Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon

Diễn Đàn của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Keywords
Chung quang ngam quynh phải ngắn sáng linh VNCH Nhung trong truyện Nguyen quốc thuoc chẳng quan nhac bich chất Trung không Saigon nguyet hoang chuyen
Latest topics
» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Chung - Trí thức hải ngoại: Chúng ta cùng đơn ca?  Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:38 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Chung - Trí thức hải ngoại: Chúng ta cùng đơn ca?  Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Chung - Trí thức hải ngoại: Chúng ta cùng đơn ca?  Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» qua đi thôi bão nổi
Chung - Trí thức hải ngoại: Chúng ta cùng đơn ca?  Icon_minitimeSat Mar 11, 2023 3:11 am by Admin

» Cụ Hoang Xuân Hãn
Chung - Trí thức hải ngoại: Chúng ta cùng đơn ca?  Icon_minitimeSun May 08, 2022 10:37 pm by Admin

» Giáo dục VNCH - Giáo dục con đường khai phóng
Chung - Trí thức hải ngoại: Chúng ta cùng đơn ca?  Icon_minitimeMon Jan 10, 2022 4:06 am by Admin

» Suy tư về kiếp người - Về Cùng Cát Bụi
Chung - Trí thức hải ngoại: Chúng ta cùng đơn ca?  Icon_minitimeSun Jan 09, 2022 4:25 am by Admin

» AI ĐÃ HẠ GỤC CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN?
Chung - Trí thức hải ngoại: Chúng ta cùng đơn ca?  Icon_minitimeSat Jan 08, 2022 2:41 am by Admin

» NHẠC THIỀN - Cõi Thiền trong Âm Nhạc
Chung - Trí thức hải ngoại: Chúng ta cùng đơn ca?  Icon_minitimeThu Jan 06, 2022 4:11 am by Admin

May 2024
MonTueWedThuFriSatSun
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  
CalendarCalendar
Affiliates
free forum

Affiliates
free forum


 

 Trí thức hải ngoại: Chúng ta cùng đơn ca?

Go down 
Tác giảThông điệp
tqnguyen
Khách viếng thăm




Chung - Trí thức hải ngoại: Chúng ta cùng đơn ca?  Empty
Bài gửiTiêu đề: Trí thức hải ngoại: Chúng ta cùng đơn ca?    Chung - Trí thức hải ngoại: Chúng ta cùng đơn ca?  Icon_minitimeMon Oct 07, 2013 2:15 pm


Trí thức hải ngoại: Chúng ta cùng đơn ca? (1)

Tháng 10 5, 2013
Từ Linh

Lời thưa


Sau này, người viết sử về Việt Nam giai đoạn hiện tại có lẽ sẽ phải nhắc tới vai trò quan trọng của giới trí thức Việt Nam trong nước trong việc vực dậy xã hội dân sự: Họ nắm bắt thực tại, tụ lại, cùng nhau đưa ra lối thoát, vận động công chúng ý thức và lên tiếng, thông qua hàng loạt kiến nghị, từ Kiến nghị Ngừng Khai thác Bauxite (2009), Kiến nghị về Việc Bảo vệ và Phát triển Đất nước (2011) đến Kiến nghị Sửa đổi Hiến pháp 1992 [“Kiến nghị 72”] (Tháng 4/2013), đến Tuyên bố Nghị định 72 Vi phạm Hiến pháp (Tháng 6/2013), và gần đây nhất là Tuyên bố về Thực thi Quyền Dân sự và Chính trị (23/9/2013)… Nhân sĩ trí thức khát khao sự thật, nhân quyền và dân chủ trong nước như những cỗ động cơ giàu năng lượng, quan trọng hơn nữa, họ phối hợp được với nhau, và xã hội đang chuyển động.

Trong khi đó, lịch sử sau này sẽ ghi nhận thế nào về trí thức gốc Việt ở hải ngoại? Không kể những người có chữ nhưng chỉ thích “chơi” với chữ thay vì “chơi” với thực tại – thực tại là mặt trăng, chữ là ngón tay chỉ trăng, có người thích chơi với tay hơn chơi với trăng – ngay cả những người quan tâm đến thực tại Việt Nam, có tài, có tâm huyết, có uy tín và có chung lý tưởng nhân quyền, dân chủ, hòa giải… họ dường như vẫn cứ giữ một khoảng cách nào đó với nhau. Hay là có một thứ dark energy, năng lượng “đen tối”, nào đó đang đẩy họ xa nhau, như đang đẩy các ngôi sao trong vũ trụ xa nhau? Hay là chẳng có thế lực nào quấy phá, mà điều “đen tối” đang nằm ngay trong tâm lý người trí thức?

Bài này xin được nhắc đến hiện tượng vừa kể, và những câu hỏi liên quan, bằng cái nhìn của một thường dân, từ ngoài nhìn vào, với cách viết bình dân, dựa trên lẽ thường (common sense), không phải cái nhìn của người trong cuộc, hay của chuyên gia về cộng đồng lưu dân. Xin phép được “đặt lên bàn” đề tài dường như ít được nhắc tới này để mọi người góp ý, thay vì dấm dúi nó dưới gầm vì nể nang nhau hay vì một sự ổn định ảo nào đó.

Người viết cứ tin, một cách chủ quan, rằng cộng đồng người Việt hải ngoại có tiềm năng lớn, và trí thức hải ngoại có thể đóng góp nhiều hơn rất nhiều.

Những đoạn “nói thêm” trong bài là những ý bổ sung cho mạch ý chính, bạn đọc có thể bỏ qua nếu thấy dài.

Xin bắt đầu câu chuyện ở Paris.

1.  Paris chia ly?

Tôi tưởng tượng:

Một buổi sáng mùa thu ở Paris, nhiệt độ là 13 độ C. Lúc 9 giờ 11 phút, cơn mưa thu quen thuộc bắt đầu đổ xuống, nhưng hôm nay gió mạnh hơn bình thường. Lá úa đẫm nước bay vật vờ nặng nề. Một chiếc xe cứu thương hụ còi hối hả chạy ngang Rue Mercière.

Cùng lúc còi hú, trong văn phòng tòa soạn báo Quê Mẹ, ấm đun nước phun khói hú còi báo hiệu sôi. Ông Võ Văn Ái tắt ấm nước, rồi ra đứng cạnh cửa sổ, nhìn chiếc xe cứu thương chạy hối hả, nhìn những hạt mưa đập vào cửa kiếng hối hả, từng cơn.

Cách đó 20 cây số, trong phòng làm việc ở khu Bourg-La-Reine, giáo sư Hà Dương Tường rót nước sôi vào bình pha cà-phê. Bỗng thấy trời tối sầm, giáo sư cũng ra đứng bên cửa, nhìn xuống phố thu âm u.

Lúc này, vừa rời khỏi phi trường Charles De Gaulle sau chuyến thuyết giảng ở World Bank trở về, thầy Thích Nhất Hạnh đang đi ngang Allée Saint-Paul. Ba chiếc lá thu lảo đảo bay ngang cửa kính xe đang chạy. Thầy khẽ ngước mắt dõi theo. Những chiếc lá lại lảo đảo bay theo sau như níu kéo.

Đang trả lời email cho bạn đọc Thông Luận, ông Nguyễn Gia Kiểng dừng tay khi nghe tiếng còi xe cứu thương bỗng dừng đột ngột, liền sau đó là tiếng bánh xe nghiến ken két trên mặt đường trơn trượt. Ông đứng dậy, tiện tay cầm theo ly cà-phê nóng đang uống dở, ra bên cửa xem chuyện gì xảy ra.

Thì ra chiếc xe cứu thương ban nãy chạy vút qua ngã tư này suýt nữa đâm sầm vào một chiếc xe cứu thương khác vút tới từ cánh trái. Anh tài xế này giận dữ nhấn còi nguyền rủa anh tài kia. Người ngồi trong những xe khác quanh ngã tư, họ dừng lại nãy giờ để nhường đường, thì im lìm, đưa mắt nhìn hai anh tài.

Hết tưởng tượng.

***

Buổi sáng hôm đó, dĩ nhiên, không có thật. Nhưng những nhân sĩ, trí thức người Việt ở Paris vừa kể lại rất thật:

Đó là thầy Thích Nhất Hạnh với những khóa tu mời gọi mọi người sống trọn trong giây phút hiện tại, ở Làng Mai, ở các châu lục, với đông đảo người mọi quốc tịch tham dự. Đó là ông Nguyễn Gia Kiểng tác giả cuốn Tổ quốc ăn năn gây chấn động dư luận người Việt ở hải ngoại, cùng Tập hợp Dân chủ Đa nguyên và những chủ trương, quan điểm rất đáng chú ý. Đó là giáo sư Hà Dương Tường, giáo sư Toán tại Đại học Công nghệ Compiègne, người tâm huyết với đất nước, chủ nhân trang mạng diendan.org vừa nghiêm túc vừa nhẹ nhàng văn nghệ. Đó là ông Võ Văn Ái, người thường có các cuộc vận động cho nhân quyền Việt Nam tại Nghị viện Châu Âu, cũng là một đạo hữu có trách nhiệm lớn trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở hải ngoại.

Họ là những người có tên tuổi trong cộng đồng và trên thế giới, họ tài năng, tâm huyết, không ngừng hoạt động, được nhiều người kính trọng. Nhưng tôi cứ thắc mắc mãi điều này, và xin được đặt câu hỏi ở đây:

Khoảng cách từ văn phòng Quê Mẹ đến văn phòng của Tập hợp Dân chủ Đa nguyên hay văn phòng của diendan.org chỉ cách nhau 20 cây số, nhưng phải chăng nhiều năm rồi, các nhân sĩ, trí thức vừa kể chưa từng rời vị trí của mình để đến chỗ của người kia, hay cùng hẹn nhau đến một quán cà-phê Paris nào đó để gặp mặt chuyện trò?

Hay là vị này tuy thường xuyên gặp gỡ và làm việc với những người bạn khác của mình, nhưng với các vị vừa nêu kia thì chưa? Hay là cũng đã làm việc với nhau rồi, nhưng không ổn, lại thôi?

Giáo sư Hà Dương Tường vẫn thường xuyên cùng các trí thức Việt ở Pháp, ở nước khác và ở Việt Nam ký tên vào nhiều kiến nghị, trong đó có Kiến nghị 72 về sửa đổi Hiến pháp, và gần đây là Tuyên bố về Nghị định 72, Tuyên bố Thực thi Quyền Dân sự…

Trong khi đó, ông Nguyễn Gia Kiểng lại có những ý kiến rất tâm huyết quanh Kiến nghị 72, và nhận định rằng:

“… ích lợi thực sự của Kiến nghị 72 có lẽ là một báo động. Còn rất nhiều ngộ nhận trên những điểm rất cơ bản, về mức độ đoạn tuyệt với quá khứ phải có để hòa giải dân tộc, về những khái niệm chính trị, cũng như về những chọn lựa cho tương lai. Phong trào dân chủ cần một cuộc thảo luận rốt ráo và thẳng thắn để đạt tới đồng thuận nếu không muốn bị chia rẽ và tê liệt vào lúc mà lịch sử đang có dấu hiệu sắp sang trang.”[i]

Nhưng, phải chăng lời kêu gọi ngồi lại để có “một cuộc thảo luận rốt ráo và thẳng thắn” này vẫn chưa có phản hồi nào, từ trí thức ở Pháp, ở ngoài nước hay trong nước?

Mưa thu và cái lạnh thì ai ở chung thành phố đều cùng thấy. Sấm động trên mây thì dưới trời ai cũng nghe cùng lúc. Nhưng, phải chăng cùng nhìn lá bay thì dễ, cùng nhìn nhau thì chưa, chưa hề là tự nhiên? Gần thì gần, mà xa thì vẫn xa?

Chợt nhớ lời hát của Phạm Duy:

Mùa thu Paris, trời buốt ra đi, hẹn em quán nhỏ… chờ mong em gắng khổ, từng giờ. Mùa thu âm thầm, bên vườn Lục Xâm… không em ôi buốt giá, từ tâm…

Nhưng, phải chăng tình trạng đó không là lỗi của ai cả?

Phải chăng người trong cuộc chẳng thấy có vấn đề gì cả, và không gặp “người kia” cũng là chuyện đương nhiên, thậm chí “phải là” như thế?



Nói thêm:

Đọc đến đây, có thể có người nói bài viết này bất kính, vì “dám” đặt những nhân vật đáng kính kia vào một chuyện tưởng tượng vu vơ.

Phản ứng này cũng dễ hiểu, vì người mình có lẽ chưa quen lắm với việc đưa các nhân vật được nhiều người yêu mến – chứ không chỉ những nhân vật xấu, ác, phản diện – làm đề tài cho những bài báo, tranh vẽ, phim ảnh đủ loại: nghiêm túc có, trào phúng có, giả tưởng có…, miễn không dối trá, phỉ báng, vu khống.

Đức Đạt lai Lạt ma, Đức Giáo hoàng Francis, Tổng thống Obama, Tổng thống mặt lạnh Putin, những người như Bill Gates, Bill Clinton hay Bin Laden… đều có thể trở thành nhân vật của những bức họa, những talk-show, những bài báo nói chuyện đời thường, ví von, cười vui… Có lẽ, đó là dấu hiệu của một nền báo chí lành mạnh, vì góp phần “giải thiêng” những nhân vật được trọng vọng. Giải thiêng không hạ bệ, nhưng là trả họ về vị trí người. Thực ra, nhiều khi nhờ giải thiêng mà họ càng trở nên thật.

Chỉ ở những nước toàn trị tự cho mình là đạo đức và sở hữu chân lý tuyệt đối – trong khi đàn áp dã man mọi đối lập – thì ông Mác mới không được đội xô đá lạnh trên đầu trong quán Cộng, ông Castro mới không được ngậm thỏi thuốc nổ cháy ngòi thay cho điếu xì-gà trên bảng quảng cáo ngoài trời, cậu Kim Jong-Un mới không được tốc váy như Marilyn Monroe trong triển lãm tranh đương đại, tranh ông Mao ngậm hoa theo phong cách Andy Warhol mới không được bày giữa Thiên An Môn, còn ông Hồ thì chết mà không được chôn, cứ phải nằm đó cho ông đi qua bà đi lại nhìn, tượng ông thì cứ phải đứng (ven) đường, cứ phải cười cười và đưa tay lên, hết ở bến thuyền Ninh Kiều Cần Thơ, nay lại sắp đứng bên hông khu thương mại cao cấp Vincom giữa Saigon.



2.  4 triệu, 1 mình?

Hiện nay, người Việt ở nước ngoài tổng cộng khoảng 4.000.000 người, tập trung đông đảo ở các nước như Pháp (250.000), Mỹ (1.700.000), Canada (180.000), Úc (160.000), Anh (55.000), Đức (137.000), Tiệp Khắc (60.000), Ba Lan (50.000), Nga (150.000), Hàn Quốc (117.000), Nhật (40.000), Đài Loan (120.000), Campuchia (600.000), Lào (150.000).[ii]

Trong 4 triệu người Việt khắp năm châu chắc hẳn có đến hàng trăm, hàng ngàn nhân sĩ, trí thức và chuyên gia đẳng cấp thế giới đang hoạt động tại nước họ định cư, hoặc cho cơ quan quốc tế, trong nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau: từ thiên văn học, quân sự, chính trị, kinh tế, tài chính, giáo dục, đến thể thao, nghệ thuật, truyền thông, giải trí… Họ giỏi, họ được đồng nghiệp kính nể, họ đoạt giải, được tưởng thưởng và công nhận xứng đáng. Nhưng xin phép được đặt câu hỏi rằng:

Phải chăng họ chỉ đang được biết đến như những cá nhân xuất sắc riêng lẻ, chỉ có gốc Việt là điểm chung, còn trên thực tế họ cũng chẳng có quan hệ gì với nhau?

Phải chăng hầu hết họ đã phải tự thân vận động và tự tồn tại như những nghệ sĩ độc tấu, rất giỏi khi trình tấu ngón đàn chuyên môn của mình, nhưng lại chưa có dịp để ngồi chung một dàn nhạc 300 người hay 1000 người để tạo nên những đại tấu khúc mà một người không bao giờ làm được?

3.  Trí thức thì một mình?


Nói cách khác, người Việt ở nước ngoài muốn đấu tranh vì nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam phải chăng chưa thực có “chúng ta”, mà đang chỉ có những cá nhân một mình một cõi, tuy “đội trời đạp đất ở đời” nhưng vẫn cứ “một chèo”[iii]?

Tôi lại thắc mắc: Không biết các nhân sĩ trí thức có bao giờ tự chất vấn về tình trạng “độc tấu” của mình không nhỉ?

Thực ra cũng có. Anh Nguyễn Hưng Quốc, nhà phê bình văn học nhưng gần đây viết nhiều về chính trị, có cho rằng dù trân trọng các tổ chức, nhưng (xin trích):

“… tôi lại không thích nằm trong bất cứ một tổ chức nào; thậm chí, tôi cũng chưa từng đi biểu tình hay ký tên vào bất cứ một kiến nghị chung nào […] tôi chỉ thích đứng một mình. Khi phê phán bất cứ điều gì, tôi chỉ đứng từ góc độ một người trí thức; mà trí thức, tự bản chất, nói theo Edward W. Said, là kẻ lưu vong, nghĩa là, nói cách khác, một mình.”[iv]

Nguyễn Hưng Quốc nhắc đến quan điểm của Edward W. Said (1935-2003) như lý do ông không thích nằm trong tổ chức và chỉ thích đứng một mình. Nhưng thực ra Said – nhà phê bình người Mỹ gốc Palestine, giáo sư văn tại Đại học Columbia, tác giả cuốn Orientalism lừng danh, người rất tích cực hoạt động cho quyền lợi chính trị và nhân quyền của dân Palestine, một tiếng nói được cho là có ảnh hưởng bậc nhất về đề tài này – lại nằm trong tổ chức Palestine National Council (Hội đồng Quốc gia Palestine) suốt 14 năm, từ 1977 đến 1991. Đến năm 2003, cùng năm ông mất vì bệnh nặng kéo dài, ông lại cùng ba người khác đứng ra thành lập tổ chức chính trị Al-Mubadara (Sáng kiến Quốc gia Palestine).[v]

Mặc dù cái “một mình” trong lập luận “trí thức là kẻ lưu vong, nghĩa là… một mình”, không giống với hành động của Edward W. Said, nhưng phải nói rằng chọn lựa “đứng một mình” hơn là “nằm chung” của anh Quốc dường như không phải là chọn lựa của một mình anh, mà cũng là của khá nhiều trí thức khác.



Nói thêm:

Thực ra thì chọn lựa đứng riêng, xét cho cùng, cũng là quyền tự do cá nhân. Vì vậy, không phê phán được!

Họ không ngồi được với nhau vì không thích thì đó là quyền bất khả xâm phạm của họ!

Như vậy thì: Các trí thức có “một mình”, cũng là việc của họ!? Và bài viết này hết sức tầm phào!?

Đúng vậy!

Nhưng, xin được hỏi tiếp:

Nếu vậy thì hóa ra “tin đồn” rằng người Việt Nam, nhất là giới nhân sĩ trí thức, tuy xuất chúng nhưng không thể ngồi lại với nhau không phải là tin đồn?

Vậy thì có phải cha ông mình “tụ nghĩa” để trừ bạo giữ nước bao đời đã sinh ra một dòng dõi không giống tông cũng chẳng giống cánh? Lông cánh cũ đã cuốn theo gió Bắc gió Tây nào mất rồi?

Trong khi đó, trí thức Tiệp Khắc lại có vẻ không ngại ký tên hay nằm chung. Những người viết ra Hiến chương 77, thành lập Civic Forum (Diễn đàn Dân sự), xuống đường biểu tình, làm nên Cách mạng Nhung 1989… đều là những trí thức mà tiêu biểu là Vaclav Havel và bằng hữu.

Phải chăng vì vậy mà thiên hạ thì có Cách mạng Nhung, có Mùa xuân Ả Rập… còn ta thì chỉ có Cách mạng Mùa Thu, và sau đó thì âm u?

Hay là chỉ có trí thức trong nước như Havel mới làm nên chuyện, còn trí thức ở ngoài nước, dù là Tiệp hay Việt, đều không làm được gì đáng để nhắc tới?

Quả thật, đó là điều đã xảy ra cho trí thức Đông Âu và Nga lưu vong. Tâm bão luôn ở trong nước, ở Ba Lan thì xoay quanh Lech Walesa, Adam Michnick, ở Tiệp thì xoay quanh Havel…

Điều này dường như cũng đang diễn ra trong hoàn cảnh Việt Nam: Ở trong nước nhiều trí thức đã tụ lại, ra kiến nghị, xuống đường chống ngoại xâm, liên tục làm việc để đánh thức xã hội dân sự, còn cộng đồng trí thức hải ngoại khó tụ lại, hầu hết chỉ hỗ trợ với tư cách cá nhân, không giữ vai chính.



4.  Tiềm năng chưa khai thác?

Nếu vài ngàn nhân sĩ trí thức, tạm gọi là đang ở đỉnh kim tự tháp dân số, đang “độc tấu”, thì 4 triệu người Việt hải ngoại còn lại đang làm gì? Họ “hòa tấu” chăng?

4 triệu người Việt hải ngoại là con số nhỏ nếu so với 50 triệu người Hoa hải ngoại, nhưng lại rất lớn nếu so với dân số của cả quốc gia Do Thái chỉ có 8 triệu người, hay của Singapore chỉ hơn 5 triệu người.

Nói rằng cộng đồng người Việt ở nước ngoài như một dòng sông cuồn cuộn sức sống có lẽ rất đúng, nhưng phải chăng đó là một dòng sông chưa được đắp đập đúng cách để phát ra năng lượng khổng lồ?

Nếu ví cộng đồng người Việt hải ngoại như một “quốc gia”, thì phải chăng đó là một quốc gia không chính phủ, không công dân, không lãnh thổ, cũng không hiến pháp hay luật pháp, không chính sách, cũng không có người đưa ra, người thực thi hay người giám sát thực thi chính sách, không ai có quyền lực gì với ai, cũng không có quy chế thưởng phạt cho những việc làm đúng hay sai?

Vậy thì phải hiểu thế nào về cộng đồng người Việt ở nước ngoài?

Người Việt khắp nơi có hàng ngàn hội đoàn tự phát. Nhưng, phải chăng hầu hết đều được thành lập như những hội tương trợ, ra đời để giúp nhau hội nhập, duy trì bản sắc, tìm kiếm cơ hội làm ăn sinh sống, trao đổi thông tin, làm việc xã hội, giáo dục, từ thiện… phần lớn không ra đời vì mục tiêu đấu tranh chính trị trực tiếp, những gì vượt ngoài mục tiêu chính, ngoài tầm quan tâm, thậm chí ngoài tầm tin cậy của hội đoàn thì họ ngại, ít tham gia? Bên cạnh đó, phải chăng các tổ chức đấu tranh chính trị cũng chỉ là số nhỏ, chỉ thu hút một số nhỏ trực tiếp tham gia?

Theo thời gian, khi một số hội đoàn tại một địa phương hay quốc gia định cư liên kết được với nhau, họ bầu ra những cơ cấu đại diện và điều phối hoạt động chung, lấy tên gọi chung là “Cộng đồng” (như Cộng đồng Người Việt Tự do tại Úc, Cộng đồng Người Việt Quốc gia tại Hoa Kỳ…).

Nhưng, phải chăng những tên gọi này thể hiện một ước mơ đáng trân trọng, thay vì là một thực tế? Phải chăng những Cộng đồng này cũng không là đại diện pháp lý cho đại đa số người Việt trong địa bàn? Phải chăng hầu hết các hội đoàn, tổ chức, cộng đồng hiện đang hoạt động với rất nhiều thiện chí và sự hy sinh, nhưng còn thiếu rất nhiều điều kiện, từ ngân sách, cơ sở, nhân sự, đến thời gian, khả năng chuyên môn…?

Thực ra, người Việt định cư ở nước nào thì trước hết họ là công dân của nước ấy. Họ đóng thuế, tuân thủ luật pháp, đi học, đi làm, hưởng mọi chính sách an sinh, được bảo vệ khỏi tác hại của thiên tai, tội ác, bất công, ngược đãi, được đại diện bởi những dân biểu mình bầu ra, khi ra nước ngoài họ cũng cầm hộ chiếu nước mình định cư cấp…

Trong khi đó, cũng nên thấy rằng: Họ không phải là “công dân” của một cộng đồng người Việt nào đó về pháp lý, họ không bị buộc phải gắn kết, tương tác với những người Việt khác. Họ như chim trời cá biển, không là “của” cộng đồng. Họ có tham gia việc chung thì hoàn toàn do tự nguyện. Mà tự nguyện thì không phải bổn phận, sẽ lúc có, lúc không.

Cũng vì vậy mà những người kiên trì làm việc, cống hiến cho cộng đồng, dù rất đáng quý, vẫn chỉ là con số nhỏ.

Tất nhiên, con số nhỏ ấy đã làm được nhiều việc để giúp đỡ người vượt biên, vượt biển, hỗ trợ công cuộc tái định cư, duy trì văn hóa, ngôn ngữ, hoạt động của họ cũng mang lại những kết quả đáng kể trong việc trình bày sự thật về thực tại đau thương của đồng bào Việt Nam dưới chế độ cộng sản cho thế giới bên ngoài, góp phần đấu tranh và hỗ trợ cho những con người bị đàn áp, tiếp sức cho những nỗ lực đấu tranh vì nhân quyền, dân chủ từ trong nước…

Nhưng, càng nhìn kỹ càng thấy rằng cộng đồng, các hội đoàn, các tổ chức của người Việt hải ngoại có thành công hay không, và thành công lớn hay nhỏ, đều tùy thuộc vào việc họ có được nhiều hay ít những người có tài, có tâm, có điều kiện và tự nguyện tham gia hay không.

Rút cuộc, cũng lại là những cá nhân. Lại là vấn đề con người.

Thời đại internet càng củng cố vai trò của cá nhân. Với tư cách cá nhân, họ có thể tiếp cận thông tin thẳng từ nhiều nguồn, không qua bộ lọc là một tờ báo duy nhất nào, hay quan điểm chính thống của một tổ chức nào. Và đông đảo người Việt hải ngoại đã tham gia ký kiến nghị, tự tổ chức những cuộc vận động, đấu tranh… cũng chỉ với tư cách cá nhân. Họ phản ứng nhiều khi còn nhanh hơn các tổ chức hay hội đoàn.

Vậy, điều gì đang kìm giữ những cá nhân kia, khiến họ vẫn “một mình”, và tiềm năng cộng đồng chưa phát huy được?

Điều gì đã khiến các nhân sĩ, trí thức người Việt hải ngoại thích đứng một mình và đứng hơi xa nhau?

Có nhiều lý do, từ ngoài tới, từ sự đổ vỡ niềm tin, từ đòn phép phân hóa của nhà nước cộng sản…, nhưng ở đây xin tập trung nói về những lý do bên trong.

5.  Mình ta Napoléon?

Tờ The Economist số ra ngày 24/8/2013 có một bài thú vị, với cái tên cũng thú vị “A Problem of Cosmic Propotions” (Vấn đề khủng, khủng cỡ vũ trụ), bàn về dark energy (năng lượng tối), một thứ “thế lực” đang làm vũ trụ “xa nhau”. Điều đáng chú ý là bài báo cũng nói về thái độ của các nhà khoa học đối với nhau.

Bài báo cho biết: Các nhà thiên văn học thế giới từ năm 1998 đã đưa giả thuyết rằng vũ trụ đang nở ra, và nở càng lúc càng nhanh, vì tác động của dark energy. Nếu trọng lực là sức kéo vào, đưa các ngôi sao đến gần nhau, thì năng lượng tối lại là sức đẩy ra, đẩy các ngôi sao càng lúc càng xa nhau.

Nhưng, gần đây lại có ý kiến của một nhà khoa học Đức cho rằng chẳng có năng lượng tối nào hết, chỉ là các ngôi sao đang tự sướng, tự “béo phì”, tạo cảm giác chúng xa nhau, thế thôi!

Xin so sánh, dù khập khễnh: Phải chăng các “ngôi sao” nhân sĩ trí thức của người Việt dường như cũng đang bị một “thế lực đen tối” nào đó đẩy xa nhau, hoặc ít nhất là chưa đến được với nhau? Hay cũng chẳng có thế lực nào, chỉ tại các ngôi sao tự béo phì, tạo cảm giác xa nhau, thế thôi?

Trả lời cho thắc mắc trên, bài báo nhắc đến Giáo sư tiến sĩ Cliff Burgess, thuộc Viện Vật lý Lý thuyết Perimeter Institute, Canada. Giáo sư Cliff nói: Khi bàn về năng lượng tối, các nhà khoa học có quá nhiều ý kiến trái ngược, không ai chịu ai. Họ như một đám đông, ai cũng nghĩ mình là “Napoléon thứ thiệt”, còn chú Napoléon đứng bên cạnh chỉ là thằng khùng giả danh.[vi]

Nói thế chẳng khác nào Giáo sư Cliff chửi xéo các nhà khoa học, rằng họ đều là những Napoléon tự kỷ, không thèm biết người bên cạnh là ai, đang nghĩ gì, làm gì.

Nhưng, có lẽ giáo sư Cliff cũng đúng một phần. Ảo tưởng “mình duy nhất đúng” không chỉ là vấn đề tâm lý của kẻ cuồng tín, mà có thể là của bất cứ ai, của cả các nhà khoa học nữa, cả khi các nhà khoa học nghĩ về đồng nghiệp, đồng loại, đồng chí của mình. Đồng thì đồng, mà xa thì vẫn xa, chỉ vì ta mới thật, còn nó thì giả!

Phải chăng đó cũng là một rào cản tâm lý khiến người ta, dù không “đánh” nhau, vẫn cứ ở xa nhau?
(còn tiếp 1 kì)

© 2013 Từ Linh & pro&contra

--------------------------------------

[i] Nguyễn Gia Kiểng, “Hiến pháp: yêu cầu và kiến nghị”, trên trang www.ethongluan.org, tháng 2/2013.

[ii]  Nguồn: Wikipedia, từ mục “Overseas Vietnamese”. Số người Việt ở Nga theo thống kê chính thức năm 2002 là 26.000, nhưng có nguồn tin cho rằng con số không chính thức lên đến 100.000-150.000. Số người Việt ở Đài Loan cũng được cho là từ 120.000-150.000, trong số có đến gần 120.000 phụ nữ Việt lấy chồng Đài Loan.

[iii] Mượn lời Nguyễn Du trongTruyện Kiều, đoạn nói về Từ Hải.

[iv] Nguyễn Hưng Quốc, “Tôi không chống Cộng”, đăng trên trang mạng Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), ngày 8/5/2013. Nguyên văn đoạn này như sau: “Với tổ chức, tôi trân trọng và nghĩ nó cần thiết, hơn nữa, một nhu cầu tất yếu trong đời sống xã hội, nhưng tôi lại không thích nằm trong bất cứ một tổ chức nào; thậm chí, tôi cũng chưa từng đi biểu tình hay ký tên vào bất cứ một kiến nghị chung nào, dù, trên nguyên tắc, có thể tôi đồng tình và ủng hộ những việc làm ấy. Tôi không làm những việc ấy chỉ vì một lý do đơn giản: Tôi không thích ở trong ‘đội ngũ’, dù lâu dài hay tạm thời, chính thức hay không chính thức. Vậy thôi. Khác với Chế Lan Viên, tác giả của câu thơ ‘Khi đứng riêng tây, ta thấy mình xấu hổ’, tôi chỉ thích đứng một mình. Khi phê phán bất cứ điều gì, tôi chỉ đứng từ góc độ một người trí thức; mà trí thức, tự bản chất, nói theo Edward W. Said, là kẻ lưu vong, nghĩa là, nói cách khác, một mình. Viết, tôi chỉ nhân danh chính mình và những gì mình tin là đúng. ‘Lực lượng’ của tôi chỉ có sách vở và kinh nghiệm, kiến thức và lý trí, lương tâm và lương thức. Còn phương tiện, trước, với cây bút; sau, với bàn phím: Ở cả hai nơi, tôi chỉ có chữ. Hết.”

[v] Nguồn: Wikipedia, từ mục “Edward W. Said”

[vi] The Economist, số 24/8/2013, “A Problem of Cosmic Propotions”


Chung - Trí thức hải ngoại: Chúng ta cùng đơn ca?  Sttimg_nid16822
.
Về Đầu Trang Go down
P-C
Khách viếng thăm




Chung - Trí thức hải ngoại: Chúng ta cùng đơn ca?  Empty
Bài gửiTiêu đề: Trí thức hải ngoại: Chúng ta cùng đơn ca? (2)   Chung - Trí thức hải ngoại: Chúng ta cùng đơn ca?  Icon_minitimeThu Oct 10, 2013 1:15 am


Trí thức hải ngoại: Chúng ta cùng đơn ca? (2)

Từ Linh

6. Thiếu phản biện, thừa nể nang?

Trong sinh hoạt trí thức, chính trị, xã hội, tôn giáo của người Việt hải ngoại, nhìn chung, có lẽ cũng còn quá ít “văn hóa phản biện” trong khi có quá nhiều “văn hóa nể nang”.

Ở Việt Nam, người phản biện rất dễ bị chụp mũ là “phản động”, là “chống cộng”.

Còn ở hải ngoại, người phản biện lại rất dễ bị chụp mũ là “phản bội”, là “thân cộng”, thậm chí “tay sai Việt Cộng”.

Trong nước, nếu tôi chống Tàu xâm lược biển đảo, nếu tôi nói tới dân chủ, đa đảng, đa nguyên thì rất có thể tôi sẽ bị bỏ tù vì tội tuyên truyền chống nhà nước, tìm cách lật đổ chế độ.

Ngoài nước, nếu tôi có ý kiến rằng:

- Hãy có phản biện, hãy có đối lập trong cộng đồng hải ngoại, để chân lý được nhìn từ nhiều góc cạnh…

- Hãy không mang cờ, không mang khẩu hiệu, chỉ mặc áo trắng đến cầu nguyện cho người tù lương tâm tuyệt thực (như một nhóm bạn ở Munich, Đức, đã kêu gọi và thực hiện vào ngày 1/8/2013 nhân vụ Điếu Cày); hoặc mang cờ vàng ba sọc đỏ hoặc cờ đỏ sao vàng đều được, miễn có mặt biểu tình chống Trung Quốc xâm lược (như nhóm người Việt trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Hamburg, Đức, đã làm ngày 16/7/2011)…
thì rất có thể tôi sẽ bị xem là thiếu thận trọng, là đụng phải vấn đề nhạy cảm, là vô tình hay cố ý xóa mờ ranh giới Quốc-Cộng, hoặc tôi nên im đi thì hơn, hiện trạng ra sao cứ để vậy, cho “ổn định”…

Phải chăng cộng đồng người Việt ở ngoài vẫn chưa có văn hóa phản biện công khai lành mạnh, trong đó người phản biện có thể yên tâm rằng mình sẽ không bị cô lập hay loại trừ, chưa nói đến được bảo vệ hay được khuyến khích phản biện?

Phải chăng một phần vì cộng đồng được hình thành trên căn bản những “hội bạn” tự nguyện, lấy thiện chí làm năng lượng, vì vậy nhiều cảm tính? Đã là bạn mà cứ phản biện, đối lập thì mất vui, khó đoàn kết?

“Quyền phản biện” – bản chất là quyền tự do ngôn luận, quyền được nói – vẫn còn là xa xỉ, và có lẽ là vấn đề lớn của không chỉ cộng đồng hải ngoại, mà còn của cả dân tộc Việt Nam.



Nói thêm:

Tôi tin rằng, chỉ khi nào QUYỀN PHẢN BIỆN được tôn trọng khắp nơi: trong gia đình (giữa cha và con, dù con chỉ 8, 9 tuổi, thay vì chỉ có cha nói con phải nghe; giữa vợ và chồng, thay vì chồng “chúa” vợ “tôi”), trong trường học (giữa thầy cô với học trò, thay vì mọi lời thầy cô đều đúng), trong công ty (giữa nhân viên và ban giám đốc, thay vì lời tổng giám đốc phải được tuân thủ như lời giáo chủ), trong nhà thờ (giữa linh mục với giáo dân, thay vì cha phán con phải nghe), trong nhà chùa (giữa sư thầy và Phật tử, thay vì mọi lời thầy đều vàng ngọc), trong nhà thương (giữa bác sĩ và bệnh nhân, thay vì chẩn đoán của một bác sĩ là đúng tuyệt đối), trong nhà dưỡng lão (giữa người chăm sóc và người già, thay vì người già được xem là không biết gì), trong cả nhà thổ (giữa khách làng chơi và kiều nữ, thay vì khách là Thượng đế muốn gì cũng phải chiều)… rồi rộng hơn nữa, có phản biện thực chất trong sinh hoạt trí thức, làm tin, làm văn hóa nghệ thuật, làm blog, làm phê bình (giữa người viết, người diễn với người đọc, người xem, có bênh, có chống, thay vì mọi người im lặng mặc kệ những phát ngôn một chiều), và cứ thế, cứ thế, quyền phản biện được tôn trọng trong từng cơ quan nhà nước, trong hàng ngũ chính phủ, trong nội bộ Đảng, và xã hội có hẳn những lực lượng phản biện đối diện thẳng với Đảng Cộng sản… thay cho cảnh mọi người phải ngậm miệng tuân theo “chân lý của một người” hay vài người… Có như vậy thì mới hy vọng dân tộc ta có thể tiếp cận được thực tại của chính mình và biết cách sửa đổi hiệu quả hơn.

Tôi cũng tin rằng báo chí tự do đúng nghĩa và tư pháp độc lập thực sự là hai điều kiện tối quan trọng, ít nhất là để sự thật khách quan được nhìn nhận và thượng tôn.



Trong khi thiếu phản biện, chúng ta dường như lại quá thừa nể nang, và rất dễ rơi vào hai thái cực: Một mặt thì “nể nhau thái quá”, không dám nói, không dám nhắc tên nhau dù bất đồng, bất bình, bất mãn, nói lời thật thì cứ sợ mất lòng. Mặt khác thì ngược lại, ta cũng rất dễ “giận” nhau, dễ kết luận vội vã về nhau, dẫn đến cơm canh chua cay, chén đĩa bay, chia tay. Mà đã chia tay thì “không đời nào” nhìn mặt nhau, dù vô tình đi ngược chiều đụng phải nhau trên phố vào đúng ngày Quốc hận, Quốc khánh, hay vào dịp lễ hội văn hóa đề cao tình đồng bào nào đó.

Chẳng trách, nhiều người không muốn, vì không thể, nằm chung.

Chẳng trách, có nhân sĩ trí thức tuy rất thích hòa tấu nhưng chỉ “dám” độc tấu, với suy nghĩ “An toàn trên hết. Mình không đụng đến ai, cũng không ai đụng đến mình.”

(Nghĩ như vậy có phải ta lại tiếp tục lọt vào bẫy chia rẽ của “thế lực thù địch”, tức của người cộng sản, hay không? Khó thật!)

7. “Thế lực thù địch”?


Người cộng sản Việt Nam thường dùng cụm từ “thế lực thù địch” để quy chụp những ai họ không thích nằm chung, và điều này đã đẩy họ cách xa với cả những ai vốn có cảm tình với họ, xa cả những đảng viên ủng hộ họ, và xa cả những sinh viên, thanh niên, trí thức trẻ yêu nước thuần túy.

Nhưng chụp mũ có lẽ là chuyện phụ, chuyện chính nằm ở chỗ chế độ độc tài toàn trị cộng sản và những sai lầm họ phạm phải, những chính sách họ thi hành suốt mấy chục năm nay đã là cú nổ lớn “Big Bang” khiến hàng triệu người Việt bị hất văng ra khỏi đất nước, như những thiên thạch bị bắn ra xa và trở thành kẻ lưu vong trong những vũ trụ khác.

Buồn thay, cú Big Bang ấy vẫn còn sức xé toạc và cách ly khó cưỡng lại, cho đến tận bây giờ.



Nói thêm:

Nhân nói về sự phân hóa từ di sản cũ và về “quyền phản biện”, tôi xin phép đưa ra vài suy nghĩ sau đây, liên quan đến vụ Hòa thượng Thích Quảng Độ công bố “Cáo bạch” từ chức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN), và “Thư trình” yêu cầu ngài tiếp tục lãnh đạo.

Những việc này diễn ra trên không gian công luận, ít nhiều vừa phản ảnh lại vừa ảnh hưởng đến cái nhìn của người Việt về nhau, nên xin phép đặt ra ở đây.

Dù rất nể nang những người được đề cập, nhưng tôi vẫn tin phản biện sẽ ích lợi hơn im lặng. Xin được nói ba điều sau:

1. Thật ngạc nhiên là trong Thư trình của Phòng Thông tin Phật giáo Quốc tế – cơ quan Thông tin và Phát ngôn của Viện Hóa đạo, GHPGVNTN – đề ngày 31/8/2013, được 12 vị tu sĩ và cư sĩ có tiếng gửi cho Hòa thượng Thích Quảng Độ, cũng có dòng chữ này (người viết gạch dưới để nhấn mạnh):

”Sau năm 1975 ở hải ngoại những thế lực chống phá Phật giáo mở nhiều chiến dịch vu cáo Phật giáo Việt Nam nói chung và GHPGVNTN nói riêng là ‘thân cộng’, đi với cộng sản để làm sụp đổ chế độ Cộng hòa Miền Nam. Các thành viên của Giáo hội gặp vô số khó khăn trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại.”

Câu hỏi xin đặt ra là: Phải chăng đoạn văn trên, vô tình hay cố ý, gây ấn tượng rất xấu cho “thế lực” mà Thư trình gọi là “chống phá”, và gây cảm tưởng rằng “thành viên của Giáo hội” là phía nạn nhân, trong khi “cộng đồng người Việt ở hải ngoại” là phía làm hại?

2. Trong Cáo bạch của Hòa thượng Thích Quảng Độ, đề ngày 30/8/2013, (tuyên bố rời bỏ vị trí lãnh đạo GHPGVNTN và lý do) có nhắc đến việc Hòa thượng Thích Chánh Lạc bị “liên tục tố cáo” là đã:

“vi phạm trọng giới Dâm và Vọng với những bằng chứng cụ thể, minh bạch, không thể chối cãi”.

Câu hỏi xin được đặt ở đây là: Vậy thì Hòa thượng Thích Chánh Lạc đương nhiên là có tội, hay mới chỉ bị “tố cáo”? Và có phải hội đồng kỷ luật của Giáo hội đã vừa làm công tố, vừa là bồi thẩm, vừa là quan tòa cùng lúc? Còn người bị tố cáo thì sao, có được ai biện hộ hoặc tự biện hộ không?

Thiết nghĩ, một tu sĩ, hay thành viên một tổ chức, trước hết vẫn là một công dân được luật pháp bảo vệ, và “anh vô tội cho tới khi bị chứng minh là có tội”, và chỉ có tội sau khi tòa kết luận anh có tội.

Tôi không biết Hòa thượng Thích Chánh Lạc là ai, tôi cũng kính trọng Hòa thượng Thích Quảng Độ, qua những gì được đọc về ngài hay do ngài viết. Nhưng nói tới “tội” của một người theo cách như thế, trong một Cáo bạch phổ biến rộng rãi, có lẽ là điều không ổn.

3. Trong Cáo bạch và Thư trình còn có những câu chữ khẳng định khác.

Theo Cáo bạch (30/8 ), những người bênh vực Hòa thượng Thích Chánh Lạc đã:

“… thỉnh ý Chư Tăng cả năm Châu Lục và tất cả đã đồng tình lưu giữ Hòa thượng Thích Chánh Lạc… “.

Trong Thư trình (31/8 ) cũng có câu:

“… trên hết và sau hết, chính Ngài [Thích Quảng Độ] là niềm hy vọng và sự tin tưởng cho tất cả những ai thật sự ưu tư cho tiền đồ của quê hương và Phật giáo”,

và câu:

“… ai cũng dễ dàng nhận thấy được là trong tất cả sự vận động công luận quốc tế thì chỉ nghe đến danh và đức của Ngài đã là một thông điệp hiền hòa, thuyết phục và sáng giá…”.

Thành thực mà nói, loài người đã sống trong Thời của Lý trí từ lâu, sắp qua rồi, nhưng sao ngôn ngữ được dùng như vừa nêu, những cụm từ như “cả năm châu… tất cả… tất cả những ai thực sự ưu tư… ai cũng dễ dàng nhận thấy… chỉ nghe đến…” và ý nghĩa của nó, nghe cứ như ngôn ngữ từ một thời xa xôi nào đó.

Người trí thức trẻ hôm nay sẽ nghĩ gì khi đọc những điều trên? Phải chăng thay vì được thuyết phục xuôi, có thể họ sẽ bật lên nhiều nghi vấn ngược?

Tôi xin chân thành cúi đầu trước những vị đáng kính và thưa rằng: Xin đừng khẳng định như chân lý phổ quát những điều mới chỉ là ý kiến, suy nghĩ, giả thuyết, hay mong muốn của một số người.

Tôi kính trọng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, tôi kính trọng các tu sĩ, nhưng cũng như mọi người và mọi tu sĩ, tôi kính trọng trí tuệ, từ bi và lòng dũng cảm mà đạo Phật đề cao.

8. Hiệu quả mờ?

Những điều vừa nêu ở trên: Tiềm năng chưa được khai thác, hội đoàn tự phát, thành công nhờ những cá nhân, thiếu phản biện, cảm tính lấn lý tính, thêm vào tác động phân hóa từ ngoài và từ xa xưa, cộng với quyền chọn lựa riêng của từng người… dẫn đến tình trạng chung là: Nhân sĩ, trí thức, cả người bình thường nữa, dù rất thiện chí muốn làm điều tốt cho cộng đồng và đất nước, họ cứ tiếp tục đứng xa nhau và tránh xa các tổ chức chính trị.

Hoặc nói như Giáo sư Nguyễn Văn Bông:

“… công dân thích có một lập trường chính trị trong những tổ chức không mục tiêu chính trị hơn là tham gia thẳng thắn vào đảng phái chính trị.”[i]

Rút cuộc là cộng đồng 4 triệu người đến nay vẫn chưa có khả năng quyên góp tài lực, huy động nhân lực và vận động quyền lực một cách hữu hiệu cho những việc chung, như bảo vệ quyền lợi, phát huy tiềm năng cho người Việt hải ngoại, góp sức đấu tranh vì nhân quyền, tự do, dân chủ cho Việt Nam.

Khả năng phối hợp hành động khi cần thiết của cộng đồng cũng chưa hiệu quả, chẳng hạn như lôi cuốn dư luận thế giới chú ý đến một tù nhân lương tâm đang tuyệt thực, tổ chức biểu tình, cầu nguyện khắp nơi có người Việt, thu thập vài trăm ngàn chữ ký khi cấp bách…

Phản ứng thưa thớt, chưa xứng với nội lực và tiềm năng của cộng đồng người Việt hải ngoại trong việc hỗ trợ tù nhân lương tâm Điếu Cầy tuyệt thực vào tháng 7/2013 là một ví dụ điển hình.

Đáng tiếc là chưa có một cuộc nghiên cứu xã hội học nào đủ thấu đáo, sâu rộng và cập nhật về đề tài cộng đồng người Việt, về các nhân sĩ trí thức gốc Việt, về các hội đoàn người Việt để mọi người có một cái nhìn chính xác hơn.

Phải chăng sự thiếu vắng này cũng cho thấy sự lỏng lẻo của khối hàng triệu người Việt hải ngoại, dù tồn tại 38 năm nay?

9. Làm gì?

Cộng đồng người Việt hải ngoại có phát huy được tiềm năng không? Nhân sĩ trí thức có thể đứng ngồi cạnh nhau không?

Chúng ta mong là có.

Hãy tưởng tượng một ngày không xa sẽ có một Đại Hội nghị Người Việt Toàn cầu, như một thứ Hội nghị Diên Hồng mới, để từ đó hình thành một cơ quan đại diện và điều phối có thực chất, một tiếng nói chung có thực chất, quy tụ được nhân tài và tài chính để có thể thực hiện những cuộc vận động lớn lao, trong đó có những việc tưởng chừng dễ dàng như: ra một tờ báo, một đài phát thanh, một kênh truyền thông chuyên nghiệp bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt, nhằm phổ biến sự thật về Việt Nam cho thế giới biết, thay vì để mặt trận thông tin cho nhà nước cộng sản Việt Nam thao túng, với sự kháng cự tự phát của những nhà báo viết blog tự do, một số báo giấy, báo mạng của người Việt hải ngoại, và một số báo đài quốc tế.

Hiện nay, có lẽ các cơ quan thông tấn, các cơ quan nhân quyền quốc tế như Amnesty International, Nhà báo Không Biên giới, Human Rights Watch… đang rất cần một đối tác uy tín, có thể nói lên tiếng nói khách quan, trung thực, đa chiều, thấu đáo về thực tại Việt Nam, thay vì bên trong thì chỉ dựa vào một số thông tín viên tại chỗ, còn bên ngoài thì… cứ hỏi giáo sư Carl Thayer, thường xuyên là giáo sư Carl Thayer, lúc nào cũng giáo sư Carl Thayer. (Thì giáo sư nhận định sắc sảo nên mới hỏi chứ sao? Vâng, đúng vậy chứ sao!)

Phải chăng, chúng ta dư sức để làm được một đài phát thanh và truyền hình chuyên nghiệp như Democratic Voice of Burma (DVB) (Tiếng nói Dân chủ Miến Điện) đặt trụ sở ở Oslo, Na Uy, hay tờ The Irrawaddy của người Miến Điện lưu vong, đặt trụ sở ở Chiang Mai, Thái Lan?[ii]

Phải chăng chúng ta cũng có thể có được một Liên Cộng đồng Việt Nam, tương tự như Liên Cộng đồng Do Thái Bắc Mỹ (The Jewish Federation of North America)[iii], để từ đó có thể họp Hội đồng Khoáng đại mỗi năm, quyên được 3 tỉ USD cho việc công ích, đưa ra bàn luận để giải quyết đủ mọi vấn đề của người Việt khắp nơi: từ chuyện tù nhân lương tâm trong nước, đến chuyện trẻ em vùng cao ăn cơm thiếu thịt chân không dép, làn sóng người Việt tị nạn mới đến Úc, vấn đề người Việt cao niên dưỡng lão, sức khỏe hô hấp và tâm thần của người làm nail, việc hỗ trợ học sinh tài năng nghèo, nghệ sĩ cần điều kiện sáng tác, người trẻ muốn học hỏi văn hóa lịch sử Việt, muốn làm từ thiện, việc lên tiếng bênh vực cho tự do ngôn luận ở Việt Nam, đến những cuộc vận động cho nhân quyền và dân chủ của người Việt, cũng như cho những vấn đề khác của con người toàn cầu.

10. Những người áo vải?

Tiềm năng thì nhiều, nhưng bắt đầu từ đâu?

Nghịch lý, nhưng có lẽ lại hợp lý, là có thể mọi sự sẽ bắt đầu với chính những trí thức “độc tấu”. Họ sẽ tụ lại thành song tấu, ngũ tấu, nhị thập bát tấu, và dần dần thành cả một dàn nhạc đại giao hưởng.

Tôi không dám tiến cử, chỉ xin phép được nêu tên một số nhân sĩ trí thức, tuy thuộc nhiều khuynh hướng khác nhau, nhưng hy vọng có thể làm chất xúc tác cho một cuộc vận động lớn, thay đổi bộ mặt của cộng đồng 4 triệu người Việt ở hải ngoại, nhất là trong giai đoạn có nhiều biến động trong nước, và thay đổi tích cực là điều luôn cần chuẩn bị và thúc đẩy. Tất nhiên, “danh sách” không đầy đủ, chỉ phản ảnh chủ quan của người viết, cũng chỉ để tham khảo và tưởng tượng. Thứ tự tên tuổi cũng cũng không có giá trị cao thấp.

Đó là giáo sư Lê Xuân Khoa, nhà báo Đỗ Quý Toàn (Ngô Nhân Dụng), ông Nguyễn Gia Kiểng, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, giáo sư Phạm Xuân Yêm, giáo sư Hà Dương Tường, ông Võ Văn Ái, nhà toán học Ngô Bảo Châu, giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Úc), nhà báo Đinh Từ Thức, nhà văn Tưởng Năng Tiến, nhà văn Phạm Thị Hoài, nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc-Tuấn (tienve.org), nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, nhà văn Đinh Từ Bích Thúy (damau.org), thầy Thích Nhất Hạnh, Giám mục Nguyễn Văn Long (Úc)… Cũng rất mong các vị ở hải ngoại làm việc với các nhân sĩ trí thức uy tín tại Việt Nam như: Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà giáo Phạm Toàn, giáo sư Tương Lai, tiến sĩ Nguyễn Quang A, tiến sĩ Hà Sĩ Phu, nhà báo Huy Đức, nhà văn Phạm Đình Trọng, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, nhà văn Võ Thị Hảo, nhà báo Đoan Trang, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Anh Ba Sàm, Người Buôn Gió, Mẹ Nấm, Huỳnh Thục Vy, Huỳnh Ngọc Chênh… và các vị đáng kính như Hòa thượng Thích Quảng Độ, Giám mục Nguyễn Thái Hợp, các linh mục Dòng Chúa Cứu thế Việt Nam…

Bên cạnh đó, vẫn có những người âm thầm, chưa hoặc ít ai biết tới, nhưng đầy tài năng và tâm huyết, ở Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Tiệp, Hungary, Nga, Hàn, Nhật, Đài Loan, Hongkong, Singapore, Úc, New Zealand, Việt Nam… Hãy tìm đến họ.

Lại tưởng tượng:

Rất có thể cuộc tụ hội sẽ bắt đầu với việc giáo sư Lê Xuân Khoa viết thư gửi cho nhà báo Đỗ Quý Toàn, ông Nguyễn Gia Kiểng và giáo sư Nguyễn Huệ Chi.

Cũng rất có thể cuộc tụ hội sẽ bắt đầu bằng việc Thầy Thích Nhất Hạnh mở một khóa tu cho những nhân sĩ, trí thức nêu tên ở đây để giúp mọi người buông bỏ gánh ưu tư nghi ngại, làm hòa với mình, làm bạn với phiền não của mình, sống trong hiện tại, ngay bây giờ, ở đây, cùng nghe một tiếng chuông, hít vào một hơi đầy phổi, rồi thở ra nhẹ nhàng, mỉm một nụ cười hàm tiếu, không còn thấy mình “một mình”, mà thấy mình với người ngồi cạnh bên là một.

(Tôi thành thật tin rằng: Nụ cười an lạc kia là hạt mầm gieo vào lòng người và cần được mỗi người nuôi dưỡng với nỗ lực không ngừng. Nhưng sẽ không có giác ngộ “ăn liền”, hay giác ngộ “lệ thuộc” theo kiếu “có thầy là có giải phóng”, “có thầy là có giác ngộ”. Nếu có thì đó chỉ là những ảo giác chóng qua.)

***

Thật cảm động khi đọc những dòng này, nói về cha ông chúng ta:

“Sử viết rằng: Mùa xuân năm Bính Thân 1416 ở Lũng Nhai, Lam Sơn, Lê Lợi cho lập đàn cao một trượng rồi cùng Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi và các nghĩa sĩ làm lễ tế trời đất, kết nghĩa ăn thề nguyện đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau trừ ngoại xâm cứu trăm họ.

Lúc ấy Lê Lợi chân thành nói: “Ta là người mặc áo vải chuyên nghiệp cày cấy nay vì trừ bạo mà nổi binh, lòng không nghĩ đến việc xưng vương xưng bá”.[iv]

Đúng là các nhân sĩ trí thức hiện nay cũng áo vải – không áo thụng quan quyền – cũng đang làm công việc “cày cấy” chuyên môn riêng mình, nhưng hy vọng đây sẽ là lúc họ tụ họp, vì “trừ bạo mà nổi binh, lòng không nghĩ đến xiệc xưng vương xưng bá.”

Dù biết rằng bể dâu biến cải, 13 năm sau đó, Lê Lợi vì ngờ vực mà sai giết Phạm Văn Xảo, lại cho 42 lực sĩ về trại Sơn Đông bắt Trần Nguyên Hãn đang ở ẩn về kinh trị tội, khiến ông uất ức dọc đường nhảy xuống sông tự vẫn, và Nguyễn Trãi thì bị tước hết quan chức và tống ngục…, nhưng tôi tin rằng kết cuộc này không làm giảm quyết tâm “trừ bạo” của những người áo vải lúc ban đầu. Họ thấy đúng thì làm, thế thôi, vì nếu nghĩ đến an nguy cho bản thân đầu tiên thì họ đã chỉ đứng một mình, mãi mãi đứng một mình, và đất nước này có lẽ đã mất từ lâu.

Câu chuyện trên được đạo diễn Trần Văn Thủy kể lại khi nói về phim Hà Nội trong mắt ai, và ông đã kết trường đoạn phim này bằng câu hỏi dành cho những pho tượng trong chùa Tây Phương – biểu tượng của chế độ, của lịch sử, của vua chúa, của cộng đồng – như sau:

(Màn hình hiện lên những pho tượng trong chùa Tây Phương)

… Những pho tượng lặng im. Các vị nói gì với hậu thế? Đất nước tồn vinh phải chăng bởi có người tài; người tài tạo dựng nên dung mạo và sự trường tồn của chính các vị đó![v]

Và dung mạo của Lê Lợi, của Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo ra sao thì lịch sử cũng đã nói cho hậu thế rõ. Không ai lẫn vào ai.

11. Xuân không én?

Mùa xuân đã đến Đông Âu vào năm 1989, đã đến Ả Rập vào năm 2010-2011. Mùa Xuân Miến Điện 2013 thì đang diễn ra từng ngày. Còn chúng ta, đến bao giờ mới thấy được Mùa Xuân Saigon, Mùa Xuân Hà Nội, hay Mùa Xuân Việt Nam?

Phải chăng xuân chưa đến một phần vì những con chim én của mùa xuân vẫn cứ bay một mình một cõi, không chịu, hoặc không thể, quần tụ lại, và có khi lại thấy như thế là đỡ phiền toái?

Chợt quên hẳn Phạm Duy ướt mưa thu Paris, mà nhớ câu thơ Trần Dần:

Tôi khóc những chân trời không có người bay
Lại khóc những người bay không có chân trời.

2013 Từ Linh & pro&contra

-----------------------------

[i] Nguyễn Văn Bông, Luật Hiếp pháp và Chính trị học, bản điện tử trên trang www.procontra.asia, kì 9.

[ii] Xem www.dvb.nowww.irrawaddy.org

[iii] Trên trang nhà của The Jewish Federations of North America (JFNA) có dòng giới thiệu tóm tắt như sau, xin lược dịch: Liên Cộng đồng Do Thái (JFNA) đại diện cho 153 Liên đoàn và trên 300 Cộng đồng Do Thái khác nhau, mỗi năm quyên góp được 3 tỉ đô-la Mỹ, đáp ứng các nhu cầu về an sinh, xã hội, giáo dục của cộng đồng. Phong trào Liên Cộng đồng Do Thái đứng trong Top 10 các tổ chức từ thiện tại Châu Mỹ, nhắm mục đích bảo vệ và củng cố lợi ích của người Do Thái toàn thế giới thông qua các giá trị truyền thống là tikkum olam (cải thiện đời sống), tzedakah (nhân ái và công bằng) và Torah (học làm người Do Thái).

[iv] Trích từ Chuyện nghề của Thủy, của Trần Văn Dũng, Lê Văn Thủy, Phương Nam Book & NXB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2013,  trang 163.

[v] Như trên, trang 165-166.


Chung - Trí thức hải ngoại: Chúng ta cùng đơn ca?  Images?q=tbn:ANd9GcTm4C7o3jNjp_c-USE0uqDVwUd-tC-StMxHkAbKe8pPRwd7QNf2fQ
.
Về Đầu Trang Go down
 
Trí thức hải ngoại: Chúng ta cùng đơn ca?
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Bạo quyền cs dùng trí thức đỏ để củng cố quyền lực bán nước
» Chi Pu cuối cùng cũng được hạnh phúc bên chồng
» Thơ & Nhạc: CUỐI CÙNG CHO MỘT TÌNH YÊU
» Bao giờ thì Đông Kinh bằng được Hà Nội?
» Thế hệ già hải ngoại nên nhìn lại - Xuân Khê

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon  :: ĐỀ TÀI :: Người và Việc :: Người xấu, việc xấu-
Chuyển đến