Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon

Diễn Đàn của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Keywords
truyện nguyet Saigon thuoc bich hoang không ngam quang nhac Trung Nguyen chuyen trong sáng quan Chung quynh Nhung VNCH quốc chất ngắn linh chẳng phải
Latest topics
» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
 Hương Ký-Ức Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:38 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
 Hương Ký-Ức Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
 Hương Ký-Ức Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» qua đi thôi bão nổi
 Hương Ký-Ức Icon_minitimeSat Mar 11, 2023 3:11 am by Admin

» Cụ Hoang Xuân Hãn
 Hương Ký-Ức Icon_minitimeSun May 08, 2022 10:37 pm by Admin

» Giáo dục VNCH - Giáo dục con đường khai phóng
 Hương Ký-Ức Icon_minitimeMon Jan 10, 2022 4:06 am by Admin

» Suy tư về kiếp người - Về Cùng Cát Bụi
 Hương Ký-Ức Icon_minitimeSun Jan 09, 2022 4:25 am by Admin

» AI ĐÃ HẠ GỤC CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN?
 Hương Ký-Ức Icon_minitimeSat Jan 08, 2022 2:41 am by Admin

» NHẠC THIỀN - Cõi Thiền trong Âm Nhạc
 Hương Ký-Ức Icon_minitimeThu Jan 06, 2022 4:11 am by Admin

April 2024
MonTueWedThuFriSatSun
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930     
CalendarCalendar
Affiliates
free forum

Affiliates
free forum


 

  Hương Ký-Ức

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
Admin



Posts : 164
Join date : 20/10/2011

 Hương Ký-Ức Empty
Bài gửiTiêu đề: Hương Ký-Ức    Hương Ký-Ức Icon_minitimeThu Nov 10, 2011 11:07 pm



Hương Ký-Ức
– Tùy bút từ đôi vần thơ –
BG



Một

Thiên-tai hay chiến-tranh không thể là giải-pháp tự-nhiên xóa đi nạn nhân-mãn tại vì bản-chất quá tàn-khốc và tự giới-hạn của chúng. Mặt khác, hiện-tượng rủ nhau đi quyên-sinh hàng loạt như loài chuột dại cho đất này đỡ chật cũng chớ hề thấy xẩy ra trong lịch-sử loài người. Đôi điều vừa nêu chỉ là phiến-diện trước quan-tâm vì sao dân-số thế-giới chỉ có tăng mà không hề biết giảm. Phải chăng chính những niềm vui nho nhỏ lúc này lúc khác trám vào suốt cuộc làm người đã khiến thiên-hạ yêu đời; bám khư khư lấy nó dẫu phải chìm trong nghịch cảnh triền miên? Hạnh-phúc đâu thể bảo là không có thật trong bể khổ, cho dù chỉ thoáng qua chăng hay chớ. Giây phút sung sướng đã chẳng từng được giác-quan phàm-phu chứng-nghiệm cả đời qua thú yêu đương không biết chán, hoặc thói ăn quen đến mòn vẹt cả răng đấy là gì?

Từ kinh-kỳ Thăng-Long, bản-sắc văn-hoá nước ta dần dà lan tỏa ra ngoài tầm châu-thổ sông Hồng rồi trải dài theo hành-trình nam-tiến; thế nhưng qua bấy nhiêu đời đất Hà-Nội ban sơ vẫn nghiễm-nhiên là tâm-điểm của hàng nghìn năm văn-vật. Xiết bao sự-kiện dân-gian lẩn quất tại chốn cũ khác nào khuôn mẫu ước-lệ đã ăn sâu vào đầu óc người bình-dân. Dăm ba tiêu-chuẩn linh tinh đo lường hương sắc cuộc đời đại-để như, “... húng Láng, tương Bần, nước mắm Vạn-Vân...” có thể tạm coi là thí-dụ vặt khả-dĩ nói lên sự kiện lâu ngày năng quen với những tâm-hồn mộc mạc.

Khi sì sụp húp thìa nước phở Bắc nóng rộp cả lưỡi, người năm cũ thường chết mê theo dăm ngọn húng cây ngan ngát vặt từ luống rau thơm làng Láng hòa lẫn khẩu-vị lạp-chi-chương1 cay tóe hào-quang. Nhất định phải là giống lá răng cưa nhàn nhạt mầu diệp-lục-tố đó đệm vào tí rau mùi, hành hoa thì cơ hồ hồi-hương, thảo-quả ngấm trong nước ninh xương mới dậy lên tận óc. Lại nữa, nhát thịt bò thui hon hỏn lắt lẻo tí bì sần sật, vấy lất phất tí thính khen khét mùi cháy cơm kia cũng tha thiết mong được dầm mình vào thứ nước chấm ngọt lừ, thơm nồng vị gừng già. Đấy là bát tương đỗ sóng sánh dành cho chầu đánh chén bí tỉ mà mợ mình đã thật khéo chiều, xắn tớn quần móng lợn tất ta tất tưởi lội bộ sang mãi bên làng Bần-Yên-Nhân đong về đãi chúng anh cho kỳ được mới nghe. Thóc đâu no gà, của nhắm bở như vầy thời rượu tăm mấy vò mà chả kiệt? Duy có điều, vào thuở quan hà cách trở tài-hóa kém thông-thương, dễ thường đã mấy ai nếm qua sản-phẩm chính-hiệu Phú-Quốc đảo; bởi vậy chum nước mắm cất tại Vạn-Vân mới được dân đàng ngoài nức nở khen lấy khen để là ngon...




Hai

“... Anh sẽ đàn những phím tơ chùng
“Anh đàn mà chả có thanh âm
“Chỉ nghe gió thoảng niềm thương nhớ
“Ðể lúc xa vời đỡ nhớ nhung
...
“Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
“Chả biết tay ai làm lá sen2?
(Nguyên-Sa)

Thi-sĩ Nguyên-Sa trầm-tư tự-tình về dáng huyền xa xăm từng một thời gắn bó bên mình; vậy mà giá thử lời thơ được hiểu theo chiều hướng khách-quan thì sự thể sẽ khác vời nhiều lắm. Kẻ tự vấn lòng dễ dầu gì kỳ-vọng người em chân quê ăn trắng mặc trơn? Hẵng khoan kể trăm công nghìn việc nhọc nhằn nhẫn-tâm giết dần giết mòn tấm dung-nhan, chỉ riêng cái nắng chang chang bỏng giẫy giữa trời kia cũng đã thừa lửa thiêu đen ròn làn da lam lũ. Nào đâu giai-nhân nõn nường bên nụ sen hồng, đâu xuân-nữ yêu-kiều lãng đãng khoắng nước cầu ao để ai đó ôm cầm ngơ ngẩn thả hồn mơ?

Giang-san đong đưa lá chen hoa của họ nhà sen ─bé là ao, lớn thành hồ, thành đầm─ là món quà lâu đời lâu kiếp mà đất trời cho không con dân thôn ổ. Từ chiếc lọ xoàng bên song cửa chan hòa nắng, hình ảnh những búp sen căng phồng lung linh trên bó cuộng ngả nghiêng mãi mãi dật dờ trong lòng khách tha-hương. Mường tượng nhớ. Để thương hoài...

Dường như người không tha cho sen tí gì. Hạt gạo3 tuốt ra trên đầu chùm nhị vòng quanh gương hoa được rắc lên lá và búp chè non vào giai đoạn ủ héo. Trong suốt thời-gian sấy khô bằng nhiệt âm ấm, chè dần dà hấp hơi sen từ nguồn hương-liệu thiên-nhiên này. Không hắc như giống trà mạn rẻ tiền tẩm ét-xăng nhân-tạo pha lấm tấm ít hạt hoa ngâu, lứa chè thơm thanh thoát thường chỉ vừa đủ để đãi khách quý ‎lại chơi nhà. Những tay phú-hào xưa kia còn chỉ tay năm ngón sai người ngồi thuyền vin từng bông sen và nhét vào đấy không dúm chè khô thì cũng viên giò sống (mọc), rồi buộc túm đầu cánh hoa lại. Chỉ độ ít hôm, đó sẽ là loại chè sen có một không hai. Mọc ấy cũng lên men lactic acid thành món nem chua độc-đáo cho kẻ sành đời gật gù thù-tạc.

Bao hạt khô đậu trong những gương sen già hình nón ngược được tẽ ra lấy thằng cuội4 trong lõi cho ông lang làm đầu-vị an-thần. Phúc chủ lộc thầy, hy-vọng liều thuốc đắng có thể ru đôi mắt thao thức sầu ai chợp đi một giấc. Hạt sen được tách khỏi vỏ cứng bằng cách nào? Chả mấy ai thạo. Chỉ thấy hàng đống hạt trắng nõn bầy có ngọn tại hiệu thuốc Bắc, hoặc lủng lẳng từng sâu như chuỗi hạt treo trên sạp chợ mà dân Sà-Goòng kêu là hột seng Guế (Huế). Phần hạt nguyên vẹn là vật-liệu vẽ vời ra món mứt sen trần cho người lịch-sự biếu xén nhau trong dịp Nguyên-Đán. Nhân được mùa, mẹ quê cũng hầm nháo nhào chỗ hạt cậy bỏ vỏ thành thức bổ tì bổ vị. Thế là đàn trẻ bụng ỏng đít beo lon ton đuổi nhau ngoài ngõ được nhờ bữa chén béo bở no nê…

Mấy cô gái chít khăn mỏ quạ chả nề hà tốc váy chọc bừa đôi chân trắng ngần xuống hồ cạn kéo cưa với lũ củ sen lằng nhằng chằng chịt. Họ lễ mễ cắp hàng rổ củ đen nhẻm những bùn nặng mùi này đem về cho mẹ nhà luyện thành bột; ấy là vô số hạt cốm nâu tròn, nhỏ lắt tắt. Bột sen mà nấu chè đường hoặc pha vào nước cho em bé và các cụ giải-nhiệt qua buổi trưa nồng thì còn gì bằng? Vốn được hun đúc từ nguồn nhựa luyện ấm áp (do tác-dụng quang-hợp tinh-bột của phiến lá ngưỡng-thiên giăng khắp mặt đầm), đám củ sen mãn đời vùi âm u trong lớp bùn mát rượi mang tính bán hàn bán ôn. Họa có thuốc tiên mới hòng sánh kịp dược-tính qu‎ý-hóa ấy trong môn tiêu-trừ uất-kết tại những cõi lòng muốn tìm quên bên cạnh cuộc đời.

Đến cái ngó khẳng khiu âm thầm dưới mặt nước cũng bị vơ cào vơ cấu, gom thành hàng bó lượt thượt, để rồi được duôi mỏng từng đoạn ngắn cho phụ-họa vào đĩa nộm (gỏi) hoa hòe trên mâm cỗ. Hương-vị mằn mặn, chua, cay lẫn ngọt bùi dậy lên trong món ăn chơi pha thêm tí chan chát kín đáo của ngó sen dễ khiến khách khó tính phải tiết-tâm-linh5.




Ba

Như ví dụ ban đầu, nét hấp-dẫn của sản-vật nhân-văn vẫn thường được truyền-khẩu trong dân-gian dựa theo địa-danh tiêu-biểu vào những ngày tuồng chữ quốc-âm ta còn chưa thành hình, và chất cốm trữ-tình sớm ló dạng trong văn-học sử bình-dân từ độ xa vời ấy. Kể ra thứ con đẻ của đủ loại bông nếp này (nào là nếp ngỗng thượng-hạng, nếp cái hoa vàng, cho chí những giống má làng nhàng) đã được chế-biến tại nơi nơi chả cứ riêng đâu. Nhưng phải là cốm Vòng, sản-xuất theo lối cổ-truyền của làng Vòng tại ngoại-ô châu-thành Hà-Nội thì mới ra trò. Cùng đùm trong tấm lá nhưng cốm làng ấy bao giờ cũng ngon sơi hơn mọi chỗ; đủ thấy bí-quyết sống để lại chết đem theo6 của loài người quá lợi hại.

Cơn gió chiều tràn qua đồng lúa dật dờ lả ngọn quyện theo làn hương dìu dịu mùi lá dứa vào tít trong làng. Những hạt ngậm chất lỏng trắng đục ngọt thanh thanh cụp trong lọn đòng đòng bắt đầu mẩy lên chờ ngày đơm bông. Gió thoang thoảng hẹn rằng chỉ nay mai là bẹ lúa xum xuê đáo tuổi gặt –sớm trước độ mươi hôm– dành cho lứa cốm đầu thu. Đôi tay thuần-thục vừa đập, vừa trân-trọng vuốt lấy từng hạt chớm đông sữa (sắp cứng thành hẳn gạo) từ bó bông ngà xanh chưa kịp chín vàng xuống cái nong7 cả đời nằm tịt dưới đất. Rồi thì với lối thủ-công mải miết truyền đời từ thời cổ-giả làm gì ra máy xay, mọi công-đoạn làm cốm được diễn-tiến tăm tắp chả khác gì múa dẻo lành nghề.

Trước hết phải sao8 lúa chín để chất nếp vừa kịp đông quánh nhưng không bị ròn, đoạn gượng dẹ giã lách cách nhanh tay cho hạt bẹp dí bong khỏi vỏ trấu; mà đừng dính bết vào cối mới là cừ. Cần sàng9 cám và sẩy bỏ vỏ trấu sau khi giã xong vài cối. Bóng hình nghìn năm ngồi xổm, áp đầu gối đến bẹp bầu ngực đang mải miết lay động. Vòng lưng eo âm thầm như nhập vào vô vàn vòng hulas uyển chuyển theo chiều tay lắc qua lắc lại. Thế là bụi cám thơm phưng phức cứ thế rắc lả tả xuống cái mẹt (hoặc nia10) hờm sẵn. Mà cũng chả mấy khi cần ghé ngồi lên chiếc ghế lè tè, tấm lưng ong giờ đây tự nhiên vươn thẳng như cốt giữ cân-bằng bền cho động-tác sẩy tổn sức hơn. Hai cổ tay kia trở nên nhịp nhàng đẩy tới giật lui chiếc sàng theo chiều lên xuống liên-hoàn, tuồng như hất bỏ, lại như tiếc rẻ hấng lại; tựa hồ nhà bếp Tây thoăn thoắt lật mặt cái trứng rán lên không từ chiếc chảo tay cầm quá khổ.

Loáng vài cái hất nhẹ như bỡn, mày trấu vất vưởng bay tiệt đi, và lúa sót trong cốm lại được cho vào cối. Sau dăm lần bẩy lượt giã đi giã lại và sàng sẩy tái-hồi là đẹp mặt một mẻ cốm. Rồi mẻ khác, mẻ khác nữa... Lứa cốm hóa-thân ánh mầu lá mạ như ngọc thạch sau rốt được hồ bằng tí nước lã, vẩy vào cho rền11 và thêm tươi tắn. Tập lá sen vành vạnh để gói ghém nhân thể được sắp gọn gàng trên thúng cốm đầy. Xá chi nắng nỏ, độ ẩm tàn-dư trong gói đủ giữ cho miếng ăn thi gan dẻo mãi đến giây phút chạm bờ môi. Mùi ngai ngái chừng như pha mốc từ phiến lá ỉu hòa cùng hơi hướm nhị sen phảng phất theo mạch nhựa khô đã nồng nàn ấp ủ từng hạt mỏng dánh tuyệt-trần.
Dân Nam thường chờ bông lúa non hườm (ửng vàng) thêm chút xíu rồi mới gặt để làm ra cốm dẹp bầy ê hề ngoài kẻ chợ. Loại cốm dầy mình vàng xỉn như lấm đất này được ướp nước cốt dừa qua đêm trước khi ngào đường. Dư-vị béo bùi sau miếng ăn khoái-khẩu thật khó mà quên... Mấy người hàng bánh chí thú làm ăn, lúi húi gói ghém những hạt cốm khô hạng bét ra ngoài nhân đậu xanh, thêm tí cùi dừa nạo, ăn gian thêm tí phẩm xanh lè, đoạn đồ12 chín thành một thức ngọt khé cả cổ. Đích-thị đấy là lô bánh cốm dở dẻo dở nhão, được thể vênh vang theo đuôi chồng bánh xô xê13 trong buổi dẫn lễ cưới xin.

Bà còng làng Vòng chả hơi đâu bầy vẽ cho nhọc xác ngoài việc như mọi ngày kẽo kẹt quẩy quang mây, đơm lổn nhổn hàng vốc cốm tươi vào lá sen ỉu, gói lại cho khách muốn dùng thế nào tùy-tiện. Vẫn chiếc đòn gánh đặc thù chuyên-nghiệp ấy, ngày ngày từ bảnh mắt dân làng đã oằn vai lầm lũi mang hàng thúng cốm vào bán dạo khắp ngõ ngách băm sáu phố phường. Thêm bao nhiêu gói lá buộc lạt chữ thập lùng bùng những cốm đang là đồng quà ngon cho trẻ mỏ hí hửng ngóng mẹ về chợ... Trong quán chợ xiêu xiêu có cô em hả hê gắp lọt thỏm miếng chả trộn cốm vàng nhẫy từ bát bún mọc đầy tú hụ vào khóe miệng xinh xinh. Mấy khoanh ớt phải gió lênh đênh trên mặt cái bát loa chao chát những nước su‎ýt ngọt ngào làm mắt mũi cô sụt sùi cứ là phải biết. Mà rãi rớt nhoe nhoét thế… thì đã làm sao? “Úi dào, còn xấu gái với ai vào đây cơ chứ lị?”

Xưa kia cốm được xuý‎t xoa xem như phẩm-vật giao-duyên trang-trọng nhất đời. Cặp kè bên thúng xôi con lợn béo cùng những quả hồng mọng đỏ kiêu-xa, cốm hoan-hỷ tháp-tùng sang chốn gia-đường cái người mà ta đây nhỡ phải lòng sớm hôm ra ngẩn vào ngơ... Duyên thề bồi phỉ nguyện bình-sinh, cậy sính-lễ hậu-hĩ mà nên đôi sắt-cầm hảo-hợp thì sướng này biết để vào đâu cho hết nhỉ?

Hỡi ơi,

"Mình dối ta mình chửa có chồng,
"Để ta mang cốm, mang hồng sang sêu14.
"Ta sang mình đã lấy chồng,
"Để cốm ta mốc, để hồng long tai15.
"Ngỡ là long một, long hai,
"Ai ngờ long cả trăm hai quả hồng!
(Ca-dao)




Bốn

Sự hiểu biết ít oi chính là nguồn cơn thôi-thúc loài người dấn bước tìm tòi và không ngừng đi tới; thế thì liệu có đủ thỏa cho đời xẩm xoan khi chỉ thấy con voi qua mỗi cái vòi hay tai nó không?

Kiến-thức của mỗi cá-nhân xem ra nào hơn khung trời in trong mắt đôi ba con ếch ngồi chồm chỗm dưới đáy giếng dẩu mỏ nhìn lên. Cái ta sâu sắc đến đâu với tầm nhìn vừa bằng nắm cốm lèn trong gói lá sen? Chả là tình cờ một hôm có khách đeo tầu hoả từ Hà-Nội vào Sài-Gòn biếu tôi gói cốm Vòng gọi là chút hương hoa quê nhà. Lành thay cho của một đồng công một nén, thì chần chừ gì mà mình không mở béng ra? Thế là khoái-cảm khôn cùng từ cái biết nhỏ nhoi chợt dấy lên, từ đấy... Tôi đã ru hồn về làng Vòng thần-thoại xa tít mù xa, mong vớt lại chút thơm tho ngây ngất của làn gió đồng rì rào buổi chiều hè; những chiều mà thằng bé trong tâm-khảm lăm lăm chiếc cần câu trúc ngồi bó gối lặng nhìn con cá rô thực thà đớp chặt miếng mồi ác-nghiệt. Bên bờ ruộng xâm xấp nước trong vắt quanh vùng Phú-Lâm ở ngoại-ô Sài-Gòn, ngày ấy lúa vừa trổ đòng đòng. Hương ký-ức làm bừng sống trong tôi bao nàng thôn-nữ môi thắm má hồng phần phật áo khăn giữa lòng đồng nội bao la, bên hồ sen lá hoa thăm thẳm...
Nay trở lại lối thưởng-thức cốm của người Hà-thành cho thêm tròn câu chuyện. Ai có lần lim dim gẩy chầm chậm dúm cốm mỏng vào miệng sẽ thấy ngay vị sương sương ngọt của cái thức ăn rời rạc, vừa dẻo vừa dính lại vừa cưng cứng dai dai, được quai hàm không ngại tốn thì giờ lẩn mẩn nghiền thành bột này. Miếng nhai vừa trôi khỏi cổ, cơ-thể tức thời nẩy sinh một cảm-giác lạ thường. Chất đường mạch-nha nhẹ nhàng tan loãng theo nước bọt quánh trong họng; nhưng chút hương gì vẫn còn dùng dằng lưu-luyến trên mạng khẩu-cái sau vòm hầu. Cảm-giác ấy rồi sẽ lui sâu vào tiềm-thức đợi giờ ôn lại. Mà chỉ mùi hương cốm lẩn trong tấm lá sen héo mềm kia mới đủ biểu-hiện thành lời.

Mốt giáo-dục trong thời Pháp-thuộc khá là nhập nhằng. Dân bản-xứ được nhồi morale hơi kỹ về ý-niệm thanh-cảnh, chỉ ăn để mà sống, chứ không phải sống để mà ăn đến bội-thực16 như kẻ thực-dân. Người ta có thể liên-tưởng đến sự sành điệu một cách thanh-lịch khi bàn về phong-cách hưởng-thụ của dân Pháp; thế nhưng cứ thử giở gói cốm Vòng mọn ra mà xem mới hay lối ăn quà của các cụ ta cũng đã lên hàng nghệ-thuật từ thuở tám hoánh nào rồi... Khổ thân cho Tây, có rỏ dãi cũng chẳng mấy đời ngộ được sức quyến-rũ của quả chuối tiêu theo thói quen thưởng-thức món cốm nhạt tại nước non mình. Ngày ấy bên chính-quốc làm gì sẵn chuối nếu các chuyến tầu rời thuộc-địa vẫn biền biệt chưa cập bến nhà. Của quý thành ra phải hưởng cho đáng đồng tiền bát gạo, họ bèn cầu kỳ kén loại phó-mát17 ngậy nhất chợ dành cho bữa đét-xe. Bóc toẹt quả chuối chưa kịp chín tử-tế, cha con kiểu cách xắn nĩa vào từng miếng chuối sượng, rồi từng mảnh phó-mát, cứ thế mà nhem nhẻm nhá chả sót miếng nào.


• • •


“... Vài tiếng dế nguyệt soi trước ốc18,
“Một hàng tiêu gió thốc ngoài hiên...
(Chinh-Phụ Ngâm)

Tiêu, nghĩa chữ là cây chuối các loại, cũng là tên thường gọi của thứ quả dài thoòng mà người và khỉ cùng ưa. Chuối tiêu còn được gọi là chuối già hương (i.e., quả chín thơm lừng. Không thơm ai lại chế ra dầu chuối để hít hà ăn với thạch đen?), hoặc chuối già (chắc tại lớp quả phía dưới nải cong vồng như sống lưng già một đời gồng gánh không ngơi), gồm vô số giống tương-cận mọc rải rác khắp vùng mưa nhiệt-đới; với mầu da quả chín chuyển từ xanh phơn phớt đến ửng vàng ở xứ ta, hoặc vàng loẹt tại nơi khác.

Sau thiên-chức kết buồng nuôi cho nải đủ sức chín đồng thời san nhựa kèm cho cây con nẩy bên gốc tự-lực cánh-sinh, là lúc chuối mẹ hết còn muốn nấn ná thêm chuỗi ngày mưa gió đẩy đưa trên dương-trần. Người theo đạo thánh xem đấy là đức tiết-liệt của đấng mẹ hiền cho nên thường cung-kính thượng từng nải chín nứt lên bàn thờ ông vải; nghịch hẳn quan-niệm ‎tối-kỵ cúng kiến loại chuối này tại một số vùng đồng-bằng Nam Việt. Quan-niệm vừa đề-cập được giải-thích hết sức dễ hiểu rằng, bị vì tiếng chuối phát-âm ra là “chúi”, cũng như kêu chậu quất kiểng là “tắc”, thành thử bầy đặt chưng Tết ba cái đồ nợ này sao bảnh bằng mâm ngũ quả cao vòi vọi nào là mãng cầu (na), dừa, đù đủ, xoài, sung v.v... Trong bao cảnh đời quanh năm không khấm khá, âm nói trại “cầu - d(v)ừa - đủ - x(o)ài - sung (sướng)” quả-nhiên đong đầy lòng hằng mong hai chữ bình-an nhỏ nhoi đến với mình.

Tâm-hồn dân ta phong-phú thế thì thôi, tượng-thanh đã đành là vậy, lại còn cả tượng-hình nữa cơ... Kể cũng lạ ra phết. Quả chuối tiêu cong cong thườn thượt có gì kỳ mà bà khách vấn khăn vành dây ấy phải lừ mắt nguý‎t cô con một cái nên thân trước khi se sẽ hé môi –như chả bao giờ muốn người gần bàn nghe lỏm– “Con gái con lứa rõ hay chửa? Gì thì cũng phải đàng hoàng bẻ đôi nó ra rồi hẵng ngoạm chứ!” Có kẻ đa-sự chép miệng than rằng đạo Nho chúa thằn lằn là giữ kẽ, lúc nào cũng cứ lo tội công-xúc tu-sỉ ám vào thân đến nơi không bằng! Hình như bóc tô hô cái quả dài thưỡn kia ra rồi cứ nguyên thế mà tọng vào mồm dưới mắt hiền-nhân là bậy ghê lắm hay sao ấy. Mới hay cháu con chỉ được cái nết hớ hênh, đời nào mà biết ngượng giống các cụ!

Lại còn vô khối niềm tin mâu-thuẫn khác về thứ trái cây dễ nuốt này, tỷ như kiêng không cho bệnh-nhân dây vào nó. Người lớn đã phán rằng, một là tính chuối âm-hàn độc-địa, sơi vào thời xót ruột ể mình, chỉ tổ đau oặt thêm chứ báu bổ gì cho cam! Siêu-hình hơn nữa, nhằm kẻ ốm dở mà xách chuối đi biếu quá bằng trù ẻo họ chóng chết toi; bởi đấy chính là đồ cúng ba hồn chín vía người qua đời không sai một ly ông cụ!

Đến khi vỏ chuối bắt đầu lốm đốm những điểm thâm nâu như trứng con cuốc-cuốc (chim cuốc19), cũng là lúc thân quả săn mềm sẵn sàng lìa cuống sau cái rứt nhẹ, mới là thời-điểm nhẩn nha ta ngồi ta nhấm nháp. Để tận-hưởng thú thanh-tao bên chén chè mạn sen (chung trà) nghi ngút hương đưa khi bầy ra cốm mới, nhất định không thể vắng nải chuối tiêu rấm trứng cuốc được. Này em, hẵng kheo khéo mở gói lá sen chẳng kẻo cốm vãi vung mà hoài của giời! Đã đến lúc dí móng tay cùn khẽ bấm vào bụng quả bẻ ra làm hai trước khi cắn ngập chân răng dần từng nửa một. Dùng năm quân dón cốm tự-nhiên như người Ấn-Độ bốc cơm có cái hay riêng của nó; thế nhưng xô bồ chọc bừa miếng chuối cắn dở lên cốm cho dính đẫy hạt, như trẻ chấm chuối vào bột Cam-Tích-Tán20 mà ăn thì chẳng còn ra cái kiểu gì…

Kịp lúc vị ngọt hương thơm của miếng chuối chín muồi vừa tráng khắp đáy lưỡi vòm hầu, là vừa lúc ta lùa tuốt dúm cốm ngạt ngào vào miệng. Thế là toàn-phần hương chuối, hương sen, hương cốm vần vũ quyện theo nhau bốc lên đến tuyệt-đỉnh thần-hồn...

Ôi hạnh-phúc xiết bao, chút cảm-giác phù-du đến rồi đi qua cái biết không sâu xa gì cho lắm!


• • •


Ghi Chú


1. Tương ớt đỏ chót (không pha tỏi) của người Tầu. Là gia-vị lâu đời nhất cho bát phở bò ngoài Bắc.

2. Theo bài thơ nhan-đề “Paris Có Gì Lạ” của thi-sĩ Nguyên-Sa.

3. Bầu phấn nhị đực hoa sen.

4. Mầm xanh lá cây giữa hai nửa hạt sen già. Còn gọi là “tim sen”. Có vị đắng chết đi được.

5. Ứa nước bọt khi hình-dung ra miếng ăn đầy vị kích-thích, nhất là chất chua. Cả đạo quân trong Tam-Quốc-Chí đã đỡ hẳn khát –một cách biểu-kiến– vì chủ tướng bịa ra rằng họ đang tiến gần rừng mơ (quả apricot).

6. Thói dấu nghề truyền đời theo phụ-hệ như bên Tầu, không kể đàn bà con gái vào đâu vì đấy là “nữ-nhân ngoại-tộc”.

7. Giống cái mẹt thật to với thành cao, để chứa ngũ-cốc thu-hoạch trong vụ mùa.

8. Rang lửa nhỏ, đảo đều tay đũa để thức ăn chín khô không bị cháy khét.

9. Dùng nông-cụ đan bằng tre để rây.

• Sàng, là rây lúa vừa giã (hoặc xay) xong qua cái “sàng” –loại mẹt có nan thưa– để gạo (còn vỏ cám) cùng tấm và vụn cám lọt xuống. Lúa còn sót lẫn trấu trên sàng sau đấy được sẩy, giã, rồi tiếp tục sàng sẩy cho đến kỳ hết...

* Trong trường-hợp cốm, thì cám sẽ lọt xuống. Hạt cốm lẫn lúa nếp rang chưa long vỏ (bong, hay tróc ra) và trấu sau đấy được sẩy, giã tái hồi nhiều bận để hoàn-thành mẻ cốm.

• Giần, là rây gạo (vừa được giã thêm cho bong hẳn cám ra) qua cái “giần” –giống sàng nhưng lỗ nhỏ hơn– để tấm, cám lọt xuống, và hạt gạo nguyên được gạn lại. Trong lúc giần manh mụn vỏ lúa còn sót từ từ dâng lên, rồi theo chiều hướng-tâm tụ tròn giữa bề mặt gạo, để rồi chốc chốc lại được hớt bỏ (Phải quen tay mới làm thạo việc này).

10. Loại mẹt rộng mênh mang để hấng các cái từ sàng hay giần rơi xuống.

11. Dẻo đều.

12. Hấp chín bằng hơi nước.

13. Hay “xu-xê”. Vốn gọi là bánh “phu-thê”.

14. Là lệ đằng trai nộp lễ-vật cho nhà gái vào mỗi dịp tết nhất trong thời-gian chưa thành-hôn. Theo tục tảo-hôn ngày trước, nhiều bậc cha mẹ đành rứt ruột gả con gái lớn khôn cho trẻ ranh mới nứt mắt để gán nợ; khiến con mình thiếu điều làm con ở hơn là dâu nhà người. Trong khi ấy cũng có chỗ thiết tha muốn cưới vợ cho thằng cu con còn quẩn bên váy mẹ, nhưng phải cái thông-gia tương-lai tham quá, cứ om con gái họ lây lất tại gia không khứng cho sớm rước đi. Lắm khi sêu-tết cứ thế kéo dài hàng năm ấy năm khác, thấm thoắt thoi đưa đến hồi chú rể râu ria lún phún hết cả thò lò mũi xanh mà vẫn chưa thấy vợ đâu.

15. Phần đài cuống gắn vào quả hồng. Sẽ rời ra khi quả chín nẫu.

16. Thần khẩu hại xác phàm. Nhân ngon miệng ăn uống tì tì quá sức chứa của dạ dầy; khiến bụng đau anh ách, rồi nôn thốc nôn tháo cả ra!

17. Là “fromage”, theo Pháp, mà trong Nam kêu là “phô-mai”.

18. Tiếng Hán quốc-ngữ hóa, có nghĩa là nhà ở.

19. Chuối “châm kim” hay “thâm kim”, theo tiếng Nam.

20. Cam là tiếng dân Bắc Việt dùng không rõ ràng về số bệnh tình nhi-đồng. Vài thí dụ như: Máu Cam là đổ máu mũi lành tính với tỷ-lệ nhiều hơn ở trẻ gái, thường tự-nhiên hết sau tuổi dậy-thì. Cam Răng hay là sưng lợi ứa máu chân răng vì tội thiếu sinh tố C. Cam Ám-Mục là đau mắt bạo-phát làm mắt nhắm díp lại vì mí sưng húp cả lên. Cam Tẩu-Mã, là chứng loét hoại-tử màng nhầy đáng kể ở miệng con nhà đói ăn và suy-nhược lâu ngày. Trăm dâu được đổ lên đầu loại trực-trùng phềnh bụng đồng-đảng với đám xoắn trùng lảng vảng trong vùng răng họng thiếu vệ-sinh. Bệnh cấp-tính ăn lan mau như ngựa chạy; có thể chóng vánh hủy-hoại mô mềm và xương mặt, làm trơ hốc mũi lợi răng một cách kinh-hoàng vào độ trước. Cam Tích ở các em bụng ỏng phưỡn ra, thường là bởi ngây thơ nuôi báo cô cả nút giun đũa trong ấy. “Cam-Tích-Tán” là thứ bột trắng thơm ngọt bán ở hiệu thuốc Bắc cho trẻ chấm chuối ăn để đuổi cổ lũ của nợ ấy đi.

Cũng như Cam, Ban là từ-ngữ rất đại-khái mà người miền Nam ta hay nói về những trường-hợp nổi mẩn trên da, có khi sốt khi không. Ban Đỏ là lên sởi không sai. Ban Trắng là tại “mùa nực mặc áo bông”, kẻ ốm được ủ kỹ quá làm biểu-bì dộp lên những nốt mọng nước, từ lấm chấm đến phồng to hơn. Ban Cua là bệnh sốt thương-hàn vào thủa chưa có tyfomycine (chloramphenicol), trong giai đoạn da nổi ửng tựa hình con cua đồng dưới mắt bác nông-phu. Ban ở giai đoạn nhì của cái tội Giang-Mai thiếu “bi” (bi-penicilline) được miêu-tả nên thơ như rải rác cánh đào hồng phớt bám lên mình gã tình-si ─Sinh vừa choàng tỉnh mộng Liêu-Trai sau khi (cởi trần?) lăn lưng đánh giấc ngủ vùi trên thảm hoa rơi rơi dưới cội xuân đào─ Chỉ có tiếng Ban Khỉ là nghe vô-duyên chẳng ăn nhập vào đâu. Ấy là tình-trạng bệnh kinh-niên, hoặc giả ốm đói quá khiến thân-thể quắt quằn quặt như con bú dù.

Tiếng Phong còn được dùng lung tung hơn thế nữa, cho dù cũng đá gà đến da dẻ. Quen tai nhất là Phong Ngứa, là chứng ngứa do nhiễm trùng, nhiễm nấm, do phản-ứng miễn-nhiễm từ hạt máu trắng, hoặc là dị-ứng hay mẫn-cảm với của lạ ăn vào làm nổi mề-đay. Phong Cùi (hủi), còn gọi là phong, phong đơn, hay bệnh phung. Chắc tại người mình có máu kỵ húy nên mới gọi chệch bệnh đó ra làm vậy. “Phong” nghe kêu như thế dễ gì không là tên cúng cơm của vị chúa hét ra lửa ngày xưa nào đó… Cứ hở ra là Phong này Phong nọ dám bị chém bỏ đời có ngày!

Còn có thể kể thêm Phong Tình, là một số bệnh nghiệt về đường sinh dục do quen thói lang chạ giang hồ. Kinh Phong là bệnh động kinh, cũng như Phong Đòn Ghính (Gánh), bao gồm những cơn co giật toàn thân, đốt mất thật nhiều dưỡng-khí dành cho khối óc. Người Bắc gọi chứng phong vừa nói là Sài Uốn Ván. Riêng tiếp-đầu-ngữ Sài, đứng một mình một cách mơ hồ, thì lại có nghĩa là tình trạng chốc lở dây dưa trên đầu trẻ, và bá chứng lâu ngày đưa đến tình-trạng èo uột tại những em may còn sống sót.

Đáng gờm còn phải nói đến bi-kịch Thượng-Mã Phong. Danh nghĩa thể-thao này là hệ-lụy chí tử của cuộc ân ái định-mệnh dành cho người đàn ông không may cưu mang con tim bệnh hoạn chìm đắm trong tùng thần-kinh giao-cảm bén nhậy hơn người. “Nhi-nữ tình-trường, anh-hùng khí đoản”, bất hạnh xẩy ra vào lúc lửa lòng trai đang bốc khói. Chàng đà trúng “phong”, nghĩa là chết đứng con tim ngay giữa trận tiền khi hì hục “thượng” lên đóa yêu đào trong trạng-thái vừa căng vừa cuống quýt tít mù!

Căn-cứ vào dăm nghìn năm từng trải chuyện giăng hoa của người Tầu, yếu-điểm cấp-cứu tai-biến này được ấn-định tại cái huyệt ngoài da có thể mò bằng đầu ngón tay trỏ về phía đằng sau hậu-môn nạn-nhân ─ngay trước đầu đốt xương sống cùng─ Vừa thấy tình-lang ngáp ngáp trợn trắng dã mắt trong pha cụp lạc, nàng Trung-Hoa dầy kinh-nghiệm tự kiếp nào chợt hiểu ngay sự tình và tức thời xuất-thủ. Nghiêng đầu nàng rút phắt chiếc trâm bất ly-thân từ búi tóc mây, chọc đánh sựt đầu nhọn vào phần mềm vừa tả. Thế là gỡ ngay lại được đời quân-tử (?) Chân giá-trị của phát châm cải tử hoàn sinh so với mũi epinephrine xuyên thấu buồng tim có lẽ cao hơn; bởi thời-gian tính của động-tác cấp cứu với đôi tay trần thông qua giai-đoạn lò mò tìm thuốc trong bóng tối. Vả lại, cho đến nay có chăng là cái bao cao-su dằn túi, chứ ai lại đi giắt sẵn ống tiêm lộn ngược lên mang tai phòng hữu sự khi hành-lạc bao giờ?

Từ-ngữ Phong Long càng bội phần trừu-tượng nếu không tính là dị-đoan. Hoàn-cảnh áp-dụng dễ khịến người ta mang máng tưởng như có gì bất-lợi ám-ảnh hơn là hình-dung ra thứ bệnh mà da người tựa da con rồng:

• “Bà chủ tiệm bên kia đường làm gì mà cứ lăng xăng như thầy cúng, vừa đốt vừa vẩy nắm giấy văng tùm lum tàn ra vậy?” Ấy là bả đang rủa xả thằng cha mắc dịch, coi đồ cho đã mà không chịu mua giùm lấy một cắc mở hàng. “Phải đốt phong long xua sạch cái vía ác ôn của chả đi không thì chỉ có nước ế luôn tới tối!”

• Sau tuần trăng ở cữ mẹ em được bà ngoại âu yếm dắt tay đảo qua một vòng chợ mua này mua kia, là để đổ phong long; cốt cho mọi xú uế và điều gở xuất khỏi thân gái đẻ vào chốn ông đi qua bà đi lại, hầu nuôi cho bé mình hay ăn chóng lớn...



• • •
Về Đầu Trang Go down
https://thntsaigon.forumvi.com
 
Hương Ký-Ức
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» hương ký ức
» Hình Ảnh Việt Nam Quê Hương Tôi
» Vương vấn mùi hương
» Xin hãy góp lời cầu nguyện cho Quê Hương VN
» Chiếc Nón Quê Hương

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon  :: ĐỀ TÀI :: Văn Hóa, Nghệ Thuật :: Văn-
Chuyển đến