Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon

Diễn Đàn của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Keywords
Saigon linh trong chuyen Trung Nhung nhac phải Nguyen ngắn không chất quang bich nguyet chẳng thuoc ngam VNCH quynh quốc sáng Chung truyện quan hoang
Latest topics
» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Vượt Lên Nỗi Sợ (Freedom from Fear) - Aung San Suu Kyi Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:38 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Vượt Lên Nỗi Sợ (Freedom from Fear) - Aung San Suu Kyi Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Vượt Lên Nỗi Sợ (Freedom from Fear) - Aung San Suu Kyi Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» qua đi thôi bão nổi
Vượt Lên Nỗi Sợ (Freedom from Fear) - Aung San Suu Kyi Icon_minitimeSat Mar 11, 2023 3:11 am by Admin

» Cụ Hoang Xuân Hãn
Vượt Lên Nỗi Sợ (Freedom from Fear) - Aung San Suu Kyi Icon_minitimeSun May 08, 2022 10:37 pm by Admin

» Giáo dục VNCH - Giáo dục con đường khai phóng
Vượt Lên Nỗi Sợ (Freedom from Fear) - Aung San Suu Kyi Icon_minitimeMon Jan 10, 2022 4:06 am by Admin

» Suy tư về kiếp người - Về Cùng Cát Bụi
Vượt Lên Nỗi Sợ (Freedom from Fear) - Aung San Suu Kyi Icon_minitimeSun Jan 09, 2022 4:25 am by Admin

» AI ĐÃ HẠ GỤC CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN?
Vượt Lên Nỗi Sợ (Freedom from Fear) - Aung San Suu Kyi Icon_minitimeSat Jan 08, 2022 2:41 am by Admin

» NHẠC THIỀN - Cõi Thiền trong Âm Nhạc
Vượt Lên Nỗi Sợ (Freedom from Fear) - Aung San Suu Kyi Icon_minitimeThu Jan 06, 2022 4:11 am by Admin

May 2024
MonTueWedThuFriSatSun
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  
CalendarCalendar
Affiliates
free forum

Affiliates
free forum


 

 Vượt Lên Nỗi Sợ (Freedom from Fear) - Aung San Suu Kyi

Go down 
Tác giảThông điệp
NHViet
Khách viếng thăm




Vượt Lên Nỗi Sợ (Freedom from Fear) - Aung San Suu Kyi Empty
Bài gửiTiêu đề: Vượt Lên Nỗi Sợ (Freedom from Fear) - Aung San Suu Kyi   Vượt Lên Nỗi Sợ (Freedom from Fear) - Aung San Suu Kyi Icon_minitimeFri Jul 20, 2012 10:10 pm

Vượt Lên Nỗi Sợ (Freedom from Fear)
- Aung San Suu Kyi



Chú giải:

“Hòa bình trên thế giới không thể chia cắt được. Bất kỳ ở đâu nếu các thế lực tiêu cực mạnh hơn lực lượng tích cực, tất cả chúng ta đều bị đe dọa. Sẽ có câu hỏi: Liệu có thể loại bỏ hết các thế lực tiêu cực được không? Câu trả lời đơn giản là “Không!” Vì bản chất con người bao hàm cả 2 thành tố tiêu cực và tích cực. Tuy nhiên con người hoàn toàn có khả năng phấn đấu để tăng cường cái tích cực và giảm thiểu hay vô hiệu hóa cái tiêu cực… Cho dù chúng ta không thể giành được hòa bình hoàn hảo trên trái đất này, nhưng đấy là mục tiêu chúng ta phải luôn luôn hướng tới… Những nỗ lực của chúng ta cùng nhau giành lấy hòa bình sẽ đoàn kết từng con người chúng ta và tất cả các quốc gia trong sự tin cậy lẫn nhau và trong tình hữu nghị, và điều này sẽ làm cho cộng đồng nhân loại của chúng ta an toàn hơn tốt đẹp hơn…”

Trong diễn văn đọc ngày 16-06-2012 tại Hội đồng giải thưởng Nobel, Oslo, Na-uy, Bà Aung San Suu Kyi đã phát biểu như vậy. Đấy cũng là bài diễn văn đầu tiên của Bà với tính cách là người tự do và là lãnh tụ của Liên đoàn quốc gia vì Dân chủ ở Myanmar trước cộng đồng thế giới sau hơn 20 năm bị giam tại nhà riêng. Ý chí đấu tranh bất khuất của Bà cho hòa bình, tự do, dân chủ và hạnh phúc của nhân dân Myanmar cũng như cho hòa giải dân tộc vì sự phát triển phồn vinh của quốc gia này, là một cống hiến quan trọng đã góp phần vào việc tạo ra bước ngoặt phát triển được cộng đồng thế giới nhiệt liệt hoan nghênh của Myanmar ngày nay.
 
Để chia sẻ với bạn đọc đôi điều về nhân vật trọng yếu này của Myanmar, nhân dịp này xin đăng lại bài “Vượt lên nỗi sợ” được viết tháng 1-2012 và đã được đăng trong Văn hóa Phật giáo số mùa hạ 2012, TPHCM.

Xin trân trọng giới thiệu.
Nguyễn Trung


1.

“Vượt Lên Nỗi Sợ” (Freedom from Fear)
, đấy là tựa đề diễn văn nổi tiếng của bà Aung San Suu Kyi viết năm 1990, nhân dịp bà được trao giải thưởng Rafto và giải thưởng Sakharov về “tự do tư duy”.

Bà Suu Kyi viết diễn văn này trong hoàn cảnh bị tước hết mọi quyền tự do: Bà bị chính quyền quân phiệt giam tại nhà rất hà khắc từ 20-07-1989, trừ một vài năm được nới lỏng, mãi đến ngày 13-10-2010 mới được trả lại tự do. Trong khoảng thời gian này, đã có lúc bà Aung San Suu Kyi bị giam tại nhà tù chính khét tiếng ở Rangoon dành cho các tù nhân chính trị.

Với tính cách là lãnh tụ tinh thần của Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (National League for Democracy - NLD), đấu tranh kiên cường cho các quyền tự do dân chủ của nhân dân Myanmar, bà Suu Kyi ngày nay được coi như là biểu tượng tinh thần bất khuất và niềm hy vọng của nhân dân nước này.

Mở đầu diễn văn nổi tiếng năm 1990 này, bà Suu Kyi cho rằng "…Không phải quyền lực, mà là nỗi sợ làm tha hóa con người. Người sử dụng quyền lực thì sợ mất quyền lực, người chịu khuất phục thì sợ sự hành hạ của quyền lực. Theo truyền thống đạo lý của Phật giáo Theravada (Tiểu thừa)[1], hầu hết mọi người dân Myanmar đều biết 4 con đường (gati) làm hư hỏng con người (4 “A-gati”)[2].
Chanda-gati, làm hư hỏng con người do những dục vọng, vì lẽ này từ bỏ con đường đúng đắn, cốt nhằm theo đuổi tham nhũng hoặc những ham muốn khác. Dosa-gati – đó là cách hành sử sai đạo đối với những kẻ không có thiện ý; và Moga-gati – đó là sự lầm lạc do thái độ nhắm mắt làm ngơ. Nhưng điều nguy hiểm nhất có thể là Bhaya-gati – đó là nỗi sợ, nó không chỉ tạo ra sự hèn nhát, mà con bóp nghẹt và huỷ hoại dần dần khả năng nhận thức đúng/sai; chính điều này thường là cỗi rễ của 3 gati (3 con đường) làm tha hóa con người như đã nêu ra trước đó..."


Bà Aung San Suu Kyi trước sau tìm cách giữ cho mình và cho tất cả tăng ni phật tử, cho mọi người dân đang đấu tranh cho tự do và nhân phẩm ở Myanmar lòng tin vững chắc vào chính nghĩa (citta), ý chí bất khuất (the right chanda – the firm intension of good will to do something right), sự kiên tâm (viriya), sự minh mẫn (panna). Bà cho rằng 4 Phật pháp này của đạo Phật Theravada (Tiểu Thừa), cùng với ý thức vượt lên nỗi sợ, có khả năng làm nên sức mạnh nội tâm không một bạo lực nào có thể khuất phục, kể cả cái chết. Chính sức mạnh nội tâm này cắt nghĩa vì sao gần 20 năm bị giam cầm hà khắc và hầu như bị cách ly hoàn toàn khỏi nhân dân của mình và thế giới bên ngoài, vẫn tồn tại và rực sáng ngọn đuốc Aung San Suu Kyi trong tinh thần người dân Myanmar.

Biết bao nhiêu tội ác đẫm máu đã xảy ra. Giết chóc, hãm hiếp, đàn áp, tù đầy… là chuyện hàng ngày. Có người đã phải đặt câu hỏi phải chăng Myanmar đang trở thành “cánh đồng chết” tiếp theo (sau Campuchia)[3]. Gần 50 năm qua, Myanma quằn quại trong máu, chìm đắm trong tàn phá và tha hóa của bạo lực. Song hiển nhiên vẫn tồn tại trên đất nước này một sức mạnh nội tâm bất khuất chống lại bạo quyền, đi đầu là phong trào đấu tranh kiên cường, không một lúc nào ngừng nghỉ của các nhà sư và sinh viên Myanmar… Một trong những tấm gương tiêu biểu của tinh thần đấu tranh này là cách đây vài năm nhà sư U Wisara đã chết trong tù sau 143 ngày tuyệt thực, biểu thị sự phản đổi kiên quyết chống lại ách thống trị của chính quyền quân phiệt.

Chính nhờ có sức mạnh nội tâm như vậy của một đất nước có tới gần 90% nhân dân theo đạo Phật, Myanmar vẫn gìn giữ được cho mình những giá trị tinh thần cao quý, bảo vệ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Khách nước ngoài đến thăm Myanmar không khỏi ngạc nhiên và cảm thấy bất chấp mọi hủy hoại của bạo quyền, vẫn có một sức mạnh vô hình nào đó đang gìn giữ bất khả xâm phạm những phẩm chất tốt đẹp và các chuẩn mực đạo đức xã hội của người dân Myanma: hiền hòa, bao dung, gắn bó với nhau, chăm lo giáo dục thế hệ trẻ, gìn giữ môi trường… Đặc biệt ấn tượng là những phong tục Lễ nhập tu (được gọi là shinbyu) dành cho con trai khi đến tuổi trưởng thành thì vào chùa tu một thời gian ngắn, và lễ xuyên lỗ khuyên tai dành cho con gái – đấy là những cột mốc quan trọng trong hình thành nhân cách một con người… (Nói một cách khác, nếu thiếu vắng những giá trị và đạo đức xã hội như vậy, thật khó hình dung đất nước Myanmar sẽ ra sao sau gần 50 năm dưới sự cai trị tàn bạo của cường quyền quân phiệt). 

Có thể nói, những nhân nhượng của chính quyền Thein Sein sau cuộc bầu cử tháng 2-2010 trước hết là thành quả của cuộc đấu tranh kiên cường này của nhân dân Myanma, trong đó tinh thần Suu Kyi là ngọn đuốc không bao giờ tắt.

2.
 
Sẽ có câu hỏi: Điều gì đã làm nên một Aung San Suu Kyi như vậy?

Sinh ngày 19-6-1945 trong một gia đình, cha là Aung San - Tổng chỉ huy Quân đội Độc lập là và người giữ vai trò quyết định trong sự nghiệp giải phóng Myanmar khỏi ách thực dân Anh, mẹ là Ma Khin Kyi – bác sỹ tại bệnh viện chính của Rangoon, Suu Kyi được thừa hưởng tinh thần yêu nước bất khuất của cha và lòng nhân ái xả thân vì việc nghĩa của mẹ. 

Ngày 19-06-1947, đúng lúc Suu Kyi hai tuổi, tướng Aung San bị lực lượng trong quân đội của mình muốn tiếm quyền ám sát; vợ ông – bà Ma Khin Kyi dấn thân vào mọi công việc chính trị - xã hội, quyết tâm tiếp tục thực hiện những lý tưởng của chồng. Sau này bà Ma Khin Kyi trở thành một nhân vật nổi tiếng trên chính trường Myanmar, được chính phủ cử làm đại sứ của Myanmar tại Ấn Độ (1960-1964). Suu Kyi theo mẹ, lớn lên và học tập ở Ấn Độ, rồi sau đó học tiếp ở Anh, ở Mỹ. Trong khi làm luận án tiến sỹ, Suu Kyi gặp Michael Aris (Anh), chuyên viên nghiên cứu văn hóa Đông phương, Tây Tạng và Bhutan, hai người cưới nhau năm 1972. Suu Kyi bắt đầu dành nhiều thời giờ nghiên cứu và viết về các vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa của Myanmar, một thời gian Suu Kyi từng làm thư ký cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc U Thant, tại New York…

Năm 1988 mẹ Suu Kyi ốm nặng, Suu Kyi trở về Rangoon để chăm sóc mẹ. Đúng lúc này, Hội đồng Nhà nước Phục hồi Luật pháp và Trật tự (SLORC) – một tổ chức chính trị đầu não của quân đội – xóa bỏ chính quyền dân sự, thiết lập nên chế độc tài quân phiệt. Ngay lập tức Suu Kyi vận động nhân dân Myanmar đứng lên đấu tranh chính trị chống lại. 

Ngày 27-09-1988 Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) được thành lập, Suu Kyi được bầu làm tổng thư ký, chủ trương đấu tranh không bạo lực. Nhanh chóng NLD phát triển rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân khắp cả nước và trở thành lực lượng chính trị đối lập mạnh nhất. Có lúc Suu Kyi đã dẫn đầu hàng nghìn người tham gia biểu tình đi giữa các họng súng của quân đội nhằm thẳng vào mình… 

Chính quyền quân phiệt dùng mọi bạo lực và các thủ đoạn nham hiểm để giập tắt, nhưng phong trào đấu tranh do NLD lãnh đạo vẫn tiếp tục phát triển, bất chấp mọi giết tróc, tù đầy.

Sau khi ban hành thiết quân luật, ngày 20-07-1989 SLORC ra lệnh giam bà Suu Kyi tại nhà, nội bất xuất – ngoại bất nhập, cắt đứt hẳn mọi liên hệ của bà Suu Kyi với bên ngoài… Mặc dù vậy, trong cuộc bầu cử do SLORC tổ chức đầu năm 1990, NDL vẫn đại thắng, chiếm 82% số ghế của quốc hội. Kết quả cuộc bầu cử này bị SLORC xóa bỏ. Suu Kyi tiếp tục bị giam tại nhà. Đến năm 1995 việc giam giữ tại nhà được nới lỏng chút ít; nhưng chỉ vài năm sau Suu Kyi lại phải chịu đựng tiếp chế độ bị giam tại nhà ngày một hà khắc hơn. Mãi đến ngày 13-11-2010 Suu Kyi mới được trả lại tự do.

Thật khó hình dung Suu Kyi lấy ở đâu ra ý chí và nghị lực, và cả sức lực của thể chất con người nữa, để có thể chịu đựng được gần 20 năm biệt giam rất hà khắc như vậy ngay tại trong nhà mình hoặc trong tù, để vẫn tiếp tục là nguồn động viên, là niềm tin, là thủ lĩnh tinh thần của nhân dân Myanmar trong đêm trường tăm tối nửa thế kỷ dưới chế độ quân phiệt. 

Trong suốt thời kỳ bị biệt giam tại nhà, Suu Kyi chỉ được gặp chồng và hai con của mình một vài lần trong mấy năm việc giam giữ được nới lỏng. SLORC (sau này đổi thành Hội đồng Nhà nước vì Hòa bình và phát triển – SPDC) đã nhiều lần đưa ra đề nghị bà Suu Kyi được phép ra nước ngoài để đoàn tụ gia đình, với điều kiện không được trở lại Myanmar. Suu Kyi đã từ chối. Bà nói rõ lý do: “Rất đơn giản, tôi không thể bỏ lại nhân dân Myanmar phía sau mình...” 

Từ cuối những năm 1990, Michael Aris, chồng bà Suu Kyi, bị ung thư; nhưng Aris và hai con không được phép vào Myanmar để thăm bà. Năm 1999, Aris từ giã cõi đời, bà Suu Kyi không dám rời Myanmar để dự tang lễ chồng, vì biết ra đi có nghĩa là bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Myanmar…

Được hỏi về nguồn gốc của ý chí sắt thép như vậy, Suu Kyi cho biết: Bà chỉ có metta (lòng nhân ái vô bờ bến trong triết lý đạo Phật Theravada) do mẹ bà truyền thụ cho. Bà nói, nhờ có metta, bà luôn luôn giữ được cho mình sự minh mẫn, không bao giờ ngã lòng. Metta đã giúp bà vượt qua được mọi thử thách và nỗi sợ. Metta là tình yêu ruột thịt gắn bó không thể tách rời bà với nhân dân Myanmar, khiến bà sẵn sàng hy sinh tất cả vì nhân dân Myanmar… Bà Suu Kyi giãi bày: Tôi sống bằng tình yêu và sự thật, metta là chỗ dựa bất khả xâm phạm của tâm hồn tôi…

Hỏi vì sao bà chủ trương đấu tranh không bạo lực đối với chính quyền quân phiệt vô cùng tàn ác, bà Suu Kyi cho biết, nhờ metta, bà đã tìm thấy ở nhân dân Myanmar và ở chính bản thân mình sức mạnh nội tâm (inner strength) không một bạo lực hay ý đồ nham hiểm nào có thể hủy hoại. Chỉ có metta mới dẫn tới hòa giải, và nhờ đó mới có thể triệt để và vĩnh viễn xóa bỏ bạo lực, gìn giữ và phát huy những giá trị cao quý của Theravada… Nếu dùng bạo lực, lấy oán báo oán sẽ không bao giờ chặt đứt được cái vòng luẩn quẩn, sẽ chỉ đẻ ra bạo lực mới… Đấu tranh không dùng bạo lực để giành các quyền tự do dân chủ của nhân dân xuất phát từ giáo lý metta như vậy – bà Suu Kyi giải thích – đấy chính là đạo Phật Theravada dấn thân. Bà Suu Kyi cũng tự coi mình là môn đệ của MOHANDAS GANDHI. 

Alan Clements, nhà báo đồng thời cũng là nhà sư Mỹ đã từng thụ đạo ở Myanmar, đặt ra câu hỏi gai góc: Trước mắt bà, đã bao nhiêu nhà sư và sinh viên Myanmar bị giết và bị nhục hình tàn bạo trong các nhà tù, sao NLD vẫn chủ trương đấu tranh không dùng bạo lực?

Trả lời, chủ trương đấu tranh không dùng bạo lực là niềm tin, là phương thức đấu tranh của NLD, là sự lựa chọn riêng của NLD, thích hợp với niềm tin của NLD. Chủ trương như vậy, NLD tôn trọng những hình thức đấu tranh khác của mọi lực lượng nhân dân Myanmar nhằm xóa bỏ chính quyền quân phiệt, kể cả hình thức đấu tranh vũ trang. Bà Suu Kyi nói rõ thêm, cha bà, tướng Aung San, đã tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang oanh liệt vì sự nghiệp giải phóng Myanmar, và bà rất ngưỡng mộ cha mình về lòng yêu nước quả cảm như vậy. Cũng với cách nghĩ như vậy, bà Suu Kyi nhìn nhận mọi tôn giáo khác nhau trên trái đất này. Bà cho rằng dù có khác biệt văn hóa hay lịch sử sâu sắc như thế nào, mọi tôn giáo đều bắt đầu từ yêu thương và gìn giữ nhân phẩm.

Như vậy, nhân cách Suu Kyi đã làm nên con người Suu Kyi, không chỉ là tiêu biểu cho khát vọng về tự do, dân chủ và nhân phẩm của nhân dân Myanmar, mà là của cả nhân loại yêu chuộng hòa bình, công lý và quyền con người. Trên thế giới nhiều nơi coi Aung San Suu Kyi là tấm gương về làm người, đưa tinh thần Aung San Suu Kyi vào nội dung giáo dục trong trường học…  Đã có lần một tạp chí nổi tiếng, sau khi thăm dò dư luận bạn đọc, đã bình chọn bà Suu Kyi là một trong số 50 người hàng đầu trên thế giới có ảnh hưởng đến sự tiến bộ của thế giới ngày nay. Vì những cống hiến và ảnh hưởng như vậy, năm 1991, giữa lúc đang phải ngồi tù, bà Suu Kyi được tặng giải thưởng Nobel vì đấu tranh cho dân chủ và quyền con người; hai con trai bà – Alex và Kim – đã từ London đến Oslo thay mặt mẹ đón nhận giải thưởng, với bài phát biểu xúc động lòng người.
 
Bà Suu Kyi còn được tặng nhiều giải thưởng cao quý khác trên thế giới. Nhưng phần thưởng lớn nhất bà Suu Kyi nhận được là niềm thương yêu và lòng tin của nhân dân Myanmar, dành cho bà tên gọi kính trọng là Daw Aung San Suu Kyi (Madame Aung San Suu Kyi).

3.     

Cuộc tổng tuyển cử ở Myanmar tháng 11-2010 thực chất là do SPDC – cơ quan đầu não của lực lượng quân phiệt tổ chức. Kết quả đã đưa tướng Thein Sein lên làm tổng thống, người đứng đầu nhà nước dân sự đầu tiên kể từ khi SLORC xóa bỏ kết quả cuộc tổng tuyển cứ năm 1990 mà NLD của bà Suu Kyi đã thắng lớn.
 
Tuy nhiên, đáng chú ý là ngay sau khi nhậm chức, tổng thống Thein Sein đã làm nhiều việc gây nên sự ngạc nhiên đến ngỡ ngàng.

Nổi bật nhất là những quyết định của tổng thống đưa các tướng lĩnh cứng rắn của phái quân phiệt – đứng đầu là tướng Than Swe – về nghỉ hưu. Tiếp đó, ngày 30-03-2011, tổng thống giải thể “Hội đồng Nhà nước vì Hòa bình và Phát triển” – SPDC (tiền thân của nó là Hội đồng phục hồi luật pháp nhà nước và trật tự SLORC) - cơ quan đầu não của lực lượng quân phiệt; ra quyết định thành lập Ủy ban nhân quyền với trách nhiệm thực sự; ban hành Luật biểu tình… Đến nay chính quyền Myanmar đã thả gần 2000 tù chính trị, trong đó có hầu hết những nhân vật thủ lĩnh các phong trào chống đối của giới tăng ni và sinh viên, một số chính khách…
 
Chính quyền của tổng thống Thein Sein nới lỏng kiểm duyệt báo chí; để cho  Liên đoàn dân tộc vì dân chủ (NDL) và bà Aung San Suu Kyi tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử bổ sung đột xuất cho 48 ghế còn để khuyết trong Quốc hội sẽ tổ chức vào đầu tháng 4-2012; hủy bỏ hợp đồng đã ký với Trung Quốc xây đập thủy điện Myitsone trị giá 3,6 tỷ USD vì lý do công trình này sẽ gây những hậu quả tàn phá môi trường không thể khắc phục được; thực hiện nhiều hoạt động ngoại giao quan trọng khác chưa từng có, nổi bật là phuc hồi quan hệ ngoại giao với Mỹ, Anh, Pháp… Myanmar đang cố gắng làm tốt vai trò và nghĩa vụ của mình trong ASEAN.

Những nguyên nhân nào dẫn đến những quyết định như vậy?

Chắc chắn cần có thời gian để tìm ra những câu trả lời chuẩn xác và thuyết phục. 

Song có thể sơ bộ kết luận những thay đổi nêu trên trước hết là hệ quả trực tiếp của nhiều vấn đề nóng bỏng:
(a) sự thâm nhập và can thiệp rất sâu về mọi mặt từ phía Trung Quốc vào công việc nội bộ Myanmar đã gây ra mất ổn định nghiêm trọng trong lòng quốc gia này, đồng thời có nguy cơ biến Myanmar thành một quốc gia phụ thuộc;
(b) gần 50 năm ách thống trị của chính quyền quân phiệt gây ra nhiều hệ quả khôn lường cho quốc gia này,
(c) ý chí không thể khuất phục của nhân dân Myanmar về tự do dân chủ, nhất là của các lực lượng yêu nước mà tiêu biểu là Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) và vai trò của bà Aung San Suu Kyi,
(d) chế độ quân phiệt Myanmar bị tảy chay và cô lập nghiêm trọng trên trường quốc tế. 

Nếu phải nói thật ngắn, nguyên nhân sâu xa của những thay đổi nói trên là ý chí tự do dân chủ không thể khuất phục của nhân dân Myanmar. 

Cho dù với những động cơ gì đi nữa, những quyết định vừa qua của tổng thống Thein Sein có lợi cho tự do dân chủ và phục vụ lợi ích quốc gia của Myanmar, vị thế quốc tế của Myanmar trong cộng đồng các nước ASEAN nói riêng và trên trường quốc tế nói chung được cải thiện rõ rệt… 
                                                                                              
Những thay đổi mới này của Myanmar còn là những đóng góp quan trọng cho việc tăng cường sức sống của cộng đồng ASEAN nói riêng và cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong toàn khu vực Đông Nam Á nói chung.

Tuy nhiên, trong hàng ngũ các tù chính trị thuộc giới tăng ni, sinh viên hay chính khách, và từ giới nghiên cứu trên thế giới, đang dấy lên không ít những nghi ngờ. Điểm chung nhất của những nghi ngờ này là: Chế độ của nhóm quân phiệt có thâm niên gần một nửa thế kỷ, có rất nhiều hành động đàn áp đẫm máu, đày rãy tham nhũng và lừa dối. Một chế độ như thế rất khó có khả năng tự sám hối và phục thiện. Các bước đi vừa qua của tổng thống Thein Sein có thể chỉ là những tính toán cao thủ trong bước đường cùng, cốt nhằm cứu vãn tình thế nguy ngập của chế độ hơn là thiện chí dành cho tự do dân chủ của nhân dân…  Những nhân nhượng dành cho Liên đoàn dân tộc vì dân chủ và bà Aung San Suu Kyi có lẽ chỉ nhằm mục đích trang trí cho bộ mặt của chế độ, làm giảm áp lực phản đối của nhân dân Myanma và gỡ thế bị bao vây cô lập trên trường quốc tế…

Hiển nhiên, toàn bộ con đường đi tới một quốc gia dân chủ và phát triển của Myanmar còn ở phía trước với tất cả những gian nan, thách thức ắt phải có.

Song nếu động lực của những bước đi có bài bản vừa qua của tổng thống Thein Sein là sự giác ngộ lợi ích quốc gia, cùng với ý chí bất khuất về tự do dân chủ của nhân dân Myanmar, có thể tại đất nước này đang hình thành những yếu tố hứa hẹn tạo ra sự chuyển biến hòa bình, từng bước đưa quốc gia này chuyển sang chế độ dân chủ. 

Đã có không ít ý kiến bình luận, đại ý: Với những quyết định của mình vừa qua, có thể tổng thống Thein Sein muốn bẻ gãy cái vòng luẩn quẩn. Có thể ông đã nhận ra: Càng thẳng tay bạo lực, cả chế độ và đất nước cùng lâm nguy… Một khi nhân dân Myanmar – tiêu biểu là Liên đoàn dân tộc vì dân chủ (NLD) và bà Aung San Suu Kyi – giành được tiếng nói của mình trên chính trường, đất nước Myanmar sẽ chuyển động…  Trong xu thế dân chủ trên thế giới ngày nay, con đường Myanmar hứa hẹn thành công, thậm chí có thể thành công sớm hơn và tiết kiệm xương máu hơn so với các cuộc cách mạng mang tên các mùa hoa diễn ra tại các nước Bắc Phi vừa qua…

Thế sự xoay vần còn hé lộ ra khả năng, từ một tướng lĩnh chủ chốt trong SLORC - SPDC khét tiếng, biết đâu sau này có thể tổng thống Thein Sein sẽ được nhân dân Myanmar ghi nhận như một anh hùng dân tộc.., nếu như tiếp theo những quyết định quả cảm vừa qua, ông kiên trì theo đuổi con đường trung thành với lợi ích của quốc gia và các quyền tự do dân chủ của nhân dân Myanmar. Cái gì có thể ngăn cản ông Thein Sein trên con đường này?
 
Thế mới biết, trên đời này có thể có nhiều con đường khác nhau dẫn tới tự do dân chủ của một quốc gia, một dân tộc, song tất cả những con đường này đều phải bắt đầu từ sự thay đổi.

Giác ngộ lợi ích quốc gia chân chính và các quyền tự do dân chủ của nhân dân, cùng với metta dẫn đến hòa giải dân tộc, đấy là những yếu tố quyết định
, có thể sẽ mở ra cho Myanmar một lối đi riêng của mình trong quá trình trở thành một quốc gia của hòa bình, tự do, dân chủ và phát triển. 

Có thể đặt tên cho quá trình này là con đường Myanmar rất đáng mơ ước?
 
Võng Thị, Tây Hồ - tháng 1-2012
 
________________________________________
[1] Theravada (Thượng-tọa-bộ) là một trong 18 trường phái tiểu thừa (còn được gọi là Nam tông Phật pháp) được biết đến và còn tồn tại đến ngày nay, thịnh hành ở các nước Nam Á.
[2] Gần 90% nhân dân Myanmar theo Đạo Phật, thuôc phái Tiểu thừa; 4 “gati” phần nào giống dạng thức trong đạo Phật (Đại thừa) giảng  về tham – sân – si, song nhấn mạnh “gati” thứ tư: nỗi sợ,  coi đấy là gốc rễ gây ra 3 con đường (gati) hủy hoại con người đã nêu ra trước đó.
[3] Tìm xem Alan Clements, “Burma: The Next Killing Fields?” 2002.
 
.
Về Đầu Trang Go down
NHV
Khách viếng thăm




Vượt Lên Nỗi Sợ (Freedom from Fear) - Aung San Suu Kyi Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Vượt Lên Nỗi Sợ (Freedom from Fear) - Aung San Suu Kyi   Vượt Lên Nỗi Sợ (Freedom from Fear) - Aung San Suu Kyi Icon_minitimeSat Jul 21, 2012 4:29 am

* Xin đọc: "Vượt Lên Nỗi Sợ (Freedom from Fear) - Aung San Suu Kyi" - Nguyễn Trung - bắt đầu từ phần trên.
* Bản dịch tiếng Việt này được post như Reply vì giới hạn 0.2 Mb không thể post chung một lần với phần trên.



(Freedom from Fear "Tự Do khỏi nỗi khiếp sợ" của Aung San Suu Kyi được phổ biến để Kỷ niệm Giải Thưởng Sakharov vì Tự Do Tư Tưởng mà Nghị Viện Âu Châu trao tặng. Lễ trao giải diễn ra tại Strasbourg vào ngày 10 tháng Sáu 1991 mà không có sự hiện diện của bà Aung San Suu Kyi.)


Freedom From Fear - Tự do khỏi nỗi khiếp sợ

Nguyễn Hữu Viện chuyển ngữ


Không phải quyền lực làm cho ta tha hóa mà chính là nỗi khiếp sợ. Nỗi sợ đánh mất quyền lực làm tha hóa kẻ đang nắm trong tay quyền lực và nỗi khiếp sợ bị quyền lực trừng phạt làm tha hóa người đang nắm trong tay quyền lực. Đại đa số người Miến quen thuộc với bốn hình thái tha hóa. Tham là sự tha hóa bắt nguồn từ lòng ham muốn, là sự từ bỏ chính đạo để tìm kiếm tặng vật bất chính hay những thứ mình thèm khát. Sân là việc đi vào lạc đạo nhằm trừng phạt những người mà mình ghét bỏ. Si là sự sai lầm do si đần. Nhưng có lẽ cái tồi tệ nhất trong bốn hình thái tha hóa là Úy, không phải chỉ vì khiếp nhược làm tê cứng và phá hủy dần tất cả các cảm giác về đúng / sai, mà nó thường là nguồn cội của ba hình thức tha hóa còn lại. Giống như Tham, khi không bắt nguồn từ tính hám lợi thuần túy thì có thể là sản phẩm của nỗi sợ cảnh nghèo túng hoặc sợ làm phật lòng những người mình yêu quí, nỗi sợ bị vượt qua, bị lăng nhục hoặc thương tổn theo cách nào đó có thể xô đẩy con người đến những ác ý. Cũng khó có thể xua tan u mê trừ phi có tự do theo đuổi chân lý và không bị trói buộc bởi nỗi khiếp nhược. Với quan hệ gần gũi đến thế giữa khiếp nhược và tha hóa, không có gì phải ngạc nhiên là ở bất kỳ xã hội nào, khi sự sợ hãi lan tràn, tha hóa dưới mọi hình thức sẽ bám rễ sâu trong lòng xã hội.

Việc quần chúng không hài lòng với những khó khăn kinh tế vẫn được nhìn nhận là nguyên nhân chính dẫn tới phong trào đòi dân chủ ở Miến, được châm ngòi bởi những cuộc biểu tình của sinh viên năm 1988. Đúng là nhiều năm với những chính sách thiếu ăn nhập, các giải pháp sai lạc của chính quyền, lạm phát leo thang và thu nhập thực tế tụt giảm đã đưa đất nước đến tình trạng khủng hoảng kinh tế. Nhưng không phải những khó khăn trong việc nâng cao hơn mức sống - ở mức gần như không thể chấp nhận được - là lý do duy nhất xói mòn lòng kiên trì của người dân vốn đôn hậu và hiền lành, mà còn do sự lăng nhục bởi một lối sống bị biến dạng do tha hóa và nỗi lo sợ.

Các sinh viên đã đấu tranh không phải thuần túy vì cái chết của các chiến hữu, mà còn chống lại sự phủ nhận quyền được sống của họ bởi chính thể toàn trị - một chính thể đã tước đi sự hiện diện của lẽ phải và không đem đến bất kỳ một hi vọng nào cho tương lai. Và vì các cuộc tranh đấu của sinh viên đã truyền tải rõ ràng sự thất vọng của công chúng, những cuộc biểu tình này lan nhanh thành một phong trào toàn quốc. Một trong những người ủng hộ nhiệt thành nhất cho phong trào là các doanh gia, những người đã hình thành những kỹ năng và quan hệ cần thiết để không chỉ tồn tại mà còn giàu có trong hệ thống. Nhưng sự giàu có không đem đến cho họ cảm nhận thực sự về an ninh và thành đạt, và họ không thể không nhận thấy rằng nếu họ và đồng bào họ, bất kể địa vị kinh tế, muốn có được một sự sinh tồn khả dĩ thì một bộ máy nhà nước khả tín ít ra phải là điều kiện cần, nếu không phải là điều kiện đủ. Người dân Miến đã lo ngại về tình trạng bấp bênh của kẻ nằm dưới sự trị vì của người khác, khi mà thân phận họ "như nước trong lòng tay" của những kẻ nắm quyền lực tối cao.

Chúng ta đẹp xanh như bích ngọc

Trong lòng tay người

Nhưng hỡi ôi, chúng ta cũng có khi là

Những mảnh vỡ gương tan nát

Trong lòng tay người

Các mảnh gương vỡ, những mảnh nhỏ nhất, óng ánh và sắc nhọn, có thể tự bảo vệ mình khỏi những bàn tay muốn nghiền nát chúng là một biểu trưng sống động của tinh thần can đảm, một phẩm chất cần thiết của những người muốn giải phóng mình khỏi sự kìm kẹp của bạo quyền. Bogyoke Aung San coi mình là một nhà giải phóng và không ngừng tìm kiếm câu trả lời cho những trở ngại mà Miến Điện gặp phải trong thời khắc thử thách của dân tộc. Ông hô hào đồng bào mình hãy can đảm hơn: "Hãy đừng lệ thuộc vào lòng can đảm và tinh thần dũng cảm của người khác, mỗi người trong các bạn hãy biết hi sinh để trở thành một anh hùng và tạo dựng sự dũng cảm và can đảm của chính mình. Chỉ đến khi đó chúng ta mới có thể cùng chung hưởng tự do thật sự".

Nỗ lực cần thiết để tránh không bị tha hóa - trong một môi trường mà sự khiếp nhược là một phần máu thịt của sự tồn tại hàng ngày - không tức khắc rõ ràng với những người có may mắn sống trong những nhà nước có sự hiện diện của pháp quyền. Luật pháp công minh không chỉ ngăn chặn sự tha hóa thông qua việc trừng phạt không thiên vị những kẻ phạm pháp. Luật pháp còn giúp tạo dựng một xã hội mà trong đó mọi người có thể thỏa mãn những yêu cầu căn bản-vốn thiết yếu cho việc bảo tồn nhân phẩm con người mà không cần phải cầu viện đến những hành vi tha hóa. Khi thiếu vắng luật pháp như thế, gánh nặng gìn giữ các nguyên tắc của công lý và sự đoan chính chuyển sang vai những con người bình thường. Chính hiệu ứng tích lũy những nỗ lực bền bỉ và sự nhẫn nại sẽ thay đổi một dân tộc - nơi lý trí và lương tri bị bóp méo bởi sự khiếp nhược- sang một xã hội mới- nơi luật pháp tồn tại là để đáp ứng khát vọng của con người về sự hòa hợp và công lý, trong khi giúp ngăn chặn những tính ác trong bản chất thiên bẩm của con người.

Trong một thời đại mà sự phát triển lớn lao của kỹ nghệ đã tạo ra những vũ khí chết người-những thứ có thể được, và đang được, những kẻ nắm quyền vô đạo dùng để thống trị kẻ yếu và không có khả năng tự vệ, có một đòi hỏi cấp thiết về mối quan hệ gần gũi hơn giữa chính trị và đạo đức, trên cả cấp độ dân tộc và quốc tế. Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền của Liên Hợp Quốc khẳng định rằng tất cả mọi người và mọi hợp phần của xã hội phải đấu tranh nhằm thúc đẩy tự do và các quyền cơ bản mà theo đó mọi người, bất kể chủng tộc, quốc gia và tôn giáo đều được hưởng. Tuy nhiên, chừng nào còn tồn tại các chính quyền được thiết lập dựa trên sự áp bức thay vì sự chấp thuận của công chúng, chừng nào còn tồn tại các nhóm lợi ích chỉ biết đặt lợi nhuận trước mắt lên trên hòa bình và thịnh vượng lâu dài, thì hành động phối hợp quốc tế bảo vệ và phát huy quyền con người bất quá chỉ là một nửa cuộc đấu tranh. Vẫn sẽ có những đấu trường nơi các nạn nhân của bạo quyền phải tự dựa vào những nội lực của chính họ để bảo vệ các quyền bất khả nhượng với tư cách là những thành viên của gia đình nhân loại.

Cuộc cách mạng rốt ráo là cuộc cách mạng trong tinh thần, được khai sinh từ niềm tin trí tuệ về nhu cầu cần phải thay đổi các thái độ và các giá trị - những thứ định hình tiến trình phát triển của một dân tộc. Một cuộc cách mạng chỉ tập trung vào thay đổi các chính sách của nhà nước và các thể chế, với mục tiêu cải thiện các điều kiện vật chất, sẽ chỉ có rất ít cơ hội thành công thực sự.

Thiếu vắng cuộc cách mạng trong tinh thần, nguồn gốc tạo ra cái vô đạo của trật tự cũ vẫn sẽ tiếp tục vận hành, gây ra một đe dọa thường trực cho quá trình cải cách và phục hồi. Sẽ không đủ nếu chỉ cổ súy cho tự do, dân chủ và các quyền con người. Cần có quyết tâm thống nhất nhằm duy trì cuộc đấu tranh, chấp nhận hi sinh vì chân lý vững bền, chống lại các ảnh hưởng tha hóa của lòng ham muốn, của ác ý, của si đần và nỗi sợ.

Người ta từng nói rằng các vị Thánh là những tội nhân luôn cố gắng [rửa sạch lỗi lầm của mình]. Vì thế, người tự do là những người bị áp bức luôn cố gắng và trong quá trình đó, chuyển hóa mình để thích hợp với việc gánh vác các trách nhiệm và gìn giữ các nguyên tắc cho một xã hội tự do. Trong số những sự tự do cơ bản mà con người mong ước nhằm tạo dựng một cuộc sống tràn đầy và không bị trói buộc, tự do khỏi khiếp nhược nổi lên là một phương tiện, đồng thời là mục đích. Một dân tộc muốn xây dựng một đất nước mà trong đó các thể chế dân chủ mạnh được xây dựng bền vững như là một bảo đảm chống lại sự lạm quyền của nhà nước thì trước hết phải học cách giải phóng tâm mình khỏi sự vô cảm và nỗi khiếp nhược.

Luôn là một người thực hành những gì mình kêu gọi, bản thân Aung San luôn chứng tỏ sự can đảm - không chỉ là những biểu hiện bên ngoài, mà còn là sự can đảm cho phép ông nói lên sự thật, giữ lời, chấp nhận phê bình, thừa nhận những lỗi lầm mình có và sửa chữa, tôn trọng đối lập, hòa đàm với kẻ thù và để dân chúng vào vị trí quan tòa phán xét sự xứng đáng của ông trong vai trò lãnh đạo. Chính vì sự dũng cảm đạo đức như thế mà ông luôn được kính yêu ở Miến - không chỉ với tư cách là một chiến binh anh hùng mà còn với tư cách là nguồn cảm hứng và lương tri cho cả dân tộc. Những từ ngữ do Jawaharlal Nehru sử dụng khi nói về Thánh Gandhi có thể áp dụng tốt trong trường hợp của Aung San:

"Tinh hoa trong các bài giảng của ngài là sự không khuất phục khiếp nhược và sự thật, cùng với các hành động thống nhất với hai yếu tố này luôn quan tâm đến phúc lợi của đám đông".

Gandhi, nhà truyền giáo vĩ đại của tư tưởng bất bạo động, và Aung San, người sáng lập quân đội quốc gia, là hai người có tính cách rất khác nhau, nhưng cũng giống như có sự tương đồng hiển nhiên trong những thách thức của chế độ toàn trị ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào, thì cũng có những tương đồng trong các phẩm chất vốn có ở những người đứng lên đối mặt với những thách thức ấy. Nehru, người nhìn nhận việc lan truyền lòng can đảm trong dân chúng Ấn là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của Gandhi, là một nhà chính trị canh tân, nhưng khi ông tiếp cận với các đòi hỏi của phong trào đòi độc lập trong Thế kỷ 20, ông đã nhận thấy là mình quay trở về với triết học cổ điển Ấn: "Món quà lớn nhất cho một cá nhân hay một dân tộc là không khiếp nhược, không thuần túy là sự can đảm bề ngoài, mà còn là sự vắng bóng nỗi khiếp nhược trong tâm hồn".

Sự can đảm có thể là một món quà, nhưng có lẽ còn quý giá hơn nếu can đảm được khơi lên từ sự nỗ lực, thứ can đảm đến từ việc gieo trồng thói quen không để sự khiếp nhược kiểm soát hành vi của mình, thứ can đảm có thể được miêu tả bằng sự tự tại trước áp lực - sự tự tại được làm mới liên tục ngay khi đối mặt với những áp lực căng thẳng và dai dẳng.

Trong một hệ thống chính trị luôn chối bỏ sự tồn tại của các quyền con người cơ bản, sự khiếp nhược có vẻ như là thuộc tính nổi bật. Sợ tù đày, sợ tra tấn, sợ cái chết, sợ bị mất đi những bạn bè, gia đình, tài sản hay phương tiện sống, sợ đói nghèo, cô lập, trước thất bại. Hình thức quỷ quyệt nhất của sự khiếp nhược là hình thức ngụy trang dưới lẽ thường hoặc thậm chí là sự thông thái, kết án những hành vi can đảm bé nhỏ thường nhật - những hành vi giúp bảo toàn niềm tự trọng và phẩm giá ẩn chứa trong mỗi con người - là ngu ngốc, khinh suất, không đáng giá hoặc vô ích. Không dễ dàng để quần chúng đang khiếp sợ dưới sự cai trị hà khắc hiểu rằng họ có thể tự giải thoát mình khỏi bầu khí độc của nỗi sợ hãi đang làm họ kiệt sức. Ấy thế mà ngay cả khi dưới sự đàn áp của những bộ máy cai trị hà khắc nhất, tinh thần can đảm vẫn trỗi dậy hết lần này qua lần khác, vì nỗi sợ không phải là trạng thái tinh thần tự nhiên của một người văn minh.

Suối nguồn của lòng can đảm và sự vững vàng trước bạo quyền vô hạn độ thường là lòng tin son sắt vào các giá trị đạo đức thiêng liêng kết hợp với sự hiểu biết lịch sử rằng dù cho mọi khó khăn, lịch sử loài người được đặt trên một lộ trình duy nhất là sự tiến bộ cả về tinh thần lẫn vật chất. Chính khả năng tự cải biến và sửa sai là yếu tố quan trọng nhất phân biệt con người với con vật. Cội rễ của trách nhiệm người là khái niệm hoàn mỹ, sự khao khát đạt được nó, sự thông tuệ để tìm đường đến với nó, và sự sẵn lòng đi theo con đường đó cho tới đích cuối cùng, hoặc ít ra cũng đi được khoảng cách cần thiết để vượt lên trên các giới hạn cá nhân và các trở ngại của môi trường. Chính viễn kiến của con người về thế giới tương thích với nhân tính duy lý và văn minh đã dẫn chúng ta đến chỗ dám chịu đựng mất mát để xây dựng các xã hội tự do khỏi đói nghèo và khiếp nhược. Các khái niệm như sự thực, công lý và lòng trắc ẩn không thể bị loại trừ vì lặp đi lặp lại quá nhiều trong khi chúng thường là những bức tường thành duy nhất hiên ngang chống lại bạo quyền.

Daw Aung San Suu Kyi

.
Về Đầu Trang Go down
 
Vượt Lên Nỗi Sợ (Freedom from Fear) - Aung San Suu Kyi
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon  :: ĐỀ TÀI :: Chính Trị-
Chuyển đến