Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon

Diễn Đàn của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Trung Học Nguyễn Trãi Saigon
 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Latest imagesLatest images  Tìm kiếmTìm kiếm  Đăng kýĐăng ký  Đăng NhậpĐăng Nhập  
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Keywords
VNCH hoang bich nguyet Nguyen chuyen quynh nhac Chung truyện quang phải Nhung linh Saigon quan chẳng không chất trong Trung quốc sáng thuoc ngam ngắn
Latest topics
» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Tản mạn: Khóc đi em, khóc nữa đi em... Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:38 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Tản mạn: Khóc đi em, khóc nữa đi em... Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» "Chinh Phụ Ngâm & Vườn hoa Thơ Nhạc Lạc Hồng"
Tản mạn: Khóc đi em, khóc nữa đi em... Icon_minitimeThu Apr 04, 2024 12:09 am by Admin

» qua đi thôi bão nổi
Tản mạn: Khóc đi em, khóc nữa đi em... Icon_minitimeSat Mar 11, 2023 3:11 am by Admin

» Cụ Hoang Xuân Hãn
Tản mạn: Khóc đi em, khóc nữa đi em... Icon_minitimeSun May 08, 2022 10:37 pm by Admin

» Giáo dục VNCH - Giáo dục con đường khai phóng
Tản mạn: Khóc đi em, khóc nữa đi em... Icon_minitimeMon Jan 10, 2022 4:06 am by Admin

» Suy tư về kiếp người - Về Cùng Cát Bụi
Tản mạn: Khóc đi em, khóc nữa đi em... Icon_minitimeSun Jan 09, 2022 4:25 am by Admin

» AI ĐÃ HẠ GỤC CHỦ NGHĨA CỘNG SẢN?
Tản mạn: Khóc đi em, khóc nữa đi em... Icon_minitimeSat Jan 08, 2022 2:41 am by Admin

» NHẠC THIỀN - Cõi Thiền trong Âm Nhạc
Tản mạn: Khóc đi em, khóc nữa đi em... Icon_minitimeThu Jan 06, 2022 4:11 am by Admin

April 2024
MonTueWedThuFriSatSun
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930     
CalendarCalendar
Affiliates
free forum

Affiliates
free forum


 

 Tản mạn: Khóc đi em, khóc nữa đi em...

Go down 
Tác giảThông điệp
P-C
Khách viếng thăm




Tản mạn: Khóc đi em, khóc nữa đi em... Empty
Bài gửiTiêu đề: Tản mạn: Khóc đi em, khóc nữa đi em...   Tản mạn: Khóc đi em, khóc nữa đi em... Icon_minitimeThu Aug 01, 2013 12:11 am


Tản mạn: Khóc đi em, khóc nữa đi em...


Tản mạn: Khóc đi em, khóc nữa đi em... Tear-jerker


Nguyenvantuan - Nói đến khóc làm tôi nhớ tới một kỉ niệm lúc mới sang Úc định cư vào đầu năm 1982. Lúc bấy giờ, ông Malcolm Fraser, đương kim thủ tướng, bị thất cử; ông xuất hiện trên ti vi để tuyên bố từ chức và cám ơn những cảm tình viên, những người đã ủng hộ ông. Nói một lúc, đột nhiên, ông ta vừa khóc [ra nước mắt hẳn hoi], vừa than một câu mà sau này thành mẩu quảng cáo của nhiều công ty, "Life isn't meant to be easy." (Tất nhiên, lúc đó thì tôi chẳng hiểu câu đó có nghĩa là gì cả). Tuy nhiên, vì đã quen với quan niệm nam nhi chi trí, nên hình ảnh của một vị nguyên thủ quốc gia khóc trên ti vi quả là quá mới lạ đối với tôi. Từ đó, tôi đã có chủ tâm tìm hiểu tại sao một "người hùng" như thế mà lại rơi nước mắt.

Do đó, tôi rất thích tìm hiểu những gì có liên quan tới tâm lí - y học. Trước đây, khi được hỏi có muốn làm chuyên gia phản biện cho một bài báo có tựa đề là "Human tears and psycho-physiological therapeutic values," tôi không thể nào từ chối được. Thật ra, chỉ phản biện phần phương pháp luận thôi, nhưng chủ đích của tôi là muốn học xem họ làm nghiên cứu ra sao. Qua việc làm này, tôi mới biết được khóc và nước mắt là một đề tài nghiên cứu khá qui mô trong giới chuyên về tâm lí học và dĩ nhiên là giới nhãn khoa. Nhưng theo tôi, giới tâm lí học có nhiều ý tưởng hấp dẫn, hay và lạ hơn giới nhãn khoa. Vả lại, những gì giới tâm lí học nghiên cứu và suy nghĩ có vẻ gần gũi và tình cảm hơn giới làm khoa học thuần túy. Đọc xong những bài nghiên cứu về khóc và nước mắt, tôi có ý định tóm gọn vài ý chính để nhớ, và bài tản mạn này là cái tóm lược đó.

Nói đến khóc là phải đề cập đến sản phẩm của nó: nước mắt. Nhưng cần phải phân biệt hai loại nước mắt mà tôi tạm đặt tên là "trần lệ" và "cảm lệ." Trần lệ là loại nước mắt tiết ra do sự phơi nhiễm bụi bặm hay các vi vật (tiếng Anh gọi là reflective tears). Cảm lệ là loại nước mắt tiết ra do tác động bởi cảm tính (emotional tears). Giới nhãn khoa thường nghiên cứu trần lệ, trong khi đó cảm lệ là đối tượng nghiên cứu của giới tâm lí học.

Trong bài này, tôi chỉ bàn về cảm lệ. Nhưng nói nước mắt là đề tài riêng biệt của hai giới khoa học trên thì cũng không hẳn đúng. Đã từ lâu, nước mắt là một đối tượng và thậm chí một công cụ của các nghệ sĩ. Đối với phần đông giới văn nghệ sĩ, khóc là một biểu hiện của phiền muộn, đau khổ, cho nên dùng nước mắt để thêm mắm thêm muối vào văn chương là một biệt tài của các văn sĩ. Hầu như trong bất cứ cuốn tiểu thuyết nào, nhà văn luôn luôn cho một nhân vật (thường là nữ) khóc để làm cho câu chuyện thêm lâm li bi đát. Muốn cho câu chuyện tăng tính cải lương, tác giả còn thêm vào cái môi trường chung quanh cho u sầu chút, chẳng hạn như cho nhân vật đó phải khóc trong một đêm mưa gió bão bùng (kiểu "một đêm vừa gió lại vừa mưa"), hay vào mùa thu, làm như trời đất cũng thống khổ với nỗi niềm của nhân vật.

Không chỉ văn sĩ mà thi sĩ cũng ưa nước mắt. Thật vậy, nói đến khóc và nước mắt mà không đề cập tới thi thơ là một thiếu sót lớn. Mặc dù quan niệm khóc là biểu hiện của buồn bã, các thi sĩ lại thấy nước mắt là những "giọt châu lã chã", là "nước mắt ngà." Có lẽ do nhận thấy được cái hư ảo, cảm được cái vô lương và nghe được sự yên lặng của vô thủy, vô chung, cho nên các thi sĩ có vẻ mộng mơ hơn các văn sĩ nhiều, họ ví von [và phong phú hóa] nước mắt bằng đủ thứ mĩ từ cao sang, đẹp đẽ để cho người đọc cảm thấy khóc và nước mắt không hẳn là biểu hiện của buồn khổ, mà là một biểu tượng lãng mạn, là một phương tiện giải tỏa những bức xúc của tâm hồn.

Nhiều khi chữ nghĩa không có tác động mạnh mẽ bằng hình ảnh. Thành ra, để cho bức họa thêm phần mĩ cảm, các họa sĩ bèn chấm phết cho người trong những bức họa (thường là một cô gái gầy gò một cách… bệnh hoạn) một giọt lệ hay làm cho mắt nàng ngấn lệ. Người xem tranh cũng thấy ít nhiều xốn xang. Để sinh động hóa những bức họa này, các nhà đạo diễn phim tận dụng cái khóc và nước mắt còn hơn các họa sĩ để làm cho tác phẩm của họ gần gũi với quần chúng hơn. Tôi đã chứng kiến nhiều khán giả, nhất là phái nữ, khóc sướt mướt theo diễn viên khi xem những phim tình cảm như Cuốn Theo Chiều Gió (Gone with the wind) và Con Chim Gai (The Thorn Bird.) Nước mắt có công hiệu làm cho người diễn viên và khán giả gần gũi và cảm thông nhau hơn.

Nước mắt cũng có thể thể hiện qua âm thanh. Do đó, trong nhạc cũng có vô số những bài ca viết về khóc và nước mắt. Từ đơn giản Nước mắt rơi, người ta còn tả Nước mắt mùa thu (lại mùa thu!). Có lẽ vì thương quá Việt Nam như nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ, nên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết bài Nước mắt cho quê hương; nhạc sĩ Từ Công Phụng cũng để lại cho đời những Giọt lệ cho ngàn sau; nhạc sĩ Đức Huy thì nhớ nhà đến nỗi phải Khóc một dòng sông khi xa quê, xa Sài Gòn, v.v. Kể không hết được. Nhưng hình như giới nhạc sĩ có cái nhìn về nước mắt thực tiễn hơn các đồng nghiệp nghê sĩ khác. Với họ, khóc là một biểu hiện của một sự buồn đau, nhưng khóc và nước mắt cũng là một phương cách giải tỏa những nỗi đau buồn thầm kín, những mất mát của một cuộc tình. Trong một bài không tên, nhạc sĩ Vũ Thành An viết Khóc cho quên đi những nhục hình. Và cũng trong ý nghĩ đó, một bài nhạc xưa lắm rồi [mà tôi đã quên tên] có đoạn:
                       
Khóc đi em, khóc nữa đi em                      
Khóc để rồi quên một cuộc tình buồn.

Đại khái như thế. Nhưng ngày xưa, lúc chưa biết gì, tôi ngạc nhiên lắm, và nghĩ là ông nhạc sĩ này thật là kì cục, đã không chịu vỗ về "nàng" đang khóc mà còn bảo là cứ khóc, khóc nữa đi. Ngày nay, đã lớn lên chút và có dịp học hỏi vài điều về nước mắt tôi mới thấy lời nhạc trên đây cũng có lí lắm. Khóc có giá trị trị liệu tâm sinh lí, chứ không hẳn chỉ để vơi nỗi buồn hay thất tình.

Tiếng khóc dĩ nhiên là âm thanh đầu tiên khi ta mới chào đời. Có lẽ vì hiện tượng này mà có nhà thơ đã ám chỉ đau khổ bắt đầu ngay từ lúc ta mới sinh ra:
                      
Thảo nào khi mới chôn nhau                       
Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra!

Thực ra, trong đầu thế kỉ này, có nhiều ý kiến trong giới y khoa cho rằng trẻ em sơ sinh có khóc nhưng nước tiết ra ở mắt không phải là cảm lệ. Tuy nhiên, trong một bài báo nghiên cứu quan trọng công bố trên tập san danh tiếng Journal of the American Medical Association (JAMA) năm 1964, hai tác giả Apt và Cullen đã chứng minh rằng trẻ em khóc ra nước mắt ngay từ lúc mới sinh. Thực vậy, khóc còn là một ngôn ngữ của trẻ em chưa biết nói. Đối với trẻ em, trong khi chưa nói được, khóc luôn luôn là một phương tiện liên lạc và thông tin có tác động mạnh mẽ nhất. Cha mẹ nào mà chẳng phải khốn đốn, lo chạy có cờ mỗi khi nghe con mình khóc. Theo các nhà nghiên cứu tâm lý, những thay đổi về cường độ, tiết tấu, thời gian khóc, lưu lượng nước mắt, và âm thanh khi trẻ em khóc đều mang nhiều ý nghĩa và yêu cầu khác nhau. Theo một nhà sinh lí học, trẻ em khóc vì đói khát có cường độ khóc khác với trẻ em khóc vì đau đớn cơ thể. 

Đối với phụ nữ, nước mắt vẫn là một vũ khí cực kì lợi hại, vừa bảo vệ mình vừa có tính thuyết phục giới đàn ông vô cùng công hiệu. Đấng trượng phu nào mà chẳng xiêu lòng, và có khi còn quì gối ôm tay nàng như thần dân trước công chúa mỗi khi mĩ nhân rơi lệ. Mà, thực vậy, ngay cả những đàn ông có quyền thế, ngay cả các anh hùng hảo hán hét ra lửa, mửa ra khói, có trái tim sắt đá cỡ nào đi nữa, cũng phải cúi đầu trước nước mắt của đàn bà phụ nữ, cho dù là nước mắt của kẻ thù! Nhiều câu truyện cổ tích lịch sử đã cho thấy nước mắt phụ nữ có thể làm đảo điên chế độ, thay đổi vận mệnh quốc gia như bỡn!

Về khóc, xã hội Đông Tây nói chung có thành kiến với đàn ông con trai, và cảm tình với phái yếu. Cái khóc của đàn bà con gái thường được đề cập tới bằng những ngôn từ có tính hoa mĩ, thông cảm, nhẹ nhàng như "nhõng nhẽo," "tội nghiệp," "nũng nịu," "dễ thương," v.v. Nhưng đàn ông con trai mà rơi lệ thì lại mang những nhãn hiệu có tính cách chê bai, mỉa mai như "mít ướt," "yếu lòng," "đàn bà tính"... làm như khóc là một đặc tính của giới nữ không bằng! Thực ra, đàn ông cũng thỉnh thoảng khóc như mưa, nhưng rất ít. Tôi cho rằng cái thành kiến này đã cướp đi cái nguồn an ủi lớn nhất của đàn ông con trai, và biết đâu cũng là một trong những nguyên nhân làm cho họ, vốn được coi là phái mạnh, chết sớm hơn phái nữ, luôn được coi là phái yếu.

Ai cũng biết khóc là một đặc tính (trait) của con người. Thực ra, khóc là một trong những đặc điểm làm cho con người khác với thú vật vốn không biết khóc. Nhưng câu hỏi đầu tiên mà tôi nghĩ ai cũng muốn được trả lời là tại sao người ta khóc, và cái gì trong cơ thể con người sản xuất ra nước mắt. Các nhà tâm lí học giải thích rằng mỗi khi bị kích thích bởi nỗi sầu khổ, buồn nãn, chán chường, tuyệt vọng, giận dỗi, hay nỗi vui mừng, hân hoan cực độ, quá khả năng chịu đựng của cơ năng, cơ thể con người bèn đáp ứng với những tình thế căng thẳng này bằng cách giải thoát sinh lực. Khóc là một hình thức giải thoát này. Nguyễn Bính chẳ từng viết Đêm qua nàng đã chết rồi / nghẹn ngào tôi khóc... Quả tôi yêu nàng là gì? Một giải thích khác có vẻ trừu tượng hơn rằng khi hệ thống nội hằng định (homeostasis) trong cơ thể bị mất cân bằng do xúc động, và trong lúc quá độ này, cơ năng không đáp ứng kịp thời bằng lời nói hay suy nghĩ, khóc làm cho hệ thống này cân bằng lại. Nói tóm lại, sự phiền muộn, vui mừng hay căng thẳng là một tín hiệu của cơ thể báo cho con người biết rằng "Hey, có vấn đề," và con người cần phải giải quyết vấn đề này. Khóc là một trong những phương cách giải quyết vấn đề. Thật là kì diệu khi cơ thể con người có một bộ máy giải mã tự động như thế!

Quá trình khóc chảy nước mắt (tiếng Anh gọi là lacrimation) cũng rất ư là lí thú. Hệ thần kinh chi phối quá trình chảy nước mắt. Như ai cũng biết, thần kinh sọ của con người có 12 đôi thần kinh phát xuất từ não (đôi số I kiểm soát khứu giác; II thị giác; III vận động nhãn; IV cảm động; V sinh ba; VI vận nhãn; VII mặt; VIII sọ não; IX thiệt hầu; X phế vị; XI tủy sống; và XII hạ thiệt). Đôi dây số V và VII là bộ máy điều khiển lưu lượng và thời gian khóc của con người. Sợi thần kinh của đôi dây thần kinh số VII được cấu tạo từ nhân lệ (lacrimal nucleus). Do đó, khi được "lệnh" từ hệ thần kinh, cùng một lúc, dây thần kinh số VII liền sản xuất nước mắt, và dây số V làm ra lệnh tiếp cho các cơ bắp trên khuôn mặt vận động làm thay đổi một cách rất ư là nhanh chóng và thê thảm. Sau khi tuyến lệ tiết ra nước mắt; nước mắt chảy đi qua các lỗ nhỏ (điểm lệ) ở góc mắt phía trong vào hai ống lệ. Từ đó, nước mắt sẽ chảy vào xoang mũi qua túi lệ (lacrimal) và ống mũi lệ (nasolacrimal duct). Và cuối cùng là... khóc.

Tiếng Việt ta có thành ngữ "nước mắt cá sấu" để chỉ những kẻ lòng dạ thiếu thành thật. Nhưng tôi thì lại chú ý cái hiện tượng lạ là con cá sấu, sau khi nuốt chửng con mồi, khóe mắt nó lại tuôn chảy nước mắt. Nó khóc cho số phận con mồi không may mắn hay là sung sướng vì đã no bụng? Chưa ai biết được lý do sinh học đằng sau cái hiện tượng kỳ lạ này, nhưng có nghiên cứu cho thấy quá trình "khóc" của cá sấu khác với con người. Theo một nghiên cứu duy nhất công bố cách đây 37 năm thì nước mắt cá sấu là do kích thích từ nước dãi (saliva), chứ không phải do kích thích của cảm tính. Nhưng nước mắt cá sấu thường là nước mắt "đơn phương", tức là chỉ chủ yếu "khóc" có một mắt. Ngoài ra, cái khác đáng kể khác là nước mắt cá sấu được điều khiển bởi hai đôi dây thần kinh số VII và số IX. Tuy nhiên, cũng như con người, trước khi khóc, cá sấu cũng bị dây thần kinh số V làm thay đổi nét mặt.

Người ta thường hay nghĩ rằng phái nữ khóc nhiều hơn phái nam, nhưng ý nghĩ này không hoàn toàn đúng với thực tế. Theo một nghiên cứu năm 1972, ở độ tuổi còn bú sữa, trẻ em nam khóc nhiều hơn trẻ em nữ, và động cơ khóc cũng khác nhau. Trong độ tuổi này, trẻ em nam khóc thường do cảm thấy không an toàn, sợ sệt, trong khi đó động cơ làm cho trẻ em nữ khóc là đau đớn cơ thể. Nhưng khi ở độ tuổi trung và đại học thì các nàng khóc nhiều hơn, lâu hơn và cường độ mạnh hơn các chàng tới 3 lần. Khi về già, phụ nữ cũng khóc nhiều và lâu hơn đàn ông, nhưng cường độ thì không khác nhau bao nhiêu. Để giải thích cho sự khác biệt này, các nhà tâm sinh lí học đo độ estradiol và so sánh với số lần khóc và dung lượng nước mắt. Họ tìm ra rằng độ tương quan giữa oestradiol và dung lượng nước mắt cao hơn giữa oestradiol và số lần khóc. Nói cách khác, phụ nữ có nhiều hormone nữ tính này khóc nhiều hơn, và mỗi lần khóc, nước mắt cũng nhiều hơn phụ nữ có ít estradiol. Vì estradiol là một hormone chính của estrogen, nên sự khám phá trên cho thấy rằng ở mức độ lâm sàng và tâm lí, estrogen có thể chi phối đến khóc.

Thế thì câu hỏi được đặt ra là trong nước mắt có gì, có estrogen không? Trong Truyện Kiều, cụ Nguyễn Du có nhắc đến "khóc" ít nhất là 12 lần, nhưng "nước mắt" và "lệ" chỉ 7 lần. Trong các câu có những chữ này, tôi để ý nhất câu:
           
Thẩn thờ lúc tỉnh lúc mê,           
Máu theo nước mắt hồn lìa chiêm bao.

Nếu hiểu "máu" là tập hợp hormones, enzymes và hoá chất, tôi cho rằng câu thơ trên cũng thể hiện khá chính xác về sinh lí của nước mắt. Mặc dù vậy, tôi chỉ nói quá và gán ghép đấy thôi, chứ tôi vẫn nghĩ khi viết câu "Máu theo nước mắt", chắc Tiên Điền tiên sinh không có ý tưởng khoa học khoa hiếc gì đâu.

Ai cũng biết trong nước mắt có chứa lysozyme, một enzymes cũng được thấy trong nước miếng và trứng gà. Nhưng gần đây, theo phân tích của các nhà nghiên cứu y khoa, nước mắt có vài enzymes khác và nhiều thành phần hóa học nữa. Trong các enzymes, nước mắt có chứa peroxidase và amylase, những enzymes trợ giúp bộ phận tiêu hóa của cơ thể. Trong các proteins, nước mắt có immunoglobin A, lactoferrin, và albumin. Nước cũng có chứa những khoáng sản như calcium và magnesium. Quan trọng hơn là hormones; nước mắt có khá nhiều: IL-1 alpha (khoảng 11 pg/ml), IL-1 beta (13 pg/ml), IL-6 (226 pg/ml), IL-8 (731 pg/ml).

Nhưng điều lý thú là thành chất hóa chất trong "trần lệ" khác với thành chất hóa chất trong "cảm lệ". Trong cảm lệ, tức nước mắt khóc vì cảm động, có số lượng proteins cao hơn "trần lệ" (nước mắt do bụi bặm làm ngứa mắt gây ra) tới 24%. Nhưng trong trần lệ thì không thấy có hormones IL-1 beta, mà có rất ít các hormones khác như IL-1 alpha (9.3 pg/ml), IL-6 (12 pg/ml) và IL-8 (276 pg/ml.)

Những hóa chất này có ảnh hưởng gì đếm tâm sinh lí? Lysozyme là một loại "dao" (enzyme) có khả năng phá vỡ bức tường tế bào và tiêu diệt vi khuẩn. Còn Lactoferrin thì có nhiệm vụ ngăn ngừa không cho vi khuẩn tăng trưởng và phòng chống nhiễm trùng. Albumin, một protein thông dụng và có nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó có chức năng kiểm soát điều tiết nước, chuyên chở các chất bổ vào tế bào và chở các chất thảy ra khỏi tế bào. Phần đông các hormones interleukin (tức IL) có chức năng chính trong việc phòng chống viêm. Nhưng gần đây, một nhóm nghiên cứu y khoa ở trường Penn State đã phân tích lại khoảng 10 hormones thuộc nhóm IL và họ kết luận rằng những hormones này cũng là những "markers" cho sự xúc động căng thẳng và mầm mống của nhiều bệnh tật khác.

Nếu giả thuyết trên đây đúng thì nói một cách khác, trong khi khóc, cơ thể con người tự đào thải những hóa chất phiền muộn! Mà thực vậy, theo các nhà tâm lí học, về mặt tâm lí, sau khi khóc, người ta cảm thấy thoải mái hơn và có năng lực hơn để đối phó với những căng thẳng đã làm cho người ta khóc. Về hiệu quả sinh lí, khóc làm giảm nhịp tim, giảm mức độ tiêu hao oxygen, và giảm sự căng thẳng của cơ bắp. Thành ra, khóc có hiệu quả hết sức thiết thực là đem lại sự bình thường hóa của tâm sinh lí. Trong thực tế, ngày xưa trong y học cổ truyền, nước mắt được coi là một loại thuốc gây mê dân dã. Có lẽ nhận ra giá trị trị liệu này, nên trong những năm đầu thế kỷ này và ngay cả ngày nay, giới y tá thường khuyến khích bệnh nhân khóc mỗi khi đương đầu với những căn bệnh ngặt nghèo hay cần giải phẩu.

Nước mắt còn có thể là liều thuốc chữa những vết thương ngoại nữa. Hơn 50 năm về trước, có người đã chứng minh sự liên quan giữa số lần khóc và tốc độ phục hồi cơn bệnh; người hay khóc có thời gian lành bệnh thường nhanh hơn người không hay khóc. Hiệu quả này cũng được ghi nhận trong các chú chuột. Trong một thí nghiệm được công bố trên một tạp san nghiên cứu về sinh học thần kinh, một nhóm nghiên cứu bên Úc đã phát hiện ra nước mắt còn là một phương thuốc chữa những vết thương. Họ cắt một vết nhỏ trên da một nhóm chuột; sau đó trong số phân nửa nhóm chuột này, họ nhỏ vào mắt chúng một chất kích thích làm cho chúng khóc ra nước mắt, trong khi phân nửa nhóm kia không được kích thích. Kết quả cho thấy vết thương của các chú chuột "mít ướt" được lành mau hơn các chú chuột không khóc tới 12 ngày. Nhóm nghiên cứu này bèn thử nghiệm một giả thuyết đảo ngược: họ cho chất kích thích để làm cho các chú chuột khóc hết nước mắt, sau đó làm cho họ bị chút thương ngoài da. Kết quả hoàn toàn ngược lại, tức là vết thương dễ bị nhiễm trùng. Họ suy luận rằng trong nước mắt có một hormone "huyền bí" nào đó có tác dụng trị liệu các vết thương ngoài da.

Như vậy, khóc rất có lợi cho sức khỏe. Và nếu thuyết này đúng thì những ai không khóc hay cố tình ngăn dòng nước mắt phải có nhiều vấn đề sức khỏe. Quả vậy, theo nghiên cứu lâm sàng trong thập niên 70s, những người không khóc có nguy cơ bị những bệnh như loét, viêm kết tràng, nhức đầu, v.v. cao hơn những người hay khóc. Về mặt tâm lí, người không khóc cũng thường gặp trở ngại khi đối phó với các tình huống căng thẳng. Những quan sát này cũng phù hợp với nhiều nghiên cứu cho thấy những phụ nữ số kiềm hãm lại sự giận hờn có tỉ lệ bị bệnh tim cao hơn những phụ nữ cùng tuổi nhưng chịu thổ lộ ra một cách xây dựng. Một giả thuyết đáng tin cậy để giải thích cho hiện tượng này là khi người ta ở trong một môi trường gây cấn, căng thẳng, và trong khi chưa hay không hóa giải được, trung tâm thần kinh liên quan tới cảm tính dần dần bị "hư hỏng". Và khi trung tâm này bị hỏng, nó bèn gửi đi những tín hiệu sai lầm cho các cơ quan vận hành điều tiết trong cơ thể, và gây ra rối loạn trong cơ thể, tức là bệnh tật. Nếu xem khóc và nước mắt là một "marker" của sự căng thẳng tâm thần, thì có thể nói một cách khác rằng bệnh tật không những là hậu quả của những rối loạn hệ thống nội tiết trong cơ thể, mà còn bị chi phối bởi sự hệ thống tâm thần.

Nhưng trong nhiều thập niên qua, có thể nói thế giới y khoa chính thống, đặc biệt là ở phương Tây, đã tập trung quá nhiều năng lực vào việc nghiên cứu phần thể (hay "soma"), mà bỏ qua một phần khác cũng không kém phần quan trọng là phần tâm (hay "psycho") của con người.  

Ngày nay, với tiến bộ và giao lưu giữa các bộ môn nghiên cứu như nội tiết, di truyền học, tâm lí học, và cơ thể học đã làm thay đổi nhiều quan niệm về y khoa và cách chữa trị một cách có hệ thống. Sự thành công của chữa trị ngày nay không chỉ đơn thuần phản ảnh qua vài con số thống kê về tỉ lệ lành bệnh, mà còn là chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Sứ mệnh của người thầy thuốc hiện đại, do vậy, không những chỉ đơn thuần chinh phục con bệnh mà còn nâng cao sự an lành của bệnh nhân.

Có người đã cho rằng ở các nước phương Tây, những nơi mà nhà ai nấy ở và cửa đóng kín mít, con người sống trong một môi trường tương đối cô lập và thiếu cái mà tôi gọi là "human interaction", tức là sự tương tác, có qua có lại giữa con người. Mặt khác, trong mỗi con người bình thường (không phải siêu nhân) đều có một mức độ giới hạn trong sự chịu đựng những gì con người có thể cảm và nhận. Đi quá hay cố gắng đi quá mức độ giới hạn này cũng là đồng nghĩa với tự chuốc lấy đau khổ, phiền muộn. Do đó, thiếu sự "có qua có lại" không những dẫn đến tình trạng bị đè nén, bế tắc những xúc cảm mà còn gây ra bệnh tật. 

Thành thử, ngược lại với những quan niệm cổ xưa ở Á Châu ta cho nước mắt là biểu hiện của sự yếu đuối, ngày nay nước mắt được xem có nhiều công dụng hết sức thực tiễn và thiết thực. Vậy thì, mỗi khi thất tình, có chuyện buồn, hay đau đớn [cả về tâm thần lẫn thể xác] quá sức chịu đựng thì các bạn hãy bỏ ngoài tai bài nhạc Đừng khóc nghe em, mà cứ khóc, khóc thoải mái. Và nếu một ngày nào đó, người tình trên đồi cỏ non của quí vị có điều gì đó cần phải khóc, thì nhân danh sức khỏe và tình thương nhân loại, quí vị cứ thản nhiên nói:
           
Khóc đi em, khóc nữa đi em...

À quên, cũng có thể nói rằng:
           
Khóc đi anh, khóc nữa đi anh...

:-)





Tình Như Mây Khói - Khóc Nữa Đi Em

Tác giả: Lam Phương
Ca Sĩ: Đan Nguyên

Em khóc đi em, khóc nữa đi em
Khóc để rồi quên một cuộc tình buồn
Còn biết tìm ai để mà giận hờn
Đêm này gặp nhau lần cuối
Thương nhớ biết bao giờ nguôi!

Mộng đẹp đời tôi đã bay cao vời
Lời xưa âu yếm trao người
Như mây như khói tan rồi
Tựa kề vai em sầu dâng muôn lối
Để nghe ái ân xa vời
Tan nát lòng tôi!

Rồi một chiều buồn chìm trên sân ga
Con tàu về lạnh lùng
Dìu em sang bến vắng
Bao nhiêu yêu thương cũng đi qua rồi
Anh nguyện trọn một đời
Làm mây khắp phương trời

Em khóc đi em khóc nữa đi em
Khóc để rồi mai mỗi người một đường!
Tình mãi còn vương dù lệ cạn nguồn
Có ai thấu từng đêm trường
Ôm bóng mà thương
.
Về Đầu Trang Go down
MHMai
Khách viếng thăm




Tản mạn: Khóc đi em, khóc nữa đi em... Empty
Bài gửiTiêu đề: Lời yêu thương: Hãy cứ khóc đi em   Tản mạn: Khóc đi em, khóc nữa đi em... Icon_minitimeSat Aug 03, 2013 1:32 pm


Lời yêu thương: Hãy cứ khóc đi em

Sẽ thật buồn cho ai trong cuộc đời này không biết khóc là gì. Một giọt nước mắt còn lăn trên má để thấy mình còn chưa vô cảm, để thấy mình còn sống...

Tản mạn: Khóc đi em, khóc nữa đi em... 201248421-nuoc-mat-7ac5b 

Em à,

Tôi nhớ có ngày nào đó em đã nói với tôi rằng em đã rất mệt mỏi, muốn khóc nhưng không khóc được. Tôi biết, đó là lúc em đã quá đau khổ, mệt mỏi vì đã phải chịu đựng nhiều nỗi đau mà lẽ ra một người như em không đáng phải chịu.

Và tôi nhớ em từng chia sẻ với tôi rằng muốn chạy đến một nơi thật xa, chạy trốn cuộc sống, đến một nơi thật bình yên. Với tôi, mọi sự chạy trốn là hèn nhát, nhưng với em, tôi coi đó là điều hiển nhiên của suy nghĩ… Em đã khóc, trên đôi vai này, em vỡ òa như một đứa trẻ bị lạc tìm thấy mẹ. Tôi không khuyên em nín, tôi chỉ bảo em cứ khóc đi, cứ khóc đi cho nhẹ lòng, phải không em?

Ừ, cứ khóc đi em, cuộc đời này có mấy ai không phải đau khổ chứ. Khi em khóc, em có biết cũng có bao người đang khóc cùng em? Có người phải đối mặt với nỗi đau thể xác, có người phải đối mặt với nỗi đau tinh thần. Chúng ta chỉ là không nhìn thấy nhau mà thôi.

Con người sinh ra là đã phải chấp nhận rằng mình phải trải qua những hỉ, nộ, ái, ố ở đời mới được coi là sống. Đã có ai nói với em rằng đời người như đời sông. Con sông luôn chảy và không bao giờ lặng lẽ cả.

Nên hãy cứ khóc đi em. Sẽ thật buồn cho ai trong cuộc đời này không biết khóc là gì. Một giọt nước mắt còn lăn trên má để thấy mình còn chưa vô cảm, để thấy mình còn sống.


Tản mạn: Khóc đi em, khóc nữa đi em... Cadeavar-4efe3


Cứ khóc đi em, em không cần phải sợ mọi người cười em yếu đuối. Bởi em là chính em, em khóc rồi em sẽ trở lại là một con người mạnh mẽ, sẵn sàng đối mặt với những gian nan đang chờ em ở phía trước.

Cứ khóc đi em, khóc xong rồi em sẽ lại tươi cười, một nụ cười thật tươi chào mọi người rằng tôi vừa mới khóc đấy, nhưng tôi không hề sợ hãi, tôi khóc vì đó là khi tôi đang sống.

Và cứ khóc đi em, tôi cũng đang khóc cùng em đây, một điều hạnh phúc của con người chúng ta là dù khóc thì chúng ta cũng không bao giờ cô đơn, cũng luôn có người ở đâu đó khóc cùng ta phải không em.

Hôm nay cứ khóc đi cho nhẹ lòng em nhé, để ngày mai ta sẽ cười vui vẻ với cuộc đời này. Và hãy nhớ rằng, cuộc đời này không mấy ai không phải đau khổ đâu em…


(nguoivinhlinhcamranh.blogspot)

Về Đầu Trang Go down
bhtran
Khách viếng thăm




Tản mạn: Khóc đi em, khóc nữa đi em... Empty
Bài gửiTiêu đề: Giọt nước mắt kỳ diệu & [MV] Giọt Nước Mắt Ngà - Diệu Hiền    Tản mạn: Khóc đi em, khóc nữa đi em... Icon_minitimeTue Aug 06, 2013 3:25 pm


Giọt nước mắt kỳ diệu


Tản mạn: Khóc đi em, khóc nữa đi em... 1315794983_giot-nuoc-mat


Đã bao lâu rồi bạn chưa khóc? Có lẽ bạn đừng nên ngại ngần rơi lệ vì nó thực sự rất tốt cho tâm hồn và sức khỏe của bạn.

Các nhà khoa học từ lâu đã tin rằng, hoạt động khóc và cười cùng xuất phát từ một phần giống nhau của bộ não. Do đó, nếu như nụ cười mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm huyết áp, tăng cường miễn dịch... thì khóc cũng vậy. "Khóc mang lại lối thoát, giảm stress và rất tốt cho sức khỏe tinh thần", Jodi Dacula, nhà tâm lý học thần kinh đến từ Đại học Embry Riddle Aeronautical, Mỹ, cho biết. 85% phụ nữ và 73% nam giới nói rằng họ cảm thấy khá hơn sau khi khóc.

Quan trọng hơn cả việc giảm stress, nước mắt giúp con người nhận được sự chia sẻ từ người khác. Các nhà khoa học đã khẳng định rằng khi thấy ta khóc, những người xung quanh trở nên dịu dàng và bớt thù địch hơn, thậm chí còn tìm cách động viên và an ủi.

Đôi khi con người không biết mình đang rất buồn cho đến khi bật tiếng khóc. "Chúng ta biết được cảm xúc của mình qua những giọt nước mắt, và rồi chúng ta sẽ dũng cảm hơn khi đối diện với cảm xúc đó", nhà thần kinh học William Frey, Đại học Minnesota, tác giả cuốn "Bí ẩn của những giọt nước mắt", nhận định.

Khóc có thể là dấu hiệu tốt của sức khỏe. Việc kìm nén và nuốt nước mắt vào trong vì giận dữ hay bất cứ lý do gì đều có thể gây hại. Các nhà khoa học đã chỉ ra mối quan hệ giữa sự ức chế tình cảm với chứng bệnh huyết áp cao, bệnh tim và ung thư. "Chúng ta được sinh ra với bản năng biết khóc, và từ chối điều đó là tự hủy hoại cơ thể", Deluca nói. Tuy nhiên, nếu ngày nào cũng khóc thì bạn nên đi khám bác sĩ hay các chuyên gia trị liệu, vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh trầm uất.

Bác sĩ không thể kê đơn khóc bao nhiêu là đủ - điều này tùy thuộc vào di truyền, giới tính (nữ giới khóc nhiều hơn nam 4 lần) và môi trường chúng ta được nuôi dạy. Song nếu bạn muốn khóc - Đừng ngần ngại! Điều đó là hợp tự nhiên và rất có lợi cho sức khỏe của bạn.

(Theo Khoa Học & Đời Sống)



Giọt Nước Mắt Ngà - NTM - Diệu Hiền

Tản mạn: Khóc đi em, khóc nữa đi em... 7351379610_c481417b51-06d80

Em cứ khóc đã đời đi em nhé...
   
Em cứ khóc đã đời đi em nhé,
Bao buồn vui đổ lỗi tại tuổi mình.
Lòng sẽ lại tinh khôi như nắng mới,
Phía mưa mờ sẽ mọc một bình minh.

Em cứ giận đã đời đi thật đấy,
Để người ta biết lỗi, sẽ làm lành!
Nếu sống mãi cuộc đời bình lặng quá,
Thì cuộc đời chắc chắn sẽ buồn tênh.

Em cứ tiếc đã đời đi em nhé,
Tháng ngày qua dẫu đi mãi không về...
Tiếc để rồi sống hết mình hơn thế,
Xưa cũ là chốn thương mến chở che.

Nào em cứ nhớ đã đời đi em nhé,
Thật vô tâm nếu quên lãng mọi điều.
Rồi em sẽ thấy lòng mình hạnh phúc,
Bởi có nhiều kỉ niệm để yêu thương...

Và cứ khóc, cứ hờn mong, nhớ tiếc,
Những buồn vui, những xúc cảm rất người.
Hãy tin rằng có ngày mai tha thiết lắm,
Từ tim mình, hoa trái sẽ sinh sôi.

(Khuyết danh)
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content





Tản mạn: Khóc đi em, khóc nữa đi em... Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Tản mạn: Khóc đi em, khóc nữa đi em...   Tản mạn: Khóc đi em, khóc nữa đi em... Icon_minitime

Về Đầu Trang Go down
 
Tản mạn: Khóc đi em, khóc nữa đi em...
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Kêu gào, khóc và hát
» khóc tháng tư đen
» Tựa vào vai em anh nhé!
» Khóc ròng với thương lái Trung Quốc

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
Diễn Đàn Trung Học Nguyễn Trãi Saigon  :: ĐỀ TÀI :: Tản Mạn-
Chuyển đến