Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon

Diễn Đàn của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Keywords
phải quynh ngắn Nguyen quang VNCH Nhung Trung luong hoang Chung chuyen ngam quan Saigon linh truyện sáng chất trong quốc nguyet không bich nhac thuoc
Latest topics
» qua đi thôi bão nổi
TẢN MẠN VỀ HAI CHỮ ĐỒNG MÔN - HỘI NGỘ Icon_minitimeSat Mar 11, 2023 3:11 am by Admin

» Cụ Hoang Xuân Hãn
TẢN MẠN VỀ HAI CHỮ ĐỒNG MÔN - HỘI NGỘ Icon_minitimeSun May 08, 2022 10:37 pm by Admin

» Giáo dục VNCH - Giáo dục con đường khai phóng
TẢN MẠN VỀ HAI CHỮ ĐỒNG MÔN - HỘI NGỘ Icon_minitimeMon Jan 10, 2022 4:06 am by Admin

» Suy tư về kiếp người - Về Cùng Cát Bụi
TẢN MẠN VỀ HAI CHỮ ĐỒNG MÔN - HỘI NGỘ Icon_minitimeSun Jan 09, 2022 4:25 am by Admin

» AI ĐÃ HẠ GỤC CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN?
TẢN MẠN VỀ HAI CHỮ ĐỒNG MÔN - HỘI NGỘ Icon_minitimeSat Jan 08, 2022 2:41 am by Admin

» NHẠC THIỀN - Cõi Thiền trong Âm Nhạc
TẢN MẠN VỀ HAI CHỮ ĐỒNG MÔN - HỘI NGỘ Icon_minitimeThu Jan 06, 2022 4:11 am by Admin

» Trở về miền ký ức : Một bài viết về người lính VNCH
TẢN MẠN VỀ HAI CHỮ ĐỒNG MÔN - HỘI NGỘ Icon_minitimeTue Jan 04, 2022 3:06 am by Admin

» Tôi Cưới Vợ
TẢN MẠN VỀ HAI CHỮ ĐỒNG MÔN - HỘI NGỘ Icon_minitimeTue Jan 04, 2022 2:44 am by Admin

» Giáo sư Phạm Hoàng Hộ
TẢN MẠN VỀ HAI CHỮ ĐỒNG MÔN - HỘI NGỘ Icon_minitimeMon Nov 29, 2021 3:05 am by Admin

March 2024
MonTueWedThuFriSatSun
    123
45678910
11121314151617
18192021222324
25262728293031
CalendarCalendar
Affiliates
free forum

Affiliates
free forum


 

 TẢN MẠN VỀ HAI CHỮ ĐỒNG MÔN - HỘI NGỘ

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin



Posts : 161
Join date : 20/10/2011

TẢN MẠN VỀ HAI CHỮ ĐỒNG MÔN - HỘI NGỘ Empty
Bài gửiTiêu đề: TẢN MẠN VỀ HAI CHỮ ĐỒNG MÔN - HỘI NGỘ   TẢN MẠN VỀ HAI CHỮ ĐỒNG MÔN - HỘI NGỘ Icon_minitimeFri Jul 27, 2012 2:44 am


HỘI NGỘ

Luân Tế

(Tặng tất cả những bạn CVA của tôi đã từng vác ngà voi tổ chức những ngày vui cho bằng hữu)

Tôi mới đi dự một buổi hội ngộ ở San José do một nhóm bạn cùng lớp và kém tôi một hoặc hai lớp tại trường Trung Học Chu Văn An tổ chức. Lớp tôi ra trường năm 1964. Thấm thoắt đã 47 năm.

Nếu tôi nhớ không nhầm thì Việt Nam ta không có cái thông lệ gọi là hội ngộ này. Có lẽ một phần vì chiến tranh, một phần vì phương tiện liên lạc khó khăn, một phần vì cái chuyện hội ngộ không có trong thời khóa biểu xã hội (social calendar) của đại đa số dân Việt. Nếu dùng chữ Reunion của tiếng Anh hay Pháp, thì cũng chỉ áp dụng cho những ngày giỗ chạp, lúc hội đồng gia tộc gặp lại nhau trong ngày tưởng niệm một người nào đó đã qua đời.

Khoảng 15-20 năm trở lại đây thì chuyện hội ngộ xẩy ra như cơm bữa. Cũng giống như trường hợp các công ty bán lẻ (retail business) là động cơ thúc đẩy các ngày lễ chính ở Mỹ, tôi nghi các nhà hàng ăn lớn Việt và Tầu là những thế lực đứng đằng sau vấn đề tổ chức hội ngộ. Dân Việt tị nạn sau gần 20 năm viễn xứ, lúc đó đã tương đối đủ ăn, đủ mặc rồi nên bắt đầu tính đến những chuyện làm giầu cho cuộc sống tinh thần của mình. Một cách trong việc làm giầu cho đời sống tinh thần của mình là tìm đến nhau. Tìm đến những người cùng quê; cùng học một lớp (tiểu học, trung học, đại học); cùng khóa quân trường; cùng đơn vị chiến đấu; cùng binh chủng; cùng họ; cùng nghề; cùng ở tù cộng sản. Nếu có người nào đủ phương tiện đi điều tra về chuyện này thì tôi tin chắc là ở Nam Cali này không thôi cũng có đến cả trăm hội đoàn tổ chức hội ngộ thường niên. Riêng hai vợ chồng tôi cũng đã từng tham dự Hội Ngộ CVA, Trường Luật, Gia Long, Trưng Vương, Petrus Ký, Nhà Số 7, hội Ái Hữu Gò Công. Lại còn hội ngộ của nhóm di du lịch chung với nhau.

Mà hội ngộ thì phải tổ chức có quy củ. Không phải tổ chức hội ngộ ở tiệm phở hay tiệm mì nào cũng được mà phải là một nơi khang trang, rộng rãi, và nhất là phải có sân khấu và ban nhạc để lấy chỗ cho các thành viên nói và hát cho nhau nghe (bạn thử vấn tâm xem, trước đây ở Việt Nam, nếu không phải là ca sĩ, đã có lần nào bạn có cơ hội được lên sân khấu, cầm micro hát cho năm bẩy chục, một trăm hay vài ba trăm người nghe chưa?)

Lại còn những “lệ” mới khác như Tiền Hội Ngộ, thường được tổ chức ở nhà riêng của một thành viên hay một hội quán nào đó. Rồi Hậu Hội Ngộ trước khi chia tay, ai về nhà / tiểu bang nấy. Tôi có người bạn nói rằng anh “plan” những ngày vacation hàng năm của anh quanh những buổi hội ngộ (anh đi khoảng 4-5 cái) tại khắp nơi trên nước Mỹ - một công đôi ba việc. Nếu tính cả tiền vé máy bay, khách sạn, xe thuê, xăng nhớt, quà cáp cho bà con lúc đến thăm hay ở nhờ, thì số hàng trăm cái hội ngộ này đã đóng góp một cách đáng kể vào nền kinh tế địa phương và theo đúng chính sách “sờ ti mu lút” của chính phủ liên bang. Phe Cộng Hòa thì cứ khăng khăng nói là cứ giảm thuế cho dân nhà giầu và các công ty lớn đi, rồi thế nào các công ty và các vị này cũng phải chi tiền ra vì quá giầu có. Số tiền các vị này chi sẽ “trickle down” - rỏ xuống  - cho đám dân nghèo. Thế là toàn thể xã hội được nhờ. Và vì thế nền kinh tế sẽ bốc lên. Nước Mỹ đã cưu mang dân Việt mấy chục năm nay rồi. Bây giờ làm ăn khấm khá, dân ta sẽ chi bạo, đi hội ngộ liên miên, có dịp tiêu bớt cái tài sản đã tích lũy bấy lâu, trước mua vui cho chính chúng ta và các bạn cùng trường, những người cùng họ, những kẻ cùng quê, các bạn cùng nghề; sau là làm nghĩa, giúp phần nào cho nền kinh tế quốc gia.

Tuy nhiên, đã từ lâu tôi vẫn thắc mắc về hai chữ “Hội Ngộ”.

Lý do là vì cách đây gần 30 năm, tôi có tham dự vào việc tổ chức một buổi “hội ngộ” với sự góp mặt của gần 2000 người tị nạn trên khắp nước Mỹ vào dịp Tết Nguyên Đán tại Knotts Berry Farm ở Orange County. Tôi không nhớ là chúng tôi có bàn cãi dữ dội lắm về cái danh hiệu của vụ này hay không nhưng chỉ biết là chúng tôi đã đặt tên cho buổi đó là “Tết Trùng Phùng”.

Và vì là dịp Tết nên tôi có làm một bài sớ táo quân đăng trong đặc san kỷ niệm, trong đó có 4 đoạn như sau:

Cờ Hoa xứ dù to
Dân Việt mấy trăm ngàn
Mặt nơi nào cũng có
Đầy báo chí, cửa hàng.

Ca Li đất miền Nam
Đất lành người dừng chân
Dựng lên thành Quận Cam
Nô nức tiếng xa gần.

Thấm thoắt đã mười xuân
Gặp lại Tết “Trùng Phùng”
Lý Lê Đinh Nguyễn Trần
Tay nắm mắt rưng rưng.

Người sang tận phía Đông
Kẻ về từ miền biển
Nhìn nhau lòng chạnh lòng
Gặp nhau cười huyên thuyên.

Không phải vì đây có lẽ là buổi “gặp gỡ lại” đầu tiên của một nhóm người tị nạn có cùng một mẫu số chung là đã bỏ nước ra đi sống tại nước ngoài mà tôi tự nhận là đã góp phần vào việc sử dụng hai chữ “Trùng Phùng”, so sánh với hai chữ “Hội Ngộ” được dùng rất rộng rãi sau này. Nhưng vì thấy cách sử dụng hai chữ “Hội Ngộ” không được đúng mấy nên lần này, từ San José về, tôi phải đi tìm, lục lại bài Sớ Táo Quân ra làm dẫn chứng.

Tra cứu thêm thì thấy trong Việt Nam Tự Điển Khai Trí Tiến Đức:

Hội ngộ = Gặp gỡ.

Hội = Gặp, họp đông người

Ngộ = Gặp.



Trùng phùng = Lại gặp nhau lần nữa

Trùng =  Lập lại nhiều lần

Phùng -  Gặp gỡ.

“Hội Ngộ” có lợi điểm ở chữ “hội”, có nghĩa là gặp, họp đông người. Nhưng “Trùng Phùng” có vẻ mạnh thế hơn với cái nghĩa của chữ “phùng” – lại gặp nhau. Và nếu lấy tiếng Tây, tiếng U ra làm chuẩn thì trong chữ Reunion có cái prefix RE, có nghĩa là “một lần nữa / lại”.

Vì cả bốn chữ này đều có gốc Hán / Nôm, mà tôi thì dốt nên phải tin vào tự điển. Và nếu tin vào tự điển, thì hai chữ “Trùng Phùng”sẽ thắng to. Hai chữ”Hội Ngộ” rồi một ngày nào đó có lẽ sẽ bị giải nhiệm rồi đi vào dĩ vãng ôm theo mối hận ngàn thu vì vô tình đã được đưa lên đài danh vọng một cách sai lầm. Tiếng Việt ta có câu “trèo càng cao, ngã càng đau”.

Bây giờ trở lại chuyện “Hội Ngộ” – quen dùng rồi bây giờ muốn đổi ngay trong bài này cũng thấy khó khăn. Dù sao thì “Trùng Phùng” hay “Hội Ngộ” cũng đến thế mà thôi.

Một vài chuyện vui trong các buổi hội ngộ.

Chẳng hạn như sau 45 năm rời mái trường xưa, anh nào nhuộm tóc hay “ủi” / “kéo” mặt sẽ bị lộ tẩy ngay trong đám bạn cùng tuổi với mình. Chỉ có anh nào “vain” quá nhưng kẹo, không chịu bỏ tiền ra chích Botox vào mặt mà dùng Preparation H, thuốc bôi ngoài da chữa bệnh trĩ có tác dụng làm co các sớ thịt lại, thì có thể có khuôn mặt hơi căng ra một tí và lừa được những người chung quanh trong vài ngày hội ngộ rồi ai về nhà nấy, bí mật thuốc trĩ làm căng da mặt chưa bị…bật mí.

Số người muốn nhuộm tóc cho đen như hồi trẻ không phài ít. Nhưng phần đông không đến beauty salon nhờ các cô hairdresser làm cho nó tự nhiên hơn một tí mà lại mua thuốc về nhuộm lấy. Không biết cách pha mầu, và đã mất tiền mua thuốc thì phải làm sao cho nó càng đen càng tốt mà lại đỡ phải làm thường xuyên. Kết quả là mấy vị đó có mái tóc trông giống như cái đít nồi cơm nấu bằng củi cái thời Hồ Chí Minh hãy còn nấu cơm trong hang Pắc Bó. Cũng có vài vị đội tóc giả. Nhưng ngay cả Frank Sinatra, giầu đến thế mà đội tóc giả vẫn bị “lòi” thì mấy anh CVA đội “toupée” làm bằng tóc người chết chưa thấm vào đâu. Trong số bạn tôi chưa thấy nhiều anh có can đảm đi theo con đường mà Yul Brynner, và sau này là Michael Jordan và một số đông lực sĩ da đen, đã là những người tiên phong. Có lẽ tại vì dân Tây Phương với mắt sâu, râu rậm, trông vẫn đẹp khi cái đầu nhẵn thín. Còn dân Á Đông ta thì vì câu “cái lông cái tóc là gốc con người” nên vẫn trọng cái đầu có tóc tuy tóc càng về già càng thưa, thưa riết thì thành hói. Và có lẽ vì thế mà tôi chưa nghe thấy ai nói câu “a handsome monk” bao giờ.

Vài ba trăm năm về trước, đàn bà Tây Phương thường phải thót bụng vào, mặc corset dưới váy để khoe thân hình với cái eo nhỏ xíu của mình. Ngày nay hình như các bà sồn sồn không để ý đến chuyện eo nhỏ ấy nữa hay là không thể mặc corset được vì phải cho cái bụng được thoải mái để còn ăn tiệc. Tôi chắc không có anh nào đặt vấn đề là thằng bạn sau ba mươi không gặp, ngày xưa bụng có 28 mà bây giờ thành 34. Nhưng chắc chắn là khi các bà gặp lại nhau trong các buổi hội ngộ của trường Đồng Khánh chẳng hạn, thế nào cũng có chuyện chỉ trỏ, xì xầm, “Con nớ ngày xưa ngồi chung bàn với tau. Tau còn nhớ là nó là đại diện chính thức cho hãng “omega”, lép kẹp, không có tí ngực nào. Răng bây chừ to rứa?” và lập tức đặt tên mới cho người bạn học cũ, ngồi cùng bàn của mình là Công Tằng Tôn Nữ Thị Nở.

Ít năm trước tôi không tha thiết lắm với mấy cái vụ Hội Ngộ. Nhưng dạo sau này với những chuỗi ngày dài trong khoảng thời gian có thể gọi là cái một phần tư cuối của cuộc đời…tôi thấy những buổi họp bạn, những lần hội ngộ có những ý nghĩa sâu xa của nó. Chẳng mấy khi tôi nghĩ tới chuyện sang Houston thăm thằng H.; sang Washington thăm thằng V.; Qua Hawaii thăm thằng L. Nhưng nếu chúng nó cũng nghĩ như tôi, cũng sách va li đi dự những buổi hội ngộ thì chúng tôi vẫn có cơ hội gặp nhau ít nhất mỗi năm một lần tại một thành phố lạ và “tay nắm mắt rưng rưng”.

Thế cho nên những buổi hội ngộ hay trùng phùng hay được gọi bằng bất cứ danh từ gì chăng nữa, nếu nó đạt được cái cảnh:

Người sang tận phía Đông
Kẻ về từ miền biển
Nhìn nhau lòng chạnh lòng
Gặp nhau cười huyên thuyên.

Thì cũng xứng đáng với cái danh xưng.

Tôi cho là nếu những người từ chối không tham dự những ngày hội ngộ với cái tập thể có cùng một mẫu số chung với mình, những người đó, tuy họ không biết, đã mất đi một dịp để làm giầu cho đời sống tinh thần của mình. Và ở vào tuổi tôi và các bạn tôi, chắc chẳng còn bao nhiêu thằng cần hay muốn làm ra tiền. Chúng tôi cần sống “cho nó sướng”. Và một trong những cái “sướng” đó là gặp lại những thằng bạn cũ của 50 năm về trước, tại một thành phố lạ, vào những buổi Tiền Hội Ngộ để ăn tục nói phét, những Đêm Hội Ngộ để chào cờ, chào thầy, chào cô, mặc niệm những thằng bạn không còn nữa; và những bữa ăn sáng Hậu Hội Ngộ để rồi, lúc chia tay, tự hứa với mình, và hứa với bạn mình là “Năm sau gặp lại!”

Cũng như dân Do Thái lạc loài, luân lạc, hẹn nhau một ngày thanh bình, an lạc nào đó tại miền đất Hứa bằng cách nói với nhau, chúc lẫn nhau bằng câu: “Next Year, In Jerusalem!”


Luân Tế
(Mấy ngày sau Hội Ngộ CVA 646566 tại San Jose)
Về Đầu Trang Go down
https://thntsaigon.forumvi.com
LVThu
Khách viếng thăm




TẢN MẠN VỀ HAI CHỮ ĐỒNG MÔN - HỘI NGỘ Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: TẢN MẠN VỀ HAI CHỮ ĐỒNG MÔN - HỘI NGỘ   TẢN MẠN VỀ HAI CHỮ ĐỒNG MÔN - HỘI NGỘ Icon_minitimeTue Aug 04, 2015 11:15 am

TẢN MẠN VỀ HAI CHỮ ĐỒNG MÔN - HỘI NGỘ 533416_330421460354469_1660583910_n


TẢN MẠN VỀ HAI CHỮ ĐỒNG MÔN
(tạm giới hạn trong cấp tiểu và trung học)

Theo từ điển, đồng môn được định nghĩa như là những người cùng học một trường.

Ở thời xưa, khi nước ta còn theo chế độ phong kiến, chuộng Hán văn, việc học hành chưa được phổ cập, đồng môn chỉ gói gọn trong một nhúm người, hầu hết là phái nam, cùng theo học một thày đồ dưới một mái nhà. Họ lại khác nhau cả về tuổi tác, bởi vì, có người nhập học khi tóc còn để chỏm, có người nhập học khi đã có … vợ con. Thày đồ sẽ tùy tuổi tác và trình độ của họ mà dạy các sách khác nhau. Khi đi thi, nếu đỗ đạt ra làm quan, họ trở thành những bạn “đồng liêu” trong chốn quan trường, nhưng nếu thất cơ lỡ vận thì ít khi họ dám hoặc muốn tìm đến nhau, vì… hố ngăn cách về địa vị xã hội quá chênh lệch.

Đến thời nước nhà chọn chữ quốc ngữ làm ngôn ngữ chính thức trong các chương trình giảng dạy ở các bậc tiểu và trung học, nhiều trường học được xây dựng, mọi trẻ em được khuyến khích cắp sách đến trường. Tuy vậy, do hoàn cảnh ngân sách hạn chế, hệ thống trường công chưa được rộng khắp, đội ngũ giáo viên, giáo sư chưa được đào tạo đủ, nên nhà nước phải đặt ra vụ thi tuyển để chỉ thâu nhận các học sinh ưu tú. Các học sinh khác một là phải bỏ học vì nghèo, hai là phải ghi danh học tại các trường tư thục. Cũng phải kể đến việc một số gia đình giàu có cho con em mình theo học tại các trường tư thục danh tiếng hay “trường Tây”. Từ hệ thống các trường tiểu và trung học phổ thông này, từ đồng môn đã có nghĩa rộng rãi hơn: những người cùng theo học một trường (không nhất thiết cùng một thày, một lớp) ở một thời điểm nào đó.

Do hoàn cảnh chiến tranh, công ăn việc làm bận rộn, gia đình chật vật, hoặc do phương tiện giao thông khó khăn, trước đây các đồng môn trong nước ít khi gặp nhau. Tinh thần đồng môn tuy có, nhưng chưa sâu đậm, vì ai nấy đều phải lo sinh kế cho gia đình, cho con cái, và vì việc bươn chải kiếm miếng cơm manh áo không cho phép lãng phí thời gian.

Sau khi chiến tranh Nam Bắc kết thúc, các cựu học sinh đều trưởng thành, lớn tuổi. Ở trong nước cũng như hải ngoại, đặc biệt là trong thành phần tị nạn ở các nước phát triển, họ đã ổn định cuộc sống, có thì giờ tìm thư giãn tinh thần, và hòa nhập vào đời sống xã hội chung quanh, đồng môn đã tìm đến nhau để tâm sự, chia sẻ và giao hoà.

Với các phương tiện viễn thông được cải tiến, mà liên mạng internet và điện thoại di động là những phát minh cực kỳ tối tân, đã đưa đến việc người ta có thể nói chuyện bằng lời, bằng bút, và … bằng nút (keyboard) với nhau hằng ngày, thậm chí còn nhìn thấy cả nhau khi nói chuyện, dù ở cách nhau nửa vòng trái đất, đồng môn đã có thể đến với nhau, gần gũi nhau như trong gang tấc.

Các diễn đàn đã là những gạch nối rất hiệu quả làm các môn sinh cùng trường có thể thân mật với nhau nhiều hơn. Họ đã lên mạng đấu hót, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, bàn bạc đủ thứ chuyện, thậm chí đôi khi cãi nhau về một chuyện không đâu. Không ai có thể phủ nhận chính nhờ diễn đàn trên mạng mà bao nhiêu cuộc họp bỏ túi, bao nhiêu cuộc sinh hoạt hội ngộ lớn nhỏ qui tụ hàng trăm người từ khắp bốn phương trời đều đã thành công. Sau các cuộc họp ấy là những gương mặt rạng rỡ, những tình thân kết nối, và những hẹn hò gặp lại.

Cũng qua diễn đàn đồng môn, bao nhân tài trong mọi lãnh vực đã được đồng môn nhận diện để mọi người cùng chia sẻ niềm hãnh diện chung. Nếu không có diễn đàn đồng môn, làm sao chúng ta biết được nhà trường chúng ta đã đào tạo được các nhạc sĩ tài danh, các khoa học gia có tiếng, những người lính quả cảm trong các quân binh chủng, các giáo sư đại học các ngành nghề, và hàng ngàn chuyên viên y nha dược và khoa học kỹ thuật, cũng như các văn sĩ, họa sĩ, thi sĩ, v.v.. Những bạn đồng môn ấy của chúng ta là những người đã đóng góp công sức vào nền văn minh nhân loại và trực tiếp phục vụ xã hội, phục vụ đất nước.

Cũng qua tình đồng môn, biết bao bạn bè đã được giúp đỡ và an ủi. Người kia vừa mất người thân, đồng môn gần xa đã tìm đến vỗ về chia sẻ nỗi đau. Người nọ có con lập gia đình, đồng môn tìm đến chia sẻ niềm vui. Và còn nhiều hình thức giúp đỡ an ủi khác nữa, từ vật chất, hỗ trợ, đến cố vấn, hướng dẫn, đã như những dòng nhạc, vần thơ giúp đời nhau thêm tươi đẹp, thêm ấm áp.

Cái vui đơn giản nhất là khi phát hiện ra những đồng môn cư ngụ quanh mình. Dù học khác lớp, khác năm, có khi cách nhau cả hơn hai thập niên, những đồng môn ấy đã tìm đến với nhau quanh một mâm cơm tại tư gia hay bữa tiệc tại nhà hàng. Ở đó, họ trao đổi những mẩu chuyện gia đình, chuyện dĩ vãng, chuyện thày cô, chuyện truân chuyên cuộc đời, và có khi còn hát một bài ca, ngâm lên một đoạn thơ cho nhau nghe, hoặc chia sẻ một chút riêng tư. Rồi họ rủ nhau đi chơi xa, thăm viếng thắng tích này bên xứ nọ, ghé coi phong cảnh đẹp ở nước kia, trong nỗi hân hoan có người đồng hành cùng tâm thức, cùng cảm nhận.

Cũng trong các sinh hoạt nhận diện đồng môn, người ta tìm thấy có khi đồng môn lại chính là học trò của mình, hoặc là thày dạy mình, ở trong một lãnh vực chuyên môn nào đó, sau khi rời mái trường trung học.

Dù tuổi tác khác biệt, dù hoàn cảnh xã hội chênh lệch, dù là thày hay trò của nhau sau này, mọi người vẫn coi nhau là đồng môn trong tinh thần tương kính và thân tình.

Ôi! Hai chữ đồng môn thật là thân thương và đáng trân trọng!

Lê Văn Thu
học sinh Nguyễn Trãi, niên khóa 58-62, lớp B3

.
Về Đầu Trang Go down
 
TẢN MẠN VỀ HAI CHỮ ĐỒNG MÔN - HỘI NGỘ
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon  :: ĐỀ TÀI :: Tản Mạn-
Chuyển đến