống rau. Nhiều lần, tù nhân nhìn trước sau, chớp nhoáng ngắt vội cây xà lách trước mặt chàng, bỏ nhanh vào miệng vừa nhai vừa nuốt lẫn cả phân người lợn cợn trên lá rau! “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”(Truyện Kiều).
Năm sau Toản ra tù, quần áo khi xưa rách nát bây giờ thành tả tơi, chàng ngồi ở phiên chợ làng như thằng ăn mày bệnh hoạn. Mấy bà bán hàng nhìn Toản biết ngay tù nhân vừa được thả nên tìm cách giúp đỡ, cho ăn lót dạ và tặng chàng 5 đồng lộ phí để tìm đường về nhà. Khi gõ cửa, mẹ ôm chàng, nước mắt chan hòa mới rõ đứa con mình còn sống! Toản về thăm mẹ lần này cũng để nói ý định vượt biên tìm tự do của mình vì xã hội chủ nghĩa ở quê hương đã biến đổi theo chiều hướng bại hoại, bất công thất đức, dối trá tục tĩu bao phủ lên đất nước, lòng trắc ẩn không có nên tình người chẳng còn! Hết chỗ dung thân... chính trên quê mẹ của mình.

Ra khỏi tù chế độ vào năm 1978, Toản quyết định vượt biên. Tin chàng được thả đồn xa khắp tỉnh là tin vui cho các chủ tầu. Bỗng dưng, một sớm một chiều, chàng trở thành nhân vật quan trọng giống các em bé con lai một thời hay nói cách khác hình ảnh chàng là niềm hy vọng một đời viễn du mong manh của nhiều người trong xã hội lúc bấy giờ.
Một người bạn cùng xóm Nguyễn Tri Phương tên là Phạm Văn Quyền học chung trường trung học Nguyễn Trãi nhưng sau Toản 2 lớp niên khóa 59. Quyền học dược sĩ. Ai đã gặp Quyền thì khó quên vì anh có tật ở chân do căn bệnh polio lúc còn bé. Quyền có ông chú tên là Tú chủ tầu nên đề nghị Toản cùng vượt biển. Tầu được đóng bè ở Lam Sơn, một bến nước sâu gần thị xã Long Thành. Chuyến vượt biển đầu tiên dự trù dấu 45 người ở đất Lam Sơn quê nhà ông Tú trước ngày khởi hành. Tháng 6 năm 1979, ông Tú và Quyền quyết định ra khơi mặc dù Toản chưa kiếm ra thợ máy tháp tùng. Ra khỏi hải phận 2 ngày 2 đêm thì sự thiếu sót ấy trở thành oan nghiệt cho tất cả sinh linh... tầu chết máy!

Tháng 6 là mùa bão trên biển Đông, con tầu chật chội người nhấp nhô theo chiều sóng vỗ, Toản đành phải lấy vải dù căng thành cánh buồm để điều khiển hướng đi nhưng gió thổi mạnh làm gẫy cột buồm chỉ sau một buổi chiều căng gió. Tầu không động cơ trôi lênh đênh vô định 13 ngày giữa sóng nước Thái Bình. Mọi người hầu như hết hy vọng, ngồi chờ thần chết đến gần... Suốt hai tuần, tầu mắc nạn trên đại dương đã giáp cận mấy chục lần với những thương thuyền quốc tế nhưng tất cả đều lạnh lùng tìm cách lánh xa để khỏi phải cứu vớt. Tiếng khóc của thuyền nhân như đau thương vang vọng từ địa ngục nổi lên mặt biển át đi tiếng sóng gầm mỗi lúc mỗi tăng cường độ. Hai người bạn vượt biển đã chết và được thủy táng! Nhìn chung quanh mắt ai cũng đỏ hoe nhưng tay chân vẫn cố ôm chặt túi lương khô không rời thân thể bầm dập.

Giữa ranh giới tuyệt vọng của sự sống và chết, tâm địa con người thường lộ trần, hiện nguyên hình bản chất ích kỷ nhỏ nhen hoặc lòng trắc ẩn có sẵn. Những tiến sĩ, thạc sĩ, giáo sư... đa số mất trọn nhân cách trước giờ phút sinh tử, hết tranh dành nhau miếng ăn lại ngồi gào thét ỉ ôi với đấng linh thiêng vì sao không nương tay cứu giúp tấm thân sắc không này? Toản và bác sĩ Châu là 2 kẻ duy nhất trên con tầu còn làm chủ được tiết tháo của mình. Hai người không ngừng tìm cách giúp đỡ những kẻ yếu sức và chế ngự con tầu ví như chiếc lá an phận nổi trôi trên đầu ngọn sóng. Giữa giờ phút nhiễu nhương tuyệt vọng ấy, nhìn những kẻ “đạo đức” vẫn ôm chặt lương khô vô cảm nhìn đồng bào từ từ chết trước mặt họ làm Toản thấy cay đắng và nhớ lại hành vi nông nỗi sai lầm của mình trên sân thượng trường Công Chánh Phú Thọ một ngày mưa mà không còn cảm thấy buồn...

Sáng ngày thứ 14, thuyền nhân nằm ngả nghiêng chờ chết vì say sóng và đuối sức bỗng giật mình vì tiếng nổ lớn, đáy thuyền bị vỡ tung khi đụng phải san hô nằm dưới lòng biển. Bất ngờ, xuất hiện trên đảo vắng một nhóm người đen đủi ở trần, khoảng 12 thanh niên mặt mũi dữ tợn tay vung mã tấu rồi hét từ bờ bên kia: “Đ.m. Chúng mày chưa thoát khỏi Việt Nam đâu!” Mọi người, hồn như đã bay xa, sợ hãi lộ ra ngoài ánh mắt lờ đờ cá ươn... quên cả khóc! Tất cả đinh ninh là cá đã sa lưới, họ đã sa vào tay hải tặc trên hoang đảo. Vài giờ sau, nước rút nên từng người bì bõm lội trên san hô được lệnh bước lên đảo. Lúc đó, Toản mới biết ở đây đang có 70 cán bộ cộng sản trú đóng thường trực. Con tầu đã trôi vào quần đảo Trường Sa mà không ai hay! Ông thượng úy quản đảo chạc 40 tuổi, 13 năm như Robinson âm thầm nơi đây chưa một dịp được gặp lại gia đình và cô con gái duy nhất của ông đang sống trên giải đất hình chữ S.

Chiều hôm ấy, quản đảo Tiến thu hết thuyền nhân vào miếng đất phẳng bên cạnh bờ biển, đối diện với khu vực đóng quân nơi ông cư ngụ. Trời về đêm, gió thổi từ ngoài khơi buốt lạnh. Ông ra lệnh nấu cháo cho 43 người sống sót rồi căng lều cho họ ngủ. Từ lúc lên đảo, ông ôm mãi con bé Su 3 tuổi kiệt sức vì mẹ nó đã mệt lả không còn lực để ẵm bồng bé. Toản ngạc nhiên thấy ông Tiến này có những hành vi vị tha lạ kỳ mà không bao giờ gặp ở con người cộng sản trong quá khứ. Ông ấy ôm bé Su xuốt đêm như tình cha đối với đứa con gái nhỏ của mình và ra lệnh cho bác sĩ Châu cứu con bé với bất cứ gía nào kể cả dùng trụ sinh trong phòng thuốc của ông nếu cần. Ông đưa Toản hai cây đèn bão cẩn thận dặn dò chỉ dùng để báo hiệu khẩn cấp. Ông cũng không quên chỉ thị luật lệ mới đối với cán bộ dưới quyền: “Nếu hai cây đèn bão không dơ lên dơ xuống ra hiệu nguy kịch thì cấm không ai được lai vãng sang bên phía thuyền nhân...” và lấy mốc hàng rào cây ở giữa hai khu vực làm ranh giới. Ai coi thường luật này, vô cớ tự ý bén mảng sang phía giới nghiêm sẽ bị sử bắn! Đêm đầu tiên nằm trên đảo, Toản không sao ngủ được mặc dù thân thể èo uột đã thấm mệt vì hơn nửa tháng nay chàng phải đối phó với những bất trắc liên tục. Thâu đêm, ôm đầu nghĩ mãi về lòng trắc ẩn hy hữu của quản đảo rồi chàng suy luận tự hiểu hoàn cảnh nơi đây đặc biệt không có bóng đàn bà suốt thời gian dài, cán bộ bị dồn ép tình dục dưới ánh nắng như thiêu đốt của Trường Sa, có thể trở thành điên loạn mà hãm hiếp những cô gái vừa lội lên đảo như cử chỉ hung bạo bắt gặp lúc sáng nay. Quản đảo có quyền lực gần như tuyệt đối trên mảnh đất cách ly này và chỉ thị của ông cần thiết để bảo đảm an ninh cho những người vừa đến mặc dù bây giờ dưới mắt ông, họ là những tù nhân vượt biên sẽ phải trao trả cho cơ quan nội vụ những ngày sắp tới.

Hôm sau, mặt trời ửng đỏ vừa mọc trên biển xanh, hướng đông vàng những tia nắng rực rỡ, mầu sắc thiên nhiên mang vẻ mơ màng của một hạnh phúc đầu ngày, Toản dậy sớm vì khó ngủ, ngồi bên bờ biển thoáng nghĩ đến những gian nan vừa qua, chàng chợt thấy không gian buổi sớm mai chan chứa lạc quan và hy vọng. Chỉ những kẻ vượt biển vừa ra khỏi địa ngục như chàng ngày hôm qua mới nhìn được cảnh thiên đường sáng nay mà không còn là bình minh như mọi khi. Nghịch lý... nhưng đó chỉ là những điều cảm nhận vì tâm hồn con người muôn đời biết so sánh để an tâm và đôi khi cũng để phiền muộn. Thực tế, chuyến tầu của thuyền trưởng Toản đã hoàn toàn thất bại, nát tan dưới lòng biển mà chưa ai cặp bến tự do, thuyền nhân bây giờ là tù nhân và bi quan may rủi vẫn chờ đợi tiếp đến từng ngày.

Quản đảo Tiến tiếp tục làm ngạc nhiên đám tù nhân của ông khi chia sẻ từng điếu thuốc với họ buổi sáng hôm nay nhưng khi ông ban hành lệnh thu tóm tất cả vàng bạc đô la để cất giữ với mục đích bảo toàn an ninh thì tất cả đều nghi ngờ sự thiện cảm vừa qua. Hòn đảo san hô biệt lập với đất liền nên chỉ được tiếp tế thức ăn và nước uống trung bình 3 hay 4 tháng một lần. Ngày chiếc tầu V684 từ Cam Ranh đến phân phối lương thực cũng là ngày ông Tiến giao tù nhân cho cơ quan nội vụ đất liền và tổng kết thời gian thuyền nhân ở đảo của ông ông là 39 ngày đêm nhưng sự ngạc nhiên tiếp theo làm mọi người trố mắt nhìn là ông Tiến mang trả lại từng người số vàng và tiền bạc đã ghi sổ cất giữ trước giờ phút lên tầu để đi tù. Ông Tiến chỉ tính và trừ chi phí 0.50 xu lương thực cho một đầu người mỗi ngày. Toản là người cuối cùng lên chiếc tầu V684, chàng bắt tay ông Tiến và cảm ơn tấm lòng trắc ẩn của một người cộng sản hiếm quý. Ông chỉ là que diêm tỏa chút ánh sáng ở cuối đường hầm mà con tầu Việt Nam đang qua! Ông Tiến nắm tay Toản và tỏ lời thắc mắc trước khi giã từ: “Tại sao đất nước thanh bình mà các anh còn ra đi?” Chàng chỉ biết yên lặng vì một lần “chim đã trúng đạn” bị nhốt 6 tháng không thể quên được chỉ vì những lời tuyên bố ngay thẳng hơn nữa làm sao cắt nghĩa hai chữ tự do của chàng cho một người suốt đời “tự do” sống trên đảo với chim trời. Hạnh phúc mỗi người quả tình là một cảm nhận rất riêng tư!

Sau khi mãn tù lần thứ hai, Toản lại tìm đường vượt biên và đã đưa con tầu vượt biển với 65 thuyền nhân đến đảo Indonesia. Cuối cùng Toản tỵ nạn ở Mỹ vào một ngày mùa xuân, lập gia đình và có cô con gái 16 tuổi rất xinh xắn, thông minh nhanh nhẹn, chơi vĩ cầm professional. Cô bé đã đờn một bản nhạc bên cạnh giường bệnh của bố như một lần từ biệt ghi nhớ! Trước giờ chia tay, Toản vẫn còn sáng xuốt nắm tay một người bạn và thổ lộ lời cuối cùng cho 1 tình bạn: “Liêm ơi! Chắc tao không qua khỏi lần này, vĩnh biệt chúng mày...”. Vĩnh biệt Toản! “Tháng 7 hè sang, ngày giỗ bạn”( nhại Thơ Trần Trung Đạo: tháng bẩy và em)
Đến dòng cuối, tôi sực nhớ đến câu chuyện “Ở cuối hai con đường” của Phạm Tín An Ninh với ông quản giáo Thà một thời đã là đề tài bàn cãi sôi nổi trong cuộc đời những người tỵ nạn cộng sản nơi đây... Nhân vật Thà và Tiến chỉ là hai trường hợp hy hữu của những người sống trong đảng cộng sản mà còn chút lương tri!

Toản ơi! Tôi đã giữ lời hứa... Chúc bạn từ nay rũ sạch nợ trần, ngủ yên giấc mộng ngàn thu.

Viết xong cuối tháng 7 năm 2012.

Cao Đắc Vinh

Về Đầu Trang Go down
https://thntsaigon.forumvi.com
 
Cuối cùng cho một tình bạn - Cao Đắc Vinh
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon  :: ĐỀ TÀI :: Văn Hóa, Nghệ Thuật :: Văn-
Chuyển đến